Chương 13
Ba tổ sư Xuân Diệu, Huy Cận và Hồ Dzếnh hẳn đã nghe thấy lời khẩn cầu tha thiết của tôi nên vào ngày tờ báo tường sắp lên khuôn, tôi tìm thấy trong xấp bản thảo Ngữ đưa bài thơ "Biết đến bao giờ" của tôi.
Tôi mừng như mở cờ trong bụng và kể từ giây phút đó, tôi chúi mũi vào chăm chút minh họa bài thơ của mình.
Trình bày và trang trí tờ báo, ngoài tôi ra, còn có thằng Vinh rỗ. Nhưng Vinh rỗ chỉ là "thợ phụ". Nó là lính của tôi. Trước nay, bài vở mười phần, tôi giành vẽ hết bảy phần. Vinh minh họa ba phần ít ỏi còn lại. Nhưng lần này, do tôi đầu tư hết thời gian và công sức vào bài thơ của tôi nên Vinh tha hồ múa cọ. Nó khoái lắm. Vừa khoái, nó vừa thắc mắc:
- Bài thơ của ai mà mày vẽ kỹ vậy?
Tôi vờ vịt:
- Nó ký tên tắt làm sao tao biết được!
Vinh tò mò cầm bài thơ lên xem. Xem xong, nó bĩu môi:
- Thơ dở ẹc!
Giọng lưỡi của thằng Vinh làm tôi giận muốn ứa gan. Nếu nó là em tôi thì tôi đã đá đít nó rồi. Kẹt một nỗi, nó là bạn của tôi và mặc dù mặt nó rỗ hoa, tay chân nó lại to như cẳng voi. Tôi đành tự an ủi: nó đâu có biết K.K. là tôi, nếu biết hẳn nó đã bốc "sếp" của nó lên tận mây xanh rồi. Nghĩ vậy, tôi chỉ mím môi, hậm hực:
- Nhưng mà tao thích bài thơ này!
Thấy tôi đột ngột nổi quạu, Vinh không dám bình luận thêm nữa. Nó cúi xuống hí hoáy làm phận sự.
Trong những bài thơ Vinh minh họa, có cả bài thơ của Ngu Kha. Dạo này, Ngu Kha vẫn tiếp tục làm thơ tình cho Gia Khanh. Nó vẫn ra rả cái điệp khúc "Em là chim xứ lạ, có hiểu tình anh không?". Nhưng con chim quỷ quái kia dường như nhất định không chịu hiểu nên trong bài thơ nào Ngữ cũng nhắc tới nhắc lui cái ý đó, hệt như thông báo "coi chừng mất cắp" mà người ta vẫn lặp đi lặp lại trên loa phóng thanh ở các bến xe liên tỉnh.
Tụi bạn trong lớp lúc này cũng thôi chọc Ngu Kha. Chọc hoài, thằng Ngữ cứ giở đòn lì, ai nấy đâm chán. Hơn nữa, đòn thằng Ngữ như gió vào nhà trống nên cũng chẳng ai buồn quan tâm. Nó tung thơ ào ào như Tôn Ngộ Không tung thiết bảng. Gia Khanh vẫn một mực trơ trơ.
Cho đến nay, chỉ có tôi, Bá và có lẽ cả Gia Khanh biết Ngu Kha là ai. Nhưng cả ba đều ngậm tăm. Gia Khanh thì vậy, như chiếc lá khoai, bao nhiêu thơ đổ ra ngoài bấy nhiêu. Bá thì nhìn Ngữ bằng nửa con mắt. Nó bảo tôi: Ngu Kha là tên vô hại. Bá chỉ đề phòng Nghị.
Tôi không coi thường Ngữ. Nhưng tôi không tin nó sẽ nắm được đuôi sao chổi. Thơ ca dù sao cũng là vũ khí tầm xa. Trong khi đó, để giải quyết chiến trường, người ta không những cần đại pháo mà còn cần cả súng trường và lưỡi lê cho những màn đánh xáp lá cà.
Tôi khác Ngữ. Ngữ ngồi xa lắc xa lơ, trong khi tôi ngồi sát ngay sau lưng Gia Khanh. Tôi từng trò chuyện với nó. Tôi cho nó mượn thước, mượn gôm, mượn viết. Nó cười với tôi. Tôi cười với nó. Nụ cười ngớ ngẩn của tôi là lưỡi lê, là súng ngắn. Tôi chỉ thiếu đại pháo.
Nhưng hôm nay tôi đã chuẩn bị đâu vào đấy. Tôi nạp bài thơ "Biết đến bao giờ" vào nòng đại bác và sắp sửa giật cò.
Hôm khẩu đại bác của tôi khai hỏa, tôi không dám đến lớp sớm. Tôi không đủ can đảm chứng kiến cảnh Gia Khanh đứng trước tờ báo tường và run rẩy đọc từng dòng thơ của tôi. Gia Khanh xúc động một, tôi sẽ xúc động mười. Và bao giờ cũng vậy, hễ xúc động quá mức, tôi không làm sao ngăn được những cú nhảy mũi quái ác, tôi sẽ "hắt xì hơi" thật to và những tấm cửa kính trên tường sẽ rung lên loảng xoảng. Mà một nhà thơ có giọng điệu trữ tình nhỏ nhẹ như nhà thơ K.K. thì không được phép "hắt xì hơi" sấm sét như thế, nhất là vào thời điểm tôi đang cố tỏ ra đáng yêu nhất trong những người đàn ông đáng yêu.
Tôi chỉ ôm cặp vào lớp sau khi tiếng trống vào học đã vang lên được năm phút. Chào cô xong, tôi lò dò đi về chỗ ngồi, đầu cúi xuống nhưng mắc thì liếc về phía Gia Khanh. Tôi ngạc nhiên khi thấy nó tỉnh bơ, chẳng tỏ vẻ gì là một người con gái vừa nhận được "thông điệp" của "người yêu". Cặp mắt nó vẫn đẹp như thường lệ, nhưng ráo hoảnh. Hay là nó chưa đọc bài thơ của mình! Tôi thấp thỏm nhủ bụng.
Suốt buổi sáng hôm đó, tôi hồi hộp chờ xem Gia Khanh có hỏi mượn tôi một món đồ gì không. Nếu nó quay xuống, tôi sẽ tìm cách dò xem thái độ của nó. Trước đây, chuyện thằng Ngữ tôi còn hỏi được. Chuyện tôi, chẳng lẽ tôi làm thinh. Nhưng mặc cho tôi nghển cổ chờ thời, gần hai tiếng đồng hồ đằng đẵng, Gia Khanh tuyệt nhiên không ngoảnh mặt lại đằng sau lấy một cái. Nó cứ cắm cúi chép bài, ra vẻ ta đây ham học lắm. Thật dòm bắt ngứa con mắt!
Cuối cùng không kiên trì hơn được nữa, vả lại đã sắp đến giờ ra chơi, tôi đành chồm lên bàn trên, gọi khẽ:
- Gia Khanh!
- Gì vậy Khoa?
Gia Khanh nhìn tôi bằng đôi mắt mở to.
Tôi ấp úng:
- Gia Khanh cho Khoa mượn... cây thước đi!
- Chứ cây thước của Khoa đâu?
Tôi liếm môi:
- Bữa nay Khoa để quên ở nhà.
Nói xong, tôi bỗng tái mặt khi nhác thấy cây thước "để quên ở nhà" của tôi đang nằm sờ sờ trên bàn. Tôi định lấy cuốn tập che lại nhưng lại sợ Gia Khanh phát hiện ra hành động đáng ngờ của tôi. Chẳng biết làm sao, tôi đành dán người xuống mặt bàn, lấy ngực đè lên cây thước. Cây thước cấn vào xương sườn đau nhói nhưng tôi chỉ biết cắn răng chịu trận.
- Khoa làm gì vậy? - Gia Khanh ngơ ngác hỏi.
- Khoa có làm gì đâu! - Tôi cười gượng gạo.
