-
Rồng Rắn - Lê Thị Huệ
Kỳ chót
MỘT KHÚC NỘI CHIẾN
Chiều thứ bảy. Bích Chi cho học trò bãi sớm. Về nhà. Vậy mà hết một buổi chiều.
Trời Pleiku tháng mười một. Lạnh. Mưa dầm dề. Những cơn mưa mỏng manh lê thê ngày này kéo sang ngày khác. Bầu trời luôn luôn ủ ê mây xám dày thấp. Cả thành phố nhuộm màu đất đỏ. Tường nhà nhuộm đỏ, đường trượt đất đỏ, áo quần lấm lem bụi đỏ. Cái hẻm nhà Bích Chi trọ be bét bùn đỏ vào đến sân nhà.
Thấm thoát mà Bích Chi ở đây đã sang mùa rét thứ hai. Tuần rồi hai vợ chồng Cảnh, đồng nghiệp lớn tuổi trên trường ghé qua đây. Toán, vợ Cảnh thúc giục: "Cô về ở với vợ chồng tụi này. Nhà có lầu, cao ráo sạch sẽ. Chứ cô ở chi cái chỗ này. Trông lam lũ quá đi mất". Bích Chi ầm ừ. Nhưng vẫn chưa dứt khoát.
Ngôi nhà ở trong một cái hẻm gần sân vận động. Bích Chi ở chung với hai mẹ con chị Bồng vợ một trung sĩ thuộc cấp thân cận của Hưng. Khi trở lại đây mùa khai giảng thứ hai, Bích Chi phải kiếm một chỗ ở mới. Vợ chồng trung sĩ Bồng đã nhanh nhẩu: "Ngôi nhà này của ông chú em cho thuê. Trung úy nói với cô ở tạm đây để vợ em lo cơm nước cho".
Hai người đàn ông đi mút mùa. Không phải là đi chơi mà là đi hành quân.
Tối tối chị Bồng dọn dẹp nhà cửa xong nằm ôm con và ôm cái radio nghe cải lương ở sau nhà. Bích Chi chấm bài học trò và đi ngủ sớm. Đêm đêm hai người đàn bà đóng chặt cửa trước cửa sau. Mỗi người làm một việc nhưng cả hai đều ngong ngóng tiếng xe jeep đỗ phịch trước nhà. Mỗi lần có tiếng xe jeep là họ bật dậy như cái lò xo. Rồi tiếng nói, tiếng cười, tiếng ồn ào.
Những ngày hai người đàn ông về phép ngôi nhà mở cửa toang hoang. Đèn thắp sáng quá nửa đêm. Có khi họ kéo lính tráng về làm gà làm vịt ăn nhậu. Có khi đàn địch ca hát. Và tiếng huyên náo từ sân trước ra sân sau không ngừng nghỉ.
Những ngày họ ra đi cánh cửa lớn thường khép kín khép kỹ lại lúc trời vưa tối.
Chị Bồng vừa ẵm con qua nhà hàng xóm. Chị nói chị ra đầu ngõ và trông chừng cho. "Hễ tui thấy xe trung úy về là tui kêu cô liền đó".
Ai đưa em đến chốn này. Và những chiều thứ bảy chờ đợi còn hơn chinh phụ chờ chồng lính thú ngày xưa. Bích Chi nhìn lên tấm hình trong khung gỗ thông trần truồng không lồng kính. Tấm hình chụp lúc nàng vừa lên đây. Chàng sĩ quan đứng cạnh cô giáo mới ra trường còn mặc áo dài trắng đi dạy học. Cái miệng cười mà cái tay thì choàng qua vai. Không có cười gì hết. Bích Chi quay mặt qua hướng khác. Hẹn là về từ trưa. Mà mãi sáu giờ chiều rồi vẫn chưa thấy.
Bích Chi thay áo quần và lên giường trùm mền. Vừa thiêm thiếp đã nghe tiếng chị Bồng reo lớn trước cửa:
- Về kìa. Trung úy về kìa cô ơi.
Tiếng xe gắn máy chứ không phải xe jeep như thường lệ. Chàng chỉ chuồn về một mình chứ không phải đơn vị về dưỡng quân nên trung sĩ Bồng không về cùng.
"Trông em gầy đi. Hưng nói khi cả hai ra phố ăn cơm chiều. Hay vì em không hợp phong thổ xứ này. Hay em làm đơn xin hoán chuyển về dưới ấy từ từ trước đi". "Ờ. Ờ. Để từ từ em xem lại sao. Chi trả lời ầm ờ. Hôm nay anh về sớm là xem xi nê được rồi. Rạp Diệp Kính mới chiếu phim James Bond 007. Em nghĩ anh thích". Chàng ký đầu nàng: "Lại đoán mò".
Người lính không giỡn như thường lệ. Ngồi trầm ngâm khi hai người vào một quán cà phê. Quán nước đông đặc lính. Lính tuông ra đầy phố. Ngó bên trong cũng lính. Ngó ra ngoài cũng lính. "Anh kể chuyện gì đi. Em thích nghe anh kể chuyện. Bích Chi vừa nói vừa cười. Em không thích khi anh im dễ sợ. Trông anh dữ quá. Trông anh giống như ông Ba Bị làm em hơi sợ sợ".
- Không chuyện gì ra chuyện gì cả. Chàng nói.
- Có chuyện gì đây?.
- Mới nhận được thư nhà.
- Nói sao lâu quá con trai không về phép.
- Không.
- Nói sao lâu quá con trai chưa cưới vợ.
- Không.
- Không đoán nữa đâu. Giọng nàng nũng nịu.
Người lính hít một hơi thuốc.
- Bà già anh bị bắt. Chàng nói.
Thiếu nữ tròn xoe mắt:
- Hở.
- Không biết buôn bán làm ăn với Việt Cộng sao đấy.
Chàng bỗng buông tiếng chửi thề bâng quơ. Không kịp đỡ.
Và chàng bắt đầu gọi chai bia 33.
- Anh đừng uống bia nữa. Bích Chi nói.
- Em muốn đi. Chàng đứng bật dậy và nói. Đi thì đi.
Cuộc dạo bộ ngoài đường phố không lời đối thoại. Hai người đi lầm lũi bên nhau. Thành phố đã lên đèn. Gió lao xao trên những lùm thông. Lạnh buốt. Mỗi người co ro đút tay vào bâu áo riêng mình.
Đi qua hết hai con dốc. Người lính đi chậm lại, gần nhau hơn. Chàng rút từ bâu áo trên ra một chiếc còng Thượng mới tinh. Chàng nắm lấy tay người con gái:
- Có món quà cho em. Chàng nói. Anh quên.
Người thiếu nữ im lặng một lúc rồi mới nói:
- Chúng mình cứ thế này mãi.
- Anh xin lỗi.
Nàng tiếp tục:
- Bắt đầu là những chờ đợi. Những mong ngóng nhau. Nhưng gặp nhau là những chuyện đâu đâu cứ xảy ra. Bao nhiêu lần như vậy. Cứ hết chuyện xong đến chuyện nọ. Rồi dày vò.
Và nàng lắc đầu:
- Em không hiểu được chuyện gì đang xảy ra.
Chàng choàng tay qua vai nàng và nhẹ giọng:
- Em đã chịu đựng bao nhiêu buổi chiều như thế này với tôi.
Chàng nói những điều gì đó. Bích Chi nghe rào rào quanh lổ tai. Tiếng gió rít trên những rặng thông. Và hơi thở đầy men nồng của chàng.
Đến một đoạn nào đó giọng chàng như vỡ bờ:
- Cái thằng anh của anh đấy. Anh quên nó mất rồi. Em đừng nghĩ vì nó mà buổi chiều nay thế này. Những thằng lính như bọn anh. Mẹ. Thằng nào mà trong nhà không có một người thân theo Cộng Sản. Hừm. Cái đíu gì là Cộng Sản với lại Quốc Gia. Chiến tranh này chả ra cái quái gì.
