-
Hiến Tông Hoàng Đế
Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư
Quyển VII
[1a]
Kỷ Nhà Trần
Hiến Tông Hoàng Đế
Tên húy là Vượng, con thứ của Minh Tông, mẹ đích là Hiến Từ tuyên thánh hoàng thái hậu, mẹ sinh là Minh Từ hoàng thái phi Lê thị. Ở ngôi 13 năm, thọ 23 tuổi, băng táng ở lăng Xương An. Vua tư trời tinh anh, sáng suốt, vận nước thái bình, nhưng hưởng thọ không dài, chưa thấy làm được gì, đáng tiếc thay!
Canh Ngọ, Khai Hựu năm thứ 2 [1330], (Nguyên Chí Thuận năm thứ 1). Mùa hạ, tháng 5, lấy ngày sinh làm tiết Hội Thiên.
Mùa thu, tháng 7, Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu1037 băng tại am Mộc Cảo, Yên Sinh.
Thái hậu tính nhân từ. Các con của Anh Tông, dù là con vợ thứ sinh ra, bà đều yêu dấu, chăn nuôi như con mình.
Công chúa Huệ Chân được Anh Tông yêu quí, thái hậu cũng rất yêu nàng. Thiên Chân là con đẻ của [1b] Thái hậu, nhưng khi có ban thức gì, thì cho Huệ Chân trước, rồi sau mới đến Thiên Chân. Sau khi Anh Tông băng, Thái hậu càng chăm sóc Huệ Chân hơn trước.
Đến như đối xử với các cung tần ưu hậu, như nữ quan trong cung là Vương thị, mẹ đẻ của Huệ Chân, được yêu quí mà có thai, Thái hậu đã lấy song hương đường ( phòng ngủ của thái hậu ) cho làm nơi sinh đẻ. Vương thị sau khi đẻ xong thì mất. Cung nhân ngầm tâu với Thượng hoàng là Thái hậu giết Vương thị. Thượng hoàng vẫn biết Thái hậu là người nhân từ, liền nổi giận lấy roi đánh người cung nhân ấy. Thái hậu cũng chẳng để bụng chuyện đó.
Bảo Huệ quốc mẫu ( tức là mẹ của Bảo Từ thái hậu ) có lần xin cho Nguyên Huy ( túc là con gái của Uy Huệ, cháu gái của Bảo Từ ) vào làm cung phi. Thượng hoàng đem chuyện đó hỏi thái hậu. Thái hậu trả lời: " Không được, nếu Nguyên Huy được làm phi thì sẽ khiến Thục Tư phải xưng là nô chăng?".
Bà không đem ơn riêng mà cho bừa là như vậy đó. Người đương thời ca ngợi bà là bậc đứng đầu mẫu đức. Từ khi rước linh cữu Anh Tông về Yên Sinh, mọi điều khổ hạnh, bữa cháo, bữa chay, [2a] không việc gì bà không làm, nhưng bà không chịu thụ giới với nhà sư. Bà nói:
" Từ khi Tiên đế ra đi, ta không thể trông thấy mặt nhà sư, ngồi nói chuyện với nhà sư được, chỉ ăn chay, húp cháu khổ hạnh để báo đáp đức lớn như trời của tiên đế thôi, y bát1038 mà làm gì?".
Bà ở núi mười năm rồi mất.
Tá Thánh thái sư Chiêu Văn Đại Dương Nhật Duật mất ( thọ 77 tuổi ).
Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già ( thôn này hồi Lý Thánh Tông đánh chiếm Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng Chiêm đặt tên là Đa Gia Ly, sau gọi sai thành "Bà Già") có khi ba, bốn ngày mới về. Lại hay đến chơi chùa Tường Phù, nói chuyện với nhà sư người Tống, ở lại đến hôm sau mới về. Người nước ngoài đến kinh sư, thường kéo đến nhà ông. Nếu là khách Tống thì ông kéo ghế ngồi gần, chuyện trò suốt buổi, nếu là người Chiêm hay người các man khác, thì đều theo phong tục nước họ mà tiếp đãi.
Đời Nhân Tông, sứ nước Sách Mã Tích1039 sang cống, không tìm được người phiên dịch. Chỉ có [2b] Nhật Duật là dịch được. Có người hỏi vì sao ông biết tiếng nước họ, ông trả lời rằng:
"Thời Thái Tông, sứ nước ấy sang1040 nhân có giao du với họ nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ".
Nhân Tông từng bảo:
"Chiêu Văn Vương1041 có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc, nên giỏi tiếng các nước đó".
Khi đã làm tể tướng, ông thường qua nhà Trần Đạo Chiêu là người Tống, ngồi bên nhau nói chuyện phiếm hàng giờ mà không mỏi. Anh Tông nghe biết chuyện bảo ông:
"Tổ phụ1042 là tể tướng. Đạo Chiệu tuy là người Tống, nhưng đã có Hàn lâm phụng chỉ, há nên ngồi nói chuyện với hắn?".
Theo lệ cũ, sứ Nguyên sang, phải sai người biết tiếng để phiên dịch, tể tướng không được nói chuyện [trực tiếp ] với họ, sợ lỡ có sai sót gì thì đỗ lỗi cho người phiên dịch. Nhật Duật thì không thế, khi tiếp sứ Nguyên, ông thường nói chuyện thẳng với họ mà không mượn người phiên dịch. Đến khi sứ về nơi nghỉ thì dắt tay cùng vào, ngồi uống rượu vui vẽ như bạn vẫn quen biết. Sứ Nguyên hỏi ông:
"Ông là người Chân Định1043 tới làm quan ở đây chớ gì ? ".
Nhật Duật ra sức bác lại, nhưng họ vẫn không tin [3a] vì hình dáng và tiếng nói của ông đều giống người Chân Định.
Anh Tông muốn tuyên Tôn Từ hoàng thái hậu làm Thái hoàng thái hậu, nhưng chưa biết gia tôn thế nào. Khâm Từ hoàng thái hậu đem việc ấy hỏi ông, ông trả lời là tôn làm thái hoàng thái hậu.
Anh Tông có hai chiếc mũ võ, là mũ đội khi duyệt và giảng võ mà chưa có tên gọi. Khi đi đánh Chiêm Thành, định đội đi, sai Nhật Duật đặt tên, Nhật Duật liền đặt tên một chiếc là Vũ Uy, một chiếc là Vũ Đức. Đến các tênb"Toát Trai", "Tư thiện đường" của Đông cung ( nhà học của hoàng thái tử gọi là Tư thiện đường, nhà học của Đông thái tử gọi là Toát trai) cũng đều là do ông đặt tên cả.
Những tiết tấu âm nhạc, khúc điệu múa hát cũng do Nhật Duật sáng tác.
Cuối niên hiệu Thiệu Bảo1044 , ông giữ trại Thu Vật ở Tuyên Quang. Giặc hồ vừa xâm phạm bờ cõi, Chiêu Quốc1045 tâu với vua rằng:
"Chiêu Văn ở Tuyên Quang, chắc ở trên đó gọi giặc sang rồi!" ( Nhật Duật thích chơi với người Tống nên Chiêu Quốc nói thế ).
Khi Tuyên Quang thất thủ, Nhật Duật thuận dòng [3b] rút về xuôi, quân giặc theo hai bên bờ sông đuổi ông. Nhật Duật ngoảnh lại thấy giặc đi thong thả, bảo quân lính: "Truy kích thì phải nhanh, nay chúng lại đi thong thả, sợ có quân phía trước đón chặn".
Vội sai người dò xem, quả nhiên thấy giặc đã chặn ngang ở hạ lưu. Ông liền lên bộ chạy thoát.
Ông là người hòa nhã, độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt, trong nhà không bao giờ chứa roi vọt để đánh nô lệ. Nếu có đánh thì cũng kể tội lỗi sau rồi mới đánh.
Có lần ông sai gia đồng giữ thuyền, tên này bị gia đồng của Quốc phụ1046 đánh, có người đến mách. Nhật Duật hỏi: "Có chết không?". Người đó trả lời:"Chỉ bị thương thôi". Ông nói: "Không chết thì thôi, mách làm gì!".
Lại có người kiện gia tùy của ông với Quốc phụ. Quốc phụ sai gia đồng tới bắt. Người gia tùy chạy vào trong phủ, người gia phủ chạy đến nhà giữa, bắt trói ầm ỹ. Phu nhân khóc lóc nói với ông :
"Ân chúa là tể tướng, Bình chương1047 cũng là tể tướng, vì ân [4a] chúa nhân từ, nhu nhược nên người ta mới coi khinh đến nước này".
Nhật Duật vẫn ung dung không nói, chậm rãi sai người bảo kẻ gia tỳ rằng:
"Mày cứ ra đi, ở đâu cũng đều có phép nước".
Ông lại thiệp liệp sử sách, rất hâm mộ huyền giáo1048 ,thông hiểu xung điển1049 , nổi tiếng đương thời là người uyên bác.
Hồi Thượng hoàng còn nhỏ, bị ốm, từng sai ông làm phù phép trấn áp cho yên. Ông mặc áo lông đội mũ, trông như đạo sĩ.
Vợ ông là Trinh Túc phu nhân từng có việc xin riêng với ông, ông gật đầu. Đến khi ra phủ, người thư ký đem việc ấy trình lên ông, ông lại không cho.
Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, trong nhà không ngày nào không mở cuộc hát xướng, làm trò, mà không ai cho là say đắm. So với Quách Tử Nghi1050 tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế.
Trinh Túc phu nhân là người Thanh Hóa, cho nên các nàng hầu vợ lẽ của Nhật Duật [4b] đều là người Thanh Hóa và các con ông cũng đều do các bà ở Thanh Hóa đẻ ra. Sau này, có bổ tri phủ Thanh Hóa, đều lấy con cháu Nhật Duật cho làm, cũng như Quốc Khang ở Châu Diễn vậy.
Trần Khắc Chung chết, tặng chức Thiếu sư.
Khắc Chung là người cố làm ra vẻ khác đời để cầu tiếng khen, không chăm lo đến nghiệp nhà. Mỗi buổi sáng vào chầu thì tạm nghỉ ở cục Thượng Liễn cửa Vĩnh Xương, xem kỹ các bản tâu để chuẩn bị tâu bày. Khi tan chầu thì tới Đông cung ( khi ấy Minh Tông đang còn ở Đông cung ) dạy học, đều giả vờ, cố sức mà làm.Thường hay đánh bạc với học sĩ Nguyễn Sĩ Cố, có khi đến 2,3 ngày, đánh thâu đêm suốt sáng, ngồi ngay trên giường đánh bạc mà húp cháo, không nghỉ lấy một chút. Được thua chỉ một hai quan tiền mà dụng tâm khổ sở như vậy. Lại như gặp những ngày trẻ đầy năm,mừng nhà mới của bạn
bè, được mời là đến cả. Thậm chí nhà quan thầy thuốc có món ăn ngon cũng tới.Quân nhân biếu món ăn thì khen ngợi[5a] vợ họ. Một hôm,[ Khắc Chung ] bảo con là Công Xước: " Mày Lấy con gái nhà ấy sao không bảo cho ta biết ?".
Trước đây Khắc Chung lấy nàng Bảo Hoàn. Khoảng đời Trung Hưng, người Nguyên vào cướp, cha mẹ Bảo Hoàn hàng giặc, tài sản, ruộng đất đều bị tịch thu sung công. Đến khi vua lên ngôi, xuống chiếu cho trả lại, nhưng ông cũng không đem điền sản đó dùng vào việc thờ cúng. Ông ta xu thời giả tạo như thế đó. Chỉ có việc đi cầu hòa [với quân Nguyên ] là khả quan thôi. Cho nên, người đời đều khen là giỏi.[Khi mất], đưa về chôn ở Giáp Sơn, bị gia nô của Thiệu Võ băm nát xác ra.
