PDA

View Full Version : Hiệp Khách Hành - Kim Dung



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 [9] 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82

tintin27
05-30-2009, 03:57 AM
Hồi 9 - Quyết Chẳng Cam Tâm Thấy Bất Bằng


Tạ Yên Khách dù là kẻ tàn ác đến đâu, nhưng thấy gã ăn xin đối đãi với mình một cách chân thật như vậy cũng không tiện vận nội lực để hại gã.

Lão lạnh lùng nói:

-Ta vẫn mạnh khỏe như thường, có bệnh tật gì đâu ? Này ! Mi hãy coi đây ! Có phải cơn nóng của ta lui rồi không ?

Lão nói xong cầm lấy bàn tay gã ăn xin đặt lên trán mình.

Gã ăn xin sờ trán lão thấy mát lạnh, nó càng hoang mang hơn hốt hoảng la lên:

-U¨i chao ! Thiệt là nguy quá ! Lão bá bá ! Bá bá chết đến nơi rồi !

Tạ Yên Khách vừa tức giận vừa buồn cười hỏi:

-Thằng nhỏ này ! Sao mi toàn nói hươu nói vượn ? Làm sao mà mi bảo ta chết đến nơi rồi ?

Gã ăn xin đáp:

-Có một lần má máù cháu mắc bệnh. Người má má lúc nóng như lửa, lúc lại lạnh lạnh như băng. Má má cháu kêu la rầm rì: Ta chết đây! Ta chết đến nơi rồi! Ðau đớn thế này thà chết đi còn hơn! Sau quả nhiên bệnh má má cháu rất là trầm trọng, mấy lần chết hụt. Má má cháu nằm liệt giường hai tháng trời mới khỏi. Bây giờ cháu thấy lão bá bá cũng giống hệt như vậy. Người bá bá vừa nóng như than hồng mà bây giờ đã lạnh toát. Cháu e bá bá sẽ chết mất không thì phải bệnh nặng mấy tháng mới khỏi.

Tạ Yên Khách tủm tỉm cười nói:

-Ta khác, không giống má má mi đâu. Ta không bệnh tật chi cả. Mi bất tất phải lo ngại.

Gã ăn xin thấy Tạ Yên Khách bảo vậy thì không nói gì nữa, chỉ khẽ lắc đầu ra vẻ không tin.

Tạ Yên Khách cùng gã ăn xin lại đi một hồi nữa. Bây giờ đã vào lúc đúng ngọ, mặt trời nóng như thiêu như đốt.

Gã ăn xin chạy vào bên đường hái bảy tám chiếc lá cây lớn.

Tạ Yên Khách thấy vậy thì cho là gã còn tính con nít, đi hái lá để nghịch chơi nên lão cũng không hỏi gì đến.

Ngờ đâu gã ăn xin hái những lá cây đó về kết thành cái nón. Gã cầm đưa cho Tạ Yên Khách rồi nói:

-Lúc này trời nóng dữ mà bá bá đang bệnh, bá bá đội chiếc nón này lên cho đỡ nắng.

Tạ Yên Khách bị gã ăn xin làm cho dở cười dở khóc, nhưng lão cũng không nỡ từ chối tấm lòng tốt của gã. Lão cầm chiếc nón đội lên đầu.

Trời đang nóng dữ, Tạ Yên Khách đội cái nón vào rồi cũng thấy mát mẻ hơn để đầu trần.

Hai người đi chẳng mấy chốc lại tới một thị trấn nhỏ.

Gã ăn xin nói:

-Bá bá không có tiền. Không chừng bá bá sinh bệnh là vì bụng đói. Vậy bây giờ hai bác cháu mình hãy vào quán cơm ăn một bữa thật no, không chừng bá bá nhẹ bệnh đi cũng nên.

Gã nói xong dắt tay Tạ Yên Khách đi thẳng vào một quán cơm gần đó.

