QUẢ ĐẤT - QUÊ HƯƠNG


Như thế là ở cuối cuộc phiêu lưu phi thường bắt đầu vào thế kỷ thứ XV, tiếng kêu của người lính gác trên tầu Côlômb cuối cùng đã mang ý nghĩa toàn cầu của nó: Đất! Đất!
Đến những năm 1950 - 1960, chúng ta vẫn còn sống trên một quả đất mà chúng ta chưa biết rõ, chúng ta đã sống trên một quả đất trừu tượng, một quả đất như một khách thể. Cuối thế kỷ này chúng ta đã khám phá ra cái quả đất - hệ thống, quả đất-thần linh, bầu sinh quyển, quả đất như một phần của vũ trụ, Quả đất- Quê hương. Mỗi người trong chúng ta đều có hệ phả và thẻ căn cước của con người quả đất. Nó đến từ quả đất, nó là quả đất và nó ở trên quả đất.

Chúng ta thuộc về quả đất và quả đất thuộc về chúng ta.

Sự hợp lưu lớn

ở cuối thiên niên kỷ này, chúng ta đã gần như có thể cùng một lúc hoàn thành được nhiều loại ý thức bổ sung lẫn nhau:

- ý thức về tính nhất thống của quả đất (ý thức về quả đất);

- ý thức về tính nhất thống/đa dạng của sinh quyển (ý thức sinh thái);

- ý thức về tính nhất thống/đa dạng của con người (ý thức nhân loại học);

- ý thức về cương vị nhân loại - sinh vật - vật lý của chúng ta;

- ý thức về "cái nghiệp" của chúng ta, cái việc "có mặt ở đây mà không biết vì sao";

- ý thức về kỷ nguyên toàn cầu;

- ý thức về sự "đe doạ ngàn cân treo sợi tóc";

- ý thức về sự tiêu vong trong tương lai của cuộc đời chúng ta, của tất cả sự sống, của tất cả hành tinh, của tất cả mặt trời;

- ý thức về vận mệnh của con người địa cầu chúng ta.

Qua các nhận thức này, từ nay những thông điệp đến từ mọi chân trời khác nhau, - từ lòng tin, từ đạo đức, từ chủ nghĩa nhân văn, từ chủ nghĩa lãng mạn, từ khoa học, từ ý thức về thời đại đồ sắt toàn cầu - sẽ có thể về quy tụ lại.

Cũng thế, tư tưởng nhân văn của thời kỳ ánh sáng đã thừa nhận cho mọi người một phẩm chất như nhau, tư tưởng này có thể hoà hợp với tình cảm của chủ nghĩa lãng mạn đối với thiên nhiên để tìm lại được sự liên hệ khắng khít của con người với Đất mẹ. Đồng thời trong cái ý thức toàn cầu ràng buộc con người với nhau và ràng buộc con người với thiên nhiên quả đất, chúng ta có thể làm cho hợp lưu vào đó nào là tình thương đồng loại, thương người khác giống vốn là nguồn gốc của những tôn giáo phổ biến có tầm vóc, nào là lòng từ bi đối với tất cả sinh vật của đạo Phật, nào là lòng bác ái phúc âm và lòng bác ái của chủ nghĩa quốc tế, vốn là một thứ kế thừa thế tục và xã hội chủ nghĩa của đạo Thiên chúa.

Tất cả những thông điệp này với thời gian đều nằm trong những thể chế. Những thể chế này rồi biến chất, thoái hoá đôi khi còn biến thành những thứ phản tác dụng. Chúng cần được làm cho hồi sinh liên tục và biết đâu chúng sẽ có thể tự phục hưng lẫn nhau với cái phúc âm của sự trầm luân. Đấy cũng là biết bao nhiêu mảnh rời của một bức tranh ghép hình, chỉ khi nào nó được hoàn tất thì ta mới thấy được toàn diện bộ mặt luân lý nhân loại.

Đất!