Anh hành quân đụng độ toàn bọn chính quy Bắc Việt. Chúng nó có mục tiêu. Chúng nó liều mạng. Thí quân không tiếc. Lần vừa qua không đụng lớn. Một trận nhỏ. Nhưng một thằng lính anh rất thương vừa mất. Em nhớ thằng Tôn mấy lần về nướng thịt hươu cho em ăn không. Nó một vợ ba con. Bị bắt đi lính. Mới ban đầu vào nó như người mất hồn. Sợ đi lính quá. Nên anh giao cho nó ở bên ban hỏa đầu quân. Vậy mà kỳ vừa rồi nó ăn ngay một quả của bọn chó đẻ ấy pháo vào hầm. Em thấy không. Lính ở đây là lính bị bắt bị kêu đi. Không ai muốn đi lính đâu em. Nếu bọn họ không vào đây thì những thằng như thằng Tôn thằng Bồng đã ở nhà làm ruộng. Bọn họ nhân danh giải phóng cái con mẹ gì đó. Chứ còn những thằng lính này nhân danh cái gì? Em biết bọn lính như bọn anh từ thằng chỉ huy cho đến thằng lính đánh trận bất đắc dĩ. Đánh giặc mà tim còn xao xuyến. Đi qua những làng mạc còn thương những buôûi chợ quê gà vịt kêu xao xác. Có đứa vừa đi hành quân vừa xách theo đàn ca hát. Có đứa sợ quá đào ngũ. Có đứa biết trong đơn vị có thằng theo Việt Cộng nhưng không nỡ tố. Có đứa như anh đây thằng em đi đánh nhau với Việt Cộng còn thằng anh lại theo Việt Cộng.
Em thấy không. Chúng ta không muốn hơn bọn chó đẻ ấy về mặt tàn ác. Chúng nó sẵn sàng tung quân cảm tử. Sẵn sàng huấn luyện những thằng khủng bố ôm bom nằm gầm cầu, ôm bom nhảy vào xe tăng để giải phóng Miền Nam. Còn chúng ta, chúng ta là những người hiền lương. Chúng ta không thể làm những điều tàn ác như chúng. Không thể xúi lính cảm tử như chúng. Không ra Miền Bắc giải phóng ai cả. Không nỡ giết kẻ thù khi bắt được. Không nỡ tố kẻ thù khi thấy chúng là anh em mình. Chúng ta là những kẻ tự vệ. Từ thuở nào đến nay đã chiến tranh thì hai bên đều lâm trận xáp lá cà. Quyết chiến. Chứ có chiến tranh nào gọi là chiến tranh tự vệ…
Nói cho đến lúc kiệt sức. Nói cho đến khi trời đã đêm thâu. Nói ngoài đường. Nói về đến nhà. Nói ngoài hiên. Hai người về đến nhà, ngồi co ro lúc rúc mãi với nhau trước hàng hiên…
Một chiếc xe gắn máy đỗ lại trước hiên nhà. Ánh đèn quệt vào chỗ hai người đang ngồi.
- A. Một người lính reo lên. Biết tẩy ngay. Thế nào mày cũng mò về đây.
- Bọn tao cũng mới Vùng Một về hai bữa nay. Người lính khác nói. Đang dưỡng sức.
Họ mừng rỡ như lâu năm mới gặp lại nhau. Những người đàn ông họ bắt mùi nhau đang ở đâu và đang làm gì sao mà nhạy thế. Bích Chi nghĩ thầm.
- Đi với bọn tao chứ. Người lính có bộ ria mép rậm rì kết luận ở cuối những câu thăm hỏi. Về đây mà.
Bích Chi nói:
- Anh có bạn. Anh cứ đi với họ đi.
Nói rồi nàng bỏ đi vào trong nhà. Đóng cửa một cái rầm. Và khóa chặt.
Họ đi uống rượu. Đến một giờ sáng.
Rồi một cái động xẹp sau chợ nhỏ. Căn nhà gỗ mái tôn ọp ẹp. Người đàn bà tuổi ngoài bốn mươi, mái tóc uốn quăn tít, tay sơn móng đỏ chói, đang ngồi ăn hột vịt lộn với mấy cô gái. Thấy bọn lính vào người đàn bà lật đật dẹp mâm hột vịt lộn qua một bên. "Anh Hai, anh Ba giờ này mới lợi. Dữ hôn". Quay sang mấy cô gái, người đàn bà ngoắc tay: "Nè em Tuyết, Huệ, dọn lè lẹ lên. Coi vô lấy nước cho anh… Anh gì đây". "Anh đíu gì cũng được". Hưng nói. "Trời. Người đàn bà nhìn Hưng và nói. Ảnh làm gì mà cái mặt ảnh đỏ quá. Tuyết, em coi ảnh có uống quá không. Pha cho ảnh ly nước chanh. Lè lẹ lên". Hưng gặp một em quen. Em từ Sài Gòn lên đây làm ăn với lính Mỹ nay đồng minh về nước em lại ta về ta tắm ao ta. Chàng ôm em đẩy xuống giường. Cái nền nhà đất sát cái hè sau khai khai mùi nước tiểu. Chàng vật vã. Khuôn mặt chàng co rúm. Chàng đau đớn. Nỗi đau đớn chạy suốt trí óc mà thân xác thì trái ngược thúc hối rộn rã ghì chàng xuống cái thân xác phía dưới cho đê mê. Trí óc chàng như muốn vỡ bùng. Và chàng tưởng chừng như khuôn mặt Bích Chi phủ trùm lấy khuôn mặt phía dưới. Chi. Chi. Chàng gọi tên nàng trong vùng sương khói của cảm xúc và trí óc. Anh yêu em vô cùng. Nhưng anh đã phải ôm ghì một con điếm thay vì ôm em. Em nhởn nhơ và thơm tho như một giòng suối mà anh phải quay mặt. Anh đã cúi xuống bao nhiêu xác người. Anh đã đè xuống bao nhiêu con điếm. Nhưng còn em, em bé nhỏ mảnh mai và rực rỡ như những bông hoa mai tinh khiết đầu năm. Anh ngưỡng mộ em. Hỡi em cao cả của anh. Em ở trong tay anh mà sao em xa anh quá. Đã bao nhiêu lần anh muốn hiếp em. Nhưng anh đã không làm nổi. Anh sợ xúc phạm đến em. Em càng hồn nhiên càng rộng lượng với anh với đời với mọi người anh càng thấy xa em. Anh không đáp lại được tình yêu em. Hãy tha thứ cho anh."
Cẩm Sa nấu một nồi bồ kết. Rồi để nước nguội. Thau bồ kết nhàn nhạt màu mật ong lắng đọng trong veo. Cẩm Sa đưa từng gáo dội lên mái tóc. Thơm thơm mùi bồ kết tinh khiết. Một trái chanh chà sát lại mái tóc cho sạch. Và cuối cùng là những gáo nước giếng vừa kéo lên như mưa tuôn róc rách mát rời rợi trên mái tóc. Mấy tuần nay rồi mới có được chút thời giờ rảnh rỗi nấu bồ kết gội đầu. Bận rộn quá cứ phải gội bằng xà phòng hoài là Cẩm Sa không ưa.
Nàng mặc một bộ áo cánh hoa ngâu ngắn tay. Mái tóc còn ướt nước. Cẩm Sa ngồi trên võng đong đưa hong mái tóc. Nắng mười giờ đã bắt mùi khô khô của mùa hè. Nàng vừa chải tóc vừa líu lo hát nho nhỏ những câu hát lung tung bài này nhảy qua bài nọ mà nàng có thể nhớ được.
Cẩm Sa đang ngồi chờ Phương về để chở ra bến xe về thăm gia đình nàng.
Nhớ đến những điều lần đầu tiên đã nói cho chồng nghe đêm qua. Rồi những mẫu chuyện trong bữa điểm tâm sáng nay. Sáng nay hai vợ chồng dậy muộn. Đĩa xôi bắp trên bàn ngon miệng. Cẩm Sa thong thả nhẩn nha những hạt bắp giữa mùa vừa dẽo vừa ngọt vào cuống họng.
- Thứ tư ni mười giờ là mẹ được thả rồi. Cẩm Sa nói với chồng. Anh đã biết nhưng chị Thanh dặn em là nói với anh làm ơn đừng bỏ nhà đi đâu thứ tư. Mà mẹ về không có anh ở nhà.
Phương không nói gì. Bỗng để dĩa xôi bắp đang ăn dở sang một bên rồi uống cà phê.
Cẩm Sa nhìn chồng và tiếp:
- Em không biết mẹ về rồi anh ăn nói làm răng. Hôm qua em đưa cơm cho mẹ. Mẹ hỏi anh có còn bị mất ngủ không thì đi hốt thêm thuốc ông thầy Sáu về mà uống. Mẹ không hề phiền trách anh nửa lời.
