Tổng Kết - Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim
Tổng Kết
Sách Việt-Nam Sử-Lược này chép đến đây hãy tạm ngừng, để sau có tài-liệu đầy-đủ và các việc biến-đổi ở nước Việt-Nam này được rõ-rệt hơn, sẽ làm tiếp thêm (1).
Việc chép lịch-sử cũng như việc dệt vải dệt lụa, dệt xong tấm nào mới biết tấm ấy tốt hay xấu, còn tấm đang dệt, chưa biết thế nào mà nói được.
Ta chỉ biết rằng các dây sợi dệt tấm Nam-sử này còn dài, người dệt tuy phải lúc đau yếu, bỏ ngừng công-việc, nhưng còn mong có ngày khỏe-mạnh lại dệt thêm, có lẽ lại dệt được tốt đẹp hơn, cũng chưa biết chừng.
Mặc dù nước Việt-Nam hiện nay được hoàn toàn độc-lập nhưng sự hay-dở tương-lai chưa biết ra thế nào? Song người bản-quốc phải biết rằng phàm sự sinh-tồn tiến-hóa của một nước, là ở cái chí-nguyện, sự nhẫn-nại và sự cố-gắng của người trong nước. Vậy ta phải hết sức mà học-tập, mà giữ cái tâm-trí cho bền-vững thì chắc tương-lai còn nhiều hy-vọng. Nước Việt-nam ta đã có cái văn-hóa chẳng thua-kém gì ai, và lại có một lịch-sử vẻ-vang, nếu ta biết lợi-dụng cái tiềm-lực cố hữu và cái tính thông-minh hiếu học của ta để theo thời mà tiến-hóa, thì sao ta lại không có ngày nối được cái chí của ông cha mà dệt thêm một đoạn lịch-sử mỹ-lệ hơn trước?
Có một điều thiết-tưởng nên nhắc lại là ta nên giữ lấy những điều hay của ta đã có, bỏ những điều hủ-bại đi, và bắt-chước lấy những điều hay của người, để gây lấy cái nhân-cách đặc-biệt của dân-tộc ta và cùng tiến với người mà không lẫn với người. Muốn được như thế, ta phải biết phân-biệt cái hay cái dở, không ham muốn những cái huyền-hão bề ngoài, rồi đồng tâm hiệp lực với nhau mà làm mọi việc cho thành cái hiệu-quả mỹ-mãn.
Nước nào cũng có lúc bĩ lúc thái, đó là cái công-lệ tuần-hoàn của tạo-hóa trong thế-gian. Tự xưa chưa thấy có nước nào cứ thịnh mãi hay cứ suy mãi. Khi lâm vào cảnh bĩ mà người trong nước cứ vững lòng giữ được cái nghi-lực để sinh-tồn và tiến-hóa, thì rồi thế nào cũng có ngày chấn-khởi lên được. Vậy chúng ta đây đều là một dòng-dõi nhà Hồng-Lạc, nếu ta biết kiên tâm bền chí, thì há lại không có một ngày ta có cái địa-vị vẻ-vang với thiên-hạ hay sao? Sự ước-ao mong-mỏi như thế là cái nghĩa vụ chung cả chủng-loại Việt-Nam ta vậy.
Những Sách Soạn Giả Dùng Để Kê Cứu:
A. Sách Chữ Nho Và Chữ Quốc Ngữ:
1. Đại-Việt Sử-Ký, của Ngô Sĩ-Liên
2. Khâm-Định Việt-Sử Thông-Giám Cương-Mục
3. Trần-Triều Thế Phổ Hành Trạng
4. Bình Nguyên Công-Thần Thực Lục
5. Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Ngô gia văn phái
6. Lịch-Triều Hiến Chương, của Phan Huy Chú
7. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên
8. Đại Nam Thực Lục Chính Biên
9. Đại Nam Thống Chí
10. Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện
11. Đại Nam Điển Lễ Toát-Yếu, của Đỗ Văn Tâm
12. Minh-Mệnh Chính Yếu
13. Quốc-Triều Sử Toát-Yếu, của Cao Xuân Dục
14. Thanh-Triều Sử-Ký
15. Trung-Quốc Lịch-Sử
16. Hạnh-Thục Ca, của bà Nguyễn Nhược Thị
B. Sách Chữ Pháp:
1. Cours d'Histoire Annamite, par Trương vĩnh Ký
2. Notion d'Histoire d'Annam, par Maybon et Ruissier
3. Pays d'Annam, par E. Luro
4. L'Empire d'Annam, par Gosselin
5. Abrégé de l'Histoire d'Annam, par Shreiner
6. Histoire de la Cochinchine, par P.Cultru
7. Les Origines du Tonkin, par J. Dupuis
8. Le Tonkin de 1872 à 1886, par J. Dupuis
9. La Vie de Monseigneur Puginier, par E. Louvet
10. L'insurrection de Gia-định, par J. Silvestre
(Revue Indochinoise - Juillet-Aout 1915)
Ghi chú:
(1) Trước tôi đã dự bị viết một quyển sách nối theo sách này. Tôi đã thu nhặt được rất nhiều tài liệu. Chẳng may đến cuối năm bính tuất (1946) có cuộc chiến tranh ở Hà Nội, nhà tôi bị đốt cháy, sách vở mất sạch, thành ra đành phải bỏ quyển sử ấy mà không làm được nữa.
Lệ Thần Trần Trọng Kim