-
Lời Nhà Xuất Bản
Lời Nhà Xuất Bản
Năm 1967, Nhà xuất bản Khoa Học xã hội đã xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư gồm 4 tập do nhà Hán học Cao Huy Giu dịch và Giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính. Đó là một bộ sử lớn, có giá trị, được biên soạn qua nhiều đời, gắn liền với tên tuổi của những nhà sử học nổi tiếng ngày xưa như Lê Văn Hưu thế kỷ XIII, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV, Phạm Công Trứ, Lê Hy thế kỷ XVII.
Năm 1971, bộ sử đó được tái bản lần thứ hai, có sửa chữa và bổ sung. Sau đó một thời gian, nhiều bạn đọc yêu thích lịch sử dân tộc, nhiều nhà sử học, nhiều cán bộ nghiên cứu và giảng dạy thuộc nhiều ngành, nhiều cơ quan đã yêu cầu chúng tôi tái bản lần thứ ba bộ sử ấy.
Giữa lúc đó thì Giáo sư sử học Phan Huy Lê, sau chuyến đi công tác ở Pháp về, cho chúng tôi biết việc phát hiện ra bản in xưa nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản Nội các quan bản, và vui lòng cho chúng tôi sử dụng bản sao chụp bản in ấy do Giáo sư đem về nước. Đấy là bản in theo ván khắc năm Chính Hoà thứ 18, tức năm 1697, còn được lưu giữ tại Thư viện của Hội Á Châu ở Paris.
Năm 1985, theo đề nghị của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, bà C. Rageau, Giám đốc Thư Viện Trường Viễn Đông bác cổ (EFFO), đã đem sang tặng Việt Nam bộ vi phim (microfilm) bản in Nội các quan bản của Đại Việt sử ký toàn thư đang lưu giữ ở Paris và đồng ý cho Việt Nam được toàn quyền sử dụng văn bản này.
Chúng tôi đã báo cáo lên Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay) và đề nghị cho tổ chức nghiên cứu, phiên dịch và xuất bản kịp thời bộ Đại Việt sử ký toàn thư căn cứ trên bản in Nội các quan bản được in từ ván khắc năm Chính Hoà 18 (1697). Sau khi đề nghị trên được chấp nhận, một Hội đồng chỉ đạo đã được thành lập, gồm:
Chủ tịch: - Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn
Ủy viên: - Giáo sư sử học Phan Huy Lê,
- Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học xã hội Phạm Hựu
Sau khi ông Phạm Hựu nghỉ hưu, ông Nguyễn Đức Diệu giữ chức Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học xãhội đã tham gia Hội đồng chỉ đạo với cương vị ủy viên thay thế ông Phạm Hựu.
Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử có giá trị về nhiều mặt, là một di sản qúy báu của nền văn hoá dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng, chúng tôi thấy có nhiệm vụ phải cố gắng làm sao để cho công trình xuất bản này xứng đáng với vị trí và giá trị của bộ sử. Về mặt phiên dịch, chúng tôi có tham khảo và kế thừa bản dịch cũ, nhưng phải dịch lại trực tiếp từ văn bản mới phát hiện. Chúng tôi cũng mong muốn bản dịch mới tiếp thu những thành tựu mới về ngôn ngữ tiếng Việt và dịch thuật chữ Hán trong thời gian gần đây, vừa tôn trọng ở mức độ cao nhất nội dung và phong cách của bộ sử đã ra đời cách đây gần 300 năm, vừa làm cho bạn đọc dù không biết chữ Hán vẫn hiểu đợc nội dung bộ sử đến mức tốt nhất.
Công trình xuất bản Đại Việt sử ký toàn thư gồm 4 tập:
Tập I gồm Lời Nhà xuất bản Khoa học xãhội, Lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, bài Khảo cứu về "Đại Việt sử ký toàn thư: tác giả - văn bản - tác phẩm" của Giáo sư Phan Huy Lê và bản dịch phần đầu Đại Việt sử ký toàn thư gồm Quyển thủ, Ngoại kỷ Q. 1 - 5, Bản kỷ Q 1 - 4, do nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức Thọ dịch, chú giải, và Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính.
Tập II gồm phần dịch và chú giải Bản kỷ Q.5 - 13 do nhà nghiên cứu Hán Nôm Hoàng Văn Lâu dịch, Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính.
Tập III gồm phần dịch và chú giải Bản kỷ Q.14 - 19 do nhà nghiên cứu Hán Nôm Hoàng Văn Lâu dịch, Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính và phần Phụ lục với bản dịch Đại Việt sử ký tục biên Q.20 - 21 của Phạm Công Trứ do nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Thế Long thực hiện và Sách dẫn để tra cứu do Bộ môn phương pháp luận sử học thuộc Khoa sử Trường Đại học tổng hợp Hà Nội thực hiện.
Tập IV in lại bản chụp nguyên văn chữ Hán bản in Nội các quan bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
Tập I đã xuất bản năm 1983, tập II năm 1985, trong điều kiện ấn loát chưa được tốt lắm. Vì vậy, theo quyết định của Hội đồng chỉ đạo, năm 1992 chúng tôi in lại tập I, tập II có sửa chữa và in tiếp tập III, IV.
Nhà xuất bản Khoa học xã hội xin trân trọng và vui mừng giới thiệu với bạn đọc công trình xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Hội đồng chỉ đạo do Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ tịch, cảm ơn sự tin cậy và cộng tác tích cực của Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Hà Văn Tấn, sự làm việc hết lòng của các nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long và các cán bộ biên tập Lê Văn Quýnh, Nguyễn Duy Chiếm.
Cũng nhân dịp bộ Đại Việt sử ký toàn thư ra mắt, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Thư viện Hội Á Châu, Trường Viễn Đông bác cổ, Trường Đại học Paris VII, Hội Khoa học xã hội của người Việt Nam tại Pháp và Giáo sư sử học lão thành Hoàng Xuân Hãn, nhà nghiên cứu Hán Nôm Tạ Trọng Hiệp, các nhà khoa học người Việt Nam tại Pháp ở Paris trước đây đã nhiệt tình giúp đỡ Giáo sư Phan Huy Lê trong việc nghiên cứu và sao chụp bản Đại Việt sử ký toàn thư ở Pháp, nay tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trong việc chụp lại và công bố văn bản đó, chúng tôi trân trọng cảm ơn bà Vân Bùi Mộng Hùng, Giám đốc Nhà xuất bản Chân Mây Médiapoly đã hết lòng cộng tác giúp đỡ chúng tôi sao chụp và thu nhỏ, làm chế bản in Nội các quan bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư để xuất bản tập IV.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, nhà thơ Cù Huy Cận đã quan tâm giúp đỡ chúng tôi và đặc biệt trân trọng cảm ơn ông Tổng Giám đốc UNESCO (Paris) đã tài trợ cho công trình xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư này, nhằm bảo vệ và phát huy một di sản quý giá của nền văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.