PDA

View Full Version : Lục Mạch Thần Kiếm - Kim Dung



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 [112] 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160

tintin27
06-19-2009, 10:29 PM
Hồi 112 - Du Thản Chi Tỷ Đấu Huyền Từ


Cuộc đối đáp giữa Ðinh Xuân Thu và Du Thản Chi vừa rồi tuy không lớn tiếng nhưng những người hiện diện tại tràng đều là bậc nội công thâm hậu nên nghe rõ từng câu từng tiếng một.


Quần tăng chùa Thiếu Lâm nghe Ðinh Xuân Thu công nhiên sai Vương Tinh Thiên, bang chủ Cái Bang ra giết Huyền Từ phương trượng của họ thì ai nấy đều căm hận vô cùng. Nhưng vừa rồi họ theo dõi cuộc tỷ đấu giữa hai người, họ đã thấy rõ công lực cao thâm và độc ác của Du Thản Chi và lão quái.


Vương Tinh Thiên công lực Thiền môn đã cực kỳ thâm hậu lại có thêm tà pháp của bàng môn tả đạo. Vậy Huyền Từ có thể địch nổi gã không? Cái đó khó mà biết trước được. Nhưng nếu gã thi triển độc công tà thuật thì Huyền Từ không thể nào chống gã nổi.

Huyền Từ tuy không muốn động thủ với gã, nhưng gã công nhiên khiêu chiến trước mặt quần hùng nên đại sư không có lý nào thoái thác được, liền chắp tay niệm Phật rồi nói:


- Mấy trăm năm nay Cái Bang từng nổi tiếng nghĩa hiệp trong võ lâm ở Trung Nguyên. Những bậc anh hùng trong thiên hạ chẳng ai là không biết. Những bậc anh hùng trong thiên hạ chẳng ai là không tín ngưỡng. Ngay vị Bang chúa trước đây là Uông Kiếm Thông đã có sự đi lại ngao du thân mật với tệ phái. Nay Vương thí chủ lên trọng nhậm Bang chúa, tệ phái chưa kịp đến chúc mừng, tuy đó có điều sơ xuất, nhưng bọn đệ tử tệ phái cả tăng lẫn tục vẫn một niềm tôn kính quý bang... Sự giao tình giữa Cái Bang và Thiếu Lâm mấy trăm năm nay chưa từng tổn thương hoà khí. Vậy mà tại sao Vương Bang chúa bữa nay đột nhiên hưng binh vấn tội? Mong rằng Bang chúa tuyên bố lý không cho các bậc anh hùng khắp thiên hạ hiện diện ở đây được rõ. Những điều thị phi, khúc trực đã có công luận, nếu tệ phái có điều chi lầm lỗi thì bần tăng sẵn sàng cúi đầu nhận tội!...

Du Thản Chi hãy còn nhỏ tuổi kiến thức lại hẹp hòi. Gã là con người chỉ học võ thuật thì biện luận là sao nổi với Huyền Từ. Nhưng gã trước khi đến chùa Thiếu Lâm đã được Toàn Quan Thanh dạy cho đủ điều.

Khi nghe lời chất vấn liền lên tiếng đáp:


- Nhà Ðại Tống ta hiện nay phía Nam có Liêu quốc, phía Tây có Ðại Lý, phía Nam có có Tây Hạ, Thổ Phồn, Từ Di nhòm ngó Trung Nguyên. Cái đó... cái đó...


Gã được người ta dạy cho học thuộc lòng, lúc này nhớ lộn xộn. Ðáng lý phải nói phía Bắc có nước Liêu, Nam có Ðại Lý, Tây có Thổ Phồn, Tây Hạ thì gã lại nói lộn phương vị, khiến mọi người phải hằn giọng cố nín cho khỏi bật ra tiếng cười.


Gã biết mình nói lộn nhưng không vãn hồi lại được nữa nên bẽn lẽn vô cùng. May mà chân tướng gã được che đậy sau tấm mặt nạ, người ngoài không nhìn thấy sắc diện.

