Giấc mơ của một người tị nạn - Chu Sa Lan
Tựa truyện: Giấc mơ của một người tị nạn
Tác giả: Chu Sa Lan
Chương 1
Mười giờ sáng. Thiên nằm im. Ngôi nhà vắng không có ai. Hạnh, vợ anh đã đi làm từ sáng sớm. Mấy đứa con có gia đình riêng lại ở xa càng khiến cho ngôi nhà rộng trở nên vắng lặng hơn. Anh nghe được tiếng gió rì rào hàng cây thông sau nhà hoà trong tiếng chim cu rúc trên giàn hoa hồng cạnh cửa sổ. Trời cao và xanh. Nắng long lanh đọng trên cành cây thông lá màu xanh đậm. Không biết ai trồng hay tự nó mọc mà sau nhà anh có hàng cây thông thật đẹp. Cây nào cây nấy cao vút, thẳng tắp và lơ thơ vài cành trên chóp. Mỗi năm khi mùa thu tới toàn vùng cây trơ trọi lá chỉ trừ hàng thông xanh ngắt một màu xanh.
Thiên trở mình. Anh cảm thấy thân thể rã rời hầu như không còn sức lực. Ba ngày trước đây trong lúc đang làm việc anh ngã ra mê man không còn biết gì hết. Xe cứu thương chở anh vào bệnh viện. Bác sĩ đã làm cho anh tỉnh lại đồng thời nói cho Hạnh biết là anh bị " heart attack " cần phải tịnh dưỡng một thời gian. Đó là lý do khiến anh phải nằm trên giường ba bốn ngày rồi. Điều này khiến cho anh cảm thấy khó chịu vì không được lái xe hay làm bất cứ việc gì. Đọc sách, xem tivi mãi đâm ra buồn chán nhưng anh không còn cách nào hơn là nằm trên giường nhìn qua khung cửa sổ để suy nghĩ và mộng mơ. Dĩ vãng như xâu chuỗi thời gian chập chờn lay động trong trí não rã rời.
Ngôi nhà lá bên con rạch nhỏ. Tuổi trẻ lớn lên theo con nước của dòng sông Hàm Luông và chinh chiến triền miên. Thiên quen nghe tiếng hú của mọt chê 60, 81 ly, tiếng départ của súng phóng lựu đạn cũng như tiếng xe nhà binh mười bánh chạy trên đường lộ đá. Anh quen ngủ dưới tảng xê, co rút dưới hầm núp hồi hộp đếm tiếng nổ của đại bác. Tuổi trẻ của anh có niềm vui vỡ nát bởi tiếng khóc tức tưởi và u uất của một bà mẹ ngồi ôm đứa con gái bị hảm hiếp trong một chuyến tây bố.
1956. Một đột biến đã làm thay đổi cuộc đời của Thiên. Má anh dọn nhà lên Sài Gòn. Thành phố trong ước mơ của anh đã trở thành sự thật. Ngôi nhà sàn bên con rạch nhỏ ở Thị Nghè. Mấy mẹ con đùm bọc lấy nhau. Theo học lớp đệ thất anh vui hưởng tuổi thơ yên bình. Sài Gòn không có chiến tranh, không có tiếng nổ của mọt chê và không còn những đêm chui xuống tảng xê. Đêm Sài Gòn là tiếng cười. Ngày Sài Gòn là những trang sách, những buổi chiều lang thang trên đường Lê Thánh Tôn.
Đậu trung học đệ nhất cấp xong anh tiếp tục học tú tài. Dù nghèo và vất vả nhưng má của anh cũng ráng nuôi con học thành tài. Mười chín tuổi Thiên đậu tú tài 2 rồi vào đại học khoa học. Tuy nhiên chiến tranh mỗi ngày một tăng cường độ. Anh nhận được lệnh nhập ngũ trong lúc đang học năm cuối cùng. Tháng ngày ở Thủ Đức qua nhanh. Mãn khóa anh trình diện bộ tư lệnh quân khu 2 ở Pleiku rồi sau đó thuyên chuyển tới sư đoàn 23 đóng tại Ban Mê Thuột. Nhân lúc sư đoàn thiết lập đại đội trinh sát Thiên ghi tên gia nhập và sau đó trở thành đại đội phó đại đội trinh sát của sư đoàn 23 bộ binh. Một hôm anh nhận được lịnh trình diện bộ tư lệnh quân khu 2 ở Pleiku. Khi tới nơi anh mới biết là quân khu 2 định thành lập một đại đội trinh sát riêng biệt và anh là người mà đại tá Lý, tham mưu trưởng và chuẩn tướng Thân tư lệnh phó đang tìm kiếm để đảm đương chức vụ đại đội trưởng. Do ở nhiệm vụ đặc biệt và nguy hiểm đại đội trinh sát của quân khu được biệt đãi và không chịu sự chỉ huy hàng dọc hay hàng ngang. Thiên chịu sự chỉ huy trực tiếp của đại tá Tiếu, trưởng phòng an ninh tình báo của quân khu 2. Những lúc không nhảy toán Thiên và lính có nhiều tự do hơn người lính bộ binh thông thường. Điều đó khiến cho anh ưa thích đời sống của người lính trinh sát. Đời lính của anh sẽ trôi chảy nếu không có vụ triệt thoái khỏi cao nguyên vào những ngày của tháng 3 năm 1975...
Thiên cảm thấy trái tim của mình như bị bàn tay vô hình của ai đó bóp chặt khi hồi tưởng lại dĩ vãng. Khung mặt nhiều phiền muộn của Đào, người vợ chưa cưới hiện ra mờ nhạt. Không có tiếng khóc. Không có nước mắt. Chỉ là nụ cười héo hắt. Ánh mắt buồn thảm. Thế thôi nhưng là ám ảnh ngàn đời, tiếc nuối đòi đoạn ruột gan của tháng ngày tạm cư nơi xứ người. Cuối cùng Thiên cũng lập gia đình, có con cái và hạnh phúc ấm êm. Tuy nhiên trong tận cùng tâm tưởng anh biết mình không thể quên đi những gì đã xảy ra ba mươi mấy năm về trước. Dù thời gian có đi. Dù thời gian có làm phôi pha nhưng thời gian vẫn còn lưu lại vết tích của dấu chân. Đó là nỗi buồn câm nín không thể nói thành lời với bất cứ ai. Đó là niềm đau tắt nghẹn được khơi động khi nghe một đoạn nhạc. Lắng nghe tiếng gió lùa lá thu khô xào xạc bên hông nhà. Nhìn cơn mưa mùa đông. Đời sống ở đây nhàn hạ quá, trật tự quá cho nên cũng buồn chán quá. Đây là thứ đời sống không có niềm vui vỡ nát khi gặp lại thằng bạn cùng khóa. Hai đứa rủ nhau xuống câu lạc bộ nhậu xả láng sáng về sớm. Để rồi năm ba bữa sau ứa nước mắt khi được tin thằng bạn nhậu với mình đã nghỉ phép dài hạn. Đời sống ở đây có vui nhưng là niềm vui gượng gạo. Có cười cũng chỉ là nụ cười bắt buộc phải cười. Đời sống với nửa đêm trăn trở, chập chờn cảm thấy mình ngược dòng đời trở về mảnh quê hương xa quá xa, bên kia nửa vòng trái đất. Quê hương. Pleiku. Đêm dẫn lính chạy. Nha Trang rút lui. Phan Rang tan vỡ. Vũng Tàu rối loạn. Sài Gòn. 30. 4. 1975. Súng nổ. Lửa cháy. T54. PT76 chạy nghênh ngang nơi ngã ba Hàng Xanh....