Hai Quan Niệm
Sáng hôm sau, khi về tới huyện, Lộc đi thẳng vào nhà trong, tuy ở Công đường các thầy thơ lại đã đương lúi húi làm việc, và dân đã đứng đợi đông đen nghịt ở ngoài hiên.
Nét mặt bơ phờ, chàng vào buồng nằm nghỉ, vì đêm hôm trước, chàng thức suốt sáng không chợp mắt.
Thấy Chàng kêu ốm, vợ buồn rầu theo vào buồng, hỏi thăm. Lộc biết vợ có tính hay lo sợ nên cười gượng nói:
- Không, tôi không sao đâu, chỉ nhức đầu qua loa thôi, thế nào lát nữa cũng khỏi.
Vợ vẫn không được yên lòng nói đi mời thầy lang thì chàng gạt:
- Ấy, để vậy thì tôi khỏi, chớ mợ mà đi rước thầy lang về thì bệnh lên rầm rầm ngay bây giờ.
Câu nói đùa khiến người vợ cười khanh khách rồi vui vẻ hỏi:
- Cậu đi Hà Nội sao không mua lấy vài cân lên để mẹ xơi.
- Ấy, tôi quên đấy mợ ạ.
Hai người lặng yên, hai tâm hồn cùng đương rung động bởi những ý nghĩ ngấm ngầm.
Lộc lấy làm lạ rằng vợ bỗng lại có cái tính ôn tồn đáng quý như mấy năm mới cưới. Phải, ba năm đầu, ái tình chân thật lặng lẽ của người vợ trẻ đã đem đến trong gia đình chàng nền hạnh phúc êm đềm đầm ấm. Bà Án luôn mồm khen ngợi và kể lể với con những đức tính tốt của nàng dâu. Muốn đẹp lòng mẹ, chàng đã đổi hẳn, lạnh lùng buồn tẻ, chứ không vui cười nhanh nhẹn như xưa.
Trong khi ấy, vợ chàng vẫn hết sức chiều chuộng để cố độc chiếm ái tình mà kẻ khác đã cướp mất, hay đương cùng mình ngấm ngầm san sẻ. Đoạn tình sử của Lộc, nàng đã rõ từ ngày chưa cùng chàng nên chồng vợ.
Những hôm nàng thấy chồng ít nói, ít cười, lúc nào cũng có dáng tư lự là những hôm nàng mất ăn, mất ngủ, nhưng lại là những hôm nàng trở nên một người đàn bà hoàn toàn âu yếm, vui vẻ đảm đang.
Biết Lộc kính yêu mẹ, nàng để hết tâm trí vào sự phụng dưỡng mẹ chồng, nhẹ nhàng từ lời nói cho đến dáng điệu, nhẫn nại đến nỗi đôi khi bà Án quá nóng nảy mắng nhiếc oan, nàng cũng chỉ ngọt ngào xin lỗi.
Lộc thấy vậy, càng ngày càng thêm vị nể vợ. Có khi chàng đương buồn bực về một việc gì, thoáng thấy vợ, chàng phải cố làm ra mặt vui tươi để vợ khỏi khổ sở, khỏi ngờ vực rằng mình tưởng tới Mai.
Nhưng mọi sự đều có giới hạn. Nhất là sự miễn cưỡng tự ép mình làm việc gì để tới một mục đích khó khăn. Sau ba năm, chịu biết bao nhẫn nhục, lại đau đớn vì cái chết của hai đứa con, vợ Lộc hình như đổi hẳn tính nết. Mềm mại dịu dàng, nàng trở nên cau có, gắt gỏng; vâng lời kính cẩn, nàng đổi ra hỗn xược, vô lễ...Như thế trong gần một năm nay rồi, Lộc cũng hơi lấy làm khó chịu nhưng chàng chỉ khuyên can, an ủi chứ không hề mắng, trách giận dữ bao giờ.
Nay bỗng thấy vợ lại trở lại có tính nết ngôn ngữ, cử chỉ ngày xưa thì chàng hỏi sao không cảm động!
- Cậu ạ, mẹ đi lễ đền Vân đấy.
Sau một tiếng thở dài, chàng trả lời vắn tắt:
- Thê à?
Ngẫm nghĩ một lát, nàng lại nói:
- Đền Vân có tiếng anh linh lắm, cậu ạ.
- Thê à?
- Tôi xin theo hầu mẹ, nhưng mẹ không cho đi.
- Đi làm quái gì?
Câu trả lời cộc cằn của chông khiến vợ lấy làm lạ. Nàng gợi đến chuyện bà Án cũng chỉ vì khác hẳn mọi lần, lúc chàng mới về, nàng không thấy chàng hỏi tới mẹ, người mẹ mà chàng kính yêu, người mẹ có đủ oai quyên bắt con phải cùng nàng kết hôn. Thế mà nay đi chơi về chàng không hề hỏi qua một câu, không biết rằng mẹ vắng nhà nữa. Chắc đã xay ra sự gì đây? Người đàn bà, nhất là người yêu bao giờ cũng là một nhà tâm ly học trông rõ lòng người, như là trông vào trang giấy có chữ:
- Cậu ơi, cậu lo nghĩ điều gì thế?
Lộc nhìn vợ đáp:
- Không, có điều gì đâu!
Muốn tránh sự ngờ vực của vợ, Lộc đứng dậy mặc quần áo ra công đường.
Ngồi bàn giấy, Lộc chống tay nghĩ ngợi. Dân cầm đơn vào kêu, chàng vẫy tay trỏ sang buồng thầy lục Sự. Rồi chàng lấy giấy viết Cho Huy bức thư, bức thư bị Mai xé vụn...
Hôm ấy mãi quá mười hai giờ, cả nhà mới ăn cơm sáng, vì còn chờ bà Án đi lễ về nhưng Lộc ăn trước để còn đi nghỉ trưa. Đó là một sự ít khi xảy ra.
Mọi lần dầu trễ đến đâu, Lộc cũng chờ mẹ về, mới ăn cơm.
Lộc cố ý tránh mặt mẹ, hình như không muốn cùng mẹ nói tới câu chuyện đau đớn có thể làm giảm lòng kính yêu của chàng đối với mẹ, và làm hư tổn lòng tự ái của mẹ đối với mình.
Nằm trong buồng, vờ ngủ nghe tiếng cười, cấu nói của mẹ, chàng tưởng tượng có giấu bao sự lừa dối ở trong. Chàng kinh hoảng lấy tay bịt lại. Lúc buông tay ra, tiếng nói nhu mì êm ái của vợ như an ủi lòng chàng được đôi chút. Nàng nói với mẹ chồng:
- Bẩm mẹ, nhà con chỉ cảm xoàng đấy thôi, không can gì!
Bà Án đáp:
- Cũng nên cẩn thận, quẻ thẻ tôi xin cho cậu ấy không được tốt. Cung gia trạch và cung tật bệnh không được yên.
Cơm nước xong mọi người đều đi nghỉ. Cái huyện nhỏ ở giữa làng bị vùi sâu trong bầu không khí yên lặng, lạnh lùng. Thỉnh thoảng chiếc xe lượn qua cổng, tiếng cút kít, một dịp kéo dài rồi xa xa như biên vào quãng sương mù, càng làm tăng vẻ tịch mịch của nơi thôn dã.
Có ai rón rén vào phòng. Lộc vờ nhắm mắt ngủ say.
Một bàn tay mát, đặt trên trán chàng, rối tiếng giày lại se sẽ rón rén từ trong phòng bước ra ngoài. Lộc chẳng cần trông thấy cũng biệt đó là vợ vào thăm bệnh mình.
Lộc lấy làm khó nghĩ... Một người vợ vừa hiền hậu, vừa khôn khéo, chàng không thể không trọng được. Đã bao lần bà Án khuyên chàng lấy vợ lẽ, nhưng chàng chỉ có một lời từ chối: "Bẩm thời này, lấy vợ lẽ, người ta cười cho".
Lộc nói thế, nhưng chính Lộc không nghĩ thế. Lộc chỉ thương hại, vì nể người vợ đã thành thực yêu mến chàng. Ái tình ấy, chàng không thể đáp lại bằng một ái tình nồng nàn buổi đầu xuân. Nay ái tình của chàng chỉ có thể đầm ấm mà thôi, chàng nỡ nào còn đem san sẻ với một người vợ lẽ.
Nhiều khi khuyên bảo con không được bà Án nói sẵng:
- Hay tôi gọi con Mai về cho anh nhé?
Lộc chỉ đỏ bừng mặt mà không đáp, khiến bà án tưởng còn lưu luyến Mai lắm.
Thực ra Lộc cho Mai là một người bỏ đi, nhất là từ hôm gặp nàng ở cổng nhà họa sĩ Bạch Hải. Song chàng cũng tự an ủi rằng cuộc đời đày đọa chính nàng đã chuộc lấy, nào chàng có chút trách nhiệm gì...