Tân Mùi, [Khai Hựu] năm thứ 3[1331], ( Nguyên Chí Thuận năm thứ 2). Nhà Nguyên sai Lại bộ thượng thư Tản Chỉ Ngõa1051 sang báo việc Văn Tông lên ngôi.
Sai sứ sang Nguyên chúc mừng1052 .
Thượng hoàn ngự cung Trùng Quang. Hoàng tử phủ đứng hầu. Gặp mưa gió to, [hoàng tử Phủ ] ứng chế làm bài thơ có câu :
An đắc tráng sĩ lực cái thế, Khả ngự đại ốc chi đồi phong. (Sao được tráng sĩ sức hơn đời, Chống đỡ nhà to khi gió mạnh). Thượng hoàng thưởng cho Phủ 10 lạng vàng (Phủ lúc ấy 11 tuổi).
[5b] Nhâm Thân, [Khai Hựu] năm thứ 4 [1332], (Nguyên Chí Thuận năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, ngày 15, phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu vàoThái Lăng.
Trước đó, Thượng hoàng sai các quan chọn ngày chôn cất. Có người bác đi rằng: "Chôn năm nay tất hại người tế chủ". Thượng hoàng sai hỏi người đó rằng: "Người biết là sang năm ta nhất định chết à?".
Người ấy trả lời là không biết. Thượng hoàng lại hỏi rằng:
"Nếu sang năm trở đi, ta chắc chắn không chết, thì hoãn việc chôn mẫu hậu cũng được; nếu sang năm ta chết, thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu chẳng hơn là chết mà chưa lo được việc đó ư? Lễ cát lễ hung phải chọn ngày là vì coi trọng việc đó thôi, chứ đâu có phải câu nệ họa phúc như các nhà âm dương."
Rốt cuộc vẫn cử hành lễ tang.
Tháng 3, lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Nội mật viện phó sứ, giữ sổ sách ở nội sảnh cung Quan Triều.
Mùa thu, tháng 7 lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Tri thẩm hình viện sự, kiêm An phủ sứ Thanh Hóa. Trung Ngạn[6a] lập Bình doãn đường xét xử ngục tụng. Không ai bị xử oan hoặc xử quá đáng.
Quý Dậu, [Khai Hựu] năm thứ 5[1333], (Nguyên Thuận Đế Thỏa Hoan Thiếp Mục Nhi, Nguyên Thống năm thứ 1). Mùa thu, tháng 7, nước lớn.
Đói to.
Giáp Tuất, [ Khai Hựu] năm thứ 6[1334], (Nguyên Nguyên Thống năm thứ 2). Mùa xuân, đặt thêm chức tả hữu chính ngôn tham nghị ở Trung thư.
Thượng hoàng tuần thú đạo Nghệ An, thân đi đánh Ai Lao. Lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Phát vận sứ Thanh Hóa, vận tải lương thực đi trước. Xa giá tới Châu Kiềm1053 .
Ai Lao nghe tin chạy trốn. Sai Trung Ngạn mài vách núi khắc chử ghi công rồi về1054 .
Ất Hợi, [Khai Hựu] năm thứ 7[1335], (Nguyên Chí nguyên năm thứ 1). Nhà nguyên sai lại bộ thượng thư là Thiết Trụ sang báo việc Thuận Đế lên ngôi.
Mùa thu, tháng 9, Thượng hoàng thân đi đánh Ai Lao bị thua. Đoàn Nhữ Hài bị chết đuối.
Trước đó, Thượng hoàng đã bàn việc đánh Ai Lao mà không đi được. Đến đây, lại bàn việc thân chinh, nhưng bị đau [6b] mắt. Có người xin hõan việc xuất quân. Thượng hoàng nói :
"Năm ngoái định thân chinh rồi không được, năm nay lại vì đau mắt mà hoãn việc xuất quân, thiên hạ sẽ bảo ta là nhát, nếu giặc phương Bắc xâm lấn thì ta còn nhờ cậy vào đâu?".
Bèn quyết chí thân chinh, ít lâu sau mắt cũng khỏi. Đến Nghệ An, bệnh lại tái phát. Thượng hoàng ngồi thuyền cố gượng mà đi, khi lên bộ thì khỏi.
Bấy giờ Nhữ Hài chỉ huy quân thần Vũ và Thần Sách, kiêm chức kinh lược đại sứ Nghệ An, mà Ai Lao xâm lấn đất Nam Nhung1055 là thuộc ấp của Nghệ An, cho nên lấy Nhữ Hài làm đốc tướng, các quân đều chịu sự chỉ huy của ông.
Nhữ Hài chỉ đem quân thần Vũ và quân Nghệ An tiến đánh, đoán chừng Ai Lao giữ đất Nam Nhung, quân ít và thiếu, đánh nhất định thắng. Vả lại, trại nó sát ngay sông lớn Tiết La1056 , sau khi thắng trận bắt được tù binh theo dòng xuôi xuống, đi qua Chân Lạp và các nước phiên khác, đều có diễu võ giương oai, nhân đó dụ bảo con em các nước ấy vào chầu, y muốn lập [7a]kỳ công để lấn lướt người cùng hàng.
Đến ngày giao chiến, mây mù che tối, giặc đã phục sẵn voi ngựa, hai mặt giáp công, quan quân thua to, sa xuống nước chết đuối đến quá nửa. Nhữ Hài cũng ở trong số người chết đuối đó.
Thượng hoàng được tin đó bảo rằng: "Nhữ Hài dùng mưu tất thắng thừa kế tất thắng, công đã gần thành, cuối cùng bị giặc nhử mồi[mà chết]. Nhữ Hài không phải không biết tình thế của giặc, chỉ vì muốn làm to quá mới đến nỗi vậy.Thế mới biết sự mong muốn của con người không thể vượt quá giới hạn được".
Sử thần ngô Sĩ liên nói :"Trận đánh Thành Bộc1057 . Tử Ngọc có mưu tất thắng mà rốt cuộc bị thua là vì bị Văn Công nhử mồi.Trận đánh Nam nhung, Nhữ Hài có mưu tất thắng rồi cũng bị thua là vì bị Ai Lao nhử mồi. Hai viên tướng này đâu phải không có tài lược mà đến nỗi như thế. Chỉ vì kiêu căng nên chuốc lấy thất bại đó thôi.
Khổng Tử nói: "Gặp[7b] việc thì lo sơ, mưu giỏi thì thành công". Điều cốt yếu của việc chiến trận không gì lớn hơn thế. làm tướng mà kiêu ngạo, có thành công được bao giờ!.
Khi Thượng hoàng thân chinh thì Đỗ Thiên Hư chỉ huy quân Khoái Hộ (tức là quân Thần Sách) đang bị ốm nặng. [Thượng hoàng ] bảo ở lại Thiên Hư liền sai người nhà khiêng mình đến ngoài cửa Vĩnh An, cố xin theo xa giá và nói :
"Thần thà chết ngoài cửa quân dinh chớ không muốn chết trong giường đệm".
Thượng hoàng khen ngợi chí khí của ông, cho đi theo, khi vào đất giặc thì chết. Thượng hoàng than thở thương tiếc sắc cho dùng nhạc Thái thường để cúng tế. Sau này Nguyễn Dũ chết cũng như vậy.
(Bấy giờ cúng tế thông thường mà dùng nhạc Thái thường thì chỉ có hành khiển mới được, chức thẩm hình chỉ được dùng trai nội tế.Thiên Hư được tế bằng Thái thường là ân sủng đặc biệt, không kém gì hành khiển).
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Kẻ tiểu nhân suy tính thấy lợi thì tiến,thấy hại thì [8a] lui, chỉ mong vừa lòng mình, có lợi cho mình.Cho nên có kẻ thấy việc ngại thì khó, có kẻ làm quan thì kiếm cớ, hiếm được người sốt sắng với vua họ. Thiên Hư đang lúc ốm nặng, Minh Tông cho ở lại, như thói thường của người đời thì chẳng qua vâng lời là xong, lại cố xin đi theo, không muốn chết ở nơi giường đệm, thì suy nghĩ của ông chỉ sốt sắng với nhà vua thôi, há chẳng làm cho những kẻ ngại khó kiếm cớ xấu hổ sao ?
Bấy giờ có thượng tướng Phạm Thương Cối tính người hòa nhã, chưa từng tranh cạnh với ai.Trần Ngô Lang thường hay khinh rẻ ông, nhưng ông cũng không động lòng. Đến việc đánh dẹp thì nhiều lần có công, cũng không cậy công mà lên mặt với người khác. Thượng hoàng có lần bảo :
"Cách sửa mình của Thương Cối cũng gần được như Quách Tử Nghi".
Mùa đông, tháng 12, động đất.
[8b] Bính Tý, [Khai Hựu ] năm thứ 8[1336], (Nguyên Chí nguyên năm thứ 2). Thượng hoàng từ Ai Lao về đến kinh sư.
Mùa thu, tháng 7, nước to.
Mùa đông, tháng 10, ngày 19, con của Thượng hoàng là Hạo sinh (tức là Dụ Tông).
Đinh Sửu, [Khai Hựu] năm thứ 9[1337], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 3). Mùa hạ, tháng 6, ngày mồng 2, con của Thượng hoàng là Kính sinh (tức là Duệ Tông).
Ngày mồng 5, sét đánh đình Át Vân điện Thụy Chương.
Sao chổi mọc ở phương đông Bắc.
Xét duyệt các quan văn võ, vẫn đặt thuộc viên các sảnh, viện.
Mùa thu, tháng 7, lấy công chúa Hiển Trinh, con gái trưởng của Bình chương Huệ Túc vương làm Thần phi.
Tháng 9, xuống chiếu cho các quan trong ngoài triều khảo sát các thuộc viên do mình cai quản, người nào có tờ khai cam kết thì giử lại, người nào ở nhà không làm việc thì đuổi về.
Lấy Nguyễn Trung Ngạn làm An phủ sứ Nghệ An, kiêm Quốc sử viện giám tu quốc sử, hành Khoái Châu lộ tào vận sứ Trung Ngạn kiến nghị lập tào thương chứa thóc tô để chẩn cấp dân bị đói. Xuống chiếu cho các [9a] lộ bắt chước thế mà làm.
Sai Hưng Hiếu Vương dẹp người man Ngưu Hống. [Hưng Hiếu Vương] tiến quân vào trại Trịnh Kỳ, đánh tan quân man, chém tù trưởng của họ là Xa Phần.
Quân trở về, quân sĩ đều được ban thưởng. Hưng Hiếu Vương viện dẫn việc Nhân Huệ Vương đi dẹp ấp Nam Nhung khi trước, xin thưởng cả những người giữ thuyền. Thượng hoàng nói :
"Khánh Dư đi đánh Nam Nhung, từ Nghệ An đi bộ mấy ngày, đến sông Nam Nhung mới đục gỗ làm thuyền.Đó là giữ thuyền trong đất của giặc, chứ không phải là giữ thuyền ở Nghệ An.Người giữ thuyền lần này thì khác thế.Vả lại, có thưởng tất phải có phạt, thưởng phạt thường phải có cả. Nếu người giữ thuyền muốn nhờ ở chiến thắng để lấy thưởng, giả sử người đi đánh bị chết thì người giữ thuyền cũng chịu chết chăng?".
Hưng Hiếu trả lời :"Nếu không có người giữ thuyền, trong quân mà nghe tin giặc lấy mất thuyền thì quân sĩ liệu có giữ vững được không?". Thượng hoàng nói: "Nếu vậy thì trước hết phả thưởng cho những người trong triều mới phải, vì nếu Kinh sư không yên thì quân sĩ có thể đi đánh giặc được không?". Hưng Hiếu [9b] không trả lời được.
Trong chiến dịch này, gia đồng của Hưng Hiếu là Phạm Ngải có lập chiến công, Thượng hoàng nói: "Gia nô tuy có chút công lao nhưng không được dự vào quan tước triều đình".
