-
40 Gương Thành Công - Nguyễn Hiến Lê
40 Gương Thành Công
Tác giả: Dale Carnegie
Dịch giả: Nguyền Hiến Lê
Chương 1 - Somerset Maugham
Theo bạn, kịch nào có giá trị nhất từ trước? Có lần, các nhà phê bình nổi danh về kịch đã bầu kín ở Nữu Ước để lựa lấy mười kịch có giá trị nhất thì kịch Hamlet đứng đầu sổ. Kịch đó viết cách đây trên ba trăm năm. Rồi kịch thứ nhì không phải là kịch Macbeth, hoặc kịch Vua Lear, kịch Nhà buôn ở Venice, mà là kịch Mưa. Vâng, kịch Mưa, một kịch diễn sự chiến đấu dông tố giữa Tình dục và Tôn giáo, một kịch soạn theo một chuyện ngắn của Somerset Maugham.
Kịch Mưa đã đem lại cho Maugham bốn chục ngàn Anh Kim, mà ông không mất chút công nào để soạn nó.
Việc xảy ra như vầy: Ông viết môt truyện ngắn nhan đề là Sadie Thomson. Viết xong, ông chẳng nhớ gì tới nó nữa. Nhưng một đêm John Colton lại chơi nhà ông, và Colton muốn có cái gì đọc để vỗ giấc ngủ, Maugham bèn đưa cho Colton ấn cảo truyện đó.
Colton say mê đọc, kích thích lạ lùng. Ông nhẩy xuống sàn đi đi lại lại, tưởng tượng ra như thấy truyện đã diễn thành kịch, một kịch sau này sẽ bất hủ.
Sáng hôm sau, ông chạy tìm Somerset Maugham, bảo:"Truyện này viết thành một kịch hay được. Tôi đã nghĩ về nó suốt đêm hôm qua. Báo đời! Biểu cho người ta đọc cái gì để dễ ngủ, mà làm cho người ta không chợp mắt lấy được một phút!".
Nhưng Maugham vẫn thản nhiên đáp:
- Viết thành kịch ư? Một kịch bệnh hoạn thì được. Rồi đem diễn được trong sáu tuần lễ. Không đáng để ý tới. Thôi đi.
Và chính kịch mà ông không thèm để ý tới đó đã đem lại cho ông bốn chục ngàn Anh Kim.
Kịch viết xong, nhiều gánh hát từ chối. Họ tin chắc rằng sẽ thất bại. Chỉ có Sam Harris chịu nhận. Ông sở dĩ nhận là có ý cho một đào trẻ tên là Jeanne Eagels đóng. Nhưng người quản lý gánh hát không chịu, muốn lựa một đào có danh hơn.
Rốt cuộc, Jeanne Eagels cũng được đóng và nàng thành công. Kịch diễn bốn năm rưỡi một lần, lần nào cũng có nàng và lần nào rạp cũng đông nghẹt.
Somerset Maugham đã viết nhiều tiểu thuyết có danh như Of Human Bondage, The Moon and Six-pence và The Painted Veil, khoảng hai chục kịch hay. Nhưng chính kịch trứ danh nhất của ông thì, ông lại không viết.
Bây giờ nhiều người coi ông là một thiên tài, nhưng hồi mới bắt đầu viết, ông thất bại luôn mười một năm. Nhà văn đã kiếm được hai trăm ngàn Anh kim đó, trong mười một năm ấy chỉ kiếm được mỗi một Anh kim.
Nhiều lúc đói, ông muốn xin một chân trong tòa soạn một nhà báo nào đó để có một số tiền nhất định mỗi tháng, nhưng không ai nhận ông cả. Ông bảo: "Kiếm không được việc tôi đành phải tiếp tục viết như vậy". Lúc đó ông đã đậu bằng cấp y khoa bác sĩ, họ thôi thúc ông bỏ truyện ngắn, truyện dài đi mà làm thuốc ra toa cho tấm thân đỡ cơ cực. Nhưng không có gì làm ông thay đổi quyết định sắt đá của ông là lưu danh lại trên những trang Văn học sử Anh.
Bod Ripley, nổi danh về cuốn Believe it or not, có lần bảo tôi:"Một người có thể làm việc như mọi không ai biết đến, trong mười năm rồi nổi danh trong mười phút". Lời đúng với Ripley và cả với Maugham.
Lần đầu tiên Somerset Maugham được nổi danh là do một ngẫu nhiên. Một kịch nào đó thất bại và ông bầu một gánh hát kiếm một kịch bản khác để thay. Chủ ý ông chưa muốn kiếm một kịch được hoan nghênh, chỉ muốn kiếm một kịch cũ cũ nào đó diễn đỡ, đợi ngày gặp được một kịch có chân giá trị. Vậy ông tìm bậy trong tủ của ông, xem ra may được một kịch nào chăng, và rút ra một kịch của Somerset Maugham, nhan đề là Lady Frederick. Kịch đó ông nhét vào tủ đã mấy năm rồi, nhớ đã đọc qua, và biết là chẳng hay ho gì, nhưng diễn tạm được ít tuần. Ông bèn cho diễn. Và phép mầu đã hiện ra. Kịch Lady Frederick thành công rực rỡ. Khắp thành phố London, ai cũng nói tới. Từ hồi Oscar Wilde tới nay, chưa có kịch gia nào làm cho người Anh vui thích như vậy.
Tức thì hết thẩy các ông bầu hát ở Luân Đôn tranh nhau xin kịch của Somerset Maugham. Ông lục lọi các vở kịch cũ trong tủ ra, và chỉ trong vài tuần, ba kịch của ông được đem diễn trong những rạp lớn.
Tiền tác giả chảy vô như suối. Các nhà xuất bản lăn xả vô xin ký giao kèo với vị thiên tài mới xuất hiện đó. Giấy mời của các hội bay tới như mưa, và sau mười năm sống trong bóng tối, Somerset Maugham bỗng được hoan nghênh trong các phòng khách sang trọng nhất.
Ông nói với tôi rằng không khi nào ông làm việc quá một giờ trưa, vì buổi chiều, óc ông như đặc lại. Ông viết dưới một mái hiên trên từng thượng biệt thự của ông ở Nice. Luôn luôn ông hút ống điếu và đọc sách triết lý khoảng một giờ rồi mới bắt đầu viết. Khi quân Đức chiếm nước Pháp, ông qua Nam Caroline viết trong một đồn điền.
-
Chương 2 - Glenn L. Martin
Chương 2 - Glenn L. Martin
Đêm rằm tháng giêng năm 1886, bà Minta Martin ở Macksbung nằm mộng thấy ngồi trên một cái máy, bay trên không trung, lượn trên châu thành bà ở, đưa tay ra vẫy vẫy bạn bè đứng dưới đường và buồn rầu vì họ không thể bay như mình được.
Việc đó xảy ra mười bảy năm trước khi hai anh em Wright bay thử lần đầu.
Gặp lúc khác thì chắc bà không để ý gì tới giấc mộng đó cả, nhưng hồi ấy bà đương có mang và đã được nghe nhiều người đoán điềm giải mộng nên bốn mươi tám giờ sau, khi sanh con trai là Glenn Martin thì bà tin rằng con bà sau này sẽ bay được trong không trung như bà.
Điều lạ lùng nhất trong truyện đó là con bà sau tập bay thật, sau hai anh em Wright một chút và là người thứ ba ở Châu Mỹ lái một máy bay tự mình sáng chế ra.
Bây giờ Martin là người đứng đầu trong kỹ nghệ hàng không mà ông đã làm cho phát triển một cách phi thường. Xưởng chế tạo của ông, tức công ty Glenn L. Martin, ở gần Baltimore xứ Maryland, là một trong ba xưởng chế tạo phi cơ lớn nhất thế giới. Ông đã đóng những chiếc Marauder cho lục quân, Mariner cho hải quân và Baltimore cho nước Anh. Ông là nhà chế tạo phi cơ danh tiếng nhất thế giới. Mà nếu thân mẫu ông không nằm mộng thấy mình bay lên trên không trung thì có lẽ ông đã không lựa nghề đó.
Bạn hỏi tôi:
- Tại sao vậy?
Là vì suốt thời thơ ấu của ông, bà cụ thường kể cho ông nghe giấc mộng ấy, gây cho ông một mục đích cao vời, một quyết tin, một tham vọng: chinh phục được thế giới của bão tố. Mà ở trên những cánh đồng cỏ miền Kansas, nơi tuổi thơ ông trôi qua, luôn luôn có những trận bão tố dữ dội cần phải chế ngự.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông kể cho nghe rằng những trận gió ở Kansas đã đóng một vai trò chủ yếu trong thời thiếu niên của ông. Hồi sáu tuổi, ông lấy một chiếc mền cột vào chiếc xe nhỏ sơn đỏ, rồi cho gió thổi xe chạy trên đường phố như thuyền buồm chạy trên sông.
Sau ông đi giày đạp tuyết, tay cầm một chiếc buồm tự ông cắt lấy rồi để gió đẩy chạy trên băng. Ông cũng dùng cách đó để khỏi phải đạp xe máy. Ông bảo rằng thời đó hễ gặp một khu rộng nào có thể dùng buồm để di chuyển được là ông cũng mê mẩn, như bị thôi miên.
Tôi ngờ rằng cái thời xa xăm ấy, thời bà cụ Martin còn ở Kansas thì cụ chưa hề được nghe chữ tâm lý nhưng cụ đã dùng một phương pháp tâm lý mà các tâm lý gia ngày nay chắc chắn đều công nhận là hiệu quả, để nung lòng can đảm và đức tự tin của con trai. Khi con khôn lớn, làm được một việc gì thì cụ để cho cậu tự lãnh lấy mọi trách nhiệm. Một lần cậu muốn có một đôi giày trượt tuyết mà không có tiền mua, cụ bảo cậu lại tiệm thợ rèn mà mượn đồ, xin sắt, tự rèn lấy một đôi, cậu vâng lời làm liền. Muốn có một chiếc diều, cậu cũng phải làm lấy. Và đọc một tạp chí, cậu đã nảy ra ý chế ra một kiểu diều rất mới có hai tầng cánh. Cậu ráp nó trong nhà bếp và khi thấy nó bay thẳng hơn, cao hơn tất cả những diều khác ở Kansas, cậu thích thú, hăng hái vô cùng.
Cậu hãnh diện về sự thành công đó đến nỗi tự tổ chức cuộc thi diều và cậu thắng. Thế là các trẻ em trong châu thành đều năn nỉ cậu làm cho một chiếc diều như của cậu.
Cậu bé Glenn Luther Martin - mà năm chục năm sau chế tạo được chiếc phi cơ lớn nhất thế giới, chiếc Mars. Hồi đó lập một xưởng làm diều trong nhà bếp của bà cụ. Mỗi đêm cậu làm được ba chiếc diều và bán hai cắc rưỡi một chiếc: trả mặt một cắc rưỡi cho trả góp làm ba tuần, mỗi tuần năm xu.
Lòng tự tin của cậu còn tăng lên nữa khi cậu thấy mình có khiếu về máy móc và có thể làm được nhiều đồ mà các trẻ khác làm không được.
Ba chục năm sau, khi ông đã chế tạo những phi cơ đánh đắm được nhiều chiến hạm, một ký giả ở Cleveland lại phỏng vấn ông về những bước đầu trong nghề, ông đáp:
- Má tôi đã ảnh hưởng nhiều đến tôi. Người đã khuyến khích tôi làm diều trong nhà bếp. Người đã tập cho tôi đức tự tin.
Khi những chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện ở Kansas, Martin chỉ ước ao mỗi một điều là được lái loại xe kỳ dị chạy không cần ngựa đó. Ông xin được vào làm trong một hãng sửa xe. Sau này, khi gia đình ông dời qua Santa Ana ở California, ông mở một hãng sửa xe, xin được làm đại lý các hãng xe Ford và Maxwell. Hồi đó, ông hai chục tuổi, làm nghề bán và sửa xe ấy mà kiếm được từ ba đến bốn ngàn Mỹ kim mỗi năm.
Rồi một việc xảy ra làm cho cuộc đời ông thay đổi hẳn.
Một buổi sáng năm 1905, một tin trong báo làm ông sửng sốt rồi như bị thôi miên: hai anh em Wright ở Kitti Hawk, miền Bắc Caroline, đã bay được trong một trăm giây. Tin đó kích thích ông vô cùng, ông nhận ra rằng thứ máy bay đó đương rầm rộ mở một kỷ nguyên mới.
Vậy ra hai anh em Wright đã bay được trong một trăm giây. Ông lấy đồng hồ ra, đếm một trăm giây, rồi tự nhủ: "Có người bay được một trăm giây thì sau này sẽ có người chế tạo được những máy bay bay được một giờ, có lẽ năm giờ.... biết đâu chừng?"
Vài tháng sau ông lại bị kích thích một lần nữa: ông thấy một tạp chí kỹ thuật in hình phi cơ của hai anh em Wright. Nghiên cứu tỉ mỉ hình đó xong, ông thưa với bà cụ:
- Xét cho kỹ thì chẳng qua máy bay chỉ là một chiếc diều lớn có động cơ. Con làm diều được, thì cũng chế tạo một chiếc máy bay như vậy được, để con làm rồi lắp ráp cho má xem.
Bà cụ nhớ lại giấc mộng hồi xưa, đáp:
- Con có lý, con có lý, con tất làm được.
Hồi đó ông hai mươi tuổi, ham bay tới nỗi muốn bỏ hết thời giờ vào việc chế tạo máy bay. Nhưng không được như sở nguyện vì còn phải kiếm ăn nữa, cho nên ban ngày đành trông nom hãng xe hơi, còn ban đêm, ồ ban đêm, thì tha hồ muốn làm gì thì làm. Mới đầu ông đóng một kiểu diều lớn chở nổi một người, không có động cơ, rồi ông tập bay thử. Sau nhiều tháng tập bay như vậy, ông nóng lòng muốn chế tạo một phi cơ thực, có động cơ đàng hoàng. Nhưng phải làm ra sao bây giờ? Ông mù tịt hay gần như mù tịt về khoa khí động học, và chưa được học tập về kỹ thuật bao giờ.
Mặc dầu vậy ông cũng cố đóng một chiếc máy bay, không có bản đồ vẽ trước, mà cũng chẳng được ai giúp đỡ, chỉ bảo. Ông hăng hái lắm, lại một thư viện công cộng, đọc sách về kỹ thuật xây cầu vì ông nghĩ rằng biết cách xây cầu thì sẽ tìm được cách đóng một chiếc phi cơ nhẹ chở được một người và một động cơ.
Năm 1908 ông chế tạo xong chiếc phi cơ thứ nhất trong một nhà thờ bỏ hoang ở Santa Ana, xứ Californie mà ông phải mướn mỗi tháng mười hai Mỹ kim. Thân phụ ông mắc cỡ vì có đứa con điên điên khùng khùng bán xe hơi kiếm được rất nhiều tiền thì không chịu lại bỏ phí thì giờ chế tạo những máy để bay. Thanh niên trong tỉnh thấy ông bỏ ăn, bỏ ngủ, không biết là ngày lễ, ngày nghỉ là gì, cặm cụi hết tháng hết năm, cũng chế giễu ông nữa. Một bà già nọ lại thuyết thân mẫu ông để cụ bảo ông bỏ cái ý của ma quỷ đó đi.
- Nếu thượng đế muốn cho loài người bay được thì đã cho chúng ta cặp cánh rồi, phải không cụ?
Chỉ mỗi có một người khuyến khích ông là thân mẫu ông. Cụ nhớ lại giấc mộng của cụ. Cụ tin chắc con cụ sẽ bay được. Mỗi đêm cụ cặm cụi với con trong ngôi nhà thờ hoang, cầm chiếc đèn dầu chiếu sáng cho con làm. Kẻ tò mò ngó qua cửa sổ xem thằng khùng đó làm cái trò gì. Ông bực mình sơn các cửa kính không cho ai nhìn qua được nữa. Rồi ông khóa cửa lại. Nhưng họ vẫn tới để cười, chế ông. Ông lại phải mướn người coi cửa để ngăn họ đừng tới gần.
Luôn mười ba tháng như vậy, hai mẹ con ông làm việc đêm này qua đêm khác, cả trong đêm lễ Giáng Sinh, cả trong đêm Nguyên Đán. Nhưng xin bạn đừng phàn nàn cho họ. Công việc đó không phải là một công việc thường: nó là một sự đam mê. Không phải là một chuyện đóng một phi cơ mà là chuyện chinh phục thế giới của gió bão, cho một giấc mộng thành sự thật. Chắc chắn hồi ấy ông sống vui thích hơn một ông vua hoặc một nhà triệu phú rất nhều. Có lần ông bảo tôi rằng mười ba tháng đó là quãng đời đẹp nhất của ông.
Ông lắp một động cơ hai mã lực vào phi cơ của ông. Muốn cho nhẹ, ông thay cái vỏ gang bằng một cái vỏ đồng. Ông phải đẽo sáu chiếc chong chóng mới được một cái vừa ý.
Sau cùng phi cơ đóng xong. Phải phá một vài mảng tường của nhà thờ rồi ngày cuối tháng bảy năm 1909, vào nửa đêm, Glenn Martin và hai người phụ tá, đẩy máy bay ra ngoài, cho ngựa kéo nó lên đường cái hơn năm cây số nữa, tới một cánh đồng để sáng sớm hôm sau bay thử. Sở dĩ phải kéo ban đêm như vậy là để cho ngựa không thấy hình thù kỳ dị của nó mà hoảng hốt.
Tinh sương ngày mùng một tháng tám năm 1909, Glenn Martin leo lên phi cơ, mở máy, động cơ nổ vang trời. Ông lên số, máy ông rung chuyển mạnh, đâm xiên đâm xẹo, rồi thì, ôi phép mầu! Nó cất cánh được. Em nhỏ Glenn Martin xưa làm diều trong nhà bếp ở Kansas nay đã bay được. Phút đó là phút quan trọng nhất đời ông.
Sau ông đóng những chiếc China Clipper, tức những phi cơ đầu tiên đã vượt Thái Bình Dương và đóng rất nhiều phi cơ chiến đấu.
Đời ông là một tấm gương sáng cho ta thấy năng lực phi thường của một ý chí chuyên chú vào một mục đích độc nhất. Mới rồi ông nói với tôi:
- Nếu ông lựa một con đường và không khi nào quên mục đích của ông thì dù con đường khó khăn, lởm chởm đến đâu, rốt cuộc thế nào ông cũng tới được một nơi nào đó.
-
Chương 3 - S. Parkes Cadman
Chương 3 - S. Parkes Cadman
Hồi trước, ở Nữu Ước, lúc nào rảnh, tôi thường qua sông East River để phiếm đàm vài giờ thú vị với S Parkes Cadman ở Brooklyn. Ông là một trong những người nổi danh nhất ở Mỹ. Ông giảng đạo trong nhiều năm và là một người tiền phong về phát thanh.
Nếu bạn cho rằng bạn làm không kịp thở thì xin bạn nghe tôi kể những công việc thường ngày của ông.
Bảy giờ sáng ông dậy, trả lời hai chục hoặc ba chục bức thư, viết một ngàn rưỡi chữ cho tờ báo của ông, soạn một bài thuyết giáo, hoặc viết tiếp một cuốn sách, đi thăm năm hay sáu tín đồ, trở về nhà, đọc trọn một cuốn sách mới xuất bản, vậy là xong việc trong ngày đó, và đi ngủ vào khoảng hai giờ sáng.
Theo chương trình đó trong bốn mươi tám giờ thì tôi sẽ tối tăm mặt mũi lại, vậy mà ông giữ đúng được hàng tháng, hàng năm! Bạn thử tưởng tượng xem! Có lần tôi hỏi ông làm cách nào. Ông đáp là dễ lắm, chỉ việc dự tính trước công việc.
Ông bảo không đọc thư cho thư ký đánh máy mà đọc trước một máy ghi âm, như vậy mỗi ngày tiết kiệm được một giờ. Ông lại nói chính Gladstone đã cho ông một bài học quý giá về cách làm việc. Khi điều khiển chính sự nước Anh, Gladstone kê bốn cái bàn trong phòng làm việc: một bàn cho các công việc văn học, một bàn cho thư từ, một bàn cho các việc chính trị và một bàn cho những việc nghiên cứu riêng. Gladstone nghĩ rằng thay đổi công việc thì làm việc được nhiều hơn, nên làm ở bàn này một lúc rồi qua bàn khác. Ông Cadman cũng theo đúng vậy, thay đổi công việc luôn và theo ông thì nhờ vậy óc ông được minh mẫn.
Ông thay đổi cả sách đọc. Nếu bạn tưởng rằng học giả Cadman chỉ đọc những sách về thần học, thì bạn lầm lớn. Ông cho rằng phải đổi sách đọc cũng như đổi món ăn. Vì vậy mỗi tuần ông đọc hai ba cuốn tiểu thuyết trinh thám. Ông thích Sherlock Holmes và cho truyện The hound of the Baskervilles là truyện trinh thám hay nhất từ trước tới nay.
Ngày tôi lại thăm ông, tôi thấy bốn cuốn sách trên bàn. Một cuốn giảng cách lựa thức ăn hàng ngày của bác sĩ Hay; một cuốn nhan đề là The Romance of Labrador (loại tiểu thuyết phiêu lưu), một cuốn hồi ký về triều đình vua Louis XIV, và một truyện trinh thám mới xuất bản.
Theo tôi cái điều lạ lùng nhất trong con người lạ lùng đó là ông làm phu trong mỏ than ở quê ông, ông mới mười một tuổi, và trong mười năm đằng đẳng ông tiếp tục làm dưới mỏ tám giờ mỗi ngày để nuôi một bầy em dại.
Bấy giờ ai mà chẳng nghĩ rằng ông không làm sao thành người có học được. Vậy mà sau này ông thành một người học rộng nhất châu Mỹ. Ông bảo tôi rằng bất kỳ về ngành nào trong văn học Anh, ông cũng biết được kha khá. Hồi ông làm mỏ, luôn luôn phải đợi một hoặc hai phút để người ta trút hết than trong xe ông đẩy, trong lúc đợi, ông rút trong túi ra một cuốn sách. Bạn biết rằng trong mỏ than tối tăm đến nỗi đưa bàn tay ra cũng khó thấy được, vậy mà ông ránh đọc sách nhờ ánh sáng mù mù của chiếc đèn cũ. Bạn lại nhớ mỗi lần ông được nhiều lắm là được một trăm hai mươi giây song ông vẫn mang sách theo. Ông bảo rằng thà không đem cơm theo chứ không chịu không đem sách theo.
Vì ông biết chỉ có mỗi một cách thoát được cảnh ngục trong mỏ là đọc sách. Cho nên trong mười năm làm phu mỏ, mượn hay xin được cuốn sách nào trong làng bên cạnh là ông cũng đọc, trước sau hơn một ngàn cuốn. Vậy thì sau ông thành công, có gì lạ đâu. Một người như ông thì không có sức gì làm cho phải ngừng bước mà không tiến nữa. Mười năm sau sức học của ông đã kha khá, ông thi đậu một cách vẻ vang và được học bổng vào trường đại học Richmond.
Mỗi chủ nhật ông giảng đạo cho trên năm triệu tín đồ. Ông là một nhà thuyết giáo nổi danh nhất. Khắp thế giới đều được nghe giọng ông. Một lần đề đốc Byrd đánh vô tuyến điện tín từ Litte American cho ông để tỏ nỗi vui của bọn thám hiểm khi bắt được tiếng ông ở một nơi chân trời, gần Nam Cực. Vậy mà khi Cadman mới tới châu Mỹ, ông chỉ xin được việc thuyết giáo trong một nhà thờ, cho một trăm rưỡi tín đồ ở Millbrook, tiểu bang Nữu Ước. Họ định trả ông mỗi năm một trăm hai mươi Anh kim, nhưng không đủ tiền, đành trả ông bằng heo, gà, trái bom, khoai tây. Có người tặng ông một đống rơm.
-
Chương 4 - Đại Tướng Montgomery
Chương 4 - Đại Tướng Montgomery
Chín trăm lẻ hai chiến tranh đã xảy ra trong hai ngàn rưỡi năm nay: vậy mà đại tướng Anh là Bernard Montgomery đã lập được một kỷ lục mới trong nghệ thuật cầm quân. Trong mười lăm tuần lễ, ông và đội quân thứ tám của ông, tức "Đội quân sông Nile" đã đánh đuổi đại tướng Rommel và đội quân Phi Châu chạy dài khoảng ba ngàn cây số ra khỏi sa mạc Phi châu.
Trước khi ra quân, đại tướng Montgomery bảo sĩ tốt rằng họ sắp chiến đấu một trận quyết liệt trong lịch sử, một trận có lẽ đổi hướng cho đại chiến thứ nhì. Mà đúng vậy. Nếu đại tướng đại bại ở El Alamein thì quân Đức đã chiếm được Ai Cập, kinh Suez và có lẽ cả những mỏ dầu ở Iran và Iraq. Rồi họ có thể băng qua Ấn Độ bắt tay quân Nhật và cắt đứt những đường tiếp tế từ Nga và Trung Hoa.
Vậy mà thiếu chút nữa đại tướng đã không được cơ hội cầm quân ở El Alamein. Nguyên do là trong đại chiến thứ nhất, tại trận Meteron ông bị thương nặng ở phổi đến nỗi người ta tưởng ông đã chết và đem đi chôn. Thân mẫu ông kể lại chuyện đó như sau:
"Bernard ngã gục và người lính chạy giấy của nó bị bắn trúng tim, chết đè lên nó. Nó bất tỉnh, và được chở tới phòng cấp cứu. Bác sĩ bảo:"Người này chỉ sống được nửa giờ nữa thôi". Viên đại tá liền cho lệnh đào huyệt. Người ta đem xe cam nhông chở Bernard đi. Trên đường tới huyệt, người cầm lái thấy nó cựa cậy nhè nhẹ, bèn bảo bác sĩ: "Cái thây này chưa chết".
Vâng, nhờ trời, thây đó còn sống thật, và thây đó sau này thành một đại tướng nổi danh nhất của Anh trong đại chiến thứ nhì.
Bernard Law Montgomery đã suýt thành một nhà thuyết giáo, chứ không phải là một đại tướng. Thân phụ ông là giáo sĩ H.H. Montgomery, giám mục ở Tasmania và Bernard Montgomery muốn theo gót cha.
Nhưng năm 1899, ông mười hai tuổi, một hôm đứng trên lề đường London, nhìn đoàn quân diễn qua để sang Châu Phi đánh giặc Boer, nghe tiếng kèn, tiếng trống hùng dũng, thấy đám đông hoan hô, ông nhớ lại những chuyện phiêu lưu mà thân mẫu ông đã kể cho ông nghe hồi nhỏ rồi cuộc đời anh dũng của ông nội ông, Robert Montgomery, một vị trung tướng nổi danh trong những trận Ấn Độ. Thế là từ đó trong lòng em nhỏ mười hai tuổi ấy, dào dạt ý muốn làm một nhà cầm quân đại tài chứ không chịu làm một nhà thuyết giáo. Em cũng muốn được diễn qua thành phố London trong đám cờ bay phất phới và dân chúng hoan hô.
Thân mẫu ông kể chuyện những danh nhân Anh như Cromvell, Clive, Drake và Nelson để tiêm cho ông tinh thần mạo hiểm.
Ông được sinh trưởng trong một nhà đầy những sách bất hủ và được hấp thụ những tư tưởng cùng lý tưởng thanh cao. Một hôm thân phụ ông gọi bốn người con vào phòng sách và bảo họ rằng họ đủ trí khôn để tự lựa chọn lấy con đường đi trong đời rồi, cụ không phải dắt dẫn nữa; nhưng lựa đường nào thì lựa, họ cũng không quên được mục đích giúp nước.
Và muốn dự bị để giúp nước, Bernard Montgomery vào trường võ bị Sandhurst. Trong bốn chục năm nay ông là một quân nhân chuyên nghiệp.
Phần nhiều những thắng lợi của ông trong việc cầm quân là nhờ ông có tài dẫn đạo người. Ông tuyên bố rằng điều kiện quan trọng nhất để thắng trận là lòng người: "Không phải là xe tăng, hoặc chiến xa, chiến hạm mà thắng trận được đâu. Thắng được là nhờ con người trong những xe, những tàu đó".
Ông lại nói "Bất kỳ người nào trong bộ đội cũng phải có chí quyết chiến hiện ra ở tia sáng con mắt". Ông bảo bộ đội thứ tám của ông rằng họ là những lính thiện xạ nhất hoàn cầu, đã đầy danh vọng, chưa hề thua trận nào, và không có sức gì ngăn cản bước tiến của họ được. Ông lại tâm sự với họ, cho họ biết họ sắp phải làm những việc gì. Ông cho họ những mục tiêu rõ rệt để nhắm. Ông nói để họ vững lòng vì rằng chỉ khi nào ông có đủ khí giới, có đủ không lực để thắng thì ông mới đưa họ ra trận. Ông cho biết hai quy tắc của ông:
Quy tắc thứ nhất: đừng bao giờ để quân địch ồ ạt tấn công mình đến nỗi mình rối hàng ngũ.
Quy tắc thứ nhì: Không chắc chắn là thắng trận thì đừng bao giờ ra quân. Trong một thông điệp gửi cho quân đội, ông viết:"Nếu tôi không chắc thắng thì không khi nào tôi chiến đấu. Nếu tôi còn phải lo lắng ngại ngùng thì tôi chưa đánh vội, mà chờ cho tới khi mọi sự sẵn sàng".
(...) Kỷ luật của ông rất nghiêm. Một lần, trong một hội nghị quân sự, ông bảo: "Tôi không muốn các ông hút thuốc hoặc ho. Vậy các ông không được hút thuốc ở đây. Ngay bây giờ các ông có thể ho trong hai phút, rồi thì ngừng ho trong hai mươi phút cho tới khi tôi lại để các ông ho trong sáu mươi giây nữa".
Đối với kẻ địch, ông không có tính ghét cá nhân. Ông thường treo hình Rommel trên đầu gường ông và nói rằng muốn được gặp Rommel trước khi chiến đấu. Tại sao? Tại ông nghĩ nếu được nói chuyện với một người mình sắp tấn công, thì dễ đoán được người đó sẽ dùng chiến thuật nào.
Khi bắt sống được tướng Von Thoma, cánh tay mặt của Rommel, ông mời Von Thoma lại dùng cơm tối với ông. Ông vẽ phác chiến trường trên khăn phủ bàn và chỉ cho Von Thoma thấy tại sao Rommel không thể thắng được.
Khi ông chỉ huy quân đội thứ mười hai, trên tường phòng giấy của ông có treo một dấu hiệu ý nghĩa là: "Đã sẵn sàng trăm phần trăm chưa? Khí lực có sung không? Sáng dậy có ca hát vui vẻ không?"
Sự thật thì đại tướng Montgomery không bao giờ thức dậy mà ca hát vui vẻ, hoặc nói năng một tiếng gì hết. Người ta đánh thức ông và một giờ sau ông mới bước ra khỏi giường. Sáu giờ sáng người ta đánh thức ông, ông uống một ly cà phê rồi nằm thêm một giờ nữa để suy nghĩ, tính toán. Những chi tiết lặt vặt, ông để người khác giải quyết, ông tổ chức công việc hàng ngày để không lúc nào phải vội vàng. Ngày mai ra quân thì hôm nay ông vẫn ung dung. Kế hoạch tấn công đã định trước rồi. Ông bảo có thể thắng trận và phải thắng trận từ khi tiếng súng đầu tiên nổ, thắng bằng cách tính kỹ kế hoạch từ trước.
Khi trận đã bắt đầu khai diễn thì ông nghỉ ngơi. Ông lên giường nghỉ một giờ trước khi pháo binh của ông tấn công Rommel ở El Alamein. Bốn giờ rưỡi sau, hồi một giờ rưỡi khuya, vị phó quan của ông đánh thức ông để phúc trình tình hình mặt trận. Ông nghe, ra lệnh xong rồi tắt đèn, lại ngủ nữa. Sở dĩ ông tự tin ghê gớm như vậy là nhờ ông đã tính toán kỹ lưỡng, nắm được ưu thế trên không và sĩ tốt của ông thiện chiến mà khí giới thì đầy đủ. Đại tướng lấy lời huấn hỗ dưới đây của thân phụ ông làm phương châm: "Con sinh trong một vọng tộc. Vọng tộc không phải chỉ có nghĩa là bề ngoài sang trọng mà còn có nghĩa là tâm hồn thanh cao, nhã nhặn. Phải ghét những cái gì nhục nhã, ti tiểu và dơ bẩn".
-
Chương 5 - John D. Rockefeller
Chương 5 - John D. Rockefeller
John D. Rockefeller đã làm được ba việc hơi khác thường trong đời ông.
Việc thứ nhất là đã gây được một gia tài có lẽ lớn nhất trong lịch sử. Khi ông bước vào đời, ông phải đi đào khoai tây dưới ánh nắng gay gắt để kiếm được mỗi giờ bốn xu. Hồi mà khắp Hoa Kỳ không có tới sáu nhà triệu phú thì John Rokefeller đã gây nổi một gia tài khoảng một hai tỷ Mỹ kim.
Việc thứ nhì là John D. Rockefeller giúp cho mọi cơ quan một số tiền lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Ông đã giúp sáu triệu Mỹ kim, tính ra từ khi đức Chúa Ki Tô ra đời đến nay, cứ mỗi phút ông phân phát sáu cắc rưỡi, hoặc từ khi Moise dắt dân Israel qua Hồng Hải đến nay luôn ba ngàn năm, cứ mỗi ngày ông phân phát sáu trăm Mỹ kim.
Vậy mà thiếu nữ ông mê lần đầu tiên lại chê ông. Tại sao? Tại bà mẹ cô ta bảo không khi nào chịu gả con cho một anh chàng không có tương lai.
Việc thứ ba cũng hơi đặc biệt nữa là ông sống chín mươi bảy tuổi. Ông là một trong những người bị tất cả Châu Mỹ ghét nhất. Ông nhận được hàng ngàn bức thư đe dọa ông. Suốt ngày đêm phải có lính hộ vệ ông, khí giới đầy đủ. Công việc chỉnh lý và điều khiển vô số xí nghiệp của ông làm thần kinh và cơ thể ông căng thẳng ghê gớm mà ông chịu nổi.
Harriman, nhà chuyên môn xây đường xe lửa, làm việc mệt quá, chết hồi sáu mươi mốt tuổi.
Woolworth, người sáng lập những tiệm bán hàng giá độc nhất ở khắp nước, chết hồi sáu mươi tám tuổi.
John D. Rockefeller gây được một gia tài gấp mấy lần gia tài của Harriman, Woolworth, Duke hợp lại. Mà xin bạn nhớ rằng một triệu người chỉ có ba người thọ được chín mươi bảy tuổi. Và trăm triệu người không chắc có được một người sống tới tuổi đó mà không phải dùng răng giả: John Rockefeller tới chín mươi bảy tuổi vẫn còn đủ răng!
Bí quyết sống lâu của ông ở đâu? Chắc chắn là do di truyền, nhưng cũng nhờ bản tính ông điềm tỉnh nữa. Không bao giờ người ta thấy ông nóng nảy, cũng không bao giờ ông vội vàng.
Khi ông làm Giám Đốc công ty Standard Oil, ông kê một chiếc đi-văng trong phòng giấy ở Broadway, và muốn gì thì gì, mỗi bữa trưa ông cũng đánh một giấc nửa giờ. Ông giữ thói quen mỗi ngày ngủ năm giấc ngắn cho tới khi mất.
Hồi năm hai mươi lăm tuổi ông mới đau lần đầu. Thật là một tin mừng và rất quan trọng đối với y học vì khi khỏi bệnh, ông tặng cả triệu Mỹ kim vào công việc nghiên cứu y học. Nhờ vậy mà ngày nay Viện Rockefeller mỗi tháng tiêu được khoảng một triệu Mỹ kim vào chiến dịch diệt bệnh ở khắp thế giới.
Năm 1923 tôi đương ở Trung Hoa thì bệnh thời khi hoành hành ghê gớm ở đó, và ở giữa cảnh nghèo nàn và nggu dốt của người Trung Hoa, tôi có thể lại Bắc Kinh tiêm thuốc ngừa bệnh ở Viện Rockefeller. Trước ngày đó tôi không thấy được công ông giúp hạng người đau khổ ở châu Á và những nơi hẻo lánh nhất thế giới. Viện Rockefeller đã rán diệt loài sán. Hiện nay Viện đương tấn công bệnh rét rừng và các y sĩ của viện đã tìm thấy thuốc trừ một bệnh sốt rét ghê gớm, bệnh hoàng ngược.
Nhưng con người giàu nhất thế giới đó xây dựng sự nghiệp khổng lồ cách nào?
Ngay từ hồi nhỏ ông đã có tư cách tỏ rằng sau này sẽ thành công. Ông là con một y sĩ lang thang, thường đi nơi này nơi khác, để mẹ con ông ở nhà, trong một trại ruộng tại Moravia, gần hồ Owasco, giữa một xứ của dân da đỏ. Một hôm John thấy một con gà mái rừng đi tìm chỗ yên tĩnh để làm ổ. Mẹ ông bảo ông đi kiếm ổ gà đó rồi bắt con gà đem về trại nuôi. Ông mất hai ngày mà không có kết quả. Nhưng, đúng như lời một người viết tiểu sử ông chép lại chuyện đó, ông có cái "Thiên tài kiên tâm","Một sức kiên tâm tàn nhẫn, không gì lay chuyển được". Ông không chịu thua, tiếp tục rình con gà, theo dõi nó hoài và hai ngày sau, ông bắt được cả mẹ lẫn con về trại. Lần nuôi gà đó là công việc làm ăn đầu tiên của ông. Ông bán được tiền, bỏ vào một chiếc chén rạn. Để kỷ niệm bước đầu đó, sau này, trong cái trại nổi tiếng rộng bốn ngàn mẫu của ông ở Pocantico Hills, luôn luôn ông nuôi một bầy gà mái tây cho tới khi ông chết.
Đi học ông cũng siêng năng nhưng không có nhiều kết quả. Ông chỉ thích môn toán. Sau này ông bảo:
-Tôi chỉ là một người thích những con số. Ông tập tìm hiểu nghĩa của các số đi. Nó sẽ cho ông biết nhiều sự thực cay đắng mà thấy rõ được tương lai.
Ông được mười một tuổi khi thân mẫu ông ở nhà một mình, phải chống cự với cảnh cơ hàn để nuôi năm người con. Ông phải làm mướn cho một chủ trại láng giềng và ki cóp tiền công cho tới khi trong cái chén rạn của ông có được năm mươi lăm Mỹ kim. Lúc đó ông đem trọn số tiền cho chủ vay, lời bảy phân, và ông thấy rằng số vốn đó mỗi năm đem lại cho ông một số tiền bằng tiền công mười ngày làm việc mệt đừ.
