Chương 13 - ĐỜI VẪN VUI, VẪN ĐẸP


Liên lo lắng bảo Văn:

− Gần mười hai giờ rồi mà nhà tôi chưa về... Hay là nhà tôi lại nói dối tôi đây?

Văn trả lời bằng một giọng quả quyết:

− Không, chị đừng lo! Tôi chắc chắn thế nào anh Minh cũng về!

Liên vẫn chưa tin, hỏi:

− Nhưng sao hôm nay nhà báo lại làm việc trưa thế?

− Chị tính, ở nhà báo họ làm việc thì có bao giờ có thì giờ nhất định đâu!

Liên im lặng thở dài. Văn lại nói tiếp:

− Chị vẫn không tin tôi phải không? Tôi đã bảo anh Minh sắp về rồi. Nếu tôi nói sai... Nếu anh Minh không về thì tôi xin...

Liên phì cười ngắt lời hỏi:

− Thì anh xin sao?

Văn cũng cười. Chàng bỏ dở câu đang nói vì không biết chắp nối làm sao cho ổn thỏa nên mới dùng nụ cười để che dấu, mà cười thật to để cố khỏa lấp lấy sự hổ thẹn. Nguyên-văn những gì chàng định nói là: “Nếu anh Minh không về thì tôi xin đền chị anh Minh khác”. Vốn chỉ là một câu nói bình thường để pha trò trấn an người khác, nhưng chỉ vì Văn chợt nghĩ đến ý nghĩa về luân lý của câu nói đó mà chàng cho là tư tưởng bất chính nên vừa cảm thấy thẹn, vừa thấy buồn cười. Nếu nói rằng Văn ‘có tật giật mình’ thì có lẽ oan cho chàng lắm. Nhưng nguyên do cũng là vì chàng có cảm tình nhiều với Liên từ hồi nào mặc dù không có tà ý. Văn vẫn yêu thương Liên, nhưng bằng một cách khác hòa hợp giữa con tim và lý trí. Chàng đã vượt qua bao nhiêu thử thách và sau cùng vẫn giữ được tình bằng hữu của bạn, và lòng kính phục của người chàng từng yêu thầm mến trộm...

Về phần Liên thì nàng rất thơ ngây và hồn nhiên nên không hề có ý nghĩ xa xôi nào cả. Nàng chỉ chú ý đến chuyện chồng nàng là Minh liệu có về lại nhà không hay lại chứng nào tật ấy bỏ đi biệt tăm như trước. Mặc dù tin tưởng lời Văn, song Liên vẫn không khỏi lo sợ suy nghĩ vẩn vơ. Sáng hôm nay trước khi ra đi đến tòa soạn nhà báo, Minh dặn Liên ở nhà chuẩn-bị một bữa cơm thật tươm tất để thết đãi Văn, người bạn thân quý nhất trên đời của hai vợ chồng. Thấy chồng vui vẻ, nét mặt tươi cười thành thật, Liên gật đầu tán thành, chẳng chút nghi ngờ. Nhưng Minh vừa đi khỏi thì tự nhiên nàng lại bắt đầu hối hận. Liên tự trách là tại sao nàng lại để cho Minh đi như thế. Nàng suy tính lẽ ra phải giữ chồng ở nhà mấy hôm đã, để cho chàng quen dần lại với thói quen, nếp sống giản dị của gia đình như lúc trước.

Không dằn nổi sự lo lắng, Liên nhớn nhác nói với Văn:

− Hay là... hay là nhà tôi...

Một ý tưởng ghê gớm mới vưà vụt qua trong đầu Văn nên chàng hiểu ngay Liên định nói gì, tuy Liên không dám nói hết câu. Cái bàn đèn thuốc phiện trong gian nhà đơn sơ kia lại hiện ra trước mắt hai người. Dù vậy, Văn cũng cố gắng tìm lời an ủi:

− Không đâu chị ạ. Anh Minh là một người tính tình vui vẻ hoạt bát. Không khi nào anh ấy lại vùi đầu vào cái thú vô bổ ấy đâu.

