Chương 11

Tuấn vẫn chưa về. Toà nhà hai tầng có vườn cây bao quanh mang dáng dấp một điền trang u tịch vẫn im lìm sau cánh cổng sắt đóng kín. Liệu đêm nay nó có về không? Hay mai? Hoặc mốt? Mai hay mốt tôi có thể nán chờ được nhưng lâu hơn nữa thì sao?… Một sự mệt mỏi trộn lẫn hoài nghi xâm chiếm lấy tôi, đến tận từng kẽ răng. Chờ ư? Cái đó dễ rồi. Thất nghiệp, về hưu, đang đi tìm kế sinh nhai, thời gian là của mình, thời gian dài đến thê lương, có gì mà vội. Ấy nhưng chờ chỉ để hàn huyên, để thi nhau lục lại mọi kỷ niệm nọ kia (mà chắc gì nó đã thích lục?) để nhậu, để vỗ đùi vỗ về, cười hả hả, cười méo mó, khen nhau, chê nhau, đánh trận này, đập trận kia, thằng này sống, thằng kia chết… mệt đầu lắm mà chả được cái tích sự gì. Có khác gì phải đánh nhau khổ sở trở lại trong cùng cuộc chiến tranh ấy. Tôi muốn gặp nó chỉ để hỏi tung tích về Sương. Bởi lẽ cái đêm cướp xác chôn xác ấy, nó cũng có mặt. Chỉ có nó mới xác định giúp tôi thật giả thôi. Nên vừa muốn gặp vừa muốn không. Tôi lo sợ khi nghe nó bảo cô ấy đã chết, càng lo sợ khi nó nói cô ấy còn sống. Đối với tôi hai cái đều quá đỗi dở dang. Hoặc giả, giống như thằng Quân, thằng Ba Thành, nó lại cười phì phì vào mũi tôi mà kêu tôi là rồ dại, là mắc bệnh hoang tưởng, thì lại nhức cái đầu hơn.

Số tiền ông già đại tá cho tôi vẫn còn, gần như còn nguyên vẹn. Về đây là coi như trở về nhà, ghé bất cứ chỗ nào, nơi nào, cũng có thể có cơm nuôi được… mười năm. Nhưng tôi ngại lắm. Tôi không muốn bạn bè cũ, người quen xưa nhìn tôi, một kẻ đã từng được mệnh danh sáng giá là Người hùng Việt Cộng lại thê thảm nhàu nát thế này. Chính vì thế mà, trừ một vài anh em thật chí cốt, tôi chẳng muốn quét rộng luồng ra đa thăm hỏi và dò tìm ra làm gì. Gặp ông tỉnh đội trưởng nay là bí thư tỉnh uỷ ư? Hay gặp ông bí thư nay vì một nguyên cớ tế nhị nào đó lại đang làm một phó thường dân? Hay gặp bà trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ vốn trước kia là cấp trên trực tiếp của cánh Hai Hợi, Ba Sương? Hoặc… Mà thôi, điểm làm gì. Cuộc chiến đấu giành đất trong những cánh rừng năm xưa giờ đây đang được chuyển hoá khốc liệt thành cuộc chiến đấu giành ghế ngoài đời, các vị ấy còn một góc tĩnh lặng nào đâu để nhớ về dĩ vãng, nhớ về bạn bè một thưở, những người sống và những người chết! Vả lại, đây mới là nguyên cớ chính, tôi thực sự không muốn giáp mặt họ một khi ngày trước, giữa tôi với họ bao giờ cũng có một khoảng cách e dè không dễ lấp đầy. Suốt chục năm lăn lóc, tôi chỉ là một đối tượng cần nhưng kiềng của họ. Cần ở khả năng xả thân giữ đất nhưng lại rất kiềng ở tính nguyên tắc và thái độ không khoan nhượng với sự xúc phạm đến những đạo lý làm người.

Chiến tranh càng cần phải gìn giữ tính người chứ chiến tranh đâu có phải miếng đất bẩn thỉu cho thú tính tràn vào. Cho nên… Chao ôi! Sau mười lăm năm, người lính gần như còn sống sót duy nhất lặn lội trở lại địa bàn xưa mà sao lắm cho nên, lắm xa lạ đến thế? Những mái nhà ấm cúng đang toa? ra làn khói bữa cơm chiều kia, những cửa hàng sang trọng, những đường phố trải nhựa rộng dài mịn như lụa kia, những cô cậu học trò tươi xinh mơn mởn, những con người ngày trước chỉ lo trốn tránh, ngày trước có tội, có nợ máu với bà con và cả những vị ngày nào còn cùng chui hầm ở bụi, còn bám dính đằng sau bộ độ đột ấp kiếm từng hạt gạo bây giờ quyền uy chất ngất, tiền vàng ngập hòm ngập tủ kia óc hay rằng cả thời trai trẻ của tôi, của lũ xa quê chúng tôi thay nhau gục xuống với tất cả nỗi niềm lãng mạn chân thành để hôm nay trở lại trở thành xa lạ đến thê thảm thế này không?

Khát thôi mà không ấy đói, dẫu rằng cả ngày mới lót bụng có độc một đĩa cơm nông choèn ngoài chợ. Tôi kiếm một quán nước mía nằm xế xế ngôi nhà của Tuấn, ngồi xuống. Thôi thì, Tuấn ơi! Ngoài những đứa đã chết, những đứa còn sống nhưng đang ngắc ngoải, trong đội hình năm ấy ít nhất cũng được một mình mày là còn ra người. Một mình mày đại diện chung cho cả một thế hệ khổ đau và oanh liệt vậy. Ít còn hơn không, một thằng còn hơn sạch bách, tao cũng mừng.