Từ nhỏ tới nay, gã ăn xin chưa từng vào quán cơm bao giờ, gã không biết cách gọi nhà hàng mua bán thức ăn thế nào, liền thò tay vào bọc có bao nhiêu bạc vụn cùng tiền đồng đều móc hết ra để trên bàn rồi gọi điếm tiểu nhị lại nói:

-Hai bác cháu ta muốn ăn một bữa cơm có thịt có cá. Ngươi thu lấy tiền này.

Chỗ bạc đó có tới dư ba lạng và đủ tiền làm một mâm cỗ thịnh soạn.

Ðiếm tiểu nhị cả mừng. Gã bảo nhà bếp giết gà nấu thịt hầm cá.

Chẳng bao lâu, một mâm cơm đầy thức ăn bày ra.

Tạ Yên Khách lại kêu tiểu nhị lấy hai cân rượu trắng.

Gã ăn xin trước nay chưa biết mùi rượu là gì nên tưởng ai cũng uống được. Gã thấy Tạ Yên Khách rót rượu ra chén uống, gã cũng làm bừa theo rồi bưng chén rượu lên uống một hớp. Nhưng rượu vừa uống vào, đã phải nhổ ra ngay rồi kêu lên:

-Trời ơi! Cay quá! Cay quá! Thứ này không ăn được.

Thế rồi gã chỉ ăn cơm ăn thịt chứ không dám uống rượu nữa.

Tạ Yên Khách bụng bảo dạ:

-Thằng nhỏ này tuy ngây thơ không hiểu việc đời nhưng trời phú cho gã đức tính hào hiệp, mà trí óc cũng không đến nỗi ngu xuẩn. Giả tỉ mà gã được dạy dỗ để huấn luyện đến nơi đến chốn tất sẽ thành một nhân vật nổi danh trong võ lâm.

Nhưng rồi lão lại lẩm bẩm:

-Hỡi ơi! Người đời vong ơn phụ nghĩa thì nhiều, còn hiếu hạnh trung hậu thì rất ít. Mình đã bị một thằng đồ đệ súc sinh làm cho khốn đốn còn chưa đủ hay sao mà lại định thu đồ đệ nữa?

Lão còn đang ngẫm nghĩ thì gã ăn xin đã cất tiếng hỏi:

-Lão bá ơi! Lão có thấy đỡ chút nào không?

Tạ Yên Khách đáp cho yên chuyện:

-Ðỡ lắm rồi!

Miệng lão trả lời mà trong bụng nghĩ thầm:

-Mi có đồng tiền nào đều dốc ra hết rồi, chỉ ăn một bữa này là sạch trơn. Nếu bữa sau muốn ăn cơm mà không chịu xin ta thì lấy đâu ra tiền mà ăn? Mình phải tìm đến thị trấn lớn đổi vàng lấy tiền rồi sẽ tính.

Tạ Yên Khách cùng gã ăn xin uống xong, ra khỏi nhà hàng dời thị trấn nhìn về phía đông mà đi.

Tạ Yên Khách bỗng gợi chuyện:

-Tiểu nhai nhi! Má má mi họ gì ? Y có nói với mi bao giờ không?

Gã ăn xin đáp:

-Má má thì là má má chớ má má còn họ gì nữa?

Tạ Yên Khách nói:

-Ta biết thế rồi. Nhưng con người ta ai mà chẳng có họ tên?

Gã ăn xin ngớ ngẩn nói:

-Thế cháu họ gì?

Tạ Yên Khách đáp:

-Ta không biết nên mới hỏi mi. Cái tên Cẩu tạp Chủng khó nghe lắm. Mi có muốn ta đặt cho mi một cái họ cái tên không?

Giả tỉ gã ăn xin thích chí xin lão một cái tên cái họ thì lão mãn nguyện lắm vì đã trút xong nợ rồi.

Không ngờ gã ăn xin lại hững hờ đáp:

-Bá bá thích cháu có họ thì cũng được nhưng cháu sợ má má cháu không chịu.

