-
Ai Người Tri Âm - Lã Mộng Thường
Chương 8
May mắn, loạt sách Huyền Môn do Xuân Thu xuất bản giúp tôi có được những nhận định rõ ràng hơn đồng thời cũng tránh được những lý thuyết hoặc sự kiện được chép lại dường như chỉ cố tình khơi động tính tò mò của độc giả, nhất là những hiểu biết, quan niệm sai lạc về thiền đang thao túng khát vọng tìm hiểu đường hướng thực nghiệm tâm linh của con người. Nhờ cuốn Xứ Phật Huyền Bí mà tôi tin tưởng thêm câu Kinh Thánh "Người ta sống không nguyên bởi bánh" (Mt. 4:4; Lk. 4:4) là một hiện thực nhưng con người chưa ý thức được khi tác giả nói đến thánh nữ Têrêsa Newman và vị thánh Giri Bala ở Ấn Độ. Cuốn Tây Tạng Huyền Bí, câu truyện của Lạt Ma Lobsang Rampa viết về cuộc đời chính mình bổ túc về vấn đề soi kiếp và ảnh hưởng của tiền kiếp cũng như giá trị của sự tự do chọn lựa quyết định lối sống của một người. Cuốn Đông Phương Huyền Bí kể lại hành trình học thiền của tác giả nhà báo Paul Brunton do chính ông viết. Tuyệt, sự thật về thiền chẳng còn gì rắc rối và khó khăn nhưng tôi vẫn cảm thấy ít nhất vài điểm coi như không quan trọng đối với sự cố gắng thực hiện hành trình kiếm tìm thế giới tâm linh mà lại nắm phần then chốt định đoạt sự thực nghiệm thiền của mình. Nếu con người do ảnh hưởng bởi kiếp trước mà không có số đạt tới giới cảnh tâm linh ở kiếp này thì sự cố công thiền của họ đi về đâu? Phỏng có tiến tới được mức độ nào khả dĩ khích lệ cho họ tiếp tục thiền không? Qua những lần thử thiền, tôi thấy mình hình như không có duyên phận, dễ nản, vậy có nên cố gắng tiếp tục không bởi nếu tôi mang phận số để đi sâu vào thế giới tâm linh thì tôi phải được sinh ra với bản năng đam mê thiền. Hơn nữa, nếu đã có định số thì tránh cũng không thoát mà đã không có duyên cơ, dù cố gắng cũng chẳng ăn thua gì.
Tất nhiên, ai thực hiện một công việc gì cũng đều mong đạt được kết quả. Thuở ban đầu, sự mơ ước của tôi là kiếm tìm nguồn hạnh phúc vĩnh cửu; tuy nhiên, những cuốn sách kể về quyền năng của các vị chân sư có sức hấp dẫn không sao tả nổi, rồi nào những câu chuyện linh ảnh, do sự liên lạc được với một quyền năng bao trùm vũ trụ trong đó con người được chia phần đã khơi động phàm ngã tôi nổi dậy mà cố công lục lọi một phương pháp thực nghiệm rõ ràng cho mình. Thực tại cho thấy, càng tìm kiếm thì lại càng mông lung; tác giả này nói thế nọ, tác giả kia nói thế khác đồng thời không ai chịu nhận lối tu luyện của mình là đúng nhất, cũng không ai cho rằng chỉ có đường lối mình theo mới có thể đạt được đến bực đó. Đối diện với lý thuyết rằng Thượng Đế tức là niềm phúc lạc luôn luôn đổi mới không ngừng... Cái mà hành giả khát khao tìm kiếm nhưng vẫn gặp đó là Thượng Đế, chỉ có Ngài mới đem lại cho con người hạnh phúc vô tận; thế nên "Những vị thánh đã thực hiện bản chất thiêng liêng của mình trong khi còn ở thế gian... trong khi họ vẫn làm công việc của thế gian, tâm hồn họ đắm chìm trong một trạng thái phúc lạc bên trong nội tâm" (CBCS Yogi Ấn Độ; tr. 169). Chẳng khác gì mò mẫm trong rừng giữa đêm ba mươi, lộ ra được một chữ thiền thì càng tìm hiểu về thiền lại càng bước vào rừng chỉ rối. Thật là lắm phép, lắm kiểu với những cái tên Ấn dài lòng thòng, bao gồm từ không ngồi thiền đến những kiểu cách tu nghiêm khắc tới độ hủy hoại phần nào thân thể. Nào đâu đã hết, kẻ thì cứ ăn uống tự nhiên, không ngồi thiền ở hai cuốn về Thông Thiên Học của ông Olcott; tập luyện mà vẫn cần mạng số tiền kiếp ảnh hưởng như trong cuốn Tây Tạng Huyền Bí; ngồi thiền không cần quy luật thở hít mà chỉ cần ý thức nhận định bản thể của mình bằng cách giải đáp câu hỏi "Tôi là ai?" của nhà báo Paul Brunton; chỉ cần ý thức mạnh mẽ được nhấn mạnh theo quan điểm của Baird P. Spalding; và phương pháp đặc biệt đem lại thành quả siêu tuyệt của thiền sư Yogânandạ.. Thành quả đâu chưa thấy nhưng ảnh hưởng của sự tìm tòi qua sách vở đã hiển hiện; cái đầu tôi giật bưng bưng vì đam mê đọc sách và cố gắng phân tích những lý thuyết khác chiều hướng với hy vọng tổng hợp được một phương pháp thực nghiệm căn bản chẳng những đạt tới niềm hạnh phúc kiếm tìm mà lại sở đắc quyền năng vô biên của các bậc chân sư, đồng thời nếu may mắn thành công, có thêm chút danh thiền sự.. thì lại càng tha hồ sung sướng.
Nhưng cái danh thiền sư đâu thể có giá rẻ như vậy! Không cuốn sách về thiền nào mà không nói tới sự quan trọng của một vị thày, một chân sư đối với người môn sinh thực lòng thiền niệm, và sách nào cũng đoan chắc rằng nếu môn sinh thực sự muốn, vị thày sẽ được gửi tới... bởi đó tôi yên tâm chắc mẫm thế nào mình cũng thành thiền sư nay mai nên càng ra công học hỏi, mê man đọc đến nỗi quên cả giờ giấc ngủ nghỉ. Dĩ nhiên, có đọc có biết dẫu chưa chắc điều mình biết sẽ đem lại lợi ích hay không. Chữ thiền mới đầu nghe đơn giản thế mà lắm rắc rối, đơn sơ nhất đã có thể phân chia làm hai loại, thiền khí công và thiền tâm linh. Thiền khí công lo luyện tập về thể xác, tạo nội lực mà nhà Phật gọi là Chân Hỏa Tam Muội, Ngọc Kim Cương v.v... Ai đọc truyện kiếm hiệp sẽ thấy nội lực này được xử dụng để phát sinh chưởng, có năng lực chống lạnh, giải nóng. Nguyên tắc của thiền khí công dựa trên lý thuyết ý dẫn khí và khí dẫn huyết mà dẫn như thế nào mới là vấn đề quan trọng, dẫn lung tung sẽ bị tẩu hỏa nhập ma. Qua sự mò mẫm, tôi biết đại khái có mấy đường dẫn như sau: từ từ hít hơi bằng mũi, tưởng tượng rằng đẩy làn hơi xuyên qua hoành cách mô sâu xuống đan điền tức là cỡ đốt dưới của ngón cái phía thấp hơn rốn, thở ra bằng mũi sẽ phát triển nội lực như những người theo Hiệp Khí Đạo hoặc Zen dưỡng sinh thường luyện tập, nếu thở ra bằng miệng, sẽ có nội lực thuộc loại các nhà nhân điện dùng chữa bệnh.
Không dẫn khí xuống đan điền mà cho chạy theo những luân xa mới rắc rối, cần thày chỉ dẫn. Đụng đến luân xa tức đối diện với những quan niệm khác nhau. Kẻ nói tám, người quan niệm bảy luân xa nằm từ đầu mũi chạy vòng lên đỉnh đầu và dọc theo tới tận cùng xương sống; thiền sư Yogânanda nói trong sách chỉ có sáu vì không tính hai huyệt tại chóp mũi và sơn căn. Bí thuật dẫn khí ra sao không nơi nào giảng giải khiến tôi đã mù tịt lại càng rối rắm thêm. Khi đọc sách, tôi cố gắng để ý từng chữ may ra tác giả vô tình sơ sót lộ bí mật nhưng thường thì cứ gặp những câu nói tức anh ách đại khái rằng phép tu luyện quí giá như vậy đâu dễ gì đem tiết lộ cho quần chúng. Mỗi lần gặp những đoạn nói kiểu này, tôi tự rủa thầm tác giả ích kỷ bởi hình như họ đã cố ý khêu gợi cá tính thèm khát danh vọng nơi tôi. Không đọc thì ham muốn biết; biết lưỡng chừng ham muốn tập, mà tập thì xuýt chút nữa tẩu hỏa nhập ma nếu không có một người bạn vô tình chỉ giáo. Số là đã hơn một tuần, tôi "ngồi công phu" mỗi ngày, khi thì dăm ba phút, lúc mê say vài chục phút... theo thứ tự đúng y chang ngón nghề ăn cắp do những phần các thiền sư tác giả vô tình bật mí: ngồi kiết già hay liên hoa, đầu và lưng cho thẳng, đôi mắt lim dim dồn về tâm điểm sơn căn, thở hết hơi ra, từ từ hít vô bằng mũi, tưởng tượng đẩy luồng không khí xuống đan điền tới lúc chẳng thể hít vô được nữa, ngưng một chút, từ từ thở ra, ngưng một chút và từ từ hít hơi vào... Được vài hơi, sơn căn tê tê, người say saỵ.. A ha, mới công phu có vài bữa mà khí lực đã dồi dào vì thấy khỏe khoắn hơn.