Một tràng cười ha hả từ đâu vang lên đáp lại lời nói của Văn. Hai người giật mình cùng nhìn ra ngoài một lượt. Minh đứng sừng sững trước thềm từ bao giờ. Chàng vỗ tay, cười nói:

− Đúng! Ai lại đam mê cái thú vô bổ ấy bao giờ!

Liên mừng quýnh, đứng dậy reo lên:

− Ồ, mình đã về!

Liên bỗng cúi mặt vì xúc động. Lâu lắm rồi, nàng mới được nói lại những lời âu yếm đó. Hiểu ý Liên, Minh cười nói:

− Chẳng về thì đi đâu?

Văn cười nói:

− Đấy chị xem, tôi nói có sai đâu!

Liên lấy làm ân hận đã ngờ oan cho chồng. Nàng cố nở một nụ cười như để xin lỗi.

− Thôi, để tôi đi dọn cơm đồng thời hâm lại các món ăn. Chắc là nguội hết cả rồi.

Minh cười âu yếm:

− Tại Minh đấy mà.

Mỗi lần Minh hay Liên xưng tên với nhau đều có mục-đích cả. Hai người muốn nhắc lại cho nhau kỷ-niệm êm đềm thời thơ ấu lúc hai người còn ngây thơ, chưa biết yêu là gì. Vì vậy, lần này khi nghe Minh xưng tên như vậy, Liên thật không còn gì sung sướng hơn dược. Má nàng ửng hồng lên, trông xinh xắn như bất cứ lúc nào.

Ngồi đối diện với Văn, Minh có vẻ ngượng nghịu. Chàng chỉ sợ bạn nhắc lại những thời kỳ chơi bời lêu lổng vô trách-nhiệm của mình. Mà Văn cũng không dám nhìn thẳng vào mặt Minh. Chính bản thân chàng cũng vừa trải qua một cơn khủng hoảng. Những ý nghĩ vu vơ dù không còn làm phiền Văn nữa nhưng vẫn quay quẩn quanh chàng như để nhắc nhở chàng là thiếu chút nữa là chàng không còn dám gặp mặt bạn.

Minh là người đầu tiên phá vỡ bầu không khí im lặng, chàng thân mật hỏi:

− Anh nghỉ hè chưa?

− Cũng sắp rồi anh ạ! Thì đại khái vẫn như thời nào khi chúng ta còn đi học với nhau đó thôi. Gần đến hè thì chỉ đến lớp cho có lệ chứ có học gì nữa đâu.

− Ồ! Mới có một năm mà tôi tưởng như đã lâu lắm rồi!

Bao nhiêu sự việc xảy ra trong vỏn vẹn một năm vụt qua và hiện ra rõ ràng trong ký-ức của Minh. Chàng thi đậu bằng Thành-Chung; chàng bị mù; chàng viết báo kiếm tiền; chàng đi bệnh-viện chữa mắt... Trong thời kỳ ấy, hình ảnh hai người thân yêu lúc nào cũng sát cánh bên mình là vợ chàng và bạn chàng. Nhưng nghĩ đến những gì xảy ra sau đó khi chàng hết bị mù, Minh không khỏi hổ thẹn với luơng tâm. Để quên hẳn cái dĩ-vãng ê chề đó, không gì bằng là vui với những gì hiện-tại chàng đang có và nhắm hướng đi thẳng về tương-lai. Minh liền gợi chuyện:

− Năm nay nghỉ hè anh có định đi chơi đâu không?

− Không, anh ạ. Lúc trước, tôi có ý định về quê chơi nhưng rồi nghĩ lại thôi.

Những gì Văn nói là sự thật. Chàng có ý tốt đối với Minh, muốn ở gần bên Minh để an ủi, khuyến khích bạn, hy-vọng bạn mình sẽ quên đi quãng đời u tối đó. Nhưng thật ra, Văn còn một lý do nữa mà chính chàng cũng không dám tự thú nhận; là chàng đã thích và quen với lối sống êm đềm, cởi mở âu yếm của một gia đình một đôi bạn trẻ mà chàng coi như gia đình của chàng.

