Chương 14 - Màng chi một cây kim, một sợi chỉ ?


- "Chưa có lệnh của tôi thì không có ai được di tản đi đâu hết !"



Đó là lời ông Graham Martin nói với ông Jim Eckes.



Mặc dầu đã có chỉ thị như thế của ông Đại sứ Martin, đã có hàng chục đường dây hoạt động tấp nập, do một số quân nhân hay dân chính Hoa Kỳ tổ chức. Một số người ước tính rằng, với lý do là tránh sự hoảng loạn, Đại sứ từ chối không gánh lấy trách nhiệm.



Đứng cạnh các kho của công ty dịch vụ Continental Air Services, ông Eckes nhìn thấy một xe vận tải nhỏ màu đen đang muốn băng ngang qua khu đất của công ty. Nhìn là biết ngay đó là xe của cơ quan CIA. Ông Eckes chận xe nầy lại. Ngồi ở băng trước là một đại úy Không Quân Mỹ, mạnh dạn nói:



- " Tôi có giấy phép muốn đi đâu cũng được ".



- " Nhưng hình như ông đang đi vào nhà kho của tôi ." Ông Eckes nói.



Hai người cãi nhau, ông Eckes lấy tên của đại úy nầy. Rồi ông theo dõi, thấy xe chạy đến một phi cơ C-130 đậu ở gần một phi đạo. Một số khoảng hai chục phụ nữ, ăn diện đúng cách , cho thấy không thể xuất thân từ Nhà Dòng , nhảy xuống xe và lên hết trên chiếc C-130 đó.



Được báo cho biết sự việc, ông Martin trách vị tùy viên Không quân của ông. Ông nầy trước thì chối. nhưng người ta đưa ra bằng chứng. Và người tùy viên nầy được chánh thức cho rời khỏi Việt Nam, theo lời yêu cầu của ông đại sứ.



Ông Alexandre Casella, một công dân Thụy sĩ, vừa công chức của LHQ vừa nhà báo, là Cố vấn của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ (UNHCR) ở thủ đô Bắc Việt .



Hà Nội có vẻ yên tĩnh, gần như đìu hiu.



Dù ở trong Nam hay ở ngoài Bắc, Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ vẫn lo giúp dân chúng sống rải rác trở về làng mạc của họ. Họ mua các máy cày của Liên Xô, vải sồ của Trung Quốc và trao hết cho người dân Việt Nam . Họ đã có sẵn một mục tiêu: sẵn sàng giúp đỡ tất cả những người dân tỵ nạn nếu Miền Nam sụp đổ. Ông Casella lo về phân bón, gà và những xe chuyên chở hai bánh loại nhỏ để có thể giúp các nông dân gầy lại sự nghiệp của họ.



Tại Hà Nội, ông Casella thường lui tới với nhân viên của Bộ Ngoại Giao và Bộ Canh Nông, và đại diện của CPLTCHMN. Không ai dự đoán trước được gì cả, nhưng Casella để ý tới một biểu ngữ được dán trên tường ở khắp thủ đô: "nước Việt Nam là lương tâm của nhân loại". Đây là câu nói của Sartre. Casella không bao giờ gặp được ông Trần đức Thảo ở Hà Nội , ông này là một thầy giáo, một nhà triết học, một hiện tượng của Mác Lê mà các du khách người Pháp muốn gặp lắm nhưng chánh quyền, nhất là Thủ Tuớng đều tìm cách từ chối khéo: "nhà hiền triết hôm nay ốm, hay ông ở quá xa, đường xá bị hư vì lụt ngập không thể đi đến nhà ông được, mà ông nầy lại không có xe đạp v.v.. các ông sẽ gặp ông ta vào một dịp khác, hay trong chuyến tới...."



Tại khách sạn Thống Nhất, một phóng viên người Liên Xô của tờ Pravda nói với đại diện của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ:



-"Các người Việt Nam ở đây điên hết rồi. Họ đang khiêu khích người Hoa Kỳ đó. người Mỹ sẽ trách cứ chúng tôi , họ sẽ đổ lỗi cho chúng tôi là đã xúi dục người Việt Nam !"



Không biết cái ông Liên Xô nầy muốn dở trò gì đây? thành thật hay đang phản thông tin một cách quá sơ đẳng đây ?



Không khi chánh trị ở Sài Gòn đang sôi sục. Ông Thủ tướng vừa được chỉ định, không ai có ấn tượng tốt với ông hết. Ông đang bỏ ra 10 ngày để thành lập nội các. Trong 10 ngày đó Miền Nam Việt Nam chỉ có Tổng Thống chớ không có Thủ tướng. Trong khoảng trống chánh trị đó, các tay đối lập, những nhà chánh trị già dặn được các trường Pháp đào tạo hoặc mới bị ảnh hưởng của Hoa Kỳ gần đây, sẽ gặp nhau để bàn cãi với nhau về những dự án gần như bất khả thi ngay cả trong thời bình . Họ thành lập ban nầy ban nọ, mưu tính đủ thứ nhưng không có khả năng lập một hạt nhân cho một liên hiệp. Hãy lấy thử hai chánh trị gia Miền Nam thôi, và chúng ta đã thấy là đã có đến 3 ý kiến mâu thuẩn khác với nhau, chống đối nhau công khai rồi ! Bây giờ ta hãy lấy 100 người có trách nhiệm ở Miền Bắc, và chánh thức họ chỉ sẽ có một ý kiến, đó là đường lối của đảng !



Đối lập của Tổng Thống Thiệu, dù họ có muốn thành lập một lực lượng thứ ba hay không thì họ cũng là một nhóm người mà Tướng Dương văn Minh là đầu não. Dĩ nhiên là họ thuộc thành phần tư sản hay tiểu tư sản của các đô thị. Vào giờ phút nầy Miền Nam Việt Nam còn có bao nhiêu đô thị đâu ? Sài Gòn và Tây Ninh thì đang bị Bắc Việt uy hiếp, Cần Thơ, và Mỹ Tho... Lực lượng đối lập chỉ thấy có một số nhóm nhỏ không có ảnh hưởng gì nhiều ở các tỉnh. Có một vài đảng mới đang nộp đơn xin thành lập trong những ngày gần đây.



Trong số những người đối lập với Tổng Thống Thiệu, thì những tín đồ công giáo là những người thật sự chống cộng, lại nghi ngờ lực lượng thứ ba. Theo họ nghĩ thì lực lượng thứ ba đang về hùa chơi với cộng sản. Từ lúc Đức Tổng Giám Mục Địa phận Sài Gòn ngỏ ý muốn Tổng Thống Thiệu ra đi, thì tín đồ công giáo có một số ngã về phía đối lập. Nhưng hầu hết các tín đồ Phật Giáo không thích chánh trị đều rất là cẩn thận, chờ.... Các phần tử đối lập hăng say khác thì quy tụ ở chùa Ấn Quang chung quanh thầy Thích Trí Quang. Một vị sư khác, thầy Thích Tâm Châu, trước thì ủng hộ tướng Thiệu, nhưng bây giờ cũng muốn Tổng Thống ra đi. Linh mục Thanh, người lập ra phong trào chống tham nhũng thì lúc nào cũng nặng lời chỉ trích, nhưng ông không ngả theo nhóm Dương văn Minh; Lực lượng thứ ba không làm cho Tổng Thống Thiệu e ngại, nhưng một số thành viên như nghị sĩ Vũ văn Mẫu ít ra cũng làm cho Tổng Thống bực tức.



Dưới nhãn quan của Tổng Thống Thiệu thì nhân vật đối lập nguy hiểm nhứt và có thế lực nhất là cựu Tư Lệnh Không Quân Việt Nam , đã từng là Phó Tổng Thống và Thủ Tướng của Thiệu, là thiếu tướng Không Quân Nguyễn cao Kỳ. Đó mới là một đối thủ quan trọng.



Tướng Kỳ ở ngay căn cứ Tân sơn Nhứt. Nơi đây ông có một biệt thự gần Trung Tâm Hành Quân của Không Quân. Mỗi ngày đều có các phi công đến chơi với ông, uống một ly rượu với ông. Ông ta giữ tất cả liên lạc với các tướng lãnh và chánh trị gia người Bắc, sinh quán ở Bắc Việt . Hình như tướng Kỳ rất dè dặt thận trọng trong ý định đảo chánh. Từ tháng giêng, ông ta hơi khó chịu.Trong lúc Bắc Việt tấn chiếm Ban mê Thuột thì ông đang ở trong một đồn điền thử nghiệm của ông ở gần đó. Không làm gì hết sau một thời oanh liệt trong quá khứ, ông vẫn có một trực thăng riêng cho mình. Ông đã đến gặp tướng Phú ở Nha Trang, ông đã đi gặp tướng Viên ở Sài Gòn . Sặc sỡ như một tài tử ci nê, ông đã nói thẳng với Tổng Tham Mưu Trưởng rằng :



- "Giao cho tôi 20 chiến xa M.48, 2 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến hay Biệt động quân, với sự yểm trợ của pháo binh và Không quân, tôi sẽ đích thân giải tỏa Ban mê Thuột cho"



Tướng Viên không thể tự mình quyết định được nên điện thoại cho Tổng Thống Thiệu. Ông nầy gởi lời khen tướng Kỳ và nói thêm là:



- "Tôi sẽ xem lại việc đó nhưng tôi nghĩ là tôi cần phải bàn lại với các cố vấn của tôi đã ". Một sự hợp tác và một sự đối đầu lẫn nhau về mục đích đã cột hai tướng Thiệu và Kỳ lại với nhau. Tướng Kỳ đã làm việc với tướng Thiệu. Ham hoạt động, can đảm, nhưng đôi khi hơi bướng một chút, (người ta không quên là tướng Kỳ đã có lúc đòi phải có một Hitler cho Việt Nam), tướng Kỳ cũng không tin tưởng người ngoại quốc còn hơn tướng Thiệu nữa, trong lúc người vợ trước của ông là người Pháp. Ông được đào tạo ở Pháp và ở Maroc, nên ông có một tinh thần chống Mỹ giống như kiểu De Gaulle hay cộng sản vậy, và ghét cả người Mỹ lẫn tính kiêu căng phách lối của họ khi họ thật sự hay giả vờ gạt bỏ ý định đem chiến tranh ra đất Bắc của mình.



Đối với các tướng lãnh nổi bật trong Đệ Nhị Thế chiên, tướng Kỳ thích nghe người ta đánh giá ông ta là một người có khả năng nhất về quân sự, và một người khôn lanh nhất về chánh trị . Ông Thiệu có riêng cả một danh sách đủ mọi thành phần trong xã hội Việt Nam . Trước tiên là tên của tướng Kỳ đúng đầu trong đẳng cấp quân nhân. Ông Thiệu tin dị đoan, còn tướng Kỳ thì không .



Tướng Kỳ được cho nghỉ hưu và ông cho như thế là khôn ngoan. Diễn viên không còn có khán giả nữa rồi. Ông không còn mặc bộ đồ lễ trắng sặc sở đã từng chọc cười các ký giả ngoại quốc nữa, nhưng cũng từng lôi cuốn được nhiều cử tri lắm trong các cuộc vận động ứng cử của ông.



Liên hệ gia đình là điều rất cần thiết để gắn bó hai người Việt Nam , nhứt là các sự liên kết chánh trị và quân sự hay sự kết hợp giữa giữa quân nhân và chánh trị gia với nhau thường được thiết lập từ các mối liên hệ của gia đình. Trong hiện tại, những người đang có một vai trò ở Sài Gòn , hay muốn có được một vai trò nào đó, nhất định phải có một sự hợp tác với nhau trong quá khứ, hay trong một toan tính chung lúc nào đó để kết hợp họ lại với nhau, mặc dầu vẫn có sự nghi kỵ hay hiềm khích lẫn nhau. Tướng Thiệu và tướng Kỳ, tướng Khiêm và tướng Đôn, tướng Minh và một số người khác... tất cả đều đã từng hợp tác với nhau trong việc lật đổ ông Diệm 12 năm trước . Những người nầy vẫn nắm tay nhau . Hồi năm 1963, có đủ thông minh nhưng chưa có đủ hiểu biết, tướng Kỳ được tướng Minh giao cho chức vụ Tư Lệnh Không Quân. Nóng nảy, bực mình vì đang bị đứng ngoài rìa của thời cuộc, đôi khi tướng Kỳ nghĩ rằng các tướng lãnh làm chánh trị nhiều quá. Nhưng trong thâm tâm ông nghĩ rằng làm một cuộc đảo chánh cũng là làm cách mạng đấy.



Vào những ngày đầu tháng 4/75, ông ước tính là muốn có được một cuộc kết hợp chánh trị nào đó, trước hết là phải thắng trận giặc nầy hay phải ổn định được trận tuyến đã . Nhưng ông chỉ vỏn vẹn có một số vốn: đó là tinh thần chống đối người Mỹ. Trong thời gian gần đây, khi được tin xác nhận là ông Thiệu phải ra đi, thì ông thăm dò anh em quân nhân. Tổng Thống Thiệu biết mà không sao ngăn chặn được . Các sự liên lạc giữa những quân nhân trong cuộc đảo chánh 1963 đều dùng mật ngữ . Tổng Thống Thiệu cảnh giác tướng Kỳ bằng hành động bắt giam một vài người thân cận của ông nầy trong Không Quân, vài sĩ quan cấp tá và ông Nguyễn thiện Nhơn, dân sự. Ông cũng bắt hay cho theo dõi một vài nhân vật như Huỳnh thành Vị, Chủ Tịch Hội các nhà báo, và cả ông Nguyễn văn Ngân, một cố vấn của Phủ Tổng Thống và đảng viên đảng Dân Chủ của ông. Không có một cuộc nắm lại tình hình nào mà không có sự thanh lọc hàng ngũ, không có sư thanh lọc nào mà không có những sự bắt bớ tù đày. Tại Bộ Nội Vụ, người ta giải thích về những chuyện bắt bớ nầy rằng :



- "Có một số phần tử xấu đã lợi dụng tình trạng tranh tối tranh sáng để nhảy ra xúi dục dân chúng, gây mất trật tự ở hậu phương, hỗ trợ cho một mưu toan đảo chánh quân sự để thỏa mãn tham vọng cá nhơn. Các phần tử nầy đã bị cơ quan an ninh bắt giữ. Cuộc điều tra đang được tiến hành."



Hơn thế nữa, bản tuyên bố nầy đã tiết lộ ý định của một cuộc lật đổ chánh quyền . Tướng Kỳ không sao tiến tới theo dự tính của ông được nữa. Các tướng tá bạn bè của ông cũng chạy luôn. Ngoài ra ông cũng ngửi thấy là người Mỹ không ủng hộ việc nầy. Có quá nhiều nhân viên tình báo khắp nơi, việc gì người ta cũng biết được hết., có tưởng thưởng hay không cũng vậy. Được bộ phận ở Sài Gòn báo cáo, ông William Colby, giám đốc cơ quan CIA ở Hoa thạnh Đốn đã cho chỉ thị rõ ràng ngày 6 thánh 4:



- "Cơ quan không muốn thấy ông Thiệu bị lật đổ. Nếu cơ quan CIA dính vào chuyện gây bất ổn cho ông Thiệu, thì đó là một sự thảm hại cho chế độ và cho quốc gia . Tuy nhiên cũng phải đề phòng trường hợp xấu nhất: là Tổng Thống Thiệu bị thanh toán."



