-
Trạng Giáp Hải
Ngày xưa, về đời Lê, có người Giáp Hải, quê làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, cha mất sớm, bị bắt làm con nuôi một phú thương ở vùng khác.
Khi ra kinh để học tập, ông đi qua bến đò Bồ Đề thấy người thuyền chài bắt được một con rùa khá lớn, sắp mổ để nấu ăn, bèn hỏi mua rồi mang con rùa đến kinh đô, vào trọ ở nhà ông Lãnh Binh. Ngày ngày ông vẫn nuôi nấng con rùa cẩn thận.
Ông chỉ có một thày một trò, mỗi bữa cứ sáng sớm thì khóa cửa lại, cả hai thày trò cùng đến trường Quốc Tử Giám học tập mãi đến chiều mới về. Cửa vẫn khóa nguyên, mở cửa vào trong nhà thì thấy đã có mâm cơm sắp sẵn tươm tất. Ông không hiểu ra sao, nhưng thày trò có ăn hàng tháng như thế, bèn lập tâm dò xét. Một hôm ông dậy thật sớm, dặn người học trò cứ đe6'n trường học tập, còn ông thì đi có việc riêng rồi quay về nấp ở sau nhà để rình. Một lúc lâu thấy có người con gái rất đẹp từ trong con rùa hiện ra, tuổi trạc chừng mười bảy, mười tám, quần áo chỉnh tề, vẻ người khuê các, rồi thấy xuống đốt lửa nấu ăn. Thừa lúc cô gái đang mải ở dưới bếp, ông lẻn vào nhà trên mang cái vỏ rùa giấu vào trong rương và khóa kín lại, đoạn ôn chạy xuống bếp ôm ngay lấy người đẹp. Cô gái trách: "Cậu không nên làm thế, thiếp vốn là con gái bà Nam Hải Long Vương, nhân đi chơi xa lạc đường chưa về kịp, bị người thuyền chài bắt được, nếu không gặp cậu cứu cho thì cái thân hèn mọn này đã không còn nữa. Vì cảm tấm lòng nghĩa hiệp của cậu cứu thoát sinh mạng thiếp trong lúc hiểm nghèo nên thiếp phải hy sinh để đáp lại cái ơn nghĩa lớn lao đó, mong cậu thương đến thiếp là một kẻ lạc loài mà kết nghĩa trăm năm thì thiếp lấy làm hân hạnh lắm". Từ đó hai người ăn ở với nhau rất đằm thắm, vui vẻ.
Được ít lâu, cô gái bảo với chồng rằng: "Từ khi em lỡ bước lạc đường may sao nhờ cậu cứu thoát, lại được cùng cậu kết làm vợ chồng thật là vinh hạnh cho em lắm. Song còn mẹ và gia quyến em bấy lâu chẳng biết tin tức của em ra sao, em vẫn hằng ngày băn khoăn thương nhớ. Vậy em muốn mời cậu xuống chơi thủy cung để em được gặp mẹ già". Giáp Hải nói: "Anh hiện đang cố học tập để sang năm đi thi, nếu theo em về Thủy cung, thì bỏ dở cả việc học". Cô gái nói: "Xin cậu đừng ngại điều đó. Cạnh nhà em ở dưới Thủy cung cũng có trường học của cụ Trạng Lường, người làng Cao Lương huyện Thiên Bản, rất tiện việc học cho cậu". Giáp Hải nghe nói có ý lấy làm ngần ngại không muốn đi, nhưng cô gái hết sức khuyên nài, vả lại vợ chồng hương lửa đương nồng, nên ông cũng đành nghe theo. Hỏi đường lối xuống Thủy cung, cô gái nói: "Cậu cứ trả lại xác rùa cho em, rồi đem nó đến chỗ đã mua rùa khi trước, hễ em đi lối nào thì cậu cứ theo em mà đi, tức khắc sẽ đến Thủy cung". Giáp Hải liền mở rương trả lại xác rùa, cô gái nhập vào con rùa. Theo lời đã dặn, ông lại mang rùa đến bến Bồ Đề cho rùa bò xuống sông, bỗng thấy mặt nước rẽ tách ra làm đôi thành đường đi. Ông cứ theo rùa mà đi, đến một nơi thấy có mấy tòa cung điện nguy nga. Bỗng thấy cô gái lại hiện ở trong rùa mà ra, đưa ông vào chào thân mẫu và kể lại đầu đuôi về sự gặp gỡ của hai người. Cha đã mất, mẹ là Long Thái Hậu thấy con gái trở về lại có chồng rất lấy làm mừng, bèn nhận ông là rể và mở tiệc làm lễ cưới cho con gái rất trọng thể, rồi cho hai vợ chồng ở riêng một cung điện.
