PDA

View Full Version : Lục Mạch Thần Kiếm - Kim Dung



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 [30] 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160

tintin27
06-04-2009, 07:00 PM
Hồi 30 - Bên Hồ Tiểu Kính Gặp Cừu Nhân


Thiếu phụ này rất thông thạo về thủy tinh, đinh ninh rằng bấy nhiêu lần chưa thể chết người được.

Dè đâu cô gái thể chất yếu đuối nên chóng chết hơn.

Thiếu phụ hối hận, ôm cô gái nhảy phóc lên bờ, nói:


- Mau lên! Mau lên! Mình phải tìm cách cứu cô ta chứ!


Thiếu phụ bồng cô gái chạy như bay vào phía rừng trúc.


Người đứng tuổi cũng nhẩy vào bờ, cúi xuống xách ngư nhân lên quay ra hỏi Tiêu Phong:


- Tôn tính đại danh huynh ông là gì? Ghé đây có việc chi?


Tiêu Phong thấy y thái độ ung dung, dù mắt nhìn thấy cô gái bị thảm tử mà vẫn giữ được vẻ bình tĩnh như thường, thì trong lòng lấy làm kính phục, liền đáp:


- Tại hạ vốn người Khất Ðan, tên gọi Tiêu Phong, vâng lời dặn của hai ông bạn đến đây báo tin.


Cái tên Kiều Phong thì trên chốn giang hồ không ai là không biết.

Nhưng từ ông biết rõ đúng danh tính mình bèn tự xưng là Tiêu Phong và còn nói rõ thêm là người Khất Ðan nữa để tự giới thiệu gốc gác mình.


Người đứng tuổi đối với cái tên Tiêu Phong chưa quen biết nên vẫn thản nhiên, mà nghe đến ông là người Khất Ðan, cũng chẳng lấy chi làm quái dị thủng thẳng hỏi:


- Hai ông bạn nào đã ủy thác Tiêu huynh đến đây và để báo cáo tin việc gì?


Tiêu Phong đáp:


- Một vị sử búa, còn một vị ra vẻ quê mùa dùng bồ cào bác giơ tự xưng họ Ðổng, cả hai đều bị thương...




Người đứng tuổi nghe nói hai gã bị thương, giật mình hỏi:


- Thương thế có nặng không và hai vị đó hiện giờ ở đâu huynh! Hai vị đó cũng là bạn tôi, phiền Tiêu huynh cho biết tôi... tôi... đi cứu ngay mới được.


Ngư dân nói xen vào:


- Ðem cả tôi đi luôn! Tiêu Phong thấy hai người có lòng nghĩa khí, lại càng kính phục.


Hai vị đó tuy bị thương nặng, nhưng không nguy hiểm tính mạng, hiện ở phía bên kia thị trấn...


Người đứng tuổi vái dài một cái rồi nói:


- Xin đa tạ! Rồi không nói gì nữa, lập tức xách ngư nhân chạy theo đường Tiêu Phong vừa trỏ.

Giữa lúc ấy, trong rừng trúc tiếng thiếu phụ hô hoán vọng vào:


- Mau lên! Mau lên! vào đây mà xem... Kỳ lắm! Tiếng thiếu phụ la lối có vẻ hốt hoảng lạ thường.

Người đứng tuổi dừng chân nhưng còn do dự, bỗng thấy một người chạy như bay đến cất tiếng gọi to:


- Chúa công! Chúa công! Có ai đến đây sinh sự không?


Tiêu Phong nhìn ra thì chính là gã thư sinh ngồi trên cầu để họa ngược chiều lúc nãy.

Ông nghĩ bụng:

- Mình cứ tưởng là cản trở việc báo tin của mình, té ra hắn cùng phe với hai gã sử hồ sử bồ cào. Chủ nhân của bọn này chính là Ðại Hán đứng tuổi đây .


Gã thư sinh bây giờ đã nhìn rõ Tiêu Phong cùng A Châu đứng cạnh người đứng tuổi, không khỏi giựt mình.

Khi gã tới nơi, thấy người bị trói chặt thì vừa kinh hải vừa tức giận hỏi:


- Sao!... Sao thế này?


Tiếng thiếu phụ trong rừng trúc chu chéo đầy vẻ hoảng hốt vọng ra:


- Anh còn đứng chi đây không về? Trời ơi! Tôi... tôi...


Người đứng tuổi nói:


- Tôi về đây mà!


Ðoạn y xách ngư nhân lên rảo bước đi vào rừng trúc.

Trông thân pháp mau lẹ đủ biết công lực y vào hạng phi thường, chân bước nhanh như ngựa chạy.


Tiêu Phong quàng tay ra sau lưng A Châu sóng vai đi thong thả.

Người đứng tuổi nhìn Tiêu Phong bằng con mắt khâm phục.

Chính ra y không muốn mời Tiêu Phong vào căn nhà tại trong rừng trúc, nhưng thấy võ công ông tuyệt luân không khỏi đem lòng quyến luyến người hào kiệt.


Tuy nguời đứng tuổi chưa biết rõ Tiêu Phong đến đây có việc gì mà đã muốn kết giao, nên không coi ông như người ngoài nữa.


Tiêu Phong cùng A Châu cũng không biết người đứng tuổi là hạng người nào, chưa quyết định có nên vào rừng trúc hay không?

Bỗng thiếu phụ la hoảng cấp bách khác thường, chắc trong nhà lại thấy sảy ra chuyện gì, nên cũng đuổi theo người đứng tuổi.


Ði một lúc đến rừng trúc, quả nhiên thấy những cây trúc đều hình vuông.

Vào rừng trúc còn đi vài trượng nữa thì đến một căn nhà nhỏ ba gian bị rừng trúc che khuất đi.

Cách kiến trúc căn nhà này rất tỉ mỉ xinh xắn.


Thiếu phụ thấy tiếng chân người vào liền chạy ra nói:


- Anh... Anh lại mau xem cái gì đây?


Trong tay thiếu phụ giơ ra một sợi dây chuyền vàng.


Tiêu Phong nhìn thấy biết ngay là đồ trang sức thông thường của đàn bà con gái, chẳng có chi kỳ dị.

Bữa trước A Châu cũng đã tháo ở cổ ra một cái dây chuyền giống thế và một cái vòng xuyến đưa cho y đi đổi bạc.

Sau ông chỉ đổi chiếc xuyến vàng lấy tiền chi dùng còn dây chuyền thì trả lại cho A Châu.

Hiện giờ nàng vẫn còn đeo ở cổ.


Ngờ đâu người đứng tuổi vừa trông thấy dây chuyền thông thường chẳng có chi kỳ lạ này mà biến đổi sắc mặt, run run hỏi:


- Cái này ở đâu ra?


Thiếu phụ đáp:


- Tháo ở cổ nó ra đấy. Trên cánh tay nó còn có rõ cả dấu hiệu vạch vào. Anh... anh lại mà xem!


Thiếu phụ nói tới đây khóc nức nở không ra tiếng.


Người đứng tuổi rảo bước vào phòng, A Châu cũng lạng theo bước mau vào.

Nàng đi trước cả thiếu phụ, còn Tiêu Phong thì sau cùng.


Vào đến buồng trong, A Châu liếc mắt trong thì đây là phòng của thiếu phụ cách bài trí rất thanh nhã.

Nhưng trong cái thanh phòng đượm vẻ huyền bí.


Kiều Phong không tiện nhìn kỹ mọi cảnh trong phòng, ông thấy trên giường cô gái lúc nãy nằm yên không nhúc nhích, chết tự bao giờ.


Người đứng tuổi xắn tay áo lên nhìn cánh tay một lát rồi kéo xuống.


Tiêu Phong đứng sau y, không trông rõ cánh tay cô gái có những gì, ông thấy sau lưng người đứng tuổi rung động rõ ra tâm thần bị cảm xúc rất mạnh.


Thiếu phụ níu áo người đứng tuổi vừa khóc vừa nói:


- Anh giết con rồi. Chính anh ra tay giết chết nó! Anh không nuôi nó lại còn giết nó! Trời ơi! Anh thật là một người cha xấu vô cùng!




Tiêu Phong lấy làm lạ, tự hỏi: "sao? Cô gái đó là con hai vị này ư? À phải rồi! Chắc là sau khi sanh đứa bé này, vợ chồng để chỗ khác nuôi dưỡng. Cái dây chuyền vàng nọ cùng dấu hiệu trên tay kia đều là dấu tích của cha mẹ cô gái ghi vào cho nhớ "Ðột nhiên A Châu mặt đầy nước mắt, xiêu người đi ghé nằm xuống bên giường.


Tiêu Phong cả kính, vội lại nâng đỡ nàng. Lúc ông cúi xuống thấy mắt tử thi cô gái hay còn động đậy. Mắt cô nhắm nghiền nhưng trông mắt vẫn mắp máy, trông qua làn da ngoài mới thấy.

Ông chỉ quan tâm đến A Châu, liền hỏi nàng:


- Nàng làm sao vậy?


A Châu ngồi dậy lau nước mắt gượng cười đáp:


- Tôi thấy cô nương đây không may bị thảm tử nên tâm can xúc động.


Tiêu Phong đưa tay sờ mạch cô gái thì thiếu phụ khóc nói:


- Tim đã ngừng đập, mũi đã tắt thở, còn cứu sao được nữa?


Tiêu Phong ngầm vận nội lực trút chân khí vào mạch cô gái thì thấy bị đẩy ra.

Ông biết rằng trong người cô gái có luồng nội lực phản kích lại, rõ ràng là cô vận động nội lực để phòng vệ.


Tiêu Phong cười ha hả:


- Những người tinh nghịch như cô nương đây, thiên hạ được mấy?


Thiếu phụ tức giận nói:


- Ngươi là ai? Bước ngay! Con gái ta đã chết rồi, ngươi còn vào đây nói càn.




Tiêu Phong cười hỏi:


- Cô con bà chết rồi, tôi chữa cho cô ấy sống lại bà có bằng lòng không?


Ông vừa nói vừa thò tay điểm vào huyệt sau lưng cô.


Tiêu Phong điểm huyệt "kinh môn" ở ngay chỗ xương sườn cục dưới cùng.

Ông lại dùng nội lực điểm vào huyệt đạo khiến người cô lập tức thấy ngứa ngáy khó chịu.


Cô gái không chịu được liền ngồi nhỏm dậy cười khanh khách đưa tay trái ra níu lấy vai Tiêu Phong .


Cô gái chết rồi sống lại khiến mọi người trong nhà rất lấy làm kinh dị.

Thiếu phụ gạt nước mắt, bật cười nói:


- Tội nghiệp cho con gái tôi quá!


Nói xong thiếu phụ giơ tay toan ôm lấy cô.

Không dè Tiêu Phong vung tay đánh hất cô ta, rồi ông lại chìa tay nắm lấy cổ tay trái cô, lại mắng:


- Ranh con mà đã thâm độc!


Thiếu phụ la lên:


- Sao ông lại đánh con tôi?


Ấy là mụ còn nể mặt Tiêu Phong vừa "cứu sống" con gái của mình không thì đã động thủ rồi.


Tiêu Phong nắm tay cô gái xoay ra nói:


- Mời các vị coi đây! Mọi người nhìn trong tay cô gái, thấy cô cặp trong ngón tay một mũi kim xanh lè, thoáng trông đã biết là kim có tẩm thuốc kịch độc.


Nguyên cô giả vờ đưa tay ra níu vai Tiêu Phong mà kỳ thực phóng kim vào trong nội thể ông. May mà ông lanh mắt lẹ tay chớ không mắc phải đặc thủ của cô.


Cô gái bị Tiêu Phong tát cho một chưởng, mặt mũi sưng vù lên, ông còn nhẹ tay, không thì cô đã nát óc, gẫy xương.


Cô gái bị Tiêu Phong núm chặt cổ tay chưa kịp phóng chưởng nửa người đã tê chồn, không còn sức lực nữa.

Ðột nhiên cô khóc ầm lên, vừa khóc vừa nói:


- Người khinh miệt ta! Người khinh miệt ta!


Người đứng tuổi nói:


- Thôi mà! đừng khóc nữa! Người ta mới tát nhẹ một cái thì vấn gì? Ðộng một cái là lại phóng ám khí giết người, cần phải răn dậy.


Cô gái vẫn khóc, nói:


- Thứ binh lân châm này của ta chưa lợi hại lắm đâu. Ta còn nhiều thứ ám khí độc hơn mà chưa xử dụng đây thôi.


Tiêu Phong lạnh lùng hỏi:


- Sao cô không dùng "vô hình phấn" , "hủ cốt tán" , "cực lạc thích" , "xuyên tâm đình"?


Cô gái thôi không khóc nữa, ngạc nhiên hỏi:


- Sao ngươi lại biết?


Tiêu Phong đáp:


- Tôi đã biết sư phụ cô là Tinh Tú Hải Lão Ma là biết có những thứ ám khí kịch độc đó.


Tiêu Phong vừa nói ra, mọi người đều cả kinh.


Cái tên Tinh Tú Hải Lão Ma khiến mọi người trong võ lâm ai nghe thấy cũng phải chau mày, vì lão là một tay cao thủ về tà phái. Lão là người không biết phải trái, chẳng từ một điều ác nào là không làm. Võ công lại tuyệt cao nên không ai làm gì được. Lão rất ít khi đếnTrung Nguyên nên chưa gây ra đại họa.


Người đứng tuổi hỏi:


- A Tử, sao mi lại đi lạy Tinh Tú lão nhân làm thầy?


Cô gái giương đôi mắt tròn xoe, đen lay láy nhìn người đứng tuổi hỏi lại:


- Sao người lại biết tên ta?


Người đứng tuổi thở dài đáp:


- Chúng ta vừa nói chuyện với nhau, mi không nghe thấy hay sao?


Cô gái lắc đầu mỉm cười đáp:


- Ta đã giả chết, tim ngừng đập, hơi ngừng thở, tai mắt đều bị bế tắc nên không trông thấy hoặc nghe thấy gì nữa.


Tiêu Phong buông tay cô ra nói:


- Về "quy tức công" của Tinh Tú lão nhân...


Thiếu nữ tên gọi A Tử trừng mắt trông ông, cướp lời:


- Dường như cái gì người cũng biết? Thiếu phụ cầm tay A Tử nhìn đi nhìn lại cô.

Mụ nở mặt nở mày vui sướng kể sao cho xiết!


Tiêu Phong biết hai người này là mẹ con, mà A Tử thì chưa nói.


Người đứng tuổi ôn tồn hỏi:


- Sao con giả chết làm gia nương sợ quá!


A Tử ra chiều đắc ý nói:


- Ai bảo gia gia hất con xuống hồ? Bạn hữu của gia gia không phải là người tốt.


Người đứng tuổi đưa mắt, nhìn Tiêu Phong ra chiều bẽn lẽn gượng cười nói:


- Con nhỏ này ngang chướng quá!




Tiêu Phong biết cha con y lâu nay mới được gặp nhau, tất cả nhiều điều hàn huyên với nhau không tiện để người ngoài nghe, liền kéo áo A Châu ra khỏi nhà vào rừng trúc chơi.


Ông thấy A Châu cặp mắt đỏ hoe, toàn thân run rẩy liền hỏi:


- A Châu! Phải chăng nàng khó thở?


Rồi đưa tay ra cầm mạch nàng thì thấy tim đập mạnh, tỏ ra xúc động mạnh.


A Châu lắc đầu đáp:


- Tôi có sao đâu?


Hai người vào trong rừng đang xem những cây trúc vuông một hồi thì bất thình lình nghe có tiếng chân người: Ba gã Ðại Hán hoảng hốt chạy đến, gã đi giữa khinh công lại càng tuyệt diệu.


Tiêu Phong sực nhớù ra điều gì tự hỏi:

- Phải chăng đây là"tên độc ác"?


Hai người ra khỏi rừng trúc, thấy ba người còn ở đằng xa con đường nhỏ hẹp bờ hồ chạy tới.

Hai gã cõng trên lưng hai người.

Còn một gã thấp loắt choắt mà đi nhanh như bay, chân bước dường như không chấm đất.

Gã đi một quãng lại phải dừng chân chờ hai gã kia.


Gần tới nơi, Tiêu Phong nhìn rõ hai người bị cõng trên lưng chính là gã sử búa điên cuồng, và gã sử bồ cào quê mùa mà ông đã gặp trên đường lúc trước.


Bỗng nghe gã thấp loắt choắt cất tiếng gọi:


- Chúa công! Chúa công! "Tên đại ác" sắp đến đó! Chúng ta mau mau chạy đi thôi!




Gã gọi được hai câu thì người đứng tuổi một tay dắt thiếu phụ một tay dắt A Tử từ trong rừng trúc chạy ra, trên mặt hãy còn ngấn lệ.


Người đứng tuổi buông thiếu phụ và cô gái ra rảo bước chạy đến bên hai người bị thương, để tay lên xem mạch họ.

Ông xem ra không có gì nguy đến tính mạng thì lộ vẻ vui mừng nói:


- Ba vị thật là vất vả, may mà Tiêu, Ðổng hai vị hiền đệ không có điều gì đáng lo ngại cho lắm, tôi mới yên tâm.


Ba người tới, đến cúi đầu làm lễ, vẻ mặt rất cung kính.


Tiêu Phong nghĩ thầm:

- Xem võ công và thái độ bọn kia đều không phải nhân vật tầm thường mà đối với người đứng tuổi này cực trầm trọng, thì nếu y không phải là chúa tể một phương thi cũng là chủ lãnh một môn phái nào đây. Ta lại thấy người đứng tuổi cũng rất lễ phép với thủ hạ, mới thật là khó hiểu.


Anh chàng thấp loắt choắt nói:


- Khải bẩm Chúa công! Thần hạ đã bố trí trận giả bên cầu đá xinh để ngừa "tên đại ác". Nhưng e rằng chúng sẽ khám phá ra mưu cơ bí ẩn rồi tìm đến đây, xin Chúa công di giá đi nơi khác là hơn.


Người đứng tuổi nói:


- Nhà tôi chẳng may sinh ra con người ác đức phản nghịch. Bây giờ đã gặp nhau đây, tôi tưởng tốt hơn hết là điều đình ổn thỏa với y.


Gã hán tử mắt to mày rậm nói:


- Chống kẻ cường địch trừ quân đại ác là phận sự của kẻ thần. Chúa công nên lấy xã tắc làm trọng, liệu sớm về Ðại Lý để Hoàng Thượng khỏi trông chờ.


Tiêu Phong nghe tới đây trong lòng hồi hộp, tự hỏi:

- Họ nói nhau nào là thần tử, nào là chúa công, nào là sớm về nước Ðại Lý đây? Chẳng lẽ bọn này là người nhà họ Ðoàn nước Ðại Lý? Tim ông đập mạnh, rồi ông lẩm bẩm: Phải chăng "lưới trời lồng lộng mà không lọt" xui khiến cho tên giặc Ðoàn Chính Thuần lại chạm trán.


Tiêu Phong còn đang suy nghĩ, bất thình lình một tiếng gầm dội từ đằng xa vọng lại tiếp theo là một thanh âm oang oang quát.


- Gã họ Ðoàn chó má kia! Ngươi trốn đâu cho thoát? Không thì bó tay chịu trói, may ra lão gia đại phát từ bi, không chừng cứu mạng cho người được.


Kế tiếp là tiếng the thé của một người đàn bà nói:


- Tha mạng cho y hay không, đân có đến thứ Nhất Ðệ Tam nhà ngươi định đoạt? Ngươi làm như đại ca không biết vậy.


Một giọng âm trầm lên tiếng:


- Gã tiểu tử họ Ðoàn kia! Nếu ngươi không biết phân biệt phải trái thì ít ra ngươi cũng phải biết liệu thân chứ?


Người này nói với một vẻ gắng gượng, như hết hơi, khó có người trọng bệnh mới khỏi hay người bị thương chưa lành hẳn.


Tiêu Phong thấy bọn họ nhắc đi nhắc lại ba tiếng "Gã họ Ðoàn"trong lòng còn đang ngờ vực thì đột nhiên thấy một bàn tay hắn đưa ra nắm lấy tay ông.


Tiêu Phong nghiêng đầu nhìn lại thì ra A Châu.

Ông thấy nét mặt lợt lạt mà lòng bàn tay toát mồ hôi lạnh ngắt, liền hỏi nhỏ:


- A Châu! Nàng thấy trong mình ra sao?


A Châu đáp:


- Ðại ca ơi. Tôi sợ quá!


Tiêu Phong tủm tỉm cười hỏi:


- Nàng ở bên mình ta mà sợ ư?


Ông lại bĩu môi ngó về phía người đứng tuổi, ghé vào tai nàng nói tiếp:


- Gã kia dường như người họ Ðoàn nước Ðại Lý.


A Châu không bảo đúng mà cũng chẳng bảo không, chỉ mấp máy môi chứ không thốt ra lời.


Trong ba người mới đến, gã tầm thước vừa phải nói:


- Chúa công! Công cuộc hôm nay không thể giải quyết bằng võ lực được. Nếu Chúa công sơ hở một chút thì bọn thần hạ đành cam tự vận chớ không còn mặt mũi nào trở về triều kiến Hoàng thượng nữa.


Người đứng tuổi đây là Hoàng Thái Ðệ nước Ðại Lý tên gọi là Ðoàn chính Thuần. Lúc Vương Gia còn ít tuổi hình dung tuấn nhã phong lưu đài các, đi đến đâu cũng chẳng khỏi vương víu mối tơ tình.


Những bậc phú quí đời xưa năm thê bảy thiếp là thường. Huống chi Ðoàn Chính Thuần ở vào địa vị hoàng tử cao cả, thì chuyện chứa nhiều cung phi cũng chẳng sao. Có điều nguồn gốc họ Ðoàn phát xuất tự võ lâm đất Trung Nguyên, nên tuy đã lên ngôi hoàng đế nước Ðại Lý, mà các việc ẩm, thực, khởi, cư thủy chung vẫn nói theo nề nếp của tổ tiên, không dám vong bản mà kiêu xa quá độ. Hơn nữa Ðoàn Chính Thuần đã có nguyên phối là Thư Bạch Phụng phu nhân. Vương Phi văn võ song toàn lại xuất thân hàng quí tộc nước Ðại Lý. Bà có tính cả ghen, không ưng thuận cho Vương gia thu nạp nhị phòng. Cũng vì Vương gia có nét trăng hoa mà Vương Phi hờn oán xuất gia đầu Phật là một vị đạo cô, pháp danh là Dao Ðoan Tiên Tử.


Ðoàn Chính Thuần đã cùng Tần Hồng Miên (Thân mẫu Mộc Uyển Thanh), A Bảo (vợ Chung Văn Cừu) và Nguyễn Tinh Trúc (mẫu thân A Tử) đều có một đoạn tình sử.




Lần này Ðoàn Chính Thuần vâng mệnh, Hoàng huynh trở lại Trung Nguyên có việc, liền thừa cơ ghé thăm nơi ẩn cư của Nguyễn Tinh Trúc ở bên Tiểu kính hồ.


Mấy bữa nay hai người chắp lại tình xưa, niềm vui thú chẳng phải thần tiên.

Dè đâu cô gái nhỏ đột nhiên trở về, tình cốt nhục phùng.

Ðang lúc vừa kinh ngạc vừa vui mừng thì lại bị kẻ đối đầu vào tận nơi.


Ðoàn Chính Thuần cùng Nguyễn Tinh Trúc khác nào hoa xưa tình cũ nối lại tơ duyên, chung gối uyên ương cực kỳ hoan lạc.




Hộ giá có tam Công, tứ Ẩn chia ra bốn mặt canh phòng để cho Vương gia.


Ngờ đâu kẻ đối đầu là tay cực kỳ lợi hại.


Thái tân khách Tiêu Ðức Thành, Ðiềm Thương nông Ðổng Qui kế tiếp bị thương.


Bút nghiển sinh, Chu Ðan Thần nhận lầm Tiêu Phong là định ngăn cản ông trên cầu đá xanh mà không có hiệu quả.


Phủ tiên điếu Lăng thiên Lý lại bị màng lưới của A Tử trói.


Những người đến cứu hai gã Tiêu, Ðổng là quan Tư, Ba Thiên Thạch, Quan Tư MaÕ Phạm Hoa và Quan Tư Ðồ Hoa Hách. Ba vị này là Tam Công nước Ðại Lý.


Ðoàn Chính Thuần quay lại bảo A Tử:


- Con mau cởi trói cho Lăng Thúc Thúc. Ðại địch đến nơi đừng ngang chướng nữa.


A Tử cười hỏi:


- Gia gia ơi? Thế thì gia gia thưởng gì cho A Tử nào?


Ðoàn Chính Thuần nhau mày nói:


- Con không muốn nghe lời, ta bảo má đánh cho ốm đòn bây giờ. Con đã xúc phạm Lăng thúc thúc, sao không mau tạ tội đi.




A Tử phụng phịu nói:


- Thế sao gia gia hất con xuống hồ thì được? Gia gia làm cho con sợ phải giả chết hàng nửa ngày trời, thế gia gia có tạ tội con không? Con kêu má đánh gia gia ốm đòn bây giờ!


Bọn Phạm Hoa Ba Thiên Thạch thấy Trấn Nam Vương Ðoàn Chính Thuần thốt nhiên lại ra một cô con nữa mà cô này bướng bỉnh ngang chướng, ăn nói với phụ thân chẳng còn ra thể thống gì.

Mấy ông đều ngấm ngầm lo sợ, nghĩ bụng: Cô nương đây tuy không phải là con chánh thất thì cũng là quận chúa trong vương phủ.


Nếu chẳng may mà cô phạm vào người mình thì mình cũng đành chịu chẳng dám làm gì, chỉ còn có nước năn nỉ cô mà thôi. Lăng hiền đệ bị cô chụp lưới trói lại chắc là khổ sở lắm.


Ðoàn Chính Thuần nghĩ thầm: kẻ thù đã đến, Lăng hiền đệ lại bị thế này. Mình chưa giao chiến đã mất nhuệ khí.


Vương còn đang suy nghĩ thì Nguyễn Tinh Trúc khuyên con:


- A Bảo con ngoan lắm, Gia gia không thưởng thì rồi má má có gì hay sẽ cho con chứ sao? Con buông tha Lăng thúc thúc lẹ lên.


A Tử chìa tay ra hỏi:


- Má má cho gì con đâu? Thử cho con xem có hay không đã?


Tiêu Phong đứng bên cạnh thấy cô bé giảo hoạt vô lễ cũng rất bực mình, mà ông lại kính trọng Lăng Thiên Lý là một trang hảo hán.

Ông lẩm bẩm: Y là thần tử nhà họ nên không dám nổi đóa. Âu là ta giúp y một phen.


Nghĩ vậy ông nhắc người Lăng Thiên Lý lên nói:


- Lăng huynh! Cái dây này gặp nước sẽ mềm nhũn ra, vậy tôi ngâm Lăng huynh xuống nước.


A Tử cả giận nói:


- Ngươi lại muốn rắc rối nữa ư?


Cô nói vậy thì nói nhưng đã bị Tiêu Phong đánh cho một cái bạt tai, nên vẫn nơm nớp sợ ông không dám ra tay ngăn trở.


Tiêu Phong xách Lăng Thiên Lý đi mấy bước ra đến bờ hồ, bỏ xuống nước ngâm.

Quả nhiên lưới gặp nước mềm nhũn rủi dây ra.


Tiêu Phong thò tay xuống lột màng lưới.

Lăng Thiên Lý khẽ nói:


- Ðệ xin đa tạ Tiêu huynh đã giúp cho.


Tiêu Phong mỉm cười nói:


- Cô bé bướng bỉnh đó thật là khó chịu, nhưng tôi đã đánh cô một cái tát nên thân để Lăng huynh hả giận rồi.


Lăng Thiên Lý lắc đầu ra chiều buồn bã.


Tiêu Phong lột màng lưới ra cuộn lại chỉ còn lớn bằng nắm tay.

Thật là một vật kì lạ.

A Tử chạy đến bên chìa tay ra nói:


- Trả lại ta đây!


Tiêu Phong vung tay lên.

A Tử sợ quá lùi lại mấy bước.


Thực ra thì Tiêu Phong chỉ hăm cô mà thôi, chứ thật ông tay đút tấm lưới vào bọc.






Nguyên Tiêu Phong đoán người đứng tuổi này là kẻ thù của A Tử đã là con gái y mà tấm lưới đó lại là một thứ khí giới rất lợi hại nên không muốn trả cô.


A Tử trở lại bên Ðoàn Chính Thuần , kéo áo nói:


- Gia gia ơi! Gã kia đoạt mất tấm lưới của con rồi!


Ðoàn Chính Thuần thấy Tiêu Phong có những hành vi lạ đời, chắc ông chỉ muốn răn A Tử một phen.

Một người bản lãnh nhưng tất không tham chiếm đoạt cái đồ vật của trẻ con.


Bỗng thấy Ba Thiên Thạch lên tiếng :


- Vân huynh lâu nay vẫn mạnh giỏi chứ? Người ta luyện võ công mỗi ngày một giỏi mà Vân huynh lại mỗi ngày một kém đi là nghĩa làm sao.


Bà vừa nói vừa phóng chưởng đánh về phía một cây lớn nghe răng rắc.

Một cành cây bị gãy rớt xuống rồi một người theo cẳng gãy nhảy xuống.

Người này đã gầy khẳng gầy kheo lại mặt xanh như tàu lá. Gã chính là Cùng Hung Cực Ác Vân Trung Hạc.


Nguyên Vân Trung Hạc ở Tụ Huyền Trang bị Tiêu Phong đánh cho một chưởng trúng thương nặng, cơ hồ mất mạng.

Gã chữa khỏi vết thương rồi, song công lực suy giảm rất nhiều.

Ngày trước gã đã cùng Ba Thiên Thạch tỉ thí khinh công ở nước Ðại Lý thì hai người ngang sức nhau. Nhưng bữa nay Ba thiên Thạch nghe tiếng bước chân đã biết ngay khinh công gã kém trước rồi.


Vân Trung Hạc đảo mắt trông thấy Tiêu Phong giật mình kinh hãi co giò chạy ngay.

Gã gặp ba người đang men theo con đường nhỏ bờ hồ đi đến.


Ba người này thì gã bên tả đầu bù tóc rối, mặc quần áo chèn là Hung thần ác sát Nam Hải Ngạc Thần.

Bên hữu là người đàn bà, bà đang bồng đứa trẻ nít.