Ông Colby còn cho lịnh:



- "Nếu tình hình diễn tiến quá phức tạp thì công việc của cơ quan là phải giúp khuyến cáo". Lời dặn dò và gởi gấm của tôi là nếu có gì xảy ra thì chúng ta phải làm đủ mọi cách để Tổng Thống Thiệu và gia đình ông được đưa đi trong một sự an ninh tuyệt đối."



Tất cả các Tổng Giám Đốc CIA từ năm 1963 đều bị hình ảnh cái chết của ông Diệm ám ảnh. Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho hành động gây bất ổn chánh trị nầy.







Tình hình hiện nay coi như quá trầm trọng, cho dù Hoa Kỳ có muốn vi phạm phần nào Hiệp Định Paris hay có ý định cố vấn trở lại vấn đề quân sự cho Việt Nam . Những sĩ quan thân cận với tướng Homer Smith đã hăng hái đưa ra những kế hoạch để giúp cho Miền Nam Việt Nam tái tổ chức các đơn vị lại. Một sự tranh luận của năm nào được đem ra bàn cãi lại: người Mỹ muốn phối hợp các quân nhân thiện chiến với tân binh. Họ nghĩ là họ có thể tái võ trang cho 18 tiểu đoàn bộ binh và 3 pháo đội 105 ly từ nay đến 15 tháng 4. Họ in ra những sơ đồ cho ngày 20 tháng 5 và 30 tháng 9. Miền Nam Việt Nam hy vọng thành lập một số tiểu đoàn, trung đoàn, và lữ đoàn hoàn toàn mới. Đại tướng Viên đã trao cho Tùy viên Quân lực Hoa Kỳ một dự án (có tên là KBC 4002) vừa vô vọng vừa không thực tiễn. Trên giấy tờ coi như một sự phát sinh tự nhiên : lữ đoàn 3 Nhảy dù, sư đoàn 22 bộ binh , binh đoàn 7 Biệt Động Quân, các đại đội Quân Cảnh, các tiểu đoàn công binh, và các trạm quân y lưu động. Các nhu cầu được biến thành phương tiện. Tướng Viên bình thản viết : Phải giải thể các đơn vị Nhân Dân Tự Vệ và Địa Phương Quân của Vùng I và Vùng II Chiến Thuật để bù vào quân số đang thiếu của các sư đoàn bộ binh mới thành lập". Hầu hết các đơn vị nầy đã bị giải tán từ lâu rồi trong chiến dịch triệt thoái khỏi Kontum và Pleiku và các cuộc tháo chạy từ Huế và Đà Nẳng ! Đơn vị nào chạy thoát được thì cũng đang sống rãi rác quanh Sài Gòn với gia đình họ. Tài liệu KBC 4002 ước định là ở cấp tiểu đoàn công tác tái tổ chức phải "hoàn tất trong hai tuần lễ" Thử hỏi quân số thiếu hụt lấy người ở đâu ra ? "Họ sẽ được thay thế sau, hoặc tự tuyển mộ lấy" Các sĩ quan trong Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận lên những kế hoạch làm như họ sẽ không cần phương tiện chuyển vận mà vẫn tuyển mộ tân binh một cách bình thường, với thời gian đem họ đi vất vào các tiểu đoàn. Bởi vì mặc cho ai đánh tiếng là có thương lượng, là có điều đình, các sư đoàn Bắc Việt vẫn tiếp tục tiến quân dù đôi lúc cũng phải có dừng quân. "Trong khu vực lãnh đạo quân sự của Miền Nam Việt Nam hình như người ta đang mơ ngũ" phe đối lập với Chánh Phủ thường hay nghĩ như vậy..



Bộ Tổng Tham Mưu phải trả giá quá đắt hai chục năm sai lầm tai hại của họ cũng như của đồng minh Hoa Kỳ . Tướng Viên thường có thói quen chấp nhận những kế hoạch do người Mỹ soạn thảo. Bây giờ thì đã quá muộn để mà thay đổi.



Phải chăng binh sĩ của Miền Nam Việt Nam thiếu cái mà Clausewitz gọi là "đức tính chiến đấu" ? Chắc chắn là không phải như vậy. Từ năm 1960 đến năm 1974 đã có 250.000 binh sĩ Miền Nam tử trận và hầu hết đều không ai bị trúng đạn từ sau lưng. Báo chí quốc tế thường nhấn mạnh đến các chiến thắng của họ hơn là những tật xấu hay những cuộc tháo chạy trước quân thù. Clausewitz gọi đó là "đức tánh chiến đấu", khác với lòng can đảm và sự hăng say chiến đấu vì lý tưởng của cuộc chiến.. Đúng thế, tánh can trường là một điều cần thiết, nhưng ngay như sự gan dạ đó là một đức tính sẳn có của con người , thì đối với một chiến binh là thành viên của quân đội có thể do vì thói quen và sự tập luyện mà có được , thì tánh can trường nầy phải hướng người chiến binh vào một hướng đi khác hơn với một người thường, không còn theo bản tánh cá nhơn tự lập hay làm theo ý riêng của mình nữa mà phải có thêm sự phục tùng, trật tự, kỷ luật, và phương pháp hành sự. Còn "hăng say phục vụ cho lý tưởng" chỉ nuôi dưỡng ngọn lửa chiến đấu của một quân đội, nhưng không phải là một yếu tố cần thiết."



Các bộ đội của Miền Bắc và các binh sĩ của Miền Nam phần lớn đều là nông dân. Nhìn chung thì tinh thần của họ rất khác biệt nhau. Các binh sĩ Miền Nam đều biết đại khái là họ chiến đấu chống ai ? và chống cái gì ? nhưng ít khi được biết chiến đấu cho ai ? cho cái gì ? Còn cán binh Bắc Việt thì bị nhồi sọ; ngay nếu như tất cả không được biết thế nào là cái tốt cái đẹp của một xã hội xã hội chủ nghĩa , thì ít nhất tất cả đều tin là giải phóng đất nước là một điều cần thiết.



Người cộng sản biết khai thác vấn đề bài ngoại một cách tự nhiên âm thầm, căn cứ trên một chuyện có thực: Phải đánh đuổi bọn quỷ dữ ngoại quốc. Các cán binh Bắc Việt và Việt Cộng đều tin tưởng cấp chỉ huy của họ, bất cứ ở cấp nào cũng vậy, thấp nhất từ dưới chi bộ tam tam chế là phần căn bản của kim tự tháp quân sự cho đến cấp cao nhất trên đỉnh tháp. Còn ở Miền Nam Việt Nam thì không có vậy. Binh sỉ biết rất rõ về sự lạm quyền trong vấn đề thăng thưởng.



Ở Miền Bắc thì các tướng lãnh không bao giờ cho thấy là họ nghi ngờ về đường lối của cuộc chiến hoặc nghi ngờ lẫn nhau. Họ giữ kín sự hiềm khích hay sự ganh đua giữa họ với nhau. Chuyện không bao giờ có ở Miền Nam . Cho tới phủ Tổng Thống - ông Thiệu là tổng tư lệnh - các cuộc bất đồng đụng chạm xảy ra công khai. Từ tháng giêng tới nay, có bao nhiêu binh sĩ đã tự hỏi xem Tổng Thống và Thủ tướng của họ có thỏa thuận được với nhau điều gì chưa ? Không nói tới Tổng Tham Mưu trưởng. Khủng khoản ở lãnh đạo cấp cao xem chừng như rất trầm trọng.



Ở Bắc Việt sự chuyên chế hoàn toàn của chế độ là yếu tố tăng cường cho kỷ luật nội bộ.



Từ năm 1965 đến 1973, các tướng tá ở Miền Nam trong tất cả mọi cuộc hành quân từ nhỏ tới lớn, từ việc đi tuần tiểu, đi mở đường, nằm đường, đến các cuộc hành quân tìm và diệt địch, chạm súng , chiều ngang hay chiều sâu, nhảy dù hay trực thăng vận v.v.. tất cả đều có nhu cầu được hỏa lực pháo binh, trực thăng võ trang hay oanh tạc cơ yểm trợ tối đa, nếu không được các pháo đài bay B.52 từ Thái Lan, đảo Guam hay từ Phi luật Tân qua trải thảm trước .... Họ quá tùy thuộc và còn đang tùy thuộc vào hỏa lực yểm trợ của phi pháo và không trợ. Họ không nghĩ là người ta vẫn có thể chiến đấu mà không có một sự yễm trợ nào như vậy hết. Cán binh Bắc Việt vào chiến đấu đâu ở Miền Nam không hề có được một không trợ nào .



Quen theo những cách suy nghĩ, hay không cần suy nghĩ cũng thế, với một thói quen là cứ áp dụng đúng từng chữ những kế hoạch tấn công hay phòng thủ đã được các sĩ quan Hoa Kỳ soạn sẵn - sau khi được dịch ra - nên Bộ Tham Mưu Miền Nam Việt Nam không có một sáng kiến nào hết. Đó là điều làm người Do Thái ngạc nhiên khi họ đến quan sát Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tướng Viên nhìn nhận là Bộ Tổng Tham Mưu chỉ có nhiệm vụ tư vấn mà thôi. Người ta có thể nói là các sĩ quan Miền Nam Việt Nam có 2 mặc cảm tự ty, một là đối với người Mỹ , hai là đối với bộ đội Miền Bắc .



Mặc dầu các con số vẫn có đầy đủ trên giấy tờ, tại sao QLVNCH vào năm 1975, cũng như năm hay mười năm trước có thể thiếu hụt quân số tác chiến đến như vậy ?



Vào thời điển năm 1975, có thể nào QLVNCH thiếu vũ khí và đạn dược đến mức độ như Tổng Thống Ford, ông Thiệu, ông Viên và những người khác đã đòi hỏi ? Cũng như ông Frank Snepp, một số nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ đã không tin như vậy. Sự thật có vẻ hơi phức tạp. Các kho dự trữ rất quan trọng, - bộ đội Bắc Việt lần hồi khám phá ra trên đường tiến quân của họ- nhưng các kho dự trữ nầy không có gì thích hợp cho cuộc chiến hết. Vào đầu tháng 4 / 75, số lượng cơ phận thay thế (cơ phận rời) cho Thiết giáp và phi cơ thì quá thiếu, trong khi có một trữ lượng vô ích các máy truyền tin rất tối tân và quá đắt . Từ hai năm nay, quân đội bị hạn chế trong việc xử dụng đạn bách kích pháo và pháo binh. Trong các trận đánh lớn hồi năm 1972, pháo binh 105 ly trung bình xử dụng 180 quả đạn trong ngày, và trong 3 tháng nay mỗi ngày chỉ cho phép xử dụng có 10 (mười). Các Bộ chỉ huy đơn vị và các tiểu khu đều muốn giữ chặt đạn dược của họ tồn trử ở các kho nằm rải rác khắp nơi . Sự phân phát rất là tồi tệ và có quá nhiều sự mất mát. Từ tháng giêng 1975, đây đó quân dội thiếu xăng dầu. Nhưng trong tất cả các thành phố, ở các góc



đường, người ta đều thấy bọn trẻ bán xăng của quân đội, một loại xăng màu đỏ rất dễ nhận ra ngay để tránh bị ăn cắp và bán ra ngoài. Và ở khắp nơi, người dân còn có thể mua nhiều vật dụng của quân đội như bình điện của quân xa hay của trực thăng, cơ phận thay thế của quân xa, vỏ ruột xe, mền, mùng màu kaki, áo mưa, giày cao cổ đi rừng, quần áo trận, quần lót, giày và có khi cả nón sắt nữa. Tất cả các thứ nầy đều thất thoát từ các kho của quân đội hay từ sự đồng lõa của các cấp trong quân đội ..



Tướng Trần văn Đôn, Tổng trưởng Quốc Phòng, ước tính là có khoản 1/3 tướng lãnh và sĩ quan cao cấp là còn liêm khiết sạch sẽ, một cách nói khéo để cho thấy là 2/3 kia là có tham nhũng và hối lộ. Linh mục Thanh, người đang cầm đầu chiến dịch chống tham nhũng, đoan chắc rằng đã có sĩ quan nhượng mỗi cây súng trường M.16 cho lực lượng bán quân sự Hòa Hảo ở Miền Tây với giá 20.000 đồng. Ít nhất thì vũ khí nầy cũng còn nằm trong tay của người quốc gia. Từ năm 1973, đã không thấy có báo cáo là các loại vũ khí nhẹ được bán cho Việt Cộng một cách gián tiếp nữa. Binh sĩ của Miền Nam Việt Nam có một số lương quá thấp không đủ sống . Một binh sĩ chỉ được lãnh có 20.000 đồng /tháng, một tướng 3 sao lãnh 5 lần hơn. Do đó họ thường ngả theo cám dỗ là mưu toan đánh cắp các cơ phận rời để bán lại kiếm thêm tiền. Hình như có cả một hệ thống tổ chức.



Trong tình trạng đó, kỷ luật quân sự và lòng yêu nước chỉ có thể bị giảm đi mà thôi. Đã quá muộn để có thể sửa chửa nếu muốn thay đổi được tình hình, nói cách khác là không thể nào cho các quân xa đã mất chạy được vì tìm không ra xăng dầu !



Những yêu sách của tướng Viên và Bộ Tham Mưu của ông đưa ra xem chừng như rơi vào khoảng không vô vọng.



Đại sứ Martin nghĩ rằng nếu QLVNCH được chấn chỉnh kịp thời thì chẳng những có thể giữ vững chiến tuyến mà còn có thể phản công lại được nữa. Nhưng các sĩ quan Hoa Kỳ của tướng Smith thì tỏ ra rất là bi quan. Đại tá William le Gro, trưởng Phòng Tình Báo, ước tính rằng, nếu Quốc Hội có chấp thuận một ngân khoản viện trợ bổ túc, thì "mọi việc coi như đã quá muộn rồi". Ông đã trình bày quan điểm của ông với tướng Weyand . Ngay như các pháo đài bay B.52 dù có tái can thiệp thì cũng không làm chậm được sức tiến quân của Bắc Việt . Họ đang tiến trên các trục lộ lớn, băng qua các thôn xã, các thị trấn, và các thành phố. Nếu Không Quân Chiến Lược can thiệp, thì họ sẽ tàn sát hàng chục ngàn dân chúng Miền Nam . Các pháo đài bay B.52 đã trở thành biểu tượng rồi. Các quân nhân Hoa Kỳ và Miền Nam Việt Nam có kinh nghiệm, đều không quên rằng từ lâu rồi các pháo đài bay nầy không bao giờ thành công trong việc cắt đứt đường mòn Hồ chí Minh để bẻ gãy con đường tiếp vận của Bắc Việt được .







Cũng giống như tướng Thiệu, quân đội Bắc Việt chiến đấu cả trên ba mặt trận quân sự, chánh trị và ngoại giao, nhưng vẫn vững vàng và mạnh mẽ hơn QLVNCH. Chiến lược Hà Nội rất đơn giản : Phải giành chiến thắng quân sự trước khi gió mùa tới, và đồng thời phải cho người ta có cảm tưởng là Hà Nội vẫn sẵn sàng đàm phán.



Yếu tố ngoại giao dường như quan trọng hơn yếu tố quân sự . Chủ trương trong chiến dịch "tấn công ngoại giao" thực sự đang tiến hành. Đó là phải đặt CPLTCHMN lên hàng đầu. Mặt trận quân sự thì ở Việt Nam nhưng mặt trận ngoại giao thì ở trên toàn thế giới, trước hết là ở ngay Ba Lê, tại Pháp.



Trong những ngày nầy, khó có thể khẳng định rằng "lực lượng cách mạng" , trên thực tế gồm toàn các sư đoàn Bắc Việt, là công cụ của "hòa bình". Do đó, đối với đài truyền hình Pháp và trong nhiều bài phỏng vấn báo chí đã soạn sẳn, Bà Nguyễn thị Bình, ngoại trưởng của CPLTCHMN, đã quả quyết rằng "đối thủ của Sài Gòn (Bắc Việt) hiện đang ở thế ...."phòng ngự" :



- " Nếu bây giờ mà chúng tôi tấn công Miền Nam Việt Nam (sự thật ít khi được chấp nhận), thì chúng tôi bắt buộc phải ở vào thế vi phạm Hiệp Định Paris, đối với Hoa Kỳ và Chánh Phủ của Tổng Thống Thiệu. Chúng tôi chỉ muốn Hoa Kỳ chấm dứt sự can thiệp của họ vào chuyện nội bộ của Miền Nam Việt Nam mà thôi."



Và như thường lệ, bà vẫn đòi hỏi một Chánh Phủ " hòa bình, độc lập và dân chủ" v v ..., ở Sài Gòn .



Trong cơ chế dân chủ ở Miền Bắc, người ta áp dụng dân chủ kiểu cộng sản . Ngày 6 tháng 4, "nhân dân" bầu Quốc Hội . Có 529 ứng cử viên cho 499 ghế dân biểu. Gần như chỉ có 2 trường hợp ngoại lệ, còn tất cả các ứng cử viên đều thuộc Mặt Trận Tổ Quốc, nơi tập trung đảng cộng sản, đảng Dân Chủ và đảng Xã hội . Trên lý thuyết thì các ứng cử viên nầy đều thuộc thành phần trung lưu và trí thức. Phương thức dân chủ dự trù trong Hiệp Định Paris và phương thức "dân chủ tập trung" của Bắc Việt với tính ưu việt tuyệt đối của đảng cộng sản, không bao giờ đi chung với nhau được .



Nhật báo của đảng cộng sản ở Hà Nội đã giải thích tinh thần của cuộc bầu cử đó như sau :



- " Mỗi người cử tri phải tỏ thái độ tin yêu và tín nhiệm vào sự lãnh đạo của đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ". Chuyện nầy không bao giờ làm cho người dân ở Miền Nam Việt Nam nói chung và nhất là dân Sài Gòn nói riêng được yên lòng. Nói cách khác, người dân Miền Nam Việt Nam gắn bó với tự do tôn giáo hơn là tự do chánh trị . Được tờ Chính Nghĩa, một nhật báo "Công Giáo Cấp Tiến" ở Hà Nội phỏng vấn, ông Xuân Thủy, một trong các bí thư của đảng cộng sản đã phát biểu là:



- "đảng của những người lao động tôn trọng tự do tín ngưỡng", nhưng lại nói tiếp là : " "Chúng tôi chống lại sự mê tín dị đoan và những người lợi dụng đạo giáo để làm phương hại đến quyền lợi của dân tộc và của đất nước, làm cản trở sự xây dựng xã hội chủ nghĩa "



Tại Hà Nội, ngày 15 / 3 chi bộ đặc biệt có nhiệm vụ cho tiến hành chiến dịch "tấn công ngoại giao" đã ấn định đường lối như sau: Các vị đại sứ của Bắc Việt và các đại diện của CPLTCHMN phải nói thẳng thừng rằng chương trình nghị sự bây giờ là một Chánh Phủ Liên Hiệp . Họ phải cho biết luôn là Chánh Phủ Liên Hiệp nầy sẽ ở ngay Sài Gòn và sẽ có một mức độ độc lập nào đó. Chiến dịch phải được mở rộng và phải hữu hiệu.



Ngày 5 tháng 4, tại Paris, đại sứ Bắc Việt và đại diện CPLTCHMN đã riêng lẻ gặp ông Francois de Laboulaye, giám đốc chánh trị sự vụ ở Quai d'Orsay (Phủ Thủ Tướng Pháp). Nhà ngoại giao Pháp và đại diện CPLTCHMN đã đồng ý là : Phải có một Chánh Phủ Liên Hiệp mà CPLTCHMN là thành phành chủ động. Chánh Phủ Pháp đã coi như ông Thiệu không còn được bao lâu nữa. Họ đã liên lạc với ông Phó Lãnh Sự của họ ở Đà Nẳng và đã cho lệnh ông nầy nên liên lạc với người của CPLTCHMN. Viện trợ về quân dụng sẽ được trao tay cho họ.



Ông De Laboulaye nói rằng nước Pháp mong sao Chánh Phủ Liên Hiệp sẽ phát triển giống như ở Nam Tư, có được độc lập phần nào, mà không nên hoàn toàn giống như Chánh Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Bắc Việt .



Xuyên qua sự trao đổi nầy, chúng ta thấy rõ là dường lối ngoại giao của Pháp từ nhiều năm qua đã dựa trên 4 giả thuyết sau đây :



(1) cộng sản Bắc Việt tiên khởi cũng là những người quốc gia , sau đó mới trở thành cộng sản .



(2) Hà Nội được coi như đại diện cho phong trào "cộng sản quốc gia kiểu Tito" ở Đông Nam Á.



(3) CPLTCHMN là một thực thể riêng biệt, mặc dầu (4) biết hay không biết thì hầu hết các nhân vật quan trọng của Chánh Phủ nầy đều là cán bộ cộng sản có tuổi đảng cao.



Trong Chánh Phủ nầy người ta thấy có đủ các thành phần tư bản, trí thức... không thuộc hàng ngũ mác xít hay xã hội, những người công giáo, phật giáo v.v.....



Trong những tuần lễ sau đó, các cuộc tiếp xúc loại nầy được tiến hành chánh thức hay bán chánh thức khắp nơi ở Hà Nội và cả ở Sài Gòn , ở Stockholm, ở Đông Bá Linh, Varsovie, Prague, Alger.... Hoặc ngay trong tư gia của họ, bên tách trà nóng, hoặc trong các quán ăn Việt Nam , các nhân viên ngoại giao, các nhà báo của Hà Nội và của CPLTCHMN, tiếp tục đóng sâu một cây đinh tương tự, nhắc đi nhắc lại những gì mà họ muốn phổ biến và những gì mà người đối thoại của họ muốn nghe. Với một gịong nửa kín nửa hở coi như một đặc ân, họ rỉ tai :



- "Chúng tôi vẫn biết là có những khác biệt lớn giữa Miền Nam và Miền Bắc mà chúng tôi phải quan tâm....



Và một đôi khi làm như vô tình, các đại diện của CPLTCHMN thở dài :



- " Chúng tôi và các bạn của chúng tôi ở Miền Bắc đâu có hoàn toàn dồng ý với nhau trên tất cả mọi việc đâu ?



Trong một vài trường hợp, thấy cũng có đúng phần nào. Ông Phạm văn Ba, một đại diện của CPLTCHMN ở Paris, một người ít học nhưng có rất cương nghị và thành thật , khi ông nói về những khác biệt giữa Miền Nam và Miền Bắc hay giữa CSBV và CPLTCHMN .



Trong khi chiến dịch tấn công ngoại giao quan trọng nầy đang được tiến hành rộng rãi khắp mọi nơi trên thế giới và ngay tại Việt Nam , thì ở Hà Nội lãnh đạo đảng quyết định là đã đến lúc phải nói thẳng cho các cán bộ đảng viên một cách rõ ràng rằng :



- " Các bài diễn văn nói về việc thành lập một Chánh Phủ Liên Hiệp chỉ là một "đòn hỏa mù". Vấn đề chính là phải chiếm lấy chánh quyền bằng bạo lực cách mạng".



Chính ông Churchill cũng đã từng nói là: trong thời chiến, sự thật rất là quý đến độ cần phải được che dấu kỹ bằng một hàng rào tin vịt".



Tại Sài Gòn , một vài người Mỹ nhận được tin tức về "đòn hỏa mù" của Bắc Việt . Frank Snepp đã được một nhân viên tình báo của mình cho biết nhiều lần từ ngày 7 tháng 4. Nguồn tin nầy vì được cấy ngay trong Bộ Tư Lệnh Cộng sản ở Miền Nam nên đưa nhiều tin rất chính xác. Rất là minh bạch và dứt khoát trong mọi trường hợp : "cộng sản Bắc Việt không đàm phán" . Nhưng từ ông Polgar trưởng cơ quan CIA cho đến ông đại sứ Martin đều không chú ý tới tin tức nầy. Người Mỹ cũng không chịu lưu ý tới những bất đồng quan điểm giữa hai đại sứ Pháp ở Sài Gòn và Hà Nội . Cơ quan tình báo CIA có tất cả các dữ kiện trong tay, không phải chỉ vì các bạn bè nhân viên ngoại giao thông báo tin tức cho họ, mà cũng nhờ họ biết được mật mã của Pháp nên họ mở được một số lớn các công hàm và điện tín. Một số "sư tổ" ở Phủ Thủ Tướng Pháp còn hơn cả ông Mérillon, đều tin là họ có thể chơi lá bài Dương văn Minh : "đưa vào quỹ đạo một Chánh Phủ Liên Hiệp" là chủ trương đã được ông Tổng Thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing hoạch định.



Ông Philippe Richer, đại sứ Pháp ở Hà Nội không có nhãn quan như vậy. Mặc dầu có nhiều bản tuyên bố cố ý muốn làm dịu bớt mùi mác-xít của chính Thủ tướng Phạm văn Đồng cũng như của một số viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao Bắc Việt , nhưng ông Richer vẫn khẳng định rằng đảng cộng sản lúc nào cũng là lực lượng chánh trị chủ yếu trong cái Chánh Phủ Liên Hiệp tương lai nầy. Chuyện không có gì vui vẽ lắm, nhưng nó đã là như vậy từ lâu rồi: "Chỉ có một tảng đá duy nhất để chánh trị dựa vào: đó là đảng CSVN", công điện của ông Richer đã viết rõ như vậy.



Còn theo ước tính của ông Mérillon thì người ta còn có thể tránh được một thảm họa.



Âu cũng là một hiện tượng bình thường thôi : một ông Richer, có nghiêng về cánh xã hội thực đấy, nhưng không bao giờ tin vào lời lẽ dịu giọng của người cộng sản, và một ông Mérillon thuộc cánh trung hữu lại nghĩ rằng người ta cũng có thể lợi dụng họ được.



Ngày 8 tháng 4, Phạm văn Đồng tiếp ông Richer. Thủ Tướng Bắc Việt tỏ ra đồng ý với những gì mà người Pháp "đang làm ở Miền Nam Việt Nam". Dĩ nhiên là họ muốn "bứng" Tổng Thống Thiệu ra khỏi chánh quyền . Phạm văn Đồng đã dùng miệng lưỡi, tán tỉnh, gợi lại những liên hệ tình cảm đã được thiết lập giữa Paris và Hà Nội. Nhân danh quá khứ chung sống thời thuộc địa và cùng chung ngôn ngữ Pháp, ông Đồng cho ông Đại sứ Pháp uống một ly sữa ngọt:



- " Chúng ta có thể làm nhiều việc lắm trong tương lai."



Thủ Tướng còn giải thích là các kỹ thuật gia và các nhà đầu tư người Pháp có thể giúp BắcViệt khai thác các mỏ dầu. Ông nghĩ là điều nầy sẽ làm cho Quai d'Orsay (Phủ Thủ Tướng Pháp) thích thú . Người ta tưởng tượng là các công ty của người Pháp sẽ thay thế các công ty của người Mỹ, khoan dầu ở ngoài khơi của Miền Nam Việt Nam . Phạm văn Đồng lại còn tiếp tục mở rộng chân trời cho vấn đề kinh tế. Nhưng Richer đâu có phải là người dễ bị mắc mưu cộng sản nhưng ít nhất ông cũng nghĩ rằng ông Đồng nói được tiếng Pháp lưu loát, và ông thực sự có mối liên quan về văn hóa với nước Pháp.



Được khắp nơi cung cấp dữ kiện, nhất là của chi bộ đặc trách chiến dịch "tấn công ngoại giao" từ Hà Nội , giả thuyết về nhiệm vụ mà CPLTCHMN phải đảm nhiệm và sẽ đảm nhiệm.. cũng được tung ra ở Sài Gòn . Một giả thuyết có tánh cách vớt vát ! Dĩ nhiên người ta cũng dựa trên những mối bất hòa truyền thống giữa người Miền Nam và người Miền Bắc , đúng hơn là giữa Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Người cộng sản Bắc Việt đâu có ngu dại gì mà nói là sẽ hợp tác hóa nông nghiệp hay xã hội hóa nền công nghiệp ở Miền Nam như họ đã thực hiện ở Miền Bắc ?. Vì trước khi biến thành CPLTCHMN , thì MTGPMN đã có dự trù chương trình tư hữu hóa công nông nghiệp rồi. Sài Gòn sẽ trở thành một đặc khu kinh tế như Hong Kong, một loại Tân gia Ba với tất cả những đặc quyền tư bản của nó. Thêm một luận cứ chót nữa để giúp cho mọi người hy vọng: chúng ta đều ở Á Châu, đều là anh em một nhà, xa lâu rồi nhau bây giờ mới đoàn tụ lại với nhau. Ngay như một vài thành viên trong cộng đồng người Pháp ở Sài Gòn có phương tiện vẫn còn có thể ở lại tại chỗ kia mà !. Không hẳn là vĩnh viễn , mà có thể là 5 năm, 10 hay 20 năm không chừng. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy những người ở Hà Nội thông minh và có thiện chí, như Phạm văn Đồng lúc nào cũng nhắc với các nhà báo hay nhân viên ngoại giao người Pháp rằng "đặc điểm và chuyên ngành của người Miền Nam" sẽ được tôn trọng. Hơn nữa tất nhiên là cấp lãnh đạo của nước Việt Nam thống nhất hoặc tốt hơn nữa là của 2 nước Việt Nam cũng vậy, đều rất cần tín dụng của Tây Phương, cần sự giúp đở về tài chánh và kỹ thuât của Âu Châu . Các anh biết không , dân Hà Nội không muốn hoàn toàn tùy thuộc vào Mạc tư Khoa và Bắc Kinh. Quyền lợi của cộng sản Việt Nam là muốn bắt một nhịp cầu với các quốc gia Đông Phương, do đó mới biểu lộ một sự hòa hoản ở Miền Nam Việt Nam trong tương lai.....



Những bằng chứng về thiện chí của người cộng sản - dù là cộng sản ở Mạc tư Khoa hay cộng sản ở Hà Nội , tất cả đều là những lời nói suông.....



Ở điện Élysée, nơi mà đường lối chánh trị đối ngoại luôn luôn là lãnh vực riêng của Tổng Thống Pháp, cũng như ở Phủ Thủ Tướng (Quai d'Orsay), người ta thường nghe theo tòa đại sứ ở Sài Gòn hơn là tòa đại sứ ở Hà Nội . Ông Valéry Giscard d'Estaing thường có cảm tưởng rằng sẽ có một cuộc dàn xếp nào đó giữa những người lãnh đạo của Việt Nam Ông có nói rõ như thế cho cả ông Tổng Thống Ford và Kissinger, hồi cuối năm rồi, trong cuộc họp thượng đỉnh ở Antilles. Có nhiều chỉ dấu cho thấy giả thuyết của CPLTCHMN trong một chừng mực nào đó đang được vận động ráo riết. CPLTCHMN đang thành hình. Tại Paris, ông Phạm văn Ba hủy bỏ một chuyến du lịch dự trù vào giữa tháng 4 , mà theo lời một phụ tá của ông thì Chánh Phủ của ông muốn "khẩn" bàn cãi sâu rộng với Chánh Phủ Pháp 3 vấn đề :



- trước hết là nghiên cứu chi tiết của vấn đề viện trợ kinh tế cho CPLTCHMN



- Kế đó là duyệt xét thật kỹ vấn đề truyền thông giữa nước Pháp và những vùng được CPLTCHMN chánh thức kiểm soát.



- chót hết, quan trọng nhất là xem xét quy chế và nhiệm vụ của CPLTCHMN ở Paris. Làm thế nào để cấp chiếu khán thông hành ? Dù sao thì vấn đề nầy cũng thuộc chủ quyền của một quốc gia. Ông ta nghĩ tối thiểu CPLTCHMN cũng phải có một tòa lãnh sự ở Paris. Chánh Phủ Hà Nội đã có một tòa lãnh sự, thì CPLTCHMN cũng phải có một tòa lãnh sự nữa để đại diện cho Chánh Phủ mình chớ



Nhưng người của Phủ Thủ Tướng Pháp thì lại đặt nặng vấn đề pháp lý. Họ không tin là cái gọi là CPLTCHMN có được một sự độc lập hoàn toàn trong những năm tháng sắp tới, nhưng họ cũng mong rằng Chánh Phủ Liên Hiệp sẽ có một quyền tự trị tối thiểu nào đó. Những tin tức về một sự tương đối độc lập của cái gọi là CPLTCHMN được nhiều nơi nói đên, đặc biệt là từ Thụy Điển, một quốc gia chuyên binh vực cho Hà Nội . Ông Olof Palme, Thủ Tướng Thụy Điển đã từng tham gia các cuộc tuần hành "chống chiến tranh của Hoa Kỳ". Ở thủ đô Stockholm, các nhà ngoại giao Tây Phương và Đông Phương đều có tiếp xúc với một trưởng phái đoàn khác của CPLTCHMN là ông Trần hữu Khá. Đối với tất cả mọi người ông Khá nầy đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên về sự tiến quân quá nhanh của "quân đội cách mạng". Nhưng khi người ta gọi đó là những sư đoàn Bắc Việt thì ông Khá không chấp nhận cũng không phản đối, mà ông chỉ cười trừ. Có nhiều sự hiểu lầm về cái cười nầy của ông ta lắm. Nếu người ta nói với ông về lực lượng thứ ba và ông Dương văn Minh .. thì ông cũng chỉ cười.. Ông chỉ nhấn mạnh có một điểm:



- " Chúng tôi cần các bạn bè người Âu Châu ".



Mục tiêu của CPLTCHMN là không phải tiến chiếm Sài Gòn bằng vũ lực, ông Khá cũng nhấn mạnh ở điểm nầy; Ông Thiệu phải ra đi. Ông Thiệu nên ra đi.... Sau đó, với lực lượng thứ ba, CPLTCHMN sẽ thành lập một Chánh Phủ Liên Hiệp độc lập đốivới Hà Nội Các nhà ngoại giao, các nhà báoTây Phương đối chiếu các tin tức, các bản tuyên bố và các buổi trao đổi chuyện trò, sau đó thì họ gởi công hàm hay các bài tường thuật về cho cho Bộ hay cho báo chí.



Những người có chút lạc quan thì tự hỏi rằng dù muốn dù không, các tư tưởng "hai màu" của các đại diện CPLTCHMN có thật sự đúng với thiện chí và ý muốn của lãnh đạo Hà Nội hay không ? Còn quá nhiều người bi quan , nhất là người Mỹ, thì cho đó chỉ là những cuộc vận động chánh trị mà thôi.



Tại Hà Nội, CPLTCHMN cho ra môt bản "tuyên bố 10 điểm" liên quan đến đường lối chánh trị của họ trong các vùng mới chiếm. Từ lâu rồi, các bản tuyên bố của Hà Nội và của CPLTCHMN thường có 10 điểm, một con số vừa ý nhất và dĩ nhiên gần như là con số mầu nhiệm của cộng sản . Trong đó điểm số 10 là "bảo đảm sanh mạng và tài sản của người ngoại quốc". Tất cả các tài sản đó là tài sản của tư nhân. ... Phần còn lại là chánh trị thống nhất, hòa hợp hòa giải v.v... bình đẳng giữa người Kinh và dân tộc thiểu số..., nam nữ bình quyền, tự do tín ngưỡng nhưng đừng quên là không có thờ cúng. CPLTCHMN sẽ giúp đỡ nông dân, và ngư dân, "những thợ rừng và những người sản xuất muối" . Những sĩ quan và binh sĩ Miền Nam Việt Nam nào "rời bỏ hàng ngũ địch để trở về vùng giải phóng hay tự nguyện ở lại vùng giải phóng" thì phải đến trình diện với chánh quyền cách mạng. "họ sẽ được giúp đỡ để tìm việc làm", theo đó người ta có thể diễn dịch rằng họ sẽ không bị đưa đi tù. Theo cách xử trí mà không có người quân nhân Miền Nam nào lại tự nguyện ở lại các vùng giải phóng, người ta có thể hiểu ngay là bản tuyên bố của CPLTCHMN chỉ nhằm "xóa bỏ bộ máy hành chánh mà họ gọi là ngụy quyền để thành lập một chánh quyền cách mạng" mà họ cho là "chánh quyền của nhân dân" ở khắp mọi nơi, mọi cấp. Không hơn không kém.



Tất cả các nơi đều chỉ biết dựa trên các tin tức loại nầy, từ các công hàm và các tài liệu của Hà Nội và của CPLTCHMN để mổ xẻ và phân tích tình hình.



Chiến dịch tấn công ngoại giao của cộng sản cũng được tung ra ngay tại Sài Gòn . Ở đây, ông Trần văn Du, giám đốc phòng phân chất và bào chế thuốc, đã xác nhận là ông ta nhân danh CPLTCHMN để gặp một đại diện của tướng Trần văn Đôn Tổng Trưởng Quốc Phòng. Ông nói: "CPLTCHMN muốn đàm phán. Nhưng "không thể có đàm phán được" vì còn sự hiện diện của Tổng Thống Thiệu.". Ông còn nói tiếp :



- "CPLTCHMN mở rộng cửa đón mọi đề nghị. Tuy nhiên, chỉ có thể nói chuyện được với một phái đoàn của chánh quyền mới. Chánh quyền mới nầy phải do một "nhân vật trung lập" lãnh đạo, trong đó phải có thành phần của lực lượng thứ ba, cũng có thể có một số "chánh trị gia thân Mỹ".



Nhưng những người nào thì ông Du không thể cung cấp danh tính được .



Tại Câu lạc bộ thể thao, người ta xác nhận là đại tá Võ đông Giang, người đại diện của CPLTCHMN ở trại Davis, đã có thử liên lạc với tướng Dương văn Minh để thương thảo về việc thành lập một Chánh Phủ Liên Hiệp. Đúng hay Sai ? Một ước vọng khả tín ?? Không ai biết được hết ! Không phải người dân Sài Gòn nào cũng đến chơi ở Câu lạc bộ thể thao nầy, nhưng có thể họ có đón nghe đài giải phóng.. Đài nầy kêu gọi buông súng xuống, đừng giết nhau nữa , nhưng chỉ kêu gọi một phía là QLVNCH mà thôi !



"- Bởi vì chúng ta cùng là người Việt Nam cả..... CPLTCHMN sẽ không đụng tới một cây kim hay một sợi chỉ của đồng bào !"



Có nhiều gia đình ở Miền Nam có con em "tập kết" ra Miền Bắc . Thông thường họ chỉ kháng chiến ở Miền Nam trước 1954, khi tập kết ra Bắc họ không phải là cộng sản . Và có thể họ không bao giờ là cộng sản . Có thể một số đông những người tập kết sẽ trở về Miền Nam mà vẫn không phải là đảng viên cộng sản .



Những lời nói của ông Giám Đốc Phòng thử nghiệm hình như có tiếng vang thuận lợi. Ông đã minh xác là "trong hiện tại, chiến lược của CPLTCHMN là cô lập Sài Gòn với các nơi khác trong nước..... CPLTCHMN không muốn tấn công vào Sài Gòn " Chỉ cần cô lập thủ đô để buộc Sài Gòn phải thay đổi Chánh Phủ . Giải pháp cuối cùng sẽ là giải pháp chánh trị . Ông ta còn tuyên bố là: "sẽ không có tổng nổi dậy, cũng không có tắm máu trong thủ đô"



Tướng Đôn nói với người nầy người khác là ông sẽ ở lại trong Chánh Phủ để chuẩn bị đàm phán vời địch quân. Ông rất tiếc là không có đủ can đảm để xin với Tổng Thống Thiệu cho ông từ nhiệm. Thật là vừa khôn ngoan vừa ích kỷ, vừa thủ đoạn lại vừa thành thật. Con nhà khá giả, năm nay 58 tuổi, sanh ở Bordelais (Pháp), nói tiếng Pháp thật là tuyệt, ông Đôn là một sĩ quan cấp tướng được Pháp hóa nhất trong hàng tướng lãnh Việt Nam, và là một người gương mẫu trong số các quân nhân hăng say hoạt động chánh trị ở Sài Gòn . Ông đã từng đảm nhiệm chức vụ Quân đoàn trưởng, tổng trưởng, dân biểu và nghị sĩ. Ông thấy mình có thể giữ ghế Thủ Tướng hay Tổng Thống nếu cần. Nghịch cảnh khuyến khích ông, thành công không làm ông quá phấn khởi. Giống như tướng Kỳ, ông có nhiều rắc rối với Thiệu, ông biết Tổng Thống Thiệu lúc ông nầy còn là đại tá trong khi ông ta đã là tướng ba sao rồi. Vì là người lịch lãm nên Tổng Thống Thiệu đã dùng ông đi du thuyết ở ngoại quốc. Đã từ lâu ông Đôn nghĩ rằng người quốc gia nên tìm một thỏa thuận nào đó với CPLTCHMN . Nhưng ông Tổng trưởng Quốc Phòng của một tân Chánh Phủ nầy không thể thuyết phục được ai để củng cố được chế độ khi ông nói với người ta là Chánh Phủ nầy chỉ tồn tại được có 15 ngày mà thôi .







Tại Đàlạt, linh mục Jean Mais chờ đợi.. Một cán bộ Bắc Việt khoản 50 tuổi, người nhỏ thó, gầy, đen đúa và đầu húi cua, mặc một cái quần rộng thùng thình... buớc vào cửa Đại Học, chào linh mục, cố gắng nói một vài câu bâng quơ bằng tiếng Pháp nặng chình chịt rồi đi ra.



Thành phố Đàlạt được ổn định lại nhanh chóng. Một anh thợ cắt tóc cầm đầu Ủy Ban Quân Quản Thành Phố đóng tại rạp chiếu bóng trên chợ ở ngay khu trung ương thành phố. Vì linh mục Mais nói được tiếng Việt nên ông Hiệu trưởng trường Trung Học Pháp đến nhờ ông liên lạc với Ủy Ban Quân Quản.



Một nữ sinh viên lớp đệ tứ , nhân viên của Ủy Ban đã trả lời cho linh mục:



- "Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm"



Thôi thì các Hội đua nhau nở rộ, nào là "Hội Các Phụ Nữ Giải Phóng", "Hội Trí Thức Yêu Nướcc".. v.v.... Nếu người nào không chịu vào một Hội nào thì người đó bị coi như "thành phần chống đối" . Ông viện trưỏng Dương tham gia soạn thảo bài diễn văn chào mừng các chiến sĩ cách mạng. Theo truyền thống trong tiếng Việt thì người ta thường ghép danh từ "hân hoan" đi đôi với danh từ "chào đón". Nhưng ông viện trưởng thay vì dùng danh từ "hân hoan" lại nói là "không hân hoan". người ta chỉ trích ông dữ dội, nhưng ông giải thích: - - " Tôi có rất nhiều bạn bè trong số các sĩ quan VNCH. Tôi chào đón cách mạng trong hoàn cảnh một đất nước bị chia rẽ." Người ta bắt ông ngay sau khi mắng chửi ông thậm tệ.



Ủy Ban Quạn Quản tiếp xúc với Đức Giám Mục Lam, địa phận Đà lạt. Ông nầy nhờ linh mục Mais thiết lập một bản kê khai tài sản của trung tâm Huấn Luyện Nông Nghiệp Công Giáo ở ngoại ô Đàlạt.. Linh mục Mais dùng chiếc xe Land Rover cùng với một linh mục khác đi vào nông trường. Đi vòng một con suối có cây cầu bị phá sập, gần đến nông trường, hai người gập một đoàn khoản 60 chiếc xe tăng đang ngụy trang dưới các lùm cây. Các bộ đội Bắc Việt ngồi dưới đất dường như chẳng ai thèm để ý gì đến hai ông hết. Đến nông trường, linh mục Mais gặp những người của Ban Quân Quản. Họ hỏi ông để lấy một số vỉ sắt trong công xưởng, nói rằng : "mượn để lót cho xe tăng qua suối "