Chương 14


Sau tai nạn thảm khốc đó, tôi xìu như bún. Ngón đòn của Ngữ đã đánh tôi trọng thương. Tôi không còn hăng hái tấn công Gia Khanh nữa.
Trong những ngày đó, tôi không thèm nói chuyện với Ngữ. Ở trường cũng như ở nhà, tôi luôn luôn tìm cách tránh mặt nó. Nhưng Ngữ vẫn tỉnh khô. Gặp tôi, nó vẫn nhe răng cười hì hì, ra vẻ ta đây vô can. Nhưng lần này, tôi nhất quyết không để nó lừa. Nó lừa một lần, tôi đã muốn ngất ngư, nó lừa thêm vố nữa, chắc tôi "đứt bóng".
Tôi không thèm nhìn mặt Ngữ. Tôi cũng không thèm nhìn mặt Gia Khanh. Ngồi phía sau, tôi chỉ nhìn... lưng nó. Gia Khanh đẹp, cái lưng cũng đẹp. Hồi Gia Khanh chưa vào học, nhỏ Hồng ngồi ngay trước mặt tôi. Bây giờ nó ngồi nhích sang bên cạnh. Nhưng hồi đó, nhìn mặt tụi con gái tôi cũng chả thèm nữa là nhìn... lưng. Bây giờ, mọi sự sao đổi thay quá sức. Bây giờ, tôi "không thèm" nhìn mặt Gia Khanh chỉ vì tôi không đủ can đảm. Tôi sợ nó phát hiện ra tôi là nhà thơ kỳ thị chủng tộc K.K.K. Nó mà biết, nó méc với nhỏ Hồng, chắc tôi có nước về quê làm Đinh Bộ Lĩnh.
Tôi ngán cảnh cờ lau tập trận nên mỗi lần bất ngờ bắt gặp ánh mắt của Gia Khanh, tôi đều ngó lơ chỗ khác.
Thấy vậy, Bá lắc đầu, bình luận:
- Mày làm vậy không ổn!
Tôi buồn bã:
- Chứ tao biết làm sao!
Bá vung tay, hùng hồn:
- Thiếu gì cách! Thua keo này ta bày keo khác!
- Bày keo gì bây giờ?
- Làm bài thơ khác!
Tôi thở dài:
- Cách này coi bộ không ổn! Thằng Ngữ nắm tờ báo trong tay, nó sẽ phá nữa!
Bá sực nhớ ra. Nó chép miệng:
- Chà, gay go hén! Thằng Ngữ trấn cửa, chắc chắn nó sẽ không để cho mày lọt qua! Thôi, để tao nghĩ cách khác!
Nói xong, Bá cắn môi nghĩ ngợi. Tôi nhìn cặp mắt nheo nheo sau cặp kiếng của nó và không hiểu cái đầu óc "giáo sư" của nó có sắp nghĩ ra được một kế hoạch nào hay ho không.
Đăm chiêu một hồi, Bá bỗng reo lên:
- Có rồi, có cách rồi, Khoa ơi!
Tôi thấp thỏm:
- Mày nghĩ ra rồi hả?
Bá gật đầu:
- Ừ. Có một cách tuyệt diệu mà trước nay tao quên mất.
Thái độ ỡm ờ của Bá khiến tôi sốt cả ruột. Tôi nhăn mặt:
- Cách gì mày nói đại ra cho rồi, cứ vòng vo Tam Quốc hoài!
Bá cười hì hì:
- Đây nè, nghề ruột của mày là nghề vẽ. Vậy mà trước nay mày bỏ rơi hội họa để chạy theo thi ca và âm nhạc. Bỏ sở trường, chạy theo sở đoản, thất bại là cái chắc. Bây giờ mày phải quay về với hội họa mới mong cứu vãn tình hình.
Chính Bá xúi tôi làm thơ tán tỉnh Gia Khanh. Vậy mà bây giờ nó phê bình tôi tối mày tối mặt. Nó làm như nó không chịu trách nhiệm gì về những thất bại của tôi. Nhưng Bá là chúa đổ vấy, tôi không thèm chấp nó. Tôi ngập ngừng hỏi lại:
- Quay về với hội họa là sao?
- Tức là mày dùng hội họa làm phương tiện bày tỏ tình cảm với người mày yêu.
Thấy tôi vẫn ngơ ngơ ngác ngác, Bá tặc lưỡi giải thích:
- Có gì đâu mà không hiểu! Ý tao muốn nói là mày vẽ một bức tranh về Gia Khanh, rồi đem tặng nó.
- À, à... - Tới đây thì tôi bắt đầu hiểu ra ý đồ của Bá.
- Còn "à, à" gì nữa! Đây là độc chiêu của mày. Làm thơ mày thua xa thằng Ngữ. Hát hỏng, mày lép vế thằng Hòa. Chỉ có hội họa là mày độc quyền khai thác, không đứa nào cạnh tranh nổi. Mày tặng bức tranh cho em, em sẽ mê tít thò lò.
Kế hoạch của Bá thật là tuyệt. Nhưng tôi vẫn chưa yên tâm:
- Bức tranh thì đâu có nói lên được điều gì?
Bá trợn mắt:
- Sao lại không nói lên điều gì! Mày vẽ Gia Khanh thật đẹp vào, rồi mày chú thích hàng chữ "chân dung tình yêu" ở dưới. Tao bảo đảm khi nhìn thấy hàng chữ lênh láng tình ý đó, tâm hồn em sẽ lắc lư như con tàu say sóng.
Tôi không biết khi nhận được tặng phẩm của tôi, tâm hồn của Gia Khanh có sẽ lắc lư như Bá dự đoán hay không, còn tôi chỉ mới nghe nó vẽ vời, tô đã thấy đầu óc chếnh choáng và trái tim lảo đảo như người say rượu. Và trong tâm trạng bay bổng đó, tôi nói, giọng ngất ngây:
- Được rồi! Tao sẽ vẽ!
Tôi vẽ bức "chân dung tình yêu" mất đúng một tuần. Hôm đầu tiên, Bá hứa với tôi là sẽ tìm cách đánh cắp tấm thẻ học sinh của Gia Khanh về cho tôi. Nhưng âm mưu của Bá hoàn toàn thất bại. Đánh cắp đồ của tụi con trai thì dễ. Con trai đứa nào cũng đểnh đoảng, hời hợt, hễ mê chơi là quên béng cả trời đất. Tụi con gái lại khác. Đồ đạc của chúng toàn là vật bất khả ly thân, đi đâu chúng cũng mang kè kè bên cạnh. Hơn nữa tụi nó thường có khuynh hướng túm tụm lại với nhau, không chơi trò "xé lẻ" lang thang như tụi con trai, do đó "giáo sư" Bá không có cách nào giở trò đạo tặc ra được.
Không có tấm ảnh trong thẻ học sinh, tôi đành phải vẽ Gia Khanh theo trí nhớ. Đến lớp, tôi nhìn nó chăm chăm. Về nhà, tôi cặm cụi hình dung lại. Tôi nắn nót vẽ từng chút một, vất vả còn hơn trâu kéo cày. Thỉnh thoảng, Bá chạy lại đứng bên cạnh, dòm dỏ và bình luận:
- Cái mũi chưa giống! Mũi Gia Khanh thanh hơn nhiều!
- Cặp mắt nó to chứ đâu có ti hí như mắt lươn vậy!
Tôi dẹp tự ái qua một bên, loay hoay điều chỉnh theo lời nhận xét của Bá. Trước nay, tôi chỉ quen minh họa. Tôi đâu có quen vẽ truyền thần. Tôi sửa tới sửa lui khuôn mặt của Gia Khanh một cách khổ sở. Khổ sở hơn nữa là tôi phải vừa vẽ vừa giấu. Tình địch của tôi đầy rẫy chung quanh. Thằng Ngữ, thằng Nghị, thằng Hòa, đứa nào cũng sẵn sàng làm hỏng công trình của tôi nếu chúng biết tôi lợi dụng "hoa tay" để mong chiếm đoạt sao chổi Halley làm của riêng.
Tôi đặt cuốn sách mở sẵn bên cạnh, vừa quẹt cọ vừa liếc chừng về phía cửa ra vào. Hễ có bóng người thấp thoáng là tôi vội vàng kéo cuốn sách chặn lên tờ croquis và giả vờ chăm chú đọc, ra vẻ ta đây là con mọt sách. Bằng kế sách đó, tôi đã thoát hiểm nhiều lần. Tôi lừa thằng Nghị và thằng Ngữ như lừa con nít. Mỗi lần bị tôi cho vào xiếc, hai tên khờ đó chỉ biết trố mắt xuýt xoa:
- Bộ mày định giành chức "giáo sư" của thằng Bá sao mà suốt ngày cứ ngồi ôm cứng cuốn sách vậy Khoa!
Những lúc đó, tôi chỉ cười, mắt vẫn không rời trang sách. Thấy tôi muốn đuổi khéo, Ngữ và Nghị lạng tới lạng lui một hồi rồi chuồn mất.
Trong bọn, chỉ có thằng Hòa là cứng cổ nhất. Nó lảng vảng quanh tôi hàng giờ, đuổi cách gì cũng không đi. Nó hỏi tôi làm gì đó. Tôi nói tôi đang đọc sách. Nó rủ tôi đi đánh billard. Tôi bảo tôi bận. Gặp Ngữ hoặc Nghị, nghe tôi nói vậy, chúng đã bỏ đi rồi. Thằng Hòa khác. Không những không bỏ đi mà nó còn sà lại bên tôi và giương cặp mắt lé lên, hỏi:
- Mày đọc cuốn gì vậy? Đưa tao mượn chút coi!
Tôi gắt:
- Không có mượn gì hết! Tao đang đọc!
Nhưng Hòa dai như đỉa đói. Nó tiếp tục lẵng nhẵng:
- Tao chỉ coi cái tựa thôi. Rồi trả liền.
Tôi khịt mũi:
- Cái tựa có gì mà coi! Đây là cuốn "Gió đầu mùa" của Thạch Lam.
- Ôi, cuốn "Gió đầu mùa" hả? - Hòa kêu lên - Tao thích cuốn này lắm! Đưa tao mượn chút đi!
Tôi tức muốn nổ đom đóm mắt. Chưa bao giờ tôi thấy thằng Hòa dễ ghét như lúc này. Nó có vẻ muốn đeo dính lấy tôi cho đến chừng nào tôi chịu hết nổi phải lấy bức chân dung tình yêu ra dâng cho nó. Tôi vừa cáu kỉnh lại vừa lo âu, chưa biết phải làm thế nào để tống cổ tên ca sĩ nhiều chuyện này ra cửa thì may sao "quới nhơn" kịp thời xuất hiện.
Bá thò đầu vào phòng và chỉ cần nhìn thoáng qua một cái, nó đã hiểu ngay tình huống gay cấn của tôi. Sau khi nháy mắt với tôi, Bá can thiệp liền. Nó kêu:
- Hòa ơi Hòa!
Hòa quay phắt lại.
- Đi chơi đi! - Bá tiếp tục dụ.
- Chơi đâu?
- Đi đánh billard! Hai ly cà phê, bốn điếu thuốc! Như hôm qua, dám không?
Hòa bị đòn khích tướng của Bá đánh ngay yếu huyệt. Nó quên phắt gió đầu mùa với gió cuối mùa. Mà quày quả đi theo Bá, vừa đi vừa nghiến răng trèo trẹo:
- Hôm qua, tao "khóa sổ" trước mà cuối cùng lại thua, tức ơi là tức!
Hòa la tức. Nhưng nếu nó biết mình đang bị Bá dùng kế "điệu hổ ly sơn" để bẩy ra khỏi "khu vực nguy hiểm", nó còn tức gấp một tỉ lần.
Nhưng dù sao thì sự xuất hiện thình lình của những ông bạn quý hóa này vẫn không ngăn cản tôi thực hiện ý định của mình. Từng ngày, từng ngày, khuôn mặt của Gia Khanh càng hiện rõ trên giấy. Đôi mắt của nó trở nên lung linh và sinh động hơn. Đôi mắt đó âu yếm nhìn tôi như muốn nói: "Hỡi chàng Picasso của lòng em, chàng vẽ đẹp như thế, em không yêu chàng thì còn biết yêu ai". Những lúc đó, tôi phải nhắm mắt lại để nghe cái âm thanh tưởng tượng kia ngân nga trong lòng như hồi chuông mùa thánh lễ.
Cho đến khi Bá đứng gật gù trước bức tranh của tôi thì tôi mới thực sự tin rằng nó đã hoàn chỉnh. Bá ngắm nghía một hồi rồi buột miệng khen:
- Đẹp lắm!
Tôi hồi hộp hỏi:
- Nhưng có giống không?
- Giống hệt! - Rồi Bá tặc lưỡi nói tiếp - Khi nhìn thấy bức tranh này, chắc chắn Gia Khanh không nỡ nào từ chối tình cảm của mày. Bởi vì phải yêu Gia Khanh ghê lắm, mày mới có thể vẽ được một bức tranh tuyệt vời như vậy. Gia Khanh thừa thông minh để hiểu điều đó.
Thật tôi chưa thấy đứa nào tốt với bạn như Bá. Nó ba hoa một hồi, tôi tưởng như mình đang ở trên thiên đường. Tôi tưởng Gia Khanh sắp sửa ôm chầm lấy tôi tới nơi. Tôi phải lim dim mắt cho lòng dịu lại và trong trạng thái bềnh bồng đó, tôi nghe rõ ràng tiếng Gia Khanh thủ thỉ bên tai "Hỡi chàng Picasso của lòng em...". Và dĩ nhiên, một khi Gia Khanh thì thào êm ái như vậy, tôi không ngu gì mở mắt ra vội.
"Giáo sư" Bá thông minh thì thông minh thật nhưng đôi lúc nó lại cao hứng chứng minh là nó cũng có thể ngu hơn bò. Như lúc này chẳng hạn, nó thô bạo phá ngang giấc mộng của tôi:
- Mở mắt ra mày! Làm gì nhắm tịt lại vậy?
Tôi mở mắt ra. Và cau có vặc lại:
- Tao mở mắt hay nhắm mắt kệ tao, việc gì đến mày!
- Ơ, thằng này lạ! Mày phải mở mắt ra mới viết được chứ!
Tôi ngơ ngác:
- Viết gì?
- Thì viết "phụ đề" cho bức tranh "chân dung tình yêu". Mày quên rồi sao?
- À!
Tôi sực nhớ ra và lật đật bước lại gần bàn, cầm lên cây viết. Trong một thoáng, tôi đã kẻ xong dòng chữ đầy ý nghĩa đó bên dưới bức tranh.
Bá đứng ngoài xoa tay:
- Thế là xong! Bây giờ mày có thể gửi tặng em được rồi!
Đến giờ phút này tôi mới cảm thấy lúng túng. Tôi nhìn Bá:
- Gửi cách sao?
Bá nhún vai:
- Thì gửi chứ gửi cách sao! Giống như mày gửi bài cho thằng Ngữ vậy! Bê bức tranh đến trước mặt em, chìa ra và nói: "Anh xin tặng em, trái tim thổn thức của anh!".
- Thôi đi mày! Chuyện nghiêm túc mà mày cứ đùa hoài!
Bá tủm tỉm:
- Thật chứ đùa gì! Mày phải đích thân mang tặng phẩm đến cho em! Đừng có hòng nhờ tao!
Bá biết tỏng ruột gan tôi. Nghĩ đến chuyện giáp mặt Gia Khanh, tôi đã phát rét. Nhưng tôi chưa kịp mở miệng nhờ Bá, nó đã vội vã lên tiếng từ chối trước. Tôi thở một hơi dài thườn thượt:
- Tự dưng tao thấy ngại quá!
- Đừng ngại! - Bá động viên - Ngại là không làm được điều gì hết. Trong tình yêu cần phải dũng cảm. Chúa đã phán "Cứ gõ, cửa sẽ mở". Ông bà mình cũng nói "Không vào hang cọp sao bắt được cọp con". Chẳng lẽ ông bà lại đi xúi dại cháu chắt? Mà Gia Khanh đâu phải là cọp. Nó chỉ là con nai vàng, dễ bắt hơn cọp gấp một ngàn lần!
Bá bắt đầu rao giảng. Mặc dù không thực sự tin tưởng vào những lời lẽ của nó, tôi cũng chẳng còn cách nào khác hơn. Tôi phải đến gặp "đương sự" thôi. Bá nói có phần đúng. Nhát cáy chẳng làm nên cơm cháo gì, chỉ tổ tạo điều kiện cho tụi thằng Nghị, thằng Hòa bóp còi qua mặt. Tôi phải đưa. Nhưng đưa ở đâu?
- Chẳng lẽ tao mang bức tranh đến lớp? - Tôi nhìn Bá, giọng đắn đo.
Bá thản nhiên:
- Thì mang đến lớp chứ sao!
- Tao không dám đâu! - Tôi rụt vai - Ở lớp có bao nhiêu là đứa! Hàng trăm cặp mắt nhòm vào, chắc tao xỉu!
Bá tặc lưỡi:
- Không dám đưa tại lớp thì đưa tại nhà.
- Nhà ai?
- Thì nhà Gia Khanh chứ nhà ai! Chẳng lẽ dụ nó về nhà tụi mình?
Tôi chớp mắt:
- Mày biết nhà nó không?
- Không biết! Nhưng muốn biết thì dễ thôi! Nội trong ngày mai tao sẽ điều tra ra địa chỉ của nó giùm mày!
Trưa hôm sau, vừa tan học ra, tôi ôm cặp đi thẳng về nhà. Bá không về cùng tôi. Nó phóng xe đạp đi làm nhiệm vụ.
Nửa tiếng đồng hồ sau nó mới ló mặt vô phòng. Vừa nhìn thấy tôi, nó vung tay hét toáng:
- Ơ-rê-ka! Ơ-rê-ka!
Tôi đưa ngón tay lên miệng "suỵt" khẽ:
- Nhỏ nhỏ mày!
Bá cười hề hề:
- Tụi nó đang ngồi đấu láo ở nhà trước, chẳng nghe thấy gì đâu! - Mặc dù nói vậy, Bá vẫn cảnh giác hạ giọng - Em trọ ở số nhà 45/27 đường Huỳnh Thúc Kháng.
Tôi vội vã lấy viết ra ghi địa chỉ trên vào sổ tay cho khỏi quên. Đợi cho tôi viết xong, Bá nhăn nhở thông báo tiếp:
- Nhưng em không ở một mình.
Tôi hồn nhiên:
- Tất nhiên rồi! Gia Khanh phải ở chung với gia đình người ta chứ!
Bá ỡm ờ:
- Nhưng gia đình đó có một đứa cũng học chung lớp mình.
Tiết lộ của Bá khiến tôi lo ngay ngáy. Gia Khanh ở một mình, tôi còn hy vọng lui tới "làm quen", chứ nếu có thêm một đứa nữa bên cạnh, chắc tôi không bao giờ dám bén mảng tới đó.
Tôi buồn bã hỏi:
- Đứa nào vậy?
Bá không trả lời ngay. Nó móc túi lấy ra một viên thuốc trăng trắng đưa tôi:
- Mày uống thuốc đi đã!
Tôi trố mắt:
- Sao tự dưng mày kêu tao uống thuốc? Tao có bệnh hoạn gì đâu?
Bá vẫn không rụt tay về:
- Thì mày cứ uống đi!
Tôi tò mò nhìn viên thuốc trên tay Bá:
- Thuốc gì vậy?
- Thuốc an thần.
Tôi kêu lên:
- Tao uống thuốc an thần làm gì?
Bá nghiêm trang:
- Uống để nghe tao nói tên cái đứa ở chung với Gia Khanh chứ chi! Mày không uống, tao nói ra, mày xỉu ráng chịu à nghen!
Vừa lo vừa bực, tôi gạt tay Bá ra, giọng cáu kỉnh:
- Tao xỉu kệ tao! Mày nói đi! Đứa ác ôn nào vậy?
Bá dang hai tay, kéo dài giọng:
- Thì người yêu cũ của mày chứ ai!
- Con Hồng "chà-và"?
Tôi kêu lên thảng thốt. Và trong một thoáng, tôi cảm thấy đất trời như đảo lộn. Trời ơi là trời, sao Gia Khanh nó không ở trọ nhà ai mà nhè ngay nhà nhỏ Hồng nó ở! Nó ở đó khác nào ở trong pháo đài bằng thép, văn thơ nhạc họa nào mà công phá nổi, Bá ơi! Trong cơn tuyệt vọng não nề đó, tôi bất giác nhớ đến bài hát "cảm cúm" mà trước đây Hòa lé hát ghẹo tôi "Thôi là hết, chia ly từ đây. Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi. Còn mơ gì hình bóng xa xôi...". Đúng, kể từ khi phát hiện ra căn nhà trọ của Gia Khanh, tôi cảm thấy nó trở nên xa xôi diệu vợi mặc dù trong lớp nó vẫn ngồi ngay trước mặt tôi. Ngạn ngữ Pháp có câu "Anh hãy cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói anh là người như thế nào". Trường hợp của tôi cũng na ná như vậy, chỉ khác một tí ti "Em hãy cho tôi biết em ở trọ nhà ai, tôi sẽ nói chuyện tình của chúng mình như thế nào". Cứ nghĩ đến chuyện nhỏ Hồng nó thù tôi, nó đem cái chuyện "thương chơi" của tôi năm ngoái nó kể hết với Gia Khanh, tôi đã toát mồ hôi hột. Mà nhỏ Hồng thì có tới cả trăm lý do để thù tôi. Nội cái chuyện tôi "khen" nước da của nó giống giấy các-bon cũng đủ để nó căm tôi suốt đời rồi. Nó mà biết tôi chính là nhà thơ phân biệt chủng tộc K.K.K. nữa, chắc nó lột da tôi làm quai dép xỏ chơi cho bỏ ghét!
Càng nghĩ ngợi, tôi càng chán nản. Tôi buông phịch người xuống giường, mặt mày như đưa đám.
Bá lặng lẽ quan sát tôi nãy giờ, bây giờ mới lên tiếng "hỏi thăm sức khỏe":
- Sắp xỉu chưa "em"? "Anh" đã cảnh cáo trước rồi, ai bảo "em" không chịu nghe?
Đang rầu rĩ, tôi đâm sẵng giọng:
- Anh em cái con khỉ! Dẹp mày đi!
- Ơ, giận cá chém thớt, lạ chưa kìa! - Bá nheo nheo mắt - Mày có dẹp thì mày dẹp thằng Ngữ chứ mắc mớ chi dẹp tao! Chính thằng Ngữ xúi mày yêu nhỏ Hồng chứ ai!
Bá có lý. Những điều nó nói khiến lòng tôi dần dần bình tĩnh lại. Tôi không nổi điên vô cớ nữa. Tôi cũng thôi quạu quọ. Nhưng tôi vẫn cứ buồn. Tôi nói với Bá, giọng xụi lơ:
- Bây giờ để bức tranh ở đâu?
- Sao lại để ở đâu? - Bá tròn mắt - Bộ mày không định tặng cho Gia Khanh nữa hả?
- Tặng sao được mà tặng! - Tôi thiểu não đáp - Nó là con nai, nhưng lại ở trọ trong hang cọp, làm sao lọt vào được mà tặng với biếu!
Bá vỗ vai tôi:
- Đừng bi quan! Phải nghĩ ra kế chứ!
Tôi thở dài:
- Thì mày nghĩ đi!
Bá gõ tay lên trán:
- Được rồi! Đợi tao chút!
Bá trầm ngâm một hồi rồi nói:
- Bây giờ mình phải áp dụng cái mưu kế mà tao từng thí nghiệm với thằng Hòa!
- Kế gì vậy?
Bá trầm giọng:
- Điệu hổ ly sơn! Dụ cọp lìa rừng!
Tôi gật gù:
- Tức là mày định dụ nhỏ Hồng ra khỏi nhà?
- Đúng vậy! Đầu óc mày nói chung cũng không đến nỗi ngốc lắm! Tao sẽ lừa nhỏ Hồng ra ngoài cho mày lẻn vào gặp người yêu, được chưa?
Bá hỏi "được chưa" là thừa. Tôi như người té sông, uống nước đầy bụng, tưởng đi chầu hà bá tới nơi, tự dưng được nó ném cho một cái phao, dù là phao dỏm, tôi cũng phải cố sức níu lấy. Chỉ có điều tôi không biết cái phao của Bá có đưa tôi cặp bến tình yêu nổi không. Hay là nó dụ cọp ra ngoài, lừa cho tôi vào hang xong, nó thả cọp quay trở lại cắn cổ tôi. Nghĩ tới chuyện xui xẻo đó, thốt nhiên tôi rùng mình, mặc dù tôi không tin Bá sẽ dành cho tôi ngón đòn chết người đó. Mày chứ đâu phải thằng Ngữ mà nỡ hại tao phải không Bá ơi!