Duyên Phận
Tác Giả: Chưa Rõ
Tùng Anh chắp tay sau lưng đi qua đi lại trước mặt tôi, nét mặt ưu tư của nó khiến tôi phải phì cười vì trông nó giống một ông cụ non hai mươi tuổi.
Cuối cùng, nó dừng lại trước mặt tôi, lên tiếng:
-Trâm giúp mình đi, nài nỉ đấy.
-Mình chẳng có thời gian đâu.- Tôi trêu ghẹo nó,- Mình cần thời gian để làm nhiều điều có ích hơn.
-Giúp đỡ người khác cũng có ích mà.
Tôi bĩu môi khiến nó phải ngưng ngang câu nói, nó thở dài, buồn như thể nhà nông mất mùa.
-Sao Tùng không tìm người trông trẻ? - Tôi gợi ý.
-Trâm toàn nói đi đâu đâu ấy.
-Điên!
Tùng Anh nhăn mặt trước phản ứng không thiện chí của tôi, giận dỗi:
-Hoá ra khi Tùng có việc nhờ thì mình hết là bạn thân há.
Tôi gật đầu, đùa:
-Ừm!
Nó quay mặt đi, hứ một tiếng. Hai mươi tuổi, nhưng nó chưa có vẻ gì là người lớn thực sự. Tôi liếc nó trêu chọc:
-Tùng là đồ ngốc.
Tùng Anh quay lại định cự cãi thì đứa trẻ bỗng khóc ré lên. Nó hấp tấp chạy lại giường, nựng đứa trẻ lên, dỗ dành:
-Nào ngoan, cưng của ba ngoan nào!
Tôi phì cười nhại lại nó:
-Cưng của ba ngoan nào!
Đứa trẻ cứ như hiểu được lời chế giễu của tôi, nó khóc thét lên. Chỉ tội cho Tùng Anh, mặt nó đỏ gay, nựng nịu đứa nhỏ đủ kiểu, hết phùng má trợn mắt, lại dỗ dành mà thằng bé vẫn không ngừng khóc. Cuối cùng nó thét lên:
-Nín đi, có người đang cười ba mày mà mày không thương hả.
Đứa bé sợ hãi im bặt. Tôi thấy tự ái trước tiếng quát của nó nên đứng dậy, cáo lui:
-Mình về đây!
Tùng Anh đáp cộc lốc:
-Về đi, lần sau đừng đến nếu không muốn giúp người ta.
Quá ngạc nhiên với thái độ của nó, tôi đóng sầm cửa lại. Đứa bé lại gào lên khóc lần nữa. Cho đáng đời nó, thằng bé còn lâu nói ngưng khóc. Chưa thoả giận, tôi còn đẩy cửa ra và đóng mạnh lại lần nữa trước khi bỏ đi, mặc kệ Tùng Anh tội nghiệp với đứa trẻ sẽ mất tiếng vì khóc.
Tôi đang sửa soạn đi ngủ thì bỗng nghe tiếng cằn nhằn của thím:
-Giờ này rồi mà còn bạn với chẳng bè…
Tò mò ló đầu qua thang gác, thấy Tùng Anh đang bối rối nói:
-Cháu chỉ gặp Trâm một chút thôi. Thím thông cảm…
Vẫn giận Tùng Anh chuyện buổi sáng, nhưng vì không muốn thấy sự khó chịu của thím nên tôi vội vàng chạy xuống, ngại ngùng nhìn bà bĩu môi quay đi, còn nói mát một câu:
-Trai gái đêm hôm còn tìm đến nhà đòi gặp. Cô không tự lo cho thân, đến lúc ễnh bụng ra thì lo mà dọn đi không bà thím này cũng xấu mặt…
Tôi cố lờ đi lời cạnh khoé của bà ta, nhưng Tùng Anh thì dường như rất bối rối bởi sự xuất hiện không đúng lúc của mình làm ảnh hưởng đến tôi.
Nó nói nhỏ:
-Mình xin lỗi, nhưng mình bí quá, sáng mai…
Tôi cáu kỉnh phần vì bị thím mắng, phần vì thái độ của nó lúc sáng nên nhếch miệng giằng dỗi:
-Tôi đâu đủ tư cách bước vào nhà người ta nữa. Buổi sáng người ta mới đuổi tôi xong.
