-
Chương 12 - Giấc mơ của một người tị nạn - Chu Sa Lan
Chương 12
18h00.
30- 4- 1975.
HQ 500.
Hai hàng quân đứng nghiêm chỉnh trên sàn tàu trong lúc hai hàng quân khác cũng đứng dài theo hai bên hông còn một số khác đứng xếp hàng nơi sân thượng. Tất cả đều im lặng chờ đợi vị tư lệnh của mình duyệt quân lần cuối cùng.
- Vào hàng... Phắc...
Gần hai ngàn người đứng im như tượng. Không khí vắng lặng trừ tiếng máy tàu rì rầm và tiếng sóng vổ vào mạn tàu. Thiếu tướng Phan Đình Niệm, tư lệnh sư đoàn 22 cùng vị tư lệnh phó và các sĩ quan tham mưu bước ra. Đứng nghiêm giơ tay chào kính ông ta bắt đầu buổi duyệt quân lần cuối cùng trước khi mở màn cho cuộc hành quân Sinh Nam Tử Bắc bằng cách đổ bộ và đánh chiếm Vinh để làm bàn đạp cho dù và biệt kích dù nhảy xuống Hà Nội. Duyệt quân xong ông ta trở về đứng giữa hai hàng quân.
- Sĩ quan...
Hạ sĩ quan...
Binh sĩ...
Mười tiếng đồng hồ nữa tức đúng 4 giờ sáng ngày 2- 5 tôi và các anh em sẽ đổ bộ lên Vinh. Nhiệm vụ của sư đoàn 22 là đánh chiếm thành phố Vinh để làm nút chặn không cho các sư đoàn của Bắc Việt rút về giải vây Hà Nội. Như anh em đã biết, cuộc hành quân Sinh Nam Tử Bắc này là một cuộc hành quân quyết tử. Cho nên nếu anh em nào không muốn hy sinh cho đất nước thời cứ việc bước ra khỏi hàng ngũ. Đây là cuộc hành quân của những người tình nguyện chết cho tự do của đất nước. Hy sinh cho tổ quốc là một danh dự đồng thời là trách nhiệm của những người lính Việt Nam Cộng Hoà chúng ta. Sáng mai chúng ta sẽ đổ bộ lên Vinh, mở màn cho cuộc giải phóng đồng bào miền bắc hơn hai mươi năm sống tù đày dưới gông cùm của cộng sản...
Ngừng lại nhìn quân sĩ đang đứng im tướng Niệm cất giọng trầm khàn.
- Cuối cùng tôi hy vọng chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà bao năm qua các chiến hữu đã nằm xuống vẫn mơ ước. Giải Phóng Hà Nội...
Hai ngàn người đồng hô lớn bốn chữ " Giải Phóng Hà Nội ". Tướng Niệm mỉm cười. Người anh cả của sư đoàn 22 bộ binh thấy được cái hùng khí cũng như tinh thần quyết thắng của binh sĩ. Đó là hai yếu tố để mang lại thành công trong cuộc hành quân không có ngày trở về.
Không biết ai hát lên câu mở đầu và mọi người đồng cất tiếng hát.
- Ðường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Ðoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang
Ði đi đi...
Lời thề nguyền...
Tung gươm thiêng...
Thi gan trai...
Ðời hùng cường...
Quyết chiến đấu đoàn quân ra đi
Ðây đoàn quân ra đi nhịp nhàng
Mang theo thiên hùng ca thắm tươi trời Nam bốn phương.
Ta anh hùng muôn quân phá tan cường binh
Chí tang bồng mang theo khắp nơi tung hoành
Ðường trường xa ta quyết đi cho đến cùng
Nhịp trời mây đoàn quân cất bước đi mau
Nơi biên cương muôn quân theo loa thét vang
Cố chiến thắng thề một lòng chung sức xây Việt Nam quang vinh
Phá tan tành ầm ầm đoàn quân xông pha
Thét oai linh tung gươm giết tan quân thù
Ðoàn hùng binh say sưa nhìn trong trời sương
Ta anh hùng đời đời Lục Quân Việt Nam
Xa nhìn thấp thoáng trong mây
Muôn bóng quân Nam chập chùng xây thành vinh quang
Tiếng vang muôn đời Lục Quân Việt Nam...
