Chương 11
Ánh trăng tháng chạp trong vắt chiếu qua rặng lim um tùm. Mấy cây trầu chung quanh vườn sắn xơ xác cành khô. Luồng gió thoảng qua, lá vàng rơi lác đác...
Lan ngồi sưởi thì thầm đọc kinh, thỉnh thoảng lại đặt quyển sách xuống, ngơ ngác nhìn. Tiếng lá rụng trên vườn sắn như có mãnh lực khiến Lan ôn lại những mẩu đời ký vãng, Lan nhắm mắt, trí lại tưởng tượng ra cái cảnh lá rụng khi sang chùa Long Vân, cái cảnh bên bờ suối mấy gốc thông già gió chiều hiu hắt, lá thông khô, theo dòng suối trôi đi...
Lá rụng!
Từ đó đến nay đã qua sáu tháng. Lan trải bao buồn, nhớ, mừng, lo.
Trong khoảng mười hôm đầu, Lan ủ rủ âu sầu. Rồi dần dần ngày đêm vui đạo Phật, lòng cũng nguôi nguôi.
Tuy những khi chiều tà gió thổi, đêm khuya thức giấc, trăng mọc đầu non, dung nhan người bạn cũng còn phảng phất trong tâm hồn, nhưng đạo từ bi vẫn thắng nổi ái tình. Chỉ ít lâu là ảnh ai đã mờ hẳn trong trí nghĩ. Rồi buồn nhớ đổi ra mừng vui. Lan hớn hở rằng đã qua được một bước khó khăn trên con đường tu hành.
Lá rụng!
Tiếng lá tí tách trên bờ rào khô bỗng gợi tới chuyện cũ đã hầu quên. Lan nghĩ mà lo, lo một ngày kia bí mật của mình sẽ bị khám phá. Biết đâu trong khi vui anh em, chàng chẳng thuật câu chuyện gặp gỡ. Nếu chàng quên, nhưng nào chàng có quên được! Đã có một lần chàng đi xe đạp đến gần chùa, rồi nghỉ ở quán một lúc rồi lại quay xe trở về Bắc. Tuy Lan cho là Vân trông lầm, nhưng tâm trí Lan vẫn thì thầm với Lan rằng đó là chuyện thực.
Mặt trời đã xế về tây. Một luồng gió lạnh.
Lá rụng!
Lan rùng mình ngơ ngác nhìn quanh, như sợ có người đứng nghe trộm được nhưng ý nghĩ bất chính của mình. Lan cố không tư tưởng nữa, muốn theo gương sư cụ ngồi tĩnh tọa để tìm chân lý.
Bỗng có một tiếng sột soạt sau lưng. Lan quay lại. Ngọc đương rón rén đi tới. Lan mừng quýnh thốt nhiên kêu rú lên:
- Ông Ngọc!
Ngọc khẽ gật, không trả lời. Lan sực tỉnh, bẽn lẽn, trách bạn:
- Ông đã hứa với tôi rằng ông quên, sao ông còn lên?
Ngọc mỉm cười, đáp:
- Tôi vẫn cố quên, nhưng nào có quên được!
Rồi Ngọc buồn rầu, kể lể:
- Nếu chú thấu nổi đau đớn, khổ sở của tôi thì chú cũng saÜn lòng tha thứ cho tôi.
- Mời ông hãy vào chùa chào cụ, cụ nhắc đến ông luôn... Cụ nhớ ông lắm.
Ngọc vội gạt:
- Không, không. Tôi không lên thăm cụ. Tôi chỉ lên thăm chú một lát rồi lại về ngay bây giờ.
Lan đỏ bừng mặt, Ngọc tưởng Lan xấu hổ, nhưng chính Lan sung sướng quá.
Ngọc nói tiếp:
- Tôi lên thăm chú, vẫn biết đối với lời hứa, đối vời lời thề, tôi rất có lỗi, mà nhất đối với đời tu hành của chú, tôi rất là người có tội. Nhưng chắc Phật tổ cũng thấu lòng chân thành, rõ nỗi đau đớn của tôi mà xá tội cho tôi.
Lan mắt lờ đờ nhìn phía xa:
- Nhưng gần tối rồi, ông về bằng gì?
- Tôi về bằng xe đạp. Xe tôi để tựa ngoài hàng rào kia.
- Nhưng... Từ đây về Bắc cũng đã xa rồi, lại còn từ Bắc về đến Hà Nội, ông đạp sao nổi?
- Cũng phải nổi. Lần này là lần thứ ba rồi, hai lần trước tôi cũng đã lên, nhưng lại về ngay, sợ hãi, không dám vào thăm chú.
- Giá lần này ông cũng về ngay thì phải.
Ngọc không để ý đến câu trả lời của Lan, lại gần đứng tựa vào cây trầu, ngay chỗ Lan ngồi, nhìn Lan, không nói.
Lá rụng!
Lan giật mình bảo bạn:
- Nhỡ cụ biết...
Ngọc vẫn nhìn Lan, đôi mắt âu yếm, nồng nàn:
- Cụ biết thì ta thú tội với cụ là cùng chứ gì.
Lan cười nhạt, nói:
- Tôi tưởng ông là bậc quân tử đáng kính, đáng tôn. Ai ngờ thắm thoát mới sáu tháng giời, ông đã quên được lời thề.
Ngọc nghiêm sắc mặt trả lời:
- Chỉ vì tôi không quên được lời thề, nên tôi mới khổ. Bản tính con người là quên. Mà muốn đi tới hạnh phúc thì càng phải quên. Nếu tôi quên được hết, quên lời thề, quên cái đêm trăng rọi trên đồi, quên lời ăn tiếng nói của chú, quên sự gặp gỡ của đôi ta, quên chú, quên hết, thì đâu đến nổi... Nhưng trái lại, tôi nhớ, tôi tưởng tượng như mọi sự vừa mới xảy ra hôm qua, nào phải chăng tôi sống trong cảnh mộng?
Lan ngồi nghe, cặp môi hơi hé mỉm cười, mắt lim dim như đương thiu thiu trong giấc mộng.
Ngọc nói, lời rầu rầu, se sẽ, như người ru em.
Mặt trời đã gần lặn sau đồi, mặt trời lạnh lẽo mùa đông. Gió chiều thỏang qua.
Lá rụng!
Lan mở bừng mắt, thở dài:
- Không, không bao giờ thế.
Ngọc vẫn như người mê man, nói luôn:
- Phải, nào phải đâu tôi sống trong cảnh mộng, sáu tháng tôi ở xa chú, tôi coi như sáu năm...
Lan giọng hơi run run:
- Ông điên mất rồi, ông tha lỗi cho tôi, nhưng thực ra ông điên mất rồi, ông nên cưỡi xe đạp trở về ngay không cụ biết thì bí mật đến tiết lộ mất, vì ông điên mất rồi.
Ngọc cười gằn:
- Tôi về ngay đây, nhưng tôi thú thực với chú rằng không bao giờ trí tôi lại sáng suốt như bây giờ. Những lời tôi nói với chú, tôi nguyện có Phật tổ chứng minh, thật ở tận đáy tâm can mà ra. Tôi vẫn biết lòng chân thành của tôi không thể cảm được linh hồn chú, nên hôm nay tôi chỉ lên để từ biệt chú một lần cuối cùng mà thôi. Từ nay kẻ bắc người nam, xin khôn gặp mặt nhau nữa.
Lan hai tay bưng mặt, nước mắt ràn rụa ướt cả vạt áo. Lan cố giữ linh hồn lãnh đạm, nhưng chỉ giữ được đến thế.
- Ngọc vội cúi xuống đỡ tay Lan, kêu van:
- Ngọc xin lỗi Lan. Đấy Lan nghĩ mà xem. Lan có thể không yêu Ngọc được đâu. Cặp linh hồn đôi ta như một điệu âm nhạc, không cảm động nhau sao được?
Dưới chân đồi, mấy đứa trẻ mục đồng cưỡi trâu về chuồng, cười đùa vui vẻ. Trên cây trầu, đàn chim sẻ đuổi nhau tiếng kêu chiếp chiếp.
Lá rụng!
Lan đứng phắt dậy, khẽ ẩy bạn ra:
- Không, không bao giờ như thế được!
Ngọc lắc đầu, thở dài:
- Tôi thương hại chú quá. Tôi cũng đáng thương, nhưng chú còn đáng thương gấp trăm, gấp nghìn lần. Linh hồn chú bị ái tình và tôn giáo, hai bên lôi kéo, mà lạy Trời, lạy Phật, hai cái mãnh lực ấy lại tương đương, nên tâm trí chú càng bị thắt chặt vào hai tròng...