Ăn luôn phần xôi bắp để dở của chồng xong. Thấy Phương cũng không đả động gì đến câu chuyện quan trọng là bà Hòa sau hơn một tháng bị giam giữ và phải nhờ vào sự can thiệp của bao nhiêu người mới được lệnh tạm tha, Cẩm Sa cầm lời không đặng:
- Anh cũng quá trời. Hơn tháng mẹ ở trong tù vậy mà anh không đưa cơm cũng không chịu vô thăm mẹ một lần. Anh cứ nói sắp ra sắp ra. Em chưa thấy ai kỳ lạ như anh. Anh phải biết là mấy người ở trong tù họ mong gặp thân nhân ghê lắm.
Nhưng khi chàng đã không nói thì dầu cạy họng chàng cũng im lờ im mãi im hoài. Cẩm Sa quá biết, nên nàng đổi đề tài.
- À anh, nàng nói, mẹ cứ hỏi anh Quảng miết thôi. Anh có biết họ giam anh Quảng chỗ mô không.
- Không. Phương nói.
- Chị Thanh nói hễ biệt giam là không ai được vô thăm hết. Mẹ thương anh Quảng thiệt. Hễ nói đến anh Quảng là mẹ khóc. À anh, hồi đêm hôm qua em nghe anh Giao nói với anh chuyện chi mà Việt Gian với Việt Cộng. Bộ anh Quảng là Việt Gian chớ không phải là Việt Cộng à.
Phương mĩm cười nhìn vợ:
- Việt Gian với Việt Cộng cùng một nòi. Chàng nói.
- Cái ông Giao nớ to mồm thiệt. Đến nhà người ta nửa đêm mà cứ Việt Gian với Việt Cộng oang oang sang nhà hàng xóm cũng nghe. Ngươi chi đâu mà nói to nói dài nói dai quá sức.
- Anh Giao hay nói đùa ấy mà.
- Đùa giỡn cái chi. Nhà người ta đang có chuyện mà lại sang sảng lên cái chi mà hễ dăm bảy người Việt Nam chung lại là cũng có một tên có khuyh hướng đào tẩu xổng chuồng phản bội là vì muốn làm ngược ngạo với mọi người một cái chơi. Căn cứ ở chỗ mô mà anh Giao nói như rứa.
- Căn cứ ở trong máu người ta. Phương bật cười và nói.
- Mà anh cũng không được nói theo anh Giao. Cẩm Sa gắt lời chồng. Trong nhà đang có người theo bên ni người theo bên tê. Đáng lẽ anh phải gạt những chuyện như rứa đi chớ. Đây anh lại làm như đắc ý với anh Giao.
- Chứ em không thấy lịch sử nước mình hễ có bốn anh chống Tàu thì một anh theo Tàu. Ba anh chống Tây thì một anh được Tây nuôi. Nói đâu xa nhà này nếu mọi người cùng theo Cộng Sản hết hay mọi người đều theo Quốc Gia hết thì mọi chuyện đã xảy ra cách khác.
Cẩm Sa nhìn chồng đïăm đăm, sững người ra một lát. Rồi mới nói:
- Anh đúng là một người ưa chuyện trên trời dưới biển. Em để ý hễ mà đụng mấy chuyện như ri là anh nói liền. Còn có những chuyện mặc ai nói đông nói tây chi anh cũng không mở miệng là tại răng rứa.
Chồng âu yếm nhìn vợ. Cái giọng Quảng Nam rơi rớt vào miệng một loại đàn bà con gái dòn giã liến thoắng mặt mũi tươi rói. Chuyện gì nói cũng được. Thứ gì đặt câu hỏi cũng ra.
- Hôm nay trông em đẹp. Chàng nói.
- Ơ ơ cái anh ni. Cẩm Sa bẽn lẽn. Anh nói cái chi chi thì tài lắm.
Những chuyện chi chi vậy mà dạo gần đây cứ nổ giòn mỗi tối trước khi đi ngủ, mỗi khi chỉ hai vợ chồng với nhau. Càng sống lâu lâu cạnh chồng, Cẩm Sa càng thấy quấn quít chồng hơn. Đến độ chỉ xa Phương một ngày là đã thấy nhớ lắm lắm.
Đêm hôm qua, nàng mới nói cho chàng nghe. "Anh biết không em nói cái ni mà anh không được cười em. Hồi nhỏ em thích thích anh là vì thấy ai cũng thích anh hết trơn à. Hồi em làm đám cưới với anh, chị Kim Yến nói trước mặt em, tao tưởng anh Phương cưới ai ngoài Huế ngoài Đà Nẵng hoa khôi hoa hậu chi chớ. Ai ngờ cưới một con nhỏ thường như mi. Mấy con bạn của chị Kim Yến, kể cả chị Kim Yến, em biết mà, đều yêu thầm anh hết. Đi học là cứ phải đi qua đường nhà anh thôi. Mỗi lần anh mà lại nhà anh Lợi chơi anh có để ý là mấy chị cứ hay ngồi ở sau cái thành hẻm bếp nhà chị Kim Yến đùa giỡn nói chuyện không. Cái hẻm nớ con Xoa nói toàn mùi hèm heo rứa mà chị hắn siêng quét dọn lắm. Tại cái hẻm nớ nhìn lên là cái cửa sổ phòng anh Lợi có anh hay đến ngồi chơi chớ gì nữa. Hồi nhỏ sao mà em thấy nhiều người thích anh quá nên em cũng thích mà không biết tại răng. Trong đầu em chỉ nghĩ lớn lên em sẽ gặp một người giống anh như đúc vậy là rồi tự nhiên lớn lên em lấy anh…".
Bây giờ ngồi nhớ lại, Cẩm Sa nghĩ, đêm hôm qua mình không đủ mạnh dạn nói em đã yêu anh từ hồi nhỏ mà đâu có biết. Và em đã từng mơ ước lớn lên nhất định sẽ lấy anh làm chồng. Và em đã làm được điều này, anh biết không.
Cẩm Sa về đến nhà hỏi thăm ba má câu trước câu sau xong là vù sang nhà cô Thái.
Cô Thái đã có ba đứa con. Chồng cô Thái là đại úy đóng tận Quảng Tín mỗi năm chỉ về nhà với vợ con độ dăm bảy lần. Cô Thái sợ chồng có tiếng. Cô rất ít khi ra khỏi nhà trừ những khi ra chợ và đi những việc cần thiết. Kể từ ngày gia đình dọn ra ở gần nhà cô Thái đã lập gia đình, mỗi lần về thăm nhà thường sang nhà cô chơi và trở thành thân thiết. Chuyện chi cũng mang ra kể.
Cô Thái luộc một rổ khoai rồi mang ra. Hai cô cháu hít hà những củ khoai lang trắng bùi ruột còn nóng hổi. Cô Thái hỏi Sa:
- Khi mô mới có con.
Cẩm Sa mĩm cười, theo bóc vỏ nửa củ khoai, không trả lời.
- Ơ cái con ni, cô Thái tiếp, lấy chồng rồi mà còn mắc cỡ.
- Kỳ lắm cô ơi. Cẩm Sa nói lí nhí trong miệng.
- Kỳ cái chi. Chuyện vợ chồng ai cũng rứa hết.
- Không phải. Cẩm Sa nói. Cháu có cái ni muốn hỏi cô mà ngại quá.
- Chuyện chi. Chuyện chi.
- Cô có cảm thấy cái chi không.
- Cái chi là cái chi.
- Chuyện nớ a tề.
Người cô trả lời ngay không ngập ngừng.
- Té ra mi muốn hỏi chuyện nớ. Cô làm ra vẻ thông thạo. Rứa mà nãy chừ nói cái chi vòng vòng. Ôi không có chi lạ lùng hết. Đàn bà là để thoả mãn cho đàn ông thôi. Làm là vì bổn phận làm vợ.
- Cháu nghe cô nói vậy. Cháu về nói cho anh Phương nghe anh Phương nói ai nhét vô đầu em những ý tưởng tội nghiệp như thế. Anh Phương đặc biệt lắm cô ơi.
- Đặc biệt cái chi. Cô Thái nhìn Cẩm Sa. Kể tao nghe coi.
- Kỳ lắm cô ơi. Không hiểu sao mà trong khi mẹ anh Phương bị bắt cháu anh Phương khác khác. Cháu thấy làm như anh Phương thích gần cháu hơn, chuyện trò với cháu nhiều hơn, để ý đến cháu hơn. Sao lạ. Đáng lẽ như người ta thấy mẹ bị bắt là buồn biết mấy. Đằng này làm như anh Phương ngược lại.