Lục Quân Việt Nam...
Lục Quân Việt Nam...
Âm thanh của bốn chữ Lục Quân Việt Nam được mọi người lập lại ba lần. Sau đó một giọng hát hùng tráng lại cất lên và mọi người lính trên tàu đồng cất cao tiếng hát.
- Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Ði là mang mối thù thiên thu
Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam.
Kèn vang theo tiếng chân đang rồn rập xa xa
Tiếng gào thiết tha
Ngàn lời chính khí đưa
Ấm ầm tiếng thét hoà
Rầm rầm tiếng súng sa trường xa
Hồn say khi máu xương rơi tràn đầy, ngập biên khu
Oán thù khắp nơi
Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa
Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Ði là mang mối thù thiên thu
Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam.
Bóng đêm đổ xuống từ từ xóa nhòa hình bóng của những người lính nhưng tiếng hát của họ vẫn còn vọng vang trong gió.
Buổi họp hành quân được mở ra trong phòng ăn sĩ quan với sự hiện diện của tướng Niệm và các sĩ quan tham mưu cùng bốn vị trung đoàn trưởng. Trên mặt bàn là tấm bản đồ hành quân.
- Sư đoàn của chúng ta nhận nhiệm vụ đánh chiếm Vinh và đóng chốt tử thủ ngăn không cho các đơn vị của Bắc Việt trở về giải vây Hà Nội. Ngoài ra chúng ta cũng còn có trách nhiệm chiếm phi trường để cho các phi đoàn khu trục, phản lực và vận tải của không quân đáp xuống lấy xăng rồi sau đó bay ra Hà Nội...
Tướng Niệm ngừng lại giây lát xong hắng giọng tiếp.
- Hai ngày qua tôi và đại tá Đông, đại tá Tùng cùng với các sĩ quan tham mưu của sư đoàn đã cố gắng phác họa một kế hoạch điều binh. Điều khó khăn của chúng ta là tấn công vào một thành phố lớn mà không biết chính xác về các địa điểm quan trọng như phi trường, đài truyền tin hay các căn cứ quân sự. Có thể các anh em sẽ bị khó khăn trong lúc đầu nhưng tôi tin là chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà quân lực đã giao phó... Sau đây tôi xin nhường lời lại cho ông Nguyễn Huệ của sư đoàn 22 để trình bày một cách chi tiết về cuộc hành quân...
Mọi người mỉm cười khi nghe tướng Niệm nói tới biệt danh của đại tá Tùng, tham mưu trưởng của sư đoàn 22. Đa mưu túc trí lại thêm giỏi về tổ chức cho nên từ khi nắm chức tham mưu trưởng ông ta biến sư đoàn 22 thành một đại đơn vị có kỷ luật và tinh thần chiến đấu của binh sĩ tăng lên rất cao. Bởi vậy mọi người mới đặt cho ông ta cái tên Nguyễn Huệ, một thiên tài quân sự trong lịch sử của dân tộc.
- Đúng 4 giờ sáng ngày mai HQ 501 của hải quân sẽ đổ trung đoàn 40 lên Cửa Lò...
Bốn ông trung đoàn trưởng đều nhỏm người để nhận định mục tiêu.
- Sau khi đổ bộ lên Cửa Lò thời tiểu đoàn 1 sẽ giữ vị trí này trong khi lực lượng còn lại sẽ chia thành hai trục tiến quân. Tiểu đoàn 2 sẽ theo đường 534 tấn công vào Quản Hành, một địa điểm nằm trên quốc lộ 1. Tiểu đoàn 3 sẽ noi theo đường 46 để đánh chiếm phi trường, một khu vực nằm tại ngã ba của quốc lộ 1 và con đường 46. Từ Cửa Lò lên tới Quản Hành và phi trường Vinh xa khoảng bốn hoặc năm cây số cho nên các anh chỉ cần nửa tiếng đồng hồ để chuyển quân. Nếu cần ta có thể trưng dụng các quân xa hoặc xe cộ của dân chúng để chuyển quân...