Xuống chiếu cấp cho Ngải 5 phần suất ruộng. Lại có Bảo Vũ là người Thượng hoàng rất yêu mến, nhưng cũng không được đặt vào chức quan trọng vì không có tài, cũng như Anh Tông đối với Hưng Bảo1058 vậy.
Mậu Dần, [Khai Hựu] năm thứ 10 [1338], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 4). Mùa thu, tháng 8, nước to.
Mùa đông, tháng 10, gió to, nhà cửa, cây cối bị đỗ gãy nhiều.
Lấy Cung Tĩnh Vương Nguyên Trác làm tham dự triều chính, Cung Định Vương Phủ làm Phiêu kỵ thượng tướng quân, lĩnh trấn Tuyên Quang.
Kỷ Mão, [Khai Hựu] năm thứ 11[1339], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 5). Mùa xuân, đổi tên lịch Thụ thành lịch Hiệp kỷ.
Khi ấy, Hậu nghi lang thái sử cục lệnh là Đặng Lộ cho rằng lịch các đời trước đều gọi là lịch Thụ thì, xin đổi tên thành lịch Thụ thì, xin đổi thành lịch Hiệp [10a] kỷ. Vua y theo.
(Lộ là người huyện Sơn Minh )1059 .Lộ từng làm linh lung nghi thảo nghiệm thiên tượng, không việc gì là không đúng.
Mùa thu, tháng 8, ngày 15, ban đêm, con của Thượng hoàng là Hạo đi thuyền chơi Hồ Tây bị chết đuối, vớt được ở lỗ cống đơm cá. Thượng hoàng sai thầy thuốc Trâu Canh cứu chữa. Canh nói: "Dùng kim châm sẽ sống lại, nhưng chỉ sợ sẽ bị liệt dương". Dùng kim châm thì quả như lời ông ta nói, từ đấy mọi người gọi Trâu Canh là thần y. Canh sau mãi được thăng lên Quan phục hầu Tuyên Huy viện đại sứ kiêm Thái y sứ.
Lấy Trương Hán Siêu làm Môn tạ hữu ty lang trung.
Nhân Huệ Dương Khánh Dư chết.
Năm nay, sao Huỳnh Hoặc mọc vào giới phận sao Nam Đẩu ở đến hơn một tháng mới ra (chưa rỏ tháng nào ).
Tân Tỵ, [Khai Hựu] năm thứ 13[1341] , (từ tháng 8 trở đi là Dụ Tông, Thiệu Phong năm thứ 1, Nguyên Chí Chính năm thứ 1) .Mùa xuân, lấy nguyễn Trung Ngạn làm Đại Doãn kinh sư.
Mùa hạ, tháng 6, ngày 11, vua băng ở chính tẩm, tạm quàn[10b] ở cung Kiến Xương, miếu hiệu là Hiến Tông.
Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: "Vua tuy có thiên tư tốt đẹp, nhưng vì tuổi trẻ nối ngôi, công việc trong nước đều do Thượng hoàng giữ cả, thì cũng như là người chưa nắm việc của đất nước, tức như câu "cha còn sống, con không được chuyên quyền"" 1060 vậy, còn bàn vào đâu được nữa.
Mùa thu, tháng 8, ngày 21, Thượng hoàng đón hoàng tử Hạo lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiệu Phong năm thứ 1.
Đại xá.
[ Vua ] tự xưng là Dụ Hoàng. Các quan dâng tôn hiệu là Thống Thiên Thể Đạo Nhân Minh Quang Hiếu Hoàng Đế. Vua lúc ấy mới lên 6 tuổi. [Thượng hoàng ] không lập con trưởng là Cung Túc Vương Dục, Vì [Dục] là người ngông cuồng.
Sai Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn làm biên soạn bộ Hòang triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành.
[11a] Dụ TÔNG HOÀNG ĐẾ
(Phụ:HÔN ĐỨC CÔNG DƯƠNG NHẬT LỄ, 1 năm )
Tên húy là Hạo, con thứ mười của Minh Tông, do Hiến Từ Hoàng hậu sinh ra. Ở ngôi 28 năm,thọ 34 tuổi, băng táng ở Phụ Lăng. Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sữa sang việc văn, các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp; từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó.
Nhâm Ngọ, [Thiệu Phong] năm thứ 2[1342], (Nguyên Chí Chính năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, xét duyệt các quan văn võ và tạp lưu.
Mùa hạ, tháng 4, phong con gái của Thượng hòang là Ngọc Tha (còn chép là Bạch Tha) làm Thiên Ninh công chúa, gã cho Chính Túc Vương Kham, (có sách chép là Hưng Túc).
Tháng 5, chúa Chiêm thành Chế A Nan chết. Con rể là Trà Hòa Bố Đề tự lập làm vua, sai đến cửa khuyết báo tin buồn.
Mùa thu, tháng 7, tôn Hiến Từ hoàng hậu làm Hoàng Thái hậu.
Lấy Trương Hán Siêu làm [11b] tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang; Nguyễn Trung Ngạn chọn đinh tráng các lộ bổ sung các ngạch thiếu của cấm quân, định thành sổ sách. Khu mật viện quản lãnh cấm quân bắt đầu từ Trung Ngạn.
Thượng hoàng ngự đến Ngự sử đài. Giám sát ngự sử Doãn Định và Nguyễn Như Vi bị bãi chức.
Bấy giờ đã trùng tu xong Ngự sử đài.Sáng sớm, Thượng hoàng ngự tới, Ngự sử Trung tán là Lê Duy theo hầu Thượng hoàng trở về cung rồi, Doãn Định và Nguyễn Như Vi mới đến [Hai người] bèn làm sớ kháng nghị, nói là Thượng hoàng không được vào Ngự sử đài và hặc tội Lê Duy không biết can ngăn, lời lẽ rất gay gắt.
Thượng hoàng gọi đến dụ họ rằng: "Ngự sử đài cũng là một trong các cung điện, chưa từng có cung điện nào mà thiên tử không được vào.Vả lại, trong Ngự sử đài xưa kia còn có chổ để thiên tử giảng học.các bạ thư[12a] chi hậu dâng hầu bút nghiêng đều ở đó cả. Đó việc cũ thiên tử vào Ngự sử đài. Ngày xưa Đường Thái Tông còn xem Thực lục, huống chi là vào đài!".
Bọn Định còn cố cãi, mấy ngày vẫn không thôi. Vua dụ họ hai, ba lần cũng không được, bèn bị bãi chức cả.
Quý Mùi, [Thiệu Phong] năm thứ 3 [1343], ( Nguyên Chí Chính năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, Thượng hoàng ngự đến phủ Thiên Trường.
Mùa hạ, tháng tư, ngày mồng một, nhật thực.
Tháng 5, tháng 6, hạn hán. Xuấng chiếu ban giảm một nửa thuế nhân đinh năm này.
Mùa đông, tháng 11,ngày mồng một, Khâm từ hoàng Thái hậu băng.
Năm này mất mùa,đói kém,dân nhiều kè làm trộm cướp, nhất là gia nô các vương hầu.
Giáp Thân, [Thiệu Phong] năm thứ 4[1344], (Nguyên Chí Chính năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, người Trà Hương1061 là Ngô Bệ họp bọn ở núi Yên Phụ1062 làm giặc cướp.
Đổi Hành khiển ty ở cung Thánh Từ làm Thương thư sảnh, còn Hành khiển ty ở cung Quan Triều[12b] vẫn để là môn hạ sảnh như cũ.
Đặt đại sứ và phó sứ của viện Tuyên Huy.
Đổi kiểm pháp quan của viện Đăng Văn thành Đình úy, Tự khanh và Thiếu khanh.
Đặt đồn điền sứ và phó sứ ở ty Khuyến nông.
Lộ lớn thì đặt An phủ sứ và phó sứ, thuộc châu thì đặt Thông phán. Lại đặt chức Đề hình và chức Tào ty chuyển vận ở lộ nhỏ. Phủ Thiên Trường thì đặt là Thái phủ và Thiếu phủ.
Phục hồi quan tước cho Quốc phụ thượng tể Quốc chẩn.
Mùa thu, tháng 8, đặt 20 đô phong đoàn ở các lộ để đuổi bắt giặc cướp.
Ngày 15 an táng Hiến Tông vào An Lăng ở Kiến Xương1063 .
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thiên tử mất 7 thánh thì chôn.Ngày xưa Chu Hòan Vương mất đến 7 năm mới chôn là vì nhà Chu khi ấy có lọan Tử Nghi và Hắc Kiên1064 . Hiến Tông đến nay đã mất 4 năm rồi mới táng, vẫn chưa biết lý do vì sao. Có lẽ còn thượng hoàng nên phải theo lệnh chăng?. [13a] nhưng lúc ấy cũng không thấy ai đem lễ ra bàn cãi cả.
Năm này mất mùa, đói kém, dân nhiều kẻ phải làm sư và làm nô cho các thế gia.
Ất Dậu, [Thiệu Phong] năm thứ 5[1345], (Nguyên Chí Chính năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 3, thi thái học sinh. Phép thi dùng ám tả, cổ văn, kinh nghĩa, thi phú.
Mùa hạ, tháng 4 và 5 hạn hán. Xuống chiếu soát tù, giảm tội bọn tội phạm.
Mùa thu, tháng 8, sứ Nguyên là Vương Sĩ Hành sang hỏi việc cột đồng. Sai Phạm Sư Mạnh đi biện bạch việc này.
(Xét năm này ở nước Nguyên giặc cướp nổi lên ở khắp nơi, hơn nữa, tháng 9 năm sau Sư Mạnh được lệnh thăng chức, đi về sao lại nhanh thế?. Việc này chưa chắc đã có, hãy tạm chép vào đây).
Mùa đông, tháng 11, lấy Trương Hán Siêu là Tả gián nghị đại phu.
Sai quân nhân đi bắt Ngô Bệ ở núi Yên Phụ. Quân của Bệ chạy trốn tan rã cả.
Bính Tuất, [Thiệu Phong] năm thứ 6 [1346], (Nguyên Chí Chính năm thứ 6). Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng một, nhật thực.
Sai Phạm Nguyên Hằng sang sứ [13b] Chiêm Thành, trách hỏi về việc thiếu lễ triều cống hàng năm.
Mùa hạ, tháng 5, Ai Lao vào cướp biên giới. Sai Bảo Uy Vương Hiến đánh tan bọn chúng. Bắt được rất nhiều người và súc vật. Mùa thu,tháng 9, lấy Phạm Sư Mạnh là Trưởng bạ kiêm Khu mật tham chính.
Mùa đông, tháng 10, Chiêm Thành sai sứ sang cống, lễ vật rất đơn bạc.
Đinh Hợi, [Thiệu Phong] năm thứ 7 [1347], (Nguyên Chí Chính năm thứ 7) .Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng một, nhật thực.
Mùa hạ, tháng 6 , Bảo Uy Vương Hiến có tội bị đuổi ra làm Phiêu kỵ tướng quân trấn Vọng Giang1065 , rồi bị giết ở sông Vạn Nữ1066 , lộ Trường Yên.
Buổi đầu dựng nước, thuyền buôn nước Tống sang dâng người nước Tiểu Nhân, thân dài 7 tấc, tiếng như ruồi nhặng, không thông ngôn ngữ, lại dâng một tấm vải hỏa hoãn1067 giá mỗi thước 300 quan tiền, lưu truyền làm của quý. Sau đem may áo vua, cắt hơi ngắn, sai cất trong nội phủ. [14a] Bảo Uy tư thông với cung nhân lấy trộm áo ấy. Một hôm Bảo uy mặc áo ấy vào trong rồi vào chầu, tâu việc trước mặt Thượng hoàng, để lộ ống tay áo ra. Thượng hoàng trông thấy có ý ngờ, sai người kiểm xét lại, quả nhiên chiếc áo cất giữ đã mất. Người cung nhân sai người thị tỳ già đến nhà Bảo uy lấy áo đem về, rồi ngầm đem vào cung dâng trình. Thượng hoàng không nỡ giết, đuổi Bảo Uy ra làm quan ở trấn ngoài. Đến sông Vạn Nữ, sai vũ sĩ đi thuyền nhẹ đuổi giết, vứt xác vào bãi cát rồi về, giáng làm Bảo Uy hầu.