- Trời ơi!
Tiếng kêu rú lên của Lộc khiến vợ ở phòng ngoài chạy vội vào. Nhưng thấy chàng vẫn nằm yên, càng cho là chồng nói mê, nên lại bước ra ngay.
Lộc kêu lên như thế, là vì lúc đó trí chàng ôn lại quãng đã qua; Mai rời bỏ nhà chàng trốn đi. Lương tâm chàng cắn rứt. Chàng hối hận lấy làm thẹn, lấy làm buồn vì những cử chỉ tàn ác của mẹ... Một người bụng mang dạ chửa mấy lời của họa sĩ Bạch Hải còn văng vẳng bên tai chàng... Lộc mỉm cười nghĩ thầm: "Cũng còn may cho ta, cho mẹ ta mà Mai chống lại được sự cám dỗ, mà Mai chịu nổi sức đè nén của sự nghèo hèn, đói rét... Nếu không thì cái trách nhiệm nặng nề... nay ai mang cho?
Nhưng biết rằng Mai vẫn giữ được tiết sạch giá trong giữa lúc lầm than, đói khát cũng chẳng hay gì cho Lộc. Lòng chàng chỉ thêm phiền mà mình không thể yêu đường hoàng được nữa thì phỏng có ích gì?
"Thà rằng nó bậy bạ, khôn nạn, đê hèn!"
Tính ích kỷ tự nhiên của loài người đã dấn vào tâm trí chàng giữa lúc phân vân những y nghĩ vô lý ấy.
Phái! Thà rằng có một quãng chông gai ngáng hẳn con đường ân ái của hai người! Chứ quay về đường cũ thì khó khăn lắm, thì không thể được nữa. Vì vợ chàng kia, một người đàn bà đã phó thác tính mệnh và linh hồn trong tay chàng.
"Thà rằng nó bậy bạ, khôn nạn, đê hèn".
Vợ chàng không có chỗ nào khiến chàng có thể ghét được. Tuy một đôi khi nàng cãi lại mẹ chàng, song cũng nên nhận xét rằng có một gia đình nào con dâu không bao giờ vô phép với mẹ chồng? Chàng thở dài lẩm bẩm" "Với lại cũng tại mẹ ta nữa kia".
Từ khi cưới đến nay, lần này là lần thứ nhất, Lộc nghĩ tới lỗi của mẹ đối với vợ. Chàng tưởng tượng mẹ chàng ra một người đàn bà cay nghiệt, cứng cỏi trong khuôn phép lễ nghi, không bao giờ cảm động khi đứng trước những sự đáng thương tâm nhưng ở ngoài vòng luân lý cổ.
"Cái đó chỉ vì giáo dục, vì tập quán, chứ nào phái lỗi của mẹ ta!"
Không gì đáng cảm động, đáng đau lòng cho ta bằng khi ta tìm hết các lẽ đề tự làm thầy cãi cho người mà ta phái kính mến. Một đằng thì lương tâm nó dõng dạc buộc tội, nào nó có xét đến tình mẫu tử? Một đằng thì lời nói văn hoa bóng bẩy cố tìm những sự kiện có thể làm nhẹ bớt tội lỗi của mẹ. Lộc thở dài:
"Phải, bao nhiêu sự lầm lỡ của mẹ ta nguyên do chỉ ở chỗ quá suy tôn cổ tục, quá thiên trọng tập quán. Mẹ ta đuổi Mai cũng chỉ vì thế, chứ khi nào mẹ ta tàn ác được đến thế?"
Một hồi trống hầu! Lộc như ở cõi mộng quay về nơi hiện tại. Trở dậy rửa mặt, mặc áo, chàng ra công đường. Chàng muốn làm việc thực nhiều, để bắt tâm trí phái luôn luôn nghĩ tới việc công, mà rời bỏ việc tư ra.
Tan hầu đã lâu, nha lại đã ra về cả. Lộc vẫn còn lúi húi ngồi ở bàn giấy. Chàng tẩn mẩn giở cái hồ sơ ra xem lại một lượt, tuy việc chẳng có chi quan hệ.
- Ông Huyện!
Nghe tiếng gọi, chàng giật mình quay lại.
Bà Án đứng ngay bên cạnh.
- Bẩm mẹ... bảo con điều gì?
Bà Án thở dài, nói:
- Tôi buồn lắm, cậu ạ. Hôm nay tôi đi lễ xin cho cậu phái quẻ thẻ xấu quá.
Lộc đáp:
- Bẩm mẹ, đã chắc đâu là đúng.
- Đền Vân thiêng lắm kia cậu ạ. Thẻ xin ở đấy bao giờ cũng nghiêm. Chứ quẻ thẻ này thì mẹ lo cho đường tử tức của con lắm.
Lộc đương giận mẹ, thế mà nghe giọng mẹ run run cũng phải đem lòng thương. Chàng toan tìm lời an ủi, thì bà Án lại nói thêm:
- Mẹ đi xem bói, thầy bói cũng bảo vì có kẻ thù oán, nên cậu khó lòng mà có được.
Lộc mỉm cười:
- Con chả có ai thù oán hết!
Bà Án đăm đăm nhìn con khẽ nói:
-Thế mẹ con con Mai?
Lộc đứng lặng hồi lâu, không đáp, như bị nghẹn lời. Chàng đã cố tránh không đáp, như chuyện Mai với mẹ, ai ngờ lại chính mẹ gợi ra khiến chàng ngây ngất cả người. Lạnh lùng chàng đáp:
- Đối với người ta con chả làm gì nên tội mà người ta thù oán con.
Mẹ nhìn con có vẽ nghĩ ngợi, lo sợ. Con nhìn mẹ ra chiều ân hận vì lời nói trách móc của mình. Bỗng Lộc ngồi phịch xuống ghế, bưng mặt khóc. Bà Án cũng kéo ghế ngồi bên cạnh con, rồi hỏi.
- Con có chuyện gì, cứ nói cho mẹ biết can chi mà phiền muộn, sinh ốm người.
Lộc lau nước mắt, rồi như ông quan tòa, cất giọng nghiêm nghị hỏi mẹ:
- Thưa mẹ, nếu con người ta chết thì mẹ có hối hận gì không?
Bà Án nhìn con, cặp mắt răn reo sáng quắt. Bà thừa biết con đã rõ hết đầu đuôi câu chuyện ngày xưa. Bà Án lại cũng biết rằng mẹ con Mai còn sống. Bà bảo Lộc:
- Chắc con oán mẹ lắm?
Không trả lời, Lộc lạnh lùng nói:
- Ở vào địa vị Mai khi bị mẹ đuổi ra khỏi nhà con, mà không có nghị lực, không thực có ái tình đối với người yêu thì chắc đã bị sa xuống nơi vực sâu hoang thẳm rồi...
- Thì cậu biết đâu rằng nó giữ được một lòng một dạ với cậu?
- Bẩm con biết. Con biết nhiều hơn nữa. Con biết rằng nhiều người giàu sang gấp mấy lần con muốn lấy người ta làm vợ, mà người ta chỉ có một lời từ chối và cam chịu ở cảnh nghèo nàn đói rét. Trong khi ấy thì con vui thú cảnh gia đình đầm ấm với vợ mới... mẹ cưới cho.
Lộc cảm động quá phải ngừng lời. Bà Án lãnh đạm nhìn con không nói.
- Con còn biết nhiều điều nữa. Chẳng hạn con biết rằng bây giờ người ta ở cùng với em, cùng con người ta, tiết vẫn sạch, giá vẫn trong và không hề oán trách mẹ con ta đã làm cho người ta...
Bà Án không chờ con nói hết câu, vội hỏi:
- Bây giờ nó ở đâu? Nó sinh được một thằng con trai, phái không?
- Vâng, chính thế.
- Nhưng bây giờ nó ở đâu?
- Mẹ hỏi làm gì, con vừa viết thư xin lỗi người ta, nhưng vị tất người không thèm phúc đáp.
- Nhưng khổ lắm. Tao hỏi mày bây giờ nó ở đâu?
- Bẩm mẹ, người ta ở Phú Thọ với cậu Huy, Với ông Huy làm giáo học ở đấy.
- Được! Rồi tao lên Phú Thọ.
Lộc vội gạt:
- Chết! Sao mẹ lại lên đấy? Mẹ lên làm gì?
- Lên bắt con mày về.
Lộc cười nhạt:
- Ai người để cho mẹ bắt về!
- Con mày sao tao lại không bắt được?
- Nhưng con lấy người ta đã khai giá thú đâu, khi người ta sinh nở, con có nhận con con đâu?
- Được, tao sẽ có cách.
Dứt lời, bà Án lững thững xuống nhà.
Bookmarks