Gia Khanh vẫn nhìn tôi chăm chăm:
- Sao Khoa lại nằm trên bàn?
- À, à... tại Khoa sợ cô giáo trông thấy.
Vừa đáp, tôi vừa giật vội cây thước trên tay Gia Khanh. Khi nãy tôi mong nó quay xuống bao nhiêu thì bây giờ tôi lại mong nó quay lên bấy nhiêu. Nhưng Gia Khanh chẳng bao giờ thèm làm ý muốn của tôi. Nó thích làm theo ý muốn của nó hơn. Nó lại tiếp tục "trò chuyện":
- Khoa kẻ đi!
Nếu như bình thường, sự quan tâm của Gia Khanh sẽ khiến tôi cảm động đến ứa nước mắt. Nhưng bây giờ tôi đang ứa nước mắt vì... đau. Tôi có cảm giác cây thước khốn nạn kia đang ngọ nguậy dưới ngực tôi một cách thích thú và lúc nào cũng lăm le chĩa các mũi nhọn vào xương sườn tôi. Vì cái lý do chết tiệt đó mà dù yêu Gia Khanh không để đâu cho hết, tôi vẫn phải tiếc nuối từ chối cái cơ hội mà tôi hằng mong đợi. Tôi thở dài đáp:
- Ừ, lát nữa Khoa kẻ! - Và cố không lộ vẻ đau đớn, tôi nhìn lên bảng, phịa - Chết! Cô ngó xuống kìa!
Đòn của tôi quả là đòn độc. Gia Khanh hốt hoảng quay phắt lên. Hên cho tôi, ngay lúc đó cô Vĩnh Yên nhìn xuống, vì vậy Gia Khanh chẳng mảy may nghi ngờ. Nó tưởng tôi báo động thật.
Cô Vĩnh Yên dạy môn sử lớp tôi. Cô không xinh đẹp bằng cô Tần chủ nhiệm, nhưng cô dịu dàng hơn. Có lẽ nhờ cô có một đôi mắt rất to, lúc nào cũng ánh lên vẻ hiền hậu. Đôi mắt đó lúc này càng mở to hơn nữa khi cô kinh ngạc thấy tôi thò tay rút từ dưới ngực ra một cây thước trong khi tay kia đang vung vẩy một cây thước khác. Bộ tịch kỳ quái của tôi hẳn không khác lắm những viên đại tướng trong môn sử cô dạy. Ngày xưa ra trận, người ta sử dụng song đao chắc cũng na ná như tôi sử dụng thước bây giờ.
Nhưng cô Vĩnh Yên không "hỏi thăm sức khỏe" tôi. Cô chỉ chớp chớp mắt rồi nhìn lướt qua chỗ khác. Tôi đã bảo rồi, cô hiền nhất thế giới. Nếu cô chơi ác bắt tôi đứng dậy, chắc mọi chuyện đổ bể tùm lum. Gia Khanh sẽ bảo tôi là... thằng Cuội. Nó sẽ thẳng tay gạch tên tôi khỏi danh sách hội viện hội những người yêu nó. Tôi sẽ nối bước theo nhà thơ Ngu Kha, yêu hoài hoài một người yêu tưởng tượng. Tôi sẽ đứng chầu rìa bên vệ đường, đau khổ theo dõi cuộc chạy đua còn lại giữa thỏ và rùa. Thằng Hòa bộp chộp đóng vai con thỏ, thằng Nghị lầm lì đội lốt con rùa. Chạy riết một hồi, đằng nào cũng có đứa tới đích. Đằng nào cũng có đứa được Gia Khanh choàng lên cổ vòng hoa chiến thắng. Khi đó, lòng tôi hẳn sẽ tan ra trăm nghìn mảnh. Tôi cũng được Gia Khanh choàng hoa lên người, nhưng không phải vòng hoa chiến thắng mà là vòng hoa... tưởng niệm, với hàng chữ "Vô cùng thương tiếc nhà thơ K.K., kẻ nói dối như Cuội".
