Thánh Tựa xuất bản kỳ nhì
Cao-Đài Thượng-Đế Thầy mừng các con.
Thi:
ĐẠI-THỪA căn bản đạo huyền thâm,
CHƠN-GIÁO tầm tu khỏi lạc lầm,
Kẻ trí xem qua tăng huệ trí,
Người mê đọc đến giảm mê tâm.
Tầm chương giải thích chơn-thường-Đạo,
Trích-cú ẩn-vi pháp diệu thâm,
Kinh Thánh truyền ban người hữu hạnh,
Đắc truyền mới rõ máy cao thâm.
Thi Bài:
ĐẠI-THỪA xuất bản kỳ hai,
Phục hưng CHƠN-GIÁO phổ khai Đại Đồng.
Đến ngày chỉnh lập Hoa Long,
Thế gian mới biết danh ông CAO-ĐÀI.
Kinh truyền chẳng luận dở hay,
Ai người huệ trí tầm ngay chơn truyền.
Là phương tạo Phật tác Tiên,
Là đường siêu thoát lưu truyền muôn năm.
CHƯƠNG I - GIÁO-LÝ CÔNG-TRUYỀN - Hình nhi hạ học
CHƯƠNG I
HÌNH-NHI HẠ-HỌC
GIÁO-LÝ CÔNG-TRUYỀN
_____________
4 tháng 9 Bính-Tý
THÁNH-TỰA
Thi
ĐỘNG lòng thương xót buổi đời nguy,
ĐÌNH hội Phật Tiên đã mấy kỳ,
HỒ điệp mê mang chưa tỉnh thức,
ĐẠI TIÊN TRƯỞNG giáng hoát vô-vi.
Bần-Đạo chào chư đạo-tâm. Bần-Đạo đắc lịnh giáng đàn trước phô diễn đôi lời Đạo-Đức hầu giác ngộ chúng sanh thức tỉnh tâm hồn mà truy tầm nguồn cội, sau nữa mừng Đại-Đạo ban hành quyển ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO để minh truyền diệu pháp độ rỗi nguyên-nhân, thoát kiếp luân-hồi, huờn nguyên phản bổn.
Thi
ĐẠI đức Nam Phương hóa Đạo Huỳnh,
THỪA cơ mật nhiệm thức tâm linh,
CHƠN truyền đạo chuyển qui linh tánh,
GIÁO dục hồn dân trí huệ minh.
Bài
Minh Chơn-Đạo thời kỳ mạt kiếp,
Thức tỉnh đời cho kịp Long-Hoa,
Phổ thông chơn-lý cộng-hòa,
Nhận nhìn cả thảy một CHA trọn lành.
CAO-ĐÀI-GIÁO lưu hành phổ tế,
Pháp chánh truyền cứu thế thoát nhân,
Bốn phương phát triển tinh thần,
Gội nhuần võ lộ hồng ân CAO-ĐÀI.
Gần tận thế NGÔI-HAI ra mặt,
Đặng toan phương dìu dắt chúng-sanh,
Chỉ tường cội phước nguồn lành,
Giác mê tỉnh ngộ tu hành siêu thăng.
Cuộc tang thương dữ dằn trước đó,
Mà nào ai có rõ chi đâu !
Rồi đây chung chịu thảm sầu,
Không nương đạo-đức khó hầu tránh tai.
Nạn khổ cuộc tương lai dữ dội,
Nhơn vật đồng thay đổi tiêu tan,
Có ai thấu máy hành tàng,
Dinh hư tiêu trưởng rõ ràng không sai!
Trời Phật thấy trần-ai đại họa,
Nên giáng phàm vớt cả tàn linh,
Rãi gieo chơn lý Đạo-Huỳnh,
Qui nguyên Tam-Giáo phục bình cơ quan.
Phóng thêm một con đàng chánh đại,
Để người tầm trở lại bổn nguyên,
Lâu đời Tam-Giáo thất truyền,
Ngày nay ĐẠI-ĐẠO dựng giềng qui mô.
Chỉ thấu chỗ hư vô tịch diệt,
Khoa bí-truyền vốn thiệt cao siêu,
Luyện thành bất diệt bất tiêu,
Vững vàng bền bỉ tiêu diêu lạc nhàn.
Bớ chúng-sanh ! linh thoàn chờ rước,
Rước những người hữu phước tiền căn,
Đời mà cãi hối ăn năn,
Tu đơn luyện Đạo siêu thăng cõi ngoài.
Thi
Ngoài cảnh Thần Tiên báu lạ lùng,
Chứa người phước đức hưởng thung dung,
Một màu thanh bạch không dời đổi,
Khoái lạc ở an mãi đến cùng.
Thời kỳ tận thế, nên chi ĐẠI-ĐẠO phục hưng, để độ rỗi linh-căn qui hồi cựu vị. Từ Bàn-Cổ sơ khai đến ngày Thánh-Nhơn xuất thế đem chơn truyền thuyết minh lý Đạo, bành trướng khắp bốn phương để tỉnh thế độ đời cho rõ lý cao siêu của Trời Đất, hầu tầm đường siêu thoát cho thuận với lý Thiên-Nhiên cơ Tạo-Hóa. Tam-Giáo phát hưng độ người thành đạo hằng hà sa số.
Đến ngày nay đã nhiều đời, nên chi cái giáo lý thất lạc chơn truyền, số tu luyện thì nhiều mà thành Phật, Tiên không đặng là vì khoa Nội-Giáo Bí-Truyền rất là u ẩn, Phật Tiên chẳng dám lộ bày để khẩu khẩu tương truyền, tâm tâm tương ấn, chớ không bày lậu ra cho người thế gian biết đặng. Pháp đạo u huyền nên tả chép vào đơn thơ để lưu truyền lại, nhưng những lời trong đó rất ẩn vi khó hiểu khó tầm. Mỗi vị tả ghi vào một ý đặt tên ra trăm ngàn thứ, làm cho đời sau khảo cứu lấy làm mờ-hồ.
Bần-Đạo xin kiếu.
Giải nghĩa bốn chữ Đại Thừa Chơn Giáo
Đàn 24 tháng 9 Bính-Tý
GIẢI NGHĨA BỐN CHỮ
“ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO”
Lý-Thái-Bạch Đại-Tiên-Trưởng, Bần-Đạo mừng chư hiền nam nữ.
Bốn chữ ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO nó có nghĩa lý rất cao siêu mầu nhiệm.
Chữ ĐẠI là lớn. Đã rằng lớn thì còn chi lớn hơn nữa. Nó có thể bao quát cả Càn-Khôn Võ-Trụ, nó cao thượng vô hình; không chi ngoài nó đặng.
Đã vậy, nó còn có một cái nghĩa riêng về lẽ Đạo nữa. Nghĩa riêng nó như vầy:
Chữ Đại ( ) là chữ Nhơn ( ) với chữ Nhứt ( ). Chữ “Nhơn” là người, viết hai phết, tức là âm dương hiệp nhứt, mà âm dương hiệp nhứt thì phát khởi Càn-Khôn hóa sanh vạn vật.
Vã nhơn là người, hễ người biết tu luyện cướp đặng cơ mầu nhiệm của Tạo-Công thì là đắc nhứt. Mà nhơn lại đắc nhứt nữa (chữ Nhơn thêm chữ Nhứt là Đại) ( ) thì vĩnh kiếp trường tồn, diên-niên bất hoại.
ĐẮC NHỨT là gì ?
Nghĩa là đặng MỘT. Một tức là cái pháp độc nhứt vô nhị, cái pháp kín nhiệm, huyền vi của Tiên, Phật, khẩu truyền tâm thọ, để cổi xác phi thăng, siêu phàm nhập Thánh. Có câu: Thiên đắc nhứt: Thanh, - Địa đắc nhứt: Ninh, - Nhơn đắc nhứt: Thành. Trời đặng MỘT ấy mà khinh thanh, - Đất đặng MỘT ấy mà bền vững, - Người đặng MỘT ấy mà trường tồn.
Chử THỪA là phẩm bực, cao thì tuyệt mù, thấp thì thấp tột đáy. Nó không giới hạn định phân. Nhỏ như hột cát, lớn tợ Thái Sơn. Nó bao quát Càn-Khôn Võ-Trụ. Thầy tùy theo trình độ tấn-hóa nhơn sanh mà ban hành Đạo-Đức. Bực thông minh trí tuệ hay là hạ tiện thường nhơn cũng có thể tu theo được.
Chữ CHƠN là Chơn-Lý. Cái Chơn-Lý của Trời ban ra. Ai ở trong Trời Đất cũng phải tuân hành mạng lịnh. Hễ thuận tùng Chơn-Lý ấy thì đặng an nhàn tự-toại, còn bỏ xa Chơn-Lý ấy phải chịu khổ sở ngu hèn.
Hay cũng có nghĩa: CHƠN là chơn-truyền. Truyền cái cơ Đạo bằng cách chơn thật, rõ ràng, không ẩn núp cao xa sâu kín mà làm cho chúng-sanh phải khó hiểu, khó tìm, rồi thất lạc chỗ chơn-truyền đi.
Chữ GIÁO là dạy cho người đời biết rõ căn bản, linh tánh phục hồi. Chữ giáo là giáo hóa, giáo dục cho nhơn quần xã hội, phá mê những kiếp đã mang tội lỗi nặng nề. Nhờ cái cơ Giáo mà loài người được tấn hoá một cách lẹ làng, bước đến nấc thang văn minh, tinh thần đạo-đức đời nọ sang đời kia, liên tiếp mãi nhau, không bao giờ ngừng nghỉ.
Còn nói tóm bốn chữ ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO thì:
ĐẠI-THỪA là phương pháp tu luyện cao trỗi hơn mấy bậc tiểu-thừa. Để riêng cho hạng người chán Đời tầm Đạo, thoát kiếp luân-hồi, tầm nơi an nhàn, thanh tịnh là cảnh Bồng Lai. Những phép ĐẠI-THỪA đó thuộc về tâm pháp bí-truyền, cái Thiên-Cơ bí mật của Thánh-Nhơn khẩu khuyết tâm-truyền để cho người tu cầu bất sanh bất tử.
CHƠN-GIÁO là cái cơ siêu hình bài tỏ lẽ vô-vi chơn lý, đem cái phép chơn thật mà dạy đời tu hành cho khỏi nghịch với Thiên-cơ, phạm vào đường tội quá. Có Chơn-Giáo là vì Tam-Giáo đã thất chánh-truyền. Ngày nay ĐẠI-ĐẠO phải phục hưng đem cái cơ mầu nhiệm để truyền dạy người đời được thoát kiếp trần ai mà đoạn dứt mối dây luân-hồi quả báo, lấp biển khổ, đổ thành sầu, nhơn loại mới mong nhảy ra khỏi cái bầu tang thương biến cải được.
Ấy là nghĩa của bốn chữ: ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO vậy. Bần-Đạo thăng.
Thầy lập Cao Đài Đại Đạo như thế nào ?
THẦY LẬP CAO-ĐÀI ĐẠI-ĐẠO NHƯ THẾ NÀO ?
Thầy thấy cuộc đời biến đổi, thời khí bất hòa, nhơn-tâm xu hướng về đường vật chất, bỏ mất tinh-thần, nên phạm vào đường tội lỗi, thiệt là đời lầm-lũi mãi mà không định hồn tự hối, xúm lấn chen lội-lặn tranh giành mùi tục lụy mà thay đổi chí cao minh.
Ba nền Chánh-Giáo (NHO, THÍCH, ĐẠO) đã nghiêng chinh, nhơn loại thảy chuộng hữu hình, không cần vô-vi thâm-viễn.
Nay đã đến thời kỳ cuộc tuần huờn giáp nối, nền ĐẠO-TRỜI vận chuyển mà phổ hóa sanh linh.
Tam-Giáo xưa kia lập Đạo, lúc ban sơ truyền bá cơ diệu-lý quang-minh, bắt từ chỗ vô-vi khẩu thọ tương truyền, lần lần xuống thì trở ra hữu hình mà Đạo mầu thất chánh, tâm-pháp lạc sai, ấy là cơ Đạo đến thời kỳ cuối cùng của Tam-Giáo thất chơn-truyền diệu-pháp.
Còn Đạo Thầy lại trái hẳn với Tam-Giáo là bắt đầu truyền Đạo thì dụng hữu hình, lấy sắc tướng, âm thinh mà độ đời một cách lẹ làng, mau chóng. Vã lại Đạo Thầy bắt đầu do chỗ hữu hình mà truyền bá, rồi lần lần mới dẹp hết chỗ hữu hình mà đi đến chỗ vô-vi, là cơ siêu phàm nhập thánh. Vậy thà trước dụng cơ hữu hình để phổ hóa cho cơ Đạo dễ lưu thông; rồi cứ đó mà dắt dẫn cho nó tấn-hóa mãi trên đường cao thượng, riết đến chỗ không-hư tức là vô-vi thì Đạo-pháp mới phát minh, cơ diệu-lý huệ-tâm ứng lộ; thế là Đạo Thầy không hư hoại đặng. Mà không hư hoại đặng là nhờ ở chỗ hữu hình đi lên riết đến tận vô-vi. Còn Tam-Giáo xưa lại từ vô-vi mà lần lần sa sút xuống hữu hình mới thành đạo bế, rồi sai lầm ra ngoại giáo bàng môn.
Mà Thầy lập giáo kỳ này lại trái hẳn với nền cổ Đạo. Thầy chỉ dùng cái huyền-cơ bí-pháp mà truyền Đạo khắp dân gian. Thầy đem chơn pháp diệu-huyền trao cho người luyện thành chánh-giác thì phản-bổn huờn-nguyên. Thầy dùng huyền diệu cơ bút để hoằng khai cơ-quan vô-vi Đại- Đạo. Thầy nhứt định không giao Thánh-Giáo cho tay phàm nữa, vì trước kia Tam-Giáo thất chơn-truyền là cũng bởi Thánh-Giáo ở trong tay phàm, nên các con canh cải làm sái lạc pháp linh. Vậy Thiên-Thơ Thầy định ngày nay Thầy lập giáo như vầy:
1) Trên là dùng huyền-diệu thiêng-liêng mà bảo tồn cơ Đạo.