Tùng Anh co vai lén nhìn tôi. Tôi đóng sầm cửa lại trước mũi nó, rồi chợt lo lắng. Đây không phải nhà tôi, nếu thím bị giật mình bởi tiếng động vừa rồi thì thể nào cũng bị nghe nói bóng gió. Nhưng may sao không xảy ra chuyện gì cả. Tôi hú hồn trèo lên gác, tò mò nhìn qua khung cửa. Tùng Anh lặng lẽ quay lưng, bóng nó kéo dài trên đường bởi ánh đèn đỏ quạch. Bỗng nhiên tôi thấy thương nó quá, bao giận hờn biến mất. Lúc này tôi muốn chạy theo nó, muốn nói với nó rằng tôi sẽ giúp nó trông bé Chang.
Tùng Anh vẫn chỉ như một đứa trẻ, nó không hiểu hết những suy nghĩ của tôi. Tôi chỉ là đứa con gái, mà con gái thì hay sợ tai tiếng. Tôi sợ ngày ngày đến nhà nó coi bé Chang sẽ bị mọi người đàm tiếu. Vả lại, cuộc sống thiếu thốn của tôi cũng chẳng còn chút thời gian rảnh rỗi nào. Làm thêm, học ngoại khoá, các mối quan hệ khác đã chiếm hết cuộc sống bận rộn của tôi. Tùng Anh không phải trải qua cuộc đời sinh viên nghèo nên nó đâu hiểu những vất vả của tôi.
Con nhà giàu, học giỏi. Tốt nghiệp trung học, Tùng Anh đăng ký thi và giành một suất học bổng của trường Đại học Cambrige. Ngày chuẩn bị sang Anh thì nó vướng phải vấn đề gia đình. Bởi chức vụ của người cha, danh giá của mẹ mà nó buộc phải cưới con gái ông bộ trưởng, sếp của ba nó. Lúc đó, nó thểu nào bảo rằng nó lấy chị ta về để làm mẹ chứ chẳng phải làm vợ. Khi cô gái kia sinh bé Chang, nó bế con biến mất. Về nhà thì gia đình đuổi, nên Tùng Anh bỏ lên đây thuê nhà. Một mình nó vừa phải tìm việc, vừa lo xoay sở trông bé Chang nên rất vất vả. Hôm qua nó mới tìm được một công việc tốt, nhờ tôi tới trông bé Chang, nhưng làm sao tôi có thể…
Nhịp sống bận rộn như chiếc guồng quay làm tôi chóng mặt, với những giờ học chính khoá, những buổi làm thêm, những lớp học ngoài giờ. Tùng Anh thường bế con tới chỗ tôi chơi hơn. Bây giờ tôi đã chuyển vào ký túc xá, không phải nghe những lời bóng gió, hay nét mặt cau có của thím nữa. Mấy đứa bạn cùng phòng tôi lại rất quý bé Chang, mỗi lần Tùng Anh bế thằng bé đến là tụi nó nghịch như có hội hè.
Nhưng Tùng Anh còn nhiều ưu phiền, có lần, nó lo lắng bảo tôi:
-Người ta không cho mình đem bé Chang đến phòng làm việc. Họ nói nếu còn tiếng trẻ con khóc thì mình mất việc.
Tôi hỏi:
-Sao Tùng không gửi nó?
Tùng Anh mĩm cười lắc đầu:
-Mình không đủ tiền.
Tôi giật mình khi nghe nó nhắc đến chuyện tiền nong. Đây có lẽ là lần đầu tiên nó nhắc đến vấn đề này. Nhìn nó buồn bã ngắm bé Chang và lũ bạn tôi đang nô đùa, tôi bất chợt cũng hiểu ra Tùng Anh cũng sống khổ cực, thiếu thốn. Thế mà lâu nay tôi luôn mang ấn tượng về cuộc sống sung sướng đầy đủ của nó trong quá khứ. Tôi thường than phiền về hoàn cảnh vất vả, túng thiếu của mình và chế giễu sự bận rộn, lo lắng của nó.
Tôi lảng sang chuyện khác:
-Dạo này Tùng gầy đi thì phải?
Nó cười buồn:
-Vẫn thế thôi.