Ông nói:
-Thế là tôi giải quyết được vấn đề. Tôi quyết định ngay là sẽ bắt tiền bạc làm nô lệ cho tôi, chứ không chịu làm nô lệ cho tiền bạc nữa.
Vài năm sau, John D. Rockefeller vào làm thư ký trong một tiệm bán buôn đồ tạp hoá ở Cleveland. Ông làm phụ về kế toán rồi lên làm sếp kế toán. Chủ không chịu tăng lương, ông xin thôi, cùng với hai bạn thân, ra mở tiệm. Trong công việc làm ăn này, ông chỉ trông nom sổ sách. Công việc phát triển, nhưng chàng thanh niên Rockefelle tiếp tục sống quá giản dị: Chàng để dành vốn. Kế đó, ở Clevelanl người ta ùa nhau đi kiếm dầu lửa ông cũng theo gót người ta đi kiếm dầu. Trái hẳn với điều nhiều người tưởng, không phải dầu lửa làm cho Rockefeller giàu có: Rockefeller là cái máy làm ra tiền, bất kỳ ở đâu cũng làm giàu được, dù là bán tạp hoá hay bán dầu lửa. Nhưng dầu lửa mở cho ông những thị trường rộng hơn. Chỉ trong vài năm, anh chàng bán tạp hóa tư bản đó (lúc ấy vốn của ông đã quan trọng), bỏ việc kế toán của tiệm để đảm nhiệm công việc kế toán trong nhà máy lọc dầu. Xí nghiệp phát triển, số lời tăng lên, nhưng luôn luôn ông đập lời vào vốn. Ký hiệu của Rockefeller là cục tuyết, càng lăn trên tuyết thì càng lớn lên. Lần đầu ông nuốt hết những hãng lọc dầu cạnh tranh với ông. Khi ông về Nữu Ước, ông đã tỷ phú mà ráng làm không cho ai biết mình. Những tỷ phú khác thì yến tiệc lưu liên, sắm du thuyền, lập chuồng nuôi ngựa đua, cất lâu đài ở Ecosse, còn ông thì sống như một tiểu tư sản lương thiện trong một gia đình nhũn nhặn, kiểu mẫu. Thói quen của ông sau này có thay đổi, mức sống của ông có tăng lên, như số chi tiêu bao giờ cũng ở dưới số tăng của tiền lời. Về già ông dựng một trại quá sức tưởng tượng, tức trại Pocantico Hills: mấy ngàn mẫu rừng, bãi cỏ, vườn tược, trong đó có đường cái, dòng nước và bảy mươi lăm biệt thự cho con cháu! Nhưng nếu John D. Rockefeller lập trại đó hai chục năm trước, thì ông đã không còn là John D. Rockefeller, nhà giữ kỷ lục khắp thế giới về việc gây vốn nữa. Và khi ông lập trại thì phí tổn không thấm vào đâu với số lời của ông: hiện nay mỗi tháng ông lời trên sáu triệu Mỹ kim, không có cách tiêu pha điên cuồng nào mà hết được số tiền ấy. Bây giờ thì cái xa xỉ lớn nhất của ông là không thuộc về đời tư của ông nữa, mà thuộc về những công việc từ thiện, việc xây dựng những viện khảo cứu khoa học, việc trợ cấp để bảo tồn điện Versailles, nhà thờ Reims và biết bao bảo vật khác của văn minh. Và mặc dầu tiêu pha nhiều như vậy, gia tài của John D. Rockefeller cũng vẫn tiếp tục tăng theo cái mức trên dưới một trăm Mỹ kim mỗi phút!
-
Chương 6 - Albert Einstein
Chương 6 - Albert Einstein
Một ngày cách đây mấy năm, tôi đi chơi trong một châu thành nhỏ tại miền Nam nước Đức, thì một ông bạn cùng đi với tôi bỗng đứng lại, chỉ một cửa sổ ở trên lầu một tiệm tạp hoá và bảo:"Anh thấy căn phòng nhỏ ở trên kia không? Einstein ra đời tại đó".
Chiều tối hôm đó tôi gặp Einstein tại nhà một ông chú của ông, và tôi không có cảm tưởng rằng ông là một bậc siêu quần. Điều đó không có gì lạ, vì ngay hồi nhỏ cũng không ai tin rằng ông có tài gì lớn. Bây giờ người ta nhận rằng ông là một tuyệt thế thông minh, một vị khổng lồ của thế hệ này, một trong những nhà tư tưởng sâu sắc nhất cổ kim, vậy mà năm chục năm trước ông là em nhỏ chậm chạp, nhút nhát, đần độn, tập nói một cách cực kỳ khó khăn. Ông tối dạ đến nỗi thầy học của ông phải bực mình và song thân ông sợ rằng ông vào hạng hạ nhân.
Ít năm trước đây một buổi sáng, ông thức dậy ngạc nhiên thấy mình thành danh nhân bực nhất thế giới, không thể tin được rằng một giáo sư toán mà lại được báo chí khắp toàn cầu in tên bằng chữ lớn lên trang đầu như vậy. Ông là một nhà khoa học chứ đâu phải là một nhà quyền thuật hạng Jack Dempsey. Ông thú rằng không thể hiểu được điều đó. Mà cũng không ai hiểu được điều đó. Vì một chuyện như vậy chưa hề xảy ra trong lịch sử loài người.
Con người của ông cũng lạ lùng như thuyết Tương đối của ông vậy. Ông khinh những cái mà phần đông loài người mơ ước như danh vọng, của cải, xa hoa. Chẳng hạn thuyền trưởng một chiếc tàu biển nọ dành cho ông dãy phòng sang trọng nhất dưới tàu, ông từ chối, bảo rằng đi hạng chót còn thích hơn là nhận bất kỳ một đặc ân gì.
Ngày ngũ tuần của ông, chính phủ Đức ban cho ông đủ các ân huệ, dựng một tượng bán thân của ông ở Potsdam, tặng ông một dinh thự và một chiếc tàu buồm, gọi là tỏ lòng quý mến và ngưỡng mộ bất tuyệt của dân tộc.
Nhưng chỉ ít năm sau, người ta lấy lại hết những cái đó và ông sợ, không dám trở về quê quán nữa. Trong mấy tuần lễ, ông trốn trong một ngôi nhà, cửa song sắt ở nước Bỉ và đêm nào cũng có một người lính canh cho ông ngủ.
Khi ông tới Nữu Ước để làm giáo sư toán ở trường đại học Princeton, ông sợ các nhà báo phỏng vấn và dân chúng hoan hô, nên các bạn thân của ông phải bí mật cho ông xuống thuyền đưa lên bờ trước khi tàu ghé bến rồi chở ông đi bằng xe hơi.
Ông nói rằng khắp thế giới chỉ có mười hai người hiểu được Thuyết tương đối của ông, mặc dầu đã có trên chín trăm cuốn sách giảng giải nó.
Chính ông giải thuyết đó bằng thí dụ dễ dàng và hóm hỉnh này: "Khi anh ngồi với một mỹ nhân, thì một giờ anh tưởng chừng chỉ bằng một phút, nhưng khi ngồi trên một lò lửa nóng thì mới một chút anh coi là một giờ".
Tương đối là vậy, chứ có gì đâu. Tôi cho nó đúng, còn nếu bạn ngờ nó sai thì bạn cứ thí nghiệm, nhưng xin bạn ngồi trên lò nóng còn để tôi ngồi với mỹ nhân nhé.
Bà Einstein nói rằng bà không hiểu thuyết tương đối là cái quái gì cả, nhưng bà hiểu một cái gì quan trọng đối với đàn bà hơn, là hiểu chồng bà.
Một đôi khi có khách khứa lại uống trà và bà lên lầu mời Giáo sư xuống chuyện trò ít lâu. Ông la bể nhà nhà lên: "Không! Không! Tôi không xuống! Không xuống! Tôi phải đi khỏi nhà này mới được. Làm việc ở đây không được. Cấm đấy, không được làm ngưng công việc của tôi như vậy được nữa đa".
Bị ông la như vậy bà cứ điềm tỉnh, để ông phát hết cơn giận của ông ra, rồi bà khéo léo ngoại giao làm sao mà ông cũng xuống nhà dưới uống trà và xả hơi một chút. Bà làm vậy chỉ vì thấy ông làm việc quá mà muốn cho ông nghỉ.
Bà bảo rằng chồng bà thích sự thứ tự trong tư tưởng mà không thích sự thứ tự trong đời sống. Ông muốn làm cái gì là làm, chẳng kể giờ giấc gì cả. Ông hành động chỉ theo hai quy tắc. Quy tắc thứ nhất là không có quy tắc nào cả. Và quy tắc thứ nhì là bất chấp dư luận.
Ông sống cực kỳ giản dị, đi đâu cũng chỉ bận áo cũ, nhàu nát, ít khi đội nón; vào phòng tắm thì ca hát, huýt còi vang lên. Xà bông để tắm thì ông dùng để cạo râu. Con người rán giải quyết những bí ẩn phức tạp nhất của vũ trụ đó, bảo rằng dùng hai thứ xà bông chỉ làm cho đời thêm phức tạp. Nhìn ông tôi có cảm tưởng rằng ông rất sung sướng. Triết lý về hạnh phúc của ông giúp cho tôi nhiều hơn thuyết tương đối của ông. Mà tôi cho rằng triết lý hạnh phúc đó rất cao đẹp. Ông bảo rằng ông sung sướng vì ông không cần một thứ gì của bất kỳ người nào. Ông không cần tiền, không cần chức tước, không cần lời khen. Ông tìm hạnh phúc cho ông trong những việc rất giản dị là làm việc, chơi vĩ cầm và thả thuyền.
Cây đờn vĩ cầm làm cho ông vui nhất. Ông bảo rằng ông thường suy nghĩ bằng âm nhạc, và mơ mộng bằng âm nhạc.
Một lần, đi xe điện ở Bá Linh, ông bảo người bán giấy đã tính lộn khi thối tiền cho ông. Người đó đếm lại thấy đúng, đưa tiền cho ông, bảo: "cái tai hại của ông là ông không biết đọc con số".
-
Chương 7 - Upton Sinclair
Chương 7 - Upton Sinclair
Upton Sinclair đã viết bốn mươi tám cuốn sách và bán ra trên năm trăm bài châm biếm. Sách của ông đã bán được hai triệu cuốn ở Đức, ba triệu cuốn ở Nga. Nhhững truyện có tính cách cấp tiến của ông có lẽ đã giúp cho cách mạng Nga thành công. Mặc dầu ông là người Mỹ mà sách của ông được hoan nghênh ở châu Âu nhiều hơn là ở Mỹ. Có lần tôi vào một tiệm sách nhỏ ở miền Nice, thấy sách của Upton Sinclair còn nhiều hơn sách của hết thảy các tác giả Anh, Mỹ khác nhập lại. Tác phẩm của ông đã được dịch ra bốn mươi bốn thứ tiếng và có lần ông bảo tôi rằng chính ông cũng không biết hết những tiếng đó là tiếng gì và ở nước nào. Khắp thế giới, ông là nhà văn còn sống mà được nhiều người đọc nhất.
Bây giờ ông sáu mươi tám tuổi và ông đã viết trên năm chục năm, từ hồi ông mười sáu. Ông đã viết hàng tỉ chữ, hơn số chữ trong Cựu và Tân Ước hợp lại.
Vẻ mặt ông hao hao như ông Woodrow Wilson và ông hăng hái nuôi một lý tưởng. Ông muốn diệt con ma nghèo, vì kinh nghiệm đã cho ông biết nỗi cay đắng của cảnh nghèo. Ông bảo tôi rằng có lần, luôn trong sáu năm trường, gần như ngày nào ông cũng bị cái đói gậm nhắm.
Thân phụ ông là một người bán rượu Whisky và nghiện rượu, và hồi nhỏ, khi ở Baltimore, rồi sau ở Nữu Ước, cứ đêm đêm, ông thường đi kiếm cụ ông ở khắp các tửu quán, rồi đỡ cụ về nhà, khiêng vào gường, còn cụ bà thì móc túi chồng để lấy tiền giấu đi, phải vậy thì hôm sau mới có tiền đi chợ. Gia đình đó nghèo tới nỗi họ phải sống trong những nhà cho mướn rẻ tiền nhơ nhớp đầy muỗi, rệp, nghèo tới nỗi phải dời nhà hoài, vì thiếu tiền trả, bị chủ đuổi.
Upton Sinclair nhiệt liệt chủ trương sự cấm bán rượu mạnh. Ai ở vào cảnh ông mà không vậy. Rượu mạnh đã tàn phá gia đình ông và làm cho tuổi thơ của ông khô héo cằn cỗi. Ông bảo rằng rượu mạnh đã làm cho hai người bạn thân nhất của ông chết yểu, tức Jack London và Eugene V. Debs. Ông cũng không uống trà và cà phê mà cũng không hút thuốc.
Mãi tới hồi mười tuổi, ông mới được tới trường nhưng đã tự học và biết đọc, và trước khi vô trường thì ông đã ngấu nghiến hết các tác phẩm của Dickens và của Thackeray, lại đọc mấy chục cuốn sách khác và một phần lớn bộ Bách khoa tự điển. Mới vô trtường được hai năm, ông đã đủ sức theo ban đại học rồi.
Hồi vào đại học, ông không có lấy một xu mà lại phải nuôi mẹ nữa. Vì vậy, ông phải vừa học vừa viết những truyện cười ngăn ngắn cho các tạp chí rẻ tiền, để lấy tiền ăn học tại City College ở Nữu Ước và trường đại học Columbia. Mỗi đêm ông đọc cho người khác chép một truyện dài tám ngàn chữ, nghĩa là mỗi tháng ông vừa học vừa viết được một tiểu thuyết dài trung bình. Sức làm việc của ông thật kinh thiên. Cả một triệu người không được một người như ông.
Ở trường đại học ra, ông viết những truyện kiếm hiệp hấp dẫn cho các tạp chí nhi đồng và kiếm được mỗi tuần lễ mười bốn Anh kim. Số tiền đó đã lớn đối với một tác giả mới hai mươi tuổi. Nhưng ông viết không phải là để kiếm tiền. Ông viết với mục đích diệt sự nghèo bất công. Cho nên mặc dầu vợ thì đau con thì nhỏ, một mình ông phải lo nuôi gia đình, mà ông dám bỏ số tiền đó, dựng một cái liều vải ở New Jersy và bắt đầu viết những tiểu thuyết tuyên truyền, những tiểu thuyết để cải tạo thế giới. Ông bỏ ra năm năm soạn năm tiểu thuyết và năm cuốn đó đem lại cho ông có hai trăm Anh kim nghĩa là có bốn mươi Anh kim mỗi năm, bằng số tiền ông kiếm được trong ba tuần, hồi ông viết truyện cho trẻ em.
Gần như lúc nào ông cũng chịu cảnh đói. Một hôm, bà vợ, vốn khao khát một chút xa hoa vào tiệm mua về một tấm khăn trải bàn sọc đỏ giá một cắc sáu. Nhưng ông bắt bà đem lại tiệm trả và đòi tiền về, vì một cắc sáu đủ cho cả nhà ăn trong một ngày.
Tiểu thuyết thứ sáu của ông nhan đề Rừng rậm được độc giả rất hoan nghênh và đem về cho ông sáu ngàn Anh kim. Ông đem trọn số tiền đó tặng một hội ở New Jersy, một loại hợp tác xã văn nhân, họa sĩ, nhạc sĩ mục đích là giúp đỡ lẫn nhau sống một cách tiết kiệm, Sinclar Lewis sống ở đó một thời gian và giữ việc coi lò, nhưng chắc chắn Lewis làm không được việc gì, vì một đêm lửa trong lò bắt vào nhà và cháy rụi, thế là hội tan.
Upton Sinclair luôn luôn là một nhà cải cách hăng hái. Ông và Inez Mullholland cầm đầu một cuộc biểu tình đầu tiên ở châu thành Nữu Ước để đòi cho phụ nữ được quyền đầu phiếu. Ông luôn chiến đấu chống lại sự hạn chế sanh đẻ và luôn ba chục năm ông là một trong những người chỉ huy đảng xã hội ở Mỹ.
Khi ông muốn nói cái gì, ông nhất định theo cho tới kỳ cùng. Chẳng hạn một lần ông muốn học đàn vĩ cầm, ông tập mỗi ngày tám giờ, gần như không bỏ ngày nào, trong ba năm, các người hàng xóm phàn nàn về tiếng cù cưa nhức óc của ông, ông ôm đàn vào rừng kéo cho chim và sóc nghe.
Ông bảo tôi rằng ông đã bị bắt bốn lần. Một lần bị bắt và nhốt vào khám mười tám giờ ở Wilmington vì ông chơi quần vợt ngày Chủ Nhật. Lần khác ông bị giam ở Tombs tại Nữu Ước trong ba ngày vì ông lẳng lặng đi đi lại lại trước phòng giấy của John D. Rockefeller. Lần thứ ba ông bị bắt vì bán một Thánh kinh cho sở Công an ở Boston, và lần cuối cùng ông bị bắt vì rán đọc Hiến pháp Hoa Kỳ, trong khi đứng trước một tư gia, mà trong tay có giấy chủ nhà cho phép đứng tại đó.
-
Chương 8 - Edward Bok
Chương 8 - Edward Bok
Một hôm một em nhỏ đói, ở trường về, ngừng trước một tiệm bánh, thèm thuồng nhìn những ổ bánh mì nóng và những bánh ngọt phết kem.
Người bán hàng thấy vậy, đi ra, hỏi:
- Sao? Em thấy có vẻ ngon lắm, phải không?
Em nhỏ Hòa Lan đó đáp:
- Nếu tấm kính không dơ thì còn có vẻ ngon hơn nữa.
Người bán hàng bảo:
- Em nói đúng. Em chùi nó được không?
Thế là em Edward Bok lãnh được việc làm đầu tiên trong đời em. Mỗi tuần người ta trả em có năm cắc, nhưng đối với em thì bấy nhiêu là cả một kho tàng rồi! Cha mẹ em nghèo tới nỗi ngày nào em cũng phải đi lượm những mảnh than vụn từ trên xe cam nhông rớt xuống đường, xuống rãnh.
Em nhỏ đó, Edward Bok, không biết một tiếng Anh nào khi đặt chân lên đất Mỹ, và nghe thầy giáo giảng bài, em không hiểu gì hết. Em chỉ học có sáu năm, vậy mà sau này làm giám đốc một tạp chí, đã thành công nhất trong nghề làm báo ở Mỹ.
Edward Bok thú rằng ông không biết chút gì về sở thích của phụ nữ, mặc dầu vậy, ông đã sáng lập một Tạp chí phụ nữ lớn nhất thế giới mà số trang và số in cứ mỗi ngày một tăng. Ngày mà ông giao công việc quản lý cho người khác để về nghỉ, thì tạp chí in hai triệu số mỗi tháng và nội tiền quảng cáo cũng đã đem cho ông một triệu Mỹ kim mỗi kỳ rồi.
Edward Bok làm chủ nhiệm tờ Ladie's Home Journal trong ba chục năm. Khi ông thôi làm báo, ông viết tiểu sử ông trong cuốn The Americazination of Edward Bok.
Sau khi chùi kính cho tiệm bánh mì, ông làm đủ các nghề khác nhau, ta có thể nói là ông sưu tập mọi nghề một cách hăng hái như thanh niên sưu tập cò vậy. Sáng thứ Bảy ông bán báo. Chiều thứ Bảy và ngày Chủ Nhật ông đem nước chanh và các đồ giải khát cho những du khách du lịch ở các bến xe ngựa. Tối Chủ Nhật ông viết truyện tình cho một tờ báo trong miền. Tóm lại, ngoài giờ học, ông làm mọi việc để kiếm tiền từ sáu tới hai chục Mỹ kim mỗi tuần. Lúc đó ông mười hai tuổi và qua ở Mỹ chưa được sáu năm.
Mới mười ba tuổi mà ông đã phải thôi học, vào làm chân sai vặt trong phòng giấy ở hãng Western Union. Nhưng không lúc nào ông không học thêm, ông nhất định tự học, Ông đi bộ tới hãng cho khỏi tốn tiền xe, và nhịn bữa trưa để mua một cuốn Tự điển danh nhân Hoa Kỳ. Rồi ông làm một việc lạ lùng: ông đọc tiểu sử những danh nhân đương thời và cả gan viết thư xin họ cho biết chi tiết về tuổi thơ của họ. Ông viết cho đại tướng James A. Garfield, lúc đó ứng cử chức tổng thống, hỏi đại tướng có phải hồi nhỏ đã phải kéo tàu buồm nhỏ trên các kênh không. Ông lại viết cho đại tướng Grant hỏi về một trận nào đó. Grant vẽ một bản đồ cho coi, còn mời thằng nhãi mười bốn tuổi tới ăn cơm và nói chuyện trọn buổi với mình nữa.
Thành thử cậu bé kiếm được sáu đồng hai cắc rưỡi đó làm quen được với những người nổi danh nhất đương thời. Cậu lại thăm Emerson, Philip Brooks, Oliver Wendell Holmes, Longfellow, phu nhân Lincoln lúc đó đã góa, thăm Louia, May Alcott và tướng Sherman.
Sự quen biết các danh nhân đó ảnh hưởng quyết định đến sự biến chuyển của Edward Bok. Một người rất có thiên tư mà không được sống gần các giới chỉ huy, có khi phải đợi rất lâu mới tiếp xúc được với những người biết nhận tài năng của mình. Điều này còn tai hại hơn: có thể rằng chính người đó không biết mình có tài, không ngờ nổi mình làm việc này việc nọ, thành thử uổng sức trong những năm trẻ trung để làm những việc tầm thường, rồi về già mới được thi thố tài năng, nếu không chết sớm mà phí cả một đời. Sáng kiến của Edward Bok tỏ rằng ông không chịu đứng lâu một chỗ, khi chỗ đó không xứng với tài ông. Tức khắc ông làm quen được với những người chỉ huy thế giới, hiểu được cách họ nhìn đời, sự quen thuộc đó quý báu vô cùng đối với một ông chủ báo.
Một hôm ở ngoài đường, Edward Bok thấy một người mở một bao thuốc lá, rút tấm hình ra coi rồi liệng đi. Bok thấy là hình người, lượm lên xem, thì ra một chính khách có danh, phía sau để trắng. Ông nghỉ:
"Nếu chép ở sau tấm hình ít hàng tiểu sử của nhân vật thì có lẽ hình không bị liệng như vậy".
Ông bèn nảy ra một ý. Hôm sau ông bỏ bữa cơm trưa, đi ngay lại nhà xuất bản đã in những hình đó. Ông thuyết người chủ, giọng hăng hái và quyết tín đến nỗi người đó xiêu lòng, nhờ ông viết cho một trăm tiểu sử danh nhân, mỗi tiểu sử một trăm chữ, tiền nhuận bút là mười Mỹ kim. Chẳng bao lâu người đó cậy ông viết nhiều quá, ông phải kiếm vài người cộng tác, trả cho họ một nữa tiền, nghĩa là năm Mỹ kim mỗi tiểu sử.
Rồi ông bỏ luôn chân gác cửa, nhào vô nghề xuất bản.
Năm ông đi Philadelphie để lãnh việc nhận quản lý tạp chí Ladie's Home Journal. Ông đúng hai mươi sáu tuổi. Năm ông đóng cửa phòng giấy của ông lần cuối cùng và bảo:"Thôi, từ nay không trở lại đây nữa" thì ông đúng năm mươi sáu tuổi, đương lúc tinh thần còn tráng kiện.
Trong ba chục năm đó, ông đã tự tạo được một địa vị độc nhất trong nghề làm báo ở Hoa Kỳ. Ông đã giàu lớn, nhưng không phải chỉ vì ông nhiều tiền mà gọi ông là thành công được.
Nào ta thử xét xem Edward Bok đã giúp mỗi người Hoa Kỳ được những gì.
Trước hết, thức ăn được tinh khiết hơn là nhờ những bài báo của tạp chí ông hô hào sự kiểm soát thực phẩm. Thành phố Hoa Kỳ sạch sẽ hơn, hợp vệ sinh hơn nhờ ông đã bỏ tiền ra gây một dư luận mạnh mẽ chống sự chất rác thành đống trong châu thành. Nhà cửa ngày nay xây cất và trang hoàng cũng đẹp hơn xưa nhờ những bài mạt sát kiểu nhà vừa xấu vừa đắt tiền của thế kỷ trước.
Ông thành công đến nỗi Tổng Thống Theodore Roosevelt khen rằng: Edward Bok là người độc nhất mà tôi biết đã dùng phương pháp cải thiện mà thay đổi hẳn cách ở của cả một dân tộc.
Mười năm cuối trong đời ông, sau khi về nghĩ rồi, ông lập vườn, mua hàng ngàn củ uất kim hương ở quê hương ông là Hòa Lan đem trồng hai bên đường cho vui mắt khách qua đường. Ông cho trồng hồng lên những bãi cỏ chung quanh các ga xe lửa.
Nhưng lâu đài nổi danh và lâu bền nhất của ông là ngôi tháp lạ lùng Singing Tower ở Floride. Chỗ mà hồi xưa chỉ là một khoảng cát khô khan trên một ngọn đồi cao nhất ở Floride thì bây giờ thành nơi ẩn náu của loài chim, thành một vùng xanh mướt, có hàng trăm ngàn cây lớn nhỏ. Và vượt lên rừng cây đó là một ngôi tháp có chuông cao khoảng sáu chục thước, xây bằng cẩm thạch hồng, tháp đó in bóng lên mặt hồ trong veo, mát mẻ ở dưới chân.
-
Chương 9 - Evangeline Booth
Chương 9 - Evangeline Booth
Người đàn bà lạ lùng nhất mà tôi biết, đã từ chối lời cầu thân của hàng ngàn người, từ những danh nhân đến những bác đánh cá, từ những ông chủ đồn điền đến những anh cầu bơ cầu bất, không xu dính túi. Một ông hoàng trong một hoàng tộc lớn nhất ở Châu Âu đeo đuổi bà hàng tháng, năn nỉ bà nhận lời cầu thân của ông. Và bây giờ đây, mặc dầu bà gần đến cái tuổi cổ lai hi rồi, mà còn nhiều bức thư gởi tới xin cưới bà, nhiều đến nổi cô thư ký bà không buồn đưa bà coi nữa.
Tên bà là Evangeline Booth, và bà cầm đầu một đạo binh lớn nhất mà chưa hề tấn công một quân địch nào, tức Đạo binh Cứu khổ, một đạo binh có ba vạn sĩ tốt nuôi những kẻ đói ở sáu mươi nước xa xôi và ban bố tình yêu bằng tám chục ngôn ngữ.
Khi tôi gặp bà Evangeline Booth, tôi hơi ngạc nhiên. Tôi biết rằng bà đã già, có thể có cháu chắt được rồi, vậy mà mớ tóc của bà chỉ có vài sợi trắng. Mà cặp mắt, vẻ mặt bà linh động, hăng hái làm sao.
Người ta bảo rằng bốn chục tuổi mà còn là đương xuân ư? Nếu bạn thấy bà Evangeline Booth cưỡi một con ngựa bất kham tới nỗi phải hai người đàn ông mới ghìm nổi nó, thì bạn sẽ tin rằng bảy chục tuổi vẫn còn là đương xuân. Bà mua con ngựa đó rẻ mạt, vì chủ ngựa không dám cưỡi nó. Tên ngựa là Tìm Vàng và khi bà leo lên lưng con Tìm Vàng, la "Đi" thì nó nhẩy, nó phóng tiến tới, tiến lui, quay bên này, bên kia, giậm khắp khu đất, rồi mới chịu ngoan ngoãn theo ý bà. Mỗi buổi sáng bà cưỡi nó một giờ. Có khi một tay cầm cương, một tay cầm một bài diễn văn, bà vừa cho ngựa phi trong rừng vừa suy nghĩ về bài đó.
Một buổi hè, nếu bà ở Châu Mỹ, thì bà lại hồ Lake George để bơi lội; và năm bà sáu mươi ba tuổi, bà lội qua hồ trong bốn giờ.
Bà ngũ, luôn luôn ở đầu gường có miếng giấy cứng lót tay để viết, và thường khi, bà thức giấc, ghi ít ý nghĩ lên giấy. Một đêm bà không ngủ được, ba giờ sáng dậy sáng tác một bài nhạc, có cả lời ca. Mặc dầu bà có ba cô thư ký trong nhà mà nhiều khi bà dậy làm việc từ hai giờ sáng.
Ngồi xe hơi từ nhà bà đến sở, mất một giờ; trong thời gian đó bà đọc cho thư ký đánh máy.
Bà nói rằng kinh nghiệm kích thích nhất trong đời bà xảy ra hồi thiên hạ ùa nhau lại miền Yukon đào vàng. Chắc bạn còn nhớ, cuối thế kỷ trước, người ta kiếm được vàng ở Alaska và tin đó làm cho dân chúng sôi lên sùng sục. Từng bọn người vội vàng bồng bế nhau lên phía Bắc, và bà nghĩ rằng Đại binh Cứu khổ phải theo họ lên đó. Thế là bà dắt theo hai cô nữ khán hộ có kinh nghiệm và ba cô phụ nữa, lên miền Yukon. Khi bà tới Skagway, trứng và bơ mắc như vàng. Nhiều người đói mà người nào cũng đeo súng sáu kè kè bên mình. Và đi đâu bà cũng nghe tên Smith "Hiền". Mà y chẳng hiền chút nào cả. Y là một kẻ giết người không gớm máu ở Klondike. Y và bè đảng của y đứng đợi bọn đào vàng về, và không hỏi han, báo trước gì hết, bắn họ để cướp vàng. Chính phủ Hoa Kỳ gởi một bộ đội tới để giết y, nhưng y giết trọn đội và trốn thoát.
Skagway là một nơi khủng khiếp. Ngày bà tới, có năm người bị giết.
Đêm đó, bà họp đám đông ở bờ sông Yukon, giảng đạo cho hai mươi ngàn người đàn ông cô độc và bảo họ hát những bài mà hồi nhỏ thân mẫu của họ đã hát cho họ nghe, như bài Jesus, Lover of my soul, bài Nearer my God to Thee, bài Home sweet home.
Đêm ở miền đó lạnh cóng; trong khi bà hát, một người lấy một cái mền trắng quấn vào người bà.
Đám đông vĩ đại đó hát cho tới một giờ khuya; rồi Evangeline Booth cùng các cô khán hộ đi vô rừng, ngủ trên đất, dưới gốc thông. Họ mới bật lửa, sửa soạn nấu một chút ca cao thì thấy năm người ôm súng tiến tới. Khi họ còn cách một khoảng nói vừa đủ nghe, thì họ ngừng lại, người cầm đầu ngả mũ, nói:"Tôi là Smith "Hiền" đây, tôi lại cho cô hay, tôi nghe cô hát mà thích lắm."; rồi hắn nói thêm:"Tôi đã sai người đem lại cho cô chiếc mền trắng trong khi cô hát. Nếu cô muốn giữ nó thì cứ giữ lấy." Một cái mền bây giờ không đáng giá là bao; nhưng hồi đó, trong khi nhiều người chết vì lạnh và ẩm ướt, thì nó thực là một tặng vật quý báu.
Bà Booth hỏi hắn rằng bà ở Skagway có sợ tai nạn gì không. Hắn đáp:"Tôi còn ở đây thì cô khỏi lo. Tôi sẽ che chở cho cô".
Bà nói chuyện với hắn ba giờ, bảo hắn: "Tôi đem lại đời sống cho người ta, mà ông lại cướp đời sống của người ta. Như vậy không nên. Ông không thắng loài người đâu. Sớm muộn gì họ cũng giết ông. Bà gợi chuyện cho hắn nói về tuổi thơ và thân mẫu hắn, và hắn kể với bà rằng hồi nhỏ hắn thường cùng với bà nội đi coi các cuộc hội họp của Đội binh Cứu khổ, lần nào hắn cũng hát và vỗ tay khen. Và hắn thú rằng khi sắp mất, bà nội hắn bảo hắn hát một bài mà hai bà cháu cùng học được tại các cuộc hội họp của Đội binh Cứu khổ, và hắn hát:
Lòng tôi bây giờ trắng hơn tuyết,
Vì đức Jesus cùng ở với tôi tại đây,
Tội của tôi, tôi biết là nhiều lắm,
Nay được tha hết. Tôi bây giờ trong sạch.
Bà bảo hắn quỳ xuống và một thiếu nữ ở Đội binh Cứu khổ với một tên ăn cướp hung dữ nhất miền Bắc, cùng quỳ xuống ở bên cạnh nhau, cùng cầu nguyện, cùng khóc với nhau ở trong rừng thông. Nước mắt chảy dòng dòng, Smith "Hiền" hứa với bà sẽ không giết người nữa, và sẽ ra đầu thú, còn bà thì hứa với hắn sẽ tận lực xin chánh phủ giảm tội cho hắn.
Khoảng bốn giờ sáng hắn từ biệt bà.
Tới chín giờ, hắn cho người mang tặng bà một ổ bánh còn nóng hổi, bánh ngọt, mứt và nửa ký bơ, những món vô giá đối với nơi đó thời đó. Hắn đã bắn người để cướp bột và bơ, và một người đàn bà trong bọn của hắn xin lãnh cái hân hạnh làm bánh, mứt để tặng bà.
Hai ngày sau, có kẻ bắn chết Smith "Hiền" và Skagway dựng một đài kỷ niệm vị ân nhân ấy.
Evangeline Booth là một trong những người sung sướng nhất mà tôi đã gặp. Bà sung sướng vì bà sống cho người khác.
-
Chương 10 - Theodore Roosevelt
Chương 10 - Theodore Roosevelt
Tôi không bao giờ quên được một tin xảy ra tháng giêng 1919. Lúc đó tôi ở trong một bộ đội đóng tại đồn Upton ở Long Island. Một buổi chiều, một phân đội leo lên đồi, lính đưa súng lên trời, bắn một loạt để báo tin Roosevelt đã từ trần! Theodore Roosevelt vị tổng thống đã lèo lái chính phủ Hoa Kỳ một cách đáng phục nhất từ trước tới nay. Ông vội lìa đời sớm quá!
Cái gì ở trong con người ông cũng lạ lùng, chẳng hạn ông cận thị nặng tới nỗi không đeo kính thì cách mười thước cũng không nhận ra người bạn thân nhất của ông, vậy mà ông thành một thiện xạ và đi săn sư tử ở Châu Phi.
Ông săn dã thú rất tài, vậy mà ông không hề giết một con chim hoặc câu một con cá. Hồi nhỏ ông xanh xao, ốm yếu và mắc bệnh suyễn. Gia đình ông cho ông qua miền Tây để may ra sức khỏe của ông khá lên được chút nào chăng, ở đó ông sống đời mạo hiểm của cao bồi, ngủ giữa trời và nhờ như vậy, thể chất ông mạnh tới nỗi có thể đấu quyền Anh với Mike Donavan. Ông thám hiểm những khu rừng của Nam Mỹ, leo lên đỉnh núi Junfrau và Matterhoorn và dẫn đầu một đoàn kỵ binh tấn công San Juan Hill ở Cuba, làm cho quân địch mặc dầu dùng một hỏa lực kinh khủng mà cũng không sao chống cự nổi.
Trong tập tự thuật ông kể lại rằng hồi nhỏ ông quạu quọ, nhút nhát, luôn luôn sợ làm đau cho mình. Vậy mà ông đã tự làm cho gãy cổ tay, gãy cánh tay, bể mũi, gãy xương sườn, gãy vai và không bao giờ ngừng dấn thân vào nguy hiểm. Khi ông làm cao bồi ở Dakota, một hôm ông té ngựa gãy tay, mà rồi ông lại nhảy lên lưng ngựa, tiếp tục phi để gom đàn bò lại.
Ông nói rằng trong thâm tâm ông sợ tới chết điếng đi, mà cũng ráng làm những việc ông ngại nhất, hành động như mình dũng cảm lắm, như vậy để rèn luyện đức can đảm. Rốt cuộc ông thành gan dạ đến nỗi coi thường tiếng sư tử gầm và tiếng đại bác nổ.
Trong cuộc vận động "Bull Moose" năm 1912 một kẻ cuồng nhiệt bắn một phát súng lục vào ngực ông khi ông lại dự một cuộc hội họp công chúng để diễn thuyết. Ông không cho ai hay là bị thương, cứ đi thẳng lại nơi đã định và diễn thuyết, cho đến khi ông té xỉu vì mất máu quá nhiều. Lúc đó người ta mới chở gấp ông lại nhà thương.
Trong khi ông làm tổng thống, có lần ông đấu quyền Anh với một sĩ quan. Viên sĩ quan này thoi vàp mắt bên trái của ông, làm đứt nhiều gân máu và con mắt ông vô phương chữa, nhưng ông không hề cho người đó hay.
Đích thân ông bửa tất cả số củi dùng trong trại của ông ở Oysterbay. Ông cắt cỏ, phơi cỏ với gia nhân trong trại và buộc người lãnh canh phải trả công cho ông cũng như người ở chứ không được hơn.
Không bao giờ ông hút thuốc, ông cũng không khi nào chửi thề và chỉ năm thì mười họa ông mới uống một muỗng nhỏ rượu mạnh pha vào sữa. Ông uống mà không để ý tới. Mãi đến hôm người bồi của ông thú thực đã pha vài giọt rượu ông mới hay. Vậy mà có kẻ nói xấu ông nghiện rượu làm ông phải kiện họ về cái tội phỉ báng để họ hết phao tin đó đi.
Hồi ở Bạch ốc, công việc bề bộn là vậy mà ông vẫn có thì giờ đọc hàng trăm cuốn sách. Nhiều khi ông phải tiếp khách suốt buổi chiều không lúc nào ngớt, nhưng luôn luôn có một cuốn sách ở bên cạnh để đọc ít hàng trong lúc đợi người khách sau.
Đi đâu xa ông thường đem theo tác phẩm của Shakespeare hoặc Robert Burns loại bỏ túi. Một hôm ngồi bên đống lửa coi gia súc ở Dakota, ông đọc lớn tiếng trọn kịch Hamlet của Shakespeare cho một cao bồi nghe. Trong khi du lịch qua rừng ở Ba Tây, mỗi buổi tối ông ấy đều đọc Thời suy tàn của đế quốc La Mã của Gibbon.
Ông thích âm nhạc nhưng ca không đúng giọng. Lúc nào làm việc một mình ông thường hát nhỏ bài thánh ca Hỡi thượng đế, xin cho con gần người hơn. Một hôm đi xe qua một tỉnh miền Tây, suốt dọc đường, quần chúng hoan hô ông, ông vừa ngả đầu chào bên tả bên hữu, vừa hát nho nhỏ bản thánh ca đó.
