Chương 23 - Đập đá vá trời


Hai mươi lăm năm trước , vào đúng ngày 1 tháng 5 năm 1950, Tổng Thống Henry Truman của Hoa Kỳ đã ký những văn kiện chánh thức "cho phép" một viện trợ quân sự đầu tiên cho các quốc gia Đông Dương .

Năm tháng sau đó, vào tháng 9 năm 1950, một phái đoàn cố vấn quân sự Hoa Kỳ đến Sài Gòn .

Từ 4 giờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, đúng hai mươi lăm năm sau, người dân Sài Gòn tập họp, hay bị tập họp, ở trước dinh Độc Lập. Chánh quyền mới đã quyết định tổ chức "ngày chiến thắng của nhân dân Việt Nam"

Nhà văn Duyên Anh tản bộ đi dạo. Ở chỗ nầy các bộ đội Bắc Việt nói chuyện nhã nhặn với dân chúng. Ở xa xa, tại trụ sở của Hội Nhà Văn Việt Nam trên đường Đoàn thị Điểm, một tấm biểu ngữ được giăng ngang đường mang giòng chử :"Hội Các Nhà Văn Yêu Nước". Tại nghiệp đoàn báo chí Việt Nam nằm trên đường Tự Do, một đại lộ Champ Élysée của Sài Gòn , lại có một biểu ngữ "Nghiệp Đoàn các Nhà Báo Yêu Nước" nữa. Ông Duyên Anh tự hỏi không biết có bao nhiêu nhà văn và bao nhiêu nhà báo sẽ đi qua phía bên kia ? Còn có những ai sẽ thích chuyển nghề, để trở thành thợ hồ hay phu đạp xe xích lô, còn hơn là viết cho báo chí mới ? Ở chỗ nọ, ông Duyên Anh thấy có trên một chục chiếc quan tài của bộ đội .

Chánh quyền mới không có mời giục các công chức đi dự lễ 1 tháng 5 . Kỹ sư Văn đến văn phòng của mình . Có một sự thay đổi duy nhất được nhận thấy, với quá nhiều sự vắng mặt, có sự hiện diện của bộ đội mang súng AK.47 và nhất là cán bộ của Bắc Việt .Một anh cán bộ và nhiều bộ đội kèm hai bên mỗi anh trưởng nhiệm sở hay giám đốc trong Bộ Công Chánh.. Các anh cán bộ nói giọng Bắc, họ tự giới thiệu họ là kỹ sư hay tiến sĩ của một ngành chuyên môn..Có một số đã ra Hà Nội sau Hiệp Định Genève 1954.. Họ hỏi xem Bộ Công Chánh cũ hoạt động ra sao ?

Người ta bắt đầu làm việc lại.

Kỹ sư Văn rất ngạc nhiên vì các anh cán bộ không có chút khả năng nào hết, nếu không muốn nói là quá dốt, vì ngay cả một vài công thức về toán học họ cũng không biết. Khi ông Văn nói về những kim loại của Miền Bắc , các cán bộ kể ra toàn là những mỏ chưa ai từng biết tới ở Việt Nam .

Có một số cán bộ đi đến chùa Quan thế Âm. Họ bảo với những người tỵ nạn đang ở đó :

- " Các anh hãy về nhà đi."

Hòa thượng Thích Thiện Huê ghi nhận được những nét đặc biệt giữa những người kháng chiến của CPLTCHMN và bộ đội chánh quy Bắc Việt . Những kháng chiến quân thì mặc đủ thứ quần áo, còn bộ đội thì ăn mặc khá hơn. Hó có vẻ lễ phép hơn. Đối với những người có tuổi, họ xưng con, còn các anh kháng chiến thì họ giữ khoảng cách, đôi khi còn hống hách nữa.



Trung sĩ Thưởng dùng xe đạp để đi đến Vũng Tàu. Trời nóng như thiêu đốt, anh gặp rất nhiều xe và chiến xa bị cháy, và cả những thi hài của người chết nữa. Đó đây la liệt đủ loại vũ khí, quân phục của binh sĩ Miền Nam. Anh Thưởng đèo phía sau xe đạp của anh một cô gái và một đứa trẻ, cả hai anh đều không quen biết. Cứ mỗi chặn đường 10 cây số là anh phải ngừng lại. Các "cọp 30" dựng lên rào cảng để kiểm soát người qua lại. Trung sĩ Thưởng tự hỏi mình khi đã rời khỏi Sài Gòn rồi thì mình sẽ làm gì đây ? Uống một tách cà phê anh phải trả tới 500 đồng và cho em bé uống một tách sửa anh cũng phải trả 500 đồng. Trung sĩ đã được lãnh tháng lương cuối cùng của anh, 18.000 đồng. Một chiếc phà tạm đưa họ qua một cây cầu sập. Anh chia tay với cô gái và em bé, họ tiếp tục lên xe Lam đi nữa.

Đại tá Hòa trở lại đài truyền thanh và truyền hình ở Sài Gòn, ở đó đã tập trung lại một số nhân viên chừng 50 người . Nhiều người còn mặc đồng phục màu xanh dương. Ngoài cổng thì có người gác, mặc thường phục. Ngay trong văn phòng của mình, anh cựu giám đốc đài truyền hình gặp một người dân sự và ông cựu Tư lệnh phó Vùng 2 Chiến Thuật, tướng Phạm đình Thứ (tướng Lam Sơn). Ông nầy làm đại tá Hòa sửng sốt khi ông nói :

-" Tôi ở trong Ủy Ban Cách mạng của Sài Gòn .

Có nhiều bộ đội Bắc Việt chạy khắp nơi trên lầu. Đại tá Hòa mặc thường phục tự trình diện với các sĩ quan Bắc Việt làm họ cũng thấy ngạc nhiên.:

- "Tôi là đại tá Hòa, Giám đốc đài truyền thanh truyền hình và kỹ thuật điện ảnh. Tôi đến đây để bàn giao trách vụ.

- Tốt lắm, Có thể cho phát thanh được không ?, những người đối diện trả lời

- Tôi sẽ coi lại, tôi xem lại máy móc đã. Tất cả thiết bị đều còn tốt hết. Có đầy đủ nhân viên kỹ thuật, như vậy là chúng ta có thể cho phát thanh được "

Đại tá Hòa đến đây để bảo vệ cho nhân viên của ông . Những người chiến thắng có thể cũng tỏ ra là người hiểu biết, tại sao không thử hợp tác với họ ?

Ở Bộ Tổng Tư Lệnh Bắc Việt , tướng Dũng và Bộ Tham Mưu của ông cùng một lúc làm lễ mầng Giải Phóng Miền Nam và cả ngày lễ Quốc Tế Lao Động.. Người ta dọn lên một số thức ăn trên bàn tiệc, có cả bánh ngọt, mứt, kẹo rượu ngọt và sô đa... Phạm Hùng thấy có một chai rượu. Một cộng sự viên của viên Tổng Tư Lệnh giải thích :

- Chúng tôi đồng thời cũng mừng sinh nhật của Tướng Văn tiến Dũng.

Ở góc rừng nầy thật là yên tĩnh, không có một tiếng súng nào. Phạm Hùng đề nghị nâng ly :

- "Tôi xin nâng ly mầng cho tất cả những người đã mang lại chiến thắng ngày hôm nay cho chúng ta . Hồ chí Minh muôn năm, đảng cộng sản Việt Nam anh hùng muôn năm, Bộ chánh trị đảng muôn năm. "

Viên Tổng Tư Lệnh lên xe đi xuống Sài Gòn . Ông ta thích thú vì biểu ngữ ở cổng các trại lính của Miền Nam: "Danh dự - Trách nhiệm - Tổ Quốc". Ở Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Tư Lệnh Cảnh sát ông ghi nhận là :"chúng ta đã tìm thấy còn nguyên vẹn tất cả các hồ sơ tối mật" Máy điện toán vốn đã ghi lại tất cả căn cước, và sơ yếu lý lịch của trên một triệu quân nhân , vẫn còn chạy tốt. Đối diện với sự thông minh và năng lực của dân tộc Việt Nam ta, các máy điện toán không có lời nói cuối cùng ". Sau đó tướng Dũng đến trại Davis.. nơi đây, trong phòng họp báo, ông tập họp các cấp và các chánh trị viên của các quân đoàn lại .

Ở Bộ Chỉ Huy của mình, tướng Trần văn Trà " tiếp tục điều khiển các cuộc hành quân tảo thanh các đơn vị cuối cùng của Miền Nam Việt Nam , đang tập họp lại từng đại đội, có nhiều chỗ cả tiểu đoàn, trong vùng rừng bụi chung quanh Sài Gòn .

Tướng Trà nhận được mộc điện tín của "anh Ba", đồng chí Lê Duẫn, báo tin tướng Trà sẽ là Chủ Tịch Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn- GiaDịnh, và Trà phải đến ngay Thủ đô Sài Gòn.

Vừa đến thành phố Hồ chí Minh là tướng Trà đến ngay dinh Độc Lập. Nhưng trước khi làm việc ông đi một vòng trong thủ đô. Trở về dinh Độc Lập, tướng Trà theo lệnh của Bộ Chánh trị đã cho lệnh trả tự do cho các người có trách nhiệm trong chính phủ bù nhìn cuối cùng của Miền Nam Việt Nam gồm có Tổng Thống Dương văn Minh, Phó Tổng Thống Nguyễn văn Huyền, Thủ Tướng Vũ văn Mẫu. Sau khi có vài lời giáo hóa với những người nầy về đường lối chánh trị "đúng đắn, ôn hòa và khoan hồng của cách mạng " , và rằng "Cách mạng dùng công lý tranh đấu với bạo lực, dùng nhân đạo thay cho tàn bạo" ...v.v.. Quá khứ là quá khứ. Theo tướng Trà thì những người đối thoại với ông có vẻ "cảm động" lắm ! Ông Dương văn Minh nói :

- Tôi rất sung sướng được là một công dân của một nước Việt Nam độc lập.

Và ông Nguyễn văn Huyền xác nhận :

- " Với tư cách là một công dân Việt Nam , tôi rất hãnh diện về những thắng lợi oai hùng với chiến thắng của đất nước . "

Vân vân và vân vân......

Trong hồi ký của mình, tướng Trà còn thêm : Một người như ông Huyền, không bao giờ xử dụng được những danh từ như " chiến thắng oai hùng". Trong sự mong muốn bình thường hóa Lịch Sử, những người có trách nhiệm của Miền Bắc không quá chú trọng đến một chút thực tế nào. Trên thực tế, tướng Minh chỉ có nói :

- " Mặt Trận rất xứng đáng với chiến thắng của mình. Chúng tôi tất cả đều có tranh đấu cho một lý tưởng, đó là sự hòa hợp và sự hòa giải của dân tộc Việt Nam , và hoà bình cho Việt Nam . "

Chánh quyền mới không bao giờ tin ở những trạng thái vui vẻ tốt đẹp của vị cựu Tổng Thống . Ông nầy bị "quản thúc tại gia" ở nhà ông ta. Không một nhà báo nào được phép vào thăm ông ta. Các ông Nguyễn văn Huyền và Vũ văn Mẫu cũng vậy, đều bị quản thúc tại gia.

Lúc 19 giờ, đài truyền hình phát hình lần đầu tiên : có một vài hình ảnh của những kháng chiến quân thuộc CPLTCHMN làm cảnh cho một bản quốc ca, và một vài mẫu tin tức. Người ta không nhận các xướng ngôn viên mà đại tá Hòa đã cố gắng xin giữ lại. Người ta tuyên bố :

- Bây giờ anh là cố vấn kỹ thuật, mỗi ngày anh đến đây.

Về sau trong tuần, ông Hòa thấy có một người đến, với nhiều anh cận vệ, một người mà người ta gọi là "anh chính". Đó là nhà thơ Tố Hữu, một thành viên trong Bộ Chánh trị Trung Ương cộng sản . Ông nói chuyện chơi với ông cựu giám đốc đài truyền hình, đi một vòng xem các phòng thâu hình , và hỏi đại tá Hòa:

- "Anh nghĩ gì về các bản nhạc mà đài Hà Nội đã cho phát thanh ?

- Nhạc của quý vị giống nhạc Tàu quá!

Một người phó của ông Tố Hữu nhảy dựng lên; một người khác đến chiếc đàn dương cầm và chơi một bản:

- Đây có phải là Tàu không ?

- Vâng đúng là Tàu

Anh kia lại đàn môt bản khác:

- Còn bản nầy không , bản nầy thì không .

Tố Hữu bỏ đi...

Các anh bộ đội đi khắp thành phố, họ mua viết Bic, đồng hồ, máy thu thanh và khám phá ra đây là một xã hội tiêu thụ. Dân chúng Sài Gòn cũng hơi yên tâm, các bộ đội cũng dễ thương và chất phác đấy chứ ?. Các viên chức từ Hà Nội vào thì ghi các công ty vào danh mục và xếp loại họ, Các vườn trồng cây thì được xếp vào loại K1, các nhà máy thì loại K9. v.v...

Một sĩ quan Bắc Việt đến gặp đại tá bác sĩ Fourré ở bệnh viện Grall.