Gã "Ồ" lên một tiếng rồi nói tiếp:


- Nhà Ðại Tống ta binh vi tướng quả, thế nước chông chênh, hoàn toàn trông vào nghĩa sĩ võ lâm, đồng đạo võ lâm, đồng đạo giang hồ, ai nấy hết dạ đem tâm, phò tá mới có thể ngoài chống cường địch, truy diệt gian nhân...


Quần hùng nghe gã nói mấy câu này rất là hữu lý, đều lẩm bẩm:


- Ðúng lắm! Ðúng lắm!


Du Thản Chi tinh thần phấn khởi, dõng dạc nói tiếp:


- Gần đây mối lo bên ngoài ngày càng thậm trọng. Bọn hào kiệt chúng ta hai vai gánh trách nhiệm ngày một thêm nặng. Ðáng lý phải đồng tâm hiệp lực đặng đối phó với những mối nguy nan từ ngoài đưa đến. Song le các môn phái, các bang hội đã mang danh chánh phái lại tương tranh nhau, khuynh đảo nhau để tranh giành hư vị. Nói tóm lại, nếu toàn thể chúng ta không chung lưng, đấu cật giữ lấy sơn hà, xã tắc thì e rằng chỉ một mình tên Khất Ðan Kiều Phong đơn thương độc mã xâm lấn cõi bờ, bọn hào kiệt Trung Nguyên chúng ta cũng bị thất bị. Tại hạ còn nghe rằng ngoài bể Tinh Tú cõi Tây Vực còn có Tinh Tú lão... Thằng cha Tinh Tú Lão... ồ! Lão đã đến chùa Thiếu Lâm... cái đó...


Nguyên Toàn Quán Thanh dạy Du Thản Chi nói: "Tinh Tú lão quái" ngoài bể Tinh Tú cõi Tây Vực đã đến chùa Thiếu Lâm hạ sát hai vị cao tăng liền một lúc, mà phái Thiếu Lâm đánh chịu bó tay. Gã đã thuộc lòng, buột miệng nói gần hết câu mới biết là hỏng, nên gã ấp úng nhắc đi, nhắc lại mấy chữ Tinh Tú Lão... rồi không nói tiếp được nữa.


Quần hùng có người la lên:


- Hắn là Tinh Tú lão quái còn mi là Tinh Tú tiểu yêu.




Trong đám đông nổi lên một tràng cười hô hố. Bọn môn đồ phái Tinh Tú lại đồng thanh cất tiếng hát: Tinh Tú lão tiên Danh lừng vũ trụ Ðức sánh cửu thiên Cổ kim hiếm có . Hơn ngàn người gân cổ lên mà hát, nhưng quần hùng đề khí cười rộ át hẳn tiếng hát đi. Tiếng hát vừa dứt trong đám đông bỗng có tiếng ồm ồm cất lên hát:


Tinh Tú lão tiên Danh lừng vũ trụ Ðức sánh cửu thiên Thối hơn rắm chó


Ðiệu hát này vừa nghe qua cũng giống hệt âm điệu của bọn môn đồ Tinh Tú. Vì ba câu trên hoàn toàn giống bài ca xưng tụng công đức của bọn họ, nên họ hoan hô không ngớt miệng, tưởng là trong phái khác cũng có người ca tụng lão tiên phái mình. Một người ngoài phái ca tụng còn hơn là cả ngàn người bản phái tự khen. Không ngờ đến câu thứ tư thay đổi một cách đột ngột khiến mọi người nhìn nhau kinh ngạc.


Âm thanh của tiếng nhạc cũng không kịp thu về, hoà với câu "Thối hơn rắm chó" nghe càng du dương réo rắt.


Quần hùng cười lăn, cười lộn, còn môn đồ phái Tinh Tú thì ngoác miệng văng tục ra mà chửi rủa, nghe rất chối tai.


Vương Ngọc Yến cũng mỉm cười nói:


- Bao tam ca! Tam ca hát hay quá!

Bao Bất Ðồng đáp:


- Cô nương quá khen! Tam ca rất lấy làm xấu hổ!