- Kiểu nớ là phải dọn ra riêng rồi.
- Tại răng.
- Khỏi cảnh con dâu mẹ chồng kèn cựa thằng con trai.
- Không. Cẩm Sa nói. Cháu với bên nhà anh Phương không có chuyện chi hết. Chỉ có chuyện giữa cháu với anh
Phương mà thôi. Cháu lấy làm áy náy vì nhiều khi không hiểu được anh Phương. Anh Phương mang lại hạnh phúc cho cháu, cởi mở nhiều điều trong đầu óc cháu. Anh Phương là con người trí thức đối xử với cháu nhẹ nhàng dễ thương lắm chứ không thô lỗ cộc cằn bao giờ. Nhưng cháu thấy làm như cháu không mang lại cho anh Phương hạnh phúc thì phải. Cháu cố gắng nhưng làm như một mình cháu không đủ mang lại cái gì gì đó làm cho anh Phương vui hay buồn.
- Ối. Cô Thái cắp cái rổ khoai đã sạch, đứng lên và nói. Đừng có nhiều chuyện. Cần chi hiểu cần chi thắc mắc. Người ta lớn lên lấy chồng lấy vợ ở với nhau sanh con đẻ cái cho qua ngày qua tháng đến già chết thì chui xuống lổ. Con người ta ai cũng rứa hết. Cứ nghĩ như rứa là thấy mọi chuyện sướng khổ ở đời đều như pha. Cứ rứa mà sống là khỏi mất lòng ai khỏi ai mất lòng mình.
KẺ TRỞ VỀ MỘT MÌNH
Chiến tranh gia tăng khốc liệt sau tháng giêng ta ăn tết vừa xong.
Trời đang chín tới mùa xuân. Những mảng đất đỏ quanh tường nhà sắp sửa ráo. Mùa xuân chỉ còn thỉnh thoảng phất phới vào những buổi chiều mây xám giăng. Những ngày thứ bảy và chủ nhật trời tinh mơ, lành lạnh. Nắng mới tràn ngập trên giàn lá non sau chiếc cửa sổ phòng nàng. Những hàng thông hai bên con đường lá xanh tắm rũ mình tắm gội một mùa mưa nàng đi dạy về, nay trở mình vi vu đón nắng mới trong vắt mỗi sớm mai nàng đến lớp gặp lại những khuôn mặt học trò nay đã thuộc tên.
Một tuần lễ nay mọi sinh hoạt bình thường ấy đã đột ngột thay đổi.
Bích Chi về nhà.
Một mình nàng lui cui ra phi trường khi mọi người đã rộn ràng di tản xuống quốc lộ 19. Xuống Quy Nhơn. Gia đình nào sung túc hơn thì di tản bằng máy bay vào Sài Gòn.
Đầu tháng ba. Mặt trận sôi động từ khắp nơi. Cộng Sản tấn công mọi nơi. Tấn công miền giới tuyến Quảng Trị. Tấn công cao nguyên Kon Tum. Tấn công đồng bằng An Lộc. Và dân chúng tá hỏa tam tinh chạy di tản. Quảng Trị chạy về Huế về Đà Nẵng. Kon Tum chạy về Pleiku. Pleiku chạy đi Quy Nhơn chạy đi Sài Gòn. Tỉnh này di chuyển sang tỉnh khác. Cả thành phố này chạy sang thành phố. Dân chúng bám vào bất cứ thứ gì có thể bám được. Máy bay, xe hơi, xe đạp, cả con đường xa lộ chân trần, để di tản.
Người ta chạy trốn hai thứ: bom đạn và Cộng sản.
Ngôi trường trung học Bích Chi đang dạy đã đóng cửa. Mấy hôm nay hai người đàn bà ở nhà lóng ngóng. Chị Bồng hết chạy ra phố lại chạy qua nhà hàng xóm. Mỗi lần bước vào nhà là một lần ré lên:
- Ai cũng đi tản cư hết rồi cô ơi.
- Trời ơi mấy cái nhà trước đường người ta thuê xe rau dọn hết giường tủ chó mèo con cái đi sạch bách.
- Thôi rồi. Anh Tư em với trung úy vậy là kẹt lại trận Kon Tum rồi. Nghe nói đang đánh nhau trên trển lớn lắm.
Những chiếc bánh chưng bọc lá chuối xanh, những bịch bánh kẹo mứt dưa của gia đình gửi lên cho Hưng. Bích Chi mang lên sau tết vẫn còn bày ra đấy. Lần gặp nhau cuối cùng là hôm hai mươi lăm tháng chạp, chàng còn ở hậu cứ. Từ hôm nàng về ăn tết lên đến nay, nàng chưa gặp lại chàng.
Nhận được điện tín của cha mẹ đánh lên kêu gọi con gái về gấp. Bích Chi ra nhờ người bạn lấy vé máy bay về Đà Nẵng.
Chị Bồng quê ở Phú Yên, chạy hết quốc lộ 19 là về đến quê. Nhưng chị ở lại đợi tin chồng. "Thôi để em ở lại, chị nói, cô cứ về nhà đi. Em giữ mấy thứ này cho. Hễ trung úy về đây được em nói trung úy là cô chờ lâu quá hổng được. Giờ cô về dưới rồi".
- Mà cô đi ngược ra đó chi. Chị tiếp. Người ta đi vô chớ ai đi ra đâu cô.
- Dầu sao ngoài kia cũng còn ba má tôi. Bích Chi nói.
Chị Bồng nhìn Bích Chi chăm chút gói những gói quà của Hưng vào những tờ giấy báo.
- Gói này là cà phê tôi mang lên, Bích Chi dặn. Đây là kẹo và bánh tôi mới làm cho anh ấy.
- Nhiều khi em thấy cô với trung úy em thương ghê. Chị Bồng chép miệng. Trung úy cứ đi hành quân hoài. Chắc cô buồn.
- Anh Bồng cũng đi hành quân hoài vậy.
- Em quen rồi cô ơi. Nguyên cả họ hàng nội ngoại nhà em chỉ có bà cô thứ hai của em là sống đến ngoài sáu mươi còn chồng. Còn mấy bà cô mấy bà chị em người nào không góa chồng thì cũng không ở chung với chồng. Cả cái làng em giờ chỉ còn ba phần đàn bà một phần đàn ông ở nhà làm rẫy thôi hà.
- Thời buổi chiến tranh. Chi nói.
- Đâu phải mới bây giờ thôi đâu cô. Chị Bồng nhọn mỏ lên tiếp. Bà cố ngoại em cũng chồng đi kháng chiến. Ba em đi tập kết từ hồi nào đến giờ em có thấy mặt mũi ổng đâu. Còn mấy chị em em. Người có chồng bên này người có chồng bên kia. Hổng ai có chồng ở nhà hết.
- Nói vậy chị có nhớ anh Tư không.
- Quen rồi cô ơi. Em thấy cả làng cả họ em ai cũng có chồng mà cũng như không. Riết rồi quen rồi cô ơi. Em có con em út kế chưa lấy chồng. Má em nói thôi đừng có lấy chồng làm chi. Ở vậy với má em cho rồi chớ đàn ông lấy họ, họ ưa đi đánh nhau. Mất công chờ họ hà.
Phi trường nhộn nhịp nhưng ai cũng tranh dành mua vé về Sài Gòn. Không ai mua vé ra miền giới tuyến khói lửa. Chuyến bay rộng thênh thang.
Chiếc xích lô đậu lại trước nhà. Bà Hoài Sơn ôm chầm lấy con:
- Út của mẹ về đây.
Gia đình các anh chị Bích Chi phân nửa đã chạy vào Sài Gòn. Đà Nẵng tiếp đợt dân từ Quảng Trị và Huế chạy vào. Người ta chạy lòng vòng trên một đất nước khói lửa và bom đạn mù mịt như đám kiến chạy lòng vòng trên miệng chén nước đầy.
Ngôi nhà chỉ còn cha mẹ Bích Chi chờ cô con gái út. Ông Hoài Sơn ở nhà. Ngôi trường tiểu học của ông nay thành trạm tiếp cư. Ông hết đi ra phố mua báo để gặp người này người kia, lại về nhà ôm đài nghe bình luận tin chiến sự.