Mụ chính thị Võ ác bất tác Diệp Nhị Nương.

Người đi giữa mình mặc thanh bào, chống hai cây gậy trúc đen nhánh, Lão biệt hiệu là Ác quán mãn danh tên gọi Ðoàn Diên Khánh.


Tứ Ác ít khi đến Trung Nguyên, còn Ðoàn Diên Khánh thì chưa bao giờ lộ diện, vì thế nên Tiêu Phong chưa biết mặt.


Bọn Ðoàn Chính Thuần đã chạm trán lão tại nước Ðại Lý, biết rằng bọn Diệp Nhị Nương, Nhạc Lão Tam tuy bản lãnh cao cường nhưng mình còn đủ sức đối phó với địch, đến Ðoàn Diên Khánh thì thật là ghê gớm. Lão sở trường cả hai mặt chính tà. Cố nhiên lão rất tinh thông môn "Nhất dương chỉ" của họ Ðoàn, ngoài ra lão còn luyện được nhiều môn tuyệt nghệ về tà pháp. Hai ngả chính tà hợp lại, khiến cho Huỳnh Hải Tăng và Bảo Ðịnh Ðế Ðoàn Chính Minh là những tay cao thủ nhất Ðại Lý không địch nổi lão.




Ðoàn Chính Thuần đã tự biết mình không phải là đối thủ của Ðoàn Diên Khánh.


Phạm Hoa khẽ nói:


- Thưa chúa công! Ðoàn Diên Khánh vẫn ôm một tấm lòng hờn dỗi. Chúa công nên lấy xã tắc làm trọng, phải chạy mau về chùa Thiên Khang để mời các vị cao tăng đến đây.


Nguyên phụ thân Ðoàn Diên Khánh là Ðoàn Liêm Nghĩa đã là hoàng đế Ðại Lý, hiệu là Thượng Ðức Ðế.


Năm Thượng Ðức thứ năm Ðoàn Liêm Nghĩa bị gian thần Ðức Nghĩa Trinh giết chết. Trong lúc hỗn loạn không biết Thái Tử Khánh lạc đi đâu. Rồi ngôi hoàng đế nước Ðại Lý loanh quanh về tay Ðoàn Chính Minh. Không ngờ Ðoàn Diên Khánh nay lại xuất tranh đoạt ngôi báu nước Ðại Lý.


Ngày nọ tại hang Vạn Kiếp nước Ðại Lý, Ðoàn Diên Khánh, Huỳnh Mi Tăng dùng nội lực để đấu vi kỳ. Về võ công cũng như vi kỳ, Ðoàn Diên Khánh đều chiếm ưu thế, nhưng đến lúc cuối cùng có Ðoàn Dự mách nước nên lão bị thua bỏ đi.


Bữa nay Ðoàn Diên Khánh đến Trung Nguyên thăm do Ðoàn Chính Thuần ở gần đây, lão nảy ra ý muốn giết đi để cướp ngôi Hoàng đế nước Ðại Lý, vì Ðoàn Chính Thuần là Hoàng tử người kế ngôi vua sau này. Giết được Ðoàn Chính Thuần tức phẳng được một chướng ngại vật rất lớn. Thế rồi lão truy tầm Tiểu Kính hồ.


Tiêu Ðốc Thành cùng Ðổng Tư Quy đã ngăn chăn bọn lão đường như không nổi lại bị trọng thương. Tiêu Ðốc Thành phải phép nhiếp hồn của Ðoàn Diên Khánh thành ra gần như mất trí, còn Ðổng Tư Quí thì bị gậy trúc của lão đâm thủng ngực.


Quan Tư Mã Phạm Hoa là tay lâm mưu nhiều kế. Y biết Diên Khánh đến, biết là chúa tôi nước Ðại Lý lâm vào tình trạng tử nhứt sinh. Sở dĩ y nói với Ðoàn Chính Thuần lên chùa Thiên cầu cứu các vị cao tăng là vì chùa này ở nước Ðại Lý.


Y hiến kế cho Vương gia tức tốc đến chùa Thiên Long tức có ý biểu trốn về Ðại Lý đi. Ðồng thời y hư trương thanh thế để Ðoàn Diên Khánh tưởng các vị cao tăng chùa Thiên Long đã ở quanh đấy thì tất lão sẽ phải kiêng nể, vì lão là dòng dõi chính thống họ Ðoàn nước Ðại Lý, đã biết rõ các nhà sư chùa Thiên Long lợi hại vô cùng.


Ðoàn Chính Thuần biết rõ tình thế hôm nay rất là nguy hiểm, nhưng ông là tay võ công cao nhất trong đám người Ðại Lý ở đây. Nếu ông bỏ họ mà đi thì còn mặt mũi nào trông thấy các vị anh hùng trong thiên hạ?


Huống chi tình nhân cùng con gái ông lại đang quấn quýt bên mình khi nào ông chịu bỏ phóng sinh họ trước sự nguy hiểm, liền tủm tỉm cười nói:


- Ha ha! Thật đáng tức cười. Ta là người họ Ðoàn nước Ðại Lý vì việc mình mà sang đất nước nhà Ðại Tống để giải quyết.


Diệp Nhị Nương nói:


- Ðoàn chính! Mỗi lần ta gặp ngươi là lại thấy ngươi có vợ con xinh đẹp ngay bên. Ngươi thật là người có diễm phúc nhỉ?


Nam Hải Ngạc Thần cả giận nói:


- Quân chó má này hưởng phúc đã nhiều rồi, để lão gia cắt hạ bộ nó đi! Lão vừa nói vừa lấy cây ngạc chủy tiễn xông lại đánh Ðoàn Chính Thuần.


Tiêu Phong nghe Diệp Nhị Nương gọi người đứng tuổi là Ðoàn Chính Thuần mà không thấy y cải chính thì quả là mình đã đoán trúng.

Ông quay lại bảo A Châu:


- Ðúng hắn rồi đó!


A Châu run run nói:


- Ðại ca! Ðại ca cũng nhơn lúc người ta nguy cấp mà xen cạnh hay sao?


Tiêu Phong vừa khích động vừa căm giận lại vừa mừng thầm giải đáp:


- Ðối với kẻ thù đã giết song thân, giết sư phụ cho đến cả nghĩa phụ, nghĩa mẫu. Ngoài ra ta còn vì hắn mà chịu oan khuất bấy lâu, là thù sâu tựa biển. Chẳng lẽ đối với kẻ đại thù này còn bàn đến tình nghĩa hay lề luật giang hồ nữa sao?


Ông nói mấy câu sau một cách rất tự nhiên, đầy vẻ căm hờn chắc như đanh đóng cột,


Phạm Hoa thấy Nam Hải Ngạc Thần xông đến khẽ bảo Hoa Hách Cấn:


- Hoa đại ca cùng Chu hiền đệ ra giáp công lão thất phu này. Ðánh cho thật mau thật mạnh vào, lẹ chừng nào hay chừng ấy, chặt bớt chân tay của "tên đại ác" rồi sau sẽ hợp lực để đối phó với chính hắn.


Hoa Hách Cấn cùng Chu Ðan Thần vâng lời ra ngay, hai người tuy biết rằng lấy hai chọi một là mất thể thống, vả lại bản lãnh Hoa Hách Cấn cũng chẳng kém gì Nam Hải Ngạc Thần, bất tất phải có người ra sức, nhưng nghe Phạm Hoa nói, họ đều thấy có lý. Vả lại Ðoàn Diên Khánh là tay ghê gớm quá, nếu lấy một chọi một thì bất luận là ai đánh không địch nổi. Chỉ có cách đông người kéo ùa vào may ra mới thắng được.


Hoa Hách Cấn, tay cầm cây cương sạn, còn Chu Ðan Thần rung động cây thiết bút, chia hai bên tả, hữu đánh vào Nam Hải Ngạc Thần.


Phạm Hoa lại giục:


- Ba hiền đệ ra chiến đấu với người bạn già đi, để tôi cùng với hiền đệ đối phó với mụ hia.

Ba Thiên Thạch y lời tiến ra đánh Vân Trung Hạc, Phạm Hoa cùng Lăng Thiên Lý cùng nhảy ra.

Khí giới thường dùng của Lăng Thiên Lý là một cây cần câu đã bị A Tử ném xuống hồ mất rồi.

Lăng Thiên Lý cầm cây bồ cào của Ðông Tư Qui hăm hở bước ra.


Phạm Hoa xông thẳng vào Diệp Nhị Nương.


Diệp Nhị Nương vừa mỉm cười vừa nhìn thân pháp đối phó, biết ngay là kẻ tình địch, không dám coi thường, xách đứa nhỏ đang bồng trong tay quăng xuống đất.

Khi trở tay thì mụ đã cầm một lưỡi dao vừa lớn vừa mỏng, trước biết đã dấu đâu.


Lăng Thiên Lý la ó vang trời xông thẳng lại chỗ Ðoàn Diên Khánh.


Phạm Hoa cả kính la lên:


- Lăng Hiền đệ! Lăng Hiền đệ! Trở lại đây!


Lăng Thiên Lý vờ như không nghe thấy cầm cây cuốc nhằm Ðoàn Diên Khánh phạt ngang.


Ðoàn Diên Khánh cười lạt, không cần né tránh, cầm cây trượng trúc điểm vào mặt đối phương.

Tay cao thủ vừa đánh ra quả nhiên đã khác nguời thường.

Lão phóng cây trượng coi nhẹ nhàng như không và chẳng trệch chút nào.

Lăng Thiên Lý ra đón trước, lão phóng trượng sau mà lại tới trước, thật là ghê gớm vô cùng.

Cây trượng vừa đánh vừa gạt. Lăng Thiên Lý bắt buộc phải tránh né.


Ðoàn Diên Khánh mới ra một chiêu đã đoạt được thượng phong.

Ngờ đâu Lăng Thiên Lý thấy đối phương phóng trượng ra điềm, vờ như không biết, dốc hết kình lực vào cánh tay bổ mau xuống lưng đối phương.


Ðoàn Diên Khánh giựt mình tự hỏi: chẳng lẽ gã này điên rồi hay sao?

Nếu lão muốn liều mạng với Lăng Thiên Lý thì chỉ một trượng có thể đâm chết đối phương ngay, nhưng như thế thì lưng lão cũng sẽ trúng bồ cào và ít ra cũng bị thương nặng.

Lão liền chí đầu gậy xuống đất nhảy tung ngừơi lên tránh.


Lăng Thiên Lý thấy Ðoàn Diên Khánh nhảy lên liền hất đầu bồ cào vào bụng đối phương.


Dùng bồ cào làm binh khí cũng là sự thường trong võ lâm.

Có điều bồ cào không thể đem phương thức nhẹ nhõm khéo léo ra thi triển được mà phải dùng lối đánh mãnh liệt để thủ thắng.


Ðổng Tư Quí quen dùng cây bồ cào này vì y là người béo lùn, chất phác, nên sử dụng nó mới được thuần phục.

Còn Lăng Thiên Lý thì võ công sở trường về những khí giới nhỏ, nhẹ, nên bồ cào chưa quen tay.

Y chỉ đánh rất ngộ, ra chiêu loạn xạ mà chiêu nào cũng nhằm thẳng vào những chỗ hiểm yếu của đối phương, không kể gì đối với sống chết của mình nữa.


Người ta thường nói rằng: "Một kẻ liều mạng, muôn người đánh địch", Ðoàn Diên Khánh tuy võ công cao cường nhưng gặp phải những kẻ liều mạng như người phát điên, nên bị bách phải lùi lại luôn luôn.


Trên bờ Tiểu Kính hồ, trong chớp mắt đã thấy máu tươi tang tóc trên ngọn cỏ cùng với mắt đất.

Nguyên mỗi lúc Ðoàn Diên Khánh lùi lại là một lần ra chiêu, trượng nào cũng điểm đúng vào Lăng Thiên Lý thành một lỗ sâu.

Song Lăng Thiên Lý tựa như không biết đau đớn là gì nữa, đầu bồ cào vung lên bổ xuống càng mau.


Ðoàn Chính Thuần vội kêu lên:


- Lăng hiền đệ hãy lui ra, để ta đấu với tên ác đồ cho!


Ông trở tay giật lấy cây kiếm ở trong tay Nguyễn Tinh Trúc lại giáp chiến Ðoàn Diên Khánh.


- Xin Chúa công lui ra!




Ðoàn Chính Thuần khi nào chịu nghe, cầm kiếm đâm luôn Ðoàn Diên Khánh.


Ðoàn Diên Khánh chỉ đầu trượng bên phải xuống đất, trượng bên trái lên gạt bồ cào của Lăng Thiên Lý rồi thuận tay đánh vào mi mắt Ðoàn Chính Thuần.


Ðoàn Chính Thuần không đánh liều mạng như Lăng Thiên Lý, nghiêng người đi lùi lại một bước.


Lăng Thiên Lý gầm lên như con mãnh thú bị thương, đột ngột, cầm bồ cào quay lại bổ Ðoàn Chính Thuần.


Ðoàn Chính Thuàn có bao giờ ngờ đến người anh em trước nay vốn một lần trung trực quay lại phản mình.

Ông vội nhảy lùi lại vài bước, xuýt chút nữa thì trán ông đụng đầu bồ cào đến ngã lăn ra.


Bọn Phạm Hoa, Hách Cấn, Chu Ðan Thần la rầm lên:


- Lăng huynh đệ! Lăng huynh đệ! Hãy nghỉ đi.


Lăng Thiên Lý vẫn gầm lên quay lại đánh Ðoàn Diên Khánh rất rát.


Lúc đó bọn Phạm Hoa, cùng Diệp Nhị Nương, Nam Hải Ngạc Thần thấy Lăng Thiên Lý có những hành động quái lạ đều ngừng cả lại để theo dõi Lăng Thiên Lý đấu với Ðoàn Diên Khánh.


Chu Ðan Thần gọi to.


- Lăng đại ca! đại ca hãy lui ra!


Chu vừa gọi vừa kéo Lăng Thiên Lý ra thì bị Lăng xoay tay lại tát mạnh vào mũi sưng vếu lên.




Ðoàn Diên Khánh cũng không muốn gặp phải đối thủ liều lĩnh như vậy .

Lão đã đấu với Lăng Thiên Lý ngoài hai chục chiêu, điểm trúng đến mười mấy chỗ, song Lăng Thiên Lý vẫn cả tiếng gầm thét.

Ðoàn Diên Khánh cùng những người bàng quang ai cũng cảm thấy và kinh hãi và cảm thấy đây là một cuộc đấu phi thường rùng rợn.


Chu Ðan Thần biết rằng còn đánh nữa thì Lăng Thiên Lý không thể nào thoát chết, bất giác dòng lệ tuôn rơi, muốn xông ra trợ chiến nhưng vừa bước ra bỗng nghe một tiếng gầm lên, Lăng Thiên Lý thu tàn lực nhằm đối phương ném bồ cào rất mạnh ra.


Ðoàn Diên Khánh phóng gậy trúc đúng vào cán bồ cào, khẽ đẩy đi một cái, cây bồ cào đã bay ra phía sau.

Tuyệt kỹ này gọi là "tứ lạng chống ngàn cân". Người bàng quang ai cũng phải khen là tuyệt diệu.


Cây bồ cào chưa rớt tới đất, Lăng Thiên Lý đã nhảy xổ vào Ðoàn Diên Khánh.

Ðoàn Diên Khánh tủm tỉm cười lạt, cầm trượng đâm vào ngực đối phương.


Ðoàn Chính Thuần, Phạm hoa, Hoa Hách Cấn, Chu Ðan Thần bốn người đồng thanh kêu rú lên:


Thôi nguy rồi! Ðồng thời chạy đến cứu.

Nhưng Ðoàn Diên Khánh chưởng ra lẹ quá, đánh "sột" một tiếng, cây trượng trúc cắm vào ngực của Lăng Thiên Lý suốt từ trước ngực ra tới sau lưng.

Cây trượng bên hữu rớt ra thì cây trượng bên tả chỉ xuống đất một cái, Ðoàn Diên Khánh nhảy ra ngoài xa mấy trượng.


Trước ngực cũng như sau lưng Lăng Thiên Lý máu tươi chảy như suối, thế mà y còn toan đuổi theo Ðoàn Diên Khánh, nhưng vừa cất bước đã thấy kiệt lực, liền quay lại nói với Ðoàn Chính Thuần:


- Chúa công! Lăng Thiên Lý này thà chết chứ không chịu nhục. Thế là một đời Lăng mỗ đã tỏ được hết dạ với Ðoàn gia.


Ðoàn Chình Thuần gạt nước mắt nói:


- Lăng hiền đệ ơi! Tại ta không biết dạy con, để đến nỗi đau với hiền đệ, ta lấy làm hổ thẹn vô cùng!


Lăng Thiên Lý quay lại mỉm cười bảo Chu Ðan Thần:


- Chu hiền đệ. Ta làm anh dĩ nhiên phải đi trước. Hiền đệ…


Nói tới đây, đột nhiên dừng lại rồi tắt hơi mà chết.

Lăng Thiên Lý chết mà vẫn đứng sững, không ngã ra.

Mọi người nghe Lăng Thiên Lý lúc lâm chung nói "thà chết chứ không chịu nhục" đều biết bản ý y không muốn đánh liều mạng với Ðoàn Diên Khánh mà cái chết của y đã nảy mầm từ lúc bị A Tử so bằng màng lưới.


Nguyên các người trong võ lâm, ai cũng nhớ câu "vỏ quýt dày có móng tay nhọn" mình dẫu giỏi đến đâu cũng có người giỏi hơn là lẽ thường. Nếu võ công thua người ngoài thì bất luận cái nhục nào nhanh chóng thì chày năm bảy năm hay mười lăm năm vẫn hy vọng để báo thù được. Ðằng này Lăng Thiên Lý là gia thần họ Ðoàn và con gái Ðoàn Chính làm nhục, thì cái nhục đó, chung thân không, nên y đành mượn cuộc chiến đấu với Ðoàn Diên Khánh để liền nối.


Chu Ðan Thần khóc rống lên, Ðổng Tư Quy cùng Tiêu Ðốc Thành bị trọng thương chưa khỏi mà cũng muốn thí mạng với Ðoàn Diên Khánh.


Thốt nhiên có tiếng nói lanh lảnh của một cô gái vanh lên:


- Gã này võ công tầm thường, chết toi mạng như vậy phỏng có gì đáng phàn nàn?