- Tôi là thiếu tướng Hùng.. Ông có nhận săn sóc các bệnh binh của tôi không ?

- Dĩ nhiên rồi.

- Vỉệc đó chúng tôi phải trả bao nhiêu ?

- Đối với các ông thì miển phí.

Rất bằng lòng, tướng Hùng yêu cầu là các bệnh binh của ông phải được nằm riêng, trong một dãy nhà đặc biệt.Người ta sẽ biệt phái đến một bác sĩ để săn sóc họ. Trong nhà xác của bệnh viện hiện đang còn xác của tướng Phạm văn Phú.

Có rất nhiều người dân Miền Nam không có bệnh hay bị thương gì hết, và cả một số không ít cảnh sát đều bám cứng vườn của bệnh viện Grall.



Hai ông Lê Duẫn và Võ nguyên Giáp đáp xuống Tân Sơn Nhất . Họ ôm chặt ông Lê đức Thọ, người chiến thắng vế chánh trị và tướng Dũng, người chiến thắng về quân sự .

Đài phát thanh loan báo là thành phố "phải là một thành phố cách mạng , văn minh, sạch sẽ, vui tươi và mát mẻ. Theo nguyên tắc tình nguyện bắt buộc, thì các sinh viên sẽ làm việc đó, họ được trang bị xẻng, thùng và chổi . Các biểu ngữ cũ được thay thế bằng các biểu ngữ mới : "Sài Gòn giải phóng muôn năm", "Hòa bình, Độc Lập, Dân Chủ, Phú Cường" "Nhân Dân và Quân đội đoàn kết để xây dựng xã hội chủ nghĩa muôn năm"

Trong niềm hân hoan quân sự của cuộc giải phóng nầy, rất khó mà tính được con số dân chúng Sài Gòn đã coi đây chỉ là một sự chiếm đóng; còn đối với chuyện người Miền Bắc đến dây, những người Bắc Kỳ (nguyên văn của tác giã :"Tonkinois"), thì người ta chưa thấy được một triệu chứng đầu tiên nào của những ai có trách nhiệm nào cả. Do đó mà có một số lớn thành viên của lực lượng thứ ba bị gạt ra ngoài, như linh mục Chân Tín, người đã gởi cho cơ quan Ân Xá Quốc Tế các hồ sơ về những nhà tù ở Miền Nam Việt Nam . Một nhà báo người Ý, ông Tiziano Terzani, đã tìm thấy được một nữ sinh viên 22 tuổi, Nguyễn thị Mẫn, vốn đã bị đày ra Côn Sơn. Cô đang theo các "lớp huấn luyện" .Thật ra những người được trả tự do thuộc lực lượng thứ ba, đều không được tự do như họ tưởng.

Lần hồi, một cách chậm chạp, tỉ mỉ và quan liêu, các quận của Sài Gòn được chia ra xuống thành nhiều khu vực, nhiều khu phố, nhiều khóm, phường, và tổ (gia đình) .Ở mỗi một cấp như vậy người ta đều có chỉ định một người trách nhiệm. Một anh công an có nhiệm vụ theo dõi,coi chừng. Dân chúng được phân chia ra thành nhiều loại, từ 9 đến 12 tuổi, từ 13 đến 17 tuổi, từ 17 đến 33, từ 34 đến 60, từ 61 đến 88. Tất cả những ai đến thành phố Hồ chí Minh đều phải được khai báo. Nếu họ ở qua đêm thì họ phải có giấy phép. Sự thanh lọc của chế độ công an trị được đặt trên thành phố cũng giống như một cái khuôn được đặt trên một cái bánh vậy.

Các "gia đình của giải phóng" đến nhập vào với cán bộ, từ Hà Nội vào, họ chiếm các khách sạn, các biệt thự, treo quần áo đầy chung quanh các hồ bơi của Câu lạc bộ Thể Thao. Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời (CPLTCHMN) đã xóa đi hai chữ "lâm thời", nhưng hình như họ không phải là thành phần cai trị . Ở khắp mọi nơi, từ nhà đèn cho tới bưu điện , các anh đại diện của CPLTCHMN đều có một hoặc có nơi hai người Bắc Việt chánh thức kèm một bên. Dân chúng đang thiếu tiền. Không một người nào được quyền rút trên 10.000 đồng ở ngân hàng của mình.. Gíá của một kí lô đường lên đến 2.000 đồng .. Những người Bắc Việt khám phá ra 4 kho vàng : xe đạp, máy truyền hình, quạt máy, và tủ lạnh. Những chiếc tàu đậu ở bến cảng Sài Gòn chở đầy bàn ghế, máy móc, xe xích lô máy, mô tô, máy điều hòa không khí....

Một cô đào hát nổi danh,cô Kim Cương, xuất hiện với cấp bậc thượng tá. Ông Trần xuân Ẩn, một nhà báo của tờ Time, rất tự nhiên, đã đứng vào hàng ngũ của những người đáng kính trong Ban Quân Quản của thành phố.

Những người ngoại quốc, các nhà ngoại giao, nhà báo, các thành viên cơ quan cứu trợ... đã tìm kiếm nhưng không gặp được người nào trong CPLTCHMN , một chính phủ cách mạng ma. Chánh quyền quân sự đóng ở Bộ Tư Lệnh Cảnh sát cũ, có những nhân viên an ninh mặc quân phục màu hường canh gát.. Trên căn bản các anh nầy thì không dễ thương bằng các anh bộ đội . Tư thất của đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin được đổi thành Bộ Chỉ Huy của Ủy Ban Cách mạng quận nhứt, và khách sạn Star được chuyển thành nhà thổ cho quân nhân, mặc dầu có lời kêu gọi về đạo đức ra rã suốt ngày trên các loa phóng thanh.

Một vài người dân Sài Gòn kiên nhẫn chờ đợi. Dù sao thì những người mới có trách nhiệm cũng đang có nhiều bài toán phải giải quyết. Đồng bạc của Bắc Việt đã bắt đầu xuống giá., sau nhiều ngày cao giá hơn đồng bạc của Miền Nam và đồng mỹ kim . Đồng mỹ kim đứng giá, chánh thức 1 mỹ kim đổi được 18,5 đồng Bắc Việt nhưng giá chợ đen là 20 đồng Bắc Việt .

Nhiều người dân Sài Gòn khác thì phát hiện được nhiều dấu hiệu cho thấy sắp có một cuộc chuyển đổi qua chánh thể cộng sản . Người ta loan báo nhiều cuộc quốc hữu hóa, và người ta ban bố nhiều quy định nghiêm khắc liên quan tới chuyện để tóc dài.. Không một ai cưỡng lại được những chuyện quốc hữu hóa, nhưng người dân Sài Gòn nhanh chóng từ chối áp dụng những quy định về tóc của họ.

Rõ ràng là Miền Bắc đã chiếm Miền Nam . Miền Nam đã chống lại và một cách êm thấm sẽ làm cho Miền Bắc ô nhiễm....



Ngày 7 tháng 5, vào buổi sáng, chiếc tàu Pionner Commander đến hải cảng của đảo Guam. Trên đường đi, đã có 3 trẻ em chết và có 3 đứa bé chào đời. Trên tàu có một cô bé tên là Vũ Lệ Thu, 11 tuổi là gái mồ côi và bị tật nguyền được Thủy Quân Lục Chiến nhận làm con nuôi.

Đứng nhìn 4.670 người tỵ nạn đang bước lên bờ, đại úy Moyer kiểm điểm lại tình hình. Chỉ có những cái chết của 3 trẻ nhỏ, ngoài ra không có gì tệ hại đã xảy ra trên tàu. Chiếc tàu bị một luồng bệnh nhặm mắt làm cho cả nhiều người lính Thủy Quân Lục Chiến cũng bị lây theo.

Các người tỵ nạn đã trao cho biệt đội "India" một số đĩa sơn mài kèm theo một bức thơ:

-"Ngày 7 tháng 5, năm 1975,

Kính gởi Tiểu Đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến ,

Của những người dân Miền Nam Việt Nam tỵ nạn trên tàu Pionner Commander,

Đây là một món quà tượng trưng rất khiêm nhường để nói lên lòng biết ơn sâu xa về hành động anh hùng mã thượng của tiểu đoàn nầy khi có cơ hội được nghe một tiếng kêu gọi khẩn cấp. Không có một lời nào để chúng tôi có thể nói lên sự cám ơn của chúng tôi ..... Các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến luôn luôn có mặt để bồng bế trẻ con giúp cho cha mẹ chúng nó lên tàu... Họ luôn luôn có mặt khi có

một người nào đó ngã bệnh, và cần có được sự chăm sóc của bác sĩ... Và trên hết tất cả, họ vẫn có nét mặt tươi cười dù là họ đã mệt nhọc làm việc suốt 24 giờ liền. Không bao giờ có một vấn đề gì gọi là kỳ thị giống dân hay tự tôn mặc cảm.... Chúng tôi rất thích thú được xem họ là bạn... Xin hãy nhận lấy món quà nhỏ mọn nầy như là một vật kỷ niệm của những người bạn của các anh trong một thời điểm chủ

yếu nhất của tình bằng hữu...."

Các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến lên xe buýt. Họ sẽ đi về Okinawa ba ngày sau .



Trong một cuộc phòng vấn được thâu băng trước của chương trình "Ngày hôm nay" thuộc đài NBC ngày 8 tháng 5, ông Henry Kissinger tuyên bố là ông không có từ chức.

- "Trong những điều kiện hiện tại, ra đi vào một thời điểm lo âu trong lúc ai cũng tìm một lối xử sự cho mình, tôi nghĩ rằng đó không phải là một công tác cho đất nước nếu tôi ra đi khi mà Tổng Thống đang tín nhiệm tôi và yêu cầu tôi ở lại nhiệm sở của mình .... Nếu chúng ta nhìn lại những gì đã được thực hiện trong những năm sau cùng nầy với Trung Quốc, với Liên Xô, trong lãnh vực năng lượng... vừa rút được các đơn vị của chúng ta về từ Việt Nam , vừa đưa được các tù binh của chúng ta về nước và vừa đưa ra một công thức có thể dẫn đến hòa bình ở Trung Đông..., tôi không nghĩ là phải nói một cách công bằng là đường lối chánh trị quốc ngoại của chúng ta đã thất bại.... Có một số thất bại, nhưng hầu hết những thất bại của chúng ta đều do những vấn đề chánh trị nội bộ.... "

Dù cho có những thất bại nào đi nữa thì các cường quốc tiên tiến cũng vẫn tiếp tục sống, vẫn tiếp tục đứng vững với những thất bại đó. Ngày mai nầy ông Philip Habib sẽ thảo ra cho ông Tổng Trưởng Ngoại Giao một giác thư "Hành Động". Hoa Kỳ đã yêu cầu nước Pháp đại diện cho chúng ta ở Việt Nam . Người Pháp đã chấp thuận nhưng còn đợi sự đồng ý của chánh quyền Sài Gòn trước khi có quyết định chánh thức.. Chánh quyền của thành phố Hồ chí Minh đã nhờ quốc gia Algérie coi giùm tài sản của Miền Nam Việt Nam ở Hoa Kỳ.

Ông Habib đã phân định được 3 loại vấn đề trong hiện tại :

1)- Chín trăm quân nhân được coi là mất tích, và 1.400 người Mỹ chết trận chưa tìm được hài cốt.

2)- Có khoảng 50 người Mỹ đã ở lại Miền Nam Việt Nam : 9 thường dân Mỹ bị bắt ở Ban Mê Thuột và Phan Rang; và có những người đi giảng đạo, nhà báo, các bác sĩ và y tá đã tình nguyện ở lại Việt Nam .

3)- Chánh Phủ Hoa Kỳ và các Hiệp Hội của Hoa Kỳ ở Miền Nam Việt Nam đã có một số tài sản ước lượng chừng 100 triệu mỹ kim.

Ngoài ra còn có từ 50 đến 100 triệu mỹ kim đã được ký thác vào các ngân hàng Hoa Kỳ qua các ngân hàng Việt Nam . Có những ký thác khác của Miền Nam Việt Nam ở các ngân hàng ngoại quốc, khoảng chừng 40 triệu mỹ kim. Tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Hoa Thạnh Đốn và các lãnh sự quán ở Nhiêu Do và Cựu kim Sơn, kể cả chương mục của họ trong ngân hàng, được trị giá khoảng 3 triệu mỹ kim.

Liệu có nên cho Algérie nhận trách nhiệm quản trị những tài sản của Việt Nam Cộng Hòa ở Hoa Kỳ hay không ? Một trong các lý do bênh vực cho cuộc dàn xếp nầy : Người Mỹ còn giữ một phương tiện liên lạc với cựu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa , Người Algérie sẽ được thỏa mản, Người Mỹ giữ tất cả những sự chọn lựa cho mình " nhằm vào sự tổ chức giao tế trong tương lai"

Đi ngưọc lại với sự dàn xếp nầy :Hoa Kỳ sẽ công nhận ngầm chánh quyền cũ của Việt Nam Cộng Hòa là đại diện chánh thức cho Miền Nam Việt Nam . Ở Hoa Kỳ cũng như ở ngoại quốc, điều nầy có thể là một quyết định quá hấp tấp và không đúng.

