Chương 16 - Cài hoa trên vành tai


Quốc Hội Hoa Kỳ bắt đầu họp lại từ ngày 7 tháng 4.

Ở quốc gia Hoa Kỳ, nhất là ở các khu vực bầu cử của họ, các nghị sĩ và dân biểu đã nhận thấy là cử tri của họ không nhận định được vị trí của Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam Việt Nam ). Rất hiếm công dân Mỹ cảm thấy bị xúc động khi xem các tấm ảnh ở mặt trận Xuân Lộc, cho thấy binh sĩ Miền Nam Việt Nam đang ở các vị trí phòng thủ được tổ chức rất chu đáo, hoặc khi họ phất lên những lá cờ cộng sản màu đỏ tịch thu được của quân đội Bắc Việt . Một sự thăm dò của Louis Harris đã đo được cảm tưởng của những người đắc cử. Trong ba người đã có đến 2 người chống lại viện trợ quân sự cho Cam Bốt và Miền Nam Việt Nam, dù nhờ đó mà có thể "tránh được" một sự tắm máu cho dân chúng ở hai quốc gia đó.

Các ban và các tiểu ban trong Quốc Hội cho chuyển động bộ máy dân chủ của họ, tuy chính xác nhưng quá nặng nề . Các nghị sĩ và dân biểu được cho biết tin tức từng giờ một về những sự bất đồng nội bộ ngay trong Chánh Phủ Hoa Kỳ. Nhà Trắng và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ít nhất đã chánh thức hóa đường lối ngoại giao của họ: Miền Nam Việt Nam có thể sẽ được cứu. Ở Ngũ Giác Đài thì một cách không chánh thức người ta cho biết là không còn một hy vọng nào nữa. Tuy nhiên theo lối trình bày công khai thì ông James Schlesinger vẫn trung thành bảo vệ chủ trương của Tổng Thống Ford. Ông Tổng trưởng Quốc Phòng không đi đến mức đoan chắc là một viện trợ quân sự bổ túc có thể sẽ cứu được quân đội Miền Nam Việt Nam . Ông tuyên bố là niềm tin của thế giới đối với Hoa Kỳ đang bị thử thách:

"Chúng ta không thể là một quốc gia có thể buông bỏ bạn bè, phản bội đồng minh của mình, hay nuốt bỏ lời hứa của mình được ."

Ở Hoa Thạnh Đốn càng ngày người ta càng nói tới những mật ước mà ông Nixon đã cam kết với VNCH. Còn hơn thế nữa: có phải người ta cũng đã có những bảo đảm hay cam kết "bằng miệng" ? Nghị sĩ Henry Jackson buộc Henry Kissinger phải ra trước Quốc Hội để nói rõ về những bảo đảm do ông ta đã "cam kết mà không báo trước cho Quốc Hội ". Với phong cách "ta đây" của một nghị sĩ bị lăng nhục, ông tự nhũ là phải mỡ ngay một cuộc điều tra. Cũng như các đồng viện, ông muốn làm sáng tỏ về những cam kết của Hoa Kỳ . Thật ra ông cũng muốn làm giảm uy thế của Tổng Thống Ford khi ông hạch hỏi Kissinger. Họ đã được thấm nhuần đặc tính luôn luôn dị ứng về mọi hành động "đi đêm" từ thời Tổng Thống Wilson, một người đã ca tụng giá trị của những "thỏa thuận công khai được thực hiện công khai", nên các nhà lập pháp không sẵn sàng để nghe những trình bày của các đại diện Hành Pháp một cách thuận lợi lắm. Hậu quả của sự kiện "nghe lén" (Watergate) chưa tan biến hết. Hơn bao giờ hết, Tổng Thống và Chánh Phủ của ông vẫn bị cáo buộc là "có tội" trước khi họ chứng minh được sự vô tội của họ.

Trong các phiên họp công khai hay họp kín, các nghị sĩ và dân biểu hạch hỏi các nhân viên của Bộ Ngoại Giao, của Bộ Quốc Phòng, của Trung Ương Tình Báo hay của tất cả các cơ quan khác của Chánh Phủ gởi tới. Thẳng thừng đến gần như tàn bạo, phiên họp của các tiểu ban thường giống như các cuộc điều tra ; bên trong các phòng vuông bằng đá hoa hay cẩm thạch oai nghiêm thường diễn ra những cuộc đấu trí giữa các đại biểu của Hành Pháp và những người của Lập Pháp . Các công chức ra điều trần ở đây thường khó dấu được sự hoài nghi của họ.

Daniel Parker, trưởng cơ quan phát triển quốc tế đã tuyên bố với các thành viên của Tiểu Ban Quốc Tế của Hạ Viện rằng:

-" Tôi không thể nói với các ông là số phận của Miền Nam Việt Nam sẽ ra sao trong những tháng sắp tới, nhưng tôi có` thể nói số phận của dân chúng của họ sẽ ra sao.... nếu chúng ta không chấp thuận cho họ những phương tiện cần thiết."

Các tiểu ban phân biệt rõ ràng sự giúp đỡ quân sự mà họ càng ngày càng chống đối, với sự giúp đỡ nhân đạo. Nghị sĩ Hubert Humphrey, cựu Phó Tổng Thống và cựu ứng cử viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ, đã nói trong hành lang rằng :

- "Tất cả mọi người đều đi dạo chơi với cành hoa cài trên vành tai, và nói rằng mọi việc rồi sẽ qua đi. Chuyện nầy sẽ không qua đi một cách tốt đẹp đâu. Đó là một thảm họa . Tôi là người không sẵn sàng cho thêm "một xu" nào nữa, cho những người không muốn đứng trở lên và chiến đấu cho sự sống còn của mình."

Tổng Thống Ford ngỏ lời với các nghị sĩ và dân biểu đang họp mặt trong một bầu không khí trang trọng. Có nhiều thành viên trong Quốc Hội, vì một niềm tin cho số đông cử tri của họ, và cũng như có một số dân cử không sợ mất lòng cử tri của mình , đã cho các tùy viên trong Quốc Hội và các đại biểu đặc biệt của Chánh Phủ biết , khi được dò hỏi, là họ sẽ sẵn sàng bỏ phiếu thuận cho viện trợ nhân đạo, và dĩ nhiên cả ngân khoản cần thiết để tiến hành một cuộc di tản, nhưng về viện trợ cho cuộc chiến thì không có một đô la nào thêm nữa.. Do đó ông Ford phải bơi ngược dòng nước....

Hơn một nửa của bài diễn văn được ông dành để nhắc tới Đông Dương.. Về Cam Bốt, Tổng Thống Ford nhắc lại là trước đây 3 tháng ông đã có xin một ngân khoản viện trợ bổ túc. Nhưng ngay chiều nay "có thể là đã quá muộn rồi". Do đó ông sắp sửa cho đóng cửa tòa đại sứ của ông ở Phnom Penh. Đối với ông, coi như Cam Bốt đã mất rồi, nhưng Việt Nam thì không . Về Việt Nam , ông nhắc lại những luận cứ của Chánh Phủ của ông (một số các vị dân cử cho là ông nhai lại): Hiệp Định Ba Lê có đứng vững được là do Hoa Kỳ đã trợ lực cho Sài Gòn. Những sự từ chối của Quốc Hội không bỏ phiếu cho những ngân khoản viện trợ là sẽ khuyến khích Hà Nội tăng thêm nỗ lực tấn công của họ.

Các vị dân cử không bao giờ chấp nhận luận điệu gán trách nhiệm cho họ về sự tan vỡ của Miền Nam Việt Nam .

Tổng Thống Ford dự đoán nhiều giải pháp.

Có hai giải pháp tích cực : Hoặc không làm gì hết, hoặc phải tuyên chiến để thi hành Hiệp Định Ba Lê.

Có hai giải pháp gần như trung dung: Hoặc chấp thuận một ngân khoản 300 triệu mỹ kim viện trợ quân sự như đã xin từ trước, hoặc tăng ngân khoản viện trợ quân sự và kinh tế

Tổng Thống Ford thì khuyến cáo nên dùng giải pháp thứ hai nầy.

Trường hợp tốt nhất, giải pháp nầy sẽ giúp cho Miền Nam Việt Nam ổn định được tình hình quân sự và đạt được một dàn xếp chánh trị. Trường hợp xấu nhất cũng có thể giúp di tản được 6000 người Mỹ đang còn tại chỗ và một số người Việt Nam nào đó;

Đọc bài diễn văn một cách đơn điệu, dựa trên phúc trình của tướng Weyand, Tổng Thống Ford xin Quốc Hội ngân khoản viện trợ quân sự 722 triệu và 250 triệu để giùp đỡ cho những người di cư. Tổng Thống yêu cầu Lưỡng viện Quốc Hội chấp thuận các ngân khoản nầy và bỏ phiếu trước ngày 19 tháng 4.

Tổng Thống Ford cũng nêu lên một bài toán phức tạp: đâu là quyền hạn của một Tổng Thống về việc xử dụng quân đội để di tản người Mỹ ở Việt Nam "nếu thấy đó là chuyện cần thiết" . Ông Ford phải thủ thế khi ông nghĩ tới hiến chế được thay đổi dưới trào ông Nixon nhằm hạn chế quyền hạn của Tổng Thống . Ông hy vọng là người ta sẽ cho phép ông được gởi quân Mỹ để "bảo vệ và hộ tống" các công dân Hoa Kỳ , ông không muốn trong trường hợp nào đó ông lại bị cáo buộc là đã gây chiến tranh trở lại. Theo Hiến Pháp thì Quốc Hội "có quyền ... tuyên chiến" . Không có một Tổng Thống nào từ ông Kennedy, ông Johnson đến ông Nixon đều không có kêu gọi các nhà Lập Pháp làm đúng theo Hiến Pháp, một điều sai trái trầm trọng về tâm lý. Thật tình thì Quốc Hội Hoa Kỳ chưa bao giờ tuyên chiến từ Thế chiến Hai. Điều đó không ngăn cản các Tổng Thống gởi quân đội Mỹ qua Hy Lạp và Đại Hàn, (dưới danh nghĩa của Liên Hiệp Quốc), qua Cộng Hòa Đô mi ni ca, và qua Li băng. Trong một số trường hợp, người ta có thể cho đó là những cuộc hành quân Cảnh Sát đại qui mô. Nhất là từ sau 1965, các nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ mặc nhiên cho Tổng Thống quyền được tiến hành chiến tranh mà không cần tuyên chiến. Và cứ mỗi năm các nhà Lập Pháp lại tiếp tục bỏ phiếu cho ngân khoản cần thiết.

Cung cách đó đã qua rồi. Vào tháng 7 năm 1973, Quốc Hội đã bỏ phiếu cho một Luật nhằm xóa hết các ngân khoản cho "tất cả các hoạt động tác chiến" ở Đông Dương. Mặc dầu Tổng Thống Nixon đã phủ quyết, nhưng tiếp theo đó vào tháng 11, Quốc Hội đã chấp thuận một Quyết Nghị về Quyền Hạn Chiến Tranh, quyết nghị nầy đã trở thành Luật (về Quyền Hạn Chiến Tranh). Theo Luật nầy, người ta đã thấy là mỗi lần Tổng Thống xử dụng quân đội Hoa Kỳ ở ngoại quốc là ông phải phúc trình.. Luật nầy không dự trù trường hợp nào có dạng như di tản từ Miền Nam Việt Nam . Vậy Tổng Thống sẽ lấy "quyền" nào để đưa quân lực Hoa Kỳ vào vùng chiến sự hay vào những vùng mà tình hình thực tế cho thấy rõ ràng là mình sẽ có thể bị lôi kéo vào chiến sự. Quyết nghị và Luật về Quyền Hạn Chiến Tranh không phải văn kiện quá sáng tỏ về mặt pháp lý. Ông Ford muốn làm sáng tỏ một vài điểm - để tự bảo vệ cho mình.

Một bài toán khác : Bộ Luật không dự trù di tản người Việt Nam vì họ không phải là công dân Hoa Kỳ . Các nhà Lập Pháp chấp thuận giúp đỡ người Mỹ đang gặp khó khăn , điều đó rất đúng, nhưng còn người Việt Nam thì sao? Và bao nhiêu người ?

Để chấm dứt chuyện cam kết mật của ông Nixon, ông Tổng Thống Ford đã có một buổi họp với các lãnh tụ đa số của Quốc Hội ở Nhà Trắng vào ngày 11 tháng 4. Trên căn bản thì Tổng Thống Ford tuyên bố là "những trao đổi riêng tư giữa ông Nixon và ông Thiệu không khác những gì mà người ta đã nói lên một cách công khai". Đúng là một đề tài rất tốt cho luận án tiến sĩ, câu hỏi hoàn toàn được giữ nguyên: " sự cam kết riêng của một ông cựu Tổng Thống có bắt buộc ông Tổng Thống đương nhiệm phải cam kết hay không ? và nhất là Quốc Hội ? Tổng Thống và Quốc Hội thấy không có thì giờ cho quý vị làm luận án nữa !

Tổng Thống Ford ra lệnh cho đại sứ Mỹ John Dean ở Phnom Penh đóng cửa tòa đại sứ ở đó.

Ngày 12 tháng 4 hồi 7 giờ 45, có ba đợt trực thăng cất cánh từ hàng không mẫu hạm Okinawa ở vịnh Thái Lan. Một số khác đi từ mẫu hạm Hancock. Tất cả Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đều được trang bị súng M.16 và súng phóng lựu. Được chuẩn bị từ tháng 2, cuộc hành quân "Ó bay đi" (Eagle Pull) bắt đầu. Ông John Dean, một nhà ngoại giao lão luyện, người đã theo sát mọi sự kiện của Đông Dương ở Ba Lê và ở Vạn Tượng trước khi được chỉ định vào chức vụ Đại Sứ ở Phnom Penh, đã thông báo cho những nhân vật có trách nhiệm chánh trị và quân sự của Cam Bốt: Những ai muốn nhân cơ hội nầy để được di tản thì sẽ được bốc đi. Ông John Dean đích thân đến tư dinh của Thủ Tướng Long Boret để thông báo vấn đề nầy. Trừ một người, còn tất cả các Tổng trưởng và vị xử lý thường vụ Chủ Tịch Nước đều từ chối không ai chịu di tản,

Sau khi bay 160 cây số trên lãnh thổ đang nằm trong tay Kmers Đỏ, các trực thăng đầu tiên thuộc nhóm Alpha đáp xuống Phnom Penh , và các Thủy Quân Lục Chiến bố trí ngay chung quanh Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ .

Ông John Dean nhận được một bức thư của ông Sirik Matak, Cố vấn Chánh Phủ , nội dung như sau :

- " Thưa ông Đại sứ và ông bạn thân mến,

Tôi thành thật rất cám ơn ông, về bức thơ và đề nghị của ông nhằm đưa chúng tôi đến nơi Tự Do. Than ôi, tôi không thể đi một cách hén nhát như thế được .

Về phần ông và quốc gia Hoa Kỳ hùng mạnh của ông, không có một lúc nào tôi tưởng rằng các ông buông bỏ một dân tộc đang chọn và tranh đấu cho Tự Do. Các ông đã từ chối không bảo vệ dân tộc chúng tôi ; chúng tôi không thể làm gì hơn được. Ông ra đi, Tôi xin chúc ông và quốc gia của ông tìm được hạnh phúc dưới gầm trời nầy.

Nhưng, xin ông ghi rõ điều nầy, nếu tôi có chết ở đây, chết ở ngay đất nước thân yêu của tôi, xin hãy mặc kệ chúng tôi , vì chúng tôi được sanh ra thì tất nhiên rồi cũng phải có một ngày nào đó chúng tôi phải chết thôi ! Nhưng điều đáng tiếc là tôi đã có môt lầm lỗi, đó là tin nơi ông và tin nơi người Mỹ các ông.

Xin ông Đại sứ và là ông bạn thân của tôi nhận nơi đây tình cảm trung thực và thân thiết của tôi .

Surik Matak



Vì tò mò, không hận thù, người dân Cam Bốt đứng quanh tòa đại sứ nhìn cuộc hành quân di tản đang diễn tiến rất tốt đẹp. Đại úy Cyril Moter tham gia cuộc hành quân nầy với nhóm Thủy Quân Lục Chiến của ông. Trong hai tiếng đồng hồ, trực thăng đã bốc đi 82 người Mỹ, 159 người Cam Bốt, và một số người Phi luật Tân, Đài Loan, Úc, Thái Lan , Pháp, Tây ban Nha, Thụy điển, Anh cát Lợi, Gia nã Đại và Ý đại Lợi. Trong số những người Mỹ thì có các nhà ngoại giao và một số nhà báo. Nhưng Sydney Schanberg của tờ Thời Báo Nhiêu Do và cộng sự viên của ông, Dith Pran, người Cam Bốt, thì không đi, chọn ở lại Phnom Penh.

Đến 10 giờ 15 thì ông John Dean với vẻ mặt nghiêm trọng, nếu không muốn nói là thiểu não, ôm lá quốc kỳ Mỹ trong tay bước lên trực thăng.

Vào lúc 10.giờ 41, tất cả các dân sự đều được bốc đi hết.

Các quả đạn bách kích pháo rơi chung quanh tòa đại sứ trong khi một y tá người Mỹ đang săn sóc 2 thương binh.. Từ dưới đất, Thủy Quân Lục Chiến gởi một công điện truyền tin lên chiếc phi cơ chỉ huy là chiếc C.130 đang bay lượn trên không phận Phnom Penh. Nhưng không có một chiếc phi cơ hay trực thăng nào tìm ra vị trí của mấy khẩu bách kích pháo của Khmer Đỏ. Có hơn 12 chiếc phi cơ tiềm kích đang bay tuần tiễu giữa Phnom Penh và bờ biển, nhưng họ không can thiệp.

Ngoài khơi hải cảng Sihanouk, hạm đội Hoa Kỳ đã dàn ra từ hôm qua. Đó là những chiếc Vancouver, Thomaston, Henry D. Wilson, Knox, và chiếc Kirk. Các phi cơ Mỹ thuộc Không Lực Hoa Kỳ đang đóng trên căn cứ ở Thái Lan đều sẵn sàng có thể đến phối hơp với các chiến hạm nầy để đẩy lui các cuộc tấn công của Khmer Đỏ, nếu có.

Sau vài giờ tạm nghỉ trên các chiến hạm, những người di tản từ Phnom Penh được đưa về Thái Lan.

Cuộc hành quân "Ó Bay Đi" đã thỏa mãn hoàn toàn các quân nhân Hoa Kỳ . Một công tác được chuẩn bị và thi hành rất chu đáo. Một công trình tiếp vận thành công vì Khmer Đỏ không có phương tiện để chống lại. Trước hết có thể vì dân chúng ở thủ đô Cam Bốt không tìm cách ùa nhau cùng chạy loạn theo các trực thăng.

Tóm lại đây cũng có thể coi như một cuộc thao dượt cho.... Sài Gòn , nếu người ta muốn đi tới đó. Các báo chí trên toàn thế giới đều có "Một đề tài như nhau : Người Mỹ rời khỏi Phnom Penh" , "Vị Xử Lý Thường Vụ Chủ Tịch di tản, chạy theo Đại Sứ Hoa Kỳ", "Quân đội nắm quyền tại Phnom Penh", "Ủy Ban Quân sự được thành lập dưới quyền của tướng Sak Suttsakhom". Tổng Thống Giscard d'Estaing say mê danh từ "thích hợp". Ngay tức khắc Chánh Phủ Pháp nhìn nhận Quốc Gia mới, nghĩa là chế độ Khmer Đỏ. Việc nhìn nhận quá hấp tấp nầy thật sự có "thích hợp" hay không đây ?

Tòa Đại sứ Pháp ở Phnom Penh chỉ có một lãnh sự là ông Jean Dyrac, tạm thời được nâng lên hàng Phó Lãnh Sự : Nước Pháp đi trước xa đối với chế độ.

Ngày 17 tháng 4 hồi 5 giờ , có một số Khmer Đỏ đến trước Tòa Đại sứ. Sau đó, các xe thiết giáp của Chánh Phủ mang cờ trắng chạy khắp thành phố.

Quân Khmer Đỏ giải phóng Phnom Penh trước khi Bắc Việt chiếm được Sài Gòn . Đây là một cuộc chạy đua với thời gian giữa Bạn và Thù; Khmer Đỏ muốn chứng minh rằng họ có đủ khả năng tiến tới một mình, không cần có sự giúp đỡ của Bắc Việt.

Sau đó Khmer Đỏ đuổi hết dân chúng ra khỏi thành phố.



Các công điện của người Pháp từ Phnom Penh được chuyển về Paris qua ngả Sài Gòn và thường bị gián đoạn. Bốn ngàn dân tỵ nạn đang cắm trại trong khuôn viên tòa đại sứ. Trong số nầy có những người Đông Đức và người Nga. Những người KĐ (Khmer Đỏ)

- các chuyên viên gọi họ là "KR" , hai chữ đầu của Khmer Rouge - đã bắn sập tường của tòa đại sứ Liên Xô bằng rốc kết. Hoàng thân Sirik Matak và các thành viên thuộc gia đình Quốc Vương Norodom Sihanouk và 3 đức cháu đang tỵ nạn ở trong tòa đại sứ Pháp. Ngày hôm sau, hai sĩ quan KR và một đoàn tùy tùng trang bị súng không giật đến tòa đại sứ Pháp đòi bắt Hoàng Thân, nhưng Lãnh sự Pháp, ông Dyrac từ chối không cho họ vào , để mua thời gian.

- Ngày hôm sau chúng tôi sẽ đến, viên sĩ quan KĐ nói như vậy.

Ông Dyrac nhờ các linh mục Francois Ponchaud và Bernard Berger tác động giùm tinh thần cho các người dân tỵ nạn. Họ nâng cao tinh thần những người nầy bằng cách phổ biến các tin tức: liên lạc với Sài Gòn vẫn được duy trì cho tới khi nào điện bị cắt mới thôi.

Lúc 11 giờ, một chiếc phi cơ Hoa Kỳ lượn trên tòa đại sứ Pháp. Có hai nhà báo người Mỹ dùng máy truyền tin cầm tay liên lạc với phi cơ và yêu cầu được bốc đi bằng trực thăng. Người ta nói là Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ ở Thái Lan và cả Ngũ Giác Đài bên Hoa Thạnh Đốn sẽ nghiên cứu vấn đề nầy. Cuộc hành quân di tản được yêu cầu nầy có thể sẽ đưa tới một cuộc tàn sát hết tất cả người tỵ nạn ngay ở tòa đại sứ ở đây.

Ngày 19 tháng 4, hoàng thân Sirik Matak và những người Cam Bốt khác quyết định ra hàng. Những người của KĐ với một chiếc xe Jeep và 2 xe vận tải đến trước tòa đại sứ. Hoàng thân Matak còn được nhìn thấy ở cách Phnom Penh chừng 20 cây số, sau đó thì không còn ai thấy được ông ta đâu nữa.

Cơn hấp hối của quốc gia Cam Bốt trong tay bọn Khmer Đỏ đang bắt đầu...



Tổng ThốngThiệu nói chuyện với ông Hoàng đức Nhã về sự thất thủ của Phnom Penh. Nhã xác nhận:

- " Mọi việc rồi cũng sẽ đến với Sài Gòn như vậy,.

- "Anh tin như vậy sao ?

- " Vâng, nếu cộng sản Bắc Việt đưa hết lực lượng của họ để tấn công chúng ta .

- " Tôi không tin như thế, và tôi không bao giờ tin như thế. Có quá nhiều việc liên quan đến vấn đề nầy, ông Thiệu nhấn mạnh.

Tổng ThốngThiệu vẫn còn tin chắc là ông sẽ làm cho người Mỹ phải nhảy vào.


Ông Hoàng đức Nhã tự nguyện sẽ đi Tân gia Ba. Ông rất phục Thủ Tướng Lý quang Diệu, một nhân vật dân chủ xã hội rất có quyền thế đang lãnh đạo một đất nước trên hòn đảo nhỏ bé nầy . Ông ta đã cho dân chúng Tân gia Ba những gì mà người cộng sản luôn luôn chỉ có hứa suông mà không bao giờ có, như việc làm, học vấn, và nhà ở. Phương thức dân chủ rất mạnh mẽ ở đây đã làm cho Nhã say mê. Cũng vì vậy mà khi có một nhà báo Anh cho ông biết là ông Lý quang Diệu mong ước muốn gặp ông, thì ông tỏ ra rất bằng lòng. Ông Nhã đáp phi cơ đến Tân gia Ba và ở trọ tại Raffles, một khách sạn cũ nhưng rất nổi tiếng và rất đẹp. Sau đó ông đi dùng cơm tối ở nhà hàng Newton Circus. Tân gia Ba là một thành phố rất văn minh, có văn hóa, sạch sẽ, được kiểm soát rất chặt chẽ do một lực lượng gìn giữ trật tự vô hình nhưng hữu hiệu.

Một thanh tra Cảnh Sát mặc thường phục đến gần Nhã :

- Ông là ông Nhã ?

- Phải

- Ngài Thủ tướng muốn gặp ông. Ngay bây giờ.

Ông Nhã rất thích lề lối mà người ta đã nhanh chóng nhận ra ông ngay ở đây.

Đến nơi, ngoài Thủ Tướng ông còn thấy có ông Tổng trưởng Ngoại Giao và một vị Cố vấn chánh trị . Mọi người đều dùng Anh văn để đàm thoại. Nhã được biết qua về một chuyến du hành của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Nelson Rockefeller. Nhơn dịp sang dự tang lễ của ôngTưỡng giới Thạch vừa từ trần hôm ngày 5 tháng 4, ông Rockefeller đi một vòng thăm vùng Đông Nam Á Châu. Ông đã tích lũy được một số chuyện phiếm. Khi người ta nói với ông về tình hình ở Việt Nam, ông trả lời dựa theo các cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ vào năm 1976:

- "Nếu hai hay ba ngàn người Mỹ chết hay bị bắt làm tù binh, thì sẽ có nhiều bài toán được đặt ra".

Nếu người ta nhắc lại câu hỏi của đảo Chypre, thì ông sẽ đề nghị với những người Hy Lạp là họ phải rất bằng lòng về cuộc xăm lăng của Thổ nhĩ Kỳ, vì nó giúp khôi phục lại được nền Dân Chủ ở Hy Lạp:

- " Nếu tôi là người Hy Lạp, tôi sẽ quỳ xuống để cầu nguyện - tôi không biết người Hy Lạp sẽ cầu nguyện với ai? với những vị Thánh nào trong trường hợp nầy....".

Không biết Tổng Thống Ford thường hay có ý định xử dụng ông Phó của ông trong lãnh vực ngoại giao loại nầy hay không ? "Điều nầy chắc phải tùy thuộc xem người nào chết,"

Đi thẳng vào đề , Thủ Tướng Lý quang Diệu nói với ông Nhã :

- "Chúng ta không nên để mất thì giờ., Tôi đã yêu cầu ông đến đây vì đã gần tới giờ chung cuộc rồi. (ở Việt Nam ). Ông Rockefeller đã hỏi tôi, như đã hỏi các vị lãnh đạo khác ở Á Châu, là liệu chúng tôi có chấp thuận một cuộc hành quân để loại bỏ ông Tổng Thống Thiệu hay không ? (nguyên tácpération)

Nhìn thoáng qua theo ý kiến của ông Rockefeller - của ông ta? hay của ông Ford? chắc chắn không phải của Bộ Ngoại giao hay của Trung Ương Tình Báo CIA - thì sẽ phải dựng lên một nhóm đảo chánh ở Sài Gòn. Tham gia vào đó sẽ có thể là cựu Thủ tướng Khiêm, tướng Viên Tổng Tham mưu trưởng, hay tướng Không quân Nguyễn cao Kỳ . Sau đó người ta sẽ thành lập một Chánh Phủ Liên Hiệp do nhóm nầy tấn phong . Ông Lý quang Diệu không bàn cãi về khía cạnh hữu lý hay hoang đường của kế hoạch nầy, một kế hoạch mà chỉ có riêng ông Rockefeller là người phải chịu trách nhiệm mà thôi.

Ông Lý quang Diệu nói với ông Nhã :

- " Ông hãy báo cho ông anh của ông biết đi. Còn ông thì nên ở lại đây, đừng có trở lại Sài Gòn . Tôi sẽ lo đưa gia đình ông ra khỏi Việt Nam . Ông biết không ? người Mỹ đã chọn nơi cư trú cho ông Thiệu rồi đó ".

Không cần nghĩ là có thể bị nghe lén hay không , ông Nhã liền gọi điện thoại ngay về cho Tổng ThốngThiệu. Tất cả tin tức nhận được đều y như thế .Qua bạn bè của ông, qua các sĩ quan cấp tá trẻ, Nhã biết được sự tức giận trong QLVNCH (Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) trên cấp cao. Ông khuyên Tổng ThốngThiệu nên từ chức.

- Anh đừng chờ người ta lật đổ anh, hay người ta tống cổ anh đi. Hãy đi trước một bước đi, càng nhanh càng tốt.

Nhưng rồi Hoàng đức Nhã cũng về lại Sài Gòn qua ngả BangKok. Ông điện thoại về Dinh Độc Lập. Một tùy viên xin ông gọi lại sau:

- " Tổng Thống đang làm việc , ông đang thảo một bài diễn văn, nghe hình như một bài diễn văn độc đáo lắm.".



Ông Kissinger hỏi ông đại sứ Martin : Có thể dùng hải cảng Vũng Tàu cho một cuộc di tản qui mô được không ? Công điện của Tổng trưởng ngoại giao viết :

- "Trong chìu hướng đó có thể tránh được sự hỗn loạn, phải phối hợp chặt chẽ với ông Thiệu. "

Ông Kissinger tỏ ra lo lắng cho số phận của những người Việt Nam đã cộng tác với người Mỹ:

- "Chúng tôi muốn biết xem liệu ông Thiệu có sẳn sàng để cho một số người của họ ra đi bây giờ hay không ?"

Ông Martin bắt đầu chịu nghe theo ý kiến về một giải pháp thương thuyết. Ông đã từng luôn luôn bênh vực Tổng ThốngThiệu, nhưng bây giờ thì ông nghĩ là ông nầy phải ra đi. Gần đây có những tin đồn do người Mỹ gán cho tòa đại sứ Pháp, cho rằng Bắc Việt sẽ liệng bom xuống Sài Gòn nếu ông Thiệu không chịu ra đi ngay từ bây giờ.

Tại Hoa Thạnh Đốn , ông Kissinger lại lên tiếng. Ông điều trần trước một tiểu ban ở Thượng Viện . Ông nói như một chiến lược gia loại Clausewitz:

- " Cuộc tấn công của Bắc Việt và phản ứng của Miền Nam Việt Nam không phải ngẫu nhiên mà xảy ra. Hơn nữa sự may mắn luôn luôn là một yếu tố trong chiến tranh,

Ông ôn lại những biến cố trong 3 tháng sau cùng. Ông chấp nhận là Miền Nam Việt Nam cũng không có thi hành đúng đắn tất cả các điều khoản của Hiệp Định Ba Lê. Nhưng ông nhấn mạnh là theo thống kê thì Sài Gòn ít vi phạm hơn nhiều so với Hà Nội. Bây giờ thì đã có một sự mất thăng bằng về quân sự, có lợi cho Bắc Việt nhiều hơn . Sài Gòn đang tìm một giải pháp chánh trị xuyên qua những cuộc bàn cãi với CPCMLTMN tại Ba Lê:

- " Không hề có một sự tiến bộ nào cho một giải pháp dung hòa về chánh trị , bởi vì Hà Nội không bao giờ muốn như thế .....

Ông Kissinger chứng minh qua Hiệp Định Paris. Ông nhắc lại là :

- "Cả Hoa Kỳ và VNCH không bao giờ thấy Bắc Việt thi hành hoàn toàn và nghiêm chỉnh Hiệp Định Ba Lê. Vì nếu được Hà Nội áp dụng đứng đắn, thì các điều khoản chính của Hiệp Định đã giúp cho họ từ bỏ giải pháp quân sự từ lâu, để bước sang giải pháp chánh trị như Hiệp Định đã ghi rõ."

Ông Kissinger nói rõ là tất cả đều được thiết lập trên sự mất cân bằng, không còn đồng đẳng về quân sự nữa

- " Các đơn vị chiến đấu của Bắc Việt quá nhiều so với Miền Nam , và họ lại được võ trang quá hùng hậu. Quan trọng hơn nữa là họ lại lợi dụng được một tốc độ về tâm lý chiến. Trong một trận chiến điều nầy có thể là một yếu tố quyết định mạnh hơn là vũ khí nữa."

Nghị sĩ Joseph Montoya hỏi ông Kissinger về những lý do thất trận của Miền Nam Việt Nam . Kissinger dùng lại những lập luận của ông và của Chánh Phủ Hoa Kỳ :

- " Với một lực lượng quân sự không cân bằng, vì những cắt xén viện trợ của Hoa Kỳ , do những áp lực về lạm phát, và giá dầu tăng cao......

Ông Kissinger khen ngợi tinh thần can đảm của Quân Lực VNCH, mặc dầu số tử vong lên đến gần 30.000 người vào năm 1994 (Theo chánh quyền Sài Gòn thì con số tử vong là 21.000 người .)

Đối với những cam kết mật của ông Nixon, nghị sĩ Montoya nêu lên bài toán về những nghĩa vụ của Hoa Kỳ trên phương diện pháp lý và tinh thần đạo đức:

- "Chúng ta phải gánh nghĩa vụ tinh thần đó bao nhiêu lâu nữa, giã dụ như chúng ta đã có nghĩa vụ đó từ lâu đối với Miền Nam Việt Nam ?

- " Thưa nghị sĩ, thật rất khó mà ấn định được một thời gian nào để chấm dứt lắm. Trên thế giới nầy đã có tình trạng đe dọa thường xuyên nên người ta không thể nói trước một thời gian nào gọi là chấm dứt nghĩa vụ được, trừ phi kẻ xăm lăng chính quyết định chấm dứt cuộc xăm lăng của họ. Chúng ta đã có nghĩa vụ ở Âu Châu trong suốt thời gian sau khi thế chiến chấm dứt, một nghĩa vụ mà chúng ta không thể ấn định được lúc nào mới phải chấm dứt. Chúng ta có một nghĩa vụ đối với quốc gia Do Thái và chúng ta cũng không thể cho một thời gian nào....

- Ông có thể cho biết một nước nào khác đã có nghĩa vụ tinh thần đối với Miền Nam Việt Nam hay không ?

- Có rất ít quốc gia như vậy. Chỉ có Nam Hàn, Úc Châu và Tân Tây Lan là có gởi quân đến đó...

Một nghị sĩ khác thuộc đảng Dân Chủ, ông Henry Bellmon hỏi Kissinger:

-" Đôi khi người ta nói về ông, rằng ông là một nhà sáng tác tài tình nhiều phép lạ trong nghề ngoại giao của ông. Ông đã thiết lập được những liên hệ quá bình thường với Trung Quốc....

Ông Kissinger ngắt lời ông Bellmon nửa đùa nửa thật:

- "Thiết lập quan hệ bình thường ư ? Câu nầy không phải của tôi đâu, nhưng khi người ta dùng nó, đôi khi tôi không có phản đối quá mạnh....

- Ông cũng có làm việc để đi đến thỏa thuận với Liên Xô. Các quốc gia đó (Trung Quốc và Liên Xô) đã tiếp tế cho Bắc Việt . Chúng tôi không biết trong trường hợp hiện tại, nếu những sự quan hệ của chúng ta đối với Trung Quốc và Liên Xô được cải thiện tốt đẹp, thì chúng ta có nên xài nó......

- Kissinger thấy là tất cả chánh sách ngoại giao được đặt thành vấn đề trở lại, bèn đáp :

- " Khi có người nói rằng họ nhờ chúng ta, thì phải tự hỏi xem chúng ta đã thiết lập được những gì.... Mục tiêu chính yếu trong vấn đề hòa hoãn với Liên Xô là để giảm thiểu nguy cơ của chiến tranh nguyên tử và làm nhẹ đi những sự căng thẳng nói chung. Đây là những gì đã xảy ra: mức độ cung cấp dụng cụ chiến tranh của Liên Xô cho Bắc Việt được giữ ở mức độ không thay đổi trong những năm sau cùng. Trong khi đó, mức độ cung ứng dụng cụ quân sự của Hoa Kỳ cho Miền Nam Việt Nam đã giảm xuống đáng kể. Ngoài ra Liên Xô hình như không bao giờ tự hỏi về việc xử dụng vũ khí viện trợ đó một cách quá tỉ mỉ và quá máy móc như chúng ta ".

Trong thâm tâm, Kissnger không có ý định phải tái dội bom Bắc Việt. Nhưng nghị sĩ Walter Huddleston, Dân Chủ thốt lên một câu :

- " Người Mỹ chúng ta muốn biết là sau bao nhiêu năm các ngân khoản bổ túc do Chánh Phủ yêu cầu có đi tới được một kết luận tốt hay không ? Có hay không ? Có một câu trả lời nào cho vấn đề nầy không ?

- "Không có một câu trả lời nào chính xác hết. Nếu ít ra chỉ có một.

Với vẻ cảm động, như một kịch sĩ lành nghề, ông Tổng truởng ngoại giao lẳng lặng đọc cho các nghị sĩ nghe bức thư của ông Sirik Matak. Các vị dân cử đều ngao ngán...Kissinger bèn khai thác ngay :

- " Thưa ông Chủ tịch, thưa quý bà, quý ông.., Ông đại sứ Dean và cá nhân tôi nữa không người nào quên được lá thư nầy.Và ngay cả người đã can đảm viết bức thư nầy..cũng vậy. Bây giờ đây, với tư cách là người Hoa Kỳ chúng ta cùng nhau phải biết hành động như thế nào để có thể chắc chắn là chúng ta sẽ không bao giờ còn nhận được những lá thư như thế nầy nữa.!"

Ông Tổng trưởng ngoại giao muốn thử làm cao để tự bào chữa, nên chỉ nhắc sơ qua lý do chính yếu đã đẩy Bắc Việt tiến tới một cuộc tổng tấn công toàn diện và cuối cùng.

Khởi đầu thì có vụ việc "nghe lén" (Watergate) mà chỉ một mình ông Nixon là người lãnh trách nhiệm.. Vừa không thể chấp nhận được, vừa là điều phi lý, sự nghe lén đồi bại nhỏ nhoi trong những khu vực của đảng Dân Chủ đó đã kéo theo một thủ tục mà Kissinger không thể dự đoán được trong lúc đang hình thành những đoạn tế nhị của Hiệp Định Ba Lê. Nếu ông Nixon còn ngồi ở chánh quyền thì không còn nghi ngờ gì nữa và còn chắc chắn là ông sẽ gởi ngay các pháo đài bay B.52 ngay sau khi Bắc Việt tấn chiếm Ban mê Thuột . Khi cho lệnh dội bom lên Cam Bốt hay Hà Nội , ông Nixon đã cho thấy là ông không có chút lưu tâm tới ý kiến của Quốc Hội cũng như tới dư luận dân chúng Hoa Kỳ . Nghị quyết và Luật về Quyền Hạn Chiến Tranh có ngăn cản ông ta đâu ? Nếu các phi công Mỹ đã nhận lệnh của Tổng Thống , với tư cách là Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ , họ có tuân lệnh hay không ? Hay là, nếu bất tuân lệnh, thì họ có nhờ luật sư của họ, viện dẫn Quyết Định và Luật đó hay không ?

Yêu cầu ngân khoản viện trợ của Tổng Thống Ford đã huy động đến 8 tiểu ban ở Thượng Viện và Hạ Viện. Tổng Trưởng Quốc Phòng Schlesinger và tướng Weyand cũng phải ra điều trần.

Các con số teo dần: 515 triệu, rồi 449, 401, 370 rồi 350 triệu... Người ta tính ra là 165 triệu viện trợ quân sự và 165 triệu cho viện trợ nhân đạo.Các thành viên của Quốc Hội nhất là các nghị sĩ, gần như muốn ngân khoản viện trợ nhân đạo và cho cuộc hành quân di tản phải lên đến 200 triệu. Ông Ford vẫn chưa chịu và ông ta đòi 972 triệu cho tất cả . Chuyện đối đầu giữa Hành Pháp và Lập Pháp được công khai đưa lên truyền hình, truyền thanh, và báo chí, quả thật là mệt nhọc. Trong một cuộc họp báo, Tổng Thống Ford thử đưa ra một so sánh về yêu cầu của mình: ông xin một ngân khoản nhỏ thôi, dưới một tỷ đô la, một con số có đáng kể gì đâu "so với 150 tỷ mà chúng ta đã xài từ trước.? "

Nhưng.. Lãnh đạo ở Hà Nội và Lê đức Thọ ở Miền Nam, và trên mặt trận ai cũng biết rõ hết từng chi tiết.

Điều rõ ràng là mặc dầu có thiện chí và có thiện cảm với ông Ford, hầu hết các thành viên của Quốc Hội không sẳn sàng chấp thuận cho ông ta một ngân khoản viện trô quân sự nào nữa. Dĩ nhiên là ông vẫn sẽ được tất cả ngân khoản cần thiết để di tản các công dân Hoa Kỳ . Thật sự, có bao nhiêu người ? - 5400 hay hơn thế nữa ? Ngưới ta cũng chấp thuận cho Tổng Thống những ngân khoản chủ yếu cho viện trợ nhân đạo và để không bỏ lại cho cộng sản những người Việt Nam đã từng cộng tác với Hoa Kỳ.

Tổng Thống Ford đã tiếp tất cả những thành viên thuộc tiểu ban Ngoại giao của Thượng Viện trong suốt 1 giở rưỡi. Cả các vị dân cử thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều mong muốn Tổng Thống hứa là sẽ nhanh chóng đưa những người Mỹ ra khỏi nước Việt Nam . Người Việt Nam thì phải ở hàng thứ yếu. Con số được đề nghị bốc đi sẽ là bao nhiêu ? Ông Ford đáp lời :

- " Đại khái phải tính cho là từ 175.000 đến 200.000. Chúng ta phải có trách nhiệm tinh thần, và chúng ta phải giúp đỡ những người đã từng giúp chúng ta ."

Tổng Thống Ford không muốn cung cấp cho các nghị sĩ một ngày giờ nhứt định. Rút người Mỹ ra khỏi Việt Nam trong lúc nầy là sẽ tạo ngay một tình trạng hoãng loạn, và như thế sẽ nguy hiểm cho tánh mạng của những người Mỹ hiện đang còn ở Việt Nam .

- " Chúng tôi cần có thời gian, chỉ trong vòng một vài ngày mà thôi.

Ở Hoa Thạnh Đốn , có nhiều người nói là sẽ di tản chừng 1 triệu người Việt Nam bằng cách chở họ bằng tàu thủy từ cảng Vũng Tàu. Như vậy sẽ có bao nhiêu binh sĩ, bao nhiêu Thủy Quân Lục Chiến Mỹ để bảo vệ cuộc hành quân đó ? Phải tốn đến nhiều sư đoàn .... Các dân cử Mỹ thích con số chừng 200 ngàn người Việt Nam .

Người ta nói đến trường hợp ông đại sứ Martin. Trước khi đến gặp Tổng Thống Ford, hầu hết các nghị sĩ đều đã có đọc một tờ trình của hai ông Richard Moose và Charles Misner, hai người phụ tá của các đại biểu trong phái đoàn từ Việt Nam về. Theo đó thì ông Martin không bao giờ chấp nhận tính cách không thể đảo ngược của tình hình quân sự .



Từ Sài Gòn , đại sứ Hoa Kỳ theo dõi trận chiến ngay trên mặt trận ở Hoa Thạnh Đốn .

Với những ai muốn nghe thì ông sẳn sàng tố cáo " những cái điếm đàng về ngân khoản của Quốc Hội" . Biết chắc là họ sẽ bỏ phiếu chống mọi viện trợ quân sự , ông Martin đề nghị với ông Kissinger là trong trường hợp đó, thì tốt hơn hết là tìm cách hoản cuộc bỏ phiếu đó lại . Chúng ta không nên làm mất tinh thần Chánh Phủ Miền Nam Việt Nam , ta phải cho họ thời gian để quay trở lại. Cuối cùng Tổng ThốngThiệu cũng đã hiểu: ông đã cùng với Tổng trưởng Nguyễn tiến Hưng nghĩ ra một kế hoạch khác và một đường lối vận động khác để có thể đạt được viện trợ của Hoa Kỳ . Sài Gòn có thể xin vay Hoa Thạnh Đốn một số tiền chừng 3 tỷ mỹ kim, trả dài hạn trong 3 năm, có thể gia hạn trong 10 năm. Bắt đầu trả nợ từ năm 1985. Quốc Hội Mỹ sẽ ấn định lãi suất. Số nợ vay nầy sẽ được bảo đảm bằng tài nguyên nông nghiệp và đầu hỏa. Người ta có thể đặt tên rất kêu cho món tiền cho vay nầy là : "Món nợ vay cho Tự Do". Cái tên nầy có vẻ quyến rũ được dư luận dân chúng Hoa Kỳ lắm đó !

Ông Nguyễn tiến Hưng đưa ý kiến nầy cho ông Martin, để ông trao cho các chuyên viên kinh tế của ông nghiên cứu. Còn ông thì đi sang Hoa Thạnh Đốn hoạt động ngoài "hành lang" để vận động cho ý kiến "vay món nợ cho Tự Do" nầy. Qua điện thoại, hình như ông Martin không mấy chú tâm đến vấn đề nầy, ông Hưng chỉ nhớ thoáng qua một câu của Đại sứ :

-" Thật ra, Tổng Thống của ông sẽ từ nhiệm hay không ?"



Trên phương diện quân sự , trong một công điện gởi cho ông Kissinger, ông Martin đã mô tả trân chiến ở Xuân Lộc nằm về phía Tây của Sài Gòn đang diễn tiến tốt đẹp.

- "Bắc Việt đã có hai ngàn chết và bị thương. Các tù binh còn rất trẻ, có một cán binh nói rằng anh ta được 14 tuổi..." Từ đó chúng tôi nghĩ rằng Hà Nội đã không còn trừ bị. ..."

Đại sứ Martin vẫn còn tin tưởng:

- "Tôi không tin rằng QLVNCH sẽ chịu cúi đầu. "

Cuối cùng rồi Chánh Phủ mới cũng được thành lập xong ở Sài Gòn . Ông Martin vẫn gởi công điện cho ông Kissinger nhiều lần mỗi ngày, lần nầy :

- "Người ta không biết bây giờ thì cái gì sẽ xảy ra "

Ở Hoa Thạnh Đốn tiểu ban ngoại giao của Thượng Viện đã tạm thời chấp thuận một yêu cầu pháp chế khẩn cấp, cho phép Tổng Thống quyền được xử dụng quân đội cần thiết trong việc di tản người Mỹ và một số người Việt Nam . Các nghị sĩ bắt buộc ông Martin phải nhanh chóng rút người Mỹ ra khỏi Việt Nam . Nghị sĩ Charles Percy, Cộng Hòa, yêu cầu Tổng Thống Ford phải bảo đảm là mọi phi cơ lúc rời khỏi Sài Gòn đều không được có ghế nào trống. Tổng Thống Ford đã xác nhận với ông nầy rằng Kissinger đã có cho lệnh như thế rồi. Ông Martin nhận thấy là không khí ở thủ đô Hoa Kỳ xấu đến mức độ khó nói .

Ngoài những bài toán trực tiếp, cuộc truy tìm những người có trách nhiệm trong vấn đề tán loạn nầy cũng đã bắt đầu. Như thế là bộ máy dân chủ đang chạy...

Người ta có thể cho đi bao nhiêu người Việt Nam được ? và di tản bằng cách nào cho hợp với pháp lý của Hoa Kỳ? Người nào muốn rời khỏi nước Mỹ đều không cần phải xuất trình một tờ căn cước nào hết. Nhưng đi vào nước Mỹ thì khó lắm, vì còn phải xét đến luật lệ và cấp khoản di trú được tính cho người Việt Nam giống như những người khác. Bộ ngoại giao đã phải tranh đấu cho vấn đề nầy. Ngày 14 tháng 4, Bộ nầy đã cho Tòa Đại sư của mình ở Sài Gòn biết là họ chỉ được một vài nhượng bộ rất hạn chế. Một số người Việt Nam nào đó chỉ được nhập cảnh vào Hoa Kỳ với một "lời hứa danh dự" (on parole ). Đây không phải là lòng vị tha suông. Người ta muốn "loại bỏ" một trong những lý do đã thúc đẩy một số người Mỹ từ chối không muốn rời khỏi nước Việt Nam - sự hiện hữu của vợ con họ gốc người Việt Nam - Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ lo về vấn đề di trú đã định nghĩa các tiêu chuẩn như vậy.

Muốn di cư vào Hoa Kỳ thì phải :

1.- Được kết hôn chánh thức với một nam hay nữ công dân Hoa Kỳ.

2.- Là con (của một nam hay nữ công dân Hoa Kỳ ).

3.- Là mẹ hay cha của một công dân Hoa Kỳ (ví dụ một phụ nữ Việt Nam đã trở thành mẹ của một đứa trẻ Mỹ, qua kết hôn)

4.- Là Mẹ hay Cha của người phối ngẫu ngoại quốc của một công dân Hoa Kỳ (ví dụ mẹ hay cha của một người phụ nữ Việt Nam đã kết hôn với một công dân Hoa Kỳ mà chưa trở thành nữ công dân Hoa Kỳ)

5.- Là một trẻ vị thành niên không do sự kết hôn của một phối ngẫu ngoại quốc (ví dụ con riêng của một phụ nữ Việt Nam đã có trước khi thành hôn với một công dân Hoa Kỳ)

Trước khi đi, mỗi người phải có những giấy tờ chứng minh mối liên hệ cha mẹ của mình. và người đó phải điền vào mẫu I-94.

Các công chức ở Hoa Thạnh Đốn có cảm tưởng là đã thiết lập những luật lệ rõ ràng, công bằng, và rất nhân đạo. Nhưng vô phước thay, ho không nghĩ tới những sự thật ở Việt Nam . Có một số dân sự người Mỹ như thợ, đốc công, kỹ sư ... đến làm việc cho các hãng tư ở Việt Nam , những người phóng viên, nhiếp ảnh viên ... đã sống không chánh thức từ lâu với các phụ nữ Việt Nam và đôi khi họ cũng đã có con với nhau. Có vài người trong số nầy chỉ giản dị là quên không kết hôn với nhau thôi. Các ông công chức ở Hoa Thạnh Đốn cứ tưởng đến gia đình người Mỹ thời nguyên tử, một chồng một vợ và một hay hai đứa con là cùng, hay họa hoằn còn thêm một hay hai ông bà. Các gia đình Việt Nam đến trình diện ở Tòa Lãnh sự thường có từ 15 đến 30 người ; có nhiều gia đình người Tàu lại Việt ở Chợ Lớn có đến những 50 .

Nhờ Trời, tại Sài Gòn các công chức người Mỹ biết cách xử sự và mềm dẻo hơn. Trên các chuyến bay từ Tân sơn Nhứt mỗi ngày, số ghế được hạn chế. Do đó khó mà quyết định được ai đi ai ở ?Thật là đau khổ ! Rất khó khăn trong việc chọn lọc, nhất là khi người Việt Nam nói với toà lãnh sự : Tùy các ông lựa chọn giùm đi !

Một viên chức có trách nhiệm trong vấn đề chọn lọc nầy là ông Ken Moorefield đã quyết định bất chấp hết luật lệ. Khi người ta không thể chấp nhận toàn thể một gia đình nào đó thì người ta đi từ nguyên tắc : đừng để ở lại Sài Gòn những ông bà già nào không còn một con trai hay con gái để lo phục vụ cho đời sống của họ.

Ngoài ra trên nguyên tắc, trước khi cho giấy phép xuất cảnh, tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ phải được biết chắc chắn là trước khi rời khỏi Việt Nam người đó có ở trong tình trạng hợp lệ đối với Chánh quyền Việt Nam hay không ?. Được một thông hành không phải là một chuyện dễ, đó là chưa nói tới những thủ tục về tiền bạc. Người Mỹ vi phạm luật lệ Việt Nam một cách dễ dàng hơn là đối với luật lệ của Hoa Kỳ. Từ đầu tháng 4, tòa Lãnh sự Hoa Kỳ nhận hết các loại giấy xuất cảnh do Bộ Nội Vụ Việt Nam cấp, thường là giấy giả hay giấy mua được ở đâu đó. Để cho chạy việc, người ta hứa với một vài công chức hay thanh tra là sẽ cho di tản họ và cả gia đình họ, nếu họ tỏ ra biết chịu hợp tác. Vào thời điểm bình thường, ở tại Sài Gòn , ngay như người ta muốn thuê một công chức làm giấy tờ, thì cũng phải đợi đến nhiều tuần lễ hay có khi cả mấy tháng mới có được một giấy tờ chánh thức. Còn bây giờ thì có đến hàng chục ngàn người nộp đơn, thì làm sao mà hy vọng có được thông hành, chiếu khán xuất cảnh, giấy chứng nhận không thiếu thuế, giấy thông hành .. được cấp cho một cách nhanh chóng? Do vậy mới có "kỹ nghệ làm giả giấy tờ" và kỹ nghệ nầy đang nỡ rộ, với tất cả các loại cần thiết từ bản chữ in đến con dấu. Và người Mỹ ở Sài Gòn đã học được cách "không cần xét kỹ " giấy tờ.

Tại Hoa Thạnh Đốn người ta nói đến con số 1 triệu người có khả năng di cư., Tổng Thống thì gợi lên con số hai trăm ngàn. Không có một chỉ thị chánh thức nào về "con số" được gởi đến cho tòa đại sứ ở Sài Gòn . Mãi cho đến ngày 26 tháng 4, người ta mới cho phép ông Martin chánh thức cho di tản hai mươi lăm ngàn người Việt Nam .

Bên cạnh con đường di tản chánh thức, lại có những hệ thống song song bán chánh thức được thiết lập, do các công ty, các sĩ quan Không quân Hoa Kỳ , do Cơ Quan Trung Ương Tình Báo CIA hay những nhóm đặc biệt khác đứng ra tổ chức. Do đó có hai công chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao là Larry Johnstone và Lionel Rosenblatt, khoảng 30 tuổi, đang làm việc tại Hoa Thạnh Đốn sau thời gian phục vụ tại Sài Gòn , đã thấy khó chịu về sự chậm lụt hành chánh . Họ tự nghỉ phép và đến Sài Gòn bằng tiền túi của mình mà không báo cho cấp trên biết. Họ đến ở ngay khách sạn Caravelle, và sau đó họ đi thuê trong một căn phòng trống ở ngoài phố. Trong suốt 6 ngày liền họ ngủ rất ít, dùng thì giờ đi khắp Sài Gòn với một chiếc xe Citroen cũ hay với chiếc xe buýt của hãng Pan Am. Họ nhận tất cả giấy tờ giả, rồi đến một vài chỗ hẹn bí mật trước Bưu Điện Sài Gòn hay Nhà Thờ Chánh Tòa để tập trung các người di tản. Ông Johnstone nói :

- "Cũng hơi bậy, không theo đúng cung cách của Bộ Ngoại Giao.

Cái khó chủ yếu là làm sao đưa những người hành khách lậu nầy vào phi trường. Cảnh Sát thì họ rất là nghiêm túc, các binh sĩ gát cũng vậy, ngay như đề nghị cho họ tiền cũng vậy. Một vài người chui vào thùng xe Citroen. Ông Rosenblatt giao dịch với ông Jim Eckes thuộc Dịch Vụ hàng không Continental. Nhờ đó hai ông Johnstone và Rosenblatt đã di tản được 200 người Việt Nam, trong số đó có 20 anh trai trẻ mà theo lời của hai ông công chức cao cấp người Mỹ nầy thì họ sẽ gặp khó khăn to lớn khi bị rơi vào tay của quân cộng sản Bắc Việt.



Trong khi đó thì tu sĩ Thích thiện Huệ đã quyết định là dù có xảy ra điều gì thì ông cũng vẫn ở lại Sài Gòn trong ngôi chùa của ông. Người anh cả của ông là một thiếu úy thường giải các tù binh Bắc Việt bị bắt ở Xuân Lộc về Sài Gòn . Viên thiếu úy nầy mỗi lần về Sài Gòn đều có khuyên cha mẹ anh nên rời khỏi Việt Nam . Còn cha mẹ anh thì lại khuyên anh nên đào ngũ. Anh đã từ chối. Anh đã thuật cho em của anh nghe về trận chiến ở Xuân Lộc :

- " Khi bộ đội cộng sản vào thành phố Xuân Lộc lần đầu tiên, có một vài thương binh của chúng ta đã đứng lên để nguyên cả túi thuốc cùng băng ni lông trên bụng, và rảo bước đi rất tự nhiên...

Thiếu úy nầy có cảm tưởng là Bắc Việt đã có một số đạn pháo vô giới hạn.

Một vài vị dân biểu của Quốc Hội VNCH thường lui tới với các Thầy trong chùa, đã đoan chắc là Hoa Thạnh Đốn và Bắc Kinh đã thỏa thuận với nhau để thiết lập một vùng trái độn do CPLTCHMN kiểm soát. Do vậy mới có chuyện các đơn vị của Miền Nam Việt Nam được lệnh rút đi. Lại có nhiều chuyện phịa mới được tung ra ở thủ đô như : ở Hà Nội đã có đảo chánh và tướng Võ nguyên Giáp đã bị giết, các sư đoàn Bắc Việt đang rút về Miền Bắc để chống lại quân Trung Cộng đang tấn công vào Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tất cả mọi chuyện đang xảy ra, kể cả trận chiến ở Xuân Lộc, đều nằm trong một kế hoạch chung rất là phức tạp, hết sức tinh tế, do Trung Quốc và Hoa Kỳ xếp đặt, hay do Liên Xô và Hoa Kỳ, hay do Bắc Việt và Hoa Kỳ dàn dựng......

Cộng đồng người Âu Châu và Hoa Kỳ thường lui tới Câu lạc bộ thể thao, nơi được mọi người được yêu cầu nên giữ đúng nội quy: không được mặc áo lá lúc đi dạo, trừ ra ở bên hồ bơi, và lúc nào cũng phải mang giầy bố trắng trên các sân tơ nít. Có người thì đi dạo, tản bộ chậm chậm gần các cây me to, có người thì chơi một ván "boule" .. Các bà thì vắng đi nhiều rồi kể từ vài tuần nay. các anh bồi mang rượu mạnh hay nước ngọt ra cho khách, thường mặc đồ trắng. Thỉnh thoảng có một chú cầm chuông rung lên và báo cáo :

- Ông Hiền có điện thoại

hay là

- Ông Polgar

- Ông Brochand ....

Có một bầu không khí vui chơi giả tạo để dấu kín một sự lo âu thật sự.... Mấy người Mỹ, người Đức, người Pháp và người Úc trao đổi với nhau những tin tức sau cùng hay những chuyệc tầm phào thuở xa xưa, họ đọc báo... Có đôi lúc người ta cười đùa rất thoái mái: ông Ed Daly, chủ tịch hãng hàng không Word Airways, đã gọi các nhà báo đến căn phòng ở khách sạn của ông tại Đông Kinh (Nhật Bản) và đọc cho họ nghe một công điện gởi cho Tổng Thống Ford. Ông Daly đã gởi tới Sài Gòn một chiếc phi cơ DC-8 và một chiếc Boeing 727 để giúp chở người tỵ nạn. Nhưng không một người nào được phép bước lên hai chiếc phi cơ đó, do vậy chúng phải bay trở về Đông Kinh, trống rỗng ! Ông Daly đoan chắc là tòa đại sứ Mỹ muốn bắn hạ các phi cơ nào của mình muốn cất cánh, nhưng tòa đại sứ đã đính chánh. Người ta không biết liệu Tổng Thống Ford có đọc được bức công điện nầy của ông Daly hay không :

- "Hãy ngăn mấy thắng nhơn viên CIA ngu ngốc của ông lại đi . Hãy đưa vào đây một vài người trung thành và thật sự tận tụy với công việc. Với tư cách cá nhân và của một người chuyên nghiệp đã đóng thuế quá nhiều cho ông, tôi có quyền nói lên một dư luận. Chúng ta hãy làm việc nhanh đi ."

Cơ quan ở Sài Gòn có thể thấy khó chịu vì những lời lẽ trên đây, nhưng với bản chất bình dị, ông Daly đã nói lên một sự thật: Vì muốn tránh tình trạng hoảng loạn nên ông Graham Martin phải kềm hãm sự di tản.

Gần Câu lạc bộ thể thao, trên các bãi cỏ trong Dinh Độc Lập, binh sĩ bố trí các đại bác phòng không , đào phòng tuyến, dựng lên vị trí phòng thủ bằng bao cát và đặt các khẩu liên thanh nặng. Không biết để phòng chớng bộ đội Bắc Việt nếu họ tới đây, hay để đề phòng những đơn vị khác của Miền Nam , phản loạn, trong trường hợp có đảo chánh ?

Từ trong dinh Độc Lập phát ra những lời tuyên bố chung chung, như những câu thần chú.. Tổng Thống tuyên bố là Chánh Phủ mới, vừa được thành lập có đầy thiện chí để sẵn sàng thương thuyết với cộng sản . Nhưng Chánh Phủ "sẽ không đầu hàng" Tổng Thống ước mong là phái đoàn cộng sản ở La Celle-Saint-Cloud sẽ trở lại bàn hội nghị để thành lập Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải Quốc Gia.

Nội các mới phần lớn gồm có những người dân sự được ông Thủ Tướng Nguyễn bá Cẩn chọn lựa. Trong hàng Tổng trưởng, người ta thấy có nghị sĩ Tôn thất Niệm, một người phật tử ôn hòa. Những người dân sự trong Chánh Phủ nói thẳng ra rằng họ không tin tủởng vào giải pháp quân sự nữa, và cũng như hầu hết đồng bào của mình họ đã quá mệt mỏi với chiến tranh rồi. Nhiều người muốn Tổng ThốngThiệu nên từ nhiệm, nhưng họ không dám nói thẳng với ông .Tướng Trần văn Đôn, Tổng trưởng Quốc Phòng là người rất năng nỗ. Với sự chấp thuận của Tổng Thống, ông ta đã phạt tù một vài sĩ quan cao cấp và tướng lãnh, trong đó có tướng Phú.

Ông Đôn, người đã cho rằng ông đã có nhiều cuộc tiếp xúc với CPLTCHMN, đã chuẩn bị một chương trình hành động: ông sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng Thống VNCH và trong 48 tiếng đồng hồ ông sẽ cho lệnh ngừng bắn. Sau đó ông sẽ thành lập một Chánh Phủ mới. Để đáp lại CPLTCHMN sẽ bảo đảm an toàn cho người Mỹ ở Sài Gòn .Trừ một toán nhỏ ở tòa đại sứ, còn bao nhiêu đều phải được di tản hết. Sau một thời gian xử lý, CPLTCHMN sẽ kiểm soát thủ đô. Ông không làm gì để ngăn cản bất cứ người Việt Nam nào muốn ra đi. Ông sẽ cho chiếu khán xuất cảnh dễ dàng. Ai cũng biết là họ sẽ xin ở đâu rồi, ở Huế, ở Đà Nẵng và ở Sài Gòn.

Như thế là vừa được thành lập là Chánh Phủ đã lấy khoảng cách với Tổng Thống Thiệu rồi. Trong một cố gắng cuối cùng, để đo thử dư luận dân chúng và giới dân cử Hoa Kỳ , ông Thiệu cho phổ biến một bức thơ của Tổng Thống Nixon , bức thư đề ngày 23 tháng giêng 1973 đã gây náo động cả thủ đô Hoa Thạnh Đốn . Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra lệnh cho đại sứ Martin nhấn mạnh là một bức thư không phải trở thành một hiệp ước được . Ông Thiệu không thấy được là việc gợi lên cái tên Nixon không thôi đã là một sự vụng về rồi, kể cả trong giới dân cử hay cử tri của đảng Cộng Hòa.

Tổng ThốngThiệu kêu gọi mọi người phải chiến đấu, để chuẩn bị cho một cuộc phản công, để ổn định cả ở hậu phương cũng như ở tiền tuyến. Để góp phần vào nỗ lực chiến tranh, tòa thị chính Sài Gòn ấn định một số luật lệ mới nhắm vào vấn đề di chuyển : không còn nghi ngờ gì nữa để tránh những cuộc ám sát : tốc độ tối đa cho xe đạp được ấn định là 15 cây số / giờ, cho mô tô, xe vận tải và xe buýt là 25 cây số / giờ, và cho xe du lịch, xe xì cút tơ là 40 cây số / giờ. Nếu có còi báo động thì "dân chúng không nên hốt hoảng"