2) Dưới để tự Thầy định mới có thể chuyển hóa nổi nhơn-tâm, đủ sức thần thông, vận hành Chơn-Giáo, chớ nếu Thầy mà mượn xác thịt nặng nề thì làm sao biến hóa thiên hình vạn trạng mà phổ độ chúng-sanh cho mau chóng nổi-sôi, rần-rộ được; chớ dùng huyền-cơ bí-pháp tất có thể lưu thông nháy mắt khắp mọi nơi. Nhưng Thầy cũng phải chịu nhọc giáng thế mượn xác phàm NGÔ-MINH-CHIÊU đặng Thầy đem cái chơn pháp tâm-truyền mà trao lại cho các con để các con giữ gìn hầu có trao lại cho người thiện căn hữu phước. Thầy lại luyện cho các con thấy cái pháp bí diệu đó đặng rõ cơ mầu nhiệm siêu phàm, tạo Thánh Thai, để cho linh-hồn nương đó mới trở về chỗ hư-vô hiệp với Thầy là nơi an-nhàn khoái-lạc. Xong rồi Thầy lại trở về đặng dùng huyền pháp thiêng-liêng mà chuyển hóa chúng-sanh tuyên-truyền Chánh-Đạo.
Tại sao Thầy đã nói: không giao Chánh-Giáo cho tay phàm và không xuất thế, mượn xác phàm như Tam-Giáo, mà rốt cuộc Thầy cũng có xuất thế, cũng có trao chơn pháp cho các con. Thầy giải cho các con rõ:
Nguyên Tam-Giáo ngày nay đã thất kỳ truyền, tôn chỉ lạc sai, cơ quan siêu đổ, cho nên tu thì nhiều mà không ai thành chánh quả, vậy nên nay Thầy phải giáng thế mượn xác phàm đặng đem cái tâm-pháp bí-truyền ấy trao dạy cho chúng-sanh để thoát vòng sanh tử. Nếu không mượn xác phàm mới làm sao mà trao cái bí pháp đặng cho các con. Hễ bí pháp thì khẩu-khẩu tương-truyền, tâm-tâm tương thọ, không được thấu lậu ra cho ai hay biết đặng, hoặc tỏa vẽ, giải phân trên giấy mực hay là dùng cơ-bút mà truyền bí pháp đặng.
Cơ bút là để nắm quyền hành Đạo-giáo mà phổ hóa chúng-sanh, để làm ngọn đuốc quang minh mà dẫn dắt người đến chỗ bổn nguyên là cùng mục-đích đó thôi. Ấy nghĩa là Thầy dùng cơ bút mà truyền Đạo-Đức-tinh thần và huấn luyện vạn linh cho trở nên hạng người chí-đức cao-siêu Tiên, Thánh, Phật vậy.
Các con phải biết, các con tuy thọ bí pháp mặc dầu, chớ cũng phải chịu dưới quyền lực thiêng-liêng sai khiến. Các con nào có dối đặng với Thầy đâu?
Các con nên biết “Đạo Mầu Làm Bửu-Phan Tiếp Dẫn”. Thầy ban ơn các con, Thầy thăng.
Tôn chỉ Cao Đài Đại Đạo - Luận về chữ: HỮU và VÔ
1 tháng 9 - Bính-Tý (1936)
TÔN CHỈ CỦA CAO-ÐÀI ÐẠI-ÐẠO
Thi:
NAM bang gặp đặng Ðạo-Trời gieo,
PHƯƠNG pháp thoát ra chốn hiểm nghèo,
GIÁO dục người đời nên Thánh Ðức,
CHỦ trương lý chánh biết tìm theo.
Thầy mừng các con. Thầy lấy làm vui với các con.
Thi:
ÐẠI-THỪA Thánh-Ðạo lộ huyền cơ,
Ngọc báu trương ra vẹt ám mờ,
Lấp biển khổ bằng như mặt đất,
Sóng yên dưới nước tợ trên bờ.
Trường Thiên
Ðạo-Trời ngày một hoằng khai,
Cái danh hiệu của CAO-ÐÀI sáng trưng.
Ba nền Tôn-Giáo trùng hưng,
Nhơn sanh thấy đặng vui mừng ngày kia.
Khó khăn con cũng chớ lìa
Thì Thầy điểm hóa trao chìa khóa cho.
Ðứa nào có chí siêng lo,
Tầm đường chánh-giáo thoát lò Thiên-quân.
* * *
Ðây Thầy luận về chữ: HỮU và VÔ .
Thi:
Hễ tầm chỗ CÓ
nơi Không,
Ðứa ấy còn đương nhốt tại lồng,
Ðạo cả vô-vi chơn chánh lý,
Tu tâm luyện tánh ở bề trong.
Ðạo Thầy là vô hình, vô dạng. Nhưng cái lý vô-vi ấy cần phải nương với hữu hình (hồn hiệp xác), chẳng nên lấy cái CÓ mà bỏ cái KHÔNG, mà cũng chẳng nên gìn cái KHÔNG mà quên cái CÓ. Vậy thì CÓ Không phải đi cặp nhau. Như hột lúa, các con dùng đặng mà nuôi lấy thân thể ấm no là dùng cái hột gạo ở trong, chớ cái vỏ (trấu) ở ngoài các con dùng sao đặng. Nhưng các con muốn cho có hột gạo phải dùng luôn cái vỏ lúa đặng gieo xuống thì nó mới mọc lên, chớ nếu các con thấy không cần cái vỏ, rồi các con lột ra trụi luỗi, còn hột gạo trơ trơ thì các con gieo sao cho nó nứt mọng đặng, các con!
Vậy các con tu hành cũng y như lẽ đó.
Muốn dưỡng linh-hồn phải cần xác thịt này mà luyện Ðạo mới thành. Nhưng một điều là các con chẳng trọng sự hữu hình. Hễ con nào còn trọng hình thức bề ngoài thì con đó chưa rõ Ðạo.
Ðạo là cái pháp tâm linh diệu, có một không hai. Dầu cho nước nào, dân tộc nào cũng noi cái lý độc nhứt vô nhị đó mà thôi.
Ðạo Thầy đương thời kỳ phôi khai, hoằng hóa, phổ độ chúng-sanh, bất luận là người nào, nước nào, tu theo cũng đặng. Chớ các con dùng cái hình thức bề ngoài mà truyền bá cho sở hạp với phong tục của các con sao đặng? Thí như nước không biết cúng kiếng thờ phượng, các con ép buộc người ta phải thờ phượng cúng kiếng như các con thì các con mới chịu truyền Ðạo cho thì trái hẳn với phong tục nước người. Nó không khứng chịu, mà nó không khứng chịu thì các con không khứng chỉ truyền, ắt cả chúng-sanh phải chịu luân-hồi trả quả sao các con? Khờ lắm ôi! Vã lại sự kinh kệ con dùng tiếng Nam, rồi các con buộc các nước khác phải đọc giống in như tiếng Nam của con, làm như con, con mới chịu chỉ truyền sao các con?