Dù muốn dù không . từ ngày 9 tháng 5, Bộ Ngoại Giao, qua ông Philip Habib, không loại trừ một sự bình thường hóa giao dịch với một nước Việt Nam mới bất kỳ trong kỳ hạn nào. Trong số các nước tiên tiến, các quốc gia khổng lồ và lạnh nhạt, thì Hoa Kỳ là quốc gia ít có hận thù nhất.



Ngày 15 tháng 5 là ngày sinh nhật thứ 85 của Hồ chí Minh. Đã bắt đầu có những buổi lễ mầng thành phố Hồ chí Minh được giải phóng. Các buổi lễ nầy được tổ chức trong nhiều ngày. Một khán đài danh dự được dựng lên ngay trước dinh Độc Lập, có cờ xí và cây kiểng chung quanh.

Trong một ngày nắng tốt, từ 8 giờ sáng, người ta nhận thấy đã có mặt ở khán đài ông già Tôn đức Thắng, có dù che, chủ tịch danh dự của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một kẻ nổi loạn hồi xưa ở Biển Đen (Nga la Tư).. Ngồi hai bên cạnh ông ta là Thủ Tướng CPLTCHMN Huỳnh tấn Phát, tóc ngắn màu xám tro, ông Nguyễn hữu Thọ, Chủ Tịch Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng, và bà Nguyễn thị Bình, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao. Ông Lê đức Thọ tươi cười như tướng Trần văn Trà ngồi bên cạnh các sĩ quan mặc quân phục dạo phố màu xám nhạt, đội mũ cát kết có băng đỏ, ngực đeo đầy huy chương theo kiểu Liên Xô. Đức Giám Mục Sài Gòn được thấy bên cạnh vài nhà sư Phật Giáo . Ông Pierre Brochand ngồi hàng dưới cùng của khán đài. Lúc ông dùng xe đạp đi dạo, ông ta đã thấy chủ tịch Mặt Trận Nguyễn hữu Thọ đi một vòng thành phố như một khách du lịch nhưng trong một xe du lịch của chánh quyền.

Trước giờ diễn hành, ông Huỳnh tấn Phát, Chủ tịch CPLTCHMN , đọc một bài diễn văn, trong đó ông cho biết là Chánh Phủ mới của Miền Nam sẽ là Chánh Phủ Dân Chủ, rằng ông đã thắt chặt giao hữu với tất cả các quốc gia , và rằng mọi ý kiến và tín ngưỡng sẽ được tôn trọng.

Sau đó là một cuộc diễn hành quân sự rất đẹp mắt. Có một vài đơn vị du kích quân đi đầu với vũ khí hổn tạp. Họ không được nhiều. Trên khán đài, ông Trương như Tảng, Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp của CPLTCHMN ngạc nhiên :

- Ủa , các sư đoàn của chúng ta đâu hết không thấy ?

Chung quanh tướng Trà người ta cười rộ lên:

- Đã thống nhất rồi, binh sĩ của Mặt Trận đã được chánh quy hoá hết rồi.

Các chiến xa T.54 và T.56 , các chiến xa lội nước PT.76, các hỏa tiển Sam, có xe kéo rất bóng láng, và các binh sĩ và lính Hải Quân đều mang găng tay trắng.

Có vài người còn tiếp tục nói :

- " Mấy người Việt Nam từ Hà Nội và hơn nữa những người của CPLTCHMN cũng đều là đồng bào của chúng ta , rồi thì chúng ta cũng đi đến chỗ hiểu nhau thôi !

- Họ sẽ có lợi nhiều hơn khi họ chấp nhận một Miền Nam đa nguyên và trung lập.

Có những người khác thì cẩn thận hơn :

- Phải chờ xem đã . Phải thấy mới được . Không ai rán trứng mà không đập trứng ra đâu ?.

Cũng có người nói :

- Xã hội chủ nghĩa hả ? đó là con dường cộng sản hóa bắt đầu đó !

Vì có nhiều lý do mà chánh quyền không giải thích, buổi lễ mầng giải phóng được thu ngắn gọn lại.



Có nhiều người dù không thích hay ghét ông Thiệu, cũng đã nhớ lại câu nói của ông

- "Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm"

Có rất nhiều người dân Miền Nam nhất là dân Sài Gòn cảm thấy " nỗi đau của một người mẹ khi thình lình đứa con của họ chết vì tai nạn"

Một vài anh bộ đội bị ám sát ở vùng ngoại ô, thường thì bị đâm bằng dao. Các toán tuần tiểu Bắc Việt đã tăng cường hoạt động. Các nhân viên kiểm soát an ninh và trật tự đi cùng khắp nơi với máy bộ đàm , các máy 500 và máy truyền tin lấy được của Miền Nam . Đôi khi họ bắt được kẻ trộm, họ hành quyết ngay và để tử thi tại chỗ cho người ta thấy để làm gương.

Sách báo Tây Phương thường được bày bán ngoài dường hay trong các tiệm sách, đều biến mất hết. Người ta tìm đốt hết. Lần lần xuất hiện các cuốn sách của Mác, của Các Mác, của Ăn Ghen, của Lê Nin và của Sít ta Lin nữa. Và các tác phẩm của các nhà tư tưởng ở Hà Nội, mà của Lê Duẫn là hàng đầu. Các trường học được mở cửa lại. Trong mỗi lớp học đều có dán năm điều răn của "Bác Hồ cho trẻ con: "yêu Tổ Quốc, yêu Dân Tộc ","Học giỏi. Lao động giỏi", "Đoàn kết và kỷ luật". "Biết giữ vệ sinh". "Khiêm nhường, Thành thật, và Cảnh giác"

Cảnh Giác là thường phải tố giác cha mẹ, người hàng xóm và bạn bè.

Các công chức thuộc chế độ cũ, cảnh sát , quân nhân bị gọi đến trình diện. Họ phải đi "học tập" ở các trại cải tạo. Người ta thông báo chánh thức là binh sĩ đi học tập 3 ngày, hạ sĩ quan thì hai tuần, sĩ quan cấp úy hay cấp tá là 3 tháng; các nhân viên thuộc cơ quan an ninh, những người thường tra khảo người ta, và một vài sĩ quan cấp tướng, có thể phải học tập lâu hơn, người ta nói là có thể đến 3 năm.



Đối với những người tỵ nạn đã đi ra ngoại quốc, chánh quyền của thành phố Hồ chí Minh vừa thấy thích thú vì đã đương nhiên loại được một số lớn người tiềm tàng chống đối, lại vừa có ý muốn cho gọi về Việt Nam "dân chủ và đa nguyên" những người công dân đã coi như đi lạc đường. Người ta cố gắng thu hồi một số người tỵ nạn về Việt Nam . Ngày 25 tháng 5, ông Huỳnh công Tâm giám đốc liên lạc của CPLTCHMN bên cạnh Liên Hiệp Quốc ở Genève, đã viết thơ cho Cao Uy Tỵ Nạn Subraddin Aga Khan :

" Thưa Ngài Cao Ủy,

Chắc Ngài cũng biết sự kiện là có hằng chục ngàn người Việt Nam đã rời khỏi Miền Nam Việt Nam vào thời gian trước ngày giải phóng hoàn toàn ở nước tôi.

Trong số những người Việt Nam đó, đã có rất nhiều người bị di tản trái với ý muốn của họ, hoặc đã bị tuyên truyền láo khoét nhằm cho họ phải bỏ đất nước của họ . Mặt khác có hằng trăm trẻ con Việt Nam đã bị bốc đi khỏi quê hương của chúng và điều nầy vi phạm những luật lệ quốc tế hiện hành...."



Trong một số trung tâm như ở đảo Guam, có một vài trăm người tỵ nạn, yêu cầu được trở về nước . Hoa Kỳ đã sẳn sàng cho họ hồi hương. Nhưng thình lình chánh quyền thành phố Hồ chí Minh từ chối không nhận họ. Những người của Hà Nội có lẽ đã mất một dịp may lịch sử để bình tường hóa lại quan hệ với Hoa Kỳ.

Điều nầy không cấm được ông Phạm văn Đồng ngày 3 tháng 6 đã kêu gọi việc bình thường hóa nầy, với những điều kiện mà ông đã đưa ra :Hoa Kỳ phải viện trợ kinh tế cho cả hai miền Nam Bắc Việt Nam . Với một thái độ vô liêm sĩ quá hài hước, ông Thủ Tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hống hách tuyên bố là Hoa Kỳ phải hoàn toàn tôn trọng Hiệp Định Ba Lê về ngừng bắn năm 1973.



Lịch sử đã nuốt trửng hay đã phân tán hết những kẻ chiến bại. Tại Việt Nam, kẻ chiến thắng biết đánh giặc nhưng không đạt được phương thức tổ chức cho hòa bình. Chế độ được gọi là dân chủ ở Việt Nam được rập khuôn theo kiểu Liên Xô, và được Liên Xô ủng hộ. Bây giờ Việt Nam là một trong ba quốc gia nghèo đói nhất trên thế giới và là một trong những nước có chế độ công an trị nhất ở Á Châu

Sống trong một không khí phân tán chia rẽ nhau, những người trẻ nghi kỵ các người lớn tuổi, và những người lớn tuổi thay vì hợp tác như thường lệ thì lại lên án mạnh mẽ, cho "nó là người của cộng sản", "cô ta làm việc cho Thiệu", "bọn nầy là Phật Giáo cánh tả", "bọn kia bênh vực cho công giáo chính thống", "nó là bộ trưởng của CPLTCHMN ". v.v..

Cũng giống như các cộng đồng lưu vong khác, người Việt Nam phải biết làm lại từ đầu, hay là ít ra phải biết thực hiện đoàn kết quốc gia và thực hiện dân chủ...

Ông Nguyễn văn Thiệu sống một cách đế vương ở Luân Đôn, mà vẫn có một thẻ cư trú ở Mỹ từ năm 1985. Người Mỹ nói ông giữ một "lối sống có vẻ bình dân" . Lúc ông mới đến Anh quốc, một nhân viên người Anh thuộc cơ quan đặc biệt chuyên về điều tra tài sản của ông Thiệu, đã thấy được khoảng 200.000 mỹ kim và nhiều nữ trang của bà Thiệu.. Ông Thiệu đi du lịch, qua Mỹ, Pháp và theo dõi tiến trình chia rẽ chánh trị của Việt Nam . Ông đặc biệt quan sát chiến dịch khá không thực tế của một nhóm luật gia Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Vũ quốc Thúc " để đặt lại vấn đề Hiệp Định Ba Lê 1973". Nếu "rủi ro" mà người ta lại nói đến nhiều về Hiệp Định thì ông Thiệu đương nhiên sẽ trở lại thành vị Tổng Thống của một nửa nước Việt Nam , dĩ nhiên hoàn toàn trên phương diện lý thuyết mà thôi. Có một số người đã quên đi một cách dễ dàng là ông Thiệu đã từ chức rồi. Sự chia rẽ của những người Việt Nam , vốn còn chưa chế ngự được các sư đoàn của mình, đôi lúc họ lại bàn tính đến các dự án có hơi phi lý, nhưng cũng có dự án nghiêm túc hơn.

Cuộc "tắm máu" được loan truyền trước khi Sài Gòn bị thất thủ thì không có trong khi cộng sản lên nắm chánh quyền nhưng sau đó thì có tắm máu thật. Hai nhà sưu tầm là ông Jacqueline Desbarats và Karl Jackson đã chứng minh là đã có tối thiểu 65.000 người bị hành quyết. Chưa nói đến những người đàn ông và cả đàn bà coi như đương nhiên bị lên án tử hình khi người ta đẩy họ vào những vùng "rừng thiêng nước độc" kinh khủng, hoặc đưa họ đi gở mìn mà không có máy dò mìn...

Các cộng sự viên của ông Thiệu được phân tán ra ở khắp năm châu khi họ còn sống được hay không bị chết trong những trại lao động tập trung kiểu Goulag của Liên Xô .

Ông Hoàng đức Nhã làm việc cho một công ty Mỹ ở thành phố Chicago. Ông có nhiệm vụ trao đổi mậu dịch hiện đại trên một quy mô rộng lớn, một hoạt động thường giúp ông được dịp đi Trung Quốc. Hầu hết các cựu tướng lãnh của Miền Nam Việt Nam đều cư trú ở Hoa Kỳ .Cựu Thủ Tướng Trần thiện Khiêm và cựu Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao văn Viên không có ưu tư về vấn đề vật chất. Trái lại, trường hợp của phần lớn các tướng lãnh và các sĩ quan cao cấp thì lại thật sự không phải như vậy. Chẳng hạn như Đô Đốc Chung tần Cang vị Tư Lệnh sau cùng của Hải Quân và tướng Lê quang Lưỡng, vị chỉ huy xuất sắc của Lực lượng Nhảy Dù, đều sống rất khiêm nhường ở thành phố Bakersfiel, California. Họ làm việc 8 tiếng một ngày trong nhiệm vụ đốc công trong kỹ nghệ dầu hỏa. Ông Nguyễn cao Kỳ nóng tính thì giờ đây lại yên lặng hơn trước , tuy không thành công trong công việc làm ăn nhưng lại có được một vài người bạn á rạp châm chỉ.. Vị chủ tịch cuối cùng của Thượng Viện, ông Trần văn Lắm có một nhà hàng ở Úc Châu. Ông Bùi Diễm, cựu đại sứ lưu động, vừa mới cho xuất bản tập Hồi Ký của ông. Ở tiểu bang Virginia, vị toàn quyền quân sự cuối cùng của Thủ Đô Sài Gòn , sau 7 năm ở trại cải tạo, đang nghiền ngẫm lại chuyện hợp tác của ông ta với đại tá Phạm ngọc Thảo, người được Hà Nội truy tặng "anh hùng giải phóng", vì đã thường có những cố gắng làm cho chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa mất thăng bằng....

Dù là quân nhân hay là dân thường, có chút tên tuổi hay vô danh, tất cả nam hay nữ đều chấp nhận số phận của mình với đầy đủ phẩm cách..như một ông đại tá quan trọng nào đó là người gác cổng ban đêm . Đã có những vấn đề riêng tư, thường rất là đau khổ vô tình hay cố ý được trói buộc vào với vấn đề chánh trị : Rất nhiều người của Miền Nam Việt Nam được trả tự do sau mười năm đi tù cải tạo lúc trở về lại thấy vợ mình đã đơn phương và chánh thức ly dị với mình !

Sau khi đầu hàng cộng sản , tướng Dương văn Minh không bị đưa đi "học tập cải tạo " Chánh quyền cộng sản đã cho phép ông di cư năm1981. Ông thường được cáo buộc là đã có nhiều mỹ kim kín đáo để ờ Pháp, ông Dương văn Minh sống rất kín đáo ở một khu ngoại ô của Ba Lê, Đúng là một sự công bằng nên thơ, không biết có phải vì ngại ngùng , hay có thể là đắn đo, mà ông tướng Minh hay do dự nầy đã chọn "con đường của Người Liều Lĩnh" để ở (nguyên tác: rue du Téméraire", một tên đường có thật ở Ba Lê)

Cho tới tháng 7 năm 1975, kỹ sư Văn đi ngược với trào lưu sì ta li nít, và các lượng sóng mac xít, vẫn ước mong là những người trung lập sẽ nắm chánh quyền ở thành phố Hồ chí Minh . Người ta đưa ông vào trại tù lao động cải tạo, như tất cả các công chức khác. Năm 1977, ông sang Paris.

Nhà văn Duyên Anh, bi cộng sản coi như " một trong mười tác giả nguy hiểm nhất" nên bị cấm mọi chuyện xuất bản, sau đó bị bắt và vào tù, dĩ nhiên là không có án lệnh. Với số tù là 239 D. TH 6, TCT CTXM. Ông được thả ra vào năm 1981, nhờ hội nhà văn Pen Club và Hội Ân Xá Quốc tế mạnh mẽ can thiệp. Đến được bên Pháp rồi ông Duyên Anh cho xuất bản năm 1986 cuốn sách : "Một người Nga ở Sài Gòn" , cuốn sách đầu tiên nầy được Tây Phương dịch .Một áng văn Việt Nam tuyệt tác - trong bao nhiêu năm ?- sẽ trở thành một áng văn lưu đày. Sách của ông được linh mục Mais chuyển ngữ. Vị linh mục nầy bị cầm tù 9 tháng với lý do : " đi trên đường mà không có giấy phép". Sau đó rồi cũng như tất cả các vị tu sĩ ngoại quốc khác , ông bị người ta trục xuất ra khỏi Việt Nam .

Vào giờ nầy, đã có hơn 1 triệu người Việt Nam đã chọn con đường "vượt biển" hết sức là gian truân. Đã có một thời, Hà Nội khẳng định đó là những người trưởng giả, những kẻ tham nhũng, ăn hối lộ...thuộc giai cấp tư sản mại bản. Thật ra, ở Miền Nam cũng như ở Miền Bắc có những người nông dân, những người buôn bán nhỏ, các thợ thầy ... ai cũng chạy trốn, thật là một cuộc di cư không tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam , một đất nước mà ở đó ai cũng muốn sống bám vào mảnh đất, vào làng xã, vào "lũy tre xanh" của mình như là một tài sản căn bản của gia đình.... Trung sĩ Thưởng cũng là một "người vượt biển" (nguyên tác : tác giả dùng danh từ của thế kỷ "boat people" ). Ông đến Vũng Tàu học nghề đánh cá, rồi cưới vợ, xuống tàu ra đi một cách bất hợp pháp năm1976, gia đình bị lạc ngoài biển khơi, nhưng sau cùng được gặp lại bên Thụy Sĩ. Còn ông Phạm Thìn, đại úy cảnh sát, mang thông hành số 112517 THI , từ 65 kí lô xuống còn có 49 kí khi ông được thả ra từ trại lao động cải tạo, hiện là quản lý hay là đầu bếp trong một quán ăn nhỏ ở Pierrefitte , bên Pháp.

Hai trong số 3 người ngự lâm pháo thủ, ông Cao Giao, tỵ nạn ở Bỉ sau khi đi tù, và ông Vượng thì ở Mỹ, tất cả đều đã chết. Người thứ ba, ông Trần xuân Ẩn, không có hành động gì cả khi cộng sản đến bắt ông Cao Giao. Ông Trần xuân Ẩn nầy, là một trong "ba người ngự lâm pháo thủ", từng làm việc rất đắc lực cho tờ báo Time của Mỹ, đã lộ diện là một đại tá tình báo Bắc Việt được rất nhiều người xác nhận (chú thích của dịch giả : vào thập niên 80 được Hà Nội phong hàm thiếu tướng trong Quân đội Bắc Việt)

Tuy vậy ông Cao Giao vẫn giữ tình bạn với ông Ẩn, ông chỉ thấy Ẩn là "một người bị lừa về ý thức hệ và bị vỡ mộng". Mặc dầu bị phản bội và bị tổn thương, nhưng tình bạn hữu thường vượt qua sự chia rẽ về chánh trị :"Chúng tôi đều là người Việt Nam", ông Cao Giao vừa vuốt râu vừa nói....

Tờ báo Time lại cho bà Trần thị Nga vào làm việc lại ở Nhiêu Do.Vào năm 1986 bà cùng với Wendy Winder Laesen cùng xuất bản một tập thơ với hai giòng đời, rất rõ ràng và ngao ngán , làm cho tất cả những người cũ của Việt Nam từ những người chủ hòa cũng như người chủ chiến ai cũng cảm động. Bà Ngà thuật lại hai cuộc đời của bà, một ở Việt Nam và một ở Hoa Kỳ :

Chúng tôi không nệ hà , có việc là nhận làm ngay,

Con rể tôi, tốt ngiệp trường Luật, cũng hay

Phải đi bán Élextrolux là một loại máy hút bụi

Phải đi quảng cáo từ nhà nầy sang nhà khác

Người Mỹ lại sợ dân Á Đông ta,

Nên họ không cho vô nhà, thật quái ác !

Bà Nga viết thư về cho Mẹ :

- " Mẹ vẫn thích mùa thu ở Hà Nội. Mẹ thích không khí lạnh ở đó , nhưng chúng con thì không . Chúng con vừa qua một trong trong những mùa đông khắc nghiệt nhất trong cả trăm năm gần đây... Cháu ngoại của Mẹ đã được 3 tuổi. Nó nói rất giỏi tiếng Anh làm cho chúng con buồn . Chúng con có một lệ là chúng con phải nói tiếng Việt ở trong nhà để các cháu đừng quên tiếng mẹ đẻ

Chúng con đã có một bàn thờ cho Cha con. Chúng con cố giữ các truyền thống của quê hương mình...

Ở đây chúng con rất thoải mái, nhưng về tinh thần thì chúng con đói lắm. Chúng con thiếu nước Việt Nam của chúng con . Và nhất là Mẹ, hơn tất cả mọi thứ, chúng con thiếu Mẹ. Nếu Đức Phật hiện hữu thì chúng con sẽ cầu nguyện, cầu nguyện cho chúng ta được đoàn tụ với nhau..."

Hầu hết những người Việt Nam sống lưu vong đều được ổn định, hơn hẳn người Cam Bốt hay người Lào. Họ hội nhập được với mọi nghề nghiệp, nhưng không hội nhập với xã hội .Cũng như bà Nga, tất cả đều bị ngày về với đất mẹ ám ảnh.

Vào tháng 6 năm 1987, ông Phạm văn Đồng, 81 tuổi, từ bỏ chức Thủ Tướng. Ông ta đã đảm nhiệm chức vụ nầy trong suốt 31 năm. Ông Lê đức Thọ cũng rời khỏi Bộ Chánh trị như ông Đồng vào năm 1986, lúc ông được 75 tuổi. Hai người đều trở thành cố vấn cho Ủy Ban Trung Ương Đảng. Khi ông Lê Duẫn chết, Lê đức Thọ không có lên thay ông nầy trong chức vụ Tổng bí thư đảng. Nhưng em ông là Mai chí Thọ, sau một thời gian "trị vì" ở Sài Gòn ngay sau ngày 30 tháng 4 1975, bây giờ đã trở thành một thành viên trong Chánh trị Bộ. Cộng sản Việt Nam đã có nhiều nét bại hoại vay mượn từ cộng sản quốc tế. Vừa gia đình trị, họ vừa bám chặt chánh quyền cho đến già giống như các đảng cộng sản Albany, Lỗ ma Ni, hay Bắc Hàn . Ở Hà Nội người ta có thể tìm thấy nhiều đại gia đình ôm cứng chánh quyền dưới nhiều tên và nhiều bí danh khác nhau. Các nhà lãnh đạo đảng theo mác xít nguyên thủy, tự cô lập với thế giới bên ngoài, và phủ nhận hết sự kiện. Ông Youri Jivago hay đúng hơn là ông Boris Pasternak đã viết :

" Thuyết mác xít rất là không tự chủ để trở thành một khoa học. Thuyết Mác xít và tính khách quan ? Tôi không thấy thuyết nào hay tự thu mình lại và rời xa thực tế hơn thuyết Mác xít ."

Những người như Phạm văn Đồng, Lê đức Thọ, Lê Duẫn sống thu mình lại với chính họ, với những lược đồ của họ và hãnh diện trên sự ngu dốt của họ. Anh bộ đội dốt nhất trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn đã nhanh chónh khám phá ra là Tây Phương và hệ thống tự do kinh doanh của tư bản đã giúp ích rất nhiều cho những người kém may mắm hơn là xã hội chủ nghĩa cứng ngắt của Miền Bắc .Và các anh bộ đội trở về gia đình ở Miền Bắc, đã thấy mình bị lừa gạt, đồng thời du nhập vào Miền Bắc một sự nghi ngờ đến tận các cơ quan của đảng. Người ta không còn có thể thuyết phục "khối quần chúng" được nữa rằng tất cả những sự khổ đau của đất nước giờ nầy đều do sự "thối nát" của "chủ nghĩa đế quốc". Sau cái ngày mà cộng sản gọi là "giải phóng" có một sự vô tổ chức trong xã hội Việt Nam đến mức độ mà ở ngay tại Sài Gòn đôi khi không có một cọng rau nào (nguyên tác : liseron d'eau : bông súng hay rau muống nước, hay rau mát) hay một con cá nào để mà ăn.. Rau thì có khối gì ờ nông thôn, còn cá thì dẫy đầy khắp các ao, những thứ mà trong thời kỳ chiến tranh không bao giờ thiếu.. Chế độ xã hội chủ nghĩa , theo công thức của Lê Nin, không phải là "điện khí hóa cộng với những người Sô Viết", nhưng là sự sản xuất và sự phân phối bị ngưng trệ vì thuyết tập trung quyền hành ngu xuẩn và chế độ quan liêu không hữu hiệu. Đâu có cần phải ra nghị định quốc hữu hóa hay hợp tác hóa nông nghiệp một ngày nào đó để vài năm sau lại phải bãi bỏ mới đi đến thành công ?

Đến giờ nầy, nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quốc gia ăn mày, lệ thuộc hoàn toàn vào một người bảo trợ duy nhất là Liên Xô và mọi công trình của họ.

Ở nước Việt Nam thống nhất, "có một sự thiếu thốn trầm trọng về vật chất loại tối cần thiết, và thuốc men..... Sư thiếu khả năng để giải quyết một số mục tiêu hàng đầu trong chương trình 5 năm sau cùng đã ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của mọi hoạt động kinh tế. Thông thường thì họ không xử dụng đến năm chục phần trăm khả năng của các công ty. Tài nguyên thiên nhiên bị lãng phí....Môi trường đang trên đường bị phá hủy. Có nhiều triệu công nhân bị thất nghiệp hay bị thừa nhân công.....

