-
Một Vài Điều Đáng Suy Nghĩ
MỘT VÀI ÐIỀU ÐÁNG SUY NGHĨ
Nguyễn Tấn Hưng
Từ ngày liên lạc với Thiên Lý Bửu Tòa, Cao Ðài Ðại Ðạo, tôi có dịp nghiền ngẫm kinh Cao Ðài lẫn sách Phật. Chẳng bù trong thời gian trước, toàn đọc sách văn chương, tiểu thuyết. Và viết nữa, cũng ba điều bốn chuyện lăng nhăng lải nhải như vậy thôi. Giờ biết ra, hai thứ thật quả là khác nhau xa!
Trong nửa thế kỷ ở Việt Nam và một phần tư thế kỷ ở Hải Ngoại, kinh sách Cao Ðài Ðại Ðạo nhiều vô số kể. Những cuốn căn bản như Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (Tòa Thánh Tây Ninh, 1924-1927) , Tu Chơn Thiệp Quyết (Thánh Thất Kiên Giang, 1930) , Lịch Sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu (Tòa Thánh Chiếu Minh, 1932) , Thánh Ðức Chuyển Mê (Ngọc Vân Ðàn, 1935) , Thánh Ðức Chơn Kinh (Ngọc Minh Ðài, 1936) , Ðại Thừa Chơn Giáo (Chiếu Minh Ðàn, 1936) , Thánh Ðức Chơn Truyền Trung Ðạo (Ngũ Phụng Kỳ Sơn, 1938) , Thánh Huấn Hiệp Tuyển (Tòa Thánh Tiên Thiên, Châu Minh Ðàn, 1959) , Khuyến Nữ Hồi Tâm (Châu Minh Ðàn, 1959) , Bình Minh Ðại Ðạo (Hòa Ðồng Tôn Giáo, Phú Lâm, 1968 phần I, 1970 phần II, 1972 phần III) , Thánh Giáo Sưu Tập (từng năm từ 1965 đến 1971 do Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý truyền bá), v.v... trước 75 và Ðại Giác Thánh Kinh & Kinh Thánh Giáo Pháp (Thiên Lý Bửu Tòa 1982) , Bảo Pháp Chơn Kinh (tức Di Lặc Chơn Kinh, Thiên Lý Bửu Tòa, 1984) , Pháp Bảo Tâm Kinh (tức Quan Âm Phổ Chiếu, Thiên Lý Bửu Tòa 1986), v.v... sau 75.
Nhìn chung, kinh sách Cao Ðài có phần nào dễ hiểu hơn vì viết thẳng bằng tiếng Việt so với kinh sách Nho, Lão, Phật thường được dịch từ chữ Hán. Tuy nhiên, cũng không có nghĩa là dễ hiểu đâu! Một là còn nhiều đoạn lại viết bằng chữ Nho! Ngay trong phần kinh nhật tụng, kinh cúng tứ thời, các đoạn "chí tâm quy mạng lễ" với Ngọc Hoàng Thượng Ðế, Thích Ðạo, Lão Ðạo, Nho Ðạo là những thí dụ. Hai là chưa nói hết, phải lần mò tìm hiểu, như những đoạn dạy tịnh luyện tạo xá lợi kim thân chẳng hạn, có thể vì lẽ... "khẩu khẩu tương truyền, tâm tâm tương ấn" theo kiểu "thiên cơ bất khả lậu."
Có điều đáng nói là phần lớn kinh sách Cao Ðài Ðại Ðạo có một hình thức đặc biệt riêng, thường bắt đầu là phần "Khai Kinh," tiếp đến phần "Giảng Kinh" và sau cùng chung cuộc bằng phần "Mừng Kinh Kết Thúc." Hầu hết là những bài thơ ngắn (thất ngôn bát cú hoặc phú) hay là những bài trường thiên (lục bát hoặc song thất lục bát), xen kẽ với những đoạn tản văn (thường xuất hiện trong phần "Giảng Kinh") được chỉ dạy bởi chính Thầy, tức Ngọc Hoàng Thượng Ðế, và các vì Phật, Tiên, Thánh, Thần mà tên tuổi tuồng như rất gần gũi và quen thuộc với chúng ta.
Lấy quyển Thánh Ðức Chơn Truyền Trung Ðạo (Ngũ Phụng Kỳ Sơn năm 1938) làm thí dụ, thì có quý ngài... Khương Thái Công (Khương Thượng Tử Nha) , Ngũ Nhạc Sơn Thần, Lê Sơn Thánh Mẫu, Ðông Phương Lão Tổ, Quan Thánh Ðế Quân (Quan Công) , Ngọc Hoàng Thượng Ðế (tức Thầy hay nôm na là Ông Trời) , Diêu Trì Kim Mẫu (tức Mẹ hay nôm na là Bà Trời) , Thái Thượng Ðạo Tổ, Khổng Thánh Tiên Sư, Thích Ca Mâu Ni Phật, Lý Thái Bạch (Giáo Tông Ðạo Cao Ðài) , Quan Âm Như Lai, Gia Tô Giáo Chủ, Di Ðà Phật Tổ, Hồng Quân Lão Tổ, Ðấu Chiến Thắng Phật (Tề Thiên Ðại Thánh) , Ngôi Hai Giáo Chủ Ngô Ðại Tiên (Ngô Văn Chiêu, người sáng lập Ðạo Cao Ðài tại thế do chính linh quang của Thầy chiết xuống phàm trần) , Ngươn Thỉ Thiên Tôn, Thông Thiên Giáo Chủ, Thập Bát La Hán, Chuẩn Ðề Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Nhiên Ðăng Cổ Phật, Nam Cực Chưởng Giáo (Nam Cực Tiên Ông) , Xích Mi Lão Tổ, Quỉ Cốc Thoàn Sư, Ngọc Ðảnh Chơn Nhơn, Linh Bửu Ðại Pháp Sư, Vân Trung Tử, Lục Yểm Chơn Nhơn, Xích Tinh Tử, Quản Thành Tử, Huỳnh Long Chơn Nhơn, Liễu Nhứt Chơn Nhơn (Tôn Tẩn) , Hậu Sư Thánh Chí (Pétrus Trương Vĩnh Ký) , Trần Ðoàn Lão Tổ, Ðông Phương Lão Tổ (Ðông Phương Sóc) , Tây Phương Lão Tổ (Tây Phương Sóc) , Hải Triều Thánh Nhơn, Trường Tiếu Tiên, Ðông (Tây, Nam, Trung, Bắc) Ba Ðế Quân, Ðộng Ðình Hồ Tiên Trưởng, Di Lặc Tuyên Quang Phật, Vô Danh Tiên Trưởng, Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victor Hugo) , Chí Thánh Saint Jean, Thánh Nữ Jeanne D'Arc, Ðạo Hạnh Chơn Nhơn, Cù Lưu Tôn, Thanh Hư Ðạo Ðức Chơn Nhơn, Ðào Hoa Thánh Mẫu, Vân Hương Thánh Mẫu, Thanh Hoa Thánh Mẫu, Bát Tiên (Tào Quốc Cựu, Hớn Chung Ly, Hàn Tương Tử, Lâm Thể Hòa, Lý Thiết Quả, Trương Quả Lão, Lữ Ðồng Tân, Hà Tiên Cô) , Thất (Nhứt, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục) Nương Tiên Nữ, Bạch Hạc Ðồng Tử , v.v... Hóa ra, huyền thoại về các "nhân vật" trong sách Tàu như Phong Thần, Tây Du Ký, Ðông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, v.v... hình như có thật. Ngay cả Ðường Tam Tạng Trần Huyền Trang hay Tôn Ngộ Không Hành Giả đều là những vị Phật, vị Thánh..., đừng tưởng bở mà mang tội với thiên đình!
Trước tiên, như Thầy dạy, Cao Ðài Ðại Ðạo được thành lập để... quy nguyên Tam Giáo (Nho, Lão và Phật giáo) và phục nhứt ngũ chi:
Vốn từ trước Thầy lập ra Ngũ chi Ðại-Ðạo là:
Nhơn-đạo
Thần-đạo
Thánh-đạo (Nho Giáo)
Tiên-đạo (Lão Giáo)
Phật-đạo (Phật Giáo)
Tùy theo phong hoá của nhân loại mà gầy Chánh-Giáo, là vì khi trước Càn-vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn-loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.
Còn nay thì nhơn-loại đã hiệp đồng. Càn-Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn-loại nghịch lẫn nhau: nên Thầy mới nhứt định quy nguyên phục nhứt...
Trong phần tạm gọi là "Nhơn Ðạo" và "Thần Ðạo" chúng ta hơi ngạc nhiên thấy Thầy, Mẹ lại dạy lại về Tam Cang (quân thần cang, phụ tử cang, phu thê cang) Ngũ Thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) và Tam Tòng ( tòng phụ, tòng phu, tòng tử) Tứ Ðức (công, dung, ngôn, hạnh). Mà, theo ý kiến của nhiều người trong xã hội hiện đại, đã cho rằng vài điều đã lỗi thời, không còn áp dụng được nữa. Như đạo vua tôi, quân thần cang, thì nhiều nước đã không còn vua. Như đạo tam tòng của người phụ nữ, nếu đem ra áp dụng thì sẽ gặp... lớn chuyện với những ai đang hô hào, kêu gọi, đòi hỏi "nam nữ bình quyền." Thì ra, nếu muốn sống thái bình thạnh trị như đời Nghiêu, Thuấn chúng ta có nên "xét lại" để quay về những nề nếp, giềng mối ngày xưa hay không đây?
Rồi tiếp qua phần "Thánh Ðạo, Tiên Ðạo, Phật Ðạo," chúng ta lại thấy căn bản kinh điển Cao Ðài dường như cũng chỉ dạy môn đồ tu hành theo hai cách giống giống như Ðạo Phật. Một là tu từ từ (tiệm giáo) qua từng bậc hạ thừa (hình nhi hạ học), trung thừa (hình nhi trung học), thượng thừa (hình nhi thượng học), điển hình qua ba quyển kinh Thánh Ðức (Chuyển Mê, Chơn Kinh và Chơn Truyền Trung Ðạo). Giống giống như tu Tiểu Thừa hay Nam Tông của Phật Giáo. Và hai là tu tắt (đốn giáo), tức đi thẳng vào hàng tối thượng thừa với khẩu pháp tâm truyền, điển hình qua quyển kinh Ðại Thừa Chơn Giáo. Lại giống giống như tu Ðại Thừa hay Bắc Tông của Phật Giáo, một bên gọi là "ngồi thiền" và một bên gọi là "ngồi tịnh."
Bây giờ, thử hỏi lại một câu hỏi mà nhiều người đã hỏi và đã ghi rõ trong kinh sách Cao Ðài, tôi chỉ tạm trích ra đây từ quyển "Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu" (câu trả lời của Quan Phủ, vị đệ tử đầu tiên và là người sáng lập Ðạo Cao Ðài):
Ðạo Cao Ðài là Ðạo gì?"
Ít ai tìm kiếm mà hiểu rõ. Chớ thật là Ðạo Phật. Con người có tánh hay mới chuộng cũ vong. Thích giáo truyền đã lâu đời mà vì bị đời nhàm nên ít ai xem xét kỹ lưỡng, noi theo Ðại Ðạo mà tu luyện, thành ra Ðạo bị bế. Hễ Ðạo bế thì chúng sanh phải lầm lạc, gần dữ xa lành. Thượng Ðế, Ngài rất Hồng Từ, thương chúng sanh mê muội nơi trầm luân khổ hải, không người dìu dắt, nên Ngài ân xá tội lỗi cho một kỳ này nữa là kỳ thứ ba (Tam Kỳ Phổ Ðộ - 3ème amnistie genérale) mà độ rỗi chúng sanh. Ngài lại chính mình Ngài giáng thế mà độ rỗi, lãnh "Thánh Hiệu" là "CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT," nên Ðạo của Ngài truyền gọi là Ðạo "CAO ÐÀI."
Rõ ràng hơn nữa, trong "Thánh Ngôn Hiệp Tuyển," phần "Phật - Pháp - Tăng," Thầy cũng đã giảng:
Vì Tân-Luật chưa ra nên Thầy phải giải.
Ðã có Thánh-Tượng Thầy, thì là cốt Ngọc-Hoàng còn để lại chẳng có nghiã chi hết. Thầy nói cho các con rõ: Vì cớ nào trước từ Nhứt-Tổ chí Lục-Tổ thì thờ Thầy ngồi trước, vì trước là lớn phải vậy.
(Mở ngoặc: Ðiều này cũng rất phù hợp với kinh sách "Mật Tông" đã cung kính gọi Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế là "Ðại Nhựt Như Lai.")
Khai Thiên-Ðịa vốn Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy; Thầy đã nói một chơn-thần mà biến Càn-Khôn Thế-Giái và cả nhơn-loại. Thầy là chư Phật, Chư-Phật là Thầy.
Các con là Chư-Phật, Chư-Phật là các con.
Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có các chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Thầy khai Bát-Quái mà tác thành Càn-Khôn Thế-Giái nên mới gọi Pháp; Pháp có mới sanh ra Càn-Khôn vạn vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng.
Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Ðạo mà phục-hồi các con hiệp một cùng Thầy.
Thầy lập Phật-Giáo vừa khi khai Thiên, lập Ðịa, nên Phật-Giáo là trước, kế Tiên-Giáo, rồi mới tới Nho-Giáo. Nay là hạ ngươn hầu mãn, phải phục lại như buổi đầu, nên phải phản tiền vi hậu.
