-
Cỏ Dại - Hồng Thủy
Cỏ Dại
Tác Giả: Hồng Thủy
Ánh nắng chiều nhạt dần, chỉ còn để lại trên nền cỏ vài bóng lá rung rinh chập chờn theo làn gió. Dưới sông, con nước bắt đầu chảy mạnh. Bãi đất cạn lúc nãy lô nhô những cái đầu khét nắng, giờ đây chỉ còn mỗi đứa con gái độ chừng mười tuổi, tóc vừa chấm gáy, tay cắp cái rổ tre bước lom khom trong ánh chiều tà.
Bộ quần áo lếch thếch bẩn thỉu dính trên người như tương phản với gương mặt trong sáng ngây thơ của nó. Nó bước chậm rãi về phía chân cầu, đôi mắt tròn to ngước nhìn theo những làn khói lam nghĩ thầm, giờ này có lẽ ngoại đã nhúm lữa bắc nồi cơm lên bếp và ngồi bỏm bẻm nhai trầu chờ nó bên chiếc chõng tre. Chiều nay nó không buồn vì cái rổ nhẹ, trong đó chỉ lèo tèo vài ba con cá bống mà nó mủi lòng vì câu chuyện xảy ra ở lớp sáng nay. Trong trí nhớ nó như còn khắc sâu cái chau mày khó chịu và giọng nói bực bội của cô giáo:
- Hiền à, chắc cô đánh đòn em quá. Em coi kìa, cả lớp đều mặc đồng phục áo trắng để thứ hai chào cờ. Em không nghe, lần sao cô đuổi em ra khỏi lớp!
Con bé thu mình về chổ ngồi. Nó không biết giải thích thế nào để cô giáo hiểu tại sao áo nó không được trắng như áo mấy bạn kia. Từ đầu năm đến giờ nó vẫn mặc cái áo này và mỗi ngày nó đều mang ra bờ sông để giặt. Vậy mà cô giáo bảo là áo nó dơ! Nó cảm thấy xấu hổ và hoang mang vô cùng. Rồi đây nó còn đến lớp được không với cái áo đã ngả màu cháo lòng và những đôi mắt chế diễu của chúng bạn, bởi nó là con bé ở dơ.
Giờ ra chơi nó vẫn ngồi buồn xo. Ðám con trai con gái tụm năm tụm ba ngoài hành lang đùa giỡn, cười khúc khích với nhau rồi đồng thanh hét lớn:
Lêu lêu mắc cỡ
Có đứa ở dơ
Quê quá là quê!
Con Hiền cúi gầm mặt, nó muốn bịt hai tai lại nhưng sợ làm vậy tụi kia càng trêu già nên cứ trân mình ra hứng chịu. Tan học nó bước đi lủi thủi một mình, vì con Tím, đứa bạn thường ngày đi cùng đã nghễu nghện tấp sang xóm khác. Con Hiền thấy giận cô giáo, giận lũ bạn ôn dịch, và nhất là giận con Tím quá chừng!
Về tới nhà, nuốt xong chén cơm nguội, nó cởi áo mang ra bờ sông, lấy miếng xơ dừa chà tới chà lui. Nó có cảm giác như cái áo trắng ra được một chút nên càn chà kỹ hơn. Nhưng bỗng “xoạc!” Con Hiền điếng hồn khi miếng xơ dừa đã đẩy một đường rách toạc trên lưng áo. Nó ngẫn người ra trong nỗi thất vọng bàng hoàng. Và từ đôi mắt to đen tròn lóng lánh trào ra hai giọt nước! Con Hiền thầm nghĩ: “Cô ơi, cô không còn thực hiện lời nói sáng nay đâu. Cô sẽ không còn nhìn thấy cái áo đã ngả màu lạc lõng giữa lớp học đâu. Cô sẽ không bao giờ hiểu đó là cái áo duy nhất mà em có thể mặc đến trường.”
Cái rỗ trên tay con Hiền bỗng chao đi. Bàn chân trái của nó vừa dẫm phải vật gì đau buốt. Nó cắn răng cố lết tới chân cầu... Lúc con bé khập khiễng tới nhà thì mặt trời đã khuất hẳn sau rặng cây, rải rác đây đó vài ngôi nhà đã lên đèn.
Con Hiền khóc bệu bạo, giơ bàn chân bết máu cho ngoại thấy.
- Ngoại ơi con bị đạp miểng sành.
Hai cánh tay khòng khòeo của bà Hai đưa ra đỡ lấy nó. Giọng bà hốt hoảng:
- Trời đất, có sao không con?
Con Hiền rên rỉ:
- Ðau lắm ngoại ơi!
Bà Hai lọm khọm ôm cháu vào lòng, xót xa dỗ dành:
- Thôi nín đi con, vô đây ngoại rửa ráy đắp miếng thuốc xỉa lên là hết đau. Tội nghiệp cháu bà quá...
Mủi lòng, con bé khóc rấm rức.
Tối hôm đó trong giấc mơ chập chờn, nó thấy cô Tiên hiện ra cười thật hiền với nó. Cô Tiên hỏi nó thích điều gì nhất, nó vui sướng nói với cô Tiên rằng, nó thích một chiếc áo trắng mặc đi học, nó thích ngoại sống hoài với nó... Rồi bỗng nhiên cô Tiên biến thành cô giáo, con Hiền sợ hãi chạy đi vì không muốn cô giáo nhìn thấy cái áo rách của mình, nhưng chân nó đau buốt như có ai nắm chặt. Nó hét lên kinh hoàng...
- Hiền, Hiền à... sao mớ dữ vậy con?
Con bé sực tỉnh nhận ra bàn tay thô ráp của ngoại đang áp trên trán nó. Cổ họng khô đắng, nó thều thào:
- Ngoại ơi, con khát nước.
- Ừ, ừ để ngoại lấy cho.
Bà Hai vặn cao ngọn đèn trứng vịt rồi lò dò bước ra lu nước mưa múc một ca đầy. Con Hiền chỏi tay ngồi dậy bưng ca nước uống ừng ực một hơi.
Ðêm lặng lẽ trôi qua, cái chân hành đau không ngủ được, con Hiền mở mắt nhìn lên đỉnh mùng. Bên tai nó như còn âm vang giọng nói lạnh lùng của cô giáo. Nó có muốn làm cho cô giận đâu, chẳng qua ngoại nó nghèo quá, đồng tiền chắt mót được từ mấy bụi chuối, liếp rau còn chưa đủ để hai bà cháu sống qua ngày, làm sao tính đến chuyện mua sắm áo quần?
Quanh năm suốt tháng, ngoại chỉ có hai cái áo vá víu bằng những đường khâu vụng về. Hiền thương nhất những hôm hết tiền, ngoại phải nhịn ăn trầu. Lúc ấy môi ngoại tái bệch, ngoại lẩn quẩn đi ra đi vào trông thật tội.
Mấy năm trước ngoại còn khỏe, thì đời sống có khá hơn. Ở xóm, ai thuê gì ngoại làm nấy, hôm thì làm cỏ cắt lúa, hôm thì bửa củi tưới cây... Ngoại làm lụng cần cù siêng năng nên ai cũng thương, hay cho đồ ăn để ngoại đem về. Trong cái khăn rằn cột túm của ngoại thường là nải chuối, gói xôi, vài củ khoai luộc... ngoại để dành cho Hiền và âu yếm ngồi nhìn nó ăn một cách ngon lành.
Chừng vài năm trở lại đây, ngoại đã yếu đi nhiều. Những hôm trời trở lạnh ngoại thường ho khù khụ và thường hay đau nhức khớp xương. Ðêm nào hai bà cháu lên giường ngủ, Hiền cũng đấm bóp lưng cho bà. Bù lại, ngoại thường kể cho Hiền nghe nhiều chuyện cổ tích hết sức thú vị. Giọng kể khàn khàn trầm bổng của ngoại như ru nó vào thế giới thần tiên. Ở đó có nàng công chúa xinh đẹp tuyệt vời, có chàng hoàng tử uy nguy trên lưng ngựa... Nó thường hay mơ mộng vẩn vơ và bất chợt một hôm trên đường đến lớp – hôm ấy là ngày đầu tiên nó vào lớp Một – Nó níu chặt tay ngoại ngây thơ hỏi:
- Ngoại ơi! Làm sao mà có con vậy?
Bà Hai tức cười tát nhẹ lên má nó, mắng yêu:
- Mồ tổ mày! Hồi đó ngoại xay bột làm bánh ít, làm xong còn dư cục bột bự tổ, ngoại nặn ra mày đó.
Con bé lại hỏi tiếp:
- Kỳ vậy ngoại, sao con không có má?
Bà Hai trả lời lấp lửng:
- Thì có ngoại nè, ngoại thương mày đủ rồi.
Con bé lắc đầu phụng phịu:
- Hổng chịu đâu, con thích có má hà. Thằng Lu, con Chi đứa nào cũng có má, có ba... Tụi nó ghẹo con hoài, nói là con ở lỗ nẻ chui lên.
Bà Hai lận cục thuốc xỉa trong miệng chửi đổng:
- Ba cái đứa chết dầm! Ðể lát chiều ngoại qua nhà mắng vốn cho tụi nó bị đòn thất kinh luôn.
Con Hiền vẫn thắc mắc:
- Nhưng mà... con Chi nói, hồi nhỏ xíu nó ở trong bụng má nó, em bé của nó cũng vậy. Thì sao con hổng có má như nó chứ?
Bà Hai nạt nhỏ:
- Ðừng hỏi bắt quàng, con mắt để trêu trời coi chừng vấp ngã bây giờ.
Con Hiền buông tay ngoại bước lấp xấp trên đường đất gồ ghề. Buổi sáng chớm thu, trời se se lạnh, nó xúng xính trong bộ đồ vải bông, tay ôm khư quyển vở mới và cây bút chì. Cái nôn nao hồi hộp của ngày đầu tiên đến trường đã làm nó quên bẵng câu trả lời vòng vo của ngoại. Con bé tự an ủi mình, mấy đứa kia có má thì nó có ngoại, nếu đem ra so thì nó cũng chẳng thiệt thòi! Nhưng càng lớn lên nó cũng hiểu thêm nhiều điều. Bài giảng của cô giáo về công cha nghĩa mẹ, về lòng hiếu thảo... Những câu chuyện cổ tích bắt đầu với những từ ngày xửa, ngày xưa... Ngày xửa, ngày xưa có một bà hoàng hậu sinh được một cô con gái... Ngày xửa, ngày xưa có một bác tiều phu sinh được cậu bé trai kháu khỉnh... Không hề có một đứa con nít nào được nặng ra từ cục bột như nó!
Con Hiền bắt đầu hoài nghi câu trả lời của ngoại. Có lần nhìn thấy thằng Tứ lấy đất sét vo thành những viên bi tròn để bắn chim, con Hiền cắc cớ hỏi:
- Có phải hồi đó má mày lấy đất sét nặng ra mày không?
Thằng Tứ trợn mắt:
- Bộ mày khùng hả? Má tao có bầu rồi đẻ ra tao đàng hoàng, có đâu như mày...
Con Hiền vẫn khăng khăn:
- Mày xạo, mày là cục đất sét nên bây giờ đen thủi đen thui.
Thằng Tứ nheo nheo mắt:
- Ðen kệ tao. Còn mày giống y chang cục bột.
Con Hiền thừ người ra trước câu ví von của thằng Tứ - Cục bột! Nó là cục bột? Chẳng lẽ thằng Tứ biết điều này? Ðứng bần thần một lúc rồi nó lẳng lặng bỏ đi.
Ngỡ con Hiền giận mình, thằng Tứ vội chạy theo hỏi:
- Mày giận tao hả nhỏ?
Con Hiền vẫn im lặng, hai mắt nó bắt đầu ươn ướt. Thằng Tứ lẽo đẽo theo sau, lúng lúng biện bạch:
- Mày nói tao là cục đất sét, tao đâu có giận. Tao khen mày trắng như bột sao mày giận tao? Lát nữa tao nặn cho mày con trâu cày nghen.
Không nghe con Hiền mở miệng, thằng Tứ dí cục đất sét vào mũi nó.
- Hay mày không thích con trâu thì tao nặn con gà trống cho mày?
Con Hiền chớp mắt lầu bầu:
- Mày nói tao giống cục bột nữa thì tao nghỉ chơi luôn. Ngoại tao cũng nói như mày.
Thằng Tứ toét miệng cười hề hề:
- Ngoại mày nói sao?
- Ngoại tao nói tao không có má vì hồi đó ngoại tao lấy bột nặn ra tao.
Thằng Tứ trề môi:
- Vậy rồi mày cũng tin?
Con Hiền không đáp mà hỏi lại:
- Theo mày thì chắc chắn là tao có má chứ?
Thằng Tứ gật gù ra vẻ hiểu đời.
- Tao nghi mày bị mồ côi quá.
Con Hiền ngớ ra:
- Mồ côi... là cái gì?
