Chương 12
Sau câu chuyện tày trời đó, tôi bị ba má tôi "nạo" một trận nên thân.
Ba tôi nói:
- Lần sau muốn làm gì con phải xin phép đàng hoàng! Không có đi đứng lung tung như vậy nữa!
Má tôi chép miệng:
- Con thật là dại dột! Nếu thấy trong lò thịt có gì khả nghi con phải báo cho người lớn chứ ai đời lại xông vào trong đó đêm hôm như vậy.
Tôi chỉ biết ngồi cúi đầu im lặng.
Cũng may là tôi giấu biến cục u trên đầu. Nếu má tôi biết chẳng hiểu sự thể còn xoay ra đến đâu nữa.
Chỉ có nhỏ Ái là chẳng lên án tôi. Nó chỉ trách:
- Vậy mà bữa đó anh giấu em!
- Tao sợ mày méc má.
Nó ngẫm nghĩ một hồi rồi thừa nhận:
- Ừ, nếu lúc đó em biết, em đã méc má rồi.
Tôi cao giọng:
- Thấy chưa! Tao không nói cho mày biết là đúng.
Nhưng nhỏ Ái phớt lờ chuyện đó, nó tò mò hỏi:
- Bộ anh hết sợ ma rồi hả?
Tôi ưỡn ngực:
- Tao sợ ma hồi nào!
Nó cười hí hí:
- Anh nói dóc!
Tôi quay mặt đi:
- Mày không tin thì thôi! Tao không nói chuyện với mày nữa!
Nó níu tay tôi:
- Thì bây giờ em tin. Anh kể chuyện cho em nghe đi!
Tôi làm mặt lạnh:
- Chuyện gì đâu mà kể!
- Chuyện anh với anh An vô lò thịt đó.
Tôi nhún vai:
- Thì cũng giống như hằng ngày đi vô lớp học vậy thôi!
- Xì! Nói vậy mà cũng nói!
Thấy nó vùng vằng, tôi cười làm lành:
- Thôi để tao kể đầu đuôi cho mày nghe!
Thế là tôi hào hứng kể lại kỳ công của tôi và An, một phần vì nhỏ Ái muốn nghe, một phần tôi cũng muốn khoe khoang sự dũng cảm của mình. Tất nhiên trong khi tường thuật lại mọi diễn biến, tôi không quên thêm mắm thêm muối cho cuộc phiêu lưu của mình thêm ly kỳ, rùng rợn.
Nhỏ Ái ngồi há hốc mồm ra nghe, mắt ánh lên sự hồi hộp pha lẫn thán phục. Thấy vậy, tôi ngứa miệng ba hoa:
- Thấy tao và An bước vào, ba bốn tên cướp xông lại...
- Làm gì tới ba, bốn tên lận!
- Ừ, đông lắm.
- Rồi tụi anh bỏ chạy hả?
Tôi vung tay:
- Sức mấy mà chạy! Tao liền rút dao ra đâm lia lịa.
- Dao đâu mà đâm?
- Tao đem theo chứ đâu! Con dao i-nốc đó!
Nhỏ Ái "à" một tiếng:
- Hèn gì sáng nay má tìm con dao gọt khoai mà không thấy!
Tự nhiên nó xen vào khiến tôi xụi lơ:
- Mày đừng có méc má nghe!
Nhỏ Ái tỏ vẻ hiểu biết:
- Em không có méc đâu! Anh kể tiếp đi! Rồi sao nữa?
Thấy nó hứa hẹn ngon lành, tôi bình tĩnh ba hoa tiếp:
- Một tên bị tao đâm bị thương, tên khác xông lại từ phía sau đâm vô gáy tao.
Nhỏ Ái ôm mặt:
- Eo ôi, ghê quá!
Tôi phì cười:
- Có gì đâu mà ghê! Nghe tiếng gió rít bên tai, tao liền ngã sấp người xuống, hai tay chống đất lấy thế còn hai chân tung ngược lại phía sau. Thế là "păng", con dao trên tay tên kia bị tao đá văng mất tiêu.
Nhỏ Ái vỗ tay:
- Trời ơi, anh giỏi quá! Cứ y như trong phim vậy!