Tôi cười, nói một câu đùa nhạt thếch:
-Có thể vì lâu này Trâm nhìn người béo quen mắt rồi.
Hai đưa ngồi im một lúc, tôi nhắc nó:
-Mai Trâm về nhà, Tùng có muốn…
Nó ngắt ngang:
-Không cần đâu. Bây giờ ba mẹ mà biết sẽ chẳng để mình yên. Trâm đừng nói gì nghe…
Tôi gật đầu, nghe tiếng thở dài của nó, day dứt…
Cuối cùng tôi cũng về tới nhà sau một quãng đường dài. Tháng rưỡi được nghỉ ngơi trong vòng tay yên ấm của gia đình, được hưởng trọn vẹn niềm vui với bạn bè cũ. Thỉnh thoảng, cùng lũ bạn chơi phố, qua khu “nhà giàu”, tôi lại thấy ánh mắt chờ đợi của tiếng thở dài bất lực của người già. Chạnh lòng nhớ tới Tùng Anh, giờ này ba mẹ nó đang làm gì, nghĩ gì, có nhớ nó hay chỉ có hai con người già cả đứng trong hàng rào ngóng chờ nó, ánh mắt họ đầy chua xót bởi thương cháu nhưng bất lực. Tội nghiệp cho Tùng Anh, cho ông bà nó.
Nhỏ bạn thì thầm với tôi khi thấy mẹ Tùng Anh đi với một người đàn ông sang trọng:
-Bố vợ Tùng đó. Từ ngày nó bỏ đi, ba nó có nguy cơ mất chức, mẹ nó vội bắt bồ luôn với ông ta.
Tôi tò mò:
-Vợ Tùng Anh thì sao?
-Ôi, ả bồ bịch linh tinh. Có khi Tùng Anh bế con đi thì ả nhẹ gánh. Đúng là mẹ chồng nàng dâu cùng một ruột.
-Ba Tùng Anh không phản ứng ư?
-Chẳng hiểu.- Bạn tôi tặc lưỡi,- Ông ta là con người của công việc, hoặc là quá vị kỷ…
Mẹ thì nói với tôi:
-Từ này thằng Tùng bỏ đi, mẹ nó thường hỏi thăm những đứa bạn cùng lớp, và chẳng hiểu sao bà ta biết con thân thiết với nó mà tìm đến tận đây…
-Mẹ trả lời thế nào?
Mẹ nhún vai:
-Mẹ biết nó đi đâu mà trả lời,- Rồi mẹ cũng chặc lưỡi,- Chẳng ra làm sao cả, ai đời để vợ cặp với sếp giữ chức… chỉ tội nghiệp thằng bé…
Ngày tôi lên trường cũng là ngày tôi biết được tất cả sự sa đoạ của gia đình Tùng Anh. Tôi lo lắng không biết sẽ phải nói thế nào khi nó hỏi về gia đình. Nhưng may sao Tùng Anh chẳng hỏi han gì ngoài vấn đề sức khoẻ của mẹ tôi, và mấy đứa bạn cũ.
Tùng Anh gầy sút hẳn, bé Chang cũng thế. Thằng bé ốm luôn nhưng không quấy. Tùng Anh thông báo nó đã xin việc ở chỗ mới, được trông con trong giờ làm việc. Tùng Anh thở dài nói:
-Không khí ồn ào quá làm bé Chang không ngủ được, vả lại ít có thời gian chú ý đến nó nên nó gầy đi nhiều. Chẳng biết nên làm gì nữa.
Tôi giả thờ ơ trước sự lo lắng của nó mặc dù trong lòng thấy thương nó vô cùng. Nhưng làm gì giúp nó được.
-Có khi mình phải thuê người coi bé Chang thôi, không bé sẽ chết mất.
Tôi hoảng hốt:
-Sao Tùng Anh nói gở vậy?
Nó quay mặt đi, như sắp khóc:
-Bé Chang ốm lắm, mà mình thì làm việc cật lực rồi. Mình không thể vừa làm việc vừa chăm lo cho con được.
Tôi mỉa mai nó, cũng không hiểu tại sao lúc này tôi lại giỡn nó được:
-Hay là Tùng về với vợ đi, ở với một người đàn bà giàu có dù không tình yêu cũng tốt hơn hoàn cảnh hiện nay.
Tùng Anh không chú ý đến lời tôi, nó đang bận suy nghĩ về một điều gì đó thực tế và cần thiết hơn. Tôi không biết và cũng không muốn biết. Vì nếu biết được thì tôi sẽ mắc thêm những lo toan khác. Mà tôi cần phải học, phải lo cho sự nghiệp của tôi trước.
Rồi Tùng Anh ít ghé chỗ tôi hơn, sau dần biệt tăm luôn. Sự vắng mặt của nó đôi lúc khiến tôi băn khoăn, nhưng thực tế đó là điều tốt vì tôi thấy yên ổn về tư tưởng hơn.
Bỗng một hôm, nhỏ bạn chạy vào phòng báo tin:
-Tùng bị xe tông.
Tôi đứng tim, vội vàng theo chúng nó vào bệnh viện. Dãy phòng, hàng cây, bác sĩ, y tá, bệnh nhân quay cuồng trước mắt tôi. Tùng Anh nằm trong phòng hồi sức, mệt mỏi, xanh xao. Bé Chang ngồi bên cạnh, thằng bé cứng cáp hẳn. Tùng Anh gượng gạo cười. Tôi oà lên khóc. Bé Chang bò lên người Tùng Anh, gương mắt nhìn tôi. Tôi đưa tay ra đón nó, nó không theo, cứ ôm chặt ba nó.
Tùng Anh thở dài:
-Giờ nó chẳng theo ai đâu, sau lần Tùng Anh đem nó gửi, nó đâm sợ mọi người.
Tôi ngồi bên Tùng Anh, ngạc nhiên:
-Tùng đã thuê người trông rồi à?
-Ừm, nhưng không ngờ bé Chang nhạy cảm quá. Nó không thích ứng được môi trường mới đâm ra tự cô lập. Mình vì mải kiếm tiền nên khi phát hiện được chuyện này thì đã muộn. Mình lo quá.
-Vậy còn vụ tông xe, Tùng phải kiện chứ…
-Lỗi do mình. Đang bồng bé Chang đi giữa đường, mình bị choáng nên…
Nó cười hiền lành, ngơ ngác. Vẫn ánh mắt ấy, nụ cười ấy, bầu má căng mướt và bờ môi cong cong hờn dỗi nhưng sao tôi thấy nó khác xưa nhiều quá.
Tùng Anh làu bàu:
-Mình thật tệ, mình cảm thấy bất lực quá, vì mình ích kỷ mới bắt bé Chang chịu cuộc sống khổ cực như vậy. Nếu mình không bỏ nhà đi thì giờ này…
-Tùng thấy hối tiếc rồi phải không?- Tôi cảm thấy giận dữ trước câu nói của nó, tôi buông một câu mỉa mai thật độc ác,- Cũng phải, Tùng từ nhỏ đã quen cuộc sống giàu sang rồi. Đối với Tùng, dù ở với người đàn bà nào cũng được, miễn giàu có là đủ.
Tôi đứng dậy bỏ nhanh ra cửa, lờ đi tiếng gọi của Tùng Anh, rồi thoả mãn với sự độc ác của mình như thế đấy.
Ngày trôi nhanh như guồng quay, tôi vẫn tiếp tục nhịp sống cũ, lo toan bận rộn, bỏ mặc sự đời luân chuyển, cuối cùng tôi cũng có được mảnh bằng tốt nghiệp trong tay.
Tôi dự định quay về nhà tìm việc nên thuyết phục Tùng Anh đưa bé Chang về cùng. Nhưng Tùng Anh ngần ngừ nói:
-Mình chẳng biết phải nói gì nếu quay về.
-Tùng phải nghĩ đến tương lai của bé Chang chứ. Bây giờ nó còn nhỏ mà Tùng đã xoay sở đến kiệt quệ sức lực rồi, nếu sau này nó lớn…
Tùng Anh thở dài đưa mắt nhìn bé Chang, thằng bé đang chơi đùa với đống đồ chơi của mình cũng phải ngẩng lên bởi tiếng thở dài của ba nó.
Bé Chang bỏ đồ chơi, vội vàng chạy đến bi bô hỏi:
-Cô làm ba buồn à?