Mẹ Bích Chi đi xuống nhà dưới rồi lại đi lên nhà trên. Thấp thỏm không biết có nên đi Sài Gòn không.
- Thấy có người cũng ở lại. Bà Hoài Sơn nói. Đi đâu cho xa xôi. Thời buổi chiến tranh. Có chỗ nào yên nữa mà đi.
Ngồi nghe tin chiến sự quanh cái radio ở bàn ăn, Bích Chi hỏi cha:
- Cha nghĩ là cuộc chiến này khi nào mới chấm dứt.
Ông Hoài Sơn nhìn đứa con gái nhỏ nhít ngày nào. Bây giờ đã trở thành giáo sư sử địa trung học.
- Cha ước gì cha có thể trả lời cho con câu hỏi này. Ông nói. Cuộc chiến này nó không đưa đất nước này đến đâu cả. Nó không phục vụ đất nước này. Có những lúc chiến tranh cần thiết để phục vụ sinh mệnh quốc gia, để giữ gìn bờ cõi, để giải phóng con người, để mang lại tự do, để mang lại no cơm ấm áo cho người dân. Cha chưa nhìn thấy một mục tiêu nào kể trên trong cái cuộc chiến hiện đang xảy ra ở xứ sở này. Đất nước chia đôi vì sự xếp đặt của ngoại bang và vì sự hèn kém của chúng ta. Và cuộc chiến này đang phục vụ cho những tham vọng cá nhân. Chỉ vì ông Hồ Chí Minh có giấc mộng biến nước Việt Nam thành một nước Cộng Sản mà ông ta đã xô đẩy bao nhiêu người vào cuộc nội chiến giữa hai miền này. Đó là tham vọng của riêng ông Hồ Chí Minh. Một tham vọng rơi đúng vào tham vọng của những người muốn bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản quốc tế. Những người ở tận nước Nga, ở Tàu, ở Âu Châu. Và những người Mỹ đã đến đất nước này cũng chỉ vì quyền lợi của họ. Họ tranh giành quyền lực với người Nga người Tàu. Họ đổ bao nhiêu vũ khí tối tân để phô trương quyền lực của họ. Tất cả bọn họ cấu kết lại thành một thứ hàm răng cá mập nuốt chửng hết bao nhiêu mạng người ở xứ sở này. Chẳng ai thương tiếc gì dân ta đâu nếu ta không biết thương dân ta.
- Chỉ vì tham vọng của những cá nhân. Bích Chi nói. Chỉ vì quyền lợi của những quốc gia ở mãi đâu đâu. Mà đất nước này lao vào cơn lốc chiến tranh. Thật là kinh khủng.
- Đừng đổ lỗi cho ai hết con ạ. Cha nàng nói. Chính chúng ta đã phải trả giá cho sự ngu dốt của mình.
Buổi tối cha nàng thường theo dõi tin tức chiến sự cho đến khi ông gục thiếp ở chiếc phản phòng ngoài. Bích Chi nằm trò chuyện với mẹ. Nàng nằm trên chiếc giường của mẹ. Nàng ôm ngang bụng mẹ. Cái áo trắng cánh tay của mẹ thơm mùi vải sạch và mềm mại quen thuộc.
- Con ốm quá Chi à. Mẹ nàng nói. Từ ngày con đi lên đó con sụt ký. Năm ngoái còn đỡ. Năm nay thì ròm quá sức rồi.
Bích Chi nằm im thin thít nghe mẹ nói. Một lúc sau mẹ nàng mới hỏi:
- Hưng thế nào?.
Bích Chi ngập ngừng:
- Con… chưa gặp lại anh ấy.
- Chưa à.
- Anh ấy bận quân hành liền tù tì.
Người mẹ im lặng một lúc lâu rồi mới nói:
- Chi à, có khi nào con lên chỗ trại ở của anh ấy chưa.
- Anh ấy đóng xa lắm. Mà để làm gì chứ.
- Lên coi thử anh ấy có đi hành quân thật không.
- Hứ. Sao mẹ lại nói vậy.
Bà mẹ vuốt những ngón tay xương xẩu của mình và nói:
- Con thật thà lắm Chi à. Làm sao con tin đàn ông con trai được. Lỡ hắn về hắn đi thăm con nào rồi làm sao con biết được.
Rồi bà đọc ca dao tục ngữ cho con gái nghe: "Đàn ông năm bảy lá gan. Lá ở cùng vợ lá toan cùng người."
- Không đâu mẹ ạ. Con gái của bà nói. Làm gì có chuyện đó.
Bà đưa tay vuốt tóc con gái. Những sợi tóc đen thẳng và mượt như mái tóc của bà thời con gái.
- Hưng thương con lắm. Bà nói. Mẹ biết. Nhưng con phải biết hắn là lính tráng. Tương lai biết ra sao. Con phải nghĩ đến thân con. Nếu lập gia đình với Hưng con có chịu được cảnh chồng một nơi vợ một nẻo. Rồi nói dại lỡ có chuyện gì xảy ra con thành góa bụa à.
Thấy con gái không nói gì, bà lại tiếp:
- Mẹ thấy anh Trí con ông Tâm để ý con. Cũng là giáo sư đi dạy như con.
- Thôi mẹ. Bích Chi nói. Ai lại làm như vậy.
- Con ngu lắm Chi à. Mẹ nàng nghiêm giọng. Con tự ràng buộc con với thằng Hưng.
Rầm. Rầm. Rầm. Hai mẹ con lật đật lăn xuống giường. Những loạt nổ mạnh. Tranh ảnh trên tường rơi xuống sàn. Cha Bích Chi đi vào. Những tiếng đại bác thật gần. "Mẹ con chui vô hầm ngay". Ông la lớn. Cả ba chạy băng vào cái hầm tránh pháo kích được chất bằng những bao cát ở sau vườn. Hỏa châu sáng rực phía núi Non Nước.
Ngày hôm sau trong khi Bích Chi dọn dẹp những ly tách và khung kính vỡ trên sàn nhà. Cha mẹ nàng đang thắp thỏm không biết nên di tản hay ở lại. Nàng biết cha mẹ tuy lo âu thấy tình hình chiến sự một lúc một gia tăng. Mặt trận phía Bắc, Quảng Trị đang diễn ra khốc liệt. Nhưng ông bà không muốn rời khỏi ngôi nhà này để đi đến một nơi xa lạ.
- Hễ cha mẹ không đi. Bích Chi nói. Con cũng ở lại.
Người phát thư đi ngang nhà. Ông ta gõ cửa.
- Có thư đây.
- Thư ai vậy. Mẹ nàng nhốn nháo. Có thư mấy đứa trong Sài Gòn không.
- Có thư Sài Gòn. Có thư cô Chi nữa đây.
Bích Chi mở lá thư có đấu dấu KBC. Lá thư viết trên mảnh giấy học trò mà đã có lần nàng đã cuộn một quyển và nhét vào ba lô Hưng trước khi chàng đi hành quân.
"Kon Tum ngày… tháng… năm…
Bích Chi,
Anh viết vội cho em mấy giòng. Vì anh nghĩ có lẽ giờ này em cũng đã tìm cách về với gia đình. Anh rất mong tin em. Nhận được thư này hãy viết cho anh biết tin của em. Anh đang ở trên đồi Phượng Hoàng. Chung quanh đây những ngôi làng chỉ còn nhà trống toang hoang và những súc vật chạy rong hoặc đã chết không ai lôi đi. Dân chúng trong làng đã bỏ đi gần hết. Những người còn lại không ai dám bước ra khỏi nhà. Bom đạn nổ rền rền hai mươi bốn trên hai mươi bốn. Đã có người đồng đội thân cận nhất của anh ngã xuống bên tay phải anh. Những đêm liền không ngủ. Anh không còn có khái niệm gì gì đó được gọi là thời gian và không gian ở nơi này nữa. Giữa tất cả những gì đang xảy ra này anh nhớ em. Nhớ em rất nhiều. Anh mong mọi điều an toàn cho em và mọi người. Bích Chi thương, dù thế nào đi nữa, dù ở tư thế nào đi nữa, thì anh vẫn tin và tự nhủ với anh rằng anh đang chiến đấu vì em và cho em. Yêu em. Hưng."
Ôi Hưng. Bích Chi ép lá thư vào ngực. Lần đầu tiên trong đời em muốn cầu nguyện. Em cầu nguyện với trời phật cho anh sống sót để trở về. Làm sao em có thể buông bỏ anh trong lúc này. Làm sao em có thể bỏ anh được.
Chiến tranh đang giang tay giang chân vơ vét hết vốn liếng của đời anh và đời em. Nó đang lấy hết ngày xanh, niềm tin và tình yêu của chúng ta. Nó đang bắt chúng ta ngã quỵ. Nó ham hố. Nó tàn ác. Nó liếm sạch hết bất cứ nơi nào mà bàn chân nó bước tới.
Anh yêu, em nhớ mãi lời anh nói "Phải chiến đấu. Nếu không chúng ta sẽ gục ngã thảm hại", trong một đêm khuya nào đó ở đầu đường Quang Trung trước khi anh vào trại. Em đã nhớ áo anh còn đầy mùi thuốc súng. Anh từ mặt trận phía Bắc trở về. Đất cát bụi bặm còn vương đầy mũ áo. Lời nói thảng thốt trong một phút giây bất ngờ đã lay động tận cùng trong em. Trong một phút giây em mới biết rằng chúng ta không còn là một đôi trẻ thơ ngày nào òa vỡ những trận cười và tung tăng những bước chân sáo trên bãi biển Cửa Đại. Trong một phút giây em đã cảm nhận ra rằng em đã lớn dậy cùng với anh. Chúng ta đã phải lớn dậy trong một cuộc chiến thảm khốc để quá tỏ tường rằng nó đang quyết liệt giật anh ra khỏi em. Giật em ra khỏi anh.
Ôi Hưng, em biết cả những lúc anh quơ tay hất đổ những chai bia trên mặt bàn. Đấy không phải là anh. Cả những lúc anh lỗi hên không về kịp. Đấy cũng không phải anh. Em còn nhớ mãi những buổi chiều trên biển Cửa Đại anh xắn quần đi bắt còng về cho em nuôi trong những hố cát. Nụ cười không ngừng trên môi anh. Những câu chuyện nổ giòn giữa hai đứa. Tuổi thơ không có lớp màn đời bao phủ. Em đã nhìn thấy anh quá sức hồn nhiên những lúc em tập xe đạp. Em té lên té xuống giận hờn anh lung tung vậy mà anh vẫn nở nụ cười khoe hàm răng đều đặn khỏe khoắn. Em đã lỡ nhìn thấy một khuôn mặt yêu đời và lạc quan trong anh. Em đã trộm nhìn thấy một khuôn mặt tươi tắn và hồn nhiên của anh trong suốt bao nhiêu năm tuổi thơ và những năm dậy thì. Cho đến ngày anh đột ngột vào lính.
Em không tin rằng anh đang xa dần em. Bởi vì em tin rằng cả những yếu đuối trong anh vẫn không làm sụp đổ được con người nguyên thủy yêu đời và vươn đôi cánh cao cả của anh. Em muốn hiểu anh hơn ai hết. Em muốn yêu anh hơn ai hết. Chúng ta gặp nhau trong định mệnh của nhau. Đó là một điều hơi buồn thảm. Có lẽ vì vậy mà em tin tưởng. Có lẽ vì vậy nên em sẽ không buông bỏ anh. Em không thể để cho anh lẻ loi chiến đấu. Hãy bám lấy nhau mà sống. Chúng ta là cái biên giới cuối cùng. Buông bỏ nhau là chúng ta sẽ trở thành những kẻ chiến bại…
Một buổi sáng cả nhà vừa điểm tâm xong. Tám giờ sáng, giới nghiêm vừa xả. Súng vẫn còn nổ đì đẹt ở hướng núi Hòa Cầm. Ông Hoài Sơn đi ra sạp báo mua tờ báo Chính Luận. Lúc trở về ông báo tin:
- Nghe nói anh Châu chồng của cô Thanh con bà Hòa chết ngày hôm kia trong Hội An.
- Ai nói. Ai nói. Mẹ Bích Chi nhao lên. Đường đang kẹt mà. Tin ở đâu bay ra đó.
- Tôi gặp ông Hai ngoài sạp báo. Ông ta đi theo xe nhà binh mới ra đây tức thời. Nghe nói chết vì bị trúng đạn pháo kích vô ngay tiểu khu.
Oanh và Bích Chi đón chuyến xe đò mở đường đầu tiên về Hội An.
Xe sắp qua cầu Cẩm Lệ, lính chặn lại xét giấy. Đám đàn ông và thanh niên bị hỏi từng người một. Một nông dân mặc bộ đồ đen, đội cái mũ sụp, chìa tấm giấy ra. Người lính nhìn mặt người thanh niên và nói: "Mặt này mà mười bảy tuổi sao. Quê Gò Nổi. Trốn lính hả".
Oanh nhìn qua cửa sổ và buột miệng nói:
- Đ.M. Cái chỗ toàn Việt Cộng.
- Sao mày biết. Bích Chi nhìn sang bạn và nói:
- Ông Quảng từng dấu dấu diếm diếm hẹn với bà già tao ở đấy.
Chi nhìn sững con bạn. Lần đầu tiên nghe Oanh chửi thề. Oanh không nhìn bạn, nói tiếp:
- Đ.M. Lâu lâu chửi thề một cái cho đỡ giận.
Từ lúc đến báo tin cho nó hay anh rể nó mất, mà trước đấy nó đi đâu mất tiêu người nhà không biết ở đâu mà mò, cho đến khi hai đứa ra bến xe về Hội An, mặt của Oanh tỉnh như sáo sậu.
Oanh mặc một cái áo thun màu chuối non bó sát người. Bước đến đâu là những cặp mắt ngó theo đến đó. Cái cổ áo khoét rộng và đôi ngực nhún nhẩy. Oanh cột tóc đuôi ngựa. Cả một mảng vai, ngực, và cổ lồ lộ ra. Trên cổ đeo một sợi dây chuyền vàng tây có hình đầu con thỏ.
Oanh đeo kính râm đậm to gọng lên. Mở xách tay lấy điều thuốc Salem ra phì phèo.
- Chi, Oanh nói, mày thấy tao dạo này thế nào.
- Trông mày đẹp ra, Bích Chi nói.
- Mới đi bơm ngực tốn hơn vạn bạc đó mày ơi.
- Nhìn xem. Hễ mày đi đến đâu là bao nhiêu cặp mắt chiếu tướng.
- Khen thật không đấy.
- Thật mà.
- Nghe từ chính miệng mày khen là sướng nhất.
- Sao vậy.
Oanh không trả lời bạn, tiếp tục hút thuốc lá.
Một lúc sau nó mới nhìn sang Bích Chi đang lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa kính xe. Chiếc xe chạy chầm chậm nhúc nhích từng quãng một.
- Chuyện mày với ông Hưng đến hiệp thứ mấy rồi. Oanh nói. Kể nghe chơi.
- Vậy vậy. Bích Chi nói.
- Vậy vậy là làm sao. Oanh nhìn xéo qua con bạn.
Bích Chi trở người. Không trả lời.
- Dạo này mày chì há. Oanh nói.
Con bạn nó cũng không mở miệng.
- Nhưng mày có chì hơn, Oanh tiếp, thì mày cũng không còn nghĩa lý với tao như ngày xửa ngày xưa.
Bích Chi quay sang nhìn Oanh và sẵng giọng:
- Sao mỗi lần gặp tao mày ưa xách tao ra nói chì nói chiết. Có bao giờ tao nghĩa lý gì với mày đâu Oanh. Mày sống thế nào thì mặc kệ mày. Có bao giờ tao phê bình gì về cuộc sống của mày đâu. Có như vậy thỉnh thoảng tụi mình mới còn gặp nhau. Vậy mỗi lần gặp tao mày cứ nói tao thế này tao thế nọ. Tao mệt quá.
- Mày lúc nào chẳng là bà nội tao. Oanh đốp chát.
Hai đứa không nói gì với nhau một lúc lâu. Oanh hút hết điếu thuốc nữa rồi mới bắt chuyện lại.
- Hồi trong năm tao có lên Pleiku. Oanh nói.
- Sao không đến tao.
- Tao gặp ông Hưng trước. Định sẽ gặp mày sau. Nhưng rồi sau khi gặp ông Hưng tao đã bỏ ý định gặp mày.
- Không nghe nói gì cả.
- Định hôm nào gặp mày nói luôn một thể.
- Nói chuyện gì vậy.
Oanh chéo hai chân lại, chéo hai tay lên chiếc ví cá sấu trên đùi, rồi tuôn dài giọng:
- Mày nghe tao nói nghe Chi. Mày đừng cắt ngang lời tao. Mày cứ để cho tao nói một hơi. Những điều tao chưa bao giờ nói cho mày nghe cả. Nhưng tao biết có một ngày nào đó tao sẽ nói với mày. Sẽ nói hết. Nói sạch. Sẽ không dấu diếm gì nữa. Một lần trong đời.
Nó bắt đầu từ cái thủa xa xưa. Từ lúc tao với mày còn bé kìa. Từ lúc tụi mình còn chơi chung bộ ba tao mày với ông Phương kìa. Tao đã để ý mọi chuyện từ cái lúc ấy. Nhưng mà thôi. Để tao bắt đầu chuyện từ cái hôm tao đi Pleiku gặp ông Hưng. Mày biết tao đi Pleiku làm gì không. Thúc giục ông Hưng lấy vợ. Lấy mày. Tao lanh chanh tao đi chứ ai mà bảo. Một hôm tao về nhà tình cờ nghe bà già than phiền là giục ông Hưng làm đám cưới với mày hoài mà ông ấy cứ lần lửa. Thế là tao ra lại Đà Nẵng nhờ máy bay quân sự của cha kia nhảy lên Pleiku. Lên đến nơi tao đi máy bay trực thăng đến thẳng trại của ông Hưng ở ngay Cầu Số Ba. Ông Hưng thấy tao đi với xếp lớn cũng hơi trố mắt ngạc nhiên. Nhưng đến khi nghe tao nói chuyện bà già bảo tao lên nói như vậy ông ấy mắng cho tao một trận rồi đuổi về.
- Về đây hai tuần lễ sau tao mới lò dò kể chuyện cho ông Phương nghe. Ông Phương thì bao giờ lại chẳng chịu nghe chuyện của mày. Tao hỏi ông Phương nghĩ sao.
- Ông Phương nói sao.
Bích Chi nói khi bỗng nhiên Oanh ngưng ngang và quay sang nhìn nàng chằm chặp.
Oanh cười một chút nhỏ trong miệng sau khi quan sát con bạn.
- Mày biết ông Phương nói sao không. Oanh tiếp. Ông Phương nói nghĩ rằng mày thông minh đủ để biết tất cả những chuyện như vậy. Tao còn nhớ ông ấy nói với một giọng buồn buồn. Tối đó hai anh em ngồi nhắc lại nhiều chuyện về mày. Chuyện thời xa xưa. Tao phải chờ vợ ông ấy đi ngủ mới nói chuyện được.
Mày biết sao không Chi. Nói mày đừng giận chứ nhìn thấy hai ông anh tao đối xử với mày vậy tao có phần mãn nguyện. Hả hê thì đúng hơn. Tao biết mà. Tao biết ông Phương thương mày từ thuở bé. Từ năm học lớp ba mày đến nhà chơi ông Phương đã để dành những sợi dây thun xang đỏ tím vàng mới nhất cho mày.
Cho đến một lần mà tao không bao giờ quên. Lần ông Phương về nhà một buổi chiều thứ bảy. Tao đưa xấp hình tao chụp ông Hưng với mày đi chơi ở chùa Thiên Mụ ngoài Huế. Nhìn bức hình mày ngồi với ông Hưng dưới tam cấp chùa, ông Phương hỏi tao nghĩ sao. Tao nói liền tại chỗ. Tao nói mày với ông Hưng xứng đôi vừa lứa quá chứ còn gì nữa. Ông Hưng rất thương mày còn mày cũng đã từng tâm sự với tao là mày có thương ông Hưng. Cứ nhìn tấm hình xem, hai anh chị đi chơi với nhau cười tươi như hoa mới nở sớm mai đây này.
Tao không nói thật trong bụng tao đã nghĩ gì về mày cho ông Phương nghe. Tao nghĩ gì à. Tao chỉ mong mày đừng được hạnh phúc. Để cho mày biết thế nào là đau khổ. Không biết có đúng không nhưng từ hồi nhỏ tao đã thấy mày với ông Phương hợp nhau dễ sợ. Coi vậy chứ mày với ông Hưng không hợp rơ bằng. Tính tình ông Hưng vất vả dễ làm khổ người khác mà ông này lại không biết quan tâm để ý đến kẻ khác như ông Phương.
- Tao không ngờ một đứa như mày, Bích Chi nói khi Oanh dừng lại và châm tiếp điếu thuốc khác, lại để ý đến những chuyện như vậy. Thật là tao đã không biết nhiều về mày như đã nghĩ.
- Chứ sao nữa. Oanh tiếp. Tao biết mày với ông Phương mới hợp nhau thôi. Tao đã để ý từ hồi nhỏ đến giờ trong cách mày và ông Phương nói chuyện với nhau luôn luôn có một giọng khác. Giọng thân mật âu yếm đặc biệt. Giọng tâm đầu ý hợp tự nhiên như hai người ca sĩ trời cho cái giọng ăn rơ để hát đồng ca với nhau. Tao không nói điêu đâu. Bởi vậy hồi nhỏ tao thấy ông Phương thương mày còn hơn thương tao làm tao ứa gan. Hồi bà già tao mới chỉ có ý định đi hỏi vợ cho ông Phương là tao đã xúi vô rồi. Tao nói với ông Phương là tao biết khi nào mày cũng ráng giữ gìn cái hình ảnh con gái đáng yêu dễ thương của mày như bà tiên dịu dàng đi ban phát tình thương cho người khác. Nên mày không nỡ bỏ ông Hưng đâu. Vì mày là đứa sẽ không bao giờ làm một chuyện như vậy. Dưới mắt mày, ông Hưng là người cần mày ghê lắm. Tao nói tao cũng không biết ở đâu mà mày có cái ý nghĩ quái đản này. Ôi tao nhớ là tao đã nói lung tung nhiều điều về mày. Đại khái là tao chỉ muốn xúi ông Phương nên quên mày đi. Lấy vợ đi cho rồi.
Mày không bao giờ biết đâu Chi. Tao đã ghen với mày từ lúc còn nhỏ. Từ lúc tao biết tao thua kém mày nhiều thứ. Tao không quên được những năm tuổi nhỏ tao như cái bóng lu chìm ở bên mày. Mày có biết trong khi tao không có gì cả. Mày được bao nhiêu thầy cô thương. Mày được bao nhiêu phần thưởng nhất nhì trong lớp. Tao cứ phải nhìn mày thấy mắt mày hai mí, má mày lúm đồng tiền, mày xinh đẹp như búp bế Nhật. Mày ở trên ngôi cao như một công chúa xinh đẹp ngự trị hết bao nhiêu năm tuổi nhỏ tuổi lớn của tao. Tao đã từng mơ ước thèm thuồng được một góc của mày. Những lúc soi gương, những lúc bị bỏ rơi giữa lớp học, những lúc bị bỏ rơi ngay với chính những người trong nhà vì ai cũng khen mày ngoan mày đẹp mày học giỏi. Tao tức giận tao thù mày biết là dường nào.
Nói sôi nước miếng nước mồm. Nói đến những sợi gân trên trán nổi dây nhợ xanh. Oanh mới hạ giọng và ngưng lại. Nó nhìn sang con bạn đang nín khe, thở cũng nhẹ, tay đan tay cũng nhẹ, vạt áo dài tím than thẫm đường chiều vắt ngang đùi không nhúc nhích lay động.
Oanh hút hết hơn nửa bao Salem, châm một điếu nữa, rồi quay sang Bích Chi và bỗng dưng nói:
- Tao tò mò muốn hỏi mày điều này.
- Điều gì vậy. Bích Chi nói.
- Mày đã ngủ với ông Hưng chưa.
- Lạng quạng có bầu như chơi. Bích Chi nói nhỏ.
Oanh bật cười khẩy một chùm tiếng lách cách khô khan.
- Phá. Oanh mạnh giọng. Tao phá sạch.
Bích Chi rên khẽ:
- Làm vậy tội chết Oanh ơi! Oanh ơi!.
Đứa con gái tên Oanh ca lên một tiểu khúc:
- Tội… tội… lội xuống sông.
Mai mốt có chồng lội lên.
Một khoảng im lìm trôi qua. Hai đứa con gái chong mắt nhìn ra cửa sổ xe. Những ngôi nhà cũ kỹ và xơ xác dọc quốc lộ đi qua và đi qua.