Được mấy hôm ông nhắc đến việc học, vợ sai người đưa ông sang thăm trường của cụ Trạng Lường. Ông thấy học trò rất đông và cụ Trạng đang ngồi trên giảng văn chẳng khác gì trên trần vậy. Đến gần vái chào, cụ trỏ tay vào mặt ông mà nói: "Anh này trông tinh thần kiện vượng, hẳn là người trần gian. Tại sao lại xuống đây"? Ông cứ thật sự trình bày. Cụ mời ông ngồi và kể chuyện: "Thuở bình sinh tôi đỗ Trạng Nguyên về đời vua Lê Thánh Tôn, được ở hàng nhị thập bát tú hội Tao Đàn, cũng không đến nỗi phụ đèn sách. Còn về phần anh sau này cũng được vinh hiển. Có lần tôi lên chầu Thượng Đế được dự hội đồng Nam Tào, khi thảo luận về văn chương và đạo đức của người Việt, có nghe nói đến Giáp Hải và đã thấy định cho anh đỗ Trạng Nguyên về khoa thi sang năm".
Được ít lâu Giáp Hải nói với vợ xin phép nhạc mẫu cho về trần gian để đi thi. Long Thái Hậu dặn rằng: "Anh là người học thức uyên thâm và đức hạnh, ắt sẽ đỗ cao. Đến khi công thành danh toại tôi sẽ cho người đón anh xuống để cùng đoàn tụ". Rồi bà sai mở tiệc tiễn biệt. Tiệc xong vợ ông và mấy sứ giả thủy cung đưa ông lên cõi trần.
Khi về tới kinh thành thì kỳ thi sắp tới, nên ông không về mà phải ở lại đây để kịp kỳ thi. Khoa ấy vào năm Mậu Thìn, niên hiệu Đại Chính nhà Mạc, lấy đỗ ba mươi sáu tiến sĩ, Giáp Hải đỗ đầu tức là Trạng Nguyên. Ông vinh quy về làng bái yết tổ tiên và cha mẹ nuôi rồi sang làng Cao Hương để viếng mộ cụ Trạng Lường. Thiên hạ chẳng hiểu nguyên nhân ra sao.
Từ khi ông về làng, thấy người cha nuôi thường làm những sự phi nghĩa, ức hiếp kẻ nghèo khó, ông hết sức khuyên ngăn. Một buổi về chiều, ông ra vườn sau bỗng nghe có tiếng người bên láng giềng nói: "Mồ cha chẳng khóc, khóc đống mối". Nhìn lại thì thấy một ông lão râu tóc bạc phơ đang đứng ở sân, hỏi ra mới biết là viên Huấn Đạo họ Phan đã về trí sĩ nhà ở liền bên cạnh. Đêm ấy ông băn khoăn nghĩ ngợi về câu nói ban chiều, tự nghĩ bấy lâu mình chỉ biết cha mẹ nuôi, còn người sinh thành thì chẳng biết tông tích ở đâu.