Ðạo Thầy không phải vậy đâu.
Các con còn nghịch nhau cân đai, áo mảo. Cái cân đai, áo mảo đó nó có thể đem các con đến địa vị Phật, Tiên chăng? Hay là nó dẫn dắt vào nơi tội lỗi?
Các con có tranh nhau về đạo-đức chớ đừng tranh nhau về hình thức bề ngoài thì mối Ðạo mới hoằng khai khắp chốn.
Thầy có một điều khuyên các con cần phải giữ lấy hạnh đức người tu. Các con đáng sợ là sợ muôn mắt trông vào, nhiều tay chỉ trỏ. Người ta thấy cái giáo-lý rất nghiêm trang thì ai lại không khẩn cầu truyền Ðạo. Nhưng Ðạo Thầy im ẩn sâu xa, mầu nhiệm lắm , các con khó mà theo kịp. Các con cứ vững tâm, tu luyện hoài, đừng thái quá, đừng bất cập.
Xưa kia có người chê mặt Trời sao đi chậm chạp, không bằng con kiến bò, chừng nào tới chỗ. Người ấy tưởng mình đi lẹ, chóng xắp trăm phần, nên ra đi thi với mặt Trời. Nhưng mặt Trời đã chen lặn mà người ấy chưa tới đâu hết, lại bị trong mình mõi mệt, khát nước, đói cơm mà đành bỏ mình nơi rừng vắng. Cũng như người nước Tống cấy mạ thấy lâu lên, làm tài khôn ra nhớm gốc lên hết cho cao thì lúa kia đều chết ráo, các con khá rõ à!
Tu hành cũng như các con gieo hột giống xuống thì chắc nó mọc lên, mà mọc lên thì các con siêng năng bón phân, tưới nước hằng ngày, thủng thẳng nó lớn một ít ít. Lâu ngày nó đơm hoa, trổ trái. Sức lớn ấy do Lý Thiên-Nhiên , chớ các con làm sao nó lớn đặng.
Các con nghe:
Trường Thiên:
Tu hành giữ mực chừng thôi,
Ðừng bày vẽ lắm rồi bôi lem đầy (cười...cười...).
Các con biết đặng đạo Thầy,
Ðạo Thầy không chịu cho ai biết mình.
Ở ăn như thể thường tình,
Lo tu luyện Ðạo sửa mình tinh ba.
Tu không biểu mặc đồ dà,
Cạo râu thí phát bỏ nhà lìa con.
Ông bà cha mẹ đương còn,
Phải lo báo đáp cho tròn hiếu trung.
Vợ chồng trọn nghĩa thỉ chung,
Giữ như sen mọc dưới bùn không dơ.
Làm như dốt nát dại khờ,
Ðừng cho kẻ thế ngờ rằng mình tu!
Thầy ban ơn các con. Thầy thăng.
Kiên nhẩn - Hạnh người Tu
Mồng 4 tháng 9, Bính-Tý (1936)
Kiên nhẩn - Hạnh người Tu
Thi:
NGỌC tỵ ngũ hành lộ Chiếu-Minh,
HOÀNG Thiên ban bố đức thông-minh,
THƯỢNG tầng khí chất thanh-thanh khứu,
ÐẾ lịnh ra oai chuyển Ðạo-Huỳnh.
Thầy mừng các con. Các con đại tịnh, nghe Thầy giải sơ chữ: "KIÊN-NHẪN".
Thi:
Kiên Nhẫn gầy nên Thánh-Ðức tâm,
Nhẫn kiên Ðạo-đức nghĩ suy ngầm,
Lủy thành chống vững đường tên đạn,
Nhẫn được lâu ngày hỏa dục lâm.
Thi Bài:
Huấn luyện người trở nên Ðạo-đức,
Thì thân Thầy khổ cực biết bao,
Chỉ phương lập chí thanh cao,
Cho thông suốt lý tạo đào tâm chơn.
Lập một nước dễ hơn truyền giáo,
Truyền dạy người đắc Ðạo khó thay!
Biết bao kềm sửa đêm ngày,
Làm nên Tiên, Phật rất dày công phu.
Ðây là hạnh người tu luyện đạo,
Ðoạn dứt lòng gian xảo kiêu căng,
Miệng không hay nói chuyện xằng,
Ngồi lê đôi mách cằn nhằn người ta.
Phải nắm giữ Hiệp-Hòa Kiên-Nhẫn,
Tịnh tâm lo bổn phận làm người,
Lỗi lầm thiên hạ chớ buơi,
Xấu xa mê-muội đừng cười chê khen.
Lần hồi tập cho quen tánh cách,
Giữ tấc lòng trong sạch hoàn toàn,
Mặc tình ai thói dọc ngang,
Những điều quấy quá chớ mang vào mình.
Lo đóng cửa luyện hình vóc Phật,
Ðối mọi người chơn thật mến yêu,
Quanh co thuyền phải theo chìu,
Người trong một Ðạo dắt dìu giúp nhau.
Ðừng cậy thế quyền cao chức trọng,
Ðừng ỷ giàu kiệu lộng nghinh ngang,
Con dầu một bực Thánh-Hoàng,
Biết tu coi tợ như hàng con dân.
Người hiền đức không cần danh vọng,
Làm thì ưa công cọng hiệp hòa,
Kính người quên phức đến ta,
Tự-nhiên thanh tịnh giọng tà bất sanh.
Theo Thiên-lý lưu hành hạp Ðạo,
Gom ngũ quan rèn tạo kim thân,
Tuy là lẫn lộn hồng trần,
Nhưng lòng Ðạo-đức không cần lợi danh.
Cây đại thọ đơm cành nãy tược,
Tốt tươi nhờ tưới nước bón phân,
Tu cho mau phát tinh thần,
Thì lo luyện tập cho cần ngày đêm.
Biết Ðạo chớ nói thêm nói bớt,
Tội lỗi người đở vớt chở che,
Nhiều cây mới kết nên bè,
Anh em chung trí đồng hè nhau tu.
Phá cho đặng khám tù thế tục,
Diệt cho tiêu lòng dục tánh phàm,
Những điều ưa chuộng mến ham,
Con nên bỏ phức túi tham cho rồi.
Thoát thân khỏi luân-hồi nghiệp báo,
Chỉ tận tâm với Ðạo cứu cho,
Trần ai nóng tựa lửa lò,
Hơi bay hực hực đen mò khói un.
Hít vào thì ngây cuồng mê-muội,
Mất trí khôn lầm lũi đường tà,
Khói un độc địa thay là,
Thầy đem chén thuốc chữa mà các con.
Nên hạ mình chìu lòn chúng bạn,
Ðức hạnh tròn chói sáng mọi nơi,
Khuyên con con biết nghe lời,
Dạy con con biết tùy thời chấp trung.