Nhưng nỗi lo của tôi đã không xảy ra. Cô Vĩnh Yên biết tôi ngoan ngoãn nổi tiếng, cô không nỡ làm tình làm tội tôi. Còn tôi thì đợi cho cô vừa quay mặt đi, tôi liền thở ra một hơi dài nhẹ nhõm và vội vàng giấu biến cây thước của tôi vào ngăn bàn.
Rồi tôi thẫn thờ cầm cây thước của Gia Khanh trên tay. Tôi chẳng biết làm gì với nó. Tôi chỉ biết ngồi đợi. Cơ hội ngàn vàng vừa mới sà đến bên tôi, thậm chí nó còn nhe răng cười với tôi, nhưng tôi đã đểnh đoảng để vuột mất. Tôi phải bắt đầu lại từ... phía sau lưng.
Do dự một hồi, tôi lại chồm lên phía trước, gọi khẽ:
- Gia Khanh!
Gia Khanh liếc vội về phía cô Vĩnh Yên rồi ngập ngừng quay xuống.
- Trả cây thước cho Gia Khanh nè!
Vừa nói tôi vừa chìa cây thước ra.
Gia Khanh vừa cầm lấy cây thước, tôi đã hấp tấp hỏi ngay, sợ nó thình lình quay lên:
- Sáng nay Gia Khanh có đọc tờ báo tường chưa?
Tôi lặp lại đúng kịch bản lần trước. Và tôi mừng rơn khi thấy Gia Khanh gật đầu.
Tôi liền lấn tới:
- Vậy chắc Gia Khanh đọc bài thơ "Biết đến bao giờ" rồi chứ gì?
Hỏi xong, tôi nhìn Gia Khanh lom lom, chờ nó gật đầu. Nếu nó tiếp tục gật đầu, tôi sẽ tiếp tục hỏi "Vậy Gia Khanh có biết thi sĩ K.K. là ai không?". Hẳn Gia Khanh sẽ đáp "Làm sao Gia Khanh biết được! Nhưng K.K. là ai, điều đó đâu có dính dáng gì đến Gia Khanh!". Tôi sẽ cười chúm chím "Có đấy! Tại Gia Khanh không biết đó thôi!". Tới đây mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và như không thể khác được, cuộc đối thoại mỗi lúc một tình tứ: "Một trong hai chữ K. là tên Khanh đấy!" - "Tên của Gia Khanh hở?" - "Ừ, tên Khanh viết tắt." - "Thế còn chữ K. kia?" - "Gia Khanh thử đoán xem!" - "Gia Khanh chịu." - "Gia Khanh biết mà Gia Khanh làm bộ đó thôi!" - "Gia Khanh không biết thật mà!" - "Vậy Khoa nói nghen!" - "Ừ, Khoa nói đi" - "Chữ K. kia là tên Khoa đấy" - "Tên Khoa?" - "Ừ." - "Sao Khoa lại ghép tên Khoa vào với tên Gia Khanh?" - "Khoa cũng không biết nữa, có lẽ tại vì... tại vì..." - "Tại vì sao?" - "Tại vì Khoa thích thế!" - "Thích gì kỳ vậy?" - "Ừ, Khoa kỳ lắm. Từ ngày Gia Khanh vào học chung, tự nhiên Khoa thấy mình... kỳ kỳ!" - "Ngộ quá hén!" - "Ừ, ngộ ghê!". Tới đây Gia Khanh bỗng bật cười khúc khích. Tiếng cười ngấm vào hồn tôi như mật ngọt...
Dường như khi yêu, con người ta ai cũng trở nên giàu tưởng tượng. Tôi cũng vậy. Trong đầu óc mơ mộng của tôi, tôi và Gia Khanh trò chuyện với nhau bằng một giọng điệu êm ái, trữ tình hệt như chúng tôi đã yêu nhau đâu từ... kiếp trước. Và cuối cùng, Gia Khanh đã đón nhận tình cảm của tôi bằng một nụ cười...
Đang thả hồn theo mây gió, tôi bỗng giật mình và chớp chớp mắt. Đúng là Gia Khanh đang cười. Không phải cười trong cơn mơ mà cười ngay trước mặt tôi. Giọng cười của nó khiến tôi ngạc nhiên quá sức. Tôi hỏi nó đã đọc bài thơ "Biết đến bao giờ" chưa, lẽ ra nó cảm động gật đầu mới phải, sao nó lại cười! Tiếng cười không đúng chỗ đó chẳng có vẻ gì là mật ngọt. Nó giống mật đắng hơn.
Tôi hoang mang hỏi:
- Sao Gia Khanh lại cười?
Gia Khanh tủm tỉm:
- Gia Khanh cười tác giả bài thơ.
Tôi có cảm giác như Gia Khanh vừa tạt vào mặt tôi một gáo nước lạnh. Tôi run run hỏi:
- Tác giả bài thơ sao?
Gia Khanh nheo mắt nhìn tôi:
- Bộ Khoa chưa đọc hả? Tác giả này có cái bút hiệu ngộ lắm!
Trời ơi, cái bút hiệu thâm thúy và tràn trề tình cảm như vậy mà nó nỡ chê! Đúng là con nhỏ này vô tình quá xá cỡ! Hèn gì nhà thơ Ngu Kha thức đêm sáng tác đến mờ mắt mà nó chẳng động lòng một tí ti ông cụ nào. Nhưng tôi đâu phải Ngu Kha. Tôi đã từng cho nó mượn bao nhiêu là thứ, chẳng lẽ nó không xếp tôi vào diện "ưu tiên giải quyết" sao! Nghĩ vậy, tôi cố nén đau thương, bồn chồn hỏi:
- Bút hiệu sao mà Gia Khanh kêu ngộ?
Gia Khanh lại che miệng cười:
- Ai lại lấy bút hiệu là K.K.K.! Hồi sáng lúc tờ báo vừa treo lên, tụi bạn cười quá trời. Còn nhỏ Hồng thì bổ nháo bổ nhào đi tìm thủ phạm. Nó bảo tác giả K.K.K. này cố ý chửi xéo nó!
Tôi "đông lạnh" cả người, mắt mờ đi. Mỗi lời nói của Gia Khanh như một giọt cường toan nhỏ vào trái tim non nớt của tôi. Tôi nghe trái tim mình cháy lên xèo xèo như người ta phi hành mỡ. Đứa nào? Đứa sa tăng quỷ sứ nào đã đem tình yêu đầu đời của tôi ra xào lăn để làm món nhậu? Trước khi tờ báo tường được treo lên, chiều hôm trước chính tay tôi đã nắn nót viết hai chữ "K.K." thật đẹp, thật bay bướm bên dưới bài thơ "đại pháo" của tôi. Hai chữ K.K. hàm súc biết bao nhiêu, tình tứ biết bao nhiêu, keo sơn gắn bó biết bao nhiêu. Vậy mà không biết cái đứa ác nhơn thất đức nào lại giết tôi bằng cách thêm vào một chữ K. khốn nạn bên cạnh.
Hôm trước, trong khi giảng bài, thầy Tuấn Anh có nhắc đến đảng Klu Klux Klan ở Mỹ. Đảng K.K.K. này là chúa phân biệt chủng tộc, lúc nào cũng lăm le thanh toán dân da màu. Vậy mà cái bút hiệu thân thương của tôi đang từ hai chữ K.K. thơ mộng bỗng chuyển thành cái tên đảng ác ôn, bảo tôi không chết cứng sao được!
Lại còn thêm sự hăm dọa của nhỏ Hồng nữa. Hôm trước tôi đã rơi vào tay nó một lần, đêm về còn chiêm bao ác mộng, nay nó "tó" được tôi, chắc nó giết tôi như giết kiến.
Tôi là con kiến, trong khi chờ nhỏ Hồng bóp bẹp giữa hai ngón tay, tôi thèm đi kiện củ khoai biết bao. Nhưng củ khoai là đứa nào, tôi không biết. "Hại" tôi chỉ có thể là hai nhân vật liên quan đến tờ báo: chủ bút Ngu Kha và họa sĩ Vinh rỗ. Xét về ngoại hình, họa sĩ Vinh rỗ có vẻ giống củ khoai hơn. Nhưng chẳng có lý do nào để nó "chơi" tôi. Vả lại, thân phận nó là thân phận cái anh trình bày, có cho vàng nó cũng chẳng dám "biên tập" bút hiệu của người khác.
Đâm sau lưng tôi, chỉ có thể là thằng Ngữ. Nó thường ỷ mình là chủ bút, nó dám làm những chuyện động trời, huống hồ gì cái việc cỏn con là thêm một chữ K. vào bút hiệu của tôi. Hơn nữa, Ngữ đang theo đuổi Gia Khanh, thấy tôi hỗn hào nhảy vào cuộc sức mấy nó nhường đường. Tôi lại dùng "độc chiêu" của nó là thơ ca để tỏ tình với Gia Khanh, nó chịu sao nổi. Bữa trước, thấy nó sẵn lòng đăng bài thơ của tôi, tôi đinh ninh nó tử tế. Tôi tưởng nó chơi trò mã thượng. Tôi đâu ngờ nó gài tôi vào bẫy. Nó chơi cú "hồi mã thương" này độc quá sức. Tôi lãnh ngay ngón đòn vào ngực, đau muốn ói máu nhưng đành phải ngậm miệng làm thinh.
Tôi mà hó hé Ngữ sẽ khai tuốt tuột mối tình vụng trộm của tôi trước lớp. Ngữ chẳng sợ tôi phản công. Nó là chúa làm thơ tình. Nó thương nhớ hết đứa con gái này đến đứa con gái khác. Nay nếu bị phát hiện thương thêm mộtđứa nữa, nó chẳng ngán. Trong khi đó, tôi đạo mạo lừng danh. Tụi bạn mà biết được tôi làm thơ ngỏ ý với Gia Khanh, hẳn tụi nó sẽ đổi biệt danh của tôi từ "ông thánh sống" thành "ông thánh... chín". Đám con gái sẽ không gọi tôi là "người mặt sắt" nữa, mà có thể gọi bằng một cái tên khác, như "người mặt mốc" chẳng hạn. Lúc đó, tôi chỉ có nước bỏ trường ra đi.
Đó là chưa kể thơ thằng Ngữ là thơ thứ thiệt, còn thơ tôi là thơ "chế biến" lại. Ngữ chơi ác, rêu rao tôi là thằng ăn cắp, chắc Gia Khanh sẽ khinh bỉ tôi thậm tệ. Nó sẽ chẳng thèm cho tôi đi theo xách dép, chứ đừng nói là được yêu nó và được nó yêu lại.
Vì tất cả những cái lẽ tồi tệ đó mà tôi đành ngậm đắng nuốt cay. Và khi tiếng trống ra chơi vừa vang lên, tôi vội vàng tót ra sân. Tôi không dám ở lại trong lớp. Tôi sợ tôi không đủ bình tĩnh để nghe những lời bình phẩm của bạn bè về cái bút hiệu K.K.K. đang nằm trêu ngươi ngay dưới bài thơ tình đầu tay của tôi.
Nhưng như vậy mà nào có yên. Tôi đang đi lang thang dọc hàng rào quanh sân, bỗng nghe có tiếng chân đuổi theo. Đuổi theo tôi lúc này chỉ có thể là nhỏ Hồng. Tôi điếng hồn nhủ bụng và hấp tấp rảo bước. Nhỏ Hồng lại rảo gấp theo khiến mồ hôi tôi nhỏ thành giọt sau lưng. Hình ảnh trong giấc mơ khủng khiếp đêm xưa bất chợt hiện về làm tôi rùng mình. Và trong tình thế thập tử nhất sinh đó, tôi cắm đầu ù té chạy. Nhưng mới chạy được năm, sáu bước, tôi vội khựng lại. Bởi vì, tôi nghe thấy tiếng thằng Bá vang lên từ phía sau:
- Đứng lại Khoa ơi! Tao chứ có phải con Hồng "chà-và" đâu mà mày chạy thục mạng vậy!
Bookmarks