- Ông bác chắc vừa ở xa đến? - Chị hàng nước mía mặc áo màu mỡ gà, còn trẻ, tóc vấn cao, mau mắn hỏi.

- Vâng! Nhưng… Sao chị biết?

- Ôi dào! Thị trấn vẻn vẹn vài trăm người, ai lạ ai quen biết liền à. Vả lại, thiên hạ bây giờ ở tuổi bác, không ai mặc đồ lính như thế. Chỉ có dân cựu trào hay dân ở ngoài kia vào đây làm ăn sinh sống mới mặc vậy thôi. Cháu nói thiệt, dòm tội lắm!

Vận đồ quân phục mà tội ư? Trong đầu tôi phực lên một chút chua chát nhưng rồi lại gượng mỉm cười:

- Thế chị bảo tôi là dân cựu trào hay là là dân tứ chiếng đi làm ăn?

- Bác ấy ạ? Cũng khó… Cái dáng lững thững nhàn tản là của mấy ông cách mạng, nhưng vẻ mặt ốm o lại là của mấy người đi làm ăn.

Lấy cái vui của chị hàng chừng trên ba mươi tuổi, tôi ướm:

- Thế chị thử đoán tôi… chừng bao nhiêu tuổi nào? Đoán vui thôi.

- Bác ấy ạ? - Chị hàng nhìn xeo xéo vào mặt tôi - Chắc cũng tới sáu mươi. Ba cháu ngày xưa trạc tuổi bác, cũng có những nét hao hao như bác.

- Thế à!

Tôi vục miệng vào cốc nước đá có màng bọt vàng vàng, che đi cái nhếch môi méo mó. Thế đấy! Gần năm mươi tuổi, không vợ không con, không nhà không cửa, tứ cố vô thân lại được một mẹ xề trên ba mươi tuổi kêu bác bác cháu cháu ngon lành. Không sao! Cũng phải thôi, may mà mẹ chưa gọi mình bằng cụ.

- Này, ông chủ cái nhà to to kia ấy mà, thế ông ta thường xuyên đi vắng à?

- Ông Tuấn hả bác?… Dạ, chẳng mấy khi có nhà.

- Thế thằng cha ấy sống có khá không?

- Ối trời! Hết biết đâu mà nói. Cái nhà này chỉ là một thôi đó. Ổng còn một ở Biên Hoà, một ở Sài.. ý quên! Một ở thành phố nữa kia. Mỗi nhà là một bà vợ nhỏ.

- Như vậy là bà cả ở đây, căn hộ trung tâm?

- Đâu có. Ông ở một mình với một bà thím ở ngoải vộ Hai bà kia kêu là vợ nhưng thực chất là nhân tình. Ông tuyên bố chưa đến lúc lấy vợ, chỉ cặp bồ thôi. Ổng bảo còn lo làm ăn, không có thời giờ cho bầu đoàn con cái. Mà ổng làm ăn giỏi lắm bác ơi! Hồi mới về đây, chỉ có độc túp lều lợp tôn. Thế rồi chẳng rõ vốn liếng ở đâu, ổng nhảy vô rừng buôn gỗ. Bắt đầu là làm thuê, sau là ông chủ xe Reo. Rồi cứ vậy phất lên. Tới nay ổng có ba cơ sở sản xuất ở ba nơi cháu nói. Cái thì đồ mộc xuất khẩu, cái thì xà bông, cái thì ti vi điện tử gì gì đó, giàu lắm! Kia, cái trường học cấp hai mái bằng đẹp nhất tỉnh kia là ổng giúp không cho thị trấn đó - Chị hàng ghé sát khuôn mặt bầu bầu xuống tôi, hạ giọng - Nghe nói ổng trước cũng làm lớn lắm, sau bị đánh bật ra. Mấy ông người Bắc ở trong nay, trước sau cũng bị bật, người nào khôn ngoan lắm mới trụ lại được.

Không muốn nghe thêm cái điều đã trở thành nỗi nhức nhối quá nhàm chán ấy, tôi trở lại cái chi tiết đã neo bám vào đầu tôi từ hồi nãy:

- Chị nói ông ta chỉ ở với bà thím thôi à? Bà thím nào vậy? Thế ông già bà già của ông ta đâu?

- Nghe nói ông bà già bị bom chết cả ở ngoài đó. Chỉ còn bà thím này, mà cũng không phải thím bà con đâu. Người ta nói bả là mẹ của một liệt sĩ ngày trước cùng đơn vị với ổng. Mà người liệt sĩ này chết khổ lắm, chết khi đang ở trong căn cứ, chết lúc đang nấu cơm…

- Thằng Bảo rồi! Tôi buột miệng thốt lên.

- Sao kia ạ? Chị hàng nhìn lên ngơ ngác - Thiệt mà. Ông không chỉ đưa bà thím mà còn đưa cả mấy người bà con của bả vô sắp xếp công ăn việc làm đâu vào đấy hết. Ổng thường kêu bả bằng mẹ.

- Không!… Là tôi tính nói cảm ơn chị không cho tôi là kẻ xấu, là kẻ gian đi dò chuyện thiên hạ nên chị mới xởi lởi kể hết như thế.

