Thái Hoàng Thái Hậu Trường Lạc
Tác giả: Nguyễn Dư


Bà Trường Lạc là một trong số 7 bà vợ và mấy trăm cung nữ của vua Lê Thánh Tông. Cuộc đời của bà có vài điều đáng chú ý.


Trước hết là cái tên Trường Lạc?

Đại Việt sử kí toàn thư (Khoa Học Xã Hội, 1968, viết tắt là TT) cho chúng ta biết:
Vua (Lê Hiến Tôn) tên huý là Tranh, lại có huý là Huy, con trưởng của Thánh Tôn (?).

Mẹ là Trường Lạc thánh từ hoàng thái hậu họ Nguyễn, huý là Hằng, người ở hương Gia Miêu ngoại trang huyện Tống sơn, con gái thứ hai của thái uý Trinh quốc công Đức Trung. Trước đây, Thánh tôn chưa có con nối, Quang thục hoàng thái hậu vẫn thường cầu đảo, sai Đức Trung đến cầu ở am Từ công núi Phật tích, chiêm bao thấy đến trước mặt thượng đế cầu hoàng tử, thượng đế nói : cho sao Thiên lộc làm con của Nguyễn thị. Bèn ẵm đến ngồi ở trước. Bấy giờ Trường Lạc hoàng thái hậu ở cung Vĩnh ninh, tức thì có mang. Đến khi đủ ngày tháng, chiêm bao thấy con rồng vàng từ trên trời bay xuống vào chỗ Trường Lạc thái hậu ở, được một lúc thì sinh ra vua. (TT, tập 4, tr. 5).

TT chép Trường Lạc là một bà hoàng thái hậu, ở cung Vĩnh Ninh.

Nhưng ở một chỗ khác, về đời vua Uy Mục, TT lại chép :

Ngày 22 tháng 3 (năm 1505), thái hoàng thái hậu bỗng băng ở chính tẩm điện Trường Lạc, thọ 65 tuổi (TT, tập 4, tr. 42).

Ở đây, Trường Lạc lại là tên cung điện.

Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn (Khoa Học Xã Hội, 1978, viết tắt là TS) chép về bà như sau:

Huy Gia hoàng thái hậu họ Nguyễn, huý là Huyên, người ở trang Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn, là con gái thứ hai của ông Nguyễn Đức Trung được tặng hàm Thái úy Trinh quốc công. Tháng 7 năm Quang Thuận thứ nhất (1460) được tuyển vào cung, phong là Sung nghi ở cung Vĩnh Ninh. Bà được vua (Thánh Tông) yêu quý nhất trong số các cung nhân. Lúc này nhà vua chưa sinh thái tử (?).

Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà lại nằm mộng thấy rồng vàng từ trên trời hiện xuống, bay vào nơi bà ở. Trong chốc lát, bèn sinh hoàng tử, đó là vua Hiến Tông (?).

Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), tấn phong bà làm quý phi; bà càng được hưởng ơn vua nhiều hơn. Nhà vua mấy lần muốn lập bà làm hoàng hậu, nhưng thấy dòng họ nhà bà có thế mạnh, sợ rằng các tần thiếp không ai dám gần vua nữa, nên lại thôi.

Năm thứ 28 (1497), vua Thánh Tông mất, vua Hiến Tông lên ngôi, tôn bà làm hoàng thái hậu, để ở điện Trường Lạc, và phụng dưỡng rất chu đáo (?).

Đây là đoạn sử duy nhất của Lê Quý Đôn nói đến tên Trường Lạc, nhưng lại là tên một cung điện đã có từ trước khi Hiến Tông lên ngôi nghĩa là đã có từ đời Thánh Tông.

Vì vậy mới gây ra thắc mắc, đặt thành câu hỏi: Trường Lạc là tên người hay tên cung điện ? Nếu vừa là tên người vừa là tên điện thì tên nào có trước ? Nói khác đi, vì là chỗ ở của bà Trường Lạc nên được gọi là điện Trường Lạc hay ngược lại vì bà hoàng thái hậu ở điện Trường Lạc nên người ta gọi bà là Trường Lạc ?