Làm chủ được thiên nhiên ư ? Con người vẫn còn chưa khống chế được bản chất của chính mình, cứ để cho sự điên rồ thúc đẩy vào con đường làm chủ thiên nhiên đến độ mất cả tự chủ. Làm bá chủ vũ trụ ư ? Than ôi! Con người chỉ là một con vi trùng ở trong cái vũ trụ bao la và huyền bí này. Làm chủ sự sống ư ? Ngay cả một ngày nào đó mà con người có thể tạo được một con vi khuẩn thì cũng chỉ là với tư cách cóp lại để làm ra một cấu tạo mà nó không bao giờ có khả năng tưởng tượng nổi. Và nó có thể nào làm ra được một con chim én, một con trâu, một con sư tử biển, một bông hoa lan không? Con người có thể tiêu diệt hàng tỷ vi khuẩn nhưng nó không thể ngăn cản được những con vi khuẩn có sức đề kháng vẫn phát triển. Con người có thể huỷ diệt những con vi-rút, nhưng vẫn bó tay trước những con vi-rút mới đang thách thức, đang biến dạng, đang đổi mới... Ngay cả đối với vấn đề thuộc về vi khuẩn và vi-rút, nó phải và sẽ còn phải tiến hành đàm phán với sự sống và với thiên nhiên.

Con người đã làm thay đổi quả đất, đã thuần hoá các thảm thực vật, đã trở thành chủ những súc vật của mình. Nhưng con người không phải là chúa tể của vũ trụ, ngay cả của quả đất này nữa.

Kẻ di-gan của vũ trụ, lang thang trong một cuộc phiêu lưu vô định, cái số phận này của nhân loại đã quá rõ ràng ở thế kỷ thứ năm của kỷ nguyên toàn cầu, nó lộ diện sau mấy nghìn năm bị phong toả vào cái vòng luẩn quẩn của những văn minh truyền thống đã tin vào sự vĩnh hằng cùng những thần thoại siêu nhiên: trong giờ phút này con người bị vất ra đó, nghiệp chướng trên quả đất, cái con người trôi dạt, của đường đi chưa được vạch ra, của những ưu tư, lo sợ, nhưng cũng của tình nhiệt, của thơ ca, của xuất thần nhập định.

Đó là"con người tinh khôn rồ dại, một thứ "cổ quái... tân kỳ... khủng khiếp... hỗn loạn" khó có thể nào tin được, một chủ thể của mâu thuẫn và kỳ diệu! Phán đoán tất cả mọi thứ mà lại là một con giun ngu ngốc, nắm được chân lý, mà lại là cái hố của sự phân vân và sai lầm, là vinh quang mà cũng là thứ đồ bỏ của vũ trụ? Như Pascal đã nói (trong "Tư tưởng luận" (Pensées) tr. 184). Đấy là con người đã được biết đến bởi Heraclite (Ê-ra-clít), Eschyle (Ê-sin-lơ), Sophocle (Sô-phốc-klơ), Shakespeare (Sếch-xpia) và chắc chắn bởi những người khác trong những văn hoá khác.

Con người này phải nhận thức lại về tính hữu hạn của địa cầu, đồng thời phải từ bỏ tính vô hạn giả dối của khoa học "vạn năng", của tinh thần "vạn năng", của khát vọng về một sự "vạn năng" để tự nhìn thấy mình trước cái vô hạn thật sự, nhiều đến độ không biết gọi là gì và không thể nào tưởng tượng nổi. Những năng lực kỹ thuật, tư tưởng và ý thức của nó từ nay phải được đem dùng, không phải để làm bá chủ mà để điều chỉnh, cải thiện, thấu triệt.

Chúng ta cần phải học tập để sống cái nghiệp chúng ta trên hành tinh này. Học để có thể sinh tồn, nghĩa là để sống, để chia xẻ, để truyền đạt, để cảm thông, đó là điều mà người ta học trong / bởi những văn hoá khép kín. Từ đây trở đi chúng ta phải học để sinh tồn, sống, chia xẻ, truyền đạt, cảm thông như những con người của hành tinh quả đất này. Chúng ta không phải chỉ thuộc riêng về một văn hoá mà chúng ta thuộc về quả đất.

Cộng đồng cùng vận mệnh của con người trên quả đất

Xem quả đất như quê hương? Đúng vậy, đó là sự bén rễ của chúng ta trong vũ trụ.

Từ nay chúng ta đều biết rằng hành tinh nhỏ bé lạc lõng này còn là một cái gì hơn cả một nơi chung cho tất cả những con người. Nó còn là căn nhà, cái tổ ấm của chúng ta, là quê mẹ và hơn nữa là Quả đất - Quê hương của chúng ta. Chúng ta đã biết rằng chúng ta có thể sẽ trở thành mây khói trong những mặt trời và sẽ vĩnh viễn bị đông lạnh trong không gian. Dĩ nhiên, chúng ta có thể ra đi, du hành và di dân về những hành tinh khác. Nhưng những nơi này, vì quá nóng hay quá lạnh, đều không có sự sống.

Chính ở đây, trong ngôi nhà của chúng ta, còn có những cây cỏ, súc vật, những người đã khuất, những sinh mệnh chúng ta và con cái chúng ta. Chúng ta cần phải bảo tồn, chúng ta cần phải cứu lấy Quả đất - Quê hương này.

Cái "cộng đồng cùng vận mệnh quả đất" đã hiện ra lúc này với tất cả chiều sâu, bề rộng và tính thời sự của nó. Tất cả mọi người đang sống trong khu vườn chung của sự sống, ở dưới một mái nhà chung của nhân loại. Tất cả mọi người đều bị cuốn hút vào trong cuộc phiêu lưu chung của thời đại toàn cầu. Tất cả đều bị đe doạ bởi nguy cơ nguyên tử và nguy cơ sinh thái. Tất cả đều rơi vào tình thế hấp hối của của thời kỳ giữa hai thiên niên kỷ.

Chúng ta cần gây dựng một tình liên đới nhân loại không phải dựa trên sự cứu rỗi hão huyền ở thế gian, nhưng trên ý thức về nỗi điêu linh của chúng ta, trên ý thức về sự phụ thuộc của chúng ta vào mối phức tạp chung của thời đại toàn cầu, trên ý thức về những vấn đề sinh tử chung, về tình trạng hấp hối ở cuối thiên niên kỷ này.

YÙ thức về cộng đồng cùng chung vận mệnh trên quả đất này phải là một sự kiện then chốt ở cuối thiên niên kỷ: chúng ta mang cùng một nhịp thở với quả đất, cuộc đời chúng ta gắn liền với cuộc đời của nó. Chúng ta phải chăm sóc nó nếu không chúng ta chỉ có con đường chết.

Phải tiếp nhận cái thân phận của công dân địa cầu, đấy cũng là tiếp nhận cái cộng đồng cùng vận mệnh.

Cùng làm hoa tiêu của quả đất

Cùng một lúc, sự phát hiện ra cái cộng đồng cùng vận mệnh giữa con người/ thiên nhiên đã giao cho con người một trách nhiệm về quả đất. Từ khi ấy, con người phải triệt để từ bỏ cái kế hoạch làm bá chủ đã được cổ võ bởi Descartes, Buffon, Marx. Vấn đề bây giờ không phải là thống trị quả đất nữa mà là chữa bệnh cho nó, sinh sống, sửa sang, canh tác trên đó.

Nhân loại phải tìm cách xây dựng một phương thức để cùng nhau điều chỉnh bầu sinh quyển quả đất. Dĩ nhiên, con người có những quyền lực lớn lao càng ngày càng tăng, nhưng vấn đề ở đây là trở thành không phải kẻ dẫn đường mà là một người lái thứ hai của quả đất. Việc lái đôi này trở nên cần thiết: con người / thiên nhiên, kỹ thuật / sinh thái, trí tuệ có ý thức / trí tuệ vô ý thức... Quả đất phải chỉ huy bằng sự sống, con người phải chỉ huy bằng ý thức.

Thoát ra khỏi thời kỳ đồ sắt toàn cầu, cứu lấy nhân loại, cùng làm hoa tiêu cho bầu sinh quyển, văn minh hoá quả đất là bốn khái niệm dính liền với nhau thành một chuỗi liên hoàn, mỗi cái đều cần thiết đối với những cái kia. Sự hấp hối của địa cầu lúc đó sẽ hoài thai ra một sự sống mới: chúng ta sẽ từ giống người hiện tại chuyển sang một nhân loại thực sự:

Chính ở trên và để cho cái nhân loại địa cầu này, như một mục tiêu và một cơ sở mà chính trị có thể thực hiện một hành vi sáng lập. Cuộc chống trả lại sự tiêu vong của giống người và cuộc đấu tranh để cho ra đời một sự sống mới của nhân loại chỉ là một.

Cuộc đấu tranh thuở ban đầu

"Thời buổi hiện nay ít nhất cũng rất nghiêm trọng". Cái chắc chắn của thời dĩ vãng đã ra đi. Hiện tại đang rạn nứt và phân rã. Tương lai cũng sụp đổ. Làm sao mà không hoài nghi cho được? Cái mà chúng ta xem là một bình minh huy hoàng vào những năm 1989-1990 rồi cũng chỉ là ánh sáng loá mắt khi một siêu sao mới (supernova) vừa nổ. Đấy phải chăng chỉ là một tai nạn? Tốc độ tăng nhanh làm cho các diễn biến trở thành bộc phá. Thế giới ảo giác bị cuốn phăng đi trong một cuộc tan vỡ chưa từng thấy.

Cái Quả đất - Quê hương gần gũi thế mà bỗng không thể nào nắm bắt được. Thảm họa thôi lại nối thảm họa!

Làm cho địa cầu văn minh hơn? Từ giống người hiện nay chuyển sang một nhân loại thực sự? Nhưng cái con người tinh khôn rồ dại đang hy vọng gì? Làm sao che đậy được cái vấn đề bất lực to lớn kinh hồn của con người? Khắp nơi và mọi thời, sự thống trị, bóc lột bao giờ cũng áp đảo sự tương trợ, đoàn kết. Khắp nơi và mọi thời, hận thù và khinh miệt đều thắng thế trên tình bạn và sự cảm thông, khắp nơi những tôn giáo của tình yêu và những hệ tư tưởng bác ái đều gieo rắc hận thù, xa lánh nhiều hơn là tình yêu và tình huynh đệ.

Trong lịch sử, sự điên cuồng thường vẫn càn quét lý trí và sự vô ý thức vẫn đẩy lùi ý thức. Tại sao một lần nữa sự điên rồ và sự vô ý thức lại không có thể lôi kéo số mệnh chúng ta đi?

Bởi vì hôm nay những kẻ theo chủ nghĩa truyền thống, trường phái hiện đại và hậu hiện đại đã mù quáng biết chừng nào! Tư tưởng cũng đã bị vỡ vụn thành trăm mảnh! Đối với tính phức tạp toàn cầu con người đã vô tri biết bao! Đối với những vấn đề then chốt cũng đã vô ý thức biết bao! Cái quan hệ giữa người với người cũng đã man rợ biết bao! Ôi biết bao nhiêu là điều không hiểu được!

Dùng văn hoá để thúc đẩy tiến bộ ư?

Trước đây đâu có bao lâu, chủ nghĩa Quốc-xã đã chà đạp cái nước có mức văn hoá cao nhất trong thế giới. Lấy Saint- Germain-des-Prés (Xanh Gecmanh đơ Prê) hay là đại học Sorbonne (Xooc-bon) ở Paris làm mẫu mực của nhân loại ư? Chẳng nhẽ điều ấy có thể loại trừ được sự ty tiện, lòng ham muốn, tính ác độc? Chẳng nhẽ điều ấy sẽ đem lại sự sáng suốt và tri thức về cái chỗ đứng của mình trên thế giới chăng?

Dùng văn minh để thúc đẩy tiến bộ ư? Nhưng văn minh chỉ là một lớp vỏ mỏng bên ngoài đã bị rạn vỡ và không còn nguyên vẹn. Nó lại đem đến những vấn đề mới khi vấn đề cũ vừa được giải quyết xong. Sự chẩn đoán của Freud về căn bệnh của văn minh ("Những văn minh đều bị loạn thần kinh chức năng dưới chính tác dụng của bản thân chúng") cũng vẫn còn hiệu lực, nhất là đối với nền văn minh của chúng ta, bởi vì nó sinh ra những chứng bệnh mới mà chỉ nó mới có mà thôi.

Một nền văn minh được văn minh hoá quá độ có thể dẫn đến chỗ khao khát sự man rợ mà John Boorman (Giôn Boócman) đã diễn tả trong phim "Zardoz".

Thế thì văn minh hoá quả đất là nghĩa gì nếu chính bản thân của văn hoá và văn minh đều gây ra vấn đề?

Vấn đề này đưa chúng ta trở lại điều cơ bản, có nghĩa là văn hoá và văn minh không đem lại sự cứu rỗi. Nhưng ngay cả trong sự bất mãn mà những thoả mãn của văn minh mang lại, văn minh này lại tái tạo ra sự bất mãn có tính nhân loại học, nghĩa là nhu cầu thúc đẩy tiến hoá nhân loại. Sự bất mãn về chính sự thoả mãn, ra đời giữa văn minh chúng ta và đang ăn mòn nó, chính là điều kiện chuẩn bị cho sự vượt qua nó.