Mùa thu, tháng 8, Đôn Từ hoàng thái hậu Lê thị băng.
Cung Mẫn Vương Nguyên Hú chết.
Mậu Tý, [ Thiệu Phong] năm thứ 8[1348], Nguyên Chí Chính năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, lấy ngự tiền học sinh Đỗ Tử Bình làm thị giảng.
Mùa hạ, tháng 5, hạn hán.
Mùa thu, tháng 7, nước to.
Mùa đông, tháng 10, thuyền buôn nước Đồ Bồ1068 đến hải trang Vân D(ồn ngầm mua ngọc trai. Người Vân Đồn [14b] nhiều kẻ mò trộm ngọc trai bán cho họ. Chuyện này bị phát giác, đều bị tội cả.
Phương Cốc Trân1069 nước Nguyên dấy binh làm loạn.
Kỷ Sửu, [Thiệu Phong] năm thứ 9 [1349], (Nguyên Chí Chính năm thứ 9). Mùa xuân, tháng 3, thuyền buôn phương Bắc sang cống bát Diêu Biến.
(Cuối đời Tống, người Hàng Châu nung lò bát sắp được, thấy con chim diêu bay qua trên lò bát, ỉa phân vào trong lò, hoá thành bát ngọc, nên đặt tên là Diêu Biến1070 ) .
Mùa hạ, tháng 5, nước Đại Oa1071 sang cống sản vật địa phương và chim vẹt đỏ biết nói.
Mùa đông, tháng 10, sách phong công chúa Ý Từ, con gái thứ tư của Bình chương Huệ Túc Vương làm Nghi Thánh hoàng hậu.
Tháng 11, ngày mồng một, nhật thực.
Đặt quan trấn, quan lộ vá sát hải sứ ở trấn Vân Đồn, lại đặt quân Bình Hải để trấn giữ. Trước đây, thời nhà Lý, thuyền buôn tới thì váo từ các cửa biển Tha, Viên1072 ở Châu Diễn. Đến nay, đường biển đổi dời, cửa biển nông cạn, thuyền buôn phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn, cho nên có [15a] lệnh này.
Canh Dần, [Thiệu Phong ] năm thứ 10[1350], (Nguyên Chí Chính năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, có người Nguyên là Đinh Bàng Đức, nhân nước có lọan, đem cả nhà đi thuyền vượt biển chạy sang ta. Bàng Đức giỏi leo dây, làm trò ca múa. Người nước ta bắt chước làm trò múa leo dây. Trò leo dây bắt đầu có từ đó.
Cung Giản Vương Nguyên Thạch chết.
Từ Thọ Huy nước Nguyên dấy binh, tự xưng là Hoàng đế1073 , nước [Nguyên] loạn to.
Tân Mão, [Thiệu Phong] năm thứ 11[1351], (Nguyên Chí Chính năm thứ 11). Mùa xuân,tháng giêng, người Thái Nguyên và Lạng Sơn tụ họp làm giặc cướp, đánh lẫn nhau. Đánh dẹp được bọn chúng.
Mùa hạ, tháng 5, ngày mồng một, nhật thực.
Mùa thu, tháng 7, nước to.
Lấy Trương Hán Siêu làm Tham tri chính sự.
Người con gái ở Thiên Cương, Nghệ An biến thành con trai.
Trâu Canh có tội đáng chết, được tha.
Bấy giờ Trâu Canh thấy vua bị liệt dương, dâng phương thuốc nói rằng [15b] giết đứa bé con trai, lấy mật hòa với dương khởi thạch mà uống và thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ hiệu nghiệm. Vua làm theo, thông dâm với chị ruột là công chúa Thiên Ninh, quả nhiên công hiệu.
Canh từ đấy được yêu quý hơn, được ngày đêm luôn ở trong hậu cung hầu hạ thuốc thang. Canh liền thông dâm với cung nữ. Việc phát giác, Thượng hoàng địng bắt Canh chết, nhưng vì có công chữa khỏi bệnh cho vua nên được tha.
( Canh là con Trâu Tôn người phưong Bắc. Khoảng năm Thiệu Phong1074 , người Nguyên vào cướp, tôn làm thầy thuốc đi theo quân Nguyên, đến khi quân Nguyên thua, thì bị bắt. Tôn ở nước ta, chữa thuốc cho các vương hầu thời đó, phần nhiều thấy công hiệu. Người trong nước nhiều lần cho Tôn ruộng, nô, thành ra giàu có. Canh nối nghiệp cha, trở thành danh y, nhưng không có hạnh kiểm nên đến nỗi thế. Đến sau lại được phục hồi chúc vị. Dòng dõi của Canh đến triều nay còn có người là Trâu Bảo, được của do Trâu Canh cất giữ trở nên giàu có, nhưng cũng vì thế mà trở nên lụng bại).
Lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Nhập nội hành khiển, vẫn coi việc ở khu mật viện.
Mùa đông, tháng 11, vua ngự điện Thiên An, duyệt cấm quân ở Long Trì, ban cho Nguyễn Trung Ngạn mặc chiến bào, đội mũ võ, đeo thẻ bài gỗ, nghiên vàng1075 để duyệt cấm quân, định loại hơn kém.
[16a] Nhâm Thìn, [Thiệu Phong] năm thứ 12, [1352], (Nguyên Chí Chính năm thứ 12). Mùa xuân, tháng 3, Chế Mỗ người Chiêm Thành chạy sang ta, dâng voi trắng, ngựa trắng, mỗi thứ một con, một con kiến lớn (dài 1 thước 9 tấc) và các cống vật xin đánh Trà Hòa Bố Để mà lập y làm vương quốc.
Trước đây, khi chúa Chiêm là Chế A Nan còn sống, con rể là Chế Mỗ làm bố điền (tức đại vương), con rể là Trà Hòa Bố Để làm bố đề (Tức tể tướng), nói câu gì bàn kế gì cũng được chúa Chiêm nghe theo, nhân thế hắn lập bè đảng với Chế Mỗ. Chế Mỗ khi nào bị quở trách, Bố Để thưồng cứu gỡ cho. Người trong nước do vậy mà có lòng khác, không chuyên tâm theo về Chế Mỗ nữa. Đến khi A Nan chết, Bố Để liền đuổi Chế Mỗ mà tự lập làm vua. Thế mới biết kẻ làm tôi mà lập bè đảng là có mưu đồ khác mà Chế Mỗ vẫn không biết là mình bị sa vào thuật của nó.
Mùa thu, tháng 7, nước lớn tràn ngập, vỡ đê Bát Khối1076 lúa má chìm ngập. Khóai Châu1077 , Hồng Châu1078 và Thuận An1079 hại nhất.
[16b] Quý Tỵ, [Thiệu Phong] năm thứ 13 [1353], (Nguyên Chí Chính năm thứ 13). Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu cho các vương hầu đóng thuyền chiến, chế tạo vũ khí, luyện tập binh sĩ.
Lấy cung Định Vương Phũ làm Hữa tướng quốc.
Mùa hạ, tháng 6, cử đại binh đi đánh Chiêm thành. Quân bộ đến Cổ Lũy1080 , quân thủy chở lương gặp trở ngại lại quay về.
Trước kia Hưng Hiếu Vương coi Hóa Châu1081 , Chế Mỗ nói với Tước Tề (là gia nhi của Minh Tông đi lại với Chế Mỗ) rằng:
"Chuyện cổ của Chiêm Thành kể rằng ngày xưa có ông vua nuôi một con khỉ lớn, rất yêu quí nó, muốn cho nó biết nói. Ông ta tìm khắp trong nước, bảo người nào biết nuôi dạy được khỉ nói thì thưởng một lạng vàng. Có một người nói là sẽ dạy đưọc. Vua mừng lắm, sai hắn nuôi khỉ. Người ấy nói: "Hàng tháng dùng thuốc phí tổn đến trăm lạng vàng, sau ba năm mới có kết quả". Vua nghe theo. Ý hắn nghĩ rằng quốc vương với mình cùng con khỉ, trong khỏang ba năm nhất định có một kẻ chết hãy cứ lấy vàng của vua đã, mà chẳng cấn phải có kết quả. Chế Mỗ theo về chúa thượng, nhưng thực là Hưng Hiếu chủ trương[17a] việc ấy. Trải bao năm tháng mà vẫn chưa nghe được ngày về nước. Sự thể của tôi cũng giống chuyện đó".
Triều đình nghe lới Chế Mỗ, cử binh đưa Chế Mỗ về nước, nhưng không thành công. Chế Mỗ ở lại nước ta, không bao lâu rồi chết.
Thăng Thái úy Nguyên Trác làm Tả tướng quốc.
Mùa thu, tháng 9, Chiêm Thành vào cướp Hóa Châu, quan quân đánh đuổi chúng rất bất lợi. Vua gọi Trương Hán Siêu mưu tính việc đó. HánSiêu trả lời: "Không nghe lời thần nên đến nỗi thế". Vua bèn sai Trương Hán Siêu đem các quân Thần sách đi trấn giữ Hóa Châu.
Giáp Ngọ, [Thiệu Phong] năm thứ 14 [1354], (Nguyên Chí Chính năm thứ 14). Mùa xuân, tháng 2, quan trấn giữ biên giới phía bắc cho chạy trạm tâu việc Trần Hữu Lượng nước Nguyên dấy binh, sai sứ sang xin hòa thân (Hữu Lượng là con Trần ích Tắc ).
Tháng 3, ngày mồng một, nhật thực.
Bấy giờ đói kém, dân khổ vì giặc cướp. Có kẻ tự xưng là cháu ngoại của Hưng Đạo Đại Vương tên là Tề, tụ họp các gia nô bỏ trốn của các vương hầu làm giặc, cướp bóc các xứ Lạng Giang1082 , Nam Sách1083 .
[17b] Mùa thu,tháng 9, có nạn sâu lúa. Xuống chiếu giảm một nửa tô ruộng.
Mùa đông, tháng 11, có con hổ đen xuất hiện trong thành.
Tả tham tri chính sự Trương Hán Siêu trấn giữ Hóa Châu, biên thùy trở lại yên ổn. Ông xin trở về triều, vua y cho, nhưng về chưa tới kinh sư thì chết, được truy tặng Thái bảo.
Hán Siêu người Phúc Thành,[ huyện] Yên Ninh1084 , [phủ] Trường Yên,là người chính trực, bài xích dị đoan, có tài văn chương và chính sự. Nhà vua chỉ gọi ông là thầy chứ không gọi tên. Ông từng sọan bài văn bia chùa Khai Nghiêm ở Bắc Giang, nội dung tóm lược như sau:
"Chùa bỏ rồi lại dựng, đó chẳng phải là ý muốn của ta. Dựng bia rồi khắc chử, ta biết nói chuyện gì. Ngày nay thánh triều muốn truyền bá phong hóa nhà vua, để chấn hưng phong tục đang bị suy đồi. Dị đoan đáng phải truất bỏ, thánh đạo nên được phục hưng. Làm đại sĩ phu, không phải đạo Nghiêu Thuấn thì không trình bày, không phải đạo Khổng Mạnh thì không trước thuật. Thế mà cứ bo bo lải nhải chuyện phật, ta lừa dối ai đây?".
