Chương 18 - Dorothy Dix
Theo ý bạn, ký giả nào có nhiều độc giả nhất? Tôi thì cho rằng ký giả đó là một người đàn bà sung sướng nhất Hoa Kỳ, vì đã giúp cho đủ hạng người giải quyết những vấn đề tình cảm của họ. Đã bao lâu nay, bà là người mẹ, là giáo sĩ rửa tội cho hàng triệu người đau khổ, cả đàn ông lẫn đàn bà. Chưa có ai đã tránh cho đồng bào được nhiều vụ li dị, đã cứu vớt được nhiều gia đình như bà.
Tên bà là Elizabeth Meriwether Gilmer. Bạn chưa nghe nói về bà ư? Có chứ! Đã nghe nói nhiều lần rồi, nghe tên Dorothy Dix nhiều lần rồi chứ! Dorothy Dix chính là bà. Hồi mới cầm viết, bà lựa bút hiệu đó vì bà thích nó, mà cũng vì bà muốn kỷ niệm một người mọi tên là Dix đã hầu hạ gia đình bà lúc bà còn nhỏ.
Vậy bà ký tên Dorothy Dix dưới những bài đăng trong hai trăm tờ nhật báo, để cho hàng triệu độc giả khắp thế giới đọc, từ Luân Đôn tới Châu Úc, từ Nữu Ước tới Nam Mỹ và Nam Phi Châu.
Cách đây ít lâu, tôi hân hạnh được uống trà với bà ở New Orleans, bà kể chuyện về tuổi thơ, về sự giáo dục của bà trong mười năm, sau cuộc nội chiến. Thân phụ bà có một trại nuôi ngựa giống ở biên giới Tennessee và Kentucky. Gia đình bà là một gia đình cổ ở phhương Nam vì chiến tranh mà sa sút. Bà nói:
- Chúng tôi sống kỳ cục lắm, nghèo không ra nghèo, sang không ra sang. Ngôi nhà cũ của chúng tôi đẹp lắm, chung quanh có những cánh đồng cỏ mơn mởn, bò và cừu mập ú, nhởn nhơ bên cạnh những cánh đồng trồng lúa và bông vải. Ăn thì chén dĩa bằng bạc. Như tiền thì không có.
Bà bận những đồ bằng len nhà, dệt ở hàng xóm. Bà thích kể rằng vú nuôi của bà là một con ngựa cái để đua, vì già và bệnh tật nên được thả ở trước nhà. Bà nói thêm:
- Tôi biết cưỡi ngựa trước khi đi học. Ba tôi đặt tôi lên lưng ngựa, tôi níu chặt bờm ngựa trong khi nó ăn cỏ. Khi nào nó luồng qua một sợi dây thừng mắc quần áo hoặc một cành cây là tôi bị hất xuống đất. Tôi la hét cho tới khi có người chạy ra bồng tôi lên, đặt tôi trên lưng ngựa.
Một chị vú da đen dạy cách ăn nói cư xử cho bà và chị em bà. Trong bữa cơm, chị ta đứng sau lưng bà, rình như một tên lính gác. Vô phúc mà láu ăn hoặc bốc đồ ăn hoặc khóc thì, cốp! Bị cú trên đầu liền.
- Ăn uống cho đàng hoàng. Đừng làm như những thằng nhỏ mất dạy da trắng đó nữa!
Ba đứa nhỏ phải chơi một mình, làm lấy đồ chơi mà chơi. Nhưng chơi với chó và ngựa, thú vị biết bao! Bà nói:
- Chúng tôi được tự do như chim trên trời vậy. Không bị bó buộc gì hết. Muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Chúng tôi thắng yên cương rồi cho ngựa chạy phi vô rừng, đằng sau là một bầy chó sủa vang trời. Chúng tôi biết hết cả những bí mật của rừng, những chỗ chim cùn cút trốn ở đâu, chim ưng làm tổ ở đâu, thỏ giấu con ở đâu. Chúng tôi cũng biết chỗ nào có trái lý dại và mùa thu tới, chỗ nào có những hạt dẽ ngon nhất. Lòng tự tin của chúng tôi tăng lên rất mau, vì chúng tôi biết xoay sở lấy, biết biển báo khi gặp nỗi khó khăn.
Đây là một điều lạ lùng nhất về bà. Chính một ông cụ già gần như điên, đã dạy bà được nhiều điều rất quí. Ông cụ đó là bạn cũ của ông nội bà và sống trong nhà bà như người thân. Không những cụ dạy bà tập đọc mà còn hướng dẫn bà yêu những sách quí trong tủ sách nhà nữa. Bà nói:
- Chưa đầy hai mươi tuổi, tôi đã thuộc lòng Shakespeare, Scott, Dickens, tôi đã đọc Smollet, Fielding và Richardson. Không có sách để trẻ em đọc, tôi đành nhai đại những sách khó tiêu nhất nhưng bổ ích của người lớn. Và lúc nào tôi cũng thấy sung sướng được đọc những sách đó.
Bà đi học trường nhà nước rất ít.
Cha tôi cho tôi lại học trường cô Alice hay cô Jenny không phải vì các cô ấy dạy giỏi mà chỉ vì thân phụ các cô ấy đã có công lao với xứ sở, hoặc làm đại tá dưới quyền chỉ huy của tướng Beauregard, hoặc đã tử trận ở Gettysburg. Làm sao được? Đó cũng là một cách giúp các cô ấy sống.
Trước khi biết bảy lần bảy là bốn mươi chín, bà đã leo cây giỏi như một con sóc và cưỡi ngựa tài như một chú nài. Sự thật bà chỉ được học trong những sách cũ của thân phụ để lại.
Rồi năm mười tám tuổi, bà về nhà chồng, tính sống cuộc đời yên ổn như mọi thiếu phụ khác trong trường hợp đó. Nhưng một bi kịch xảy ra, vùi bà trong một tai biến về hai phương diện gia đình và tài chánh. Mới cưới nhau được ít lâu, chồng bà thành một người tàn tật, một phế nhân. Bà phải săn sóc chồng, nuôi chồng cho tới khi chồng chết, trong ba mươi lăm năm đằng đẳng. Lúc đó bà không biết làm sao kiếm đủ nuôi thân mình, đừng nói là nuôi chồng nữa. Bà lo lắng quá, hóa đau, phải tới Gulf Coast ở Mississipi để dưỡng sức.
Lần đi xa nhà đó đã làm thay đổi hẳn đời bà. Trong khi nghỉ ngơi trên bờ biển, bà viết một truyện ngắn kể một việc xảy ra trong gia đình bà hồi nội chiến. Song thân bà sợ những đồ quí bằng bạc bị lính phương Bắc cướp mất, sai một tên nô lệ đem chôn ở bên mộ tổ tiên. Hắn chôn xong còn làm phép phù thủy yếm cho kẻ trộm khỏi tới gần. Bà bán truyện đó cho một bà hàng xóm làm chủ nhiệm một tờ nhật báo lớn nhất miền Nam, tờ Picayune ở New Orléans. Người ta trả bà ba Mỹ kim và dùng bà làm phóng viên trong tòa soạn. Như vậy bà chỉ kiếm được năm Mỹ kim mỗi tuần, vừa đủ cho hai ông bà sống, nhưng nhờ viết phóng sự mà sau này bà nổi danh khắp trong nước.
Công việc đầu tiên của bà là mỗi chủ nhật viết một bài dài khuyên bảo phụ nữ về đời tình cảm của họ đối với chồng con.
Phần đông nữ sĩ viết một lối văn cầu kỳ. Họ rán dùng một bút pháp có vẻ thông thái, độc đáo để tỏ ra mình hơn người, họ muốn tự tạo một tư cách "thượng đẳng". Dorothy Dix trái lại, viết rất giản dị, thành thử nữ độc giả thích ngay. Bà không cần tự tạo một tư cách giả tạo, chính bà đã có một tư cách chân thực, mạnh mẽ của một phụ nữ Mỹ sống giữa thiên nhiên và những truyền thống của một gia đình cổ phương Nam. Một xã hội càng rập theo đời sống mới nhất luật bao nhiêu thì lại càng trọng những người còn giữ được cái ý nhị, tự nhiên của cổ nhân bấy nhiêu. Ở thời đại này, nhiều người nhờ bí quyết đó mà thành công trong nghề viết văn, nghề làm báo, truyền thanh, hát bóng, diễn kịch...
Những bài của Dorothy Dix được hoan nghênh nhiệt liệt. William Rodolp Hearst luôn luôn tìm những tài ba mới, tặng bà những số tiền lớn để bà viết cho tờ Evening Journal ở Nữu Ước. Bà cần tiền lắm nhưng không bỏ chủ báo cũ, vì chính nhờ tờ Picayune mà bà đã học được nghề viết báo. Vả lại lúc đó chủ tờ Picayune đau, cần bà ở lại giúp việc. Vì vậy bà không nhận lời William Rodolp Hearst, nhưng năm 1901, khi chủ báo cũ mất, bà qua viết tờ Evening Journal. Trong hai chục năm sau chẳng những bà giữ mục Tâm tình mà còn viết nhiều bài phóng sự lớn để đứng về phương diện nhân đạo mà phê bình những tin tức kích thích nhất, như vụ xử lớn về hình sự. Chẳng hạn bà viết phóng sự vụ xử Harry K. Thaw, nhà triệu phú ở Pittsburg đã giết kiến trúc sư nổi danh nhất Nữu Ước là Stanford White(...) Bà thuật lại vụ Hall Mills, một tội đại hình bí mật nhất của thế kỷ XX.
Thành thử một thiếu nữ rất giản dị, mà hồi hai mươi tuổi còn quê mùa, chưa đi xe lửa quá sáu lần, chưa đi coi hát hoặc ra thành thị quá hai lần, sống trong một trại hẻo lánh ở Kentucky, nay đã thành một ký giả nổi danh nhất Nữu Ước.
Người ta thường hỏi bà có phải chính bà viết những bức thư ký tên độc giả rồi lại tự đáp trên mục "Thư tâm tình" không. Bà đáp:
- Đâu có vậy! Cần gì phải thế? Mỗi ngày tôi nhận được từ một trăm tới một ngàn bức thư của độc giả mà!
Những bức thư đó là những tài liệu lạ lùng về lòng người. Người ta không giấu giếm gì cả, cởi hết lòng với bà. Đọc nó, bà biết được hơn ai hết những thắc mắc của con người thời này.
Bà được các trường Đại học Tulane và Oglethorpe tặng nhiều vinh hàm, nhưng vì bà không có con, nên những vinh hàm đó không làm cho bà vui bằng khi nhận được những hàng chữ như vầy của thanh niên đau khổ, hoang mang: "Tôi trọng bà hơn má tôi, tôi biết rằng bà hiểu tôi..."
Bookmarks