- Là ba má mày chết, bỏ mày lại cho bà ngoại. Nếu không sao má mày không nuôi mày chớ? Như má tao nè, má con Chi, má thằng Hiếu...
Mắt con Hiền long lanh:
- Mày không xí gạt tao chớ?
- Ai cũng nói hà rầm, đâu phải mình tao.
Con Hiền không cảm thấy buồn khi thằng Tứ gọi nó là đứa mồ côi. Trái lại, từ hôm đó nó yên tâm khi biết chắc rằng nó không phải là cục bột làm bánh còn dư mà bà ngoại cắc cớ nặn ra nó! Vậy thì nó khác gì những đứa kia đâu?
Năm nay con Hiền lên lớp Ba. Hồi đầu năm ngoại đã dành dụm được một ít tiền định mua cho nó cái áo mới. Nhưng rồi thật xui xẻo, ngoại ra ruộng câu cá bị trượt ngã. May nhờ tụi nhỏ đi bắt dế thấy bà Hai nằm ngoài bờ mẫu đã đưa về dùm. Cứ tưởng xoa dầu vài hôm chân của ngoại sẽ khỏi, không ngờ nó càng sưng to. Hiền sợ quá chạy qua kêu ông thầy bó thuốc. Vậy là chẳng có áo mới, mà còn mắc nợ mấy ngàn đồng.
Con Hiền đành mặc lại áo cũ xếp cất suốt ba tháng hè. Cái áo đã ố vàng lỗ chỗ và không chịu được nổi sự khắc nghiệt của thời gian nên đã rách. Ngoại vẫn thường nói: “Ðói cho sạch, rách cho thơm.” Giá như cô giáo hiểu được hoàn cảnh nhà nó, chắc cô sẽ không nỡ quở trách nó như vậy. Con Hiền thở dài, từ nay nó chẳng còn được đặt chân đến lớp nữa, nó không muốn nghe lại những lời chế giễu của bạn bè, không muốn nhìn thấy ánh mắt nghiêm khắc của cô giáo khi chỉ trích nó. Dù nhà nghèo, nhưng ngoại vẫn cố gắng cho Hiền đi học vì ngoại thấy nó ham học và học giỏi. Nếu biết Hiền nghỉ học vì cái áo rách, chắc ngoại sẽ buồn lắm. con Hiền chợt thấy lo. Không biết sẽ nói sao với ngoại đây?
-
Chương 2
Chương 2
Thằng Tứ đi qua đi lại mấy bận trước nhà con Hiền, thấy cửa khép và trong nhà tối thui nó lựng khựng không dám vào. Nó lấy làm lạ sao tối nay con Hiền không ngồi học bài, mới giờ này chẳng lẽ con nhỏ chui vô mùng ngủ? Ðứng đoán già đón non một đỗi, thằng Tứ mới chịu quay lưng đi. Nó tiếc là không rủ được con Hiền ra bờ sông bắt đom đóm. Những con đom đóm chớp chớp trên cây bần và điệu đà bay qua bay lại trước mặt nó, trông thật dễ sùng.
Nó đi bọc sau hè nhà con Chi. Con Chi đang lum khum lùa gà vô chuồng. Thằng Tứ bước nhè nhẹ phía sau, chợt nó nhảy ra ý nghĩ chọc con nhỏ.
- Hù!
Lũ gà hoảng sợ chạy tứ tán, kêu lên quang quác. Con Chi tức mình quay lại sừng sộ:
- Bắt đền mày đó. Ðồ “dô diên”!
Thằng Tứ nhăn mũi cười hềnh hệch:
- Buồn quá không có chuyện gì làm, chọc cho mày chửi chơi. Ðể đó, tao đi một vòng là túm gọn!
Nói rồi nó nhảy loi choi như chú khỉ làm xiếc, loáng cái mấy tên gà cồ bướng bỉnh bị nó tóm cổ ném vô chuồng. Con Chi vừa gài chốt cửa vừa lườm nó:
- Lỗ tai mày đang ngứa hả?
Thằng Tứ chống nạnh cười ruồi:
- Ừa, mày có cái gì ngoáy được không?
- Lỗ tai mày thuộc loại lỗ tai... cây! Có môn đứng đó nghe tao chửi một hồi... thì sẽ đã ngứa hết xẩy nghen.
- Cái miệng mày chỉ có nói bậy là giỏi, hèn gì tụi nó chẳng gọi mày là bà La Sát.
- Ai biểu mày ở đâu lù lù tới làm tao hết hồn.
- Thăm mày hổng được sao?
- Xí! Mày trù ẻo tao đó hả? Nè, muốn thăm thì làm ơn cút xéo qua bên kia.
Thằng Tứ nhìn theo hướng tay chỉ của con Chi, chột dạ.
- Bên kia có ai bệnh hả?
Con Chi gật đầu:
- Nhỏ Hiền đạp miểng sành sâu lắm, sụm bù chè rồi...
- Tội nghiệp chưa! Từ hôm qua tới giờ tao đâu có gặp nó.
- Sáng nay thấy nó nghỉ học, tao mới hỏi bà Hai, nghe bả nói vậy đó.
- Sao trong nhà tối thui hà?
- Ai biết, mày qua bển thử coi.
- Thôi, tao sợ lắm. Giá như có mày...
- Tao còn thau chén dơ chưa rửa, bỏ đi chơi cho má tao chửi tắt bếp hả? Hay mày đi một mình sợ ma ăn thịt?
Thằng Tứ vênh mặt:
- Còn lâu tao mới sợ ma! Tao chỉ muốn đi hai mình cho vui.
- Lãng òm!
Con Chi nguýt nó một cái rồi nguây nguẩy đi vào.
Thằng Tứ lần khần nhìn sang ngôi nhà nhỏ chìm trong bóng đen nhạt nhòa hồi lâu rồi nó mới lững thững bước đi.
Từ đàng xa nó đã nghe văng vẳng tiếng reo la của bọn nhóc tì trong xóm. Nó đi về hướng đó. Bãi đất trống cạnh miếu ông Lục là “giang sơn” của đám con nít loai choai xóm Bình Hòa. Xóm này có đâu vài chục nóc nhà nằm rải rác dọc theo bờ sông. Người dân ở đây hầu hết sống bằng nghề ruộng rẫy. Số ít sống bằng nghề thả lưới quăng chài, còn lại là những gia đình neo đơn không có nghề gì khác hơn là làm mướn. Duy nhất nhà ông Tư Hổ có nhiều vườn tược. Ông được coi là người khá nhất xóm này. Người lớn đã vậy thì trẻ con càng nheo nhóc. Tới tuổi đi học, thay vì cắp sách tới trường chúng phải bươn chải theo ba má lội sình lội ruộng để kiếm miếng ăn kham khổ. Họa hoằn lắm mới có đứa biết đọc biết viết, nhưng vốn chữ nghĩa ít ỏi cũng rơi rớt dần khi những trang vỡ vấy mực biến thành những chiếc tàu buồm thả trôi theo dòng nước, hoặc thành những cánh diều giấy bay vút cao lên...
Rốt lại xóm Bình Hòa chỉ còn có mỗi con Hiền, đứa cháu ngoại côi cút của bà Hai Trầu, ngày ngày vẫn siêng năng đến lớp.
Thấy con Hiền ham học, thằng Tứ nể lắm, song nếu bắt nó đổi những ngày lặn hụp, mò cua bắt cá ngoài ao bằng những buổi ngồi vào bàn bắt đầu bài học vỡ lòng thì nó chịu thua. Bởi vậy cho tới bây giờ nó vẫn không biết lấy một chữ bẻ đôi, cho dù năm nay nó đã 12 tuổi.
- Thằng Tứ tới kìa!
Cả bọn hét lên ỏm tỏi khi nhìn thấy thằng Tứ. Nó chống nạnh hai tay khệnh khạng tiến vào sân.
- Tụi bay làm gì mà la lối om sòm vậy?
Thằng Hiếu lanh chanh đáp:
- Tưởng mày chui vào xó xỉnh, lùm bụi nào nên tụi tao la lớn cho mày lòi ra.
Thằng Lu đệm thêm:
- Mày trốn chỗ nào mà nãy giờ tụi tao kiếm hoài hổng thấy.
Thằng Tứ hất hàm:
- Tao đi ngoài đường cái đàng hoàng chớ trốn hồi nào? Mắc mới gì tụi bây kiếm tao.
Có tiếng cười hi hí phía sau:
- Hí... hí tao thấy nó tới... nhốt gà phụ với con Chi.
Thằng Tứ quay phắt lại thằng vừa nói:
- Ðừng có ẩu nghen, tao chúa ghét cái thứ rình mò.
Thằng kia gân cổ cãi:
- Tao đi ngang tình cờ thấy chứ bộ! Hổng có sao mà chối.
Thằng Tứ lườm nó:
- Ðồ nhiều “chiện”.
Thằng kia ngoác cái miệng cười hệnh hệch. Nó là thằng Ðê ở cạnh nhà con Hiền. Lúc cắm câu xong, quay về nó thấy thằng Tứ đứng lảng vảng ngoài bờ sông. Lát sau nó đi ra thì thằng Tứ không còn đứng đó, thằng Ðê đang dáo dác tìm chợt nghe tiếng gà đập cánh kêu quang quác, rồi tiếng the thé chua như dấm của con Chi. Nó vòng sau hè nhà con Hiền nghểnh cổ ngó qua, bụng chắc mẩm con Chi đang bị má nó túm đầu đánh cho một trận. Thằng Ðê khoái chí vì rằng hôm trước nó bị đòn, con Chi đã rêu rao khắp xóm. Phen này thằng Ðê có dịp trả đũa, nó sẽ nhắc lại từng lời kêu khóc của con Chi cho cả bọn cùng nghe.
Song thằng Ðê thất vọng khi thấy con Chi ngồi chồm hổm trước cửa chuồng gà còn thằng Tứ loi choi chụp bắt, thằng Ðê cười một mình rồi vô nhà. Lát sau tới miếu ông Lục, nghe tụi kia tra gạn thằng Tứ nó mới vọt miệng nói luôn.
Thằng Tứ dùng dằng ngồi bệt xuống dưới gốc cây cụt. Nó chẳng còn hứng thú gì để nhập bọn vui chơi. Hết “đập lon”, “u mọi”, rồi “cút bắt”. Hôm nào cũng lặp lại chừng ấy trò chơi quen thuộc nó đã bắt đầu nhàm chán. Không có thằng Tứ tham gia, thằng Hiếu và thằng Lu cũng mất hứng, chúng kéo nhau ra rìa cỏ ngồi tán dóc. Trong sân chỉ còn lại một túm con gái đang chơi trò “bỏ khăn”.
Con Thơ, em thằng Hiếu tay cầm một nhánh lá giả làm khăn bước vòng quanh đám con gái đang ngồi chụm đầu như cái nấm rơm, miệng nó ngân nga:
“Bỏ khăn khăn nổi khăn chìm
Ba cô bảy chú đi tìm cái khăn”
Vừa đọc, con Thơ vừa thả “cái khăn” rớt sau lưng một đứa nào đó. Nếu nó đọc dứt câu mà đứa kia chưa phát hiện ra, nó sẽ lượm “cái khăn” quất túa lua xua vào mông đứa đó. “Nạn nhân” của nó giật mình vụt đứng lên chạy một vòng rồi quay về chỗ cũ. Còn ngược lại nếu như “cái khăn” bị phát hiện thì đứa kia sẽ rượt đuổi và nó phải nhanh chân ngồi thế vào chỗ vừa bị bỏ trống. Cuối cùng, đứa nào nhanh tay lẹ mắt thì cái mông ít bị “hỏi thăm”.
Thằng Tứ ngồi khoanh tay lơ đãng nhìn theo mấy chiếc xuồng câu trôi lờ lững trên sông. Trăng non đã lên, ánh sáng chiếu xuống mặt nước thành những gợn sóng lao xao. Thằng Tứ rời chỗ ngồi bước men theo bờ dừa. Lạ lùng trước thái độ của nó nãy giờ, thằng Lu lạch bạch chạy theo hỏi:
- Tứ, mày làm sao vậy?
Thằng Tứ vẫn lặng thinh rảo bước:
- Tao hỏi, sao mày không nói.
Tiếng thằng Lu léo nhéo phía sau. Thằng Tứ quay lại sừng sộ:
- Mày là cái lu mắm chứ đâu phải là miếng giẻ rách đâu mà dai quá vậy?
- Tự nhiên... gây với tao hà!
Thằng Tứ đấu dịu:
- Tại tao đang bực. Nè Lu, hồi sáng giờ mày có nhìn thấy con Hiền không?
Thằng Lu gật đầu:
- Có, lúc chiều bà Hai còn mượn tao bứt rễ rau má về cột chân cho nó nữa, chẳng là nó bị đạp miễng sành.
Thằng Tứ chép miệng:
- Tội nghiệp con nhỏ.
