Quả Đất - Quê Hương - Nguyễn Hồi Thủ
Quả Đất - Quê Hương
Tác giả: Nguyễn Hồi Thủ
Dẫn nhập: Lịch sử của lịch sử
Tiền sử và lịch sử
Trong hàng chục nghìn năm, các xã hội "cổ sơ " của những người săn bắt-hái lượm đã lan tràn trên các vùng đất địa cầu, họ không hề biết đến nhau vì sự cách biệt địa lý, ngôn ngữ, lễ nghi, tín ngưỡng, phong tục. Không xã hội nào giống xã hội nào, có nơi thì cởi mở, phóng khoáng, nơi khác lại khép kín, câu thúc, có chỗ theo chế độ tản quyền, chỗ theo chế độ tập quyền. Nhưng dù khác biệt, nói chung đó là những loại hình cơ bản ban sơ của xã hội những "con người tinh khôn" (homo sapiens) (1) Qua hàng chục nghìn năm cái cộng đồng lưu lạc (2) của những xã hội tiền sử không hề biết lẫn nhau này đã tạo thành nhân loại.
Sự phát triển của nền văn minh thành thị / thôn quê không những đã không hề biết đến cái nhân loại đó mà còn tiêu diệt nó. Những xã hội có lịch sử đã bành trướng, đẩy lùi xã hội cổ sơ vào trong rừng, trong sa mạc rồi ở chính nơi đó các nhà thám hiểm và thăm dò của thời đại toàn cầu lại tìm thấy họ để rồi cũng lại nhanh chóng đưa họ đến chỗ diệt vong. Cho đến nay, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, các xã hội này đã vĩnh viễn bị sát hại mà những kẻ sát hại lại không hề thu lượm được những kiến thức họ đã tích luỹ được qua mấy nghìn năm.
Lịch sử rất tàn nhẫn đối với các nền văn minh đã chết vì chiến bại, lại cực kỳ tàn bạo đối với tất cả những gì thuộc về tiền sử. Cái tiền sử này thật ra không phải tự nó chết đi mà chính nó đã bị tiêu diệt. Những kẻ sáng lập ra văn hoá và xã hội "con người tinh khôn" ngày hôm nay đã bị diệt chủng. Mà chính cái nhân loại kia, trong giai đoạn lớn lên đã giết hại kẻ sinh ra nó.
Lịch sử ra đời có lẽ cách đây 10.000 năm ở Lưỡng Hà (Mésopotamie), cách đây 4.000 năm ở Ai Cập, cách đây 2.500 năm ở thung lũng Indus (In-đu) và lưu vực sông Hoàng Hà Trung quốc. Qua một sự hoá thân ghê gớm, những xã hội nhỏ bé không nông nghiệp, không nhà nước, không thành phố, không quân đội đã biến thành những đô thị, những vương quốc, đế quốc với hàng chục, hàng trăm nghìn, rồi hàng triệu dân, có nông nghiệp, thành phố, nhà nước, phân công lao động, giai cấp, chiến tranh, nô lệ, rồi những tôn giáo lớn, những nền văn minh lớn.
Lịch sử, đó là sự hình thành, phát triển và đấu tranh một mất một còn giữa các quốc gia với nhau. Đó là sự chinh phục, xâm lăng, nô lệ hoá và cũng là sự chống trả, nổi loạn, khởi nghĩa. Lịch sử là những trận chiến, những điêu tàn, những cuộc lật đổ chính quyền, mưu phản. Đó là sự ồ ạt của thế lực và sức mạnh, là sự vô chừng mực của quyền hành, sự thống trị kinh rợn của các bạo chúa khát máu, cũng là sự nô dịch, giết chóc quần chúng hàng loạt. Lịch sử là sự xây dựng cung điện, đền đài, kim tự tháp hùng vĩ, cũng là sự phát triển kỹ thuật, nghệ thuật, sự ra đời và hoàn thiện của chữ viết (3), là sự trao đổi hàng hoá, tư tưởng bằng đường biển và trên đất liền. Lịch sử cũng còn là ở nơi này một thông điệp của tình thương và đồng cảm, ở nơi kia một tư tưởng đặt nghi vấn về lẽ huyền bí của trời đất.
Lịch sử, là tiếng ồn ào và lời thịnh nộ, nhưng đồng thời cũng là sự hình thành của những nền văn minh lớn, tưởng mình sẽ đời đời tồn tại, nhưng rồi cũng phải chết : Đó là trường hợp của Ai-cập thời Pha-ra-ông, đế quốc Assyrie (Ax-xê-ri), vương quốc Babylone (Ba-bi-lon), đế quốc Mi-no-en, văn hoá Dravida (Dra-vi-da), Etrusci (Ê-trux-ci), Olmèque (Ôn-mé-cơ), thành quốc A-ten, đế quốc Ba-tư, đế quốc La-mã, thành quốc Maya (Ma-ya, đế quốc Toltèques (Tôn-téc), văn hoá Zapotèques (Da-pô-téc), đế quốc Byzance (Bi-giăng), vương quốc Angkor (Ăng-co), đế quốc Aztèque (Ax-tec), nước Incas (In-ca), vương triều Sassanides (Xát-xa-nít), đế quốc ốt-tô-man, vương triều Habsbourg (Háp-xbuốc), Đệ Tam Đế Quốc (Troisième Reich), Liên bang Xô viết...
Trong khi đế quốc La-mã chỉ kéo dài được vài thế kỷ thì riêng hai trung tâm văn minh duy nhất vẫn tồn tại qua cả nghìn năm sau bao cuộc xâm lăng và thay đổi triều đại, đó là ấn độ và Trung hoa.
Lịch sử truyền thống kể cho ta nghe âm thanh và cuồng nộ của các trận chiến, các cuộc đảo chính, những tham vọng điên rồ. Nó ở trên đầu sóng ngọn gió, ở nơi mà "lịch sử mới" chỉ thấy được toàn bèo bọt các sự kiện. Cái lịch sử mới này mà hôm nay đã trở thành cũ lắm rồi, cũng tưởng mình đã nắm bắt được thực chất của tương lai nhân loại bằng cái tất định luận kinh tế - xã hội, nhưng rồi nó lại bắt đầu quay về với nhân chủng học, theo phía đa chiều (hướng). Ngày nay các hiện tượng ngẫu nhiên và đột phát vốn dĩ đầy dẫy trong các khoa học vật lý, vi sinh cũng đã trở lại với khoa học lịch sử. Chúng không chỉ còn là bèo bọt mà biến thành thác ghềnh, những khúc ngoặt trong dòng cuồng lưu lịch sử kia.
Mang tính sự kiện, tính kinh tế-xã hội, tính dân tộc học, rồi đôi khi đã trở thành đa chiều (hướng), lịch sử của các nhà sử học lại cũng phải trở thành nhân loại học. Nhân loại học lịch sử phải biết quan sát những trật tự, đảo lộn, tổ chức đối nghịch, liên kết, quyện vào nhau trong quá trình lịch sử, trong tương quan với những thế lực của trật tự - hỗn loạn - tổ chức vốn thuộc về tinh thần, tư tưởng của con người tinh khôn-rồ dại (Homo Sapiens-demens). Nó cần soi rọi những hình thức tổ chức xã hội đã xuất hiện trong quá trình lịch sử, từ Ai-cập dưới thời Pha-ra-ông, thành quốc A-ten thời Périclès (Pé-ri-cléx) cho đến những nền dân chủ và những chủ nghĩa chuyên chế đương đại mà xem đấy là các biểu hiện của tính tiềm tại xã hội nhân loại. Nó phải nhìn rõ vào những cuộc chiến, những cuộc tàn sát, nô dịch, hãm hại, tra tấn, vào lòng cuồng tín cũng như lòng tin với những nhiệt tình ở đỉnh cao của chúng, vào triết học như những biểu hiện đương đại của tính tiềm tại nhân loại học. Nó có lẽ cũng phải thấy được tính cá biệt của các nhân vật từ Aknaton (Ac-na-ton), Périclès (Pê-ri-clex), Alexandre de Macédoine (A-léc-xan-đơ của Ma-xê-đoan) cho đến Na-pô-lê-ông, Xta-lin, Hít-le, Đờ-gôn như sự cụ thể hoá, đương đại hoá những tiềm năng của con người tinh khôn-rồ dại.
Chúng ta cần có một lịch sử đa chiều mang tính nhân loại học, bao gồm cả những thành phần của âm thanh và cuồng nộ, hỗn loạn và chết chóc. Vì về mặt nhân loại học, lịch sử của những sử gia đã tụt hậu so với những bi kịch Hy lạp, kịch thời Ê-li-da-bét, và đặc biệt là kịch thời Sếch-xpia. Những kịch này đã chứng tỏ rằng bi kịch của Lịch sử là bi kịch của đam mê, vô độ và mù quáng của con người.
Vĩ đại lẫn ghê tởm. Rực rỡ và tàn khốc. Huy hoàng cùng khốn khổ. Những thực tại hai mặt và phức tạp của "bản chất con người" (4) đã được diễn đạt một cách hoang đường trong cái Lịch sử mà cuộc phiêu lưu vẫn tiếp diễn, lan ra, tăng thêm trong thời đại toàn cầu của chúng ta. Hiện nay, số phận của nhân loại đang thôi thúc chúng ta trong một câu hỏi then chốt: Chúng ta có thể nào thoát khỏi cái lịch sử đó hay không? Cuộc phiêu lưu đó sẽ vẫn còn là con đường duy nhất của chúng ta ư ?
Những lịch sử trọng đại
Từ thủa gọi là Thời cổ đại và trong 5.000 năm sau đó, Lịch sử đã dàn trải, lan toả ra trên nhiều đại lục. Nhưng cho đến thế kỷ thứ XIV của thời đại chúng ta, nó vẫn chưa có tính toàn cầu. Đó chỉ là những Lịch sử riêng lẻ, giữa chúng không có liên hệ gì với nhau. Nhưng rồi, những văn minh lớn, bành trướng bằng chiến tranh và nghề hàng hải bắt đầu khám phá được quả đất.
Trước kia cũng đã từng có những trào lưu sôi sục thúc đẩy con người đi chinh phục thế giới, những trào lưu to lớn mà ngắn ngủi này còn để lại những tên tuổi như A-léc-xăng-đơ, Thành cát tư hãn, Ta-mẹc-lăng. Đã có những cuộc mạo hiểm trên biển ở quy mô lớn đến những miền đất lạ như chuyến đi của người Vi-king, họ đã đến châu Mỹ mà không hề biết điều đó và có lẽ cả người da đỏ châu Mỹ đã đến Âu châu mà không hề ý thức được cái họ từng khám phá...
Rồi đến lượt những trào lưu khác như trào lưu của những tôn giáo mang tính thế giới, lấy mục tiêu là loài người, từ ấn Độ đã tràn sang viễn đông (Phật giáo), từ Tiểu á sang Tây phương (Thiên chúa giáo), từ A-ra-bi đi về phía Đông, sang Tây, xuống phía Nam (Hồi giáo). Nhưng những đấng thượng đế lớn đó vẫn là những con người tỉnh lẻ, họ còn mù tịt về thế giới, về quả đất, về nhân loại, những thứ tuy vẫn được xem là do các vị ấy đã tạo ra.
Vào thời Trung cổ tây phương, dù lịch sử của các miền vẫn chưa thống nhất, dù những nền văn minh còn khép kín, nhưng hoa quả, rau cỏ, gia súc cũng như tơ lụa, ngọc thạch, gia vị đã được du nhập từ Đông sang Tây, từ á sang Âu. Quả anh đào đã từ vùng biển Cax-piên đi đến Nhật bản và Âu châu. Quả mơ đã từ Trung quốc sang Ba tư, rồi từ Ba tư sang phương Tây. Con gà đã từ ấn độ mà bay khắp lục địa Âu-á. Việc dùng sức kéo súc vật, rồi sự sử dụng thuốc súng, la bàn, giấy, kỹ thuật in đều từ Trung quốc đến Âu châu và cung cấp cho nơi này kiến thức và công cụ cần thiết để cất cánh và đặc biệt đưa nó đến sự khám phá ra châu Mỹ. Những nền văn minh A-rập đã phát hiện con số Zê-rô của ấn độ và đem nó về truyền bá cho phương Tây.
Trước thời hiện đại, các nhà hàng hải Trung quốc, Phê-ni-xi, Hy-lạp, A- rập, Vi-kinh đã khám phá ra những không gian rộng lớn của cái mà họ vẫn chưa biết là hành tinh. Một cách ngây thơ, họ đã vẽ bản đồ về cái phần họ biết và xem đấy là tất cả thế giới. Tóm lại, Tây Âu, cái phần nhỏ của đại lục Âu-á suốt trong thời Trung cổ đã nhận được từ miền Viễn đông rộng lớn những kỹ thuật cho phép nó trang bị được đầy đủ kiến thức và phương tiện để khám phá và chiếm cứ châu Mỹ.
Từ đó một sự lên men dồn dập đã bắt đầu ở nhiều điểm trên quả đất để sửa soạn, báo trước, cho ra đời những công cụ, tư tưởng của cái sẽ trở thành kỷ nguyên toàn cầu. Và, ngay lúc Đế quốc ốt-tô-man, sau khi đã chinh phục By-zan-xơ, đến sát tường thành của thành phố Viên (áo), đe dọa trung tâm Châu Âu thì cái miền viễn tây của Châu Âu này đã xông ra biển để sửa soạn mở ra kỷ nguyên toàn cầu.
Chú thích :
(1). E.Morin, "Phạm thức thất lạc" (Le Paradigme perdu), Paris, Editions du Seuil, "Points Essais". 1979, Tr.165-188
(2). Diaspora: (Tiếng Hy lạp) Lúc đầu để chỉ cộng đồng hoặc khu vực người Do thái lưu lạc ở các nước, nghĩa bóng chỉ tất cả các cộng đồng lưu lạc, tản mạn (Người dịch chú thích :ND).
(3). Khoảng 3.000 năm trước Tây lịch: Văn tự tượng hình của Ai cập, văn tự hình vẽ của Lưỡng Hà (Mêdôpôtami); khoảng 1500-1400 năm trước Tây lịch: văn tự ghi ý của Trung Quốc, văn tự đường nét của Crète (Cơ-rét) và Hy Lạp, văn tự hình góc ở Anatôli. Khoảng 1100 trước Tây lịch người Phênixi đã làm ra chữ mẫu tự.
(4). Về ý niệm "bản chất con người", xem (Le paradigme perdu), sách đã dẫn (sđd), Tr.148-164.
Mục Tiêu Của Người Trái Đất Chúng Ta
MỤC TIÊU CỦA NGƯỜI TRÁI ĐẤT CHÚNG TA
YÙ thức được về gốc rễ và vận mệnh chúng ta trên trái đất là một điều kiện cần thiết để thực hiện nhân loại và văn minh hoá địa cầu.
Theo hướng này, sự bén rễ lại vào trái đất tự bản thân nó là một mục tiêu. Tất cả đều gắn bó trong một mối tương quan : để thiết lập những mục tiêu trên trái đất chúng ta cần hiểu rõ và biết chấp nhận cái "thử tại" (dasein- sự tồn tại ở nơi này, cái nghiệp nếu dùng chữ nhà Phật -ND), biết chấp nhận bản chất địa cầu, thân phận nhân loại của chúng ta và thời đại đồ sắt toàn cầu này.