Lo lập chí vẫy vùng cơ hội,
Cứu vớt người lặn lội bến mê,
Tình đời cần phải chán chê,
Ðừng mang những gánh nặng nề ai trao.
Lấp biển khổ, làm sao lấp đặng?
Xô thành sầu, khó hẳn mà xô!
Người người lâm bịnh ngây ngô,
Chúng ta hiệp lại lấp xô khó gì!
Biết Ðạo-đức chịu lỳ với Ðạo,
Ðể quỉ ma nó khảo mới cao,
Phơi gan trãi mật anh hào,
Ðại hùng, đại lực mới vào cảnh Tiên.
Diệt bản ngã bỏ quyền dụng lý,
Khử tư tâm hiệp ý Ðại-Ðồng,
Làm cho thế giới lưu thông,
Dân quyền xướng dậy đời hồng âu ca.
Tánh đức của người ta cao thượng,
Lo gieo truyền tư tưởng thanh cao,
Giúp cho nhơn-loại dồi dào,
Kết dây đoàn-thể đồng-bào quốc-dân.
Không chịu lãnh những phần khen ngợi,
Không chịu làm tư lợi tổn nhơn,
Không oán để tiếng khinh lờn,
Ham làm Ðạo-đức nghĩa nhơn gọi là.
Người hiền để người ta biết đó,
Thì cũng chưa thiệt rõ người hiền,
Người hiền an tịnh nhẫn kiên,
Lo làm âm đức mới thiền tâm linh.
Còn nhớ đến rằng mình hay giỏi,
Thì ai đâu còn gọi người hiền !
Người hiền trầm tỉnh ổn yên,
Thủy triều vận tải căn nguyên đức tài.
Người hiền chẳng khoe khoang tự đắc,
Lo cho người tai mắt ích chung,
Gìn tâm chẳng để buông lung,
Cúi lòn nhẫn nhịn giây dùng dứt coi!
Thi:
Coi thử xưa nay bậc Thánh Hiền,
An vui nhờ bởi Nhẫn Hòa Kiên,
Gương lành quí hóa TRƯƠNG-CÔNG-NGHỆ,
Súc vật thương nhau quá ngọc tiền.
Thầy ban ơn các con. Thầy thăng.
Lý Thiên Nhiên và Lý Tự Nhiên
Mồng 10 tháng 8 - Bính-Tý (1936)
Lý Thiên Nhiên và Lý Tự Nhiên
CAO-ÐÀI GIÁO-CHỦ,Thầy các con.
Thi:
Cầm cân Tạo-Hóa có đâu riêng,
Chìm đắm kìa ai mất bổn-nguyên,
Biển khổ lao-xao cơn sóng gió,
Sông mê đào-độn lúc chinh-nghiêng.
Tâm-truyền đã lãnh nên bình-tỉnh,
Bí-pháp vừa trao chớ đảo-điên,
Luyện tánh tu tâm hồi cựu-vị,
Như vầy mới đáng lẽ thiên-nhiên.
Thầy giải về LÝ THIÊN-NHIÊN của Trời và LÝ TỰ-NHIÊN của người.
Thầy trông thấy cõi dinh-hoàn, nhơn-loại cạnh-tranh xâu-xé, cứ hại lẫn nhau, giết lẫn nhau vì quyền-lợi. Mảng mưu sự sung-sướng cho thân mà nào là những cuộc truy hoan đã làm cho mất cả tinh thần, đến phải cam thân chìm đắm vào biển trầm-luân, luống bị bốn tường đóng chặt, chớ chẳng biết tu tâm luyện tánh chi, rồi gặp lúc phong ba là phải đành chịu cho sóng dồi gió dập. Uổng thay! tiếc thay!
Thể người cũng đồng như Tiên, Phật, mà chẳng đặng cửu viễn trường sanh, thoảng mảng tuổi lối tám mươi, chín chục thời bóng đã xế tà, rồi một kiếp làm người vô dụng, chẳng biết lấy lương-tri, lương-năng mà phán-đoán, xét- suy, mịch tầm chơn-lý thật hành, lại để cho mờ ám tối tăm rồi sa-đọa. Ấy là vì theo cái lẽ "Tự-Nhiên" của người mà bỏ lý "Thiên-Nhiên" của Trời đó.
Lý "Thiên-Nhiên" là về tinh thần, nên chỉ chuộng phần linh-hồn cao-siêu mà chẳng coi cái xác thịt trược-nhơ này là ra chi hết. Bởi vì mỗi con Thầy đã ban cho một cái linh-tánh giáng trần để mượn xác-thân đặng dùng nguơn- tinh mà bảo tồn nguơn-khí hiệp với nguơn-thần, tức là luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, đặng thành Tiên tác Phật mà phản bổn huờn nguyên hầu có thọ hưởng sự thanh nhàn nơi cõi Niết Bàn là chốn thế-giới thiêng-liêng, bất tiêu bất diệt.
Sông, núi, cỏ cây nơi thế gian dời đổi muôn lần, chớ linh-hồn vạn vật đời đời thung-dung tự-toại. Nhưng thảm thay có đi mà chẳng biết đường về, xuống hồng-trần rồi đắm-đuối mê-sa mà bỏ tánh tự-nhiên, chẳng lo Ðạo-đức, chẳng biết tầm Chơn-Ðạo cùng Tiên-Thiên Ðại-Ðạo mà thọ pháp, lo tu để hầu trở lại mà về với Thầy.
Ở cõi trần, hễ sanh ra rồi thì cứ theo lẽ thuận hành âm dương giao phối Hậu-Thiên mới sanh ra ân-ái mà luống chịu buộc mình vào tứ khổ, tứ tường bao quanh vây chặt. Hễ có ái-ân thời phải sanh-sản ra con cùng cháu (con cháu ấy thuộc về hóa-nhân cũng như hạng cầm thú mới chuyển kiếp đặng làm người vậy). Cho rằng đặng vậy là hạnh phúc để nối hậu theo cái thường tình nhơn-đạo, chớ nào ngờ ấy là đã vướng ngay vào mặt lưới trần mà khổ lụy với thê-thằng tử-phược buộc ràng vương-vấn trói-trăn. Ðã vậy nếu có khuyến tu lại còn hẹn mai hẹn mốt. Thời gian đã qua rồi thì lưng đã mỏi, gối đã dùn, tam bửu mòn hao, ngũ tạng suy yếu. Ô hô! "Tam thốn khí tại thiên ban dụng, nhứt đán vô thường vạn sự hưu!" Rồi là một kiếp luân-hồi vậy. Vì con người đã quá trầm-luân thống-khổ, nên nay chính mình Thầy là NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ÐẾ đã động mối từ-tâm, cũng vì tánh đức háo-sanh mà chẳng nỡ để cho con người tiêu diệt, nên mới rọi lằn điển quang giáng ở cõi trần, cốt lập Tiên-Thiên Ðại-Ðạo qui nguyên Tam-Giáo và dùng Tâm-Pháp truyền chơn mà độ rỗi các con.
Người mà theo Lý Thiên-Nhiên, biết dụng công-phu, nghịch chuyển tinh-khí giao cảm nguơn-thần cho thành Tiên, Phật, dứt bỏ hồng trần thời người ấy là bực Nguyên- Nhân (1). Còn người mà theo lẽ tự-nhiên, sanh ra ở cõi trần chịu những điều bắt buộc theo việc trần-cấu, sanh-sản về hậu-thiên cơ-ngẫu nữa thì chịu trong luật quả-báo luân- hồi.
Thi:
Một lý phân hai thuận nghịch hành,
Nghịch hành tu luyện đắc trường sanh,
Vô-Vi Ðại-Ðạo nào ai thấu!
Thấu đặng về nơi tử-phủ thành.
Thầy ban ơn các con. Thầy thăng.
* * *
Chú thích:
Nguyên-Nhân là nguyên khí chất Tiên-Thiên giáng sanh làm người. Hóa-nhân là từ bực côn-trùng, thảo-mộc tiến-hóa lên cho đến loài người.
Khuyến tu cho thuận Thiên Ý
Ngày 25 tháng 8 - Bính-Tý (1936)
Khuyến tu cho thuận Thiên Ý
Thi:
CAO thượng Ðạo truyền giải nạn eo,
ÐÀI linh trú ngụ lúc buồn teo,
TIÊN-Thiên diệu-pháp khai tâm giác,
ÔNG độ người mê khỏi hiểm-nghèo.
Thầy mừng các con.
Giờ nay, Thầy giáng đàn để đôi lời bí-khuyết tâm- truyền cho các con dò xét, tầm tu cho thuận Thiên-Ðạo, thoát cảnh diêm-phù, tránh khỏi lưới trần-lao nhốt hãm.
Phú:
Cơ mầu nhiệm của Tạo-Ðoan, ẩn vi có tầm suy mới thấu đáo,
Pháp tâm-truyền, đường Chơn-Ðạo, phải gia công tham khảo mới tường tri.
Lý hư-vô cần phải nghĩ suy, vạn pháp nhiệm vô-vi cao thượng.
Kìa Phật, Thánh, Tiên, phí bao công tìm cho ra chơn- tướng.
Ðoạt lẽ Trời ảnh-hưởng lý đương nhiên,
Ôi! là đời chịu: buồn, lo, khổ, nạn, não-phiền,
Mang nhơn-quả nối chuyền đời này sang kiếp nọ,
Vì vật-dục đẩy đưa con người vào nẻo khó,
Kiếp đọa-đày sao dứt bỏ được trái-chủ oan-gia.
<O:P> </O:P>
Các con muốn thông-suốt lý tinh-vi thì cần phải sửa tâm cho chính-đính, tập tánh chí-thiện chí-mỹ cho hiệp lẽ điều-hòa, thuận tùng Chơn-Ðạo.
Trong cơ mầu-nhiệm của Phật Trời rất nhiều phép lạ, nhưng không bao giờ các con lấy mắt thịt, trí phàm, tai tục mà dò xét thấu lẽ hư-linh đâu?
Các con muốn thấu lẽ hư-linh, trước phải định cái tâm, gìn cái ý, nhắm mắt, bít tai thì có lẽ rõ chút ít.
Trong pháp-nhiệm, nó ẩn-vi sâu kín cao xa dầu lấy nước biển vẽ-vời cũng không suốt lý. Thánh trước Hiền xưa ra công tham khảo, mãn kiếp cùng đời mà vén chưa đặng cái màn bí-mật của Tạo-Hóa đón ngăn. Nhưng cần nhứt là trầm-tư mặc-tưởng, nhập-định tham-thiền thì gặp Chơn-Tiên khẩu truyền cho rõ Ðạo, chớ sự mầu-nhiệm tuyệt xảo của Trời, dẫu Phật, Tiên chưa tri nổi.
Các con ngày hôm nay gặp Ðạo Thầy hoằng-hóa thì cần lập chí luyện phanh, đem cái bổn tánh hư-linh trở về ngôi vị cũ. Ngày giờ cuối cùng, Thầy vì thương yêu các con phải giáng phàm mà dìu dắt các con trở lại, nhưng các con phải hết lòng, đừng ỷ mình, hay là tưởng Thầy thương yêu rồi biếng nhác. Các con nên biết rằng: dầu Thầy cũng phải chịu dưới quyền luật của Ðạo thay.
Các con bị mang xác thịt nặng nề, ngũ-trược chận đè, linh tánh lấp vùi trong đó, Thầy thương yêu các con là Thầy điểm hóa cho các con. Các con phải vùng-vẫy mà nhẩy ra cho khỏi non đè núi chận, chớ đừng ngồi đó hoài đặng chờ Thầy bồng ẵm, không đặng đâu các con!
Ðạo là phân thanh khử trược. Hễ nhẹ nhàng trong sạch thì được hiệp nhứt cùng Thầy, còn nặng nề, mê-muội phải chìm xuống đáy. Vậy các con phải luyện cho đắc tánh thuần-dương mới ở vào cảnh thiêng-liêng đặng. Cảnh thiêng-liêng là không khí nhẹ nhàng hơn trăm ngàn lần không khí ở gần các con. Các con còn nhơ bợn một chút cũng không thể ở đặng. Thầy nói sự "di-sơn đảo-hải" là chuyện thường của Tiên, Thánh, nhưng dời non đổi biển thì dễ, chớ đem các con trở lại thì khó lắm. Non biển tuy nặng nề nhưng không có mang thất-tình lục-dục, chớ xác phàm con người, tuy nhỏ nhít, mà lẫn cả sự dục-vọng tà-tâm, nên nặng-nề hơn muôn ngàn hòn núi. Thầy có thương các con cũng không thể ẵm bồng cho đặng. Vậy các con phải dùng phương pháp tu-tánh luyện-mạng, khử trược lưu thanh mà thoát ra khỏi luân-hồi lục-đạo.
Trường Thiên:
Ðạo Trời chỉnh-phục linh-căn,
Cầu truyền pháp nhiệm tầm phăng trở về.
Trần hồng biển khổ sông mê,
Chịu mang xác thịt nặng-nề muội-si.
Thiên-cơ khép mở nhiều khi,
Hồi tâm kinh nghiệm vô-vi Ðạo mầu.
Pháp-linh có dễ tầm đâu!
Phật, Tiên chọn lựa mà trao người hiền.
Thuộc về khẩu-thọ tâm-truyền,
Biết rồi thì cứ chỉ truyền cho nhau.
Ðạo Thầy không luận thấp cao,
Muốn tu thì đặng nhập vào cảnh Tiên.
Thấy đời lầm-lạc đảo-điên,
Nên minh Chơn-Lý Ðạo-huyền thông-linh.
Chẳng dùng sắc-tướng âm-thinh,
Giữ tâm thanh-tịnh Ðạo minh rõ ràng.
Bí-truyền là pháp minh-quang,
Không bày vẽ đặng rõ-ràng ở đâu!
Làm cho khó hiểu nhiệm mầu,
Nên chi phải chịu lạc vào Bàng-Môn.