Giả thuyết thứ nhất (chỗ ở của bà Trường Lạc được người ta gọi là điện Trường Lạc) khó đứng vững bởi vì tất cả những cung điện được xây cất từ trước nhà Lê cũng như dưới thời nhà Lê, từ đời Lê Thái Tổ cho đến đời Lê Uy Mục, đều được đặt tên riêng từ lúc bắt đầu xây cất hoặc khi xây cất xong.

Giả thuyết thứ nhì (vì bà hoàng thái hậu ở điện Trường Lạc nên người ta gọi bà là Trường Lạc) cũng khó đứng vững vì trên kia TT đã chép Trường Lạc hoàng thái hậu ở cung Vĩnh Ninh, điều đó chứng tỏ rằng tên Trường Lạc đã có độc lập với tên nơi bà ở. Hơn nữa, TT không chép việc xây điện Trường Lạc.


Cũng may là sau đó TT lại trở về với lối chép ban đầu :
Bấy giờ (năm 1509) Nguyễn Văn Lang là bà con với Trường Lạc hoàng thái hậu, cũng vào trong số người bị đuổi về quê nhà? (tr. 51).

Dù hiểu theo cách nào đi nữa thì trước sau (chỉ trừ năm 1505) tên Trường Lạc cũng vẫn được TT dùng để chỉ một bà hoàng thái hậu.


Qua sử sách thì chúng ta thấy rằng lễ tấn phong hoàng hậu (vợ vua), hoàng thái hậu (mẹ vua) hay thái hoàng thái hậu (bà vua) ngày xưa được tổ chức rất long trọng, rườm rà và phức tạp. Giây phút quan trọng nhất của buổi lễ là lúc quan truyền chế đọc câu Nay sách phong cho chính cung chức?họ? làm hoàng hậu, sai các ngươi mang sách vàng này đến làm lễ (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí , tập 2, Lễ nghi chí , Sử học,1961, tr. 182). Đương nhiên là nhà vua hoặc những ông quan đại thần đã phải sửa soạn, cân nhắc, chọn sẵn tên hiệu cho hoàng hậu trước khi làm lễ. Người xưa câu nệ vào lễ nghi. Không thể có chuyện vợ vua được tấn phong mà lại không được tặng tên hiệu ! Giả thuyết cho rằng bà hoàng thái hậu họ Nguyễn phải lấy tên chỗ ở để gọi do đó không thể đứng vững được.
Lê Hiến Tông, năm Cảnh thống thứ 1 (1498), tấn tôn mẹ đẻ là họ Nguyễn làm Tràng Lạc thánh từ hoàng thái hậu (Nguyễn thị người làng Gia Miêu, huyện Tống sơn) (Phan Huy Chú, sđd, tr. 179). Trường Lạc hoàng thái hậu (họ Nguyễn, sinh ra Hiến Tông) (Phan Huy Chú, sđd, tr.127) được thờ tại điện Thái miếu trong thành Thăng Long. Phan Huy Chú chép thống nhất và rõ ràng Trường Lạc là tên hiệu của hoàng thái hậu họ Nguyễn.

Rất có thể là TT (hay những người sao chép TT) đã chép sai câu Thái hoàng thái hậu Trường Lạc bỗng băng ở chính tẩm điện (?) thành ra Thái hoàng thái hậu bỗng băng ở chính tẩm điện Trường Lạc.


Lê Quý Đôn đã dựa vào một câu chép sai của TT (năm 1505) để viết rằng điện Trường Lạc là nơi ở của hoàng thái hậu họ Nguyễn. Nếu chỉ đọc TS thì dĩ nhiên ai cũng phải nghĩ rằng Trường Lạc không phải là tên người.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn ( Giáo Dục, 1998, viết tắt là CM), vì dựa cả vào TT và TS nên chép lúc thì cung Trường Lạc (tập 1, tr. 1190; tập 2, tr. 21), lúc thì điện Trường Lạc (tập 2, tr. 22), và chép cả:
Sau khi nhà vua (Túc Tông) lên ngôi (1502), tôn bà tổ mẫu Trường Lạc hoàng thái hậu Nguyễn Thị làm thái hoàng thái hậu (tập 2, tr. 18).