- Chắc đau lắm nên nó khóc sưng mắt hết trơn.
- Vậy mà lúc chập tối tao đi ngang nhà, thấy đóng cửa tối thui.
- Sao mày không ngó vô coi thử.
- Tao sợ bà Hai mắt kèm nhèm, tưởng tao rình mò ăn trộm, bả la lên quê một cục.
- Nhà đó có gì đâu mà sợ mất?
- Thì ai biết, mấy bà già hay la hoảng vậy mà. Tao bị một lần rồi nên tởn.
- Lần đó có ai túm được mày không?
- Còn lâu á. Bả la chưa dứt câu tao đã co giò dông tuốt.
- À, cái hôm chó sủa ran đó chứ gì?
Thằng Tứ cười gật gù.
- Ừa bữa đó tao đi thăm câu ngoài vườn ông Tư Hổ, về ngang thấy con Hiền còn ngồi học bài. Tao rắn mắc lấy đất khô liệng cái bịch lên nóc nhà. Con Hiền sợ run nhưng vẫn ngồi yên, tao liền tố thêm 2, 3 cục nữa. Con nhỏ điếng hồn kêu ré lên: Ma... ma... ngoại ơi! Bà già đâu có tin ma quỷ, cứ tưởng ăn trộm rình nhà, bà la làng quá xá.
- Rồi... con Hiền có biết “con ma” đó là mày không?
- Tao ém nhẹm luôn chớ dại gì khai. Tao chỉ nói với một mình mày, đừng nói lại với ai à nghen.
- Ừa, tao không nói đâu. Mà mày phải hứa làm cho tao cái giàn thun... bá cháy như thằng Hiếu.
Thằng Tứ bẹo tai thằng Lu một cái đau điếng.
- Ðược rồi, bây giờ lăn về ngủ đi, đồ quỷ mập!
Hai đứa chia tay ngoài bờ đê.
Thằng Tứ đẩy nhẹ tấm phên cửa rón rén bước vô nhà. Chị Lành, má nó, vẫn còn ngồi bên ngọn đèn chong cặm cụi vá manh áo rách. Nghe tiếng động má thằng Tứ ngẩng lên, đưa ánh mắt nhìn lướt qua người nó.
- Mày lê la đi đâu mà quần áo lấm lem vậy?
Thằng Tứ cúi xuống ngó cái áo “vía” của mình. Má nó chẳng sai, cái áo nó va quẹt chỗ nào mà dính bùn lốm đốm. À, chắc tại mấy con gà của nhỏ Chi đập cánh làm văng lên chứ đâu. Nó lần tay mở nút cười giả lả.
- Tại con vấp cục đất, trượt vào vũng nước ấy mà.
Má nó càu nhàu:
- Cái áo mới mua năm ngoái chớ mấy mà coi cũ xì.
Thằng Tứ cầm cái áo bước ra sàn nước. Chị Lành nhìn theo con ra chiều nghĩ ngợi. Tội nghiệp, nếu không nhờ nó chị không biết làm sao có thể sống qua những ngày cơ cực trước đây khi nỗi khổ đau tuyệt vọng hoàn toàn xô ngã chị.
Hồi đó gia đình chị thuộc loại đủ ăn đủ mặc. Hai vợ chồng có một mảnh đất nho nhỏ. Chồng chị cần cù siêng năng cộng thêm tính tình dè sẻn của chị nên tiền bạc kiếm được từ công việc trồng hoa màu đủ để chi tiêu và sắm sanh chút đỉnh trong nhà.
Thế rồi cuộc sống ấm êm phút chốc bỗng biến thành địa ngục, chồng chị sanh ra đổ đốn sa vào con đường rượu chè cờ bạc. Bình thường tính anh hiền lành ít nói nhưng khi có chút rượu vào thì khác hẳn. Anh mắng chửi vợ con rất tục tằn thô lổ. Tệ hại hơn, anh còn bán đi tất cả đồ đạc chị chắt chiu sắm sửa để nướng vào sòng bạc. Chị dùng lời khuyên can, anh chẳng những không nghe mà còn đánh đập chị rất tàn nhẫn. Ðến lúc không còn gì để bán, anh ta cầm cố nốt miếng đất sau hè. Quá phẫn uất chị thắt cổ tự vận, song có lẽ nợ trời chưa dứt nên thần chết không cho chị đi. Chị kéo lê cuộc sống bệnh hoạn vật vờ nhờ vào viên thuốc, chén cơm thằng Tứ kiếm được từ đôi tay nhỏ bé của nó. Còn chồng chị bỏ đi biền biệt. Năm đó thằng Tứ mới 8 tuổi nhưng đã biết bắt cá, bắt cua. Suốt ngày nó cởi trần trùn trục phơi lưng đội nắng ngoài đồng để lượm từng con cua, con ốc. Trong xóm ai nhờ việc gì nó cũng gắn sức làm. Thấy nó siêng năng giỏi dắn nên bà con lối xóm thương tình, có cái gì cũng cho nó ăn, nhưng thông thường nó chỉ ăn qua quýt, còn lại nó gói đem về cho má.
Chị Lành vẫn còn buồn chuyện cũ, song mỗi khi thấy thằng Tứ xách xâu cá về rối rít gọi chị ra khoe, nhìn nó lòng chị cũng vơi đi phần nào. May sao chị còn giấu được đôi bông tai hồi mới cưới. Lần ấy chồng chị tra gạn mãi không được đã túm đầu đánh cho chị một trận nên thân. Khi đó thằng Tứ đứng trong góc nhà sợ hét ầm lên, hàng xóm nghe la chạy qua can, anh ta mới chịu ngừng tay. Chị nâng niu đôi bông trên bàn tay mà nước mắt rưng rưng. Hôm sau chị ra thị trấn bán đôi bông, vay thêm một số tiền nữa rồi đến gặp người chủ nợ - ông ta không làm khó dễ mà đồng ý trả đất cho chị sau khi lấy cả vốn lẫn lời.
Hai má con mừng vui khôn xiết... ngày ngày chị ra sức nhổ cỏ, còn thằng Tứ cuốc đất lên vồng, chẳng mấy chốc miếng rẫy lại xanh um như cũ.
Mới đó mà đã bốn năm trôi qua, thằng Tứ nhổ giò cao nghêu. Cái áo chị mới mua năm ngoái giờ nó mặt trông ngắn cũn cỡn. Chị Lành nhẫm tính bán xong lứa rẫy này chị sẽ may cho nó cái áo sơ mi sọc dài tay và cái quần tây có túi để nó dung dăng dung dẽ với bạn bè. Chị chỉ nghĩ vậy thôi chứ chưa dám nói với nó, bởi gần hai năm nay, chứng bệnh suyễn của chị đã ngốn không thương tiếc những đồng tiền mà hai má con cắc củm làm ra.
Thằng Tứ sợ chị chết nên ai bày thuốc gì nó cũng kiếm về cho chị uống. Ngày người ta nói rắn mối trị được bệnh suyễn thế là ngày nào nó cũng xách giàn thun ra vười bắn 2, 3 con đem về nướng lên nằn nì chị ăn. Bây giờ mỗi lần thấy nó cầm trên tay xâu rắn mối tòng teng là ruột gan chị muốn chuồi lên cổ.
Chị Lành xếp gọn rổ khâu rồi đặt lưng xuống cái chõng tre cũ kỹ. Bên kia bộ ván, thằng Tứ đã ngủ tự lúc nào.
-
Chương 3
Chương 3
Con Hiền choàng dậy đưa tay dụi mắt khi những tia nắng đầu tiên lọt qua khe vách vào nhà. Con bé thòng chân xuống đất bước cà nhắc ra phía sau múc nước rửa mặt. Nước mát làm nó tỉnh táo, nó đưa mắt nhìn quanh. Không thấy ngoại đâu, nó lại lê bước tới chỗ ngạch cửa, ngồi ngó mông ra đường. Hôm nay là thứ tư, có chính tả, thủ công... Giờ này có lẽ cô giáo đang ngồi đọc bài cho cả lớp cùng nghe, rồi cô ghi lên bảng những chữ khó và đọc lại từng lời chậm rãi. Hai ngày rồi, lớp học vắng Hiền, không biết cô giáo sẽ nghĩ gì...? Bạn bè có đứa nào nhắc đến Hiền không? Hôm đó Hiền giận con Tím lắm. Tuy con Tím không hùa theo mấy đứa kia để chế nhạo Hiền, nhưng thái độ thờ ơ bạc bẽo của nó khiến cho Hiền rất tủi thân. Tại sao các bạn không thích chơi với nó? Ðâu phải nó chây lười học dốt, trái lại con Hiền rất siêng năng chăm chỉ. Cuối năm lớp Một, lớp Hai Hiền đều nhận được phần thưởng. Còn năm nay, ngay từ tháng đầu tiên, tên Hiền đuợc cô giáo nắn nót ghi vào bảng danh dự, treo lên giữa lớp. Vậy thì vì cái gì? Vì hoàn cảnh của nó chẳng giống như các bạn chăng? Nó không có dép để mang, không có tiền ăn quà sáng, và điều đơn giản nó cũng không có được cái áo trắng giống như các bạn!
Cô giáo mới từ nơi khác chuyển về. Cô có cái tên nghe rất ngộ: Huỳnh Thiếu Trân! Cả lớp đều sợ cây thước kẻ của cô Trân. Bạn nào phá phách lì lợm, làm ồn ào trong lớp, lần đầu cô Trân rầy từ tốn nhẹ nhàng, lần thứ hai cô dùng thước kẻ và dọa đuổi ra khỏi lớp. Tuy cô Trân chưa đuổi bạn nào nhưng đôi mắt của cô như có ma lực, giọng cô giảng bài rất hay. Không riêng gì Hiền, cả lớp đều yêu mến và sợ cô. Vậy mà Hiền lại là đứa đầu tiên rời khỏi lớp học...!
- Ê Hiền, chơi nhảy cò cò được chưa?
Thằng Tứ ở đâu le te chạy tới, trên tay nó cầm trái lựu chín vàng. Hiền ngước đôi mắt tròn xoe nhìn thằng Tứ, đôi mắt long lanh ngấn nước hồi nào nó cũng chẳng hay.
- Không thấy người ta ngồi một chỗ hay sao mà rủ chơi cò cò?
Thằng Tứ ngồi sà xuống bên cạnh, ngó lom lom vào mặt con Hiền.
- Bộ mày khóc hả?
Con Hiền bối rối đưa tay chùi lia chùi lịa lên mắt.
- Tại... tại bụi vô...
Thằng Tứ so vai:
- Tao biết rồi, mày sợ nghỉ lâu bị cô giáo đuổi học chứ gì? Thôi để lát nữa tao lấy chai dầu cù là của má tao cho mày mà xức, chừng ít hôm là mày đi được.
Con Hiền bậm môi lắc đầu:
- Tui không đi học nữa đâu.
Thằng Tứ chìa trái lựu cho nó, an ủi:
- Ðừng lo, mày học giỏi cô giáo không khi nào đuổi, tin tao đi. Cho mày nè, trái lựu này hột đỏ lắm.
Con Hiền ái ngại cầm lấy:
-... Ở đâu mà có vậy?
- Hái trên cây!
- Nhưng nhà Tứ đâu có trồng lựu?
- Thì xin hổng được sao? Tao không ăn cắp đâu mà sợ.
- Ừa, ăn cắp xấu lắm, cô giáo tui dạy vậy đó. Tứ hổng nói cho tui biết trái lựu này xin của ai thì tui trả nè.
Thằng Tứ nhăn mặt lầu bầu:
- Con nhỏ này lộn xộn thiệt à. Hồi nãy tao bắt được con chim chìa vôi, tao đổi cho thằng cháu nội ông Tư Hổ. Mày hổng tin thì tới hỏi nó coi.
Con Hiền trợn mắt:
- Nói dóc! Ông Tư Hổ đâu có cháu nội.
- Mày hổng biết gì hết trơn. Con trai ổng đi làm ăn xa lắm bây giờ mới đưa con cái về thăm ổng. Thằng đó cỡ tao vậy nè, dòm nó mắc cười lắm.
- Sao lại mắc cười? - Con Hiền tỏ ra quan tâm.
- Ai đời lớn tồng ngồng rồi mà đi tắm sông cũng có người theo canh. Cây ổi thấp chủn cũng hổng dám trèo, thấy tao đi câu cá, nó lẽo đẽo đi theo. À... nó còn hỏi tao thích đọc truyện không nó cho mượn. Nghe tao nói tao hổng biết một chữ i tờ, nó thò lò hai con mắt dòm tao.
Con Hiền liếc xéo bạn:
- Tứ hay quá há, hổng biết chữ còn khoe tùm lum.
Thằng Tứ nhún vai:
- Tao hổng biết chữ nhưng bù lại tao biết nhiều thứ khác, nó phục tao lăn lóc.
Con Hiền tò mò hỏi:
- Chắc là nó sống ở thành phố?
- Ờ... tối ngày nó bận đồ bộ, đi dép cao sư lạch bạch.
Con Hiền trầm ngâm giây lát rồi ngập ngừng:
- Hỏi nó... mượn dùm tui mấy quyển truyện được không?
Thằng Tứ vỗ đánh đét lên đùi:
- Dễ ợt! Vậy mà tao quên lửng mày. Thôi một hồi tao rủ nó tới đây chơi. Nghe nó nói chuyện mày sẽ thấy nó ngố cỡ nào.
Con Hiền mân mê trái lựu trên tay:
- Trái lựu này đổi của thằng đó hả?
- Ừa, hổng tin sao hỏi hoài. Mày ngồi ở nhà buồn lắm phải không?
Con Hiền chớp mắt giọng buồn hiu:
- Tui nhớ lớp học, nhớ cô giáo...
- Thì ráng vài hôm nữa chớ mấy.
- Không đâu, từ nay sắp tới tui sẽ ở nhà luôn, tui nói thiệt mà.
Thằng Tứ nghệch mặt ra:
- Sao kỳ vậy? Bà Hai bắt mày nghỉ học hả?
Con Hiền lắc đầu:
- Ngoại cũng chưa biết.
- Hay là đứa nào ăn hiếp mày, nói đi tao đục cho nó một trận.
Con Hiền lắc đầu im lặng. Nó không muốn thố lộ với thằng Tứ câu chuyện buồn xảy ra với nó. Thằng Tứ thì có thể thông cảm phần nào, nhưng biết đâu nó chẳng xì ra với đứa khác, rồi tụi nó sẽ xúm vào cười nhạo chê bai. Con Hiền buồn bã khi tưởng tượng ra điều ấy. Bởi vì nó vẫn nghe loáng thoáng bên tai những lời mĩa mai chế giễu của xóm giềng. Ðâu phải ai ai cũng nhìn nó với đôi mắt đầy thiện cảm.
Thằng Tứ đứng dậy nhe răng cười:
- Nói thiệt... mày ở nhà, tao còn khoái, để coi, tao sẽ dẫn mày đi bắn chim, đào hang chuột, đã đã nghen!
Con Hiền đâu còn tâm trí để nghĩ tới những trò chơi ngoạn mục do thằng Tứ bày ra. Mà thật lòng thằng Tứ nói vậy là cốt để an ủi nó.
Câu chuyện xảy ra hôm thứ hai ở lớp như một sĩ nhục đối với con Hiền. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng nó vẫn hiểu thế nào là lòng tự trọng. Nó không thể để cho ai muốn chế giễu mình thế nào cũng được. Thằng Tứ nói đúng. Chỗ của nó là ở đây, là ngày tháng lam lũ bần hàn, là những giọt mồ hôi nhọc nhằn đổi lấy miếng ăn.
Bước chân thằng Tứ xa dần. Con Hiền đưa tay xoa nhẹ chỗ đau. Ðã hai ngày rồi ngoại lấy thuốc xỉa và rễ rau má đáp lên nhưng vết thương vẫn chưa lành miệng. Sáng nay nó dậy trễ nên không biết ngoại đi đâu. Hồi hôm ngoại ngủ không được cứ trở mình luôn, vậy mà trời mới tờ mờ đã nghe tiếng chổi quét sân soàn soạt.
- Hiền à... dậy rồi hả con?
Bà Hai ôm một bó mo cau tất tả đi vào. Thấy bà, con Hiền phụng phịu:
- Sao ngoại hổng kêu con dậy?
Bà Hai thảy bó mo cau xuống đất, rút cái khăn đội đầu lau mồ hôi rồi cầm phe phẩy quạt.
- Cái chân còn cà nhắc mà dậy sớm làm gì. Sợ mày đói bụng nên ngoại mua cái trứng vịt rồi đi riết về. Chà, mới đó mà đã trưa trờ trưa trật.
- Con nấu cơm nghen ngoại.
- Thôni, để đó cho ngoại. Ngồi canh chừng mấy đứa nhỏ kéo hết tàu mo của ngoại.
- Bện chổi hả ngoại?
- Ừa, hổm rày tới mấy người dặn mà có cái nào rụng xuống là sắp nhỏ lôi đi hết. Bữa nay ngoại đi sớm mới quơ được chừng này.
Bà Hai nhúm lửa bắc nồi cơm lên bếp và cho trứng vịt vào luộc. Xong xuôi bà đủng đỉnh lấy giỏ trầu ra têm một miếng bỏ vô miệng ngồi nhai bỏm bẻm.
Bảy mươi tuổi, lưng còng, tóc bạc, da dẻ nhăn nheo, song bà Hai chưa lúc nào có được những phút an nhàn thảnh thơi. Hồi nhỏ bà đi ở đợ ròng rã hết năm này qua năm khác, trôi dạt khắp nơi. Ðến lúc không ai còn nhớ đến thì bà đột ngột trở về, trên tay bồng đứa bé còn đỏ hỏn. Bà Hai nhận lại đứa bé cất tiếng bi bô thì tóc bà cũng thêm nhiều sợi bạc. Nếu ai thắc mắc hỏi, bà kể rằng nó là cháu ngoại của bà. Chẳng may lúc sinh ra nó, mẹ nó bị băng huyết qua đời. Phần đau buồn vì đứa con bạc mệnh, phần thương đứa cháu cút côi, bà đã quyết định bồng nó trở về nơi chôn nhau cắt rốn sống những ngày bình yên cuối đời.
Giờ đây, con Hiền lớn lên xinh sắn như búp non, còn bà sắp sửa lụi tàn như cây khô cằn cỗi... Bà Hai sợ sức mình không gượng nổi đến ngày con Hiền đủ lông đủ cánh. Bà nằm xuống thì đã yên phận, chỉ tội con Hiền một lần nữa chịu cảnh bơ vơ. Không người dìu dắt, bước chân côi cút lạc loài sẽ đưa nó về đâu giữa cuộc đời muôn ngàn cạm bẫy, bà Hai không khỏi bùi ngùi.
- Ngoại ơi, con ở nhà với ngoại không đi học nữa đâu.
Ðang lúi húi cời bới lửa than trong bếp, bà Hai ngẩng nhìn ra khi nghe tiếng con Hiền thỏ thẻ.
- Mày nói cái gì vậy?
Con Hiền nhắc lại:
- Con nói... từ nay con không đi học nữa.
Bà Hai hấp háy đôi mắt đã kéo mây. Tưởng nó bị đau chân rồi kiếm chuyện mè nheo, bà khẽ rầy:
- Ðừng biếng nhác vậy con. Phải học hành cho hiểu biết với người ta. Dốt nát như ngoại cả đời cực khổ con không thấy sao?
Con Hiền ngập ngừng hồi lâu mới thốt thành lời:
- Nhưng mà... con chẳng còn cái áo nào để bận đi học...
Trán bà Hai nhăn lại:
- Vậy chớ cái áo con bận thường ngày đâu?
- Cái áo đó rách rồi. Cô giáo con nói là... không có áo trắng cô hổng cho vô lớp.
Bà Hai chép miệng than thở:
- Cơ khổ! Cô giáo mày bày đặt làm chi vậy cà. Áo nào chẳng là áo!
Con Hiền phụng phịu giải thích:
- Trong lớp con bạn nào cũng mặc áo trắng hết, còn áo của con cô nói hổng phải màu trắng. Cô... cô chê con ở dơ nữa. Tụi bạn chế nhạo con hoài, con mắc cỡ quá ngoại ơi.
Bà Hai xúc động đưa bàn tay khẳng khiu vuốt nhẹ lên mái tóc vừa chẩm gáy của con Hiền, dỗ dành:
- Ðứa nào nói gì thây kệ chúng, mình bận đồ xấu mà mình học giỏi là điều quý. Cái áo rách chỗ nào đem ra ngoại vá lại cho.
Con Hiền bậm môi rơm rớm nước mắt:
- Con đã nói không đi học nữa mà. Tại con hổng có má thì lấy ai may áo cho con.
Bà Hai thở dài:
- Thủng thẳng có tiền ngoại sẽ may cho con cái áo khác. Còn cái này để ngoại vá lại con bận đỡ.
Con Hiền vẫn bướng bỉnh lắc đầu:
- Ngoại cho con ở nhà, con sẽ tưới rau tỉa đậu đem ra chợ bán. Con chẳng ham đi học chút nào.
Bà Hai không biết nói sao hơn. Bà thừa biết con Hiền đòi nghỉ học là vì mặc cảm, vì ai đó đã vô tình khuấy động nỗi ưu tư trong lòng nó. Bà biết phải làm sao khi cái nghèo cái khó bám theo bà đằng đẵng, kiếm được miếng ăn đã cực lắm rồi nói chi đến cái mặc. Thương nó, bà chắc bóp từng đồng nhưng cả năm nay có lúc nào dư ra để may cho nó nổi cái áo. Ấy là chưa kể nhiều hôm, hũ gạo trong nhà trống trơn, bà phải vay đầu này đập đầu kia đáp đổi qua ngày. Ngay như lúc này, trong túi bà chưa có tới hai ngàn đồng, thử hỏi lấy đâu ra để mua cho con Hiền tấm áo? Mà để cho cháu nghỉ học bà cũng không đành lòng. Con Hiền vốn đã bất hạnh từ thuở mới lọt lòng, là đứa trẻ thơ bị ném vào đời bởi lỗi lầm của người lớn gây nên. Nó chẳng khác nào loài cỏ dại mọc ven đưòng, nhưng bà không muốn nó bị vùi dập, bị bỏ quên. Bà muốn nó phải vươn lên kiêu hãnh nhưng bà đã già rồi, bà không thể làm gì hơn để thay đổi số phận...
Thấy bà Hai ngồi lặng thinh, con Hiền níu tay bà lo lắng:
- Ngoại đừng giận con nghen ngoại.
- Ngoại thương con không hết lấy đâu mà giận.
- Mai mốt chân con hết đau, ngoại cho con ra chợ bán rau với con Chi nha ngoại. Con sẽ kiếm tiền về nuôi ngoại.
- Ừ, để thủng thẳng ngoại nhắm thử coi. Ngoại già rồi ở với con được ngày nào hay ngày ấy, rủi ro ngoại có bề nào, con cũng biết đường mà kiếm miếng cơm.
Con Hiền giãy nãy lên:
- Con hổng chịu đâu! Ngoại phải sống hoài với con. Ngoại không được bỏ con một mình.
- Thì ngoại giả tỉ vậy thôi. Ngoại làm sao bỏ con đành lòng.
Bà Hai xoay lưng lại lấy cây chổi rơm quét sơ bộ ván rồi bưng nồi cơm đặt xuống. Bữa cơm cuả hai bà cháu chỉ có trứng vịt luộc dầm nước tương được coi là sang lắm. Con Hiền ngồi ăn một cách ngon lành. Nó buông đũa thì nghe tiếng thằng Tứ í ới ngoài sân:
- Hiền ơi, tao dẫn thằng đó tới nè.
Bà Hai nhìn nó căn dặn:
- Ra coi đứa nào đó con. Coi chừng nó kéo hết mấy tàu mo cau của ngoại.
- Dạ.
Con Hiền đứng dậy lần theo vách bước ra ngoài. Nó chợt lúng túng khi bắt gặp một ánh mắt lạ lẫm đăm đăm nhìn nó.
Miệng thằng Tứ bô bô:
- Mày dòm coi nó có ngộ không. Ði cầu khỉ dễ ợt mà nó bắt tao phải cầm tay dẫn, chút xíu nữa là té nhào xuống sông.
Thằng “nhóc” cười giả lả:
- Tại Sơn chưa quen mà. Sơn tập vài lần sẽ vững, giống như đi xe đạp vậy thôi.
À, thì ra nó tên là Sơn, mặt mũi khôi ngô bạo dạn, tóc đen mượt, quần áo sạch sẽ phẳng phiu, chả bù cho thằng Tứ. Thằng Tứ đầu húi cua trụi lủi, da đen xỉn đen xì, quần xà lỏn và áo ngắn cũn cỡn...
- Nghe nói bạn học giỏi lắm phải không?
Mặt con Hiền đỏ lên khi nghe thằng Sơn hỏi. Nó bối rối trả lời:
- Tui... chả giỏi gì đâu.
Thằng Tứ láu táu xen vô:
- Hổng giỏi mà năm nào cũng lãnh thưởng đầy nhóc, mày thấy mày cũng lé mắt luôn!
Thằng Sơn gật gù, điệu bộ nó y như người lớn. Nó mới lên mười nhưng được đi học sớm hơn con Hiền nên hết năm nay là nó xong cấp Một. Trong lớp 5B nó là một học sinh ngoan ngoãn thông minh, nó không tham gia các trò phá phách, không chọc ghẹo các bạn gái khóc nhè... Trông nó chững chạc hơn so với những đứa cùng tuổi.