Nhưng tôi không thích loại công phu này bởi bản tính lương thiện, không thích đánh nhau nên chẳng cần nội lực oánh chưởng. Dẫn khí huyết mở luân xa coi bộ hấp dẫn hơn vì những tác giả thiền sư đầy quyền năng công phu kiểu này. Tôi nghĩ, đả thông càng nhiều luân xa càng tốt nên cho khí chạy đủ tám luân xa mong nắm phần chắc, cho chạy ít, lỡ thiếu uổng công sức. Dẫn khí chạy tới, chạy lui, hết chạy xuôi cho chạy ngược... tôi tưởng tượng khí huyết hai chiều công phá sẽ giúp luân xa thông suốt mở toang hoác càng mau đạt tới thành quả... được ít ngày, mỗi ngày dăm phút thấy thắt lưng ẩm ẩm ê ê. May mắn, hôm đó đến chơi một nhà người bạn, đúng như lời Lão Tử, "Ngôn giả bất tri," tôi thao thao phét lác về thiền, về công phụ.. Để cho kẻ dốt nói chán, bạn tôi nhẹ nhàng hỏi: "Có phải mày thấy ê ẩm ngang thắt lưng không? Tẩu hỏa nhập ma rồi đó ông ơi!" Cái thằng róm, chỉ một câu nói hời hợt mà nó phá tanh bành bao nhiêu công phu mò mẫm của tôi. Dĩ nhiên, nó nói trúng chóc và chỉ ngắn gọn có thế, tôi cố gắng dò hỏi thế nào nó cũng không chịu nói thêm, miệng cứ câm như hến; bị tôi lý luận bắt chứng minh, nó kiếm cách đổi đề tài... ngôn giả bất tri!
Kể ra tôi cũng chịu khó luyện tập đồng thời lợi dụng mọi cơ hội thúc đẩy thiền công... nhưng, tinh thần thì sáng suốt mà thể xác lại yếu hèn nên chẳng đi đến đâu ấy là còn may mắn chưa bị liệt bại vì tẩu hỏa nhập ma. Dĩ nhiên, nào ai muốn chịu sự khó, thế nên tôi chọn những lời dạy dễ dàng của tác giả thiền sư mà noi theo thay vì những phương pháp khổ hình mong có chân hỏa, tay hỏa... Tổng kết, thiền chỉ cần ngồi, nằm, đứng... sao cho đừng ngủ quên là được và giữ tâm tư thanh tịnh, hai mắt khép hờ, hướng về sơn căn hay đầu mũi và rồi muốn tới đâu thì tới. Thật ra, lý do tôi chọn nhắm mắt vì mở mắt khó chịu hơn. Những hiện tượng nhìn thấy linh ảnh nọ kia, nghe được âm thanh này nọ cùng nhiều sự lạ lùng như các tác giả thiền sư đã viết chưa kịp thấy, tôi cố gắng ngồi nhưng lười. Đứng thì mỏi chân, vặn vẹo thân xác lại đau lưng, nhức hông, chổng ngược mỏi cổ nên tôi chỉ tập thiền nằm. Lẽ thường, cũng có nhiều thế nằm, nào ngang, nào dọc, nghiêng phải, nghiêng trái, nằm ngửa, nằm sấp, theo đủ mọi phương hướng ngoại trừ hai hướng thiên địa... Một điều hiển nhiên ai cũng có thể nhận ra đó là thế thiền nằm nào cũng đưa công phu của tôi vào cõi u minh, vô vi đến độ quên cả vô vi.
Dẫu cho là ngụy biện thì sự chọn lựa phương cách thiền lười biếng của tôi vẫn là kết quả của một số lý do. Trước hết, không có thiền sư nào giải thích tại sao phải ngồi thiền; có chăng họ chỉ nói tới phải ngồi cho thẳng lưng, và lẽ tất nhiên, nằm lưng vẫn thẳng. Paul Brunton còn đặt vào miệng một thiền sư lời bình luận rằng thế ngồi thẳng lưng và xếp vòng chân lại chỉ có mục đích giữ cân bằng sao cho cơ thể không bị ngã nghiêng khi nhập định; như vậy, thế nằm mang giá trị cân bằng nhất, tim đập nhẹ nhàng hơn vì không phải bơm máu ngược lên đầu. Hơn nữa, thiền sư Yogânanda nhận xét ngủ cũng là một phần của thiền vì trong khi ngủ, người ta vô tình thiền bởi đã thoát ra ngoài mọi ý thức về xác thân để đắm chìm một cách vô ý thức trong cái kho dự trữ tinh lực của vũ trụ, nguồn gốc của mọi sự sinh tồn. Theo quan niệm này, thiền là trạng thái vô vi của Lão và thực sự hợp với câu nói ngược "Càng làm ít càng tốt, mà không làm gì cả lại càng tốt hơn." Sự khuyến khích lắng nghe tiếng Chúa của Công Giáo còn được gọi là chiêm niệm nào khác gì bỏ lại tất cả mọi sự phiền hà tính toán, mở rộng lòng cho vô thức làm việc... Paul Brunton còn nhấn mạnh khi đặt vào miệng chân sư Maharichi lời khuyên tìm câu trả lời "Tôi là ai?" mà không đặt vấn đề ngồi đứng thế nào. Như thế, thiền định giúp con người nhận thức chân ngã, căn bản của tiểu ngã nếu nói theo Ấn Giáo. Đối với Khổng học thì đó là "bản thiện;" Công Giáo gọi là linh hồn. Như vậy, thay vì đặt vấn đề về cuộc đời hiện tại, người thiền tìm về động lực nguyên thủy con người được gọi là sự minh triết. Theo kinh nghiệm thiền nơi các sách tôi đọc, bất cứ ai đạt tới sự minh triết này đều nhận ra sự sống đích thực của một người không phải chỉ là sự sống thân xác mà cuộc đời xác thân là một phương tiện cho sự sống vĩnh cửu của chân ngã, của bản thiện, của linh hồn. Nhận định này phù hợp với câu nói có vẻ ngược của Đức Giêsu: "Kẻ nào tìm cách duy trì sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ nào đành mất thì sẽ cứu sống nó" (Lc. 17:33). Dẫu chữ "nó" hình như được dùng cho gọn văn chương có lẽ không chỉnh vì theo Mt. 10:39, 16:25, câu nói bao hàm nghĩa khác: "Kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta thì sẽ gặp lại." Nơi Mc. 8:35 còn thêm "vì Tin Mừng" nên có thể hiểu kẻ nào đành mất sự sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ gặp sự sống khác...