Đối chiếu ba bộ sử, chúng ta rút ra được một kết luận dứt khoát là hoàng thái hậu họ Nguyễn (TS) và hoàng thái hậu Trường Lạc (TT, CM) là một người. Bà là vợ vua Thánh Tông, mẹ vua Hiến Tông. Lê Quý Đôn đã vô tình hay cố ý bỏ rơi mất tên hoàng thái hậu Trường Lạc, nói đúng hơn là hoàng hậu Trường Lạc vì đoạn viết của Lê Quý Đôn mang tựa đề là Thánh Tông Nguyễn hoàng hậu.

Lại có một thuyết khác về bà Trường Lạc.

Sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Aùn (Đạm Nguyên dịch, Đại Nam, 1970, viết tắt là NL) trong bài Vua Thánh Tông có đoạn:

Khoảng đầu niên hiệu Thái Hòa (1443-1453), Tế văn hầu Nguyễn Trãi phải tội, có người con gái bị bắt vào quan, sung vào hàng nữ nhạc. Người con gái ấy tư sắc tuyïệt đẹp, tuổi đã 17, 18 mà không biết nói. Đến nay theo bạn vào cung hầu yến, vì câm nên chỉ ngồi gõ phách. Khi vua bước lên ngự tọa, người con gái bỗng cầm phách hát. Tiếng hát du dương, dư âm dường quấn quanh trên rường, như khúc hát Quân thiên (điệu hát trên đế đình). Vua lấy làm lạ hỏi, thì người con gái nói năng giống hệt người Ngọc nữ trên chỗ Thượng đế. Vua liền thu nạp vào hậu cung, sách lập làm Trường Lạc Hoàng hậu (tr. 233).


Thật bất ngờ ! NL cho chúng ta biết rằng trước khi được phong là hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu bà đã được vua Thánh Tông phong là hoàng hậu Trường Lạc. Điều này chính sử không chép. Nhưng điều bất ngờ nhất là bà Trường Lạc là con gái của Nguyễn Trãi!
Hai chi tiết này đúng hay sai ?

Chi tiết thứ nhất đã được sử thần Vũ Quỳnh xác nhận khi bàn về vua Thánh Tông, Vũ Quỳnh gọi bà là Trường Lạc hoàng hậu (xem Lời bàn của sử thần Vũ Quỳnh ở phần dưới). Theo Lê Quý Đôn thì cho tới năm 1470 bà mới chỉ được phong là quý phi. Chúng ta có thể suy ra là bà được phong hoàng hậu vào khoảng ít năm sau năm 1470.

Còn chi tiết thứ hai cho rằng bà là con gái Nguyễn Trãi thì trước khi trả lời là đúng hay sai chúng ta bắt buộc phải trả lời một câu hỏi khác là Nguyễn Trãi có con gái hay không ?

Ai cũng biết rằng khi Nguyễn Trãi bị giết (tru di tam tộc), bà vợ lẽ họ Phạm của ông đang có mang trốn thoát được. Bà này sinh ra Anh Vũ. Năm 1464 Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi. Anh Vũ lấy lại họ Nguyễn và được bổ tri huyện. Chính sử viết rất ít về Nguyễn Trãi, không cho biết ông có con gái sống sót hay không.


Nguyễn Lương Bích (Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, Quân Đội Nhân Dân, 1973) khẳng định : Nguyễn Anh Vũ, người con duy nhất của Nguyễn Trãi còn sống sót (tr. 591)?Nguyễn Lương Bích viết rõ hơn chính sử.
Trần Huy Liệu (Nguyễn Trãi, Khoa Học, 1966) cũng cho biết rõ nhưng khác Nguyễn Lương Bích : (?) Thế rồi cả gia quyến Nguyễn Trãi bị bắt giam: Con gái bị sung làm nô tỳ ở cung vua hay ở các nhà quan, con trai thì chờ ngày ra pháp trường chịu tội tử hình (tr. 33).

Các tác giả của Nguyễn Trãi toàn tập (Khoa Học Xã Hội, 1976), dựa vào gia phả của dòng họ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, cũng viết giống như Trần Huy Liệu, nghĩa là con gái (Nguyễn Trãi) bị sung làm nô tì (tr. 22).

NL kể chuyện người con gái này, được tuyển vào cung và trở thành hoàng hậu Trường Lạc.

Nếu đúng là Nguyễn Trãi có một người con gái sống sót thì tại sao chính sử lại chép hoàng thái hậu Trường Lạc (TT) hay hoàng thái hậu họ Nguyễn (TS) là con gái thứ hai của ông Nguyễn Đức Trung ?

Câu hỏi tương đối dễ trả lời :

- Có thể Nguyễn Đức Trung là người tốt, ông nuôi người con gái nô tì từ nhỏ, và nhận là con.

- Cũng có thể Nguyễn Đức Trung là người lợi dụng thời cơ. Ông nhận nàng là con để được hưởng niềm vinh hạnh có con được sung vào hàng nữ nhạc, được tuyển vào cung vua.

- Lí do cuối cùng là vụ án Nguyễn Trãi không lấy gì làm vẻ vang cho nhà Lê. Cho dù triều đình Thánh Tông có biết rõ gốc gác của bà quý phi hay bà hoàng hậu Trường Lạc, thì sử thần đương thời cũng khó mà có thể chép rằng chính triều đình của bố Thánh Tông đã giết oan ba họ nhà bố vợ Thánh Tông. Chép như vậy rồi đưa cho Thánh Tông duyệt !

Giết vua là tội tày đình. Mặc dù Nguyễn Trãi đã được tẩy oan nhưng hậu quả tai hại của bản án sai lầm vẫn còn tồn tại lâu dài đến nhiều đời sau.

Chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước thái độ của một sử thần danh tiếng qua truyện Ông Lê Trãi (NL, tr. 112-129) :

Trong năm Cảnh Hưng (1740-1786) làm sổ dân chính. Triều đình bàn muốn rút bớt ân trạch đối với những công thần khai quốc. Khi xem đến đạo sắc của ông Trãi, quan Thị lang bộ hộ là Bảng nhỡn Lê Quý Đôn xé đi mà rằng :

- Đây là loạn thần tặc tử, còn cáo sắc làm gì ? (?).

Nguyễn Trãi được Thánh Tông tẩy oan năm 1464, hơn 300 năm sau còn bị Lê Quý Đôn (theo lời kể của NL) chỉ mặt như vậy. Thái độ của Lê Quý Đôn đối với Nguyễn Trãi còn được cảm thấy khi đọc TS. Trong phần kể tiểu sử 19 vị khai quốc công thần theo phò Lê Lợi, Lê Quý Đôn kể cả truyện hai ông Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo bị Lê Lợi giết oan, nhưng không kể truyện Nguyễn Trãi, một khai quốc công thần mới chỉ bị Lê Lợi bắt giam một thời gian.

Nếu bà Trường Lạc quả thật đúng là con gái Nguyễn Trãi thì chúng ta khó mà tìm kiếm, biết rõ được gốc gác của bà qua chính sử đương thời (TT) hay qua sử do sử thần chính thống đời sau viết (TS, CM).

Tuy khó nhưng chúng ta cũng có thể dựa vào một vài chi tiết ghi chép đó đây để suy đoán, tìm hiểu.