- Mèng đéc ơi! - Chị hàng cười giòn tan, hai hàm răng trắng bóng - Tạng người như bác, có quẳng vàng vào người cũng chẳng biết đường mà mang chứ nói chi đến chuyện trấn lột, lừa đảo của ai. Mà thời buổi cơ chế thị trường, nói chẳng nói thật có gì đâu mà phải giấu, bác! Nói giỡn chơi, em ngồi ngoài này tiếp xúc va chạm nhiều, kẻ gian người ngay, chỉ cần nhìn thoáng qua là biết à.

- Cảm ơn! - Tôi đứng dậy định móc túi giả tiền nhưng không hiểu sao lại nói thêm. - Ngồi đây, nếu cậu Tuấn về, nhờ cô nói giúp là có người cùng đơn vị cũ đến tìm chơi.

- Thế… Tên bác là gì ạ?

- Cứ nói tôi là Hùng. Hùng tàn bạo.

- Khí… khí… khí… Bác mà tàn bạo? Tàn bạo với con sâu. Nhưng ổng muốn tìm bác thì tìm ở đâu, để em còn biết đường mà nói.

- Ờ… Có thể tôi lang thang ít bữa. Đêm nay tôi đang ở nhà Ba Thành, chắc nó biết đấy.

- Dạ! Em nhớ rồi. Ông bác cứ yên tâm.

- Cô tốt bụng và vui quá! Ly nước bao tiền để tôi trả.

- Khỏi mà bác. Bạn của ổng mà em lại lấy tiền ư? Cái quán này là ổng cho vốn đó.

- Thôi, tôi đi! Cám ơn!

- Dạ! Không có chị Chào ông bác… Tàn bạo!

Có chứ! Tôi nghĩ trùng với tiếng cười khúc khích của chị hàng. Rút cuộc tôi cũng được nghe chữ em ở một người đàn bà kém tôi có chục tuổi, đáng cám ơn lắm chứ. Bởi vì, nhỡ ta trong mấy ngày trở lại miền Tây tính giáp mặt trực điện với người đàn bà đó tới đây, người ta cũng kêu tôi bằng bác xưng cháu thì sao? Hơn nữa, tôi nhẹ cười, chỉ cần nhìn cái mắt, nghe cái cách nói của cô khi nhắc đến nó kể về nó, cái thằng Tuấn ấy là tôi, tuy lẫn cẫn, cũng đủ hiểu con người của nó đang là cái gì đối với cô rồi. Cám ơn!

*

- Ba Thành về đi! Để tôi ở lại đây một mình.

- Rồi mày về cách sao? Những bảy cây số lận.

- Bảy mươi cây cũng vậy thôi. Ngày xưa…

- Dẹp cha nó cái ngày xưa đi cha nội! Mày như cái thằng ăn mày ngày xưa. Lúc nào cũng ngày xưa, nghe chán thấy mẹ! Xưa khác, nay khác, hiểu chưa? Thời thế này dễ có thằng con mẹ nào nghĩ đến ngày xưa hết trọi.

- Đối với tao không khác. Không bao giờ khác hết. Và tao cũng không phải là một thằng ăn mày. Hiểu chưa? Về đi! - Tôi nói bật căng như bị chạm nọc.

- Hiểu cái con khẹc! Thôi được, muốn thân làm tội đời thì cứ việc. Nhưng tao chờ ở quán nhậu đầu xã, nhớ đó.

- Tuỳ!

Nó phóc lên xe cun cút phóng đi, để rớt lại mấy tiếng làu bàu sền sệt hơi rượu.

Tôi lặng lẽ bước vào nghĩa trang liệt sĩ của huyện, tâm trạng chia hai thật là khó chịu. Nếu em chết thật rồi lại đi một nhẽ, tôi sẽ hun hút ngồi xuống bên em cho tới sáng. Nhưng em nửa sống nửa chết, buộc tôi phải nửa buồn nửa nghi, nửa mê nửa tỉnh trong cái hành vi đáng ra chỉ nên độc tôn một trạng thái cảm xúc này thôi. Cho nên bước chân tôi vừa hăm hở lại vừa ngại ngần. Không thể không đi nhưng thực chất đi cũng chỉ để mà… đi!

Nghĩa trang ban ngày đã vắng, giờ này càng cô quạnh. đời, có lẽ cái gọi là bị quên lãng không nơi đâu có độ đậm đặc như nơi này. Một nghĩa trang liệt sĩ trong hàng trăm nghìn nghĩa trang nằm rải rác khắp nước. Vì một lý do chính trị hay xã hội bức bách nào đó, không loại trừ cả lý do nghĩa tình sâu xa, người ta vội vàng thu gom về đây những mảnh hài cốt vương vãi ở khắp các chân bãi, xô rừng, có cái có, có cái chi hàm nghĩa tượng trưng rồi xây trát, rồi cắt băng khánh thành, làm lễ truy điệu, đọc đôi lời ai điếu ròn rảng hoặc mùi mẫn và sau đó là hết. Hết nhẵn cho một thời kỳ thương khó. Cỏ lác lại mọc lên, tường vôi tróc lở, hương hoa cả năm chỉ xuất hiện vài lần gọi là, thân nhân người tới người không, có nhiều người không bao giờ tới được. Đường sá xa xôi, tuổi cao sức yếu, tiền nong eo hẹp, ngồi một chỗ đã không sống nổi huống hồ còn đi đâu! Chỉ có những người cắt cỏ, người ghé vào nghỉ trưa lại thường xuyên có mặt cùng với tiếng con chim già kêu mãi ở ngọn cây cụt mạn bắc nghĩa trang…

Với chiếc đèn pin Thành cho mượn, tôi bước hụt hẫng qua từng nấm mộ để tìm em mà lại không phải tìm em(?).