Trên đường về quê nội, Sơn rất nôn nao hồi hộp. Giờ đây nó càng vui hơn khi đặt chân lên vùng đất mà đêm đêm nó vẫn hằng tưởng tượng ra biết bao điều kỳ diệu.
Nhìn con Hiền trong dáng điệu rụt rè, nó đưa ra nhận xét:
- Con gái ở đây hay mắc cỡ quá há.
Thằng Tứ gật đầu lia lịa:
- Ừa, nó tên Hiền mà, hiền như cục bột!
Nghe thằng Tứ ba hoa tán tụng, con Hiền xấu hổ cười lỏn lẻn:
- Hổng ai mượn mà cũng quảng cáo. Cho Tứ chuyểng sang nghề bán thuốc nhức răng xỗ lãi được à.
Thằng Tứ hỉnh mũi cười:
- Tao chỉ có dầu cù là thôi. Nè, giở chân lên quẹt vô vài cái là chạy te te. Dầu cù là Sao Vàng chính hiệu!
Vừa nói thằng Tứ vừa lần tay vào lưng quần, lôi ra hộp dầu cù là đưa cho con Hiền. Thấy vậy, thằng Sơn ngạc nhiên hỏi:
- Ủa định làm cái gì vậy?
Thằng Tứ chỉ vào chân con Hiền:
- “Xi cà que” vì đã lập nên thành tích bắt được năm con cá bống kèo.
Mặt con Hiền cau lại:
- Tui hổng giỡn à nha, dầu cù là này đem về đi, hổng ai thèm xức.
Thằng Tứ xuống nước:
- Tao nói chơi chút mà cũng giận. Thôi ngồi lên mo cau tao kéo mày đi mười vòng.
Con Hiền rất thích trò chơi này, song bây giờ nghe thằng Tứ “chuộc lỗi” bằng cách ấy nó đâm ra quạu quọ:
- Tàu mo cau của người ta, kéo cho hư hết hả?
- Hay là tao cõng mày, chịu không?
Con Hiền lườm nó:
- Lãng nhách, hổng ai mượn.
Thấy con Hiền cự nự, thằng Sơn bước tới một bước cúi xuống nhìn bàn chân cột vải của con Hiền, đôi mày nó khẽ cau lại.
- Ðể Sơn về lấy bông băng thuốc đỏ, bôi dầu cù là hổng hết đâu coi chừng bị nhiễm trùng nữa đó.
Thằng Tứ le lưỡi:
- Ghê vậy hả, tao đạp gai hoài mà có sao đâu?
- Sơn nói thiệt đó. Hôm trước Sơn té trầy đầu gối có chút xíu, mẹ cũng lấy cồn rửa rồi chấm thuốc đỏ lên. Tứ đi với Sơn nghen, Hiền chờ á.
Nói rồi nó kéo tay thằng Tứ dợm bước đi, con Hiền ấp úng gọi với theo:
- Tứ ơi... nói Sơn cho tui mượn...
Thằng Tứ nãy giờ quên bẵng chuyện con Hiền nhờ, nghe con nhỏ nhắc nó cười chữa thẹn:
- Ờ ờ, tao nhớ rồi.
Nó quay sang thằng Sơn bảo:
- Con Hiền gnhe tao nói mày có nhiều sách, nó muốn mượn đó.
Thằng Sơn cười thật tươi:
- Ðược rồi, để Sơn đem cho mượn.
Hai đứa dắt nhau đi. Thằng Sơn lớn lên ở thành phố, lần đầu tiên được về thăm quê nội nên cái gì đối với nó cũng lạ. Thú vị nhất là nó được làm quen với những đứa bạn thật thà mộc mạc nhưng rất dễ thương. Thằng Tứ biết đan lồng chim, biết làm lờ bắt cá, làm ống trúm bắt lươn... biết cắm câu, soi ếch... Nhìn thằng Tứ leo trèo thoăn thoắt trên cây, Sơn phục nó sát đất... Ngoài ra thằng Tứ còn biết nặn đất sét thành con chó, con mèo, biết lấy là dừa thắt con rít, con tôm... thằng Tứ thật cừ khôi!
- Ê Sơn, đố mày trái lựu hồi sáng tao cho ai?
Dọc đường, thằng Tứ khe khẽ nói. Thằng Sơn đang tính nhẩm trong đầu nên chọn cuốn truyện nào hay nhất để cho con Hiền mượn, nghe thằng Tứ hỏi nó lơ đãng trả lời:
- Cho ai, Sơn làm sao biết.
- Thì mày đoán thử coi.
- Thôi, Sơn chịu thua.
Thằng Tứ bắt bí liền:
- Thua... một trái lựu nữa nghen?
Thằng Sơn bật cười:
- Ðồ láu cá! Nãy giờ đâu có giao kèo vậy.
Thằng Tứ không dằn lòng được nói luôn:
- Tao cho nhỏ Hiền đó. Mày biết hôn, nó bị mồ côi hồi nhỏ xíu, sống với bà ngoại tội nghiệp lắm. Bà ngoại nó già khụ lại còn nghèo xác xơ, hổng sắm nổi cho nó cái gì hết. Lần nào nó được lên bảng danh dự, tao cũng kiếm một trái lựu thưởng cho nó, nó cầm chơi hoài lâu lắc mới ăn.
Thằng Sơn lắng nghe với vẻ quan tâm. Nó ngầm so sánh “phần thưởng” khiêm tốn của con Hiền và những món đồ chơi đắt giá mà ba mẹ nó không tiếc tiền mua cho. Lòng nó bỗng chùng xuống vì một nỗi buồn vu vơ. Nó cảm thấy xót xa cho hoàn cảnh của con Hiền... Không có ba mẹ quả là một điều bất hạnh lớn lao.
Nó ngập ngừng nói với thằng Tứ:
- Vậy thì... mỗi ngày Sơn sẽ xin ông nội hái một trái lựu cho Hiền. Tiếc là Sơn chỉ ở đây đến hết tuần này.
Mắt thằng Tứ sáng lên. Nó khoái chí vỗ vai Sơn đôm đốp.
- Mày ngon... tao rất khoái mày. Tao nói mày nghe điều này, cấm bép xép lại với con Hiền và ông nội mày à nha.
- Ờ Tứ cứ bật mí đi.
Thằng Tứ ngó dáo dác rồi kề tai Sơn nói nhỏ:
- Mấy lần tao hái trộm lựu của ông nội mày, có lần suýt bị ổng tóm đầu, ổng canh tao dữ lắm.
Thằng Sơn ngớ người ra:
- Sao Tứ hổng hỏi xin đàng hoàng?
- Xin... có nước ổng cho cái búa! Ổng là ông già hắc xì dầu số một.
- Sơn thấy ổng dễ ợt à, Sơn muốn gì ổng cũng cho.
- Bởi vì ông ấy là ông nội của mày. Thôi, tao đứng đây, mày chạy về đi, đừng có tố cáo tao à nghen.
Thằng Sơn nheo mắt:
- Khỏi lo, Sơn hổng bao giờ phản bội lời đã hứa.
Mặt trời đã đứng bóng. Thằng Tứ đứng lo ra vì sực nhớ tới công việc chờ nó ở nhà. Một hồi, thằng Sơn lấp xấp bước ra, tay ôm lỉnh kỉnh nào là sách, nào túi vải đựng bông băng. Thằng Tứ giục:
- Lẹ lên, chốc nữa tao còn phải đi xách nước, tưới rau, chạy nhong nhong với mày thế này thế nào má tao cũng giũa te tua.
- Cầm phụ đi, hối quá Sơn làm rớt hết trơn bây giờ.
- Nào đưa đây.
Hai đứa tới nơi, thấy con Hiền vẫn còn ngồi ngó bâng quơ ra đường. Thằng Sơn lôi từng thứ trong túi vải ra, bảo con Hiền kê chân lên một khúc cây rồi bắt đầu lấy cồn lau rửa. Con Hiền xuýt xoa nhăn mặt nhưng trong lòng rất cảm động vì sự chăm sóc tận tình của đứa bạn mới quen.
Xong xuôi thằng Sơn ngước lên hỏi:
- Có đỡ đau không?
Con Hiền mím môi gật đầu:
- Hồi nãy rát thấu trời, còn bây giờ hết trơn rồi.
- Hiền cứ làm như Sơn vậy, vài lần sẽ khỏi.
- Sơn hổng đem mấy thứ này về sao?
- Thôi, mẹ Sơn chỉ đem phòng hờ theo, Sơn chẳng hề gì thì đem về làm chi, Hiền cứ cất mà dùng.
Thằng Tứ nãy giờ cứ đứng xớ rớ bên cạnh, nói xen vào:
- Coi bộ mày cũng có nghề à, mai mốt làm bác sĩ được đó.
Thằng Sơn cười bẽn lẽn:
- Tại Sơn thấy má làm rồi bắt chước, dễ ợt hà.
- Mày ngồi đây chơi nghen, tao phải dông về nhà một lát.
Không đợi Sơn đồng ý, thằng Tứ ba chân bốn cẳng phóng ra đường. Nó đụng đầu con Chi vừa ở trong nhà đi ra:
- Mày chạy đi đâu như đi ăn cướp cạn vậy?
Thằng Tứ đứng lại phồng má thở phì phì:
- Tránh chỗ cho người ta đi, lộn xộn.
Con Chi cũng không vừa, lên giọng xỉa xói:
- Xí! Mày tưởng mày ngon lắm hả? Hổng cho mày đi ngang nhà tao đó.
- Ðường tao đi mắc mớ gì mày?
- Tại thấy ghét quá hổng cho đi. Ngang nhà tao mà cái mặt cứ bét bét, nhà tao hổng đáng cho mày dòm hả?
Thằng Tứ trợn mắt sửng cồ:
- Nhà mày có gì mà bắt tao dòm? Dòm vô để cho thằng Ðê đi bêu riếu tùm lum hả? Cái bữa tao chổng mông nhốt gà dùm mày, nó chọc quê tao đó.
Con Chi đứng chống nạnh trề môi:
- Sao mày tới nhà con Hiền hoài mà nó hổng giỏi chọc đi?
- Thì mày đi mà hỏi nó á, làm sao tao biết được.
Con Chi chợt xuống giọng hỏi nhỏ:
- Mày đi đâu về vậy?
- Tới thăm con Hiền, tao sợ nước cạn phải dông về tưới cải. Gặp mày cù... nhây quá.
Con Chi hờn mát:
- Phải rồi, tao cù nhây, còn mày là... đồ cù là.
Thằng Tứ cười tủm tỉm:
- Hổng sao! Cù là để mày bôi vô lỗ mũi... hửi.
Con Chi ễnh bụng đốp lại liền:
- Còn lâu á! Tao bôi vô cái... rún của tao nè.
Thằng Tứ le lưỡi, con Chi này dữ thiệt, nói chuyện giỡn với nó một hồi là y như gây lộn. Thằng Tứ giả vờ chắp tay lại xá một cái rồi quay lưng đi te te một nước, bỏ mặt con Chi đứng đó, mặt đầy ấm ức.
-
Chương 4
Chương 4
Khi cái chân con Hiền đi lại được thì tình bạn giữa nó và thằng Sơn càng gắn bó hơn. Thằng Sơn không kênh kiệu phách lối như mấy đứa con nhà giàu cùng lớp với con Hiền. Thằng Sơn giản dị, khiêm tốn và đặc biệt có tấm lòng thương người. Chả thế thì tại sao thằng Sơn lại thích chơi với nó? Thằng Sơn lần lượt đem hết mấy cuốn truyện cho con Hiền mượn và cảm động hơn là trưa nào nó cũng len lén dúi vào tay con Hiền một trái lựu vàng ươm.
- Sao đàng ấy... tốt với tui vậy?
Con Hiền ngập ngừng hỏi sau một hồi im lặng. Không gian vẫn còn lắng động bởi câu chuyện thương tâm thằng Sơn vừa kể. Một chú bé dũng cảm đã hứng lấy nhát dao của tên ăn cướp để cứu bà ngoại mù lòa, thoát chết và chú phải trả giá bằng mạng sống của chính mình.
Thằng Sơn nghe không rõ nên trả lời vu vơ:
- Ờ bạn ấy thật đáng khâm phục.
- Tui nói... đàng ấy kìa...
Thằng Sơn ngớ người ra.
- Sơn... thì sao?
- Ðằng ấy đối xử với tui không giống như những đứa khác. Ở trong lớp tui thường bị chế nhạo...
Tự nhiên con Hiền bộc bạch, hai con mắt nó bắt đầu ươn ướt. Thằng Sơn ái ngại nhìn lướt qua bộ quần áo bạc phếch của con Hiền. Nó thầm đoán ra cái lũ rỗi hơi đã nói gì đó xúc phạm đến con Hiền nên trông con nhỏ mới khổ tâm như vậy.