Một lần ông kêu điện thoại mời một thông tin viên có danh tiếng của một nhân vật nào đó ở Hoa Thịnh Đốn lại ngay Bạch ốc. Phóng viên đó mừng quýnh, tưởng sắp được đặc biệt phỏng vấn Tổng thống về một việc nước, đánh điện cho tòa soạn bảo dự bị sẵn để đăng một tin quan trọng nóng hổi.
Nhưng khi ông ta tới Bạch ốc thì Roosevelt không nói gì về chính trị cả, chỉ dắt ông ta lại một gốc cây già rỗng ruột ở trong vườn để chỉ cho ông ta một tổ đầy cú con mới kiếm ra được.
Một lần ngồi xe lửa qua miền Tây, trong khi chuyện trò với các ngài đại diện chính thức trong toa riêng, ông thấy một người chủ trại đứng trong ruộng lúa, cạnh đường rầy, ngả mũ chào ông. Ông nhảy ngay ra phía sau toa, cầm mũ vẫy mạnh mẽ. Ông làm vậy không phải để mua lòng dân đâu mà vì ông thành thật yêu dân.
Năm cuối cùng, sức ông suy nên mặc dầu sáu chục tuổi mà đã thấy mình già rồi. Ông viết thư cho một người bạn, "Chúng mình đã kề miệng lỗ. Bất kỳ lúc nào, chúng mình đều có thể từ giã cõi đời này".
Ông từ trần một cách êm đềm trong giấc ngủ, đêm mùng 4 tháng giêng năm 1919. Lời cuối cùng của ông là: "Làm ơn tắc đèn cho".
-
Chương 11 - Đề Đốc C. W. Nimitz
Chương 11 - Đề Đốc C. W. Nimitz
Đề đốc Chester W. Nimitz đã là tư lệnh của hạm đội lớn nhất thế giới từ trước đêán nay, là vị tổng tư lệnh khu vực Thái Bình Dương, một khu vực lớn gần bằng hai mươi lần nước Hoa Kỳ, một đại dương rộng hơn cả Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Âu Châu, Á Châu, Phi Châu và Úc Châu gồm lại. Ông thắng ở Midway một trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử, mà khi ông lãnh chức chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương, hồi cuối năm 1941, hai mươi bốn ngày sau trận Trân Châu cảng, ông phải đương đầu với một tình hình cực kỳ thê thảm: Hoa Kỳ mới thua một trận thủy chiến tai hại nhất trong lịch sử của họ.
Ngày mùng bảy tháng chạp năm 1941, buổi sáng, lúc tám giờ thiếu năm, hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có tám chiếc thiết giáp hạm. Hai giờ sau, năm chiếc đã nằm dưới đáy biển Trân Châu cảng vì trúng bom Nhật. Trong số đó có chiếc Arizona, hồi trước treo cờ hiệu của Đề đốc. Ba chiếc còn lại bị hư nặng, phải đem về sửa chữa ở Hoa Kỳ. Thực là một tai họa nặng nề. Người Hoa Kỳ biết vậy. Mà người Nhật cũng biết vậy.
Người Nhật biết rằng hạm đội Hoa Kỳ thiếu chiến hạm, thiếu phi cơ, thiếu đại bác phòng không, thiếu tiềm thủy đĩnh, thiếu khí giới, thiếu mọi thứ quân nhu. Nếu họ biết rằng Hoa Kỳ chỉ còn một trăm bảy mươi sáu phi cơ chiến đấu để che chở cả khu vực mênh mông là Thái Bình Dương thì họ còn ngạc nhiên hơn nữa. Mà ai cũng biết rằng quân Nhật sẽ đánh nữa, đánh mạnh và mau, trong khi Hoa Kỳ còn yếu.
Trong những điều kiện đó, Tổng thống Roosevelt biết rằng muốn thắng quân Nhật thì trước hết phải gửi tới Trân Châu cảng một vị tư lệnh có đủ tài ba. Và ông lựa Đề đốc Chester W. Nimitz.
Đề đốc đi từ Hoa Thịnh Đốn qua Trân Châu cảng phải mạo hiểm, lén lút như một nhân vật trong truyện phiêu lưu hoặc trinh thám. Ông đem theo những tài liệu bí mật của chính phủ về những tổn thất của hạm đội do quân Nhật gây ra. Chính phủ biết rằng đội do thám Nhật muốn nắm được những tài liệu đó, và nếu có thể được, giết Đề đốc Nimitz để cướp lấy. Vì vậy, muốn cho không ai nhận được ra mình. Đề đốc phải đổi tên là Wainwright, bận đồ thường, đi từ Hoa Thịnh Đốn tới California, ông chứa tài liệu bí mật bằng túi may vải bố của vợ, cho người ta khỏi để ý tới.
Tại sao Tổng thống Roosevelt đã lựa ông trong số những thủy sư khác để giao trách nhiệm lớn lao đó? Về tuổi tác, ông còn kém hai mươi tám thủy sư khác, mà ông nhảy lên chức vị trên họ, chỉ huy chẳng riêng gì hạm đội Thái Bình Dương mà luôn cả khu vực Thái Bình Dương. Ông được uy quyền mênh mông như vậy, phần lớn là nhờ ông có bốn đức hơn người.
Trước hết ông nhiều kinh nghiệm và hiểu rộng về thủy quân. Ít năm sau khi ở Hàn lâm viện Thủy quân ra, ông xin được bổ dụng trong một chiến hạm. Nhưng trái hẳn với ý muốn, ông bị đưa tới một tiềm thủy đĩnh, trong đó hơi ở máy đưa ra muốn nghẹt thở.
Mặc dầu đời sống trong tiềm thủy đĩnh cực khổ và nguy hiểm, ông cũng hăng hái yêu nghề vì ông biết rằng tiềm thủy đĩnh sau này ảnh hưởng rất sâu xa tới thuật thủy chiến. Nhờ vậy năm 1913, mới hai mươi bảy tuổi ông đã được làm tư lệnh đội tiềm thủy đĩnh Hoa Kỳ ở Đại Tây Dương và trong đại chiến thứ nhất, ông phụng sự quốc gia với chức đó. Sau này, ông xây cất và chỉ huy một căn cứ tiềm thủy quân ở Trân Châu cảng.
Rồi ông học được nhiều kinh nghiệm về mọi hoạt động của thủy quân, ai cũng trọng ông vì tài và sức hiểu biết của ông. Hồi mới vô nghề, có lần ông chỉ huy một khu trục cũ. Chiếc tàu thình lình di nước. Nước vô nhiều quá, bơm ra không kịp. Viên kỹ sư coi máy hốt hoảng hướng lên boong tàu, hỏi lớn tiếng:"Thưa, tàu muốn chìm, tôi phải làm sau đây?".
Từ trên boong tàu, ông đáp:"Lật cuốn Engineering Manual của Barton, trang 84, mà coi sẽ thấy phải làm gì trong trường hợp như vậy". Viên kỹ sư nghe theo và cứu được chiếc tàu.
Đức thứ nhì của Đề đốc Nimitz là ông hăng hái muốn biết tất cả các loại tàu. Ông nói:"Tôi thích tất cả các chức vụ của tôi, sở dĩ vậy là vì tôi muốn hiểu rõ bất kỳ một hoạt động nào?".
Đức thứ ba của Đề đốc là tài điều khiển người. Ông rộng rãi khi khen, thưởng. Trong thủy quân không ai được trọng và mến như ông.
Foster Hailey đã sống hai năm trên Thái Bình Dương, đã nói chuyện với cả ngàn sĩ quan thủy quân và đã viết một bài báo trên Times ở Nữu Ước nói rằng không hề nghe một người nào chỉ trích Nimitz.
Đức thứ tư của Nimitz là đức bình tĩnh trong những lúc nguy kịch. Coi cách ông chỉ huy ở Trân châu cảng cũng đủ biết.
Khi ông mới tới đó, các sĩ quan lục quân và thủy quân, lo lắng, vội vàng chạy lại phòng giấy của ông, và phần đông khi ở phòng giấy ra đều vui vẻ, tự tin trở lại. Có lần các nhà báo, bị kích thích quá, nóng nảy hỏi ông về những chương trình tác chiến sau này, ông đáp:"Để trả lời những câu hỏi đó, tôi nghĩ, không còn gì hơn là mượn một câu tục ngữ của dân bản xứ ở Hạ Uy Di này, câu "Hoo mana wahui" Câu đó nghĩa là: "Thời gian sẽ thu xếp mọi việc".
Thực vậy, thời gian đã thu xếp mọi việc, bạn hỏi người Nhật thì biết.
(...) Đề đốc Nimitz luôn luôn có lễ độ. Sau khi đánh tan nát hạm đội Nhật trong trận Midway, ông bay về bờ biển phía Tây Hoa Kỳ để hội nghị với Đề đốc Ernest J. King. Khi phi thuyền của ông hạ cánh, thì một tai nạn làm ông suýt chết. Một khúc gỗ lớn trôi, đâm bể bụng phi thuyền, rồi cắm vào mũi nó, làm nó lùi lại phía sau. Viên phi công phụ bị tử thương. Đề đốc bị vài vết bầm và bị trật xương. Người ta đưa những người sống sót lên bờ, trong khi ấy, ông đứng ở mũi thuyền. Ông ướt đẫm. Người chèo thuyền mới đầu vô ý không nhận ra ông, bèn la lớn, bảo ông:" Ê, chú kia, ngồi xuống!" Và viên tổng tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương vui vẻ vâng lời. Người chèo thuyền ngó lại kỹ. Mắt anh ta trố ra. Tim anh ta muốn ngưng đập. Anh ta bắt đầu xin lỗi và lắp bắp, không nên tiếng. Đề đốc mỉm cười:"Chú cứ làm phận sự của chú. Chú có lỗi gì đâu?".
Mỗi buổi sáng, ông đi bộ một giờ trước khi điểm tâm, mỗi tuần ông lội bộ hai cây số, chơi quần vợt, mỗi sáng ông tập bắn mười hai phát súng sáu để luôn luôn được thuần tay.
Ông biết cách nghỉ ngơi hoàn toàn nên mới làm được những trách nhiệm mà người thường không sao gánh nỗi. Mỗi buổi trưa, ông tắm nắng một lúc.
Đêm mà nhà hàng Breaker ở Waikiki được biến đổi thành một trung tâm tiếp các người đầu quân, người ta chụp hình Đề đốc đầu bạc khiêu vũ với một thiếu nữ má hồng. Bộ thủy quân thích tấm hình đó, muốn đưa lên báo để quảng cáo, nhưng ông già khôn ngoan nắm ngay tấm hình đầu tiên, gởi máy bay về cho bà vợ, để người khác không kịp đưa bà coi trước. Ông già đã giỏi chiến thuật mà cũng giỏi tâm lý nữa!
(...) Năm 1905, khi ông ở trường Annapolis ra, trong cuốn sổ mỗi năm của trường, ghi về ông như vầy:"Một người vui vẻ về dĩ vãng và tin tưởng ở tương lai". Theo tôi, không lời nhận xét nào đúng hơn lời đó.
-
Chương 12 - Sinclair Lewis
Chương 12 - Sinclair Lewis
Tôi gặp Sinclair Lewis lần đầu cách đây cũng hơi lâu. Hồi đó, ông ấy, tôi và năm sáu người bạn nữa thường mướn một tàu nhỏ chạy máy ở Free Post (Long Island) rồi cho mở máy chạy xình xịch tới một nơi cách xa ít cây số để câu cá thu. Tôi phục ông ta sát đất vì ông ta không bao giờ say sóng. Hễ biển động, sóng nổi là tôi phải chui xuống khoang tàu liền, còn ông vẫn thản nhiên ngồi câu, trơ trơ như một người ngư phủ trên bức họa.
Bây giờ tôi cũng phục ông sát đất nữa, nhưng không phải vì tài ngồi câu cá khi biển động (tài đó, nay tôi cũng đã tập được rồi) mà vì tài ông tuôn lên giấy những truyện rất hay, thao thao bất tuyệt. Và nếu bạn không phục ông, thì xin bạn cứ thử đi!
Sinclair Lewis đã nhắm trúng đích lần đầu vào năm 1920. Trước năm đó, ông đã viết được sáu cuốn mà không gây được tiếng vang nào trên văn đàn. Tiểu thuyết thứ bảy của ông là Main Street tung ra đời như cơn giông. Các hội phụ nữ mạt sát nó, các nhà thuyết pháp tố cáo nó, các tờ báo chỉ trích nó. Nó gây một cuộc bút chiến thực sự ở Châu Mỹ, và những tiếng vang của nó truyền ra sáu ngàn cây số.
Tiểu thuyết đó làm cho ông thành một minh tinh bậc nhất trên văn đàn.
Và nhà phê bình bảo: "Cuốn đó hay thật, nhưng anh chàng láu cá đó không viết được cuốn thứ nhì như vậy đâu". Không viết được cuốn thứ nhì nữa?
Thật sự thì anh chàng trai trẻ ở Sank Centre, xứ Minnesota đó, từ hồi ấy đã "tung" ra nữa tá tiểu thuyết vào hạng bán chạy nhất. Nhưng tôi đã nói sai, ông không "tung" tiểu thuyết ra đâu. Ông cặm cụi viết nó, sửa đi sửa lại hoài.
Ông thảo một cái đại cương là sáu vạn tiếng, tức khoảng 250 trang giấy như trang này, cho cuốn Arrowsmith của ông nghĩa là mới có cái đại cương mà tiểu thuyết đó đã dài gấp rưỡi những tiểu thuyết trung bình rồi. Có lần ông bỏ ra mười hai tháng để viết một tiểu thuyết về tư bản và lao động, viết xong ông xé hết liệng vào sọt rác.
Ông viết truyện Main Street ba lần. Ông đã mất đúng mười bảy năm mới hoàn thành nó.
Một lần ông bảo tôi rằng nếu ông không viết văn thì ông sẽ dạy tiếng Hy Lạp hay khoa triết lý ở trường đại học Oxford, hoặc vô rừng sâu sống đời một bác tiều phu.
Ông thích mỗi năm sống sáu tháng ở Nữu Ước, và sáu tháng ở một nơi cô tịch trong dãy núi Vermont. Ông có một cái trại trồng cây đường, ông trồng rau lấy để ăn. Và chỉ khi nào ông cần hớt tóc thì ông mới ra chợ.
Tôi hỏi ông: "Được nổi danh như vậy, anh thích không?". Ông đáp:"Bực lắm, anh ơi". Ông bảo nếu phải đáp hết thảy những bức thư người ta gửi tới cho ông, thì không bao giờ còn có thể viết thêm được một cuốn nào nữa, chẳng những vậy, mà không còn cả thì giờ để ngủ. Cho nên ông liệng hầu hết những thư đó vào lò lửa rồi nhìn chúng cháy.
Ông ghét những kẻ đi "săn" chữ ký, ít khi đi ăn cơm khách, và lánh cả những tiệc trà của nhóm văn nhân.
Khi tôi gợi chuyện, hỏi ông về những chiến đấu đầu tiên của ông, ông nói:"Ôi, tôi não lòng khi nghe các ông nhà văn luôn luôn nói về những chiến đấu đầu tiên của mình. Cái tai hại của phần đông các ông ấy là không có dịp chiến đấu nhiều. Họ vào nghề có khó nhọc gì hơn các ông nha sĩ, nha y, luật sư trẻ tuổi đâu mà họ lại hay nói về quãng đời khó khăn họ đã trãi qua".
Tôi bèn nhắc lại cái hồi ông dậy sớm hai giờ trước bữa điểm tâm, xuống bếp đun nước pha cà phê rồi viết ngay ở trong bếp. Tôi nhắc cho ông rằng có lần ông đã phải đi vay ba chục đồng Anh kim, phải làm bếp lấy, luôn sáu tháng viết ngày viết đêm, mà viết xong đem bán chỉ có nửa Anh kim. Nhưng ông bảo như vậy có khó nhọc gì đâu, chẳng qua ông chỉ học cái nghề của ông thôi, mà nghĩ lại, không có thời nào ông vui sướng bằng thời đó.
Tôi hỏi tác phẩm ông đã bán được bao nhiêu cuốn rồi, ông đáp không biết. Tôi xin được biết một số phỏng chừng. Ông đáp: "Thực tình, tôi không biết chút xíu gì việc đó".
Tôi hỏi cuốn Main Street đem cho ông được bao nhiêu tiền. Ông cũng chịu, không đáp được vì ông không bận tâm về vấn đề tiền bạc, nhờ một luật sư lo hết cho ông rồi, mà ông cũng chẳng cần biết kiếm được bao nhiêu tiền nữa.
Ông đã trải qua mọi cảnh ngộ. Thân phụ ông là một y sĩ ở miền quê Minnesota và khi đi mổ xẻ bệnh nhân, thường dắt ông theo để ông phụ lực, chụp thuốc mê giúp. Có lần ông làm việc trong chiếc tàu chở gia súc trên Đại Tây Dương, có lần ông xuống xứ Panama để tìm việc làm. Ông đã làm thơ cho trẻ em đọc, đã bán cốt truyện cho Jach London, đã giúp việc trong tòa soạn một tờ báo cho người điếc.
Tôi hỏi ông:
- Anh bị ba tờ báo mà anh giúp việc đầu tiên đuổi anh ra, phải không?
Ông đáp:
- Sai. Bốn tờ đã đuổi tôi ra, chứ không phải ba.
Một hôm, có người kêu điện thoại, gọi lơ lớ nhhư người Thụy Điển cho ông hay rằng ông được phần thưởng Nobel về văn chương. Ông quen nhiều người Thụy Điển ở Minnesota, và tưởng có ông bạn tác quái nào, giả giọng lơ lớ để đùa cợt ông, và ông bắt đầu nói đùa lại.
Nhưng ít phút sau, ông chưng hửng ra khi biết rằng tin đó đúng, rằng quả thực ông đã được phần thưởng lớn nhất trên văn đàn thế giới!
-
Chương 13 - Đại Tướng George Marshall
Chương 13 - Đại Tướng George Marshall
Quân nhân số một của quân đội Hoa Kỳ trong đại chiến vừa rồi là đại tướng George C. Marshall, tổng tham mưu trưởng.
Con người quan trọng bậc nhất đó ra sao? Thưa bạn theo tướng J. Franklin Bell, cựu tham mưu trưởng, người cộng tác với ông ở Phi Luật Tân thì ông là thiên tài bậc nhất của Châu Mỹ về võ bị từ hồi Stonewall Jackson tới nay.
Được so sánh với Stonewall Jackson không phải là một vinh dự tầm thường đâu. Trong hồi nội chiến Jackson là nhân vật quan trọng được cả phương Nam sùng bái. Tổng thống Abraham Lincoln van vái Thượng đế cho ông một người chỉ huy quân đội phương Bắc có tài như Jackson. Trận mà Jackson điều khiển trong thung lũng Shenadoad ở Virginie hiện nay còn được đem ra dạy trong các trường võ bị châu Âu và được coi là một trong những thắng trận rực rỡ nhất cổ kim.
Tướng Pershing, người cầm đầu quân đội Hoa Kỳ trong đại chiến thứ nhất, tuyên bố rằng tướng Marshall là sĩ quan có giá trị nhất của Hoa Kỳ năm 1918, giao cho Marshall chỉ huy những cuộc hành quân của đại đội thứ nhất, và lãnh nhiệm vụ đó, Marshall đã giải được một cách vẻ vang một vấn đề khó khăn nhất về chiến thuật:
"Tướng Pershing muốn dời đổi trên năm trăm ngàn người, ba ngàn đại bác, bốn chục ngàn tấn quân nhu và ba mươi bốn quân y viện từ Saint Michel tới Argonne. Điều đó là phải di chuyển một cách bí mật để tụi do thám và phi cơ địch khỏi biết. Mà tướng Marshall làm được. Trong hai tuần lễ ông cho quân đội đi băng đồng ban đêm. Quân Đức không nghi ngờ gì cả cho tới khi nửa triệu quân Mỹ đục thủng mặt trận Meuse-Argonne giúp cho đồng minh chiến thắng. Thực hợp lời Abraham Lincoln đã nói trước kia:"Tất cả những hành quân đó đều nhờ thiên tài của mỗi một người".
Tướng Marshall chủ trương sự tôn trọng kỷ luật nhưng bài xích tính vênh váo tàn nhẫn của một số sĩ quan mọi thời.
Khi ông lên chức Tham mưu trưởng, ông làm một cuộc điều tra không tiền trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ. Ông gửi đi một bản kê một trăm mười tám câu hỏi cho ba ngàn lính, bảo họ cứ thành thật đáp, mà giấu tên.
Chẳng hạn:
- Anh có yêu sĩ quan của anh không?
- Nếu có thì anh cho biết tại sao?
- Nếu không thì cũng cho biết tại sao.
- Chúng tôi phải làm cách nào cho các anh thành những binh sĩ giỏi nhất?
- Chúng tôi phải làm cách nào cho quân đội thành một quân đội giỏi nhất?
Cách đó mới mẻ quá đến nổi một số người ngạc nhiên, còn một số khác chế nhạo, khinh bỉ. Nhưng kết quả mỹ mãn. Sự huấn luyện thành ra có tính nhân đạo hơn, và người ta khuyến khích quân lính có sáng kiến hơn. Phương pháp mới đó ảnh hưởng tới khắp các mặt trận.
Tôi chưa được hân hạnh nói chuyện với đại tướng Marshall nhưng đã tiếp chuyện phu nhân. Bà bảo cứ xét bề ngoài cũng thấy ông sanh ra để làm lính, hồi nhỏ còn bận quần cụt mà ông cũng bày trận để chơi, tập cho trẻ hàng xóm diễn binh, cưỡi trên một cây gậy làm ngựa và tấn công lẫn nhau.
Ông muốn vô trường võ bị West-Point nhưng không được vì thân phụ ông là một nggười theo phe dân chủ ở phương Nam, trong một lãnh địa Cộng hòa ở Pennsylvanie. Thành thử ông đành ghi tên vào trường võ bị Virginie ở Lexinton, tại đó ông được bạn bè kính mến nhất.
Ông có tinh thần thể thao, không chịu khai tên một người bạn đã muốn ăn hiếp ông, đã suýt làm ông mất mạng trong một cuộc ẩu đả. Thanh niên đó đâm ông bằng gươm, không cố ý làm ông bị thương nặng. Ông nhất định giấu tên người đó. Tất cả bạn bè ông đều tung nón bê rê lên trời, la lớn: "Hoan hô Marshall! Thằng tướng đó can trường! Nó biết chịu đựng!".
George Marshall đá banh rất tài, làm bạn học phải phục. Trong ba năm đầu, ông cho rằng không có đủ thời giờ chơi môn đó, nhưng đến năm cuối cùng, ông chỉ nghiên cứu thuật chơi trong vài tuần mà bỏ xa các bạn khác trong đội banh của trường.
Mặc dầu ông nhẹ cân, mà ông áp đảo tất cả đối phương và được lựa vào hội tuyển của phương Nam, thật là một vinh dự lớn cho trường.
Bạn thử nghĩ như vậy có phải là một phép màu không vì mới cách đó mấy tuần, ông chưa hề đụng tới trái banh. Tôi cho rằng trọn lịch sử túc cầu, chưa ai làm được kỳ công như vậy.
Những kết quả của ông ở trường võ bị Virginie và tài chỉ huy của ông đưa ông lên chức đại úy, chức cao nhất dành cho sinh viên và cũng là danh vọng lớn nhất của trường.
Giữ chức tham mưu trưởng một đạo quân lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, đại tướng Marshall phải làm biết bao công việc, lãnh những trách nhiệm lớn lao mà hạng trung nhân tất phải qụy xuống, chứ không sao gánh nổi. Vậy mà ông không bao giờ có vẻ gấp rút lo âu. Tôi hỏi bà Marshall về bí quyết của ông. Bà kể bảy bí quyết nhờ nó ông làm việc nhiều không tưởng tượng được mà không mệt mỏi về thần kinh lẫn thể chất.
Bí quyết thứ nhất là không bao giờ đọc những bản phúc trình lôi thôi mà chỉ đọc những bản gọn gàng tóm tắt.
Bí quyết thứ nhì là ông tập đọc mau, tập trung hết tư tưởng vào một vấn đề mà quyết định mau lẹ. Khi ông ở sở ra, mà tối đó phải hội họp ông thường nằm nghỉ, đọc sách một chút rồi đứng dậy đi thay y phục chỉ trong bốn phút thôi, không hơn một phút.
Bí quyết thứ ba là khi ông đã quyết định một điều gì về quân sự rồi thì không phí thì giờ và tinh lực để đắn đo lý lẽ nữa mà chú ý vào sự thực hành quyết định đó.
Bí quyết thứ tư là ông biết rộng và sâu về những vấn đề quân sự. Vào trong phòng của ông, không bao giờ thấy những cây ghim đầu sơn màu cắm trên các bản đồ. Đại tướng thuộc lòng mỗi sư đoàn hiện ở đâu và có nhiệm vụ gì.
Bí quyết thứ năm: ông bắt đầu làm việc mỗi ngày rất sớm. Ông điểm tâm hồi bảy giờ để bảy giờ rưỡi đã có mặt ở phòng giấy. Có lần ông nói:
- Sau ba giờ chiều thì không một ai có một ý gì mới mẻ nữa.
Bí quyết thứ sáu: bữa trưa ông ngủ một giấc ngắn để lấy lại sức. Cũng như Winston Churchill, ông nằm dài ra, nghỉ ngơi trước khi mệt nhọc. Ông đi bộ về nhà ăn bữa trưa, thường dắt theo một sĩ quan vào hàng tá trở lên để vừa đi vừa bàn về chiến thuật. Ăn xong, ông lên tầng ba, nằm trên một chiếc ghế xích đu ở ngoài hành lang, ngủ năm phút rồi dậy, hoàn toàn tỉnh táo.
Sau cùng bí quyết thứ bảy: Ông làm việc có kết quả vì không bao giờ lo lắng. Bà Marshall bảo:
- Tôi sống chung với nhà tôi mười ba năm rồi, tôi đã thấy nhà tôi nhiều lần bận tâm về nhiều vấn đề, nhưng không khi nào lo lắng đến mất giấc ngủ.
Tôi hỏi bà, ông theo cách nào mà quên những nỗi lo lắng đi được thì bà đáp rằng ông có thói quen buổi tối, công việc ở sở xong là không tiếp xúc gì với sở và bạn đồng sự nữa, và không khi nào đem việc sở về nhà làm đêm.
Bà lại nói thêm rằng nhờ nhiều năm theo kỷ luật nhà binh, ông tập được tánh tự chủ. Ông biết rằng nếu lo lắng thì không làm việc được nữa, cho nên ông tự cấm ông lo lắng.
Đây là một thí dụ về đức tự chủ của ông: Xưa, ông hút mỗi ngày hai ba gói thuốc lá, bảy năm trước, thấy sức làm việc do đó giảm đi, ông quyết định thôi hút. Và ông chừa được liền, từ đó không mó tới một điếu thuốc nữa. Muốn thắng trận thì một tướng lãnh trước hết phải tự thắng mình đã.
Muốn quên lo lắng, đại tướng Marshall dùng thì giờ rảnh một cách tích cực hoặc hữu ích như bơi thuyền, cưỡi ngựa, đi coi hát bóng, nói chuyện với vợ. Ông vặn máy thâu thanh, bắt những bản nhạc êm đềm rồi nằm đọc sách ba giờ mỗi tối.
Tài xế của ông thường lại thư viện công cộng đem về mỗi lần độ hai chục cuốn mà viên quản thủ đã lựa sẵn cho ông trong loại sử ký, tiểu sử, thời sự. Ông đọc nhanh kinh hồn, một cuốn hai trăm trang nghiến ngấu trong ba giờ là hết.
Ông đọc khi nào buồn ngủ thì thôi, nửa đêm, nếu thức giấc ông vặn đèn lên đọc tiếp cho tới khi ngủ lại.
Hai danh nhân trong lịch sử đã có ảnh hưởng lớn nhất đến ông là Benjamin Franklin và Robert E. Lee. Ông đã đặc biệt nghiên cứu chiến thuật của Lee, người mà ông rất phục tư cách. Một cuốn sách nữa mà ông đọc đi đọc lại là cuốn tự thuật của Benjamin Franklin một tác phẩm cổ điển của văn học Hoa Kỳ.
-
Chương 14 - Walt Disney
Chương 14 - Walt Disney
Hai chục năm trước, Walt Disney, người đã tạo ra hình con chuột Mickey và Ba con heo nhỏ, có được biết tên tuổi gì đâu. Bây giờ ông được sắp vào hạng danh nhân trên thế giới mà ông mới bốn mươi tuổi. Tự điển Who's Who có ghi tên ông.
Hai mươi mốt năm trước Walt Disney làm chật vật mà không kiếm đủ ăn. Bây giờ thì từ những vườn trà ở Ceylan tới những làng đánh cá ở miền Bắc băng giá, ai cũng biết tên và yêu ông. Cả những người thổ dân ở gần Bắc cực cũng thích những phim hoạt họa về con chuột Mickey chiếu ở Juneau, ở Alaska, đến nỗi họ lập một hội, kêu là hội Mickey.
Hai mươi mốt năm trước, Walt Disney nghèo rớt mùng tơi, bây giờ ông triệu phú. Ông có thể ngồi trong một chiếc xe Rolls Royce lộng lẫy nếu ông muốn, nhưng ông không thích vậy, chỉ thích dùng những xe cũ ông mua lại. Kiếm được bao nhiêu, ông cho vào công việc của ông hết bấy nhiêu. Ông bảo rằng làm được những phim đẹp thích hơn là cóp nhặt cả triệu bạc.
Hồi trước Walt Disney ở Kansas, muốn thành một nghệ sĩ cho nên có lần lại hãng Kansas City Star xin việc. Ông giám đốc đó coi những bức vẽ của ông, bảo ông không có tài, không thâu nhận ông, làm ông thất vọng, đau đớn vô cùng.
Sau ông xin được việc vẽ hình cho các nhà thờ. Tiền công ít quá, nên không mướn được phòng vẽ, phải vẽ trong nhà chứa xe của cha. Hồi đó ông cho vậy là cực, nhưng bây giờ ông nghĩ rằng nhờ làm việc trong không khí hôi mùi dầu mỡ ở trong nhà chứa xe đó mà ông nảy ra một ý đáng giá cả triệu bạc.
Việc xảy ra như vầy: Một hôm một chú chuột cao hứng dạo chơi trên sàn. Ông ngừng vẽ, ngó nó, rồi vô nhà lấy mấy miếng bánh mì vụn nuôi chú ta.
Dần dần quen thuộc, chú chuột dám leo lên bàn vẽ của ông.
Sau đó ít lâu, ông ôm một chồng hoạt họa vẽ con thỏ Owald trên giấy dày, đem lại Hollywood để bán, nhưng chẳng có ma nào mua cả, thành thử ông lại thất nghiệp mà không đồng nào dính túi.
Một hôm, ông đang kiếm ý để vẽ thì sực nhớ đến con chuột nó thường leo lên bàn vẽ của ông ở Kansas.
Tức thì ông vẽ ngay con chuột, và hôm đó con chuột Mickey ra đời, sau thành kép hát nổi danh nhất thế giới.
Mỗi tuần Walt Disney tới vườn Bách Thú để nghiên cứu các loài vật và tiếng kêu của chúng vì trong phim ông muốn cho những con vật đó kêu.
Bây giờ ông không còn vẽ cũng không đặt lời và nhạc cho các phim của ông. Ông có một trăm ba mươi bốn người giúp ông trong những chi tiết đó, để ông rảnh óc tìm ý cho phim và khi ông tìm được một ý nào, ông đem ra bàn với mười hai chuyên viên về truyện phim.
Một hôm, cách đây mười bốn năm, ông đề nghị vẽ một phim hoạt họa diễn một truyện trẻ em mà thân mẫu ông đã kể cho ông nghe hồi nhỏ, tức chuyện Ba con heo và con chó sói.
Các cộng sự viên của ông lắc đầu, Ông bèn thôi ý định, quên ý đó đi. Nhưng ông quên không được lại đề nghị nhiều lần nữa, mà lần nào, các cộng sự viên cũng lắc đầu.
Sau cùng họ nhượng bộ, bảo "Được, để làm thử coi" chứ không tin gì thành công.
Phải mất chín chục ngày mới làm xong phim về chuột Mickey, nhưng phim ba con heo nhỏ thì họ cho là không đáng tốn công như vậy làm gấp chỉ trong sáu chục ngày là xong. Không ai tin rằng nó được hoan nghênh. Vậy mà nó làm vang động thế giới, thực là thành công kỳ dị. Từ những ruộng đồng bông vải ở Georgia, cho tới những vườn trồng táo ở Devon, tới đâu cũng thấy vang lên tiếng ca bài:"Ai thèm sợ con Chó Sói lớn, dữ, con Chó Sói lớn, dữ, con Chó Sói lớn, dữ?".
Có rạp chiếu phim đó ông lời được sáu trăm ngàn Anh kim nhưng Walt Disney nói chỉ lời được hai vạn rưỡi thôi.
Những phim hoạt họa sống được lâu. Hiện nay trong nhiều rạp còn chiếu con chuột Mickey vẽ từ mười năm trước.
Walt Disney tin rằng hễ yêu công việc mình làm thì tất thành công. Ông bảo không bao giờ ông chỉ nghĩ tới việc kiếm tiền. Ông làm việc say mê lắm.
-
Chương 15 - Mark Twain
Chương 15 - Mark Twain
Hollywood đã tiêu 400.000 Anh kim để quay một phim kể đời một trong những người tài giỏi nhất cổ kim của Hoa Kỳ. Ông là văn hào nổi danh nhất thời này và là một cây bút hài hước có nhiều độc giả nhất từ trước đến nay.
Ông học trong một trường làng cất bằng cây cho tới 12 tuổi. Sự học của ông chỉ tới mức đó, vậy mà hai trường đại học Oxford và Yale đã tặng ông những học vị danh dự và những học giả bậc nhất thế giới cầu được vào hàng bạn hữu của ông. Ông viết sách kiếm được hàng triệu Anh kim, có lẽ hơn hết thảy những văn hào mọi thời. Mặc dầu ông đã mất ba mươi bốn năm rồi, mà tiền tác giả của ông về sách, phim và phát thanh vẫn chảy như suối vào tủ sắt người thừa kế ông.
Văn hào đó tên thật là Samuel Langhorne Clemens, nhưng ký bút hiệu là Mark Twain.
Đời Mark Twain là một cuộc phiêu lưu. Ông sống trong một thời đại ly kỳ, đẹp đẽ nhất của lịch sử Hoa Kỳ. Ông sanh một trăm lẻ mười năm trước trong một làng nhỏ ở Missouri, một làng thiêm thiếp ngủ gần bờ sông Mississipi. Hồi đó đường xe lửa ở Mỹ mới cất xong được bảy năm, và Abraham Lincoln còn làm một anh cày ruộng, đi chân không, đẩy một cái cày lưỡi bằng gỗ do một cặp bò kéo.
Mark Twain sống bảy mươi lăm năm sung sướng và mất năm 1910 ở Connecticut. Ông viết hai mươi ba cuốn sách: nhiều cuốn ngày nay đã quên tên, nhưng có hai cuốn: Huckleberry Finn và Tom Swayer sẽ bất hủ và được trân tàng hàng thế kỷ nữa. Hễ trên đời còn thanh niên thì người ta còn đọc hai cuốn đó mà ông đã viết do kinh nghiệm của bản thân ông. Ông viết nó ư? Không? Nó phát từ đáy lòng ông ra.
Mark Twain sanh tại một căn nhà có hai phòng nhỏ ở Floride, xứ Missouri. Phòng ông ở tồi tàn đến nỗi một chủ trại tân thời ngày nay cũng không chịu nuôi bò hoặc gà trong đó. Tám người sống trong hai phòng tối: bảy người trong gia đình và một người tớ gái. Mới sinh ra ông rất yếu ớt. Rồi khi ông lớn lên lần lần, thân mẫu ông phải lo lắng cho ông nhiều hơn hết thảy những người khác trong gia đình họp lại. Ông rất ưa khôi hài, ghét học, chỉ thích ra bờ sông Mississipi nhìn những cù lao bí mật, những bè mảng từ từ trôi và dòng nước cuồn cuộn chảy ra biển. Có khi ông ngồi trên bờ sông mơ mộng hàng giờ.
Ông suýt chết đuối chín lần. Trong khi chơi với bạn, giả làm mọi, làm ăn cướp, trong khi vô coi những cái hang, ăn trứng rùa, ngồi trên mảng trôi theo dòng sông, ông đã thu thập được những kinh nghiệm vô giá về cảnh vật và tính tình để sau này trứ tác.
Ông được di truyền tài hài hước của thân mẫu (...) Năm ông mười hai tuổi, thân phụ ông mất. Ông hối hận vì đã không nghe lời cha, lêu lổng chứ không chịu học, rồi ông khóc, tự trách mình.
Thân mẫu ông rán an ủi ông. Ít hôm sau ông tập sự trong một nhà in để vừa kiếm tiền vừa học thêm.
Hai năm sau, ông thành một ấn công. Một buổi chiều, đi ngoài phố ở châu thành Hannibal, ông lượm được một trang xé trong cuốn sách và bay trên đường.
Việc tầm thường đó đã thay đổi hẳn đời ông. Trang giấy đó kể chuyện Jeanne d'Arc bị quân Anh giam trong ngục ở Rouen. Đọc xong, lòng ông rung động vì sự tàn nhẫn của quân Anh. Ông không hề biết Jeanne d'Arc là ai, chưa hề được nghe tên đó. Nhưng từ hôm ấy, ông đọc bất kỳ sách báo nào nói về vị nữ anh hùng ấy. Trong già nữa đời, ông nghiên cứu về Jeanne d'Arc, rồi viết một cuốn nhan đề là Hồi tưởng Jeanne d'Arc. Các nhà phê bình cho cuốn đó kém xa những cuốn khác của ông, nhưng ông coi nó là một tác phẩm hay nhất ông đã viết. Ông biết rằng nếu ký tên thật, độc giả sẽ tưởng lầm là một tác phẩm hài hước, nên ông phải ký tên khác.
Ông rất vụng về trong việc hùn vốn làm ăn, bỏ tiền vào đâu thì lỗ đó, cho nên năm năm mươi tám tuổi nợ đìa ra. Mà ông lại đương đau nữa, sức đã suy. Ông có thể tuyên bố là phá sản rồi khỏi phải trả nợ, vì hồi đó khắp xứ bị nạn kinh tế khủng hoảng, nhưng không, ông nhất định trả hết nợ bằng cách viết sách và đi khắp thế giới diễn thuyết trong năm năm. Tới đâu công chúng cũng hoan nghênh ông nhiệt liệt, phòng diễn thuyết ông rộng tới mấy cũng không đủ chứa hết thính giả. Khi đã trả hết nợ, ông viết: "Bây giờ tinh thần tôi mới được yên lại không bị như có vật nặng đè lên nó nữa. Bây giờ làm việc mới thích, chứ không thấy là một cực hình nữa".