Có lẽ Văn đã tìm ra được chân-lý về ‘yêu’. Chữ ‘yêu’ rất bao la rộng lớn. Ngoài chuyện yêu đương trai gái, yêu tha thiết, yêu nồng thắm, yêu điên cuồng, yêu vội yêu vàng, yêu vơ yêu vẩn, con người vẫn có thể yêu những cái trìu mến, những cái dịu dàng êm đềm, cũng như những sự hy-sinh đi kèm trong đó...

Vừa lúc ấy, Liên tươi cười bưng lên một mâm cơm thịnh-soạn, khói bay nghi ngút. Cả ba người cùng ngồi xuống dùng bữa. Bữa cơm thật đặc-biệt. Ngoài những thức ăn tươm tất ra còn có thêm một chai rượu. Đó là do Liên mua trên phố hồi sáng. Đối với nàng, bữa ăn này cón lớn hơn một buổi tiệc mừng nữa. Vừa là để mừng vợ chồng nàng đoàn tụ lại sau cơn sóng gió, vừa là để tỏ chút lòng tri ân cùng người bạn tốt hiếm có đã hết lòng vì gia đình nàng... Chuếnh choáng hơi men, ba người vui cười trò chuyện, kể nhau nghe bao nhiêu sự việc xảy ra trong một năm qua... Sau khi nói ra hết ra được những gì làm chàng đau khổ bấy lâu nay, Minh như trút bỏ được gánh nặng. Chàng cười thoải mái nói với Văn:

− Anh Văn ạ. Trong đời sống không thiếu gì lạc thú. Song một khi mình vướng vào cái lạc thú nào không hợp với tính tình của mình thì mình đương nhiên sẽ chán ngay. Nhưng khổ nỗi là khi mình chán nó rồi mình lắm lúc tưởng rằng trên đời này chẳng còn gì gọi là thú nữa cả!

Liên không hiểu Minh muốn nói gì. Nàng cau mặt nhìn chồng. Như đọc được ý nghĩ của Liên, Minh liền giải thích:

− Vì lẽ đó mà kẻ trót đam mê rồi sinh ra chán nản có thể tự hủy hoại cuộc đời mình, chẳng hạn như tìm quên trong khói thuốc phiện...

Liên bỗng lo sợ, ngắt lời:

− Thuốc phiện có chóng nghiện không mình nhỉ?

Minh cười đáp:

− Mình đừng lo! Anh không nghiện đâu. Anh không thể nào nghiện được!

− Nhưng nếu mình cứ hút mãi thì biết đâu được!

− Một ông giáo ắt không có quyền nghiện thuốc phiện phải không anh Văn?

Văn chưa kịp trả lời, Liên đã hỏi vội:

− Ông giáo nào thế, mình?

Minh cười, đáp:

− Ông giáo Minh! À, quên chưa nói anh Văn với mình rằng tôi đã đệ đơn xin bổ giáo học.

Văn ngơ ngác hỏi:

− Anh không ở Hà-Nội nữa à? Và không còn viết giúp báo ‘Đời Nay’ nữa sao?

− Tôi muốn xa Hà-Nội một vài năm để quên đi cái đời văn-sĩ!

Liên nghe nói xa Hà-Nội thì tươi hẳn nét mặt, hớn hở nói:

− Phải đấy mình ạ! Có lẽ nên đi xa tìm một cái gì đổi mới coi bộ thú hơn nhiều!

− Cũng chẳng thú gì lắm đâu!... Mà kìa anh Văn, sao anh buồn thiu chảy dài thế kia?

Văn gượng cười:

− Tôi còn mải ăn nên đâu có để ý tiếp chuyện anh chị.

Liên nói:

− Phải đấy! Mình nên ăn cái đã rồi hẵng nói chuyện sau.

Nhưng Văn vẫn buồn rầu, mặt chàng ủ rũ. Minh thấy bạn không được vui bèn ân cần hỏi han:

− Anh sao vậy?

− Tôi có sao đâu.

Thật ra, Văn rất buồn khi nghe tin Minh đột nhiên lại xin đi dạy học rời xa Hà-Nội. Chàng sinh ra chán nản. Sau mấy giây yên lặng, chàng mới lên tiếng bảo Minh:

− Theo tôi thấy thì giá mà anh cứ ở đây tiếp tục viết văn thì hơn... Anh đang nổi tiếng trong nghề viết văn, sao lại bỏ theo nghề dạy học?

− Anh ạ, tinh-thần tôi hiện tại mỏi mệt lắm rồi, thật khó lòng mà viết được nữa!

Văn nói gằn từng tiếng một, giọng có vẻ gay gắt:

− Tôi hiểu anh rồi! Hóa ra anh cũng chỉ tầm thường như trăm nghìn người khác mà thôi! Lúc nào cũng chỉ yêu thích những nghề nào được thiên-hạ trọng vọng, bất luận có phải dùng đến trí óc hay kiến-thức hay không cũng chẳng cần! Phải mà, ngày hai buổi đi làm, cuối tháng lãnh lương, chẳng cần phải ngồi nặn óc! Nhàn rỗi lắm! Đó là chưa kể lúc nào cũng được gọi là ‘thầy’!

Minh ngồi lặng thinh không đáp. Văn vẫn còn hậm hực, chàng tiếp tục nói:

− Nếu như anh không nghĩ thế thì tôi xin hỏi anh: tại sao anh lại bỏ cái nghề viết văn soạn sách?

Minh cố gượng cười:

− Ai bảo anh rằng tôi sẽ bỏ...

Không đợi Minh nói hết câu Văn đã cắt ngang:

− Thế thì tại sao lại xin đi dạy học?

− Chẳng lẽ đi dạy học mà không viết được văn à?

− Thôi, tôi xin anh! Đã bận bịu vào học trò thì chẳng khác nào bận bịu vào con cái. Thì giờ đâu để anh viết văn nữa? Thôi, tôi hiểu anh rồi! Được người ta mến mộ khen ngợi, anh lại sợ phải đem hết sức ra làm việc để xứng đáng mãi với lời khen! Chẳng qua là anh kiêu ngạo, tự đắc và tự phụ!

Minh cười hỏi:

− Còn gì nữa?

− Còn lười biếng và ‘rẻ tiền’ nữa chứ sao! Anh muốn rời xa làng văn giữa lúc anh đang nổi tiếng để gieo ấn tượng vào độc-giả là nếu anh còn viết nữa thì văn của anh sẽ còn hay biết chừng nào, và đồng thời cũng để cho thiên-hạ luyến tiếc nữa, có đúng không? Cái trò này xưa như trái đất rồi!

Giữa lúc ấy, Liên đem nước lên mời. Thấy Văn lớn tiếng gay gắt, Liên hỏi:

− Cái gì mà hai anh sừng sộ với nhau thế?

Minh cười đáp:

− Không phải mình ạ. Chỉ vì anh xin đi dạy học nên anh Văn không đồng ý nên tìm cách thuyết-phục anh trở lại nghề viết văn đó thôi.

Câu nói của Minh vô tình như rót thêm dầu vào lửa làm Văn càng tức tối hơn. Chàng ‘hừ’ một tiếng, lắc đầu nói:

− Tôi không ngờ là qua cơn sóng gió anh lại trở nên hèn yếu đến như thế!

Nghe Văn quở trách, Minh không giận mà trái lại như tỉnh ngộ:

− Cũng chưa muộn đâu anh. Tôi đệ đơn được thì cũng xin rút đơn được vậy. Mà cho dù rút đơn không kịp, tới lúc đó tôi không đi cũng có sao đâu.

Liên ngạc-nhiên hỏi:

− Sao lại không đi?

Minh nghiêm-trang bảo vợ:

− Mình để anh nói chuyện với anh Văn.

Văn như không lưu ý đến câu hỏi của Liên, chàng nhìn Minh nói tiếp:

− Tôi hy-vọng là anh chưa quên chí nguyện của anh như anh ít nhất một lần đã nói qua với tôi. Tôi còn nhớ lần đó anh bảo tôi là: sinh trưởng trong tầng lớp bình dân, anh xem là một trách nhiệm phải đem tài nghệ văn-chương để nâng trình-độ văn-hóa của lớp bình dân lên cao hơn. Tôi có ngờ đâu một người như anh đang thương yêu tha thiết giới bình-dân mà chỉ vì mới nếm qua cái thú nhục dục của đám trưởng-giả đã biến tư tưởng của anh thành trưởng-giả!

Minh cười ngất, nắm lấy tay bạn:

− Tôi mù thì anh và vợ tôi đã hết sức nâng đỡ, tìm đủ mọi cách lấy lại ánh sáng cho tôi. Nhưng cái ánh sáng của tinh-thần thì phải nhờ đến anh nhiều lần mà tôi mới còn được. Từ nay nó sẽ vĩnh viễn ở với tôi mà không bao giờ xa tôi nữa. Và tôi cũng sẽ luôn luôn ở gần anh mà nhận lời khuyên bảo của anh.

Văn cảm động đến chảy nước mắt. Những lời gay gắt của chàng không ngoài mục đích giữ bạn ở lại Hà-Nội, nhưng chẳng ngờ lại trở thành những lời khuyên có giá-trị, được Minh xem như những lời vàng ngọc nhắc nhở bổn phận và trách-nhiệm của mình.

Liên ngập-ngừng hỏi:

− Mình không đi dạy học nữa à?

Minh nhìn Liên tha thiết nói:

− Đúng vậy. Anh sẽ không đi dạy học nữa. Anh sẽ viết truyện để ca tụng những tính tình mộc mạc, ngây thơ tốt đẹp của các cô hàng hoa cũng như hầu hết những cô gái quê... những cô gái như em, nhu mì nhẫn nại, dễ tha thứ và hết sức thương yêu chồng. Bây giờ em mang rượu ra đây! Anh muốn được cùng Liên, vợ anh và Văn, bạn anh nâng ly để ghi nhớ mãi ơn sâu của hai người.

Như sực nhớ ra điều gì, Minh ngần ngừ một chút rồi nói tiếp:

− Trước khi chúng ta nâng ly, anh xin Liên hãy đi tìm số báo có đăng bài thứ nhất của anh. Đó là bài: ‘Cảm tưởng của một người mù’. Em hãy đem bài đó ra đây đọc lại cho anh nghe được không?

Liên đưa mắt nhìn Văn rồi hỏi chồng:

− Lấy bản nháp được không mình?

− Không, lấy tờ báo hay hơn.

Liên ngập ngừng ái ngại:

− Nhưng tờ báo...

− Mất rồi phải không? Anh đã dặn em số báo ấy phải giữ cẩn thận cho anh, sao bất cẩn thế?

− Không mất, nhưng...

Đã từ lâu Văn vẫn mong có dịp để tỏ cho Minh biết hành-động cao thượng của Liên. Đây đúng là một cơ hội tốt, chàng cười ôn tồn đỡ lời cho Liên:

− Không mất nhưng không có bài của anh!

Minh kinh-ngạc hỏi:

− Không có bài ‘Cảm tưởng ...?”.

− Không có!

− Thật là lạ!

Bấy giờ, Văn mới chịu giải thích rõ rệt:

− Chẳng có gì là lạ hết! Hôm ấy chỉ vì chị ấy thương anh nên lấy bản nháp ra đọc mà nói dối anh rằng bài của anh được đăng trên báo.

Minh nghe bạn nói mà muốn trào nước mắt ra ngoài. Rồi như người điên, chàng cất tiếng hát nghêu ngao làm Liên lo lắng tưởng chàng say ruợu. Nhưng sự thật không phải thế. Chỉ vì hiểu rõ thêm được lòng tốt của vợ và bạn mà chàng cảm thấy lòng nao nao, và vì quá vui nên chàng làm thế. Hạnh-phúc êm đềm, đầm thắm mà chàng tưởng đã mất bỗng đâu trở lại và xem ra còn dịu dàng hơn trước rất nhiều.

Nâng ly với chồng và bạn chồng xong, Liên cảm thấy hừng đôi má. Nàng đưa mắt trông ra vườn. Những bông huệ trắng khẽ rung rinh dưới luồng gió mát trông tựa như đàn bướm tung tăng vui đùa...

Một ngày quang đãng bắt đầu. Một cuộc đời mới trong nếp nhà tranh đầy hoa và ánh sáng. Có ba người nhìn nhau, sung sướng cười vang...


Hết