Lan nhíu đôi lông mày lùi lại một bước:
- Thôi, ông đừng nói nữa, mỗi lời nói của ông như đốt xé ruột gan kẻ tu hành này. Ông nên về ngay đi.
Ngọc dịu dàng:
- Vâng thì tôi về. Xin kính chào chú ở lại nhé.
Nói xong, Ngọc quay đi. Lan ngồi xuống bưng mặt khóc. Ngọc rón rén trở lại, yên lặng đứng ngắm Lan.
Mặt trời đã lặn sau dãy đồi tây. Vạn vật nhuộm màu ảm đạm.
Lá rụng!
Lan mở choàng mắt, ngơ ngác nhìn. Rồi mỉm cười:
- Ông vẫn chưa về?
- Lan coi, Lan đuổi Ngọc về, mà Lan vẫn còn mừng Ngọc ở lại. Trí Lan đi một đường, tâm Lan đi một lối. Ngọc thương Lan, Ngọc muốn hy sinh vì Lan, nhưng chẳng biết xử trí ra sao bây giờ.
Lan đăm đăm nhìn về phía chùa, se sẽ nói:
- Quên, phải quên.
- Nhưng nào quên được?
- Nếu thế thì chỉ có một cách bỏ chùa đi trốn.
Lan sợ Ngọc hiểu lầm, nói tiếp luôn:
- Bỏ chùa đi trốn, đến tu một chùa khác, một ngôi chùa trên thượng du.
Ngọc có vẻ sợ hãi, vội gạt:
- Không nên. Nếu Lan đi thì Ngọc sẽ chết khô héo mất. Ngọc chẳng dám mơ màng nọ kia, chỉ ao ước thỉnh thoảng lên chùa nhìn thấy mặt Lan đủ rồi. Vậy xin Lan cứ ở đây tu hành, rồi ngày Ngọc được nghỉ, lại cho phép Ngọc phóng xe đạp lên chùa thăm Lan, Lan có ưng như thế không?
Lan mỉm cười:
- Nếu được mãi như thế?
- Tôi xin thề với Lan rằng tôi giữ được mãi như thế. Tôi xin viện Phật tổ tôi thề với Lan rằng suốt một đời, tôi sẽ chân thành thờ trong tâm trí cái linh hồn dịu dàng của Lan.
- Thế nghĩa là thế nào?
- Nghĩa là suốt đời tôi, tôi không lấy ai, chỉ sống trong cái thế giới mộng ảo của cái tình lý tưởng, của ái tình bất vong bất diệt.
Lan hai giòng nước mắt đầm đìa, dịu dàng bảo bạn:
- Không được. Còn gia đình ông?
Ngọc lạnh lùng:
- Gia đình? Tôi không có gia đình nữa. Đại gia đình của tôi nay là nhân loại, là vũ trụ, mà tiểu gia đình của tôi là... Hai linh hồn đôi ta, ẩn núp dưới bóng từ bi Phật tổ.
Lan tươi cười, ôn tồn bảo bạn:
- Tôi không ngờ Phật giáo đã cảm hóa ông đến như thế! Ngọc vui vẻ:
- Yêu là một luật chung của vạn vật, là bản tính của Phật giáo. Ta yêu nhau, ta yêu nhau trong linh hồn, trong lý tưởng, Phật tổ cũng chẳng cấm đoán đôi ta yêu nhau như thế.
Lan đưa vạt áo lau nước mắt:
- Tôi hiểu ông lắm rồi. Tôi xin ông lại nhà kẻo giời sắp tôi.
Ngọc vui vẻ:
- Vậy chào Lan ở lại nhé. Ngày khác sẽ gặp nhau...
Lan nghĩ ngợi nhìn Ngọc, khẽ gật đầu mỉm cười không nói.
Ngọc từ giã Lan, dắt xe đạp xuống đồi.
Bây giờ sắc trời dìu dịu, vạn vật như theo tiếng chuông chiều thong thả rời vào quãng êm đềm, tịch mịch.
Lan đứng chắp tay tụng niệm, mắt lờ đờ nhìn xuống con đường đất quanh co, lượn khúc dưới chân đồi.
Gió chiều hiu hiu...
Lá rụng!
Hết
Bookmarks