Ðạo Thầy cốt trọng linh-hồn,
Tin cơ cảm-ứng bảo tồn vạn-linh.
Thi:
Linh-diệu thần-thông Ðạo-Pháp truyền,
Truyền lời bí-khuyết độ nhơn-nguyên,
Nguyên lai bổ thể tu dương khí,
Khí tụ đơn thành thượng cửu Thiên.
Thầy ban ơn các con. Thầy thăng
II-Hình Nhi Thượng Học - TIÊN-THIÊN CƠ-NGẪU
HÌNH-NHI THƯỢNG-HỌC
ÐẠI-THỪA TÂM-PHÁP
_____________
Mùng 3 tháng 8 - Bính-Tý (1936)
TIÊN-THIÊN CƠ-NGẪU
Thi:
ÐẠI-Thừa Chơn-Giáo chuyển Càn-Khôn,
ÐỨC hoá vạn-linh độ xác hồn,
CAO-thượng tâm-truyền cơ xuất thế,
TIÊN-Thiên phản bổn vĩnh an tồn.
Thầy mừng chư đệ-tử kim đàn nam nữ đẳng đẳng. Thầy ban ơn lành cho các con.
Thi:
ÐẠI hóa âm dương sản Ðạo mầu,
THỪA ân đức cả độ năm châu,
CHƠN truyền tâm-pháp tu đơn tánh,
GIÁO dục cơ quan pháp nhiệm mầu.
Thầy giải về hai chữ: CƠ NGẪU.
CƠ là chiếc hay lẽ, còn NGẪU là đôi hay cặp. Ðối với Vũ-Trụ thì CƠ là Tiên-Thiên, thuộc dương, còn NGẪU là Hậu-Thiên, thuộc âm. Vậy thì Thái-Cực là CƠ, âm-dương là NGẪU. Còn đối với người thì phần hồn là Cơ còn phần xác là Ngẫu, là vì phần hồn là nhứt điểm linh-quang của ngôi Thái-Cực, còn phần xác lại do bởi âm dương cấu tạo mà hóa sanh, cho nên Cơ Ngẫu phải hợp thành mới luyện phanh trở nên Tiên, Thánh, Phật đặng.
Thầy giờ hôm nay, vì lòng từ-bi, thương xót cả sanh linh nên phải hạ mình ban truyền Ðạo-đức.
Thầy lấy làm thương tiếc cho đoàn sanh chúng đã gặp thời kỳ Ðại-Ðạo chấn hưng phục nhứt, phổ thông chơn truyền độ rỗi nguyên-căn phục hồi cựu vị; nhưng phần nhiều vì bị mang xác thịt nặng nề, khí Hậu-Thiên đè ép làm cho lu-lờ điểm tánh chí thiện, chí linh, rồi chỉ quanh-quẩn theo trần-thế, luyến-ái dục-tình, mê say mùi đỉnh chung lợi lộc mà xa con đường "Trung Tâm Ðạo" . Cứ mãi đeo mang lấy thói thấp thường, chuộng cái hư danh giả trá, toan lòng độc ác, chém giết lẫn nhau vì phân màu da, nước tóc, chỗ ở, miếng ăn, chớ không đem bổn phận làm người đối với nhơn quần xã hội. Càng ngày càng xa đường Thiên-lý, bỏ hết sự tự-nhiên thanh-tịnh vô-vi mà mãi đắm say về thực tế. Ðiểm linh-hồn phải chịu dưới quyền hành của nhơn-dục khiến sai làm cho càng ngày càng tối-tăm mù-mịt thì mong chi thoát khỏi trầm-luân nơi biển khổ được.
Vậy chư đệ-tử về phái bí-pháp tâm-truyền Tiên-Thiên Ðại-Ðạo phải vâng Thiên-mạng hành-chánh cho hợp lý Thiên-nhiên
* * *
Thầy giải sơ về phần "TRỪU-TƯỢNG VÔ-VI"
Trước khi chưa phân định Âm Dương, Càn-Khôn Thế Giới thì trong thời kỳ ấy, khí hồng-mông đương hỗn-độn mờ mờ, mịt-mịt, lặng-lẽ vô-vi, thanh trược hỗn hiệp, thì kêu là: Tiên-Thiên hư vô chi khí.
Trong khí hư-vô ấy lại phát hiện ra một vòng đại quang minh là Thái-Cực, đó kêu rằng Vô-Cực một vòng O sanh Thái-Cực (không mà có).
Rồi vòng hư vô ấy nó lại có một điểm trung tâm O thì Thái-Cực là Cơ, mà hễ Cơ là lẽ. Ðã lẽ thì làm sao mà hóa sanh để tạo thành Càn-Khôn Thế-Giới, vạn vật muôn loài, côn-trùng thảo-mộc, thủy tú sơn xuyên, nên cái lý đơn nhứt ấy mới phóng ra một vầng quang minh phân định: Khí khinh thanh thượng phù giả vi Thiên, khí trọng trược ngưng giáng giả vi Ðịa. Khí nhẹ nhàng bay bổng lên, làm ngôi Càn ( ). Càn là Thiên tức là: Nhứt dương chi khí. Khí nặng nề ngưng giáng xuống làm Khôn ( ). Khôn là Ðịa, nhứt âm chi khí.
Cái năng lực mạnh bạo của khí âm dương vần-vần quanh lộn, lăn tròn, đun đẩy nhau trong khoảng không gian. Khí dương động, âm tịnh. Âm thì đứng một chỗ, còn dương thì bao quát Càn-Khôn.
Ðức Thái-Cực mới vận hành khí chơn-dương hiệp cùng khí âm (âm dương là Cơ với Ngẫu). Khí âm dương hỗn hiệp nhau, đụng chạm mà hóa-hóa sanh-sanh là do trong chỗ điều-hòa, tương-ứng tương-cảm, huân-chưng đầm-ấm mới tạo thành nghìn giống muôn vẻ, thiên hình vạn trạng. Khí âm dương bắt đầu sanh hóa ra muôn loài vạn vật, muôn loài vạn vật cứ hóa sanh mãi mãi, đời nọ sang đời kia không bao giờ ngưng nghỉ. Ðó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật, nhưng vạn vật cũng phải quày đầu về một, là vì "Nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhứt bổn".
Cơ siêu phàm nhập Thánh là lẽ tự-nhiên, pháp nhiệm, nó luống vận hành châu lưu trong Càn-Khôn Thế Giới mà dưỡng dục muôn loài, bảo tồn vạn vật.
Cái lý Thái-Cực là lý đơn-nhứt, cầm quyền sanh-hóa thống chưởng Càn-Khôn.
Âm dương là cái pháp nhiệm-mầu, sâu kín Thiên-cơ. Có câu: "Nhứt âm nhứt dương chi vi Ðạo". Âm dương ấy hiệp nhứt thì phát khởi Càn-Khôn. Khí âm cướp một phần chơn dương của ngôi Kiền, Kiền mới hóa ra Ly (Ly là Thái Dương: mặt Nhựt). Khôn đặng chơn dương biến thành Khảm (khảm là thái Âm: mặt Nguyệt).