Tỉ như lập Tam-Giáo quy nhứt thì:
Nho là trước
Lão là giữa,
Thích là chót.
Nên Thầy phải ngồi sau chư Phật, Tiên, Thánh, Thần mà đưa chúng nó lại vô-vi chi khí, chính là Niết-Bàn đó vậy...
Như vậy, Ðạo Cao Ðài chính là Ðạo Phật, hay có thể tạm gọi là Ðạo Phật Mới! Rồi, những Phật Tử tu theo Ðạo Phật Cũ phải làm sao đây? Chẳng lẽ lại bỏ Phật theo Thầy? Dường như chưa ai dám phạm thượng mà đặt câu hỏi này với Bề Trên! Thật ra, theo Thầy thì cũng chẳng bỏ Phật vì Thầy cũng là Phật mà thôi! Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tìm ra câu trả lời qua sự giải thích của Thầy trong kinh "Ðại Thừa Chơn Giáo" phẩm "Ðại Ðạo Phục Hưng - Cao Ðài Xuất Thế" như sau:
Ðã biết rằng Ðạo là thanh thanh, tịnh tịnh, không ứng lộ ra ngoài, nhưng muốn lập giáo phải làm sao? Phải bày cơ hữu hình để chỉ cho rõ lý mới được. Vậy cách lập giáo của Thầy cũng không chi lạ, chỉ noi theo Tam Giáo trước mà làm qui-củ chuẩn-thằng rồi đem gồm về một mối chánh.
Tam-Giáo trước là: Nho, Thích, Ðạo vì hoằng khai cũng đã lâu đời, nên bị biến cải mà thành thử phải thất chơn truyền làm cho sai lạc mất hết cả Thiên-cơ mầu nhiệm, bởi đó nhơn sanh tu tuy nhiều mà thành thì chẳng có.
...
Ngày nay Thầy đến đây đem ba nền Tôn-Giáo hiệp nhứt lại, tạo thành một Tòa lớn lao để đời đời kiếp kiếp cho nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơn nạn khổ thảm sầu. Ba nhà Tôn Giáo ấy tuy đổ sập mặc dầu, nhưng Thầy cũng vì lòng từ bi, chọn lựa cái nào còn đúng đắn thì Thầy lấy, cái nào hư nát thì bỏ ra; như cột, kèo, xiên, trinh, ngói, gạch, cái nào còn nguyên thì dùng, cái nào bể nát hay hư hao, bị mối ăn, sâu đục thì bỏ ra. Cây nào cong vạy thì uốn nó lại, trừ ra uốn không nổi mới bỏ. Thầy lấy các vật ấy ráp lại thành một Tòa ÐẠI-ÐẠO cho nhơn sanh sùng bái, tu hành là tòa nhà ngày nay Thầy lập thành đó.
Và chính Ðức Phật Thích Ca Như Lai đã nhiều lần giáng trần, xác nhận Phật cũng là Thầy, mà Thầy cũng là Phật, như đoạn cơ bút dưới đây trích từ "Thánh Ngôn Hiệp Tuyển":
Thích-Ca Như-Lai
Kim viết: Cao-Ðài Tiên-Ông Ðại Bồ-Tát
Chư-Sơn nghe dạy:
Vốn từ Lục-Tổ thì Phật Giáo đã bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành; Chánh Pháp bị nơi Thần-Tú làm cho ra mất Chánh Giáo, lập riêng pháp-luật buộc mối Ðạo-Thiền.
Ta vì luật lịnh Thiên mạng đã ra, cho nên cam để vậy, làm cho Phật-Tông thất chánh có gần ba ngàn năm nay. Vì Tam-kỳ Phổ-độ, Thiên-địa hoằng khai; nơi "Tây phương Cực-lạc" và "Ngọc-Hư-Cung" mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh. Trong Phật-Tông Nguyên-Lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi; tại Tăng Ðồ không kiếm chơn lý mà hiểu.
Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh hành Ðạo... Ôi! Thương thay! Công có công mà thưởng chưa hề có thưởng, vì vậy mà Ta rất đau lòng.
Ta đến chẳng phải cứu mình chư Tăng mà thôi; vì trong thế hiếm bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật, phải đọa hồng trần, Ta đương lo cứu vớt.
Thôi thì tùy duyên phận chúng sanh vì mỗi người đều tự làm chủ lấy mình, tự quyết định hướng đi đường tu của mình, tôi chỉ muốn nêu lên... một vài điều đáng suy nghĩ mà thôi...
(Bài kế: Chuyện nghe qua rồi bỏ)
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks