Chương 17
- Vũ, Vũ, Vũ, Vũ!
- Rõ.
- Mày ngủ kỹ thế, tao gọi lớn, gọi hoài, suýt nữa tao phải dở nắp hầm xem mày còn sống không. Mày làm tao hoảng quá.
- Tao ngủ từ đêm qua tới giờ.
- Bánh mừng Giáng sinh của tao ngon chứ?
- Tao chưa ăn.
- Cóng canh ngọt lịm?
- Tao cũng chưa uống gì cả. Cơm, canh, bánh nước y nguyên.
- Kỳ vậy!
- Ờ, kỳ lắm. Tao quỳ trước hang đá cầu nguyện rồi tao ngủ quỳ, mày ạ!
- Mày đói ngấu.
- Chẳng đói chẳng khát tí nào. Tao hết mệt mỏi, đau nhức luôn. Những vết roi nó quất tao, giờ lại ngưa ngứa, gãi thú vị ghê.
- Chúa thương mày đấy, Vũ ạ!
- Đêm qua mày có cầu nguyện với bé Hai không?
- Có.
- Vậy nhờ mày cầu xin nên Chúa mới thương tao, Mai ạ! Này Mai…
- Gì?
- Mày khắc tượng đẹp nhất thế giới.
- Thôi mày, chuyền cơm canh cũ lên tao phát cho bé Hai. Bữa nay mày dư cóng nước. Lẹ đi, bể hết bây giờ.
Mai bím thả cơm canh, nước mới xuống. Tôi chuyền cơm canh cũ lên. Ổ bánh của nó, tôi bẻ đôi, một nửa gởi tặng bé Hai, một nửa tôi giữ lại ăn dần. Nó kéo nắp hầm, vọt lẹ. Tôi ngồi bình thản ăn uống. Nắng hừng hực trên đầu tôi. Không sao, tôi đã quen rồi. Cơm nước xong, tôi nhổ cây Giáng sinh của bé Hai, bỏ gọn vào hang. Rồi tôi lấp đất kín, chà miết phẳng phiu. Tượng, đèn, cây lá bị nhốt trong lòng đất. Bấy giờ, tôi chỉ muốn phi tang chúng. Nhưng bây giờ, khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi bỗng có ý nghĩ lạ lùng. Biết đâu tượng khoai chẳng hóa thành tượng đá. Và mấy nghìn năm sau, các nhà khảo cổ khai quật vùng đất Phước Long, bắt gặp một cái hang đủ bộ tượng đá, đặc biệt, tượng Chúa Hài đồng giống hệt tượng Chúa tòa thánh La Mã, họ sẽ giải thích ra sao. Họ sẽ đánh giá nghệ sĩ Mai bím thế nào và có quy định nổi thời đại Mai bím sáng tạo tượng đá với sự cố vấn tạo hình của nghệ sĩ bé Hai là thời đại ngô, khoai, sắn, ăn thay cơm gạo không? Tôi nghi ngờ các nhà khảo cổ lắm. Ý nghĩ lạ lùng khác: Biết đâu tượng khoai chả nảy mầm chòi lên từ lòng đất sâu chôn chặt rồi đơm bông, kết trái. Trái bung vỏ, tỏa khắp nhân gian một nền văn minh mới. Một nền văn minh Việt Nam, nền văn minh mà hiền nhân Tây phương hằng mong ước xuất phát ở Đông phương, cứu rỗi chúng sinh, ta và thế giới thoát khỏi móng vuốt của những nền văn minh phi nhân bản hiện đại. Ở nền văn minh Việt Nam mới, con người gần gũi con người, yên thương nhau thắm thiết, không gian dối, không thù hận, không kỳ thị màu da, chủng tộc, không buôn bán súng đạn, xác chết, không còn ai dại dột, ngu xuẩn đem chiến tranh ý thức hệ vào đất nước mình, không nhà tù lao cải và con bò nhất định phải có bốn chân! Ý nghĩ của tôi lạ lùng mà rất con nít. Nhưng tôi có nhận tôi người lớn đâu? Tôi vẫn là con nít khi ngồi ghi quãng đời niên thiếu thui chột của mình.
Bắt chước Mai bím, tôi lấy ngón tay vạch vào tường hầm để tính từng ngày mình đã bị đầy đọa dưới hầm. Tôi đã vạch được chín cái. Quá tuần lễ rồi. Tôi chào mừng năm 1977 ở hầm biệt giam. Năm nay tôi mười lăm tuổi. Tôi không thấy mình lớn bao nhiêu. Có lẽ, mẹ tôi mới thấy tôi lớn. Mai bím nuôi tôi đều đặn. Nó vừa báo tin buồn cho tôi. Kể từ mồng 2 tháng 1 năm 1977, trại ăn khoai, sắn, ngô trăm phần trăm. Nhà bếp hết gạo nấu cơm, Mai bím không xoay đâu ra cơm bồi dưỡng cho tôi nữa. Nó chỉ còn khả năng kiếm chác thêm khoai. Tôi bình thản trước cái tin buồn của Mai bím. Đã chịu đựng quen, tôi hết sợ hãi nắng ban ngày, lạnh ban đêm. Hôm tôi vạch cái thứ mười bốn thì Mai bím nói đã nhắc khéo cán bộ sắp mãn hạn kỷ luật.
Mười bốn ngày dưới hầm biệt giam, đối với thằng bé mười lăm tuổi chưa đủ tháng, phải chống chọi với sự sợ hãi, sự im lặng, kể cũng đáng một thành tích cải tạo tư tưởng! Cái thùng đạn đại liên sắp không đậy nắp được. Mỗi lần đi tiêu, tôi bốc đất lấp lên phân nên thùng đạn mau đầy. Nếu không có mấy tờ báo cũ Mai bím gói giấu thức ăn cho, tôi đành xé áo chùi đít hoặc đi tiêu như con heo, con bò, con chó. Nước chẳng đủ uống, nói chi bớt phần rửa đít. Những chỗ xước máu trên những lằn roi đóng vẩy làm da non ngứa ngáy dữ. Tôi gãi nhẹ một cách thú vị. Cáu ghét rơi lả tả. Mười đầu ngón tay tôi là mười cái muỗng nhỏ nhớp nhúa cáu ghét. Buồn tình, tôi tập kiểu tắm búng của dân nghiện thuốc phiện. Ở hầm biệt giam, không có gì đáng ghê rợn bằng sự im lặng. Người ta có thể “khắc phục” được đói khát, lạnh giá, nóng bỏng, nhưng khó mà “khắc phục” nổi sự im lặng. Sự im lặng không có móng vuốt. Nó chỉ là cái bóng mơ hồ chụp kín tâm hồn ta. Và ta sẽ phát điên vì cái bóng đó. Giá không có Mai bím kéo nắp hầm nói chuyện từng khắc trong ngày, tôi đã điên rồi, tôi đã hò hét, đã đập phá và bị đánh chết. Người bị nhốt dưới hầm biệt giam là người hoàn toàn cô độc. Hắn tụt xuống khỏi dương thế và ma quỷ không nhận. Tôi đã có mười bốn ngày đêm và sẽ đủ mười lăm ngày đêm kinh dị.
Hết ngày thứ mười lăm, nhờ Mai bím nhắc nhở cán bộ, tôi được ngoi lên cuộc đời, thứ cuộc đời chẳng đáng chi mừng rỡ. Mai bím mở tung một miếng tôn. Nó bảo tôi hít thở một lúc cho quen. Rồi nó đưa tay để tôi nắm. Nó kéo tôi lên. Tôi ngã vật, khó chịu. Mai bím bảo tôi say… khí trời. Khi tôi tình tỉnh, Mai bím kéo tôi dậy. Nó nhìn tôi. Đôi mắt nó mở thao láo. Nó không nói gì nhưng tôi hiểu nó nhìn thằng người nào đó gớm ghiếc chứ không phải nhìn tôi. Nước mắt nó ứa ra. Nó khẽ lắc đầu. Khuôn mặt nó thật buồn bã. Mai bím xách ca, cóng giùm tôi. Nó dắt tôi đến phòng cán bộ trực trại, cũng là phòng bọn trật tự thuộc nhà 1. Cán bộ trực trại lên lớp tôi một chập rồi khuyên tôi đừng để tôn giáo phỉnh phờ, lừa gạt. Tôi dạ dạ, vâng vâng qua nạn. Cán bộ rời phòng đi về cơ quan. Mai bím bảo tôi ngồi chơi chốc lát rồi sẽ xách nước cho tôi tắm. Lúc ấy, kẻng giải lao vừa điểm. Buổi sáng ở trại yên tĩnh và mát mẻ.
Mai bím lại nhìn tôi không chớp mắt. Tôi hỏi nó:
- Tại sao mày nhìn tao như nhìn quái vật thế?
Nó mím môi. Và bật tiếng khóc. Tôi sững sờ:
- Tại sao mày khóc, Mai?
Mai bím đưa ống tay áo quệt nước mắt. Nó mếu máo:
- Tao thương mày.
- Tao hiểu, tao hiểu rồi.
- Chúa ơi!
Đến lượt tôi nhìn Mai bím không chớp mắt. Nó đã biết gọi Chúa ơi. Hai tiếng Chúa ơi từ miệng Mai bím thoát ra nghe mới dịu dàng, êm ái, vuốt ve làm sao! Tôi đã có nhiều giờ học giáo lý, tôi đã đi lễ ở nhiều nhà thờ, tôi chưa nghe sư huynh nào, linh mục nào nói hai tiếng Chúa ơi ngọt ngào, mời mọc, yêu thương như Mai bím. Tôi ngạc nhiên sung sướng. Một thằng móc túi vẫn có thể trở thành thiên thần. Và một thiên thần cũng có thể trở thành thằng móc túi. Tôi bỗng nhớ chú Tường. Nếu tôi chưa giành lại được danh dự và phẩm cách mà cuộc đời đã tước đoạt của bọn nhãi vỉa hè, hoặc tôi chưa giúp chúng nó thu hồi lại danh dự và phẩm cách làm người mà chúng nó cố tình vất bỏ đi thì, ít ra, tôi đã khơi dậy từ đáy tâm hồn Mai bím một đốm lửa thiện lương tưởng chừng đã lịm tắt.
- Chúa ơi! - Tôi gọi Chúa. - Chúa thương nó nhiều, Chúa dạy nó xưng danh Chúa thiết tha biết mấy.
- Mày nói lảm nhảm gì đấy, Vũ? - Mai bím hốt hoảng.
- Tao ghen mày với Chúa. Mày gọi Chúa ơi ngọt lịm.
Mai bím chưa hết hốt hoảng. Nó cầm chặt tay tôi:
- Mày chưa khùng, hả?
Tôi cười:
- Tại sao mày nghĩ tao khùng? Tao không sao cả, không bệnh tật gì cả.
- Chắc chắn mày không đau đớn trong người chứ?
- Chắc.
- Bao tử?
- Không.
- Tim?
- Không. Tao đã nói không bệnh tật gì cả.
- Ủa, kỳ cục!
Nó buông tay tôi ra, rờ rẫm tóc tôi đã đời. Tôi nghi Mai bím khùng. Nó lại nghi tôi khùng.
- Mày có đau đầu không? - Nó hỏi tôi.
- Không. - Tôi đáp.
- Mày nhìn rõ tao không?
- Rõ.
- Vũ ạ, tóc mày dựng đứng như chông tua tủa, mắt mày thồi lồi như cá tàu ấy. Trông khiếp lắm.
- Thế à?
- Ừ. Ghê rợn, hầm biệt giam ghê rợn thật! Tao muốn chửi thề quá.
- Đừng chửi thề.
- Bao giờ mình đục được tụi nó như đục thằng Cung củ đậu mới sướng. Sẽ có ngày thôi… Sẽ có ngày liều lĩnh.
Tôi không ngăn Mai bím. Để mặc nó lẩm bẩm. Phú mù và bọn trật tự đi dòm ngó các nhà đã về. Mai bím hỏi chúng nó có thằng nào nằm hầm biệt giam bị dựng tóc, lồi mắt như tôi không. Phú mù nói thằng nào bị nhốt bảy ngày trở lên là bị dựng tóc, lồi mắt hết. Vì ngộp thở, vì hơi đất độc, vì sợ hãi, vì phải mở căng mắt đề phòng… Ít lâu sau, tóc sẽ nằm và mắt sẽ xẹp như cũ. Mai bím yên tâm. Bây giờ, nó nhìn tôi cười chế nhạo âu yếm. Nó hỏi bọn trật tự có đứa nào có miếng gương soi cho nó mượn. Phú mù đưa tôi cái gương nhỏ vỡ đôi. Nó lượm ngoài cơ quan, của cán bộ đánh vỡ vất bỏ. Tôi soi khuôn mặt tôi trong cái gương nứt rạn. Hai năm rồi tôi mới thấy tôi. Tóc tôi dựng đứng dễ khiếp. Mắt tôi lồi ra. Tôi chẳng giống tôi tí nào. Tôi vừa từ địa ngục chui lên. Nhưng tôi vẫn sống. Thế là tốt đẹp. Mai bím bảo tôi về nhà 3. Nó xuống bếp mượn thùng gánh nước cho tôi tắm. Nó gánh hai đôi. Chú Tường tặng tôi cục xà bông thơm hồi ở Chí Hòa, nay tôi mới dùng tới. Mai bím giội nước lên đầu tôi, mình mẩy tôi. Tôi sát xà phòng gội đầu, kỳ cọ nhiều lần. Tôi cảm giác như mình thay lớp da mới. Mặc bộ quần áo sạch, sau khi lau khô mình mẩy, tôi sảng khoái vô cùng.
- Mày đi ngủ, - Mai bím nói, - lúc nào dậy thì ăn. Đội sắp về, tao trả thùng, đem quần áo dơ của mày ra suối giặt. Mày còn được nghỉ hai ngày, khai bệnh nghỉ bốn ngày luôn.
Mai bím dặn dò thế nhưng tôi không sao ngủ nổi, dù tôi rất thèm ngủ. Tôi dạo quanh nhà, đợi đội về. Kẻng tan lao đã điểm. Tôi nôn nóng gặp bé Hai. Tháng này không nhằm mùa thu hoạch, các đội không bị chặn khám xét. Bé Hai về, thấy tôi, nó chạy nhanh đến vất tung ca cóng ôm chặt tôi, khóc nức nở. Bọn nhãi đội 4 bu quanh tôi hỏi thăm. Chúng lôi tôi vào nhà, bắt tôi tả cái hầm biệt giam ghê rợn. Chúng nhìn tóc tôi, mắt tôi, lắc đầu lè lưỡi. Rồi chúng lo chuyện chia sắn và ăn sắn. Chỉ còn bé Hai và tôi.
- Em nhớ anh lắm, mỗi đêm em cầu nguyện cho anh. - Bé Hai kể lể.
- Anh cũng nhớ em lắm.
- Anh gửi nửa ổ bánh cho em, hở?
- Ừ.
- Đêm Giáng sinh anh tha hồ thức khuya nhỉ?
- Tha hồ. Anh khoét cái hang đá, bầy tượng khoai, thắp đèn.
- Anh Mai khắc tượng Đức mẹ buồn cười ghê.
- Đẹp chứ bộ.
- Mà không giống.
- Không giống mới là Đức mẹ, thiên thần, thánh Giuse ở trại lao cải.
- Em chỉ sợ anh chết.
- Sức mấy.
- Nó đánh anh đau quá, nó đi lên tượng Chúa em nhói tim. À, thế lúc cầu nguyện trước hang đá, anh đọc “Phúc âm” câu gì?
- Câu của anh.
- Anh đọc lại đi.
- Phúc cho kẻ bị nhốt dưới hầm biệt giam vì nó được đón Chúa bằng hang đá tượng khoai!
Bé Hai khen hay. Nó bảo nó bị đau răng. Nhai ngô miết, răng hư hết. Lắm hôm đói mà không dám cạp ngô. “Ước gì được ăn cơm, ăn ít cũng sướng.” Niềm mơ ước hèn mọn của bé Hai làm tôi xót xa, cay đắng. Hai đứa tôi nói với nhau đủ thứ chuyện. Mai bím năng lui tới an ủi và khích lệ tôi. Tôi được nghỉ hai hôm. Bất cứ đứa nào bị nhốt hầm biệt giam đều được nghỉ… dưỡng sức trước khi đi vào lao động sản xuất. Tôi nghe Mai bím, khai bệnh, nghỉ thêm hai ngày. Sau hai ngày nghỉ gỡ gạc người ta biên chế tôi sang đội 6 rau xanh. Luật lệ ở trại lao cải này là vậy. Trừ khi người ta xào xáo các đội, biên chế lung tung thì không kể, còn hễ đã bị kỷ luật là phải đổi đội. Người ta lo ngại tụ tập với nhau lâu ngày sẽ thân thiết và bàn cách trây lười lao động, trốn trại. Nên, mỗi năm, ít nhất một lần biên chế toàn trại.
Tôi xách túi quần áo, ca cóng qua nhà 5. Bé Hai lại buồn bã, khóc lóc. Ở các trại lao cải nhỏ hẹp mà chúng tôi cứ hết chia ly này đến chia ly khác. Mơ ước được chung đội, chung nhà thật khó. Dù chỉ chia ly đội, chia ly nhà mà chúng tôi cũng bùi ngùi. Mai bím may mắn nhất, nó bỏ đội phát hoang là lên chức trật tự. Thường, người ta chọn trật tự trong đám đội trưởng gian ác. Mai bím phá lệ. Người ta tinh vi lắm nhưng, đôi khi, người ta vẫn lầm. Mai bím không đấm đá, nhòm ngó anh em nó. Bọn nhãi thương nó, ít phá phách, ẩu đả nên người ta tin Mai bím biết trị bọn nhãi. Bé Hai may mắn nhì, nó cứ bám gốc cây như con cóc nhìn lên ngọn cao vút thấy Chúa ngó lơ mà chặt rễ bằng dao cùn ở đội phát hoang. Còn tôi, tôi lênh đênh từ phát hoang qua nông nghiệp, từ nông nghiệp xuống hầm biệt giam, từ hầm biệt giam về hầm phân của đội rau xanh bốn mùa ngửi cứt hít nước đái. Tôi bị đày đọa quá mức.
Tôi đến đội rau xanh với cái án phạt mười lăm ngày biệt giam. Cán bộ quản giáo không một chút thiện cảm với tôi. Gọi tôi làm việc, cán bộ dằn mặt:
- Tao mà thấy mày đeo tượng Giêxu, tao sẽ bắn vỡ đầu. Giêxu phản quốc, mày biết không? Nó chống Đảng và cách mạng dữ dội, nó phá hoại nhân dân ta. Để tao xem Giêxu có quyền hay tao có quyền. Mày thuộc quân số của tổ phân. Đi bốc cứt mà cầu nguyện, quân móc túi! Móc túi mà còn bày đặt tin Giêxu.
Tôi đứng nghiêm nghe cán bộ quản giáo chửi mắng. Hình như, tôi đã đọc ở cuốn sách kinh của mẹ tôi, có câu: “Con hãy làm theo kẻ thù của con đi, vì nếu con cãi lời nó, nó sẽ hại con.”
- Mày phải xuống hầm phân vục cứt bằng tay, cấm mày dùng cuốc, xẻng. Lệnh của tao. Cút!
Tôi về tổ phân, “trình diện” thằng tổ trưởng. Đội 6 rau xanh biết Mai bím thân tôi và biết tôi không gây sự với ai nên, ngay hôm đầu, chúng nó đã có cảm tình với tôi. Chứ không lạnh nhạt, nghi ngờ như dạo tôi mới qua đội nông nghiệp. Với lại cái thành tích mười lăm ngày dưới hầm biệt giam của tôi đã giúp tôi trở thành dân xiện, không đứa nào có quyền, không đứa nào dám gọi tôi là ăng ten. Kinh nghiệm tù lao cải dạy tôi bài học ngu xuẩn này: Sợ ăn đòn thì phải chăm chỉ lao động, không bị cai tù chửi bới, không dám ăn cắp hoa màu của trại là khiếp nhược, là ăng ten. Ăn cắp hoa màu, nói xấu cán bộ, trây lười lao động và bị ăn đòn, bị biệt giam là can đảm, là anh hùng. Điều sau chót còn đê tiện nữa: Thấy ai giỏi hơn mình, nổi tiếng hơn mình thì phao đồn người ta là ăng ten. Hoặc xin gì bị người ta từ chối cũng rỉ tai nhau người ta là ăng ten, dù chẳng biết chút nào về người ta. Chú Tường đã khuyên tôi nên cẩn thận, kẻo chúng nó sẽ vấy cứt lên người tôi. Tôi đã ở tù, đã khổ sở, tôi bất chấp bọn khốn nạn, hèn mọn ấy. Chúng nó là lũ chó ghẻ sủa bậy, còn tôi là người công chính, tôi cứ đi trên con đường của những người công chính.
Thằng tổ trưởng tổ phân nói tôi:
- Nó đì mày đấy, đừng để nó đinh. Tổ này toàn những thằng bị đì. Mày đừng ngán cứt. Xuống hầm phân vài lần là quen, là hết sợ cứt.
Tôi nói:
- Tao không sợ vục cứt bằng tay đâu.
Nó khen tôi xiện và cắt việc cho tôi làm. Đội chúng tôi gần suối. Có một cái hầm lớn chứa phân mà, mỗi sáng, đội vệ sinh khiêng phân trong trại và ngoài cơ quan ra đây đổ. Tổ của tôi gồm mười hai đứa, đặc trách phân tươi. Sáu đứa đi kiếm tro ở những đống đốt cành cây lá mục. Sáu đứa còn lại thì hai đứa ngào phân bốn đứa xuống hầm vục phân vào xô khiêng lên. Tôi đang xuống hầm phân thối um và hàng tỷ con ruồi bò lúc nhúc ghê gớm. Tôi muốn ói. Nhưng cố nín. Rồi cũng phải ói. Tôi không kịp bước lên, ói tại chỗ, ói trên những con dòi, ói trên lớp phân có mùi thối không tên gọi, không so sánh. Tôi ói hết phần sắn điểm tâm, ói đến phần sắn chiều qua chưa kịp tiêu hóa, ói ra mật xanh, ói ra mật vàng, ói toàn nước bọt, ói khan quặn bụng. Thằng nhãi khiêng chung xô phân với tôi giục nhắng. Nó sợ chậm chạp cán bộ đinh nó. Nó vục xô thứ nhất, tôi và nó khiêng. Nó cho tôi đi trước cầm đầu khúc cây dài. Chuyến thứ hai, thấy tôi vẫn ói khan, nó bảo để nó vục. Tôi cám ơn nó, tự tay cầm xô vục. Bắt chước nó, tôi đưa hai tay xuống phân dưới hầm lùa vào cho đầy xô. Những con dòi bò lên cánh tay tôi. Tôi vuốt chúng rơi lổm ngổm. Tự nhiên tôi hết ghê sợ, hết buồn ói. Tôi ngẩng mặt nhìn lên. Mặt trời nhìn tôi…
Thằng tổ trưởng nói đúng. “Xuống hầm vài lần là quen, hết sợ hãi.” Tôi muốn nói: Đã đến cái nước xuống hầm phân nhung nhúc rồi vục cứt cả phân lẫn dòi bằng tay thì trên đời không có gì đáng sợ nữa, thì sẽ dám làm bất cứ việc gì. Tổ phân khen tôi xứng đáng dân xiện. Chúng nó bày tôi rửa tay sạch rồi lấy lá cải chà nát thay xà phòng. Quả nhiên, mùi hôi bay biến. Tuy thế, buổi trưa tôi không ăn nổi, nghĩ tới hầm phân , tôi nổi da gà. Rồi cũng phải ăn để sống. Và rồi chuyện vục cứt bằng tay chỉ là chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống lao cải. Tôi tả hầm phân, những con dòi cho bé Hai nghe. Thằng bé xanh lè mặt. Nó cứ lầm bầm “Tội nghiệp anh, tội nghiệp anh.” Công tác xúc phân dưới hầm tởm thật đấy nhưng mà nhàn. Chúng tôi dư thì giờ nghỉ ngơi, tán dóc và được xuống suối tắm trước đội.
Những đội rau xanh của đội chuyên trồng rau cải củ. Bốn mùa cải củ. Lá cải, bất kể già non, sâu gặm hay lành lặn là thức ăn quanh năm của chúng tôi. Lá cải nấu nước bỏ muối thành canh cải. Thỉnh thoảng, đổi món, nhà bếp muối dưa lá cải. Không có củ. Củ cải dành cho cơ quan. Chúng tôi ăn sắn, ngô, khoai… với canh lá cải! Trại không có thứ hạt giống nào khác. Cải củ dễ trồng. Thuốc xịt rầy khan hiếm nên, nhiều lứa rau, lá mới bằng ngón tay cái, rầy đã phá trơ trụi. Sức người sỏi đá hóa cơm thôi, sức người rầy không chết. Nhưng thừa thãi sức người. Do đó, rầy cắn lá cải còn trơ cuống, bọn tổ nước vẫn cong lưng gánh nước leo dốc suối để… cứu rau. “Tưới giẫm, tưới giẫm”, cán bộ giục giã tổ tưới. Tưới giẫm xuống rau chết! Nhiều thằng có máu khôi hài, nói lén với nhau: “Mẹ kiếp, đinh bỏ cha rau là rau nó khắc phục rầy” hay “Bắt rau và rầy làm tự kiểm, rau sẽ tốt”. Tôi nghĩ, mai này khi tôi được về, kể riêng chuyện ở đội rau xanh cho mẹ tôi nghe, mẹ tôi sẽ bảo tôi giỏi phịa.
Tôi nhớ, có lần, một thằng ở tổ bón phân rau than phiền với bạn nó bên đội nông nghiệp rằng nó phải bốc cứt nhét vô gốc rau. Cán bộ cấm dùng dụng cụ bón do nó chế tạo, cấm luôn bọc tay vào túi ni lông. Thằng bạn nó bĩu môi: “Thế đã lấy chó gì là lạ, tao nè, hồi tao ở đội rau xanh thời ngụy, tao còn ngậm cứt phun gốc rau cơ.” Rồi thằng này nháy mắt, nhỏ giọng: “Mà quên, thời ngụy làm đéo gì có ranh con lao cải!” Những chuyện khôi hài này tới tai cán bộ là no đòn và ngồi hầm biệt giam mút chỉ. Người ta sẽ nâng quan điểm hình sự lên chính trị. Bọn nhãi nghe hai tiếng chính trị sợ phát sốt. Người ta ưa đem nó hù chúng tôi lắm.
Quen việc, tôi thấy đội rau xanh cũng vui vui. Tôi có nghề hạ cây, nghề trồng ngô khoai, nghề phá gò mối, giờ thêm nghề trồng rau cải củ. Tôi mơ mộng rằng, qua hết các đội ở trại, người ta sẽ tha tôi. Mơ mộng thế, tôi phấn khởi, quên đi nhiều nỗi đắng cay, phiền muộn. Buổi tối, tôi sang nhà bé Hai, rủ Mai bím tha thẩn sân trại. Chúng tôi chẳng biết nói năng với nhau chuyện gì khác ngoài những chuyện vớ vẩn thường nói với nhau. Nhưng mà vẫn thích gặp nhau. Không gặp nhau nó nhớ thế nào ấy. Mai bím và bé Hai đã trở thành sự cần thiết trong đời tôi. Tôi có tin mừng cho hai đứa: tóc tôi đã nằm xẹp xuống và mắt tôi hết lồi. Mai bím lần đầu tiên từ ngày gặp gỡ, khen tôi đẹp trai, và nó hỏi em tôi có xinh không.
Rồi nói nhìn lên trời cao. Xấu hổ.
Bookmarks