Chương 2


-Hay quá, cô!
-Mấy rồi? Có phải 20-16 không? Vậy thì chỉ còn một trái nữa thôi là anh đi đứt rồi!
Một nàng thiếu-nữ cắt tóc ngắn, trông rất duyên dáng dễ thương đang nở một nụ cười tươi như hoa. Nàng liếc nhìn đối-phương rồi tung quả banh ping-pong lên thật cao, miệng nói lớn:
-Ráng đỡ!
Phía bên kia, một chàng thanh-niên rất đẹp trai, cao ráo, thân hình vạm vỡ như lực-sĩ tuổi trên dưới 30 đang tập trung tư tưởng, mắt dán chặt vào cây vợt cầm trên tay của cô gái...
Như một ảo-thuật gia, nàng thiếu-nữ múa vợt chặt nhẹ vào banh lúc rơi xuống gần bàn. Quả banh xoáy tròn dưới mặt bàn rồi nẩy trở lên bay sát lưới sang bàn bên kia.
Banh vừa giao sang, chàng thanh-niên nhanh nhẹn lướt tới đưa ngang cây vợt chặt nhẹ một cái. Banh vừa chạm trúng cây vợt lập tức nảy bổng lên sang phía bàn bên kia. Chàng thanh-niên chặc lưỡi lắc đầu than:
-Chết tôi!
‘Chát’ một tiếng, chỉ thấy một vệt tròn trắng bay như điện xẹt mà không ai rõ quả bóng ping-pong nhỏ văng đi đâu nữa. Nàng thiếu-nữ giơ một cánh tay lên cao reo hò:
-Văn-Lang, anh thua rồi! Một chầu nhà hàng nhé!
-Dạ vâng, thưa người đẹp Trung-Quốc!
Văn-Lang nhặt bóng xong liền tới bắt tay kẻ thắng, nàng thiếu-nữ mà chàng mệnh-danh là ‘người đẹp Trung-Quốc’. Bắt tay xong, chàng không quên ôm cô ta và tặng nàng một chiếc hôn êm đềm lên má, sau đó khẽ cúi đầu gật một cái tỏ ý thán phục:
-Cô Yến à! Tôi chịu phục rồi! Người Trung-Quốc quả thật là có một không hai về bộ môn Ping-Pong này. Ngay cả một cô gái đẹp giống người mẫu hơn là lực-sĩ mà tôi đánh còn không lại nữa!
Cô thiếu-nữ người Trung-hoa tên Yến mỉm cười, đỏ mặt vì e thẹn, khẽ ‘nhéo yêu’ Văn-Lang một cái:
-Xí! Bộ anh tưởng đàn bà con gái cái gì cũng thua đàn ông con trai à!
Văn-Lang khẽ ‘ui da’ một tiếng, xuýt xoa nói:
-Đâu có! Tôi đời nào dám nghĩ vậy. Có cái đàn ông hơn, nhưng cũng có cái đàn bàn hơn chứ.
-Nói nghe được! Vậy đàn bà con gái hơn đàn ông con trai những cái gì? Thử cho một vài cái ví dụ xem.
-Chẳng hạn như làm nũng, vòi quà, cào, cấu với cắn và đanh đá thì đương nhiên đàn ông con trai lúc nào mà chả thua đàn bà con gái.
Dứt lời, Văn-Lang khoái chí cười ha hả. Yến nhăn mặt, dùng tay đánh túi bụi vào vai và lưng của Văn-Lang, miệng kêu la không ngớt:
-Nói bậy nói bạ! Đánh cho anh chết đi! Cho bỏ cái tật! Chừa chưa?... Chừa chưa?... Còn dám nói bậy nữa hết?...
Văn-Lang giả vờ co mình rụt cổ ra vẻ đau đớn lắm, nói như ‘van lơn’:
-Chết tôi rồi! Đau quá... đau quá!... Ối... ối... Tôi lỡ lời! Làm ơn tha tôi làm phước đi. Tôi xin chừa, từ nay không còn dám tái phạm nữa.
Yến thấy bộ điệu chàng như một anh hề làm trò cũng phải phì cười lên. Nàng thu dọn, đem tất cả vợt và banh bỏ vào túi xách xong xuôi rồi vỗ vai Văn-Lang nói:
-Anh đợi em nhé. Em đi vào nhà tắm một chút.
Văn-Lang gật đầu. Trong khi Yến vào nhà tắm, chàng ra quày của hội-quán thể thao mua hai ly nước để giải khát; một ly cho Yến và một ly cho chàng. Mấy phút sau, Yến trở lại. Chàng đưa ly nước cho Yến rồi hỏi:
-Tối nay cô thích đi tiệm nào?
-Tiệm nào cũng được. Miễn có ăn thôi.
Điện-thoại Cellular của Văn-Lang bỗng reng lên. Chàng tỏ vẻ hơi bực mình khẽ chép miệng một tiếng rồi đặt ống nói lên tai. Yến lặng yên để ý nghe ngóng...
-A Lô.
..........
-Phải, tôi đây. Ông Louis đó hả?
..........
-Tôi mới đánh ping-pong xong với một người bạn.
..........
-Ơ... ơ...
..........
-Thua! Bị mất một chầu nhà hàng đấy. Tối nay phải đi ‘trả nợ’
..........
-Cái gì? Lại công-tác nữa à? Mà làm gì phải gấp như vậy? Để thủng thẳng mai tới cũng được mà!
..........
-Được rồi! Được rồi! Gớm, tôi đến khổ với ông!
..........
-Có thế chứ!
..........
-Chào ông!
Yến thấy Văn-Lang cau mặt trông không được vui lắm. Nàng tò mò hỏi:
-Chuyện gì vậy anh?
-Ông Xếp đòi tôi chút nữa phải ghé lại văn-phòng ông ta có chút chuyện.
Yến nghe nói hơi lo lắng. Nàng ấp úng:
-Vậy thì chương-trình tối nay...
Văn-Lang ngắt lời, mà như chắp nối câu nói dở của Yến:
-Không thay đổi! Bây giờ để tôi đưa cô về nhà. Tôi ghé lại văn-phòng xếp tôi một chút xong sẽ trở lại đón cô đi ăn. Đồng ý?
-Một lời đã định!
Đưa Yến về nhà xong, Văn-Lang phóng xe tới văn-phòng làm việc. Ông Louis Winston đã có mặt từ hồi nào. Thấy chàng, ông ta vui mừng ra mặt.
-Hay quá! Anh thật đúng hẹn. Có cà-phê pha sẵn đó. Anh lấy một ly uống cái đã rồi mình bàn chuyện.
-Khỏi cần, tôi mới uống xong.
Không đợi ông Louis Winston mời, Văn-Lang kéo ghế ngồi đối diện với ông ta rồi mồi một điếu thuốc phì phèo nhả khói.
-Tôi cần anh đi gặp và điều-tra một người đàn ông Việt-Nam. Có người lên báo với sở cảnh-sát là người này tính rất hung hăng và háo sát, đã cầm dao hăm dọa một bà già và hai đứa con của bà ta. Đứa con gái chạy thoát được sang nhà hàng xóm mời vị hôn-phu của cô ta sang mới ngăn được những chuyện đáng tiếc xảy ra. Vị hôn-phu của cô ta có nhờ một người bạn Hoa-Kỳ chụp được hình của người này và người bạn đi chung với y. Đây, anh xem đi.
Cầm cái phong bì lớn đưa cho Văn-Lang, ông ta nói tiếp:
-Được biết người này tên là Khôi, cư ngụ tại địa-chỉ... Nghe đâu bà già kia là mẹ ghẻ của người đàn ông tên Khôi này và hai đứa con của bà già này là em cùng cha khác mẹ của y.
Văn-Lang thở dài, lắc đầu nói:
-Lại cái chuyện ‘mẹ ghẻ con chồng’ khốn nạn kia! Một tấm thảm kịch muôn đời của nhân loại!
-Trông hình như là vậy!
Ngồi nghĩ ngợi giây lâu, Văn-Lang chậm rãi phân bày:
-Đèn nhà ai thì nấy rạng. Đây là chuyện gia-đình của người ta, tại sao chúng ta phải nhúng tay vào làm gì? Tôi không bênh ai cả, nhưng ít ra ông cũng phải nghe cả hai bên cái đã chứ. Tại sao chỉ căn cứ vào lời tố cáo suông của một bên để lên án bên kia là nghĩa gì?
Ông Louis gật đầu, cười nói:
-Tôi biết anh có lý. Nhưng chúng ta làm việc theo nguyên-tắc, phải xem tất cả những chuyện có liên-quan đến những việc ẩu đả và giết chóc làm trọng dù chỉ là lời hăm dọa hay chỉ là điều nghi vấn. Nhưng nếu có người khai báo thì chúng ta buộc lòng phải làm một cái gì cho hợp lệ, cho đúng với luật-pháp. Hơn nữa, tôi cũng chỉ bảo anh đi điều-tra người này thôi chứ có lên án gì ông ta đâu. Khi điều-tra anh sẽ có dịp tìm hiểu tận tường mọi việc, rồi có khi phải điều-tra ngược lại nữa là đàng khác. Như thế là công bằng rồi phải không? Nếu như sự thật chỉ là chuyện xích mích bình thường trong gia đình họ thì dễ quá, chúng ta sẽ tự động rút lui có trật tự rồi bảo cho cả đám là tự họ giải quyết lấy.
Văn-Lang tươi hẳn nét mặt. Chàng gật đầu nói:
-Ừ, như vậy nghe còn có lý!
Mở phong bì lấy mấy tấm hình ra xem, Văn-Lang bỗng kinh-ngạc ‘ủa’ lên một tiếng. Ông Louis thấy vậy thắc mắc hỏi:
-Gì vậy Văn-Lang?
Văn-Lang lại nhìn hình kỹ thêm vài lần nữa rồi mới trả lời:
-Tôi biết hai người này mà! Đã có gặp qua rồi.
Thì ra hai người trên hình là Khôi và Lộc. Văn-Lang không nhịn được liền đem chuyện mình gặp gỡ họ trong tiệm phở tại khu Eden làm sao như thế nào, nhất nhất kể hết lại cho Louis Winston nghe. Riêng về Khôi, chàng không quên nói rõ đến việc gặp gỡ tại Chicago mấy tháng trước đây khi chàng lãnh nhận công tác ỏ đó. Kể xong, chàng nói:
-Tóm lại, cứ nói trắng ra thì tôi có chút tình bằng-hữu với hai người này. Nếu ông muốn tôi đích thân phải đứng ra điều-tra coi bộ không tiện lắm. Nếu có chuyện gì xảy ra thì có phải tôi lại mang tiếng là thiên-vị không!
Bằng một giọng quả quyết, Louis Winston nhìn thẳng vào mặt Văn-Lang nói:
-Người bạn tốt của tôi! Nếu anh không làm được thì tôi e rằng không còn ai làm được nữa đâu. Chẳng lẽ tôi không biết rõ tài năng của anh và không am hiểu con người anh sao? Anh cứ nhận công tác, làm theo ý của anh. Có chuyện gì tôi sẽ nhận hết trách-nhiệm cho!
Dĩ-nhiên Văn-Lang không còn gì để thắc-mắc hay thoái thác nữa cả. Chàng cầm lấy phong bì đút vào túi. Louis Winston cười nói:
-Chúc anh vui vẻ với người đẹp đêm nay nhé!
-Sao ông biết là người đẹp?
Louis Winston phá lên cười nói:
-Tôi chẳng cần phải là một thám-tử hay điệp-viên như anh mà cũng vẫn biết rõ như thường. Đây, cho tôi tạm cướp nghề của anh một chút nhé! Lúc nói điện-thoại với tôi, khi đề-cập đến chữ ‘bạn’ anh tỏ ra thẹn thùng như con trai mới lớn vậy. Và khi tôi hỏi ‘nam hay nữ’ thì anh lại ú ớ nói không ra hơi, chứng tỏ người đó là nữ và phải đứng ngay bên cạnh anh cho nên anh mới cảm thấy ngại ngùng khó trả lời. Do đó mà tôi hiểu, tôi biết, và tôi thông cảm. Nhưng tôi hoan nghênh và ủng-hộ hết mình.
Dứt lời, ông ta lấy ra một tấm ngân-phiếu ký tên rồi đưa cho Văn-Lang.
-Đây là chi phí của bữa tiệc đêm nay cho anh và người đẹp.
Văn-Lang đẩy tay ông ta ra nói:
-Ông làm cái gì kỳ vậy!
Louis Winston không nghe, cầm tấm ngân-phiếu nhét vào túi chàng nói:
-Đây là tiền của công-ty chứ có phải của tôi đâu! Nhân-viên như anh thì cũng phải được một ít phụ-trội lặt vặt chứ sao, có gì mà phải bận tâm. Tôi nói không sai mà, lớn đầu như thế rồi mà vẫn còn e thẹn như con gái chưa chồng ấy!
Văn-Lang nghe thấy vui vui. Chàng cũng thầm phục lối thu phục nhân tâm của ông Louis Winston. Ông ta quả là một người sâu sắc, biết người biết ta. Chàng nhìn Louis Winston cười nói:
-Trong vỏn vẹn có mấy tiếng đồng hồ mà tôi đã thua hai trận rồi. Thứ nhất, đấu bóng bàn bị người đẹp Trung-Quốc đánh cho tan xác. Thứ hai bị ông lật tẩy làm bể mánh hết trơn! Ôi, thám-tử điệp-viên 008 có lẽ đến lúc hết thời rồi, còn làm ăn được gì nữa!
Louis Winston mỉm cười, ‘bí-mật’ nói:
-Ấy, chẳng lẽ anh quên là binh-pháp có nói rằng trước khi thắng một trận lớn ta thường phải thua trước ít trận nhỏ sao!

***


-Anh Khôi!
-Ủa, anh Văn-Lang đó hả? Mời anh vào nhà chơi. Thật là quý hóa thay!
Khôi đưa tay ra bắt thân mật. Chàng đi trước dẫn lối cho Văn-Lang vào bên trong. Chia ngôi chủ khách xong, Khôi nói:
-Anh dùng gì? Trà hay cà-phê? Không thì bất cứ cái gì anh thích.
-Cám ơn. Anh cho tôi xin ly trà được rồi.
Khôi cười, ra vẻ hài lòng:
-Tôi thích cái tính tự nhiên không khách sáo của anh. Thật tôi hết sức vui mừng có thêm một người bạn thế này.
Pha trà xong, Khôi bưng lên rót một tách cho Văn-Lang một tách cho chính mình. Hai bên ngồi chuyện trò vui vẻ, hỏi thăm nhau về cuộc sống đôi bên như thế nào. Văn-Lang dĩ nhiên bao giờ dám nhận mình là thám-tử đi điều tra. Chàng nói dối rằng chàng làm cho công-ty địa ốc như in trong những ‘danh-thiếp ma’ của chàng nhằm mục đích đánh lạc hướng thiên-hạ để tiện việc điều tra...
Nhìn thấy đôi mắt Khôi có vẻ lừ đừ, Văn-Lang vội hỏi thăm:
-Trông anh Khôi có vẻ mệt lắm thì phải.
-Không, tôi không sao cả. Có lẽ tại đêm qua tôi thiếu ngủ nên mắt tôi trông thiếu thần đó thôi.
Văn-Lang gật đầu. Chàng biết Khôi nói thật. Nhưng trông Khôi ngoài chuyện thiếu ngủ ra còn in thêm một nét u buồn vô cùng thểu não. Văn-Lang ngẫm nghĩ một hồi rồi đánh liều hỏi thăm:
-Xin lỗi anh Khôi, tha cho tôi tội tò mò. Nhưng cho phép tôi hỏi là anh có gia đình vợ con gì chưa? Có cha mẹ anh em gì bên này không?
Khôi bỗng thở dài, im lặng vài giây rồi mới lên tiếng:
-Có gì đâu mà anh phải ngại. Tôi còn độc thân, mồ côi mẹ từ nhỏ. Bố tôi mới mất cách đây không lâu. Tôi có một người anh ruột đi du học trước 1975 cũng ở đâu đây, gần thủ-đô Hoa-Thịnh-Đốn này. Hồi mới qua tôi có ghé lại thăm nhưng nhìn thấy thái-độ lo sợ của ông ấy cộng thêm với những cử-chỉ thiếu văn hóa của bà chị dâu tôi biết ngay cả hai đều cho rằng tôi đến nhờ vả nên thôi từ đó không bao giờ tôi đến lần thứ hai nữa. Tôi chỉ có Lộc, người hôm nọ anh gặp ở tiệm ăn đi chung với tôi, là người bạn thân nhất của tôi thôi...
Hình như Khôi còn muốn nói gì nữa nhưng không sao tiếp tục được. Văn-Lang nhìn thấy điều đó rất rõ, nhưng chàng cũng không nỡ hỏi thêm nữa. Chàng vỗ vai Khôi từ tốn nói:
-Cám ơn anh đã cho tôi biết nhiều về gia cảnh. Tôi thật có lỗi đã vô tình khơi lại nhiều chuyện buồn của anh. Nhưng mà thôi, anh ạ. Kiến giả nhất phận, mạnh ai thì người đó sống, đâu có ai phải nuôi ai hay phải nhờ vả gì ai. Ai hợp thì làm bạn, không hợp thì thôi, mình lánh xa chứ có gì đâu mà phải buồn. Tôi cũng quen nhiều người, đa số đều nói rằng chính người gia đình mới thường gây rắc rối, khó thở cho mình chứ không phải là người dưng khác họ. Nhưng đó cũng chẳng phải là bệnh riêng của gia-đình nào hay dân-tộc nào. Nói cho ngay, đó là bệnh chung của nhân-loại.
Khôi bỗng cười lên ra chiều thích thú.
-Anh Văn-Lang, anh thật là một triết-gia. Và là một triết-gia giỏi với triết-lý hết sức cao-siêu nữa! Tôi rất tiếc không được gặp anh sớm hơn.
-Anh cứ nói thế! Bây giờ mình chẳng là bạn đó sao? Đã muộn đâu?
Cà hai người cùng cười lên một tràng sảng khoái. Khôi nhìn đồng hồ nói:
-Anh Văn-Lang! Đi ăn tối với tôi cho vui. Tôi mời anh.
-Phải!
Khôi sau đó vì không thuộc đường sá ở vùng này lắm nên nhờ Văn-Lang tìm hộ cho một tửu lầu. Văn-Lang tuy không phải là ‘thổ-địa’ nhưng chắc chắn rành hơn Khôi tại vùng này, nên việc này đối với chàng không có gì là khó. Hai người dẫn nhau đến một tiệm khá lịch-sự, gọi vài món ăn cùng với mấy chai bia Tsing Tao, rồi cùng nhau chè chén, cười đùa, nói chuyện giao tình bằng-hữu rất cởi mở và thành thật. Nếu ai không biết rõ, thật khó lòng mà tin nổi rằng đây mới chỉ là lần thứ ba mà hai người gặp nhau.
-Ai như thằng Khôi kìa!
-Thì nó chứ còn ai nữa!
Theo phản-ứng tự nhiên, cả Khôi lẫn Văn-Lang cùng quay qua nhìn vào một chiếc bàn gần đâu đó, nơi phát xuất ra những câu nói vừa rồi. Cả hai để ý thấy có bốn người, hai nam hai nữ đang ngồi tại một chiếc bàn tròn trong góc cách hai người chỉ có vài bước. Trên bàn, thức ăn bày la liệt như một bữa tiệc linh đình. Khôi chợt nhìn ra là bà Hội mẹ ghẻ của chàng, con Trúc và thằng Phát, hai đứa em cùng cha khác mẹ của chàng cùng với Quý, người tự giới-thiệu là ‘vị hôn phu’ của con Trúc. Cả bốn nhìn Khôi với vẻ diễu cợt. Quý nói với Trúc nhưng có vẻ như cố ý để cho Khôi nghe thấy.
-Cái thứ đó ai mà thèm lấy. Vì vậy nên mới phải bắt bồ với đàn ông. Và rồi sau cùng chỉ có lấy đàn ông mà thôi.
Tiếng bốn người cười lên ngạo nghễ thật lớn. Khôi cảm thấy máu trong người sôi lên sùng sục. Chàng đập đôi đũa nghe đến ‘cạch’ xuống bàn một tiếng, nhìn cả bốn hất hàm nghênh mặt. Văn-Lang thấy vậy vỗ vai Khôi khuyên nhủ, và cũng là luôn tiện để cho bàn bên kia nghe:
-Anh Khôi, mặc kệ chúng nó. Ba cái thứ đầu đường xó chợ, sâu bọ học đòi làm người thì mình để ý làm gì!
Nghe Văn-Lang nói, Khôi chợt phá lên cười gật đầu khen ngợi:
-Phải lắm! Anh nói nghe mới chí lý làm sao. Nhưng chỉ có một điều hơi sai chút thôi!
-Điều gì vậy?
-Anh nói chỉ có ‘ba thứ’, nhưng sự thật thì phải là ‘bốn thứ’ mới đúng!
Lần này cả hai người cùng nhau cười sặc sụa. Bốn người bàn bên kia giận tím mặt nhưng đành ngồi im thin thít chứ không dám hó hé gì nữa.
Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, thức ăn đã hết, bia rượu cũng đã cạn, và hai người cũng đã ‘đủ’. Khôi đứng dậy ra quày trả tiền. Chàng không quên thưởng cho bồi bàn một ít để tỏ ý hài lòng lối chiêu đãi của họ.
-Anh Văn-Lang, chúng ta về thôi.
Đi đến bàn chỗ bốn người kia ngồi, Khôi gật đầu lia lịa nói:
-Trận chiến mới chỉ mở màn thôi. Rồi đây sẽ còn nhiều pha sôi nổi nữa!
Phát chợt đứng dậy, định đi vào nhà tắm nhưng vì ‘mắt nhắm mắt mở’ nên tông ngay vào Khôi. Chàng trợn mắt nhìn Phát nói:
-Ê, có mắt không mày? Hay là muốn cố ý gây sự đây?
Văn-Lang hoảng hốt, đứng vào giữa kéo tay Khôi dìu đi.
-Thôi, Bỏ qua đi anh Khôi! Mình về!
Văn-Lang giả lã nói sang chuyện khác cho Khôi khỏi bận tâm nghĩ đến mấy người kia. Hai người xuống bãi đậu xe nói chuyện một hồi khá lâu rồi mới chịu lên đường.
Chia tay Khôi rồi, Văn-Lang về lại nhà. Dọc đường chàng vừa lái xe vừa ngẫm nghĩ về Khôi thật nhiều. Chàng nhận thấy Khôi là một người trực tính, thành thật, rất tốt, rất hiếu khách, đa sầu đa cảm tuy có hơi nóng tính. Theo luật-pháp, chàng phải bám sát lấy Khôi để điều-tra vì thứ nhất, anh ta bị liệt vào ‘thành-phần nguy-hiểm’ có thể đe dọa đến tính mạng của người khác; và thứ hai, vì công việc chàng được ‘mướn’ để phục-vụ. Nhưng một lần nữa, chàng lại tự hào là không bao giờ ‘cuồng tín’ như những kẻ chỉ biết khư khư tin vào một chiều mà không có đầu óc suy luận, để mặc cho người khác ‘xỏ mũi’ dẫn đi tới đâu thì tới đó. Việc gì cũng vậy, trước khi quyết định ai trái ai phải thì đều phải nghe cả hai bên. Một người hết sức bình dân giáo-dục trong xã-hội cũng còn hiểu được điều này, ấy thế nhưng nhiều ‘ông lớn’ trí-thức có bằng-cấp cao, tiền tài danh vọng có thừa tron xã-hội lại không mấy khi nghĩ đến.
Được thấy qua bốn người kia và chứng kiến tư-cách của họ, Văn-Lang cũng ít nhiều hiểu được phần nào câu chuyện. Thường thì phải có lửa mới có khói. Trong trường-hợp này, Văn-Lang đã được nhìn thấy ‘lửa’.
Giữa con người với con người, hay bạn với bạn, Văn-Lang thật tình muốn khuyên Khôi nên đầm tính lại để khỏi bị những kẻ mưu mô thủ-đoạn lợi-dụng đưa vào tròng. Nhưng chàng biết không phải là chuyện dễ. Chàng phải kết bạn với Khôi trước rồi mới có thể khuyên gì thì khuyên. Khôi không phải là đứa con nít lên ba để cho chàng bảo ‘phải thế này’ hay ‘phải thế nọ’. Từ nhỏ, Văn-Lang đã có được đức tính tế-nhị đó, chàng luôn luôn tôn trọng người khác mà chẳng bao giờ lên giọng ‘kẻ cả’ với ai cả. Đương nhiên cũng có những ngoại-lệ. Những ngoại-lệ đó chàng chỉ dành cho những kẻ ‘hết thuốc chữa’ và những kẻ không còn một chút gì cho chàng có thể tôn trọng được nữa...
Nhiều tiếng ‘kẽo kẹt’ từ đâu vang lên từng hồi liên tục khiến người nào nghe thấy đều phải ‘ê cả răng’. Một chiếc xe hơi từ đàng sau vượt qua mặt Văn-Lang với tốc-độ kinh người. Rồi không đầy một ‘tích tắc’ sau, lại thêm một chiếc khác phóng qua với tốc độ còn mau hơn, như đuổi theo chiếc trước. Chỉ chớp mắt, chiếc sau đã kè sát bên chiếc trước và ép chiếc kia vào lề. Người tài xế xe bị ép đậu lẹ vào lề rồi mở cửa xe ra ngoài. Lúc đó xe thứ hai cũng vừa tạt vào lề ngay sau xe trước và dừng lại. Cửa xe mở, một người tướng mạo hết sức dữ dằn bước ra chạy lại thoi cho người kia một quả thôi xơn nẩy lửa. Người tài xế xe trước ‘ối’ lên một tiếng rồi ngã gục xuống.
Người vừa tung quả đấm không chịu buông tha, cúi xuống nhấc bổng người kia lên lớn tiếng gặn hỏi:
-Ê Quý, tiền của tao đâu mày?
Văn-Lang lúc đó cũng đã ngừng xe, đậu cách hai xe trên chỉ độ mươi thước. Chàng ‘ồ’ một tiếng, nhận ra người bị hành hung kia là tên Quý, ‘vị hôn thê’ của Trúc, em cùng cha khác mẹ của Khôi.
-Ối... ối..., anh Toàn... đừng đánh tôi...
Người đàn ông tên Toàn cười gằn nói:
-Đ.M.! Mày mượn tiền tao tới nay là bao lâu rồi? Tao gọi, để số lại, kêu mày gọi lại trước sau cả trăm lần mà có lần nào mày gọi lại không? C... C...! Triệu phú gì mà đi ăn quịt dân lao động bốn đồng một giờ như tao vậy?
Văn-Lang nghe nói mà phải phì cười. Chàng nói thầm:
-“Lại thêm một ông triệu-phú ‘họ Lưu’!”.
‘Bép bép’ hai tiếng, hình như người đàn ông tên Toàn đang tát cho tên Quý mấy cái. Văn-Lang thấy đến lúc mình không thể ngồi im được nữa nên mở cửa xe ra ngoài. Chàng mạnh dạn đi tới nói lớn:
-Đây là xa lộ, không phải nhà riêng của các người. Có chuyện gì thì tính toán với nhau ở nhà. Ở nơi chốn công cộng mà đánh nhau, chửi nhau như vậy mà coi được sao?
Người đàn ông tên Toàn nhìn thấy chàng có ý ‘muốn can thiệp’ thì làm vẻ hùng hổ quát nạt:
-Mày là ai mà đòi xía vào chuyện tao? ‘Oánh’ thấy mẹ mày bây giờ! Có cút đi ngay không?
Văn-Lang cười thản nhiên nói:
-Cỡ như anh thì chỉ hù được mấy thằng cô hồn các đảng cóc nhái tép riêu thôi! Đừng có làm tàng mà rước họa vào thân đó!
Tạm buông tên Quý ra, Toàn lớn tiếng hăm dọa:
-Đ.M. đứng yên nghe mày! Bỏ chạy là chết đó nghen con!
Y dứt lời liền xắn tay áo lên nhìn Văn-Lang hất hàm:
-Đ.M., dám ‘pạc co’ tay đôi không mày?
Văn-Lang chẳng chút sợ hãi, cười nhạt tiến tới. Gã Toàn xông tới vung tay đấm một cú như trời giáng vào mặt chàng. Văn-Lang khẽ lách người, đưa cánh tay đụng nhẹ vào tay gã rồi sẵn đà mượn sức cánh tay gã dồn vào cánh tay mình tạt nắm đấm vào mặt gã. Chỉ nghe ‘ui da’ một tiếng, gã Toàn ôm mặt nhăn nhó. Văn-Lang nhanh như cắt bồi hai đá ngay mạng mỡ khiến gã bổ ngửa ra đàng sau. Chàng phủi tay mấy cái nói như chế nhạo:
-Mấy chiêu này gọi là ‘Tứ Lượng Phá Ngàn Cân’ và ‘Song Cước Hàng Cẩu’. Về mà học thêm mươi, mười lăm năm nữa hãy nói chuyện làm tay anh chị đấm đá.
Lúc đó chàng mới móc thẻ ID ra đưa cho cả đám coi rồi trịnh trọng, dõng dạc lên tiếng:
-Tôi ra lệnh cho các người giải tán ngay lập tức, không thì đừng trách!
Không những chỉ gã Toàn mà cả Quý cùng với mấy người trong xe là bà Hội, Trúc và Phát đều la lên vì kinh-ngạc. Gã Toàn lúc đó mới thều thào:
-Ông là nhân-viên công-lực à? Sao không nói trước?
Văn-Lang cười gằn:
-Thế chẳng hóa ra tôi chỉ nhờ cậy vào chức sắc mới nói chuyện được với các người hay sao? Và phải là nhân-viên công-lực thì các ngưòi mới sợ à? Còn nếu là người đồng hương bình thường của các người thì không có quyền có ý kiến gì cả mà phải im lặng mặc cho các người muốn làm gì thì làm ư?
Toàn đứng dậy phủi sơ áo quần lườm Quý nói:
-Tao theo mày về nhà lấy tiền. Đ.M., thiếu một xu tao lấy cái mạng mày mà bù vào.
Ai về xe nấy. Tiếng máy nổ liên hồi từng loạt. Chỉ thoáng một cái, xa lộ lại trở lại yên tĩnh như cũ. Văn-Lang cả cười nói thầm:
-“Đúng là mấy cái thứ ba trợn. Đứa thì quanh năm suốt tháng chỉ biết nổ, giở đủ trò đi bịp thiên-hạ kiếm ăn trên mồ hôi nước mắt của người khác, kẻ thì chỉ chực ăn hiếp người thường dân. Mới nhìn thấy thẻ ID là hồn vía lên mây cả đám, tưởng là nhân-viên công lực!