Tùng Anh cúi xuống bồng thằng bé lên, lắc đầu:
-Không, cô Trâm hỏi bé Chang có muốn về nhà không?
-Mình đang ở nhà mà ba?
-Không phải nhà này, nhà ông nội kia!
Thằng bé phùng má, chắc nó đang nghĩ khái niệm về ông nội. Từ nhỏ, nó đã chẳng tiếp xúc với người thân nào ngoại trừ chúng tôi nên mơ hồ về từ ‘ông nội’, nhưng câu trả lời của thằng bé khiến tôi giật mình:
-Tuỳ ba thôi. Ba đi đâu con sẽ theo ba.
Tôi buột miệng thốt lên:
-Oa, bé Chang khôn quá ha.
Tùng Anh nheo mắt mĩm cười:
-Nó kế thừa gen của Tùng mà.
Tôi chu miệng chế giễu:
-Nếu vậy đến khi lớn, bé cũng ngốc như Tùng đó.
Tùng Anh chỉ cười hiền lành, không trả miếng câu nói cay độc của tôi. Nó bảo:
-Trâm để mình suy nghĩ đã.
Bé Chang chen vào:
-Ba nghĩ nhanh đó.
Tùng Anh véo chóp mũi thằng bé, cong môi:
-Sao bé không nghĩ hộ ba đi. Đồ nhóc tì!
-Ư…
Tôi bật cười khanh khách trước hành động của ba nó, hoá ra lâu nay Tùng Anh vẫn chưa thoát ra cái vỏ bọc con nít. Nó vẫn phụng phịu hờn dỗi như trẻ thơ.
Tùng Anh mất khá nhiều thời gian với quyết định quay về nhà. Nó hẹn này hẹn nữa cho đến khi phải vào viện lần hai vì suy nhược, bé Chang lại gày gò, ốm yếu liên miên, lúc đó Tùng Anh mới chịu cùng tôi trở về.
Ngày nó về nhà vào hôm trời mưa to. Tôi chỉ đưa cha con nó đến cổng rồi về nhà. Trong lòng chưa bao giờ cảm thấy thanh thản như thế. Tôi cầu chúc cho Tùng Anh có một cuộc sống hạnh phúc.
…
Người đàn bà dời mắt khỏi bản thảo của tôi, ngẩng lên nói:
-Đây là truyện thật về cuộc đời cô, đúng không?
Tôi ngạc nhiên trước nhận xét của bà ta, hỏi:
-Sao bà lại nghĩ như vậy?
-Thật trùng hợp,- bà ta mĩm cười,- Tôi nghĩ rằng thế gian lắm chuyện tình cờ, nhưng lần này đối với tôi mà nói, quả là ông trời ban may mắn. Tôi đang viết bộ tiểu thuyết về cuộc đời cậu ta, nhưng thiếu mất quãng thời gian cậu ta bỏ trốn…
-Bà quen Tùng Anh?- Tôi kinh ngạc,- Bà cũng biết cậu ấy?
-Một người bà con của tôi làm quản gia cho gia đình cậu ta.- Bà ta giải thích,- Chị ấy đã kể cho tôi nghe.
-Chị Vũ An?
-Đúng, là chị Vũ An.
Tôi ngập ngừng:
-Thế giờ Tùng sống ra sao?
Người đàn bà đó không trả lời ngay, bà ta cúi xuống lục ngăn kéo, rồi lôi ra một đống thư từ có đánh số thứ tự. Rồi bà ta đưa cho tôi lá thư thứ mười bốn, bảo:
-Đây là thư chị An gửi cho tôi, cô tự đọc đi.
…
HX, ngày…. Tháng… năm….
Thu thân,
Chị Vũ An lâu lắm rồi mới viết thư cho em, đầu thư chúc chú thím và em mạnh khoẻ. Công việc quản gia của chị vẫn ổn, nhưng buồn quá Thu à! Em còn nhớ cậu Tùng Anh mà chị vẫn thường nhắc đến ở những bức thư trước không? Cậu ấy đã trở về rồi em à.
Tùng Anh về vào một ngày mưa, mưa to như trút nước ấy. Cứ thể trời đất thoả sức dỗi hờn, mưa ngập lụt cả đường phố. Lúc đó, chị đang ở trong bếp, nghe có tiếng chuông, chị chạy ra hiên xem ai đến vào lúc trời mưa dữ như vậy, thấy có người đang bồng đứa trẻ lên ba, bốn tuổi trùm áo mưa. Nghe loáng thoáng tiếng trẻ hỏi:
-Ba ơi, sao nhà này to vậy?
Chị liền hỏi:
-Cậu tìm ai?
Tiếng cậu ta đáp:
-Chị Vũ An!
Lúc đó chị không tin vào tai mình, giọng cậu Tùng Anh lạ lắm, vừa ấm vừa dịu dàng nên dù không nhìn rõ mặt, dù cậu ấy đã bỏ đi ba năm biền biệt thì chị vẫn nhận ra. Chị vừa vui vừa bàng hoàng nên luống cuống chạy ra giữa trời mưa, thốt:
-Ôi, cậu Tùng… Cậu… cậu về bất ngờ quá!
Chị chạy ra mở cổng thì đã ướt sũng. Tùng Anh giang rộng áo mưa che cho chị, trách:
-Đâu cần phải vội vã thế, lẽ ra chị phải lấy dù…
Chị dẫn cậu ấy vào phòng khách pha nước, cậu ấy cứ đứng ngẩn ngơ nhìn căn phòng, thở dài, rồi lại hỏi:
-Chị vẫn khoẻ chứ?
-Bệnh thấp khớp hành tôi ghê lắm,- (Thu à, nhân nhắc đến chuyện này, em giúp chị cảm ơn chú thím nghen. Em biết đấy, chị mắc bệnh ấy vài năm nay, cứ trở trời là khó chịu, nhưng may nhờ số thuốc chú gửi mà chị khỏi bệnh.) Khi chị trả lời cậu ấy thì thằng bé bỗng đến gần bám vào chân chị, nó giống Tùng Anh hồi nhỏ, hoặc do chị tưởng tưởng như vậy. Chị đưa tay sờ bầu má căng mướt của nó, hỏi - Thằng bé đây hả?
-Vâng. Bé Chang, con chào đi!
Đứa bé ngoan ngoãn khoanh tay chào chị, trông nó thật dễ thương, nhưng khi chị giang tay định ôm nó thì nó lại lùi về phía Tùng Anh tránh né. Cậu ấy bồng nó lên, hỏi:
-Nội em đâu rồi chị?
-Vẫn ở nhà sau, để tôi xuống gọi.
-Em sẽ tự xuống, chị đừng bận tâm.
Nói xong Tùng Anh liền bước ra hành lang đi ra cửa sau. Cậu ấy dừng lại trước dãy nhà có hàng cây cảnh. Ông già đang đứng xén những lá cây úa, cành khô. Tùng Anh gọi:
-Nội ơi!
Ông lão ngẩng mặt lên, những nếp nhăn trên mặt co rút. Sau một hồi, ông quay vào nhà kéo bà già chạy ra. Những bước chân run rẩy già nua dẫm trên gạch lát nghe lịch kịch hỗn độn. Bà già xúc động thốt:
-Thằng Tùng! Ông ơi, thằng Tùng nó về.
-Tôi… tôi nhìn thấy rồi…
Tùng Anh hơi cười:
-Nội!
Bà lão run run khóc:
-Cháu đi đâu không về. Bà nhớ cháu quá!
Ông già bình tĩnh hơn, giục:
-Bà cho nó vào nhà trước. Chắc nó mệt rồi!
-À… à…!
Bà lão nắm tay Tùng Anh dẫn vào nhà. Bà cứ khóc mãi đến mức Tùng Anh phải ôm chặt vai bà dỗ dành:
-Cháu sẽ không đi đâu cả, cháu hứa… Bé Chang, con chào cụ đi!
Thằng bé ngoan ngoãn khoanh tay:
-Con chào cụ nội!
Ông già xoa đầu nó, rớm nước mắt. Nó ngạc nhiên:
-Sao cụ khóc? Con làm cụ buồn à?
-Không, nhỏ ngoan lắm.
-Vậy cụ đừng khóc nữa. Nếu không ba sẽ nghĩ tại con hư.
-Bé ngoan lắm, ngoan hơn ba bé nhiều.
Bé Chang ngúc ngoắc đầu, bi bô:
-Cụ đừng nói xấu ba nghen.
Dứt lời, nó áp mặt vào ngực Tùng Anh, dường như để được lắng nghe từng hơi thở của cậu ấy.
Cậu Tùng Anh cùng đứa trẻ ở đến chiều đợi ông bà chủ về. Em biết không, ngày hôm đó mưa cứ như giọt thuỷ tình trong suốt ấy. Chị những tưởng đó là dòng nước trời mát lành sẽ gột sạch ưu phiền trong lòng mọi người. Nhưng ngờ đâu mưa lại đem đến niềm đau quá khứ và nỗi xót xa thực tại.
Chị đã không được trực tiếp chứng kiến câu chuyện giữa họ, nhưng đằng sau cánh cửa nhà bếp, chị nghe tiếng ông chủ mỉa mai:
-Mày đã đi được từng ấy năm, sao không đi nốt đi, còn quay về làm gì? Mày làm cho chúng tao xấu hổ như vậy chưa đủ sao? Mày muốn trả thù tao và mẹ mày, phải không?...- Bỗng ông chủ quát ầm lên,- Thằng bé này, cút…
Sau đấy là tiếng ‘bốp’ như cái bạt tai.
Cậu Tùng Anh kêu lên, và ôm bé Chang chạy ra ngoài giữa cơn mưa ngay đúng lúc bà chủ trở về. Bà ấy cũng nhận ra cậu ngay dù ba năm không gặp, nên vội quay mình đuổi theo gọi:
-Tùng Anh!
Trời mưa như thác trút, bóng họ cũng biến mất sau màn mưa.
Thu à, cậu Tùng Anh thật khổ. Chị chưa từng gặp người nào phải chịu nhiều cay đắng đến thế. Do sức ép và cách giáo dục nghiêm ngặt của ông chủ, ngay từ nhỏ cậu ấy đã mắc bệnh trầm cảm. Cậu ấy không giao du tiếp xúc bạn bè, chỉ có học và học để sau này có thể trở thành ông nọ bà kia. Cậu ấy là một cỗ máy câm lặng cho đến khi vào cấp ba. Cô bé ấy xuất hiện.
Hình như mấy năm trước chị đã viết thư cho em kể về cô bé ấy rồi. Cái cô bé xinh xắn mà chị tình cờ bắt gặp cùng cậu Tùng Anh đi chơi trên phố. Cô cậu ấy đèo nhau dọc những con phố thơm mùi hoa sữa. Cô bé ấy xoè tay hứng những chiếc lá khô rồi thả tung bay giữa trời, còn cậu Tùng Anh lén cài những bông hoa nhỏ xíu lên tóc cô ấy. Khuôn mặt ngây thơ của cậu ấy rạng rỡ theo ánh cười của cô bé. Thật lãng mạn.
…
Tôi đã khóc khi đọc tới đoạn này, tôi thực sự đã quên mất quãng đời học trò đầy thơ mộng bên Tùng Anh. Làm sao tôi có thể quên quãng đời đẹp đẽ nhất của đời hoa mộng, phải chăng vì không có Tùng Anh bên cạnh, hay do cuộc sống bận rộn thực tế đã bào mòn trí nhớ của tôi.
…
Thu thân, sở dĩ chị nhắc tới cô bé ấy là vì sau khi bà chủ chạy theo tìm Tùng Anh, bắt gặp cậu ấy nằm ngất xỉu trước mái hiên một ngôi nhà, bé Chang ngồi bên cạnh khóc đến khản tiếng. Tùng Anh phải nhập viện và hôn mê suốt tuần. Trong cơn mê, cậu ấy mãi lẩm bẩm cái tên Trâm Anh. Chị đoán là suốt thời gian cậu ấy bỏ trốn đã gặp cô bé kia. Ôi, ước gì tìm được cô bé ấy, ước gì cô bé ấy xuất hiện, ước gì chị đi tìm cô bé ấy sớm hơn thì có lẽ đã cứu vớt được linh hồn cậu ấy.