Tôi tặc lưỡi:
- Thì nhờ tao xem phim nhiều nên mới đánh ác vậy đó chứ!
- Rồi sao nữa? - Nó lại giục.
- Không kịp nghĩ ngợi, tôi bịa luôn:
- Thấy vậy, lại một tên nữa chạy lại cứu bồ, nó phang cây sắt lên đầu tao.
Nhỏ Ái chen ngang:
- Anh lại ngã sấp người xuống, hai tay chống đất...
Tôi vội vã xua tay:
- Không, không! Ai lại giở mửng cũ, nó biết hết.
- Chứ anh làm sao?
Chưa nghĩ được miếng đòn nào, tôi lúng túng:
- Tao chẳng làm sao hết. Tao đưa đầu chịu trận!
Nhỏ Ái lại nhăn mặt sợ hãi:
- Rồi có sao không?
Tôi cười:
- Chẳng sao cả! Nó đánh trúng đầu tao một cái "bốp", cây gậy gãy đôi!
- Xạo!
- Thật mà! Tại tao gồng đầu lên.
Nhỏ Ái vẫn không tin:
- Gậy sắt mà gãy?
Tôi ấp úng:
- Tao nói lộn! Gậy gỗ!
Nó khăng khăng:
- Gậy gỗ cũng không gãy!
Tôi đành thở dài:
- Hình như là gỗ... mục!
Nó cười hích hích:
- Anh chỉ giỏi bịa!
- Bịa thì thôi!
Nói xong, tôi bỏ đi.
Nhỏ Ái hoảng hồn, nó năn nỉ rối rít:
- Thôi, thôi, anh không bịa!
Nhưng mặc nó, tôi vẫn không ngồi lại.
Tôi sợ ngồi lại bịa một hồi, "bể mánh" hết trọi.
Bà tôi thì rầy tôi là không chịu nghe lời bà. Bà bảo tôi không nên đi ra khỏi nhà vào ban đêm mà tôi cứ đi. Bà nhìn vấn đề này theo kiểu của bà:
- Đích thị là cháu bị ma giấu!
Tôi cãi:
- Không phải đâu bà ơi!
Bà tôi vẫn cả quyết:
- Ma giấu đó cháu! Ma nó hay giấu người trong lùm trong bụi rồi nhét đất nhét lá vô miệng. Xưa nay người ta bị hoài!
- Nhưng ở đây là nhét giẻ.
- Giẻ cũng vậy thôi! Gặp giè nó nhét nấy.
Tôi buồn cười trong bụng, nhưng không nói ra. Tôi tìm cách bắt bẻ bà:
- Nhưng nó còn trói cả tay chân cháu lại. Ma thì đâu có trói người?
Bà tôi nhìn lên trần nhà:
- Để bà nhớ coi! Hình như thỉnh thoảng nó vẫn... trói.
Tôi nhìn bà bằng ánh mắt láu lỉnh:
- Cháu vật nhau với nó nữa bà ạ. Cháu còn kéo tuột lưng quần của nó nữa.
- Này, này, - Bà tôi la lên - Cháu đừng có ăn nói báng bổ như vậy chứ! Nó vặn cổ cháu bây giờ!
Tôi cười khúc khích:
- Cháu chẳng sợ! Bạn cháu còn cắn cả vào đùi của nó nữa. Nó la trời ầm ĩ.
Bà tôi lắc đầu nguầy nguậy:
- Cháu đừng có nói vậy, không nên!
Tôi tiếp tục ghẹo bà:
- Thật mà! Đau quá, nó kêu: "Tao bẻ răng mày bây giờ, đồ chó!" Cháu nghe rõ ràng.
Bà tôi bắt đầu ngao ngán:
- Cháu ăn nói lung tung quá ! Đời nào ma lại kêu lên như vậy!
Tôi cười:
- Nhưng đây đâu có phải là ma! Đây là bọn cướp kia mà!
Bà một mực khăng khăng:
- Không phải đâu! Ma đấy cháu!
- Chỉ có bà bảo là ma, còn tất thảy mọi người đều bảo là bọn cướp.
- Thì cháu đi mà nói chuyện với mọi người! Nhưng nếu có là bọn cướp đi nữa thì cháu cũng không nên đi đêm ngang qua lò thịt như vậy!
Bà tôi nói giọng giận dỗi. Lần đầu tiên tôi thấy bà ở trong tình trạng như vậy. Có lẽ cũng vì đây là lần tiên tôi tỏ ra không tin những câu chuyện thần bí của bà. Riêng tôi, tôi cũng hiểu rằng sẽ không bao giờ tôi còn chịu ảnh hưởng bởi những niềm tin huyền hoặc đó nữa.
Tất nhiên, tôi hoàn toàn có thể thuyết phục bà thay đổi ý kiến về câu chuyện xảy ra ở lò thịt. Tôi biết cuối cùng bà sẽ thở dài "tao nói là nói vậy" nếu tôi tiết lộ sự có mặt của anh Dự trong câu chuyện này.
Nhưng vì An, vì tình bạn giữa tôi với nó mà tôi cứ băn khoăn hoài về việc nên hay không nên tố cáo anh Dự với mọi người. Tôi định bụng sẽ nói chuyện với An xem thử ý kiến nó thế nào. Sáng nay thấy mặt nó lầm lầm lì lì như đưa đám, tôi chả tiện mở miệng.
Nhưng lầm lì là về phần An, còn đám bạn trong lớp thì lại rất đỗi xôn xao về cuộc mạo hiểm của hai đứa tôi.
Thoạt đầu tụi nó bu quanh An dò hỏi. Nhưng rồi thấy thằng An mặt mày băng giá, tụi nó dạt hết, chạy qua tôi. Thế là tôi trở thành trung tâm của cuộc "phỏng vấn".
Được vây quanh bởi những đôi mắt tò mò và háo hức, tự nhiên tôi thấy mình quan trọng hẳn lên. Thật chỉ còn thiếu cái mi-crô và ống kính của máy quay phim nữa thôi!
Nếu là bình thường, tôi không bao giờ bỏ qua một cơ hội như thế để tha hồ bốc phét. Nhưng lúc này nhìn vẻ mặt của An, biết nó đang rầu rĩ tôi chẳng có chút hào hứng nào để ba hoa.
Tôi trả lời nhấm nhẳn khiến tụi bạn phát cáu.
Thằng Quyền cà khịa:
- Mày mắc chứng cà lăm hồi nào vậy?
Tôi không thèm đáp. Nó lại khiêu khích:
- Hay là mày sợ bọn cướp trả thù?
Tôi cười khẩy:
- Tao cóc sợ! Nếu sợ tao đã không vào lò thịt!
Thằng Phước thắc mắc:
- Vậy sao mày không chịu kể?
- Tao không thích thế thôi!
Nói xong, tôi lảng đi chổ khác.
Hưng nhí theo tôi tò tò. Nó trách móc, vẻ tiếc rẻ:
- Sao bữa đó mày không rủ tao đi với?
- Mày nhát gan thấy mồ!
Nó phản ứng:
- Tao mà nhát? Hôm trước tao chẳng đi với tụi mày tới lò thịt là gì!
Tôi bình luận:
- Đi ban ngày khác xa với đi ban đêm.
Nó hùng hổ:
- Ban nào tao cũng đi hết.
- Thôi được, lần sau đi nữa tao sẽ rủ mày đi!
Để rứt ra khỏi Hưng nhí, tôi đành phải hứa với nó như vậy, mặc dù tôi biết cái "lần sau" đó sẽ không bao giờ xảy ra.
Nhưng Hưng nhí có vẻ khoái chí lắm, nó sáng mắt lên:
- Nhớ nghe!
- Ừ.
Tôi đi tìm thằng An muốn mỏi con mắt. Tôi mới thấy nó thấp thoáng đâu đây, bây giờ nó biến đi đâu mất tiêu.
Mãi một hồi lâu, tôi mới tìm thấy nó ngồi thu lu ngoài vỉa hè sau lưng lớp học. Mặt nó buồn xo.
Ngồi xuống cạnh nó, tôi thận trọng hỏi:
- Có chuyện gì vậy mày?
Nó không nhìn tôi:
- Anh Dự bị bắt rồi!
Tôi bàng hoàng:
- Ảnh bị bắt hồi nào ?
- Sáng nay, lúc năm giờ.
- Bộ "người ta" biết rồi hả?
Nó hắng giọng:
- Mày hỏi buồn cười. Không biết sao bắt?
Thấy bị hớ, tôi ngồi im re. Nó nói tiếp:
- Công an theo dõi lâu rồi. Nguyên "băng" bị tóm, cả thảy bốn tên.
Tôi định hỏi An về những hoạt động cụ thể của "băng" anh Dự nhưng lại ngại ngùng không dám mở miệng.
An đi guốc trong bụng tôi, nó vừa nói vừa nhăn mặt:
- Theo công an, đây là một "băng" trộm cướp chuyên nghiệp, hoạt động lâu rồi. Vụ đánh cắp mấy chục cái đồng hồ tại trung tâm thương nghiệp quận cách đây một tháng là do "băng" này tổ chức. Còn căn hầm ở lò thịt là nơi giấu hàng trước khi đem tiêu thụ.
Tôi nhìn An bằng ánh mắt thông cảm như muốn chia sẽ nỗi bất hạnh của nó. Nó nói những điều vừa rồi với một vẻ ghê tởm không giấu diếm, vừa cay đắng, vừa phẫn uất, nghe thật nhức nhối, xót xa. Có lẽ nó đau khổ ghê lắm, nhất là trước nay nó vẫn coi anh Dự như một mẫu người đáng noi theo. Bây giờ cái thần tượng ấy bị sụp đổ thảm hại khiến nó bị hụt hẩng, chới với đến tội nghiệp.
Tôi đặt tay lên vai An, bùi ngùi hỏi:
- Trước đây má mày biết chuyện đó không?
- Đến sáng nay má tao mới biết. Bả khóc quá trời!
Tôi lại ngồi im, mặc dù trong thâm tâm tôi rất muốn động viên, an ủi An vài lời. Nói điều gì cho có ý nghĩa trong lúc này thật là khó. Con người có tính cách khôi hài, ưa pha trò như An một khi đã buồn bã thì thật không dễ gì vực dậy. Thường ngày tôi với nó vẫn trò chuyện, vui đùa một cách tự nhiên sao bây giờ cái "tự nhiên" đó trốn đi đâu mất.
Hai đứa ngồi lặng lẽ bên nhau cho đến khi có tiếng trống vào lớp. Nhưng từ lúc đó, cái không khí nặng nề đeo bám tôi và An trong suốt buổi học cho đến tận lúc ra về.
Ngày hôm sau, An không đi học.
Trưa đó, tôi định chạy qua nhà nó nhưng ăn cơm xong, ba tôi chở tôi đi thăm cô Sáu tôi đang ốm đến tối mịt mới về.
Qua ngày hôm sau nữa, An vẫn không tới trường.
Sáng sớm vô lớp không thấy nó, tôi đã nghi. Nhưng tôi cố nghĩ là nó đi trễ. Hết mười lăm phút ôn bài đầu giờ, vẫn không thấy nó xuất hiện, tôi biết chắc nó lại nghỉ học.
Không biết chuyện gì đã xảy ra với An, lòng tôi như lữa đốt. Tôi ngồi học mà người cứ nhấp nha nhấp nhổm.
Giờ ra chơi, Nhuận hỏi tôi:
- Sao thằng An nghỉ học vậy?
- Tao không biết.
- Chiều mày ghé nó thử coi!
- Ừ, tao cũng định như vậy.
Buổi chiều, khoảng một giờ, tôi qua nhà An.
Nó ở nhà một mình. Má nó bán hàng ngoài chợ, buổi trưa ăn cơm luôn ngoài đó.
An đang lui cui bên chậu cá vàng, thấy tôi tới, nó ngước mắt lên nhưng không nói gì.
Tôi bước lại gầh:
- Mày mới mua chậu cá hả?
- Ừ.
Tôi ngắm nghía mấy con cá một hồi rồi nhận xét:
- Không có cá ông tiên. Cá ông tiên sống dai lắm!
- Cá ông tiên đen thùi lùi, tao không thích.
Tôi lại góp ý:
- Mày kiếm rong bỏ vào làm nhà cho cá ở.
- Ừ, lát chiều tao chạy đi xin.
An thò tay tính bắt mấy con cá nhưng vì nước đầy nó mò hoài vẫn không bắt đuợc.
- Mày bắt chúng chi vậy? - Tôi hỏi.
- Tao thay nước.
- Sao mày không đổ nước ra trước?
- Bắt vầy vui hơn.
Cuối cùng, nó cũng tóm được mấy con cá quỉ quái kia.
Đã mấy lần tôi định hỏi An về chuyện nghỉ học nhưng thấy nó muốn lờ, tôi đâm ra ngần ngại.
- Sao mày không mua cá lia thia về nuôi?
Tôi hỏi một câu chẳng ăn nhập gì với ý nghĩ trong đầu.
An không đáp, nó lặng lẽ đổ nước vào chậu.
Tôi lại nói:
- Lúc trước mày thích chơi cá đá lắm mà!
- Bây giờ tao hết thích rồi.
Nó nói với giọng trầm trầm.
Mấy phút trôi qua, hai đứa chẳng nói thêm với nhau một lời nào. Để xua tan bầu không khí ảm đạm, tôi rủ nó:
- Lát nữa tụi mình đi đá bóng đi!
An lắc đầu:
- Tao không đi đâu!
Tôi liếc nó:
- Mày ốm hả?
Nó lại lắc đầu.
Tôi quyết định đi thẳng vào vấn đề:
- Vậy sao mấy hôm nay mày không đi học?
Nó nói gọn lỏn:
- Tao nghỉ luôn.
Tôi bàng hoàng cả người:
- Mày nói chơi hay nói thiệt đó?
- Nói thiệt!
- Thôi đi! Đừng có điên!
Nó nhếch môi:
- Điên gì! Thích thì nghỉ thế thôi!
- Má mày không nói gì sao?
- Tao đi học hay ở nhà, má tao chẳng bao giờ để ý.
- Nhưng tại sao lại phải nghỉ học?
Thoạt đầu An không muốn nói, nhưng sau một thoáng đắn đo, nó thú thật:
- Tao xấu hổ với tụi bạn trong trường.
Tôi hiểu ra:
- Chuyện anh Dự bị bắt chứ gì?
- Ừ.
- Nhưng mà đâu có ai biết!
An buồn bã:
- Trước sau gì mọi người cũng biết.
Tự nhiên tôi thấy thương An vô cùng. Nghĩ đến hoàn cảnh tệ hại mà nó rơi vào, nghĩ đến nỗi buồn chán nó đang mang trong lòng, tôi nghe cay xè nơi mắt.
Thấy mắt tôi đo đỏ, An gắt:
- Việc gì mày phải khóc!
Tôi nổi cáu vặc lại:
- Chứ việc gì mày phải nghỉ học! Chuyện anh Dự có liên can gì đến mày?
- Sao lại không liên can?
- Ảnh làm bậy chứ mày đâu có làm bậy!
- Nhưng tao là em ảnh.
- Em thì em chứ! Ai làm nấy chịu!
An nói trổng trổng như tự nói với mình:
- Em kẻ cắp!
Giọng nó rầu rầu, nghe như một tiếng than.
Suốt buổi chiều, tôi quanh quẩn bên An và tìm mọi cách thuyết phục nó thay đổi ý kiến nhưng chẳng ăn thua gì. Nó cứ một mực đòi nghỉ học. Trước thái độ quyết liệt của nó, cho đến lúc ra về, lòng tôi vẫn còn giận dỗi.
Cuối cùng, không biết làm sao, tôi đành "xin ý kiến" của ba tôi.
Ba tôi rất đổi ngạc nhiên khi nghe tôi thuật lại mọi chuyện:
- Hóa ra kẻ nhốt tụi con là anh của An?
Tôi gật đầu:
Ba tôi xoa cằm:
- Con báo với ban chỉ huy Đội để các bạn tìm cách động viên An.
Tôi lắc đầu:
- Không được đâu, ba! An rất ngại bạn bè biết chuyện này.
Ba tôi nhíu mày:
- Hay là con báo với giáo viên chủ nhiệm!
Có lẽ không có cách nào khác! Tôi nghĩ bụng. Thực ra, tôi đã nghĩ đến chuyện gặp cô Nga nhưng trong bụng còn trù trừ vì tôi sợ cô "hỏi thăm" chuyện tôi với An bỏ học đi đá bóng bữa trước.
Nhưng khi gặp tôi, cô không nhắc gì đến chuyện đó. Sau khi nghe tôi nói, cô hỏi:
- Em đã nói chuyện này với bạn nào trong lớp chưa?
- Dạ chưa.
Cô gật đầu:
- Ừ, em giữ kín như vậy là tốt. Chiều nay cô sẽ ghé nhà An. Theo cô, chẳng việc gì An phải bỏ học.
Chiều đó, tôi cùng cô Nga đến nhà An. Nhưng nó đi vắng. Nhà đóng cữa im ỉm.
- Chiều mai, cô và em ghé lại nhà An lần nữa!
Khi chia tay, cô Nga bảo tôi như vậy.
Nhưng tôi và cô Nga chưa kịp ghé An thì sáng hôm sau nó đã lò dò tới lớp.
Tôi bùi ngùi nhìn chiếc cặp trên tay nó:
- Mày đem sách đi trả hả?
Nó lắc đầu:
- Tao đi học!
Gương mặt thoáng vẻ tươi tỉnh của nó làm tôi ngạc nhiên:
- Bộ anh Dự được tha về rồi hả?
An nhún vai:
- Còn khuya!
Tôi không nén đuợc sự tò mò:
- Vậy tại sao mày lại...
Đang nói, chợt nhận ra sự vụng về trong câu hỏi của mình tôi liền im bặt.
Nhưng An chẳng để ý chuyện đó. Nó mỉm cười không đáp. Dường như nó muốn giấu tôi sự bí mật của nó. Tuy nhiên tôi chẳng lấy thế làm buồn. Hễ nó đi học lại là tôi vui rồi.
Mãi đến khi vào lớp, tôi mới biết nguyên nhân khiến An thay đổi quyết định khi thằng Quyền quay xuống khoe:
- Tối hôm qua, tao thấy anh mày trên ti-vi!
Thoạt nghe, tôi giật thót.
Nhưng Hưng nhí đã kịp bổ sung:
- Anh nó là "người tốt việc tốt" đó!
- Ai chẳng biết là "người tốt việc tốt"! Anh nó là kiện tướng lao động của thanh niên xung phong!
Thằng An ngồi nghe, mặt đỏ lên một cách ngượng ngập.
Hóa ra anh Vĩnh nó đã "cứu" nó. Niềm tự hào về ông anh này ít ra cũng giảm nhẹ được nỗi hỗ thẹn về ông anh kia. Tôi mừng cho An. Dù sao nỗi đau của nó cũng xoa dịu. Chỉ có điều trớ trêu là anh Vĩnh của nó, người anh mà trước đây đối với nó "có cũng như không", không bao giờ ngờ được những việc làm của mình lại có "giá trị thuyết phục" đối với em mình như vậy, điều mà tôi năn nỉ đến gãy lưỡi cũng không xong.
Trưa đó, tôi đưa An về tới tận nhà nó.
Dọc đường, chúng tôi chẳng trò chuyện gì nhiều nhưng nhìn vẻ mặt bình tĩnh của An, tôi biết rằng sóng gió đã qua đi.
Trước khi chia tay, An đột ngột bảo tôi:
- Chiều mai mày ghé qua học với tao!
Tôi trố mắt:
- Ngày mai đâu phải thứ năm!
An cười:
- Thì cần gì phải thứ năm! Bây giờ tao muốn học để đuổi kịp bạn bè!
Tôi nheo mắt:
- Mày không xạo đấy chứ!
An đáp vẻ cả quyết:
- Tất nhiên.
Thật ra tôi hỏi chọc nó chơi chứ trong thâm tâm tôi biết lần này An nói thật. Qua những chuyện vừa rồi, những suy nghĩ của An bắt đầu thay đổi. Điều đó đối với tôi hoàn toàn dễ hiểu.
Và tôi tin rằng một khi An đã chịu học, nó sẽ không thua kém bất cứ ai. Càng nghĩ tôi càng mừng cho An.
Tôi cũng mừng cho tôi nữa.
Bây giờ tôi có thể đi ngang qua lò thịt mà không hề sợ hãi. Như ngay lúc này đây, một mình tôi trên đường về nhà.
Hết
Bookmarks