Bảo tồn / thay đổi
Một mối liên hệ không thể tách rời xem ra từ giờ trở đi sẽ kết hợp hai mục tiêu có vẻ đối lập nhau. Cái đầu tiên là sự sống còn của nhân loại, cái thứ hai là sự đeo đuổi tiến trình tiến hoá nhân loại.
Mục tiêu đầu mang tính bảo thủ: làm sao để giữ gìn, cứu vãn không chỉ những nét đa dạng văn hoá và thiên nhiên đang bị suy thoái vì tiến trình đồng nhất hoá và tiến trình phá huỷ tàn nhẫn; làm sao giữ gìn và cứu vãn không chỉ những thành quả văn minh đang bị sự man rợ cũ ùn ùn quay về đe doạ mà còn gìn giữ, cứu vãn cả sự sống nhân loại đang nằm dưới nguy cơ vũ khí hạt nhân và của sự thoái hoá nơi bầu sinh quyển, cả hai nguy cơ này đều đến từ sự man rợ lớn. Chúng ta không được quên rằng sự man rợ lớn vốn là sản phẩm của liên minh giữa các lực lượng vẫn luôn luôn ác liệt, thống trị, tàn bạo, hận thù đến từ những ngày đầu của lịch sử loài người với những lực lượng hiện đại kỹ thuật - quan liêu, vô danh, lãnh đạm một cách phi nhân và phi thiên nhiên của thời nay.
Mục tiêu thứ nhì mang tính cách tân (chúng ta tránh dùng ở đây tính từ "cách mạng"(révolutionnaire), một từ đã trở thành phản động và quá ô uế vì thấm đượm nhiều man rợ). Cái cần phải làm là tạo ra điều kiện để loài người có thể thật sự tự trở thành loài người trong một xã hội / cộng đồng những dân tộc. Cái chặng đường mới này chỉ có thể đạt được bằng cách thay đổi khắp nơi những quan hệ giữa con người với con người, bắt đầu từ quan hệ giữa mình với mình, giữa mình với người và với cộng đồng gần gũi, rồi đến quan hệ giữa các quốc gia và các Nhà nước, giữa con người với kỹ thuật - quan liêu, giữa con người và xã hội, giữa con người và tri thức, giữa con người với thiên nhiên.
Từ đó sinh ra một điều nghịch lý tất yếu. Để bảo tồn lại cần cách mạng, cách mạng để giữ vững và tiếp tục tiến trình tiến hoá nhân loại. Cuộc cách mạng này cần bảo tồn không những cái chủ thể sinh vật là chúng ta, mà còn cả những thành quả của di sản văn hoá và văn minh của chúng ta nữa.
Chống cự
Tiếp theo cái nghịch lý cần thiết xuất hiện dưới hai bộ mặt xem ra mâu thuẫn với nhau mà chúng ta vừa nói ở trên: bảo tồn / cách tân, còn xuất hiện một nghịch lý thứ hai, đó là cái nghịch lý tiến bộ/ kháng cự.
Khác với bề ngoài, cái nhiệm vụ kháng cự thật ra không hề mất đi đối tượng kể từ cuối năm 1944 (sau khi chủ nghĩa Quốc xã chấm dứt), nó vẫn phải tiếp tục dưới những hình thức mới, chống chủ nghĩa cực quyền Xta-lin (1). Để thoát khỏi chủ nghĩa cực quyền, nó còn phải tiếp tục đấu tranh dưới nhiều hình thức (vẫn còn) rất khác nhau.
Chúng ta phải chống trả, nghĩa là phải phòng ngự trên tất cả trận tuyến không để cho các man rợ lớn quay trở lại và lan tràn.
Cái khái niệm chống trả không chỉ nằm trong phạm vi đối với một kẻ ngoại lai xâm lược hay chống lại một chế độ độc tài tàn bạo.
Mùa xuân của các dân tộc trong giai đoạn 1989 - 1990 vừa bị băng giá vây phủ. Tất cả những mầm mống tự do đang bị tiêu huỷ. Cái man rợ lớn đang trở về thật sự.
Dĩ nhiên ở mọi thời và mọi chỗ, nhân loại đều cảm thấy nhu cầu chống lại sự tàn bạo toả lan qua những ác độc, khinh thị và lạnh nhạt. Hai sự man rợ hiện nay là những phát triển của bạo tàn đến cao độ: bạo tàn cừu hận đến từ cái man rợ đầu tiên thể hiện qua sự giết người, tra tấn, cuồng nộ cá nhân hay tập thể và bạo tàn vô danh đến từ cái man rợ kỹ thuật - quan liêu. Một sự kiện đã minh hoạ rất rõ ràng là vụ máu bị nhiễm ví-rút (HIV-Sida ở Pháp - ND), nó cho thấy rằng bản chất của cái man rợ thứ hai này chính là tụ điểm của tất cả những trình tự kỹ thuật hoá, siêu chuyên môn hoá, khu biệt hoá, quan liêu hoá, vô danh hoá, trừu tượng hoá, thương phẩm hoá. Những hiện tượng này kết hợp với nhau không những đưa tất cả đến chỗ đánh mất tính tổng thể và bản chất mà còn mất cả tính trách nhiệm, tính cụ thể và tính người nữa.
Chống lại man rợ hai mặt này đã trở thành một sự cần thiết hàng đầu mang tính sinh tử. Sự chống trả này không chỉ là điều kiện bảo đảm sinh tồn của loài người, nó còn là một tiền đề để thúc đẩy sự tiến hoá nhân loại. Vì vậy, tình thế bắt buộc chúng ta phải đồng thời tiến hành việc chống trả, bảo tồn, cách mạng.
Từ đó có cái liên hệ giữa ba thứ mà mới đây ta còn chưa thể nào nghĩ đến nổi sẽ là :
Chống -> trả -> Bảo tồn -> Thay đổi
Theo đuổi một cách có ý thức sự tiến hoá nhân loại
Thúc đẩy sự tiến hoá nhân loại là làm sao cho nhân loại một lần nữa lại được tái sinh. Nhân loại lần đầu tiên ra đời là lúc bắt đầu của tiến hoá nhân loại, cách đây vài triệu năm. Lần sinh ra thứ hai là lúc có ngôn ngữ và văn hoá, có lẽ từ khi xuất hiện con người đứng thẳng (Homo erectus), lần thứ ba là lần của con người tinh khôn (homo sapiens) và của xã hội cổ sơ, lần thứ tư là thời bắt đầu có lịch sử gồm cùng một lúc sự ra đời của canh nông chăn nuôi, đô thị, nhà nước (2). Lần thứ năm, có khả năng, nhưng vẫn chưa thể khẳng định được, là sự ra đời của nhân loại, nó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi thời đại đồ sắt toàn cầu, thoát khỏi thời tiền sử của tinh thần nhân loại, nó sẽ đem lại văn minh cho trái đất và sẽ thiết lập một xã hội cộng đồng toàn cầu của các cá nhân, các chủng tộc và các quốc gia.
Từ sự phát triển có vấn đề đến sự phát triển có tính nhân đạo.
Thúc đẩy tiến hoá nhân loại phải được xem như phát triển tất cả tiềm năng chúng ta về mặt tâm lý, tinh thần, đạo đức, văn hoá, xã hội.
ở đây, chúng ta gặp lại khái niệm phát triển, nhưng nó phong phú hơn cái khái niệm phôi thai, tàn phế đã được tôn xưng, quảng bá từ những năm 1950 (như ta đã thấy ở chương III), khái niệm mà chúng ta cần xét lại hoàn toàn và triệt để (3).
Sự phát triển cũng thế, nó phải được hiểu theo nghĩa nhân loại học. Sự phát triển chân chính phải là sự phát triển con người.
Chúng ta cần tẩy rửa lớp bụi bẩn của chủ nghĩa kinh tế bám chung quanh khái niệm phát triển. Không thể tiếp tục xem phát triển là tăng trưởng, đúng như Jean Marie Pelt (Giăng Marie Pen) đã nói, vì tăng trưởng đã trở thành một cục thịt dư (chơi chữ giữa croissance (tăng trưởng) và excroissance (cục u) - ND). Khái niệm phát triển phải trở thành đa chiều, phải vượt qua hay phá vỡ những công thức không chỉ kinh tế mà cả văn minh và văn hoá của Tây phương trước nay vẫn cho mình có thẩm quyền ấn định phương hướng và tiêu chuẩn của phát triển. Nó phải từ bỏ quan niệm xem tiến bộ như một cái gì tất nhiên của lịch sử để thấy rằng đó chỉ là một khả năng bấp bênh và nó phải hiểu rằng không có một sự phát triển nào có thể xem như là có được một cách vĩnh cửu. Cũng giống như tất cả sinh vật và con người, sự phát triển bị chi phối bởi quy luật suy thoái và phải không ngừng tự tái sinh.
Phát triển, tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa.
Người ta đã tưởng rằng hoặc chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa tư bản sẽ là động lực chân chính cho sự phát triển và mỗi thứ dưới mắt những môn đồ của nó đều mang một năng khiếu bẩm sinh. Cái này cũng như cái nọ đều đem đến một công thức tổ chức kinh tế (ở đây là thị trường và kinh tế tư nhân, ở phía kia là kế hoạch và kinh tế nhà nước) rồi tự xưng sẽ bảo đảm phát triển xã hội và con người.
Cái công thức tự cho là chủ nghĩa xã hội, thực ra là chuyên chế, đã cho thấy ngoài cái man rợ của nó, nó đã làm cho tất cả những vấn đề mà nó tuyên bố giải quyết càng trở nên trầm trọng thêm (như những hiềm khích dân tộc chủ nghĩa, sắc tộc và tôn giáo) và cái mà nó gọi là dân chủ lại làm cho tất cả những xây dựng dân chủ càng trở nên khó khăn. Về phần chủ nghĩa tư bản thì đúng như Mác đã thấy, nó bảo đảm sự phát triển của các lực lượng lao động bằng những phương thức dã man và vì vậy không thể nhìn nó một cách đơn điệu và võ đoán như là một cái chìa khoá để mở cửa sự phát triển nhân loại.
Cũng thế, nếu tin rằng thị trường mang trong nó tất cả các giải đáp cho vấn đề văn minh thì đúng là một điều sai lầm mang tính giản đơn và tính kinh tế chủ nghĩa. Những tiến bộ xã hội của thế kỷ chỉ có thể hoàn thành trong một bối cảnh dân chủ, dưới tác dụng của những thương thảo đối kháng / bổ sung giữa chủ xí nghiệp và các đảng / công đoàn thợ thuyền. Thật ra những xã hội tây phương không thể chỉ được định nghĩa bởi từ ngữ tư bản chủ nghĩa. Cùng một lúc nó vừa là quốc gia, đa văn hoá, dân chủ, đa nguyên và tư bản.
Tóm lại, chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa tư bản chỉ là những huyền thoại về phát triển. Cái đầu tiên, theo kiểu diễn giải của Liên xô, đang giẫy chết và theo kịch bản xã hội - dân chủ (social-démocrate) cũng đã hết hơi. Cái thứ hai cũng chỉ có cái mã khoẻ mạnh bên ngoài. Cuối cùng nó cũng chỉ được một thời gian rất ngắn ra vẻ là một công thức kỳ diệu để giải quyết tất cả mọi vấn đề.
Khái niệm xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa không thể được nghĩ là những khái niệm trời cho, độc đoán và giản đơn hoá. Nhưng nếu chúng ta nhấn mạnh trên khía cạnh năng lực, sáng tạo về mặt kinh tế của tư bản chủ nghĩa và những đặc tính tự điều chỉnh, tự tổ chức (4) của thị trường thì tất cả những điều này phải được xem như thuộc về nền văn minh toàn cầu, chứ không phải nền văn minh toàn cầu thuộc về chủ nghĩa tư bản và thị trường. Tất cả những gì chỉ đơn thuần là kinh tế cũng như tất cả những gì chỉ là kỹ thuật đều vừa mang tính man rợ vừa mang tính văn minh và chúng phải nằm dưới sự chỉ đạo và phục tùng một chính sách con người.
Nếu chúng ta nhấn mạnh trên từ "chủ nghĩa xã hội ", một từ với nội dung nguyên gốc chứa đựng khát vọng của con người muốn có thêm tính cộng đồng và tự do thì cái chính sách tiến hoá nhân loại phải thực hiện chúng cho bằng được. Nếu chúng ta nhấn mạnh rằng mục tiêu của Chủ nghĩa xã hội là tiêu diệt hiện tượng người bóc lột người thì cái mục tiêu này phải được tái lập ngay, nhưng không phải như là một hứa hẹn rỗng tuyếch từ trước đến nay.
Chúng ta không được quên rằng sự thống trị và nô dịch vốn là gốc rễ mang tính người-sinh vật của sự bóc lột và sự bóc lột này bản thân nó có gốc rễ cắm rất sâu vào trong tổ chức của những xã hội lịch sử (5). Không có sự thay đổi chính sách nào, không có sự thay đổi chế độ tư hữu kinh tế nào có thể xoá bỏ hiện tượng bóc lột, trái lại còn có thể làm cho nó trầm trọng thêm lên, như trường hợp chủ nghĩa xã hội chuyên chế đã chứng minh. Vì vậy chúng ta phải lập tức chống lại những hình thức bẩn thỉu nhất của thống trị, nô dịch, bóc lột, đồng thời trên cái khát vọng lớn, mở màn cho một cuộc vận động tiến hoá nhân loại sâu rộng, lâu bền mà không quên rằng những mặt xấu nhất, những tiềm năng ác liệt nhất của con người cùng những liên hệ xã hội sẽ không bao giờ có thể bị tiêu trừ mà chỉ có thể được hạn chế, khống chế và tốt hơn là tự khống chế mà thôi.
Sự phát triển của tình trạng chậm tiến trong những nước phát triển và những nước chậm phát triển
Sự phát triển theo nghĩa chúng ta hiểu ám chỉ một sự phát triển toàn vẹn những tự chủ cá nhân cùng một lúc với sự gia tăng các tham dự có tính cộng đồng, bắt đầu bằng sự tham dự lân cận rồi mở ra đến các tham dự toàn cầu. Càng nhiều tự do mà càng thêm tính cộng đồng. Càng nhiều cái tôi mà càng ít đi lòng vị kỷ.
Cái quan niệm phát triển này làm chúng ta ý thức được một hiện tượng chủ chốt của kỷ nguyên toàn cầu: sự chậm tiến của những xã hội phát triển đúng là càng tăng lên song song với sự phát triển kỹ thuật - kinh tế của họ.
Sự chậm tiến của xã hội phát triển là một sự chậm tiến tinh thần, tâm lý và trí thức.
Đúng là có một sự đói kém tình cảm và tâm lý tương đối lớn trong tất cả những văn minh và khắp nơi đều có những chậm tiến về tinh thần con người, nhưng phải nhìn thấy sự nghèo nàn tinh thần của những xã hội giầu có, sự đói khát tình yêu của những xã hội no đủ, sự ác độc và hung hăng khốn nạn của giới trí thức và đại học, sự lan tràn những ý tưởng chung chung rỗng tuyếch và những quan niệm què quặt, sự mất đi cái nhìn tổng thể, bản chất và trách nhiệm.
Có một cái nghèo không hề giảm khi cái nghèo sinh lý, vật chất giảm, ngược lại nó còn tăng thêm với sự sung túc, nhàn hạ. Có một sự phát triển đặc thù của cái chậm tiến đầu óc dưới sự chủ trì của sự hợp lý hoá, chuyên nghiệp hoá, số học hoá, trừu tượng hóa, phi trách nhiệm hoá và tất cả những thứ này dẫn đến sự phát triển của tình trạng chậm tiến đạo đức.
Dĩ nhiên không chỉ toàn có những khía cạnh này trong thế giới phát triển của chúng ta và cái tư duy phức tạp có khuynh hướng mang tính mâu thuẫn hai mặt cũng cho phép chúng ta thừa nhận sự phát triển của xã hội hiện đại về những tự chủ cá nhân, những tự do và phương tiện truyền thông, về sự khai phóng con người của du lịch và truyền hình, về bảo hiểm và tương trợ xã hội, tuy cách làm vẫn còn đầy tính quan liêu, nhưng xét cho cùng cũng đã bù đắp được phần nào những bất bình đẳng và làm dịu đi một ít đau khổ.
Chúng ta không nên quên rằng những tư tưởng táo bạo, phản đạo, lệch lạc đã bị tiêu diệt từ trong trứng nước ở những xã hội truyền thống lại tìm được khả năng diễn đạt trong thế giới chúng ta. Chúng ta cần xem xét tất cả mọi khía cạnh của thực tại để tránh rơi vào hai thái cực: hoặc quá hồ hởi hoặc than vãn.
Suy nghĩ lại về phát triển cũng bắt chúng ta phải xem xét với tinh thần phê phán cái khái niệm cũng chậm tiến của sự chậm tiến. Như chúng ta đã thấy, khái niệm chậm tiến không biết đến những điều hay và phong phú có thể có nơi những văn hoá xưa hàng nghìn năm của những dân tộc đã bị hay đang bị gọi là chậm tiến.
Khái niệm này mang trách nhiệm rất lớn trong việc đẩy những văn hoá này đến chỗ diệt vong vì xem chúng chỉ là một thứ mê tín lăng nhăng. Phong trào xoá nạn mù chữ có cái ngạo mạn là không thừa nhận những dân tộc có văn hoá truyền khẩu vì chỉ thấy nơi họ những kẻ mù chữ, và điều này đã làm trầm trọng thêm sự chậm tiến tinh thần và tâm lý trong những khu nhà ổ chuột.
Dĩ nhiên chúng ta cũng không thể cứ lý tưởng hoá những văn hoá khác văn hoá chúng ta được. Ngược lại với ý nghĩ cho rằng mỗi một nền văn hoá tự bản thân nó là đầy đủ, Ma-ru-ya-ma (6) đã nói rất đúng rằng mỗi văn hoá đều có cái gì đó bị rối loạn chức năng (khuyết điểm trong khi vận hành) sai chức năng (không chạy đúng chiều) thiếu chức năng (công dụng ở mức độ rất thấp) và công dụng độc hại (gây độc hại trong lúc vận hành).
Phải tôn trọng các nền văn hoá, mặc dù tự bản thân chúng không hoàn hảo, cũng như bản thân chúng ta có bao giờ hoàn hảo đâu! Mọi nền văn hoá, ngay cả văn hoá của chúng ta đều pha lẫn ít nhiều mê tín, hư cấu, tự kỷ ám thị, tri thức tích luỹ mà chưa được phê phán, sai lầm dị hợm, sự thực sâu sắc. Cả cái đống hỗn độn này thoạt nhìn không thể nào phân biệt được gì, nhưng cần phải chú tâm để đừng xem các tri thức hàng nghìn năm như những thứ mê tín. -Ví dụ như cách chế biến những thức ăn từ ngô (bắp) ở Mê-hi-cô trong một thời gian rất lâu đã bị những nhà nhân loại học xem là một thứ tín ngưỡng ma thuật, cho đến khi người ta khám phá ra rằng đó chính là cách cho phép cơ thể hấp thụ được chất li-zin, một chất dinh dưỡng hầu như từ bao đời đã là thức ăn duy nhất của họ. Vì thế cái mà đôi khi có vẻ "bất hợp lý" lại chính là một tính hợp lý sống còn.
Ngoài ra, khái niệm chậm tiến, dù có man rợ thế nào đi nữa cũng thiết lập một liên hệ nhân loại học giữa những khu vực phát triển và khu vực kém phát triển, nó thúc đẩy một sự giúp đỡ kỹ thuật, y tế cần thiết - như đào giếng, khai thác các nguồn năng lượng, chống những bệnh địa phương và nạn suy dinh dưỡng - mặc dù quan niệm này được thực hiện trong những điều kiện bóc lột kinh tế, tàn phá thiên nhiên và đô thị hoá một cách tồi tàn kéo theo đủ thứ tệ đoan mới (7).
Trong quá trình khắc phục nghèo khổ con người cũng đã gây ra biết bao nghèo khổ! Cho dù chỉ với mục đích để xoá bỏ nền kinh tế sinh tồn mà người ta đã đem tiền tệ đến nơi từng có sự trao đổi và tương trợ! Và làm như thế vô tình con người đã chậm tiến hoá trong khi vẫn tưởng mình thúc đẩy phát triển...
Cho đến khi nào mà đầu óc chúng ta còn ở trạng thái chậm tiến thì chúng ta sẽ vẫn tiếp tục làm tăng sự chậm tiến của những khu vực kém mở mang. Nếu sự nghèo nàn đầu óc của những khu vực phát triển bớt đi trong thời đại khoa học chúng ta thì vấn đề nghèo khó vật chất ở những nơi kém mở mang cũng có cơ được giải quyết nhanh chóng. Nhưng chính vì chưa thoát khỏi được sự chậm tiến đầu óc mà chúng ta đối với vấn đề này vẫn không có chút nào ý thức cả.
Từ đó chúng ta rút ra một kết luận như sau: Sự chậm tiến đầu óc, tâm lý, tình cảm, tính nhân bản kể cả của những kẻ ở khu vực phát triển từ đây trở đi sẽ là một vấn đề có tính then chốt của sự tiến hoá nhân loại.
Phát triển siêu việt
Sự phát triển là một mục tiêu, nhưng nó không thể là một mục tiêu thiển cận hay một mục tiêu cuối cùng. Chính mục tiêu của phát triển còn tuỳ thuộc vào một số mục tiêu khác. Những mục tiêu này là gì? Đó là làm sao để có thể sống thật sự và sống tốt hơn.
Thật sự và tốt hơn nghĩa là thế nào?
Là sống trong sự thông cảm, đoàn kết, có tình. Sống mà không bị bóc lột, nhục mạ, khinh bỉ.
Nói như thế có nghĩa là mục tiêu của phát triển thuộc phạm vi những đòi hỏi thiết yếu của đạo đức. Yếu tố kinh tế phải được cân nhắc và phải lấy luân lý nhân loại làm tiêu chuẩn. Vì thế, trên con đường tiến hoá nhân loại chúng ta cần có một luân lý để hướng dẫn phát triển, nhất là khi đã không còn một hứa hẹn hoặc một chắc chắn tuyệt đối nào về một quy luật tiến bộ nữa.
Ngoài ra, như chúng ta đã đề cập, tất cả những gì xem như của cải nhân loại gặt hái được, kể cả mức phát triển đã đạt đến cùng những thành quả của nó nếu không ngừng tự đổi mới tất sẽ bị thoái hoá. Chúng ta hãy nhìn lại những lần thoái hoá trong lịch sử và những thảm hoạ văn minh mà các nhà tư tưởng vì quá tin vào thuyết tiến bộ đã chủ ý muốn quên. Chúng ta phải nhận thức rằng sự phát triển của tiến hoá nhân loại nằm trong một vận mệnh có tính ngẫu nhiên, cái vận mệnh phiêu bạt bất định của loài người.
Nhận thức về sự phiêu bạt bất định là nguồn gốc của những lo lắng và bất trắc, bởi vì nó phá vỡ những xác tín, sự ổn định và cái tuyệt đối, bởi vì trong cuộc phiêu lưu này, không có cái kết cuộc hạnh phúc (có hậu). Và trong cuộc phiêu lưu này, sự phát triển của tiến trình cá thể hoá là nguồn gốc của những bất trắc và lo lắng ngày càng gia tăng. Tiêu thụ như điên cuồng, rồ dại đang lan tràn cũng như trăm nghìn thứ ăn chơi giải trí hiện đại đều là một cách để đối phó với tâm trạng lo lắng của sự cá thể hoá. Và nỗi lo lắng này một khi bị đè nén, càng trở nên sâu đậm hoặc hung hãn hơn.
Điều này liên quan đến việc cải cách tư tưởng và cuộc sống mà chúng ta sẽ đề cập ở phần sau(8)
Có nên gói ghém tất cả vận mệnh của tiến hoá nhân loại trong quan niệm phát triển không?
Trong những mục tiêu mà chúng ta đã dẫn: sống thật sự, sống tốt hơn còn có sự tìm tòi một cái gì đó cao xa hơn sự phát triển. Nghĩa phát triển ở đây vượt khỏi sự phát triển: ví dụ phát triển tình yêu âm nhạc không có nghĩa lịch sử âm nhạc là một sự phát triển tiệm tiến theo đó Bít-tô-ven thì hay hơn Bach hoặc Richard Strauss (Risa Xtrao) hay hơn Bít-tô-ven. Ngay cả khi nó chứa đựng khía cạnh tiến hoá nhân loại, quan niệm phát triển, đúng như nghĩa của danh từ này muốn nói: bầy ra, trải ra, căng ra, cũng chưa đầy đủ. Cần phải làm sáng tỏ quan hệ biện chứng của sự bất túc này với ý niệm bao bọc (enveloppement) và thoái bộ (involution). Lúc ấy nó sẽ đưa ta quay ngược về nguồn gốc, về thời mông muội, rơi vào chiều sâu của bản thể, ngụp lặn vào cái cũ xưa, tái hồi, quên mất bản thân, quay vào cõi nhiệm mầu của bụng mẹ, chìm vào trong thiên nhiên, tái nhập vào thần thoại, tìm về vô tận và hoà bình không lời.
Ôi, đương nhiên! Shelley (Sen-lây), Novalis (Nô-va-lis), Hửlderling (Hơn-đe-ling), Pouchkine (Pushơ-kin), Rimbaud (Ranh-bô), Bach (Bắc), Mozard (Mô-da), Schubert (Su-be), Beethoven (Bít-tô-ven), Moussorgski (Mu-socg-xki), Berg (Bec) là kết tinh lịch sử của một sự phát triển văn minh. Nhưng những tác phẩm của họ lại vượt lên trên sự phát triển này, nó nói lên sự tồn tại của chúng ta trên thế giới, nó kể cho chúng ta nghe về cái khó diễn tả được bằng ngôn từ, nó đưa chúng ta đến chỗ xuất thần, nơi mà gông cùm của thời gian và không gian không còn nữa.
Tất cả những gì đến từ bản chất trong tư tưởng đều xuyên suốt lịch sử, tác động ngược lại quá khứ cho đến căn nguyên, lặn vào những vực thẳm trong chúng ta và phóng về phía trước tương lai.
Thế thì chúng ta có thể đề xuất ý niệm phát triển siêu việt hay không? Có nghĩa là cái gì đó xa hơn phát triển mà sự phát triển (có lẽ?) cho phép đạt được và nói đúng ra đáng lẽ nó phải cho phép.
Tìm lại sự liên hệ quá khứ - hiện tại - tương lai
Tất cả mọi xã hội, mọi cá nhân đều sống cái mối liên hệ quá khứ / hiện tại / tương lai trong một tương quan biện chứng, ở đó ba từ này đều phối hợp chặt chẽ với nhau.
Những xã hội truyền thống thì sống trong hiện tại và tương lai mình dưới sự chỉ huy của quá khứ. Những xã hội gọi là đang trên đường phát triển gần đây còn sống dưới sự đòi hỏi của tương lai trong khi tìm cách giữ gìn bản sắc quá khứ và an bài cho được sao hay vậy cái hiện tại của mình. Những xã hội giầu có sống dưới sự chi phối đồng thời của hiện tại lẫn tương lai và nhìn thấy cái quá khứ của mình ra đi một cách vui vẻ rồi buồn bã.
Mối liên hệ quá khứ / hiện tại / tương lai, được sống rất khác nhau bởi mỗi người, tuỳ mỗi lúc, và như vậy đã hơi bị xuống cấp ở khắp nơi so với một tương lai được tô hồng. Sự khủng hoảng của tương lai gây ra một sự phình trướng của hiện tại và đẩy con người tìm về quá khứ trong xã hội tây phương. Nó khởi động ở nhiều nơi những co cụm về với chủng tộc và / hoặc tôn giáo. Cho nên các chủ nghĩa nguyên giáo (trong số đó có nguyên giáo I-xlam) là phản ứng cùng một lúc đối với khủng hoảng tương lai và sự nghèo nàn của hiện tại.
Ở nhiều nơi, mối liên hệ sống động giữa quá khứ/ hiện tại/ tương lai bị khô héo, thui chột và bế tắc. Chúng ta cần phải làm cho tái sinh mối liên hệ này mà vẫn giữ được sự cân bằng giữa ba yếu tố nghĩa là không thổi phồng cái nào lên cả.
Sự đổi mới và phức tạp hoá cái liên hệ quá khứ/ hiện tại/ tương lai phải được xem như một trong những mục tiêu của chính sách tiến hoá nhân loại.
Tìm về với nguồn gốc trong quá khứ có thể được thực hiện trong và bởi hai nguyên tắc đã nói trên. Cái đầu tiên xác nhận quyền sống của tất cả các văn hoá, mà không quên rằng chúng không phải đều là những thực thể đã đạt được mức độ hoàn hảo: mỗi cái đều có những kém cỏi, mù quáng, thiếu sót riêng và những phẩm chất của chúng cho phép cuộc sống của các thành viên được khởi sắc thì lại rất không đồng đều.
Thêm vào đó chúng ta không được quên rằng tất cả những văn hoá đặc thù đều thu lượm được nét đặc thù của chúng qua gặp gỡ, hấp thụ những yếu tố ngoại lai, thường thuộc về văn hoá của kẻ chinh phục hay kẻ bị chinh phục; cũng giống như những loài sinh vật, tất cả những văn hoá đều trải qua những thay đổi, đột biến, và nhiều cái đã tự phức tạp hoá bằng cách tiếp nhận những gì mà khởi thuỷ đã đe doạ hoặc nhiễu loạn nó.
Dù thế nào đi nữa, phong trào trở về nguồn mang tính chủng tộc, quốc gia, tôn giáo sẽ trở thành thoái hoá một khi chỉ chú mục vào quá khứ, vì như vậy nó sẽ làm thui chột cái quan hệ với hiện tại và tương lai.
Nguyên tắc thứ hai của sự tìm về nguồn là nguyên tắc tái đầu tư cần thiết vào quan hệ mật thiết giữa ba đặc tính : nhân loại, sinh vật, địa cầu. Ba thứ này, vì cùng tồn tại nơi mọi con người, sẽ không hề ngăn cản những sự tìm về nguồn mang tính đặc thù. Quá khứ không chỉ là quá khứ riêng biệt của một sắc tộc hoặc một quốc gia nào, nhưng nó là cái quá khứ của quả đất, của tiến hoá và của bản thân nhân loại mà con người phải chiếm hữu và tiếp thu.
Mối liên hệ với hiện tại, tức là sống và hưởng thụ, không thể nào bị hy sinh cho một quá khứ độc đoán và một tương lai hư ảo. Hôm nay, nó còn chứa đựng cả sự tham dự từ xa vào sinh hoạt toàn cầu và khả năng nối mạng vào nhiều nền văn hoá trên thế giới cũng như vào chính nền văn hoá và phôn-klo toàn cầu.
