Chương 16 - Không phải tất cả những ai lang thang đều lạc đường
Người Mỹ là những người chi li tính toán. Chúng ta đánh giá những mục tiêu có thể nhận rõ bằng các giác quan và tìm con đường thẳng nhất để đạt được chúng. Hệ thống giáo dục của chúng ta đưa chúng ta vào con đường của những cuộc hành trình theo các bước rõ ràng. Luật lệ mà chúng ta phải theo cũng rất rõ và liên quan đến sự tuân theo các nhà chức trách, lao động chăm chỉ và hợp tác với nhau. Tư tưởng ban đầu được thông qua một cấu trúc có tôn ti trật tự mà chúng ta đã được giáo dục kỹ lưỡng. Người ta dạy chúng ta làm những cái họ bảo chúng ta làm cho đến thời gian thích hợp- khi chúng ta được phép để bảo những người khác điều mà họ phải làm.
Trong số tất cả những điều xác định chúng ta, giáo dục có vẻ như là điều gắn bó chặt chẽ nhất với sự thành công. Tuy nhiên, người ta hơi băn khoăn một chút về việc chúng ta hay bị thúc giục suốt thời thơ ấu để học ở trường cho giỏi và lấy các chứng chỉ khác nhau như là một bước cần thiết để có được một cuộc sống đầy đủ trong tương lai. Một lời hứa hẹn mơ hồ thường đi kèm với tiến trình này: Hãy theo những lời chỉ dẫn, hãy làm hài lòng người khác, hãy tuân theo các mệnh lệnh và hạnh phúc sẽ đến với bạn. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người, đặc biệt là đàn ông, những người ở tuổi trung niên, cảm thấy món hời mà họ trông đợi từ hệ thống giáo dục đó không bao giờ đến tay họ cả. Thường thường, họ có công ăn việc làm rất an toàn, có nhà riêng, có một người vợ đáng yêu và trung bình là 2,2 đứa con, vậy mà họ vẫn cảm thấy như mình đi lạc đường. Rất nhiều điều trước đây đã từng là cảm hứng đối với họ thì nay trở nên một gánh nặng. Họ bị mắc kẹt và nuối tiếc những điều có thể họ đã mất.
Trong số những điều thường bị thờ ơ trong những cuộc đời có định hướng như vậy là tình dục. Trong một nền văn hoá bị tình dục ám ảnh như nước Mỹ, thực ra thì không ai hài lòng với cái mà họ có. Điều này lại càng đặc biệt đối với những người đàn ông thường phải cạnh tranh trong một hội gồm rất nhiều những người đàn bà hấp dẫn- những người đến lượt họ, lại cảm thấy bị trói buộc đối với cảm giác về một sự đầy đủ về tình dục. Chúng ta còn có thể kể gì thêm về khủng hoảng mang tính truyền thống của những người đàn ông ở lứa tuổi nhất định, theo đuổi những cuộc ngoại tình và những chiếc ôtô thể thao? Thường thì họ kể câu chuyện về những khi còn vị thành niên: luôn bận rộn, lấy vợ sớm, công việc không hài lòng và mong đợi những sự háo hức hấp dẫn mới mẻ.
Khoảng những năm sáu mươi và bảy mươi, nước Mỹ có những cuộc nổi loạn của những người trẻ tuổi diễn ra dưới dạng bỏ học. Bị tan vở ảo vọng qua những gì họ thấy về một thế giới do cha mẹ họ tạo nên về sự theo đuổi điên cuồng thế giới vật chất và sự tuyệt vọng, chia rẽ do cuộc chiến tranh Việt Nam gây ra, nhiều thanh niên đã từ chối theo đuổi con đường truyền thống để đạt tới thành công. Sự «phản văn hoá» này bị các thế hệ đàn anh vừa ghét vừa sợ vì thanh niên nghe thứ nhạc mà họ không hiểu, dùng những thứ thuốc mà họ kết án, và làm tình với một thái độ bất cần mà họ vừa ganh tị vừa khinh bỉ.
Sự thực là hầu hết những thanh niên nổi loạn đó khi lớn lên thường trở thành những người thuộc giới trí thức chuyên nghiệp rất giống với cha mẹ họ. Họ đã không thích thú với những gì họ học được và chính họ lại dạy chúng ta qua sự chệch hướng của mình. Không lâu sau, Stephen Benét đã nhận xét: «Chỉ vì tiền thì thật là ảm đạm, vì tri thức thì quá ranh ma mà tuổi trẻ thì giống như một thứ phấn hoa đang rộ bay tung khắp bầu trời và làm điều đó mà không thèm hỏi tại sao ».
Thậm chí giờ đây vẫn có một loạt những thanh niên mang óc phiêu lưu, những người tự nguyện để bước ra khỏi con đường đi tìm học vấn đủ lâu để nhìn quanh thế giới, gia nhập tổ chức Hoà bình xanh, hay tự giáo dục mình theo những cách không có ở trong lớp học. Trong cuộc sống sau này, những sự thay đổi trong nghề nghiệp, những sự lạc hướng trong hôn nhân, những khám phá về tinh thần - tất cả đã tạo nên «những kẻ lang thang» dường như đã rời khỏi những tiêu chuẩn đạo đức thông thường chỉ đơn giản để bày tỏ lòng can đảm dám liều lĩnh trong cuộc đấu tranh tìm hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc đời.
Quay lại những năm sáu mươi, những việc làm như vậy được gọi là «cố gắng để tìm ra bản thân» (một bậc cha mẹ đã từng đề nghị kéo dài cuộc tìm kiếm con mình đủ để cho đứa trẻ đó có thời gian tìm ra vài người bạn mới!). Mặc dù đường thẳng có vẻ là con đường ngắn nhất giữa hai điểm, cuộc sống lại không phải là một lược đồ toán học. Thường thì chính những sự chệch hướng và sai lầm lại giúp chúng ta tìm ra bản thân mình. Không có chiếc bản đồ nào để hướng dẫn chúng ta trong những cuộc kiếm tìm có tính chất sống còn đối với chúng ta; chúng ta buộc phải tự dựa trên niềm hy vọng, cơ hội, linh cảm và sự tự nguyện để đón nhận những điều ngạc nhiên.
Bookmarks