Chiều nay, thể theo yêu cầu khẩn thiết của tôi, Thành đã lóc cóc đạp xe lên phòng thương binh xã hội. Năm tiếng đồng hồ sau, Thành trở về, mồ hôi mồ kê như đi phát rẫy, cười khề khề: “Đã bảo rồi mà chú mình không nghe anh... "

"... Chết! Chết đứ đự! Hỏi ba thằng thì cả ba thằng đều phát cùng một giọng như phát với ông già nhà nó: Chúng tôi đã tìm kiếm, đã bốc cốt, đã đưa về nghĩa trang, đã làm đúng thủ tục, đã cho vào danh sách, đã… Đã cái con khẹc nhà nó hay sao lắm đã thế? Sợ cái đầu dở hơi của mày chưa tin, tao bò tiếp lên ban chính sách tỉnh đội, ban tổ chức tỉnh uỷ, gõ cả cửa lão bí thư, cha đại tá tỉnh đội trưởng, cha giám đốc công an nữa. Các cha đều khẳng định rằng con nhỏ đã chết. Thậm chí có cha còn hỏi lãng xẹt: “Sương nào hé?… Có phải Sương… ấy không?” Ha! Sương ấy thì đến ông cố nội tao cũng chịu. Mẹ con mẹ họ! Song được cái cũng còn ngon, cha nào cũng nhớ ra tao cả. Mà không nhớ thế chó nào được khi hầu hết mấy cha đều được tao lột truồng, chữa vết thương, vết bỏng cả. Tức cười! Tới sở công an, gặp cha đại tá giám đốc đang ngồi chễm chệ trên chiếc Ford xanh biếc bon ra cổng, tao chặn lại hỏi. Nó xuống xe, nói lần đó không nhờ có tao thì nó đã chết vì miếng đạn M79 rồi. Mẹ! Cha này hồi ở rừng tao lạ gì. Phó ban an ninh, chơi gái thành thần, nhát như thỏ đế, được cái đọc báo cáo kêu như mìn nổ nên thăng tiến hoài. Thôi được, chú khoẻ anh mừng, miễn là thời buổi tham nhũng đầy trời này, chú phải làm ăn cho cẩn thận.

Nói xong, Ba Thành chui tọt vào bếp, quất đầy nhóc một bụng cơm nguội với dưa leo chấm mắm nêm rồi sang lối xóm mượn chiếc xe máy cà tèng chở tôi đi tiếp.

Trôi theo dòng bi thảm, tôi hỏi đường đến nghĩa trang với hy vọng cuối cùng. Và giờ đây, trong khuya khoắt rợn mình, tôi vật vờ đi giữa cái thế giới vô hình và hữu hình của người chết… Nguyễn Văn Hùng, quê Lạng Giang - Hà Bắc. Hy sinh ngày… Đặng Tuấn Bảo… Nghiêm Xuân Khiển… Quê quán… Hy sinh ngày… Quê quán… Mắt tôi nhoà đi. Những hàng chữ khắc trên bia nhảy nhót, phồng lên, nở ra, dài ngoằng thành những thân người, mặt người lạ lẫm và thân thuộc. Tất cả đều còn trẻ, rất trẻ, đều mang bộ đồ quân phục sắc xanh lá rừng, thịt da trắng như sáp, tất cả đều tráng kiện, vạm vỡ, miệng cười tươi tỉnh, duy có đôi mắt chỉ hai lỗ trũng sâu vô định… Cây đèn trong tay tôi tắt lịm. Tôi lo sợ. Tôi ngợp. Chết nhiều quá! Trẻ quá! Hầu hết là trai tân, hầu hết ở ngoài kia vào. Họ xuất hiện mỗi lúc một đông, dàn hàng ngang, xếp hàng dọc, rùng rùng lay động, bóng thấp bóng cao, cái nét, cái mờ. Hơi thở của họ lạnh buốt, con ngươi trong hố mắt họ đỏ lòm…

Tôi rảo chân bước nhanh. Những cái bóng bước theo đuổi kịp, vây bủa chân lướt ràn rạt không chạm đất. Tiếng chụp, đậu lên vai, luồn vào tóc, chui cả vào ngực nhồn nhột, không mùi không vị: “Thủ trưởng ơi! Có nhận ra chúng tôi không? Có ân hận vì đã để chúng tôi chết chùm chết đống trong khi mình vẫn còn sống không? Hay thủ trưởng đi tìm ai, tìm cái gì, để chúng tôi mách chọ Biết mà, chúng tôi biết rồi thể nào cũng có một lần thủ trưởng sẽ đến đây. Chúng tôi vẫn chờ. Chờ gần hai mươi năm rồi. Lâu quá! Chậm thế? Chả lẽ quên phứt anh em bè bạn rồi ư thủ trưởng? Ấy, đừng đi. Đứng lại tí đã…”. Tôi càng đi nhanh. Cái bóng của Viên vượt lên, hơi thở ram ráp liếm vào tai tôi: “Anh quên em rồi sao anh Hai? Giá như đêm ấy anh đừng lệnh đi thì em đâu có chết! Em biết là sẽ chết nhưng không thể nói ra, không dám nói. Em sợ anh đánh giá em là hèn nhát. Em chỉ còn cách dùng cái chết để biện minh. Khổ vậy. Chị Ba thế nào rồi anh? Có đúng như lời em tiên đoán không? Sao anh lúc này trông cơ khổ thế?…” Bóng Viên biến mất, cái bóng của Bảo thay thế, cũng hơi thở ram ráp: “Sao lại chôn vội thế thủ trưởng ơi! Lúc ấy giá anh cứ cho rút bỏ cái chuôi đạn ác nghiệt ra khỏi bụng tôi, tất nhiên ruột gan sẽ theo ra cả đống nhưng biết đâu tôi chả có thể sống? Sao ác thế? Anh đâu có nghĩ đến tôi, đến mọi người, anh chỉ nghĩ tới trận đánh, tới nhiệm vụ người ta trao sẽ bị ảnh hưởng thôi, đúng không? Cái bóng của Khiển xồ tới, tanh nồng và rách rưới: “Anh khỏi áy náy. Tại tôi cả thôi. Tại tôi mụ mị, tôi ngơ ngáo. Đánh tới trận thứ mười mà chưa chết thì cũng thành ngơ ngáo mụ mị thôi phải không anh? Nếu đêm ấy, trước khi đi, tôi được gặp vợ tôi, hoặc bất kỳ một người đàn bà nào đó thì chắc tôi đã không nhét cái đồ giết người vào ngay túi áo ngực như thế. Tại tôi…” Một cái bóng khác, cái bóng khác nữa… Rồi lại một cái bóng… Xào xào, rin rít, khò khè. Không chịu nổi sức ép quá tải của những tấm bia đá, tôi rơi người ngồi bệt xuống, lịm đi, tay chân từng chập run lên, mỏi rã rời. Một cái bóng khác thấp đậm hơn không biết từ đâu lướt tới, che chắn, ngồi xuống bên tôi nhẹ như chiếc lá, từ đó phả ra cái hương vị hoi hoi ngầy ngậy của đàn bà. Tôi bừng mở mắt. Cái bóng biến mất, chỉ còn vương lại một tiếng nói mơ hồ, oai vệ, nửa nam, nửa nữ: “Dẹp! Dẹp tất cả đi bọn bay! Đây không phải là lúc làm nhàm kêu khổ. Đừng hành lão ta nữa. Bọn bay thử mở to mắt ra mà coi: Lão ta có còn ra người nữa đau. Này lão! Ngày xưa lão thế nào mà bây giờ nom khổ đến thế? Khổ! thôi tha cho lão. Lão sống đó mà có hơn gì tụi mình đã chết. Sống để được như lão thì sống làm khỉ gì. Chết như tụi ta lại haỵ Trẻ nguyên, trẻ mãi và chẳng phải bận tâm về cái sống nhiễu nhương nặng nề. Lão đi đi!… Tiếng cười, tiếng nói, tiếng thở từ dưới thảm lá khô, từ trên lả lướt ngọn dương rì rầm dội lên. Tôi sững sờ nhận ra đó là giọng của Hai Hợi! Trời ơi! Sao cô ấy lại ở đây? Cô ấy chiêu hồi rồi kia mà? Và nếu có chết thì không thể nằm xuống ở chốn này. Phải chăng ở dưới kia, mọi đường biên, mọi đẳng cấp, cách ngăn, mọi học thuyết cách biệt đều bị xoá nhoà, đêm đêm chỉ có những linh hồn bè bạn vất vưởng tìm đến thăm nhau? Hay là… Một phán đoán chợt loé đẩy tôi bật dậy. Hai Hợi ơi! Có phải cô Hai đó không? Dừng lại cho tôi hỏi một tý, một tý thôi… Nhưng cái bóng thấp đậm, cái tiếng nói khàn khàn nửa nam nửa nữ đó đã không còn nữa và dưới ánh đèn pin run rẩy của tôi, trong hàng trăm những nấm mồ đứng xếp hàng như chuẩn bị làm cuộc xuất kích công đồn nơi đây, tịnh không một tấm bia nào có chữ Hợi cả. Thế Sương đâu? Có tất cả sao không có giọng Ba Sương? Em ở đâu? Thử hiện ra một chút coi! Thà hiện ra giây lát để tôi được nghe em nguyền rủa, em giễu cợt, em khinh miệt còn hơn em vẫn biến mất trong mờ mịt sương đêm thế này!

Không còn sức lực, tôi lại buông rơi người xuống thảm cỏ ướt rượt. Bất chợt tiếng nói hách dịch của Hai Hợi lại bay đến: “Đi đi lão già khốn khổ! Có phải hàng quân đâu mà lão làm động tác điểm danh. Lão tưởng bọn này chết rồi mà vẫn thích nghe lệnh lão để tiến lên à? Còn lâu! Trước thì có đấy nhưng bây giờ thì… Còn lâu. Lão đi đi! Tôi không có ở đây đâu. Tôi có ở tất cả. Ở bất cứ chỗ nào lão đặt chân tới. Đi đi! Đi tiếp một đoạn nữa, quẹo tay mặt, cái mà lão định tìm và không bao giờ tìm được đang nằm ở đó, sát bìa chân rào. Chia tay nhé! Lão già tội nghiệp!”.