Ngoài ra và quan trọng hơn nữa là chính trong hiện tại mà sự khởi sắc của cuộc sống mới có thể thể hiện và vượt qua được sự phát triển. Vọng tuần hoàn, qua lại giữa quá khứ / hiện tại / tương lai sẽ khôi phục cường độ cụ thể của cuộc sống, một trọng điểm của hiện tại. Như thánh Augustin (Ô-gúx-xtin) đã nói: "Có ba loại thời gian trên đời: hiện tại của quá khứ, hiện tại của hiện tại và hiện tại của tương lai".
Cuối cùng, mối liên hệ với tương lai phải được tiếp lại cho thêm sức sống, khi mà bản thân tiến trình tiến hoá nhân loại là một sự vươn về tương lai. Không phải là một tương lai hư ảo với tiến bộ được bảo đảm vĩnh viễn, mà là một tương lai có tính ngẫu nhiên, không chắc chắn, nhưng mở ra trên vô vàn những khả năng mà khát vọng và mục tiêu con người có thể hướng đến tuy chưa chắc gì đã đạt được.
Trong ý hướng mới này thì sự khôi phục lại tương lai có một tầm quan trọng hàng đầu và một tính khẩn cấp cao độ đối với nhân loại.
Mối quan hệ trong - ngoài
Con người đã luôn luôn bị đẩy về hai hướng đối nghịch. Một mặt là hướng ngoại, một sự hiếu kỳ đối với thế giới bên ngoài như du lịch, thám hiểm, nghiên cứu khoa học và ngày nay nó được nối dài ra về hướng thăm dò vũ trụ. Mặt khác, hướng nội, là quay vào cuộc sống nội tâm, suy nghĩ và trầm tư mặc tưởng. Từ thuở đầu của những nền văn minh, đã có những nhà thiên văn nhìn lên trời và những người trầm tư quay vào với đầu óc của riêng mình. Thời nào cũng có những kỹ thuật gia, những triết gia thần bí, lại cũng có cả khả năng thay đổi cái thiên tư này.
Hiện nay, cái thiên tư hưóng về vũ trụ càng ngày càng mạnh: ra đi, rời quê hương đến những hành tinh khác, xa hơn nữa. Tuy nhiên, lập nên những cơ sở không gian sẽ đòi hỏi sự hợp tác, đoàn kết ở địa cầu phải được giải quyết xong. Và ngay cả trong một giả thuyết khoa học viễn tưởng về một cơ sở liên bang đồ sộ thoát thai từ địa cầu thì cái cơ sở này sẽ càng trở thành tổ quốc đầu tiên khi nó là nơi mà con người không cần dùng những hệ thống nhân tạo, những vòm ôxy, những nhà kính khổng lồ cho cây cối, súc vật...
Thiên tư hướng nội, từ lâu nay bị đẩy lùi và đẩy ra bên lề của cái hiện đại Tây phương đã bắt đầu có tiếng nói của mình. Nơi này, nơi nọ, vì muốn thoát khỏi chủ nghĩa tích cực, khỏi những bồn chồn, náo động, những trò tiêu khiển, con người đã hướng về sự ổn định nội tâm, một sự thanh thản không đến từ ma dược mà từ một sự tu dưỡng tinh thần.
Quy hoạch quả đất không có nghĩa là từ bỏ sự thăm dò thế giới vật chất và cái viễn tượng của chuyến du hành ngoài vũ trụ, cũng không phải từ bỏ sự tìm tòi nội tâm. Cả hai thiên chức này vẫn phải được tiếp tục, cả hai cái cùng từ quả đất, cùng giao lưu với một cõi bên kia.
Văn minh hoá văn minh
Tiến trình tiến hoá nhân loại, cái mà có thể đưa chúng ta thoát ra khỏi thời đại đồ sắt toàn cầu đang thôi thúc chúng ta cải cách nền văn minh tây phương, nền văn minh đã lan tràn trên toàn cầu với của cải giầu có cũng như những khốn khổ của nó. Chỉ có làm như thế chúng ta mới có thể hoàn tất kỷ nguyên văn minh toàn cầu mà thôi.
Không gì khó thực hiện cho bằng niềm mơ ước có được một nền văn minh tốt đẹp hơn.
Giấc mơ làm sao cho con người được phát huy toàn diện, xoá bỏ được tất cả những hình thức bóc lột và thống trị, tìm được sự phân chia của cải công bằng, sự đoàn kết hữu hiệu của mọi người, đạt được hạnh phúc toàn diện. Cái giấc mơ này đã từng lôi cuốn bao kẻ muốn áp đặt nó vào con đường sử dụng những phương tiện man rợ làm cho sự nghiệp văn minh của họ cuối cùng đã thành đống gạch vụn. Tất cả những quyết định bãi bỏ xung đột và hỗn loạn, thiết lập hài hoà và tính công khai thường đưa đến kết quả ngược lại và những hậu quả tai hại của chúng đã quá rõ ràng (9). Lịch sử của thế kỷ này cho chúng ta thấy ý chí muốn thiết lập sự cứu rỗi trên mặt đất lại đưa đến nơi này một địa ngục. Chúng ta không nên một lần nữa lại rơi vào giấc mơ tạo nên thiên đường trên trái đất. Mục tiêu chính của chúng ta là muốn có một thế giới tốt đẹp hơn không có nghĩa là muốn một thế giới tốt đẹp nhất.
Vì thế có một vấn đề chính mà chúng ta sẽ bàn ở phần sau: vấn đề của những chướng ngại ghê gớm đang chống lại tiến trình văn minh hoá văn minh và gây tổn hại cho chính khả năng về một chính sách văn minh.
Tiến trình dân chủ hoá mang tính khai hoá
Chế độ dân chủ đã ra đời ở bên lề lịch sử, bên lề những đế quốc chuyên chế, những chế độ thần quyền, bạo quyền, quý tộc và những hệ thống đẳng cấp. Và nó vẫn tiếp tục còn nằm ở bên lề mặc dù đã có một sự phổ cập hoá ước vọng dân chủ. Nhưng dù sao đi nữa, nó vẫn đang là một hệ thống chính trị văn minh nhất.
Chế độ dân chủ hiện đại là sản phẩm của một lịch sử đầy bất trắc, gồm những bước tiến và lùi, ở đó những nguyên tắc của nó đã xuất hiện, được định hình và phát triển. Nguyên tắc đầu tiên, nguyên tắc chủ quyền nhân dân, để bảo đảm chính cái chủ quyền này, lúc vừa sinh ra đã tự giới hạn mình bằng cách phục tùng pháp luật, pháp quy và bằng sự chuyển giao định kỳ chủ quyền cho những kẻ được bầu.
Khởi thuỷ, đó là một chế độ dành cho những con người tự do, nhưng từ khi tất cả mọi người đều được thừa nhận tự do và bình quyền, nguyên tắc của nó đã trở thành phổ biến. Sau chế độ dân chủ của thành quốc, nền dân chủ quốc gia tập hợp hàng trăm nghìn, hàng triệu công dân đã làm nẩy sinh cơ cấu nghị viện và sinh ra chế độ phân quyền để đề phòng những lạm dụng quyền lực khó tránh khi có sự tập trung, để bảo đảm quyền lợi cá nhân và bảo vệ cái riêng tư.
Cuộc cách mạng Pháp 1789 đã thiết lập tiêu chuẩn dân chủ, hoàn thiện vào năm 1848 trong khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Cái bộ ba này xem ra rất phức tạp vì những thành phần của nó đồng thời bổ sung mà lại đối kháng với nhau: tự do đơn độc có thể giết chết bình đẳng và bác ái. Bình đẳng bị áp đặt sẽ giết tự do và không đưa đến bác ái. Bác ái, tiền đề cơ bản để có thể có một liên hệ cộng đồng giữa các công dân (10) phải điều chỉnh tự do và giảm thiểu sự bất bình đẳng, nhưng nó không thể được ban bố hoặc cũng không thể được dựng lên thành sắc luật hay pháp luật. Cuối cùng, chủ nghĩa xã hội đã đề nghị dân chủ hoá không chỉ cái tổ chức chính trị mà cả tổ chức kinh tế - xã hội của các xã hội.
Người ta tưởng rằng những nguyên tắc mà chúng ta vừa đề cập là đủ để xác định và bảo đảm chế độ dân chủ. Nhưng rồi qua kinh nghiệm đương đại của các chủ nghĩa cực quyền người ta mới thấy nổi bật lên một điểm cơ bản từ trước đến nay vẫn bị coi thường hoặc che lấp: đó là cái sợi dây cốt tử ràng buộc dân chủ với tính đa dạng và tính xung đột.
Chế độ dân chủ phải cho phép và khuyến khích tính đa dạng của những quyền lợi, của những đoàn thể xã hội và của những tư tưởng. Như vậy có nghĩa là nó phải, không những không được áp đặt chuyên chế của đa số mà còn phải thừa nhận quyền tồn tại và phát biểu của những thiểu số cũng như của những kẻ phản đối và nó còn cho phép những tư tưởng tà đạo, lệch lạc được phát biểu. Nó cần thoả hiệp trên sự tôn trọng những quy tắc và thể chế dân chủ, đồng thời cũng cần đến những xung đột tư tưởng và ý kiến để có được sức sống và sức sáng tạo.
Nhưng sự sinh động và sức sáng tạo của những xung đột chỉ có thể xẩy ra trong sự tôn trọng những quy tắc dân chủ. Những quy tắc này điều chỉnh những đối kháng bằng cách thay thế những cuộc đụng độ thể lực bởi những trận chiến tư tưởng và xác định thông qua những cuộc thảo luận và bầu cử kẻ nào là kẻ thắng thế tạm thời trên những trận chiến này.
Như thế, chế độ dân chủ đòi hỏi cùng một lúc thoả hiệp và xung đột, nó còn là một cái gì vượt xa hơn cả phạm vi hành sử chủ quyền nhân dân nữa. Đó là một hệ thống phức tạp về tổ chức và về văn minh chính trị, nó nuôi dưỡng (mà cũng sống nhờ vào đó) quyền tự chủ tinh thần của các cá nhân, quyền tự do tư tưởng, ngôn luận và cái lý tưởng bộ ba Tự do, Bình đẳng, Bác ái.
Để có thể hình thành và bén rễ, hệ thống này cần có được những điều kiện vốn rất phức tạp. Chế độ dân chủ tuỳ thuộc vào những điều kiện mà những điều kiện này lại tuỳ thuộc vào cách thực thi dân chủ (tinh thần công dân, chấp nhận luật chơi dân chủ). Sự mỏng manh của nó bắt nguồn từ đó.
Cho nên người ta nhận thấy tại những nơi đã trải qua ách thống trị của chế độ cực quyền thì công cuộc xây dựng chế độ dân chủ trở nên cực kỳ khó khăn. Những luật chơi dân chủ đòi hỏi ở mọi người một thứ văn hoá chính trị và tinh thần công dân mà chỉ cần vài chục năm dưới chế độ cực quyền là đủ để cản trở sự hình thành của chúng. Khủng hoảng kinh tế đưa đến quá nhiều xung đột cũng có thể phá vỡ những quy tắc dân chủ trong khi những quá khích của chủ nghĩa dân tộc có thể mở đường cho nền chuyên chính của đa số cuồng nhiệt trên thiểu số ôn hoà.
Nhưng ngay cả Tây phương cũng gặp phải nhiều vấn đề dân chủ nghiêm trọng. Không phải chỉ vì tiến trình dân chủ hoá của các nền dân chủ đó chưa được hoàn tất và còn chứa đựng những thiếu sót, khuyết tật, nhưng cũng vì ở đó vẫn xẩy ra những quá trình thoái hoá dân chủ.
Trước tiên, sự phát triển của cơ chế quan liêu - kỹ thuật đã đưa các chuyên gia vào ngự trị của trong mọi lĩnh vực xưa nay vốn là lãnh vực của thảo luận và quyết định chính trị. Ví dụ kỹ thuật nguyên tử đã đặt các công dân, dân biểu ngay cả những bộ trưởng ra ngoài tất cả những quyết định trong việc sử dụng vũ khí, sự quy hoạch nguồn năng lượng mới này thường vẫn được quyết định ở phía trên đầu những công dân.
Khoa (học) - kỹ (thuật) đã xâm chiếm những mảnh đất mà cho đến gần đây vẫn con thuộc về sinh vật và xã hội, như quan hệ cha con, mẹ con, sự sống, cái chết : bây giờ đã có thể tạo nên một đứa con mà không cần biết cha nó là ai, hoặc ngay cả khi cha nó đã chết rồi, lại có thể thụ thai ngoài dạ con cũng như đã có thể chẩn đoán để loại bỏ những bào thai không hợp cách, rồi chẳng bao lâu sẽ hoàn toàn có thể bắt cái thai nhi này theo quy cách mà bố mẹ và xã hội muốn.
Những vấn đề này vẫn chưa được đem vào trong ý thức chính trị hoặc trong những cuộc thảo luận dân chủ, ngoại trừ quyền phá thai.
Cái hố lớn giữa một khoa - kỹ bí hiểm, quá chuyên môn, và những kiến thức mà các công dân có thể nắm bắt được ngày càng mở ra sâu rộng hơn và tạo nên hai cực giữa "những kẻ biết" (mà kiến thức của họ lại chỉ là những mảnh vụn không thể dùng để giải quyết các vấn đề một cách cụ thể, hoàn chỉnh) và những "kẻ không biết" nghĩa là toàn bộ công dân. Sự phân hoá lưỡng cực này thúc đẩy chúng ta đến việc cần kíp là phải làm sao để có thể dân chủ hoá kiến thức, nghĩa là có một nền dân chủ tri thức.
Công việc này một đằng xem ra có vẻ phi lý đối với những ông quan kỹ thuật và khoa học, một đằng lại khó thực hiện đối với chính các công dân: vì nó chỉ có thể được thực thi bằng cách làm sao cho kiến thức tiếp tục được truyền bá sau tuổi sinh viên và ra ngoài khuôn viên đại học (11), nhất là bằng cách tiến hành cải tổ tư tưởng để cho phép những tri thức sắp xếp được với nhau.
Cùng lúc sự gia tăng cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia, đặc biệt vào thời buổi khủng hoảng kinh tế, làm cho chính trị dễ bị thu hẹp thành kinh tế và vấn đề kinh tế thường trực trở thành vấn đề chính trị. Và, vì khủng hoảng ý thức hệ xẩy ra đồng thời với khủng hoảng tư tưởng, sự thừa nhận vị trí hàng đầu của kinh tế ấn định một thoả thuận bất đắc dĩ trong đó vai trò dân chủ cốt yếu của các xung đột tư tưởng bị yếu đi.
Cũng cùng một lúc, nền dân chủ đã thụt lùi về mặt xã hội: đến đầu những năm 1970, sau khi tăng trưởng kinh tế làm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng thì tiến trình cạnh tranh, chạy theo năng suất đã đào thải càng ngày càng nhiều người lao động ra khỏi vòng đua, đồng thời một sự ghét-tô hoá tầng lớp vô sản và di dân nước ngoài đã tách rời họ khỏi giai tầng xã hội đang đi lên.
Giới quan liêu kinh tế, rất giỏi trong việc thích ứng con người vào kỹ thuật mới, lại rất tồi trong việc thích ứng tiến bộ kỹ thuật vào con người, và họ cũng không thể nghĩ ra được giải pháp nào mới để tổ chức lại công việc và tái phân phối của cải. Vì thế một xã hội "đối ngẫu" đã bắt đầu bám rễ và nếu dân chủ tiếp tục thoái bộ, nó sẽ trở thành một loại xã hội chuẩn mực.
Cũng tương tự, khi những hy vọng lớn về tương lai sụp đổ, chủ nghĩa cách mạng khủng hoảng sâu sắc, chủ nghĩa cải cách kiệt quệ, tư tưởng thực dụng chủ nghĩa ngày qua ngày đã hết hơi, việc thiết kế một dự phóng to tát bị bế tắc, các xung đột tư tưởng sa sút và nhường chỗ cho những xung đột vụ lợi hoặc những chủ nghĩa chủng tộc trung tâm ; tất cả những thứ này làm xơ cứng các đảng phái, suy yếu sự tham dự quần chúng. Rồi sự xơ cứng của các chính đảng và sự giảm thiểu các tham dự quần chúng này lại quay ngược lại khuyến khích những hiện tượng đã kể trên.
Và, trong sự thoái bộ dân chủ này, những vấn đề lớn của văn minh mà chúng ta đề cập ở trên lại bị xem như những vấn đề riêng tư thay vì phải được đưa ra trước ý thức chính trị và sự thảo luận công cộng.
Vì thế, xã hội tây phương đang đứng trước vấn đề then chốt của sự yếu kém dân chủ một cách đa dạng, nghĩa là trước nhu cầu tái sinh lại dân chủ, trong khi khắp nơi trên thế giới vấn đề là làm sao xây dựng được nó.
Vấn đề dân chủ là một vấn đề toàn cầu dưới nhiều hình thức khác nhau.
Khát vọng dân chủ đang lan rộng vấp phải cái khó khăn dân chủ cũng đang lan rộng. Dân chủ tuỳ thuộc vào văn minh, văn minh lại tuỳ thuộc dân chủ.
Một lần nữa chúng ta phải đối diện với những mục tiêu mâu thuẫn nhau. Chúng ta cần phải chống lại những lực lượng đe doạ dân chủ, phải bảo tồn những gì có nguy cơ bị phá huỷ bởi những lực lượng này, nhưng cũng phải tìm cách đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá, tức là đặt nó vào trong những mục tiêu sâu rộng của tiến trình tiến hoá nhân loại.
Liên bang địa cầu
Văn minh hoá văn minh cần có sự truyền thông giữa các xã hội với nhau và hơn nữa còn cần đến sự kết hợp hữu cơ trên phạm vi toàn cầu.
Mục tiêu này trở thành quá rõ ràng khi trên tất cả các đại lục hình thức quốc gia đã hoàn thành chức năng lịch sử là giải phóng những dân tộc bị trị, nhưng bây giờ đến lượt nó lại càng ngày càng trở thành một lực lượng áp bức đối với những sắc dân thiểu số.
Vượt qua hình thức Nhà nước - quốc gia ư ?
Chúng ta đã nói rằng nó là đại biểu cho một lực lượng lịch sử - nhân loại to lớn: lực lượng của thần thoại nước mẹ, sức mạnh tôn giáo (tôn thờ cái quốc gia được thần thánh hóa), lực lượng tổ chức Nhà nước hiện đại. Sự thất bại của các Phong trào Quốc tế ở thế kỷ XX, sự suy yếu của chủ nghĩa thế giới, những khó khăn mà cộng đồng Âu châu gặp phải trong tiến trình hình thành của nó đã cho thấy sức mạnh của cái thực thể đa chiều là Nhà nước - quốc gia này.
Hôm nay, vô số chủng tộc đòi hỏi thành lập Nhà nước - quốc gia, việc này cố nhiên cũng nằm trong nguyên tắc hợp pháp của sự thừa nhận chủ quyền, nhưng nó cũng đi ngược lại sự đốt giai đoạn cần thiết.
Ngoài ra, có một điều chúng ta cần nhắc lại là nếu Nhà nước - quốc gia đã trở thành đủ mạnh để có thể tàn sát người hàng loạt và phá huỷ bao xã hội thì nó đã trở thành quá nhỏ bé để có thể lo liệu được những vấn đề lớn giờ đã trở thành toàn cầu. Trong khi đó nó lại trở thành quá lớn để có thể lo liệu được những vấn đề đặc thù và cụ thể của các công dân. Sự thay đổi mức thang được đặt ra do sự phát triển của tiến trình thế giới hoá kinh tế nghiễm nhiên đã bắt chúng ta phải vượt qua những quyền hạn của Nhà nước - quốc gia.
Ngoài ra hình thức này còn cho thấy nó không có khả năng gìn giữ được những bản sắc văn hoá ở cấp địa phương nữa, mà để tự vệ, chính những văn hoá này đang đòi giảm quyền hành của các Nhà nước xuống.
Sự vượt qua hình thức Nhà nước - quốc gia chính nó rồi cũng sẽ kéo theo sự giảm thiểu vấn đề quan liêu Nhà nước, đó là một điều có ích "bởi vì mọi Nhà nước đều buộc phải đối xử con người tự do như một bánh răng của bộ máy"(12).
Sự vượt qua hình thái này không có nghĩa là xoá bỏ nó, nhưng là hội nhập nó vào trong những kết hợp lớn hơn, giới hạn quyền hành tuyệt đối của nó đối với việc quyết định sự sống chết của những sắc tộc và của những cá nhân - chính trong hướng này mà chúng ta có thể nghĩ đến một "quyền can thiệp" -- nhưng vẫn để lại cho nó tất cả những thẩm quyền đối với các vấn đề mà nó có thể quản lý ở mức độ của nó (nguyên tắc của tính bổ trợ).
Sự vượt qua hình thái này để đến những tập hợp lớn hơn chỉ có thể thành công, nghĩa là hữu hiệu, nếu người Âu châu thừa nhận một tính chất nước mẹ đối với châu Âu, người Phi châu đối với châu Phi, người châu Mỹ la-tinh đối với châu Mỹ của họ... và nếu mỗi người cũng như tất cả đều thừa nhận tính chất này đối với quả đất, xem nó chính là nước mẹ và tổ quốc của tất cả nhân loại.
Tóm lại, sự kết hợp toàn cầu là một đòi hỏi hợp lý tối thiểu cho cái thế giới càng ngày càng thu nhỏ và càng phụ thuộc lẫn nhau. Ngay cả trong sự kết hợp này chúng ta cũng cần phải xác định cái tư cách công dân toàn cầu, để xác định và bảo đảm cho mọi người quyền của con người địa cầu.
Cái cách nghĩ này xem ra hôm nay có vẻ không tưởng lại đã được thực hiện vào năm 212 bởi sắc lệnh Caracalla (Ca-ra-cai-a), hoàng đế Đế quốc La mã, người đã thừa nhận tư cách công dân La mã cho tất cả cư dân trong một đế quốc mà thời đó ông xem là tất cả thế giới.
Cần phải gây dựng cho thế giới một khoa địa - chính trị mới. Khoa địa - chính trị này sẽ không được lấy những lợi ích các quốc gia và đế quốc làm trung tâm mà phải tản quyền ra mọi nơi trên tiêu chuẩn liên kết, nó phải lập ra không phải những vùng ảnh hưởng chiến lược, kinh tế mà là những liên hệ hợp tác giữa các vùng với nhau. Nó chỉ có thể thành công bằng cách làm quy tụ được tất cả những lối tiếp cận đa dạng.
Liên hiệp quốc phải là nòng cốt của sự tản quyền này. Trong lúc chờ đợi có đủ lực lượng dân chủ thế giới và lực lượng hành động thích hợp để khôi phục dân chủ ở bất cứ nơi nào mà nó bị lật đổ, cần phải có một quyền lực trị an toàn cầu để can thiệp khi một quốc gia tấn công một quốc gia, một dân tộc, một sắc tộc khác. Cũng cần phải tìm cách thành lập những thực thể mới có tính toàn cầu, gắn với Liên hiệp quốc, tìm cách chế định những chương trình chung cho những vấn đề trọng đại như ở Rio năm 1992.
Ngoài ra cũng cần phải trù tính thiết lập nhiều thực thể liên kết đa quốc gia, quốc tế, siêu quốc gia, rút kinh nghiệm lịch sử từ những kinh nghiệm của các thành phố thuộc liên minh Hanse (Han-sơ) (13), của Đế quốc La-mã thần thánh Giéc-ma-ni, của đế quốc La-mã cổ đại, không phải để bắt chước, nhưng để kích thích những triển vọng phát minh khi nghĩ về chúng.
Để có thể cụ thể hoá những khả năng này chúng ta cần có, nói theo cách của Jean-Marie Pelt (Giăng-Mari Pen) một "dư luận quần chúng toàn cầu". Chúng ta cần có (không phải là những quốc tịch mà) một toàn cầu tịch, một ý thức công dân toàn cầu, một quan điểm trí thức và khoa học toàn cầu, một thái độ chính trị toàn cầu. Trước mắt, đối với những vấn đề này, chúng ta thật vẫn còn chưa bắt đầu gì cả. Thế mà đó đúng là những điều kiện tiên quyết cho một chính sách toàn cầu, chính sách này sẽ đồng thời là một điều kiện để hình thành những quan điểm và ý thức trên.
Chúng ta cũng đã từng nói rằng(14) cái kết hợp nhân loại mà chúng ta hướng về không thể "xây dựng trên một kiểu mẫu bá quyền của người da trắng, đàn ông, Tây phương, trưởng thành, nắm kỹ thuật, trái lại nó phải biểu hiện và đánh thức những mầm mống văn minh nữ, trẻ, già, đa chủng tộc và đa văn hoá..."
Vấn đề mà chúng ta gặp phải là làm sao xây dựng được một xã hội phổ quát trên tinh thần của tính đa dạng chứ không phải trên sự khô khan của tính đồng chất, điều này đưa chúng ta đến một đòi hỏi cấp bách mang trong nó hai mặt mâu thuẫn, mà nó chỉ có thể trở nên phong phú trong mâu thuẫn mà thôi:
1- Bảo đảm mở rộng, vun trồng, phát triển tính thống nhất ở khắp mọi nơi.
2- ở khắp mọi nơi bảo tồn, mở rộng, vun trồng và phát triển tính đa dạng.
Từ đó sinh ra một nghịch lý là đối với văn hoá cùng một lúc phải bảo tồn và khai phóng. Điều này thật ra chẳng có gì mới: ở nguồn gốc của những văn hoá, gồm cả những văn hoá có vẻ rất đặc thù đều có sự gặp gỡ, kết hợp, hỗn hợp, lai tạo. Mọi văn hoá đều có khả năng hấp thụ tất cả những gì thoạt tiên đối với nó còn xa lạ, ít nhất là đến một mức độ nào đó, mức độ này tuỳ sức sống của nó và khi vượt qua thì chúng sẽ bị đồng hoá và / hoặc sẽ giải thể.
Như thế, theo một đòi hỏi cấp bách hai mặt và phức tạp mà chúng ta không thể nào xoá bỏ mâu thuẫn nội tại - mâu thuẫn này có thể được vượt qua không, và nó không cần thiết cho chính sự sống của những văn hoá ư ? -, chúng ta phải đồng thời bảo vệ những đặc thù văn hoá và thúc đẩy những hỗn hợp, lai giống: vì tính phổ quát có khuynh hướng huỷ hoại tính đặc thù, nên chúng ta phải kết hợp sự bảo tồn những bản sắc với sự truyền bá tính phổ quát lai tạo và quốc tế kia.
Làm sao để có thể tiếp thu mà không bị giải thể? Vấn đề này được đặt ra một cách bi đát đối với những văn hoá cổ xưa như văn hoá của người Inuit (I-nu-it). Phải biết cách giúp họ lợi dụng được những ưu điểm vủa văn minh chúng ta - cách bảo vệ sức khoẻ, kỹ thuật, tiện nghi v.v.. - nhưng cũng phải biết cách giúp họ bảo tồn được những bí mật của y học riêng, của đạo Saman, những kiến thức săn bắt, những hiểu biết thiên nhiên của họ v.v.. Cần những người dẫn đường như kiểu Jean Malaurie (Giăng Ma-lô-ri), đến đó không phải như những nhà truyền giáo đạo hay đời mà làm cho thổ dân xấu hổ vì tín ngưỡng và tập tục của họ...
Chúng ta không nên quên rằng sự lai giống luôn luôn tái tạo tính đa dạng, đồng thời tạo điều kiện cho sự cảm thông lẫn nhau. Đại đế A-lêch-xan-đơ ở mỗi thành phố á đông mà ông ta chinh phục, đã gả vài trăm thiếu nữ bản địa cho những chiến sĩ Ma-xê-đoan. Vì thế tất cả những thành phố ông đi qua hay đã dựng lên đều là những cái nôi sán lạn của văn minh Hy-lạp và là nguồn gốc của nghệ thuật lai tạo Hy lạp - Phật giáo. Ngay cả văn minh La mã cũng đã bị lai tạo rất sớm, nó hấp thụ tất cả di sản Hy lạp và đã biết đem vào trong điện thờ thần của nó rất nhiều thần linh nước ngoài và trên đất đai của nó rất nhiều dân tộc bán khai, sau đó đã trở thành người La mã về mặt quyền lợi mà vẫn giữ nguyên được bản sắc của chủng tộc mình.
Sự sáng tạo nghệ thuật đều lớn lên nhờ những ảnh hưởng và những hợp lưu. Vì thế, một truyền thống hôm nay gần như một thứ nguyên gốc đích thực, âm nhạc Flamenco (Phla-men-cô) của Andalusia, cũng như chính dân An-đa-lu, nó là một sản phẩm của sự đan chéo giữa các văn hoá ả rập, Do thái, Tây ban nha được tôi luyện trong và bởi cái thiên tài bi thương của dân tộc gi-tăng.
Chúng ta có thể nghe và thấy được trong Phla-men-cô sự dồi dào (vì tiếp thu) cũng như những hiểm hoạ (có thể bị giải thể) của các đòi hỏi cấp bách hai mặt đã nói trên: bảo trì (bản sắc) và khai phóng (ra bên ngoài). Về phía bảo trì thì lúc đầu đã có, nhất là nhờ vào nỗ lực của vài kẻ ái mộ người Pháp, loại cante jondo (Can-te Khôn-đô, dân ca gi-tăng -ND) bị suy thoái nhiều này đã được nghiên cứu và tìm lại nguồn gốc. Vì vậy có nhiều khúc ghi âm cũ đã được làm sống lại trong những recopilaciones (tái sưu tập -ND), những người trình tấu bị lãng quên hay bị xem thường nay đã trở thành những bậc thầy, và đã đào luyện được những thế hệ trình diễn kế tiếp đầy truyền thống. Về phía khai phóng, lúc đầu đã xẩy ra một sự thoái hoá trong một hỗn hợp Tây ban nha mang hơi hướng của vùng Sê-vi-da, sau đó nó lại tiếp thu những nguồn nhạc của Albeniz (An-be-nhiz) và De Falla (Đơ-pha-da) rồi cuối cùng là những pha trộn thú vị gần đây với những thanh âm và nhịp điệu đến từ những nơi khác như với nhạc Jazz (Paco de Lucia hợp tấu với John Mac Laughlin) hay với nhạc Rốc (trong những cái hay nhất của Gipsy Kings).