Nói tóm lại, chúng ta phải dám quay về với nguyên tắc đề kháng. Và cuối cùng trong sự tuyệt vọng chúng ta vẫn còn những nguyên tắc hy vọng như sau:

Nguyên tắc đầu tiên là một nguyên tắc cốt tử: giống như bất cứ sinh vật nào cũng đều tự có thể tái sinh dưới một ứng lực (tension) về phía tương lai không thể ức chế, tất cả những gì thuộc về con người cũng thế, nó lại tái sinh ra hy vọng trong quá trình đổi mới sự sống; không phải là hy vọng làm cho nó sống, nhưng là sự sống làm ra hy vọng hoặc nói một cách khác: sự sống làm ra hy vọng để làm nó sống.

Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc của sự khó hình dung: Tất cả những biến chuyển hoặc sáng tạo lớn đều là thứ không có thể nghĩ ra được trước khi nó phát sinh.

Nguyên tắc thứ ba là nguyên tắc vị tất: Tất cả những gì xẩy ra tốt đẹp trong lịch sử đều đã không có khả năng xuất hiện một cách tiên nghiệm.

Nguyên tắc thứ tư là nguyên tắc của con chuột chũi: Con vật này đào những đường hầm và làm rỗng từng đất ngầm trước khi mặt đất bị động chạm.

Nguyên tắc thứ năm là nguyên tắc của sự cứu vớt nhờ ý thức được nỗi hiểm nguy. Theo lời của Hửlderlin: "ở nơi mà nguy cơ tăng thì sự cứu nguy cũng tăng lên".

Nguyên tắc thứ sáu là một nguyên tắc nhân loại học: Chúng ta biết rằng con người tinh khôn cho đến bây giờ vẫn chỉ dùng có một phần rất nhỏ của khả năng tinh thần / đầu não của nó. Như vậy chúng ta vẫn còn lâu mới dùng hết được những khả năng trên phương diện trí tuệ, tình cảm, văn hoá, văn minh, xã hội, chính trị vốn có của loài người. Điều này có nghĩa là văn hoá của chúng ta hiện nay chỉ tương ứng với thời vẫn còn là tiền sử của đầu óc con người và văn minh đương đại của chúng ta hiện nay vẫn còn đình đốn ở thời đại đồ sắt toàn cầu hôm nay. Điều này như vậy còn có nghĩa và nhất là, trừ phi xẩy ra những tai biến ghê gớm, chúng ta vẫn chưa đạt đến được độ cao của những khả năng đầu não / tinh thần con người, của những khả năng lịch sử các xã hội, của những khả năng nhân loại học trong tiến hoá nhân loại.

Nhưng sự tan vỡ ảo tưởng này không hề ngăn cản bước tiến về một giai đoạn mới trong tiến trình tiến hoá nhân loại, giai đoạn này đồng thời cũng là một giai đoạn mới trong văn hoá và văn minh con người.

Sáu nguyên tắc này cũng có giá trị trong trường hợp kết quả trở thành xấu nhất. Chúng không đem đến một cái gì bảo đảm cả. Sự sống có thể gặp phải cái chết một cách ngẫu nhiên. Điều khó tưởng tượng nổi chưa chắc gì sẽ đến. Cái không có khả năng xẩy ra không tất yếu là may mắn. Con chuột chũi có thể làm tan hoang tất cả những gì con người muốn giữ gìn. Khả năng cứu trợ có thể không đạt được trình độ của những hiểm nguy.

Cuộc phiêu lưu vẫn còn là một ẩn số. Thời đại toàn cầu có thể sẽ đắm chìm trước khi được thăng hoa. Sự hấp hối của loài người có thể rồi chỉ đưa đến chết chóc và điêu tàn. Nhưng cái kết quả xấu nhất đó cũng chưa có gì là chắc chắn, tất cả ván bài vẫn chưa ngả. Không thể biết trước một sự xác thực hoặc một xác suất nào, xét cho cùng vẫn còn có thể có một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhiệm vụ của chúng ta thì vô cùng lớn lao và đầy bất trắc. Chúng ta không thể nào trốn tránh vào tuyệt vọng cũng như vào hy vọng. Muốn thực hiện gấp nhiệm vụ hoặc ngược lại muốn thoái thác cũng đều không thể được. Chúng ta cần phải vũ trang bằng một sự "kiên nhẫn nóng bỏng". Chúng ta đang ở vào ngày hôm trước của cuộc chiến, không phải cuộc chiến cuối cùng, nhưng là cuộc chiến ban đầu.


(Dịch xong vào những ngày trời còn rơi tuyết, 22-02-99)

Nguyễn Hồi Thủ