Chẳng hạn như tài liệu chép trong Dư địa chí của Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sử Học, 1960) :

Gia miêu ngoại trang là đất tổ của các vua triều Nguyễn, từ tiên tổ là Nguyễn Đức Trung làm chức thái úy, có con gái lấy Lê Thánh Tông, sinh ra Hiến Tông. Con trai là Nguyễn Văn Lang, giúp nhà Lê lập Tương Dực đế, được phong tước vương. Cháu là Hoằng Dụ lại lập Chiêu Tông. Đến Triệu tổ (Nguyễn Kim) tôn lập Trang Tông, cơ nghiệp trung hưng của nhà Lê gây dựng ra từ đấy trước. Tới khi Thái tổ hoàng đế (Nguyễn Hoàng) về giữ Thuận Hóa, Quảng Nam truyền được 8 đời. Đến triều Nguyễn bình định được cả nước thì làng Gia Miêu là đất thang mộc. Vì là đất phát phúc to, khí tốt chung đúc còn lâu dài mãi (tr. 44).

Dòng họ Nguyễn Đức Trung có nhiều người làm quan to, có công với nhà Lê và nhà Nguyễn sau này. Làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung (vùng Thanh Hóa ngày nay) là quê hương dòng họ ông, về sau trở thành đất thang mộc.

Nhưng vua Uy Mục lại cho làm điện Quang Mỹ ở phường Lệ Viên huyện Quảng Đức (Thăng Long, Hà Nội ngày nay) để thờ tiên tổ của thái hoàng thái hậu (Trường Lạc) (TT, tập 4, tr. 43; TS, tr. 128).

Tại sao không thờ tiên tổ thái hoàng thái hậu Trường Lạc tại Gia Miêu (Thanh Hóa) mà lại thờ tại Quảng Đức (Thăng Long)? Hay là quê quán của bà là vùng Quảng Đức chứ không phải Gia Miêu ? Chúng ta cũng được biết rằng Nguyễn Trãi sinh ra tại gia đình nhà mẹï là dinh quan Tư đồ Trần Nguyên Đán ở Thăng Long (Nguyễn Trãi toàn tập, sđd, tr.11). Đây chỉ là một điều trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý ? Hay là cha đẻ của bà không phải là Nguyễn Đức Trung mà chính là Nguyễn Trãi?

Trong TT có đoạn văn hơi khác thường, đáng được chú ý :

Năm 1499 (đời vua Hiến Tông) Sửa lại chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích và dựng bia. Đó là theo lời di chúc của cha sinh ra hoàng thái hậu là Trịnh quốc công Nguyễn Đức Trung (TT, tập 4, tr.17).

Sử chép rõ là cha sinh ra (cha đẻ) hoàng thái hậu. Sử thần muốn phân biệt cha đẻ với cha nuôi chăng ? Hay là sử thần đã kín đáo cho đời sau biết là hoàng thái hậu Trường Lạc có cha đẻ và cha nuôi ?


Trong khi chờ đợi có chứng cớ rõ ràng, chắc chắn hơn, chúng ta hãy tạm chấp nhận là Nguyễn Trãi có một người con gái sống sót và chúng ta đi tìm hiểu thêm người con gái này. Nàng được sử chép tên là Hằng hay Huyên. Cô Hằng được ông Nguyễn Đức Trung nuôi từ nhỏ, coi như con đẻ. Lớn lên cô Hằng vừa đẹp vừa ca hát hay, được sung vào hàng nữ nhạc và được tuyển vào cung vua.
Cô Hằng được tuyển vào cung vua năm bao nhiêu tuổi ?

TT chép thái hoàng thái hậu Trường Lạc mất năm 1505, thọ 65 tuổi. Theo cách tính tuổi của ta thì cô Hằng sinh năm 1441. Được hai tuổi (1442) thì mồ côi cha. Năm 1460 cô được tuyển vào cung, tuổi vừa tròn 20.

Chi tiết này có trùng hợp với các tài liệu khác không ?

Tính từ năm Nguyễn Trãi bị giết (1442) đến năm cô Hằng được tuyển vào cung (1460) được 18 năm. Cô Hằng vào hầu vua Thánh Tông năm cô ít nhất cũng đã được 19 tuổi ta.

NL chép khoảng đầu niên hiệu Thái Hòa (1443-1453), Tế văn hầu Nguyễn Trãi phải tội là sai. Đúng ra là Nguyễn Trãi bị giết năm 1442, NL chép sai mất một năm. NL cho biết năm được tuyển vào cung cô Hằng tuổi đã 17, 18. Nếu thêm một năm thì nàng tuổi đã 18, 19 hay xấp xỉ đôi mươi. Cô Hằng tuổi chừng đôi mươi, khoảng 20 tuổi ta, như sử cho biết.

Năm Nguyễn Trãi bị giết, cô Hằng được 2 tuổi, Anh Vũ còn nằm trong bụng mẹ. Rất có thể bà Trường Lạc là chị ruột hay ít ra cũng là chị cùng cha khác mẹ của Anh Vũ.

Bà tư sắc tuyệt đẹp, được vua Thánh Tông yêu quý nhất trong số các cung nhân. Dòng họ (Nguyễn Đức Trung) nhà bà có thế mạnh.

Đi lại với bà được 4 năm, vua Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi, bổ Anh Vũ làm tri huyện (1464). Thánh Tông thật lòng hay vì nể bà Trường Lạc ? Chưa chắc đã là thật lòng bởi vì phải chờ thêm 3 năm nữa (1467) Thánh Tông mới ra lệnh tìm kiếm thu thập văn thơ của Nguyễn Trãi.

Mối tình vương giả, đằm thắm của bà với vua Thánh Tông kéo dài được bao lâu ? Chỉ biết rằng về sau bà bị vua ruồng bỏ, bạc đãi đến nỗi phải đem lòng thù ghét nhà vua.

Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá; nên mắc phải bệnh nặng (vua bị bệnh phù thũng). Trường Lạc hoàng hậu thì bị giam lâu ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm đem thuốc độc trong tay sờ vào chỗ lở, bệnh vua lại thêm nặng lên vậy. (Lời bàn của sử thần Vũ Quỳnh, TT, tập 3, tr. 320).


Bà sinh được vua Hiến Tông (1497-1504). Hiến Tông chết, con thứ ba lên nối ngôi (niên hiệu Túc Tông). Chưa đầy một năm thì Túc Tông chết, không có con nối ngôi. Bà muốn lập Lã Côi Vương, nhưng bị nội thần Nguyễn Nhữ Vi lập mưu đưa người con thứ hai của Hiến Tông lên làm vua (niên hiệu Uy Mục).
Ngày 22 tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505), vua Uy Mục sai người hầu ngầm giết thái hậu. Sau bà được dâng tên thụy là Huy Gia Tĩnh mục Oân cung Nhu thuận Thái hoàng thái hậu. Lập điện Quang Mỹ ở phường Lệ Viên thuộc huyện Quảng Đức để phụng thờ tổ tiên của bà. (TS, tr. 127-128).

Rốt cuộc bà Trường Lạc bị cháu nội sai quan hầu cận ngầm giết.

Nếu bà Trường Lạc đúng là con gái sống sót của Nguyễn Trãi như Phạm Đình Hổ và Nguyễn Aùn cho biết thì cuộc đời của bà có thể nói là nhiều thăng trầm, bi thảm nhất trong lịch sử Việt Nam. Cha bà cùng với 3 họ bị giết oan, bà bị bắt làm nô tì từ năm 2 tuổi. Lớn lên bà được tuyển vào cung vua, được phong quý phi, hoàng hậu (vợ vua), rồi lại bị vua hắt hủi, giam nơi cung cấm. Bà được tấn phong hoàng thái hậu (mẹ vua), thái hoàng thái hậu (bà vua) và cuối cùng bị cháu nội sai người giết chết.


Nguyễn Dư
(Lyon, 11/2001)