Sáng ngày lại, ông khăn áo chỉnh tề sang yết kiến viên Huấn Đạo. Cụ Huấn ra tận cổng mời ông vào nhà cùng nhau đàm đạo. Ông hỏi: "Hôm qua trộm nghe thấy lời vàng ngọc của đại nhân, khiến tôi bối rối nghĩ đến cha mẹ sinh thành, tôi chắc đại nhân có thể dạy bảo cho được". Cụ Huấn nói: "Thấy ngài là bậc đồng đạo, đường đường một vị Trạng Nguyên mà phải làm con nuôi một nhà phú thương bất nghĩa nên tôi thương ngài mà muốn chỉ nẻo đưa đường giúp ngài đó thôi. Ba mươi năm về trước, tôi được nghe rằng nhà phú thương này đi buôn, một hôm thuyền đỗ bến Bát Tràng, có một người đàn bà nhà ở gần sông, có một đứa con trai ba tuổi ra chơi bờ sông bị nhà phú thương kia sai người bế đứa bé xuống thuyền chở đi. Nếu người đàn bà ấy còn sống thì chắc bây giờ vào khoảng bảy mươi tuổi rồi, không rõ cậu bé ấy có phải là ngài không? Ngài tự liệu mà tìm manh mối". Ông cám ơn cụ Huấn ra về, quyết chí đi tìm mẹ đẻ.
Vài hôm sau ông xin phép cha mẹ nuôi để đi chơi và thăm các bạn hiền. Rồi thuê một chiếc thuyền đem theo hành lý, thuận giòng xuôi Nhị Hà xuống thẳng Bát Tràng đỗ lại. Ông lên bến tìm tòi dò hỏi thì thấy một nhà có một bà già trạc ngoài bảy mươi tuổi. Ông vào nhà tò mò hỏi thăm về gia đình bà lão. Bà kể lể: "Nay tôi bảy mươi mốt tuổi, tôi ở đây đã ngoài ba mươi năm trời. Chồng tôi vốn là người làng Bát Tràng này, làm bạn với tôi mới được sáu tháng thì mất. Khi chồng tôi mất thì tôi có thai được ba tháng, sau sinh được đứa con trai. Năm nó lên ba tuổi, một hôm tôi đi chợ vắng, nó ở nhà chơi với trẻ hàng xóm, không may nó ra đi đâu mất. Từ đó đến nay tôi không hề được tin tức gì. Không biết con tôi còn sống hay đã chết, mà ví phỏng nó còn sống thì nó cũng chẳng biết cha mẹ nó là ai và quê quán ở đâu"? Giáp Hải hỏi: "Cụ còn nhớ được hình dạng vết tích của con cụ không"? Bà già đáp: "Tôi còn nhớ con tôi có cái vết đỏ bằng đồng tiền ở sau lưng, và bên tả có nốt ruồi to và đen ở vai. Bấy giờ có người thày tướng xem bàn tay cho nó nói rằng: "Thằng bé này có dị tướng, sau này có lẽ danh giá lớn". Nghe bà lão kể, ông nhận thấy thật đúng là mình, vì trong người cũng có các vết như vậy. Ông bèn cởi áo ngay ra hỏi bà cụ: "Cụ thử coi kỹ mình tôi có vết giống như con cụ không"? Bà lão nhìn xem từ vai đến lưng rồi hai bàn tay. Giáp Hải ôm choàng lấy bà khóc òa lên. Hai mẹ con gặp nhau mừng rỡ không cùng. Ông liền rước mẹ về ở chun với cha mẹ nuôi. Được ít lâu bà Thái Hậu Long cung sai sứ lên mời ông xuống nhưng ông vừa được bổ làm quan, mới dặn sứ giả về thưa với nhạc mẫu tha lỗi cho và xin cho vợ ông lên dương gian để đoàn tụ với ông. Sau ông làm đến Thượng Thư, được phong chức Đế Quốc công.
Người vợ Thủy Cung của ông sinh được một đứa con trai, đặt tên là Giáp Phong, học đỗ tiến sĩ. Con cháu ông về sau đều thịnh đạt.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks