THỜI ĐẠI TOÀN CẦU


Cuộc cách mạng toàn cầu.

Lúc châu Âu đang ở vào cuối thế kỷ XV thì Trung quốc triều nhà Minh (1368-1644,-ND) và ấn độ thời đế quốc Mogole (Mô-gôn)(1) là hai nền văn minh quan trọng nhất địa cầu. Đạo Hồi trong tiến trình bành trướng ở châu Phi và châu á đang là một tôn giáo lan rộng nhất trên mặt đất. Đế quốc ốt-tô-man từ tiểu á tràn sang phía đông Âu châu, tiêu diệt Byzance (Bizanx) và đe dọa Viên đang là một thế lực hùng hậu nhất. Khi đế quốc In-ca và Az-téc ngự trị trên châu Mỹ và Tenochtilan (Tê-nốc-ti-lan), những thành thị như Cuzco (Cuz-cô) đã đông dân, nhiều đền đài và quy mô lớn hơn cả Madrid, Lisboa, Pari, Luân đôn, kinh đô của những quốc gia non trẻ và nhỏ bé ở Tây Âu.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1492, chính những quốc gia trẻ và nhỏ này sẽ bắt đầu vươn lên để chinh phục địa cầu và qua mạo hiểm, chiến tranh, chết chóc đã dựng nên kỷ nguyên toàn cầu.

Sau Christophe Colomb (Crix-tốp Côlômb), Amerigo Vepuci (A-mê-ri-gô Vê-pu-chi) đã đến được cái lục địa mà sau này sẽ mang tên ông ta. Cũng gần như cùng một lúc (1448), Vasco de Gama (Vas-cô đờ Ga-ma) đã tìm ra con đường phía đông đi ấn độ bằng cách vòng qua Phi châu. Cuộc đi vòng quanh thế giới của Magellan (Ma-gen-lăng)(2) năm 1521 đã đem lại bằng chứng xác thực là quả đất tròn. Năm 1521, rồi năm 1532 Cortès (Cooc-tex) và Pizarre (Pi-da-rơ) khám phá ra những nền văn minh tiền- Côlômbia và họ gần như đã tiêu diệt chúng ngay sau đó (Đế quốc Az-téc vào năm 1522, đế quốc Anh-ca vào năm 1533). Cùng thời, Copernic (Cô-pec-ních) đã tìm ra hệ thống quay của các hành tinh, trong đó có quả đất, tự quay tròn và di chuyển quanh mặt trời.

Đấy là buổi đầu của cái mà người ta gọi là Thời hiện đại nhưng đáng lẽ phải gọi là Kỷ nguyên toàn cầu. Nó bắt đầu từ khi con người khám phá ra quả đất chỉ là một hành tinh và đã làm thông liền những vùng đất còn biệt lập của hành tinh này lại với nhau.

Thế là từ sự chinh phục Châu Mỹ cho đến cuộc cách mạng Copernic, một hành tinh đã thành hình và một vũ trụ đã sụp đổ. Những ý niệm về thế giới chắc chắn, hiển nhiên nhất đã bị đánh đổ. Quả đất không còn là trung tâm của vũ trụ nữa, nó chỉ là một vệ tinh của mặt trời và nhân loại cũng mất đi địa vị độc tôn của mình. Quả đất không còn là một mặt phẳng và vĩnh viễn là một hình cầu (Khái niệm quả đất hình tròn xuất hiện ở Nuremberg (Nua-rem-be) vào năm 1492 và con đường của Magellan đã chứng minh điều đó vào năm 1526). Nó không còn là một cái gì bất động mà quay như một con quay (con vụ). Vậy là cái thiên đường mà Côlômb còn tìm kiếm trên quả đất đã được trả lại cho Trời hoặc đã tiêu tan.

Tây phương phát hiện ra những nền văn minh lớn cũng xán lạn và phát triển như mình mà chúng lại hoàn toàn không hề biết đến Chúa trong kinh thánh, đến những thông điệp của Ki-tô. Trung Quốc thôi không là một ngoại lệ lạ lùng nữa. Âu châu buộc phải thừa nhận tính đa nguyên của thế giới loài người và tính địa phương của khu vực Do thái - Hồi giáo - Cơ đốc giáo. Quả đất không còn là trung tâm của vũ trụ cũng như châu Âu không còn là trung tâm của thế giới nữa.

Một cuộc cách mạng như vậy dĩ nhiên cần thời gian để có thể thâm nhập vào đầu óc mọi người. Ngay đến năm 1632, Galileo (Ga-li-lê) vẫn còn phải lùi bước trước toà án tôn giáo và lên án hệ thống Copernic. Quan trọng hơn nữa là khi cuộc cách mạng sinh ra ở Tây Âu này lại không hề thật sự "cách mạng" được cái thế giới Tây Âu đó: Vì nó sẽ quên ngay cái địa vị "tỉnh lẻ" của mình khi đem áp đặt bá quyền lên toàn cầu, nó cũng sẽ còn quên cả vị trí hẻo lánh của quả đất khi tin rằng khoa học và kỹ thuật sẽ giúp nó làm chủ được vũ trụ.

Buổi đầu của thời đại toàn cầu

Thời đại toàn cầu bắt đầu bởi sự tác động qua lại giữa vi trùng và con người rồi bởi sự trao đổi về thực vật và động vật giữa lục địa Cũ và Tân thế giới, những vi trùng và vi khuẩn từng gieo rắc bệnh sởi, bệnh éc-pét (Herpes), bệnh cúm, bệnh lao ở lục địa Âu-á ùa sang những người da đỏ châu Mỹ. Trong khi đó từ châu Mỹ, con vi khuẩn xoắn của bệnh giang mai đã nhẩy từ bộ phận sinh dục này sang bộ phận sinh dục khác cho đến Thượng hải. Những cuộc kết hợp tình dục, giao cấu ngẫu nhiên hoặc hiếp dâm đã cho ra đời những giống người lai khắp châu Mỹ, nơi vô số dân da đen châu Phi đã bị (người âu châu-ND) bắt đem đến. Đầu tiên, dùng để lấp vào chỗ trống của người da đỏ vừa chết hàng loạt vì mầm bệnh tới từ Âu châu và vì sự bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân, sau đó họ đã bị dùng làm lao động nô lệ trong những đồn điền lớn.

Từ châu Mỹ, người châu Âu đem về trồng trên đất của họ ngô, khoai tây, đậu cô-ve, cà chua, sắn (khoai mỳ), khoai lang, ca cao, thuốc lá. Họ lại đem cừu, bò, ngựa, ngũ cốc, nho, ô-liu, và những thứ cây nhiệt đới như gạo, khoai mài, cà phê, mía đến châu Mỹ.

Ngô với tính dinh dưỡng cao đã thay thế cháo đại mạch, cháo kê ở ý và vùng Ban-căng. Khoai tây đã chặn đứng nạn đói kinh niên ở trung và bắc Âu. Khoai mỳ đã thành thức ăn chính của Phi châu. Châu Mỹ dần dần đầy gia súc ăn cỏ và bắt đầu trở thành nơi thâm canh của bông, mía, cà phê.

Từ khi thoát khỏi tình trạng hàng hải men bờ, việc buôn bán bằng đường biển đã được mở rộng ra trên khắp các đại dương. Vào thế kỷ thứ XVII những công ty hàng hải lớn của Anh, Pháp, Hà lan đã bắt đầu được thành lập để đi Đông và Tây ấn. Sự trao đổi Âu/ á /Mỹ được nhân lên và ở châu Âu những xa xỉ phẩm ngoại lai như cà phê, sô-cô-la, đường, thuốc lá đã trở thành những món hàng tiêu dùng thường ngày.

Âu châu bắt đầu sự phát triển gia tốc. Hoạt động mậu dịch ở đó tăng nhanh. Các Nhà nước - quốc gia (Etat-nation) làm đường, đào kênh lạch. Những nước ven biển Ban-tích đem gỗ, ngũ cốc và cá mòi xuống các nước ven biển Địa Trung Hải để đổi lấy rượu nho, dầu. Irlande (Iếc-lăng) và Bretagne (Brơ-ta-nhơ) bán thịt và bơ mặn cho những tỉnh bên trong đất liền. Tây Ban Nha, Đức, Anh phát triển ngành chăn nuôi cừu và buôn bán len. Những cây họ đậu biến đất cằn cỗi thành phì nhiêu, canh nông bắt đầu thay đổi hẳn bộ mặt.

Tại Âu châu, các đô thị, chủ nghĩa tư bản, hình thái Nhà nước - quốc gia, rồi công nghiệp, kỹ thuật đã vươn lên đến mức độ chưa bao giờ một nền văn minh nào trong quá khứ đạt đến được. Qua những cuộc chiến không chỉ trên các trận địa châu Âu như ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, mà ở cả châu Mỹ và châu á, các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Hà lan và nhất là nước Anh từ thế kỷ XVIII, đã triển khai một sức mạnh kinh tế, hàng hải, quân sự ghê gớm trùm lên khắp thế giới.

Tiến trình Tây phương hoá bắt đầu, một mặt bằng di dân của người Âu lên châu Mỹ, châu úc; mặt khác bằng sự du nhập của văn minh, vũ khí, kỹ thuật, quan niệm của Âu châu vào tất cả những nhượng địa, tiền đồn và các vùng nó xâm nhập.

Thời đại toàn cầu đã mở ra và được triển khai trong vũ lực, tàn phá, nô lệ hoá, bóc lột tàn nhẫn ở châu Mỹ và châu Phi. Đấy là thời kỳ đồ sắt toàn cầu mà hiện chúng ta vẫn còn ở trong đó.

Tiến trình tây phương hoá thế giới

Vào thế kỷ XIX, sự kiện nổi bật của thời đại đồ sắt toàn cầu là sự phát triển ghê gớm của chủ nghĩa đế quốc Âu châu, dẫn đầu bởi đế quốc Anh, đã đưa nó khống chế gần như toàn bộ thế giới. Mặc dù Hợp chủng quốc Mỹ, rồi những nước châu Mỹ La-tinh đã dành được chủ quyền, nhưng lại vẫn că n cứ vào các kiểu mẫu và noi theo những chuẩn mực, quan niệm của Tây Âu này. Và cái tiến trình tây phương hoá như thế đã đánh dấu một thời đại mới của kỷ nguyên toàn cầu bằng chủ nghĩa thực dân và sự giải phóng các thuộc địa di dân của châu Âu.

Trong những thập niên cuối của thế kỷ XIX, tuy đã dấn thân vào trong một cuộc chạy đua vũ trang vô độ, các nước Pháp, Đức, Anh, Nga vẫn chưa tấn công trực tiếp lẫn nhau trên lãnh thổ của họ. Làm chủ được kỹ thuật và quân sự một cách tuyệt đối so với phần còn lại của thế giới, họ đã chọn con đường tranh nhau lao ra thế giới để cấu xé chia phần.

Đầu thế kỷ XX, nước Anh kiểm soát những đường biển của địa cầu và ngự trị trên ấn độ, Xây-lan (Srilanca), Sing-ga-po, Hồng Kông, nhiều đảo trong vùng Đông ấn và Pô-li-nê-si, Ni-gê-ria, Rô-dê-di, Kê-ni-a, Ou-gan-đa, Ai cập, Xu-đăng, Man-tơ, Gi-bran-ta, nghĩa là 1/5 diện tích trái đất. 428 triệu thần dân nghĩa là 1/4 dân số của thế giới nằm dưới quyền cai trị của vương quốc Anh. Nước Hà lan chiếm được Mã lai, Gia-va, Boóc-nê-ô. Nước Pháp chiếm An-giê-ri, Tuy-ni-di, Ma-rốc, Đông Dương và một phần lớn châu Phi da đen. Đế quốc Nga chạy dài sang châu á đến Thái bình dương bao gồm cả những phần dân cư gốc Thổ và Mông Cổ. Đức cũng xây dựng được một đế quốc trên 2,5 triệu Km2 gồm 14 triệu dân ở Tây nam châu Phi, ở Tô-gô, Ca-mơ-run, Tan-ga-ny-ika và trên những đảo Thái bình dương. Nước ý chiếm Xô-ma-li, Tri-pô-li và E-ri-thrê. Bỉ chiếm Công-gô, Bồ Đào Nha đóng ở Ăng-gô-la và Mô-dăm-bích. Trung Quốc bị những cường quốc Âu châu đến chiếm các tô giới ở những cửa khẩu lớn và hầu như tất cả miền duyên hải từ Quảng Đông lên đến Thiên Tân đều bị khống chế. Ngoài ra Trung Quốc còn phải nhượng lại nhiều cơ sở hoả xa, đặc quyền buôn bán và ưu đãi tài chính. Chỉ có nước Nhật, bằng cách du nhập kỹ thuật, phương pháp, vũ khí của thế giới da trắng đã không những kháng cự được sự khống chế của người da trắng mà còn bắt họ lần đầu tiên phải chịu một sự thất bại nhục nhã ở cảng Arthur (Ac-thua) vào năm 1905. Ngay sự kiện này cũng đóng góp một phần vào quá trình toàn cầu hoá của nền văn minh Tây phương.

Sự khơi kênh đào Suez và Panama khai thông những nút đóng giữa Địa Trung Hải và các biển á đông, giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Những đường xe hoả xuyên Âu (Orient Express), xuyên Mỹ, xuyên Xi-bia đã làm dính liền nhiều miền các đại lục lại với nhau.

Kinh tế mở mang, phương tiện truyền thông phát triển, sự hội nhập của các lục địa bị chinh phục vào trong thị trường thế giới, tất cả đưa đến những biến động về mặt dân cư và đẩy mạnh sự tăng trưởng dân số khắp nơi (3). Khuynh hướng chung là dân quê dồn đến các thành phố công nghiệp, những kẻ khốn cùng hoặc bị truy hại ở châu Âu chạy sang châu Mỹ, dân giang hồ, mạo hiểm mò đến các thuộc địa. Chỉ trong hậu bán thế kỷ XIX mà đã có 9,5 triệu người Ăng-glô-xắc-xân, 5 triệu người Đức, 5 triệu người ý, 1 triệu người Xcăng-di-nav, Tây Ban Nha, Ban-căng đã vượt Đại Dương đi Nam và Bắc Mỹ. Những luồng di dân cũng đã xẩy ra ở châu á, nơi người Tầu đến cư ngụ ở Xiêm-la, Gia-va, bán đảo Mã-lai, vượt biển sang California (Ca-li-foóc-nia), Cô-lôm-bi thuộc Anh, miền Tân nam Wales (Uênx) (4), Pô-li-nê-di(5), trong khi người ấn lại đến Na-tal (6) và đông Phi.

Thế là tự lúc nào không ai hay biết, kinh tế đã mang tính thế giới rồi. Giữa 1863 và 1873, mậu dịch giữa nhiều nước mà trung tâm đặt tại Luân đôn, đã trở thành một hệ thống thống nhất sau khi các quốc gia chính ở Âu châu công nhận kim bản vị. Thị trường kinh tế mang tính thế giới có nghĩa là cạnh tranh và xung đột cũng mang tính thế giới. Nó liên quan đến sự lan tràn ồ ạt của chủ nghĩa tư bản và kỹ thuật lên khắp thế giới. Nó cũng liên quan đến tiến trình toàn cầu hoá của chính trị, của những xung đột giữa các chủ nghĩa đế quốc và của mô hình Nhà nước - quốc gia, một mô hình đã được kiến tạo tại Âu châu mà sau này sẽ trở thành một công cụ cho các quốc gia bị trị dùng để giải phóng khỏi ách đô hộ Âu châu, lại cũng sẽ trở thành một phương tiện để bảo tồn bản sắc của mình vốn bị tính hiện đại tây phương đe dọa, đồng thời còn là một cách để tiếp thu vũ khí và phương tiện của tính hiện đại này. Những tiến trình toàn cầu hoá đa dạng (nhân khẩu, kinh tế, kỹ thuật, hệ tư tưởng.v..v...) đều ảnh hưởng lẫn nhau trong náo động và xung đột.

Toàn cầu hoá tư tưởng

Tiến trình toàn cầu hoá tư tưởng cũng diễn ra trong lĩnh vực tư tưởng. Những tôn giáo với chủ thuyết phổ biến, trên nguyên tắc, vốn đã hướng đến tất cả mọi người trên trái đất. Từ thuở khai thuỷ của kỷ nguyên toàn cầu, những đề tài về "con người bán khai lương thiện" và "người mộc mạc" đã là những phương thuốc, thật ra không hiệu nghiệm mấy, để giải độc cho sự ngạo mạn và khinh thị của các loại "rợ văn minh" (ám chỉ người da trắng-ND).

Vào thế kỷ XVIII, chủ nghĩa nhân văn thời kỳ ánh sáng đã xem tất cả mọi người đều bình quyền và ai cũng đều có một đầu óc đầy đủ lý trí. Tư tưởng của cuộc Cách mạng Pháp, trong quá trình phổ cập, đã quốc tế hoá những nguyên tắc về nhân quyền và quyền các dân tộc. Thế kỷ XIX, thuyết tiến hoá của Darwin (Đác-uyn) cho rằng tất cả nhân loại đều là hậu duệ của cùng một loại động vật họ khỉ và tiếp đó những khoa sinh vật học đều chứng minh tính nhất quán của loài người. Nhưng đối chọi với những trào lưu của chủ nghĩa mang tính phổ biến này lại có nhiều trào lưu đối nghịch. Nếu tính nhất quán của loài người đều được công nhận, người ta lại tìm cách đóng khuôn nó vào thành những giống người có tôn ti trên dưới. Nếu quyền các dân tộc đã được công nhận, vài quốc gia nào đó lại tự cho mình ở địa vị cao hơn một bậc và nghĩ mình có sứ mệnh dẫn dắt hay thống trị tất cả nhân loại. Nếu mọi người đều cùng có những nhu cầu và tình cảm cơ bản, những nhà lý luận trường phái văn hoá đặc thù lại nhấn mạnh lên sự khác biệt không thể nào khắc phục được của họ. Tuy ở con người, bất cứ nơi nào cũng đều tiềm ẩn một "con người tinh khôn" (Homo sapiens), nhưng chủ nghĩa tây phương - trung tâm lại phủ nhận chỗ đứng của những chủng tộc lạc hậu trong hàng ngũ cái nhân loại hoàn toàn trưởng thành và có lý trí kia. Và nhân chủng học Âu châu lại không xem người những chủng tộc cổ sơ là "người bán khai lương thiện" mà là người nguyên thuỷ "ấu trĩ."

Dù thế nào đi nữa, giữa thế kỷ XIX đã xuất hiện đầy đủ các khái niệm về nhân loại, một thứ thực thể chung muốn vươn đến sự thể hiện của nó bằng cách tập hợp lại những mảnh rời rạc. Auguste Comte (Ô-gutxt Côngt) đã xem nhân loại là mẫu thể của tất cả những con người. Âm nhạc của Bít-thô-ven, tư tưởng của Mác, thông điệp của Huy-gô, của Tôn-xtôi đều hướng về toàn thể nhân loại. Tiến bộ dường như là một quy luật lớn đối với mọi diễn biến và lịch sử loài người. Bước tiến bộ này được bảo chứng bởi sự phát triển của khoa học và của lý tính, mà nguyên tắc của hai thứ này lại đều có tính phổ biến. Thế là đã bắt đầu hình thành một hy vọng lớn lao về sự tiến bộ phổ biến mà chủ nghĩa xã hội sẽ chiếm đoạt rồi giương cao sau này.

Chủ nghĩa xã hội muốn dùng chủ nghĩa quốc tế làm nguyên tắc. "Quốc tế ca" xem sứ mạng của mình là thực hiện việc liên kết toàn nhân loại. Đệ nhất Quốc tế được sáng lập không lâu đã cáo chung. Sau đó lại xuất hiện Đệ nhị Quốc tế lớn mạnh hơn, nó liên kết những chính đảng xã hội chủ nghĩa với nhau để chuẩn bị cuộc cách mạng thế giới và quyết tâm ngăn chặn chiến tranh.

Kỷ nguyên toàn cầu, đó cũng là nguyện vọng của đầu thế kỷ XX về sự nhất thống nhân loại trong hoà bình và bác ái.

Toàn cầu hoá bởi chiến tranh

Trong tiến trình toàn cầu hoá ngày càng đầy náo động và xung đột lại xẩy ra những điễn biến bất ngờ. Chiến tranh 1914 - 1918 là một mẫu số chung lớn đã liên kết nhân loại, nhưng đó là một sự đoàn kết trong chết chóc.

ở Sa-ra-giê-vô, một loạt đạn người Xéc-bi đã sát hại kẻ thừa kế của dòng Habsbourg (Háp-xbuốc). Cuộc mưu sát xẩy ra ở một vùng tranh chấp giữa chủ nghĩa dân tộc địa phương và chủ nghĩa đế quốc thế giới. Sự tan rã từ từ của đế quốc ốt-tô-man đã làm trỗi dậy những chủ nghĩa dân tộc, cùng một lúc lại đánh thức dã tâm của đế quốc áo-Hung, Đức, Anh. Tiếng súng ở Sa-ra-giê-vô giữa một Bốt-xnhia - Ec-xê-gô-vi-na nơi các loại người Xéc-bi-a, Crô-át-chi-a, hồi giáo nằm dưới sự cai trị của triều vua Háp-xbuốc đã đưa đến bức tối hậu thư của áo gửi cho Xéc-bi-a. Tối hậu thư này gây ra sự động viên của Nga. Sự động viên của Nga dẫn đến sự động viên của Đức. Sự động viên của Đức kéo theo sự động viên của Pháp. Đức muốn chiếm thượng phong bằng cách xâm lược Bỉ, và như thế kéo theo tất cả các cường quốc vào cuộc chiến. Vậy là một cuộc ám sát địa phương trong cái góc Ban-căng hẻo lánh đã châm ngòi cho một phản ứng dây chuyền bùng nổ khắp châu Âu, kéo theo cả những quốc gia thuộc địa á, Phi, Nhật rồi Mỹ và Mê-hi-cô. Trong khi chiến tranh lan tràn trên khắp những đại dương, người Ca-na-đa, Mỹ, úc, Sê-nê-gan, An-giê-ri, Ma-rốc, An Nam (chỉ người Việt Nam thời ấy-ND) lại đến chiến đấu trên tuyến đầu các chiến trường Âu châu dưới cờ của các nước đồng minh.

Như vậy, kết cục chính sự đọ sức tại trung tâm của các chủ nghĩa đế quốc Âu châu đã gây ra chiến tranh thế giới mà chính tác dụng qua lại giữa những chủ nghĩa đế quốc lớn mạnh cùng những chủ nghĩa dân tộc nhỏ bé đã châm ngòi cho nó. Chính các chủ nghĩa quốc gia cuồng nhiệt đã dung dưỡng nó. Chính những liên minh và tranh giành qua lại, dây chuyền đã lôi kéo phần còn lại của thế giới vào cuộc chiến. Chiến tranh trở thành toàn diện, dân chúng bị động viên về mặt quân sự, kinh tế, tâm lý, thôn quê bị dầy xéo, thành thị bị tàn phá, thường dân bị bom đạn. Các quốc gia tham chiến toàn diện, vũ khí tự động, trọng pháo, chiến xa, phi cơ được cải tiến, đưa vào sử dụng, chiến tranh tầu ngầm xẩy ra trên nhiều vùng biển. Tất cả đưa đến một cuộc chiến tàn phá quy mô lớn đầu tiên mà số người tử vong toàn cầu lên đến 8 triệu.

Một cơn bão lịch sử kinh hoàng đã cuốn theo trong cơn lốc của nó quyền lợi của chủ nghĩa đế quốc, cơn mê sảng của chủ nghĩa dân tộc, tất cả lực lượng kỹ thuật và hệ tư tưởng đã được thả lỏng trong và bởi thời đại đồ sắt toàn cầu. Sẽ quá giản đơn nếu đặt vấn đề giải thích chiến tranh bằng sự tranh giành giữa các chủ nghĩa đế quốc theo luận thuyết của chủ nghĩa Mác hoặc bằng âm thanh và cuồng nộ, sự khát khao quyền lực đến độ mê sảng theo Sếch-xpia, bởi vì nó là sản phẩm lịch sử quái gở của sự tổng hợp điên cuồng giữa Mác và Sếch-xpia.

Thế là Âu châu đang từ đỉnh cao của thế giới đã rơi xuống vực thẳm. Sự suy thoái của nó mở ra một thời kỳ mới của kỷ nguyên toàn cầu.

Cơn bão táp không hề ngừng lại vào năm 1918 bởi vì từ năm 1917 một cơn bão mới, thoát thai từ cơn bão đầu tiên đã dấy lên. Hình như đây là cuộc trả thù của chủ nghĩa quốc tế, bị đè bẹp vào năm 1914, nó đã lợi dụng sự sụp đổ của chế độ Sa hoàng Nga để dựng lên một trung tâm cách mạng thế giới, đúng theo ý định mà Lê-nin tuyên bố một cách hãnh diện. Nhưng cách mạng đã thất bại ở Đức, cũng chẳng thành hình được ở Anh, ở Pháp hoặc ở một nơi nào khác ngoài Hung-ga-ri với một cách không có gì đáng kể.

Để đối phó với cách mạng quốc tế chủ nghĩa của Pê-trô-grát và Mát-xcơ-va, các liệt cường sau khi thắng được Đức liền tiến hành một cuộc can thiệp quốc tế. Tiếp đó là nội chiến, can thiệp ngoại bang, điêu tàn, đói khổ. Dù bạc nhược vì bị chiến tranh, nạn đói cướp đi 13 triệu người, cái quốc gia Bôn-sê-vích vẫn còn may mắn giữ được lãnh thổ của đế quốc Sa hoàng. Và sau đó nó đã thành lập một chế độ nhằm thực hiện chủ nghĩa Cộng sản trên một phần sáu diện tích địa cầu. Nhưng trên đà chiến thắng, nó lại làm xuất hiện một hình thức chính trị mới lạ và quái gở, sinh ta bằng sự nô lệ hoá cái Nhà nước hiện đại bởi một đảng siêu tập trung, mà rồi hình thức này sẽ được phổ biến trên toàn cầu, đó là chế độ cực quyền (7).

Như một phản ứng đối với chủ nghĩa cộng sản, cái chủ nghĩa dân tộc lại càng trở thành độc hại. Và trong một nước ý, ở vào tình trạng tiền cách mạng mà đang bị thất vọng, chủ nghĩa Phát-xít đã ra đời, một chế độ cực quyền thứ hai, giống chủ nghĩa cộng sản trong hệ thống độc đảng, hoàn toàn đối kháng với bản thân hệ tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc. Về phía Liên bang Xô-viết, nó đã bị xâm nhập dần dần một cách thâm hiểm từ bên trong bởi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc.

Những biến động toàn cầu, bắt đầu từ năm 1914, được đẩy mạnh thêm vào năm 1917, chúng không những không dừng lại mà còn bùng lên liên tiếp theo phản ứng dây chuyền.

Kinh tế thế giới sôi sục, đầy biến động vào những năm đầu thập kỷ 1920 cho đến lúc nó vừa tìm lại được phần nào sự phồn vinh thì cuộc khủng hoảng lớn năm 1929 đã bầy ra trong thảm hoạ tính liên đới của nền kinh tế toàn cầu: Cuộc phá sản tài chính ở Wall Street (Oan-xtrít) đã gieo rắc sự suy thoái kinh tế lên tất cả các đại lục. Sau hai năm khủng hoảng, một phần tư nhân công những nước công nghiệp đã lâm vào tình cảnh thất nghiệp.

Lúc này, cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, cuộc cách mạng Bôn-sê-vích và cuộc khủng hoảng kinh tế cùng một lúc tập trung hậu quả vào nước Đức, nơi các làn sóng dữ dội phát ra từ Oan-xtrít năm 1931 đã đập vào một cách cực kỳ hung bạo. Những bất hạnh và khổ não của thất nghiệp và nghèo túng đã thổi bùng lên tình cảm nhục nhã quốc thể gây ra bởi hiệp ước Versailles (Véc-xay). Rồi sự sợ hãi chủ nghĩa cộng sản "vô tổ quốc" đã làm cháy lên ước vọng phục thù của chủ nghĩa dân tộc và lòng oán hận người Do thái mà Hít-le quy tội là những kẻ lèo lái quỷ quyệt một âm mưu quốc tế tài phiệt Bôn-sê-vích. Chính đảng Quốc gia-xã hội chủ nghĩa công nhân Đức (NSDAP), tập trung trong tên gọi của nó tất cả những ác liệt đồng thời của chủ nghĩa dân tộc và của những nguyện vọng xã hội chủ nghĩa, đã nắm được chính quyền một cách hợp pháp năm 1933. Nó tức thì thành lập một chế độ độc tài độc đảng. Hệ tư tưởng về sự ưu việt của sắc tộc A-ri-ăng của nó đã đánh thức chủ nghĩa đế quốc Liên Đức và đẩy nước Đức Quốc-xã lên đường thống trị Âu châu.

Những năm 1930 là những năm thảm hại. Nhiều trận giông tố đã dấy lên trên toàn cầu. Quân đội Nhật xâm lược Trung quốc gây nên cuộc chiến tranh kéo dài đến tận 1945, rồi còn tiếp diễn đến năm 1949 dưới hình thức một cuộc nội chiến. Giữa khủng hoảng, những thế lực phát-xít và thế lực cách mạng đều đứng trên vị trí xung kích, đụng độ với nhau tạo thành ở khắp nơi những cuộc bạo loạn, chiến đấu trên hè phố, và ở Tây Ban Nha, một cuộc nội chiến. Trừ Mỹ và Anh, những nền dân chủ khác đều để lộ rõ cái bản chất dễ bị tổn thương của mình. Công cuộc tái vũ trang ở Đức kéo theo tất cả những nơi khác vào cuộc chạy đua vũ trang và có phần làm giảm bớt khủng hoảng kinh tế nhưng đa số các quốc gia vẫn còn hơn 10% người thất nghiệp. Trong khi đó chủ nghĩa cộng sản của Xta-lin đã cho mọi người thấy cái kinh tởm của nó qua những vụ án Mát-xcơ-va và chủ nghĩa quốc-xã của Hít-le cũng cho thấy sự kinh tởm của nó ở những trại tập trung, trong hành động đánh dấu người Do thái, giam cầm họ vào trong những khu gết-tô, thủ tiêu người bởi Rolm (Rôm)(8) và lực lượng SA(9). Biết bao đầu óc bị mất phương hướng trước những nguy cơ dồn dập, không còn dám tin gì vào các nền dân chủ bất lực. Họ đã bị dao động giữa chủ nghĩa Phát-xít và chủ nghĩa Xta-lin và lúc này không còn quyết đoán được cái nào là cái ít xấu hơn. Nước Đức tái vũ trang đã sáp nhập nước áo, bắt phải chấp nhận những đòi hỏi của nó trên vùng Su-đét (10) mà nó chiếm cứ, đã chế ngự Tiệp-Khắc, đòi Dantzig (Dan-zic), xâm chiếm Ba-lan. Đệ nhị thế chiến được chính thức phát động vào tháng 9 năm 1939.

Đức Quốc Xã chiếm Na-uy, Hà-lan, Bỉ, Pháp năm 1940, rồi được ý của Mút-xô-li-ni đi kèm, nó đã thôn tính, xâm chiếm tất cả những nước Âu châu khác (1940 - 1941) chỉ trừ Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thuỵ-sĩ và một phần Thuỵ-điển. Chiến tranh trở thành toàn cầu với sự tiến công của Đức vào Liên-xô, trận đánh úp của Nhật ở Trân Châu Cảng (12-1941), cuộc chiến tranh ở Li-bi và ở Ai-cập. Những trận thuỷ chiến diễn ra trên khắp các biển, những cuộc ném bom bừa bãi trên tất cả các quốc gia lâm trận... cho đến lúc Đệ Tam Đế Quốc bị phá tan ở Béc-lanh vào tháng 5-1945 và toàn bộ thành phố Hi-rô-si-ma bị huỷ diệt vào tháng 8 cùng năm.

Trên số 100 triệu người, đàn ông và phụ nữ tham chiến, có 15 triệu quân nhân bị tử vong và 35 triệu thường dân là nạn nhân. Chỉ riêng hai quả bom nguyên tử của Mỹ bỏ xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-da-ki đã sát hại 72 nghìn người và làm 80 nghìn người khác bị thương, chúng đã kết thúc bản nhạc tàn sát thế giới trên một dấu dãn nhịp ngân dài.

Từ hy vọng đến sự đe dọa của lưỡi kiếm Đa-mô-cléx (11)

Bao nhiêu hy vọng về một thế giới mới, hoà bình và chính nghĩa đã hình thành sau khi đảng Quốc Xã Đức bị tiêu diệt, nhưng mọi người cơ hồ không thấy được hoặc quên rằng cái mà Hồng quân đem đến cũng không phải là sự giải phóng mà là một thứ nô dịch kiểu khác và chủ nghĩa thực dân cũng đã lăm le quay lại châu Phi và châu á. Tổ chức Liên hiệp quốc được thành lập bởi những nước thắng trận, chẳng bao lâu đã rơi vào tình trạng tê liệt vì sự kết tinh của thế giới thành hai doanh trại. Hai doanh trại này rồi sẽ đụng độ với nhau ở tất cả mọi điểm trên quả đất.

Cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu từ năm 1947. Thế giới được phân chia thành hai tập đoàn đối lập lớn, xung đột nhau trên mặt trận ý thức hệ ở khắp nơi một cách không khoan nhượng. Mặc dù có một thế quân bình về mặt khủng bố vũ khí hạt nhân, thế giới cũng chẳng được ổn định là bao. Sự phân thành lưỡng cực đông tây từ 1946 - 1989 đã không tránh được những sụp đổ lớn lao, những cuộc nổi dậy và biến chuyển trên toàn thế giới. Quả địa cầu thay đổi bộ mặt với sự giải tán và thanh toán những đế quốc thực dân đôi khi bằng những cuộc chiến khốc liệt (hai cuộc chiến tranh Việt nam, cuộc chiến tranh An-giê-ri).

Thế giới thứ ba xuất hiện dưới hình thức những quốc gia mới, và vì đôi khi tập hợp những tộc người không thuần nhất nên cũng gây ra nhiều vấn đề mới (áp bức những dân tộc ít người, đối kháng tôn giáo) ; ở đó, trừ vài tập thể liên bang lớn như ấn độ, Mã-lai, một sự Ban-căng hoá giả tạo lại tách rời những vùng đất vốn bổ sung cho nhau. Các quốc gia này bị dao động giữa sự lôi kéo của Đông và Tây, nghĩa là giữa hai phương thức phát triển mà chúng thường chỉ đem đến không phải những giải pháp, mà những nền độc tài quân phiệt hoặc cực quyền, những tham ô, bóc lột và huỷ hoại văn hoá bản địa. Một sự thử nghiệm bằng "con đường thứ ba" trung lập được phác thảo ở Ban-đung (4/1945). Con đường này do ấn độ, Ai-cập và Nam-tư đứng lên hô hào nhưng rồi cũng chỉ dẫn đến sự rệu rã và thất bại.

Trong những năm này, Việt nam, Cu-ba, và nước Trung quốc to lớn, đã thoát khỏi quỹ đạo Tây phương để đi theo "phe Xã hội chủ nghĩa". Ai-cập, I-rắc, Si-ri thì lúc ở phe này lúc ở phe kia. Sau khi quốc gia Ix-ra-en được thành lập, Trung Đông đã trở thành một vùng xung đột và tai hoạ cho cả thế giới. Chiến tranh lạnh ở đây đã trở thành một trạng thái giao chiến thường xuyên với một loạt những cuộc chiến dữ dội theo chu kỳ (chiến tranh Si-nai năm 1956, chiến tranh Li-băng năm 1975). Chính ở vùng Trung đông này, đạo Cơ đốc, đạo Do thái và đạo Hồi đã khởi đầu cuộc đụng độ giữa chủ nghĩa hiện đại và truyền thống, giữa Đông và Tây, giữa sự thế tục hoá và tình cảm tôn giáo, cùng lúc lại tập trung thêm những xung đột quyền lợi ghê gớm trong việc chiếm hữu, kiểm soát dầu lửa.

Khối cộng sản vĩ đại, gắn bó với nhau bằng cái "tình bạn muôn năm và đời đời bền vững" giữa Liên xô và Trung quốc đã rạn nứt vào năm 1960 và đưa đến một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa hai cựu cộng hoà anh em đến độ có lúc Liên-xô dưới thời Brê-giơ-nhép đã muốn dùng bom nguyên tử đối với Trung quốc.

Trừ vài lúc trời quang mây tạnh ngắn ngủi, những đối kháng của hai hệ thống lớn tiếp tục gờm nhau cho đến năm 1985. Tình trạng này không những không giảm thiểu mà còn trầm trọng hơn ở giai đoạn chiến tranh áp-ga-nít-xtan. Trong khi đó những cuộc đụng độ giữa Đời và Đạo, giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, giữa hiện đại tính và chủ nghĩa nguyên giáo (12) càng trở nên kịch liệt. Niềm tin vào một tương lai tốt đẹp đã rơi xuống cái hố sâu ý thức hệ càng ngày càng mở rộng.

Từ năm 1956 đến năm 1970, niềm hy vọng vào tiền đồ cách mạng thế giới dời từ Liên xô sang Trung quốc, đã cháy bùng lên lại ở Việt nam và Cu-ba. Nhưng từ sau khi huyền thoại của " chủ nghĩa xã hội chân chính" lụi tàn, bắt đầu bằng bản "Báo cáo Kút-xếp", tiếp theo bởi cuộc đàn áp cách mạng Hung-ga-ri (1957) rồi mùa xuân Pra-ha (1968), đến lượt cái huyền thoại của cách mạng Trung quốc héo tàn vào khoảng 1975 (vụ "mưu phản" của Lâm Bưu, vụ bè lũ bốn tên), rồi đến lượt huyền thoại nước Việt nam - kẻ giải phóng (lại muốn nô lệ hoá Cam-pu-chia) và Cu-ba tự do cũng vậy. Cuối cùng, tiến trình "cải tổ" (Pérestroika) đã đưa đến sự nổ ngầm của chủ nghĩa cộng sản cực quyền và sự tan rã của đế quốc Liên xô (1987 - 1991). Thế là cái tôn giáo lớn của sự cứu rỗi trên dương thế mà thế kỷ thứ XIX đã soạn thảo với hy vọng xoá bỏ chế độ người bóc lột người đã sụp đổ. Và thế kỷ XX tưởng sẽ xoá bỏ được chiến tranh, áp bức và bất hạnh cho con người lại đưa họ vào những thử thách tồi tệ nhất của hai cuộc thế chiến.

Kiểu mẫu Tây phương, chế độ dân chủ, quy luật thị trường, những nguyên tắc tự do kinh doanh xem ra có vẻ toàn thắng. Nhưng sự sụp đổ của chế độ cực quyền ở phía Đông cũng không thể tiếp tục che dấu lâu dài những vấn đề kinh tế, xã hội và văn minh ở phía Tây, cũng không làm giảm thiểu những vấn đề của thế giới thứ ba giờ đã trở thành thế giới phía Nam, và cũng chẳng đóng góp được gì cho trật tự hoà bình thế giới.

Cuộc xâm lược Kô-oét, rồi Chiến tranh vùng vịnh (1991 -1992) cho thấy thêm một lần nữa miền Trung Đông là một đường gẫy nứt lớn của thế giới. Cuộc chiến giữa người Ac-mê-nia và A-dơ-rix (Azeris) lại cho thấy đường nứt này đã kéo dài lên phía Bắc, xuyên qua Liên xô cũ, rồi những đợt bùng lên ở Bắc Phi, nhất là ở An-giê-ri đã cho thấy rằng nó còn có thể kéo dài cả về phía Tây, hướng Địa Trung Hải.

Từ năm 1991 trở đi những cơn lốc lịch sử mới đã bắt đầu thành hình.

Sự tan rã của chủ nghĩa cực quyền đã đưa đến một cuộc khủng hoảng ba mặt ở khối Liên xô cũ. Cuộc khủng hoảng chính trị thoát thai từ những yếu kém và thiếu dân chủ của các chế độ mới, bị ung thối bởi bệnh quan liêu và bọn Ma-phia tiếp nối từ chế độ trước, lại thường bị thao túng bởi bọn viên chức của guồng máy cũ vốn rất tàn bạo nhưng giờ đây đã đổi lốt, trở thành cực kỳ ái quốc để tiếp tục ăn trên ngồi chốc. Một cuộc khủng hoảng kinh tế, bắt nguồn từ sự nghèo đói trong quá trình chuyển tiếp, từ sự bấp bênh và đảo lộn có thể kéo dài giữa một chế độ cũ bị ruồng bỏ nhưng đã bảo đảm một cuộc sống tối thiểu vững vàng và một chế độ mới mà chưa ai thấy được những cái tốt mà họ mong đợi.

Một cuộc khung hoảng dân tộc chủ nghĩa vô cùng nghiêm trọng với sự nổi dậy của những chủ nghĩa dân tộc trung tâm và chủ nghĩa đặc thù, sự sống dậy của hận thù đôi khi xưa cũ từ nghìn năm gây ra do những vấn đề dân tộc thiểu số và biên giới. Những cuộc khủng hoảng này quyện vào nhau và kích động lẫn nhau. Hỗn loạn, nghèo đói cộng với sự cuồng nhiệt dân tộc chủ nghĩa dễ dàng làm xuất hiện nhiều chế độ độc tài mới dưới bàn tay của quân nhân hoặc các phần tử theo "chủ nghĩa dân túy" và biến những chia cắt lãnh thổ thành những cuộc xung đột đẫm máu như trường hợp ở Môn-da-vi-a, Ac-mê-ni-a, A-giéc-bai-giăng, Goóc-gi-a, Nam-tư.

Những biến động của thời kỳ hậu cộng sản đã thúc đẩy và khuyếch đại ở mọi nơi trên thế giới một tiến trình quy mô lớn tìm về quá khứ, truyền thống, tôn giáo và chủng tộc gây ra bởi sự khủng hoảng tương lai (13) và những bột phát bản sắc chống lại sự đồng chất hoá.

Vấn đề bảo vệ bản sắc văn hoá càng mang tính chất của một hiện tượng lành mạnh, chống bá quyền, chống đồng thể hoá, chủ trương tản quyền và tự trị (miễn là nó nằm trong một khuôn khổ có tính kết hợp) ngần nào thì sự tan rã, phân liệt của những đế quốc và những quốc gia đa chủng tộc thành từng tộc nhỏ chạy đua tìm lấy chủ quyền tuyệt đối hôm nay càng đe dọa tương lai nhân loại ngần ấy.

Thật ra, một cuộc đấu tranh toàn cầu trên nhiều mặt đã bắt đầu ở cuối thế kỷ này và có lẽ còn kéo dài giữa những lực lượng mang tính kết hợp và những lực lượng mang tính phân liệt, giữa những lực lượng hội nhập và những lực lượng phân tán, nhưng có một điều chắc chắn là lịch sử thế giới đã bắt đầu chập chững những bước bất ổn định về hướng một tương lai xa lạ trong khi vẫn ngoái lại phía quá khứ đã không còn dấu vết.

Hơn nữa, vào năm 1945, quả bom nguyên tử nổ ở Hi-rô-si-ma đã đưa thời đại đồ sắt thế giới vào giai đoạn bị đe dọa bởi lưỡi kiếm Đa-mô-cléx. Mối lo sợ về hiểm hoạ nguyên tử một thời giảm thiểu lại bùng lên trong những thập kỷ gần đây. Nếu Mỹ và Nga đã đồng ý giảm bớt kho vũ khí nguyên tử có thể huỷ diệt mấy lần nhân loại thì hiện nay vũ khí nguyên tử lại được tán phát và tiểu hình hoá. Những quốc gia cuồng vọng đã bắt đầu có và không bao lâu nữa nó sẽ là vật sở hữu của những nhà độc tài điên rồ và những nhóm khủng bố. Các tiềm năng tự huỷ diệt từ đây sẽ không rời bước tiến của nhân loại.

Một đe doạ Đa-mô-cléx khác đã xuất hiện năm 1970 - 1972 với sự báo động môi trường, con người đã dần dần bắt đầu nhận thấy trong những năm 1980 rằng sự phát triển công nghiệp, kỹ thuật đã làm suy thoái, ô nhiễm môi trường về mọi mặt và ngày nay sự chết chóc đang trùm lên bầu khí quyển, hứa hẹn một sự ấm lên do hiệu ứng nhà kính. Thế là một sự chết chóc kiểu mới đã xâm nhập vào phạm vi sống còn của nhân loại.

Toàn cầu hoá kinh tế

Về phương diện văn hoá, văn minh, tâm lý, xã hội và chính trị, các tác động hỗ tương giữa hai lực lượng hội nhập và phân tán đã mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Dưới ảnh hưởng của tác dụng này, bản thân kinh tế cũng càng ngày càng mang tính toàn cầu và càng dễ chao đảo vì vậy cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1973 gây ra bởi vấn đề dầu lửa đã chất chứa đủ thứ rủi ro và đến bây giờ vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Kinh tế toàn cầu càng ngày càng trở nên một tổng thể phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi một bộ phận của nó đều phụ thuộc vào tổng thể và ngược lại, cái tổng thể đó khi gặp nhiễu loạn hay rủi ro sẽ chi phối những bộ phận kia.

Ví dụ sự sụt giá của cà-phê trên thị trường thế giới sẽ thúc đẩy những nông dân Côlômbia đi trồng cô-ca, sản phẩm này sẽ được đưa vào mạng lưới pha chế và buôn lậu ma tuý toàn cầu, rồi dẫn đến sự rửa tiền trong ngân hàng các nước như Thụy Sĩ. Trong hướng ngược lại, một yêu sách đòi tăng lương 5% ở Đức có thể ảnh hưỏng đến thời giá của ca-cao ở nước Bờ biển ngà xuyên qua quá trình suy thoái chung của hoạt động kinh tế như sau:
a/ Yêu sách này thôi thúc ngân hàng trung ương Đức vì sợ lạm phát, hạn chế tiền mặt và tăng lãi suất. b/ Ngân hàng trung ương Pháp cũng phải dùng biện pháp tương tự vì sợ chảy máu tư bản của mình sang Đức.
c/ Tiền của Nhật sẽ đổ sang Đức (vì lợi nhuận).
d/ Mỹ vì thiếu tư bản lại tăng lãi suất.
e/ Sự tiêu thụ khắp nơi trên thế giới vì vậy sẽ giảm xuống và như vậy là hoạt động kinh tế cũng giảm theo.
f/ Những nước ở thế giới thứ ba nơi lãi suất được chỉ số hoá (indexé) bắt buộc phải trả lãi nợ cao hơn.
g/ Đòi hỏi xuất khẩu ở những nước chậm tiến giảm và giá nguyên vật liệu giảm, nghĩa là giá ca-cao cũng giảm ở nước Bờ Biển Ngà.

Tiến trình toàn cầu hoá kinh tế thúc đẩy sự thống nhất và bình đẳng, đồng thời cũng làm trầm trọng hơn sự phân hoá và bất đồng. Sự phát triển kinh tế ở Tây phương và Đông á có khuynh hướng làm giảm thiểu những bất bình đẳng ở các nơi này, nhưng lại làm nó tăng lên trên phạm vi toàn cầu, giữa những quốc gia phát triển (nơi 20% dân tiêu thụ 80% sản phẩm của thế giới) và những nước chậm tiến.

Bức ảnh toàn tức (14)

Không những mỗi bộ phận của thế giới ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với thế giới tổng thể mà thế giới như một tổng thể càng ngày càng hiện diện rõ ràng hơn trong từng bộ phận của nó. Điều ấy có thể thấy được không chỉ đối với những quốc gia và những dân tộc mà còn đối với từng cá nhân. Nếu mỗi một điểm trong bức ảnh toàn tức đều chứa đựng thông tin của cái tổng thể mà nó là thành phần thì từ nay trở đi mỗi cá nhân cũng đều tiếp thu hoặc sử dụng được những thông tin và chất liệu đến từ khắp thế giới.

Chẳng hạn một người Âu châu mỗi sáng thức dậy vừa uống cốc trà Tầu hay ấn, hoặc uống cà-phê Mô-ka của Êthiôpi hoặc cà-phê Arabica của Nam Mỹ vừa bật cái đài (Rađiô) làm ở Nhật để nghe tin tức thế giới: Hoả sơn phun lửa, động đất, đảo chính, hội nghị quốc tế... Tất cả những thứ này đến tai ông ta trong khi ông ta tắm trong bồn tắm chứa xà phòng bọt dầu Ta-hi-ti. Sau khi cạo râu dùng nước hoa hương vị ngoại lai, mặc cái áo dệt kim, cái quần si líp và cái sơ mi làm bằng bông Ai cập hoặc ấn độ, khoác cái áo vét và quần bằng len úc, xử lý ở Manchester rồi ở Roubaix-Tourcoing (Rube Tuốc-quang) hoặc một cái áo Blu-dông bằng da từ Trung Quốc và một quần bò kiểu USA. Cái đồng hồ đeo tay của ông ta lại là đồng hồ Nhật hoặc Thụy Sĩ. Cái gọng kính bằng đồi mồi ở Galapagos. Cái ví làm bằng da lợn lòi Ca-ri-bê hoặc bằng da rắn Phi châu. Trên bàn của ông ta tuy vào mùa đông nhưng có thể có quả dâu tây và anh đào đến từ Ackhentina hoặc Chilê, đậu cô-ve tươi từ Xênêgan, quả bơ, dứa từ Phi châu, dưa từ Gua-đơ-lúp. Có thể trong một góc nào đó còn có rượu rum từ Mactinic, rượu vốt-ca Nga, rượu Têkila của Mêhicô, hoặc Buốc-bông của Mỹ, rượu Man-tơ (Malt) của Iếc-lăng. Ông ta có thể nghe tại nhà một bản giao hưởng Đức do một nhạc trưởng người Đại Hàn chỉ huy hoặc cũng có thể ngồi trước màn ảnh vi-đê-ô xem vở ca kịch "nàng Bô hem" với diễn viên da đen Barbara Hendrick trong vai Mimi và diễn viên Tây Ban Nha Placido Domingo trong vai Rodolphe.

Người Phi châu ở trong khu nhà ổ chuột dĩ nhiên không nằm trong cái chu trình tiện nghi toàn cầu này, nhưng anh ta vẫn nằm trong vòng đai toàn cầu ấy. Trong cuộc sống hàng ngày anh ta chịu sự chi phối của thị trường thế giới ảnh hưởng đến thời giá của ca-cao, đường, nguyên liệu mà nước anh ta sản xuất. Anh ta bị đuổi ra khỏi làng bởi tiến trình thế giới hoá đến từ Tây phương, nhất là những tiến bộ về chế độ độc canh công nghiệp. Từ chỗ là một người nông dân tự cung tự cấp anh ta đã trở thành một cư dân ngoại thành đi tìm đồng lương để sống. Những nhu cầu của anh ta từ đây đã được diễn tả bằng tiền bạc. Anh ta muốn vươn đến sự sung túc.

Anh ta dùng bát đĩa bằng nhôm hay nhựa, uống bia hoặc Côca côla, ngủ trên tấm lót nhặt được bằng mút polystyren và mặc áo phông in kiểu Mỹ. Anh nhẩy nhót theo điệu nhạc hỗn hợp gồm các nhịp truyền thống Phi châu nhưng được phối hợp từ bên Mỹ, nó gợi lại kỷ niệm mà tổ tiên anh khi bị bắt làm nô lệ đã để lại trên đất nước này.

Người Phi châu đã trở thành mục tiêu của thị trường thế giới ấy lại là công dân của một quốc gia thành lập trên mô hình tây phương. Như vậy, dù hay dù dở, mỗi chúng ta giầu hoặc nghèo đã mang trong mình mà không hay biết cả một thế giới. Tiến trình thế giới hoá đã quá rõ ràng, nó nằm cả trong tiềm thức và ở khắp mọi nơi.

Bản phác thảo của ý thức toàn cầu

Mặc dù hãy còn hiện tượng thoái bộ và vô ý thức, nhưng vẫn hiện hữu một phác họa về ý thức toàn cầu ở hậu bán thế kỷ XX do những nguyên tố sau đây:

1- Sự tồn tại dai dẳng của mối đe dọa nguyên tử toàn diện.

Sự đe doạ của vũ khí hạt nhân đã, và vẫn còn là một nguyên tố của ý thức toàn cầu. Nỗi sợ hãi lớn lao và ác liệt từ 1945 đến 1962, bị tê liệt nhất thời bởi thế quân bình vũ khí hạt nhân, đã trỗi dậy. Trong khi những thời kỳ hỗn loạn mới nối tiếp thời kỳ hỗn loạn cũ, vũ khí nguyên tử đã làm sống dậy tính toàn diện của mối đe dọa nhân loại qua khả năng tiểu hình hoá và sự phát tán của nó đến những quốc gia mới.

2- Sự hình thành một ý thức troàn cầu về sinh thái.

Song song với việc các lục địa ngày càng bị ô nhiễm và hư hại, bầu sinh quyển(15)nói chung dần dần càng trở thành đối tượng của khoa sinh thái học. Từ những năm 1980 mọi người đã thấy được mối nguy cơ toàn diện đối với sự sinh tồn trên quả đất. Điều này đã từng bước đưa tất cả nhân loại đến chỗ ý thức được rằng để sinh tồn bắt buộc họ phải giữ gìn sự toàn vẹn của quả đất(16) và ý thức này đã được biểu hiện qua cuộc gặp mặt quốc tế ở Rio de Janeiro năm 1992.

3- Sự nhập cuộc của thế giới thứ ba

Tiến trình phi thực dân hoá từ năm 1950 đến năm 1960 đã đưa ra ánh sáng sân khấu thế giới 1,5 tỷ người mà trước kia tây phương đã đạp xuống dưới bùn đen lịch sử. Cái mà mang tên là một phần ba nhưng thực ra là hai phần ba của thế giới kia (Le tiers-monde - thế giới thứ ba -ND) đã nhập cuộc vào trong sinh hoạt thế giới. Dù cái nhân loại đó có gợi lên những lo ngại hoặc thương xót nơi chúng ta, nhưng khi nhìn vào những bi kịch, những thiếu thốn của cái biển người đó, chúng ta không thể không luôn luôn phải tương đối hoá những khó khăn của Âu châu - Tây phương, phải tìm cách làm cho nhận thức và quan niệm về vấn đề nhân loại của chúng ta được thế giới hoá. Thật ra, những vấn đề của thế giới thứ ba (nhân khẩu, lương thực, phát triển) càng ngày càng phải được xem như những vấn đề của chính toàn bộ thế giới.

Cùng lúc đó bất chấp những co cụm gây ra bởi chủ nghĩa chủng tộc trung tâm, kỷ nguyên toàn cầu đã đi đến chỗ thừa nhận cùng một lúc tính thống nhất của con người và lợi ích mà những nền văn hoá khác nhau mang lại, làm cho tính thống nhất này trở thành đa dạng. Qua sự phổ biến những tác phẩm nhân loại học của Levi-Straus (Lê-vi xtrốt), Malaurie (Ma-lô-ri), Clastre (Kla-xtrơ), Jaulin (Giô-lanh), của những tài liệu phim như "Người A-răng", "Những bóng trắng", "Na-núc", Hoặc "Đẹc-xu U-gia-la", cái nhìn tây phương là trung tâm, xem những con người của các xã hội không thuộc về tây phương là lạc hậu và những con người của các xã hội cổ sơ là ấu trĩ đã dần dần thay đổi, để nhường chỗ cho một nhận thức rộng rãi hơn, để nhìn thấy được trí tuệ và năng lực của họ cùng với sự phong phú và sự đa dạng phi thường của những văn hoá con người.

4- Phát triển của tiến trình thế giới hoá văn minh

Trình tự thế giới hoá văn minh mang cả mặt xấu lẫn mặt tốt. Mặt xấu đưa đến sự huỷ hoại văn hoá không thể vãn hồi, nó đồng chất hoá và tiêu chuẩn hoá những phong tục, tập quán, cách tiêu thụ, thức ăn, sự đi lại, du lịch, nhưng nó cũng có mặt tốt bởi vì nó đưa những phong tục, tập quán, cách sống xuyên qua các biên giới quốc gia, chủng tộc, tôn giáo để phá bỏ những chướng ngại ngăn cản sự cảm thông giữa những con người, những dân tộc với nhau. Nó mở rộng các lĩnh vực lớn của sự thế tục hoá, của tính hợp lý để chống lại những cấm đoán và những lời nguyền rủa của tôn giáo.

Thông qua một thứ văn hoá tứ xứ và những tín hiệu riêng, những thanh thiếu niên mang trong người cùng chung những nguyện vọng ngày càng thông cảm nhau hơn. Về phần những kỹ sư, những nhà khoa học, những thương gia, họ cũng có những mạng lưới liên lạc quốc tế riêng qua các hội thảo, hội nghị, tập huấn. Nhưng cũng phải nói rằng nhiều dòng nghịch lưu đang tìm cách thần thánh hoá quốc gia, chủng tộc vẫn tiếp tục gây ra những phân biệt, bài xích. Trong lĩnh vực này, trên cùng một tiến trình vẫn còn đầy dẫy tính mâu thuẫn sâu sắc.

5- Phát triển của một tiến trình thế giới hoá văn hoá.

Khái niệm văn minh, chủ yếu bao gồm tất cả những gì có thể phổ cập được như kỹ thuật, vật dụng, kỹ năng, lối và cách sống dựa trên sự sử dụng và tiêu thụ những kỹ thuật, vật dụng. Còn khái niệm văn hoá lại bao gồm tất cả những đặc thù, độc đáo, thuộc riêng về một chủng tộc, quốc gia. Tuy nhiên, nội dung của hai khái niệm này có thể cùng có chung những phần trộn lẫn với nhau. Tôi cũng đã từng nói ở một chỗ khác(17) rằng khoa học, kỹ thuật, tính hợp lý, tính thế tục (18) đã là sản phẩm lịch sử đặc biệt của văn hoá Tây phương trước khi trở thành những yếu tố văn minh được phổ cập. Rồi sự lan rộng của nền văn minh này bằng cách phổ cập hoá những phương thức sinh hoạt và tư duy đã tạo thành một loại văn hoá quốc tế, văn hoá của kỷ nguyên toàn cầu.

Sự phát triển văn hoá là một tiến trình hai chiều mang hai sắc thái mâu thuẫn.

- Một mặt, sự đồng chất hoá làm suy giảm và mất tính đa dạng.

- Một mặt, sự giao lưu làm xuất hiện những tổng hợp mới và những tính đa dạng mới.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc, văn chương, tư tưởng, tiến trình thế giới hoá văn hoá không mang tính cách đồng chất hoá. Nó tạo nên những làn sóng vĩ đại xuyên quốc gia, nhưng qua nó những đặc thù dân tộc lại có cơ hội được thể hiện. Đó cũng là trường hợp tại Âu châu của chủ nghĩa cổ điển, tư tưởng Khải mông (les Lumières), chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa siêu thực. Dịch thuật từ tiếng này sang tiếng khác các tiểu thuyết, những bài bình luận, sách triết học đã cho phép nước này tiếp xúc được những tác phẩm của nước khác, hấp thụ văn hoá Âu châu đồng thời lại nuôi dưỡng nó trong những tác phẩm của chính mình. Tiến trình thế giới hoá văn hoá này đã xẩy ra trong suốt thế kỷ XX. Với nó, bao nhiêu bản dịch đã ra đời. Những tiểu thuyết Nhật bản, châu Mỹ la-tinh, Phi châu được in ra bằng nhiều thứ tiếng chính của Âu châu cũng như những tiểu thuyết Âu châu đã được xuất bản ở châu á, châu Mỹ. Dĩ nhiên cái văn hoá thế giới thu lượm được những đóng góp đặc thù của nhiều văn hoá này vẫn còn nằm trong giới hạn hẹp hòi của mỗi quốc gia, nhưng sự phát triển của nó đã là một chấm son của hậu bán thế kỷ XX.

Song song với tiến trình này, văn hoá Đông phương cũng gợi ra đủ thứ tò mò và nhiều nghi vấn cho Tây phương.

Tây phương đã dịch Avesta (A-ve-xta - kinh cổ Ba tư -ND), Upanishads (U-pa-ni-xat - áo nghĩa thư -ND) vào thế kỷ XVIII, rồi Khổng tử và Lão tử ở thế kỷ thứ XIX, nhưng những thông điệp đến từ á châu vẫn chỉ là đối tượng nghiên cứu uyên bác. Chỉ đến thế kỷ XX thì những triết lý và thuyết thần bí của Hồi giáo, những kinh thánh của ấn độ, tư tưởng đạo Lão và đạo Phật mới được xem như mạch suối sống cho tâm hồn tây phương bị cuốn hút / trói buộc vào trong thế giới của chủ nghĩa tích cực, của chủ nghĩa duy sản, của hiệu suất và của giải trí. Đã xuất hiện một nhu cầu mà những hình thức phổ thông, thương mại của Yô-ga và Thiền nhanh chóng muốn đáp ứng, hứa hẹn cho con người một sự yên tĩnh tâm hồn và một sự hài hoà thể xác.

6- Sự hình thành một phôn-klo toàn cầu

Trong thế kỷ này những phương tiện thông tin đại chúng đã chế tạo, truyền bá, nhào trộn từ những chủ đề độc đáo của nhiều văn hoá khác nhau bằng cách tổng hợp hoặc gạn lọc để làm thành một phôn-klo thế giới. Tất cả đã bắt đầu từ những năm 1920 với điện ảnh (Xi-nê-ma) là thứ "tiêu khiển cho những kẻ thấp kém", chữ dùng của viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp Georges Duhamel (Goóc-giơ Đuy-ha-men) biểu thị một sự khinh rẻ của giới trí thức và đại học đương thời đối với nó. Điện ảnh đã trở thành một nghệ thuật cùng một lúc với công nghiệp trong một nghịch lý lâu dài và khó hiểu đối với từng lớp trí thức để rồi sau một thời gian thuần hoá nó đã trở thành cái nghệ thuật thứ bảy. "Nhà máy sản xuất những giấc mộng" Hollywood (Hô-li-út) đã dựng lên và phổ biến một phôn-klo thế giới với phim cao-bồi, phim "đen", phim kinh dị, phim ca hài kịch, phim hoạt hoạ từ Walt Disney (Oan Di-xnay) cho đến Tex Avery (Téx Ê-vê-ri). Những nước tây phương rồi đông phương đều tự tạo dựng cho mình một nền điện ảnh riêng. Dĩ nhiên đối với phần lớn các phim, khía cạnh chế tạo vẫn nhiều hơn sáng tạo, nhưng điều tuyệt vời là bông hoa nghệ thuật màn ảnh đã nở khắp nơi trên tất cả các đại lục qua cách lồng tiếng và truyền bá bằng màn ảnh nhỏ của vô tuyến truyền hình. Nó đã trở thành một nghệ thuật được thế giới hoá mà vẫn không làm mất bản sắc riêng của các nghệ sĩ và các nền văn hoá. Còn phải lưu ý là những sản phẩm do sự hợp tác của nhiều nhà làm phim, diễn viên và nghệ sĩ mang quốc tịch khác nhau, khá phổ biến ở thời buổi này, từ những phim như "Con báo" của Visconti (Vix-con-ti), đến "Loạn" của Kurosawa Akira đã làm sống lại được những phôn-lo địa phương từng bị lãng quên qua tính quốc tế của chúng.

Một phôn-lo toàn cầu đã ra đời và trở nên phong phú nhờ những hội nhập và gặp gỡ. Nó truyền bá khắp thế giới nhiều hình thức nghệ thuật : Ví dụ xuất phát từ New Orleans (Tân Oóc-lê-ăng), nhạc Jazz đã phát triển và phân nhánh thành nhiều phong cách khác nhau. Điệu Tăng-gô ra đời ở khu cảng Buenos Aires (Bu-ê-nốt Ai-rét), điệu Măm-bô từ Cu-ba, điệu Van-xơ của Viên, chính nhạc Rốc của Mỹ cũng đã sản sinh ra những chủng loại khác nhau khắp thế giới. Các loại nhạc kích động này đã dung nạp cả đàn Xi-ta ấn độ của Rhavi Shanka (Ra-vi-săng-ka), nhạc Fla-men-cô của An-đa-lu-dia, giai điệu Mê-lốp-pê ả-rập của nàng Um Cansum, điệu vũ Huayno (Huay-nô) của miền núi Andes (Ăng-đéx), nó cũng hỗn hợp cả điệu Xan-xa, diệu Rai-y, điệu Flamenco-rock.

Sự phát triển của tiến trình thế giới hoá văn hoá dĩ nhiên không thể tách rời khỏi bước phát triển của những phương tiện truyền thông đại chúng và những phương thức ghi chép (băng cát-xét, đĩa CD, băng hình) trên bình diện thế giới.

7- Sự tham dự toàn cầu từ xa

Những cuộc chiến tranh ở châu á đã hoàn toàn không được ai biết đến ở châu Âu cho đến đầu thế kỷ XX, cuộc xâm lược Trung quốc bởi Nhật bản năm 1931 là một sự kiện ngoại vi xa xôi và chỉ được biết đến một cách muộn màng qua vài hình ảnh thời sự điện ảnh. Cuộc chiến ở Cha-cô (1932-1935) giữa Bô-li-vi-a và Ac-khen-ti-na hầu như xẩy ra trên một hành tinh khác (19). Chỉ sau năm 1950 thì chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam (với sự phổ cập văn hoá của vô tuyến truyền hình) và những chiến tranh Trung đông mới trở nên gần gũi.

Từ lúc đó, thế giới đã đến từng ngày, vào từng căn hộ như một cái kính vạn hoa với bao hình ảnh lụt lội, bão tố, dung nham, lũ bùn chảy từ núi lửa, nạn đói, cách mạng trong cung điện, chém giết, mưu sát, thế vận hội hoặc những cuộc tỉ thí và trò chơi quốc tế. Không có một sự kiện, một lễ mừng, một tai họa nào mà không được ống kính máy quay phim, những đặc phái viên có mặt mọi nơi chụp lấy để phát ra hàng trăm triệu tấm ngay tức khắc. Năm 1963, thế giới đã thấy được trực tiếp cuộc ám sát tổng thống Kennơđi ở Dallas (Đa-láx), rồi cuộc ám sát kẻ bị tình nghi là thủ phạm đã bắn ông ta, sau đó năm 1981 lại thấy Sa-đát đến Giêruydalem rồi bị ám sát, cuộc ám sát Đức giáo hoàng tại nhà thờ Saint-Pierre (Xanh-pie) ở Rôma (La-mã), cuộc ám sát Inđira Ganđi rồi con trai của bà, Ragíp Ganđi, sau khi kế vị mẹ, hình ảnh Bôrít Enxin trên chiến xa thách thức những kẻ đảo chính ở Mátxcơva, Goócbachốp xuống máy bay trở về sau lần bị bắt giữ, cuộc ám sát Mohamed Boudiaf (Mô-ha-mét Bou-đi-af) trong nhà văn hoá Anaba. Từ những năm 1991 đài CNN của Mỹ hàng ngày quét ống kính lên tất cả các biến cố ở mọi điểm trên địa cầu. Nó đưa chúng ta đến Bátđa trong trận dội bom Mỹ, đến Ten-Avíp trong lúc những hoả tiễn Patriot (Pa-triốt) nghênh chiến những hoả tiễn Scud (Xcút), nó đặt chúng ta vào đám rước lễ nhậm chức của Bill Clinton (Bin Clin-tơn).

Tiến trình thế giới hoá lạ lùng này không những khiến con người trở thành khán giả tiêu thụ hình ảnh những bi kịch, những cuộc tàn sát, những cảnh ghê rợn trên mặt đất mà còn tham gia vào cuộc đời người khác mà cảm thấy bất bình vì những bất hạnh của họ. Dù chỉ trong khoảnh khắc, tình cảm con người chợt nổi dậy khiến người ta đem áo quần, tiền của của mình đến đóng góp cho những cơ sở cứu trợ quốc tế cùng các tổ chức nhân đạo.

Đương nhiên, ở đầu thế kỷ này đã có những cuộc phát mãi và quyên góp từ thiện để "nuôi trẻ con Trung quốc". Nhưng thời ấy người Tây phương vẫn chưa thể nào thấy, nghe được những khổ nạn trong thế giới. Từ lâu lắm rồi, cuộc chiến tranh ý thức hệ đã làm mọi người tai ngơ mắt lấp trước những sự hành hạ con người nhân danh chính nghĩa. Nhưng bức tường lãnh đạm vô tình ấy đã bị đột phá ở Biafra (Bia-phra) vào năm 1969-1970 bởi sự can thiệp của những Thày thuốc không biên giới tư tưởng. Ngày hôm nay con người chỉ để ý đến và cảm thông với những khốn khổ của kẻ khác vì họ thấy được chúng (mà chỉ khi nào họ thấy được mà thôi!) (20); chỉ khi đó, sự cứu tế, thuốc thang và lương thực mới đến được những vùng xa xôi khốn khổ ấy.

Thế là một sự "tham dự từ xa" ở mức độ toàn cầu đã hình thành, những tai họa giáng xuống ở phía bên kia trái đất cũng dấy động nơi chúng ta những trỗi dậy của tình thương trong chốc lát và chúng ta cảm thấy cùng thuộc về một cộng đồng chung một số phận, số phận từ nay của hành tinh quả đất này. Chúng ta cảm thấy tính toàn cầu trong chúng ta qua chính những ánh chớp đèn đó.

Cả cái khái niệm "làng toàn cầu" của McLuhan (Mắc-lư-hán) cũng đã xuất hiện như thế. Nó là khái niệm về một thôn làng, thống nhất nhưng đầy mâu thuẫn, đầy những sự không hiểu nhau và hiềm khích.

8- Quả đất nhìn từ quả đất.

Người địa cầu chỉ gần đây mới nhìn thấy được quả đất như một hành tinh. Sau sự thành công của vệ tinh nhân tạo Xpút-nhíc đầu tiên năm 1957 và sau chuyến bay đầu tiên vòng quanh quả đất của ông "Ma-gen-lăng vũ trụ" Ga-ga-rin (21), một phần lớn nhân loại vào năm 1969 còn có thể thấy được trên màn ảnh truyền hình hình ảnh quả đất được nhìn từ mặt trăng. Từ đó sự hiện diện toàn cầu đã được phổ biến và nhân lên bởi báo chí, bích chương, áo phông, và nó đã đi vào trong lòng mọi người.

Mặc dù có những ràng buộc bởi các chủ nghĩa bản vị, địa phương và chủng tộc trung tâm, mặc dù còn rất nhiều người thiếu năng lực nhìn được các vấn đề một cách toàn diện (điều này không chỉ đúng với những người ở vùng quê hẻo lánh mà còn đúng với giới quan liêu kỹ thuật khó hiểu) đó là chưa kể những cái nhìn một chiều, những nhận thức phiến diện, chủ quan, chúng ta đã thấy được rằng chúng ta thuộc về một thực thể toàn cầu đang hiện hữu và có nhiều vấn đề đúng là toàn cầu ngày càng rõ rệt, cái tình cảm này đưa chúng ta tiến dần về một ý thức toàn cầu. Tuy có lúc còn gián đoạn, nhưng càng ngày càng mạnh lên, cái "tinh thần toàn cầu" (global mind) này đang tiến bước.

Sự xuất hiện của nhân loại

Tính thống nhất của loài người vốn được cấu tạo trên nền móng sinh vật- nhân loại học có s1/2n, từ nay trên thân thể đó lại được ghép thêm một lớp mô truyền thông, văn minh, văn hoá, kinh tế, kỹ thuật, trí thức, tư tưởng. Cái loài người đó từ đây dưới mắt chúng ta đã trở thành nhân loại. Từ nay nhân loại và địa cầu có thể thể hiện dưới tính thống nhất của chúng không những chỉ trên phương diện vật lý và sinh quyển, mà còn cả trên phương diện lịch sử: tức là trên tính thống nhất của kỷ nguyên toàn cầu.

Di cư và lai giống đã tạo nên những xã hội mới đa chủng tộc, đa văn hoá, dường như cũng báo hiệu sự ra đời một tổ quốc chung cho tất cả con người. Tuy nhiên trong những cuộc xáo trộn dân số lớn lao đó, vẫn còn nhiều trạng thái nằm kề hoặc phân cấp hơn là hiện tượng dung hợp hoàn toàn. Trong sự gặp gỡ giữa những văn hoá, sự không hiểu nhau vẫn còn trội hơn sự cảm thông. Trong quá trình thẩm thấu, những lực lượng bài xích còn mạnh mẽ phi thường. Tính thế giới có tăng nhưng chủ nghĩa thế giới vẫn còn đang ngái ngủ.

Cái nhân loại đã cảm thông nhau trước mắt vẫn chỉ là một thứ nhân loại vá víu. Đồng thời với tiến trình thế giới hoá, tiến trình ban-căng hoá cũng trở nên nghiêm trọng (xem chương III). Đã có những mầm mống toàn cầu trên phương diện hành động và tư tưởng, nhưng sự phát triển của chúng còn gặp phải bao chậm trễ lớn lao và còn bị tê liệt dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa địa phương và chủ nghĩa tỉnh lẻ.

Tính thống nhất hổ tương liên đới trên hành tinh này vẫn chưa trở thành một tính thống nhất có tính xã hội (của những quốc gia) và mặc dù từ nay trở đi đã tồn tại một hình thức cộng đồng cùng chung một vận mệnh, nhưng một ý thức chung về sự vui buồn có nhau (Schicksalgemeinschaft) vẫn chưa hề hiện hữu. Mà còn ngược lại: Nếu trong tiền bán thế kỷ XX, sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ toàn cầu đã được biểu hiện qua hai trận thế chiến, thì những bước đi trong tiến trình toàn cầu hoá ở những năm cuối của thiên niên kỷ này lại được biểu hiện qua những sự giẫy giụa hấp hối.

Chú thích

(1). Đế quốc ở bắc ấn độ dưới các triều đại Ti-mua-rít, Hồi giáo, lập nên bởi những kẻ chinh phục Thổ, thế kỷ XVI-XVIII, (ND).

(2). Magellan (Fernando de): Nhà hàng hải người Bồ Đào Nha đã đến ấn Độ năm 1912, năm 1519 đã đi vòng quanh trái đất từ Đại Tây Dương xuyên sang Thái Bình Dương, qua một eo biển sẽ mang tên ông ta sau này, đến Philippine, 1921 và bị giết ở đây. Một chiến thuyền trong đội thuyền của ông trở về đến Tây Ban Nha năm 1522, (ND).

(3). Trong một thế kỷ, dân số châu Âu đã từ 190 triệu tăng lên đến 423 triệu. Dân số của quả đất từ 900 triệu tăng lên 1,6 tỷ người.

(4). Tân Nam Wên (New South Wales) Vùng Xítnây, Châu úc Thái Bình Dương, (ND).

(5). Pôlinêdi (Polynésie): Quần đảo lớn ở Châu Đại dương gồm: Đảo Marshall, Hawai, Marquises, Samoa v.v..., (ND)

(6). Natal : Một tỉnh đông Nam Phi.

(7). Chế độ cực quyền, tập quyền (Totalitarisme): Hệ thống chính trị của những chế độ độc đảng, không chấp nhận các tổ chức đối lập, nắm độc quyền chính trị và toàn bộ hoạt động của xã hội mà nó thống trị, (ND).

(8). Rohm (Ernst) Chính trị gia người Đức, một trong những đảng viên đầu tiên của đảng Quốc xã Đức, là người tổ chức những SA (xem ở dưới), bị Hít-le cho người ám sát năm 1934, (ND).

(9). SA: Phân đội xung kích (Sturm Abteilung), một đội quân bán quân sự của đảng Quốc-xã Đức do Rửhm thành lập năm 1920 và Goering năm 1922, gồm những nhóm "áo nâu" để giữ trật tự trong những cuộc họp đảng Quốc-xã và phá những cuộc họp của các chính đảng khác. Năm 1930 được Rửhm tập hợp lại, có lúc lên đến 2 triệu năm trăm nghìn người và đã đóng góp lớn vào sự nắm chính quyền của Hít-le, nhưng sau khi Rửhm bị ám sát nó đã từ từ bị thay thế bằng lực lượng SS, (ND).

(10). Sudètes: vùng đất ở biên giới CH Tchèque, nơi có một số dân Đức cư ngụ, (ND).

(11). Damoclès: Tên một cận thần của Denys ở Syracuse, gươm Damoclès (l'épée de Damoclès) chỉ sự nguy hiểm chết người thường có thể xẩy ra ngay giữa lúc thịnh vượng/ hạnh phúc, (ND).

(12). Chủ nghĩa (tôn chỉ) nguyên giáo (fondamentalisme): trào lưu tôn giáo bảo thủ, kêu gọi tính nguyên vẹn (Intégriste), (ND).

(13). (Khủng hoảng tương lai, Crise du futur) - xem chương III, "Sự hấp hối toàn cầu".

(14). ảnh toàn tức: Hologramma ảnh tái hiện những phần nổi của các vật, nhờ sự giao thoa của các chùm la-de, đặc biệt của ảnh này là một bộ phận của ảnh bao gồm tất cả tin tức của toàn bộ và có thể dùng để tái tạo được toàn bộ, (ND).

(15). Biosphère: Bầu sinh quyển địa cầu: Toàn bộ các cơ cấu sinh vật, súc vật, thảo mộc của quả đất, (ND).

(16). Về vấn đề sinh thái toàn cầu, xem chương III, "Sự hấp hối toàn cầu".

(17). 'Tư duy về Âu châu" (Penser l'Europe), Paris, Galimard, 1987. P 101-158

(18). Tính thế tục, phân lập chính-giáo (la laùcité), sự biệt lập tôn giáo, không để nó tham gia vào chính quyền, (ND).

(19). Cuộc chiến tranh này theo từ điển Robert đã xẩy ra giữa Bolivie với Paraguay (chứ không phải với Argentine) kết thúc bằng cuộc hội đàm Buenos Aires (1936) đã chia cho Paraguay phần lớn đất đai và cho Bolivie giải đất đến sông Paraguay, (ND).

(20). Vì thế những cuộc tàn sát trong những trại tập trung Quốc-xã chỉ được kiểm chứng khi quân đội đồng minh đến được hiện trường. Cả triệu người chết ở Goulag đã chẳng ai biết đến trong mấy chục năm, những kinh rợn của cuộc cách mạng văn hoá Trung Quốc đã hoàn toàn câm nín. Và hôm nay cũng như ngày mai, vẫn có và sẽ có những vùng đầy bất hạnh và khủng bố được dấu diếm mà không ai biết đến bởi vì nơi đó không có một ống kính quay phim của truyền hình.

(21). Youri Alexeievitch Gagarine: Sĩ quan không quân và phi hành gia vũ trụ Liên xô (1934-1968): người đầu tiên đã làm một chuyến bay vòng quanh không gian trái đất trên vệ tinh nhân tạo Vostok được đặt lên quỹ đạo ngày12-4-1961, (ND).