Trong âm ấy có lẫn lộn một phần chơn dương mới lững đững thăng lên là nhờ huyền-khí. Kiền mất một hào dương mà lẫn lộn phần âm vào nên bị khí âm nó trầm xuống thành Càn lìa ngôi mà Khôn thất vị. Tiên-Thiên mới biến Hậu Thiên. Hà Ðồ phải hóa Lạc Thơ, gọi rằng "Tứ cá âm dương cọng thành Bát-Quái". Âm dương ấy có khi động khi tịnh, lúc giáng hồi thăng mà dưỡng dục muôn loài vạn vật.
Cái khí Tiên-Thiên sanh hóa là nhờ khí hạo-nhiên nuôi nấng nó. Về phần vô hình, lấy mắt phàm, trí tục mà so sánh, đo lường, dòm ngó sao cho thấu đáo.
Tiên-Thiên Cơ-Ngẫu thuộc về thanh khí nhẹ nhàng, như cỏ cây hoa quả.
Những loài hoa quả, thảo mộc, lấy hột mà gieo thì mọc lên. Nó nhờ cái khí chất Tiên-Thiên, Hậu-Thiên của nó hấp thụ trong không khí mà càng ngày càng cao lớn, trổ trái đơm hoa.
Vậy cái pháp Ðạo của tâm-truyền cũng dùng âm dương mà tạo thành Phật-tử. Còn hoa quả, thảo mộc lại hấp thụ khí âm dương của Trời Ðất mà sống mãi, nên người tu hành phải cần ăn thảo mộc cho có khí chất nhẹ-nhàng, chớ nếu ăn mặn, bị cơ-ngẫu Hậu-Thiên (đực cái lấy nhau) nên do ở khí chất nặng nề, trọng trược hóa sanh ra thì người tu-hành dùng nó ắt luyện Ðạo bị âm-khí Hậu-Thiên mà chơn-thần mờ-ám, không xuất ra khỏi thân, các đệ-tử khá biết à!
Thi:
Tiên-Thiên Cơ-Ngẫu pháp tâm-truyền,
Chỉ giáo diệu-huyền hóa Thánh, Tiên,
Sanh sản Thánh, phàm đồng nhứt lý,
Luyện tu LY đủ phản ngôi KIỀN.
Thầy ban ơn các con. Thầy thăng.
Luận về Đại Đạo Tâm Truyền
Mùng 3 tháng 8 - Bính Tý (1936)
LUẬN VỀ ÐẠI-ÐẠO TÂM-TRUYỀN
CAO-ÐÀI TIÊN-ÔNG, Thầy mừng các con. Thầy tái bút, Thầy dạy tiếp về "ÐẠI-ÐẠO TÂM-TRUYỀN".
Từ cổ chí kim, chư Phật, Thánh, Tiên cũng phải dùng cơ bí-truyền tâm-pháp mà tu-tánh luyện-mạng mới mong siêu phàm nhập Thánh.
Loài người tánh linh hơn vật, thọ bẩm khí Tiên-Thiên mà thành hình. Bỡi vậy mới kêu rằng "Nhơn".
Chữ NHƠN là gì?
Chữ Nhơn ( ) có ẩn cái cơ huyền bí Ðạo mầu, vì chữ Nhơn phết một phết bên tả là "chánh dương", bên hữu là "chơn âm". Âm dương lộn lạo, bởi con người có động có tịnh, nửa trược nửa thanh. Người mà trực giác, mẫn huệ sớm biết tầm phương tu luyện, biện trược phân thanh thì được nhẹ nhàng sáng suốt.
Chữ TU là gì?
Tu là bồi bổ tinh, khí, thần cho đầy đủ, đức tánh cho hoàn toàn, bỏ nhơn dục tầm đường Thiên-lý thuận mạng, giữ thanh tịnh, ôn hòa, chỗ nào sứt mẽ, hư hao thì tô bồi cho đầy đủ.
Chữ LUYỆN là gì?
Luyện là trau giồi cho sáng suốt hoàn toàn, giũa mài, rèn đúc cho trơn tru khéo léo
Tu mà không Luyện thì chẳng khác chi một cục sắt không rèn, làm sao thành một món khí giới. Người tu cũng thế.
Muốn cho huệ mạng trọn đầy, sáng suốt thì cần phải phanh-luyện, mài, giũa ngày đêm cho thành kim-thân Phật tử. Ấy là phương pháp tu luyện.
Các con khá biết rằng Thầy hằng nói: Thầy là các con, các con tức là Thầy. Có Thầy mới có các con, mà có các con rồi mới có chư Tiên, Phật, Thánh, Thần, thì người là "tiểu Thiên Ðịa". Ðiểm linh-quang nào muốn tạo Phật tác Tiên cũng phải đầu thai vào thế giới hữu hình vật chất. Dầu cho một vị Ðại-La Thiên-Ðế giáng trần đây không tu luyện cũng khó mong trở lại.
Ðiểm Linh-Quang là gì?
Là một cái yến sáng mà thôi. Thái-Cực là một "khối Ðại Linh-Quang" chia ra, ban cho mọi người một điểm "tiểu Linh-Quang", khi đầu thai làm người. Ðến chết điểm linh-quang ấy quày về hiệp nhứt với "Ðại Linh-Quang".
Các con có rõ hai chữ: Thiêng-Liêng chăng?
Thiêng-Liêng là nối tiếp theo. Hễ kẻ nào tu đắc Ðạo cũng phải chịu dưới luật riêng cơ pháp.
Trời ban cho mỗi người một điểm linh-quang (nguơn-thần). Ðiểm linh-quang ấy phải đầu thai xuống thế-giới hữu hình vật chất này, mượn xác phàm tu luyện mới thành Tiên đắc Phật. Nhờ có cái xác phàm nầy mới thành Ðạo mà tạo Phật tác Tiên, tiêu diêu cảnh lạc. Tại sao vậy?
Tại tuy có nguơn-thần mà không có ngươn tinh, nguơn khí thì làm sao tạo thành nhị xác thân. Nguơn-thần là dương, nguơn-khí là âm. Ðạo phải có âm dương mới sản xuất anh nhi tạo thành xá lợi.
Mượn cái xác phàm này mà lấy nguơn-tinh: khí, huyết, rồi luyện nguơn-tinh cho thành nguơn-khí thì tính Hậu Thiên trở lại tính Tiên-Thiên.
Luyện nguơn-khí là nuôi lấy nguơn-thần cho sáng suốt. Dầu cho vị Phật, Tiên nào cũng phải chịu đầu thai vào thế giới vật chất luyện cho đắc thành thánh thai Phật tử mới về ở thế giới hư linh, chớ đừng nói trong hàng Phật, Tiên đắc Ðạo mà không tu luyện theo pháp này thì làm sao thành chánh quả!
Phép luyện đơn chẳng chi lạ. Hễ muốn tạo thành Thánh thai tất phải dụng công phu nghịch chuyển pháp-luân thì thành Thánh, còn thuận hành nhơn dục là vi phàm..
Thăng.