Ông cưới được một thiếu nữ mà ông yêu ngay từ lúc mới trông thấy tấm hình của cô. Hai ông bà thương nhau lắm. Sách ông viết đều do bà xuất bản. Ban ngày viết được trang nào thì tối đến, ông đặt trên một cái kệ gần đầu giường bà để bà đọc trước khi đi ngủ. Bà sửa cho văn nhã hơn và hoàn toàn tinh xác, ông luôn luôn theo ý bà.
Ông rất sợ làm thất lạc bản thảo nên cấm người ở gái lau bàn viết của ông. Ông thường lấy phấn vạch một đường trên sàn để ngăn một khu vực không cho chị ở bước vào.
Đây là bốn hàng chữ ông khắc lên mộ chí cô Susy con gái ông, mà nếu đem khắc lên mộ chí ông thì cũng rất hợp.
Một trời ấm áp mùa hè, chiếu dìu dịu ở đây nhé.
Gió ấm áp phương Bắc, thổi nhè nhẹ ở đây nhé.
Cỏ xanh phủ lên, êm ái ngủ đi, êm ái ngủ đi!
Xin chúc ai an giấc, an giấc, an giấc. (1)
-
Chương 16 - Andrew Carnegie
Chương 16 - Andrew Carnegie
Song thân ông Andrew Carnegie nghèo tới nỗi khi sanh ông không có tiền mời y sĩ hay cô mụ. Ông bắt đầu kiếm ăn, lãnh mỗi giờ có hai xu, sau gây được một gia tài là bốn trăm triệu Mỹ kim.
Một lần tôi có cơ hội lại thăm nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở Dunfermline, xứ Ecosse. Nhà chỉ có hai phòng: phòng dưới là xưởng dệt của thân phụ ông, phòng trên gác nhỏ xíu, tối tăm, thấp, sát mái, làm chỗ ăn ngủ cho gia đình.
Khi gia đình Carnegie tới Châu Mỹ, thân phụ Andrew dệt khăn trải bàn và đem bán dạo từng nhà. Bà thân ông giặt mướn tại nhà và khâu giày cho một người thợ giày. Andrew chỉ có mỗi một chiếc áo sơ mi mà bà thân ông giặt rồi ủi mỗi tối, khi ông đi ngủ rồi. Bà cụ làm việc từ mười sáu đến mười tám giờ mỗi ngày, và Andrew rất yêu quý cụ. Khi ông hai mươi hai tuổi ông hứa với mẹ rằng mẹ còn sống thì ông không lấy vợ. Ông giữ được lời hứa đó. Ba chục năm sau khi cụ quy tiên rồi, ông mới lập gia đình. Lúc đó ông đã năm mươi hai tuổi, và năm sáu mươi hai tuổi ông mới sanh cậu con một. Hồi nhỏ ông nói hoài với bà cụ:
- Má, sau này con sẽ giàu có để má có áo lụa bận, có người ở để sai và có riêng một chiếc xe để đi.
Ông thường bảo nhờ bà cụ mà ông thông minh, có nhiều khả năng và lòng yêu mẹ đã là nguyên động lực giúp ông thành công rực rỡ. Khi cụ mất, ông đau khổ trong nửa tháng, mỗi lần nhắc đến tên cụ là ông nghẹn ngào, không nên lời. Một lần ông trả hết nợ cho một bà già xứ Ecosse để bà này lấy lại được căn nhà đã cầm cố cho người khác, chỉ vì bà giống bà cụ thân sinh ra ông.
Ai cũng cho rằng Andrew Carnegie là ông vua thép mà ông không biết chút gì về sản xuất thép. Hàng trăm ngàn người làm việc cho ông chắc chắn hiểu kỹ thuật đó hơn ông. Như ông biết dùng người, và đức này đã làm cho ông hóa ra giàu có. Ngay từ hồi nhỏ ông đã tỏ ra có thiên tư xuất chúng, trong nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo, làm cho người khác vui lòng giúp mình.
Có lần ở Ecosse, hồi còn bé ông bắt được con thỏ cái. Ít lâu sau thỏ cái sinh được một bầy con, nhưng ông không có gì để nuôi chúng. Ông nảy ra một ý tài tình: ông bảo trẻ con hàng xóm hễ kiếm đủ rau để nuôi thỏ thì ông lấy tên mỗi đứa đặt cho một con thỏ. Kế hoạch đó kết quả lạ lùng.
Về sau, Carnegie dùng thuật tâm lý đó trong công việc làm ăn. Chẳng hạn ông muốn bán đường rầy cho công ty xe lửa Pennsylvania Railroad. Hội trưởng công ty hồi đó là J. Edgar Thomson. Andrew Carnegie cho cất ở Pittsbung một xưởng lớn dát mỏng thép mà ông đặt tên là "xưởng thép J.Edgar Thomson". Tất nhiên là ông Thomson khoái chí và bằng lòng mua liền những đường rầy của xưởng mang tên mình.
Hồi đầu, Andrew Carnegie làm một anh đưa điện tín ở Pittsbung. Mỗi ngày lãnh được năm cắc mà ông đã lấy làm mãn nguyện lắm. Nhưng ông không biết châu thành Pittsbung và sợ mất việc nên phải học thuộc lòng tên và địa chỉ của tất cả các hãng trong khu vực buôn bán.
Ông chỉ thèm làm điện tín viên thực thụ, thèm muốn chết đi, và buổi tối ông học chữ moóc, sáng tới sớm để tập đánh tin. Một buổi sáng có tin quan trọng đặc biệt. Ở Philadelphie người ta gọi Pittsbung, gọi mấy lần mà chưa có điện tín viên nào tới. Andrew Carnegie chạy lại, nhận tin, chuyển tin và tức thì được nhắc lên chân điện tín viên, lương gấp đôi. Sau này ông thích kể lại lần thành công đầu tiên đó. Một bạn thân của ông tóm tắt luân lý trong truyện thành một câu ngộ nghĩnh dưới đây mà chúng ta nên ngẫm nghĩ kỹ:
"Muốn trở nên một người ra sao thì phải hành động như đã là con người ấy".
Nghị lực không có gì thắng nổi và lòng cao vọng phóng túng của Andrew Carnegie làm cho nhiều người để ý tới ông. Công ty Pennsylvania Railroad dựng một đường dây thép tư, Andrew Carnegie được công ty dùng làm điện tín viên rồi ít lâu sau lãnh chức thư ký riêng của Giám đốc phân khu.
Một ngày nọ, một việc bất ngờ đưa ông lên con đường giàu sang. Một người ngồi bên cạnh ông trong toa xe lửa đưa cho ông coi bản đồ một kiểu toa mới, có chỗ nằm mà người đó mới vẽ xong. Hồi đó ghế nằm chỉ là những băng dài đóng vào hai bên hông toa chở hàng. Bản đồ mới giống kiểu toa ngày nay. Carnegie có óc sáng suốt đặc biệt của người Ecosse. Ông hiểu rằng sáng kiến đó hứa hẹn được nhiều. Ông vay tiền, hùn thêm một phần vốn quan trọng vào xí nghiệp, được hưởng những số lời lớn và năm ông hai mươi lăm tuổi, nội việc hùn vốn đó đã đem cho ông năm ngàn Mỹ kim mỗi năm.
Một làn khác, một chiếc cầu cây trên đường hỏa xa cháy và sự giao thông phải ngưng trệ trong nhiều ngày. Lúc đó Andrew Carnegie làm giám đốc một ngành trong công ty. Ông hiểu rằng những cầu cây sẽ bị loại và thép sẽ là vật liệu trọng dụng. Ông vay tiền, lập một công ty làm những cầu sắt, và tiền lời ùn ùn vô mau quá, làm ông gần hoa cả mắt.
Ông mó cái gì là cái đó biến thành vàng. Ông lên như diều. Vận may, một vận may không thể tưởng tượng được bám riết lấy ông. Ông với vài người bạn mua một cái trại giá bốn chục ngàn Mỹ kim, ở giữa một khu có mỏ dầu lửa, tại Pennsylvanie và chỉ trong một năm lời được một triệu Mỹ kim. Khi con người quỉ quyệt đó hai mươi bảy tuổi thì lợi tức mỗi tuần đã được ngàn Mỹ kim rồi, mà mười lăm năm trước chỉ kiếm được hai cắc rưỡi mỗi ngày.
Việc dưới đây xảy ra năm 1862, Lincoln đương làm Tổng Thống. Nội chiến đương dữ dội. Sắp có nhiều sự thay đổi lớn. Biên giới mở rộng ra. Miền Tây xa xôi bắt đầu được khai phá. Những đường xe lửa sẽ đặt khắp trong nước. Nhiều thành thị lớn sẽ dựng lên. Châu Mỹ lảo đảo trước một kỷ nguyên mới mê hồn.
Và Andrew Carnegie, với những lò nấu thép phun khói và lửa của ông, bị lôi cuốn trong ngọn thủy triều đương dựng đó, ông dựng được gia tài khổng lồ ngoài sức tưởng tượng.
Vậy mà ông không phải là hạng người làm chết bỏ, Ông thích la cà. Ông bảo rằng những người cộng tác với ông biết nhiều hơn ông, và chính những người đó kiếm tiền cho ông. Người Ecosse có tính biển lận. Ông là người Ecosse mà lại không biển lận khi chia lời. Ông để các cộng tác với ông hưởng chung, và chắc chắn ông là người đã gây cho nhiều người nhất thành triệu phú. Trong đời ông, ông chỉ được học có bốn năm, vậy mà ông viết tám cuốn sách về du ký, tiểu sử, cảo luận và biên khảo kinh tế. Ông tặng sáu chục triệu Mỹ kim cho các thư viện công cộng và sáu mươi tám triệu nữa cho công việc cải thiện giáo dục.
Ông thuộc hết thảy những bài thơ của Robert Burns và có thể đọc thuộc lòng trọn bộ những kịch Macbeth, Vua Lear, Romeo và Juliet, Nhà buôn ở Venice của Shakespeare.
Ông không theo một tôn giáo nào cả mà tặng bản ngàn đàn ống cho các giáo đường.
Ông đã tặng tới ba trăm sáu mươi lăm triệu Mỹ kim. Các nhật báo tổ chức những cuộc thi và thưởng người nào chỉ được cho ông cách hữu ích nhất để tiêu hết đống vàng của ông, vì ông đã tuyên bố rằng chết giàu là chết nhục.
-
Chương 17 - Enrico Caruso
Chương 17 - Enrico Caruso
Khi Enrico Caruso mất năm 1921, hồi bốn mươi tám tuổi, hàng triệu người buồn rầu, vì giọng hát của thời đại đã bặt hẳn từ ngày đó. Ông đã tắt nghỉ trong tiếng vỗ tay khen ông ở khắp thế giới văng vẳng bên tai ông. Ông làm việc quá sức, bị cảm hàn nhẹ, nhưng ông coi thường không thèm chữa, và suốt sáu tháng ông can đảm chống cự với thần chết, trong khi một triệu tín đồ yêu ông cầu nguyện cho ông qua khỏi.
Giọng hát mê hồn của Caruso không phải là do trời cho mà là phần thưởng của nhiều năm gắng sức, kiên nhẫn luyện tập, giữ vững quyết định.
Mới đầu giọng ông nhỏ quá, nhẹ quá đến nỗi thầy dạy hát bảo ông:"Anh không thể hát được. Anh không có giọng. Anh hát như tiếng gió thổi vào cửa lá sách vậy".
Trong nhiều năm giọng ông vỡ ra và một lần ông bị thính giả huýt còi. Ít người đã được uống cạn ly rượu thành công như ông, vậy mà hồi danh thịnh nhất, nhớ lại ngày xưa đã thất bại, ông thường đau đớn đến sa lệ.
Má ông mất khi ông mười hai tuổi và từ đó, bất kỳ đi đâu, ông cũng mang theo một tấm hình của bà cụ.
Bà cụ sanh hai mươi mốt lần mà chỉ nuôi được có ba người con. Vốn quê mùa cụ có biết gì khác ngoài sự làm ăn khó nhọc và nhẫn nhục đau khổ, vậy mà cụ có linh tính bảo rằng một người con trai của cụ có thiên tài, danh tiếng sẽ vang lừng, và không có việc nào ích lợi cho con, mà cụ không làm, dù phải hy sinh rất lớn. Caruso thường vừa khóc vừa nói: "Má tôi nhịn mua giày dép, đi chân không, để tôi có tiền học hát".
Hồi ông mới mười tuổi, thân phụ ông bắt ông thôi học, cho ông vào làm trong một xưởng. Mỗi tối, sau khi làm việc xong, ông học đàn, nhưng mãi đến năm hai mươi mốt tuổi, ông mới được vui vẻ ca hát từ giã xưởng.
Người ta cho ông hát trong một quán cà phê, không chịu trả công ông mà chỉ cho ông ăn bữa tối. Ông vồ ngay lấy cơ hội ấy.
Sau cùng ông được hát trong một nhạc kịch trường. Lần đó mới thực là lần may mắn đầu tiên của ông. Trong lúc diễn thử, ông bị kích thích quá, thành thử giọng ông bể ra như những mảnh kính. Ông thử đi thử lại mấy lần, nhưng kết quả chỉ tai hại, ông khóc mướt, chạy về nhà.
Lần đầu ra sân khấu, ông lảo đảo, tới nổi thính giả huýt còi phản đối. Lần đó ông chỉ đóng một vai tạm để thay thế vai chánh. Một tối, vai chánh thình lình đau mà ông không có mặt ở rạp. Người ta bảo đi tìm ông khắp đường phố. Sau cùng người ta thấy ông trong một tiệm rượu, gần say khướt. Hay tin, ông chạy một mạch về rạp, tới nơi ông hết hơi, người nóng bừng vì rượu và vì không khí trong phòng thay quần áo. Rồi thình lình trái đất quay như chong chóng. Và khi Caruso bước ra sân khấu, ông hát bậy bạ như điên, cả rạp nhao nhao lên phản đối.
Sau buổi hát đó, ông bị đuổi. Hôm sau ông đau lòng quá, thất vọng quá, muốn tự tử.
Trong túi chỉ còn mỗi một đồng, đủ để mua một chai rượu. Ngày hôm đó ông nhịn đói. Và đúng lúc ông đương nghĩ nên tự tử cách nào thì một người nhạc kịch trường sai tới đẩy cửa bước vào, la:
- Caruso! Về rạp ngay đi! Thính giả không muốn nghe ca sĩ đó nữa. Họ huýt còi đuổi hắn ra khỏi sân khấu rồi. Họ la đòi anh ra. Đòi anh cho kỳ được!
Caruso đáp:
- Đòi tôi! Họ khùng hở? Tại sao lại đòi tôi? Họ có biết tên tôi là gì đâu mà đòi tôi?
- Họ không biết tên anh thật. Nên họ bảo gọi cái anh say rượu hôm qua ra. Thì là anh chứ còn ai nữa!
Khi Enrico Caruso mất, ông có mấy triệu bạc. Chỉ riêng một việc hát để người ta thu thanh vào đĩa, ông cũng kiếm được bốn trăm ngàn Anh kim rồi. Nhưng vì nhớ lại cảnh nghèo hồi bé, nên ông mới cần kiệm ghi hết thảy những chi phí bất kỳ lớn nhỏ vào một cuốn sổ cho tới khi ông chết.
Có lẽ phút vui nhất trong đời ông là lúc ông được bồng đứa con gái ông lần đầu. Ông nói đi nói lại hoài rằng ông chỉ cần đợi khi nào con gái ông lớn một chút, chạy lăng xăng trong nhà, và mở được cửa phòng ông mà vô là ông mãn nguyện rồi. Và một hôm, ở Ý, ông đứng bên cạnh chiếc dương cầm, thì sở nguyện của ông thực hành được: con gái ông chạy vô, ông bồng nó lên, rồi nước mắt dòng dòng, ông nói với vợ: "Mình còn nhớ không, anh chỉ mong mỏi được thấy lúc này?".
Không đầy một tuần sau ông mất.
-
Chương 18 - Dorothy Dix
Chương 18 - Dorothy Dix
Theo ý bạn, ký giả nào có nhiều độc giả nhất? Tôi thì cho rằng ký giả đó là một người đàn bà sung sướng nhất Hoa Kỳ, vì đã giúp cho đủ hạng người giải quyết những vấn đề tình cảm của họ. Đã bao lâu nay, bà là người mẹ, là giáo sĩ rửa tội cho hàng triệu người đau khổ, cả đàn ông lẫn đàn bà. Chưa có ai đã tránh cho đồng bào được nhiều vụ li dị, đã cứu vớt được nhiều gia đình như bà.
Tên bà là Elizabeth Meriwether Gilmer. Bạn chưa nghe nói về bà ư? Có chứ! Đã nghe nói nhiều lần rồi, nghe tên Dorothy Dix nhiều lần rồi chứ! Dorothy Dix chính là bà. Hồi mới cầm viết, bà lựa bút hiệu đó vì bà thích nó, mà cũng vì bà muốn kỷ niệm một người mọi tên là Dix đã hầu hạ gia đình bà lúc bà còn nhỏ.
Vậy bà ký tên Dorothy Dix dưới những bài đăng trong hai trăm tờ nhật báo, để cho hàng triệu độc giả khắp thế giới đọc, từ Luân Đôn tới Châu Úc, từ Nữu Ước tới Nam Mỹ và Nam Phi Châu.
Cách đây ít lâu, tôi hân hạnh được uống trà với bà ở New Orleans, bà kể chuyện về tuổi thơ, về sự giáo dục của bà trong mười năm, sau cuộc nội chiến. Thân phụ bà có một trại nuôi ngựa giống ở biên giới Tennessee và Kentucky. Gia đình bà là một gia đình cổ ở phhương Nam vì chiến tranh mà sa sút. Bà nói:
- Chúng tôi sống kỳ cục lắm, nghèo không ra nghèo, sang không ra sang. Ngôi nhà cũ của chúng tôi đẹp lắm, chung quanh có những cánh đồng cỏ mơn mởn, bò và cừu mập ú, nhởn nhơ bên cạnh những cánh đồng trồng lúa và bông vải. Ăn thì chén dĩa bằng bạc. Như tiền thì không có.
Bà bận những đồ bằng len nhà, dệt ở hàng xóm. Bà thích kể rằng vú nuôi của bà là một con ngựa cái để đua, vì già và bệnh tật nên được thả ở trước nhà. Bà nói thêm:
- Tôi biết cưỡi ngựa trước khi đi học. Ba tôi đặt tôi lên lưng ngựa, tôi níu chặt bờm ngựa trong khi nó ăn cỏ. Khi nào nó luồng qua một sợi dây thừng mắc quần áo hoặc một cành cây là tôi bị hất xuống đất. Tôi la hét cho tới khi có người chạy ra bồng tôi lên, đặt tôi trên lưng ngựa.
Một chị vú da đen dạy cách ăn nói cư xử cho bà và chị em bà. Trong bữa cơm, chị ta đứng sau lưng bà, rình như một tên lính gác. Vô phúc mà láu ăn hoặc bốc đồ ăn hoặc khóc thì, cốp! Bị cú trên đầu liền.
- Ăn uống cho đàng hoàng. Đừng làm như những thằng nhỏ mất dạy da trắng đó nữa!
Ba đứa nhỏ phải chơi một mình, làm lấy đồ chơi mà chơi. Nhưng chơi với chó và ngựa, thú vị biết bao! Bà nói:
- Chúng tôi được tự do như chim trên trời vậy. Không bị bó buộc gì hết. Muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Chúng tôi thắng yên cương rồi cho ngựa chạy phi vô rừng, đằng sau là một bầy chó sủa vang trời. Chúng tôi biết hết cả những bí mật của rừng, những chỗ chim cùn cút trốn ở đâu, chim ưng làm tổ ở đâu, thỏ giấu con ở đâu. Chúng tôi cũng biết chỗ nào có trái lý dại và mùa thu tới, chỗ nào có những hạt dẽ ngon nhất. Lòng tự tin của chúng tôi tăng lên rất mau, vì chúng tôi biết xoay sở lấy, biết biển báo khi gặp nỗi khó khăn.
Đây là một điều lạ lùng nhất về bà. Chính một ông cụ già gần như điên, đã dạy bà được nhiều điều rất quí. Ông cụ đó là bạn cũ của ông nội bà và sống trong nhà bà như người thân. Không những cụ dạy bà tập đọc mà còn hướng dẫn bà yêu những sách quí trong tủ sách nhà nữa. Bà nói:
- Chưa đầy hai mươi tuổi, tôi đã thuộc lòng Shakespeare, Scott, Dickens, tôi đã đọc Smollet, Fielding và Richardson. Không có sách để trẻ em đọc, tôi đành nhai đại những sách khó tiêu nhất nhưng bổ ích của người lớn. Và lúc nào tôi cũng thấy sung sướng được đọc những sách đó.
Bà đi học trường nhà nước rất ít.
Cha tôi cho tôi lại học trường cô Alice hay cô Jenny không phải vì các cô ấy dạy giỏi mà chỉ vì thân phụ các cô ấy đã có công lao với xứ sở, hoặc làm đại tá dưới quyền chỉ huy của tướng Beauregard, hoặc đã tử trận ở Gettysburg. Làm sao được? Đó cũng là một cách giúp các cô ấy sống.
Trước khi biết bảy lần bảy là bốn mươi chín, bà đã leo cây giỏi như một con sóc và cưỡi ngựa tài như một chú nài. Sự thật bà chỉ được học trong những sách cũ của thân phụ để lại.
Rồi năm mười tám tuổi, bà về nhà chồng, tính sống cuộc đời yên ổn như mọi thiếu phụ khác trong trường hợp đó. Nhưng một bi kịch xảy ra, vùi bà trong một tai biến về hai phương diện gia đình và tài chánh. Mới cưới nhau được ít lâu, chồng bà thành một người tàn tật, một phế nhân. Bà phải săn sóc chồng, nuôi chồng cho tới khi chồng chết, trong ba mươi lăm năm đằng đẳng. Lúc đó bà không biết làm sao kiếm đủ nuôi thân mình, đừng nói là nuôi chồng nữa. Bà lo lắng quá, hóa đau, phải tới Gulf Coast ở Mississipi để dưỡng sức.
Lần đi xa nhà đó đã làm thay đổi hẳn đời bà. Trong khi nghỉ ngơi trên bờ biển, bà viết một truyện ngắn kể một việc xảy ra trong gia đình bà hồi nội chiến. Song thân bà sợ những đồ quí bằng bạc bị lính phương Bắc cướp mất, sai một tên nô lệ đem chôn ở bên mộ tổ tiên. Hắn chôn xong còn làm phép phù thủy yếm cho kẻ trộm khỏi tới gần. Bà bán truyện đó cho một bà hàng xóm làm chủ nhiệm một tờ nhật báo lớn nhất miền Nam, tờ Picayune ở New Orléans. Người ta trả bà ba Mỹ kim và dùng bà làm phóng viên trong tòa soạn. Như vậy bà chỉ kiếm được năm Mỹ kim mỗi tuần, vừa đủ cho hai ông bà sống, nhưng nhờ viết phóng sự mà sau này bà nổi danh khắp trong nước.
Công việc đầu tiên của bà là mỗi chủ nhật viết một bài dài khuyên bảo phụ nữ về đời tình cảm của họ đối với chồng con.
Phần đông nữ sĩ viết một lối văn cầu kỳ. Họ rán dùng một bút pháp có vẻ thông thái, độc đáo để tỏ ra mình hơn người, họ muốn tự tạo một tư cách "thượng đẳng". Dorothy Dix trái lại, viết rất giản dị, thành thử nữ độc giả thích ngay. Bà không cần tự tạo một tư cách giả tạo, chính bà đã có một tư cách chân thực, mạnh mẽ của một phụ nữ Mỹ sống giữa thiên nhiên và những truyền thống của một gia đình cổ phương Nam. Một xã hội càng rập theo đời sống mới nhất luật bao nhiêu thì lại càng trọng những người còn giữ được cái ý nhị, tự nhiên của cổ nhân bấy nhiêu. Ở thời đại này, nhiều người nhờ bí quyết đó mà thành công trong nghề viết văn, nghề làm báo, truyền thanh, hát bóng, diễn kịch...
Những bài của Dorothy Dix được hoan nghênh nhiệt liệt. William Rodolp Hearst luôn luôn tìm những tài ba mới, tặng bà những số tiền lớn để bà viết cho tờ Evening Journal ở Nữu Ước. Bà cần tiền lắm nhưng không bỏ chủ báo cũ, vì chính nhờ tờ Picayune mà bà đã học được nghề viết báo. Vả lại lúc đó chủ tờ Picayune đau, cần bà ở lại giúp việc. Vì vậy bà không nhận lời William Rodolp Hearst, nhưng năm 1901, khi chủ báo cũ mất, bà qua viết tờ Evening Journal. Trong hai chục năm sau chẳng những bà giữ mục Tâm tình mà còn viết nhiều bài phóng sự lớn để đứng về phương diện nhân đạo mà phê bình những tin tức kích thích nhất, như vụ xử lớn về hình sự. Chẳng hạn bà viết phóng sự vụ xử Harry K. Thaw, nhà triệu phú ở Pittsburg đã giết kiến trúc sư nổi danh nhất Nữu Ước là Stanford White(...) Bà thuật lại vụ Hall Mills, một tội đại hình bí mật nhất của thế kỷ XX.
Thành thử một thiếu nữ rất giản dị, mà hồi hai mươi tuổi còn quê mùa, chưa đi xe lửa quá sáu lần, chưa đi coi hát hoặc ra thành thị quá hai lần, sống trong một trại hẻo lánh ở Kentucky, nay đã thành một ký giả nổi danh nhất Nữu Ước.
Người ta thường hỏi bà có phải chính bà viết những bức thư ký tên độc giả rồi lại tự đáp trên mục "Thư tâm tình" không. Bà đáp:
- Đâu có vậy! Cần gì phải thế? Mỗi ngày tôi nhận được từ một trăm tới một ngàn bức thư của độc giả mà!
Những bức thư đó là những tài liệu lạ lùng về lòng người. Người ta không giấu giếm gì cả, cởi hết lòng với bà. Đọc nó, bà biết được hơn ai hết những thắc mắc của con người thời này.
Bà được các trường Đại học Tulane và Oglethorpe tặng nhiều vinh hàm, nhưng vì bà không có con, nên những vinh hàm đó không làm cho bà vui bằng khi nhận được những hàng chữ như vầy của thanh niên đau khổ, hoang mang: "Tôi trọng bà hơn má tôi, tôi biết rằng bà hiểu tôi..."
-
Chương 19 - Zane Grey
Chương 19 - Zane Grey
Zane Grey đã chiến đấu với cơ hàn và thất vọng để chiếm được một địa vị trong hàng những tiểu thuyết gia nhiều độc giả nhất đương thời. Và ông chiến đấu như vậy khi ông sống trong một ngôi làng nhỏ.
Các nhà báo ngày nay trả ông vạn rưỡi Anh kim để ông viết cho một truyện, mà hồi đầu thì mỗi cuốn của ông bán không được ba đồng. Các nhà xuất bản nói rằng luôn ba năm nay mỗi năm trung bình bán được trên một triệu cuốn của Zane Grey, nhưng hồi mới viết, ông thất bại phải sống trong cảnh đói rét.
Thân phụ ông chỉ muốn ông học nghề nha y mà ông thì cho làm nha y chẳng hơn gì thợ mỏ. Nhưng lệnh cha, ông đâu dám cãi, cho nên ông phải học nghề nhổ răng, và mở một phòng nhổ răng cho thiên hạ trong nhiều năm.
Trong khi tay ông nhổ răng cấm, răng nanh thì óc ông chỉ nghỉ đến công việc khác, đến việc viết truyện.
Năm tháng trôi qua, ông càng thấy không chịu nổi bi kịch hàng ngày của ông. Ông khinh tởm nghề của ông mà cứ sáng sáng phải đánh xe tới phòng nhổ răng, như một tên nô lệ bị người ta quất, bắt phải chèo thuyền tới ngục tối vậy.
Sau khi quyết định làm một nhà văn, ông bỏ nghề nha y, dọn về một làng nhỏ để có thể sống kiệm tiện, vừa săn bắn, câu cá kiếm ăn, vừa tập viết.
Ông khó nhọc hàng tháng, có khi trọn một năm để viết một truyện, sửa đi sửa lại, đổi tình tiết, đổi nhân vật. Viết xong, ông đọc lớn tiếng từ đầu tới cuối, giọng hăng hái. Ông thấy hay lắm, tin chắc rằng mình sắp thành một văn hào. Khốn nỗi, ngoài ông ra, chẳng ai tin như vậy cả. Trong khắp xứ, không một nhà xuất bản nào chịu mua truyện của ông.
Ông đem hết tâm trí và thì giờ để viết luôn trong năm năm đằng đẳng, và trong năm năm ấy ông không kiếm được lấy một xu. Chơi dã cầu trong một đội nhà nghề thì thỉnh thoảng lại kiếm được ít nhiều, còn viết tiểu thuyết thì tuyệt nhiên không.
Một hôm ông đương tìm cách bán một tiểu thuyết thì gặp đại tá Buffalo. Đại tá muốn kiếm một người biết viết lách đi theo qua miền Tây để chép du ký. Zane Grey vồ ngay lấy cơ hội, nghĩ sắp được sống một cuộc đời phiêu lưu mà mê mẫn cả tâm thần.
Sống sáu tháng với bọn cao bồi và các bẫy ngựa rừng ở miền Tây, ông trở về nhà, viết tiểu thuyết nhan đề The last of the Plainsmen. Lần này ông chắc chắn có người mua bèn gởi bản thảo cho nhà xuất bản Harper và đợi hai tuần, không thấy tin tức gì, ông nóng lòng quá, chạy lại hỏi nhà đó.
Người ta trả bản thảo, nói: "Chúng tôi ân hận lắm, nhưng đọc hết cuốn mà không thấy chút gì chứng tỏ rằng ông có thể viết tiểu thuyết được". Lòng ông tan nát. Ông choáng váng. Cuốn đó là cuốn thứ năm bị từ chối. Có ai cầm gậy đập mạnh vào đầu ông, cũng không làm ông điếng người bằng. Loạng choạng xuống thang gác, ông phải bíu chặt một cột đèn cho khỏi té, và bản thảo kẹp ở nách, ông dựa cột nước mắt chảy dòng dòng.
Ông về nhà, đau đớn thất vọng. Ông đã sống nhờ bà vợ có chút của riêng, nhưng sau năm năm hết nhẵn tiền rồi mà nhà lại thêm một đứa con thơ nữa. Hai vợ chồng chán nản quá. Nhưng bà vợ cũng rán khuyến khích ông thử viết thêm một truyện nữa. Lúc đó vào cuối đông. Lò sưởi nhỏ quá, không đủ ấm, tay ông cóng lại, cứ viết được năm phút lại phải mở lò, đưa hai bàn tay lại gần ngọn lửa để sưởi.
Suốt mùa đông đó và cho tới mùa hè năm sau, ông cặm cụi viết tiểu thuyết đó, và khi viết xong, ông lại mang đến nhà xuất bản Harper. Cuồng loạn vì thất vọng, ông yêu cầu ông giám đốc nhà đó đem về nhà và đích thân đọc giùm cho ông. Hai ngày sau, Zane Grey trở lại, ông giám đốc cười, nói: "Nhà tôi thức gần trọn đêm hôm qua để đọc tiểu thuyết ông, khen là hay. Vậy chúng tôi xuất bản cho ông".
Nhan đề truyện đó là Heritage of the Desert. (Di sản của sa mạc). Sách ra được hoan nghênh nhiệt liệt.
Vậy sau mấy năm nghèo khổ và thất bại. Zane Grey đã thành một nhà văn kiếm được nhiều tiền nhất và một tiểu thuyết gia được nhiều người đọc nhất đương thời. Vì từ hồi đó, ông đã xuất bản khoảng sáu chục truyện và độc giả đã mua của ông trên mười lăm triệu cuốn.
-
Chương 20 - Zane Grey
Chương 20 - Zane Grey
Zane Grey đã chiến đấu với cơ hàn và thất vọng để chiếm được một địa vị trong hàng những tiểu thuyết gia nhiều độc giả nhất đương thời. Và ông chiến đấu như vậy khi ông sống trong một ngôi làng nhỏ.
Các nhà báo ngày nay trả ông vạn rưỡi Anh kim để ông viết cho một truyện, mà hồi đầu thì mỗi cuốn của ông bán không được ba đồng. Các nhà xuất bản nói rằng luôn ba năm nay mỗi năm trung bình bán được trên một triệu cuốn của Zane Grey, nhưng hồi mới viết, ông thất bại phải sống trong cảnh đói rét.
Thân phụ ông chỉ muốn ông học nghề nha y mà ông thì cho làm nha y chẳng hơn gì thợ mỏ. Nhưng lệnh cha, ông đâu dám cãi, cho nên ông phải học nghề nhổ răng, và mở một phòng nhổ răng cho thiên hạ trong nhiều năm.
Trong khi tay ông nhổ răng cấm, răng nanh thì óc ông chỉ nghỉ đến công việc khác, đến việc viết truyện.
Năm tháng trôi qua, ông càng thấy không chịu nổi bi kịch hàng ngày của ông. Ông khinh tởm nghề của ông mà cứ sáng sáng phải đánh xe tới phòng nhổ răng, như một tên nô lệ bị người ta quất, bắt phải chèo thuyền tới ngục tối vậy.
Sau khi quyết định làm một nhà văn, ông bỏ nghề nha y, dọn về một làng nhỏ để có thể sống kiệm tiện, vừa săn bắn, câu cá kiếm ăn, vừa tập viết.
Ông khó nhọc hàng tháng, có khi trọn một năm để viết một truyện, sửa đi sửa lại, đổi tình tiết, đổi nhân vật. Viết xong, ông đọc lớn tiếng từ đầu tới cuối, giọng hăng hái. Ông thấy hay lắm, tin chắc rằng mình sắp thành một văn hào. Khốn nỗi, ngoài ông ra, chẳng ai tin như vậy cả. Trong khắp xứ, không một nhà xuất bản nào chịu mua truyện của ông.
Ông đem hết tâm trí và thì giờ để viết luôn trong năm năm đằng đẳng, và trong năm năm ấy ông không kiếm được lấy một xu. Chơi dã cầu trong một đội nhà nghề thì thỉnh thoảng lại kiếm được ít nhiều, còn viết tiểu thuyết thì tuyệt nhiên không.
Một hôm ông đương tìm cách bán một tiểu thuyết thì gặp đại tá Buffalo. Đại tá muốn kiếm một người biết viết lách đi theo qua miền Tây để chép du ký. Zane Grey vồ ngay lấy cơ hội, nghĩ sắp được sống một cuộc đời phiêu lưu mà mê mẫn cả tâm thần.
Sống sáu tháng với bọn cao bồi và các bẫy ngựa rừng ở miền Tây, ông trở về nhà, viết tiểu thuyết nhan đề The last of the Plainsmen. Lần này ông chắc chắn có người mua bèn gởi bản thảo cho nhà xuất bản Harper và đợi hai tuần, không thấy tin tức gì, ông nóng lòng quá, chạy lại hỏi nhà đó.
Người ta trả bản thảo, nói: "Chúng tôi ân hận lắm, nhưng đọc hết cuốn mà không thấy chút gì chứng tỏ rằng ông có thể viết tiểu thuyết được". Lòng ông tan nát. Ông choáng váng. Cuốn đó là cuốn thứ năm bị từ chối. Có ai cầm gậy đập mạnh vào đầu ông, cũng không làm ông điếng người bằng. Loạng choạng xuống thang gác, ông phải bíu chặt một cột đèn cho khỏi té, và bản thảo kẹp ở nách, ông dựa cột nước mắt chảy dòng dòng.
Ông về nhà, đau đớn thất vọng. Ông đã sống nhờ bà vợ có chút của riêng, nhưng sau năm năm hết nhẵn tiền rồi mà nhà lại thêm một đứa con thơ nữa. Hai vợ chồng chán nản quá. Nhưng bà vợ cũng rán khuyến khích ông thử viết thêm một truyện nữa. Lúc đó vào cuối đông. Lò sưởi nhỏ quá, không đủ ấm, tay ông cóng lại, cứ viết được năm phút lại phải mở lò, đưa hai bàn tay lại gần ngọn lửa để sưởi.
Suốt mùa đông đó và cho tới mùa hè năm sau, ông cặm cụi viết tiểu thuyết đó, và khi viết xong, ông lại mang đến nhà xuất bản Harper. Cuồng loạn vì thất vọng, ông yêu cầu ông giám đốc nhà đó đem về nhà và đích thân đọc giùm cho ông. Hai ngày sau, Zane Grey trở lại, ông giám đốc cười, nói: "Nhà tôi thức gần trọn đêm hôm qua để đọc tiểu thuyết ông, khen là hay. Vậy chúng tôi xuất bản cho ông".
Nhan đề truyện đó là Heritage of the Desert. (Di sản của sa mạc). Sách ra được hoan nghênh nhiệt liệt.
Vậy sau mấy năm nghèo khổ và thất bại. Zane Grey đã thành một nhà văn kiếm được nhiều tiền nhất và một tiểu thuyết gia được nhiều người đọc nhất đương thời. Vì từ hồi đó, ông đã xuất bản khoảng sáu chục truyện và độc giả đã mua của ông trên mười lăm triệu cuốn.
-
Chương 21 - Đề Đốc Byrd
Chương 21 - Đề Đốc Byrd
Năm 1910 một thiếu niên ở Winchester (tiểu bang Virginia) chép nhật ký. Đọc truyện đề đốc Peary hùng tâm gắng sức để tiến tới Bắc cực, em nhỏ mười hai tuổi đó cao hứng viết vào trong tập:
- Tôi đã quyết định sẽ là người thứ nhất tới được Bắc cực.
Và tức thì em dự bị cho một cuộc mạo hiểm gay go đó. Em vốn sợ lạnh, để tập chịu lạnh, em mặc những quần áo mỏng hơn và bỏ luôn chiếc bành tô. Sau em nhỏ tới được bằng phi cơ và là người thứ nhất tới Nam cực. Tên của em như bạn đã đoán được, là Richard Evelyn Byrd.
Đề đốc Byrd nghĩ rằng những khoảng băng tuyết mênh mông ở Nam cực lần lần thu lại và hằng trăm ngàn mẫu đất hoang hiện nay băng phủ, một ngày kia có thể thành một miền phú nguyên dồi dào vô cùng. Vì vậy ông quyết tâm cắm cờ Hoa Kỳ trên đất đó và chiếm nó cho xứ sở ông. Ý kiến của ông có thể đúng. Chính tôi đã thấy những mỏ than ở cách Bắc cực sáu trăm cây số và phần đông các nhà địa chất học tin rằng có những mỏ than vĩ đại và có lẽ cả những mỏ dầu lửa nữa ở gần Bắc cực.
Đời Đề đốc Byrd là một tấm gương rực rỡ của một em nhỏ có lòng cao vọng không hề lay chuyển, và thắng được những trở ngại nhiều vô kể để làm được những việc lớn.
Nó cho ta thấy rõ giá trị thực tế của một mục đích độc nhất. Kẻ nào ngay từ nhỏ đã vạch một mục đích lớn và suốt đời không rời bỏ quyết định chủ yếu đó thì có việc gì mà làm không được!.
Trước hết, Byrd du lịch để coi các miền xa lạ. Hồi mười bốn tuổi ông đã đi vòng quanh địa cầu, mà đi một mình! Rồi ông trở về nhà, vô trường đại học, nhưng học thì ít mà luyện các môn đấu quyền, vận lộn, đá banh thì nhiều. Ông chơi hăng quá đến nỗi gãy một chân, bể xương mắt cá, thành tàn tật mà thủy quân cho ông là không hợp cách nên miễn dịch ông. Bạn thử tưởng tượng: chưa đầy ba chục tuổi bị miễn dịch vì không đủ sức... biết bao người trong địa vị ông đã chán nản, tự cho là đời mình bỏ đi rồi!
Nhưng Byrd không chịu thua. Ông tuyên bố rằng một người không cần đứng được mới lái nổi phi cơ, và dù chân ông có tật, mắt cá gãy nát, ông vẫn có thể lái phi cơ như thường. Nghĩ vậy, ông tập lái phi cơ, bị ba tai nạn, có lần máy bay của ông đâm vào một chiếc máy bay khác, nhưng rốt cuộc ông cũng lấy được bằng cấp phi công.
Luôn luôn khao khát mạo hiểm, ông nóng lòng được bay trên những khoảng băng tuyết ở Bắc cực, nơi mà từ trước chưa phi công nào dám bay tới. Nhưng ông bị người ta từ chối mấy lần.
Trước hết, ông định thám hiểm bằng một khí cầu máy, chiếc Shenandoah khi bay thử, chiếc khí cầu đó đâm bổ xuống đất, tan nát. Rồi ông xin chính phủ cho phép bay thử để hoàn thành một phi cơ có thể vượt Đại Tây Dương. Chính phủ từ chối vì ông tàn tật.
Ông lại năn nỉ người ta cho phép ông cầm lái một chiếc trong đoàn phi cơ mà Amundsen tính dùng để bay trên miền băng gần Bắc cực. Người ta lại từ chối nữa, lần này vì lý do ông đã có gia đình. Mấy lần thất vọng liên tiếp như vậy rồi cuối cùng lại thêm cái tin rằng Thủy quân miễn dịch ông lần nữa, cũng vẫn vì cái chân có tật của ông.
Chắc chắn là sở Thủy quân không thể lầm được, nhưng Byrd có quan niệm lố lăng này, là óc sáng kiến, lòng can đảm và trí thông minh quan trọng hơn một cái chân lành mạnh. Ông vận động, kiếm được những nhóm tư nhân chịu bỏ tiền giúp công việc thám hiểm của ông và tức thì ông phiêu lưu, làm cả thế giới ngạc nhiên. Ông vượt Đại Tây Dương, lên tới Bắc cực, liệng một chiếc cờ Hoa Kỳ xuống, rồi xuống Nam cực, cắm một chiếc cờ Hoa Kỳ khác.
Và khi ông trở về xứ sở thì hai triệu người hoan hô ông cuồng nhiệt có phần hơn dân La Mã hoan hô César thắng Pompée nữa.
Và rốt cuộc, chính phủ Hoa Kỳ tặng chức Đề đốc cho con người mà mười bốn năm trước bộ Hải quân đã chê là tàn tật và cho miễn dịch.
-
Chương 22 - Winston Churchill
Chương 22 - Winston Churchill
Tôi luôn luôn ngạc nhiên về điều này, nhiều việc xảy ra nghe chẳng có gì quan trọng cả mà sau lại làm thay đổi cả lịch sử. Chẳng hạn, bốn năm trước khi Nội chiến bộc phát, trong năm kinh khủng 1857, một người tên là Leonarl Jerome đầu cơ ở Wall Street mà kiếm được một trăm ngàn Anh kim. Việc đó trừ Leonard Jerome, có ai cho là quan trọng đâu. Vậy mà bây giờ nhớ lại, ta thấy nó ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử hiện đại. Vì nếu người đó Leonard Jerome không đầu cơ được số tiền lớn đó, thì có lẽ Winston Churchill không sinh ra đời: Leonard Jerome chính là ông nội của Churchill.
Được số tiền một triệu hai trăm ngàn Anh kim, Loenard Jerome mua một phần hùn lớn trong tờ Times ở Nữu Ước, lập hai trường đua lớn ở Mỹ, du lịch khắp thế giới, giao du với hạng quí tộc Anh. Và kết quả là người con gái mỹ miều, có duyên của cụ, cô Jenny Jerome cưới nhà quí phái Randolph Churchill. Và do cuộc hôn nhân đó mà Churchill ra đời vào ngày 30 tháng mười một năm 1874, trong một lâu đài nổi danh nhất ở Anh, lâu đài Benheim.
Đời của Winston Churchill mới hoạt động, kỳ dị làm sao!
Trên hoàn vũ tôi không thấy một người nào khác mà cuộc đời gồm được nhiều kích thích, nhiều mạo hiểm, nhiều nỗi vui và hứng thú như đời ông. Trên một phần ba thế kỷ, ông nắm quyền hành ghê gớm trong tay, ảnh hưởng lớn vô cùng. Năm 1911, ông là quan văn đứng đầu Hải quân Anh. Trên một phần ba thế kỷ, ông tạo nên anh hùng và thời thế.
Ngay từ hồi bé, Winston Churchill đã muốn là một quân nhân, suốt ngày bày trận. Sau ông tốt nghiệp trường võ bị Sandhurt. Trong mấy năm ông đăng lính, chiến đấu với kỵ binh cầm thương của Bengale (Ấn Độ), chiến đấu với Kitchener ở sa mạc Soudan, chiến đấu với quân FuzzWuzzies.
Từ năm 1900, ông đã nổi danh vì liều lĩnh, can đảm, nổi danh tới nỗi mới hai mươi sáu tuổi đã được bầu vào nghị viện.
Việc xảy ra như vầy: Năm 1899, ông xung phong qua Nam Phi, làm thông tin viên lấy tin tức về chiến tranh Boer cho tờ Morning port, lương hai trăm rưỡi Anh kim mỗi tháng. Lương đó cao, nhưng ông lãnh nó cũng đáng, vì ông là một thông tin viên nổi danh nhất trong lịch sử Anh. Không những ông chép tin gởi về, mà ông còn tạo ra tin tức nữa, nghĩa là tiến sâu vào khu vực của địch, trong một toa xe võ trang bị tấn công bằng đại bác, rồi bị quân Boer bắt, nhốt khám, rồi ông vượt ngục, làm cho quân Boer phát điên lên, vì để một tù binh trong hàng quí phái Anh trốn thoát.
Ra khỏi ngục, ông còn phải vượt mấy trăm cây số trên địa phận của địch có lính Boer gác các đường xe lửa và cầu, ông đi bộ hoặc trốn trong các toa chở hàng, ngủ trong rừng, trong đồng lúa hoặc mỏ than, ngụp trong đồng lầy, qua sông. Ông đi qua những cánh đồng Châu Phi, trong bầy kên kên bay lượn trên đầu chỉ đợi ông mệt quá, gục xuống là chúng tha hồ mổ, rỉa.
Truyện vượt ngục của ông đã là tuyệt hay rồi. Mà ông lại còn viết cho độc giả mê nữa. Bài ông đăng trên tờ Morning post năm 1900 có tiếng vang dữ dội, người Anh nào cũng hăm hở, thành kính đọc. Ông được họ coi là vị anh hùng của dân tộc. Có người đem truyện ông đặt thành lời ca: hàng vạn người bu lại nghe ông diễn thuyết, và ông được nhiệt liệt bầu vào Nghị viện vì hoạt động và danh tiếng của ông.
Châm ngôn của ông là: "Không bao giờ chạy trốn nguy hiểm". Năm 1921, ông qua Mỹ để diễn thuyết bốn mươi lăm lần, mỗi lần được hai trăm hai mươi Anh kim. Nhưng công ty Công an Scotland Yard thấy có thể nguy tới tính mệnh ông, cho ông hay có một bọn người bất mãn ở nhiều nơi trong đế quốc Anh đã họp nhau ở Mỹ thành một hội mà ty Công an gọi là Hội Ám Sát, ông tượng trưng cho các nhà cầm quyền Anh, rất có thể bị chúng bắn trong khi đi khắp nơi diễn thuyết ở Mỹ. Mặc dầu được ty Công an cho hay như vậy, ông cũng cứ đi. Khi tới một tỉnh miền Tây Hoa Kỳ, có người báo cho ông rằng vài hội viên trong Hội Ám Sát đã mua giấy vào nghe. Trưởng ty Công an đó hoảng, ra lệnh bãi bỏ cuộc diễn thuyết, nhưng người tổ chức cuộc diễn thuyết không chịu. Churchill bảo người này:"hành động như ông là phải. Thấy nguy hiểm, không bao giờ được quay lưng chạy. Nếu chạy thì nguy hiểm tăng lên gấp đôi, còn nếu như mạnh bạo xông lại nó, thì nó giảm đi được một nữa. Đừng bao giờ trốn cái gì. Bất kỳ cái gì!"
Đã không trốn nguy hiểm, Churchill còn thường tìm nó. Khi ông đứng đầu Hải quân Anh, ông có được khoảng mười hai chiếc máy bay vừa lớn vừa nhỏ. Hồi đó vào năm 1911, máy bay mới xuất hiện được tám năm, cho nên lái phi cơ không khác gì giỡn với tử thần, vậy mà Churchill cũng nhất định đòi lái lấy, mấy lần bị tai nạn suýt chết. Chính phủ phải ra lệnh cấm, ông không nghe. Ông thích cái nguy hiểm đó và muốn biết rõ về phi cơ vì ông tiên đoán rằng phi cơ sẽ cách mệnh chiến thuật. Hải quân Anh có không lực mạnh mẽ là nhờ công của ông.
Một đức tính siêu phàm của ông nữa là tính quả quyết gang thép, nhờ vào giáo dục của ông. Hồi trẻ ông là một sinh viên rất tầm thường. Ông ghét tiếng La-tinh, tiếng Hy Lạp, ghét Toán học, và Pháp văn. Ông tin chắc rằng trước hết phải thông tiếng Anh đã rồi mới học ngoại ngữ, và tất nhiên là ông có lý. Nhưng vì ông khinh Ngoại ngữ, và toán pháp, nên ông ngồi gần cuối lớp trong ban dự bị vào đại học. Và đây mới là điều lạ: con người ghét toán sau làm giám đốc ngân khố quốc gia, giữ nền tài chánh của Anh trong bốn năm.
Ba lần thi vô trường võ bị Sandhurst rớt cả ba. Lần thứ tư mới đậu.
Rồi một hôm, sau khi tốt nghiệp hai trường Harrow và Sandhurst - hai trường lớn nhất ở Anh, ông thấy một điều - mà nhiều sinh viên tốt nghiệp ở đại học ra đã thấy - là mình thực ra chẳng biết chút gì cả. Lúc đó ông hai mươi hai tuổi, làm sĩ quan trong quân đội Anh ở Ấn Độ, tức thì ông quả quyết tự học, viết thư về cho thân mẫu ở Anh, xin người gởi qua những sách về tiểu sử danh nhân, lịch sử triết lý và kinh tế. Trong khi các bạn sĩ quan ngủ để tránh cái nóng nung người ban trưa, thì ông nghiến ngấu đọc đủ các sách từ Platon tới Gibbon và Shakespeare. Ông bỏ mấy năm luyện lối văn sáng sủa và bóng bẩy mà ta thấy trong các diễn văn và tác phẩm của ông, một lối văn hùng hồn và du dương. Vốn ăn nói vụng về, ông đã tự luyện cho thành một nhà hùng biện hạng nhất cổ kim.
Khi giữ chức thủ tướng, ông làm việc từ mười bốn tới mười bảy giờ mỗi ngày, mỗi tuần ông thường việc cả bảy ngày. Ngay bây giờ ông còn làm việc hăng hái, và các thư ký của ông không được nghỉ tay. Ông làm việc được như vậy nhờ vừa làm vừa nghỉ, và nghỉ trước khi mệt. Mười giờ rưỡi sáng ông mới dậy, nhưng ba giờ trước khi dậy, ông ngồi dựa lưng ở giường, miệng ngậm một điếu xì gà lớn, kêu điện thoại, đọc thư cho thư ký chép, đọc báo, các bản phúc trình và điện tín. Rồi ông mới đứng dậy đi cạo râu bằng một con dao cạo kiểu cũ.
Một giờ trưa ông ăn cơm, ngủ một giờ, rồi làm việc. Năm giờ lại leo lên giường, ngủ nữa giờ. Ăn bữa tối xong, ông thường làm việc tới nữa đêm.
Một loạt diễn văn của ông đã gom vào một cuốn nhan đề là Trong khi nước Anh ngủ. Trong mấy năm, khi mà phần nhiều chính khách Anh ngủ, hoàn toàn quên đại chiến nó sắp chìm đắm thế giới, thì ông cảm thấy nguy cơ Hitler. Trong sáu năm, từ 1933 đến 1939, gần như ngày nào ông cũng la rằng Đức quốc đương tái võ trang, rằng Hitler đương đóng xe tăng, chế đại bác, phi cơ, dự định thả bom xuống nước Anh, đánh đắm tàu Anh và chiếm thế giới. Ông đã thấy trước tất cả những điều đó: nếu nước Anh nghe lời tiên đoán của ông mà tăng binh bị để sẵn sàng đương đầu với nguy cơ thì đại chiến thứ nhì có lẽ chỉ là một ảo mộng của một kẻ điên.
-
Chương 23 - Henry J. Kaiser
Chương 23 - Henry J. Kaiser
Nhà kinh doanh đã xuất đầu lộ diện mau nhất trong đại chiến vừa rồi là Henry J. Kaiser. Không phải là quân nhân mà giúp cho quân đội Hoa Kỳ chiến thắng, thì công đó, ít ai hơn ông. Trước chiến tranh, tên tuổi ông có mấy ai biết tới, nhưng chỉ trong vài năm, những xí nghiệp mênh mông của ông phát triển lạ lùng. Ông có tới bảy xưởng lớn đóng tàu, làm việc đêm ngày không nghỉ để cung cấp cho quân đội những tàu chở hàng, tàu dầu, khu trục hạm và hàng không mẫu hạm. Ông cũng có một xưởng chế tạo máy bay khu trục và nhiều bộ phận rời.
Ông xây cất và điều khiển một xưởng lớn sản xuất rất nhiều ma-nhê-di, thứ kim thuộc cực nhẹ, trọng yếu bực nhất trong thời chiến tranh đó.
Khi ông không kiếm ra được số thép cần dùng nữa, ông dựng ngay một xưởng nấu thép, xưởng đầu tiên ở phía tây dãy núi Đá, có đủ lò luyện sắt và máy dát kim loại. Rồi ông mua một mỏ sắt để có đủ quặng dùng, lại mua nhiều mỏ than để có đủ than đốt lò.
Ông và các hội viên của ông dự vào công việc vớt các tàu Nhật đánh đắm ở Trân Châu Cảng, xây nhiều căn cứ hải quân cho phi cơ ở Wake Island, Midway và Guam, lại xây một phần đại lộ quân sự tiến về Alaska lập ở xứ này nhiều phi trường cho nhà binh, nhiều đài phát thanh, đào nhiều giếng dầu, dựng một nhà máy lọc dầu. Đặt sáu trăm cây số ống dẫn dầu ở miền cực Bắc, và xây nhiều cống ngăn trên kinh Panama.
Ông có xưởng chế tạo xi măng lớn nhất thế giới. Ông đã lưu lại một công trình lớn là xây ba cái dập quan trọng nhất thế giới: đập Boulder trên sông Calorado, đập Bonneville trên sông Columbia ở Oregon (nhiều kỹ sư cho rằng không thể nào xây đập này được), và cũng trên sông đó, đập vĩ đại Grand-Coulee.
Henry Kaiser thành một trong những chủ nhân ông có danh nhất Châu Mỹ. Nhưng vì ông thân mật với mọi người nên người thường đều coi cái con người lớn, mập và hói đó như bạn bè vậy. Người ta yêu ông vì ông giản dị, vui vẻ và hăng hái.
Trước chiến tranh ông chưa hề đóng một chiếc tam bản nào gọi là có. Vậy mà chỉ trong bốn năm ông thành một nhà đóng tàu nhiều nhất và lớn nhất từ xưa tới nay.
Ông đã cách mạng hẳn một trong những kỹ nghệ cổ nhất của loài người: kỹ nghệ đóng tàu. Hồi đó người ta phải mất sáu tháng mới đóng xong một chiếc tàu, mà xưởng Oregon của ông chỉ mười ngày là giao được một chiếc Liberty Ship. Khi các thợ của ông ở Californie hay tin đó, họ thề với nhau phải phá kỷ lục ấy cho được. Họ can đảm bắt tay vào việc, và chiếc Robert E. Peary mà lườn được lắp đúng nữa đêm chủ nhật, hoàn toàn đóng xong và thả xuống nước chiều thứ năm. Vậy, một công việc hồi trước làm trong sáu tháng, có khi trọn một năm, thì bây giờ chỉ làm trong bốn ngày rưỡi.
Tất nhiên, lần đó chỉ là một thí nghiệm, một sự ganh đua, chứ không thể bắt thợ tuần nào cũng gắng sức như vậy được, nhưng hãng của ông cũng tiếp tục đóng được những chiếc Liberty Ship trong một tháng là xong, từ khi lắp lườn đến khi thả xuống nước.
Ông thích làm tận lực như vậy, sống mãnh liệt trong cơn lốc bất tận. Ông rất ham bắt tay vào những việc mà các nhà chuyên môn cho là thực hành không được.
Khi ông đề nghị đóng tàu theo cách dây chuyền, ông có biết chút gì về cách đó đâu. Từ trước ông chỉ được thăm mỗi xưởng đóng tàu, nhưng ông nghĩ rằng. Không biết chút gì về những khó khăn trong nghề đó có lẽ lại là cái lợi nhất cho ông. Ông nhất định không chịu theo lối cổ truyền là lắp lườn trước rồi mới lắp những bộ phận khác của tàu lên cái lườn đó. Trong thời chiến tranh cần phải làm mau hơn. Ông ra lệnh cho các kỹ sư sửa soạn một xưởng lớn gấp ba những xưởng thường, đủ chỗ cho hàng ngàn thợ cùng làm tại đó một lúc, và cả ba phần của tàu, tức mũi, đuôi và thân tàu phải đóng cùng một lúc ba chỗ khác nhau.
Khi đóng mọi bộ phận rồi, một cái máy cổ hạc vĩ đại lớn hơn những máy dùng từ trước tới nay rất nhiều, kẹp mỗi bộ phận, đem lại đặt vào chỗ của nó ở trong tàu. Rồi người ta hàn kỹ những bộ phận đó với nhau. Ông dùng rất ít đinh tán vì cách đó chậm. Một sáng kiến nữa của ông là lắp các bộ phận của tàu theo cách dây chuyền như lắp xe hơi vậy. Ông và đội kỹ sư của ông lại có ý phóng ngược nhiều bộ phận, như cái mui tàu chẳng hạn, để thợ có thể làm ở dưới, đỡ mệt hơn là cứ phải đưa tay lên trời mà làm việc. Đóng xong thì một máy cổ hạc sẽ lật úp nó lại rồi đưa đi, đặt vào chỗ của nó trong tàu.
Ngay từ hồi nhỏ, Henry J. Kaiser đã có tài tưởng tượng, đức nhiệt thành và một tham vọng bền bĩ nó làm cho ông giàu có và nổi danh. Tổ tiên ông là người Đức, cha ông làm thợ giày, khó nhọc mà không đủ nuôi một gia đình bốn con. Vì ông là con trai độc nhất trong nhà, ông phải thôi học từ hồi mười một tuổi để kiếm tiền giúp cha. Ông xin được một chân giao hàng trong một cửa hàng lớn ở Nữu Ước. Ban ngày làm cho người, nhưng ban đêm thì làm theo sở thích: hồi đó ông mê chụp hình. Thấy sách nào ở thư viện công cộng ông cũng đọc nghiến ngấu. Rồi ông xin được một chân giúp việc cho một tiệm chụp hình tại ngoại ô Lake Placid. Ông không coi công việc ông làm là một công việc mà cho nó là một trò vui, một trò chơi, một nỗi thích thú. Ông đem cả tấm lòng hăng hái của tuổi xanh vào việc bán máy ảnh, việc rửa hình cho các nhà chơi ảnh. Ông lại in cả bưu thiếp có dán hình Lake Plaud để bán. Sau ba năm ông hoàn toàn làm chủ cửa tiệm. Sau năm năm ông mở thêm nhhững tiệm chụp hình khác ở Palm Beach và Daytona Beach tại Floride. Bây giờ thì ông không có tới một cái máy chụp hình nữa.
Muốn kinh doanh những xí nghiệp lớn hơn, ông bỏ nghề luôn và bổ nhào tới miền duyên hải tây bắc Thái Bình Dương hồi đó mới bắt đầu khai thác. Ông đi chào hàng cho công ty Hawkeye Sand and Gravel ở Spokane, rồi thành hội viên của công ty vì hùn một phần tiền lương vào công việc làm ăn.
Một hôm ông đi thăm một xí nghiệp ở Chicago khởi sự nhiều công việc quan trọng cho thành phố Spokane. Ông muốn bán một món hàng cho xí nghiệp, món hàng đó là sự hợp tác của ông: xí nghiệp dùng ông liền.
Khi ông hai mươi chín tuổi, ông bỏ địa vị làm công ra kinh doanh. Vốn ông chỉ vỏn vẹn vài cái xe bù ệt cũ, ít cái máy trộn xi măng và bốn con ngựa, hết thảy đều là mua chịu. Nhưng ông còn những số vốn khác không hiển hiện bằng, song quan trọng nhiều hơn, là tinh lực kinh nghiệm, trí phán đoán, lòng hăng hái và một nghị lực bất biến, luôn luôn muốn tiến tới. Sau hai tháng, ông lãnh việc lát đường, khoảng hai trăm năm chục ngàn Mỹ kim. Lúc này ông bắt đầu giàu có. Chỉ trong vài năm xí nghiệp của ông lát cả ngàn cây số đại lộ trên bờ biển Thái Bình Dương.
Nhưng ông vẫn thường nói rằng ông không thích tiền. Thực vậy. Ông còn thì giờ đâu để tiêu tiền? Ông rất ít khi rảnh để đọc sách, coi hát bóng hoặc đi nghỉ mát, thì giờ làm việc của ông còn thiếu kia mà! Và ông làm việc rất hăng, càng làm được nhiều càng thích. Ông có một căn trong một khách sạn ở Hoa Thịnh Đốn, một căn trong một khách sạn khác ở Nữu Ước, ngày nào ông cũng mất hằng giờ hội họp, tiếp điện thoại ở xa. Từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương, tất cả những phòng giấy quan trọng của xí nghiệp ông đều mắc điện thoại vào chung một mạch điện để cho những người cộng tác với ông có thể theo dõi và dự vào những cuộc thảo luận bàn tính của ông trong công việc làm ăn. Phí tổn tất nhiên lớn lắm, mỗi năm tới hai trăm ngàn Mỹ kim tiền điện thoại. Điện tín của ông gởi tới các công sở tới tấp như mưa, hoặc để biện hộ cho ông, hoặc để hăm dọa chính phủ, hoặc để xin việc này việc khác. Ít khi ông ngủ suốt đêm quá năm giờ. Người ta tự hỏi sống đời hoạt động cuồng nhiệt như vậy mà sao ông không chết vì đau tim hoặc vi trùng phong.
Ông đã cất một ngôi nhà nghỉ mát ở bờ hồ Tahoe, trong dãy núi Sierra Nevada, tại trên cao hai ngàn thước. Cách thức xây cất đặc biệt là của ông. Ông hấp tấp chở những xe ủi đất, những máy đào đất, những máy cổ hạc tới hồ Tahoe, ông bắt những kíp thợ làm việc ngày đêm dưới ánh đèn giọi, để phá rừng, vỡ đất, lắp vũng. Ông cất một ngôi nhà lớn bằng đá, bốn biệt thự cho khách khứa và một cái ụ để tàu, chỉ trong có hai mươi tám ngày, cất nóng nảy, hấp tấp như là sợ nền văn minh sắp lâm nguy vậy. Đó con người của ông như vậy.
Trong suốt kỳ đại chiến vừa rồi, ông chỉ sản xuất cho chính phủ, nhiều người nghĩ rằng ông tiến lên được như vậy nhờ chiến tranh thì sau chiến tranh, do sự cạnh tranh của các xí nghiệp và sự đảo lộn của các điều kiện kinh tế, ông khó giữ được địa vị, nhưng ông vẫn hy vọng giữ được. Ông đã lập một phòng tìm tòi nghiên cứu gồm nhiều kỹ sư, bác học, sáng chế gia, kỹ thuật gia, chuyên môn gia, nhà nào cũng có óc làm lớn, trông rộng, và cũng có đủ tài tưởng tượng để chế tạo những hóa phẩm mới, xây dựng những kỹ nghệ mới, cho công nhân sau chiến tranh còn được dùng tới một mức cao.
Ông nghĩ rằng nếu dùng những vật liệu nhẹ hơn thì có thể đóng được những tàu chạy nhanh hơn, phí tổn chở chuyên nhẹ hơn và cả ngàn người chưa đi du lịch bao giờ sẽ có thể vượt biển được.
Còn về ngành xe hơi thì ông nói:"Thấy một chiếc xe nặng một ngàn năm trăm kí lô mà chỉ chở một người nặng bảy mươi lăm kí lô, tôi ngao ngán lắm". Ông tính dùng một kim thuộc cực nhẹ và những chất dễ nặn để đóng những chiếc xe hơi chỉ nặng bằng một phần ba những xe hơi hiện thời, còn máy thì ông cho chạy bằng dầu xăng chạy máy bay.
Ông cũng hy vọng chế tạo được nhiều phi cơ chắc chắn cho những bà già cũng dám leo lên và cực rẻ cho các ông già cũng dám bỏ tiền ra mua.
Quả thật ông là người lạc quan. Ông nói: Kỹ thuật tiến mãnh liệt, như một cái nồi sôi sùng sục. Không thể ngồi đè lên nắp của nó được, nó sẽ văng ta ra bốn phương trời, tan tành như pháo.
-
Chương 24 - Charles Dickens
Chương 24 - Charles Dickens
Cách nay gần đúng trăm năm, và gần đúng vào ngày lễ Giáng Sinh, một cuốn sách nhỏ được xuất bản ở Luân Đôn, một tiểu thuyết sau này thành bất hủ. Nhiều người cho cuốn đó là "cuốn sách nhỏ có giá trị nhất thế giới". Khi cuốn đó phát hành, những người Anh quen nhau mà gặp nhau trên đường Strand hoặc Pall Mall đều hỏi nhau: "Ông đã đọc cuốn đó chưa?". Và ai cũng đáp:"Có, tôi đọc rồi, cầu Trời phù hộ cho ông ấy".
Nội ngày đầu, sách đã bán được một ngàn cuốn. Trong nữa tháng, sách bán được mười lăm ngàn cuốn. Rồi từ đó sách tái bản không biết bao nhiêu lần, được dịch ra gần đủ các thứ tiếng. Ít năm sau, J.P. Morgan mua bản thảo bằng một giá không tưởng tượng được; và hiện nay bản thảo ấy nằm chung với những bảo vật vô giá khác, trong phòng triển lãm mỹ thuật của ông ở Nữu Ước mà ông gọi là thư viện của ông.
Cuốn sách nổi danh khắp thế giới đó là cuốn gì? Là cuốn Christmas Carol (Bài hát lễ Giáng Sinh) của Charles Dickens.
Charles Dickens thành nhà văn viết nhiều nhất và được độc giả thích nhất trong văn học sử Anh; vậy mà khi ông bắt đầu viết, ông sợ bị người ta chế nhạo tới nỗi phải lén lút đi bỏ bản thảo đầu tiên của mình vào thùng thư trong đêm tối để không ai thấy sự cả gan của mình.
Khi truyện ông viết được xuất bản, ông hai mươi hai tuổi, ông vui sướng quá đỗi, đi lanh thang không mục đích trong phố phường, lệ chảy ướt đầm mặt.
Người ta không trả cho ông một xu nhỏ nào về truyện đó. Và tám truyện sau đem cho ông được bao nhiêu tiền, bạn thử đoán xem? Không có một đồng nào hết. Hoàn toàn không. Nhưng ông vẫn cố gắng viết, lấy sự sáng tác làm lẽ sống ở đời. Sau cùng khi người ta chịu trả tiền, thì ông cũng chỉ được lãnh một ngân phiếu là một Anh kim cho mỗi truyện. Vâng, ông chỉ được lãnh một Anh kim về truyện đầu; nhưng truyện cuối của ông đã đem lại cho người thừa kế ông ba Anh kim một chữ tức cái giá cao nhất từ hồi khai thiên lập địa đến nay, chưa tác giả nào được lãnh! Ba Anh kim mỗi chữ!(1)
Phần đông nhà văn, chết rồi thì chỉ trong vòng năm năm là không ai biết tới, nhớ tới tên tuổi của mình nữa.
Còn Dickens mất đã sáu mươi ba năm mà các nhà xuất bản vẫn trả cho người kế thừa ông trên bốn vạn Anh kim về truyện Đức Chúa Jesus, một cuốn sách nhỏ ông viết riêng cho các con ông đọc.
Trong khoảng trăm năm nay, tiểu thuyết của Charles Dickens bán mạnh một cách kỳ dị. Chỉ thua tác phẩm của Shakespeare và Thánh Kinh. Cả trên sân khấu lẫn trên màn ảnh, những tiểu thuyết đó luôn luôn được hoan nghênh.
Trong suốt đời ông, ông chỉ đi học không đầy bốn năm, vậy mà ông viết mười bảy tiểu thuyết có danh nhất bằng tiếng Anh. Song thân ông điều khiển một trường học, nhưng ông không hề tới trường đó, vì trường mở cho thiếu nữ, và treo một bảng đồng có hàng chữ: "Trường của bà Dickens" nhưng sự thực thì trong cả thành Luân Đôn chẳng có lấy được một thiếu nữ nào lại đó học.
Mà số nợ thì mỗi ngày một cao, một tăng lên. Chủ nợ kiện, rủa, đập bàn. Rốt cuộc, bất bình quá, họ làm cho thân phụ Dickens phải vào khám.
Tuổi thơ của Dickens thực là nghèo khổ và thương tâm, thương tâm cũng chưa đúng, phải nói là bi thảm. Mới mười một tuổi đầu thì cha bị nhốt khám, gia đình túng quẫn quá, không có gì ăn; cho nên mỗi buổi sáng, chàng phải lại tiệm cầm đồ cầm vài đồ lặt vặt còn lại trong nhà. Chàng phải bán cả những cuốn sách chàng nâng niu, bán mười cuốn mà chỉ có những cuốn đó là làm bạn với chàng thôi, ngoài ra không ai chơi với chàng hết. Sau này chàng nói:"Khi tôi bán những cuốn đó, tôi thấy muốn đứt ruột".
Sau cùng bà thân của Dickens dắt theo bốn người con vào khám ở với chồng. Mỗi buổi sáng, khi mặt trời mọc chàng vào khám ở với gia đình suốt ngày. Đến tối chàng về căn phòng ảm đạm ở gác thượng, sát nóc nhà, ngủ với hai đứa nhỏ khác. Cảnh của chàng lúc đó như cảnh địa ngục. Sau chàng xin được việc dán nhãn lên những ve thuốc nhuộm đen trong một kho đầy những chuột. Tháng đầu lãnh được ít đồng, chàng mướn một phòng khác, một cái hang nhỏ tối tăm cũng ở gác thượng sát nóc với một đống màn gối dơ ở trong một góc; vậy mà Dickens bảo rằng cái hang đó đối với chàng"không khác gì cảnh thiên đàng".
Dickens tả nhiều cảnh linh động về đời sống hoàn toàn hạnh phúc trong gia đình. Nhưng hôn nhân của ông là một sự thất bại, một sự thất bại buồn rầu, bi thảm.
Ông sống hai mươi ba năm với một người vợ mà ông không thương. Bà vợ sanh được mười người con. Cảnh nghèo khổ cứ mỗi năm một tăng. Khắp thế giới ngưỡng mộ ông mà trong nhà ông, toàn là cảnh đứt ruột. Sau cùng, đau khổ quá lắm, không chịu nỗi nữa, ông phải làm một việc mà hồi đó coi là động trời: Ông đăng ngay trên mặt báo của ông một tờ bố cáo nói rằng hai vợ chồng ông không sống với nhau nữa (...)
Dickens là người được nhiều người yêu, ngưỡng mộ nhất thời ông. Lần thứ nhì ông qua thăm Mỹ, dân chúng sắp hàng, đứng run rẩy mấy giờ trong gió để đợi mua giấy vô nghe ông diễn thuyết.
Ở Brooklyn, dân chúng đốt pháo mừng, và trải đệm trên đường ngồi suốt đêm, không sợ bị cảm phong, cảm hàn, không sợ bị sưng phổi, để đợi mua vé. Và khi vé bán hết, hàng trăm người phải về không, bất bình lắm, làm náo động cả lên.
Văn học sử đầy những danh nhân tính tình trái ngược nhau, nhưng xét kỹ thì Charles Dickens có lẽ là người lạ lùng nhất trong giới nhà văn.
-
Chương 25 - Connie Mack
Chương 25 - Connie Mack
Bạn đã nghe tên Cornelius Mc. Gillicuddy? Chắc chắn có, vì về môn dã cầu, ông là người nổi danh nhất. Từ năm 1883, ông thành một nhà nghề, lúc thì chơi, lúc thì điều khiển. Người ta gọi ông là Connie Mack, và trong giới dã cầu, ai cũng mến ông.
Ông là người có công nhất với môn dã cầu. Khi ông vô nghề thì môn đó là một trò chơi tàn nhẫn, ồn ào, xấu xa. Nhờ những quy tắc và gương tốt của ông nó biến thành một môn thể thao lương thiện, có ích, một môn thể thao toàn quốc của một trăm rưởi triệu người.
Ông sanh năm 1862, hồi mà Lincoln làm Tổng thống. Hiện nay ông còn chơi banh hay hơn nhiều thanh niên, mặc dầu ông đã chơi từ... năm nào, chính ông cũng không nhớ nữa, chỉ biết là trên bảy chục năm rồi.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông bảo tôi rằng đời ông chỉ là một vụ nghỉ dài hạn. Luôn luôn ông ngạc nhiên tại sao người ta lại trả tiền cho bọn người lớn chơi một trò chơi rất vui, là trò dã cầu kia chứ.
Năm ông hai mươi tuổi thì thân phụ ông mất, ông phải vô làm trong một xưởng đóng giày để nuôi gia đình. Mỗi tuần ông lãnh được mười Mỹ kim và ông phải đi bộ năm cây số sáng chiều để tiết kiệm một cắc xe đem về đưa cho mẹ.
Ông ghét đóng giày và chỉ thích dã cầu, và ông đã quyết định một cách khôn là làm cái gì mình thích để kiếm ăn. Nhưng bà cụ không muốn vậy, bà cụ tức giận, mà không phải vô lý vì cả gia đình trông cậy ở ông, mà ông đóng giày còn có tiền công nhất định, chứ chơi dã cầu thì có ai trả cho ông xu nào không? Không, tuyệt nhiên không. Vậy thì trong nhà lấy gì chi tiêu? Ngày nay mỗi lần nhớ lại hồi đó, ông Connie cũng tự hỏi mình sao lại liều lĩnh như vậy.
Mới đầu nhập đội East Brookfield trong liên đoàn Massachusetts. Không người nào trong đội được lãnh lương vì đội không kiếm được tiền đều đều. Lại coi khỏi phải trả tiền. Họ chơi trên một khu đất hoang và khi chạy họ thường đạp nhầm những vỏ hộp, mảnh sắt, yên ngựa quá rách. Chơi xong họ xin tiền khán giả nhưng họ chưa chìa nón ra thì đám đông đã tan như tuyết dưới ánh nắng. Mỗi chiều thứ bảy, Connie cũng chia được ít cắc bạc mà khán giả thương tình liệng vào nón. Chỉ được vậy thôi. Khi nào quĩ của đội nghèo quá thì đội tổ chức một hội đồng quê vào coi phải trả tiền.
...Vậy thì bí quyết thành công của Connie Mack trong việc điều khiển dã cầu là ở đâu? Eddie Collins người đã chơi lâu năm trong đội của ông, biết rõ bí quyết đó. Collins bây giờ là phó hội trưởng và nhà dìu dắt Liên đoàn Boston, bảo rằng Connie thành công không nhờ sự hiểu biết rộng thuật chơi dã cầu mà nhờ hiểu lòng người. Ông biết hướng dẫn, khuyến khích bạn đồng đội. Khó mà kiếm được một người trên khắp thế giới có tài giúp người khác dùng hết khả năng của họ như ông.
Ông gốc gác ở Ái Nhĩ Lan, cho nên người ta có thể ngờ rằng đó là một thiên tư của ông. Nhưng sự thực thì ba năm đầu trong nghề, ông đã thất bại thảm hại. Đội của ông đứng hàng thứ sáu, rồi thụt xuống hàng thứ bảy, sau cùng xuống hàng cuối. Connie Mack khác người ở chỗ không cho rằng thất bại là tại các bạn chơi dở. Ông tự nhận lỗi về mình, vì ông không biết điều khiển. Sau ba năm dìu dắt một đội dã cầu rất quan trọng ông xin thôi, trở về chơi trong đội Milwaukee để có thì giờ và cơ hội nghiên cứu vấn đề này: làm sao cho người trong đội chơi như ý muốn của ông.
Rồi ông lại vào những đội quan trọng hơn, khéo dìu dắt và lập được những đội chơi hay nhất thời đó. Trước khi đội danh tiếng New York Yankees ra đời, thì không đội nào chiếm được nhiều giải vô địch trong xứ và giải vô địch thế giới như của ông.
Tài lớn nhất của ông là gợi được lòng hăng hái của người khác. Bạn hỏi tôi bằng cách nào ư? Có gì đâu? Ông bẩm sinh có lòng yêu người. Ông rất tự nhiên. Mỗi lời ông đều phát từ đáy lòng ra. Ông nói với tôi:
- Luôn luôn tôi rán tìm một lời để khen mỗi bạn.
Không khi nào ông làm cho các bạn ông thất vọng. Ông rán dùng lời khuyên, như khuyến khích, chứ không chỉ trích, rầy la, để họ chơi hay hơn. Đây là một thí dụ: Khi Eddie Collins mới ở trường ra nhập đội Athletics thì chưa biết gì về thuật nhào vào banh, Connie bảo Eddie:
- Anh đã thấy Cobb nhào vào banh chưa? Hắn nhào khá đấy phải không?
Eddie đã thấy lần nào đâu, nhưng từ đó để ý nhận xét, tập tành mỗi ngày, mỗi giờ cho được như Cobb và rốt cuộc thành ra chơi giỏi vào hạng nhất.
Connie cũng cho biết một quy tắc rất quan trọng nữa trong việc dìu dắt người là không bao giờ vạch lỗi của ai trước mặt những bạn khác hoặc người lạ. Ông nói:
- Chỉ trích ai trước mặt người khác thì không gây được thiện chí mà chỉ gây lòng phản động.
Lại thêm kinh nghiệm dạy ông rằng phải đợi ít nhất là hai mươi bốn giờ rồi mới nên vạch lỗi lầm cho các bạn đồng đội. Mới đầu ông không hành động như vậy, hễ trận nào thua thì ông chỉ trích bằng giọng chua chát ngay khi các bạn mới chơi xong và đương thay đồ. Sau ông thấy rằng mới ở sân banh ra, ông khó giữ được miệng lắm, nên quyết định chơi xong về nhà liền, đợi hôm sau mới gặp các bạn và thảo luận.
1 2
--------------------------------------------------------------------------------
40 Gương Thành Công Nguyên Tác: Dale Carnegie
Ông cũng tránh sự bắt người khác làm theo ý ông mà để các cầu thủ già tự giải quyết vấn đề của họ tùy ý họ. Ông nhận thấy rằng điều tốt cho người này không nhất định tốt cho người khác.
Chẳng hạn năm 1913, sau khi ăn giải vô địch trong xứ rồi mà còn lâu mới mãn mùa chơi, ông định cho hai cầu thủ, Plank và Benoder nghỉ ngơi trước khi dự vào cuộc tranh giải vô địch thế giới. Ông cho họ nghỉ mười ngày để họ tự ý muốn làm gì thì làm.
Mà họ làm gì? Benoder vẫn luyện dã cầu, ngày nào cũng tới sân tập dợt hoặc dạo chơi chung quanh sân. Plank trái lại, không mò tới trái banh, về trại ruộng ở gần Gettysburg để câu cá và thơ thẩn. Hai người đó là những cầu thủ lão luyện, họ biết nên làm cách nào thì có lợi cho họ. Nhờ vậy khi tranh giải vô địch thế giới, họ rất sung sức, chơi rất hay.
Mặc dầu ông là nhà dìu dắt vẻ vang nhất trong lịch sử dã cầu, cũng đã có nhiều lần ông chịu nỗi cay đắng thất bại: trong tám năm liền, đội ông đứng hạng chót, chưa có nhà dìu dắt nào như vậy mà cũng chưa có nhà nào trong tám năm thua tám trận.
Ông có lo lắng về điều đó không? Bây giờ thì không, nhưng ông thú rằng hồi mới vào nghề, mỗi khi thua liên tiếp là ông mất ăn mất ngủ. Rồi một hôm ông hết lo, hôm đó cách đây hai mươi lăm năm. Tôi tò mò muốn biết ông làm cách nào. Ông đáp:
- Có gì đâu. Tôi thấy rằng lo lắng hoài như vậy sẽ có hại cho nghề dìu dắt của tôi. Tôi tin rằng nếu tôi cứ tiếp tục lo lắng như hồi đó thì bây giờ tôi đã ngoẻo rồi. Tôi đã hiểu như vậy là điên, và tôi rán sức tập trung tư tưởng vào việc tìm cách thắng trong những cuộc đấu sau đến nỗi không còn thì giờ nghĩ ngợi về những thất bại đã qua nữa. Nhiều người tới bốn chục tuổi là sa lầy vào ao tù thói quen; mà Connie Mack tới tám chục tuổi còn rán tránh tật đó, đến nổi mỗi ngày ông đổi đường đi tới phòng giấy, không chịu dùng quen một con đường nào. Ông cho rằng sở dĩ ông sống lâu, không tàn tật mà sung sướng là nhờ nhiều yếu tố:
Ông được di truyền một thể chất mạnh mẽ.
Ông lại nghỉ ngơi nhiều. Đêm ngủ mười giờ mà chiều vẫn ngủ thêm một giấc ngắn nữa. Nếu đội banh của ông chơi trên sân nhà thì ông về phòng giấy riêng, khóa cửa lại, cắt điện thoại ngủ nửa giờ.
Sau cùng ông ăn uống rất điều độ, rán giữ cho đừng ốm quá hoặc mập quá. Đôi khi ông cũng uống rượu. Nhưng có lần trong một cuộc hội họp gia đình, có đông đủ người con và mười sáu đứa cháu, ông vui vẻ uống hai ly "cốc tay"; người nhà trách đùa ông quá chén, ông cầm ly la ve ở trên bàn, nói:
- Các người coi này, lão uống ly này là ly cuối cùng đây.
Năm đó là năm 1937. Từ hồi ấy ông không hề nhấp một chút rượu nào nữa.
Sanh từ hồi nội chiến(1) mà bây giờ Connie Mack vẫn chưa tính chuyện nghỉ ngơi. Ông bảo:
- Tôi không giàu có gì. Tôi chưa thể nghỉ được, còn phải tiếp tục làm việc. Nhưng khi nào mà tôi lẩn thẩn, kể lại hoài một chuyện thì tôi sẽ về vườn. Lúc đó, tôi biết rằng tôi đã già rồi.
-
Chương 26 - Howard Thurston
Chương 26 - Howard Thurston
Cách đây nửa thế kỷ, trong một đêm lạnh, một đám đông khán giả từ trong rạp Mc.Vicker ở Chicago ùa ra đường. Họ vui vẻ, cười nói vì đã được coi nhà ảo thuật danh tiếng Alexander Herrmann làm trò.
Một em nhỏ đứng trên vỉa hè, lạnh run lên, rao bán tờ Chicago Tribune. Thực tội nghiệp cho em: không có áo lạnh, không có nhà, mà cũng không có tiền để mướn một cái gường nữa. Đêm đó, khi khán giả đã về hết, em lấy báo quấn vào người rồi ngủ trên một cái rá lò bằng sắt để hưởng nhờ một chút hơi nóng của lò đặt dưới hầm, trong một lối đi phía sau rạp.
Vừa đói vừa lạnh, em nằm, tự nguyện sau này sẽ thành một nhà ảo thuật. Em mơ ước được khán giả vỗ tay khen, được mặc áo lót bằng lông thú và được những thiếu nữ đứng đợi em ở cửa rạp. Và em thề rằng khi nào đã thành một nhà ảo thuật nổi danh, em sẽ trở về diễn ở rạp đó.
Em nhỏ đó là Howard Thurston và hai chục năm sau em thực hành được đúng sở nguyện. Khi diễn xong, Thurston đi vòng ra sau rạp và tìm được tên mình khắc tại đó hồi còn là một trẻ bán báo đói, không nhà không cửa.
Lúc chết, vào năm 1936, Thurston đã thành ông vua trong nghề ảo thuật. Trong bốn chục năm cuối cùng, ông mấy lần đi khắp thế giới, tới đâu cũng làm khán giả say mê vì tài ông. Hơn sáu chục triệu người coi ông diễn và ông kiếm được gần 400.000 Anh kim.
Hồi ông gần mất, tôi được coi ông diễn một lần. Diễn xong, ông vô phòng thay đồ và kể cho tôi nghe hàng giờ về đời sống đầy chuyện ly kỳ lạ lùng không kém những ảo thuật của ông.
Lúc nhỏ, có lần ông bị cha đánh đập tàn nhẫn vì ông cho ngựa chạy mau quá. Ông tức giận, bỏ nhà ra đi. Cha mẹ ông tưởng ông chết, mãi năm năm sau mới được tin tức về ông.
Mà lạ lùng là sao ông không bị giết, vì ông đi lang thang, đeo vào những xe chở hàng, ăn xin, ăn cắp, ngủ trong lẫm lúa, trong đống cỏ khô hoặc trong những nhà hoang. Ông bị bắt mười hai lần, bị săn đuổi, chửi rủa, đánh đập, liệng từ trên xe xuống đất, có lần người ta nhắm ông mà bắn nữa.
Ông thành một chú nài, một tên cờ bạc. Năm mười bảy tuổi, ông trôi tới Nữu Ước, trong túi không có một xu mà không quen thuộc một ai. Rồi một việc xảy tới. Ông len lỏi vào một đám đông nghe một nhà truyền giáo giảng đạo.
Ông cảm động quá, từ hồi nhỏ chưa lần nào kích thích như lần đó. Ông thấy những tội lỗi của ông. Và ông bước lại bàn thờ, nước mắt ròng ròng trên má, ông xin vô đạo. Hai năm sau, tên du thủ du thực hồi trước đã đứng ở một góc đường tại Chinatown để giảng đạo.
Hồi đó ông sướng vô cùng, vừa làm việc vừa học đạo. Ông mười tám tuổi. Trước kia ông chưa được đi học trên sáu tháng; nhờ coi những chữ ghi trên các xe chở hàng, và trên đường xe lửa, rồi hỏi bạn cách đọc mà lần lần biết đọc. Nhưng ông không biết viết, không biết toán, cũng không biết đánh vần. Thành thử bấy giờ, ngày thì ông phải học đạo ở trường Bible School, và học tiếng Hi Lạp, học môn vạn vật, đêm thì phải học đọc, học viết, học toán.
Sau ông quyết định làm một nhà truyền đạo chuyên về y học, và sắp vô trường đại học Pennsylvania thì một việc nhỏ xảy ra làm đời ông thay đổi hẳn.
Đi từ Massachusetts tới Philadelphia, ông phải đổi xe lửa ở Albany. Trong khi đợi xe, ông vô một rạp hát coi Alexander Herrmann diễn trò ảo thuật. Ông từ trước vẫn thích ảo thuật, nên lần đó muốn được nói chuyện với Herrmann. Ông lại khách sạn, mướn một phòng sát phòng của Herrmann, ông đặt tai vào lỗ khóa nghe ngóng, đi đi lại lại ở hàng lang, rán thu hết can đảm để gõ cửa, nhưng không dám.
Sáng hôm sau, ông theo nhà ảo thuật ra ga, và đứng trân trân ngó Herrmann, vừa kinh, vừa sợ. Herrmann đi Syracuse; ông thì phải tới Nữa Ước, và đáng lẽ mua giấy đi Nữu Ước, thì ông lại mua lầm giấy đi Syracuse.
Sự lầm lộn đó thay đổi đời ông, làm ông đáng lẽ là một nhà truyền giáo thì thành một nhà ảo thuật.
Hồi ông đương thịnh, ông làm trò mà kiếm được mỗi ngày hai trăm Anh kim (...)
Ông bảo rằng nhiều người biết về ảo thuật cũng bằng ông. Vậy, ông thành công là nhờ cái gì?
Nhớ ít nhất là hai điều. Điều thứ nhất, ông có tài đem cá tính của ông lên sân khấu. Ông hiểu bản tính của con người, và ông cho rằng đức đó cũng quan trọng như sự hiểu biết về ảo thuật. Mỗi cử động của ông cả khi ông đổi giọng hoặc khi ông ngước mắt, đều được ông tính toán kỹ lưỡng từ trước, và làm đúng lúc, không sai một phần giây.
Điều thứ nhì là ông yêu khán giả. Trước khi kéo màn, ông nhảy nhót ở hậu trường sân khấu, cho thêm phần hăng hái... Và luôn luôn tự nhủ: "Tôi yêu khán giả, tôi muốn làm họ vui. Tôi sung sướng. Tôi sung sướng".
Ông biết rằng nếu ông không sung sướng thì không làm cho người khác vui thích được.
-
Chương 27 - Đại Tá Robert Falcon Scott
Chương 27 - Đại Tá Robert Falcon Scott
Tôi chưa thấy truyện nào kích thích hơn, có những nét anh hùng mà bi thảm hơn đời đại tá Robert Falcon Scott, người thứ nhì đã tới Nam cực. Cái chết của ông và hai bạn ông ở Ross còn làm cho nhân loại cảm động.
Tin ông mất tới nước Anh vào một buổi chiều nắng ráo tháng hai 1913. Cây ky phù lam nở đầy bông ở vườn Regent Park. Dân tộc Anh choáng váng như tin Nelson mất ở Trafalgar thời trước.
Hai mươi hai năm sau, nước Anh dựng một viện kỷ niệm Scott, một viện khảo cứu lưỡng cực, viện thứ nhất về loại đó trên thế giới. Ngay trên cửa viện có một hàng chữ: "Người tìm những bí mật của Nam Cực và Người đã tìm thấy những bí mật của Thượng Đế".
Scott bắt đầu cuộc thám hiểm ở Terra Nova, và từ khi tầu ông tiến vào cõi băng tuyết là sự rủi ro cứ theo riết, quấy phá ông hoài.
Những ngọn sóng vĩ đại đập vào tàu đánh trôi hết những hàng hóa ở trên boong xuống biển. Hàng tấn nước biển ào ào như sấm, cuồn cuộn chảy vào hầm tàu. Nước tràn cả vào lò lửa đốt nồi súp de. Máy bơm hóa vô dụng. Và mấy ngày như vậy, chiếc tàu hùng dũng cứ lăn ở giữa những làn sóng, trên mặt biển tung tóe, không cách gì cứu được.
Nhưng sự rủi ro nào đã hết đâu. Đó mới chỉ là những bước đầu.
Ông đem theo mấy con ngựa nhỏ khỏe mạnh đã quen chịu lạnh ở miền băng tuyết xứ Sibérie; nhưng lúc đó chúng hấp hối, dãy dụa trên băng tuyết, cẳng thì gẫy vì thụt xuống hố; thành thử ông phải bắn cho chúng chết.
Tới chó cũng vậy. Ông dắt theo toàn là giống chó mạnh khỏe ở Yukon, mà chúng hóa ra như khờ dại, cứ nhắm mắt chạy trên bờ những lỗ nẻ trong băng.
Thành thử Scott và bốn người bạn đồng hành phải thay ngựa, thay chó, kéo một chiếc xe lướt tuyết nặng nửa tạ, thui thủi trên đường tới Nam cực. Ngày lại ngày, họ mắm môi mắm lợi tiến trong cánh đồng băng tuyết, hổn hển đẩy hoặc kéo, nghẹt thở vì không khí lạnh và loãng ở một nơi cao, cách mặt biển ba ngàn thước.
Vậy mà họ không phàn nàn. Vì ở cuối con đường đau khổ đó, họ sẽ thấy sự thành công, sẽ thấy Nam cực huyền bí, nằm yên lặng từ hồi khai thiên lập địa tới nay. Nam cực, nơi mà không có lấy một sinh vật, cả đến bóng một con hải âu lạc bầy cũng không có.
Và tới ngày thứ mười bốn, họ tới được Nam cực. Nhưng họ sửng sốt và đau lòng làm sao! Trước mặt họ, ở đầu một cây gậy, một miếng vải rách phất phới bay trong gió lạnh. Họ nhìn kỹ thì là một ngọn cờ, ngọn quốc kỳ của Na Uy, Amundsen, người Na Uy, đã tới trước họ! Thành thử, sau mấy năm dự bị, sau mấy tháng đau khổ, họ đã thất bại chỉ vì trễ mất năm tuần lễ.
Chán nản, họ trở về.
Cuộc chiến đấu lâm ly trên đường về đáng là một khúc ngâm đoạn trường. Gió lạnh buốt tới xương, áo họ đầy tuyết và râu họ đó băng. Họ lảo đảo té: mỗi vết thương đưa họ tới gần cõi chết hơn một chút. Trước hết, sĩ quan Evans, người lực lưỡng nhất trong đoàn, trượt chân, té, đầu đập vào băng, chết tươi.
Rồi tới đại táOates đau. Chân ông bị lạnh quá, nứt ra. Ông đi không nổi. Ông biết rằng mình làm chậm việc hồi hương của các bạn. Cho nên, một đêm ông làm một việc chỉ thần thánh mới làm nổi. Giữa cơn dông tuyết gầm thét, ông rời bạn bè, đi ra ngoài trời để chết cho các bạn sống.
Không làm bộ anh hùng, cũng không tỏ vẻ quan trọng, ông bình tĩnh bảo các bạn: "Tôi ra ngoài một chút". Rồi ông đi luôn. Không ai tìm thấy xác chết cóng của ông. Nhưng hiện nay một đài kỷ niệm được dựng tại chỗ ông ra đi, trên đài có hàng chữ: Ở khoảng này, một vị trượng phu anh hùng đã lìa đời.
Scott và hai bạn còn lại lảo đảo tiến. Họ không còn ra vẻ con người nữa. Mũi, ngón tay, chân đều nứt nẻ vì lạnh. Và ngày mười chín tháng hai năm 1912, nghĩa là mười lăm ngày sau khi họ rời Nam cực, họ cắm trại lần cuối cùng. Họ còn đủ than để nấu hai chén trà, và đủ thức ăn cho hai ngày. Họ tin rằng họ sẽ thoát chết vì chỉ còn khoảng hai chục cây số nữa là tới một chỗ mà họ đã chôn thức ăn trong lúc đi. Rán sức: ghê gớm thì tới được.
Thình lình tai nạn thê thảm xảy ra.
Từ chân trời, một cơn dông tuyết gào thét, ào ào thổi tới, mạnh tới nỗi cắt ngang những chỏm băng. Trên trái đất không có sinh vật nào tiến trong cơn dông tuyết đó mà sống nổi. Scott và hai bạn đành ngừng bước, nằm trong lều mười một ngày nghe dông gầm. Thức ăn đã hết. Tất chết. Họ biết rằng họ phải chết.
Có một cách để chết, một cách êm ái. Họ mang theo nha phiến để phòng những lúc cần phải chết như lúc này. Nuốt một phân lượng lớn là họ nằm đó, lơ mơ mộng thích thú rồi ngủ luôn.
Nhưng họ không thèm dùng nha phiến. Họ quyết nhìn thẳng vào cái chết một cách trượng phu đặc biệt của nước Anh thời cổ.
Trong giờ cuối cùng của đời ông, Scott viết một bức thư tả cảnh chết cho ông James Barrie. Thức ăn hết đã lâu. Thần chết đã lởn vởn ở trong lều. Vậy mà Scott viết:"Nếu ông nghe được chúng tôi ca vang cả lều thì lòng ông chắc cũng vui vui".
Tám tháng sau, một ngày nọ, trong khi mặt trời Nam cực yên lặng chiếu sáng cảnh băng tuyết lấp lánh, mênh mông, một đoàn người kiếm được thi hài của ba vị anh hùng đó.
Người ta chôn ba vị ở ngay chỗ ba vị lìa trần, chôn dưới một thánh giá làm bằng hai cái pa tanh cột với nhau. Và trên nấm mồ chung đó, người ta viết những vần thơ này của Tennyson:
Có tính bình tĩnh của những tâm hồn anh hùng,
Thì mặc dầu thời vận, số mạng làm cho yếu nhưng chí vẫn mạnh.
Để phấn đấu, tìm tòi, thấy, chứ không chịu khuất phục.
-
Chương 28 - Al Smith
Chương 28 - Al Smith
Năm mươi tám năm trước, một người lái xe cam nhông chết ở Nữu Ước. Ông ta quê quán ở Ái Nhĩ Lan, đã đau từ lâu, phải bỏ nghề lái xe mà làm nghề gác đêm. Khi ông mất, nhà nghèo tới nỗi bạn bè phải góp nhau mỗi người một ít mua cho ông cỗ quan tài. Ông để lại vợ góa và hai con. Bà vợ mơ mộng những chuyện xa xôi, quyết chí cho con đi học, tới đâu hay tới đó. Bà xin được một việc trong một hãng làm dù và làm mười giờ một ngày. Mặc dầu vậy, tiền công không đủ ăn, bà phải đem đồ ở hãng về nhà làm thêm tới mười, mười một giờ đêm. Thành thử người mẹ đó làm quần quật mười bốn mười lăm giờ một ngày để nuôi con.
Đáng thương tâm làm sao! Bà không vén được tấm màn tương lai để mà thấy trước rằng một ngày kia người con nhỏ của bà làm Thống Đốc tiểu bang Nữu Ước, không phải một lần mà là bốn lần, lâu hơn hết thảy những Thống Đốc trước.
Đáng thương tâm làm sao! Người đó không thể thấy trước rằng năm 1928, con bà là ứng cử viên của đảng Dân Chủ để tranh chức Tổng thống.
Đáng thương tâm làm sao! Bà không được biết trước rằng ngày mùng 5 tháng 5 năm 1944, tờ báo New York Times gọi con bà là "công dân được nhiều người mến nhất ở Nữu Ước".
Vì Al.Smith chính là người con cưng của thành phố lớn nhất châu Mỹ (...)
Một lần tôi hỏi ông đi học được bao lâu. Ông ngập ngừng một chút rồi nói: "Để tôi tính - để tôi tính...Tôi không nhớ rõ lắm. Tôi sanh năm 1873, tôi đoán rằng tôi được đi học khoảng bảy hay tám năm, nhưng tôi không chứng thực được điều đó. Tôi không được bằng cấp nào hết mà cũng không có tấm giấy nào chứng tỏ rằng tôi đã đi học".
Vâng, Alfred Emmanuel Smith không có miếng giấy nào chứng tỏ rằng ông đã đi học, nhưng ông có những tờ giấy chứng tỏ rằng ông được sáu trường đại học lớn, trong số đó có trường Columbia và trường Harvard, tặng ông học vị danh dự vì những thành công xuất chúng của ông về chính trị và lòng hy sinh của ông cho nhân loại.
Tôi hỏi ông có buồn vì lẽ không được vô đại học không. Ông đáp không. Ông bảo rằng người nào muốn tiến lên những bực cao trong chính giới thì phải có tài đắc nhân tâm, phải biết cách cư xử ở đời, mà ông cảm thấy rằng có lẽ khi vác đồ ở các chợ tại đường Fulton và khi làm thừa phát lại trong tám năm, ông đã học được về cách xử thế nhiều hơn là nếu ông học trong một trường đại học.
Hồi mười tuổi, ông ở trong nhạc đội nhà thờ, mùa lạnh cũng phải dậy sớm từ năm giờ để hầu lễ vào sáu giờ.
Năm hai mươi hai tuổi, ông bán báo ở bến tàu. Lúc rảnh ông chơi dã cầu ở dưới gầm cầu Brooklyn Bridge... Nhưng ông thích nhất là được lái xe cứu hỏa. Ông chỉ mong được làm lính cứu hỏa, nên sống chung với lính cứu hỏa, ca múa cho họ vui. Và khi có chuông kêu cấp cứu thì ông chụp lấy bình cà phê và hộp bánh luôn luôn để sẵn ở cửa sổ, can đảm leo lên xe cứu hỏa khi xe bắt đầu phóng trong thành phố (...)
Năm ông mười bốn tuổi, một việc xảy ra, định hướng cho đời ông. Ông thắng được một cuộc tranh biện trong trường. Sự thành công đó đưa ông lên sân khấu và làm tăng lòng tự tin của ông. Ông được mời vào hội Saint James Players, một hội tài tử diễn kịch để giúp cô nhi viện. Ông thành công. Khán giả thích nụ cười và thiên tài của ông.
Chẳng bao lâu ông thành ngôi sao và linh hồn của hội. Ông thích cuộc đời sân khấu đó quá! Nó đưa ông qua một thế giơi khác. Ban ngày ông làm mười hai giờ ở chợ cá Fulton Street để lãnh mỗi tuần trên hai Anh kim; Nhưng ban đêm ông sống trong cái thế giới sân khấu rực rỡ ánh đèn và phấn son. Ban đêm ông thành một anh hùng, một nghệ sĩ, lòng nở ra khi khán giả vỗ tay khen. Ông đóng những vai quan trọng nhất trong các kịch May Blossom, The Confederate Spy, the Ticketof Leaveman và The Almighty Dollar. Nhờ kinh nghiệm trên sân khấu, ông tập được tài ăn nói dễ dàng và tự nhiên trước thính giả, tài chỉ huy một đám đông. Ít lâu sau ông diễn thuyết về chính trị, trên một chiếc xe cam nhông, giữa đám quần chúng ở các góc đường. Hồi đó, ông là một người lao động, làm chật vật trong một xưởng chế tạo máy bơm ở Brookly; nhưng trong khi ông ngồi ăn bánh của bà thân ông làm và gói mang theo tới hãng, ông đã mơ mộng một ngày kia được bầu là nghị sĩ tiểu bang Nữu Ước. Mộng đó sau thực hiện được, nhưng ông còn phải trải qua một thời làm thừa phát lại.
Trong tám năm ông viết trát kêu người ta đi hầu tòa. Nhờ công việc đó, ông tiếp xúc với đủ hạng người, từ anh bán bánh, bán thịt tới các nhà lý tài ở Wall Street. Ông học được nhiều kinh nghiệm về bản chất con người và tập được tánh nhẫn nhục chịu sự ngược đãi vì hai chục phần trăm những người ông đem trát tới, tố cáo và nguyền rủa ông.
Tháng giêng năm 1904, khi ông tới Albany lãnh chức nghị viên viện lập pháp, ông ba chục tuổi. Trong ba chục năm đó ông chưa lần nào ngủ ở khách sạn. Đêm ấy ông lại khách sạn, vô phòng và đọc một tờ báo ra buổi chiều, đăng tin một đám cháy tại một khách sạn Chicago làm nhiều người chết. Trời lạnh, nhiệt kế biểu xuống tới mười sáu độ dưới số không. Đọc những chi tiết rùng rợn về đám cháy, ông không khỏi nghĩ tới những người mà ông thấy chất củi trong lò sưởi khách sạn ông ở. Một khách sạn bằng gỗ. Ông ở trên từng lầu thứ bảy. Nếu cháy thì không có cách nào thoát được. Ông thống đốc tương lai của Nữu Ước không ham cái nạn bị chết cháy, nhất là trong đêm đầu tiên ông ở khách sạn, cho nên ông đánh thức một người bạn để chơi bài tiêu khiển với ông tới năm giờ sáng. Rồi hai người mới thay phiên nhau ngủ, cứ mỗi người ngủ một giờ rồi dậy canh cho người kia ngủ, để khỏi bị chết cháy.
Mấy năm đầu ở Albany ông điên đầu vì những công việc trong viện Lập pháp. Ông hết sức nghiên cứu các dự án về luật mà chẳng hiểu gì cả, vì những dự án đó dài dòng, rắc rối và tối tăm đối với ông, như thể viết bằng tiếng Ấn Độ. Lại thêm người ta giao cho ông những trọng trách mà ông chưa biết chút gì, người ta bầu ông vào Ủy ban về Ngân hàng mà ông chưa hề tới một ngân hàng nào, trừ phi để giao trát kêu một vài chủ ngân hàng đi hầu tòa. Người ta lại bầu ông vào Ủy ban về Lâm sản mà ông cũng chưa hề đặt chân vào một khu rừng nào. Sau khi làm việc ở viện Lập pháp mười lăm tháng ông thất vọng đến nổi muốn bỏ. Nhưng ông không bỏ, chỉ vì một lẽ là nếu chịu thua thì sẽ mắc cỡ với mẹ và bạn bè, sau cùng ông tự nhủ: "Mình đã thắng được trong những vấn đề khác thì sẽ thắng được trong vấn đề này".
Từ đó trở đi ông làm việc mười sáu giờ một ngày, nghiên cứu các dự án, cách thức thảo luật. Người ta bảo ông là người thứ nhất không khi nào chịu chấp thuận một đạo luật nào mà không đọc và hiểu kỹ mỗi khoản trong đó, dầu nó có đến cả ngàn khoản. Ông nhất định dùng tiền của những người đóng thuế cũng kỹ lưỡng như tiêu tiền của ông. Nếu bộ nào cần một người thư ký thì ông đòi biết thư ký đó vào hạng nào, sẽ làm công việc gì và tại sao lại phải cần dùng đến họ.
Chín năm sau khi tới Albany, ông làm chủ tịch viện Dân biểu của tiểu bang và chắc chắn biết nhiều về việc nước hơn bất cứ người nào khác, nên mọi chính khách phải khâm phục ông.
Hỏa hoạn tai hại phát ở một xưởng tại Nữu Ước năm 1911, làm cho ông cũng như mọi người kinh khủng: 148 nạn nhân bị cháy thành than, phần đông là đàn bà và trẻ con, có nhiều người nhảy từ từng lầu thứ bảy xuống đất, chết tan xương. Từ đó Al Smith thành lập một thập tự quân chiến đấu cho những điều kiện làm việc được hoàn hảo hơn; ông giúp được nhiều trong việc cải thiện luật lao động của tiểu bang Nữu Ước, trừ hỏa hoạn, trừ cái tệ bắt trẻ con làm việc trong các nhà máy, bắt thợ làm việc cả bảy ngày mỗi tuần, và tệ trả công rẻ mạt, ông đặt ra những luật để giảm tai nạn, và cải thiện vệ sinh cho công nhân. Những luật xã hội đó được nhiều tiểu bang khác và nhiều nước phỏng theo.
Bốn chục năm trước, khi Tom Foley đưa Al. Smith vào viện Lập pháp, có khuyên Al. Smith: "Anh Al, anh đừng bao giờ hứa một điều gì mà anh không giữ được, và có nói điều gì thì luôn luôn phải cho đúng sự thực".
Chẳng những Al Smith nói đúng sự thực mà còn chiến đấu cho sự thực bất kỳ ở trong địa vị nào
-
Chương 29 - H. G. Wells
Chương 29 - H. G. Wells
Gần bảy mươi lăm năm trước, một bọn trẻ em đương chơi trên đường ngoại ô Luân Đôn, thì một tai nạn xảy ra. Một trong những đứa lớn nhất nắm lấy một đứa nhỏ, tên là Bertie Wells, rồi liêng lên trời nhưng khi đứa nhỏ rớt xuống, đứa lớn không đỡ, thành thử đứa nhỏ gẫy chân.
Trong mấy tháng Bertie nằm quằn quại trên giường, với một vật nặng cột vào chân. Nhưng xương không lành. Phải gỡ ra bó lại. Đau đớn ghê gớm. Em bé Bertie la hoảng, tưởng chết được.
Tai nạn đó bi thảm, nhưng Bertie sống được và nhờ nó mà sau thành một nhà văn nổi tiếng nhất thế giới. Bút danh của ông không phải là Bertie mà là Herbert George Wells, hoặc H. G. Wells. Chắc bạn đã đọc vài cuốn của ông? Ông viết trên bảy mươi lăm cuốn: và chính ông nhận rằng tai nạn gẫy chân đó có lẽ là điều hay nhất cho ông. Sao vậy? Tại ông phải nằm nhà trọn một năm và không làm được việc gì khác nên đành nghiến ngấu bất kỳ cuốn sách nào ông kiếm được. Kết quả thành ra ông thích đọc sách, thích văn chương. Ông bị kích thích. Ông cảm hứng. Ông nhất định vượt lên khỏi cảnh tầm thường vô vị ở chung quanh. Cái chân gẫy đó đã đổi hướng cho đời ông.
H. G. Wells là một trong những nhà văn mà tiền nhuận bút cao nhất. Nhờ cây bút, có lẽ ông đã kiếm được hai trăm ngàn Anh kim; nhưng hồi nhỏ ông đã khốn đốn trong cảnh bần hàn. Thân phụ ông là một nhà nghề chơi cầu "Cricket" và mở một tiệm đồ gốm, buôn bán lỗ lã, cửa hàng rung rinh muốn sập. H. G. Wells sanh trong một phòng nhỏ tại cửa tiệm đó. Bếp ở trong một cái hầm, tối om dơ dáy mà ánh sáng chỉ lọt vào được nhờ một lỗ nhỏ có lưới sắt ở trên trần. Sau này nhớ lại tuổi thơ ấu, ông còn thấy rõ ông hồi đó ngồi trong bếp tối mà nghe tiếng chân người lướt trên lưới sắt trên đầu. Ông tả những bước chân đó và chỉ cho ta cách nhìn giày mà xét người ra sao.
Sau cùng tiệm đồ gốm sập. Gia đình ông tuyệt vọng. Thân mẫu ông phải xin làm quản gia cho một điền chủ lớn ở Sussex. Tất nhiên, bà cụ phải sống chung với bọn đầy tớ. H. G. Wells thường thường tới thăm mẹ, và bắt đầu được biết qua đời sống của hạng thượng lưu Anh do hạng tôi tớ kể lại.
Tác giả bộ Đại cương Lịch Sử Thế Giới (The Outline of History) Hồi mười ba tuổi đã bắt đầu giúp việc cho một người bán nỉ. Ông phải dậy từ năm giờ sáng, quét dọn cửa hàng, nhóm lửa, làm việc như mọi người bốn giờ một ngày. Thực là vất vả, nên ông khinh ghét đời đó lắm. Cuối tháng, chủ tiệm tống cổ ông ra vì ông đầu tóc bù xù, quần áo xốc xếch mà lại hay quấy rầy.
Sau khi ông xin được việc trong một tiệm bào chế. Và cũng chỉ được một tháng là bị tống cổ ra nữa.
Sau cùng ông vào làm một tiệm nỉ khác. Ông cần phải kiếm ăn, nên lần này rán chịu đựng được lâu hơn một chút. Nhưng hễ vắng mặt người gác, là ông lẩn xuống hầm để học Herbert Spencer.
Sau hai năm, ông không chịu được đời đó nữa, cho nên một buổi sáng chủ nhật, không đợi ăn điểm tâm, bụng rỗng, ông đi hơn ba chục cây số về với bà cụ. Ông điên cuồng. Ông năn nỉ bà cụ. Ông khóc lóc. Ông thề rằng nếu phải ở lại trong tiệm đó nữa thì ông sẽ tự tử.
Rồi ông viết một bức thư dài, cảm động cho thầy học cũ kể lể rằng ông khốn khổ, đứt ruột, chỉ muốn chết cho rảnh.
Và ông vô cùng ngạc nhiên khi nhận được thư của thầy học cũ cho ông một chỗ dạy học.
Ông cuống cuồng lên! Đời ông đã tới một khúc quẹo khác.
Nhưng H. G. Wells về già, thường kể bằng giọng trong và lớn của ông rằng những năm dài đằng đẳng làm vất vả, cực khổ ở tiệm bán nỉ, thực ra là cái phước cho ông. Ông bẩm sinh biếng nhác, và chủ tiệm đã tập cho ông chịu khó nhọc làm lụng.
Sau ít năm dạy học, một tai nạn xảy đến thình lình như bom nổ. Việc xảy ra như sau. Ông đương đá banh, đương hăng hái thì bị xô té, người ta giẫm lên người ông, ông gần chết. Một trái thận của ông nát nghiến ra và phổi bên mặt lủng. Máu xối ra, ông xanh mét. Các bác sĩ hết hy vọng; và trong mấy tháng, ông nằm mà lo sợ sẽ không sao thoát chết được. Trong mười hai năm sau, mười hai năm ghê gớm, ông bám lấy đời sống, thân gần như tàn tật; nhưng chính trong mười hai năm đó, ông đã luyện được một cái tài làm ông nổi danh khắp thế giới.
Năm năm trường ông viết như điên như cuồng. Sách, bài báo, tiểu thuyết ông viết ra hồi đó đều nhạt nhẽo, vụng về. Và ông có đủ lương tri để nhận thấy điều đó. Cho nên viết xong, ông đốt hết.
Sau cùng, mặc dầu gần như tàn tật, ông xin được một chỗ dạy học khác. Trong lớp sinh vật học, có một nữ sinh xinh đẹp. Tên nàng là Catherine Robbins. Nàng mảnh khảnh, ốm yếu. Mà ông cũng ốm yếu, mảnh khảnh. Cả hai đều không hy vọng gì sống lâu, đều muốn nắm lấy tức thì tất cả những hạnh phúc mà họ có thể tìm được. Thế là họ cưới nhau.
Vệc đó xảy ra cách đây khoảng năm chục năm; lạ thay, Wells đã không chết, lại còn mạnh lên, thành một người đầy sinh lực, và mỗi năm gọt đẽo được hai cuốn sách dầy, những cuốn sách mà ánh sáng chiếu tỏa lên khắp thế giới cho tới khi ông mất, năm 1946.
Trong óc ông bừng bừng những ý mới. Ông thường nửa đêm thức dậy chép tư tưởng của ông vào một cuốn sổ tay. Và con người biếng nhác bị một chủ tiệm bán nỉ tống cổ ra vì bất lực đó, đã thâu thập được biết bao tài liệu trong những cuốn sổ tay, giá có dùng để viết sách hoài trong một trăm rưỡi năm cũng không hết.
Ông có tài ngồi ở đâu cũng viết được: trong phòng viết của ông ở Luân Đôn, trong toa xe lửa hay dưới bóng một cây dù trên bờ Địa Trung Hải mà màu nước xanh mê hồn.
Ông mướn hai biệt thự ở Nice, một làm chỗ viết, một làm nơi tiếp khách. Ông viết suốt ngày, chỉ chuyện trò với khách buổi tối, và hết thảy bạn bè đều mến ông.
-
Chương 30 - Anh Em Mayo
Chương 30 - Anh Em Mayo
Nếu một cơn dông tố không tàn phá một thị trấn ở Minnesota cuối thế kỷ trước thì có lẽ nhân loại không được hưởng một phát minh vào hạng quan trọng nhất trong lịch sử y học.
Thị trấn bị tàn phá đó, Rochester, ngày nay nổi danh nhờ hai anh em Mayo, hai nhà giải phẫu có tài nhất ở Hoa Kỳ. Hai ông ở Rochester và phát minh của bác sĩ C. H. Mayo đã giúp y học trị được vài thứ bệnh thần kinh. Hiện nay ông còn tiếp tục nghiên cứu phát minh đó. Ông đã tìm được một thứ thuốc tiêm vô mạch máu, làm thay sự tuần hoàn và do đó óc được bình tĩnh lại.
Hai anh em ông được khắp thế giới bết tên. Nhiều y sĩ từ Ba Lê, Luân Đôn, Bá Linh, La Mã, Leningrad, Đông Kinh tới Rochester để học phương pháp của hai ông. Mỗi năm sáu ngàn bịnh nhân đã vô phương cứu chữa lại dưỡng đường Mayo với tấm lòng tin tưởng như tín đồ hành hương tại đất thánh.
Vậy mà như tôi đã nói, nếu dông tố không tàn phá miền Middle West ở cuối thế kỷ trước thì thế giới có lẽ không bao giờ được nghe tên hai anh em Mayo và cũng không biết phhương thuốc của hai ông.
