Chương 18 - Lực lượng Bình Xuyên
Trong những ngày đầu kháng chiến, Sài Gòn có rất nhiều đơn vị bộ đội lấy tên địa phương mình như bộ đội Thủ Thiêm, bộ đội Tân Quy, bộ đội Bà Quẹo... hoặc lấy tên người chỉ huy như bộ đội Mười Trí, bộ đội Bảy Viễn, bộ đội Ba Dương...
Trùm lên tất cả là 4 sư đoàn chính quy: Ðệ nhất sư đoàn gồm phần lớn là lính tập của Pháp để lại, chỉ huy là Kiều Công Cung, Trần Tử Oai, Trương Văn Giàu, Nguyễn Văn Quan... Ðệ nhị sư đoàn của Vũ Tam Anh, Ðệ tam sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp và Ðệ tứ sư đoàn của Lý Huê Vinh, một người Tàu lai học khá (có bằng Thành chung).
Nhưng các sư đoàn này chỉ quen ăn diện đẹp đẽ để diễn hành qua các đường phố, khi đụng trận thì quăng súng chạy dài. Còn bộ đội dân quân thì có gì mặc nấy, chỉ có tầm vông vạt nhọn, dao găm, mã tấu, nhưng lâm trận thì như gà Cao Lãnh, thà chết tại trận tiền chớ không "chạy xịt".
Dân giang hồ Bình Xuyên được đặc biệt chú ý trong các cuộc xuống đường biểu dương lực lượng. Rất nhiều nhóm lẻ tẻ từ Thủ Thiêm, Tân Thuận, Phú Xuân, Tản Quy, Chánh Hưng, Bình Ðăng, Cần Giuộc tập họp lại suy tôn Ba Dương (Dương Văn Dương) làm chỉ huy trưởng.
Mặt trận Sài Gòn được Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam Bộ kiêm ủy viên quân sự Trần Văn Giàu bố trí thành 5 mặt trận phòng thủ 5 cửa Ô ngoại thành.
Cánh Bình Xuyên được anh Sáu Giàu giao giữ khu vực từ cầu Tân Thuận tới Cầu Sập Bình Ðông, gọi là mặt trận số 4. Anh Bảy Trân (Nguyễn Văn Trân) từng học ở Pháp và sang Nga học Trường Ðông Phương (cũng gọi là Trường Staline những năm 1927-1930) làm ủy trưởng quân sự. Trong bộ sậu chỉ huy bộ đội Bình Xuyên, Ba Dương được chỉ định làm chỉ huy trưởng, ông Tám Mạnh (Nguyễn Văn Mạnh) thầy võ ở Chánh Hưng làm chính trị viên. Các ban bộ được bố trí như sau: Ba Dương phụ trách ban do thám; Sáu Ðối phụ trách ban sưu tầm vũ khí; Ba Bang (Trương văn Bang) chủ tịch quận Cần Giuộc, phụ trách ban tiếp tế: Sáu Tùng, dân anh chị Xóm Chiếu phụ trách ban vận động ủng hộ kháng chiến.
Các nhóm bộ đội trong Mặt trận số 4 gồm: Bộ đội Ba Dương ở bến đò cầu Rạch Ðỉa; bộ đội Sáu Ðối (Trần Văn Ðối) và Sáu Thơ ở Tân Thuận; bộ đội Chín Phải (Quách Văn Phải), Tám Mao, Năm Mười Ba ở Tân Quy; bộ đội Hai Soái ở Phú Xuân, bộ đội Ðoàn Văn Ngọc và Chín Mập, Dương Văn Ðức ở Tân Thuận; bộ đội Chín Hiệp ở bến đò Tân Thanh; bộ đội Mười Ðen ở Kho Cảng Khánh Hội; bộ đội Mười Lực (Ngô Văn Lực), Bảy Môn (Võ Văn Môn), Tám Hoe (Nguyễn Văn Hoe) ở Thủ Thiêm; bộ đội Ký Huỳnh (Nguyễn Văn Huỳnh) ở Bình Ðăng; bộ đội Tám Mạnh (Nguyễn Văn Mạnh) ở Chánh Hưng; bộ dội Tư Hoạnh ở cầu ông Thìn; bộ đội Ba Bang ở Cần Giuộc. Trong số các thủ lĩnh nói trên có không ít dân lục lâm thảo khấu như Tư Hoạnh, Ký Huỳnh...
Phần lớn dân anh chị kể trên đều ít nhiều quen biết với Bảy Viễn. Thế nên Bảy Viễn muốn nắm cả khối giang hồ theo kháng chiến này để nhảy lên làm lãnh tụ. Tuy nhiên xét về tài đức thì Bảy Viễn tự thấy mình kém xa Ba Dương.
Anh Ba Dương quê Bến Tre, lên Sài Gòn làm ăn từ nhỏ. Nghề chính của Ba Dương là dạy võ gần cầu Rạch Ðỉa, làng Tân Quy. Do nắm được các băng đảng làm ăn trên kinh Cây Khô, ngay cửa ngõ Sài Gòn, anh Ba kiêm luôn nghề bảo hiểm bình dân, tức là tìm lại tài sản các chủ ghe thương hồ bị đánh cướp khi có yêu cầu.
Ðôi khi Bảy Viễn để lộ ý đồ của mình thì đụng ngay phản ứng của dân Bình Xuyên. Bảy Rô trong nhóm bảo vệ anh Ba Dương cùng Năm Mười Ba và Chín Mập thường chê Bảy Viễn là "dân hào mé", tức không có dây mơ rễ má gì với dân lục lâm thảo khấu trên sông nước Nhà Bè, Cần Giuộc.
Mà đúng vậy, Bảy Viễn là dân chuyên "ăn hàng" trên bộ, đánh cướp các tiệm vàng ngoại ô, đôi khi liều lĩnh "đi hát" ngay giữa Chợ Lớn.
Trong những ngày đầu kháng chiến, Bảy Viễn chỉ lo bảo toàn lực lượng, Tây tới thì rút lui.
Trong khi đó, bộ đội Ba Dương và Tám Mạnh liên quân đánh đoàn tàu kéo trên kinh Cây Khô (làng Phước Lộc, Nhà Bè). Liên quân toàn thắng, thu một tàu kéo, một xà lan bốn ghe đầy lương thực.
Tin chiến thắng tới tai Khu trưởng Khu 7 Nguyễn Bình.
Khu trưởng liền gửi thư khen:
"Toàn quốc nghe tin bộ đội Bình Xuyên đánh giặc dũng cảm, anh em xứng đáng là Giải phóng quân Nam Bộ. Nhân danh Bộ Chỉ huy khu, tôi gửi lời khen và số tiền ba ngàn đồng để ủy lạo anh em".
Ký tên: Nguyễn Bình.
Nhận thấy lực lượng Bình Xuyên là đơn vị lớn nhất ở miền Ðông, anh Ba Bình phái Lương Văn Trọng và Nguyễn Văn Lội làm phái viên của khu bên cạnh Ba Dương. Sự chọn lựa này rất khéo vì anh Trọng là công nhân gốc Hải Phòng vào Nam sinh sống từ đâu năm 1940. Khi kháng chiến bùng nổ, Hai Trọng gia nhập bộ đội Ba Dương và được anh Ba tin tưởng vì có trình độ văn hóa (tú tài) và chính trị. Chính Hai Trọng được anh Ba Dương phái dự hội nghị An Phú Xã (Gò Vấp) khi phái viên trung ương Nguyễn Bình mới vào Nam theo ngả Tây Nguyên. Tại hội nghị quân sự này, Nguyễn Bình tập hợp các đơn vị bộ đội lẻ tẻ lại để lập ra nhiều chi đội, đánh số từ 1 tới 25. Bộ đội của Ba Dương được tổ chức thành hai chi đội (số 2 và số 3). Về sau giao cho Năm Hà (Dương Văn Hà), em cùng cha khác mẹ với Ba Dương chỉ huy. Chỉ huy Chi đội 2 là Năm Chẳng và chỉ huy Chi đội 3 là Mười Lực (Võ Văn Lực). Nguyễn Bình rất mến Hai Trọng nên phong làm phái viên của Khu bên cạnh bộ đội Bình Xuyên của Ba Dương.
Ngoài các chi đội 2 và 3, các Chi đội 4 của Mười Trí, Chi đội của cha con ông Tám Mạnh và Hai Vĩnh (Mai Văn Vĩnh), Chi đội 9 của Bảy Viễn, Chi đội 21 của Tư Hoạnh và Chi đội 25 của Tư Ty cũng là Bình Xuyên đặt dưới quyền chỉ huy của Ba Dương, 7 chi đội gọi chung là Liên khu Bình Xuyên, sau này giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong những năm đầu kháng Pháp.
Riêng Tám Tâm, nhờ chiến công bắt cóc công tử Bạc Liêu Ba Huy, lấy được ba triệu đồng ủng hộ nuôi quân, nên được Bảy Viễn phong làm Chánh văn phòng Chi đội 9. Tám Tâm có biệt tài bắn súng ngắn cả hai tay, rất thiện xạ. Trong mỗi chuyến rút lui bảo vệ thực lực, Tám Tâm bao giờ cũng đi sau cản hậu cho Bảy Viễn. Nhưng sau trận Tây tấn công Cầu Xàng, Tám Tâm mất chức Chánh văn phòng, và Bảy Viễn bước tới khúc quanh lịch sử trong đời chỉ huy quân sự.
Bookmarks