Nguyên bốn câu hát vừa rồi là kiệt tác của Bao Bất Ðồng.





Du Thản Chi nhân lúc mọi người nhốn nháo thì thầm với Toàn Quan Thanh một hồi rồi gã lại dõng dạc nói tiếp:


- Nhà Ðại Tống ta gặp lúc nguy nan mà các bạn đồng đạo trên chốn giang hồ lại không cùng nhau nhất tâm, nhất trí để đến nỗi bị quân Phiên bang khinh nhờn lấn áp. Vì thế mà Cái Bang chủ trương lập nên một vị minh chủ võ lâm để ai nấy tuân theo hiệu lệnh phòng khi có đại sự xảy ra, bọn ta thống nhất hành động, tránh khỏi tình trạng quân hồi vô lệnh. Huyền Từ phương trượng! Phương trượng có tán thành ý kiến của tại hạ chăng?


Huyền Từ thủng thẳng đáp:


- Lời tuyên bố của Vương Bang chúa rất là đúng lý. Nhưng lão tăng còn có điều chưa hiểu xin Bang chúa chỉ giáo.


Du Thản Chi hỏi:


- Ðiều gì?


Huyền Từ hỏi lại:


- Vương Bang chúa đã bái Tinh Tú lão tiên làm sư phụ vậy Bang chúa là môn đồ của phái Tinh Tú có đúng thế không?


Du Thản Chi ấp úng:


- Cái đó... là việc riêng của tại hạ không liên quan gì đến phương trượng.


Huyền Từ nói:


- Tinh Tú là một phái ở Tây Vực thì có dính líu gì đến đồng đạo võ lâm nhà Ðại Tống. Vậy nhà Ðại Tống chúng tôi có lập minh chủ võ lâm hay không cũng chẳng liên can gì đến phái Tinh Tú. Giả tỷ các bạn đồng đạo võ lâm ở Trung Nguyên có đề cử lên một vị minh chủ để tiện điều khiển đại cuộc của võ lâm Trung Nguyên, riêng các hạ là môn đồ phái Tinh Tú là người ngoại cuộc tưởng cũng không nên tham dự vào.


Các vị anh hùng lớn tiếng hô:


- Phải lắm! Phải lắm!


- Lời Thiếu Lâm phương trượng thật là đáng phù hợp với nguyện vọng của võ lâm Trung Nguyên chúng ta!


- Bọn chó má Phiên bang các ngươi đừng có cuồng vọng làm minh chủ võ lâm ở Trung Nguyên.


Du Thản Chi cứng họng không biết đáp thế nào, hết nhìn Ðinh Xuân Thu rồi lại nhìn Toàn Quan Thanh để chờ hai người mớm lời.


Ðinh Xuân Thu hắng giọng một tiếng rồi nói:


- Thiếu Lâm phương trượng nói thế là sai. Lão phu là nhân dân hạt Khúc Phụ tỉnh Sơn Ðông, một nơi đã đản sinh Thánh Nhân. Phái Tinh Tú là do một tay lão phu sáng lập ra tại sao bảo là một môn phái Phiên bang ở Tây Vực được? Phái Tinh Tú lập ở miền Tây Vực chẳng qua là nơi lão phu tạm thời ẩn cư mà thôi. Phương trượng bảo Tinh Tú là một môn phái Phiên bang phỏng có khác gì bảo Ðức Khổng Tử cũng là người Phiên bang không? Thế thì thật là buồn cười! Hơn nữa, đại sư đã nói đến Phiên bang Tây Vực, sao không nhớ đức Ðạt Ma tổ sư và nguồn gốc võ công của phái Thiếu Lâm? Cả Phật giáo cũng là giáo phái từ Phiên bang Tây Vực đưa đến. Theo lão phu nhận xét thì Thiếu Lâm mới chính là một môn phái Phiên bang Tây Vực.


Ðinh Xuân Thu nói câu này khiến cho Huyền Từ và quần hùng đều cảm thấy khó bề giải thích.