Nhìn đại tá Thiều, trung đoàn trưởng trung đoàn 40, ông Nguyễn Huệ cười nói tiếp.
- Anh cho lính mang theo đồ hộp và kẹo bánh cho nhiều để phát cho con nít. Muốn biết tin tức hoặc có người chỉ đường thời không ai bằng trẻ em. Tiểu đoàn 2 chiếm Quản Hành làm nút chặn không địch tháo chạy về hướng bắc. Tiểu đoàn 3 phải chiếm cho được phi trường. Tôi nhấn mạnh là ta phải kiểm soát được phi trường, tiêu diệt các ổ súng phòng không của địch để bảo đảm an ninh cho các phi cơ của chúng ta đáp xuống. Tôi nói là chúng ta phải làm chủ phi trường dù trả bằng bất cứ giá nào. Ta phải chấp nhận thiệt hại để chiếm cho kỳ được sân bay Vinh chậm lắm là 8 giờ sáng...
Nhìn đại tá Thiều ông Nguyễn Huệ nhấn mạnh hai lần về việc chiếm đóng sân bay đủ hiểu sự quan trọng của vị trí này.
- Tôi cam đoan với anh là sẽ hoàn thành nhiệm vụ...
Đại tá Thiều cam kết. Hướng về trung tá An, trung đoàn trưởng trung đoàn 41 và Dân, trung đoàn 42 vị tham mưu trưởng sư đoàn 22 lên tiếng.
- Trung đoàn 41 và 42 sẽ đổ bộ lên cửa Hội rồi noi theo đường 535 tấn kích thẳng vào Vinh. Các tiểu đoàn sẽ chia ra đánh chiếm các vị trí quan trọng như ổ súng phòng không, trạm thông tin liên lạc, các căn cứ quân sự. Riêng trung đoàn 46 của ông Chúng với liên đoàn 81 biệt kích dù và bộ tư lệnh sư đoàn sẽ đổ bộ lên Hội Thủy xong theo đường số 8 để đánh vào mặt nam của Vinh. Ba tuần duyên hạm của hải quân cũng theo sông Lam vào tận thành phố để yểm trợ hải pháo cho quân ta... Ba anh có gì thắc mắc cứ việc hỏi...
Ngừng lại hớp ngụm nước lạnh ông Nguyễn Huệ cười tiếp:
- Để bảo vệ bí mật của cuộc hành quân Sinh Nam Tử Bắc, bộ tổng tư lệnh đã ra lệnh đình chỉ mọi liên lạc bằng vô tuyến. Không một đơn vị nhỏ hay lớn nào của các quân binh chủng được mở máy truyền tin. Ngay cả tàu hải quân cũng vậy... Tôi có hỏi hạm trưởng thời được ông ta giải thích các chiến hạm áp dụng một phương pháp truyền tin đặc biệt là cờ hoặc đèn. Ở gần thời họ dùng cờ còn ở xa hoặc ban đêm thời họ dùng cờ. Bởi vậy bốn ông có gì thắc mắc cứ hỏi. Chúng ta sẽ không còn liên lạc với nhau cho tới khi có lệnh mới...
Bốn ông trung đoàn trưởng trầm ngâm giây lát rồi trung tá An hỏi nhỏ.
- Chúng ta có bao nhiêu thời giờ để dứt điểm thành phố Vinh thưa tham mưu trưởng?
Ông Nguyễn Huệ đáp nhanh và gọn.
- Tám tiếng đồng hồ... Chúng ta phải hoàn toàn làm chủ Vinh chậm lắm là 12 giờ trưa ngày mai. Sau đó các phi cơ của không quân chở lính dù sẽ đáp xuống để lấy nhiên liệu và chờ giờ cất cánh ra Hà Nội... Tiện đây tôi kính mời thiếu tướng tư lệnh nói sơ qua cho mọi người biết về cuộc hành quân Sinh Nam Tử Bắc hay là chiến dịch Giải Phóng Miền Bắc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà...
Giọng nói của người anh cả của sư đoàn 22 bộ binh vang lên trầm và đều.
- 4 giờ sáng ngày 3-5 toàn thể lực lượng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ta sẽ đồng loạt đổ bộ lên các vị trí xung yếu thuộc các tỉnh của vùng duyên hải Bắc Việt. Mười sáu tiểu đoàn biệt động quân sẽ đổ bộ lên Hải Phòng rồi theo đường số 5 tấn kích vào mặt bắc và đông bắc của Hà Nội. Sư đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn Giải Phóng Hà Nội, sư đoàn 1 và 2 sẽ đổ bộ lên vùng Thái Bình, Nam Định để đánh vào mặt nam và đông nam. Sư đoàn 3 sẽ lên vùng Ninh Bình đánh chiếm vùng Tam Điệp và Bỉm Sơn hầu ngăn không cho các đơn vị đồn trú ở Thanh Hóa về giải vây Hà Nội. Những đại đơn vị này sẽ được yểm trợ bởi thiết giáp và pháo binh. Riêng các đơn vị còn lại của sư đoàn 5, 18, 23 và 25 sẽ đi với tàu hải quân theo sông Hồng lên Hà Nội đánh chiếm vùng Bắc Ninh để chặn đường những đơn vị của địch đang đồn trú ở hướng bắc về tiếp viện cho Hà Nội. Ngoài ra sư đoàn dù và liên đoàn 81 biệt kích cũng sẽ nhảy xuống Hà Nội. Theo như kế hoạch hành binh thời chúng ta có năm ngày để dứt điểm cố đô Thăng Long. Mọi đơn vị đều được lịnh đánh nhanh, đánh mạnh, chấp nhận thiệt hại để thanh toán chiến trường. Đây là cuộc hành quân quyết tử không có ngày trở về của chúng ta...
Trung tá Dân nhẹ hỏi vị tư lệnh của mình.
- Tư lệnh tin là mình sẽ thắng?
Tướng Niệm trả lời không do dự.
- Tôi tin mình sẽ thắng... Mình có được hai yếu tố quan trọng để thắng là sự bất ngờ và sự thiếu hụt quân số bảo vệ Hà Nội. Hiện giờ đám lãnh tụ cộng sản và quân đội Bắc Việt đang ăn mừng vì chiếm được miền nam. Chúng không nghĩ rằng quân lực đã tan hàng của ta có thể mở một cuộc phản công bằng cách đánh vào Hà Nội. Vả lại chúng đã tung hết lực lượng chánh quy vào chiến trường ở miền nam do đó ở miền bắc chỉ còn tự vệ thành hoặc các lực lượng địa phương không đáng kể. Muốn giải vây Hà Nội chúng phải rút các sư đoàn chính quy từ miền nam về. Tuy nhiên lúc đó ta đã tóm cổ bọn Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ và Trường Chinh rồi. Mấy tên ác ôn này mà bị bắt thời các sư đoàn ở miền nam sẽ buông súng đầu hàng...
Vừa về tới chiếc HQ 501 đại tá Thiều quây bộ chỉ huy và ba ông tiểu đoàn trưởng thành vòng tròn.
- Mình được lãnh ấn tiên phong đánh vào Vinh. Đây là một vinh hạnh lớn nghe mấy ông...
Ai cũng ráng cười thành tiếng dù gương mặt của người nào cũng đều có nét gay cấn.
- Tiểu đoàn 1 của ông Phú đánh lấy Cửa Lò rồi ở lại đây cho tới khi có lệnh mới. Tiểu đoàn 2 của ông Ánh theo đường 46 rồi bắt lộ 534 đánh Quản Hành và Nghi Lộc để chặn không cho tụi nó chạy về bắc. Tiểu đoàn 3 của ông Mạnh Phát đánh chiếm phi trường Vinh nằm kề quốc lộ 1 và đường 46. Chúng ta có 4 tiếng đồng hồ để dứt điểm. Phải đánh nhanh, đánh mạnh và chấp nhận thiệt hại. Ông Mạnh Phát ráng chiếm phi trường càng sớm càng tốt đồng thời cả ba ông cho lính tìm diệt các ổ phòng không để bảo đảm an ninh cho máy bay chở lính dù xuống Vinh. Tôi và bộ chỉ huy sẽ đi theo ông Mạnh Phát. Ráng tìm trong lính xem có thằng em nào gốc Nghệ An để nó cổ động dân chúng chỉ đường và thông tin cho mình. Tôi không cần biết mấy ông làm gì và cách nào nhưng nhớ là mình chỉ có 4 tiếng đồng hồ để làm chủ Vinh. Làm không được là mấy ông về trình diện xếp Nguyễn Huệ...
Ba ông tiểu đoàn trưởng đều le lưỡi khi nghe nói phải trình diện xếp Nguyễn Huệ.
- Chẳng thà chết còn sướng hơn là về gặp xếp Nguyễn Huệ...
Thiếu tá Mạnh Phát cười nói câu trên. Còn thiếu tá Phú lắc đầu.
- Vác cái mặt về để nghe xếp Nguyễn Huệ sỉ vả hả... Không có em rồi... Mình đánh đông dẹp bắc mà có cái thành phố chút xíu này thời dễ hơn húp cháo trắng...
4 giờ sáng. Mặt biển mờ mờ sương. Như con cá khổng lồ dương vận hạm HQ 501 từ từ ủi vào bờ. Bãi biển vắng người này cách cảng Cửa Lò chừng cây số. Chiếc cửa nặng nề từ từ hạ xuống. Lính thuộc tiểu đoàn 1 lên bờ trước. Nhờ thủy triều cao nên tàu có thể vào sâu trong đất liền vì vậy lính đổ bộ dễ dàng. Trời tối mờ mờ. Phú thúc tiểu đoàn ngược lên hướng bắc để đánh vào Cửa Lò. Thiếu tá Ánh dẫn đầu cùng đại đội 1 nhắm hướng đường 46 chạy tới.
- Đi... đi... lẹ lên mấy em... Đánh chiếm Cửa Lò xong anh sẽ mua bia đãi mấy em..
Một người lính cười hỏi.
- Bia gì tiểu đoàn trưởng?
- Bia bắc việt chứ bia gì. Tụi nó làm gì biết uống 33 như mình phải không thiếu tá...
- Ừ... Tụi nó đâu có sang bằng mấy em...
Thiếu tá Mạnh Phát thúc tiểu đoàn dàn hàng ngang chạy đua với thời giờ. Thực ra tên của ông ta là Phát nhưng vì đàn hay hát giỏi và lính thương nên mới lấy tên của nhạc sĩ Mạnh Phát đặt cho ông ta. Quang cảnh vắng lặng. Đại đội 1 của tiểu đoàn 2 chỉ huy bởi đại úy Quyền băng qua khu nhà lụp xụp. Trời tang tảng sáng. Có ánh đèn lấp ló.
Bóng người dân xuất hiện.
- Ai?
Lính hét lớn. Có tiếng trả lời.
- Tôi là dân... Mấy ông là ai?
- Lính Cộng Hòa...
- Lính Cộng Hòa nào. Bộ đội hả?
- Ừ... Bộ đội đi tuần... Vào nhà ngủ đi...
Đại đội vượt qua xóm nhà lá. Tiểu đội trinh sát đi đầu báo cáo đã thấy đường lớn mà họ đoán là đường 46. Mừng rỡ Quyền sai lính trở lại báo cho tiểu đoàn biết. Mạnh Phát hét tiểu đoàn chạy bộ. Dừng lại nơi ngã ba giao điểm của đường 46 và lộ 534 Mạnh Phát cùng lính của tiểu đoàn đứng im để thở. Tiếng súng nổ nơi hướng Cửa Lò. Ánh lửa nháng lên từng chập trong đêm sắp tàn. Tiếng súng nổ càng lúc càng nhiều hơn. Biết tiểu đoàn 1 đã đụng với lực lượng địch đóng nơi Cửa Lò Mạnh Phát dẫn quân chạy bộ trên con đường tráng nhựa lồi lõm và có nhiều ổ gà. Bốn cây số tuy không xa nhưng lính phải mang hai đơn vị đạn thành ra đường dài gấp đôi.
Dừng lại bên lề đường để thở Quyền đưa tay xem đồng hồ. 5 giờ. Theo lệnh anh và đại đội phải có mặt ở phi trường đúng 6 giờ.
- Đi... đi... đi... Nhanh lên...
Quyền hối lính chạy mặc dù ai nấy đều thở dốc. Mặt trời từ từ nhô lên trên biển.
- Đại úy... Tôi thấy phi trường...
Lính của tiểu đội 1 báo cáo. Quyền cùng người lính chạy ào tới trước. Xa xa anh thấy mấy tháp canh vươn lên trên nền trời sắp sáng.
Quyền ra lệnh cho ba trung đội trưởng chia thành ba hướng bọc lấy phi trường. Mười lăm phút sau Mạnh Phát và tiểu đoàn tới. Núp sau khu nhà cạnh tháp canh vị tiểu đoàn trưởng thì thầm với bốn đại đội trưởng:
- 1 đánh mặt bắc, 2 đánh mặt đông còn mặt nam và đông nam để thằng 3 và 4 lo...
Quay qua một người lính ông ta nói.
- Em thấy chòi canh đó không.?
- Dạ thấy...
- Em mà đốn ngã chòi canh đó anh mua bia cho em uống...
- Thiếu tá khỏi cần mua bia. Để em cho tụi nó nếm mùi...
Cười hề hề người lính nâng ống M72 lên vai. Tia lửa xẹt ra. Ầm... Chòi canh tung lên trời.
- Xung phong...
- Tiến...
Tiểu đoàn trưởng chạy đầu. Lính của hai đại đội với quân số hơn ba trăm người ùa vào cổng phi trường nhanh hơn cơn gió lốc. Tiếng súng M16, đại liên M60, phóng lựu M79 nổ ầm ầm xen lẫn trong tiếng la, tiếng hét. Lớp còn đang nằm ngủ trên giường, lớp không chuẩn bị vì bị đánh bất ngờ lính phòng thủ phi trường tan hàng nhanh chóng. Các ổ cao xạ quanh phi trường cũng bị hai đại đội 1 và 2 diệt gọn.
- Đại tá... đại tá... Lính chạy về báo cáo Mạnh Phát đã chiếm được phi trường. Các ổ phòng không cũng bị diệt...
Đại tá Thiều giơ tay xem đồng hồ. 07h 45... Lính của ông đã làm hơn điều mà ông bảo họ phải làm.
- Thằng em này đánh giặc giỏi còn hơn đàn ca nữa...
- Trình đại tá... Lính báo cáo ông Phú và ông Ánh cũng đã chiếm được Nghi Lộc và Cửa Lò rồi...
11h30. Thiếu tướng Niệm và bộ tư lệnh của sư đoàn 22 đứng tại ga xe lửa Vinh. Ông Nguyễn Huệ thong thả lên tiếng.
- Thưa tư lệnh... Nhiệm vụ của chúng ta đã xong. Chiếm đóng và cô lập thành phố Vinh với bên ngoài. Đúng 12 giờ trưa nay các phi đoàn vận tải, khu trục và phản lực của không quân sẽ đáp xuống phi trường Vinh để chuẩn bị cho chiến dịch Giải Phóng Miền Bắc của quân lực ta...
Thiếu tướng Phan Đình Niệm gật gù leo lên chiếc xe jeep vừa bắt được của địch để tới nơi đặt bộ tư lệnh của sư đoàn 22 bộ binh. Đoàn công voa chạy từ từ trong thành phố. Dân chúng đứng hai bên đường hò reo vui mừng đón tiếp lính cộng hoà. Con nít chạy theo sau đoàn quân giải phóng cười nói la hét xin kẹo bánh. Ngồi trên chiếc xe jeep vị tư lệnh sư đoàn 22 có cảm tưởng như mình đã theo tiếng gọi của hồn thiêng đất nước đi làm một sứ mệnh cao cả là giải phóng đất nước và dân tộc ra khỏi tay cộng sản. Ông như là một vị tướng trong đoàn quân của vua Quang Trung từ trong nam ra bắc để giải thoát dân tộc khỏi tay kẻ xâm lăng. Lê Chiêu Thống và đám cận thần nhà Lê mượn quân Mãn Thanh để dày xéo đất nước. **** và bè lũ đem chủ nghĩa cộng sản ngoại lai tròng vào đầu dân tộc gây ra một cuộc chiến tranh tương tàn đầy chết chóc và lầm than của cả hai miền nam bắc. Tuy khác nhau về thời gian và vị thế nhưng Lê Chiêu Thống và **** đều trở thành kẻ rước voi về dày mả tổ, cỏng rắn cắn gà nhà. Cả hai là tội đồ của đất nước và dân tộc Việt.
- Cờ vàng ba sọc đỏ ở đâu mà họ có nhiều như vậy?
Tướng Niệm lên tiếng hỏi Nguyễn Huệ đang ngồi băng sau. Liếc nhanh đại tá Đông, tư lệnh phó sư đoàn ông Nguyễn Huệ cười đáp.
- Thưa tư lệnh... Đây là ý kiến tuyệt hảo của tư lệnh phó. Lúc rút về Sài Gòn ông cho lính đi mua một lô cờ vàng ba sọc đỏ để đem ra phát cho dân chúng ở miền bắc...
Quay nhìn hai vị sĩ quan tham mưu của mình thiếu tướng Niệm cười nói.
- Tôi hân hạnh có được hai phụ tá tài trí như hai ông...
Đại tá Đông cười đùa.
- Cám ơn tư lệnh. Nếu không có Lưu Huyền Đức thời sẽ không có Gia Cát Lượng và ngược lại.
Ba người đồng bật cười vui vẻ. Nhìn dân chúng đứng dài hai bên đường tướng Niệm thở dài.
- Dân ở đây nghèo quá. Tự nãy giờ tôi chưa thấy ai ăn mặc lành lặn hoặc sang trọng như ở trong nam... Tôi để ý không thấy ai ăn mặc quần áo màu mè ngay cả đàn bà con gái. Tội nghiệp họ...
- Đó là chính sách bần cùng hóa nhân dân của cộng sản. Chúng làm dân nghèo đói tới độ tối ngày cứ lo cơm ăn nên không còn thời giờ để chống đối lại chúng...
Ra lịnh cho người lính lái xe dừng lại, tướng Niệm bước xuống đường rồi đưa tay ra bắt tay một ông lão tóc bạc phơ.
- Chào cụ ạ...
- Vâng chào ông... Ông là lính cộng hòa ở trong nam ra hả. Gặp mấy ông tui mừng quá... Hơn hai mươi năm nay tui chờ mấy ông lính cộng hòa miền nam hoài mà không thấy mấy ông ra...
- Mời cụ xơi thuốc ạ...
Tướng Niệm rút gói thuốc Ruby ra mời ông lão và mấy người đứng xung quanh. Tự tay ông bật lửa châm thuốc. Rít hơi dài rồi thả khói ra ông lão cười.
- Thuốc thơm quá... Mấy ông ăn mặc đẹp và sang quá. Họ nói trong nam nghèo đói lắm, cơm không có mà ăn, quần áo không có mà mặc, lại bị đế quốc Mỹ cai trị nên dân tình khổ sở lắm. Nay gặp mấy ông mới biết họ nói láo. Mấy ông ông nào ông nấy béo ra thêm quần áo mới mà lại cười nói vui vẻ. Lính mà còn như vậy thời dân chắc sướng hơn nhiều...
- Vâng cụ nói đúng đấy... Gặp mấy cụ đây tôi mới thấy dân trong nam còn có phước hơn dân ngoài này nhiều. Dù nghèo họ cũng có cơm ăn áo mặc...
Người bu lại mỗi lúc một đông hơn. Dân với lính thăm hỏi trò chuyện với nhau. Lính đem đồ hộp quân tiếp vụ, bánh kẹo và thuốc lá ra mời dân. Ai ai cũng tấm tắc khen và ăn uống ngon lành. Sau khi đoàn công voa đi rồi mà họ vẫn còn tụ tập trò chuyện với lính.
Tags for this Thread
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks