Chương 15


02h00
03- 05- 1975
Tiếng cánh quạt rì rầm. Lính ngồi im lặng trong lòng chiếc C130 sáng mờ mờ. Nét mặt người nào cũng đều lộ vẻ nghiêm trọng và gay cấn. Không phải họ sợ chết mà vì hồi hộp và kích thích. Đây là lần đầu tiên họ nhảy dù ra bắc, một chuyến nhảy dù quan trọng nhất trong đời người lính mủ đỏ. Đánh Hà Nội. Giải Phóng Miền Bắc. Hơn tháng nay nằm dài trong căn cứ Bình Thủy họ bực bội và khó chịu vì không được làm gì hết khi nghe tin các đơn vị bạn lần lượt tan hàng trước sự tấn công như vũ bảo của địch quân. Họ giận dữ vì tự ái. Niềm kiêu hãnh của một trong nhiều đơn vị thiện chiến nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hoà bị va chạm. Từ bực bội, khó chịu, giận dữ họ đâm ra lo âu và sợ sệt khi nghe tin Long Khánh bị tràn ngập. Lính bồn chồn. Quan dàu dàu nét mặt. Dù không ai nói ra họ đều biết Sài Gòn sẽ thất thủ. Lính lắc đầu khi nghe tin Thiệu từ chức trốn ra ngoại quốc. Trần Văn Hương lên thay. Ông già lụ khụ này làm được gì trong thế nước ngã nghiêng. Hương từ chức và Big Minh lên thay. Thượng sĩ Mùi, một trong những người lính già tuổi đời và tuổi lính của dù hằn học lên tiếng.
- Đéo mẹ... Thằng Minh Bự này làm được cái đách gì mà giao cho nó...

Câu nói tiên tri của ông thượng sĩ già đúng phóc. Lính bàng hoàng và lặng người khi nghe Minh Bự tuyên bố đầu hàng. Lính dù và lính không quân ở Bình Thủy khóc để tang cho nước đồng thời cũng khóc cho số phận của họ và những người thân thương. Tuy nhiên họ lại phấn khởi khi được vị tư lệnh báo tin là sư đoàn dù sẽ được phi cơ chở ra bắc và nhảy dù xuống Hà Nội. Tấn công Hà Nội. Giải Phóng Miền Bắc. Tám chữ này như thứ thuốc kích thích cực mạnh làm sống lại cái hùng khí của những người lính từng có một quá khứ lẫy lừng Diệt Cộng Cứu Nước. Sáng sớm ngày 2- 5- 75 lính dù hớn hở xếp hàng lên máy bay ra bắc. Biết đi vào chỗ chết mà lòng họ cảm thấy vui vẻ và thanh thản. Mỗi người lính đều mang trên cánh tay hay trên ngực áo bốn chữ Sinh Nam Tử Bắc. Họ muốn nối gót tiền nhân bảy trăm năm về trước xâm trên tay hai chữ Sát Thát với ý nguyện diệt kẻ bạo tàn để cho dân tộc được sống trong tự do, ấm no và độc lập. Niềm vui mừng và mong ước của họ càng tăng cao khi máy bay đáp xuống một phi trường xa lạ. Nói chuyện với những người lính của sư đoàn 22 họ mới biết là mình đang ở Vinh thuộc tỉnh Nghệ An. Giấc Mơ Thành Người Quang Trung của lính dù đã trở thành sự thực.

Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng, người anh cả hay con đại bàng đầu đàn của sư đoàn dù đi dài theo hai hàng ghế bắt tay lính. Còi hụ lên ba hồi rồi đèn xanh nhấp nháy. Ông sẽ là người lính dù đầu tiên nhảy vào khung trời đầy lửa đạn phòng không của lính Bắc Việt.
- Go...

Bóng áo rằn lao vào không gian tối mù. Từng người, từng người nối nhau thành hàng dài. Đạn lửa bay thành hàng đỏ rực trong đêm tối. Thân phi cơ rung động mạnh vì bị trúng đạn phòng không. Bóng người gấp rút lao ra khỏi chiếc C130 đang bốc cháy. Phi hành đoàn thản nhiên thi hành nhiệm vụ. Họ chấp nhận cái chết khi tình nguyện tham gia chiến dịch Giải Phóng Miền Bắc. Khi người lính dù cuối cùng rời khỏi máy bay phi hành đoàn của chiếc C130 nhìn nhau. Họ biết họ sẽ chết. Đại úy phi công Thăng nghiến răng. Chiếc phi cơ nhắm ngay chỗ ánh lửa nháng lên ở dưới đất lao xuống. Họ đem cái chết để làm câm họng ổ súng phòng không. Xin chào vĩnh biệt những người lính anh hùng.

Súng phòng không, súng trường, súng đủ loại nổ rền trong đêm. Như những con chim xếp cánh lính dù lao vùn vụt xuống. Có những người chết trên không hay vừa xuống tới đất. Họ kém may mắn hơn các chiến hữu của mình là không được nhìn thấy hoa dù nở đầy trên nền trời đỏ lửa đạn của vùng Sơn Tây - Hà Nội.
Xuống tới đất tướng Lưỡng và bộ tham mưu phải mất hơn hai tiếng đồng hồ mới bắt được liên lạc với ba lữ đoàn trưởng. Vì đêm tối thêm xa lạ với địa thế do đó họ khó nhận biết mình đang ở đâu. Tướng Lưỡng cho phép lính nằm tại chỗ chờ trời sáng. Tám giờ sáng tướng Lưỡng được lính cho biết bộ tư lệnh và lữ đoàn 2 đang ở trong vùng Phúc Thọ, còn lữ đoàn 3 rơi vào vùng Đan Phượng trong khi lữ đoàn 1 rớt vào vùng Thạch Thất. Lính có hơn hai trăm chết và bị thương. Ông ra lịnh cho lữ đoàn 1 di chuyển tới Liên Quán còn lữ đoàn 2 tiến tới Phùng. Ba đại đội trinh sát 1, 2 và 3 cũng được đi trước để thám sát tình hình. Nhiều cuộc chạm súng khá dữ dội nhưng không đáng kể vì chỉ ở cấp trung hoặc đại đội mà thôi. 15h00. 03- 05- 1975. Ba lữ đoàn của dù đã vào vị trí được ấn định.

06h00
03- 05- 1975
Nguyên cả bãi biển dài thuộc hai quận Hải Hậu và Giao Thủy tỉnh Nam Định đầy đặc lính của ba sư đoàn 1, 2 và sư đoàn Giải Phóng Hà Nội. Tiếng xích sắt của xe thiết giáp nghiến trên cát. Tiếng người gọi nhau ơi ới. Xe kéo đại bác chạy ào ào. Chuẩn tướng Thân, tư lệnh sư đoàn Giải Phóng Hà Nội cùng với đại tá Lý tham mưu trưỏng chúi đầu vào bản đồ bên cạnh chiếc xe jeep có ăng ten thật cao. Trung úy Bình, sĩ quan tùy viên của tướng Thân ôm lấy máy liên lạc.
- Thưa tư lệnh... Trung đoàn 1 của ông Hùng báo cáo là họ đang ở Đông Ba còn trung đoàn 2 ở Đào Khê và tiểu đoàn 1 của trung đoàn 3 đang ở Liễu Đề...

Gật gù tỏ vẻ hài lòng đại tá Lý quay qua hỏi thiếu úy An, vị sĩ quan liên lạc của mình với sư đoàn 1 và 3
- Mình có tin gì về sư đoàn 3...
- Dạ... Đơn vị đầu tiên của tướng Hinh đang ở cách Ninh Bình chừng hai chục cây số...
Họ còn cho biết là trung đoàn 1 của họ sẽ tới đèo Tam Điệp khoảng 12 giờ trưa nay...
- Còn sư đoàn 1 và 2?
- Thưa đại tá các đơn vị đầu tiên của họ đã vượt qua sông Ninh Cơ và trên đường tiến về Nam Định...

Quay qua chuẩn tướng Thân đại tá Lý bàn.
- Mình nên thúc quân đi nhanh... Mình theo đường nhỏ xa hơn lại không có xe nên nếu không chạy bộ thời mình sẽ không bắt kịp sư đoàn 1 và 2...

Gật đầu đồng ý tướng Thân bốc máy ra lệnh cho các trung đoàn trưởng phải thúc quân đi nhanh. Bị cấp trên thúc bách ba trung đoàn trưởng dẫn lính chạy. Trung tá Hùng chỉ huy trung đoàn 1 được lịnh phải có mặt nơi ngã ba đường 493 và quốc lộ 10 vào lúc 12h00.
- Sao không thấy máy bay của địch?

Lính xì xầm. Trung úy Bính, đại đội trưởng lên tiếng.
- Anh nghe nói biệt động quân đã đột kích phi trường Cát Bi ở Hải Phòng. Có lẽ vì vậy mà mình chưa thấy máy bay của địch...

Ngước nhìn bầu trời xanh lơ không một gợn mây Bính cười tiếp.
- Sớm muộn gì nó cũng xuất hiện... Máy bay từ Hà Nội tới đây gần lắm...

Bính vừa nói xong mọi người chợt nghe tiếng động rì rầm rồi mấy chấm đen xuất hiện nơi hướng tây bắc.
- Máy bay địch...

Lính la rầm trời tuy nhiên họ vẫn tỏ ra không sợ hãi hay tìm chỗ núp. Có người còn bạo gan đứng chỉ chỏ hay cười đùa. Mấy chấm đen lớn dần dần cho tới khi lính thấy rõ là bốn chiếc máy bay sơn màu đen với lá cờ đỏ có ngôi sao vàng.
- Máy bay vẹm...

Bốn chiếc máy bay đảo một vòng thật lớn rồi bắt từ xa chúc đầu xuống. Ánh lửa loé lên từ hai bên cánh. Tạch...tạch...tạch... Tiếng đại liên nổ dòn tan. Bom nổ ầm ầm.
Đạn cày thành hàng dài trên mặt đường. Lính nằm rạp trên mặt đất. Tiếng la hét của những người bị trúng đạn.
- Bắn...

Đại liên M60 nổ rền. Từng hàng đạn lửa bay theo sau đuôi máy bay. Bốn chiếc máy bay vừa đảo một vòng thứ nhì thời lính reo hò khi thấy mấy chấm đen xuất hiện nơi hướng nam.
- Máy bay mình anh em ơi...

Bốn chiếc máy bay có cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện. Cuộc không chiến đầu tiên mở màn. Lính đứng giữa đường say mê theo dõi cảnh máy bay mình đánh nhau với máy bay địch. Họ reo hò khi thấy chiếc máy bay mang cờ đỏ ngôi sao vàng bốc cháy giữa không trung rồi nổ tung thành trăm ngàn cụm lửa nhỏ. Cuộc không chiến chấm dứt khi ba chiếc máy bay địch bỏ chạy về hướng tây bắc.

Thương binh và người chết được để lại cho bộ tư lệnh lo. Trung tá Hùng thúc trung đoàn của mình vượt qua sông Nam Định. Ba lô trên vai, súng cầm tay lính chạy như điên cố theo kịp cấp chỉ huy. 11h30. Hùng cho trung đoàn dừng lại để thở khi được Thiên báo cáo đã thấy ngã ba đường số 10 với đường 493 và quận lỵ Gôi. Vừa ăn trưa xong đang phì phèo điếu thuốc Hùng nhận lệnh từ chuẩn tướng Thân phải có mặt ở Phủ Lý đúng 19h00. Trung đoàn 1 của Hùng phải theo quốc lộ 1 đi về Phủ Lý. Lật bản đồ Hùng và bộ chỉ huy trung đoàn xanh mặt. Từ Gôi họ phải đi Ninh Bình để gặp quốc lộ 1 rồi từ đó đi Phủ Lý. Đường xa mấy chục cây số mà lính chỉ có xe lô ca chân. Dù sao lệnh đã ban ra và họ phải thi hành. Hùng dẫn lính chạy. Từ Gôi tới tỉnh lỵ Ninh Bình khoảng sáu bảy cây số nguyên cả trung đoàn từ quan tới lính chạy trong thời gian kỷ lục. Hai tiếng rưởi đồng hồ. Lực sĩ thế vận hội cũng chưa chắc chạy nhanh hơn họ. Ngừng lại để thở Hùng nói với Định, trung đoàn phó và Hành sĩ quan hành quân.
- Hai ông phải gọi ông Thân xin tiếp tế gạo chứ chạy kiểu này lính ăn dữ lắm...

Vượt qua cầu Ninh Bình họ mừng rỡ khi thấy lính của sư đoàn 3 đi đầy trên đường phố.
- Mấy anh đi xe hay sao mà tới nhanh vậy?

Hành hỏi một ông trung úy. Ông này cười khà.
- Xe gì... Xe này nè đại úy...

Anh ta đưa hai chân ra đoạn nói tiếp.
- Tụi tôi bị ông Hinh hối chạy ói cả cơm. Ổng là tướng mà chạy dẫn đầu thời mình lính không chạy đâu có được. Bởi vậy tụi này tới Ninh Bình hồi 9 giờ sáng. Còn hai trung đoàn khác bị ổng bắt phải tới Tam Điệp và Bỉm Sơn hồi 12 giờ...

Hùng cười.
- Hóa ra mình còn may mắn hơn họ...

Lính có mười lăm phút nghỉ để hút thuốc. Theo quốc lộ 1 Hùng dẫn lính chạy một mạch tới Hoa Lư. Định cười nói với lính.
- Đây là quê hương của Đinh Bộ Lĩnh. Rất tiếc mình không có thời giờ để vào thăm động Hoa Lư...

Lính truyền miệng cho nhau biết là họ đang ở Hoa Lư, nơi chôn nhau cắt rún của cậu bé chăn trâu họ Đinh rồi sau này trở thành ông vua của nước ta.

Hai giờ chiều họ tới cầu Gián Khẩu. Cây cầu sắt bề ngang rộng chừng mười thước còn loang lổ vết bom đạn. Chạy lẫn trong lính Định vừa thở vừa chỉ tay về hướng bên mặt.
- Cầu Gián Khẩu bắt qua sông Hoàng Long. Ở dưới kia là bến đò Gián Khẩu nơi sông

Hoàng Long gặp sông Đáy. Mấy em biết chuyện Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh đánh thằng thái thú ác ôn Tô Định không?


Lính im lặng một lát rồi có người lên tiếng.
- Hồi còn đi học em có học về chuyện Hai Bà Trưng nhưng lúc đi lính rồi thời quên hết. Ông thầy biết kể cho tụi em nghe đi ông thầy...
- Cách đây gần hai ngàn năm Hai Bà Trưng vì lòng yêu nước thiết tha đã hô hào dân chúng nổi lên đánh đuổi quân Tàu giành lại tự do cho xứ sở. Hai ba năm sau tên tướng Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Bị thua trận hai bà nhảy xuống sông Đáy tự tử chết. Con sông Đáy đàng kia là một nhánh của sông Hồng. Nó chảy qua tỉnh Sơn Tây, Ninh Bình rồi đỗ ra biển. Khúc sông mà Hai Ba Trưng nhảy xuống nằm trong tỉnh Sơn Tây mà dân địa phương gọi là sông Hát. Riêng về bến đò Gián Khẩu thời cách đây gần hai trăm năm quân Tây Sơn đã bắt trọn đám quân do thám của Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống tại bến đò Gián Khẩu khiến cho đám quân tàu như mù như điếc không biết rằng vua Quang Trung và binh Tây Sơn sắp tới Thăng Long...
Định kể cho lính biết về bến đò Gián Khẩu khiến họ nức lòng chạy quên cả mệt nhọc. Lính chạy ào qua cây cầu bắt ngang sông Đáy đi về Thanh Liêm. Hùng ra lệnh cho lính nghỉ. Liên lạc với bộ tư lệnh anh được biết trung đoàn 2 đang ở trên đường liên tỉnh 485 đâu đó trong địa phận của quận Thanh Liêm còn trung đoàn 3 và bộ tư lệnh của tướng Thân đang ở một địa điểm gọi là Bình Mỹ nằm cạnh quốc lộ 21.

Hút vừa xong điếu thuốc, hớp một hớp nước Hùng ra lệnh di quân. Hành đề nghị.
- Phải cho lính vừa đi vừa hát thời đỡ mệt hơn...

Định cười nói lớn.
- Ông hát trước đi rồi bọn tôi phụ họa...

Gật đầu Hành cất giọng.

- Ngày bao hùng binh tiến lên...

Hành vừa hát xong câu đầu tiên là Hùng, Định và các người lính ở gần cao giọng hát.

- Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành...
Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Ði là mang mối thù thiên thu...

Nguyên cả trung đoàn lính hai ngàn người đồng thanh lập lại.

- Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Ði là mang mối thù thiên thu...

Súng mang trên vai, lính của trung đoàn 1 thuộc sư đoàn Giải Phóng Hà Nội vừa bước đều vừa hát vang trên quốc lộ 1. Họ di hành nhịp nhàng nhưng nhanh không kém gì chạy bộ.

- Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam...
Kèn vang theo tiếng chân đang rồn rập xa xa
Tiếng gào thiết tha
Ngàn lời chính khí đưa
Ấm ầm tiếng thét hoà
Rầm rầm tiếng súng sa trường xa
Hồn say khi máu xương rơi tràn đầy, ngập biên khu
Oán thù khắp nơi
Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa...

Hùng mỉm cười nhìn hai ngàn người lính dưới quyền chỉ huy của mình trẩy đi nhanh hơn gió cuốn. Dường như hồn thiêng sông núi đã nhập vào bài hát gây niềm kích thích mãnh liệt khiến họ bước đi không biết mỏi mệt.

- Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Ði là đi chiến đấu...
Ði là đi chiến thắng
Ði là mang mối thù thiên thu...

Chính giữa đoàn quân hát câu " Đi là đi chiến đấu " thời đầu đoàn quân hát tiếp " Đi là đi chiến thắng " và cuối đoàn quân hát câu " Đi là mang mối thù thiên thu " rồi sau cùng cả đoàn quân dài lê thê đồng hát.

- Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam...

Hai chữ Việt Nam vừa dứt trong hàng quân nổi lên giọng hát hùng tráng.

- Một cánh tay đưa lên
Hàng ngàn cánh tay đưa lên
Hàng vạn cánh tay đưa lên...

Bốn ngàn cánh tay của lính giơ lên cao cùng với tiếng hát vọng vang rừng núi của vùng Ninh Bình.

- Quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính
Ðập phá tan mưu toan, đầu hàng cái quân xâm lăng
Hoà bình phải trong vinh quang
Ðền công lao bao máu xương hùng anh
Nào đứng lên bên nhau
Nào cùng sát vai bên nhau
Thề nguyền với vung tay cao
Quyết đấu tranh đến khi nào đạt thành mong ước
Vận nước trong tay ta
Là quyền của quân dân ta
Tình đoàn kết quê hương ta
Chận âm mưu chia cắt thêm sơn hà...

Mấy ngàn cánh tay nắm chặt đưa cao lên cùng với tiếng thét phẫn nộ.

- Quyết chiến...
Thề quyết chiến...
Quyết chiến...
Quyết không cần hoà bình đen tối
Chẳng liên hiệp ngồi chung quân bán nước vong nô.
Quyết chiến...
Thề quyết chiến...
Quyết chiến...
Ðánh cho cùng dù mình phải chết
Ðể mai này về sau con cháu ta sống còn...
Vận nước đang vươn lên
Hàng ngàn chiến công chưa quên
Hàng vạn xác quân vong nô
Đã chứng minh cho sức mạnh hào hùng quân dân
Thề chớ bao lui chân.
Ngồi cùng với quân xâm lăng
Ta thà chết chớ không hề lui
Quyết không hề phản bội quê hương...

Mấy ngàn người đồng lập lại câu " Quyết không hề phản bội Việt Nam... Việt Nam... "
Bằng cách vừa di hành vừa hát lính của sư đoàn Giải Phóng Hà Nội đi một mạch tới bốn giờ chiều mới dừng lại ở làng Đông Xá. Dân chúng bu lại chào hỏi. Dường như đã biết tin lính miền nam sẽ đánh vào Hà Nội nên họ không có vẻ ngạc nhiên lắm. Dù thái độ và lời nói vẫn còn dè dặt nhưng khi lính xin nước uống họ cũng vui vẻ cho. Riêng con nít thời thân thiện hơn. Lính hỏi tình hình thời họ cho biết là bộ đội đã chạy hết về Phủ Lý rồi. Cơm nước xong trung đoàn 1 từ quan tới lính lại bắt đầu vừa đi vừa hát cho tiêu cơm.

17h30.
Bốc máy báo cáo cho tướng Thân biết là trung đoàn của mình đã thấy thị xã Phủ Lý xong Hùng nói với Định và Hành.
- Trung đoàn 2 và 3 đang đụng với tụi nó trong phố. Ông Thân bảo mình tìm cách vượt qua Phủ Lý để bắt đường 21 đi về Hoài Đức. Có thể mình sẽ gặp Dù ở đấy. Sư đoàn của mình sẽ theo đường 21 về vùng Sơn Tây để đánh vào mặt tây nam Hà Nội còn mặt nam để cho sư đoàn của ông Điềm và ông Nhựt lo. Cho lính ngủ một giấc tới nửa đêm là mình dọt...