[18a] Ông nổi tiếng thời bấy giờ, nhưng Tông chính đại khanh Lê Cư Nhân từng coi ông là chân đá cầu nhà quê, vì người làng quê đá cầu phần nhiều không trúng, để ví với Trương Hán Siêu lo liệu công việc phần nhiều không thỏa đáng. Ông ta khinh bỉ người cùng hàng, không giao du với họ chỉ chơi thân với bọn họan quan Phạm Nghiêu Tư, gặp quan thầy thuốc thì thế nào cũng đùa bợt nói cười, đều là những kẻ không đồng điệu với ông. Đến khi coi đất Lạng Giang thì gả con gái cho tù trưởng đất ấy là Nùng Ích Vấn, khi coi chùa Hùynh Lâm thì gả con gái cho tam bảo nô Nguyễn Chế, đều vì mộ sự giàu có của họ cả.
Lê Cư Nhân chết. Cư Nhân hồi Minh Tông còn trị vì, làm quan nội mật kiêm việc khẩm hình, tra xét án ngục ở nhà, bị trung úy Quách Hạo hặc lỗi. Minh Tông hỏi ông sao không tránh đi? Ông trả lời:
"Thần thà chịu phạt trách chứ không dám lừa dối, làm quan mà lừa dối thì làm sao suất lĩnh được liêu thuộc ?".
Xem những lời ông ta chê người khác [18b] và những câu ông ta tự nhận lỗi, thì đủ biết ông là người như thế nào. Đến khi chết được truy tặng Nhập nội hành khiển hữu ty lang trung đồng tri tả ty sự.
Ất Mùi, [Thiệu Phong] năm thứ 15 [1355], (Nguyên Chí Chính năm thứ 15). Mùa xuân,tháng 2, núi Thánh Chúa1085 ở Trà Hương lở.
Động đất.
Từ tháng 3 đến tháng 6, mùa hạ, hạn hán.
Mùa thu,tháng 7, mưa to, nước lớn.
Tháng 9, sát đánh cửa Triều Nguyên và hai cửa nách hai bên tả hữu.
Chu Đức Dụ nước Nguyên xưng hoàng đế (tức Minh Thái Tổ) sau đổi tên thành Nguyên Chương.
Lấy Nguyễn Trung Ngạn làm kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Nhập nội đại hành khiển, thượng thư hữu bật, kiêm tri khu mật viện sự, thị kinh diên đại học sĩ, trụ quốc Khai Huyện bá.
Bà thứ phi của Anh Tông tên hiệu là Tĩnh Huệ, là con gái Điện súy Phạm Ngũ Lão, trước đã xuất gia. Sau khi Anh Tông băng, bà trở về quê hương. Một hôm lên chùa Bảo Sơn xã Phù Ủng, [19a] bà than rằng: "Chùa này do tiên quân1086 ta dựng lên. Ta tuổi đã cao, làm nhà ờ đây vừa có thể thờ vua lại vừa có thể cúng tổ tiên, trung hiếu vẹn cả đôi đường. Đó là sở nguyện của ta".
Thế rồi sữa lại chùa đó , lại làm điện ở phía bên đông chùa và làm nhà ở phía đằng sau để cúng lễ tổ tiên thần thánh. Khi làm xong, Thượng hoàng đến thăm, ban cho biển ngạch để biểu dương lòng hiếu kính của bà.
Bính Thân, [Thiệu Phong] năm thứ 16[1356], (Nguyên Chí Chính năm thứ 16). Mùa xuân, tháng 3, thiếu can chi ngày, hai mặt trời rập rờn nhau.
Hai vua đi tuần biên giới, đến Nghệ An.
Mùa hạ, tháng 5, xa giá trở về kinh sư.
Mùa thu, tháng 8, [Thượng hoàng] ngự đến đền thờ Quốc phụ thượng tể Huệ Vũ Đại Vương [Quốc Chẩn], trên núi Kiệt Đặc1087 . Khi trở về, trong thuyền ngự có con ông vàng đốt vàng má phía bên trái của Thượng hoàng, rồi Thượng hoàng bị bệnh. Vua sai người giữ thuyền ngự trông coi việc đánh quan tài.
Mùa đông, tháng 10, Hiến Từ thái hậu gặp ngày mẹ mất, may áo tang, Thượng hoàng nhân bảo thái hậu: "Ta sẽ [19b] không mặc áo tang này đâu". Vì khi ấy Chiêu Từ thái hậu hãy còn1088 cho nên Thượng hoàng mới nói thế.
Hiến Từ thái hậu lập đàn chay ở chùa Chiêu Khánh, phát tiền bố thí dân nghèo để cầu đảo cho Thượng hoàng.
Đinh Dậu, [Thiệu Phong] năm thứ 7 [1357], ( Nguyên Chí Chính năm thứ 17). Mùa xuân, tháng 2, ngày 19, Thượng hoàng băng ở cung Bảo Nguyên, miếu hiệu là Minh Tông, tên thụy là Chương Nghiêu Văn Triết Hoàng Đế.
Trước đây, Minh Tông nối ngôi đã lâu, rồi mẹ đích mới sinh con trai. Hôm người con ấy đầy tuổi thì Anh Tông đi tuần biên giới vắng, việc ở nhà do Minh Tông quyết định. Có người xi làm lễ theo tư cách tử tế. Các quan còn nghi ngại thì Minh Tông bảo họ:
"Còn ngại gì nữa. Trước đây vì con đích trưởng chưa sinh, nên ta tạm ở ngôi này. Nay đã sinh rồi thì đợi khi lớn lên, ta sẽ trả lại ngôi vua chứ có khó gì?".
Người đó trả lời:
"Việc này từ xưa hay sinh nguy biến, xin nghĩ kỹ lại". Minh Tông nói:
"Cứ thuận nghĩa mà làm, yên hay nguy đâu đáng lo?".
Cuối cùng [20a] làm lễ thao tư cách tử tế. Một năm sau thì người con đích tự ấy mất. Minh Tông rất thương xót.
Ngài thường dạy các hoàng tử rằng:
"Con nào mà dốc sức mưu tính sản nghiệp, keo sẻn làm giàu thì không phải con ta. Nếu quả làm chuyện đó thì thà phân tán hết của cải cho người nghèo đi còn hơn. Vì như vậy, dẫu không tránh khỏi túng thiếu, vẫn còn là hành vi của bậc quí nhân".
Khi se mình, triều đình muốn lập đàn chay cầu đảo, Minh Tông biết chuyện, gọi Hữu tướng quốc Phủ vào chổ nằm để hỏi. Vua sợ, lập tức bảo phủ là Phạm Ứng Mộng xướng nghị xin lấy mình chết thay. Phủ đem câu ấy tâu lên. Minh Tông nói :
"Ứng Mộng tự nhận làm địa vị Chu Công thì cứ lấy thân mình mà chết thay cho cha hắn, còn đàn chay thì không đuợc làm!".
Bấy giờ Hiến Từ thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho Minh Tông khỏe lại. Minh Tông bảo bà: "Thân ta không thể lấy con lợn, con dê mà đổi đuợc".
Khi bệnh trầm trọng, cho gọi quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh, Vương Định, Phạm Thế Thường vào xem [20b] mạch. Canh nói: "Mạch phiền muộn". Minh Tông ứng khẩu một bài thơ nhỏ, đọc cho bọn Canh nghe:
Chuẩn mạch hưu luân phiền muộn đa, Trâu công lương tễ yếu điều hòa.
Nhược ngôn phiền muộn vô hưu yết, Chỉ khủng trùng phiêu phiền muộn gia. ( Xem mạch chớ bàn nhiều muộn phiền, Ông Trâu thuốc tốt cắt cho yên. Nếu còn nói mãi phiền cùng muộn, Chỉ sợ càng tăng phiền muộn lên ) . Vì Trâu Canh ra vào cung cấm, hay dùng những câu kỳ lạ, những kế quỷ quyệt để huyễn hoặc Dụ Hoàng. Minh Tông ghét hắn, nên mượn bài thơ để châm biếm. Đến khi dâng thuốc lên thì ngài nói:
"Người ta ở đời,bao nhiêu khổ não. Ngày nay thóat được khổ não này, thì ngày khác lại phải chịu khổ não khác". Rồi không chịu uống thuốc.
Khi bệnh nguy kịch, sai thị thần là Nguyễn Dân Vọng đem bản thảo tập thơ ngự chế đốt đi. Dân Vọng còn do dự, thì Minh Tông nói:
"Vật đáng tiếc còn không thể tiếc được, tiếc làm gì thứ ấy".
Các hoàng tử đứng hầu bên cạnh, ngài nhân thể nói với họ:
"Các con cứ xem việc làm của người xưa, vịệc nào hay thì theo, việc nào dở thì lánh, cần gì phải cha dạy?".
Ngài từng nói:
"Người làm vua dùng người, không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ nghĩ là người đó [21a] hiền thôi. bởi vì người đó theo tấm lòng của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ. Nếu ta quả là hiền, thì những người được ta dùng cũng hiền, như Nghiêu Thuấn đối với Tắc Khiết, Quỳ Long vậy. Nếu ta không hiền, thì những kẻ ta dùng cũng không hiền, như Kiệt, Trụ đối với Phi Liêm, Ác lai vậy. Đó chính là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, cùng loại thì hợp nhau. Kiệt, Trụ đâu phải có tình riêng gì với bầy tôi của hắn?. Bảo hắn là ngu tối thì được, chứ bảo hắn là có tình riêng thì không phải".
Lại dặn Hiến Từ thái hậu:
"Sau khi ta mất, người ở lại cung Thánh Từ, đừng vào núi [đi tu]".
Sau khi Minh Tông băng, thái hậu theo lời dặn, không thụ giới nhà Phật.
Phan Thu Tiên nói: Minh Tông có bẩm tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của tổ tông, không thay đổi gì cả. Bấy giờ có kẻ sĩ dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người du thủ du [21b] thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo. Vua nói:
"Không như thế, thì sao thành đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì được việc gì không?".
Triều thần như bọn Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ. Vua nói:
"Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam, Bắc khác nhau, nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường thoát thân thì sinh loạn ngay".
Điều đáng tiếc là nghe lời gian nịnh của Trần Khắc Chung mà giết Quốc phụ thượng tể, đó là điểm kém thông minh vậy.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Cái đức của Minh Tông mà nên được, tuy là do thiên tư tốt đẹp, cũng còn do sức dạy bảo của vua cha. Khi vua ở Đông cung, đang tuổi ấu thơ, có lần nghịch làm chiếc giá đèn bằng tre, Anh Tông đòi xem, sợ không dám dâng. Hôm khác, vào hầu [22a] tẩm điện Anh Tông đang rửa mặt, nhânhỏi đến trò nghịch cũ, Anh Tông giận lắm, cầm ngay cái chậu rửa mặt ném vua.Vua nấp vào cánh cửa tránh được, chậu rơi trúng cánh cửa vỡ tan. Được sự răng dạy nghiêm ngặt như vậy, cho nên tài đức của vua do đấy mà nên và cả các con cũng đều có tài nghệ cả.
Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu chỉ cho các lộ ở Thanh Hóa và Nghệ An khơi các kênh ngòi cũ.
Phong anh là Thiên Trạch làm Cung Tín Vương.
Mùa thu, tháng 9, ngày mồng 8 tôn Hiến Từ thái hậu làm Thái hoàng thái hậu.
Mùa đông, tháng 11, ngày 11, táng [Minh Tông] ở Mục Lăng1089 , vì câu nệ ngày giờ nên để chậm.
Từ năm Ất Mùi [1355] đến năm nay [Đinh Dậu, 1357], trong 2 năm, một thăng gạo trị giá 1 tiền.
Mậu Tuất, [Đại Trị] năm thứ 1[1358], (Nguyên Chí Chính năm thứ 18). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, dổi niên hiệu. Đại xá.
Truy [22b] tặng Quốc phụ thượng tể Quốc Chẩn làm Đại Vương.
Từ tháng 3 đến tháng 7 mùa thu, hạn hán, sạu cắn lúa, cá chết nhiều.
Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu khuyến khích nhà giàu ở các lộ bỏ thóc ra chẩn cấp dân nghèo. Các quan ở địa phương tính xem số thóc bỏ ra là bao nhiêu trả lại bằng tiền.