Những nhận xét nầy không phải do những người dân của Miền Nam Việt Nam ở xa quê hương nhớ nhà hay do những nhà báo "tư bản". Mà được Trường Chinh, cựu tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam chánh thức đưa ra, và cũng đã được các dân biểu Quốc Hội báo cáo vào tháng 12 năm 1986. Những sự cải cách kinh tế bị thất bại được quy trách trên hết cho "Ủy Ban Trung Ương Đảng, cho Chánh trị Bộ, và cho Chánh Phủ "

Những lãnh đạo đảng đã có chủ trương thống nhất, chủ trương xăm lăng và cả dân chúng Việt Nam đều là những nạn nhân đương nhiên của chủ nghĩa giáo điều. Chương trình của đảng cộng sản Đông Dương trong thập niên 30 đã dự kiến một sự thống nhất của cả ba nước ở Đông Dương . Và họ đã thực hiện. Đối với tất cả các Chánh Phủ vùng Đông Nam Á Châu, lãnh đạo Hà Nội đã trở thành những người Phổ trong vùng. Chiến xa cộng sản vẫn luôn luôn biết gây ra chiến tranh. Các chiến xa sô viết đã hoạt động ở Ba Linh (Đức), ở Prague (Tiệp Khắc) và Budapest (Hung gia Lợi). Người ta dự đoán đây là những cuộc hành quân cảnh sát để đàn áp với một quy mô rộng lớn. Không còn có thể chối cãi gì được nữa, đảng cộng sản Việt Nam là một đảng cộng sản nguyên thủy cộng thêm với một sức chịu đựng dẻo dai đến điên cuồng, họ là những người cộng sản đầu tiên với lực lượng bộ binh , thiết giáp và pháo binh nặng của họ, có cả phi cơ và trực thăng dùng võ lực quân sự xăm lăng những đảng cộng sản khác: ở Cam Bốt dùng gậy ông đập lưng ông, các đơn vị chánh quy Việt Nam giờ đây chạm trán với lực lượng du kích Khmer Đỏ, với lực lượng thân binh của Sihanouk và lực lượng của Sơn Sann.

Ở Hà Nội có nhiều người xác nhận là tướng Võ nguyên Giáp đã chống đối với chuyện phiêu lưu trong vũng lầy Cam Bốt. Đó là một trong những lý do để cộng sản cho ông ra rìa. Lúc đầu thì tướng Giáp đau nặng. Người kế vị ông là tướng Văn tiến Dũng, người hùng của chiến dịch Hồ chí Minh, leo lên trong hệ thống, sau đó thì ông tự rút lui - hay bị đẩy xuống theo lối Việt Nam nhẹ nhàng không có tiếng động - sau khi cho xuất bản quyển hồi kký nên thơ của mình về sự tiến chiếm Sài Gòn . Người phụ tá của ông, tướng Trần văn Trà cũng về hưu sớm. Ông nầy cũng cho xuất bản một quyển hồi ký - quyển 5 trước những quyển khác, đến 10 ngàn quyển vào năm 1982, nhưng không bao giờ được tái bản ở Sài Gòn bởi vì, với một tinh thần tương đối độc lập, tướng Trà là thành viên của CPLTCHMN và ông đặt nhiều câu hỏi về một vài lý thuyết của tướng Dũng, đến cả hình ảnh hoa sen nở của ông nầy. Tướng Trà sống trong một chung cư với cán bộ gần Sài Gòn . Người ta còn thấy ông trong những buổi lễ kỷ niệm năm thứ mười của "chiến thắng" vào năm 1985 và ông không "có thì giờ" để cho người ta phỏng vấn ông.

Ông Phạm Hùng một chánh trị gia đã từng làm việc với tướng Trà ở Miền Nam Việt Nam trong những tháng cuối cùng trước ngày Sài Gòn bị thất thủ, bây giờ là nhân vật số 2 trong Chánh trị Bộ và là Thủ Tướng. Người số 1 là vị tân tổng bí thư Nguyễn văn Linh mà những người thân của ông gọi ông ta là Mười Cúc.

Sau 17 năm ở trại cải tạo, Nguyễn Ky về Sài Gòn và cũng như mọi người ông vượt biển. Là một người thợ sấp chữ, ông sống rất chật vật tại Westminster thuộc thành phố Orange County, tiểu bang Caligfornia. Ông ta còn mơ một "xã hội chủ nghĩa với một bộ mặt của con người". Anh Tiến, con người trẻ thích ci nê, đã trở thành cận vệ của anh mình, một cực cán bộ của CPLTCHMN. Từ năm 1977, anh bạn trẻ nầy cũng sống ở Westmimster. Như vậy là trong sự tan rã của người Việt Nam , có một số người quốc gia cũng như những người cựu cộng sản và những người phi chánh trị . Có một số thân nhân của những người có máu mặt trong chế độ cộng sản đã rời khỏi nước Việt Nam như : các cháu gái của Trường Chinh đã tỵ nạn ở bên Pháp, con gái của Nguyễn hữu Thọ, Chủ tịch MTGPMN thì ở Gia nã Đại...Có quá nhiều người chối bỏ ....

23 năm trong 29 năm sau cùng, nhà thơ Nguyễn chí Thiện đã sống trong ngục tù hay trong các trại cải tạo. Đến tháng 6 năm 1978, ông được ân xá. Ông gom hết các tác phẩm của ông đem gởi cho tòa đại sứ Anh quốc ở Hà Nội và vì chuyện đó ông lại bị bắt và bị giam vào "Hỏa Lò" ở Hà Nội , từng được mang danh là khách sạn "Hilton Hà Nội" nơi đã từng giam giữ và tra tấn các tù binh chiến tranh Mỹ.

Thượng tá Trần bá Đoài, sau khi sửa chữa các xe vận tải để hoàn trả cho Liên Xô và Tiệp Khắc, đã bị hạ tầng công tác, vì tội "thiếu thiện chí", bị xuống cấp thiếu úy và bị cho ra khỏi đảng. Ông trở về Trung Quốc. Ở đây ông từ khước không chịu vào Quân đội cách mạng Việt Nam, một tổ chức cách mạng Việt Nam mới do Trung Quốc dựng lên. Và từ năm 1981 ông đến được Hong Kong sau đó qua Anh Quốc.

Trong tất cả các cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, cộng đồng người Việt ở Anh quốc hình như là một trong những cộng đồng - nói sao đây ?- buồn nhất . Người ta khó mà quên được cái nhìn say đắm của những người nông dân hai dòng máu Việt Hoa ngồi uống trà trong những căn phòng thiếu cả bàn ghế, mắt nhìn chăm chăm lên màn ảnh truyền hình mà không hiểu họ nói gì. Các nhà xã hội học đều công nhận là tất cả những người Việt Nam nhiều hay ít đều hội nhập được với dời sống mới. Hình như ở Anh quốc người ta nghĩ tới nắng ấm của mặt trời ở California , và cả đến ánh mặt trời leo lét của mùa đông ở Vịnh Hạ Long !

Bây giờ thì ông Gerald Ford ít sun soe hơn ông Richard Nixon. Một người thì nhìn thấy Sài Gòn bị thất thủ, đau khổ mà bước ra khỏi lịch sử, một người thì bám chặt lấy nhiệm vụ của một chánh trị gia quá tuổi. Lịch sử không có trả lợi tức tinh thần cho các nguyên thủ quốc gia .

Khi người ta gặp ông Kissinger ở hội quán của ông ở đường Park , thì ông Kissinger có vẻ hình như chưa được hoàn toàn trở về lại với ánh hào quang của một Bộ mà đối với ông nhìệm vụ không bao giờ có chút Ngoại Giao nào . Có một lần ông đã nói rằng "chánh quyền là viên thuốc kích thích dục vọng ghê gớm lắm." Ông Kissinger đã được phỏng vấn, đăng báo, tham khảo và được cả ông Gorbachev tiếp đón nồng hậu ở Mạc tư Khoa ; Ông đã nói về Việt Nam một cách trịnh trọng nhưng đôi khi trong thâm tâm cũng thấy bối rối .

Ông Graham Martin thì dường như còn cay đắng. Người ta không có cho ông một nhiệm sở nào sau khi ông rời khỏi Việt Nam . Dĩ nhiên là ông đã đến tuổi về hưu, nhưng, để có thể nhận một tòa đại sứ khác thì ông phải qua một phiên điều trần ở Thượng Viện. Người ta muốn tránh việc đó với bất cứ giá nào vì còn quá sớm.. Ở Winston-Salem, ông Martin ôm ấp những kỷ niệm của mình, lúc nào cũng vẫn đinh ninh rằng mình có lý. Sau vụ việc ở Sài Gòn ông chỉ gặp ông Kissinger có mỗi một lần, được nửa giờ. Và ông nói với một giọng khôi hài gần như chua cay :" trong 30 phút đó Henry đã nói chuyện điện thoại với nhà xuất bản James Reston hết 25 phút !"

Vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1983, điện thoại reo ở nhà ông Martin : Ông Nguyễn văn Thiệu chúc mầng Giáng Sinh, và cam kết luôn giữ tình bạn của ông.

Ông Martin không có giao du tốt với Thomas Polgar . ông nầy làm việc ở La Mã (ý), Bonn (Tây Đức), Mễ tây Cơ và Hoa Thạnh Đốn , nơi đây ông kết thúc 38 năm trong nghề tình báo của mình ở CIA với chức vụ Giám đốc nha Nhân Viên. Ông Polgar không bao giờ đánh giá cao cách làm việc của ông

William Casey, người được ông Ronald Regan ưa thích và trở thành Trưởng Cơ quan Tình Báo CIA. Ông Polgar chọn nghề tham vấn ở Hoa Thạnh Đốn . Năm 1987 ông được chọn để điều tra vụ "nghe lén Iran (nguyên tác tiếng Mỹ :"Irangate"). Còn ông Lehmann thì đã trở thành Lãnh Sự ở Tây Đức.

Trung Ương Tình Báo CIA lên án ông Frank Snepp khi ông cho xuất bản cuốn sách"Decent Interval"

Ông Frank Snepp đã vi phạm bổn phận của người trừ bị và đưa ra nhiều cáo buộc chống lại chánh quyền Hoa Kỳ. Với một hành động bủn xỉn gương mẩu và qua những vận động pháp lý, Trung Ương Tình Báo CIA đã sấp xếp để Snepp không lãnh được tiền nhuận bút của một tác giả.. Ông là giáo sư trong một trường đại học nhỏ ở California. Ông đã từng đối đầu đôi khi, rất lịch sự, với ông William Colby, trưởng cơ quan Tình Báo CIA vào năm 1975, trong những phiên điều trần mâu thuẩn nhau.

Những cựu nhân viên của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn kéo dài một sự tranh cãi lớn.

Tất cả những người Mỹ dính dấp vào sự thất thủ của Sài Gòn đều có quyền được thêm 2 tuần lễ nghỉ phép. Hầu hết đều tiếp tục nghề nghiệp ngoại giao của họ. Có một số đã được bổ nhiệm đại sứ. Rất nhiều người đã có những liên lạc với người Việt Nam ở ngoại quốc.. Có nhiều người vẫn còn cố gắng giúp bạn bè hay người quen biết được chánh thức đi ra khỏi nước Việt Nam cộng sản .

Ông Philippe Richer ở lại Hà Nội cho đến năm 1976. Ông không được ông Valéry Giscard d'Estaing ưa thích, vị Tổng Thống hay hỏi :" Anh chàng đó là ai vậy? cái anh mà lúc nào cũng nói đi nói lại mãi có một chuyện ?" Cánh hữu đã để ông Richer vào tủ rồi. Ông qua Ủy Ban Quốc Gia và cho xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng liên quan đến Á Châu. Đồng nghiệp của ông ở Sài Gòn, ông Jean-Marie Mérillon, rời khỏi Việt Nam vào tháng 5 năm 1975, mơ tưởng sẽ gặp lại ông Pierre Brochand vốn đã trở thành cố vấn Bộ Ngoại Giao, đại diện và hoạt động rất hăng say trong phái đoàn Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc .

Từ Tân gia Ba, ông Patrick Hays bây giờ đang đảm nhận việc tiếp liệu cao su cho nhóm Michelin. Ông đã về chơi Sài Gòn vào năm 1987 và viếng Hà Nội lần đầu tiên.

Tất cả các nhân vật nầy đều nghe nói về nhau hết, hay ít nhiều đều biết nhau hay đã gặp lại nhau. Có một số đã lâu lắm rồi, đã có gặp lại anh kháng chiến quân Trần văn Bá.