Như kẻ hoàn toàn mất hồn, tôi thập thững đưa chân theo lời mách bảo vô hình… Và một dòng chữ khắc vội chói gắt đập vào mắt:

Phạm thị thanh Sương

Hy sinh ngày…

Quê quán…

Dòng chữ quê quán đã bị thời gian làm cho xói mòn nhìn không rõ nhưng tôi cũng lờ mờ đoán ra địa danh của một huyện, một xã nào đó dưới miền Tây. Như vậy là cô ấy khi xưa đã nói đúng về nơi chôn rau cắt rốn của mình và tấm bia này càng củng cố thêm niềm tin trong tôi rằng người đàn bà bí hiểm kia chỉ có thể là cô ấy. Tôi tắt phụt ngọn đèn. Nghẹn thở. Lại vội bật lên . Lại tắt. Lại bật… Dường như muốn mượn cái độ sáng loá của dòng điện pin để xoá đi, để khẳng định thêm cái cảm giác chới với cho rằng những hàng chữ kia chỉ là một ảo ảnh. Những dòng chữ vẫn còn đó , xù xì, giá buốt. Cuối cùng tôi ngồi im, chìm người vào vũng tối, đầu óc muốn rữa chảy.

Nhưng ở đây? Phạm Thị Thanh Sương… Tư Lan… Sao lại trớ trêu đến thế? Tấm bia đá giống như một sự trêu ngươi phũ phàng, thật hư, nóng lạnh đang lặng lẽ giễu cợt tôi, không cho tôi được chìm lịm đi trong một chút khoái cảm nhỏ nhoi. Tuy vậy, tôi vẫn thấy lòng mình sao mà tê tái quá thể. Dù sao dưới đó, dưới tấm bia câm lặng này cũng có một nửa em, một nửa sự thật và cả một đời trận mạc của tôi trong đó.

Giá như cái buổi sáng ấy cả hai đừng trằn trọc lâu như thế, em không ngượng ngùng ngồi lên và tôi không dằn em xuống, vồ vập, ngấu nghiến? Giá như khi trái mìn màu xanh lá cây sắp nổ, tôi đủ tỉnh táo đẩy em lên trước, đủ can đảm để, và đây mới là cái điều khốn nạn nhất, không vùng dậy chạy cắm cổ cắm đầu phó mặc em phía sau mà chỉ cần nhìn lại một lần thôi, một lần ngay sau đó chứ không phải vọt qua bên suối rồi mới ngó sững trở về? Giá như… Vâng, cả cái giá như ba đêm sau lấy được xác, tôi tĩnh trí vượt qua được cái mặc cảm hãi sợ tồi tệ để nhìn kỹ vào mặt em, vào bàn tay thiếu ngón của em thì giờ đây, tôi đâu có đến nỗi lòng dạ phải ngược xuôi chia nửa bên mộ em! Mộ em hay là mộ của…

Chợt một ý định bạo liệt nổ ra nhoáng trong đầu như một viên đạn phá… Nhưng ngay liền sau đó tôi lại phải chua chát lắc đầu. Muộn rồi, quá tuổi rồi, hết khí lực để thực hiện hành vi đào mồ rồi. Đào mồ!… Chao ôi!… Cách đây hai mươi năm, tôi đã đào mồ chôn em xuống, và giờ đây, sau hai mươi năm, tôi lại nảy ý định đào mồ moi em lên để phân rõ thực hư ư? Sống nhọc nhằn mà chết sao cũng nhọc nhằn quá vậy? Đào mồ… Khi ấy, nếu bàn tay phải của em chỉ còn lại một nhúm xương còng queo phải rảy rượu mới nổi lên, thiếu đi một lóng xương trỏ thì tôi sẽ sẵn sàng tin rằng người đàn bà đang quay cuồng trong cơn hãnh tiến kia chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, rất ngẫu nhiên. Và như thế tôi sẽ thanh thản chịu riêng một bề ân hận mà chẳng oán thán ai, oán thán cái gì. Nhưng nếu dưới ấy, hai bàn tay em vẫn còn nguyên lành mười nắm xương co quắp thì em là ai? Hay không phải là ai? Thậm chí không phải là cái gì, không có cái gì hết, trống không, vô nghĩa mà sự hiện diện nơi đây chỉ là một thứ tượng trưng đau đớn như thường xảy ra tại các nghĩa trang liệt sĩ thời hậu chiến? Nếu vậy lại càng buồn! Buồn lắm! Thà chỉ có một nửa em, một nửa sự thật được đất đai che giấu, đồng loã còn hơn cái khối hư không hình chữ nhật kia.

Lại một cái bóng thấp đậm từ ngoài cổng lệt quệt đi lại. Kệ mẹ bóng! Mày có đến hay đi thì mày cũng chỉ là một nửa hình hài. Tao cũng chỉ là một nửa tao. Tất cả đều một nửa. Chán lắm rồi! Chính ta cũng đang là một cái bóng tanh tưởi, u tối hơn bất cứ một cái bóng nào đây. Tôi gườm gườm nhìn nó. Thằng nào thế? Lại trách móc, lại làu bàu báo oán ư? Báo đi! Ta đếch cần. Chính ta cũng có cái để báo đây. Xin mời!… Cái bóng vẫn tiến đến, chân bước vòng kiềng, miệng thở phì phò, thỉnh thoảng lại vấp đánh hự! Mẹ, hồn ma bóng quế mà cũng vấp à? Xoàng thế? Lại còn hơi rượu phả ra nồng nặc nữa. Hiện đại thật!! Dưới ấy mà cũng có cả dịch vụ rượu chè thì đã thật. Sướng! Cái bóng đã tiến sát… Bực mình, tôi bấm đèn vào giữa mặt nó… Trời đất! Hoá ra thằng Ba Thành! Nó đứng chạng chân, nhìn tôi trợn trừng trợn trạo:

- Biết mấy giờ rồi không chả Cha tính để tôi ngồi nốc hết cả chục lít rượu ở đó hay sao mà ngồi hoài đây vậy? Ngủ à? Giấc ngủ ngàn năm à? Khóc à? Hay táo bón kiết lỵ không rặn không ỉa ra được?