Thằng Sơn tìm hết lời an ủi:
- Hiền đừng buồn... có ngày tụi nó phải xin lỗi Hiền. Sơn... quý mến Hiền, Sơn nghĩ Hiền như là cô bé lọ lem vậy đó. Hiền làm lụng cực nhọc lại siêng năng học hành... chỉ có những đứa ngu ngốc mới cười chê Hiền.
Con Hiền cảm thấy ấm lòng khi nghe những câu nói chân tình của thằng Sơn. Nó đưa tay chùi nhanh những giọt nước mắt vừa ứa ra mi. Ít ra còn có thằng Sơn, tuy hoàn cảnh sống khác biệt nhau, nhưng sự cảm thông hiểu biết của thằng Sơn khiến nó vô cùng xúc động.
- Tui biết là phải trả mấy cuốn truyện cho đàng ấy, tui chỉ mới chép được một ít thôi.
Thằng Sơn mở to mắt ngạc nhiên:
- Hiền chép lại à?
Con Hiền gật đầu:
- Mấy bữa nay tui ráng thức khuya mà mới chép được nửa cuốn “Nàng Tiên Cá”. Giá mà đàng ấy ở lâu hơn... tui sẽ chép hết để dành từ từ đọc.
Thật là điều bất ngờ đối với thằng Sơn. Nó chưa bao giờ tưởng tượng nổi ở vùng thôn quê hẻo lánh này quyển sách trở thành nỗi ước mơ khao khát của những đứa bé nghèo ham học. Quyển sách đáng là bao so với cây súng nhựa, chiếc xe hơi chạy pin và thỏi kẹo xê-gum nó nhai rồi thổi thành bong bóng? Thằng Sơn bùi ngùi nhìn xuống bàn tay chai sần của con Hiền. Bàn tay ấy ban ngày phải cầm cuốc xới đất trồng khoai, đêm đến còn mày mò bên ngọn đèn chong chép từng mẩu chuyện...
Ở trường thằng Sơn học, cũng có nhiều bạn hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn cố gắng đi học và học rất giỏi. Cô giáo vẫn thường đem các bạn ấy ra làm tấm gương để nhắc nhở cả lớp noi theo. Mỗi lần nhà trường mở đợt quyên góp giúp đỡ các học sinh nghèo là Sơn đập ngay con heo đất - số tiền gom góp được từ những lần nhịn ăn quà sáng, đem nộp tất cả cho cô giáo. Nhưng hôm nay, được nhìn thấy tận mắt cảnh nhà của nhỏ Hiền, và nghe nó tâm sự xúc động. Nó muốn làm một cái gì đó, để giúp con Hiền nhưng vẫn chưa nghĩ ra. Nhìn mặt thằng Sơn cứ nghệch ra, con Hiền hỏi khẽ:
- Ðàng ấy nghĩ gì mà ngồi im lặng vậy?
Thằng Sơn giật mình:
- À, không tui... đang nghĩ, hay là Hiền cứ giữ lại cuốn truyện này mà đọc. Ðừng chép nữa mất công.
- Thôi, tui sợ mẹ bạn biết lại la rầy. À, mà cái chuyện Sơn vừa kể, có trong cuốn sách này không?
Thằng Sơn khẽ lắc đầu:
- Không, chuyện này Sơn nghe ba kể lại.
- Tui thương ngoại tui lắm. Trên đời này ngoại là người thân duy nhất của tui. Nếu tui gặp kẻ cướp tui cũng liều mình để cứu ngoại.
Thằng Sơn phì cười trước câu nói ví von của con Hiền - lẻo khẻo như nó làm sao mà đánh cướp được. Con Hiền ngạc nhiên hỏi:
- Sơn cười gì vậy?
- Nghe Hiền nói, Sơn tức cười quá, coi “bộ vó” vậy mà cũng có máu võ hiệp dữ ha. Con Hiền phụng phịu:
- Ðằng ấy khi dễ tui quá. Ðến khi gặp hiểm nguy thì ai cũng vậy thôi.
Vừa lúc đó thằng Tứ ở đâu bỗng xăm xăm đi tới, theo sau là một thằng choai choai, tóc chải láng lẫy, mắt ti hí, mũi to, nước da tai tái. Nó mặc quần tây, áo sơ mi xanh, chân đi dép Lào. Thằng Tứ bô bô:
- Ông nội mày réo om sòm ở đẳng. Thấy tao đi ngang ổng nhờ tao kêu mày về. Rồi thằng này cũng đòi theo.
Nhận ra đứa em họ, thằng Sơn vội hỏi:
- Mới qua chơi hả Bạch?
Thằng Bạch không trả lời, đôi mắt ti hí của nó đang bận chiếu về phía con Hiền với vẻ tò mò thích thú. Con Hiền cũng vừa nhận ra nó, cái thằng làm phách nhất lớp mà học hành thì dốt như ma.
- Anh Sơn quen con nhỏ này hả? - Giọng thằng Bạch hách dịch.
- Ừ, mà sao Bạch cũng biết bạn ấy à?
Thằng Bạch xì một tiếng rồi bước tới bên Sơn cười nhạo:
- Nó học lớp tui đó, ở dơ quá nên đâu có đứa nào thèm chơi. Hổng ngờ nhà nó còn thua cái chuồng gà của má tui.
- Bạch! Sao lại nói thế? Có im đi không?
Sơn tức giận trừng mắt nhìn thằng Bạch. Nó vẫn phớt lờ, cái mặt nhơn ngơn trơ trẽn:
- Tui thấy sao nói vậy hà. Mắc gì anh binh nó.
Giọng Sơn gay gắt:
- Như thế là xúc phạm người ta – đó là hạnh động đáng xấu hổ.
- Tại... tui hổng muốn anh chơi với nó.
Thằng Sơn quay lại và thấy con Hiền sa sầm nét mặt. Còn thằng Tứ thì hầm hầm như muốn tung nắm đấm vào thằng Bạch.
- Ê, thằng lõi kia, ai cho phép mày khi người ta hả?
Thằng Bạch hống hách cự lại:
- Tao nói con nhỏ đó chớ nói mày hồi nào?
Thằng Tứ hùng hổ xông tới.
- À! Chính mày là thằng hay ăn hiếp con Hiền phải không? Tao đục móp mặt mày cho biết.
Thằng Bạch đưa tay đỡ, miệng vẫn léo nhéo:
- Mày gây sự trước nghe, đụng tới tao là mày tàn đời.
- Ðồ làm phách! Mày phải bỏ tật láo toét tại đây.
Hai đứa xáp vào như hai con dế lửa hung hăng. Con Hiền sợ rúm ró la lên.
- Ðừng quýnh lộn! Ngoại tui về kìa, ngoại tui xách chổi ra kìa.
Thằng Sơn luýnh quýnh nhảy vô can nhưng chỉ tổ hứng đòn của hai chú gà chọi đang hăng tiết, chúng đấm đá quần huỳnh huỵch. Bị thoi nhầm vào bụng, thằng Sơn ngã lăn quay, nhưng nó vẫn gượng dậy xông vào, ôm chân thằng Tứ gào to:
- Buông nó ra đi, Tứ ơi! Nghe Sơn nói nè...
Thằng Tứ vừa trả đòn vừa tìm cách gạt thằng Sơn.
- Mày dang ra cho tao trị nó.
Thằng Bạch cũng lì lợm không kém, nó xù lên như con nhím giương những chiếc gai nhọn hướng về thằng Tứ. Hai đứa đều dai sức như nhau nhưng thằng Tứ bị thằng Sơn níu kéo nên lãnh nguyên mấy cú đấm của thằng Bạch. Nổi nóng nó đạp cho thằng Sơn một cái rồi nhào tới câu cổ đè thằng Bạch xuống đất, lăn tròn giữa sân.
Nghe động lũ trẻ con đổ xô chạy tới, chúng vỗ tay reo hò như những cổ động viên cuồng nhiệt trước một trận đấu gay go đầy hứa hẹn. Cái áo ngắn cũn cỡn của thằng Tứ bị đứt mất một vạt, còn bộ đồ vía của thằng Bạch cũng nhàu nát một cách thảm hại. Con Hiền thật sự hốt hoảng, lẽ nào nó đành bất lực đứng nhìn hai thằng bạn xâu xé nhau mà suy cho cùng nguyên nhân cũng chỉ vì nó. Nước mắt lưng tròng, nó bước tới gỡ tay thằng Tứ, lúc đó đang chắn ngang cổ thằng Bạch.
- Tứ hổng thả bạn ấy ra... tui nghỉ chơi luôn đó.
Giữa bầu không khí sôi động tiếng hét la ầm ĩ, thằng Tứ mặt đằng đằng lửa giận bất chợt xìu xuống vì những giọt nước mắt của con Hiền nhiễu trên tay nó. Nó từ từ đứng dậy lầm lũi bước ra bờ sông với chiếc áo rách vạt tòng teng và một bên mắt sưng vù. Thằng Bạch cũng lồm cồm bò dậy, phủi lớp bụi dính trên quần áo. Nó nhìn theo thằng Tứ một cách căm hờn. Ðám con nít tản ra chỗ khác, bàn tán rì rầm về cuộc ẩu đả vừa qua. Chúng thắc mắc không biết cái thằng ăn mặc bảnh chọe kia là ai? Từ đâu tới? Tại sao đánh nhau chí tử với thằng Tứ rồi cả hai lẳng lặng bỏ đi chẳng nói tiếng nào. Có đứa bám theo thằng Bạch và nhìn thấy nó rẽ vào nhà ông Tư Hổ.
Thằng Sơn vẫn còn ngồi lại bịn rịn với con Hiền... Nó cảm phục tính thẳng thắn của thằng Tứ nhưng thật tình nó không muốn nhìn thấy cảnh choảng nhau giữa thằng Tứ và đứa em họ lếu láo của mình.
Chần chừ một lúc Sơn quay gót ra bờ sông. Thằng Tứ đang ngồi bó gối bên gốc dừa, trông bộ dạng nó thật thểu não. Thằng Sơn ái ngại phân trần:
- Quả tình... Sơn chỉ muốn hai người đừng đánh nhau.
Thằng Tứ gằn giọng:
- Nhỏ Hiền không cản là tao vả cho nó gãy hết răng. Nó là thứ gì của mày?
- Là con cô Ba của Sơn, bữa hổm Sơn có qua nhà nó chơi.
- Lát nữa về mày sợ bị rầy không?
- Sơn không sợ đâu.
- Còn tao bị rách cái áo, con mắt đeo thêm trái mù u chắc không yên thân với má tao.
- Tứ có giận Sơn không?
- Tao tức quá nên mới nện mày một đạp, mày hổng giận thì thôi, sao tao lại giận mày.
- Sơn có cách này... bây giờ Tứ cởi áo ra mượn bạn Hiền vá lại, còn chỗ sưng lấy muối đắp lên, chút xíu đỡ liền.
- Mày bị lần nào chưa mà rành vậy?
- Chưa, chỉ bị té sơ sơ thôi.
Thằng Tứ đứng dậy chép miệng thở ra.
- Nãy giờ tao thấy nghi nghi.
- Nghi cái gì?
- Tự nhiên mấy bữa nay con Hiền không đi học, chắc phải có lý do nào đó.
- Sao Tứ không hỏi thử?
- Bữa trước nó có nói nhưng tao cứ tưởng nó nói chơi. Dám chừng cũng tại cái thằng mất dạy này.
Sơn lặng thinh theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Biết đâu thằng Tứ chẳng nói đúng. Bởi lúc nãy con Hiền cũng vô tình bộc bạch nỗi ưu tư thầm kín với Sơn mà đâu phải với ai nó cũng tâm sự được.
Con Hiền đã lau khô nước mắt, nhưng mặt mũi nó còn vằn vện như con mèo vừa chui ra từ xó bếp. Nó nhìn thằng Tứ với vẻ trách móc pha lẫn xót thương.
- Tứ ham quýnh lộn quá hà.
Thằng Tứ cười nửa miệng:
- Từ hồi nào đến giờ mày thấy tao có đánh đứa nào khôgn? Tại thằng này nó nói xấu mày.
- Kệ nó, ai biểu Tứ làm anh hùng rơm. Coi cái áo rách te tua rồi kìa.
- Rách thì ở trần cho mát.
Vừa nói nó vừa cởi cái áo giơ ra trước mặt ngắm nghía.
Con Hiền biết mình phải làm gì. Nó chạy vô buồng lấy rỗ kim chỉ của bà Hai.
Thằng Tứ quay sang Sơn giục:
- Thôi mày về đi. Ở lâu thế nào ông nội cũng kiếm mày.
Thằng Sơn bịn rịn như muốn nói điều gì. Lòng nó chợt se thắt khi nghĩ đến sáng mai này nó sẽ rời khỏi nơi đây. Nó trở về thành phố sống những ngày bình yên với bạn bè, sách vở sau một chuyến đi ngắn hạn. Nó không muốn nói lời chia tay với thằng Tứ con và con Hiền... những đứa bạn mà nó bắt đầu gắn bó mến thương.