Toàn Quan Thanh cũng dõng dạc lên tiếng:


- Khó mà xét tới nguồn gốc võ công trong thiên hạ. Võ công Tây Vực truyền vào Trung Nguyên cũng có mà võ công từ Trung Nguyên truyền sang Tây Vực cũng có. Bang chúa tề bang vốn là người Trung thổ. Cái Bang lại là một môn phái ở Trung Nguyên. Vậy việc Bang chúa tệ bang đứng ra làm một nhân vật đầu não các phái võ Trung Nguyên cũng chẳng có gì trái lẽ. Huyền Từ phương trượng! Công việc bữa nay là căn cứ vào võ công mạnh hay yếu để phân thắng bại, chứ không căn cứ vào câu nói đầu môi chót lưỡi để định hơn thua. Giữa Cái Bang cùng phái Thiếu Lâm hễ ai mạnh là được. Chỉ cần hai vị thủ lĩnh ra tay tỉ thí là có thể phân cao thấp ngay tức khắc. Nếu không thế thì dù tranh luận dài dòng hàng nửa ngày cũng không đi đến kết quả nào. Bằng phương trượng là người sáng suốt biết mình, biết người, tự liệu không địch nổi thì nên bái phục và suy tôn Bang chúa lên làm minh chủ võ lâm. Như vậy hai vị bất tất phải động thủ nữa.


Câu nói của hắn tỏ ra là Huyền Từ tự biết không địch nổi nên khiếp đảm mà tìm lời thoái thác.


Huyền Từ thong thả bước ra mấy bước, miệng niệm A Di Ðà Phật rồi nói:

- Vương Bang chúa! Bang chúa đã cố tình ép lão tăng phải động thủ. Nếu lão tăng còn giữ quan niệm hai bên giao hảo mấy trăm năm nay mà kiên quyết không chịu vâng lời thì tỏ ra bất kính đối với quý Bang.


Huyền Từ đại sư đưa mắt nhìn khắp quần hùng một lượt rồi dõng dạc tuyên bố:


- Liệt vị anh hùng! Bữa nay các vị đều tai nghe mắt thấy Thiếu Lâm tệ phái đã quyết tâm không có ý tranh đấu với Cái Bang, nhưng Vương Bang chúa cố tình bức bách nên lão tăng hết đường thoái thác.


Quần hùng đồng thanh nói:


- Ðúng thế! Bọn tại hạ đều minh chứng là phái Thiếu Lâm không có chỗ nào khiếm khuyết.


Du Thản Chi chỉ nơm nớp lo âu về sự an nguy của A Tử, gã muốn giết Huyền Từ ngay để Ðinh Xuân Thu buông tha nàng, liền lớn tiếng nói:


- Trong việc tỷ võ mạnh được, yếu thua, không cần kể đến hợp lý hay không hợp lý. Phương trượng mau mau động thủ đi.




Nên biết rằng Du Thản Chi, thuở nhỏ ham chơi, biếng học, tuy gã không phải con người có tính nết thuần lương nhưng cũng là một thiếu niên chất phác ngu đần. Sau khi phụ thân chết đi, gã trôi nổi trên chốn giang hồ, cuộc đời gã chịu đựng không biết bao nhiêu là sự khinh khi nhục nhã. Trước kia gã được gần người quang minh chính trực chỉ điểm những điều phải trái, song lại chung đụng với A Tử, chữ rằng "gần mực thì đen". Huống chi gã lại nhất tâm sùng kính A Tử, nhất nhất tuân theo mệnh lệnh của nàng. Những điều thị phi, thiện ác, toàn theo đường lối tà ma, ngoại đạo của phái Tinh Tú. Từ lúc gã bái Ðinh Xuân Thu làm sư phụ, lão họ Ðinh chưa dậy qua gã một chút võ công nào, ngờ đâu, quanh đi quẩn lại vẫn là công phu của phái Tinh Tú. Những môn võ phái này toàn dùng lối âm độc để thủ thắng. Gã bị tiêm nhiễm hết ngày này qua ngày khác khiến cho một đệ tử vốn dòng dõi nghĩa hiệp đất Trung Nguyên biến thành con người hung bạo bất phân thiện ác, hoàn toàn trông vào sực lực để tranh thắng bại, bất chấp thị phi.


Huyền Từ lớn tiếng nói:


- Ðức Phật từ bi! Theo lời Vương Bang chúa thì thanh danh nghĩa hiệp mấy trăm năm của Cái Bang đến đây bị sứt mẻ mất rồi!


Du Thản Chi đột nhiên băng mình lại gần hơn một trượng nói:


- Ðánh thì đánh đi! Không đánh thì rút lui, đừng nhiều lời vô ích.

Gã vừa nói vừa liếc nhìn Ðinh Xuân Thu ra chiều nóng nảy.

Huyền Từ nói:


- Ðược rồi! Bữa nay lão tăng xin lãnh giáo "Hàng Long thập bát chưởng" cùng "Ðả cẩu bổng pháp" là hai đại tuyệt kỹ của Vương Bang chúa để cho anh hùng hảo hán thiên hạ được xem công phu đích truyền từ mấy trăm năm của Cái Bang.


Du Thản Chi chưng hửng, bất giác lùi lại hai bước. Tuy gã làm Bang chúa Cái Bang nhưng chẳng biết một chiêu nào về Hàng Long thập bát chưởng và Ðả cẩu bổng pháp.


Nhưng gã được nghe người ta nói ngôi Bang chúa Cái Bang lúc truyền cho người mới tất phải truyền hai môn tuyệt kỹ này gọi là "Trấn Bang thần công".


Về môn "Hàng Long thập bát chưởng" còn có khi ngẫu nhiên truyền ra người ngoài không phải là Bang chúa, nhưng môn "Ðả cẩu bổng pháp" thì nhất định là phải người kế vị Bang chúa mới được truyền thụ. Mấy trăm năm nay không một vị Bang chúa Cái Bang nào là không hiểu hai môn trấn Bang tuyệt kỹ đó.


Huyền Từ thấy vẻ mặt gã ngơ ngác liền nói:


- Lão tăng là phương trượng chùa Thiếu Lâm, dĩ nhiên phải thi triển "Ðại Kim Cương quyền" cùng "Ban Nhược chưởng" để đón tiếp "Hàng Long thập bát chưởng" của quý Bang và dùng thiền trượng để đón tiếp Ðả cẩu bổng. Hỡi ơi! Phái Thiếu Lâm cùng quý Bang đời đời giao hảo. Mấy môn võ này trước nay thường khi đứng bên nhau để đối phó với người ngoài chứ chưa từng cừu địch với nhau. Lão tăng đức bạc rất lấy làm hổ thẹn cùng các vị Bang chúa và chưởng môn truyền đời hai phái Cái Bang và Thiếu Lâm.


Quần hùng nghe đại sư nói đều đem lòng kính mến.


Tấm áo bào rộng thùng thình của Huyền Từ đại sư bay phấp phới. Hai bàn tay chắp lại. Ðó là khởi điểm về thủ thức "Kính lễ chúng sinh" trong môn "Ban Nhược chưởng". Vẻ mặt hiền hoà thân ái nhưng tấm áo tăng bào xoè ra hai bên tả hữu đủ thấy trong chiêu thức này có ẩn tàng một nội lực rất cao thâm của thiền môn.


Du Thản Chi không nói gì nữa tay trái vung lên không đánh ra một chưởng. Tay phải cũng tiếp tục phóng chưởng ra ngay. Chưởng bên trái phóng ra trước mà đến sau, chưởng bên phải phóng ra sau mà đến trước. Hai luồng lực đạo so le xô tới, biến ảo dị thường.


Chưởng lực hai người phát ra đến giữa đường thì chạm nhau bật một tiếng"ầm"vang dội rồi cùng tiêu tan đi.


Bỗng nghe hai tiếng veo véo. Hai đầu dây lưng của Huyền Từ đứt ra bay đi hai ngả xa đến mấy trượng.


