Chương 15 - Dấu Tích Luân Hồi Biểu Hiện Qua Những Người Liên Hệ, Thân Thuộc


Những người liên hệ thân thuộc là những người liên quan về gia đình như cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, bạn bè. v.v... Nhìn chung, những người đó chỉ có sự ràng buộc về huyết thống, tình nghĩa. Mỗi người thường có cuộc sống và thể cách riêng. Tuy nhiên từ lâu trong dân gian và ngay cả những nhà nghiên cứu về nhân chủng học, tâm lý học, đều có một nhận xét về sự tương quan nào đó thuộc về dáng dấp, diện mạo của những người ấy với nhau. Nếu xét về mặt di truyền học thì dĩ nhiên con cái có những nét giống cha mẹ. Ở đây chỉ xét về trường hợp vợ chồng.

Trường Hợp Vợ Chồng.

Trên thế giới nhiều người đã có sự nhân xét giống nhau về một vấn đề: đó là sự tương quan về nhân dáng diện mạo giữa vợ và chồng. Phần lớn một cặp vợ chồng thường có những nét giống nhau về gương mặt và đôi khi cả tính tình. Có nhiều vợ chồng thoạt mới nhìn qua ai cũng tưởng đó là hai anh em. Nếu xét riêng về mặt tính tình thì có thể bảo rằng vì sống gần nhau họ sẽ chịu ảnh hưởng về cá tính của nhau. Nhưng trên thế giới, thật sự những người có tánh tình tương tự nhau mới hợp được nhau, mới khiến họ tìm đến nhau và dễ tiến tới hôn nhân (đồng thanh tương ứng, đồng chí tương cầu là vậy). Nếu xét về diện mạo thì khó mà giải thích theo lập luận nào. Vì quả thật vợ chồng không chung huyết thống, mỗi người thuộc một dòng dõi riêng. Vậy mà như đã trình bày ở trên, có lắm cặp vợ chồng có gương mặt tương tự nhau và ai trong chúng ta cũng có lần thấy rõ điều đó. Nguyên nhân nào đã khiến những người này liên hệ, kết hợp với nhau để thành vợ chồng? Theo các nhà tâm lý học thì một trong những nguyên nhân đáng kể là sự "gặp lại hình ảnh của chính mình". Những cặp vợ chồng ấy trước đây sống riêng lẻ, khi mới gặp nhau, quen biết nhau, họ đối mặt nhau và mỗi người tự cảm nhận một hình ảnh thân thuộc lạ lùng từ người kia mà họ chưa định rõ là gì. Cái hình ảnh thân thuộc ấy chính là những nét giống họ về gương mặt mà thường ngày họ bắt gặp trong lúc soi gương... Tuy nhiên, điều cần lưu ý là không phải cặp vợ chồng nào cũng đều có gương mặt tương tự nhau mà trái lại có những cặp vợ chồng lại khác nhau một trời một vực về diện mạo và cả tính tình. Những nhà nghiên cứu về các hiện tượng siêu linh đã dựa vào một vài thuyết tôn giáo, trong đó có thuyết luân hồi để giải thích và làm sáng tỏ phần nào vấn đề này.

Hôn nhân có nguồn gốc từ tiền kiếp. Ở kiếp này khi hai người nam nữ cùng nhau đi đến hôn nhân vợ chồng, quyết định sống bên nhau trọn đời thì thật ra điều đó không có nghĩa là điều mới được quyết định, theo thuyết luân hồi, chính nhân duyên từ kiếp trước đã quyết định, thế nào họ cũng gặp nhau vì nhân duyên (nhân duyên được hiểu giản đơn là Nhân cái này mà sinh ra cái kia (quả) như nhân có hạt giống mà sinh ra quả.

Nhân duyên có 12 thứ: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, thủ, hữu, sinh, lão và tử, xem ý nghĩa 12 nhân duyên Duyên giữa trai gái để trở thành vợ chồng. Nguyễn Du có câu thơ: Có nhân duyên, có vợ chồng).

Chính sợi dây duyên nghiệp sẽ nối kết trói buộc hai người này lại với nhau. Khi hai người nam nữ gặp nhau, cảm tình với nhau, mong ước được cùng nhau sống hạnh phúc dưới một mái nhà, họ vẫn tưởng họ là hai người xa lạ không quen biết nhau mà chỉ gặp nhau qua sự giới thiệu hoặc sự tình cờ nhưng thật sự họ ĐÃ QUEN BIẾT NHAU TỪ KIẾP TRƯỚC, hay nói khác đi là họ đã có duyên nghiệp với nhau từ kiếp trước. Duyên nghiệp gồm có nghiệp và duyên theo nhau để tạo nên quả báo. Có thể trước đây người này đã gây đau khổ cho người kia (về khía cạnh nào đó) và trái lại. Hoặc trước đây hai người vẫn còn mối liên hệ ràng buộc nào đó chưa dứt cần phải có thêm thời gian nữa mới mong trả hết cho nhau. v.v... Vì thế mà họ phải gặp nhau lại ở kiếp kết tiếp. Có thể trước đó họ là anh em trong một nhà, hay cùng một giòng giõi, thân thuộc, do đó không lạ gì khi có những ca85p vợ chồng có gương mặt thưởng giống nhau như hai anh em. Ngoài ra tùy theo duyên nghiệp mà cặp vợ chồng sống với nhau thuận hòa hạnh phúc hay lại xung đột, cãi vã, bất hòa khổ đau, chán chường để rồi đi đến ly hôn, ly dị, đôi khi còn coi nhau như kẻ thù, có những cặp vợ chòng mới cưới nhau một thời gian ngắ đã vội lìa nhau. Thời gian chung sống với nhau ấy tùy thuộc vào nghiệp quả (giống nghiệp báo chỉ sự báo ứng của những gì mà trước đó người này đã tác động lên người kia nhiều hay ít, dữ hay lành...)

Nhiều người ở tiền kiếp đã có nhiều nghiệp duyên với người khác và nếu chưa trả hết thì đến kiếp này họ phải trả. Vì thế có nhiều người đã phải trải qua nhiều cuộc hôn nhân mà không được hưởng hạnh phúc của một vợ một chồng. Theo những nhà nghiên cứu và thực hành phương pháp tìm về quá khứ hay tiền kiếp của con người như nhà vật lý học Pháp P. Drouot, Morris Nettherton, Cayce, N. Kchan... thì nhiều người trong những thời gian của những tiền kiếp khác nhau đã là vợ chồng của nhau nên bị cái hấp lực mạnh của nhau tác động vào vì thế đến kiếp này họ vẫn còn liên hệ ràng buộc với nhau theo kiểu tự nguyện. Dĩ nhiên phần lớn những trường hợp này họ dễ hòa thuận với nhau hơn là xung khắc vì họ đã biết nhau nhiều hơn qua nhiều kiếp và chắc chắn họ sẽ dễ đạt thành công trên đường đời. Có nhiều trường hợp ở tiền kiếp người này vì có nghiệp duyên với người kia quá nặng nên đến kiếp này họ tự nhiên bị ám ảnh bởi một sự hối thúc tìm gặp người kia và đôi khi người kia chẳng hề biết.

Ông Lê Xuân Nghĩa là một giáo viên đã kể một câu chuyện mà ông bảo rằng hoàn toàn có thật về người chị của mình là Lê Thị Mỹ người Mỹ Tho, sinh năm 1938. Chị là người tuy không đẹp nhưng lại rất có duyên. Nhiều chàng trai trong vùng ngấp nghé và nhiều nơi đến dạm hỏi nhưng chị không quan tâm. Mỗi lần gia đình hối thúc việc chồng con thì chị lại cương quyết từ chối bằng câu: "con đã có chồng và con phải tìm anh ấy." Gia đình anh Nghĩa tưởng chị Mỹ nói đùa nhưng rồi một hôm cả nhà đang ngồi ăn cơm, chị Mỹ tuyên bố: "chồng con hiện đang bị giam ở khám chí hòa, con phải đi thăm anh ấy..." Cả nhà ngạc nhiên vô cùng khi nghe chị Mỹ nói, sự ngạc nhiên càng gia tăng khi chị Mỹ kể lại chi tiết câu chuyện như sau: "nhiều đêm nằm ngủ cô thường mơ thấy một người, người này cao và ốm, gương mặt choắt, đôi lông mày rậm, cổ đeo sợi dây chuyền có gắn cái vòng và giữa vòng là một chữ A hoa. Mặt người ấy luôn luôn buồn và mỗi lần người ấy hiện ra trong giấc mơ là cô lại nghe văng vẳng bên tai lời nói thì thầm: "người này là chồng của cô đó". Mấy tháng nay cô lại mơ thấy anh ấy. Lần này trông anh ta ốm yếu hơn, tội nghiệp hơn, rồi cô lại nghe văng vẳng bên tai lời nói lạ lùng ấy: "chồng cô đã bị đi tù và hiện vị giam ở khám Chí hòa, phải tìm cách đến thăm anh ấy không thì quá muộn... anh ấy tên là Phan Thái An..." Liên tiếp nhiều đêm cô đều mơ một giấc mơ như thế và cô tỏ ý muốn đi thăm người chồng trong giấc mơ mộng với lòng quyết tâm lạ lùng của cô. Người nhà lúc đầu không chịu nhưng anh Nghĩa là một giáo viên, anh là là người sống nội tâm và hay tìm hiểu về các vấn đề siêu linh, nhà anh sách vở nhiều như thư viện nhỏ, chính anh đã thuyết phục gia đình và chịu dẫn chị Mỹ lên Saigon đến khám chí hòa thăm người "anh rể" trong mộng của chị mình. Tại Saigon, hai chị em trú tại nhà một người bà con ở đường Trương Minh Giảng chờ đi thăm nuôi, chị Mỹ có vẻ sốt ruột mong sớm gặp mặt "người chồng trong mộng". Ngày thăm nuôi, hai chị em dậy sớm để cho đi cho kịp giờ. Chị Mỹ đã mua đủ thứ để bới xách, vì thật sự chị cũng chưa biết "anh ấy" thích món ăn gì và cần thứ gì. Khi gặp nhân viên lo việc thăm viếng thân nhân ở trại giam, chị Mỹ xin được gặp anh Phan Thái An để thăm nuôi. May mắn người giữ trật tự là học trò cũ của anh Lê Xuân Nghĩa nên chị được phép gặp người tù Phan Thái An dễ dàng. Mười phút sau anh An xuất hiện sau vòng dây kẽm gai và rồi người học trò dẫn anh ta ra gặp hai chị em tại phòng thăm nuôi. Thật là một cuộc thăm viếng lạ kỳ, không ai biết ai, chỉ có một mình chị Mỹ là nhận ra anh An mà thôi. Anh An cũng ngơ ngác không hiểu gì cả trong khi chị Mỹ nước mắt lưng tròng. Anh Nghĩa vội kể lại câu chuyện mà chị Mỹ đã kể lại cho anh An nghe. Nghe xong câu chuyện, anh An vẫn không hiểu ất giáp gì cả nhưng tỏ vẻ cảm động. Chị Mỹ đột nhiên nhìn vào mắt anh An và hỏi: trước khi bị bắt, anh có đeo sợi dây chuyền ở cổ không? anh An ngạc nhiên trả lời: "có sao cô biết?" chị Mỹ lại hỏi: Trên sợi dây chuyền ấy mang cái vòng có chữ A hoa phải không? anh An đáp "phải!" câu chuyện đã khiến cho Nghĩa và An vô cùng kinh ngạc. Anh Nghĩa nói:

- Dù câu chuyện thế nào thì sự thật vẫn có anh An đó và chị Tôi đây, biết đâu đó là vấn đề có liên quan đến kiếp trước của anh và chị tôi. Anh đừng ngại ngùng chi về cuộc viếng thăm này và nên nhận chút quà mà chị em tôi đem từ Mỹ Tho lên... Anh An vô cùng cảm động, anh nói:

- Tôi bị bắt oan, người ta nghi tôi là Cộng Sản nằm vùng vì có liên hệ tới một người hoạt động cho Cộng Sản. Anh ấy là bạn tôi nhưng tôi không biết anh là Cộng Sản, tôi thường đi chơi và chụp hình chung với anh ấy nhưng tôi không ngờ mỗi chuyến đi, anh ta đều chuyển tài liệu mật cho mật khu...

Câu chuyện không chấm dứt ở đó vì hai tháng sau, chị Mỹ nghe tin người ta chuyển toán từ nhân Cộng Sản về giam ở đảo Côn Sơn trong đó có anh An. Trên đường di chuyển không hiểu sao anh An lại có thể nhảy được ra khỏi xe để trốn thoát, nhưng vì xe chạy quá nhanh nên anh đã chết. Từ đó chị Mỹ như người mất hồn và mãi 6 năm sau, tức là vào năm 36 tuổi chị mới lấy chồng.

Trường hợp Cha Mẹ, Anh Chị Em, Con Cái.

Đối với trường hợp cha mẹ anh em cũng vậy, đã có những sự liên hệ nhân quả nào đó giữa cha, mẹ, anh em, con cái với nhau ở tiền kiếp. Cha mẹ dĩ nhiên có liên quan với con cái không phải xét về mặt di truyền và tình cảm ruột thịt mà xét về mặt luân hồi. Con cái và cha mẹ có những sợi dây liên hệ ràng buộc nhau, có thể kiếp trước người cha, người mẹ, những người có con có nghiệp căn nào đó và kiếp này gặp lại nhau để tiếp tục hoàn tất những gì thoe nghiệp quả báo ứng. Chuyện cái cân thủy ngân là câu chuyện giả tưởng trong dân gian một phần nào đã nói lên hình thức báo ứng của cha mẹ và con cái. Ngoài ra cũng phải hiểu thêm rằng để có cơ hội gần gủi sâu xa hơn, những đứa con đã mượn chỗ đầu thai ở cõi trần của kiếp này qua phương tiện là cha mẹ. Sự liên hệ của người con không phải luôn cả với cha và mẹ mà có thể người con chỉ có sự liên hệ nghiệp quả ràng buộc với người mẹ mà không phải người cha hoặc có khi trái lại. Vì thế thường có trường hợp có sự bất hợp ý hay dửng dưng, tẻ nhạt hoặc thương yêu, gắn bó mật thiết giữa mẹ con hay cha con tùy theo duyên nghiệp phát sinh từ tiền kiếp. Trong dân gian thường cho rằng, cha mẹ, con cái, vợ chồng thật ra đều là oan trái nghiệp quả của nhau cả. Những kẻ cùng sống chung một nhà hay tranh cãi, xung khắc, bất hòa chán gét nhau cũng đều có nguyên nhân từ tiền kiếp, có thể họ đã gây đau khổ cho nhau nên mới trả quả đã gây ra.

Thuyết luân hồi nhân quả còn cho rằng "có thể nhìn cuộc sống của con cái và cha mẹ với nhau trong một gia đình, cách đối xử, nuôi nấng, chăm sóc, tình phủ tử, mẫu tử nồng nàn hay tẻ lạnh của họ mà đoán được sự liên hệ ràng buộc của những con người ấy với nhau ở tiền kiếp. Ở kiếp trước có thể họ là anh em, là chị em, là cha con, là mẹ con, là bạn bè với nhau và đã tạo ra những nghiệp quả nào đó nên kiếp này vẫn phải còn liên hệ ràng buộc để hoàn tất những gì chưa giải quyết hết. Riêng về anh, chị em trong gia đìng cũng như thương yêu, ganh ghét, hay đôi khi xung khắc căm thù nhau đều là những dấu vết biểu hiện của luân hồi. Có thể ở kiếp trước họ là những người khác nhau về chí hướng, chủng tộc hoặc có sự tranh chấp đố kỵ nhau, hay cũng có thể ở kiếp trước họ là hai vợ chồng hoặc hai người bạn thân.v..v..

Câu chuyện có thật sau đây xảy ra tại Hoa Kỳ và đã được báo chí ở Hoa Kỳ đăng tải vào năm 1991. Bà Gillian sống ở tiểu bang Colorado, năm 1986 bà sinh hạ được một cháu bé kháu khỉnh đặt tên là Mandy. Nhưng không may cho bà Gillian, cháu bé chỉ sống được bốn tháng thì qua đời. Bà Gillian vô cùng đau khổ, bà khóc than vật vã bên mộ huyệt, bà đã té xỉu và khi tỉnh dậy lại muốn nhào xuống huyệt theo con... Một thời gian sau, bà Gillian có chuyện bất hòa với chồng, họ ly dị nhau và sau đó bà Gillian có thai với người chồng thứ hai. Lần này bà cũng sinh hạ được một cháu bé kháu khỉnh và bà lại đặt tên là Mandy để nhớ lại đứa con gái bất hạnh của mình trước đây.

Năm Mandy lên bốn tuổi, bà Gillian đưa cháu đến nghĩa trang để thăm mộ Mandy, chị gái cháu bé. Khi vừa đến gần mộ chị, bé Mandy bổng nhiên nói to lên có vẻ thích thú: "Má, Má! đây là nơi mà ngày trước má đã đặt co xuống dưới cái hố sâu trong đất. Lúc đó má khóc nhiều lắm, và má suýt rơi xuống cái hố đất ấy rồi, má có còn nhớ không?..."

Bà Gillian vừa ngạc nhiên vừa kinh hãi, bà không ngờ co bà mới bốn tuổi mà đã nói lên câu nói lạ lùng và trôi chảy như người lớn. Điều kỳ dị là bà chưa bao giờ kể chuyện bé Mandy, con gái đầu lòng của bà chết ra sao và an táng thế nào cho bé Mandy, đứa con thứ hai của bà nghe cả.

Vậy phải chăng bé Mandy con bà hiện đang sống với bà chính là bé Mandy ngày trước và đã lìa đời? Phải chăng bé Mandy đứa con thứ hai của bà là hậu thân của đứa con gái thứ nhất của bà? Từ đó bà Gillian cảm thấy sung sướng yêu đời bà thường ôm Mandy vào lòng và nói: Tôi cảm thấy có được tất cả và co tôi là tất cả..."Câu chuyện có thật ấy là một chứng cớ điển hình về những gì thuộc về tiền kiếp và hậu kiếp. Thời gian chuyển đổi từ kiếp này qua kiếp khác đôi khi rất xa hay đôi khi rất gần. Ngoài ra người thân thuộc trong một gia đình có khi lìa đời rồi vẫn có thể quay trở lại, đầu thai làm con hay cháu trong gia đình.

Ở Việt Nam năm 1942 dân chúng vùng Cầu Hai Nước Ngọt (lúc đó còn rất thưa thớt) kể lại cho nhau câu chuyện lạ lùng về gia đìng ông Nghênh. Hai vợ chồng ông Nghênh mới làm lễ thành hôn cho đứa con trai được bốn ngày thì người cha của ông Nghênh qua đời.

Một năm sau, con dâu ông Nghêng sinh hạ một người con trai. Đứa bé khi lên sáu tuổi tự nhiên ăn nói rất khôn ngoan, cử chỉ dáng điệu trầm mặc như người lớn và thường thích dậy sớm uống trà dù trời có lạnh lẽo đến thế nào. Một hôm đang ngồi chơi, bổng đứa bé nhìn quanh rồi hỏi người nhà: "Bộ ly tách của tôi sao cứ để trên bàn thờ mãi thế, đem xuống cho tôi đi!" cả nhà nghe câu nói lạ lùng đó sợ quá, nhưng khi hỏi đứa bé nguyên nhân thì nó chỉ yên lặng. Về sau, gia đình ông Nghêng còn chứng kiến những cử chỉ và nghe những lời nói lạ lùng của đứa bé hoàn toàn giống với ông cố nó ngày nào thì lại tưởng là đứa bé bị ma nhập nên lo bán vườn, nhà chuyển vào sống ở vùng Lăng Cô Đà Nẵng. Câu chuyện này phần nào trùng hợp với câu chuyện có thật xảy ra tại Hoa Kỳ năm 1979: Bà Diane Williams sinh một bé gái đặt tên là Kelly. Năm Kelly vừa tròn bốn tuổi thì nó đã ăn nói rất sành sỏi như người lớn. Một hôm bà dì tên là Pam đã bế Kelly đặt lên đùi mình và nô giởn với nó thì bổng nhie6n Kelly vừa cười vừa hỏi: "Này! cháu có còn nhớ ngày xưa cháu cũng đã ngồi lên đùi bà như thế này không?" Dì Pam hỏi: con nói gì thế" thì Kelly nói rõ ràng từng chữ một làm bà Pam và bà Diane Williams há hốc mồm ra vì kinh ngạc. Bé Kelly nói như sau: "Chắc chắn các cháu không nghĩ được rằng ta chính là bà ngoại của các cháu đâu!"

Những câu chuyện trên mới nghe qua quả thật vượt quá sự tưởng tượng của con người vì có vẻ mơ hồ, tuy rằng một phần chứng cớ vẫn còn đó. Lý do là tận cùng của vấn đề hiện nay vẫn chưa được lý giải hoàn toàn, tiến sĩ Ian Stevenson đã cho rằng không riêng gì ở một vài nơi xảy ra sự việc (có liên quan về vấn đề luân hồi tái sinh) có giới hạn mà khắp nơi trên thế giới, hầu như quốc gia nào, vùng đất nào cũng đã và đang xảy ra những sự việc như đã trình bày ở trên. Tại Ấn Độ, Nga Sô, Trung Hoa, Việt Nam, Canada, Anh Quốc, Thụy Điển, Ý, Đức, Nhật cũng không hiếm xảy ra những vấn đề liên quan đến lãnh vực đầu thai gây kinh ngạc cho nhiều gia đình và đôi khi còn gây xôn xao dư luận. Nhà vật lý học nổi tiếng của Pháp là Patrick Drouot phát biểu như sau về vấn đề này: "Nếu chúng ta xem vấn đề luân hồi tái sinh cũng giống như chu kỳ của vũ trụ, sự lập lại của những tình huống nào đó của những chu kỳ của sự sống thì điều đó cũng không đến nỗi phải làm chúng ta kinh ngạc. Điều tốt nhất trước mắt là hãy mạnh dạn đi sâu vào vấn đề để tìm hiểu, nghiên cứu, gạt bỏ những gì có tính cách mê tín huyền hoặc và ghi nhận những gì khả dĩ đem lại những giải đáp hữu lý cho vấn đề..."