Thằng Tứ phải giục lần thứ hai, Sơn mới chịu nhấn chân lên sau khi dặn dò:
- Tối nay Sơn đợi Tứ sau gốc dừa trụi, nhớ rủ Hiền nữa nghen!
- Ừa, mày nhớ điều tra thằng ôn dịch đó.
Thằng Sơn gật đầu quay gót. Bóng nó đổ dài trên con đường đất mấp mô. Trời đã ngã sang chiều.
Thằng Sơn không đi thẳng vô nhà mà dừng lại bên cây lựu, ngước nhìn những trái còn xanh đeo lủng lẳng trên cành. Cây lựu này ông nội rất quý, biết nó sắp về ngày nào ông cũng canh chừng vì sợ lũ nhỏ ngứa tay hái trộm. Thấy Sơn la cà chơi với thằng Tứ, ông nội có vẻ không hài lòng. Sơn hỏi ra mới biết ông nghi thằng Tứ là thủ phạm trèo qua rào hái lựu của ông. Ông nội cho rằng những đứa khôgn được dạy dỗ như thằng Tứ sẽ không chừa bất cứ thói hư tật xấu nào. Sơn không dám cãi lại với ông vì ba nó còn sợ ông nội một phép. Sơn nghe loáng thoáng, hồi đó ông nội đã dạm hỏi cho ba một cô gái quê nhưng vì ba đã lỡ thương mẹ nó nên không chịu nghe lời ông nội. Thế là ông nổi trận lôi đình phang cho ba mấy gậy lỗ đầu rồi đuổi đi biệt xứ. Có lẽ vì vậy mà đằng đẵng mười năm trời Sơn mới được giáp mặt cùng ông. Ông còn phương phi khỏe mạnh mà đi đâu cũng chống gậy trúc. Tóc ông bới củ tỏi, ôgn thường bận bộ đồ bà ba đen đi xem xét khắp khu vườn. Tiếng ông nói rổn rảng, mỗi lần ông hắt xì hơi, thằng Sơn tưởng chừng như tiếng sấm nổ bên tai. Nó tưởng tượng lúc nổi giận, chắc ông gầm lên như hổ, chả thế mà khắp vùng thiên hạ đều gọi ông là ôgn Tư Hổ.
- Sơn à, nãy giờ con đi đâu?
Thằng Sơn quay lại khi nghe tiếng mẹ nó vang lên dịu dàng.
- Dạ, con chơi đằng nhà bạn Hiền. Mẹ ơi thằng Bạch còn trong đó không?
- Còn, nó vừa méc ông nội có đứa nào đánh nó.
Thằng Sơn liếc vô nhà lẩm bẩm:
- Cái thằng không biết xấu hổ, lại dám mở miệng méc.
Mẹ nó nhíu mày hỏi:
- Chuyện gì xảy ra vậy con?
- Thằng Bạch kỳ lắm mẹ... nó chế nhạo bạn Hiền ở dơ, rồi quýnh lộn với bạn Tứ, xé rách áo bạn ấy, làm bạn ấy bầm mắt hết trơn.
- Vậy mà nó nói đứa kia gây sự trước, ông nội và cô dượng đang giận lắm đó.
- Ðể con nói cho họ khỏi hiểu lầm, con biết tính bạn Tứ mà, bạn ấy không tiểu nhân như thằng Bạch đâu.
Mẹ nó cười hiền:
- Thằng Bạch là em họ của con, sao con chỉ nghĩ xấu cho nó.
- Tại vì nó không tốt, nó chế giễu bạn Hiền trước mặt con.
- Con bé đó ra sao mà con bênh chằm chặp vậy?
- Bạn ấy chẳng có gì hết mẹ à. Hai bà cháu sống thật là khổ. Mấy cuốn truyện con cho mượn bạn ấy phải thức khuya chép lại. Mai mình về rồi con muốn tặng cho bạn ấy, được không mẹ?
- Tùy con, nếu con thấy đó là việc đáng làm.
- Còn nữa... cái áo của bạn Tứ.
Thấy nó ngập ngừng, mẹ nó khuyến khích.
- Con nói tiếp đi.
- Con muốn cho bạn Tứ... cái áo mới của con. Một tuần nay con thấy bạn ấy chỉ mặc mỗi cái áo... hồi nãy thằng Bạch đã làm rách.
- Cho rồi con không tiếc sao?
- Dạ không, con muốn bạn ấy nhớ tới con.
Mẹ nó xúc động hỏi:
- Ai dạy con làm những điều này?
- Con không biết, tự con cảm thấy phải làm như vậy. Mẹ đồng ý nha mẹ.
Mẹ nó gật đầu âu yếm bảo:
- Con nhiều áo, cho bớt bạn một cái có sao đâu? Mẹ không hề phản đối. Thôi con hãy vô chào cô dượng, nhớ đừng nói điều gì để ông nội phiền lòng.
Thằng Sơn nhìn mẹ với ánh mắt biết ơn. Song nó không thể bỏ qua cái thói trịch thượng của thằng Bạch mà vì chuyện này sẽ làm ông nội ghét bỏ thằng Tứ. Sơn nghĩ thầm, thằng Tứ bẻ lựu của ông chẳng qua là làm phần thưởng cho con Hiền. Một đứa có lòng với bạn như vậy rất đáng trân trọng. Tại sao nội không hiểu được điều đó.
Sơn chậm rãi bước vô nhà. Quả như lời mẹ nói, mặt ông đang hầm hầm tức giận. Thằng Bạch đứng nép bên mẹ nó, chốc chốc đưa tay quệt mũi. Tiếng cô Ba chì chiết:
- Cái xóm gì con nít mới nứt mắt đã lưu manh, mất dạy. Vậy mà ba để thằng Sơn chơi với chúng.
Ông nội thở hắt ra:
- Thì tao thấy tụi nó chơi với nhau êm ru, chứ có đâu như vầy. Ờ... thằng Sơn về kìa, để hỏi thử coi.
- Sơn, tới đây ông biểu.
Thằng Sơn vòng tay chào cô dượng rồi liếc sang thằng Bạch. Thái độ ngông nghênh của thằng Bạch đã biến đâu mất. Nó đang làm ra vẻ tức tửi như là bị ăn hiếp không bằng.
Cô Ba hỏi mát mẻ:
- Ðứa nào quýnh em mà con không binh vậy Sơn?
Sơn từ tốn đáp:
- Lỗi tại Bạch cô à, nó sinh sự trước.
Cô Ba nhấp nhỏm trên bộ ván gỗ:
- Con nói sao chứ... thằng Bạch của cô hiền như cục đất, hồi nào tới giờ có quýnh lộn quýnh lạo với ai đâu.
Giọng Sơn chắc nịch:
- Con không nói thêm cho Bạch, chính Bạch đã nói những lời rất khó nghe. Nó chê nhà bạn Hiền thua xa cái chuồng gà của cô nữa...
Thằng Bạch chống chế:
- Thì... có sao nói vậy. Con nhỏ đó đi học bận quần áo dơ hầy cô giáo con hăm đuổi học nó nữa kìa.
Ông nội quay sang trách cô Ba:
- Con cái không chịu dạy dỗ mới bây lớn đã tự cao tự phụ.
Cô Ba vẫn một mực binh con:
- Ba rầy oan cho nó, tính nó thật thà không thêm bớt một ly. Nó có biết cái gì là tự cao tự phụ. Kỳ cục thiệt, ruột rà thì không binh lại đi binh cho người dưng nước lã.
Cô giận dỗi đứng dậy, kéo tay thằng Bạch và hối chồng ra về. Ba mẹ Sơn cố giữ lại nhưng ông nội xua tay:
- Kệ nó, thương con kiểu đó có ngày nó sáng mắt ra.
Sơn đến bên ông thỏ thẻ:
- Ông nội ơi, bạn Tứ không phải là người xấu đâu. Bạn ấy hành động dũng cảm.
Ông nội xoa đầu nó:
- Ờ, ờ...
- Ông nội biết không, tháng nào con đứng nhất ba mẹ cũng thưởng cho con. Vậy ông nội có thưởng cho con không?
- Mày ở xa lắc xa lơ làm sao ông thưởng?
- Nếu ông nội đồng ý con sẽ có cách.
- Thôi được, mày muốn ông thưởng cái gì?
- Ông nội cho con cây lựu trước sân.
- Trời đất, cho mày bứng đem về chỗ đâu mà trồng?
- Không, con sẽ để đây, lâu lâu con về.
- Tưởng gì, mày xin hết vườn tao cũng cho.
- Vậy ông ngoéo tay đi.
Nó đưa ngón trỏ ra ngoéo vào tay ông nội. Cả hai ông cháu cùng cười. Lúc ông đang vui Sơn nói liều ra ý định của mình.
- Ông ơi, bạn Hiền cũng học giỏi như con, nhưng không được ai thưởng hết.
Ông nội cười trêu:
- Mày muốn xí phần cho nó nữa à?
- Cây lựu là của con mà, con gửi ông nội giữ dùm chừng nào trái chín, ông hái dưa cho bạn Hiền, ông nói là quà của con gởi tặng.
- Thằng này nghĩ ra chuyện hay ho thật.
Tưởng ông nội quở trách Sơn năng nỉ:
- Ông làm như vậy nghe ông, biết đâu món quà ngộ nghĩnh này là nguồn khích lệ lớn lao đối với bạn ấy.
- Ừ, rồi mày biếu cho ông món quà gì?
Thằng Sơn ngắm nghía búi tóc củ tỏi của ôgn tủm tỉm cười:
- Con sẽ mua cho ông cây kẹp tóc, ông kẹp lên, xa xa người ta tưởng ông là... cô thôn nữ già.
Ông nội dứ dứ nắm tay trước mặt Sơn mắng yêu:
- Tổ cha mày! Mày đi chắc là ông sẽ nhớ mày.
-
Chương 5
Chương 5
Bà Hai ghé nhà chị Lành, định uống miếng nước cho đỡ khát rồi tiếp tục ra bờ ruộng cắt đám môn đang bỏ dở, nhưng chị Lành cứ ngồi nói chuyện con cà con kê khiến bà không dứt nổi để đi. Chị còn vô bếp bưng ra rổ khoai nóng hổi nài nỉ mời bà. Nể tình chị, bà cầm lấy một củ, bóc vỏ nhai trệu trạo.
Chị Lành xởi lởi:
- Bà Hai ngồi đây nghỉ, chờ bớt nắng rồi hãy đi.
- Mấy bữa nay, mình mẩy rêm quá, nhưng phải ráng quơ cào chút đỉnh để sắm cho con Hiền cái áo bận Tết với người ta. Bây có biết chừng bao nhiêu một cái không? – Bà Hai nhìn ra ngoài trời than thở.
- Loại vải thường ở ngoài chợ họ bán khoảng mười mấy ngàn à.
Bà Hai chắc lưỡi:
- Dữ vậy hả... Còn thứ nào rẻ hơn chút không?
Chị Lành kể lể:
- Rẻ thì cũng mười ngàn. Thằng Tứ của con quanh năm đầu tắt mặt tối mà cái áo coi cũng chẳng ra hồn. May thời hôm rồi, thằng cháu nội ông Tư Hổ về chơi, thấy vậy mới cho nó một cái bận vừa chang. Thằng nhỏ thật tốt bụng.
Giọng bà Hai thiểu não:
- Thấy cháu người ta, ngẫm lại cháu mình sao mà thương nó quá. Kẻ thì thừa mứa, còn người lần đỏ mắt không ra. Thôi tao đi đây.
Bà lật đật chụp cái mê nón lên đầu rồi bước men theo mấy luống rẫy vòng ra bờ ruộng. Hồi sáng đến giờ, bà lội gần rã cặp giò mới gặp được đám môn kha khá. Bà Hai nhẫm tính, nếu ngày nào cũng kiếm độ một ngàn thì dăm hôm nữa bà sẽ dẫn con Hiền dung dăng đến sạp quần áo may sẵn chọn cho nó một cái. Bà Hai nôn nao trong dạ khi nghĩ tới gương mặt rạng rỡ của con Hiền, chắc con nhỏ mừng phải biết.
Cắt hơn nửa đám môn, trời đã xế trưa. Cái nắng đổ về chiều càng gay gắt như dội hơi nóng lên người bà Hai. Tấm áo bạc phếch vá nhiều chỗ của bà ướt đẫm mồ hôi. Bà tự nhủ, ráng thêm chút nữa vì đâu phải ngày nào cũng gặp được đám môn lá tốt như thế này. Có khi chỉ chậm chân một chút, người khác đã hớt tay trên. Bà Hai cứ hì hụp giữa những bụi môn nước, cho đến khi bà cảm thấy đầu óc quay cuồng...
Con Hiền ngồi canh nồi cháo mà tâm trí cứ nghĩ ngợi vẫn vơ. Ðôi mắt nó không giấu được những vẻ lo âu mệt mỏi. Nó nhắm chừng nồi cháo sắp sửa nhừ nên rút bớt của ra, chỉ để lửa than riu riu rồi lần bước tới bên ngoại nó.