Nguyên hai chưởng lực của Du Thản Chi bao phủ một phạm vi rất rộng, đánh vào lực đạo của Huyền Từ liền bị chưởng lực "Kính Lễ Chúng Sinh" làm cho tiêu tan nhưng đầu sợi dây lưng tung ra hai bên hông bị chưởng lực của gã chấn động làm cho đứt rời.





Tăng lữ phái Thiếu Lâm cùng quần hùng thấy vậy đều la ó om sòm:


- Ðây là võ công tà môn phái Tinh Tú.


- Không phải "Hàng Long thập bát chưởng". Không phải võ công đích truyền của Cái Bang! Bọn đệ tử Cái Bang cũng la lên:


- Chúng ta tỷ võ với phái Thiếu Lâm không thể dùng công phu tà phái được! Bang chúa! Bang chúa phải thi triển "Hàng Long thập bát chưởng" mới đúng. Sử dụng công phu tà phái là làm cho Cái Bang mất mặt.


Du Thản Chi vừa đối chưởng đã chiếm được một chút thượng phong, nhưng nghe mọi người la om sòm, lòng gã sinh ra ngần ngại. Chiêu thứ hai không phóng ra được nữa.


Bọn đồ đệ phái Tinh Tú la rầm lên:


- Thần công phái Tinh Tú cao cường gấp mấy võ công của Cái Bang, sao lại không thi triển nữa đi?


- Vương sư huynh! Sư huynh tiến lên đi! Dĩ nhiên là sư huynh phải sử dụng thần công của lão tiên đã truyền thụ cho để giết lão sư già đó đi.


- Tinh Tú lão tiên đức ngang trời đất.


- Tinh Tú thần công đệ nhất thiên hạ, đánh đâu được đấy.


Hai bên thi nhau la ó và hoan hô thì đột nhiên dưới chân núi có một thanh âm hùng tráng vọng lên:


- Ai bảo võ công phái Tinh Tú hơn được "Hàng Long thập bát chưởng" của Cái Bang?


Bỗng nghe tiếng vó ngựa dồn dập.


Mười mấy người cưỡi ngựa chạy như bay, đang lao lên núi. Khách kỵ toàn mặc áo mỏng màu huyền trong, lót vải sắc tía. Người nào cũng mạnh như hổ, ngựa như rồng, oai phong lẫm liệt. Con ngựa nào cũng đầu cao, chân dài, toàn thân lông đen. Ngựa đi tới đâu ánh sáng vàng lấp loáng đến đấy, thì ra móng chân nói đều được bịt vàng... Số người kỵ mã cả thảy là mười chín, nhưng khí thế mạnh bằng thiên binh vạn mã.


Mười tám ngọn ngựa đi trước, gần tới nơi thì rẽ ra hai bên. Con đi cuối cùng đường hoàng tiến vào giữa.


Bang chúng Cái Bang vừa thấy nhân vật này liền lớn tiếng reo:


- Kiều Bang chúa! Kiều Bang chúa!


Mấy trăm bang chúng chạy nhanh tới trước ngựa khom lưng thi lễ.

Nguyên người này chính là Tiêu Phong.


Tiêu Phong từ khi bị trục xuất ra khỏi Cái Bang, ông yên trí rằng bọn đệ tử trong Bang đều thù ghét mình. Ông có ngờ đâu họ vẫn còn mối tình với mình. Họ bái kiến Tiêu Phong với cả một tấm lòng nhiệt thành.

Bầu máu nóng ông sôi lên. Cặp mắt hùm long lanh ngấn lệ.

Ông nhảy phóc xuống ngựa chắp tay thi lễ nói:


- Tại hạ là Tiêu Phong người Khất Ðan đã bị đuổi đi thì không còn dính líu đến Cái Bang nữa. Sao các vị vẫn xưng hô như cũ. Các anh em lâu nay vẫn mạnh khoẻ chứ?


Câu nói sau cùng của Tiêu Phong tỏ ra quyến luyến tình xưa với bang chúng Cái Bang.


Bọn tiểu tử Cái Bang đến tham kiến Tiêu Phong đa số là hạng ba, bốn túi. Còn hàng một, hai túi, đều là mới gia nhập, hoặc địa vị thấp kém ít có cơ hội được gặp Tiêu Phong. Còn hàng năm, sáu túi trở lên thì phải giữ lề luật nghiêm phòng không giao thiệp với người man rợ. Những người lớn tuổi ngôi cao bao giờ tính nết cũng dè dặt, không như bọn thanh niên sôi nổi muốn làm gì là làm ngay, không cần suy tính sâu xa.




Nên biết rằng theo bang quy của Cái Bang thì mấy trăm bang chúng này ra thi lễ với Tiêu Phong cũng là phạm lỗi.


Bọn chúng nghe Tiêu Phong nói vậy, đột nhiên tỉnh ngộ, biết là hành động của mình vô ý thức. Vị Kiều Bang chúa là người Khất Ðan tức là kẻ đại thù với người Hán.




Từ trên xuống dưới bang chúng Cái Bang đều biết rõ cả, thế mà Tiêu Phong vừa xuất hiện đột ngột, họ lại nảy ra tấm lòng yêu mến, là vì họ lãng quên việc lớn. Có người cúi đầu lùi lại.

Nhưng một số đông vẫn ra chiều lưu luyến, ngập ngừng nói:


- Kiều... Kiều lão gia vẫn mạnh ư? Sau khi ly biệt, lúc nào bọn tại hạ cũng tưởng nhớ đến lão gia.


Chuyến này Tiêu Phong lại xuống Trung Nguyên đã chuẩn bị sẵn sàng. Ông lựa chọn mười tám con tuấn mã gọi là "Yên văn thập bát kỵ". Bọn tuỳ tùng ông cũng thuộc vào hạng cao thủ tuyệt tích của dòng họ Khất Ðan.


Lần trước, một mình Tiêu Phong độc chiến quần hùng tại Tụ Hiền Trang, nếu không được một vị đại anh hùng đột nhiên xuất hiện cứu cho thì đã mất mạng ngay đương trường. Như vậy đủ tỏ câu "Mãnh hổ nan địch quần hồ" là đúng. Dù ai võ công cao cường đến đâu, nhưng lấy một chọi trăm cũng không thể được. Bây giờ ông đưa đoàn "Yên vân thập bát kỵ" đến đây, mỗi tên có thể địch nổi mười.


Huống chi, ngựa của họ đều là thứ lương câu ngàn dặm, lúc gặp nguy cấp thì chuyện rút lui cũng chẳng khó gì.


Tiêu Phong vừa đến chân núi Thiếu Thất, gặp lúc bọn môn đồ phái Tinh Tú đang lớn tiếng ca ngợi võ công phái họ còn hay hơn "Hàng Long thập bát chưởng" thì không khỏi lửa giận bùng lên. Tuy ông bây giờ không làm Bang chúa Cái Bang nữa nhưng môn "Hàng Long thập bát chưởng" là của ân sư Uông Kiếm Thông truyền thụ cho ông, thì khi nào ông chịu để cho ai khinh miệt.


Tiêu Phong lại liếc mắt nhìn thấy Ðinh Xuân Thu trong tay đang nắm giữ một thiếu nữ áo tía thân hình mảnh mai, mặt trái xoan, nước da trắng như tuyết. Nàng chính là A Tử.


Chuyến này Tiêu Phong không ngại gian lao xuống Trung Nguyên tuy còn nhiều việc khác trọng yếu, nhưng việc tìm A Tử cũng là một nguyên nhân thúc bách ông ra đi. Ông vừa nhìn thấy A Tử bị người nắm giữ sực nhớ tới lời trọng thác của A Châu lúc lâm tử. Ông liền sừng sộ bước tới nơi, tay trái khoa lên, tay phải vung chưởng nhằm đánh tới Ðinh Xuân Thu. Chiêu thức này chính là "Kháng long hữu hối" một chiêu rất cương cường trong "Hàng Long thập bát chưởng". Ông còn đứng cách Ðinh Xuân Thu mười bảy, mười tám trượng, nhưng lúc chưởng lực phát huy ra thì ông chỉ còn các chừng mười trượng. Nhưng dù chưởng lực ai mãnh liệt đến đâu cũng không thể còn cách xa mười trượng mà đãđánh trúng ngay được.