Như chị đã kể ở đoạn trước, rằng cậu Tùng Anh bị mắc bệnh trầm cảm từ nhỏ. Sau khi ở bệnh viện trở về, cậu ấy cứ tự thu mình vào trong vỏ ốc, cả ngày không nói năng gì ngoại trừ lúc chơi đùa với bé Chang. Dần dần, trí nhớ của cậu ấy suy giảm tới mức không nhận ra ai. Bác sĩ bảo đó là hội chứng… Chị không nhớ nổi cái tên khoa học dài lê thê của nó, nhưng đại khái là chạy trốn thực tại. Cậu Tùng Anh đã trốn biệt vào vỏ ốc của mình rồi không nhớ nổi đường ra.
Tội nghiệp cho bé Chang, em à! Nó lại phải tiếp tục gánh chịu cuộc sống mà cậu Tùng đã chịu đựng. Thằng bé cũng ngơ ngác như người mất hồn. Thỉnh thoảng nghe Tùng Anh lẩm bẩm trên Trâm Anh, nó bảo với chị sau này lớn lên sẽ đi tìm cô Trâm về cho ba.
Thu à, số cậu Tùng cũng thật xui xẻo, hoặc giả chị là kẻ vô tích sự. Giá kể chị đi tìm Trâm Anh sớm hơn thì sẽ cứu vớt được cả hai cha con cậu ấy. Lúc chị nghĩ tới cô ấy thì cô ấy đã đi xa. Trâm Anh đồng ý làm việc cho chi nhánh công ty ở nước ngoài. Cô ấy đã đi xa, xa lắm em à. Vậy là chẳng còn ai có thể đưa cậu Tùng Anh thoát khỏi cuộc sống tăm tối này nữa…
…
Đoạn sau bức thư bị ố, những dòng chữ ngả nghiêng run rẩy dần nhoè nhoẹt bởi nước mắt của tôi. Tôi đã bỏ đi, chưa bao giờ bận tâm về kết cục xấu xảy ra với Tùng Anh.
Người đàn bà nhìn tôi trầm ngâm. Mãi sau bà ta mới lên tiếng hỏi:
-Cô đã lập gia đình chưa?
Tôi lau nhanh nước mắt, lắc đầu:
-Chưa.
-Tại sao?
-Tôi chưa thấy thích hợp với ai.
-Thế à?- Giọng bà ta nhợt nhạt,- Có lẽ bởi vì lòng cô chỉ luôn nghĩ đến một người.
Tôi ngạc nhiên nhìn bà ta. Người đàn bà cười khẽ:
-Cô yêu Tùng Anh!- Và cũng chẳng đợi tôi phản ứng, bà ta nói tiếp,- Nhưng cô luôn tự ti. Cô yêu Tùng Anh từ lâu, nhưng cô luôn để những mặc cảm cuộc sống dày vò. Cô chạy trốn tình cảm của mình bằng cách cố xa rời cha con Tùng Anh. Nên Tùng Anh không bao giờ đoán nổi tình cảm của cô, cậu ấy sợ …
-Bà đang nghĩ gì thế?- Tôi thấy xót xa,- Tôi có thể yêu Tùng Anh ư? Cậu ta chỉ là một người bạn thôi. Chỉ như những người đã đi qua đời tôi…
Người đàn bà nhìn tôi, cái nhìn rất sâu và lặng. Rồi bà ra thở dài:
-Sao cô không thử gặp cậu ấy…?
Tôi chào bà ta rồi ra về.
…
Vài tháng sau, có một bức thư gửi đến cho bà tổng biên tập. Người gửi là Vũ An.
Trong thư có đoạn:
“… Thu thân, ông trời dường như nghe thấu lời nguyện cầu của chị, đã đem cô ấy trở về bên cậu Tùng Anh, cô ấy như ánh hào quang đưa đường chỉ lối cho cậu Tùng Anh thoát khỏi hang tối u mê, lầm lạc. Đây đúng là sự kỳ diệu của cuộc sống, hoặc do một linh cảm tuyệt với nào đó mà cô ấy dù ở một nơi xa xôi vẫn biết về cuộc sống đau khổ của cậu Tùng Anh. Cô ấy đã quay lại đây. Cầu trời đem phúc lành tới cho cô cậu ấy.
Chị hy vọng em cũng có thể tới chúc phúc cho họ…”
Chưa Rõ
Bookmarks