Nhạc Jazz lúc đầu là một thứ lai tạp giữa châu Phi và châu Mỹ, một sản phẩm đặc biệt của miền The New Orleans (Niu Ooc-lê-ânx) đã lan rộng trên nước Mỹ và qua nhiều chuyển biến mà vẫn giữ được phong cách ban đầu để trở thành một âm nhạc mọi / da trắng, được nghe, nhẩy rồi diễn tấu bởi những người da trắng, và, dưới nhiều hình thức, nó đã lan rộng khắp thế giới. Trong khi đó cái điệu cũ New Orleans, có vẻ bị bỏ rơi ngay tại gốc lại tái sinh trong những căn hầm của St-Germain-des-Prés (Xanh-Gec-manh-đơ-Prê - Pháp) để quay ngược về Mỹ đóng đô một lần nữa ở The New Orleans. Rồi, sau khi gặp "tiết tấu và điệu blu" thì chính trong môi trường âm nhạc người da trắng tại nước Mỹ mà nhạc Rốc đã xuất hiện và lan tràn khắp thế giới, thích ứng với mọi ngôn ngữ, và cứ mỗi lần như vậy lại mang một bản sắc dân tộc khác.
Ngày nay ở Bắc kinh, Quảng Đông, Tôkyô, Pari, Matxcơva, người ta nhẩy, liên hoan, cảm thông với nhau qua nhạc Rốc, và tuổi trẻ của tất cả mọi nước đều bay bổng theo cùng một nhịp điệu trên khắp thế giới.
Sự truyền bá toàn cầu của nhạc Rốc đã kéo theo nơi này nơi nọ những nét lai tạo độc đáo mới như nhạc Rai (Raiy), để cuối cùng pha chế trong cái lò nhạc Rốc tạo nên một thứ môi trường tiết tấu thích hợp mà tất cả những văn hoá âm nhạc của thế giới đến để gặp gỡ, kết hợp. Cứ như thế, có khi buồn, nhưng nhiều lúc vui hơn và chưa bao giờ bị mất đi, những văn hoá âm nhạc của toàn thế giới vẫn lai tạo lẫn nhau mà không hề biết rằng mình đang sinh ra những đứa con toàn cầu.
Vì vậy, phải để cho con người và văn hoá được tự do đi đến một sự lai tạo phổ cập và đa dạng, để rồi sự lai tạo này đến lượt nó cũng lại xúc tiến sự đa dạng. Những cấm cản mang tính cách nguyền rủa đã tạo nên trong thời đại lưu lạc của nhân loại, những bảo vệ miễn dịch cho các văn hoá cổ xưa và những tôn giáo độc đoán, nhưng chúng đã trở thành những chướng ngại đối với việc giao lưu, thông cảm, và sáng tạo ở kỷ nguyên toàn cầu. Vào thời gian đầu, những kẻ pha trộn các kiểu cọ bị xem như những kẻ gieo rắc hoang mang hỗn loạn, những người lai giữa nhiều chủng tộc và tôn giáo vẫn bị các cộng đồng gốc của mình ruồng bỏ như những kẻ lai căng và phản đạo. Họ là những nạn nhân và những kẻ tử vì đạo trong một tiến trình mở đường trên mặt trận tình yêu và thông cảm.
Những khu vực văn minh cổ đại trọng yếu của Địa Trung Hải và của Hồi giáo cũng như những đế quốc to lớn ngày nay đều đã từng nhìn thấy sự phồn vinh của những đô thị quốc tế như Alexandrie (Alecdăngdri), Roma (Rôma), Bagdad (Bắcđa), Cordoba (Coócđôba), Istambul (Ixtambun), Viên. Rồi chủ nghĩa dân tộc hiện đại, bị ám ảnh bởi tính thống nhất, đã xua đuổi tính đa dạng như nó đã từng làm trước kia ở những quốc gia của thời đế quốc Ôt-tô-man hoặc ở Li-băng, ở An-giê-ri, cũng như nó đang làm ở Nam tư và vẫn tiếp tục ở Liên bang Xô-viết cũ.
Nhưng một tiến trình khác đã bắt đầu ở châu Mỹ - dĩ nhiên sau những lần tiêu diệt văn hoá không thể nào cứu vãn được. Những thành phố quốc tế đã được hình thành như New York (Niu-ooc), San Francisco (San Phran-xis-cô), Los angeles (Lôtx En-giơ-létx), Sao Pao-lô. Những dân cư đông đúc lai tạo đã trở thành đa số ở Bra-xin, Mê-hi-cô, Vê-nê-duê-la và đã tạo nên khắp nơi những văn hoá độc đáo. Những người da trắng, da đen, da đỏ, Chicanos (15), tuy chưa pha trộn, còn nhiều thành kiến và thậm chí còn xa lánh nhau, nhưng hiện vẫn chung sống hoà bình ở Hợp chủng quốc Hoa kỳ và không ít đã cùng mang những lý tưởng và lối sống như nhau.
Trong khi đó sự diệt chủng bi thảm của những nền văn minh cỡ nhỏ vẫn tiếp diễn, như nền văn minh của người da đỏ ở bình nguyên A-ma-dôn, và ở những nơi mà kết quả của sự gặp gỡ với người da trắng đối với những kẻ may mắn còn sống sót cũng chẳng đưa đến một sự lai tạp nào ngoài sự giải thể thảm hại.
Chỉ bằng cách trở thành công dân thế giới, nghĩa là người của năm châu bốn biển thì chúng ta mới quan tâm và tôn trọng những di sản văn hoá, cũng như cảm thông với những nhu cầu tìm về nguồn.
Vì thế chúng ta xác nhận cụm từ con người bốn biển là nhà này với đúng nghĩa chữ là công dân thế giới và cụ thể là đứa con của thế giới - chứ không phải một cá nhân trừu tượng đã bị mất hết cả gốc rễ. Chúng ta mong ước phát triển không ngừng những mạng lưới liên hệ trên môi trường địa cầu, chúng ta kêu gọi sự giao thoa của các nền văn minh với điều kiện đó là một sự cộng sinh chứ không phải sự đồng hoá nền văn minh này bởi một nền văn minh khác.
Căn cước địa cầu của công dân thế giới mới sẽ tập hợp nhiều bản sắc cùng chung tâm điểm, phát sinh từ bản sắc gia đình, địa phương, vùng, quốc gia. Bản sắc Tây phương, ngay cả khi nó đã hấp thụ được những thành phần đến từ những nền văn minh khác, vì đó là một điều cần thiết, thì nó cũng chỉ được xem như là một thành phần của bản sắc con người địa cầu chứ không phải là chính cái bản sắc này.
Chủ nghĩa quốc tế muốn biến nhân loại thành một dân tộc. Chủ nghĩa thế giới muốn biến thế giới thành một quốc gia. Nhưng cái cần phải làm ở đây là biến con người thành một "nhân loại", biến địa cầu thành một căn nhà chung cho sự đa dạng của nhân loại.
Ngày thành lập xã hội / cộng đồng toàn cầu sẽ chính là lúc tính thống nhất / đa dạng nhân loại được hoàn tất.
Đúng thế nhưng mà...
.... Liệu những lời hay ý đẹp này có một chút hy vọng nào được thực hiện trong cái thế giới mà chúng ta đã vạch ra ở những chương đầu của quyển sách, chương về Các trạng thái co cụm và không có khả năng thay đổi hay không?
Chú thích:
(1). Tôi rất hãnh diện đã hoàn thành nhiệm vụ này sau khi đã chống lại chủ nghĩa Quốc-xã.
(2). Xem Ed. Morin, "Phạm thức thất lạc", sđd, tr. 189 - 208.
(3). Về sự phát triển của khủng hoảng phát triển. Xem E. Morin, "Xã hội học", Sđd, tr. 443-460.
(4). Về thị trường như máy tính hoang dã, xem E. Morin, "Dẫn nhập vào tư duy phức tạp" (Introduction à la pensée complexe), Paris ESF, 1990.
(5). Xem E. Morin, "Phạm thức thất lạc", sđd, tr. 189 - 208.
(6). M. Maruyama "Loạn chức năng, sai công dụng, độc hại, những sắc thái văn hoá" (Disfunctional, misfunctional, and toxifunctional, aspects of culture) Technological Forecasting and Social Change, 1992 tr. 301 - 307.
(7). Nó có thể đưa đến sự phát minh ra các kỹ thuật trung gian, như Jean Gimpel đã đề nghị và tưởng tượng, dùng làm trạm chuyển tiếp giữa những kỹ thuật cổ sơ và những kỹ thuật tiên tiến nhất.
(8). Xem chương VII, "Cải tạo tư duy" (La reforme de pensée).
(9). Điều mà khuyến khích chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa hư vô, sự chấp nhận trật tự và hỗn loạn đã được thiết lập, tin rằng những bất công và sự xấu xa là tất yếu cũng sẽ bắt chúng ta chấp nhận một cách bình thản tất cả những xấu xa xẩy đến. Và sự tỉnh ngộ này dĩ nhiên càng làm khó thêm dự định và tiến hành của tất cả cải cách văn minh.
(10). Xem E. Morin: Dẫn nhập vào tư tưởng phức tạp, sđd, đã chứng minh lòng bác ái về mặt xã hội quan trọng như thế nào đối với sự tăng thêm phức tạp của các xã hội.
(11). Sự thành lập bởi và trong Trung tâm nghiên cứu Quốc gia Pháp một văn phòng "Khoa học và công dân" là một bản sơ đồ hoạt động về hướng này.
(12). Cương lĩnh xem là của chủ nghĩa duy tâm Đức và gán cho Hửderlin, Schelling và Hegel.
(13). Hanse : Tổ hợp những thành phố thương mại ở biển Bắc Âu và biển Ban-tích (1241-1669), (ND).
(14). E. Morin, M Piattelli-Palmarini, Tính nhất thống của con người (L'unité de l'homme), sđd, tr.350 - 355
(15). Chicanos: Người Mễ sống ở nước Mỹ (thường là lai giữa người Da đỏ và người Tây Ban Nha), (ND).
Cái Chủ Nghĩa Hiện Thực Không Thể Có
CÁI CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC KHÔNG THỂ CÓ
Cái hiện thực không chắc chắn
Chủ nghĩa hiện thực có thể có hai nghĩa trong chính trị. Nghĩa thứ nhất đòi hỏi con người đừng đấu tranh với thực tế nhưng thích ứng với nó, nghĩa thứ hai đòi hỏi con người coi trọng thực tế để mong thay đổi nó.
Nhưng trên cái thực tế được gọi là hiện thực lại có nhiều thứ không có gì chắc chắn.
Hiện thực trước tiên dĩ nhiên là thực tế trực tiếp. Nhưng cái thực tế trực tiếp lại đưa đến hai nghĩa khác nhau. Một đằng mang tính thời gian và một đằng mang tính sự thực.
Nghĩa thứ nhất ám chỉ thực tế ngày hôm nay, cái này rất mạnh mẽ, nó đã xoá nhoà một phần cái thực tế hôm qua, nhưng nó cũng rất yếu, bởi vì nó cũng sẽ bị đào thải một phần bởi cái thực tế ngày mai. Lịch sử không ngừng cho chúng ta thấy sự mong manh của những thực tế đã từng quá hiển nhiên và thắng thế trong tất cả những ngày hôm nay. Chính thế, từ tháng 6-1940 đến tháng 10-1941, sự thống trị của nước Đức Hítle trên toàn Âu châu đã là một thực tế lịch sử đầy sức áp đảo. Quân đội Đức trong mùa hè 1941 đã tiến đến dẫy núi Cô-ca-dơ, trước cửa thủ đô Mát-xcơ-va và Lê-nin-grát mà sự thất thủ gần như là chắc chắn. Nước Pháp thua trận đã trở thành chư hầu. Nước Anh bị đẩy ra rìa, co cụm dưới bom đạn. Châu Mỹ nằm ngoài cuộc chiến, chủ nghĩa hiện thực dường như phải là sự thích ứng với thực tế bất khả kháng: phục tùng kẻ chiến thắng.
Mùa hè 1940, Đờ-gôn lại nhìn thấy một thực tế khác: Trong khi đối với đa số mọi người chiến tranh đã chấm dứt, đối với ông ta cuộc chiến chỉ vừa mới bắt đầu: ông ta cho rằng những cường quốc to lớn nằm ngoài cuộc chiến, Liên xô, Hợp chủng quốc Mỹ sẽ không thể không tham chiến, ông ta thấy rằng trận chiến tranh này sẽ là một cuộc chiến tranh thế giới và những lực lượng lớn mạnh hơn kia một khi tham chiến sẽ đè bẹp cái Đệ tam Đế quốc. Dĩ nhiên, cái thực tế ấy, tuy trở thành sự thật vào những năm 1942 - 1945, lại chưa có vẻ gì là tiền định lúc bấy giờ.
Cái gì sẽ xẩy ra nếu cuộc tấn công của nước Đức không bị đình lại đến ngày 21-06-1941 vì cuộc đảo chính một tháng trước đó ở Ben-grát đã làm cho Hít-le mất đi mấy tuần vào việc tiêu diệt quân đội Nam tư và nếu mùa đông Nga đã không đến sớm và rất lạnh đến nỗi chặn đứng sự vận chuyển của quân đội Đức để cho phép Mát-xcơ-va và Lê-nin-grát có thể cố thủ được? Và nếu người Nhật không kéo nước Mỹ vào cuộc chiến bằng cách tấn công Trân Châu Cảng vào tháng 12-1941? Sự sụp đổ của nước Đức Quốc-xã lúc ấy chưa chắc sẽ là việc không tránh khỏi. Nước này cũng có thể thiết lập một cách lâu dài cái bá quyền của nó ở Âu châu chứ! Cho nên trong thời kỳ khủng hoảng và chiến tranh, thực tế lại rất hỗn loạn với những bước ngoặt và những thăng trầm không đoán trước được.
Nhưng chủ nghiã hiện thực lại không ở đúng vào chỗ mà xem ra nó phải ở, nghĩa là ở phía đang chiến thắng ngay trước mắt bằng sức mạnh, cho nên không có gì là phi hiện thực khi tin vào sự sụp đổ của sức mạnh này. Có những trường hợp cần phải dám đánh cuộc ở bên ngoài tất cả chủ nghĩa hiện thực và phi hiện thực.
ý nghiã sự thực của từ hiện thực lại đưa ta về những tình thế, sự kiện và biến cố có thể thấy được trong hiện tại. Nhưng thường thường các sự kiện, biến cố có thể nhận thấy được lại che đậy những sự kiện, biến cố không nhìn thấy được hoặc một thực tế còn chưa thấy được. Dưới lớp vỏ ngoài của cái thực tế thấy được, một thực tế ngầm, bị che lấp sẽ hiện ra sau này mà người theo chủ nghĩa hiện thực lại hoàn toàn không thấy được nó. Có những biến cố - thần bí mà thông điệp của chúng chỉ có thể thật sự hiểu được một khi chúng được thực hiện. Sự bổ nhiệm Goóc-ba-chốp vào chức Tổng bí thư Đảng công sản Liên-xô là một biến cố thần bí nho nhỏ mà năm năm sau nó mới trở thành to lớn. Vào năm 1988, dự kiến sự sụp đổ nhanh chóng của cái đế quốc to lớn đó sẽ là một việc hoàn toàn phi hiện thực, nhưng ngược lại, lại rất hiện thực khi nghĩ rằng chế độ cực quyền bị mắc vào những vấn đề đang làm nó suy sụp, tuy rằng cho đến thời kỳ đó nó vẫn còn đứng vững (1), nhưng dù sao cũng không có tính hiện thực khi dự kiến sự tự huỷ của Liên xô vào năm 1992.
Một lần nữa, chúng ta lại đi vào những vùng đầy nghi vấn của thực tế làm cho những chủ nghĩa hiện thực trở thành những thứ không có gì chắc chắn và còn cho thấy đôi khi những chủ nghĩa tuy bề ngoài phi hiện thực, nhưng lại là những thứ có tính hiện thực cao.
Chúng ta cần nói thêm rằng có rất nhiều thực tế rất khó nắm bắt, ngay cả đối với - và nhất là - những chuyên gia, ví dụ như trường hợp tình trạng kinh tế thế giới: Khó có thể nói được nó sẽ là một sự trùng hợp nhất thời của những suy thoái kinh tế ở mức độ địa phương, hay đó là những triệu chứng của một khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng trong tương lai?
Điều này chứng minh với chúng ta rằng cần phải biết giải mã thực tế trước khi nhận diện được đâu là chủ nghĩa hiện thực.
Điều này cho chúng ta thấy cùng một lúc rằng ý nghĩa của những tình huống, sự kiện và biến cố còn hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách giải thích.
Tất cả những hiểu biết, ngay cả nhận thức, là phiên dịch và tái tạo(2) nghĩa là giải thích. Một hiện thực toàn bộ chỉ có thể xuất hiện qua lý luận, giải thích, qua những hệ thống tư tưởng. Tất cả hiểu biết về một hiện thực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, tuỳ thuộc vào hệ thống giải thích của chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, những hệ thống này lại tuỳ thuộc lẫn nhau trong một hệ thống giải thích lịch sử.
Chính những hệ thống này có thể làm cho những quan niệm trừu tượng, những nhận thức tưởng tượng, những ảo ảnh hay những ý tưởng què quặt xuất hiện như chính thực tế theo kiểu gần như một ảo giác nơi những người quá tin vào nó.
Những người Bôn-sê-vích đã tin rằng mình nắm được hiện thực lịch sử và xã hội: chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, đấu tranh giai cấp, sứ mạng lịch sử của từng lớp vô sản, sự ra đời tất yếu của xã hội không giai cấp là những thứ hiển nhiên mà cái hệ thống giải mã các tình huống, sự kiện, biến cố của họ từng phô trương và khẳng định. Cuộc phiêu lưu cộng sản đã tưởng mình đi đúng hướng của hiện thực lịch sử. Nhưng thật ra đó chỉ là một sự nổi loạn chống hiện thực lịch sử.
Sự giải thích lịch sử theo chủ nghĩa kinh tế đã quên cái tác động của các cấu trúc và những hiện tượng phi kinh tế, lại không cần biết đến những tai nạn xẩy ra ngoài ý muốn, những cá nhân, những đam mê, sự điên rồ của con người. Nó tưởng có thể nắm bắt được bản chất sâu thẳm của thực tế, nhưng quan niệm mà nó dựa lên lại làm cho nó không thấy được bản chất phức tạp của thực tế này.
Sự thừa nhận thực tế phức tạp, cái thực tế con người, xã hội, lịch sử của chúng ta quả thật là khó. Những phạm thức(3) của chia cắt / giản đơn hoá kiểm soát hầu hết các cách suy nghĩ của chúng ta. Nó tách rời những khía cạnh khác nhau của thực tế, nó cách ly những mục tiêu và hiện tượng ra khỏi môi trường của chúng, nó không có khả năng tiếp thu một kiến thức trong bối cảnh và trong cái hệ thống toàn bộ đã làm cho kiến thức này trở nên có ý nghĩa. Nó không thể tiếp thu cái sức mạnh cải tổ của thời gian và nó không thể giải phóng các khả năng.
Vì thế tất cả những hiểu biết về hiện thực mà không được thúc đẩy và quản lý bởi cái phạm thức phức tạp sẽ tất yếu trở thành què quặt và theo nghĩa này tức là thiếu chủ nghĩa hiện thực.
Nhưng cái phạm thức phức tạp giúp chúng ta nhận diện tính phức tạp của những hiện thực lại không đem đến cái gì chắc chắn cả. Ngược lại nó giúp chúng ta đưa ra ánh sáng không chỉ những bất trắc gắn liền vào chính cấu trúc của nhận thức chúng ta, mà cả những lỗ đen bất trắc trong thực tế hiện tại.
Vì thế :
- Thực tại không chỉ là cái trước mắt.
- Thực tại không được biểu hiện ra một cách hoàn toàn hiển nhiên trong những sự kiện.
- Tư tưởng và lý luận không phản ánh nhưng thể hiện hiện thực, bằng một cách có thể lầm lạc.
- Thực tại của chúng ta chỉ là nhận thức của chúng ta về thực tại.
- Thực tại, chính nó cũng là một sự đánh đố
Thế là khi bối rối trong việc nhận thức thực tại, người ta có thể đặt câu hỏi: làm một người theo chủ nghĩa hiện thực thì có hiện thực không?
Cái chủ nghĩa hiện thực nhỏ bé tưởng rằng thực tại thì rõ ràng, nhưng rồi chỉ nhìn thấy được cái trước mắt, thật ra là mù loà. Như Bernard Gooethuysen (Béc-na Gooc-uýt-sen) nói: "Làm một kẻ theo chủ nghĩa hiện thực, ôi, một sự không tưởng lớn!".
Giữa tư tưởng và hiện thực: cuộc nói chuyện của những người điếc
ở đây lại nẩy sinh ra một vấn đề khác: tư tưởng có một quyền lực gì trên hiện thực không, điều này giả định có một hiện thực và sức mạnh của tư tưởng?
Như chúng tôi đã dẫn chứng ở một chỗ khác(4), những tư tưởng và huyền thoại đã trở thành hiện thực, chúng ngự trị trong tinh thần và có thể khống chế ngay cả hiện thực lịch sử, dầy xéo và xuyên tạc nó.
Cuộc Cách mạng Tháng mười 1917 mà Lê-nin, thúc đẩy bởi tư tưởng rằng cần phải để cho lịch sử sinh ra đứa con xã hội chủ nghĩa mà từ lâu nó thai nghén, thực ra lại cho ra đời một chủ nghĩa cực quyền.
Như những tình huống sau này đã cho thấy, hiện thực không tự động và lập tức phủ định cái ý tưởng mâu thuẫn với nó. Có những tư tưởng mang một năng lực đáng sợ: tất cả những tư tưởng lớn và những đức tin lớn đều như vậy. Trong cuộc đấu tranh giữa tư tưởng và hiện thực, hiện thực không phải bao giờ cũng là thứ mạnh nhất(5). Tư tưởng có thể bằng cách uống máu của hiện thực để đạt được một sức mạnh khủng khiếp.
ở Liên xô, tư tưởng đã chế ngự hiện thực. Nó đã tiêu diệt tất cả những gì trong hiện thực chống lại nó bằng cách tiêu diệt giai cấp nông dân của quốc gia nông dân này, nó đã bắt hiện thực phải câm lặng và ngụy trang, nó đã xây dựng một hiện thực cực quyền ghê gớm, nó đã sản sinh ra một sức mạnh quân sự lớn lao chưa từng có. Nhưng tư tưởng thắng thế này lại suy thoái ngay trong lúc thắng lợi. Một hiện thực khác, sản phẩm của sự giao hợp giữa tư tưởng với hiện thực cũ đã thành hình và tạo thành chủ nghĩa cực quyền hiện đại - Chủ nghĩa này đã trở thành một hiện thực trọng yếu của lịch sử thế giới trong hơn nửa thế kỷ. Chủ nghĩa cực quyền này càng ngày càng lớn mạnh đã không có khả năng thích ứng với lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, mà cũng không có khả năng thu lượm được cái hiệu suất kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Thế là đã manh nha ý tưởng cải cách nó. Cái ý tưởng này dựa trên lòng hoài nghi, những nghi vấn và tỉnh ngộ của vài vị lãnh đạo ở trên đỉnh cao của quyền lực để hình thành một tư tưởng chính trị mới. Nhưng tư tưởng này lại không biết quản lý tốt cái hiện thực đã bị những công cụ cực quyền khống chế và vì thế mùa tan băng của hiện thực đã trở thành một cuộc đổ vỡ tán loạn.
Có một sự liên hệ vẫn chưa được xác định rõ giữa tư tưởng và hiện thực. Tư tưởng có thể mạnh hơn hiện thực, nhưng đã chắc gì hiện thực sẽ vì thế mà phù hợp với tư tưởng. Những đứa con sinh ra từ sự giao phối giữa hiện thực và tư tưởng đều không giống gì với cha mẹ chúng cả.
Cần phải dự kiến một chính trị với liên hệ biện chứng giữa chính trị lý tưởng (Idealpolitic)(6) và chính trị hiện thực (Realpolitic). Nhưng chúng ta sẽ lại gặp nơi chính trị hiện thực sự bấp bênh của hiện thực, nghĩa là của chủ nghĩa hiện thực với nguy cơ hoặc không vượt ra khỏi những điều mong ước hão huyền của chính trị lý tưởng và những mù quáng của chính trị ý tưởng (politique idéelle), hoặc bắt buộc phải chấp nhận cả cái trật tự đã được thiết lập và tất cả sự đã rồi.
Cái gì là cái có khả năng thực hiện được ? Đến một lúc nào đó không phải tất cả đều có thể thực hiện được, nhưng chúng ta lại không biết nơi nào là biên giới giữa cái có thể và cái không thể.
Cái gì là cái không thể? Nếu không có đủ những trói buộc cản trở sự diễn biến lịch sử, thì ít nhất cũng có những cấm cản có thể ức chế vài khả năng. Điều chúng ta cần biết là những nguyên tố cản trở nào có tác dụng kìm hãm.
Có những yếu tố có vẻ có tác dụng kìm hãm một cách tuyệt đối, nhưng lại có cái kẽ hở của chúng: ví dụ những bó buộc của cấu tạo lý-hoá đã làm cho sự sống không có khả năng hiện hữu được, cho đến một lúc sự sống lại xuất hiện một cách lệch hướng với sự phát sinh của những nguyên tắc cấu tạo mới.
Cũng thế, sự xuất hiện của ngôn ngữ con người đã không thể có được trước khi cuộc cách mạng nhiều mặt của nhân loại xẩy ra, liên quan đến cấu tạo hình thể, di truyền, xã hội, văn hoá. Cuộc cách mạng này đã cho phép hộp sọ đứng thẳng hơn và hình thành một khoang trên thanh quản, nơi đó sau khi những dây thanh mềm xuống và vòm miệng tiến hoá, tiếng nói mới có thể được cấu âm. Trước khi có các thành phố và nông nghiệp, con người còn sống trong những xã hội nhỏ bé, phân tán, không có quốc gia, bằng cách săn bắt, hái lượm, lúc ấy những câu thúc rất mạnh mẽ cũng đã làm cho nông nghiệp và thành thị khó có thể được tổ chức.
Có những thứ kìm hãm nào không thể vượt qua được? Cái kìm hãm duy nhất có tính phổ biến không thể vượt qua được là định luật thứ nhì của nhiệt động học. Căn cứ trên định luật này, cái chuyển động vĩnh cửu, đời đời bất diệt, thiên đàng hạ giới là chuyện không thể nào có được.
Nhưng những kìm hãm có tính chất xã hội và kinh tế không thể vượt qua trong một hệ thống nào đó tuỳ tình thế lại có thể vượt qua được bởi/và trong những siêu hệ thống, như trường hợp hệ thống sinh vật so với hệ thống lý-hoá, như trường hợp của ngôn ngữ con người so với một hệ thống phát âm hay như là xã hội lịch sử so với xã hội cổ xưa. Dĩ nhiên siêu hệ thống cũng có những gò bó riêng của nó. Mà có hệ thống nào lại thoát được những câu thúc. Vì không thể loại trừ tất cả những trói buộc nên chúng ta biết rằng không thể nào tồn tại trên thế giới một thiên đường. Nhưng việc này không hề cấm cản khả năng đạt đến một thế giới tốt đẹp hơn.
Và như thế chúng ta lại quay trở về với sự bấp bênh, không phải chỉ là sự bấp bênh mà chúng ta gặp phải khi điều bất ngờ, tai nạn, sự kiện mới (Goóc-ba-chốp, Nam tư...) luôn luôn xẩy đến một cách đột ngột và thường xuyên, mà còn là một sự bấp bênh sâu rộng hơn về phương diện tiềm lực xã hội và con người.
Sự đánh cuộc
Nguyên tắc của sinh thái học hành động(7), kéo dài ra thành nguyên tắc sinh thái học chính trị, có nghĩa là một hành động sẽ bắt đầu thoát khỏi ý định (ý tưởng) của những kẻ đã phát động nó một khi rơi vào quỹ đạo của những phản tương tác (tác động hỗ tương phản hồi (inter-rétro-actions) - ND) trong môi trường mà nó can thiệp vào. Cho nên "sự phản động của giới quý tộc" vốn là đầu mối của cuộc triệu tập Hội nghị tam cấp năm 1789, lúc đó đẳng cấp quý tộc vẫn tưởng sẽ nhờ vào chế độ bỏ phiếu theo đẳng cấp để lấy lại được những đặc quyền bị nền quân chủ chuyên chế tước đoạt, lại bất ngờ đã đưa đến một kết cục hoàn toàn trái ngược là sự xoá bỏ toàn bộ những đặc quyền của đẳng cấp này. Trái lại, các trào lưu cách mạng năm 1936 ở Tây ban nha, cuối cùng, như một phản ứng, lại dẫn đến cuộc đảo chính của phe (độc tài-ND) Franco (Phrăng-cô).
Trong khoa khí tượng học cũng vậy, một sự phân hoá rất nhỏ trong một vùng then chốt có thể sinh ra những phản ứng dây chuyền rất lớn, từ đó nẩy sinh ý niệm "hiệu ứng bươm bướm" (8). Cũng thế, chỉ cần vài sự thay đổi nho nhỏ về tư tưởng trong đầu của thủ lãnh một đế quốc cực quyền lớn sẽ dấy lên một phong trào cải cách, ban đầu còn thận trọng và mang tính cục bộ, nhưng dần dần lan ra, bùng lên và theo tiến trình sẽ ở vào trạng thái bùng nổ, rồi với hiệu ứng của tác động / phản động, sự thất bại của phe phản động bảo thủ sẽ châm mồi lửa cuối cùng. Tiến trình này đã kết thúc với sự sụp đổ của chính đế quốc ấy trong vòng hai năm. Như thế là cũng có cả "hiệu ứng bươm bướm" trên phương diện lịch sử.
Chung quy, những hậu quả về lâu về dài của một hành động chính trị thì hoàn toàn không thể tiên đoán được ở khởi điểm. Cũng vì thế những hậu quả dây chuyền từ năm 1789 đã hoàn toàn bất ngờ. Chính sách khủng bố cũng đã là việc không thể thấy trước được, cũng như chính biến của Tháng nóng, chế độ Tổng tài, Đế quốc, sự phục hồi vương triều Buốc-bông v.v.. Nhìn ở một góc độ lớn hơn thì những hậu quả ở Âu châu và trong thế giới của cuộc cách mạng Pháp đã không thể lường trước được cho đến kể cả năm 1917, cũng như sau đó không thể lường trước được những hậu quả của tháng 10 năm 1917, nghĩa là từ khi "chủ nghĩa xã hội được thiết lập tại một nước" cho đến lúc hình thành và sụp đổ của một đế quốc cực quyền.