Ðinh Xuân Thu thường nghe tiếng: "Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung", nên đối với ông, hắn không dám coi thường. Có điều đứng ngoài xa mười tám trượng mà ông đã phát chưởng thì không khi nào hắn ngờ rằng phát chưởng này lại phóng ra để đánh mình. Dè đâu, Tiêu Phong vừa phát chưởng ra thì còn cách mười tám trượng, nhưng lại tiếp theo một chiêu "Kháng long hữu hối". Chiêu sau thúc đẩy phát chưởng trước. Hai luồng chưởng lực hợp lại sức mạnh dường nghiêng non, dốc biển, ào ào tràn tới.


Chỉ trong nháy mắt, Ðinh Xuân Thu cảm thấy mơ hồ như nghẹt thở. Chưởng lực của đối phương chẳng khác nào làn sóng thần xô đẩy, không tài nào ngăn trở được. Nó lại giống như một bức tường cao đè ập tới trước mặt, tưởng chừng A Tử cùng hắn sắp phải tan nát thịt thành như một đống bùn.


Ðinh Xuân Thu đang lúc kinh hãi quá chừng, không còn nghĩ ra được kế hoạch gì để đối phó. Hắn biết phóng đơn chưởng ra ngăn đón tất sẽ bị gãy tay mà có khi còn phải nát xương bong gân nữa. Hắn nhìn thấy Tiêu Phong thân oai lẫm liệt, song chưởng múa tít phóng luôn ra bảy tám chiêu liền vào chung quanh mình hắn cực kỳ dữ dội.


Trong lúc cấp bách, Ðinh Xuân Thu vội liệng A Tử ra rồi khoa hai tay lên ba vòng để che phía trước mình. Ðồng thời hắn chỉ đầu ngón chân xuống đất nhảy lùi lại hơn ba trượng.


Tiêu Phong lại phóng ra chiêu "Kháng long hữu hối". Chưởng lực chiêu trước chưa tan, chiêu sau lại tiếp đến.


Ðinh Xuân Thu không dám chính diện nghinh địch, phóng chưởng chênh chếch ra để đẩy vào mé bên chưởng lực của đối phương. Nhưng hắn cảm thấy tay phải tê nhức. Hơi thở trong ngực nghẹt tức trầm trọng. Hắn liền nhân lúc này nhảy ra ngoài ba trượng. Hắn sợ Tiêu Phong rượt theo, vẫn phải dựng bàn tay lên đón trước ngực và ngấm ngầm ngưng tụ độc khí vào bàn tay.


Tiêu Phong nhẹ nhàng vươn cánh tay ra đón lấy A Tử lúc nàng còn lơ lửng trên không. Ông chỉ chạm vào một cái là đã giải khai huyệt đạo cho nàng được ngay.

A Tử từ lúc bị Ðinh Xuân Thu kiềm chế, tuy hai mắt nàng đui mù không nhìn thấy gì, miệng không nói được nhưng những biến cố xảy ra chung quanh nàng nghe thấy rất rõ ràng.


A Tử vừa được giải khai huyệt đạo, liền mừng rỡ cất tiếng gọi:


- Tỷ phu giỏi quá! Nhờ có tỷ phu đến mới cứu được tiểu muội.


Tiêu Phong nghĩ tới nàng tự nhiên bỏ đi, không nửa lời từ biệt, để mình nóng ruột trông chờ thì tức khí lại xông lên.

Ông vung tay phát vào mông nàng một chưởng, quát hỏi:


- Ngươi ra khỏi nhà mà không bảo gì ta là nghĩa làm sao? Ngươi để ta khổ công tìm kiếm khắp nơi.