Chương 13 - Kết Luận


Muốn đi đến một tinh thần đại dũng không phải là một việc không thể làm.

Cần yếu, là phải có đức tính đầu tiên này: Thành thật. Tôi muốn nói: Thành thật đối với mình.

Thành thật đối với mình là một điều rất khó. Nghĩa là, mình đừng gạt mình. Đừng bênh vực sự yếu đuối, lầm lạc của mình. Đừng nói một đàng, làm một ngả.

Thành thật đối với mình, tức là điều hoà giữa ý tưởng và việc làm của mình.

Muốn định giá phẩm chất của con người, tôi tưởng không còn cách nào hay hơn là căn cứ vào đó.

Nếu các bạn nhận sự điềm đạm là một triệu chứng của một tâm hồn giải thoát, là chỗ cứu cánh của các hành vi cao thượng của con người, thì một khi đã nhất định thi hành, đừng bao giờ bênh vực sự yếu đuối của mình mà xao lãng bỏ qua.

Nếu các bạn đồng ý với tôi, cùng cho giá trị của con người phải căn cứ nơi số tài sản, tước vị của mình thâu trữ, của người khác ban cho, và phẩm cách con người ở nơi tinh thần tự do của mình đối với ngoại vật, thì các bạn hãy thành thật thi hành ngay cái ý nghĩ ấy trong các hành động hằng ngày, không sai chạy. Có rủi ro sa ngã một đôi khi, thì hãy có can đảm và thành thật mà trở về con đường của mình đã định ấy.

Nhược bằng, một đằng bạn nhận giá trị và hạnh phúc của con người không phải ở nơi cái tinh thần ỷ lại đến ngoại vật, một đằng bạn lại đem thân lăn lóc, nô lệ nơi danh lợi, cầu hạnh nơi thế lực để mưu cho mình hạnh phúc, đó là bạn không thành thật với mình đó. Làm như thế, thì "cái dũng của Thánh nhân" đối với bạn, sẽ là một điều thuộc về mơ mộng... Phải quyết tâm quy cả nghị lực của mình vào một việc, thì việc ấy ắt phải thành.

Trang Tử trong thiên Đạt Sanh có nói: "... Lúc Trọng Ni đi qua nước Sở, vừa ra khỏi rừng, thấy một người tật bướu bắt ve bằng một cây sào dài, rất lẹ và rất chắc chắn cũng như nó bắt bằng tay.

Trọng Ni nói với người ấy: "Anh thật là tài, xin cho tôi biết cái tên thuật của anh".

Tên tật bướu nói: "Thuật của tôi là đây: Trong năm, sáu tháng, tôi tập để viên đạn đứng thăng bằng trên ngọn sào của tôi mà không hề rớt. Khi tôi để đứng đặng hai viên, thì ít con ve nào thoát khỏi tôi. Khi tôi để đứng đặng ba viên, thì mười con trật có một mà thôi. Khi tôi để đứng đặng năm viên, tôi không hề trật con nào hết. Cái thuật của tôi là quy hết tinh thần của tôi vào chỗ chí hướng mà tôi mong đạt đó. Tôi trị cái tay tôi, cả thân thể tôi, cho đến chừng nào nó thành một khúc gỗ, không còn biết cảm động, không còn xao lãng nữa. Tuy trời đất là lớn, vạn vật là nhiều, nhưng tôi chỉ thấy có con ve mà tôi muốn bắt đó thôi. Không chi làm cho tôi xao lãng ngoài cái ý tôi muốn đó, con ve làm gì thoát khỏi tay tôi".

Đấy cũng là cái nghĩa "chuyên tâm bảo nhất" của Lão Tử vậy.


Hết