Ông Anatol Dobrynine đã về Mạc tư Khoa từ tháng 4 năm 1986, hiện là thơ ký của Ủy Ban Trung Ương, đặc trách về giao dịch với Tây Phương. Các nhà quan sát đã khám phá ra bàn tay của ông trong đường lối chánh trị của ông Gorbatchev, và trước tiên là sự trình bày của Đổi Mới (nguyên tác : "Glasnot") . Là người biết tin tức rất đầy đủ, ông Dobrtnine vẫn là bậc thầy trong nghệ thuật "phản tin tức"



Ai là người có trách nhiệm trong sự thất thủ Sài Gòn? trách nhiệm trong chuyện sụp đổ quá nhanh chóng chỉ trong có 4 tháng đầu năm 1975 ? trách nhiệm của một sự thảm bại còn nặng hơn sự thảm bại ở Diện Biên Phủ nữa?, bởi vì lần nầy, cả nước Việt Nam bị nằm gọn trong tay của những người cộng sản, hậu duệ của Hồ chí Minh . Những biến cố lịch sử quan trọng thường là sản phẩm của nhiều quyền lực, của vô số nguyên nhân hợp lại. Từ 45 năm qua, cộng sản Việt Nam đã có một mục tiêu, và một mục tiêu duy nhất . Đó là: Kiểm soát toàn bộ Đông Dương cũ. Trong cuộc chiến tranh lần thứ hai của nước Việt Nam, họ đã dùng tấm bình phong chánh trị của Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng , kế đó là của Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam (CPLTCHMN). Tấm bình phong nầy đã thường giúp họ tự che giấu bộ mặt thật của chính mình: chống đế quốc. Họ được Liên Xô và Trung Quốc võ trang và võ trang thật hùng hậu. Mặc dầu có những sự bất đồng, đôi lúc thật căng thẳng, giữa Mạc tư Khoa Bắc Kinh và Hà Nội , nhưng mục tiêu vẫn không thay đổi : cộng sản hóa tất cả nước Việt Nam , Cam Bốt và Lào. Đó là ý đồ to lớn mà Hồ đã rấp tâm theo duổi từ năm 1930.

Lạc lõng trong vòng tranh chấp nội bộ, bị chia rẽ vì tham vọng cá nhân, lại thường bị các cố vấn Hoa Kỳ dẫn dắt, nên cấp lãnh đạo Miền Nam Việt Nam không thực hiện được sự đoàn kết giữa dân chúng và Quân đội nhắm vào chính nghĩa quốc gia dân chủ.

Người Mỹ đã thúc đẩy Miền Nam thành lập một Quân đội chánh quy cổ truyền khi cần thiết, từ 1954 đến 1960 để chống lại du kích chiến. Trái lại, sau đó, cũng những quân nhân đó chạy theo cuộc chiến, lại đi thành lập những đơn vị chống du kích trong khi càng ngày họ càng phải đối đầu với những sư đoàn chánh quy Bắc Việt . Hơn nữa, Quân đội Miền Nam không bao giờ được độc lập. Ngay khi Quân đội chiến đấu anh dũng, họ cũng chưa được tự chủ. Họ không tin tưởng ở chính mình. Và thường thì họ không có đủ tinh thần.

Ông Clausewitz đã có nói : Chúng ta cần nhấn mạnh rõ ràng khi nói tới sức mạnh trong chiến đấu với địch, không có gì bắt buộc ta phải hạn chế sức mạnh vật chất, Trái lại rất cần phải có sức mạnh tinh thần, , vì trên thực tế hai sức mạnh đó phải được kết chặt lại với nhau, không được rời nhau cho đến từng chi tiết nhỏ nhặt cũng vậy."

Để trở lại lời phát biểu quá nổi tiếng nầy, ngay trong những năm 1973 và 1975 các đơn vị Miền Nam Việt Nam bị cột chặt với những cơ quan của Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ nên không bao giờ thấy mình thật sự được "Việt Nam Hóa"

Về phần mình, các Bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn ,ở Thái Lan, ở Honolulu, hay ở Ngũ Giác Đài dương nhiên bị các nhà chánh trị ở Hoa Thạnh Đốn kềm chế và giữ chặt trong việc xử dụng vũ khí cổ truyền của mình. Quyền lực quân sự không thoát ra được sự chỉ huy của quyền lực chánh trị . Đó là một điều không thể chối cãi được . Nhưng có thể nào quyền lực chánh trị đòi hỏi quân lực thực hiện những chuyện không thể làm được hay không ? Có thể nào người ta đòi hỏi phải đạt được chiến thắng với những phương tiện bị hạn chế, mà hoàn toàn không được mang chiến tranh đến tận đất địch hay không ? Lại cũng ông Clausewitz đã nói : "Người ta không biết đem một nguyên tắc dung hòa vào triết lý của chính chiến tranh mà không phạm phải một điều phi lý nào"

Ở Hoa Thạnh Đốn , một Quốc Hội hay tránh né, làm tê liệt hay làm hư Hành Pháp. Mạng lưới truyền thông mô tả sai bét những gì họ nhận thấy từ cuộc chiến... đã làm chán nản dư luận quần chúng Hoa Kỳ vốn rất thuận lợi lúc ban đầu cho sự can thiệp vào cuộc chiến chống cộng ở Việt Nam . Tự cho mình như một anh David bé nhỏ mà phải đối đầu một anh khổng lồ Goliath, Hà Nội vận dụng hết sức ngoạn mục dư luận quốc tế và thường xuyên chiến đấu trên 3 mặt trận chánh trị, quân sự và ngoại giao. Cộng sản Việt Nam có quá nhiều nhân viên, tình nguyện hay vô ý thức, điều mà Sài Gòn không bao giờ có được . Hà Nội biết cách gieo rắc sự bất hòa trong hàng ngũ địch. Trái lại bên phía những người dân chủ không được trang bị để thực hiện và theo đuổi loại chiến trannh nầy. Các chánh thể độc tài lúc nào cũng sẳn sàng trong công tác nầy, dù có bị thiệt hại về nhân mạng. Ở đất nước cộng sản, không có một dư luận của dân chúng nào bắt buộc được những nhà lãnh đạo phải có sự cân nhắc vấn đề nhân ái, nhân quyền gì cả trong tiến trình lấy quyết định của họ.

Lại cũng vẫn của Clausewitz :"tai nạn và cơ may ....với sự ngẫu nhiên, đều có một vai trò quan trọng trong chiến tranh "Vào năm 1974, tai nạn là vụ tai tiếng Watergate (nghe lén) đã truất hết quyền hành của Tổng Thống Hoa Kỳ, và đánh sập công trình của Kissinger ở Đông Nam Á. Sự kiện Wategate là lổ mũi của bà Cléopâtre. Nếu ông Nixon, vốn là một nhân vật ít hấp dẫn nhưng là một nguyên thủ có tầm cở, còn ở lại chánh quyền , thì Liên Xô đương nhiên phải theo chủ trương hòa hoãn, trái hẳn với quyền lợi hiện hữu của Bắc Việt , dù không làm cho Bắc Việt phải từ bỏ mục tiêu tối hậu của họ , nhưng ít nhất Sài Gòn cũng không thể bị thất thủ năm 1975. Đến bây giờ người ta mới thấy rõ là cả Mạc tư Khoa và Bắc Kinh đều chưa sẳn sàng để vì Hà Nội mà phải mạo hiểm nhảy vào cuộc thế chiến thứ ba !

Về phía dân chủ, cuộc chiến Việt Nam không được phân tách kỹ lưỡng trên bình diện địa phương cũng như trong những viễn cảnh về chánh trị và địa dư, để bây giờ cả Lào, Cam Bốt và Việt Nam đều là cộng sản .

Liêu Hoa Kỳ có nên thay thế người Pháp ở Việt Nam sau 1954 hay không ? Hẳn nhiên là không rồi, và chắc chắn không phải một mình Hoa Kỳ . Các quốc gia dân chủ khác không có gì giúp Hoa Kỳ hết. Trước khi Sài Gòn bị thất thủ vào năm 1975, các nước dân chủ như Pháp vá Anh quốc, vốn đã ký tên để bảo đảm cho Hiệp Định Ba Lê năm 1973, vẫn không yểm trợ gì cho Hoa Kỳ và cho đất nước dân chủ nửa vời là Việt Nam Cộng Hòa .

Hoa Kỳ đã phải tiếp tục cuộc chiến của họ một cách riêng lẽ. Tự không cho ném bom Hà Nội, từ chối không chịu đổ bộ ngoài Bắc, tuyên bố đơn phương ngưng chiến, chấm dứt xử dụng phi cơ ném bom, chính Hoa Kỳ đã tự cột mình vào sự thất bại. Từ năm 1965 đến 1968, Tổng Thống Lyndon Johnson đã 9 lần ra lệnh đơn phương ngưng bắn, và 10 lần ngưng ném bom.

Lãnh đạo cộng sản Hà Nội đã tuyên bố là họ đã đánh bại Hoa Kỳ . Trong một ý nghĩa nào đó, Hoa Kỳ đã tự mình làm cho mình thất trận. Không có vấn đề để đề nghị là họ phải dùng đến bom nguyên tử chiến thuật. Tuy nhiên người ta phải ghi nhận là Hoa Kỳ không bao giờ đã xử dụng toàn bộ vũ khí thông thường của họ trong một cuộc chiến không có tuyên bố, một cuộc chiến dài nhất, một cuộc chiến khó hiểu trong lịch sử Hoa Kỳ, và một cuộc chiến được giới truyền thông quá "bao che" - ở phía Nam -.

Đường lối chánh trị quân sự hạn chế của Hoa Thạnh Đốn một phần được thiết lập trên những sự phân tách sai lầm về chánh trị .. Trước hết các nhà chánh trị Hoa Kỳ tin rằng Hà Nội chỉ là một thứ Bắc Kinh nối dài. Sau đó, họ đinh ninh rằng nếu quân lực Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa can thiệp vào Bắc Việt thì Trung Quốc và Liên Xô sẽ có phản ứng mạnh. Do đó không nên mạo hiểm vì Việt Nam mà phải nhảy vào thế chiến thứ ba.

Đã từ lâu rồi, có một số phân tích gia Hoa Kỳ xác nhận là Hồ chí Minh và những hậu duệ của ông ta trước tiên là những người quốc gia . Thiếu tá Archimedes Patti, đại diện cho OSS, tiền thân của CIA, đã võ trang cho một vài người trong số 300 du kích quân đầu tiên của Hồ chí Minh. Một nhóm người Mỹ mặc quân phục, thành viên của OSS, đã vào Hà Nội ngày 25 tháng 8 năm 1945, bên cạnh của các binh sĩ Việt Minh. Trong các bản phúc trình của mình, ông Patti xác nhận rằng thân binh của Hồ chí Minh "trước tiên là người quốc gia, sau đó mới trở thành cộng sản ". Vào thời điểm đó, người Mỹ xem Hồ chí Minh như một người liên lạc khả kính để tổ chức OSS liên lạc, có tên được mã hóa là "Lucius".

Trong suốt 19 năm chiến cuộc Việt Nam lần thứ hai, người ta trình bày kẻ địch của Sài Gòn như là một tập họp của quân du kích.. Không phải những du kích quân chân đất hay mang dép râu Hồ chí Minh đã vào chiếm Sài Gòn, mà là những sư đoàn chánh quy Bắc Việt võ trang hùng hậu và hàng trăm chiến xa.

Người ta nói Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cứ thường bỏ đất vì thiếu sự can đảm. Nhưng trận chiến ở Xuân Lộc đã chứng minh cho đến phút chót là thật sự không phải như vậy.

Người ta xác nhận là đối đầu với Miền Bắc quá đạo đức, Miền Nam cứ mãi lội trong sự tham nhũng. Dĩ nhiên cũng có trong giới Quân đội cũng như trong giới dân sự, nhưng nó không nằm trong sự giáo dục hay trong cấu trúc căn bản như ở Miền Bắc.

Người ta lập đi lập lại là Việt Nam Cộng Hòa là một chế độ độc tài. Nhưng nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam ở Miền Bắc mới là một chế độ độc tài. Ở Miền Nam chỉ 4 tháng đầu năm 1975 cũng đã đủ để chứng minh như một bức tranh là vẫn có báo chí, có Quốc Hội , có Tối cao Pháp Viện, một hệ thống Pháp lý tuy chưa hoàn hảo lắm nhưng không còn ai nghi ngờ gì là nó trên hẳn những gì người ta có thể tìm thấy được ở Bắc Việt . Những chánh trị gia ở Sài Gòn, như ông Trần văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Viện, đã từng tuyên bố là Việt Nam Cộng Hòa còn có khả năng và cơ hội phát triển các cơ chế dân chủ. Dân chủ nửa vời hay độc tài nửa vời ? chắc là chế độ chuyên quyền thì phải hơn, nhưng chế độ Miền Nam Việt Nam nầy vừa không có thì giờ, vừa cũng ít có thiện chí để chứng minh khả năng của mình.. Lịch sử hiện tại và lịch sử của một nước Việt Nam thống nhất, trước hết đã cho thấy là không có một chế độ cộng sản nào không tiếp tục tồn tại, không bao giờ dân chủ hóa, trừ khi tạm thời từng đoạn ngắn, có "đổi mới" hay không cũng vậy. Trái lại các chế độ chuyên quyền cánh hữu không bị mất phẩm chất. Như các nước Bồ đào Nha của ông Salaxar, Tây ban Nha của ông Franco, Hy Lạp của các tướng lãnh, và gần đây nhất gần hết các quốc gia thuộc châu Mỹ La tinh đã chuyển hay đang chuyển từ Chuyên Quyền sang Dân Chủ Tự Do. Và sự trị vì của Tổng Thống Pinochet cũng được tính từng ngày.. Đó là một trong những khác biệt căn bản giữa chế độ độc tài cộng sản và chế độ chuyên quyền "cánh hữu". Trong biến cố sụp đổ của Sài Gòn, ông Soljenitsyne đã chạm nặng cánh tả khi ông tuyên bố là người ta sẽ được tự do hơn dưới chế độ của ông Franco (Tây ban Nha) hơn là ở Liên Bang Sô Viết.. Thế nhưng đó là sự thật. Một trong những sự thật mà cánh tả không cộng sản chưa chấp nhận hay không chịu đưa vào các bản phân tích của họ. Trong số cánh tả đó có cả những người Mỹ với tính hào phóng và thiện ý của họ đã chống đến ngày 30 tháng 4 1975 giùm cho Bộ Chánh trị Hà Nội, mà lúc nào cũng tưởng rằng họ bênh vực cho CPLTCHMN vốn đòi hỏi một chế độ đa nguyên. Cũng có nhiều người Việt Nam nữa, những nhà chánh trị sa lông, vốn mê say vì tiếng đờn của cộng sản (nguyên tác :sirènes communistes) và những ý định thường được CPLTCHMN phô trương, như giáo sư Trần văn Dĩnh đã khéo trình bày .(giáo sư nầy dạy học rất lâu ở Hoa Kỳ, bỏ về Việt Nam theo CPLTCHMN , nhưng sau 30/4/75 mới vỡ mộng vì hai chữ "giải phóng", nên rời bỏ hẳn đảng cộng sản Việt Nam .)



Lịch sử bắt buộc phải xét lại, nhìn thẳng vào cuộc chiến ở Việt Nam và nhìn thẳng vào giai đoạn cuối cùng về sự thất thủ của Sài Gòn .Không phải chỉ có việc chọn lựa giữa độc tài và chuyên quyền, cả hai đều không được chấp nhận . Cũng không được phủ nhận các lỗi lầm, kể cả những tội ác .. của Hoa Kỳ hay những chính phủ nối tiếp nhau ở Sài Gòn, nhưng phải bóc trần ra hết sự kiện thiếu thông tin đã khiến cho lịch sử Đông Nam Á bị bưng bít trong suốt cả hậu bán thế kỷ thứ 20.

Sự chống trả của người dân Miền Nam Việt Nam cho đến ngày 30 tháng 4 1975 đã không đến nỗi vô ích.. Không có nó, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á trong đó có Thái Lan, Mã lai Á, Tân Gia Ba... sẽ không có thì giờ để cất cánh trên phương diện kinh tế, và do đó hạn chế được những cơ may bị cộng sản cướp chánh quyền . Bây giờ thì ở Đông Nam Á Châu, không có một người dân nào dù là ở thành thị hay ở thôn quê xa xôi hẻo lánh nhất... ai ai cũng biết là chế độ cầm quyền ở Việt Nam là một chế độ công an trị, với một nền kinh tế không hữu hiệu, nhất là đối những người không được ưu đãi.

Người ta có thể biện hộ, người ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi mà sẽ không có ai trả lời được .Điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng Thống Woodrow Wilson tiếp ở Versailles vào năm 1919 một người dân Đông Dương mặc áo dắc-kết đến đòi độc lập cho nước Việt Nam ? Đó chính là ông Hồ chí Minh, lúc bấy giờ ông ta có thể là một người quốc gia trước khi ông ngửi được mùi cộng sản . Trên một chục năm sau, được thuyết lê- nin-nít nhào nặn, dĩ nhiên Hồ luôn luôn và trước nhất hành động như một người cộng sản . Lương tâm của những dân tộc dân chủ hình như thay đổi theo hình học. Người ta đã phải mất 40 năm mới thấy được "ốc đảo" (nguyên tác: Goulac) ở Liên Xô, và người ta phải mất 30 năm mới nhận ra được "ốc đảo" ở Trung Cộng. Nhưng chỉ có 3 năm thôi cũng đủ để nhận ra được hiện tượng 'tập trung cải tạo" (ốc đảo) trên toàn cõi nước Việt Nam .

Xuyên qua cuộc chiến thứ hai nầy ở Việt Nam , cả hai dân tộc Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau trong những hoàn cảnh bi đát nhất của lịch sử . Mặc dầu họ có thiện chí, dù ngây thơ hay hung bạo, người Mỹ cũng không hiểu biết gì nhiều về Việt Nam và nền văn hóa của quốc gia nầy. Về phần mình , người dân Miền Nam Việt Nam cũng không biết tý gì về văn hóa và thể chế của Hoa Kỳ . Trước tiên người Mỹ xuất hiện như một đạo quân chống cộng. Nhưng xuyên qua những bài diễn văn kiểu dân chủ tự do, họ đã không được dân chúng hiểu nổi. Tổng Thống John Kennedy đã có những quyết tâm quá lý tưởng và bao che cho cái chết của Tổng Thống Ngô đình Diệm. Dưới nhãn quan của nhiều người dân Miền Nam Việt Nam , Hoa Kỳ trước hết là đại diện cho bổng lộc của Trời, một loại viện trợ theo kế hoạch Marshall vô tận, về mỹ kim, về coca cola, về quần jeans, về học bổng,......

Rồi cũng phải kể đến những sự kinh hoàng của chiến tranh, một cuộc chiến được tiến hành trước hết với một niềm vui , sau đó với một sự hoài nghi ngày càng tăng cao, đôi khi với một sự vô liêm sỉ khi đối diện với những sự đau khổ và những sự tàn ác. Có rất nhiều người Việt Nam đã nhớ tới những phương thức truyền thống của chiến tranh , từ những lời khoa trương hay hùng biện của một sĩ quan sau một trận đánh, hay từ lời nói đùa đến ra nước mắt và những biểu ngữ của lực lượng đặc biệt Mỹ như :" Nếy anh giết địch để kiếm tiền thì anh là một người lính đánh thuê, nếu anh giết địch để lấy đó làm vui thì anh là một người lính tàn ác, nếu anh giết địch vì cả hai mục đích thì anh là một người lính mũ xanh của lực lượng đặc biệt"

Tổng Thống Richard Nixon đã viết là : "Việt Nam là một thảm kịch đối với người Mỹ". Dĩ nhiên rồi, những trước hết đó là một thảm kịch và mãi mãi là một thảm kịch của người Việt Nam . Vào lúc mà Sài Gòn sấp bị cộng sản chiếm, đại sứ Graham Martin đã có nói là : "không có dễ gì để được là một người Mỹ ở Sài Gòn " Nhưng nhất là không dễ gì được là một người dân Miền Nam Việt Nam . Đối với dân tộc Việt Nam tuyệt vời nầy, chiến tranh vẫn còn là một vết thương nhức nhối, một chất thuốc độc còn âm ỉ mãi mãi còn có hiệu lực ....

Đối với những người còn sống và được sống sót, cuộc chiến nầy là những kỷ niệm, là những chuyện lừa dối, là cay đắng. Người ta không thể nào quên những lời khoác lác của những người làm chánh trị , cũng không bao giờ quên sự can đảm của những chiến sĩ vô danh. Đã có quá nhiều người Việt Nam không có sống được trọn vẹn thời ấu thơ và thời niên thiếu của mình. Về nền văn minh của Hoa Kỳ, có rất nhiều người Việt còn ở Việt Nam nhất là ở vùng nông thôn, chỉ còn ghi nhớ được một vài dấu hiệu của các chiến binh Mỹ, một cây súng M.16, chất nỗ C.4, hay một vài tiếng Mỹ bình dân như mama papa v.v.. mà thôi. Đầy hối hận và thất vọng, các quân nhân Mỹ hiện dịch hay trừ bị đều rất ít khi muốn nói tới vấn đề "chiến tranh nhân dân" của kẻ thù cộng sản .Có nhiều người bị giết , đôi khi bị tàn sát, kể cả đàn bà, trẻ con và người già. Đối với cộng sản thì tất cả những người nầy đều là tiềm năng chiến đấu của họ hết. Đã có nhiều người lính Mỹ vì gan lì hay vì tức giận đã hạ sát thường dân. Họ thường tự vấn lương tâm của họ: anh bắn chết họ, điều đó sẽ làm anh bực mình. Nhưng anh sẽ càng bị bực mình gấp bội nếu anh không bắn chết họ, khi mà quả lựu đạn để trong rổ của một chị đàn bà phát nổ vào mặt anh, hay khi người bạn thân của anh giẫm lên phải một trái mìn !

Ở phương Tây, chiến tranh của cộng sản được anh hùng hóa. Người ta ít khi nói tới những cuộc tàn sát của cộng sản nhất là những cuộc tàn sát hằng loạt dân thường ở Huế hồi Tết Mậu Thân 1968, hay những cuộc tra tấn và các cuộc hành quyết trong làng, mà dĩ nhiên không có một nhân chứng Tây Phương nào; trong lúc các nhà báo Mỹ, Pháp, Anh, Ý, Đức với máy quay phim chụp ảnh sẵn sàng, bất chấp hiểm nguy nghề nghiệp lại làm chứng cho những chuyện sai trái của binh sĩ Miền Nam Việt Nam và của Hoa Kỳ .Cộng sản Bắc Việt thường khoe khoang về sự "khoan hồng" của họ . Nhưng phải đợi đến lúc các tù binh Mỹ được trở về rồi người ta mới biết được họ đã bị tra tấn về vật chất lẫn tinh thần đến như thế nào. thế những lời chứng của họ lại không được báo chí Âu Châu đăng tải. Và phải đợi đến khi cuốn phim "Trung Đội" (nguyên tác :"Platoon") được trình chiếu năm 1987 thì người ta mới cho thấy được hình ảnh của người lính chiến Hoa Kỳ đã bị các bộ đội cộng sản đóng đinh lên thập tự giá , với đúng nghĩa của nó, như thế nào.

Ngay ở trung tâm thủ đô Hoa Thạnh Đốn, cách dòng sông Patomac không bao xa, bằng khoảng cách từ Bộ Ngoại Giao đến đài kỷ niệm của Tổng Thống Lincoln, là một trong những đài chiến sĩ trận vong gây nhiều xúc động nhất. Đài nầy không cao lắm, không hiên ngang , hùng vĩ, gần phân nửa được chôn xuống một bải cỏ xanh rộng lớn. Vào mùa xuân thì chung quanh toàn hoa tu líp, lại thêm có hoa thủy tiên và anh đào Nhật Bản. Trên 70 miếng cẩm thạch đen, có khắc 58.022 tên người Mỹ bị tử trận hay bị mất tích ở Việt Nam. Rất giản dị, gần như kín đáo, "bức tường cẩm thạch đen" nầy không vinh danh chiến tranh.. Nó nhắc nhở người ta về "chiến tranh", trước tiên là nó nhấn mạnh rằng chiến tranh giết người .Xa xa hơn kiệt tác rất tân thời và giản dị nầy một chút, chánh quyền đã cho dựng lên một tác phẩm điêu khắc cổ điển hơn, thể hiện ba người lính mà một người là da màu, mặc áo giáp chắn đạn và mang súng liên thanh.

Khi người ta đi dạo trước "bức tường cẩm thạch đen" nầy, người ta nghe liên tục tiếng phi cơ bay lên hay đáp xuống. Phi trường quốc gia của Hoa Thạnh Đốn ở gần đây , ngay trung tâm thủ đô Hoa Kỳ, và người ta không thể không liên tưởng tới hình ảnh của vũ đỉệu trên không trung của các phi cơ và trực thăng ở Tân Sơn Nhất . ., nơi mà giờ nầy đang chờ đón các phi cơ Bear, những phi cơ ném bom chiến lược của Liên Xô..

Người ta hãy còn tiếp tục khắc vào "bức tường đen" các tên mới. Trên tấm cẩm thạch số 11 W người ta thấy tên của thiếu úy Richard Van de Geer. Chiếc trực thăng của anh bị Khmer Đỏ bắn rơi ngày 15 tháng 5 năm 1975, khi họ tấn công chiếc tàu Mataguez của Hoa Kỳ .

Tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ chí Minh) tượng đài "chiến sĩ Việt Nam", nằm gần Quốc Hội đã bị cộng sản phá sập. Chánh quyền cộng sản đã thiết lập các đài chiến sĩ trận vong của họ ở chỗ khác.

Không còn một tượng đài nào của người lính chiến Miền Nam Việt Nam và dĩ nhiên cũng không có tượng đài nào nhắc nhở sự có mặt của người người kháng chiến mới......



Sau một thời gian 5 năm suy nghĩ và chuẩn bị, anh Trần văn Bá, cựu chủ tịch Hội Sinh Viên Việt Nam ở Ba Lê, quá chán vì những cuộc bàn cãi suông của cộng đồng người Việt ở Ba Lê, ở Hoa Thạnh Đốn hay ở những nơi khác, anh quyết định dấn thân xa hơn, tức là về ngay Việt Nam để kháng chiến.

Ngày 6 tháng 6 năm 1980, anh bay sang Thái Lan . Từ Băng Cốc, anh đi sâu vào hoạt động bí mật ,

vào Cam Bốt và sau đó vào Việt Nam. Anh Trần văn Bá không phải là một nhà trí thức, nhưng anh đã soạn ra một triết lý chánh trị . Triết lý nầy nói lên được khát vọng của hầu hết người Việt Nam lúc nầy. Anh tự nhủ thầm rằng anh là một thành viên của chủ nghĩa "xã hội tự do kiểu Thụy Điển". Thơ mộng và quá tự tin và liều lĩnh, anh gởi về Ba Lê một bức thơ từ thành phố Hồ chí Minh ngày 6 tháng 6 năm 1982, trong đó anh viết :

- "Tôi vẫn mạnh khỏe, cũng cực lắm. Thật tình là quá cực, quá khổ và đói.."