- Đều có một lần tao kẹt. Oanh nói.
- Rồi mày làm sao. Chi nhìn sang bạn và nói.
- Tao đẻ ra chứ sao.
- Trời đất. Sao không ai hay biết gì hết vậy. Rồi con mày đâu.
Oanh thở ra, giọng nhỏ hơn trước.
- Đẻ xong tao giao cho cô nhi viện của mấy bà xơ Sao Biển bên Mỹ Khê liền. Oanh nói. Không biết mấy bà nuôi làm sao mà con nhỏ xanh lè, ốm trơ mắt tróc bụng. Tuần trước tao mới đi thăm. Nó được ba tuổi hơn rồi. Tao sang ký giấy tờ để mấy bả làm thủ tục cho nó đi Mỹ. Có hai ông bà mục sư tin lành nào đó muốn xin làm con nuôi. Tao mong đời nó đổi thay sẽ khấm khá hơn đời tao.
Nước mắt tự nhiên lăn tràn trên gò má đứa con gái ngồi bên cạnh. Xe đã qua Vĩnh Điện và đang quẹo vào hướng Hội An.
- Mày không biết hết những chuyện của tao đâu Chi. Giọng Oanh quành lại tông cũ, không chút ngập ngừng. Bởi thế giới của tao khác xa thế giới của mày. Mày không bao giờ biết tao đã có những năm tuổi nhỏ và dậy thì đầy những ám ảnh khốn khổ riêng tư. Tao thù ghét thậm tệ cuộc đời của một đứa con gái dưới trung bình tất cả mọi phương diện.
- Tại mày xem chuyện nhan sắc bề ngoài quan trọng quá. Bích Chi nói và mắt vẫn còn đỏ hoe. Nên mày lao theo nó…
- Mày im đi. Oanh cắt lời Chi. Đừng tưởng bây giờ tao vẫn còn ôm mơ ước cổ lỗ sĩ là mong muốn trở thành xinh đẹp như búp bế thời xa xưa ấy. Còn lâu. Tao đã biết được điều bí mật của đời tao kể từ khi thân xác này trổ mã. Cho đến ngày tao ngủ với đàn ông, tao mới khám phá ra được bọn đàn ông đã mang lại cho tao những thứ mà tao khao khát. Chỉ có những tên đàn ông nào ngủ với tao rồi mới mê tao. Bọn họ quỵ lụy cái thân xác của tao. Đàn ông. Tao không chắc mày biết về đàn ông bằng tao. Đàn ông là một sinh vật dữ tợn mà lại đáng yêu nhất đời. Họ là giống vật thông minh khoái quỷ quyệt và ưa phiêu lưu. Hung bạo luôn luôn là cái gì đó hấp dẫn họ. Đàn ông mà làm chuyện thánh thiện gương mẫu là họ chậm chạp ngượng nghịu từ tay chân cho đến đầu óc. Cái đầu của họ như dàn máy xe hơi hoặc như dàn máy radio đàn bà không ưa nổi. Họ ham chiến thắng hết mọi chuyện trên đời nhưng lại bại trận vì cái giống yếu đuối trên giường ngủ. Lột bỏ lon lá địa vị quyền uy áo quần trên chiếc giường, dưới mắt tao, đàn ông là phái yếu.
Mày nói cái gì. Làm sao mà tao chắc chắn những điều này à. Bằng cách nào à. Bằng cách tao ngủ với cả đống đàn ông. Mày chỉ có thể thật sự biết được hết cái tốt lẫn cái xấu của một tên đàn ông khi nào mày ngủ với họ. Và tao cũng đã khám phá ra đàn ông mê mông mê ngực mê đùi của tao. Tao cho họ không tiếc. Tao ban phát cho họ không nương tay. Những lúc như vậy tao thấy mình như một bà hoàng được từ một lão đại tá già cho đến một gã thiếu niên nứt mắt trung học phủ phục tôn thờ cái thân xác tao. Tao sống hả hê. Và tao đã tìm thấy hạnh phúc trong chính cái thân xác mà trước đây tao đã thù oán thậm tệ.
Bỗng dưng hôm nay nhìn lại mày, tao thấy không còn gì để ghen với mày nữa. Tự dưng tao đâm ra tội nghiệp mày. Tao bỗng thấy tao là đứa sống đủ, chứ không phải mày. Bởi vì tao sống thỏa thuê ngụp lặn theo những ước muốn của tao. Còn những đứa như mày lúc nào cũng phải cố gắng để trở thành những bà tiên những bà thánh trong sạch và cao cả. Mày không bao giờ hưởng được cái hạnh phúc phong phú nhất của cuộc đời là hạnh phúc phạm tội, hạnh phúc tàn phá, hạnh phúc đâm thủng cuộc đời không tiếc nuối không sợ hãi không giữ gìn không ngán ngẩm bất cứ một điều gì nữa.
Oanh mở ví, vất chiếc khăn tay sang cho con bạn.
- Lau mấy giọt nước mắt của mày đi. Oanh nói. Tao không cần những giọt nước mắt ấy.
Xe sắp đến bến. Giọng Oanh bỗng đằm thắm:
- Chi, có bao giờ ông Hưng tỏ ý muốn xin đổi về gần đâu đây chưa.
- Có tao tỏ ý thì có. Nhưng mày cũng biết tính ông anh của mày.
- Ông Hưng làm khổ mày lắm sao.
- Đâu có sao.
- Dẹp cái giọng cao cả ấy đi.
Rồi nó bỗng thở ra một hơi dài thườn thượt và nói:
- Chi, mày biết ai chạy cho chồng bà Thanh về Hội An không.
- Ai.
- Tao đây chứ ai.
- Mày làm nhiều chuyện động trời quá Oanh ơi.
- Động trời. Hm. Mày thử nghĩ xem. Con người ta ai chẳng có lúc động lòng. Ai chẳng có lúc muốn làm lành lánh dữ, muốn làm phúc chuộc tội. Tao tưởng tao đã làm phúc cho bà Thanh. Đ.M. Ai ngờ hễ tao ra tay cứu vớt người nào là nghẻo người đó.
- Mày nói cái gì tao không hiểu.
Bích Chi vừa nói vừa đứng dậy. Xe đã đến bến. Hành khách lục đục đi xuống xe.
Oanh lững thững theo sau bạn.
- Đây không phải là lần thứ nhất. Oanh nói. Biết không Chi. Đây không phải là lần thứ nhất tao ra tay cứu giúp người khác.
Chiếc quan tài đặt chính giữa sân. Hai hàng bạch lạp đổ sáp nhễ nhại xuống trên mặt lá cờ Quốc Gia vàng ba sọc đỏ. Chân dung người lính có cái hoa mai thiếu úy ở hai bên cổ áo. Cánh cổng mở rộng đón khách đến phúng điếu. Tiếng mõ lẫn tiếng nam mô của vị sư đang tụng niệm rền rền đều đều.
Oanh và Bích Chi vừa vào đến sân, những đứa con của Thanh reo lên:
- A cô Oanh với cô Chi về.
Hai người đàn bà mặc đồ tang trắng đang phủ phục tụng niệm cạnh bàn thờ ngước nhìn lên. Oanh bỏ đi ra phía sau nhà. Bích Chi đến cạnh bà Hòa. Người đàn bà đứng dậy. Bàn tay xương xẩu như xác mắm khô nắm lấy bàn tay Bích Chi.
- Cháu ơi, bà rưng rưng nói, người ta đi trận đi mạc thì không sao. Còn chồng nó được về ngay thành phố thì lại chết bom chết đạn giữa ban ngày. Nhà này thật vô phước. Đại vô phước.
Bà choàng tay qua vai đứa con gái. Bích Chi tựa vào vai bà. Thân thể người đàn bà gầy còm khẽ rung lên theo từng tiếng nấc. Bích Chi để mặc cho những giòng nước mắt lăn tràn trên gò má. Để mặc cho rào rào âm thanh vỡ bờ sóng nhỏ bên trong cổ họng bên trong làn môi.
Qua ngấn lệ mờ ảo, người thiếu nữ nhìn về hướng song cửa sổ hiên nhà. Nàng thấy Phương đang tựa vào gốc cây trong vườn. Chàng vận chiếc áo sơ mi trắng, đang đứng hút thuốc lá.
Chàng nhìn nàng.
Họ nhìn nhau.
Hết.
Tags for this Thread
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks