DÂN HAI HUYỆN VÀ ÔNG NGUYỄN HỮU CẢNH


Phàm người Việt yêu nước, ai lại chẳng muốn nói, muốn nghe đến vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc tức là phong cảnh núi sông, với bao nhiêu hào khí.

Để tượng trưng cho đất nước thân yêu, nhiều người vẽ bản đồ Việt Nam với những lằn nét mơ hồ, sau đỉnh hương trầm cuồn cuộn khói. Hoặc là chùa Một Cột, lăng tẩm Huế rồi đến cổng lăng ngài Tả quân Lê Văn Duyệt.



Ba kiểu kiến trúc tiêu biểu cho ba miền, cũng khá cụ thể nhưng chưa ổn. Chúng tôi đã xem một bức tranh nho nhỏ, trong đó cái cổng lăng ngài Tả quân được thay thế bằng hình ảnh một cô gái đội nón lá, chèo xuồng trên kinh rạch, giữa biển lúa vàng: Đã bắt đầu gợi được niềm vui tươi, phóng khóang rồi đấy! Nhưng cũng chưa thỏa mãn. Tại sao cô gái ấy chèo xuồng một mình và cười một mình. Cô ta sẽ già, hóa đá chăng? Còn thiếu một điều gì, khó nói – nhưng có lẽ quan trọng khi muốn tìm một hình ảnh tượng trưng cho cá tính miền Nam.



Có bạn nóng nảy nói nhanh:
- Tại sao lại khó tính, lẩm cẩm như vậy? Cứ đờn ca vọng cổ, ăn nhậu say sưa, lựa món ngon vật lạ nào lượn ếch rùa rắn là đầy đủ bản sắc miền Nam rồi. Nếu cần bổ túc thì cứ nói thêm: Người miền Nam hiền lành, không có gì sâu sắc, ít lo xa, hơi lười biếng, ưa nói thẳng...



Nhận xét ấy đúng nhưng vẫn còn hời hợt. Nếu chỉ có bao nhiêu nét không sâu đậm ấy thì liệu ông cha ta có giữ nổi đất và sống nổi đến ngày nay chăng? Trong lịch sử nhân lọai, bao nhiêu dân tộc đã mất tên, trong khi họ ít “lo xa, không gì sâu sắc; hơi lười biếng; ưa nói thẳng!”



Miền Nam là phần đất cay nghiệt, đã từng chôn vùi hoàn toàn hoặc làm ngưng đọng bao nền văn hóa. Lịch sử đã cho biết: Xưa kia, tại đồng bằng sông Cửu Long đã mọc lên vương quốc Phù Nam. Vương quốc này phồn thịnh nhờ làm trung gian thương mãi giữa vài nước Đông Nam Á: còn lưu lại vài đồng tiền vàng La Mã, có thể làm giả thuyết cho sự liên lạc giữa Phương Tây và miền Nam từ thế kỷ thứ III, cách đây 1.600 năm. Ấy thế mà nước Phù Nam lâm vào cảnh tang thương, tang thương cho đến nỗi các nhà khảo cổ giỏi nhứt cũng chẳng tài nào ức đóan: Người Phù Nam thuộc vào dân tộc nào? Tiểu quốc của họ bị diệt vong từ đâu? Và ngay đến cái tên tạm bợ là Phù Nam! Các sử gia chỉ biết tên ấy xuyên qua vài trang sử đời Lương, đời Đường bên Tàu; Ngày nay ta đọc hai chữ nho Phù Nam, và chẳng hiểu các sử gia Tàu có phiên âm lại đúng giọng cái tên của một tiểu quốc bé bỏng, tuy giàu sang nhưng sớm mai một? Căn cứ vào các nền nhà, đồ trang sức tìm được tại vùng đất xưa bên kia Hậu Giang, chúng ta quả quyết: Nước Phù Nam bị tiêu diệt vì văn hóa của họ chẳng biểu lộ nét gì đặc sắc, tòan là góp nhặt văn hóa Ấn Độ, Ba Tư. Thế thôi.



Bao nhiêu thành quách bị chôn vùi dưới lớp phù sa, trở thành một vùng đồng chua hoang dại. Thế mới hay: Phù sa sông Cửu Long và biển Nam Hải có sức mạnh tiêu diệt những nhóm người lưu vong, ăn xổi ở thì, thiếu cá tính. Và những kẻ đến sau đó, tuy đã thôn tính tiểu quốc Phù Nam nhưng vẫn bị sa lầy, trụ hình torng nếp sống mộc mạc, kiếm ăn ngày nào hay ngày ấy, tập trung nhà cửa trên vài giồng đất cao ráo, khai thác sơ sài vùng phụ cận. Và ra khỏi xom chừng vài trăm thước là cây cỏ mọc hoang, dày bịt, làm sào huyệt cho cọp, voi. Ở vùng đất phù sa ẩm thấp mà sanh họat của nhóm người ấy thu hình lại như một số thôn bản miền sơn cước.



Phù sa sông Cửu Long, vinh Xiêm La đã chôn vùi nước Phù Nam!



Phù sa sông Cửu Long, vịnh Xiêm La đã trở thành vùng sơn cước đối với người Miên!



Người Việt Nam lại xuất hiện, nhận lãnh bao thử thách.




* *
*




Họ là những người ở Bình Dịnh, Quảng Nam. Họ chán chê những thửa ruộng kém mầu mỡ nhỏ hẹp, giới hạn bởi dãy Trường Sơn khô cằn và biển Đông đầy giông bão. Trên những thửa ruộng ấy, dường như người Chiêm Thành đã chịu thua thiên nhiên: Họ ít chịu ly hương và điểm quan trọng nhứt là họ quá bảo thủ về văn hóa, chẳng muốn làm kẻ “lai căng” hầu đón gió bốn phương. Người Việt Nam ta thích đi xa và giàu tinh thần dung hòa. Vùng đồng bằng Đồng Nai và Cửu Long đang hcờ đón. Từ đời Hiền Vương cách đây 300 năm, người Việt Nam trong thời Nam Bắc phân tranh đã sẳn sàng đi xa hơn ranh giới của quê cha. Họ theo đường biển, dùng ghe đánh lưới, đến tận mũi Cà Mau và đảo Phú Quốc.



Sử sách gọi đó là đám người “lưu dân”, người không căn cứ nhứt định, sống phóng túng, nghĩa là những phần tử bất hảo, dốt nát, thiếu luân lý, bị luật lệ và phong tục lên án. Tóm lại, đám dân tứ chiếng trốn xâu lậu thuế ấy phá hại văn hóa hoặc thuộc vào trình độ văn hóa thấp.
Gần đây, vài nhà xã hội đã minh xác khả năng kiến tạo và tinh thần đạo đức của những lưu dân từ Âu Châu sang lập quốc tận Mễ Tây Cơ, Ba Tây. Đa số chỉ là nạn nhân, lắm khi là tội nhân bị lên án rất oan ức bởi luật lệ và luân lý phong kiến. thử xem lại vài chi tiết của bộ luật Hồng Đức, đời Lê: giết trâu vô cớ, trai gái ăn ở với nhau theo kiểu tự do kết hôn, chống đối với cường hào ác bá, đều là những tôi có thể bị đày gần (lưu cận chu), đày xa (lưu viễn chu) và đày ra khỏi biến giới tổ quốc (lưu ngọai chu). Ở nước ta, các vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và ngay cả vùng tỉnh Thanh Hóa há chẳng phải do một số đông tội nhân bị lưu hình đến khai thác. Thực tế chứng minh rằng thế hệ của họ và các thế hệ về sau đã góp công xây dựng văn hóa bảo vệ được thuần phong mỹ tục.



Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, một số lưu dân khá đông đến thám hiểm và định cư tại ven biển và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nói chung, người xa lìa tổ quốc thường ưa thích mua bán – thứ nghề dễ sinh lợi, ít cực nhọc. Nhưng số lưu dân Cửu Long không chọn con đường dễ sống đó. Nhiều người cho người Việt Nam ít có khiểu về thương mãi. Rất có lý nhưng cũng vô lý. Lúc bấy giờ , đám lưu dân Việt Nam đủ sức tranh thương với người Miên, nói rõ hơn là họ đủ sức tổ chức thương mãi, đầu cơ hàng hóa ở một vùng mà nền thương mãi còn trong tình trạng đổi chác sản phẩm.



Thái độ của đám lưu dân thật sự rõ rệt: họ lo khai thác đất hoang, đương đầu với bệnh tật, cọp sấu, đùa giỡn với song biển. Họ chọn lực con đường đầy khó khăn, đầy vinh quang mà có người cho rằng dại khờ, hời hợt. Miễn sao cho những kẻ đến sau được thừa hưởng di sản quí báu của họ. Mặc cho kẻ khác phỉ háng, hiểu lầm. Họ chịu cực nhiều nhưng hưởng rất ít. Đó là thái độ bám sát đất nước, tin tưởng nơi khả năng của con người. con người sẽ biến đổi bùn lầy ra cơm, sẽ lập đình chùa trên biển cỏ. Hòan tòan tinh tưởng vào thiên nhiên, cải biến thiên nhiên, không sợ thiên nhiên. Vì vậy mà các tay anh hùng hảo hớn thích sống riêng biệt, mỗi người làm chủ một địa bàn riêng, chiếm cứ một con rạch, một cù lao. Trong căn chòi nhỏ bé, với dụng cụ thô sơ và thuốc men hầu như không có, họ dám thi gan chịu cảnh cô độc của con phượng hòang trên đỉnh núi, của con cù nằm vùng lâu năm, chờ thời. Lúa gạo, cá tôm nếu dư dã thì tặng cho bạn bè, để dành, nếu để dành ăn không hết thì bỏ. Một kiểu người hùng trong tiểu giang sơn. Thà là làm đầu gà hơn là đuôi voi. Nếu cần làm việc thì sẳn sàng chịu đựng khổ nhọc, sau khi làm việc khó nhọc thì nên hưởng lạc lập tức, và hưởng lạc đến mức tốc độ.



Họ không bao giờ là những người Do Thái lang thang. Đất nước qua phì nhiêu, phần đất nước ấy không xa lìa tổ quốc, trái lại, nó nối liền về mặt địa ;ý.



Trong những năm Trịnh – Nguyễn phân tranh, dường như chúa Nguyễn bỏ rơi họ. Nhưng một cơ hội mới lại đến, đem may mắn cho đất nước: bọn di thần nhà Minh xin di trú nơi phần đất của chúa Nguyễn. Hiền Vương giải uqyết một cách thần tình: cho phép họ vào vùng đồng bằng miền Nam mà khai khẩn. Vùng ấy, lúc bấy giờ, mặc nhiên nằm dưới sự bảo trợ về mặt chánh trị của chúa Nguyễn.



Sử đã chép nhiều về các tướng Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch. Và nàh tổ chức Mạc Cửu. Trong phạm vi bài nầy, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh vài điểm quan trọng:
- Trần Thắng Tài chú trọng mở mang thương mãi và tiểu công nghệ ở vùng cù lao Phố (Biên Hòa), nhứt là thương mãi. Sau khi chợ cù lao Phố bị quân Tây Sơn phá, các thương gia rủ nhau xuống vùng chơ Lớn lập cơ sở thương mãi khác.
- Dương Ngạn Địch đến vùng Mỹ Tho lập ra trang trại ở vùng Tân Hiệp, mỹ tho qua địa phận Bến Trẻ ngày nay. Nhóm nầy chú trọng đến thương mãi và nghề ruộng rẩy.
- Mạc Cửu đến vùng chợ Hà Tiên, nhắm vào việc mở mang thương cảng, tổ chức sòng bạc và làm trung gian chánh trị, cố ý đóng vai trò đặc biệt trong lịch sử ngọai giao giữa chúa Nguyễn, Cao Miên và Xiêm La.



Bấy lâu, chúng ta thường dùng danh từ “khai hoang” với nhiều nghĩa mơ hồ. Cần phải xác định vai trò của bọn di thần nhà minh ở miền Nam, lúc họ mới đến. Trừ trường hợp Dương Ngạn Địch ở Mỹ tho, các ông Mạc Cửu và Trần Thắng Tài chỉ chú trọng việc thương mãi, tổ chức phố chợ mà thôi. Nhứt là ông Mạc cửu, ông này quá thiên về họat động chánh trị. Vì vậy, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy vùng phụ cận chợ Hà Tiên và chợ Biên Hòa còn quá nhiều đất hoang, chưa canh tác. Số quân sĩ đi theo Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch và số mưu sĩ đi theo Mạc Cửu đều nghiêng về nếp sống thành thị, sống tập trung, lo buôn bán hoặc phát triển tiểu công nghệ. Thành thị đóng vai trò quan trọng cần thiết. Điều ấy đã đành, những chúng ta nên ghi rõ; chính những người thành thị nầy đã hưởng lợi khá nhiều, trong khi đám lưu dân đã sản xuất quá nhiều nhưng hưởng không bao nhiêu. Nhờ việc phân phối xuất cảng sản phẩm do bọn di thần nhà Minh nắm giềng mối, đám lưu dân Việt Nam ở ven rừng, ở bờ biển được cải thiện đời sống và càng hăng hái làm việc.