Má má cháu vẫn gọi cháu là Cẩu tạp Chủng cháu cũng quen rồi. Bây giờ cháu có đổi tên má má cháu cũng không thích đâu. Cái tên Cẩu tạp chủng làm sao mà khó nghe?

Tạ Yên Khách nhíu cặp lông mày nghĩ thầm:

-Ba chữ Cẩu tạp Chủng làm sao mà khó nghe thì trong một lúc mình cũng không biết giải thích thế nào cho gã hiểu rõ được.

Giữa lúc ấy, bỗng nghe trong một khu rừng mé tả phía trước có tiếng khí giới chạm nhau lát chát.

Tạ Yên Khách là một tay lão luyện trong võ lâm. Lão vừa nghe thấy giật mình kinh hãi tự hỏi:

-Ở đây sao lại có người đánh nhau? Hai người này thủ pháp rất mau lẹ, võ công họ không phải là hạng tầm thường.

Lão liền ghé tai khẽ bảo gã ăn xin:

-Chúng ta vào chỗ kia xem họ làm gì? Ngươi nhớ ngậm miệng đừng có lên tiếng nghe không?

Rồi lão giơ tay ra cắp gã ăn xin, thi triển khinh công chạy về phía có tiếng khí giới vang lên.

Lão chỉ nhô lên hụp xuống mấy cái đã đến sau một gốc cây lớn.

Gã ăn xin tưởng như mình đi trên mây thì lấy làm thích thú vô cùng! Gã muốn bật lên tiếng cười khoái trá, nhưng lại nhớ lời Tạ Yên Khách đinh ninh dặn bảo vội đưa tay lên bịt miệng.

Tạ Yên Khách và gã ăn xin nấp sau một gốc cây nhìn ra thì thấy bốn người đang quần nhau chiến đấu. Cuộc tỉ đấu lúc cực kỳ khốc liệt, thành cục diện ba người đánh một. Người bị bao vây là một lão già mặt đỏ, râu bạc chùng xuống đến rốn.

Trong tay lão không có binh khí.

Ba gã hợp công thì một gã thân hình cao lêu nghêu mà gầy khẳng khiu. Một gã là đạo nhân mặt vàng. Còn gã nữa thì tướng mạo cực kỳ xấu xa quái dị. Trên má gã có hai vết sẹo rất lớn giao nhau thành hình chữ thập.

Gã cao gầy sử thanh trường kiếm. Ðạo nhân sử đồng chùy. Còn Xú hán tử thì sử một thanh quỷ đầu đao.

Tạ Yên Khách thấy lão già bị vây đánh đã thọ thương rồi nhưng song chưởng của lão vẫn đảo đi đảo lại phóng ra những chiêu cực kỳ dũng mãnh. Lão đang chạy quanh một gốc cây tránh tả né hữu. Nhờ có gốc cây lớn mà lão còn chống được với khí giới của ba người bên địch. Tay trái lão ra chiêu cầm nã, còn tay phải lúc là quyền, lúc biến thành chưởng rất mau lẹ.

Bản lãnh lão thực không phải tầm thường.

Tạ Yên Khách ở đằng xa coi mấy chiêu đã nhận ra lão là ai rồi. Lão thấy lão già kia lâm vào thế hạ phong thì ra chiều đắc ý lẩm bẩm:

-Mình cứ tưởng là ai? Té ra là Ðại Bi lão nhân trên đảo Bạch Kinh. Bữa nay lão lâm vào tình thế . Hùm xuống bình nguyên bị chó lờn, xem chừng lão khó lòng thoát khỏi kiếp nạn này.

Tạ Yên Khách không nhận ra ba người kia là ai, nhưng lão biết họ đều là những tay bản lãnh không phải là tầm thường, nhất là gã cao nghệu, thanh trường kiếm của gã vọt lên những luồng kiếm quang như tuyết rơi hoa rắc. Ðường kiếm chợt tả chợt hữu khiến cho đối phương không biết đâu mà lường. Những chiêu kiếm mau lẹ và mãnh lực phi thường đáng vào bậc cao thủ hạng nhất trong võ lâm hiện nay. Ðạo nhân xử cặp chuỳ cũng phóng ra những chiêu thức quái dị.