Lấy Phạm Sư mạnh là Nhập nội hành khiển tri Khu mật viện sự.
Ngô bệ lại đem quân tụ họp ở núi Yên Phụ, dựng cờ lớn ở trên núi, tiếm sưng vị hiệu, yết bảng nói cứu giúp dân nghèo.Từ Thiên Liêu1090 đến Chí Linh. Bệ chiếm giữ cả.
Mùa đông, tháng 11, xuống chiếu cho An phủ sứ các lộ đem quân các đội phong đoàn đi bắt giặc cướp.
Kỷ Hợi, [Đại Trị], năm thứ 2 [1359], (Nguyên Chí Chính năm thứ 19). Mùa xuân tháng giêng, nhà Minh sai sứ sang thông hiếu.
Bấy giờ, vua Minh cầm cự với Trần Hữu Lượng chưa phân được thua..Vua sai Lê Kính Phu sang sứ phương Bắc để xem hư [22a] thực.
Mùa hạ, tháng 4, ChiềuTừ Hoàng thái phi mất, được truy tôn là Chiêu Từ hoàng thái hậu (mẹ của Minh Tông).
Mùa thu,tháng 7, lấy Đỗ Tử Bình làm [tri] Khu mật viện sự.
Từ ngày 27 tháng 8 đến ngyà mồng 3 tháng 9, mưa to, nước lớn, trôi cả nhà cửa của dân, thóc lúa bị ngập.
Mùa đông, tháng 10, lấy Phạm Sư Mạnh làm Hành khiển tả ty lang trung, Lê Quát kiêm chức Hàn lâm viện phụng chỉ.
Canh Tý, [Đại Trị] năm thứ 3 [1360], (Nguyên Chí Chính năm thứ 20). Mùa xuân, tháng 2, đúc tiền Đại trị thông bảo.
Thăng Huệ Túc công Đại Niên làm Bình chương chính sự, phục lại tước vương. Năm này [Đại Niên] mất (mới 55 tuổi).
Theo qui chế cũ, những người tước vương vào làm tể tướng đều gọi là "công", chỉ có thân vương thì được phong lại tước vương. Huệ Túc công, Uy Túc công trong đời Đại Khánh được phong tước vương, khi vào làm tể tướng đều gọi là "công" mà lại truy phục tước vương là không đúng [23b] lệ.
Tháng 3, Ngô Bệ bị giết.
Bấy giờ, quân của lộ bắt được Bệ ở Yên Phụ. Bệ chạy trốn, định về kinh sư thú tội. Các quan bản lộ bắt được Bệ cùng 30 tên bè đảng của hắn, đóng cũi giải về kinh, đều bị chém cả.
Mùa hạ, tháng 5, ngày mồng một, nhật thực.
Tháng 6, nước Nguyên loạn. Trần Hữu Lượng tiếm xưng đế, đặt quốc hiệu là Hán, đổi niên hiệu là Đại Nghĩa, đánh nhau với Minh Thái Tổ. Quan trấn thủ biên giới phía Bắc là Hoàng Thạc cho chạy trạm tâu rằng Minh và Hán đánh nhau ở Long Châu, Bằng Tường1091 .Bọn Thạc nhân việc họ tranh nước với nhau thu được hơn 300 người.
Mùa thu, tháng 7, nước to.
Mùa đông, tháng 10, thuyền buôn của các nước Lộ Hạc1092 , Trà Nha1093 , Xiêm La1094 đấn Vân Đồn buôn bán, dâng các vật lạ.
Tháng 12, xuống chiếu bắt gia nô của các vương hầu, công chúa đều phải thích chữ vào trán và phải gọi theo loại hàm. Kẻ nào không thích chữ, không khai sổ bị coi là [24a] giặc cướp, lớn thì trị tội, bé thì sung công.
Tân Sửu, [Đại Trị], năm thứ 4[1361], Nguyên Chí Chính năm thứ 21). Mùa xuân, tháng giêng, sao Chổi mọc ở phương đông bắc. Vua tránh không ngự ở chính điện.
Tháng 2, Minh Thái Tổ đánh Giang Châu. Trần Hữu Lượng lưu giữ Vũ Xương, sai người sang ta xin quân [cứu viện]. [ Vua] không cho.
Tháng 3, giặc cỏ Chiêm Thành vượt biển đến cướp dân ở cửa biển Dĩ Lý1095 . Quân của phủ ấy đánh tan bọn chúng.
Mùa hạ, tháng 5, lấy Phạm A Song làm tri phủ phủ Lâm Bình (Tức là Dĩ Lý)1096 .
Mùa thu, tháng 7, Tạ Lai có tội bị giết.
Bấy giờ vua ngủ ngày ở Long Phương đường. Ngự thư hỏa Tạ Lai đứng hầu, chung quanh không có ai. Lai rút gươm ra xem. Vua thức dậy, sai đem chém.
Nhâm Dần, [Đại Trị], năm thứ 5 [1362]. (Nguyến Chí Chính năm thứ 22). Mùa xuân, tháng giêng, lệnh cho các nhà vương hầu, công chúa dâng [24b] các trò tạp hý vua xét duyệt trò nào hay thì thưởng cho.
Trước đấy, khi đánh Toa Đô, bắt được người phường hát là Lý Phương Cát rất giỏi hát, những con ở trẻ của các nhà thế gia theo y tập hát điệu phương Bắc. Nguyên Cát sáng tác các vở tuồng truyện cổ, có các tích như Tây vương Mẫu hiến bàn đào. Trong tuồng cổ có các vai quan nhân, chu tử, đán nương, câu nô gồm 12 người, mặc áo gấm, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gảy đàn, vỗ tay, gõ ồn phím đàn (Chú : Chu Hậu chết, Hậu Chủ ghi vào mặt sau đàn tỳ bà: Hương trời còn đuôi phượng, hơi ấm tỏa phím đàn), thay đổi nhau ra vào làm trò, khiến người xem xúc động, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui. Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đấy.
Lại cho gọi các nhà giàu trong nước, như ở làng Đình Bảng ở huyện Bắc Giang, làng Nga Đình thuộc Quốc Oai vào cung đánh bạc làm vui. Có tiếng bạc đặt tới 300 quan tiền, ba tiếng thì đã gần ngàn quan rồi.
Lại sai tư nô cày 1 miếng đất ở bên bờ bắc sông Tô Lịch [25a] để trồng hành, tỏi rau dưa đem bán, gọi tên phường ấy là Vườn Tỏi1097 (đến nay vẫn còn) và làm quạt đem bán cũng như thế.
Tháng 2, sao chổi thấy ở phương Bắc.
Tháng 3, Chiêm Thành cướp Hóa Châu.
Mùa hạ, tháng 4, sai Đỗ Tử Bình duyệt bổ quân ở Lâm Bình, Thuận Hóa và đắp thành Hóa Châu.
Tháng 5, sét đánh điện Thiên An.
Từ tháng 5 đến tháng 7 mùa thu, hạn hán. Soát tù. Mưa to. Xuống chiếu miễn cho cả nước một nửa tô thuế năm ấy.
Tháng 8, lấy Hành khiển Phạm Sư Mạnh làm tri Khu mật viện sự.
Đói to. Xuống chiếu cho các nhà giàu dâng thóc để phát chẩn cho dân nghèo, ban tước theo thứ bậc khác nhau.
Tháng 9, vua ngự đến phủ Thiên Trường. Dân có ai ốm thì được ban thuốc uống công và tiền gạo, ít nhiều khác nhau. (Thuốc có tên là viên Hồng ngọc sương, trừ bách bệnh. Dân nghèo ai nghe tin đến được thì được ban 2 viên thuốc, 2 tiền và 2 thăng gạo).
Mùa đông tháng 10, núi Thiên Kiện1098 lở.
Tháng 12,[25b] lấy Đỗ Tử Bình làm Đồng môn tri hạ.
Quý Mão, [Đại Trị], năm thứ 6 [1363], (Nguyên Chí Chính năm thứ 23). Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu chọn dân đinh bổ sung quân các lộ.
Tháng 3, thi học trò, hỏi văn nghệ để lấy người bổ sung vào quán các. thi lại viên bằng viết chữ, lấy làm thuộc viên các sảnh, viện.
Truy tặng Thiếu bảo Trương Hán Siêu chức thái phó.
Mùa hạ, tháng 5, trả lại cho Trâu Canh chức tước cũ.
Tháng 6, tịch thu gia sản của Ngô Dẫn, trại chủ xã Đại Lai.
Trước đây, về đời Minh Tông, cha Dẫn bắt được viên ngọc rết rất đẹp, đem đến Vân Đồn, các thuyền buôn tranh nhau mua. Một người chủ thuyền muốn đuợc vật lạ đó, dốc hết của cải để mua. Dẫn do vậy trở nên giàu có. Minh Tông đem công chúa Nguyệt Sơn gả cho Dẫn. Dẫn cậy giàu có thông dâm với người con gái khác, lại có những lời lăng nhục công chúa. Công chúa đem việc ấy tâu vua. Dẫn được tha tội chết, nhưng bị tịch thu gia sản.
Mùa đông, tháng 10, đào [26a] hồ ở vườn ngự trong hậu cung.Trong hồ xếp đá làm núi, bốn mạch đều khai ngòi cho chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ. Lại nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế. Lại gọi tên điện là điện Lạc Thanh, tên hồ là hồ Lac Thanh. lại đào một hồ nhỏ khác. Sai người hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào đó. Lại có hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ [ cá diếc ]. Đặt chức khách đô để trông coi.
Giáp Thìn, [Đại Trị] năm thứ 7 [1364 ], (Nguyên Chí Chính năm thứ 24). Mùa xuân, tháng 2, xây dãy khách lang ở Tây điện, thẳng đến cửa Hoàng Phúc.
Mùa hạ, tháng 4, gọi Cánh chưởng phụng cung Vĩnh An là Bùi Khoan cùng [26b] uống rượu. Khoan lập mẹo uống vờ hết 100 thăng rượu, được thưởng tước 2 tư.
Tháng 5, vua đi hóng gió chơi trăng. Vì uống rượu quá sai, lại lội xuống sông tắm, nên bị ốm. Sai quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh thay nhau hầu thuốc thang.
Mùa thu, tháng 7, vua khỏi bệnh.
Thángg 8, chọn hoàng nam trong nước, định 3 bậc quân ngũ, sữa soạn thuyền chiến và vũ khí để phòng việc biên cương.
Mùa đông, tháng 10, Cung Túc Vương Nguyên Dục mất.
Ất Tỵ, [Đại Trị] năm thứ 8[ 1365], Nguyên Chí Chính năm thứ 25). Mùa xuân, tháng giêng, người Chiêm Thành cướp dân đi chơi xuân của Hóa Châu.
Trước đây, theo tục Hóa Châu, tháng giêng hàng năm, trai gái họp nhau ở Bà Dương chơi trò đánh đu. Người Chiêm đã nấp sẵn ở đầu nguồn Hóa Châu từ tháng 12 năm trước, đến khi ấy ập tới cướp bắt đem về.
Mùa đông, tháng 11, xuống chiếu cho các quân Sơn Lão1099 ở lạng Giang trấn giữ [27a] biên phòng, vì đất Bắc có lọan, Minh, Hán tranh nhau1100 , đóng binh ở Nam Ninh, Long Châu.
Bấy giờ có Thiều Thốn người Thanh Hóa, làm phòng ngự sứ Lạng Giang, thống lĩnh quân Lạng Giang, đóng ở sông Đông Bình, khéo vỗ về quân sĩ, trong quân ai cũng thích ông ta. Sau vì em trai kiêu ngạo làm bậy, ông bị tội lây, mất chức. Trong quân làm câu ca về ông: "Trời chẳng thấu oan, ông Thiều mất quan". Đến khi ông sửa soạn hành trang ra về, chúng lại làm câu ca: "Ông Thiều trở về, lòng ta tái tê". Triều đình nghe biết chuyện ấy, khôi phục quan chức cho ông, trong quân lại có câu ca: "Trời đã thấu oan, ông Thiều lại làm quan". Ít lâu sau, ông chết.