Khi bác sĩ Mayo, thân phụ của hai ông, tới lập nghiệp ở Rochester vào khoảng giữa thế kỷ trước, thì nơi đó có không đầy hai ngàn dân. Ngày đầu cụ chữa bệnh cho một con bò và một con ngựa. Khi dân da đỏ nổi loạn, cụ nổ súng mút để hạ chúng rồi đợi khói súng tan hết, cụ đi khắp bãi chiến trường chôn cất những người chết và săn sóc những người bị thương. Thân chủ của cụ ở rải rác trên năm chục cây số trong đồng cỏ Mimesda. Phần đông họ sống trong những nhà vách trát bùn. Họ nghèo quá, không có tiền trả cụ, mà cụ cũng vẫn nữa đêm đi thăm bệnh cho họ; có khi phải mò đường trong những cơn bão tuyết mù mịt tới nỗi, giữa ban ngày, đưa tay ra trước mặt cũng không trông thấy.
Cụ có hai người con, William và Charles, tức hai anh em Mayo. Hai ông vừa giúp việc cho một tiệm bào chế trong miền, cân thuốc, tán thuốc, hoàn thuốc, vừa theo học trường y khoa. Rồi một tai nạn xảy ra, làm tương lai của ông thay đổi hẳn. Một cơn dông tố tàn phá cánh đồng Minisota, như quỉ thần giận dữ muốn phạt dân cư miền đó. Cơn dông tới đâu thì nhà cửa, cây cối tan tành sụp đổ tới đó. Châu thành Rochester bị cuốn đi như một cọng rơm. Hằng trăm ngàn người bị thương, hai mươi ba người chết. Luôn mấy ngày, ba cha con Mayo đi băng bó, mổ xẻ các nạn nhân trên những nền nhà hoang tàn. Bà Phước nhất Alfred, ở nhà tu Saint Francois thấy ba cha con Mayo tận tâm như vậy, cảm động hứa sẽ cất một dưỡng đường nếu họ chịu đứng ra trông nom. Họ bằng lòng và khi khánh thành dưỡng đường Mayo năm 1889 thì bác sĩ Mayo đã bảy chục tuổi mà hai người con chưa làm trong nhà thương nào cả. Vậy mà ngày nay ông William Mayo người anh cả được coi là nhà chuyên môn giỏi nhất về bệnh ung thư. Cả hai anh em đều nổi tiếng về khoa giải phẫu mà người nào cũng khen người kia là hơn mình. Hai ông mổ xẻ rất nhanh, tới dưỡng đường bảy giờ sáng và mổ xẻ không ngừng tay mỗi ngày bốn giờ cho từ mười lăm đến ba mươi bệnh nhân. Vậy mà hai ông vẫn tiếp tục học hoài để cải thiện phương pháp và tuyên bố rằng còn phải học thêm nhiều. Cả thành phố Rochester sống nhờ dưỡng đường Mayo và cho dưỡng đường Mayo. Xe hơi, xe ô tô buýt, mọi loại xe đều không bóp kèn trong thành phố đó.
Đó là gương hai người thường dân một tỉnh nhỏ, hai người không nghĩ đến tiền mà đã gây được một gia sản khổng lồ. Hai người không nghĩ đến danh vọng mà thành những nhà giải phẫu nổi danh nhất Hoa Kỳ.
Hai anh em ông không cần lại Nữu Ước để làm giàu, cứ rèn luyện tài của mình trong một thành phố nhỏ mà tự nhiên được thần tài tới gõ cửa để thưởng công.
Trong phòng khách, trên bàn giấy, có treo một tấm khung lồng câu này: "Nếu ông có một vật mà thế giới đòi hỏi thì ông có thể ở giữa rừng thẳm: luôn luôn người ta sẽ phá rừng xây đường vào tới cửa nhà ông". Câu đó tóm tắt một luật bất di bất dịch của sự thành công.
-
Chương 31 - Clarence Darrow
Chương 31 - Clarence Darrow
Cách đây gần ba phần tư thế kỷ, một cô giáo bạt tai một em nhỏ vì em đó không chịu ngồi yên trong lớp, cựa quậy, vặn vẹo người hoài. Cô bạt tai em trước mặt những em khác, làm em bị nhục đến nỗi em la khóc trên suốt con đường về nhà. Lúc đó em mới năm tuổi mà đã thấy rằng cô giáo đối với em quá tàn nhẫn và bất công, em sinh oán ghét sự tàn nhẫn và bất công, sau này chiến đấu suốt đời để diệt hai cái đó.
Tên em nhỏ đó là Clarence Darrow, nhà cố vấn về hình luật danh tiếng nhất đương thời ở châu Mỹ. Tên ông thường chiếu rực rỡ bằng chữ lớn trên hàng đầu trang một của mọi tờ nhật báo trong xứ. Ông là một chiến sĩ bênh vực cho những kẻ bị ức hiếp.
Các ông già bà cả ở Ashtabula, xứ Ohio, hiện nay còn nhắc lại vụ kiện thứ nhất ông đã cãi. Việc rất tầm thường, chỉ là bênh vực người làm chủ một bộ yên ngựa cũ có giá trị một Anh kim. Nhưng đối với Clarence Darrow, đó là một vấn đề nguyên tắc phải theo đúng. Con rắn độc bất công đã ngóc đầu lên thì ông phải tấn công nó, như tấn công con hổ ở Ấn Độ vậy. Thân chủ ông chỉ trả ông có một Anh kim, ông bỏ thêm tiền túi ra để bênh vực người đó tại bảy tòa án trong bảy năm trời và thắng kiện.
Darrow nói rằng không bao giờ ông ham tiền bạc hay danh vọng. Ông tự cho mình là một thằng tướng đại lãn. Mới ra đời, ông dạy học. Một hôm một việc xảy ra, thay đổi hẳn đời ông. Trong châu thành có một người thợ rèn lúc nào rảnh việc đóng móng ngựa thì học luật. Clarence Darrow nghe người đó biện hộ trong một vụ tranh chấp tại một tiệm thợ thiếc, bị lời lẽ hoạt bát và hùng hồn của người nhà quê đó làm cho mê mẩn. Ông cũng muốn tranh biện được như họ nên ông hỏi mượn những sách luật của người thợ rèn và bắt đầu học luật. Mỗi sáng thứ hai ông thường mang sách luật lại trường để học trong khi học trò ông học địa lý và toán.
Ông nhận rằng nếu không có một chuyện kích thích ông hoạt động thì suốt đời ông chỉ là một nhà cố vấn pháp luật ở làng.
Hai vợ chồng ông tính mua một căn nhà nhỏ ở Ahstabula, xứ Ohio của một nha y. Giá tiền là bảy trăm Anh kim. Ông rút hết số tiền gởi ngân hàng ra, được một trăm Anh kim, trả cho chủ nhà, còn bao nhiêu xin góp lần làm nhiều năm. Việc thu xếp đã gần xong thì vợ người nha y đó không chịu ký văn tự.
Mụ tỏ vẻ khinh bỉ, bỉu môi nói:
-Này chú, tôi tin rằng suốt đời, chú cũng không kiếm ra được bảy trăm Anh kim đâu.
Darrow nổi dóa, nhất định không chịu ở một tỉnh có hạng người như vậy nữa. Và ông phủi chân cho hết đất bụi ở Ashatabula, mà lại Chicago.
Năm đầu ở Chicago ông kiếm được có sáu chục Anh kim, không đủ trả tiền mướn phòng. Nhưng năm sau ông kiếm được gấp mười số đó, sáu trăm Anh kim nhờ làm luật sư đặc biệt cho châu thành.
Ông nói: Khi đời tôi bắt đầu thay đổi thì tôi thấy mọi sự may mắn tới dễ dàng và nhanh chóng quá. Không bao lâu ông làm phó Chưởng lý cho công ty xe lửa Chicago and North Western, và tiền vô như nước. Lúc đó một vụ đình công bùng nổ. Oán thù! Rối loạn! Đổ máu.
Cảm tình của Darrow về phía người đình công. Khi Eugene Debs người cầm đầu công ty xe lửa bị đem ra xử, Darrow bỏ việc một cái một, và đáng lẻ bênh vực công ty thì ông bênh vực thợ thuyền. Đó là vụ cãi sôi nổi nhất của Darrow mà mỗi vụ cãi của ông đều là trụ đá ghi con đường trong lịch sử tòa án. Chẳng hạn vụ Leopold và Loed tự thú đã giết em bé Bobby Franks. Dư luận bất bình vô cùng, ghê tởm vì sự tàn nhẫn của kẻ sát nhân đến nỗi khi Clarence Darrow đứng bênh vực hai tên đó, ông bị công chúng chửi rủa, hành hạ gọi là thằng giết người. Mà tại sao ông lại làm như vậy? Ông nói "Dù quần chúng oán ghét tôi, tôi cũng làm. Tôi không muốn cho một thân chủ nào của tôi bị tội xử tử hình, và nếu họ bị xử tử hình thì tôi có cảm tưởng rằng tôi cũng gần như chết vậy. Không bao giờ tôi có thể đọc được một tin tử hình. Tôi luôn luôn đi khỏi châu thành trước ngày xử tử. Tôi kịch liệt chống lại sự tử hình".
Ông nói rằng xã hội sinh ra tội nhân và bất kỳ người nào cũng có thể mắc tội này hay tội khác.
Chính ông đã từng trãi, biết cảnh bị tòa xử mình rồi. Có lần ông bị buộc tội là hối lộ quan tòa, và ông phải đem hết tài hùng biện ra tự bênh vực. Nhưng lần đó ông thấy được một tấm lòng biết ơn cảm động nhất trong đời ông. Một thân chủ cũ của ông gặp ông, nói:" Khi tôi mắc nạn, ông cứu cho tôi khỏi bị thắt cổ, mà nay ông mắc nạn, tôi không giúp lại ông được gì. Làm sao giết được đứa đã làm chứng gian để vu oan cho ông?"
Mấy năm trước, ông đã xuất bản một cuốn kể đời ông, và tôi còn nhớ đã thức rất khuya để đọc chương trong đó ông vạch nhân sinh quan của ông. Ông viết:
"Tôi không biết chắc tôi đã làm được nhiều hay ít. Tôi đã lầm lỗi trên con đường của tôi, và tôi đã cướp được của định mạng bủn xỉn càng nhiều nỗi vui càng tốt. Công việc ngày nào đủ cho ngày ấy, miễn là ta không quên hướng đi và cái đích trên đường đời. Tôi không thấy được rằng tôi đã già. Tôi mới bắt đầu đi trên đường đời đây mà, với tất cả thế giới và thời gian vô biên ở trước mặt; mà bây giờ cuộc hành trình đã gần xong và ngày đã gần tàn.
Nhưng quãng đường tôi đã giẫm chân lên ngắn biết bao so với quãng đường vô cùng tôi chưa bước tới".
-
Chương 32 - Eddie Rickenbacker
Chương 32 - Eddie Rickenbacker
Đây là truyện một người cơ hồ không có gì làm cho chết được, một người đã thách tai biến, đã đùa cợt với thần chết trong một phần tư thế kỷ. Ông đã chạy vù vù trên đường đua, với một tốc lực làm rợn tóc ráy, trong hơn hai trăm cuộc đua xe hơi; và trong những ngày đổ máu năm 1918, ông bắn rớt hai mươi sáu máy bay Đức, bắn rớt ở trên không trung, trong khi đạn vèo vèo nổ ở bên tai ông; vậy mà không bao giờ ông bị một vết trầy da nào gọi là có.
Ông tên là Eddie Rickenbacker, đã chỉ huy phi đội danh tiếng Hat-in-the-Ring, là phi công lỗi lạc nhất của Mỹ trong đại chiến thứ nhất.
Sau chiến tranh, ông là người dìu dắt cho Ross Smith, phi công nổi danh của Úc, người thứ nhất đã bay trên Đất Thánh (tức Jérusalem) và người thứ nhất đã bay được một nửa vòng trái đất. Tôi thấy Ross Smith và Eddie Rickenbacker có nhiều chỗ giống nhau, đều cực kỳ bình tĩnh và nhũn nhặn, ăn nói ngọt ngào, khác hẳn hạng người quen ria súng giết giặc ở trên không.
Cho tới hồi mười hai tuổi, Eddie Rickenbacker là một thanh niên rừng rú, không có kỷ luật, tính tình nóng nảy, cầm đầu một bọn du côn lối xóm, đập bóng đèn ngoài đường và phá phách đủ thứ. Rồi một việc buồn xảy ra.
Thân phụ ông mất và chỉ trong nửa tháng ông thay đổi hẳn.
Ngày đưa đám thân phụ, ông nhận thấy mình thành chủ trong gia đình. Ông bèn bỏ học, xin một việc trong một xưởng làm kính, được hai cắc rưỡi một giờ, và mỗi ngày ông làm mười hai giờ. Ông đi bộ mười hai cây số tới xưởng mỗi buổi sáng, và mười hai cây số về mỗi đêm để đỡ tốn năm xu xe điện. Ông nhất định tiến tới. Không có gì làm ông ngừng được. Công việc trong xưởng không có gì thay đổi, buồn chán đến chết được. Ông ghét nó lắm. Ông muốn thành một nghệ sĩ, muốn sáng tác, xây những mộng màu sắc rực rỡ. Ông học vẽ trong một lớp ban đêm và xin được việc đục hình các thánh trên đá hoa cho một nhà bán mộ chí. Chính ông đã đục mộ chí trên mộ thân phụ ông. Nhưng người ta bảo ông công việc đục mộ chí đó rất nguy hiểm, vì phải hít những bụi đá vào phổi. Ông nói:"Tôi không muốn chết yểu, nên tìm một việc khác ít nguy hiểm hơn".
Năm ông mười bốn tuổi, một buổi sáng, ông đứng trên vỉa hè nhìn chiếc hơi đầu tiên ông thấy trong đời ông, một cái xe kỳ cục, nổ bịch bịch, điếc cả tai, rầm cả đường phố Columbus ở Ohio. Nhưng chiếc xe đó đối với ông là chiếc xe tiền định. Nó thay đổi hoàn toàn đời ông.
Cách đó ít lâu, ông xin được việc trong một hãng sửa xe, và tập lái xe ra, lái xe vô trong một căn nhà bằng cây hồi trước dùng làm chuồng ngựa. Ông dựng một xưởng ở sân phía sau, chế tạo lấy đồ dùng và dự bị đóng lấy một chiếc xe hơi. Ngay lúc đó, một xưởng đóng xe hơi bắt đầu mở ở Columbus, và chủ nhật nào ông cũng tới đó xin việc, nhưng chủ nhật nào người ta cũng đuổi ông đi. Sau khi bị đuổi tới lần thứ mười tám, ông trở lại nữa và nói với người chủ lúc đó rất ngạc nhiên:"Thưa ông, dù muốn hay không ông cũng đã có một người thợ mới rồi đấy. Sáng mai tôi lại đây làm. Ông thấy không, sàn ông dơ đây này. Tôi sẽ chùi nó. Tôi sẽ chạy những việc vặt cho ông và mài đồ dùng cho ông".
Còn tiền công? Ông không hề thốt một lời gì về tiền công hết. Ông chỉ cần có cơ hội để khởi sự và ông đã được cơ hội đó. Rồi ông xin học một lớp hàm thụ về cơ giới, ông tự dự bị sẵn sàng để thời cơ tới là ông tiến.
Từ hồi đó trở đi, ông tiến mau: thợ rồi lên cai, lên đốc công, rồi đứng bán xe, rồi làm giám đốc một ngành.
Rồi ông đâm ra thèm lái xe nhanh, khao khát mạo hiểm. Lòng ông chỉ ước mơ tiếng vỗ tay và sự kích thích trong một cuộc đua xe. Ông biết rằng muốn vậy thì ông phải thay đổi con người của ông đi. Và ông quả quyết diệt tánh nóng nảy của ông. Ông tập tự chủ. Ông tập mỉm cười cho tới khi ông nổi danh về mỉm cười.
Nghề đua xe hơi cần có những gân cốt gang thép. Ông biết vậy. Cho nên ông bỏ hút thuốc, bỏ uống rượu, và mỗi tối cứ đúng mười hai giờ là đi ngủ. Như vậy, hồi hai mươi lăm tuổi Eddie Reckenbacker thành một trong những nhà chạy đua xe hơi nổi tiếng nhất.
Và đây mới là chuyện nực cười! Trong ba chục năm nay, ông lái xe hơi hàng trăm ngàn cây số, mà không hề có một giấy phép lái xe, ngay bây giờ cũng không có.
Ông không tin bùa. Bạn thân ông thường tặng ông các thứ bùa may, như chân thỏ, móng ngựa nhỏ xíu...Nhưng một hôm, ngồi xe lửa, ông liệng hết những bùa đó qua cửa sổ xuống cánh đồng Kansas.
Khi châu Mỹ dự cuộc đại chiến thứ nhất, khắp giới lái xe hơi ngưỡng mộ ông: ông vượt đại dương, qua Pháp lái xe hơi cho đại tướng Pershing. Nhưng lái xe cho đại tướng, đối với ông, là công việc buồn quá. Ông muốn hoạt động kia, và ông được hoạt động. Người ta cho ông lái phi cơ và đưa ông một cây súng; trong mười tám tháng ông đã viết tên ông lên hàng đầu bảng phương danh những vị anh hùng trong đại chiến, và ngực ông đầy huy chương của ba chính phủ.
Trong một cuốn sách bán rất chạy, dày ba trăm bảy chục trang, ông kể những trận anh hùng của ông. Cuốn đó nhan đề là Fighting the Flying Circus là một trong những chương rùng rợn nhất của lịch sử không quân.
-
Chương 33 - Oliver Wendell Holmes
Chương 33 - Oliver Wendell Holmes
Tôi xin kể bạn nghe chuyện một người đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của người Mỹ nhất là về luật pháp. Ông là một thiên tài của Hoa Kỳ.
Người đó là vị thẩm phán Olive Wendell Holmes. Ông thọ chín mươi bốn tuổi và biết hầu hết những nhân vật quan trọng ở Hoa Kỳ trong một thế kỷ nay.
Khi ông còn nhỏ, thân phụ ông thường bảo các con rằng trong bữa cơm ai nói được câu nào hóm hỉnh nhất sẽ được thưởng thêm mứt. Ông Wendell rất thích mứt nên tập ăn nói từ hồi đó (...)
Khi ông bắt đầu học luật năm 1857, cụ không bằng lòng vì thời đó người ta còn khinh môn luật. Cụ năn nỉ ông:
- Con nghe ba, đừng theo nghề đó, nó không đưa tới đâu cả.
Nhưng ông tin chắc rằng học luật có thể thành một người có danh vọng. Và ông nghiến ngấu sách luật như nghiến ngấu tiểu thuyết, trang nào cũng thấy say mê.
Năm 1861 ông sắp thi ở trường Harvard thì nội chiến bùng nổ. Ông liệng cả sách vào tủ, đăng lính. Ông chiến đấu anh dũng, bị thương ba lần. Một viên đạn xuyên qua gần đụng tim ông, đến nỗi một quân y thấy người ta khiêng ông trong một chiếc cáng, la lên.
- Đừng phí công với người đó nữa. Hắn chết rồi!
Chết rồi ư? Sự thực thì ông còn đương tuổi lớn. Ông còn lớn thêm bốn, năm phân nữa mới đủ một thước chín và còn sống để mà giúp cho nước được một việc quan trọng nhất là cứu cho tổng thống Lincoln thoát nạn năm 1864.
Trong khi đại tướng Grant đương chỉ huy ở Richmod, một đội quân phương Nam, do Jubal Early cầm đầu, đâm một mũi nhọn lên phía Bắc, tới Alexandrie ở Virginie, cách Hoa Thịnh Đốn không đầy bốn chục cây số.
Quân phương Bắc tính chặn họ lại ở For Stevens. Abraham Lincoln chưa ra chiến trường lần nào, cũng tới đó coi hai bên giao chiến. Ông đứng trên một nóc nhà, gần chỗ tay vịn khi súng bắt đầu nổ. Hình thù vạm vỡ của ông, mà ai cũng nhận ra được, ở ngay trước họng súng địch. Một vị tướng thưa với ông:
- Thưa ngài Tổng Thống, ngài nên lùi lại phía sau thì hơn.
Lincoln không để ý đến lời đó. Cách đó hai thước, ở chỗ tay vịn, một người ló đầu ra, lảo đảo rồi lăn ra chết. Lại gần hơn nữa, một người khác cũng ngã gục.
Thình lình ở sau lưng Lincoln có tiếng la lên:
- Đồ điên, xuống đi. Kiếm chỗ núp đi.
Lincoln nhảy một bước, quay lại: đại tá Holmes nhìn ông, giận dữ, mắt nảy lửa.
Lincoln mỉm cười, nói:
- Đại tá ăn nói ôn tồn lắm!
Rồi ông nhún vai, nhận là phải, kiếm chỗ núp.
Tin đó lan ra, nhiều người khen Wendell là anh hùng, nhưng ông ngắt lời ngay, giọng hơi xẵng:
- Đừng bảo tôi là anh hùng, tôi đã làm phận sự một người lính, chứ có gì khác thường đâu.
Chiến tranh xong ông về nhà, tiếp tục học như trước. Ông biết rằng học luật không kiếm được tiền: hồi đó có câu tục ngữ: "Luật sư năm đầu kiếm đủ tiền khắc bảng đồng ở cửa phòng việc là may".
Olive Wendell Holmes không được như vậy nữa mà mãi ba mươi tuổi ông mới có một phòng việc riêng cho mình. Tôi không nói ngoa. Năm đó khi ông cưới bà Fannie Dixwell, một bạn gái từ hồi nhỏ, ông không có một xu dính túi. Hai ông bà phải ở trong một phòng ở từng thứ tư, trong nhà thân phụ ông, rồi phải ki cóp một năm để có tiền ra ở riêng. Họ mướn được hai phòng tồi tàn trên một tiệm bào chế và chỉ có mỗi một cái lò để nấu bếp.
Đó, một thiên tài mà ba chục tuổi còn long đong như vậy.
Rảnh quá, vì vắng khách, ông bổ túc rồi tái bản một bộ luật, bộ Phê bình luật Mỹ. Công việc đó vĩ đại, phải nghiên cứu, phê bình hằng ngàn trường hợp và không biết bao bản án của các tòa. Làm việc mấy năm mà vẫn chưa xong, ông đã hơi lo ngại, vì ông nghĩ rằng trong nghề của ông, trễ lắm là bốn chục tuổi phải có danh vọng mới được. Mà năm đó ông đã ba mươi chín. Một đồng hồ gõ mười hai tiếng, ông hỏi bà:
- Mình có tin rằng anh thành công không?
Bà đương khâu, đáp:
- Chắc chắn là mình thành công. Em biết vậy.
Ông thành công thật. Bộ sách đó mà ngày nay ai cũng coi là một công trình bất hủ về luật Mỹ, được in xong năm ngày trước khi ông đúng bốn chục tuổi. Hai ông bà cụng ly với nhau để ăn mừng.
Trường đại học Harvard rất thích công trình của ông, tặng ông một ghế giáo sư luật khoa, lương bốn mươi lăm ngàn Mỹ kim một năm. Ông sung sướng vì vinh dự đó, nhưng còn hỏi ý kiến bạn thân là George Shattuck đã. Ông này khuyên:
- Anh nên nắm lấy cơ hội đi, nhưng buộc họ một điều kiện là nếu anh được bổ làm thẩm phán ở tòa Massachusetts thì anh có quyền hủy giao kèo liền.
Ông cho bạn quá lo xa, nhưng cũng nghe theo.
Không đầy ba tháng sau, ông Shattuck chạy lại trường Harvard lôi Holmes ra khỏi lớp học, hổn hển bảo:
- Có tin mừng lớn. Có một chỗ trống ở Tối cao pháp viện Massachusetts. Chính phủ chỉ muốn giao cho anh chỗ đó, nhưng buộc anh phải nạp hồ sơ trước mười giờ trưa. Mà bây giờ mười một giờ rồi.
Chỉ còn một giờ nữa, Holmes lượm nón, rồi hai ông chạy lại tòa Thống Đốc. Một tuần sau, ông được bổ nhiệm. Ông đã qua một chương mới trong đời ông.
Ở tòa án Masschusetts ông nổi tiếng là "li khai" vì rất ít khi ông đồng ý với bạn cộng sự. Chẳng hạn năm 1896 ông bênh vực bọn thợ thuyền đình công, mặc dầu ông không ở trong giai cấp họ. Quyết định xong, ông nói với một người bạn thân:
- Tôi mới tự cấm tôi thăng chức.
Biết vậy mà ông vẫn giữ vững lập trường. Tư lợi không khi nào ảnh hưởng tới sự tài phán của ông được. Ông chỉ nghĩ đến sự công bình thôi.
Lạ lùng thay, vụ xử đó và nhiều vụ khác nữa đã chẳng làm hại bước đường công danh của ông mà còn đưa ông lên những chức vụ vẻ vang nữa. Tổng Thống Theodore Roosevelt lúc đó muốn tấn công các tổng hợp sản xuất và thương mại ở Hoa Thịnh Đốn, dùng tất cả uy quyền để diệt những công ty độc quyền, khi nghe người ta nói về Holmes, la lên:
- Như vậy mới là một vị thẩm phán. Tôi cần dùng người đó.
Và giấy tờ làm rất gấp để bổ Holmes lên chức thẩm phán Tối cao pháp viện Hoa Kỳ. Đó là danh dự lớn nhất trong nghề. Tổng Thống tưởng rằng Holmes sẽ nghị quyết theo ý mình. Ông lầm. Ngay trong vụ xử lớn đầu tiên, Holmes đã chống Roosevelt. Roosevelt giận la:
- Con người gì mà mềm như bún vậy!
Roosevelt quạu, nhưng công chúng lại mừng, Holmes đã xử theo lòng mình, không tùy thuộc ai, đứng trên hết các đảng phái.
Trong ba chục năm Holmes cương quyết giữ đường lối đó và thành một vị thẩm phán được quốc gia trọng vọng nhất.
Năm ông chín mươi mốt tuổi, sức ông bắt đầu suy nhiều, phải có hai người đỡ ông bước xuống bệ. Một hôm ông nói với viên lục sự:
- Ngày mai tôi không lại nữa.
Và từ đó ông không trở lại tòa nữa.
Hai năm sau ông chín mươi ba tuổi. Franklin D. Roosevelt mới lên làm tổng trưởng, lại thăm ông và thấy ông đương đọc Platon, hỏi: - Thưa cụ, xin cụ cho biết tại sao cụ đọc Platon.
Ông đáp:
- Để trí thức được thêm phong phú.
Bạn thử tưởng tượng: chín mươi ba tuổi....
Quả thực tại Hoa Kỳ chưa có người nào nhân cách cao như ông, mà cũng chưa ai làm cho pháp luật thay đổi sâu xa như ông. Những bản án của ông sau này còn có ảnh hưởng lâu tới cách sống của người Mỹ.
Và đây, thêm một chi tiết nữa mà tôi chắc bạn muốn biết: Khi mất, vị thẩm phán danh tiếng đó để lại tất cả gia tài khoảng hai trăm rưởi ngàn Mỹ kim, cho chính phủ. Tất cả tủ sách của ông, ông cũng tặng hết cho quốc dân.
-
Chương 34 - Bernard Shaw
Chương 34 - Bernard Shaw
Rất ít người nổi danh tới nỗi người khác khi nhắc tới, chỉ viết những chữ đầu của tên, họ, mà ai cũng hiểu. Một trong những danh nhân vào bậc đó là một người Ái Nhĩ Lan; những chữ đầu của tên họ ông là G.B.S. Ông có lẽ là nhà văn tiếng tăm lừng lẫy nhất thế giới. Đời cầm bút lạ lùng khó tin được của ông đã chép trong một cuốn mà tên họ ông chỉ ghi là G.B.S, tức George Bernard Shaw.
Đời ông đầy những tương phản kịch liệt. Chẳng hạn ông chỉ được đi học năm năm; giáo dục thiếu sót như vậy, mà ông thành một văn hào bậc nhất thế giới và được một giải thưởng văn chương lớn nhất thế giới, giải Nobel. Giải thưởng là bảy ngàn Anh kim nhưng ông chẳng thèm nhận tiền mà cũng chẳng thèm nhận vinh dự. Sau người ta phải năn nỉ ông, ông mới chịu nhận số tiền đó một cách tượng trưng trong nửa giây trước khi chuyển nó qua quỹ Ái Hữu Văn Học Anh - Thụy Điển.
Thân phụ ông sinh trong một gia đình danh giá ở Ái Nhĩ Lan, nhưng thân mẫu ông không được hưởng một gia tài lớn của một bà cô vì bà cụ này không chịu cho song thân ông cưới nhau. Thành thử nhà cửa nghèo túng và Bernard Shaw phải kiếm ăn từ hồi mười lăm tuổi. Năm đầu, ông làm thư ký, lương tháng không được một Anh kim.
Rồi từ mười sáu đến hai mươi tuổi, do hoàn cảnh, ông lãnh một việc có trách nhiệm là giữ két ngân hàng, được một Anh kim rưỡi một tuần. Nhưng ông ghét công việc phòng giấy; vì ông đã được sinh trưởng trong một gia đình trọng hội họa, âm nhạc và văn chương. Năm ông bảy tuổi, ông đã đọc Shakespeare, Bunyan, truyện Ngàn lẻ một đêm và Thánh kinh. Mười hai tuổi, ông mê Byron. Rồi ông đọc Dickens, Damas Shelley. Mười tám tuổi, ông đã đọc Tyndall, Stuart Mill, Herbert Spencer. Các văn hào đó đã làm cho óc tưởng tượng của ông phát triển sớm, và ông đã có nhiều mơ mộng; cho nên trong những năm đen tối, phải làm mọi cho một nhà địa ốc ngân hàng tư, ông buồn chán lắm, chỉ mơ tưởng tới thế giới đẹp đẽ của văn chương nghệ thuật, khoa học và tôn giáo.
Khi gần được hai chục tuổi G.B.S, tự nhủ:
"Mình chỉ có một đời người để sống, không lẽ đem phung phí nó trong buồng giấy một nhà buôn".
Vì vậy năm 1876, ông bỏ hết đến Luân Đôn, nơi thân mẫu ông dạy hát để sinh nhai, và bước vào nghề viết văn để sau này nổi danh và giàu có.
Nhưng ông phải viết chín năm rồi mới kiếm được đủ ăn. Ông dùng hết thì giờ để viết, tự buộc mình mỗi ngày phải viết năm trang, dù viết chẳng ra gì cũng cứ viết. Mà đúng năm trang thôi, chứ không hơn. Ông nói:"Hồi đó tôi còn cái tánh của một học sinh và một thư ký, cho nên viết hết năm trang mà tới giữa một câu thì tôi cũng bỏ đó, hôm sau mới viết tiếp".
Ông viết năm truyện dài - một truyện nhan đề là Love among the artists - gởi bản thảo cho nhà xuất bản ở Anh và cả ở Mỹ. Họ đều gởi trả lại bản thảo, nhưng nhà xuất bản lớn nhất ngỏ ý muốn được coi tác phẩm sau của ông(...)
Hồi đó ông túng bẩn quá đến nỗi không đào đâu ra tiền mua cò gởi bản thảo nữa. Trong chín năm đầu, cây viết của ông chỉ đem lại cho ông được có sáu Anh kim.
Có khi quần áo rách, ông đi lang thang trong thành phố Luân Đôn, gày thủng mà quần áo cũng thủng ở đít. Nhưng ông không đến nỗi đói:Thân mẫu ông luôn luôn mua chịu được ở một hàng tạp hóa và tránh cho ông được thảm cảnh đó.
Trong chín năm viết tiểu thuyết ấy, một lần ông kiếm được năm Anh kim nhờ một bài về y khoa mà một luật sư không hiểu vì nguyên do gì đã nhờ ông viết. Lần khác, ông kiếm được một Anh kim vì đếm phiếu sau một cuộc bầu cử vào Quốc Hội.
Vậy ông làm cách nào mà sống? Ông thú nhận rằng gia đình ông rất cần sự giúp đỡ của ông, mong mỏi sự giúp đỡ đó đến gần như tuyệt vọng, nhưng ông lại không giúp nhà được chút gì hết, cứ ăn bám vào gia đình. Chính ông nói:"Tôi không lao mình vào cuộc chiến đấu để sống. Tôi tủi nhục bắt thân mẫu tôi lao mình vào".
Nhưng sau ông viết những bài phê bình các thứ nghệ thuật và tự túc được. Thành công đầu tiên của ông về tiền bạc, không nhờ tiểu thuyết mà nhờ kịch. Và ông viết hai mươi mốt năm mới nổi danh, cưới được một bà vợ giàu mà không bị thiên hạ chê là đào mỏ.
Thực không thể ngờ rằng một người như ông, có gan đứng trước quần chúng chỉ trích những luật về hôn nhân, những cơ quan tôn giáo, chế độ dân chủ và hầu hết những tục lệ mà loài người tôn trọng, lại vốn có tánh nhút nhát, tự ti mặc cảm. Ông đã đau khổ vì tánh nhút nhát. Chẳng hạn hồi trẻ, ông thỉnh thoảng lại thăm bạn bè trên bờ sông Thames ở Luân Đôn. Đây, xin bạn nghe ông tả, trong những hoàn cảnh như vậy, ông hàng động và cảm xúc ra sao:
"Tôi nhút nhát tới nỗi có khi đi đi lại lại trên bến tàu tới hai mươi phút hoặc hơn nữa rồi mới dám gõ cửa nhà bạn. Sự thực, như có linh tính bảo tôi rằng không dám gõ cửa một người bạn thì sau này không làm nên trò trống gì ở đời hết, nhờ vậy tôi mới dám vào thăm bạn, nếu không thì tôi đã bỏ mà chạy một mạch về nhà rồi cho khỏi phải đau khổ vì nhút nhát".(...)
Sau cùng ông học được cách hay nhất, mau nhất và chắc chắn nhất để thắng tánh nhút nhát và sợ sệt, là tập nói trước công chúng. Ông xin vô một hội tranh biện. Mấy lần đầu đứng lên diễn thuyết, ông cho thính giả cảm tưởng rằng ông bình tĩnh lắm, nên người ta xin ông lần sau lại diễn thuyết nữa; nhưng sự thực ông bị kích thích dữ lắm, tay run lên, trong khi ký tên. Hễ không ghi chép những điều cần nói thì ông quên hết, không còn biết nói gì nữa; mà nếu ghi chép thì quýnh quá, đọc không được. Nhưng không thính giả nào ngờ nỗi khổ tâm đó của ông, cứ vẫn nghe ông nói. Quyết tâm thắng tánh nhút nhát của ông mạnh mẽ quá, đến nỗi có cuộc hội họp để tranh biện nào ở Luân Đôn, ông cũng đến dự và luôn luôn ông đứng dậy bày tỏ ý kiến.
Và sau ông còn nhút nhát nữa không? Khi ông đã tìm được một lý tưởng và bênh vực chủ nghĩa xã hội, thì trong mười hai năm, cứ cách một đêm ông lại diễn thuyết một đêm ở các góc đường hoặc trong các chợ, các nhà thờ, tại khắp nước Anh. Ông nổi tiếng là hùng biện và kiếm được nhiều tiền không phải để tiêu pha riêng mà để phụng sự lý tưởng.
Mặc dầu ông đã tám chục tuổi mà ông còn tuyên bố rằng ông bận công việc quá, không có thì giờ để nghĩ đến sự chết. Ông nói:Tôi thích sống vì sống là vui. Đời sống đối với tôi không phải là một "mẩu đèn cầy". Nó là một thứ đuốc lớn mà tôi được cầm trong một lúc. Và tôi muốn cho đuốc đó cháy hết sức rực rỡ trước khi tôi chuyền nó qua tay những thế hệ sau.
-
Chương 35 - James Buchanan Duke
Chương 35 - James Buchanan Duke
Doris Duke và Barbara Hutton là hai thiếu nữ Mỹ nổi danh khắp thế giới. Nhưng ta thử hỏi: tên tuổi của họ có được báo chí mọi nước nhắc nhở tới nhiều như vậy không nếu họ không được hưởng gia tài hằng tỉ bạc của ông, cha?
Do cái gì mà có gia tài kếch xù nó đã làm cho Doris Duke thành một người kế thừa giàu nhất thế giới? Thưa bạn, do khói ạ, do khói thuốc lá. Lịch sử gia tài đó bắt đầu từ hồi nội chiến ở Hoa Kỳ. Hồi đó miền Nam trải qua những ngày ảm đạm vì bị quân đội tàn phá, đồng ruộng cháy khô và bỏ hoang. Cảnh điêu linh thực không tưởng tượng được. Dân chúng phải luộc hột cây lật và hột bông vải để thay cà phê, và nấu lá dâu tây thay trà. Nền đất nện của các nhà tranh dính mở heo mà người ta cũng lượm lên, nấu để ăn vì trong mở còn chút muối. Washington Duke, ông nội của thiếu nữ giàu nhất thế giới ngày nay, hồi đó chiến đấu ở Richmond, thuộc quyền chỉ huy của đại tướng Lee, sau bị nhốt trong khám Libby. Sau khi đại tướng Lee đầu hàng, ông về trại ruộng ở Durham, bắc Caroline.
Chính phủ liên bang phương Nam cho ông một cặp la đui, già, chỉ chờ chết, và ông bán lại phiếu quốc trái năm Mỹ kim cho một người lính theo phương Bắc, được nửa Mỹ kim.
Đó, tất cả gia tài của ông chỉ có vậy: năm cắc, một cặp la đui, vài bộ cương và hai đứa con mồi côi mẹ.
Quân đội phương Nam cũng nhưng phương Bắc đều tàn phá xứ sở, trong đồng có gì ăn được là những đội lính đói lượm hết, chỉ để lại vài gốc thuốc lá xanh. Cho nên ông và hai người con là "Buck" và "Ben" đành đi hái thuốc lá phơi khô đập sơ sơ thồn vào bao, chở trong một chiếc xe có mui vải, thắng cặp la đui vào xe, rồi đi chinh phục thế giới, và lạ nhất là bọn họ chinh phục được đế quốc thuốc lá, một đế quốc sau này chế ngự khắp địa cầu.
Ngồi trong chiếc xe mui vải do la kéo đó, họ tiến về phương Nam, miền mà thuốc lá rất hiếm. Họ đổi thuốc lá lấy mở heo và bông vải. Ban đêm họ ngừng xe, cắm trại bên lề đường cái, chiên mở heo với khoai lang, ăn xong ngủ ngay giữa trời. Như vậy thích hơn là đi hái thuốc lá, cho nên họ quyết định bỏ nghề trồng thuốc lá mà xoay qua nghề bán thuốc hút.
Nhưng chẳng bao lâu họ đụng đầu với một sự cạnh tranh tàn nhẫn. Hằng trăm hãng làm thuốc rời bán cho những người hút ống điếu, mà những hãng đó giàu có, cơ sở vững vàng. James Buchaman Duke, người tạo ra gia tài của họ Duke và là ông thân của cô Doris Duke, hiểu rằng phải làm cái gì mới và làm ngay, nếu không thì nguy, Và ông nẩy ra một ý nó đem cho ông trăm triệu Mỹ kim. Ông quyết định chế thuốc vấn. Bây giờ chúng ta cho ý đó không có gì đặc biệt vì mỗi năm dân Mỹ hút tới một trăm hai mươi lăm tỉ điếu thuốc; nhưng năm 1881 thì đó là một ý cách mạng. Tôi vẫn biết người Nga và người Thổ đã hút thuốc vấn từ mấy đời rồi mà lính Anh đánh trận Crimée về có đem theo thứ thuốc vấn đó nhưng ở châu Mỹ tới năm 1867 vẫn chưa có thuốc vấn mà châu Mỹ là nơi sản xuất thuốc lá cho khắp thế giới.
Khi Buck Duke khởi sự thì thuốc lá đều vấn tay. Sau ông chế ra một cái máy làm cho năng suất tăng từ hai ngàn rưỡi điếu lên tới một triệu điếu mỗi ngày. Chính ông kiếm ra cách gói thành hộp. Bạn nào đã thấy những hộp thuốc Meccas, Zinas, Sweet Caporal hay Turkish Trophies, chắc còn nhớ kiểu hộp bằng giấy dầy có ngăn kéo ra đẩy vô được ấy mà chính ông đã vẽ ra. Nhờ vậy xí nghiệp của ông phát triển mau, và khi chính phủ hạ thuế thuốc lá xuống thì ông hạ giá bán xuống một nửa, làm thị trường ngập những bao thuốc năm xu, và các nhà cạnh tranh với ông phải nhào hết.
Rồi ông đi kiếm những thế giới khác để chinh phục. Năm ông tới Nữu Ước để lập xưởng mới, ông mới hai mươi bảy tuổi. Luôn luôn ông tự nhủ: "Rockefeller đã thành công được như vậy nhờ dầu lửa, thì tại sao bán thuốc lá lại không thành công được như ông ấy".
Nghĩ vậy, lời được bao nhiêu ông đập hết vào vốn như Rockefeller. Kiếm được mỗi năm năm chục ngàn Mỹ kim rồi chứ, mà ông sống trong một phòng hẹp, cơm thì ăn tiệm. Nhưng cái con người mỗi bữa cơm không dám tiêu năm cắc ấy lại dám cho đại diện đi khắp thế giới. Ông làm tối tăm mặt mũi ở hãng. Sáng tới sớm, tối về trễ, kiểm soát lại mọi công việc chế tạo từ khi thuốc còn là lá tới khi thuốc cho vào bao.
Khi chết, ông có trăm lẻ một triệu Mỹ kim và ông thường đánh cá rằng không có ai làm cho nhiều người thành triệu phú bằng ông. Hồi nhỏ ông chỉ được đi học có bốn, năm năm. Có lần ông nói đùa rằng:"Sự học cần cho các giáo sĩ hay các luật sư chứ có ích lợi gì cho tôi đâu?Trong nghề kinh doanh, không cần phải thông minh hơn người".
Đây, ông giảng nguyên do tại sao ông thành công tôi chép đúng lời ông:
"Tôi thành công trong công việc làm ăn không phải vì tôi có khiếu hơn phần đông những người không thành công, mà vì tôi đã đem hết sức ra hăng hái làm. Tôi biết nhiều người đã thất bại mà chắc chắn là họ thông minh hơn tôi, nhưng họ thiếu đức quyết định và kiên nhẫn".
Theo tôi, bí quyết lớn của ông là cách ông dùng số lời:ông đập vào vốn để làm ăn.
Mà đó cũng là bí quyết của John D. Rockefeller và của tất cả những người đã xây dựng được những gia sản khổng lồ. Dùng vốn của người khác để khuếch trương công việc của mình thì không thể nào gây được một gia tài vĩ đại. Muốn gây được một gia tài như vậy thì phải như Duke và Rockefeller, làm chủ xí nghiệp của mình mà vốn thì do mình bỏ ra rồi mỗi ngày đập thêm lời vào. Quy tắc đó không phải chỉ áp dụng vào những người làm giàu lớn mà thôi đâu:người thợ bỏ thì giờ rảnh ra để học thêm thành viên Đốc công hay viên Kỹ sư thì cũng là hành động như Rockefeller và Duke, chứ khác gì: cũng là gây vốn cả.
Điều lạ nhất là Buck Duke tự nghĩ không cần phải học nhiều mà lại tặng bốn chục triệu Mỹ kim để lập một trường đại học lớn ở Durham, bắc Coroline. Cô Doris Duke là hội viên trong ban quản trị trường đó.
Ông ghét quảng cáo và suốt đời chỉ cho người ta phỏng vấn có mỗi một lần. Lần đó phóng viên hỏi ông:
- Thưa ông, cái sự có một triệu Mỹ kim, tự nó có phải là một điều thú không?
Ông lắc đầu, đáp:
- Không. Số tiền đó có làm cho tôi vui thích chút nào đâu.
-
Chương 36 - Ernestine Schumann - Heink
Chương 36 - Ernestine Schumann - Heink
Đời thành công của bà Ernestine Schumann Heink là truyện lạ lùng nhất trong lịch sử của Đại nhạc kịch trường. Mặc dầu đói, đau khổ và thất vọng mà bà gây được danh tiếng rực rỡ.
Bà phải phấn đấu một cách chua chát khó khăn mới thành công được. Có ba lần bà chán nản, tuyệt vọng đến nỗi muốn quyên sinh. Hôn nhân của bà là cả một bi kịch. Chồng bà bỏ đi, để những món nợ lại cho bà trả, vì theo luật Đức hồi đó thì vợ phải trả nợ cho chồng. Thế là tòa cho người tới tịch thu hết đồ đạc, chỉ chừa một cái ghế và một cái giường. Và đôi khi bà hát ở đâu, kiếm được ít tiền, thì bà bị trừ nợ gần hết.
Sáu giờ trước khi bà sanh người con trai thứ ba, bà còn phải hát. Có hồi bà đau nặng nhưng không nghỉ hát được, vì nghỉ thì lấy gì nuôi con. Mùa đông tới, con bà khóc vì đói, run vì rét, mà bà không có tiền mua than để sưởi.
Thất vọng đến gần hóa điên, bà định giết hết các con rồi tự tử...
Nhưng bà không tự tử, mà sống để tranh đấu cho tới khi thành một ca sĩ nổi danh bậc nhất thế giới.
Vài tháng trước khi mất, bà mời tôi lại dùng cơm tối với bà ở Chicago, và hứa sẽ đích thân nấu lấy để đãi tôi. Rồi bà nói thêm:"Nếu ông khen tôi là hát hay thì tôi cũng thích, nhưng nếu ông ăn cơm với tôi rồi, bảo: "Bà Schumann-Heink ạ, tôi chưa bao giờ được ăn món xúp ngon như lần này "thì ông sẽ là bạn thân của tôi đấy".
Bà bảo tôi rằng một trong những bí quyết thành công của bà là bà thương yêu mọi người và chính tôn giáo đã dạy bà thương yêu mọi người. Ngày nào bà cũng đọc Thánh kinh, tối nào, sáng nào bà cũng quỳ gối tụng kinh. Bà nói chính những nỗi bi thảm trong đời bà đã giúp bà hát hay, vì nhờ sầu khổ bà mới hiểu người hơn, dễ cảm thông hơn, thương người hơn; sự đau khổ đã làm cho giọng của bà thêm sức huyền bí để rung động hàng triệu trái tim. Nếu bạn được nghe bà hát bài Rosery trong thời danh bà đương lên, bạn sẽ cảm thấy sức huyền bí đó. Tôi biết bà thương con nít lắm, nên hỏi bà tại sao bà lại có ý giết con để rồi tự tử. Và đây bà kể chuyện với tôi như vầy:
"Hồi đó tôi đói, đau và chán nản lắm, nhìn tương lai không còn hy vọng gì nữa. Tôi không muốn cho các cháu chịu cảnh khổ như tôi; tôi nghỉ rằng sống như vậy thì chết còn hơn, cho nên tôi quyết tâm mẹ con ôm nhau đâm đầu vào xe lửa cho rảnh nợ đời. Tôi đã dự định kỹ rồi, biết giờ xe lửa qua. Mấy cháu la khóc níu chặt lấy tôi, lẩy bẩy ở bên tôi. Tôi nghe tiếng còi xe lửa. Tôi đã tới bên đường rầy. Tôi cúi xuống quơ mấy cháu lại sẵn sàng quăng chúng vào chuyến xe lửa rồi tôi sẽ nhào theo, thì đứa cháu gái nhỏ của tôi chạy theo đứng trước mặt tôi, la: "Má, con yêu má! Lạnh quá má ạ, má cho chúng con về đi!".
"Lạy trời! Giọng thơ ngây của cháu làm tôi tỉnh lại. Tôi ôm các cháu chạy về căn phòng trống rỗng, lạnh lẽo của chúng tôi. Tôi quỳ xuống cầu nguyện và khóc mướt".
Cho tới ngày đó, bà làm việc gì thì việc đó cũng thất bại: thất bại trong hôn nhân, thất bại trong nghề nghiệp. Nhưng chỉ vài năm sau lần định tự tử đó, rạp Royal Opera House ở Bá Linh, rạp Covent Garden ở Luân Đôn, rạp Metropolitan ở Nữu Ước đều yêu cầu bà hát giúp. Bà đã đói rét, cơ cực nô lệ trong hàng năm. Bây giờ thì hết! Thành công lại rực rỡ tới chói mắt.
Thân phụ bà là một sĩ quan Áo, lương ít mà gia đình đông: cho nên ngay từ hồi thơ ấu, bà đã chịu cảnh đói, chỉ ước ao có đủ bánh mì đen để cho ăn no. Bơ là một xa xí phẩm có bao giờ bà được nghe nói tới. Khi nào món xúp có chút mỡ nổi trên thì thân mẫu bà hớt lớp mỡ đó để dùng thay bơ. Bà đi học, mang theo một miếng bánh mì đen và một chén cà phê để ăn bữa trưa ở trường: tối ăn bánh mì và xúp, quanh năm như vậy.
Muốn kiếm thêm thức ăn, trong giờ nghỉ học bà thường chạy lại một rạp xiếc ở đầu tỉnh, xin quét chuồng khỉ lấy tiền mua bánh.
Học hát mấy năm xong, bà được cơ hội hát cho ông giám đốc một gánh hát nổi danh ở Vienne.
Nghe bà hát xong, ông ta khuyên bà nên bỏ nghề đó đi vì bà không đẹp, không có duyên, mà về nhà mua cái máy may áo còn hơn. Ông ta nói lớn tiếng:"Cô muốn thành ca sĩ ư? Không khi nào thành đâu. Không khi nào! Tuyệt nhiên không!".
Sau này, nổi danh rồi có lần bà hát đúng ở rạp đó và chính ông giám đốc đó nhiệt liệt khen bà, rồi hỏi: "Tôi coi mặt bà như quen quen. Chắc tôi có gặp bà một lần ở đâu rồi?".
Bà bảo tôi: "Tôi đáp ông ta như vầy. Ông có gặp tôi một lần ở đâu ư? Thì chính ở đây, chứ ở đâu nữa. Ông quên rồi sao? Rồi tôi kể lại câu chuyện mua máy may cho ông ta nghe..."
Thật cảm động.
-
Chương 37 - Henry Ford
Chương 37 - Henry Ford
Nếu bạn có một em nhỏ hễ mở sách ra học là ngáp mà trông thấy một đồ chơi gì có máy móc là mắt sáng lên, xun xoe muốn rờ, thử, tháo, lắp, và suốt ngày chỉ rình lúc bạn ngủ trưa hoặc tiếp khách để bỏ bài vở, chạy tuốt ra sân lau chùi chiếc xe máy dầu của bạn, thì bạn đừng vội buồn: biết đâu em đó sau này chẳng thành một Henry Ford của Việt Nam? Vì Henry Ford hồi nhỏ cũng biếng học như vậy: ngồi trong lớp chỉ lén nói chuyện về máy móc với bạn bè và chỉ mong chóng tan học để chạy về nhà, leo lên căn gác xép ở thượng lương mà hí hoáy với những cây đinh, những cái kim, cái giũa.
Hồi tám tuổi, ông mê đồng hồ như các trẻ khác mê tiểu thuyết kiếm hiệp. Thấy đồng hồ nào hư, ông cũng tháo ra coi rồi sửa...và sửa được. Một người chơi thân với gia đình ông đã phải nói:"Đồng hồ nào ở trong làng này cũng phải run lên khi thấy thằng Henry tới gần". Lần lần, tài sửa đồng hồ của ông vang lừng trong miền. Ai có đồng hồ hư cũng đem lại nhờ "cậu Henry"sửa, và "cậu Henry" không bao giờ đòi tiền công: việc làm đó thú quá mà!
Máy móc có sức quyến rũ ông kỳ dị. Trông thấy máy gì mới, ông cũng tìm hiểu cho kỳ được. Có lần lại một tiệm cưa, ông thừa lúc vắng người, tháo một cái máy chạy bằng hơi nước ra xem, bị máy kẹp, suýt nguy đến tánh mạng. Nhưng chỉ ít lâu sau, năm ông mười hai tuổi, ông đã bắt chước chế tạo được một máy nhỏ chạy bằng hơi nước, trong căn gác xếp của ông.
Năm hai mươi tám tuổi, đọc một bài báo trong tạp chí Monde scientifique, tả một kiểu máy nổ do một người Đức phát minh, ông quyết chí thực hành cái mộng chế tạo xe hơi. Ông rời quê hương, lại Detroit ở, nhận một chân kỹ sư làm đêm trong một hãng điện. Ông làm việc như mọi từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng, mà chỉ lãnh được một số lương khỏi chết đói. Nhưng ông không nản chí, còn gắng sức sửa đồng hồ, và dạy thêm trong một trường hướng nghiệp để kiếm thêm tiền, dành dụm, gây một số vốn, lập một xưởng nhỏ để chế tạo một kiểu máy nổ chạy bằng xăng. Năm năm sau, máy chế tạo xong, ông lắp nó vào một vỏ xe cũng do ông đóng lấy, và chiếc xe hơi đầu tiên của Mỹ đã xuất hiện: nó cao lồng nhồng không mui không thắng, chạy dật lùi không được, tốc độ cao nhất là 30 cây số một giờ. Bạn thử tưởng tượng: xe hơi không thắng mà chạy trong thành phố thì nguy hiểm biết chừng nào! Cho nên ông phải lắp một cái kiểng vào xe, và ông vừa lái vừa luôn tay đánh kiểng để báo cho bộ hành biết mà tránh.
Mấy năm sau, ông lập Công ty xe hơi Detroit rồi Công ty xe hơi Cadillac, vốn 100.000 Mỹ kim. Mới đầu ông có 25% cổ phần nhưng kiếm được bao nhiêu ông lại đập cả vào vốn bấy nhiêu, nhất định phải có già nửa phần hùn để có đủ quyền điều khiển công ty theo ý muốn của mình. Chủ trương của ông là chế tạo xe cho thật nhiều, để giá xe được hạ, người nào cũng có thể mua được.
Ông áp dụng phương pháp tổ chức công việc của Taylor, chú trọng tới sự lựa người, và việc dạy nghề cho thợ. Sáng kiến được khuyến khích, trọng thưởng. Lối làm chuyền được cải thiện. Nhờ vậy, kiểu xe mỗi ngày mỗi mới, sức sản xuất mỗi ngày mỗi tăng, giá vốn mỗi ngày mỗi hạ mà lương của thợ thuyền được tăng gấp đôi, trong khi số giờ làm việc rút xuống từ 9 giờ xuống 8 giờ mỗi ngày.
Năm 1906 ông sản xuất được 8.400 chiếc xe; bốn năm sau, con số đó tăng lên 34.000; một năm sau nữa, nó tăng lên 78.000; và tới năm 1927 thì mỗi ngày ông sản xuất được 7.000 chiếc xe, tính ra cứ 7 giây đồng hồ, có một chiếc xe hơi ở trong xưởng ông từ từ chạy ra để được gởi đi khắp thế giới.
Nhờ ông hiểu rằng cái lợi của thợ thuyền là lợi của ông, và cái lợi của khách hàng cũng là lợi của ông, mà luôn luôn tìm cách tăng lương cho thợ và hạ giá xe cho nên thợ thuyền và quần chúng ủng hộ ông trong một vụ tranh chấp với nhiều công ty lớn hơn ông, như công ty Seldon. Công ty này bắt ông phải theo quan niệm ích kỷ của họ là bán cho thật mắc, Ông không chịu, họ kiếm cớ kiện ông. Vụ kiện kéo dài hàng mấy năm. Tòa sơ thẩm đã xử ông thua. Sản nghiệp của ông muốn tiêu tan, nhưng ông can đảm đăng lên báo hết thảy nguyên do sự kiện và cam đoan với khách hàng rằng ông sẽ đem hết số vốn công ty để bảo đảm những chiếc xe ông sẽ chế tạo. Quần chúng thấy ông ngay thẳng và thành thực nghĩ tới lợi của họ, viết báo bênh vực ông và rốt cuộc, khi ông chống án thì ông thắng.
Khi đại chiến thứ nhất bùng nổ ở Âu, ông đau khổ thấy biết bao máu thanh niên chảy trong những hầm núp trên mặt trận Pháp; cho nên lúc phong trào hoà bình manh nha ở Mỹ, ông hăng hái gia nhập liền; tuyên bố: "Nếu tôi có thể làm gì cho chiến tranh này ngưng được thì dù tiêu tan cả sự nghiệp, tôi cũng không ngại". Cuối năm 1915, ông bỏ tiền ra mướn chiếc tàu Oscar II và cùng với sáu sứ giả hòa bình nữa, vượt Đại Tây Dương qua châu Âu. Rủi thay, nửa đường ông bị bệnh nặng phải trở về Detroit, còn sáu người kia tiếp tục tới Stockholm, Copenhague, La Haye, hô hào người ta bỏ súng...Nhưng súng cũng vẫn nổ.
Từ đó, ông hóa ra quạu quọ, chua chát, nhưng vẫn không ngớt tìm cách cải thiện kiểu xe Ford của ông. Năm ông sáu chục tuổi, cái tuổi mà ngay ở Mỹ, nhiều người chỉ tính tới chuyện về vườn dưỡng lão, thì ông còn hăng hái cải tổ lại hoàn toàn hãng Ford: ông bỏ ra 100 triệu Mỹ kim, thay 43.000 máy cũ, dạy lại nghề cho hết thảy thợ thuyền để chế tạo một kiểu xe mới, làm cho hãng Ford thành hãng xe hơi lớn nhất thế giới.
Ông mất năm 1947, thọ 83 tuổi, sản nghiệp là nửa tỉ Anh kim (khoảng 100 tỉ bạc). Vài tháng trước khi mất, một buổi sáng nọ, ông cùng với một đứa chắt dạo mát trong vườn. Đương đi thì đứa nhỏ đánh rớt một vật gì trong cỏ. Ông hỏi:
- Cháu đánh rơi cái gì đó?
- Thưa, không có gì cả. Chỉ là một đồng xu thôi ạ.
Ông già lặng thinh, cúi xuống tìm, lượm đồng xu lên, đưa cho dứa nhỏ. Nó ngạc nhiên, hỏi:
- Người ta nói cố giàu nhất trong nước, phải không cố?
- Ừ.
- Thế thì sao cố lại chịu khó cúi xuống lượm đồng xu cho cháu?
- Này, cháu, một ngày kia, nếu cháu phải sống cô độc trên một hoang đảo thì tất cả những giấy bặc ở thế giới này sẽ là giấy vụn hết. Nhưng một đồng xu sẽ quý vô cùng. Nó bằng đồng. Cháu có thể đập nó thành một ngọn giáo hoặc một đồ dùng. Tao coi trọng đồng xu đó vì tự nó đã có giá trị rồi, chứ không phải như tờ giấy bạc, chỉ để biểu hiệu một cái gì thôi. Đừng đánh rớt nó nhé. Đã chắc gì sau này cháu không khỏi bị bỏ cô độc trong một hoang đảo.
-
Chương 38 - Đời Cơ Hàn Của Các Nhạc Sĩ
Chương 38 - Đời Cơ Hàn Của Các Nhạc Sĩ
Ông Leopold Auer, giáo sư vĩ cầm nổi danh, người đã tìm được và đào luyện được nhiều thiên tài về âm nhạc hơn hết thảy các giáo sư khác trong thế hệ này, có lần nói với tôi rằng muốn làm nhạc sĩ đa tài thì phải sinh trong một nhà nghèo. Ông bảo có cái gì đó ông không biết rõ nó là cái gì, có cái gì đó mà cảnh nghèo khổ gây ở trong tâm hồn ta, một cái gì bí mật, đẹp đẽ, nó làm nẩy nở tình cảm, nghị lực, lòng thương người, yêu người.
Mozart nghèo tới nỗi không có tiền mua củi sưởi, phải sống trong một phòng tồi tàn lạnh lẽo và đút hai bàn tay vào hai chiếc vớ len cho khỏi cóng, trong khi sáng tác những bản nhạc mê hồn đã làm cho tên tuổi ông bất hủ.
Mới ba mươi lăm tuổi, ông đã lìa đời vì bệnh lao, sinh lực tiêu lần lần do đói, lạnh, thiếu thức bổ.
Tội nghiệp, đám tang của ông chỉ tốn có nửa Anh kim. Chỉ có sáu người đi theo quan tài bằng ván thông của ông, mà họ không đưa ông được tới huyệt, nửa đường gặp mưa, họ bỏ về cả.
Harold Stanford, bạn thân nhất của Victor Herbert nói với tôi rằng khi Victor Herbert mới tới châu Mỹ, nghèo lắm, chỉ có mỗi cái áo sơ mi, thành thử khi nào bà vợ giặt, ủi áo đó thì ông phải nằm khoèo ở giường không đi đâu được.
Bạn còn nhớ bài mà hồi đầu đại chiến thứ nhất, hết thảy chúng ta đều hát đấy không? Bài "Đường đi tới Tipperary, dài, dài thăm thẳm"? Có lẽ chưa có bài tiến quân nào ca được quần chúng hoan nghênh bằng bài đó; mà người sáng tác nó, Jack Judge, ngày phải bán cá, đêm phải đóng kịch mới đủ sống.
Bài "Chỉ bạc trong vàng" cũng vào hạng nổi danh nhất. Hart P. Dank viết bài đó để tặng bà vợ, và đem bán được có ba Anh kim. Sau, hai ông bà cãi nhau rồi bỏ nhau; và ông mất cách đây khoảng ba chục năm, trong cảnh bần hàn cô đơn, tại một căn nhà trọ tồi tàn. Trên một chiếc bàn kê ở đầu giường, nơi ông tắt nghỉ, người ta thấy một miếng giấy ghi mấy chữ này:"Giá mà sống cô đơn thực là khổ não".
Một tập nhạc rất nổi danh là tập "Hoạt kê"(Humoresque). Lạ lùng thay, con một người đồ tể đã trứ tác nó ở bên những cái máng lúa trong một chuồng heo ở Iowa. Không có giờ nào, bất kỳ ngày hay đêm mà tập nhạc đó không được hát ở một nơi nào trên thế giới.
Soạn giả tập đó là một người Bô Hem tên là Anton Dvorak. Năm mươi tuổi ông mới tới Hoa Kỳ, nhưng không chịu nổi cảnh ồn ào náo nhiệt ở Nữu Ước, ông lại một làng nhỏ ở Iowa, làng Spillville nơi đó hiện nay cũng vẫn chưa có một đường xe lửa hoặc một đường lát đá nào chạy qua.
Ở Spillville ông đã soạn được một phần khúc"Tân thế giới hòa tấu"(New World Symphony) một trong những khúc thanh cao nhất của nhân loại.
Ông sinh chín mươi hai năm trước trong một làng nhỏ ở xứ Bô Hem, tại châu Âu. Ông ít học, phải giúp việc trong nhà. Và trong khi ông làm dồi heo, cắt thịt thì các bài ca, các bản nhạc văng vẳng trong óc ông.
Vì vậy, ông quyết chí tới Prague để học nhạc. Nhưng tiền đâu? Ông chỉ có ít đồng xin được của khách qua đường sau khi đờn vĩ cầm cho họ nghe, cho nên ông phải sống trong một phòng ở sát mái nhà tại khu nghèo nhất trong châu thành. Mà không được ở một mình nữa, phải ở chung với hai sinh viên khác cho đỡ tiền mướn.
Mùa đông, phòng lạnh như băng; mà ông lại ốm yếu vì đói, vì phải nhịn ăn để mướn một dương cầm cũ kỹ phím đã hư bộn không còn dùng được. Ngồi ở bên dương cầm đó, trong phòng lạnh đó, ông đã soạn nhiều khúc hòa tấu đẹp, nhưng không có tiền mua giấy để chép lại. Thỉnh thoảng lượm được ở ngoài đường một miếng giấy, ông đem về, giữ kỹ để chép nhạc.
Tuy nhiên ta không nên phàn nàn cho ông vì chính cảnh nghèo khổ đó đã giúp ông có thiên tài.
Lần sau, bạn có thể nghe bản "Hoạt kê", bạn thử rán tìm trong đó xem có một cái đẹp bí mật, một tình cảm êm ái triền miên mà nhờ chịu đau khổ, chịu đói lạnh, chịu thất vọng ông đã tìm ra, gợi được rồi ký thác vào tác phẩm?
-
Chương 39 - Nhờ Vô Khám Mà Họ Thành Danh Sĩ
Chương 39 - Nhờ Vô Khám Mà Họ Thành Danh Sĩ
Nhà viết truyện ngắn nổi danh nhất thế giới là ai, bạn biết không? Tôi chắc bạn đã đọc truyện của nhà đó rồi. Sách của ông ấy đã bán được trên sáu triệu cuốn; và đã được dịch ra gần khắp thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật, tiếng Tiệp Khắc, tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy, tiếng Thế Giới, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Thụy Sĩ, tiếng Nga. Bút hiệu của ông là O. Henry, và ông sanh cách đây khoảng bảy chục năm.
Đời ông là một tấm gương rực rỡ cho ta soi: ông đã chiến đấu với những khó khăn phi thường và thắng được những trở ngại ghê gớm.
Trước hết ông bị trở ngại vì ít học. Ông không có bằng trung học và chưa bao giờ bước chân vào một trường đại học, vậy mà những tiểu thuyết của ông hiện nay được nghiên cứu như những áng văn kiểu mẫu trong già nửa các trường đại học Hoa Kỳ.
Rồi ông lại bị trở ngại vì bệnh tật tàn phá cơ thể ông. Các bác sĩ sợ ông sẽ chết vì lao phổi, bắt ông bỏ nhà cửa ở miền Bắc Carolina, xuống miền Texas chăn cừu trong một trại ruộng.
Sau cùng ông mắc cái họa vô khám. Việc xảy ra như vầy:
Sau khi sức đã bình phục, ông xin được một chân giữ két tại một ngân hàng ở Austin, xứ Texas. Các cao bồi và chủ trại nuôi cừu ở miền đó thường vô ngân hàng và có thói quen, nếu các thầy ký trong ngân hàng bận việc quá thì tự mình lấy tiền ra, ký giấy biên nhận, rồi đi về.
Thình lình một hôm, một viên thanh tra tới xét quỹ thấy thiếu tiền. O. Henry giữ két, chịu trách nhiệm, bị bắt, đem xử, và nhốt khám năm năm, mặc dầu có lẽ ông không tham lam, lấy một đồng nào trong két.
Bị nhốt khám là một tai họa lớn, nhưng về một phương diện khác, lại là một điều rất may cho ông, vì nhờ ngồi khám mà ông bắt đầu viết những truyện ngắn và sau này được nổi danh trong những nước dùng tiếng Anh.
Mới rồi, tôi nói chuyện với ông Warden Lawes, người coi khám Sing Sing. Ông bảo tôi rằng hầu hết những tội nhân trong khám đó đều muốn chép lại đời mình: vì vậy mà nhà khám mở một lớp dạy viết truyện ngắn cho họ. Họ không phải trả học phí. Tất nhiên là rất ít người thành công, tuy nhiên, có nhiều văn sĩ nổi danh nhờ đã viết trong khám.
Chẳng hạn Walter Raleigh, con người bảnh bao, đính kim cương vào giầy, đeo trân châu ở tai, vị triều thần khéo nịnh, đã trải áo mình xuống bùn cho Nữ Hoàng Elisabeth giẫm lên, cũng đã viết sách trong khám. Ông ta bị giam mười bốn năm trường vì bị một chính khách ghen ghét.
Phòng giam của ông ẩm ướt, chật hẹp, tường thấm bùn hôi hám. Ông khổ cực vì lạnh, cánh tay trái của ông bị phong thấp mà cứng đơ, bàn tay ông sưng lên, cử động rất khó. Nhưng mặc dầu đau lòng và khốn khổ ông cũng soạn được ở trong khám một bộ lịch sử thế giới mà hiện nay, sau ba trăm năm, các trường trung học và đại học còn dùng.
Trong mười hai năm, John Bunyan bị giam vì những tư tưởng về tôn giáo. Ở trong khám ông phải đánh dây để có tiền nuôi vợ và bốn đứa con. Nhưng trong khi tay ông đánh dây, thì óc ông suy nghĩ về những tư tưởng lớn lao và trong phòng giam tối tăm lạnh lẽo, ẩm thấp, ông đã viết một cuốn mà hầu hết các sinh viên Mỹ đã đọc tức cuốn Pilgrim's Progress. Trừ Thánh kinh ra, chưa có cuốn nào được dịch ra nhiều thứ tiếng bằng cuốn đó.
Carvantes viết trong khám một cuốn sách có danh nhất cổ kim, cuốn Don Quichotte. Voltaire viết trong khám. Oscar Wilde viết trong khám. Tôi suýt muốn kết luận rằng nếu bạn muốn viết một cuốn sách, thì nên đi đập bể kính cửa sổ của người khác để được nhốt khám.
Khi Richard Lovelace bị nhốt vô khám ở Anh, hai trăm rưởi năm trước, ông đã làm cho phòng giam của ông nổi danh vì ông viết trong đó một bài thơ bất hủ. Đó là một bài thơ tình ông gởi cho người yêu của ông. Bài ấy nhan đề là: Viết ở trong khám để tặng Althea.
Vách đá không làm thành một cái khám,
Chấn song sắt cũng không làm thành một cái lồng.
Tâm hồn nào trong sạch, và vô tội.
Gọi đó là một nhà tu.
Nếu trong tình yêu anh được tự do,
Và trong tâm hồn anh được tự do,
Thì chỉ có những bực thiên thần trên cao kia,
Mới được vui hưởng một sự tự do như vậy.
-
Chương 40 - Trí Nhớ Tầm Thường Cũng Có Thể Thành Thiên Tài
Chương 40 - Trí Nhớ Tầm Thường Cũng Có Thể Thành Thiên Tài
Một hôm ăn cơm trưa tại khách sạn Vandebilt, ở Nữu Ước, tôi lấy làm lạ rằng sao cô coi phòng gởi áo, dỡ nón của tôi cất đi mà không đưa cho tôi một cái vé. Tôi hơi ngạc nhiên, hỏi cô tại sao vậy; cô đáp là không cần, vì cô nhớ mặt tôi rồi, mà quả thực vậy. Cô bảo đã thường cất nón và áo cho hai trăm người khách, chất đống một chỗ, và khi khách ra về, nón, áo của ai cô trả cho người đó, không hề lầm lộn bao giờ. Tôi hỏi người quản lý khách sạn, ông này nhận rằng đã mười lăm năm, ông ta chưa thấy cô ấy nhớ lộn lần nào.
Tôi ngờ rằng ông Thomas Edison không nhớ nổi như vậy, và bạn có tặng cho ông một triệu Anh kim, ông cũng đành chịu. Trí nhớ của ông kém lắm, nhất là hồi ông trẻ. Ở trường, học đâu quên đấy, luôn luôn phải đội bảng, làm cho các thầy học đều thất vọng, cho óc ông là rỗng không, đần độn quá không học được. Các bác sĩ cũng bảo ông sau này tất đau óc vì hình dáng đầu ông kỳ cục quá. Sự thực, suốt đời ông, ông chỉ đi học có ba tháng. Rồi ông về nhà, bà thân ông dạy ông; và chúng ta phải mang ơn cụ vì nhờ cụ mà Thomas Edison đã biến đổi hẳn thế giới chúng ta đương sống đây.
Nhưng sau này, Thomas Edison đã luyện một tri nhớ đáng phục về những sự kiện khoa học, thuộc hết những sách khoa học trong thư viện mênh mông của ông. Ông tập được tài tập trung tư tưởng một cách kỳ dị, quên hết được mọi việc trừ công việc ông đương làm.
Một hôm, ông đem hết tâm trí để giải một bài toán khoa học trong khi ông lại tòa đóng thuế. Ông phải đứng nối hàng một lúc, và khi phiên ông tới thì ông quên bẵng tên ông đi. Một người đứng bên, thấy ông lúng túng, nhắc cho ông rằng tên ông là Thomas Edison. Sau ông kể lại rằng, những lúc như vậy, dù gặp việc nguy cấp đi nữa ông cũng không nhớ ngay tên ông được, phải đợi một chút mới lần lần nhớ ra.
Ông thường làm việc suốt đêm trong phòng thí nghiệm. Một buổi sáng, trong khi đợi điểm tâm, ông buồn ngủ quá, gục xuống ngủ. Một người giúp việc ông, vui tính muốn phá ông, đặt những chén đĩa dơ của mình mới ăn xong ở trước mặt ông. Ít phút sau, ông tỉnh dậy, giụi mắt, thấy những miếng bánh vụn bên cạnh một đĩa hết nhẵn đồ ăn và một ly cà phê cạn, suy nghĩ một chút rồi cho rằng trước khi ngủ mình đã ăn rồi, bèn đứng dậy, châm một điếu xì gà, hút và bắt đầu làm việc, không hay gì hết, cho tới khi các người giúp việc cười ồ lên ông mới biết rằng mình bị gạt.
Asa Grey, nhà thực vật học trứ danh ở Mỹ, có thể đọc thuộc lòng tên của hai mươi lăm ngàn giống cây; và theo sách chép thì Jules César có thể nhớ được tên của hàng ngàn quân lính.
Trường đại học lớn thứ nhì ở thế giới là một trường của tín đồ Hồi giáo tại Caire, kinh đô Ai Cập. Muốn được vô học, thí sinh phải đọc thuộc lòng trọn kinh Coran. Kinh đó dài bằng kinh Tân Ước và đọc ba ngày mới hết. Vậy mà có trên hai chục ngàn sinh viên thuộc lòng nó được.
Byron khoe rằng có thể nhớ hết thảy những bài thơ của ông. Nhưng Walter Scott lại nhớ dở lắm: một bài thơ chính ông làm mà ông cứ tưởng là của Byron, thành thử khen nó nhiệt liệt.
Francis Bacon thuộc lòng một trong những cuốn nổi danh nhất của ông; còn Joseph Fefferson, luôn trong mười hai năm, gần như đêm nào cũng diễn kịch Rip Van Winkle mà cũng vẫn quên hoài.
Sử gia Macaulay có lẽ nhớ giỏi nhất, từ xưa đến nay không ai bằng. Ông chỉ nhìn một lần một trang giấy nào là óc ông như chụp hình trang giấy đó rồi. Ông chỉ đọc một lần một chương sách là thuộc. Cho nên ông viết sử mà không cần thu thập sách để tra cứu, vì bao nhiêu sách để ở cả trong óc ông. Tương truyền có lần muốn thắng cuộc, ông học một đêm mà thuộc tập Paradise Lost.
Calvin Coolidge mỗi đêm thường đọc ít trang Paradise Lost trước khi đi ngủ. Nhưng nếu bạn mất ngủ thì nên đọc nó: công hiệu hơn thuốc ngủ đấy.
Nhiều người có một trí nhớ lạ lùng. George Bidder là một người Anh phong lưu, mất trên sáu chục năm trước. Khi mới mười tuổi, chỉ mất hai phút, ông ta đã tính nhẩm được tiền lời của 4444 Anh kim, đặt lãi 4 phân rưỡi mỗi năm, trong 4444 ngày.
Cách đây không bao lâu, một người kỳ dị, chết ở Coldwaten, xứ Michigan. Người ta gọi ông là "Đường rầy Jack". Ký tính của ông lạ lùng; trong hai chục năm, ông lại khắp các trường đại học khoe tài với các sinh viên. Ông thường lại một khách sạn mà các sinh viên hay lui tới ăn uống, bảo: Tôi là"Đường rầy Jack"đây. Cho các anh hỏi tôi bất kỳ điều gì về Sử Ký, tôi sẽ đáp đúng cho mà coi. Họ bèn hỏi ông những câu bí hiểm như: "Bà Socrate cưới ông Socrate hồi bao nhiêu tuổi?". Và ông ta trả lời tức thì: "Ông Socrate bốn chục tuổi mà chưa lập gia đình; rồi mặc dầu ông hiền triết làm vậy, mà cưới một cô dưới mình mười chín cái xuân xanh". Hoặc họ hỏi người ta dùng lưỡi lê đầu tiên ở trận nào, ông đáp ngay là trong trận Killiecrakie ở Scotland, ngày 27 tháng 7 năm 1689. Tất nhiên các cậu sinh viên phải tặng ông ta một bữa cơm và góp tiền để mua cho ông ta một bộ áo.
"Đường rầy Jack"mất năm bảy mươi chín tuổi trong một ngôi nhà cũ, bỏ hoang. Ông để di chúc lại, tặng xác ông cho đại học đường Michigan để ban y khoa xem xét bộ óc ông mà tìm nguyên do tại đâu ký tính ông lạ lùng như vậy. Tôi đã viết thư hỏi Giáo Sư W. B. Pillsbury, khoa trưởng ban Tâm Lý ở trường đại học đó, ông đáp rằng:"Đường trầy Jack" đã tốn công luyện ký tính và chuyên học sử mà dược vậy. Ông lại nói rằng khoa học đã xét nhiều người có ký tính lạ lùng thì thấy một số cực kỳ thông minh, còn một số khác gần như ngu đần.
Như vậy nghĩa là nếu bạn có một ký tính phi thường thì một là bạn gần bậc thiên tài, hai là bạn gần bọn điên. Xin bạn tự xét lấy xem mình ở hạng nào.
Còn nếu như ký tính của bạn tệ như của tôi, thì xin bạn cũng dừng buồn, vì Léonard de Vinci, một danh nhân bậc nhất cổ kim, mà muốn nhớ điều gì, luôn luôn phải ghi vào sổ tay, và hễ ghi xong là đánh mất, kiếm lại không ra, như bạn và tôi vậy.