Đối với anh Trần văn Bá, tương lai của người Việt Nam "sẽ phải do kháng chiến từ trong nước... chớ không phải từ những người chánh trị lưu vong." Trong một bức thư khác , anh yêu cầu người ta gởi cho anh một quyển sách của ông Gérard Chaliand, nói về "chiến lược du kích chiến"... Anh không nhớ rõ tên quyển sách, nhưng bìa quyển sách có in hình của một anh Goya, "có một người bị xử bắn".

Anh Bá đánh cuộc vào sự tan rã trong dài hạn của đảng cộng sản Việt Nam và danh xưng của đảng nầy. Anh tỏ ra lo lắng về sự chệch hướng có thể xảy ra của mọi cuộc kháng chiến, những nguy cơ về khủng bố, dù có hay không có đổ máu. Làm sao tay không dính máu được ? Anh thường nói với những người bạn đường của anh, một nhóm gọi là du kích rất nhỏ:

- " Kháng chiến không cho phép ta giải quyết được hết mọi chuyện. Nó giúp mình dối diện chớ không phải quỳ gối xuống. Mình phải cố chơi trò đốt pháo bông mà chỉ với những cây nến nhỏ bé mà thôi .

Anh đã nói với Tòng, người anh của mình khi Tòng đến gặp anh tại biên giới Thái Lan nửa cười nửa sầu muộn:

- " Tôi đang đập các hòn sỏi ra để vá Trời....

Mặc dầu có một cái bớt màu rượu chát đỏ trên màng tang làm cho người ta dễ nhận ra mình, nhưng anh vẫn cứ đi khắp Miền Nam Việt Nam đang bị cộng sản chiếm đóng, có đôi khi anh còn quá giang trên xe Jeep của Quân đội cộng sản nữa.

Không biết vì khinh suất hay vì bị phản bội, anh bị bắt với những đồng đội của mình vào tháng 9 năm 1984, có thể là vào ngày 11.

Ra tòa, Trần văn Bá bị ghép vào tội phản bội tổ quốc, cùng với anh Mai văn Hạnh, người cựu phi công, một trong hai người đã đến Sài Gòn vào những ngày sau cùng trước khi Sài Gòn bị thất thủ, để cố thuyết phục Tổng Thống Dương văn Minh nên trao quyền lại cho cựu Thủ Tướng Trần văn Hữu.

Chánh quyền cộng sản muốn có một tiếng vang lớn nên mời các nhà báo ngoại quốc đến dự phiên tòa . Phiên tòa được xử ở nhà hát Tây, trước khách sạn Continental , ngay trung tâm thành phố. Biên bản được đọc lên ngày 18 tháng 12, gồm có 29 mục hơi rời rạc, nhất là phần cáo giác chánh quyền, nêu lên những khó khăn ở Miền Nam Việt Nam đầy rẩy công an khắp nơi, nhồi nhét ý thức hệ, tra tấn và hành hạ người ở các trại tù lao động khổ sai nhưng không cải tạo được ai. Các lãnh đạo đảng cộng sản đã rập khuôn theo các phiên xử kiểu sít ta lin nít, tức là không cho các bị cáo có quyền lên tiếng, các cuộc tranh cãi không có chút gì mâu thuẩn với nhau và cả 21 bị cáo đều có luật sư do chánh quyền chỉ định, rất lạ lùng, vì họ xác nhận là tội trạng đã quá rõ ràng với những bằng chứng không thể chối cải được .Các luật sư cũng có giải thích là các bị cáo không biết chính xác tình hình ở nước Việt Nam cách mạng và yêu cầu Tòa hảy có một bản án khoan hồng. Có một đoạn nào đó của phiên tòa được đưa lên truyền hình.

Bị cáo Mai văn Hạnh, hốc hác và kiệt sức, khai rằng:

- " Tôi hiểu những hoạt động của tôi là tiêu cực ....Tôi là một đồng lõa với Trung Quốc và Thái Lan....Tôi thành thật hối lỗi...

Tất cả những sự thú tội bị cưỡng ép, được đọc đi đọc lại cho bị cáo viết . được cái lưỡi gỗ phát ầm lên lại từ đầu đến cuối. Mạc tư Khoa (Liên Xô), Prague (Tiệp Khắc), BudaPest (Hung gia Lợi), Tirana, Sài Gòn : sai trái, giết người , công lý, khủng bố đều giống nhau hết. người ta còn ở quá xa đối với chuyện hòa hợp và hòa giải đã được mồ ma CPLTCHMN từng hô hào.

Anh Trần văn Bá là một bị cáo thứ hai trong vở kịch được dàn dựng quá dở nầy, một vở kịch chánh trị hơn là một màn pháp lý. Các bị cáo bị buộc tội là đã "chuẩn bị bắt cóc các nhân viên lãnh sự quán và những kỹ thuật gia người Pháp", một việc quá đỗi phi lý , vị tất sẽ xảy ra vì không thế nào họ thực hiện được .

Tòa đã khoan hồng theo lời yêu cầu của các luật sư, với 5 án tử hình, trong đó có anh Trần văn Bá. Anh đã từ chối không ký tên vào đơn xin ân xá.

Hào phóng một cách rất tự nhiên, anh Bá đã nói với quan tòa :

- " Tôi rất tiếc là đã gặp ông trong những hoàn cảnh quá khó khăn nầy !

Và đây là lời nói cuối cùng rất nặng của anh Bá trước phiên tòa:

- "Một người bạn ngoại quốc đã có nói : Khi người ta mất niềm tin rồi, thì người ta sẽ mất tất cả.."

Một chiến dịch của thế giới xuất phát từ Ba Lê có lợi cho các bị can, đã làm cho Hà Nội cáu lên trong bối rối . Tánh cách lố lăng về pháp lý của phiên tòa được chiếu trên truyền hình và phổ biến khắp Tây Phương cũng như Đông Phương... đã làm rơi bộ mặt của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất. Xuyên qua phiên tòa, đã có một hậu quả tai hại không lường được ; có những người cộng sản Việt Nam đã tung ra một ý kiến :

- "ở Việt Nam đã có một cuộc kháng chiến đầu tiên, chống Pháp, sau đó là một cuộc kháng chiến thứ

hai, chống Mỹ, bây giờ hơn 10 năm sau khi Sài Gòn bị thất thủ, lại có một cuộc kháng chiến thứ ba

nổi lên, - khó mà phân tích và định lượng được - lần thứ ba nầy thì chống cộng sản ".

Bản án chắc chắn là sẽ làm cho những người Việt Nam tại chỗ khiếp đảm. Nhất là nó cũng báo động cho dư luận quốc tế vốn đang cố quên Việt Nam . Cuộc kháng chiến thứ ba nầy không thể ghép vào với những hoạt động ba hoa và hỗn độn của các nhóm người tỵ nạn trong các cộng đồng Việt Nam ở Pháp hay ở Hoa Kỳ.

Ở phía trước cửa nhà hát - tòa án thành phố Hồ chí Minh (nguyên tác: "théâtre-tribunal"), chánh quyền chất đống một số vũ khí đã tịch thu được, để cáo buộc một sự phản bội cao độ của các bị cáo.. Do đó có một câu hỏi được nêu lên : "Nếu Trần văn Bá và những bị cáo khác chuyên chở xuyên qua Miền Nam Việt Nam quá nhiều súng trường, súng lục, súng liên thanh và lựu đạn .. như thế nầy, thì tất nhiên họ phải có nhiều sự ủng hộ, và nhiều hệ thống. "

Bà mẹ của anh Trần văn Bá đến nước Pháp, yêu cầu được tòa đại sứ của nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp. Đại sứ là đại tá Hà văn Lâu, một trong những nhân vật đầu não của phái đoàn Bắc Việt ở Ba Lê tháng 5 năm 1968, và của "chi bộ tấn công ngoại giao" ở Hà Nội năm 1975, đã từ chối không chịu tiếp người đàn bà già nua nầy.

Chánh Phủ Pháp xin ân xá được ông Mai văn Hạnh, vốn là người đã có một giấy thông hành Pháp, điều mà anh Trần văn Bá không có .

Ngày 8 tháng 1 năm 1985, dựa trên một bài báo xuất bản ở Sài Gòn , một điện tín đã loan báo là anh Trần văn Bá đã bị hành quyết. Tuyệt đối không thấy có một bằng chứng cụ thể nào của sự hành quyết nầy. Chánh quyền cộng sản không chấp nhận hoàn trả lại thi hài. Các nhân chứng đã tham dự vào cuộc hành quyết ngày 9 tháng giêng ở nghĩa trang Quân đội Thủ Đức, cách thành phố Hồ chí Minh 15 cây số.. Các nạn nhân bị trùm kín mặt bằng một mũ trùm đầu. Theo một số người thì anh Trần văn Bá đã chết vì bị tra tấn . Với những người khác, thì anh Bá có thể sẽ không đến đỗi phải bị xử bắn.

Do đó, cộng sản Bắc Việt đã đưa Trần văn Bá đi vào một truyền thuyết gần như luôn luôn đơn giản và có tính phi nhân. Có một số người Việt Nam còn trẻ thuộc thế hệ mới, xuyên qua nước Việt Nam và xuyên qua sự ly tán của dân tộc, đã biết ơn anh Trần văn Bá. Có những bài báo Việt Nam ở ngoại quốc đã cho anh Bá đứng bên cạnh ông Kinh Kha của nước Tàu. Hai ngàn năm về trước, ông tráng sĩ nầy đã đi trừ khử một bạo chúa, người đã cho dựng lên Vạn Lý Trường Thành, người đã đốt sách, người đã giết hết trí thức và các quan lại. Người ta cũng đã ví anh Trần văn Bá với một chiến sĩ chống thực dân, đã bị người Pháp xử tử hình mà nhất quyết đòi cho anh được nằm ngửa , khi anh tuyên bố :"Tôi muốn được nhìn Trời." nhưng thực ra là để có thể nhìn thấy máy chém rơi xuống cổ mình. Điều càng gây thêm bực tức cho những người lãnh đạo ở Hà Nội là có nhiều bình luận gia người Việt Nam đã không ngần ngại xem anh Trần văn Bá như "một ông Hồ chí Minh mới, một ông Hồ chống cộng. "

Anh Trần văn Bá, cũng như một số kháng chiến vô danh khác, có phải là một người theo chủ nghĩa thực tế, hay theo một lý tưởng chủ nghĩa ? Có phải anh là một vị anh hùng, hay một người đã chịu hy sinh vì lý tưởng một cách vô ích ? Anh rất tin tưởng ở giá trị của dân chủ Tây Phương. Các sự tự do mà những người mác xít lê ni nít, sít ta li nít của Hà Nội đã cho đó chỉ là hình thức.nhưng anh Trần văn Bá đã tin tưởng chính đó mới là thực tế nhất. Cuộc tranh đấu mà anh đã dấn thân vào và những người khác đang tiếp tục, liệu có phải là một ảo ảnh vô vọng hay la một sự đánh cuộc đáng kính, đáng lĩnh hội, và đáng được giúp đỡ ?

Khi người ta lưu ý những nhà tranh đấu người Việt Nam rằng cho tới giờ nầy khi đã trở thành cộng sản rồi không một quốc gia nào chịu buông bỏ con đường cộng sản của mình, thì những người nầy trả lời ngay rằng;

- " Chúng tôi cũng biết. Nhưng về địa dư thì nước Việt Nam bây giờ ở quá xa với Liên Xô. Về phía Bắc thì Việt Nam phải đối đầu với một kẻ thù truyền kiếp là Trung Quốc. Cánh dân sự và cánh quân sự đều chán nản, bại hoại, bi quan. Đối với chúng tôi , không phải chỉ bằng chiến đấu quân sự. Nhất là chúng tôi tranh đấu về chánh trị . Sớm hay muộn gì dân tộc Việt Nam cũng sẽ nổi dậy. Năm năm, mười năm, có lâu gì đâu trong lịch sử Việt Nam . Không có gì không thể lật ngược lại được hết, kể cả chủ nghĩa cộng sản .

Trước cũng như sau ngày Sài Gòn bị thất thủ, trong suốt tháng tư nghiệt ngã năm 1975, và ngay bây giờ đây, hy vọng của người Việt Nam , dù là cộng sản hay quốc gia , dù theo cánh tả hay cánh hữu ... đều tìm cách dấu kín số phận của mình, nhưng không bao giờ thiếu kiên trì và tự tin, đầy hy vọng và anh hùng tính.

Trong tất cả các chế độ cộng sản , liệu chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ là chế độ đầu tiên cầu xin được tha thứ ??

Tháng 11 năm 1987,
Olivier Tood
Chuyển ngữ xong tháng 4 năm 2004
Dương Hiếu Nghĩa