Minh Từ Hoàng Thái phi mất (phi là mẹ đẻ của Nghệ Tông ).
Bính Ngọ, [Đại Trị] năm thứ 9 [1366], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 26). Mùa xuân, tháng giêng, sai Tả bộc xạ Tăng Khoan, Hữu bộc xạ Lê Quát xét duyệt sổ đinh Thanh Hóa. (Quát là người Thanh Hóa hồi trẻ ra chơi kinh sư, gặp khi bạn ông được cử đi sứ Kinh Yên, Quát tặng bạn bài thơ rằng :
Dịch lộ [27b] tam thiên quân cư an Hải môn thập nhị ngã hoàn san Trung triều sứ giả yên ba khách, Quân đắc công danh, ngã đắc nhàn. (Đường trạm ba ngàn, anh ruổi ngựa, Mười hai cửa biển, tớ về ngàn. Kẻ sang sứ Bắc, người mây nước, Anh được công danh, tớ được nhàn.) Người thức giả biết Quát sau này sẽ quý hiển. Quả nhiên, Quát thi đỗ, thăng chức nhanh chóng, vượt người bạn kia ).
Tháng 3, người Chiêm cướp phủ Lâm Bình. Quan phủ Phạm A Song đánh bại chúng. Thăng A Song làm đại tri phủ Lâm Bình, Hành quân thủ ngự sứ.
Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cho An phủ sứ các lộ đi bắt giặc cướp.
Tháng 6, vua ngự thuyền nhỏ đến chơi nhà Thiếu úy Trần Ngô Lang ở hương Mễ Sở1101 , đến canh ba mới về. khi tới sông Chử Gia1099 bị cướp mất ấn báu, gươm báu. vua tự biết mình không sống lâu, càng thả sức chơi bời.
Năm ấy, Hán mất nước1103 .
Đinh Mùi, [Đại Trị] năm thứ 10 [1367], (Nguyên Chí Chính năm thứ 27). Mùa đông, tháng 12, lấy Minh tự Trần Thế hung làm Thống quân hành khiển đồng tri thượng thư tả ty sự, Đỗ Tử Bình làm phó, đi đánh Chiêm Thành.
Phong Cung Định Vương phủ làm Tả tướng quốc, gia phong Đại Vương.
Năm này nhà Nguyên mất.
[28a] Mậu Thân, [Đại Trị] năm thứ 11[ 1368], (Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, Hồng Vũ năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, sao Chổi hiện ở khoảng sao Mão.
Tháng 2, Chiêm Thành sa Mục Bà Ma sang đòi lại đất biên giới Hóa Châu.
Tháng 3, làm hành lang dài suốt từ gác Nguyên Huyền đến tận cửa Đại triều phía Tây để tiện cho việc các quan vào chầu tránh nắng mưa.
Mùa hạ, tháng 4, Trần Thế Hưng đến Chiêm Động1104 . Người Chiêm phục quân đánh trộm, quân ta tan vỡ. Thế Hưng bị giặc bắt, Tử Bình đem quân trở về.
Minh Thái Tổ lên ngôi ở Kim Lăng, đặt niên hiệu là Hồng Vũ, sai Dịch Tế Dân sang thăm ta.
Mùa thu, tháng 8, sai Lễ bộ thị lang Đào Văn Đích sang Minh đáp lễ.
Mùa đông, tháng 10, cho mời đạo sĩ Huyền Vân ở núi Chí Linh đến kinh để hỏi về phép tu luyện. Ban cho động của đạo sĩ tên là "Huyền Thanh động".
[28b] Kỷ Dậu, [Đại Trị] năm thứ 12 [1369], (Từ tháng 6 trở đi là Dương Nhật Lể, Đại Định năm thứ 1; Minh Hồng Vũ năm thứ 2). Mùa hạ, tháng năm, ngày mồng một, nhật thực.
Ngày 25, vua băng ở chính tẩm, miếu hiệu Dụ Tông.
Ngày vua sắp băng, vì không có con, xuống chiếu đón Nhật Lễ vào nối đại thống.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Dụ Tông bị ngã xuống nước mà bệnh1105 , chẳng lẽ lại không biết là mình không có con hay sao ? Nhật Lễ là đứa làm trò, chẳng lẽ lại không biết nó không phải là con của Dục hay sao? Huống chi các con của Minh Tông đều có tài nghệ cả, nếu nghĩ tới xã tắc làm trọng thì chọn người nào có tài đức lập làm thiên tử để làm yên lòng thiên hạ, như vậy gốc nước sẽ được vững bền. Đã không biết làm như thế, đến khi ốm nặng lại không bàn với thái hoàng tính kế vì xã tắc, lại xuống chiếu gọi Nhật Lễ vào nối đại thống để cho mình bị tuyệt tự, mà sau khi chết, còn vạ lây đến thái hoàng và thái tể1106 [29a]. Nếu không có Nghệ Hoàng và các vị tông thất khác thì quốc gia đã không còn là của họ Trần nữa rồi. Vua biết tôn trọng thầy dạy, nhưng lại không bàn việc nước với thầy. Vì thế bậc hiền năng không nên để chỉ làm vì. Chu An đi rồi, không còn ai bảo ban vua đạo hay lẽ phải nữa. Đó thực là "không tin bậc nhân hiền thì nước trống rỗng như không có người" vậy.
Tháng 6, ngày 10, mưa to, gió lớn.
Ngày 15, Hiến Từ Hoàng thái hậu sai người đón con thứ của cố Cung Túc Đại Vương Dục là Nhật Lễ lên ngôi. Đổi niên hiệu là Đại Định năm thứ 1.
Nhật Lễ là con người làm trò tên là Dương Khương. Mẹ Nhật Lễ khi đóng trò có tên hiệu là Vương Mẫu (Trò có tích "Vương Mẫu hiến bàn đào ", Mẹ Nhật lễ đóng vai Vương Mẫu, nên lấy tên làm hiệu), đương có thai, Dục thấy nàng xinh đẹp, nên lấy làm vợ. Đến khi đẻ, Dục nhận làm con mình. Lúc này thái hậu bảo các quan rằng :
"Dục là con đích trưởng mà không được ngôi vua, lại [29b] sớm lìa đời. Nhật Lễ chẳng phải là con của Dục ư?".
Rồi đón Nhật Lễ lập làm vua. Truy phong cho Dục là Hoàng thái bá.
Mùa thu,tháng 8, ngày mồng 4, Nhật lễ tôn Hiến Từ hoàng thái hậu làm Hiến Từ Tuyên Thánh thái hoàng thái hậu; Nghi Thánh hoàng hậu làm Huy Từ Tá Thánh hoàng thái hậu.
Lập con gái Cung Định Vương Phủ làm hoàng hậu.
Mùa đông, tháng 11, táng [Dụ Tông ] ở Phụ Lăng1107 .
Nhà Minh sai Ngưu Lượng, Trương Dĩ Ninh sang tặng ấn vàng và sắc rồng, gặp lúc Dụ Tông từ trần, Lượng làm bài thơ viếng rằng :
Nam phục thương sinh điện chẩn an, Long Biên khai quốc chống chư man. Bao mao sạ hỷ song vương cống ; Giới lộ ninh kỳ biệt thứ quan, Đan chiếu viễn ban kim ấn trọng ; Hàng trường tân bí ngọc y hàn. Thương tâm tối thị thiên triều sứ, Dục kiến vô do lệ mãn an.
(Dân cõi Nam xa được trị an, Long Biên mở nước giữ trăm man. Vừa mừng lễ vật sang dâng cống, Đâu ngỡ bi ca bỏ các quan. Chiếu đỏ xa ban kim ấn nặng, Chén vàng mới đậy ngọc y hàn. Sứ trời là kẻ đau lòng nhất, Muốn gặp, còn đâu lệ ứa tràn ). Rồi Dĩ Ninh ốm chết, chỉ có Lượng trở về nước. Hữu tướng quốc Cung Định Vương Phủ làm [30a] bài thơ tiễn ông ta rằng :
An Nam tể tướng bất năng thi Không bá trà âu tống khách quỳ, Viên tản sơn thanh, Lô thủy bích, Tùy phong trực nhập ngũ vân phi. (An Nam tể tướng chẳng thơ hay, Chỉ có bình trà tiễn khách đây. Viên tản non xanh, Lô nước biếc, Xin bau theo gió tới năm mây ). Lượng bảo Phủ ắt sẽ làm vua. Sau quả như lời ông ta nói.
Nhật Lễ phong Hữu tướng quốc Nguyên trác làm Thượng tướng quốc thái tể.
Tháng 12, ngày 14, Nhật lễ giết Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hoàng thái hậu ở trong cung.
Thái hậu vốn người nhân hậu, có nhiều công lao giúp rập [họ Trần]. Trước kia, khi Minh Tông còn ngự ở Bắc Cung, có tên gác cổng bắt được con cá bống trong giếng Nghiêm Quang, trong mồm có ngậm vật gì, moi ra thì thấy có chữ, đó là bùa yểm, có ghi các tên Dục Tông, Cung Túc, Thiên Ninh (đều là các con đẻ của Hiến Từ ). Tên gác cổng cầm lá bùa tâu lên vua. Minh Tông sợ lắm, truyền bắt hết các cung nhân, bà mụ, thị tỳ trong cung để tra hỏi.
Thái hậu thưa: "Khoan đã, sợ trong đó có kẻ bị oan, thiếp xin tự mình bí mật xét hỏi đã".
[30b] [Minh Tông ] nghe theo. Thái hậu sai người hỏi tên gác cổng rằng:
"Gần đây, phòng nào trong cung mua cá bống?". Tên gác cổng trả lời là thứ phi Triều Môn. Thái hậu nói cho Minh Tông biết. Minh Tông lập tức ra lệnh tra xét cho ra. Thái hậu tâu:
"Đây là việc trong cung, không nên để hở ra ngoài. Thứ phi Triều Môn là con gái của Cung Tĩnh Vương, nếu để hở ra thì Quan gia sẽ sinh hiềm khích với Thái úy. Thiếp xin ỉm việc này đi không xét hỏi nữa!". Minh Tông khen bà là người hiền.
Đến khi Minh Tông băng, tướng quân Trần Tông Hoắc muốn tỏ ra trung thành với Dụ Tông, thêu dệt việc đó ra, làm Thiếu úy suýt nữa bị hại, nhờ Thái hoàng cố sức cứu đỡ mới thoát. Người bấy giờ ca ngợi bà là đã trọn đạo làm mẹ, tuy là phận con đích, con thứ không giống nhau, mà lòng nhân từ thì đối với con nào cũng thế, làm cho ân nghĩa vua tôi, anh em, cha con không một chút thiếu sót, từ xưa đến nay chưa có ai được như vậy. Người xưa có nói "Nghiêu Thuấn trong nữ giới"1108 , Thái hậu được liệt vào hàng [31a] ấy. Bà từng hối tiếc về việc lập Nhật Lễ. Nhật Lễ ngấm ngầm đánh thuốc độc giết bà.
--------------------------------------------------------------------------
Ghi chú:
1037 Thuận Thánh Bảo Từ: là vợ của Anh Tông, mẹ đích của Minh Tông.
1038 Y bát: là áo cà sa và bát xin thức ăn, hai vật tượng rưng cho nhà sư. Ở đây không đi tu.
1039 Sách Mã Tích: có lẽ là nước Tumasik, tên cổ của Singapur ngày nay. Thư tịch Trung Quốc có chổ phiên âm là Đơn Mã Tích.
1040 Nguyên văn là "Bắc quốc sứ", bản dịchcũ dịch là "sức Bắc quốc". Ta thường hiểu Bắc quốc là Trung Quốc. Nhưng ở đây đang nói về nước Sách Mã Tích, mấy chữ "Bắc quốc sứ" làm câu mất nghĩa. Chúng tôi cho rằng chữ Bắc? là nhầm tử chữ Thử?. "Thử quốc sứ" là "sứ nước ấy", câu trở nên rõ ràng. Ngôn ngữ Tumasik thuộc hệ Mã Lai - Đa Đảo. Trần Nhật Duật biết tiếng Chàm, cùng thuộc hệ này, nên có thể nahnh chónh học được tiếng Tumasik.
1041 Trần Nhật Duật là con của Trần Thái Tông, em của Trần Thánh Tông, nên Nhân Tông gọi là "chú" (nguyên văn: "Chiêu Văn thúc").
1042 Anh Tông gọi Nhật Duật bằng tổ phụ, tức là ông.
1043 Nay là vùng đất huyện Chính Định, thuộc tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc).
1044 Niên hiệu Thiệu Bảo đời Trần Nhân Tông kéo dài từ 1270 đến 1280. Từ tháng 10-1285, mới đổi sang niên hiệu Trùng Hưng. Việc Trần Nhật Duật chống quân Nguyên nói ở đây là xảy
1045 Tức Chiêu Văn Vương Trần Ích Tắc.
1046 Chỉ Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn.
1047 Chỉ Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn.
1048 Tức Đạo Giáo.
1049 Xung: nghĩa là sâu, là hư không; xung điển: là chỉ chung các kinh điển của Đạo giáo.
1050 Quách Tử Nghi: quan đời Đường (Trung Quốc) trải bốn triều huyền Tông, Túc Tông, Đại Tông, Đức Tông. Sau khi dẹp loạn An, Sử, được Túc Tông phong là Phần Dương Vương, nên thường được gọi là Quách Phần Dương. Đời Đức Tông, làm Thái úy trung thư lệnh, nên cũng được gọi là Quách Lệnh Công.
1051 Nguyên sử, bản ký (Văn Tông) chép là tản Lý Ngoã.
1052 CMCB9 dựa vào Nguyên sử chép tên người câm đầu sứ bộ lần này là Đoàn Tử Trinh.
1053 Châu Kiềm tức Mật châu, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (theo CMCB9).
1054 Bài văn khắc ở núi Thành Nam, thôn Trầm Hương, huyện Tương Dương, trỉnh Nghệ An. Theo CMCB9, thì nét chữ to bằng bàn tay, tạt vào đá sâu đến hơn một tất. Cương mục chép việc này vào năm Ất Hợi, Khai Hựu năm thứ 7 (1335).
1055 Nam Nhung: là tên ấp, ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
1056 Cương mục chú sông Tiết La ở ấp Nam nhung. Có lẽ sông Tiết La là miột khúc của sông Lam ở gần vùng Cửa Rào.
1057 Trận đánh Thành Bộc ở nước Vệ thời Xuân Thu xảy ra giữa nước tấn và nước Sở. Quân Sở do Tử Ngọc chỉ huy vốn có ưu thế hơn quân Tấn. Tướng Tấn Loan Chi dùng mưu giả cách thua chạy, Tử Ngọc dẫn quân đuổi theo, bị quân tấn hai bên đánh ập lại, quân Sở đại bại.
1058 Nên sửa là Bảo Hưng. Toàn thư, BK6 chép: Hưng Long năm thứ 12 (1304), tháng 12... Vua (Anh Tông) đối với người tôn thất như Bảo Hưng Vương (không rõ tên) rất là thân yêu mà không trao cho chính sự vì không có tài.
1059 Huyện Sơn Minh: nay là huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.
1060 Lời chú trong thiên Học nhi, sách Luận ngữ.
1061 Trà Hương: là đất huyện Kim Thành trước đây, nay là một phần đất huyện Kim Môn, tỉnh Hải Hưng.
1062 Núi Yên Phụ: ở huyện Kim Môn, tỉnh Hải Hưng.
1063 Nay là huyện Vũ Thư và huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
1064 Đời Chu ở Trung Quốc, Chu Hoàn Vương Cơ Lâm chết, con là Trang Vương Cơ Đà lên ngôi, nhưng Chu Công Hắc Kiên âm mưu giết Trang Vương lập Tử Nghi (em Trang Vương), cung đình loạn to, xác Hoàn Vương để tới 7 năm mới chôn.
1065 Tức đất huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An ngày nay.
1066 Sông Vạn Nữ: hay sông Trinh Nữ ở địa giới huyện Yên Mô (CMCB9), nay thuộc huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
1067 Thứ vải chịu lửa, có nhiều thuyết, nhưng có lẽ là giặc bằng lửa (hoãn cũng đọc là cán, có nghĩa là giặt).
1068 Cũng đọc là Chà Bồ, có lẽ là phiên âm tên Java (In-đô-nê-xi-a).
1069 Sử Trung Quốc chép là Phương Quốc Trân. Năm 1348, Phương Quốc Trân khởi nghĩa ở Chiết Đông, lấy Khánh Nguyên (Ninh Ba, Chiết Giang) làm căn cứ.
1070 Thứ bát sứ tráng men, khi nung, lửa lò không đều, men biến đi mà thành sắc lạ.
1071 Có lẽ cũng là Qua Oa, tức Java.
1072 Bản dịch cũ chú rằng có lẽ là cửa Thơi và cửa Quèn.
1073 Từ Thọ Huy nổi dậy ở vùng Hồ Bắc, xưng đế, quốc hiệu là Thiên Hoàn, đóng đô ở Nghi Thủy, sau dời đô về Hán Dương (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
1074 Niên hiệu Thiệu Phong (1341-1358) không có quân Nguyên xâm lược. Cương mục chữa là Nguyên Phong (1251 -1258). Như vậy là muốn chỉ cuộc xâm lược của quân Mông Cổ vào năm 1258, không chắc là có thầy thuốc Trung Quốc đi theo quân Mông Cổ. Chúng tôi cho rằng nên chữa là là Thiệu Bảo (1279-1285). Trong niên hiệu này, có cuộc xâm lược lần thứ hai 1285. Lần này ta bắy được nhiều tù binh.
1075 Thẻ bài gỗ có bốn cạnh như hình cái thước vuông và nghiên vàng đựng mực, là hai thứ đeo vào đai lưng để tiện ghi chép.
1076 Bát Khối: tức Bát Tràng và Thổ Khối, tên hai xã của huyện Gia Lâm, Hà Nội.
1077 Khoái Châu: gồm đất các huyện Châu Giang (trừ đất Văn Giang cũ), Kim Thi và Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng ngày nay.
1078 Hồng Châu: gồm đất các huyện Mỹ Văn, Cẩm Bình, Ninh Thanh và Tứ Lộc, tỉnh Hải Hưng ngày nay.
1079 Thuận An: gồm đất huyện Thuận Thành và huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc, huyện Văn Giang cũ của tỉnh Hải Hưng và huyện Gia Lâm, Hà Nội.
1080 Cổ Lũy: là đất tỉnh Quãng Ngãi.
1081 Hóa Châu: gồm đất các huyện Hương Điền, Hương Phú, Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.
1082 Lạng Giang: gồm đất các huyện Yên Dũng, Lục Ngạn, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn ngày nay.
1083 Nam Sách: gồm đất các huyệnn Chí Linh, Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng và dất huyện Tiên Lăng, Hải phòng ngày nay.
1084 Yên Ninh: là tên huyện thời Lê sơ, sau vì kiêng húy tên Trang Tông (1533-1548), đổi thành Yên Khang. Thời Nguyên là huyện Yên Khánh. Nay chia vào đất huyện Tam Điệp và huyên Hoa Lưu, tỉnh Ninh Bình
1085 Núi Thánh Chúa: ở Kính Chủ, tỉnh Hải Dương.
1086 Chỉ cha của bà là Phạm Ngũ Lão.
1087 Núi Kiệt Đặc: ở địa phận huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
1088 Chiêu Từ Thái Hậu: tức là Huy Từ hoàng thái phi, mẹ sinh của Minh Tông.
1089 Mục Lăntg: ở xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
1090 Thiên Liêu: là tên xã.
1091 Long Châu: tên châu đời Đường, đời Tống, Nguyên cùng gọi là Long Châu. Nay là đất huyện Long Châu, Trung Quốc. Bằng Tường: tên động đời Tống, Nguyên. Đời Minh đặt làm thổ châu. Nay là đất huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
1092 Lộ Hạc chắc là nước lộ Hạc mà Toàn thư dã chép vào đời Lý (BK6, 6B). Dựa vào âm đọc, có thể cho rằng Lộ Hạc al2 nước La Hộc được nhắc đến trong thư tịch Qrung Quốc đời Nguyên. La Hôc là quốc gia Lavo ở Lopburi, Thái Lan. Lộ Hạc có khả năng là nước Locac được nhắc đến trong du ký của Mác-cô Pô-lô (Marco Polo).
1093 Trà Nha: nguyên bản chép là . Toàn thư chú rằng: đọc al2 (Nha), nhưng chữ này cũng có âm đọc là Oa. Trà Oa thì chắc chắn là chỉ đảo Ja-va (In-đô-nê-xi-a) mà ở những chổ khác Toàn thư chép là Trảo Oa, qua Oa hay Chà Bồ.
1094 Xiêm La: Ở đây chỉ vương quốc Sukhuthai hình thành vào thế kỷ XIII ở Thái Lan.
1095 Cửa biển Dĩ Lý ở xã Lý Hoà, huyện Bố Trạch, nay thuộc tỉnh Quảng Bình.
1096 Ở đây, Toàn thư chú thích phủ Lâm Bình là Dĩ Lý, nhưng chắc là nhầm. Phủ Lâm Bình nói ở đây hẳn gồm cả đất châu Lâm Bình đời Lý. Năm 1075, Lý Nhân Tông đã đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình (Toàn thư BK3, 9a). Có lẽ chữ Dĩ Lý ở đây nhầm từ chữ Địa lý.
1097 Nguyên văn là Toán Viên. Đến đời Lê, ở Thăng Long vẫn còn phường Toán Viên. Hai bài thơ trong Lã Đường di tập của Thái Thuận nói về phường Toán Viên đều nhắc đến Cửa Bắc và Hồ Tây. Có lẽ phường này ở ven Hồ Tây, gần cửa Bắc, chứ không phải là ở Láng như nhiều người thường nghĩ.
1098 Núi Thiên Kiện: còn có tên là núi Địa Cận, ở xã Thiên Kiện, huyện thanh Liêm, tỉnh nam Hà.
1099 Sơn Lão quân: quân các dân tộc miền núi.
1100 Minh: tức chu Nguyên chương, Hán: tức Trần Hữu Lượng.
1101 Hương Mễ Sở: nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng.
1102 Tức bãi Chử Gia, sau gọi là Chử Xa, huyện Văn Giang cũ, nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng.
1103 Hán: là quốc hiệu của Trần Hữu Lượng. Lượng đánh nhau với Chu Nguyên Chương ở hồ Phiên Dương, bị chết trận. Chu Nguyên Chương đến vây Vũ Xương, con của Lượng là Trần Lý đầu hàng,.
1104 Đất Chiêm Động của nước Chiêm Thành bấy giờ là đất các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Quế Sơn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẳng ngày nay.
1105 Dụ Tông chơi thuyền ở Hồ Tây, suýt chết đuối, được Trâu Canh chữa khỏi, nhưng bị chứng liệt dương (xem BK7, 10a).
1106 Thái hoàng chỉ thái hậu Hiến Từ, thái tể chỉ Nguyên Trác, làm thái tể dưới triều Nhật Lễ.
1107 Phụ lăng: ở xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
1108 Lời Tống Anh Tông ca ngợi Cao hoàng hậu nhà Tống, Nguyên văn: "Nữ trung nghiêu Thuấn".