Như thế để nói rằng chính trị bị chi phối không phải chỉ bởi nguyên tắc không xác định được của hiện thực mà chúng ta đã đề cập ở trên, nhưng còn bởi cả những tác dụng của nguyên tắc không xác định được của sinh thái học hành động.
Ngay cái vấn đề cổ điển về cứu cánh và phương tiện cũng phải được đặt vào trong một quan hệ không chắc chắn. Những thủ đoạn đê tiện dùng cho một mục đích cao cả có thể không những làm ô uế mục đích này mà chúng còn có thể đi đến chỗ tự biến mình thành cứu cánh. Vì thế khi Tchêka với sứ mạng là thanh trừng những phần tử phản cách mạng, đã không chỉ làm ô uế kế hoạch của chủ nghĩa xã hội mà còn tự mục đích hoá bản thân bằng cách trở thành một quyền lực cảnh sát tối cao dưới nhiều tên liên tiếp Guepeou, NKVD, KGB, với mục đích tự duy trì.
Sinh thái học hành động cho chúng ta biết rằng cùng một lúc những ý đồ tốt đẹp có thể đưa đến những hậu quả đáng phỉ nhổ và những ý đồ xấu có thể sản sinh những kết quả tốt đẹp, ít nhất là như vậy trong thời gian đầu. Ví dụ năm 1991 khi cuộc đảo chính quân sự ở Mátxcơva nhằm phục hồi chế độ cũ thất bại lại cho phép xoá bỏ chế độ độc tài của Đảng cộng sản. Cho nên phải nhìn một cách biện chứng vấn đề của mục đích và phương tiện, nghĩa là không thể để cho một trong hai cái chiếm được địa vị chủ đạo(9).
Sinh thái học hành động tựa hồ khuyên chúng ta đừng làm gì cả với ba lý do sau đây:
a/ Hiệu ứng tệ hại (hiệu ứng bất ngờ xấu nhiều hơn hiệu ứng tốt mà chúng ta hy vọng)
b/ Đổi mới chỉ là một sự hoài công (càng thay đổi càng quay về chỗ cũ)
c/ Những thành quả bị uy hiếp (chúng ta muốn cải thiện xã hội nhưng lại chỉ thành công trong việc thủ tiêu những tự do và an toàn).
Dĩ nhiên chúng ta không được coi thường ba vấn đề trên, bởi qua kiểm chứng chúng đã đúng một cách ghê gớm trong cuộc cách mạng Bôn-sê-vích và những gì xẩy ra sau nó. Nhưng chúng không có giá trị tuyệt đối của một quyết định luận và ngoài ra nếu thiếu đổi mới thì cũng chẳng khác nào cứ để mặc cho các tiến trình tàn lụi, thối rữa, suy thoái và vì vậy sẽ đi đến chỗ diệt vong.
Sinh thái học hành động không khuyên chúng ta đừng làm gì cả, nhưng mời chúng ta vào sự đánh cuộc đầy nguy hiểm, vào cái sách lược hành động cho phép chúng ta cải tiến, thậm chí thủ tiêu những hành động đang xẩy ra. Sinh thái học hành động thúc đẩy chúng ta đến một quan hệ biện chứng giữa tư tưởng và hiện thực.
Cái có thể / cái không có thể
Hôm nay về mặt kỹ thuật và vật chất chúng ta có thể làm giảm bớt những bất bình đẳng, nuôi cho những người đói được ăn no, phân phát tài nguyên, làm giảm sự tăng trưởng dân số, làm bớt những suy thoái môi trường, cải cách lao động của con người, tạo lập nhiều cơ cấu cao cấp có tính toàn cầu với nhiệm vụ điều chỉnh và bảo hộ, phát triển Liên hiệp quốc thật sự thành một xã hội các quốc gia, làm cho quả đất được trở thành văn minh. Có thể xây dựng ngôi nhà chung một cách hợp lý, sửa sang khoảnh vườn chung. Truyền thông, tin tức và kỹ thuật có thể làm cho quả địa cầu gồm 3 tỷ người thời vua Louis (Lui) XIV sẽ dễ lèo lái hơn cả nước Pháp gần 20 triệu dân.
Khả năng hình thành dư luận toàn cầu đang ở trong tầm tay chúng ta nhờ phương tiện truyền thông, nhờ các hình ảnh chớp nhoáng thể hiện sự liên đới toàn cầu đối với những cô nhi Rumani, những người tỵ nạn Campuchia, những người Bosnia bi thảm ; ý thức về bản sắc con người cũng như về thân phận công dân quả đất đang loé sáng qua những ánh đèn chớp này.
Khả năng ý thức được cái vận mệnh chung tăng dần với hiểm nguy, chúng được nuôi dưỡng bởi những hiểm họa của vũ khí nguyên tử, của sự thoái hoá nơi bầu sinh quyển, của sự suy thoái nơi bầu nhân quyển cũng ở mức độ toàn cầu bởi bạch phiến và bệnh Siđa.
Chúng ta đã nói qua rằng sự đoàn kết toàn cầu là một đòi hỏi hợp lý tối thiểu đối với nột thế giới đã trở thành nhỏ bé trong đó tất cả tuỳ thuộc lẫn nhau, nhưng sự đoàn kết tưởng dễ dàng này lại không thể thực hiện được vì nó đòi hỏi những chuyển biến trong các cấu trúc tâm lý, xã hội, kinh tế, dân tộc...
Vì thế, cái có thể lại thành cái không thể và trong thế giới kỳ quặc đó chúng ta sống mà không có khả năng đạt đến được những giải pháp khả thi.
Tuy nhiên, cái có thể mà không thể này lại rất hiện thực khi chữ "chủ nghĩa hiện thực" có nghĩa là nó phải phù hợp với những khả năng hiện thực của kinh tế, canh nông, kỹ thuật, khoa học v.v.., nói chung là của thực tế.
Nhưng chính cái chủ nghĩa hiện thực toàn cầu này là cái hôm nay vẫn còn không tưởng!
Lực lượng đối kháng to lớn
Làm cho địa cầu được văn minh! Nhưng việc đầu tiên cần phải làm là ý thức được bản thân vấn đề văn minh. Văn minh chỉ là một lớp vỏ mỏng bên ngoài xã hội và con người chúng ta. Cần phải làm cho cái lớp này dầy thêm, điều này đòi hỏi phải sửa đổi một cách sâu sắc những quan hệ con người và chính đấy là một vấn đề.
Sự man rợ nằm ngay trong văn minh, không chỉ theo nghĩa của Walter Benjamin (Ouantơ Bengiamin) là tất cả văn minh đều sinh ra từ man rợ mà còn theo nghĩa phức tạp của Freud (Phroy) (man rợ bị văn minh ức chế, nhưng chưa hoàn toàn bị tiêu diệt) và cũng trong nghĩa tổ chức hiện đại (những sự phát triển kết hợp khoa học, kỹ thuật, quan liêu tạo nên một sự man rợ đặc thù của văn minh).
Ôi! Đâu chỉ cứ hy vọng, ước nguyện, lập kế hoạch là đủ, nếu chỉ có thế thì rồi tất cả đều vĩnh viễn chẳng đi đến đâu. Còn cần phải đồng thời tập trung biết bao nhiêu cải tổ, mà chính việc này hầu như không thực hiện nổi vì có muôn vàn sức mạnh to lớn đang chống đối nó.
Có thể thực hiện được điều không thể?
Có phải chúng ta đang lập lại một ước vọng mà cho đến hôm nay nó vẫn luôn luôn không thực hiện được dưới những hình thức Phật giáo, Kitô giáo, xã hội chủ nghĩa? Tư duy phức tạp dù sao cũng đã ý thức được sự khó khăn to lớn vì biết rằng: không có sự vật nào mà không mang tính nhị trùng, trong cái tốt có cái xấu, trong cái xấu có cái tốt, rằng tột đỉnh của thiện mỹ và hoàn hảo là nơi không thể nào đạt đến được, rằng trong sinh thái học hành động của con người thì những tác dụng phản hồi lẫn nhau luôn luôn chồng chéo không lường trước được và không có cách nào loại bỏ "mặt tiêu cực".
Cần phải có một tiến bộ ghê gớm của con người mới có thể giải quyết được những vấn đề sơ đẳng của chúng ta.
Chúng ta có thể nói thẳng ra rằng tình cảnh này theo lý luận thì tuyệt vọng: sự đổi mới càng trở thành cấp bách thì nó càng trở nên đa chiều và triệt để, và hệ thống tinh thần, xã hội, kinh tế của chúng ta càng làm cho nó không thể thực hiện được.
Nhưng về mặt lý luận nếu tình thế đã tuyệt vọng thì điều này chứng tỏ rằng chúng ta đã đến một biên giới lôgíc, nơi nhu cầu thay đổi cũng như sự thôi thúc phức tạp hoá có thể dẫn đến các biến chuyển và làm xuất hiện những siêu hệ thống. Chính khi một tình thế về mặt lý luận ở vào trạng thái bế tắc là lúc mà cái mới sẽ xuất hiện và một sự sáng tạo sẽ xẩy ra, những thứ này luôn luôn vượt hẳn lên trên lôgíc. Cũng thế khi tổ chức hoá học của toàn bộ hàng triệu phân tử trên cơ sở lôgíc không thể thực hiện được thì đó sẽ là lúc một tổ chức sống tự-sinh thái lại ra đời.
Như chúng ta đã đề cập, sự tiến bộ dĩ nhiên cần thiết về mặt đạo đức và chính trị sẽ không phải là một sự cần thiết về phương diện lịch sử ; bản thân của sự tiến bộ bị chi phối bởi nguyên tắc của bất trắc. Cái mà chúng ta muốn nó phải đi tiên phong trong cuộc vận động lịch sử toàn cầu chỉ là và có lẽ sẽ chỉ là một hậu vệ nhỏ bé để chống lại sự man rợ. Một lần nữa, chúng ta gặp lại ở đây cái đòi hỏi đề kháng cấp bách mà chúng ta đã nói ở trên (xem chương IV).
Nhưng không phải vì thế mà vận mệnh chúng ta tất yếu sẽ bị tiêu vong. Ngược lại, những lực lượng man rợ, chia rẽ, mù quáng, phá hoại làm cho một chính sách toàn cầu trở thành không tưởng hiện đang đe doạ nhân loại ghê gớm càng làm chúng ta thấy rằng chính sách tiến hoá nhân loại và cuộc cách mạng toàn cầu là lời giải đáp cho một nhu cầu sinh tồn.
Tư tưởng không bắt chúng ta đề xuất một thứ "phải như thế nào". Mác đã từng nói: "chỉ cố sức đem thể hiện tư tưởng thành hiện thực vẫn chưa đủ, bản thân hiện thực còn cần phải hướng về tư tưởng nữa". Ngày nay đã có cái chuyển động song hành đó: những lực lượng thế giới hoá thật sự đang hướng về tư tưởng và tư tưởng có thể đi về hiện thực bằng cách cho những lực lượng đang ảnh hưởng thế kỷ này một ý nghĩa toàn cầu về lòng bác ái và thông cảm. Nhưng tiếc thay lại cũng có một chuyển động thực đang đi về hướng trái ngược. Và ở đây chúng ta lại gặp lại sự không chắc chắn.
Nhưng nếu sự không chắc chắn của hiện thực là cơ bản thì chủ nghĩa hiện thực chân chính, trong khi vẫn coi trọng những chắc chắn cục bộ, những khả năng và bất khả năng, lại đặt cơ sở của nó trên sự không chắc chắn của hiện thực.
Sự không chắc chắn của tinh thần và của hiện thực đồng thời có thể đưa đến cơ may cũng như hiểm hoạ. Thiếu chủ nghĩa hiện thực trực tiếp sẽ đưa đến chỗ vượt ra ngoài cái trực tiếp. Vấn đề là đừng đi theo chủ nghĩa hiện thực với nghĩa tầm thường của nó (thích ứng với cái ngay trước mắt) mà cũng đừng theo chủ nghĩa phi hiện thực với nghĩa tầm thường của nó (vượt ra khỏi những giới hạn của hiện thực), nhưng theo một chủ nghĩa hiện thực với nghĩa phức tạp (hiểu được cái bất trắc của hiện thực, biết rằng còn có khả năng chưa nhìn thấy được trong hiện thực), điều này vẫn thường mang tính phi hiện thực.
Một lần nữa ở đây, hiện thực lại thoát khỏi tầm tay của những người theo chủ nghĩa hiện thực và của cả những người theo chủ nghĩa không tưởng.
Hiện thực thế giới đúng là không thể nắm bắt được, nó bao hàm những bất trắc to lớn vì tính phức tạp, vì những thăng trầm, những động lực đối kháng, pha trộn, những lối rẽ bất ngờ, với những khả năng tưởng chừng không thể có và những cái không thể lại tưởng chừng như có thể. Tính không thể nắm bắt được của cái hiện thực tổng thể lại tác động ngược trên những bộ phận đặc thù, bởi vì sự biến hoá của các bộ phận vốn tuỳ thuộc vào sự biến hóa của tổng thể.
Ở đây chúng ta đứng trước một nghịch lý phi thường, trong đó chủ nghĩa hiện thực lại trở thành không tưởng và cái có thể lại thành không thể. Nhưng nghịch lý này cũng nói với chúng ta rằng vẫn có một cái không tưởng có tính hiện thực và vẫn có một cái không có thể có mà lại có. Nguyên tắc bấp bênh của hiện thực là một khe hở vừa ở trong chủ nghĩa hiện thực lại vừa ở trong cái không thể. Chính trong kẽ hở này mà chính trị nhân loại phải được đặt vào.
Chúng ta lập lại ở đây điều đã từng đề cập: phải biết đánh cuộc ở phía bên kia của chủ nghĩa hiện thực và của chủ nghĩa phi hiện thực.
Chú thích:
(1) Xem những chẩn đoán và dự đoán của tôi trong "Để ra khỏi thế kỷ XX", Pour sortir du XXe siècle (1re édition - 1981) Paris, Ed. du Seuil, "Points Essais". "Về bản chất của Liên-xô", (De la nature de l'URSS). Paris, Fayard, 1983, tr. 215 - 224 và 250 - 251. "Tư duy về Âu châu", (Penser l'Europe). Paris, Gallimard, "Folio", 1990.
(2) Xem E. Morin "Phương pháp luận", t. 3, "Sự hiểu biết của Tri thức", sđd, tr. 209 - 210.
(3) Về khái niệm phạm thức (Paradigme) mà có nơi dịch là hệ ý niệm, xem E. Morin "Phương pháp luận" tập 4, "Tư tưởng", sđd, tr. 211 - 238.
(4) Xem E. Morin "Phương pháp luận" sđd, tr. 113 - 128
(5) Sách đã dẫn, tr.147.
(6) S. Korber, "Chính sách đối ngoại" (Foreign Policy), No 79, 1990, Washington DC tr. 3- 24.
(7) Xem E. Morin, "Dẫn nhập vào tư tưởng phức tạp", sđd.
(8) Sự đập cánh của một con bướm ở châu úc có thể gây nên một cái vòi rồng lục địa ở New York.
(9) Xem Edgar Morin : "Để ra khỏi thế kỷ XX", sách đã dẫn tr. 300 - 302.