Chương II


Ve đương ngồi ở bếp thái hành để muối dưa, bỗng nghe tiếng guốc lộp cộp sau lưng: nàng biết rằng đó là ông giáo Thanh, vì chỉ có mình nàng với ông giáo ở nhà. Mẹ nàng ra chợ, còn năm người ăn cơm trọ, xong bữa sáng, đã kéo nhau đi cả.

Ve cố thản nhiên chăm chỉ làm việc, như không để ý đến mọi sự xảy ra chung quanh mình.

- Cô Ve!

Không lần nào nghe hai tiếng "cô Ve" mà cô gái xấu xí không nóng bừng mặt. Cách xưng hô ấy, Ve cho chỉ để tặng riêng những người lịch sự, xinh đẹp trong các gia đình cao sang hay giàu có. Còn đối với nàng, đó chỉ có thể là một sự mỉa mai cay độc. Vì thế, buổi đầu Thanh gọi nàng là cô, nàng căm tức tưởng như bị chế nhạo. Nhưng lâu dần nàng cũng quen tai, tuy vẫn còn hơi bẽn lẽn một chút, bẽn lẽn sung sướng.

- Cô Ve!

- Dạ.

Ve từ từ đứng dậy, dáng điệu giữ gìn khoan thai, yểu điệu, nhất là cố ý nhìn thẳng để Thanh chỉ trông thấy một nửa mặt không có cái sẹo dài ở mí mắt.

- Cô Ve làm ơn đun hộ tôi ấm nước sôi nhé?

- Thưa ông, vâng.

- Đây, ấm đây, cô Ve.

Ve đỡ lấy cái ấm đồng ở tay Thanh, ra vại múc nước, bắc lên bếp kiềng nhóm lửa. Rồi nàng lại ra ngồi thái hành, lòng bâng khuâng cảm động: "Người ta có học hành chữ nghĩa vẫn hơn. Ăn nói ôn tồn quá. Chả bù với năm bác kia nhất là bác Trường, với bác San, động nói là gắt, bảo làm việc gì thì như sai đầy tớ vậy. Rõ nhắng quá! Ai là đầy tớ họ mới được chứ?"

Một lát sau, Ve xách ấm nước lên nhà, nói se sẽ:

- Thưa ông, nước sôi được rồi đây ạ.

Thanh đương mải chấm bài học trò ở cái hòm lớn đặt trên giường và dùng làm bàn. Ve phải nhắc một lần nữa, chàng mới nghe thấy và quay lại tươi cười nói:

- Cám ơn cô nhé. Cô để đấy cho tôi.

Ve cúi đầu, thỏ thẻ:

- Thưa thầy, thầy pha nước hay để làm gì?

- Tôi pha nước đấy, cô ạ.

- Thế con đi súc ấm nhé?

- Được, cô để mặc tôi.

Nhưng Ve đã nhanh nhẹn ra bàn nước mở cái giỏ làm bằng tre ghép, màu sơn quang dầu đã mờ sạm và trên đậy nắp vải nâu cũ, rách, để lòi cả bông nhồi ra. Nàng kéo lên một cái ấm Thanh Trì vòi thiếc cáu đầy cặn chè nụ, và mở vung ghé mắt nhòm, lẩm bẩm:

- Gớm! Tệ quá! Uống cạn chẳng để phần người ta lấy một giọt.

Tiếng "người ta" dùng để chỉ ông giáo Thanh mà Ve buột miệng thốt ra, nàng nghe như có chiều thân mật quá. Vì thế nàng đưa mắt liếc trộm xem Thanh có nghe rõ không. Thấy Thanh vẫn cặm cụi chấm bài, nàng mới yên tâm.

- Thưa thầy, con súc ấm tra chè mới nhé?

Thanh vẫn không ngửng lên, đáp:

- Cám ơn cô, thế thì còn nói gì nữa. Nhưng hình như chè hãy còn tốt đấy mà, bỏ sợ phí, cô Ve ạ.

Ve bóp mấy hạt chè bã:

- Thưa thầy, còn tốt đâu! Bã nát nhẽo ra rồi!

Ve dềnh dàng để được ở gần Thanh lâu thêm một lát nữa. Trong lúc nhà vắng đứng nói chuyện với Thanh, nàng coi như một việc thầm kín, vụng trộm, một việc có lỗi. ý nghĩ ấy làm Ve sung sướng, chân tay luống cuống. Nàng tra chè mới rồi rót nước vào ấm.

- Thưa thầy, con để đây, thầy chờ một lát cho ngấm đã rồi hãy uống.

- Được, cám ơn cô, cô cứ để đấy cho tôi. Nhưng này cô Ve, sao cô cứ xưng con với tôi thế? Tôi chỉ hơn cô độ hai, ba tuổi là cùng, cô xưng con với tôi như thế e không tiện.

Ve yên lặng đứng ngây người nhìn Thanh, và ngẫm nghĩ: "Thế nghĩa là gì? Đó là câu đùa bỡn trêu ghẹo, hay là lời đứng đắn tự nhiên?". Nhưng thấy Thanh vẫn cúi đầu chữa bài học trò, Ve liền rón rén lảng xuống bếp. Một lát sau, nàng lại lên nhà, rót chén nước chè nụ đầy bưng đến để bên cạnh ông giáo và lễ phép nói:

- Thưa thầy, nước chè ngấm, vừa uống rồi đấy ạ

Thanh ngửng đầu lên tươi cười đáp.

- Cám ơn cô nhé.

Ve giật mình vì vô tình nàng đã xây về phía Thanh nửa mặt có cái sẹo ở mí mắt. Nàng cúi vội đầu xuống rồi ngoảnh trông nghiêng.

- Ve!

Ve chạy biến vào trong bếp. Tiếng bác Cả réo từ ngoài đường réo vào:

- Ve! Con chết đâm ra đây tao bảo.

Ve sợ hãi bước lại gần, hỏi:

- Cái gì thế, bu?

- Cái gì à? Lại còn cái gì à, con quạ mổ?

Ve ngượng quá, đưa mắt nhìn Thanh, và thầm mong rằng Thanh mải chấm bài, không nghe thấy lời rủa mắng của mẹ.

- Thì tao hãy hỏi mày: mày mua na để làm gì, hử? Tiền đâu mà mua na, hử con ranh kia? Mày ăn bớt tiền chợ để ăn quà, phải không con đĩ?

Trong khi người mẹ nói một thôi một hồi, Ve chỉ đứng lặng, mặt tái đi nhìn quanh mình như để tìm cầu cứu. Bác Cả thét càng to:

- Con nỡm! Sao tao hỏi, mày cứ đứng ỳ thần xác ra như con câm thế kia?

Ve cáu tiết trả lời buông sõng:

- Làm gì có tiền mà mua? Ai mua? Rõ bu chỉ lôi thôi.

Bác Cả đặt phịch cái rổ thức ăn xuống đất, ngón tay trỏ sỉa sói vào mặt con:

- à, lại còn gái đĩ già mồm à? Tao đi qua hàng chị Thẽn, chị ấy bảo mày mua bốn xu hai quả na, rồi gửi chị ấy, chị ấy nhờ tao mang về cho mày đây này, còn cãi nữa thôi, con chết tiệt, con chết băm?

Ve cuống quít cãi liều:

- Ô hay, bu mới hay nhỉ! Có để cho ông giáo ông ấy chấm bài không?

Nghe nói đến mình, Thanh ngửng đầu nhìn: Chàng đã mục kích nhiều lần cái cảnh náo nhiệt giữa hai mẹ con bác Cả, nên những tiếng chửi rủa nhiếc móc tục tằn, chàng coi thường rồi, không lấy làm chướng tai, như buổi mới đến ở trọ nữa.

- Hay sao, mày bảo tao hay sao, con kia? Tao hãy hỏi mày: tiền đâu mày mua na?

Thấy Thanh nhìn mình, Ve vớ ngay lấy chàng như người sắp chết đuối với lấy mảnh ván trôi.

- Ông giáo đấy chứ...

- Ông giáo sao?

- Mua cho ông giáo đấy chứ!

Thanh thoáng hiểu tình cảnh một cô gái đi chợ ăn quà vụng mẹ. Chàng liền nghĩ cách cứu vớt:

- à, cô Ve, tôi nhờ cô mua na cho tôi, cô đã mua chưa?

Ve toan nói: "Đấy bu coi", nhưng nàng cảm động quá, chỉ ứa nước mắt, nghẹn ngào đứng im. Nàng không hiểu sao ông lại bênh vực nàng như thế, và bênh vực nàng như thế, ông ta có định ý gì không. Xưa nay có ai thèm thương hại nàng bao giờ đâu. Nàng ra chợ mất cắp, người ta cười chế nhạo nàng. Nàng bị mẹ mắng chửi, đánh đập, mấy người ăn cơm trọ khúc khích cười lấy làm thích chí như ngồi coi hát chèo. Thậm chí có khi nàng ngã sây sứt cả chân tay, mà những người qua đường cũng vỗ tay reo cười được. Không bao giờ, thực không bao giờ nàng được nếm chút tình trắc ẩn nó an ủi, vỗ về, xoa dịu lòng con người trong những giờ đau đớn.

Ve lại thuộc hạng người nhiều tình cảm. Thực là một tấm lòng yếu đuối, một tâm hồn ủy mị, chứa trong một hình thể cục mịch, một cốt cách thô sơ. Vì thế, Ve càng nhận thấy rõ rệt và cảm thấy thấm thía những sự đối đãi tai ngược và bất công của người đời. Nàng không sao thân mật được, như mẹ nàng, với cái hoàn cảnh nàng đương sống và đã sống gần hai chục năm nay, và có lẽ nàng còn sống mãi mãi cho đến khi già, khi chết.

- Thế nào, na của tôi đâu, cô Ve?

Sợ mẹ trông thấy sự cảm động của mình biểu lộ ra bằng hai dòng nước mắt, nàng bỏ chạy xuống bếp. Thanh mỉm cười thầm, cho là nàng ngượng với mình, vì có cái nết thứ tư của "cô con gái bảy nghề". Còn bác Cả thì vẫn chưa hết thét, tuy bác đã biết con bác không có tội.

- Ve! Con bé thế này thì thật. Sao ông giáo hỏi lại bỏ chạy, hử, con đĩ? Đấy, thầy tính nó hư đủ nết như thế, thì tôi không gào không thét làm sao được cơ chứ. Mua có hai quả na cho thầy cũng còn bỏ quên được mới nghe.

Vừa nói, bác Cả vừa cầm hai quả na còn cả lá, gượng nhẹ đặt vào khay nước.

- Thầy xơi ngay được đấy. Na đầu mùa chín tới ngon lắm.

- Cám ơn bà, bà cứ để đấy cho tôi.

- Thôi thầy ở nhà nhé. Tôi lại phải ra chợ. Đã mua bán xong đâu. Tôi chủ định về cho con bé một trận.

Dứt lời bác Cả vừa cười, vừa cắp rổ đứng dậy. Thanh tưởng nên hỏi một câu cho có chuyện, nhân tiện để làm thân với bà chủ nhà:

- à, bác đã được tin bác giai bao giờ về chưa?

- Về gì đây! Có về thì cũng gần Tết. Nghe đâu nhà tôi nó đã lấy vợ lẽ ở mỏ rồi thì phải.

Nói câu ấy, bác Cả không có giọng ghen tuông tức tối, như nói đến một việc thường xảy ra, và xảy ra một cách rất tự nhiên. Thanh toan hỏi một câu nữa, thì bác Cả đã ra khỏi cửa rồi. Chàng lại cúi xuống chấm bài.

Bỗng nghe lách cách động chén, chàng quay ra nhìn thấy Ve, liền mỉm cười nói:

- Na của cô đấy, mời cô cứ tự do xơi đi, bà Cả ra chợ rồi, cô không còn sợ hãi gì nữa.

- Không... tôi... mua...

Ve muốn nói: "Tôi mua biếu thầy", nhưng hổ thẹn, ngập ngừng, không dám nói dứt câu. Thanh tưởng nàng xấu hổ định chữa thẹn mà không tìm được câu ổn thỏa. Chàng đỡ lời:

- Cái đó là sự thường. Ai chả có lúc ăn quà? Vả lại ăn hoa quả tốt lắm, tôi nói ăn hoa quả chín, vì ăn hoa quả xanh rất độc rất dễ sinh bệnh, cô chớ có ăn hoa quả xanh vào.

Ve uất ức về nỗi oan của mình, mà không thể bộc bạch được.

Ban nãy, ra chợ, thấy có mớ na đầu mùa vừa chín tới, nàng nghĩ thầm: "Ông giáo Thanh rất thích na, ta mua cho ông hai quả". Nàng vẫn có cái vốn riêng hơn hai đồng bạc, góp nhặt lâu ngày bằng tiền mừng tuổi Tết, và các khoản ăn bớt tiền chợ cùng là tiền thưởng, tiền thuê vặt vãnh. Nàng bỏ ra bốn xu chọn mua hai quả na to nhất mẹt. Nhưng vừa trả tiền xong thì nàng nhận ngay ra điều này: "Làm thế nào đưa na cho thầy giáo được? Chẳng nhẽ mình biếu thầy ấy! Hay nói mua hộ thầy ấy? Nhưng thầy ấy có nhờ mình mua đâu? Mà nhỡ gặp lúc thầy ấy túng quá không có bốn xu giả lại mình thì thầy ấy ngượng chết."

Đương phân vân nghĩ ngợi thì thoáng thấy bóng mẹ ở đằng xa, nàng vội gửi tạm nhà hàng hai quả na, hẹn chốc nữa ra lấy.

Về nhà làm lụng và trong khi ngồi chờ ấm nước sôi, nàng chợt tìm ra được một cách rất tự nhiên, rất giản dị, là nói với ông giáo Thanh rằng có người gửi biếu. Ông ấy có hỏi ai biếu thì mình nói không biết, thế là xong.

Nàng mừng thầm, thấp thỏm đợi mẹ về chợ để ra lấy na. Chẳng ngờ đã xảy ra lôi thôi.

- Kìa cô xơi na đi chứ, chẳng ruồi nó bâu, nó đẻ trứng vào thì rồi nó sẽ nở ở trong ruột ấy.

- Gớm! Thầy chỉ...

Thanh mỉm cười:

- Hay cô muốn biếu ân nhân một nửa đấy?

Ve sung sướng choáng váng cả người, nói rất mau:

- Vâng mời thầy xơi, na ngon lắm, mời thầy xơi.

Ve bưng khay na đặt bên cạnh Thanh, nhắc lại một lần nữa:

- Mời thầy xơi.

- Ai lại thế! Cô ăn đi.

- Không, con cốt mua mời thầy xơi.

Thanh cho đó là một câu nói khéo, hoặc một câu nói để che đậy cái nết xấu hay ăn quà vặt.

- Vâng thì ăn. Nhưng hết bao nhiêu tiền rồi tôi giả cô đấy.

Và chàng nghĩ thầm: "Thế nào cô ả cũng ăn lãi được một, hai xu." Nhưng Ve chạy vụt xuống bếp, nói giọng nũng nịu:

- Không, con chả dám lấy tiền của thầy đâu.