Tôi đứng dậy, đũng quần ướt đẫm sương nhưng lòng dạ tự nhiên thấy ấm lại:

- Ờ… Đang táo bón. Táo bón quá khứ mãn tính. Nhưng… Xong rồi. Về đi.

Sáng hôm sau , tôi từ biệt Ba Thành nhảy xe đò trở lại miền Tây. Đưa cho tôi một túi giấy bóng to những bánh mỳ, giò chả, trái cây, thuốc lá và cả một chiếc võng chiến trận còn giữ được, Thành nhăn nhó:

- Mà tao vẫn không hiểu mày lộn trở lại đó làm cái con khẹc gì? Ừ! Thì cứ cho mày trở lại chính quê gốc cô ta để biết cổ còn sống thiệt đi (Tất nhiên làm đếch gì có chuyện đó) nhưng mụ nhất định không nhận mày, chối bỏ mày thì chả lẽ mày lăn đùng ngã ngửa ra đó mà ăn vạ à? Mà giở trò nọ kia à? Dơ thấy mẹ! Dẹp đi! Nghỉ cho khoẻ.

- Kệ tao. Tao phải đi. Sau đêm hôm qua tao càng không thể không đi, thế thôi. Tao không ăn vạ, tao đi tìm sự yên ổn ở trong tao. Đã chót lao vào vòng luân hồi nhân quả, dừng lại lúc này là tao sẽ tự nghiền nát tao, sẽ vữa nát thần kinh luôn.

- Sẽ con mẹ gì nữa. Thần kinh mày đã vữa nát ra rồi. Tao là thầy thuốc, tao nói thiệt đó. Ráng an thần, đừng nghĩ ngợi quá sức rồi chết sông chết chợ không ai biết mà tìm nghe cha!

- Yên trí! - Tôi nói vui để yên lòng nó - Chết tao khó lắm. Mà chết được đã maỵ Tao sẽ trở về. Chỉ xin mày một thẻo đất trồng dăm chục gốc điều sống qua tuổi già.

- Mày nói giỡn hay nói thiệt? - Mắt Ba Thành sáng lên.

- Thiệt.

- Hay! - Ba Thành vỗ vào đùi tôi cái bách - hai con sói già cô đơn dựa vào nhau, quắp lấy nhau, sống và nhậu tối ngày. Nhậu cho tới khi nhắm mắt. Đã! Cha chả là đã! Má mày! Thế mới gọi là chiến hữu bang giao chí cốt chớ. Ý! … Chắc mày cà trớn rồi! Bộ thằng Tuấn nó nỡ để cho sếp của nó phải nai lưng ra đặng kiếm miếng cơm à? Nó là thằng biết trước biết sau, nhất định nó sẽ kéo thủ trưởng về nuôi không, ngày ngày hút thuốc thơm và nốc bia lon mệt nghỉ.

- Chưa chắc. Và nếu chỉ cần có như thế, tao đã không đến nỗi lếch thếch tha phương cầu thực như thế này. Nó về, mày nhớ nói tao đến.

- Được! Trong khi mày ở dưới đó, tao với nó sẽ tìm đến chỗ thằng cha đại úy tình nhân của Hai Hợi coi nó về chưa? ở đâu? Vì nỗi lòng ngớ ngẩn của mày và vì cả nỗi lòng ngớ ngẩn của tao chớ thực tình tao ngán gặp hắn lắm. Có gì mới tao sẽ điện.

*

Trên đường đi ra bến xe, chẳng ngờ tôi lại gặp Quân.

- Ủa! Về hồi nào đó anh Hai? Sao hổng ghé thăm em?

Chiếc LADA màu kem phanh kít trước mặt tôi và khuôn mặt tươi mởn của nó ló ra hỏi um sùm, không kể gì đến ánh mắt của những người dân hai bên đường ngó lại lom lom. Họ ngó lại là phải. Một quan chức cỡ sang trọng như nó mà phải thắng xe lại, chào hỏi lễ độ một kẻ khố rách áo ôm giống kẻ vừa ở tù ra như tôi, âu đó cũng là chuyện lạ đời nay lắm chứ.

Biết tôi lại định đi đâu, Quân giơ cao hai tay lên trời, lắc đầu:

- Khổ! Lại vẫn thế! - Em tưởng anh qua cơn rồi. Cuộc sống giờ đây đang hết sức xô bồ, thiên hạ phải lấn nhau từng bước, giành giật nhau từng miếng để khỏi chết đói mà anh lại cứ loay hoay vào ba cái chuyện đó hoài! Thôi được! - Nó phẩy tay - Anh đã muốn thì em sẽ cho cái xe này đưa anh đến tận nơi rồi quay về. Chịu không?

- Không - Tôi giãy nảy - Ai lại làm phiền cậu thế? Vả lại, tớ lủi thủi một mình đã quen, dính dáng vào xe cộ, hỏng việc.

- Anh còn tiền không?

- Còn.

- Dóc! Ghé cơ quan em, cầm tạm vài trăm xài đỡ. Đi!

- Được rồi, khi nào thiếu mình sẽ tới.

Tôi nói thế nhưng thừa biết mình sẽ không bao giờ tới cả.

- À này - Như chợt nhớ ra điều gì hệ trọng, Quân kéo tôi vào một quán cà phê bên đường, gọi hai ly đen, một gói Hê rô rồi hạ giọng – Người đàn bà mà anh đang đi tìm đó nay đã là phó chủ tịch rồi. Phó chủ tịch kiêm giám đốc sở nông lâm. To phe lắm! Kiểu này còn lên nữa.

- Thế à? - Tôi cố làm ra vẻ tỉnh bơ - Mừng thôi.

- Mừng gì. Cái thế tuy vậy coi ra rất chênh vênh.

- Chênh vênh sao? - Tôi hỏi với vẻ quan tâm thật sự.

- Một là lên rất cao, hai là phá sản, xuống rất thấp.

- Nói đi! - Tôi đặt vội ly cà phê xuống như chính mình sắp phá sản thật.

- Qua làm việc mấy lần, nhất là lần đầu tuần vừa rồi, em thấy bả táo bạo thông minh, nhạy bén, dám quyết, dám chịu trách nhiệm nhưng táo bạo quá, táo bạo đến đôi khi không hiểu gì cả, bỏ qua cả những nguyên tắc kinh tế tối thiểu mà đáng ra ở cương vị ấy, bả phải hết sức thận trọng.

- Ví dụ?

- Trời! - Quân phì cười - Anh làm cái gì như quan thanh tra thế? Ví dụ hả? Thế mạnh của bả là rừng, là lâm sản. Thiên hạ tìm đến liên doanh liên kết, làm ăn với bả cũng trên thế mạnh ấy. Nhưng vừa rồi không hiểu bả nghe ai xúi dại mà cho phá trụi ráo trọi giống cà phê, bạch đàn đi, trồng toàn điều. Loại này hiện nay đang có giá, dễ ăn, vốn đầu tư ít nhưng một khi giá điều trên thị trường hạ xuống, mà hạ để ghìm nhau, chơi khăm nhau là thường chớ, bả sẽ rơi vào tình trạng trắng tay, trong khi giống cà phê, bạch đàn tuy khó ăn đôi chút nhưng thị trường hồi nào cũng cần. Bả nóng vội quá.

- Thế thôi à? - Tôi nhẹ thở phào trong lồng ngực.

- Chưa hết. Bả khá bốc đồng. Không lượng sức tỉnh nhỏ, táo tợn vươn tay tùm lum ra cả nước ngoài, mới ngửi thấy cái lợi là vung tay ký kết lung tung, ký kết không cần biết nó chơi với mình có thật bụng hay là chỉ thăm dò, dền dứ, chưa nói tới chuyện nó tìm cách khai thác triệt để sự ngớ ngẩn thích ăn xổi ở mình. Trong làm ăn đầu tư, liên kết, thiên hạ lo giữ miếng nhau nhiều chớ thân tình mấy. Nhưng nguy hại nhất là người ta nói bả đang choáng váng trước bước đường công danh đang thăng tiến vù vù, không biết ta biết mình, không thích nghe lời khuyên thật, chỉ ưa nghe lời ngon ngọt. Kiểu dùng người như thế, theo kinh nghiệm của em, sẽ bị phản hồi nào không haỵ Trong thương trường và trong chính trường của bọn em, người như vậy kêu bằng hãnh tiến.

- Thôi! - Tôi chóng mặt thật sự vì hàng loạt những mệnh đề và phản đề rắc rối từ miệng nó luôn ra một cách quá lạnh lùng, sắc sảo.

- Về đời tư thì nghe nói gần đây - Có vẻ thoa? mãn thấy thái độ của tôi, nó làu bàu nói tiếp - Cũng chỉ là nghe nói thôi heng! Bà bắt đầu sanh tật cưa sừng làm nghé. Tức là cặp bồ toàn loại trai trẻ, vâm con, vừa phục vụ công việc vừa đáp ứng sinh lý luôn. Hồi xuân mà.

- Kệ mẹ cái hồi xuân ấy - Tôi sầm mặt, bỗng dưng gắt lên - Cậu nói cái chuyện đó ra ở đây làm gì? Tôi muốn biết rồi Sương… Rồi bà ấy sẽ đi đến đâu?

- Đi đến đâu à? - Nó cười ngoác miệng - Sao nổi nóng ngang hông vậy anh Hai. Rất đơn giản: Theo nghiệp vụ kinh tế thì bả sẽ mất hết. Còn theo nghiệp vụ thanh tra thì chắc chắn bả sẽ được ra điều trần trước toà.

Tôi đứng phực dậy, toàn thân rung lên:

- Một chuyện như thế mà cậu có thể nói năng ráo hoảnh vậy được à? Đáng lẽ là chỗ làm ăn đi lại thì cậu cũng phải nhắc bà ta mấy câu chứ.

Nó cũng đứng lên, gần như ôm lấy vai tôi:

- Ôi! Hoá ra ông anh tôi còn nặng tình nặng nghĩa dữ! Ngày trước thế nào, bây giờ vẫn thế. Yên tâm đi! Những thông tin đó có thể đúng, có thể không mà cho dù có đúng đi nữa thì với một người như bả, thiếu gì những cái ô che chắn. Em nói đại như vậy để anh Hai nản, anh Hai bỏ phứt cái chuyến hành hương vô vọng về dĩ vãng này đi. Vô lý, vô bổ và vô cùng! Thôi, lên xe, ta làm một chầu ăn sáng cho ấm bụng. Nào mời anh!

- Không! Chính thế tôi càng cần phải đi. Cám ơn cậu.