Hồi 155 - Tiêu Phong Trúng Độc Bị Cầm Tù


A Tử vừa kinh hãi vừa mừng thầm, liền cầu khẩn Quý phi:


- Hảo tỷ nương! Tỷ nương cho tiểu Muội coi một chút!

Mục Quý phi nói:


- Coi thì được, nhưng đừng dốc lên.


Quý phi nói xong, trịnh trọng đưa bình thuốc cho A Tử.


A Tử nắm lấy mở nắp ra ngửi thì thấy một mùi hương thoang thoảng.

Mục Quý phi lại thò tay ra lấy bình thuốc về đút nút lại nói:


- Ta cho tiểu muội một ít cũng được. Nhưng ta e rằng vạn nhất mà Hoàng thượng sau này mà thay đổi lòng dạ thì nước thánh này không dùng được nữa.


A Tử nói:


- Tử nương vừa bảo Hoàng thượng uống vào rồi, thì vĩnh viễn không biến tâm kia mà?


Mục Quý phi tủm tỉm cười, đáp:


- Kể thì thế đấy. Nhưng không hiểu nước thánh này có hiệu quả lâu hay chóng. Ta chỉ lo nó lọt vào tay một ả phi tần nào khác, thì họ cũng lén cho Hoàng thượng uống và dĩ nhiên Hoàng thượng sẽ đổi lòng và chia sẻ tình yêu với kẻ khác...


Mục Quý phi chưa dứt lời, bỗng nghe tiếng Gia Luật Hồng Cơ ở ngoài ngự doanh la gọi:


- A Mục! Khanh hãy ra đây cho trẫm hỏi?


Mục Quý phi cười đáp:


- Thần thiếp xin ra ngay!


Rồi gót sen nàng thoăn thoắt chạy ra.


Bỗng "cạch" một tiếng khẽ vang lên. Chiếc bình nhỏ từ trong bọc Mục Quý phi rớt xuống, nhưng Quý phi vẫn không biết.


A Tử vừa kinh ngạc vừa mừng thầm, chờ Quý phi ra khỏi phòng rồi, nàng nhảy lại lượm lấy chiếc bình cất vào bọc, bụng bảo dạ:


- Ta phải lấy nước thánh này đem về cho tỷ phu uống rồi trút nước lã vào trả lại Quý phi. Hoàng thượng đã vĩnh viễn sủng ái Quý phi thì nước thánh này cũng chả dùng làm gì nữa.


Nàng liền rón rén mở cửa sau ra ngự doanh lẻn đi như một làn khói toả chạy về phía vương phủ Nam Viện đại vương.




Về đến nơi, A Tử thấy ngoài vương phủ sĩ tốt nhốn nháo dường như phát sinh vụ gì khẩn cấp.


Bọn quan binh thấy A Tử chạy về vương phủ, cũng không bị ngăn trở.


A Tử tiến vào đại sảnh thì thấy Tiêu Phong tay chắp để sau lưng, đi lui đi tới trên thềm ra chiều nóng ruột.


Tiêu Phong vừa thấy A Tử thì lộ vẻ vui mừng, nói:


- Tử Muội! Ngươi về thật đúng lúc. Ta chỉ sợ ngươi bị Hoàng thượng bắt giữ rồi, chúng ta phải đi ngay chậm thì không kịp nữa!

A Tử nghi ngờ hỏi:


- Ði đâu bây giờ? Làm sao chậm lại không kịp? Hoàng thượng vì lẽ gì mà muốn giữ tiểu muội?


Tiêu Phong nói:


- Ngươi hãy lắng tai nghe!


Hai người im lặng, thì nghe bốn mặt vương phủ đều có tiếng vó ngựa dồn dập không ngớt, xen lẫn với tiếng thiết giáp và tiếng khí giới loảng choảng. Cả bốn mặt Ðông, Nam, Tây, Bắc đều như vậy.


A Tử hỏi:


- Chuyện gì vậy? Tỷ phu định dẫn binh đi chinh phạt chăng?

Tiêu Phong nhăn nhó cười nói:


- Quan binh này không còn ở trong tay ta nữa. Hoàng thượng sinh lòng ngờ vực muốn bắt ta đó.


A Tử nói:


- Hay lắm! Lâu nay chúng mình không được đánh nhau. Vậy tỷ phu cùng tiểu muội xung đột trùng vi mà ra.


Tiêu Phong lắc đầu nói:


- Hoàng thượng đối với bọn ta ơn đức rất thâm hậu. Bây giờ sở dĩ người sinh lòng nghi kỵ là vì ta quyết ý chẳng chịu xuất chinh. Nếu ta đánh chết thuộc hạ của Hoàng thượng là không trọng nghĩa anh em và để anh hùng thiên hạ chê cười cho Tiêu Phong này là hạng vong ân bội nghĩa, mình còn mặt mũi nào mà trông thấy ai. Tiểu muội! Chúng ta chạy đi, đừng để họ bắt là xong.


A Tử nói:


- Chạy thì chạy. Nhưng tỷ phu ơi! Chúng ta chạy đi đâu bây giờ?

Tiêu Phong đáp:


- Chạy lên cung Linh Thứu núi Phiêu Diễu.


A Tử sa sầm nét mặt đáp:


- Tiểu muội không muốn gặp Xú Bát Quái đó nữa đâu.

Tiêu Phong nói:


- Việc khẩn cấp lắm rồi. Cần phải thoát hiểm ngay đã, rồi sẽ tính chuyện đi đâu thì đi.


A Tử nghĩ thầm:


- Tỷ phu muốn tống mình lên núi Phiêu Diễu rồi bỏ mình. Chi bằng mình cho y uống nước thánh để y hết dạ yêu mình, rồi mình bảo gì mà y chẳng phải nghe? Nếu mình còn chần chờ, e rằng Mục Quý phi đuổi đến nơi cướp lại mất.


Nàng tính vậy, liền đáp:


- Ðược rồi! Chờ tiểu muội lấy mấy bộ quần áo thay rồi đi ngay.


Nàng lật đật chạy vào hậu đường, rót nước thánh ra một cái chén lớn, rồi lấy thêm già nửa phần rượu pha vào. Nàng lâm râm khấn:


- Ðức Bồ Tát có linh thiêng thì xui khiến cho Tiêu Phong uống nước thánh để y đem hết lòng dạ yêu thương A Tử này và kết làm phu phụ, vĩnh viễn không nghĩ tới A Châu tỷ nương nữa.

A Tử trở ra sảnh đường nói:


- Tỷ phu! Tỷ phu hãy uống cạn chén rượu này cho thêm phấn khởi tinh thần. Chuyến này ra đi rồi vĩnh viễn không bao giờ trở lại đây nữa.


Tiêu Phong đỡ lấy chén rượu. Dưới ánh đèn lửa, ông thấy hai tay A Tử run lên, vẻ mặt cũng khác lạ, vừa ra chiều phấn khởi vừa tỏ rõ nét ôn nhu. Bất giác ông động tâm nhớ lại ngày trước lúc nào A Châu vui sướng trong lòng thì cũng lộ ra nét mặt này. Hỡi ôi! Xem chừng A Tử đã quá si tình với mình rồi.


Ông liền đổ chén rượu vào miệng nuốt ừng ực, rồi hỏi:


- Tử muội đã lấy quần áo chưa?


A Tử thấy Tiêu Phong uống hết chén rượu không còn một giọt, cả mừng nói ngay:


- Không cần lấy quần áo nữa, chúng ta đi ngay!


Tiêu Phong đeo một bọc lên vai. Trong bọc đựng ít quần áo và tiền bạc.

Ông khẽ nói:


- Bọn họ đề phòng ta chạy về phía Nam, nên ta phải đi về phía Bắc.


Ông dắt A Tử lẹ làng theo lối cửa sau mà ra. Ông ngó thấy hai tên vệ sĩ đang song song đi lại. Ông nấp ở sau cửa, hắng giọng một tiếng. Hai tên vệ sĩ chạy lại tra xét, ông liền phóng ngón tay ra điểm huyệt nhanh như chớp, rồi kéo chúng vào bụi rậm, khẽ bảo A Tử:


- Mau đổi nón áo đi.


A Tử thích quá nói:


- Thế thì tuyệt diệu!


Hai người lột mũ áo vệ sĩ mặc vào mình, tay cầm trường mâu sóng vai mà đi!

A Tử đội mũ sụp xuống tận mí mắt ngó trộm Tiêu Phong thấy ông co người lại cho thấp xuống mà đi, không khỏi cười thầm.


Hai người đi được hơn hai chục bước, bỗng gặp một tên chánh đội dẫn mười tên phu và một chục thân binh đi tuần qua đó.


Tiêu Phong cùng A Tử liền đứng sang bên đường, giờ trường mâu lên chào. Tên chánh đội gật đầu bước đi. Nhưng gã vừa nhìn thấy A Tử mặc áo giáp rộng thùng thình dài quét đất, liền để ý nhìn thì thấy võ kiếm sau lưng nàng cũng kéo lệt bệt dưới đất.


Hắn tức giận, vung quyền đập vào vai A Tử quát hỏi:


- Ngươi ăn vận kiểu gì thế?


A Tử cho là mình bị bại lộ hành tung, liền xoay tay lại nắm lấy cổ tay và phóng chân đá vào lưng gã.


Tên chánh đội kêu lên một tiếng:


- Úi chao!


Rồi ngã lăn ra.

Tiêu Phong nói:


- Chạy cho mau!


Ông kéo A Tử chạy về phía trước.

Mười tên Liêu binh lớn tiếng la:

- Có thích khách! Có gian tế!


Chúng chưa biết hai người là Tiêu Phong và A Tử.


Hai người chạy được một quãng nữa thì gặp mười mấy tên khinh kỵ từ phía trước chạy lại.


Tiêu Phong giơ trường mâu lên gạt ngang một cái, khiến cho bọn chúng ngã xuống tới tấp. Ông xách A Tử để lên lưng ngựa, rồi chính mình nhảy lên một con nữa, kéo dây cương cho ngựa quay đầu lại, rồi gia roi cho chạy về phía Bắc.


Lúc này bốn mặt vương phủ đã biết tin đều vây cả vào.


Tiêu Phong phóng ngựa chạy thật nhanh.

Quả nhiên, Liêu binh mười phần có đến tám phòng thủ Nam môn, còn cửa Bắc thì chỉ lác đác một vài tên bộ tốt. Những tên này cũng được báo động, nên vừa thấy hai người đi đến đã hoảng vía. Chúng sợ quân lệnh tiến lại ngăn cản, nhưng vừa nghe thấy Tiêu Phong quát lên một tiếng đã phải tới tấp tránh ra cho ông đi, rồi mới chạy theo sau vừa đuổi vừa la.


Khi quan chỉ huy ngự doanh điều động nhân mã đuổi tới nơi thì Tiêu Phong cùng A Tử đã chạy xa rồi.


Tiêu Phong ra đến cửa Bắc thì cửa thành đã đóng chặt. Cửa thành này có dư trăm người canh giữ. Chúng giơ trường mâu ra cản đường.


Giả tỷ Tiêu Phong xông lại giết đi thì bọn Liêu binh này ngăn trở sao nổi. Nhưng ông chỉ cần chạy thoát thân, không muốn giết hại đồng bào.

Ông liền vươn tay ra ẵm lấy A Tử, chân trái dọi vào bàn đạp rồi hai chân bước cả lên lưng ngựa. Ông đề tụ chân khí nhảy vọt lên tường thành.


Kể ra thì hành động này rất liều lĩnh vì tường thành quá cao. Nhưng ông đã chuẩn bị sẵn. Lúc mình bắt đầu sà xuống, ông đâm mạnh cây trường mâu vào bức tường để vượt đà nhảy phát nữa. Quả nhiên ông nhảy lên được.


Tiêu Phong đứng trên mặt thành nhìn ra ngoài, chỉ thấy tối đen tuyệt không có đèn lửa chi hết, tỏ ra không ai liệu trước là ông sẽ chạy về phía Bắc, nên ngoài thành không có một tên quân nào canh giữ.


Tiêu Phong liền hú lên một tiếng dài, rồi lớn tiếng nói:


- Phiền các ngươi thay mặt ta về tâu cùng Hoàng thượng là tôi thần Tiêu Phong bỏ đi không kịp bái biệt. Sau này sẽ có dịp đền đáp hoàng ân. Ông ôm lấy lưng A Tử toan nhảy xuống và nghĩ bụng:


- Mình nhảy ra ngoài thành rồi thì như chim sổ lồng, cá ra biển, tha hồ bay bổng vẫy vùng không còn bị ai câu thúc nữa.


Nhưng ông sắp tung mình nhảy xuống thì đột nhiên trong bụng nổi cơn đau kịch liệt, hai tay tê dại. Tay trái đang ôm lưng A Tử, bất giác rời ra, nàng rớt xuống mặt thành.


Hai chân ông cũng nhũn ra luôn, ngã lăn ra bên cạnh A Tử.


Bụng ông tưởng chừng như bị trăm ngàn mũi dao đâm vào, đau đớn vô cùng, không thể chịu được, phải bật tiếng rên la.


A Tử cả kinh la hỏi:


- Tỷ phu! Tỷ phu làm sao vậy?


Tiêu Phong người co rúm lại, hai hàm răng va chạm vào nhau run lập cập.

Ông đáp:


- Ta... trúng phải... thuốc kịch độc... để ta vận khí... trục ra... Ông vận chân khí vào huyệt Ðan Ðiền để thúc đẩy chất độc ra ngoài. Nhưng không vận khí còn khá, ông vừa vận chân khí thì toàn thân lại càng đau đớn. Nội khí trong huyệt Ðan Ðiền chỉ đưa lên được vài tấc, rồi lại chìm xuống.


Tiêu Phong gặp lúc nguy nan vẫn không rối trí. Tai ông nghe vó ngựa chạy dồn dập. Có đến nghìn quân khinh kỵ từ phía Nam chạy tới, ông lại vận khí lần nữa mà tứ chi cứng đờ, liền biết ngay là mình trúng phải chất độc này vô cùng lợi hại, không thể dùng nội lực thúc đẩy ra được.

Ông liền bảo A Tử:


- Tử muội! Tử muội chạy mau đi! Ta không thể đi với Tử muội được nữa!





A Tử động tâm, chợt tỉnh ngộ biết mình đã mắc gian kế của Mục Quý phi. Bình nước thánh mà Quý phi đánh rớt, nàng đã lượm được hoà rượu đưa cho Tiêu Phong uống chính là thuốc độc.


Nàng vừa kinh hãi vừa hối hận, ôm lấy cổ Tiêu Phong vừa khóc vừa nói:


- Tỷ phu!... Thuốc độc này chính tiểu muội đã cho tỷ phu uống.


Tiêu Phong run lên chẳng hiểu ra sao hỏi lại:


- Tại sao Tử muội lại muốn hại ta?


A Tử vừa khóc vừa đáp:


- Không không! Mục Quý phi cho tiểu muội bình thuốc nước, mụ nói gạt là tỷ phu uống thuốc này vào vĩnh viễn thương yêu tiểu muội... và lấy làm vợ. Tiểu muội ngu ngốc quá nên bị mắc lừa. Tỷ phu ơi! Tiểu muội nguyện chết với tỷ phu. Chúng ta không rời xa nhau nữa.


Nói xong, nàng rút đoản đao ở sau lưng ra toan đâm vào cổ tự vẫn.

Tiêu Phong vội ngăn lại nói:


- Khoan đã!...


Toàn thân ông nóng ran như lửa đốt, mà ruột quặn đau như lưỡi cương đao xéo vào. Ông đau quá phải nghỉ một lúc, mới hiểu rõ ý A Tử, liền nói:


- Ta không chết đâu. Tử muội bất tất phải tự vẫn.




Bỗng nghe hai cánh cổng thành nặng nề rít lên những tiếng kẽo kẹt, rồi mở ra.

Cổng thành vừa mở, mấy trăm kỵ binh xông ra, dàn thành trận thế.


Tiêu Phong ngồi trên mặt thành nhìn ra phía Bắc, thấy ánh lửa lập loè soi rõ đến hàng mấy dặm, tựa như những con rồng lửa uốn khúc. Ông quay lại nhìn về phía Nam cũng đến phân nửa thành trì, đèn đuốc sáng rực, thì nghĩ thầm:


- Hoàng thượng điều động hết binh mã ở ngự doanh ra đây để bắt ta!


Trong thành, ngoài thành tiếng reo hò rầm rộ:


- Tiêu Phong phản tặc! Mau mau đầu hàng đi!


Tiêu Phong lại nổi cơn đau bụng kịch liệt, ông khẽ bảo A Tử:


- Tử Muội! Tử muội mau mau trốn đi!


A Tử đáp:


- Tiểu muội chính tay mình làm chết tỷ phu, có lý đâu lại trốn chạy để sống một mình. Tiểu muội nguyền cùng chết với tỷ phu!


Tiêu Phong nhăn nhó cười nói:


- Thuốc độc này không giết người mà chỉ làm cho ta bị trọng thương, khiến ta không động thủ được nữa mà thôi.


A Tử cả mừng hỏi:


- Có đúng thế không?





Nàng xoay người lại gắng sức cõng Tiêu Phong lên vai. Nhưng thân hình nàng nhỏ quá, mà người Tiêu Phong lại to lớn.

A Tử cõng ông đứng lên rồi, mà hai chân ông còn chấm đất.


Giữa lúc ấy, hơn chục tên võ sĩ Khất Ðan trèo lên mặt thành, một tay cầm đoản đao, một tay cầm bó đuốc. Nhưng chúng đều khiếp oai Tiêu Phong, không dám đến gần.


Tiêu Phong nói:


- Kháng cự cũng vô ích, để chúng lại bắt đi thôi!

A Tử khóc nói:


- Không không! Tên nào dám đụng đến tỷ phu là tiểu muội giết lập tức!

Tiêu Phong nói:


- A Tử! Ngoan ngoãn nghe lời ta đi! Ðừng vì ta mà phải giết người. Nếu ta chịu giết người thì đã phụng chỉ lãnh binh đi chinh phạt Nam triều rồi, hà tất còn để xảy ra lắm chuyện lôi thôi!


Rồi ông lớn tiếng nói:


- Các người rụt rè như vậy thì đâu phải là hạng nam nhi dòng giống Khất Ðan? Các ngươi hãy cùng ta đến yết kiến Hoàng thượng!


Bọn võ sĩ sửng sốt, khom lưng nói:


- Dạ! Bọn tiểu nhân vâng thánh chỉ, thành ra vô lễ với đại vương. Xin đại vương tha tội cho!


Tiêu Phong tuy mới làm Nam viện đại vương chưa được bao lâu, nhưng oai danh ông vang lừng đất Bắc. Các tướng sĩ Khất Ðan rất là kính phục. Bọn người vừa mới la: "Tiêu Phong phản tặc", nhưng thấy mặt ông lại kính sợ không dám vô lễ nữa.


Tiêu Phong vịn lấy vai A Tử gắng gượng đứng lên. Lục phủ ngũ tạng ông quặn đau, như bị cắt đứt ra từng khúc. Bọn sĩ tốt đứng ngoài xa một trượng, tra đao vào vỏ, thấy ông đi từng bước một theo bậc đá từ trên mặt thành đi xuống.


Các tướng sĩ thấy Tiêu Phong đi tới, không tự chủ được, đều nhảy xuống ngựa. Trong thành ngoài thành hàng vạn tướng sĩ đứng im phăng phắc.


Tiêu Phong dưới ánh lửa thấy rõ tướng sĩ đều ra vẻ cung kính, thì trong lòng cũng hơi dễ chịu. Ông nghĩ thầm:


- Giả tỷ mình phụng mệnh Nam chinh thì hàng vạn tướng sĩ này e rằng khó lòng còn được một nửa sống sót mà trở về Bắc quốc. Mình thực tâm cứu sống được bao nhiêu người thì Hoàng thượng có đem mình xử tử cũng không đáng oán hận. Nhưng chỉ e Hoàng thượng giết mình rồi lại phái người khác lĩnh binh Nam chinh...


Nghĩ tới đây, bụng ông lại nổi cơn đau. Người lảo đảo muốn té.

Một bộ tướng của ông dắt ngựa lại, rồi đỡ ông đặt lên lưng ngựa.

A Tử cũng cưỡi ngựa đi theo sau.


Ðoàn người tiền hô hậu ủng đưa Tiêu Phong về vương phủ. Các tướng sĩ tuy bắt được Tiêu Phong có công với nhà vua nhưng họ đều chẳng lấy thế làm mừng.


Tiếng thiết giáp loảng xoảng lẫn với tiếng vó ngựa cộp cộp đi trên đường hoà thành một nhạc điệu rộn ràng.


Cửa Bắc mở rộng, đoàn người đi vào đến đầu cầu Bạch Mã thì Tiêu Phong phóng ngựa đi lên cầu.


A Tử đột nhiên nhảy vọt lên, hai chân nàng đứng trên yên ngựa rồi vèo một cái nàng nhảy tòm xuống sông.


Tiêu Phong đứng trước diễn biến bất ngờ này không khỏi giật mình kinh hãi. Nhưng rồi ông chợt nghĩ ra điều gì, trong bụng lại mừng thầm. Tiêu Phong nhớ lại ngày trước cô bé ương ngạnh này lúc gặp ông lần đầu trên bờ Tiểu Kính hồ nàng đã nhảy xuống đáy hồ trốn. Thuật lặn dưới nước của nàng thiệt là hiếm có. Nàng lừa gạt luôn cả song thân nàng. Bây giờ nàng lại lặn xuống nước trốn đi thiệt là hay lắm! Nhưng ông e rằng từ đây trở đi không có ngày tái hội nữa nên cũng cảm thấy bâng khuâng trong dạ.


Tiêu Phong hồi hộp trong lòng, lớn tiếng gọi:

- A Tử! Sao Tử muội lại tự tử? Hoàng thượng có bắt tội Tử muội đâu mà phải liều mình?


Các tướng sĩ nghe Tiêu Phong nói vậy, lại thấy A Tử chìm xuống đáy sông rồi không nổi lên nữa, cũng cho là nàng quyên sinh. Liêu chúa chỉ hạ lệnh bắt một mình Tiêu Phong, nên A Tử có chết cũng vậy hay trốn cũng thế thôi, các tướng sĩ chẳng bận tâm làm chi. Họ dừng lại đầu cầu một chút rồi đi theo Tiêu Phong.




Về đến vương phủ, Hồng Cơ không ra mặt ông nữa, chỉ hạ lệnh cho Ngự doanh chỉ huy sứ bắt giam Tiêu Phong lại.


Chỉ huy sứ thấy Tiêu Phong thần lực phi thường, nghĩ rằng giam ông vào lao thường thì giữ sao nổi?


Hắn liền nghĩ ra một kế, sai người lấy dây lòi tói và khoá sắt xích chân tay Tiêu Phong lại, đoạn đem giùm ông vào một cái cũi sắt khổng lồ. Cũi sắt này trước kia A Tử dùng nó để nhốt sư tử. Nhưng cột cũi lớn bằng cánh tay trẻ con.


Bên ngoài cũi sắt lớn lại phái hơn trăm quân ngự lâm cầm giáo dài đứng canh bốn mặt, để hễ thấy Tiêu Phong có hành động gì là cầm trường mâu đâm vào trong cũi. Dù Tiêu Phong có một nội lực kinh thiên động địa, cũng không tài gì trong giây lát mà phá được cũi sắt này để tẩu thoát.


Ngoài vương phủ lại còn một đội thần binh đi lại tuần tiễu rất nghiêm mật. Gia Luật Hồng Cơ còn điều động hết các tướng sĩ ở Nam kinh rước ra ngoài thành để đề phòng bọn chúng có lòng trung với Tiêu Phong nổi loạn để cứu ông.


Tiêu Phong ngồi tựa lan can cũi sắt, nghiến răng chịu đựng những cơn đau khủng khiếp. Ông chẳng còn lòng dạ nghĩ gì khác nữa.


Qua mười hai giờ tức là vào buổi tối hôm sau, Tiêu Phong mới thấy bớt đau. Chất độc dần dần nhẹ bớt đi. Tuy khí lực ông dần dần hồi phục, nhưng ở vào tình cảnh hùm thiêng đã bị sa cơ, không còn cách nào thoát hiểm được nữa.


Tiêu Phong tự nghĩ:


- Mình có phiền não cũng bằng vô ích. Ðời mình trải qua bao nhiêu cuộc nguy hiểm vạn phần, chẳng lẽ một đời hào kiệt bữa nay lại bị chết trong cũi sắt này ư?


May là bọn thân binh kính trọng ông là bậc anh hùng, tuy họ canh giữ nghiêm mật nhưng đưa cơm rượu đầy đủ và không tỏ ra vô lễ.


Tiêu Phong thản nhiên ăn uống.

Bên cũi sắt, mới có mấy ngày mà vò bì rượu đã xếp cao bằng đầu người.


Hồng Cơ thuỷ chung vẫn không lại thăm Tiêu Phong nhưng phái mấy tay thuyết khách rất giỏi hàng ngày đến khuyên dỗ ông. Họ nói: Ðức Hoàng thượng khoan hồng đại độ, nghĩ lại tình nghĩa năm xưa không nỡ gia hình. Chỉ mong Tiêu Phong hối lỗi xin tha? Nhưng Tiêu Phong là một trang hảo hán ngạo nghễ, đời nào lại chịu năn nỉ xin tha? Rồi ông cũng chẳng thèm để mắt nhìn họ nữa, tự mình rót rượu uống tràn.


Tình trạng này diễn ra gần một tháng.

Bọn thuyết khách vẫn không nản chí, ngày nào cũng đến và nói đi nói lại chỉ có mấy câu:


- Hoàng thượng đãi Tiêu đại vương ơn đức tầy con. Chỉ mong đại vương nghe lời Hoàng thượng thì có cơ thoát được tội lỗi.


- Hoàng thượng là bậc thần võ trông xa hàng ngoài vạn dặm. Ngài đã quyết định điều gì là không bao giờ sai lầm. Ðại vương nên theo con đường Hoàng thượng đã trỏ cho...


Họ nói đi nói lại nhiều lần, tuy đã biết những lời khuyến dụ đó chẳng lay chuyển được tấm lòng Tiêu Phong.


Một hôm Tiêu Phong bỗng sinh lòng ngờ vực tự hỏi:


- Hoàng thượng không phải là người hồ đồ, há lại chẳng biết dù có khuyên ta cũng vô ích, mà sao cứ cho bọn này đến lải nhải bên ta hoài?


Ông cúi đầu ngẫm nghĩ, đột nhiên la thầm:


- Phải rồi! Hoàng thượng đã điều binh khiển tướng đi đánh Nam triều mà phái bọn này đến đây để khuyên nhủ ta hàng ngày, chẳng qua là để cho ta yên lòng ngồi trong cũi này. Nhưng ta đã không còn năng lực phản kháng sao người không hạ lệnh giết ta đi, lại còn giở trò này làm chi cho uổng công?