Thường thường y chạy quanh gốc cây lớn để đánh vào cạnh sườn Ðại Bi lão nhân.

Gã Xú hán tử thì công lực kinh hồn. Thanh quỷ đầu đao rít lên những tiếng vù vù làm chấn động cả màng tai người nghe.

Tạ Yên Khách ngấm ngầm kinh hãi nghĩ thầm:

-Lâu nay mình không lăn lộn trong giang hồ. Bây giờ mới biết bọn võ lâm Trung Nguyên đã sản xuất ra vô số nhân vật xuất sắc. Sao mình lại không nhận ra chiêu số của cả ba người này thuộc môn phái nào? Nếu ba tay này bản lãnh tầm thường thì Ðại Bi lão nhân đâu đến nỗi phải hoang mang đến thế. Giả tỉ ba người này vây đánh chính mình đây, chưa chắc mình đã nắm được phần thắng.

Bỗng nghe đạo nhân cất giọng ấm ớ nói:

-Bạch Kình đảo chúa! Bang Trường Lạc chúng ta với đảo chúa vốn không có thù hận lớn. Bây giờ đảo chúa cứ chịu thua đi và ưng thuận gia nhập đồng minh với bản bang thì bọn ta lập tức cùng lão trở nên chỗ bạn thân. Như vậy chả hay hơn ư?

Tội gì mà lão phải vất vả chống đỡ, có hồi đi đến chỗ uổng mạng.

Ðại Bi lão nhân tức giận đáp:

-Ta đường đường là đấng đại trượng phu. Có lý đâu lại gia nhập vào hàng ngũ của bọn đê hèn vô liêm sỉ như các ngươi? Các ngươi muốn ta gia nhập đồng minh với bọn tà phái thì không bao giờ ta chịu đâu. Các ngươi đừng mơ tưởng hão huyền nữa!

Ðột nhiên lão vươn tay trái ra chiêu cầm nã chụp xuống vai Xú hán tử.

Tạ Yên Khách la thầm:

-Chiêu 'Long trảo thủ' thật là tuyệt diệu!

Chiêu này bề ngoài trông có vẻ chậm chạp nhưng thật ra nó thần tốc phi thường.

Gã Xú hán tử tuy thân pháp mau lẹ lún thấp vai xuống để tránh mà cũng chậm mất rồi.

Gã cao nghệu thấy vậy giật mình kinh hãi hươi trường kiếm nhằm vào mi mắt Ðại Bi lão nhân đâm tới.

Ðó là kế hoạch bao vây nước Nguỵ để cứu nước Triệu, khiến cho Ðại Bi lão nhân phải vụt tay về.

Bỗng nghe đánh roạc một tiếng! Vai áo bên hữu gã Xú hán tử bị móc rách một mảng lớn.

Ðồng thời máu tươi chảy đầm đìa. Chiêu 'Long trảo thủ' của Ðại Bi lão nhân đã móc đứt một miếng thịt lớn ở vai gã.

Ba người nổi hung phóng chiêu ra đánh tới tấp như gió táp mưa sa.

Tạ Yên Khách nghe đạo nhân tự xưng Bang phái mình thì ngấm ngầm kinh ngạc tự hỏi:

-Trường Lạc là bang phái nào? Trong bang đã có những tay cao thủ đến thế này mà mình chưa từng nghe ai nói tới là nghĩa làm sao?

Bỗng thấy bốn người càng đánh càng hung dữ. Gã Xú hán tử gầm kên một tiếng vung đao quét ngang.

Ðại Bi lão nhân né mình tránh khỏi đồng thời phóng quyền đánh tới đạo nhân.

'Phập' một tiếng vang lên! Lưỡi quỷ đầu đao của gã Xú hán tử đã đâm sâu vào thân cây. Gã dùng sức mạnh cố rút ra nhưng rút không được.

Ðại Bi lão nhân, nhân cơ hội này hạ thấp khuỷu tay xuống thúc vào sau lưng gã Xú hán tử.

Nguyên Ðại Bi lão nhân bị ba tay đại cao thủ vây đánh, phải chống đỡ vất vả vô cùng. Lão tự lượng sức mình khó lòng thoát nạn.

Giữa lúc đang chiến đấu cực kỳ khốc liệt, lão vẫn liếc mắt quan sát bốn mặt tám phương và biết rằng sau gốc cây lớn thấp thoáng có bóng người ẩn nấp. Lão tưởng người này cũng về phe địch nhân nên nghĩ thầm:

-Hiện giờ mới có ba tên mà mình còn chưa nắm vững phần nào mà chống chọi nổi. Nếu đối phương lại thêm cường viện thì hậu quả chưa biết đến đâu mà lường.

Ðại Bi lão nhân còn để ý biết rằng trong ba địch nhân trước mặt thì gã Xú hán tử võ công tương đối sút kém hơn hai người kia. Lão liền bụng bảo dạ:

-Bây giờ chỉ có đường lối duy nhất để mà thoát thân là phải mạo hiểm trừ khử đi một tên.

Vì thế mà lúc chuẩn bị dùng khuỷu tay huých vào lưng Xú hán tử, lão vận đến chín thành công lực.

Bỗng nghe tiếng binh một tiếng!

Khuỷu tay Ðại Bi lão nhân huých trúng vào sau lưng Xú hán tử, lão mừng thầm trong bụng liền quanh lẹ gốc cây để toan bồi thêm một đòn nữa để loại hẳn Xú hán tử ra khỏi vòng chiến.

Giữa lúc ấy đạo nhân sử đồng chuỳ từ phía sau gốc cây nhoài người đánh tới.

Ðại Bi lão nhân vung tay trái đến để gạt quả chuỳ thì trước mắt ánh bạch quang lấp loáng. Lão vội né sang bên tả để tránh.

Không ngờ lão tuổi già lại chiến đấu đã lâu, tinh lực không còn được sung mãn như ngày trẻ tuổi, lão định lạng người đi ba thước thì vừa tránh khỏi, nhưng mới lạng người ra được bảy tấc thì 'sột' một tiếng, mũi trường kiếm của gã cao nghệu đâm vào vai bên tả Ðại Bi lão nhân và đóng chặt vào cành cây.

Biến diễn khủng khiếp và đột ngột này khiến cho gã ăn xin không nhịn được nữa buột miệng la hoảng:

-Úi chao!

Từ lúc gã thấy ba người vây đánh một lão già trong lòng gã đã rất lấy làm bất bình. Bây giờ thấy lão nhân bị kiềm chế thì vừa kinh hãi, vừa tức giận vô cùng.

Bỗng nghe lão cao nghệu lạnh lùng hỏi:

-Bạch Kinh đảo chúa! Thật là đảo chúa không ưa điều nhẹ nhàng tử tế. Trước tại hạ đã kính thỉnh đảo chúa gia nhập đồng minh nhưng đảo chúa cứ nằng nặc không ưng thuận, vậy bây giờ đã chịu đầu hàng Bang Trường Lạc chưa?

Ðại Bi lão nhân trợn cặp mắt tròn xoe, tức giận hầm hầm quát lên:

-Mi đã biết ta là Bạch Kinh đảo chúa. Chẳng lẽ Bạch Kinh đảo chúa lại phải uốn gối đầu hàng bọn thất phu hay sao?

Lão hết sức giật mạnh ra với quyết tâm thà là chịu bỏ nửa vai bên trái để thoát khỏi lưỡi trường kiếm, đặng liều mạng với gã cao nghệu.

Ðạo nhân liền khoa tay chùy lên nhằm đánh vào người Ðại Bi lão nhân.

Bịch một tiếng! Ðầu chùy đã đập vào ngực lão một đòn rất nặng. Lão nghiêng đầu đi, miêng hộc máu tươi. Xú hán tử liền lấy dây lòi tói ràng buộc Ðại Bi lão nhân vào gốc cây.

Gã ăn xin không nhẫn nại được nữa, liền nhảy xổ ra la lên:

-Chao ôi! Bọn ngươi thật là đồ tồi. Ba người đánh một lão già tử tế. Như thế không được.

Tạ Yên Khách nhíu cặp lông mày nghĩ thầm:

-Thằng nhỏ này gây sự rắc rối rồi đây. Nhưng thế cũng hay. Không chừng mình lại mượn tay ba người kia giết phứt gã đi thì dù mình có thấy gã chết mà không cứu cũng chẳng phải là phản bội lời thề. Nếu gã không muốn chết quay đầu lại cầu cứu mình cũng là xong việc. Trong ba gã kia có một gã bị trọng thương rồi, chỉ còn hai gã thì mình đâu có sợ họ nữa?

Tạ Yên Khách còn đang ngẫm nghĩ suy tính thì gã ăn xin đã chạy đến bên gốc cây đứng chặn trước mặt Ðại Bi lão nhân la lên:

-Các chú dừng làm khó dễ lão bá này được không?

Gã cao nghệu từ trước đã lưu tâm thấy sau gốc cây lớn thấp thoáng có bóng người ẩn núp. Gã chưa hiểu người núp đó là bạn hay là thù nên trong lòng vẫn băn khoăn. Bây giờ gã thấy một đứa nhỏ từ sau gốc cây chạy ra. Gã vừa trông thấy thân pháp gã ăn xin đã biết ngay thằng nhỏ này không hiểu võ công chi hết, mà sao nó dám cả gan lớn mật xông vào chỗ chiến trường? Vậy nhất định nó đã chịu mệnh lệnh của người nào sai khiến.

Gã cao nghệu nghĩ vậy rồi lẩm bẩm:

-Âu là ta thử hăm doạ thằng quỷ con này thì người đứng ở sau tấm màn để giật dây nó tất nhiên phải chường mặt ra.

Quyết định chủ ý rồi, gã vươn tay rút lấy thanh quỷ đầu đao ở thân cây vừa lớn tiếng quát hỏi:

-Thăng quỷ con kia! Ai đã sai mi ra can thiệp vào việc của lão già này? Mi còn nhỏ tuổi sao dám đi nghe kẻ khác xông vào chỗ gươm đao này? Ta đang định hạ sát lão già đây. Mi có cút đi không thì bảo?

Gã vừa nói vừa giơ thanh quỷ đầu đao lên tựa hồ sắp chém ngang một cái cho gã ăn xin phải đứt đôi ngay tức khắc.

Gã ăn xin vẻ mặt thản nhiên đáp:

-Lão bá đây là người tử tế. Các ngươi là người độc ác. Ta chỉ giúp người tử tế.

Ngươi định giết người thì ta không đi đâu.

Ðây chắc là mẫu thân gã ăn xin có lúc trong lòng vui vẻ ngẫu nhiên nói chuyện cổ tích cho gã nghe. Trong các chuyện cổ tích thì thiếu chi người tử tế cùng người độc ác ? Tâm địa những đứa nhỏ bao giờ cũng hướng về điều thiện, ưa giúp đỡ những người tử tế và đả kích kẻ gian tà. Ðó là đức tính trời phú cho con người, chẳng có chi là lạ.

Gã cao nghệu tức giận hỏi:

-Mi có quen biết lão không mà bảo là người tử tế ?

Gã ăn xin đáp:

-Vừa rồi lão bá bảo các ngươi ở tà bang gì gì đó, lão bá dù chết cũng không chịu nhập bọn với các ngươi. Thế thì dĩ nhiên các ngươi là hạng người tàn bạo xấu xa rồi còn gì ?

Gã nói xong quay lại toan cởi dây lòi tói cho Ðại Bi lão nhân.

Ðạo nhân xoay tay lại đánh bốp một cái vào mặt gã ăn xin, khiến gã phải đầu váng mắt hoa. Má bên trái sưng vù lên và còn in năm vết ngón tay đỏ ửng.

Gã ăn xin thực không biết trời cao đất dày. Hôm qua tại Hầu Giám Tập, Ngô Ðạo Nhất bị bọn người trại Kim Ðao đến vây đánh, một là gã chưa biết Ngô Ðạo Nhất là người tử tế hay người xấu xa, hai là, mấy người đánh nhau trên nóc nhà, Ngô Ðạo Nhất vừa từ trên nóc lăn xuống đã bì song câu của Lý Ðại nguyên đâm vào bụng ngay. Nếu không thế thì lòng dạ nghĩa hiệp của anh chàng ngây thơ này không chừng cũng chạy ra can thiệp. Còn những chuyện nguy ngập xảy đến cho mình thì gã không cần hiểu tới. Thực ra dù gã có biết rõ là đi can thiệp vào việc người ngoài tất nguy hiểm cho mình, nhưng bầu máu nóng đã sôi lên thì có khi biết là nguy hiểm đấy mà vẫn hiên ngang xông vào.

Gã cao nghệu thấy tên ăn xin tính khí cương cường không biết sợ hãi là gì thì không khỏi đem lòng ngờ vực. Gã tự hỏi:

-Thằng lỏi này không hiểu nó ỷ vào điểm tựa vững chải nào mà dám ngang nhiên ngỗ nghịch trước mặt bản hương chủ ở bang Trường Lạc ?

Gã cao nghệu lại ghé mắt nhìn về phía sau gốc cây là chỗ gã ăn xin ẩn nấp. Quả nhiên gã nhìn thấy lấp ló có bóng người gầy ốm thì gã nghĩ ngay tới một nhân vật liền lẩm bẩm:

-Dường như lão này người ta vẫn đồn đại là chủ nhân Huyền Thiết Lệnh, danh hiệu lão là Ma Thiên cư sĩ Tạ Yên Khách, chẳng hiểu có đúng không ? Nhưng coi bộ dạng lão thì giống lắm.

Gã liền giơ thanh quỷ đầu đao lên cố ý quát to cho Tạ Yên Khách nghe tiếng:

-Ta không biết lai lịch mi ra sao ? Sư trưởng mi ở môn phái nào ? Và chỉ thấy mi là một đứa ăn xin ngu ngốc, chẳng hiểu biết gì thì ta có chém chết mi cũng chẳng sao.

Gã nói xong khoa đao lên vù vù làm bộ chém xuống đầu gã ăn xin.

Không ngờ gã ăn xin tính nết rất cương ngạnh. Gã đứng yên không nhúc nhích.

Gã cao nghệu vung đao lên bổ xuống đỉnh đầu gã ăn xin còn cách chừng vài tấc mới thu đao về, buột miệng khen:

-Thằng nhỏ này giỏi đây ! Mi quả nhiên lớn mật !

Ðạo nhân tính nóng như lửa lại vung tay phải lên đánh một chưởng. Chưởng này đạo nhân tát vào má bên hữu thằng nhỏ. Cái tát này so với lần trước còn trầm trọng hơn. Dù sao thì gã ăn xin cũng chỉ là một đứa con nít. Gã đau quá không nhịn được khóc òa lên.

Gã cao nghệu nói:

-Ngươi đã sợ đòn thì mau mau tránh đi !

Gã ăn xin vừa khóc vừa nói:

-Các ngươi hãy bỏ đi trước đừng làm khó dể gì lão bá bá đây là ta không khóc nữa.

Gã cao nghệu không nín được phải phì cười.

Ðạo nhân lại vung chân đá gã ăn xin lăn xuống đất.

Gã ăn xin bây giờ sưng hết cả mặt mũi. Gã lồm cồm bò dậy và vẫn đứng trước mặt Ðại Bi lão nhân để hộ vệ cho lão.