Bà Hai đang nằm thiêm thiếp trên giường. Mấy ngày qua bà chỉ húp được vài muỗng cháo. Mọi người tưởng đâu hôm đó bà “đi” luôn, khi người ta vực bà dậy từ đám môn nước sình lầy. Họ xúm vào cạo gió, giựt tóc, một hồi sau thì bà tỉnh lại.
Con Hiền ngồi thụp xuống đất, đặt bàn tay lên bộ ngực lép kẹp của ngoại. Bà Hai khẽ trở mình, giương cặp mắt lờ đờ nhìn nó.
- Trời sáng chưa con?
Thấy ngoại thức giấc, con Hiền vui sướng đáp:
- Trời sáng lâu rồi ngoại, con đã nấu cháo xong. Con múc nước cho ngoại súc miệng rồi ngoại ăn cháo nghen.
Bà Hai thều thào hỏi:
- Con chưa đi chợ à?
- Bữa nay chỉ có rau ngót, đi trể chút không sao đâu ngoại, con bán loáng một cái là hết.
Ðôi môi bà Hai mấp máy:
- Hiền à, con có sợ ngoại chết không?
Miệng con Hiền méo xệch:
- Ngoại... con hổng muốn ngoại nói vậy nữa đâu. Bữa hổm ngoại làm con sợ điếng hồn.
Bà Hai lẩm bẩm như nói với chính mình:
- Mỗi ngày kiếm được một ngàn thì dăm hôm nữa...
- Ngoại ráng hết bịnh nha ngoại, con có nhiều truyện hay lắm, con sẽ đọc cho ngoại nghe. Ðể con đỡ ngoại ngồi dậy.
Nó lòn tay ra sau lưng đỡ bà ngồi dậy rồi lăng xăng đi múc nước, lấy khăn. Bà Hai biết sức mình đã yếu, nhìn nó bà không khỏi đau lòng.
Ðặt chén cháo bốc khói xuống chõng, con Hiền căn dặn:
- Ngoại ở nhà ăn cháo nghen, con đi chút xíu về liền, ngoại muốn ăn gì để con mua.
Bà Hai lắc đầu yếu ớt:
- Con cứ mua vài lon gạo, dư tiền thì mua cho ngoại miếng cau ăn trầu.
Con Hiền tíu tít:
- Con mua thịt nạc nấu cháo nữa nghe ngoại, hổm rày ngoại ăn cháo trắng không hà.
- Thôi bày đặt làm chi, lo đi riết rồi về.
Con Hiền đội thúng rau lên đầu, đứng bịn rịn một chút rồi bước đi. Bà Hai nhìn theo nó, hốc mắt sâu thẳm của bà từ từ ứa ra hai giọt lệ...
Thường ngày hừng đông, con Hiền quá gian ghe tam bản của con Chi chèo lên chợ Huyện. Chợ này sầm uất, buôn bán tấp nập nên sáng ra nó đã bán xong đâu đó trở về sớm. Nhưng mấy hôm nay, bà Hai ngã bệnh, con Hiền không dám để bà nằm một mình mà chờ bà thức dậy nó mới cuốc bộc vô chợ xã. Chợ xã nhỏ hơn, người mua kẻ bán phần đông là dân ở mấy vùng lân cận. Chả ai để ý đến nó.
Vừa đi, con Hiền vừa nghĩ ngợi lan man. Nó thầm cầu mong cho ngoại mau khỏi bệnh, dù khổ cực cách mấy nó cũng chịu đựng nổi, miễn là có ngoại nó cận kề. Hầu như nó không còn để tâm đến chuyện gì khác ngoài thần sắc ngày càng héo hon của ngoại. Nó lâm râm khấn vái các vị thần linh hãy phù hộ cho ngoại nó sống lâu, đừng nhẫn tâm bắt ngoại nó đi.
Con Hiền chợt nhớ đến câu chuyện kể về một chú bé dũng cảm của thằng Sơn hôm nào, và nó ước mong sao có một phép màu nào đó hoán đổi được bệnh tật của ngoại sang cho nó. Nó ngẫm lại con nít bệnh vài hôm sẽ hết, như nó vẫn thường ấm đầu, sổ mũi. Còn những người già như ngoại, bệnh tật sẽ triền miên hành hạ và cuối cùng như chiếc lá khô không đủ sức chống đỡ, dù chỉ là cơn gió nhẹ! Nó ngây thơ nghĩ như thế vì cách đây hai năm bà nội của con Chi cũng bệnh liệt giường rồi nhắm mắt. Tronng ngày đưa tang, mọi người đều gào khóc, nhưng bà mãi mãi không bao giờ thức dậy.
Con Hiền lại nhớ tới thằng Sơn. Hôm chia tay, hành động của thằng Sơn đã khiến nó và thằng Tứ vô cùng ngỡ ngàng...
- Hiền đừng mất công chép nữa, mấy cuốn truyện này từ ngay sẽ là của Hiền. Mẹ Sơn cũng đồng ý rồi.
Con Hiền ngớ người ra như không dám tin vào điều mình vừa nghe được. Nó mấp mấy đôi môi:
- Sơn... Sơn cho tui à?
Thằng Sơn cười rất dễ thương:
- Ở nhà Sơn còn nhiều sách lắm, mấy cuốn này Sơn... kỷ niệm cho Hiền. Còn cái này cho Tứ.
Nó chìa ra gói giấy nãy giờ vẫn còn giấu sau lưng. Thằng Tứ cầm lấy, hỉnh mũi lên hỏi:
- Tao cũng có phần nữa à? Mày đúng là lịch sự như dân thành phố.
Giọng thằng Sơn chợt buồn:
- Mai Sơn về rồi. Có lẽ hè sang năm Sơn mới xuống đây chơi.
Mặt con Hiền buồn xo, còn thằng Tứ chép miệng tiếc rẻ:
- Lẹ quá hén, tao cứ tưởng mày ở đây lâu.
- Sơn cũng thích vậy, nhưng phải về đi học, Sơn nghỉ cả tuần rồi.
Quay sang còn Hiền, nó cười hóm hỉnh:
- Hiền ráng học giỏi nghen, nhất định Sơn sẽ có phần thưởng cho Hiền.
Con Hiền cảm động lặng thinh không biết nói gì. Nó chỉ mong sao thằng Bạch đừng kể lại với Sơn những điều xảy ra trong lớp.
Thế là tờ mờ sáng hôm sau, con đò nhỏ từ từ rời bến, thằng Sơn đứng trước mũi, bùi ngùi đưa tay vẫy. Bóng nó xa dần...
Con Hiền bỗng thấy hai mi mắt cay cay. Nó vấp một cục đất chúi nhũi về phía trước, những bó rau văng tung tóe xuống đường. Nó gượng dậy đưa tay xoa mấy đầu ngón chân đau điếng, rồi lượm từng bó rau cho vào thúng, tiếp tục bước đi.
Nắng đã lên cao, chợ bắt đầu thưa thớt. Con Hiền cảm thấy lo khi mới bán vơi phân nửa. Và cũng như mọi lần, nó lầm thầm khấn vái.
Một người, hai người, rồi ba người... thản nhiên đi qua. Nó thẫn thờ đưa mắt nhìn theo một thằng bé vừa đi vừa mút que kem.
- Bao nhiêu một bó rau vậy em?
Mừng rỡ con Hiền quay lại. Nhưng cả người nó và người vừa hỏi đều vô cùng bối rối khi nhận ra nhau. Nó chỉ muốn chui xuống đất để thoát khỏi cái nhìn ngỡ ngàng, sửng sốt của cô Trân.
- Hiền... bán cho cô hết chỗ này...
Nó lí nhí như sắp hụt hơi:
- Thưa cô... em...
Cô Trân ngồi xuống, giọng cô thật dịu dàng:
- Em lấy dây cột lại dùm cô. Nhà em gần đây không?
Con Hiền thu hết can đảm, ngước nhìn cô Trân:
- Thưa cô, nhà em bên xóm Bình Hòa.
Bàn tay nó vụng về xếp lại từng bó rau. Nó hồi hộp không biết cô Trân đang nghĩ gì về nó.
- Sao em không đi học? Cô chỉ nhắc vậy thôi chứ cô nào đuổi em. Cô hỏi thăm các bạn trong lớp nhưng chẳng bạn nào biết nhà em. Hôm qua Bạch mới nói với cô. Cô định tới nhà bảo em đi học.
Con Hiền mím môi, nước mắt nó chực rơi xuống má.
Cô Trân tiếp:
- Sáng mai em nhớ đến trường, mượn bài vở của bạn chép lại, tuần sau thi rồi đó.
Con Hiền lắc đầu bệu bạo:
- Em không thể đi học vì ngoại em đang bệnh. Cô đừng giận em.
Cô Trân nhíu mày:
- Còn ba má em đâu? Chẳng lẽ chỉ có mình em?
Con Hiền kéo vạt áo chùi nước mắt:
- Em không có ba má, em sống với ngoại từ nhỏ. Mấy hôm nay ngoại bệnh nằm một chỗ, ngoại rất cần đến em.
- Em mua thuốc cho ngoại uống chưa?
- Dạ chưa, mấy lần trước ngoại bệnh, chỉ cần cạo gió, nấu nồi lá xông là khỏi, sao lần này ngoại lâu hết quá. Em định bán rau xong, sẽ mua thịt về nấu cháo cho ngoại. Ngoại thèm ăn thịt nhưng không đủ tiền nên chỉ dặn em mua gạo.
Cô Trân cảm động vét hết số tiền trong túi, dúi vào tay nó.
- Em cầm lấy để mua thuốc và mua thịt về nấu cháo cho ngoại. Em phải cho hành và thật nhiều tiêu nữa, nhớ không?
Con Hiền rụt rè nói:
- Thưa cô, em chỉ lấy đủ tiền rau.
Cô Trân nhìn thẳng vằo mắt nó:
- Em cần phải cầm hết, nếu không cô giận đó. Chiều mai cô sẽ đến thăm ngoại em.
Con Hiền tròn mắt ấp úng:
- Cô ơi... nhà em nghèo lắm, cô đừng cười nha.
Cô Trân cười hiền:
- Sao lại cười? Cô rất buồn nếu em không đi học.
- Nhưng... cái áo của em... đã rách rồi.
- Không sao, cô sẽ có cách.
- Lát nữa em kể ngoại nghe về cô, chắc ngoại mừng lắm.
Cô Trân vuốt nhẹ lên má nó:
- Trưa rồi, em lo mua thức ăn còn về để ngoại trông. Nói với ngoại cô gởi lời thăm.
- Dạ.
Con Hiền thấy lòng nhẹ tênh. Bây giờ trong thúng nó đã có đủ thứ: gạo, thịt, trầu, cau, thuốc cảm... và cả một gói bánh bèo. Món bánh mà ngoại nó thích ăn.
Nó vừa đi vừa nhảy chân sáo tung tăng trên đường. Hoa lá cũng lao xao như chia xẻ niềm vui với nó.
Chiều hôm sau, cô giáo Trân dò dẫm hỏi thăm đường tìm đến ngôi nhà nhỏ của bà cháu Hiền. Nhìn thấy cô giáo, con Hiền lúng túng như gà mắc tóc, nó không biết mời cô ngồi đâu vì nhà không có lấy một cái ghế. Ngoại nó sáng nay nhờ húp được chén cháo và uống thuốc nên đã tỉnh táo lại. Nhìn cảnh nhà đơn chiếc, nghèo túng của hai bà cháu, cô Trân không khỏi bùi ngùi cảm động. Cô tự trách mình đã không tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng em học sinh, để con Hiền phải nghỉ học chỉ vì một lý do đơn giản: không có áo trắng để mặc đến lớp. Kéo con Hiền lại gần, cô giúi vào tay nó một gói giấy nhỏ và nói khẽ:
- Ðây là quà cô cho em, em cứ mở ra xem có thích không?
Con Hiền ngước đôi mắt đen lên nhìn cô giáo, tay nó run run mở lớp giấy ra. Một cái áo trắng tinh. Cái áo mà nó vẫn thường mong ước bấy lâu nay. Nó áp cái áo vào ngực, giọng nghẹn ngào trong nước mắt:
- Em... cảm ơn cô.
Cô Trân mỉm cười:
- Em hứa với cô là em phải đi học lại nghe Hiền. Cô và các bạn chờ em đó.
Con Hiền khẽ gật đầu:
- Dạ, em hứa...
Con Hiền tiễn cô Trân ra tận mí vườn. Nó đứng nhìn theo cho đến khi bóng cô khuất hẳn. Nó tự nhủ thầm: Ngày mai, nếu ngoại bớt bệnh, nó sẽ đi học lại. Nhất định nó sẽ không làm phụ lòng bà ngoại, cô Trân, và cả thằng Sơn với thằng Tứ nữa...
Hết