Tất nhiên, những hiểu biết, dẫu mù mờ, trên đã trở thành động lực thúc đẩy tôi thử thiền. Chẳng những thế, những gì càng mơ hồ thì lại hình như càng mang nặng tính chất hấp dẫn khuyến khích óc tò mò. Thực tế hơn, tôi suy luận, ngồi trước một bàn tiệc thịnh soạn với những của ngon vật lạ, được mọi người nói cho biết, dù đúng hay sai, thức ăn tuyệt vời; làm sao tôi cảm thấy tuyệt vời nếu chỉ ngồi đó nhìn để rồi trôi mất lưỡi vì nuốt nước bọt? Chắc chắn rằng nếu chưa được nếm thử, sẽ không bao giờ cảm nhận được thức ăn ngon như thế nào dù ai nói ra sao. Hơn nữa, sự thử thiền đâu cần phải có bằng cấp này, điều kiện kia. Điều kiện chỉ là vô vi như lúc ngủ để nhận ra chân ngã, quên đi cái phàm ngã của mình cho tiểu ngã trở về hòa nhập với đại ngã thì nào khó khăn chị.. Hừ, không ngờ, kiếm cái chân ngã, cái mình đã có lại không dễ dàng như tôi tưởng... chưa kịp mang lại lợi ích thì thiền đã làm tôi ê ẩm ngang thắt lưng, may mà chưa tới độ tẩu hỏa nhập ma vì ngồi... thế nên đành nằm... thiền!
Dẫu thế, tôi đâu chịu bỏ cuộc dễ dàng. Nào ai lạ gì, lỡ phóng lao đành phải theo lao cho trọn chung thủy; mặt khác, những cuốn sách do các thiền sư viết quá hấp dẫn lại mang đầy vẻ khuyến khích tìm hiểu khiến tôi càng muốn tìm tòi để thực hiện cho được. Nghĩ cho cùng, sự vận khí huyết đả thông các luân xa dù nguy hiểm nhưng không thực hành thì đâu có hại gì; hơn nữa, Kinh Thánh đã chẳng nói tìm thì sẽ gặp; các thiền sư viết sách cũng thường nhắc lại lời những vị chân sư đã khuyên họ rằng nếu thực sự khát khao kiếm tìm cuộc sống tâm linh sẽ có thày dạy là những bậc chân sư được gửi tới... Thế nên tôi thầm nghĩ, trong khi chờ đợi bậc thày chỉ dẫn, mình ráng tìm hiểu chân ngã bằng cách trả lời câu hỏi "Tôi là ai?" trong phương thức vô vi. Thiền nằm dễ đi vào vô vi vì đó là cách thực hành vô vi hữu hiệu nhất bởi muốn trở nên vô vi vẫn còn là dục. Cứ kiên nhẫn vô vi bằng những giấc ngủ, tôi tự an ủi, và chờ đợi, sẽ có ngày chân sư hiển hiện do lòng thành thực và chung thủy của mình. Thêm vào đó, câu trả lời của vị tu sĩ khi thiền sư Yogânanda xin được chỉ dạy phép nhập định giúp tôi phần nào kiên nhẫn: "Hiện giờ thể xác em chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho một kinh nghiệm như thế. Cũng như một bóng đèn nhỏ không thể chịu đựng nổi một điện thế quá cao, những dây thần kinh của em chưa sẵn sàng để lưu chuyển luồng từ điển của vũ trụ. Nếu tôi đưa em vào trạng thái đại định như bây giờ, em sẽ bốc cháy như bó đuốc chẳng khác nào tất cả những tế bào trong thân thể em đều bắt lửa" (Các Bậc Chân Sư Yogi Ấn Độ; tr.160).
Hình như càng những câu nói đơn giản, dễ hiểu lại càng không đơn giản và dễ thực hành chút nào, chẳng hạn "Tìm sẽ gặp" hoặc "Muốn là đã được một nửa." Ai mà không muốn lắm điều, nhiều thứ trên cõi đời này, nhưng những ai đã cứ muốn mà được? Tôi muốn cả thế giới lại chẳng có gì; nếu chỉ được một phần trăm, hoặc chỉ một phần triệu của thế giới, có lẽ tôi đã tha hồ xưng hùng xưng bá. Tìm sẽ gặp, câu nói xúi người mù dấn thân vào cánh rừng rậm rạp nguy hiểm. Tìm bằng cách nào, trong điều kiện ra sao, những gì cần được chuẩn bị, những gì không cần thiết làm cản trở cuộc hành trình tìm kiếm v.v... Đúng là ánh sáng của những vị chân sư trở thành điều ngu xuẩn cho kẻ đui mù. Hơn nữa, những điều kiện đôi khi các thiền sư vô tình bật mí thì lại càng mang đầy vẻ bí mật. Chẳng hạn, "Phải tiến từng bước bằng sự cố gắng cá nhân" (Hồi Ký của H.S. Olcott; tr.139). Đã giống như rợ vào rừng càng mò mẫm thì lại càng rối, đàng khác, những lời khuyên, những nhận định về phương cách thiền niệm mang đầy tính chất khó hiểu khi áp dụng. Cố gắng cá nhân là thế nào? Chưa đủ năng lực bước vào đại định mà lạc vô sẽ cháy như bó đuốc; mới thử thiền đã đụng ngưỡng cửa tẩu hỏa nhập ma thì còn cố gắng nỗi chi? Olcott đưa thêm lời khuyên "Phải khai mở trực giác để tìm hiểu những hiện tượng" (tr. 159), thật chẳng khác gì câu nói "tìm sẽ gặp."
Tuy nhiên, những nhận định của các vị chân sư, thiền sư đem lại cho tôi nhiều khuyến khích và hy vọng. Ít nhất, Yogânanda nhắc nhở: "Người hành giả thật tâm tu luyện chắc chắn sẽ đạt tới trạng thái siêu linh; đức tin mãnh liệt của y tự nhiên sẽ thúc đẩy y đến gần Thượng Đế" (tr. 171); đồng thời sự kiện bà ngồi sáu tiếng đồng hồ vững lòng khẩn cầu cho tới khi được sự trả lời giúp tôi nhận thực lòng nghi ngờ của mình đã bao lâu nay. Từ xưa tới giờ, tôi cứ nghĩ mình có lòng tin mạnh mẽ mà không được bề trên nhận lời; thành thực nhận xét, niềm tin của tôi chưa bằng một phần trăm của thiền sư Yogânanda. Sự nhận định này phần nào chứng minh rằng sống mật thiết với Thượng Đế, với những đấng vô hình mà mình tin tưởng sẽ có sức mạnh và được ban cho những năng lực lạ lùng để hoàn thành nhiệm vụ mình được kêu gọi, và như vậy, quyền hành của các vị chân sư đều từ Thượng Đế, nguồn năng lực vô biên tác động vũ trụ chia sẻ cho những ai nhận thực giá trị siêu linh của con người. Coi trên tivi, đọc báo chí, nghe những chuyện kể, tôi vẫn thường nghĩ rằng chỉ một số người đặc biệt nào đó có khả năng lạ lùng chẳng hạn năng lực chữa bệnh v.v... Tôi đã đoán xét sai lầm; Thượng Đế nào thiên vị riêng ai; thế nên, vấn đề còn lại tùy thuộc chính mình mà không biết, không tìm được phương cách để có được năng lực sẵn chờ. Nhận thức này nhắc nhở tôi lời nói của Đức Kitô: "Mọi sự đều là có thể cho người tin" (Mc. 9:23), hoặc "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa" (Gioan 14:12). Tuy nhiên, nhận thực như thế, nhưng đâu là phương cách thực nghiệm? Phải như thế nào để tôi có đức tin bằng hạt cải, bằng nửa hạt cải, hoặc một phần mười hạt cải? Và lấy gì làm mức độ đo lường đức tin?
Sự thật nhiều khi lắm điều trái ngược coi bộ không thể xảy ra nhưng lại chất chứa phần nào chân lý. Nếu chấp nhận câu nói "Ngôn giả bất tri" thì chẳng lẽ Đạo Đức Kinh không nói lên được chút nào chân ý Lão Trang? Nói rằng "Tri giả bất ngôn" quả là đúng trong trường hợp săn tìm phương pháp đi vào thiền niệm. Muốn vô vi thì chưa cảm nghiệm được "đạo trống." Bộ Óc được tạo dựng nên chẳng lẽ thừa và nếu thực sự không cần bộ Óc sao nó không bị thoái hóa theo luật tiến hóa tự nhiên; như vậy, phỏng vô vi là một thực trạng? Hơn nữa, đã quen tranh đấu, tính toán như một bản năng sinh tồn mà nếu không có lo âu, thất tình, lục dục, e nó sẽ bị bão hòa, tệ hơn nữa, có thể trở thành "Nhàn cư vi bất thiện." Đàng khác, được sinh ra giữa chốn xình lầy sao tránh thoát vương bùn bẩn thỉu, cuộc sống con người lệ thuộc đầy dẫy những liên hệ nên dẫu cho không muốn đụng chạm cũng phải đối diện nhiều chuyện khiến mình xáo trộn tâm thần. Thế nên, đâu phải cứ sống vô vi sẽ không bị những cảnh phiền hà ảnh hưởng. Sự thật này còn lắm điểm chẳng ngờ như thiền sư Bhaduri giải thích: "Sự bế môn nhập thất của tôi không phải vì lý do tiện nghi riêng cho tôi, mà là cho kẻ khác. Những người ngoài đời không thích nghe lời thành thật nó làm tiêu tan những ảo ảnh của họ. Những vị chân tu không những hiếm có, mà lại còn làm cho người ta hoang mang. Thánh kinh cũng có nói rằng: 'các vị ấy thường làm cho người đời đâm ra lúng túng trong cuộc sống của họ'" (Các Bậc Chân Sư Yogi Ấn Độ; tr.77). Bởi đó, chẳng lạ gì các vị thiền sư trốn lên rừng yên phận bè bạn với cỏ cây. Riêng tôi vẫn nghĩ, những người lên rừng sống cô lập vì họ có niềm hạnh phúc vô biên nào đó mà cuộc đời giàu sang, quyền quí, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sang trọng không thể so sánh được. Phỏng đó là niềm hạnh phúc vô biên mà tôi muốn đạt tới?
Lẽ tự nhiên, không ai muốn chịu khổ mà có chăng ra công gắng sức tìm kiếm cuộc sống khá hơn. Nếu những người lên rừng làm bạn với cỏ cây, ăn uống khem khuốc, bơ vơ cô độc, thật sự khổ cực như con mắt chúng ta nhận xét, và nếu cuộc sống nơi thành phố xa hoa, mỹ lệ đem lại niềm an bình, vui tươi thoải mái hơn thì ai lạ gì xa lánh chốn hồng trần tiện nghi? Câu Kinh Thánh "Thần khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì" (Gioan 6:63) chắc chắn mang ý nghĩa nào đó đối với những người coi rẻ cuộc sống bình thường mọi người đang trần thân vất vả theo đuổi? Lý luận, đặt vấn đề như thế nhưng tự xét lại, phần ngại ngùng nào đó dùng dằng ngăn cản ý định thử nơi tôi. Đang sống quen với nếp đời tạm coi là yên ổn, bất cứ những gì xảy đến đe dọa những thói quen cố hữu, những tiện nghi ràng buộc, đều tạo nên áp lực phản kháng khiến con người e sợ bị xáo trộn, e sợ phải thay đổi cho dù chỉ là quan niệm, tư tưởng. Thế nên, đã nhiều lần tôi tự đặt câu hỏi trong sự so sánh phỏng mình có giống như con bọ cảm thấy sung sướng chui rúc nơi đống thịt rữa xình thối của một xác chết con vật nào đó để rồi cho rằng con nhặng dốt nát vì không ngụp lặn như mình?
Đặt vấn đề như vậy để tìm câu trả lời nơi tôn giáo, tôi cảm thấy hình như có những điểm tương đồng đã lâu nay được mù mờ chấp nhận nhưng chưa bao giờ tôi dám ngang nhiên tìm hiểu chẳng hạn về lý thuyết, quan niệm, nghi thức v.v... được các tôn giáo thực hành. Điểm đầu tiên và cũng là nguồn gốc cho mọi sự khác biệt là tên gọi. Những nhà sáng lập các tôn giáo cũng như những giáo đồ, ai cũng chấp nhận, cũng tin rằng có một Đấng Toàn Năng đầy quyền lực tạo dựng vũ trụ khi đối diện với những mãnh lực thiên nhiên không bề giải thích, thế rồi đặt cho Đấng Ấy một cái tên, diễn tả cảm nghiệm, kinh nghiệm linh tâm riêng tư của mình hay một số kinh nghiệm của nhóm mình dưới sự ảnh hưởng của văn hóa, tư tưởng, chiều hướng quan niệm địa phương... kiến tạo nên một số nghi thức bày tỏ lòng tôn sùng, ngưỡng mộ, sắp xếp và đặt ra những nguyên tắc hay luật lệ nên theo để phần nào chứng tỏ lòng thành của mình đối với Đấng Toàn Năng như một thứ điều luật tôn giáo chung cho giáo phái của mình... dần dần được sửa đổi sao cho hợp lý hợp tình hơn và truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác đến độ sau này tín hữu cứ rập theo và chấp nhận một cách máy móc không cần biết tại sao lại có những nghi thức ấy chẳng hạn như tế trời, lạy thần thánh, mua đồ cúng, viếng v.v... Tôi nghĩ, Đấng Toàn Năng nào có đòi hỏi ai phải tế; thánh nào dám ngang nhiên bắt con người phải lạy. Những đồ cúng, viếng, chỉ có giá trị chứng tỏ lòng thành chứ chẳng lẽ Đấng tạo dựng nên toàn thể vũ trụ này thèm khát vài chùm nho, trái táo mà không tạo dựng được nên muốn người ta cúng? Và rồi miệng đâu, răng đâu mà thưởng thức vị ngon ngọt của những phẩm vật dâng tặng? Dĩ nhiên, tổ chức nào cũng cần ngân quĩ để phát triển nên những lễ vật, những tiền của dâng cúng được dùng cho mục đích quảng bá và xây dựng tổ chức. Chính vì thiếu hiểu biết nên người ta đã coi tôn giáo như một sự ràng buộc hình thức, phải thế nọ, phải thế kia. Đồng thời do ảnh hưởng hoàn cảnh và quan niệm sống, những nghi thức tôn giáo dần biến thái mỗi ngày một phức tạp theo tạp niệm mà dần xa giáo lý để rồi thói quen tôn giáo mỗi ngày một lấn dần giáo lý khiến cho tín đồ chỉ còn nhận ra những luật phải giữ, kiểu cách phải theo để được thuộc về tổ chức tôn giáo ấy như một sự thực hiện lòng khao khát Thượng Đế nơi tâm hồn mỗi người.
Có thể cái nhìn của tôi về các tôn giáo còn quá non nớt, chật hẹp, nên thấy rằng Chúa, Phật đã bị quảng cáo một cách đầy thiếu sót cũng như lòng tin của con người bị lạm dụng biến thành mối lo âu. Người theo đạo Chúa lại thường bị nghe về luận phạt đồng thời với sự tuyên xưng, rao giảng một Thiên Chúa yêu thương vô bến bờ. Đã bao nhiêu ngày tháng qua người ta nhấn mạnh một Thiên Chúa dữ dằn chẳng khác gì quan tòa ác độc, thẳng tay trừng trị những kẻ nào không giữ luật. Chính quan niệm này tự nó đã có mầm mống đối nghịch vì sự luận phạt công thẳng không thể nào đứng chung với tình thương vô biên giới. Thật ra, thà rằng chấp nhận "mắt đền mắt, răng đền răng" một lối nói khác tương đương luật nhân quả có lẽ mang phần nào hữu lý hơn. Thuyết Luân Hồi của Ấn Giáo bị hiểu sai khiến con người e sợ sự trả thù tàn bạo của Đấng Linh Thiêng bắt phải trở thành những gì mình kinh tởm trong kiếp tới... Con người dẫu luôn luôn lỗi lầm nhưng không phải không có thiện tâm. Thế nên, khi một người nhận chân được sự tốt lành nào đó, họ sẽ tự động sống theo chứ không tùy thuộc luật buộc. Bởi vậy, có thể luật buộc là thành quả của sự thiếu sót quảng bá cho con người am hiểu và cảm nghiệm được những điều tốt lành. Phỏng tôn giáo quá đặt nặng về hình thức và nghiêm luật sẽ không còn kẽ hở cho ánh sáng chân lý chiếu soi đánh động tâm hồn thế nhân? Đúng ra, chân lý mới là chính yếu, là tất cả, để soi sáng, khắc phục, và chinh phục con người. Thử hỏi, lề luật nào không đối nghịch lời Thánh Kinh: "Ta sẽ đặt lề luật của Ta nơi cung lòng chúng và Ta sẽ viết trên tâm tư chúng; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo lẫn nhau 'hãy nhận biết Yavê!' vì hết thảy chúng đều biết Ta từ bé đến lớn..." (Yêr. 31:34). Hình như các tôn giáo có chung một vị thần đáng sợ nhất và đó là thần đe dọa hình phạt, dựa trên mối e sợ, một khía cạnh của bản năng do sự nhận chân giá trị mỏng dòn của kiếp người để xây dựng luật lệ bởi "Ngôn giả bất tri."
Suy thế, tự thuở ban đầu, những nghi thức tỏ lòng tôn sùng của con người đối với một Đấng Toàn Năng đều bắt nguồn từ tâm tình của mình dẫu Ngài được gọi khác tên, dẫu thực hành khác nghi thức tôn sùng, khác quan niệm diễn tả. Hơn nữa, do sự hiểu biết lẫn lộn giữa những qui luật tôn giáo, đạo đức, luân lý, thay vì rao giảng giáo lý, người ta đã rao giảng luật luân lý địa phương. Sự lẫn lộn này có thể bắt nguồn từ thiếu hiểu biết về giáo lý căn bản tôn giáo hay do cái nhìn bệnh hoạn, không thấy những điều tốt lành nơi con người mà chỉ thích bới móc những chuyện chẳng nên dưới cái nhìn luân lý. Đồng ý rằng con người mang cả khuynh hướng hướng thượng lẫn thấp hèn, nhưng nhấn mạnh phàm ngã để lo sửa sai thì đường về chân ngã vô tình đã bị đóng kín. Có thể rằng, chính vì đã không nói về điểm chính yếu mà chỉ luẩn quẩn nơi những chi tiết do quan niệm khác biệt về Thượng Đế, các tôn giáo vô tình tạo nên những khoảng cách đối nghịch không phương hòa giải. Thật là phi lý khi đạo nào cũng cho rằng chỉ có một Đấng Toàn Năng cao cả tuyệt đối nhưng chỉ Đấng theo quan niệm của mình mới tuyệt đối vì nếu chỉ một Đấng Tuyệt Đối duy nhất thì những quan niệm kết quả của cảm nghiệm tâm linh dẫu khác biệt đến mấy cũng không thể nào trở thành nguyên nhân hay động lực cho bất cứ cuộc chiến tranh tôn giáo nào đã xảy ra.
Đồng ý rằng luân lý là sự áp dụng của ý thức đạo đức trong cuộc sống để kiến tạo nề nếp xã hội; một khía cạnh nào đó, luân lý là luật đạo đức thực nghiệm bất thành văn được dùng như phương tiện giúp con người thăng tiến về tâm linh. Bởi thế, luân lý mang tính chất tương đối tùy thuộc địa phương và quan niệm sống, phong tục, tập quán, cũng như cơ cấu xã hội. Tôn giáo vượt hẳn lên trên vì niềm tin là cội nguồn cho ý thức đạo đức bởi nếu không có niềm tin hướng dẫn, thế giới này chỉ là chốn hoang rừng tùy thuộc luật của sức mạnh. Tôn giáo đứng vững vì có mối dây liên lạc với thế giới vĩnh cửu bên kia cuộc sống giới hạn hiện tại của con người; mối dây này căn bản đặt ở chữ "tin" và được nói lên nhiều cách đôi khi khó phân biệt; lòng tin, niềm tin, đức tin v.v...
Lấy lòng tin làm căn bản, cùng một gốc và những chi nhánh phát sinh của Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Kitô Giáo, gọi những nhà có lòng tin vững mạnh liên lạc với Thượng Đế là tiên tri, và phương pháp liên lạc được gọi là cầu nguyện. Ấn Giáo, Phật Giáo, và các chi nhánh gọi những người này của họ là chân sư dùng thiền làm phương tiện. Họ hàng Lão Giáo, Khổng Giáo lại dùng tiếng thánh nhân, thánh hiền; kinh nghiệm liên lạc với những đấng cao cả của họ để lại thì chỉ một con đường độc nhất là để lòng vô vi ngồi thiền. Lòng tin có Đấng Toàn Năng làm gốc là một điểm ắt có nhưng chưa đủ để liên lạc với thế giới bên kia do đó cần phương pháp thực nghiệm. Những phương pháp này của các tôn giáo thực ra khác tên nhưng cũng cùng một cách thức và đòi hỏi chung một điều kiện đó là lòng yêu thương tha nhân cũng như mọi loài tạo vật. Vô vi nhấn mạnh điểm mở rộng lòng, cởi bỏ những ràng buộc của thế giới hữu hình để đón nhận cảm nghiệm hiện hữu với Thượng Đế. Kitô Giáo phân biệt cầu nguyện thành ít nhất hai cách thức: cầu xin hay nguyện cầu, và lắng nghe tiếng Chúa. Đại khái, sau khi phân tích, suy tư, nhận định, mở rộng tâm hồn không để cho bất cứ gì ảnh hưởng mà để tâm hồn thanh tịnh chờ, lắng nghe những gì Chúa muốn cho mình. Các chân sư, thiền sư nói về kinh nghiệm thiền cũng khuyên để lòng thanh tịnh nhận thực mình chỉ vô ngã, nói cách khác, áp dụng vô vi để lắng nghe, tìm về thế giới siêu linh... Chung qui, dẫu được dùng tên khác nhau nhưng phương pháp chỉ là một.
Những điều kiện gặp gỡ thế giới siêu linh gồm có lòng tin nơi một mãnh lực huyền nhiệm tạm gọi là Thượng Đế hay Đấng Toàn Năng tạo dựng vũ trụ, và để lòng vô vi mà cầu nguyện hay thiền, nâng tâm thức mình lên hay hòa nhập cõi lòng hoặc linh thể của mình với Thượng Đế. Lên rừng thâm u hay ở giữa thành thị Ồn ào náo nhiệt mà đạt tới tâm thức "Chúa ở trong tôi, tôi ở trong Chúa" hoặc "tiểu ngã hòa nhập với Đại Ngã" hay "tri giả bất ngôn" thì đó là hạnh phúc vĩnh cửu mà thế quyền, danh vọng, cũng như những vui thú trần gian không thể so sánh được. Câu nói "tri giả bất ngôn" chỉ về niềm hạnh phúc này vì không gì nơi cõi đời hiện tại có thể so sánh được nên không biết sao mà nói. Tuy nhiên, qua lời khuyên nơi kinh, sách, lòng tin đóng vai trò quan trọng và mang sức mạnh tiềm ẩn ít được để ý. Chân sư Sri Yukteswar đã nhắc nhở thiền sư Yogânanda: "Người đời ít khi nhận thấy Thượng Đế đã đáp ứng bao nhiêu lần những ước vọng của họ. Ngài không thiên vị thiểu số nào, nhưng Ngài lóng nghe những kẻ nào cầu nguyện Ngài với tất cả tâm hồn. Như vậy, người đời phải có một đức tin tuyệt đối nơi lòng Từ Bi Bác Ái của đấng Cha Lành trên trời" (Các Bậc Chân Sư Yogi Ấn Độ; tr.179). Đức Giêsu cũng đã nói rõ: "Mọi sự đều có thể cho người tin" (Mc. 9:23) và "Quả thật, Ta bảo các ngươi: Kẻ tin vào Ta thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa" (Gioan 14:12).
Làm sao để có lòng tin vững vào Thượng Đế; phương cách nào kiến tạo đức tin bằng hạt cải... Câu trả lời tóm gọn chỉ là cách gặp gỡ, để lòng vô vi "thiền" hoặc "lắng nghe tiếng Chúa..." vì không còn cách nào hơn bởi khi đã gặp gỡ Thượng Đế thì "Tri giả bất ngôn."
Hết
Tags for this Thread
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks