Chương 2 - Phước Long: Trời cũng phải nhỏ lệ


Ở Việt Nam , tên của một số thành phố có liên quan đến lịch sử, đến truyền thuyết hay đến hoàn cảnh: SaiGon náo nhiệt, Hà Nội khắc khổ, Hué hoàng gia, Phát Diệm công giáo ... v.v..

Phước Bình thuộc tỉnh Phước Long là một thị trấn nhỏ nằm sát biên giới Cam Bốt, không có gợi lên ý niệm gì hết ngoại trừ đối với công chức, nó là một mảnh đất lưu đày.

Mười năm trước đây, một toán đặc công Việt Cộng đã tấn công Phước Bình, năm binh sĩ Hoa Kỳ tử thương, và 12 bị thương. Bây giờ từ trung tuần tháng chạp/ 1974, hai sư đoàn chánh quy Bắc Việt , sư đoàn 3 và sư đoàn 7 đang di chuyển về Phước Bình, quận lỵ của tỉnh Phước Long, một thị trấn nhỏ nằm ngay khúc quanh của con rạch dưới một triền núi của vùng Cao nguyên. Dân số của tỉnh nầy không quá con số 50.000, phần lớn là đồng bào thượng, người Mán và Hmong. Ở đây không có ruộng. người "thượng" sống trong rừng, trồng cao su và khoai mì.

Đối với dân SaiGon , Phước Bình là miền "Cực Tây" (Far West), dù nó nằm về hướng Bắc, cách thủ đô 115 cây số. Thị trấn chỉ có một con đường chánh mà dân chúng sống tập trung ở đó, con đường nầy còn được dùng như một phi đạo nữa. Và ở cuối phi đạo là tòa hành chánh, có một gác chuông nhỏ trên nóc. Ở dọc hai bên vừa đại lộ vừa phi đạo nầy là doanh trại của quân trú phòng: 3000 binh sĩ chánh quy, và khoản 1000 Bảo an, Dân vệ. Họ ở cả trong các dãy trại và trong các nhà tranh cất dài theo hai bên đường.

Tất cả các trục lộ về tỉnh nầy đều bị cắt đứt. Quân Bắc Việt đã chiếm hết bốn quận chung quanh, đang bao vây tỉnh theo thế gọng kềm.

Tại SaiGon Bộ Tham Mưu Miền Nam Việt Nam đang theo sát những diễn tiến nầy.

Tướng Cao văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân rất lo ngại: nằm về phía Đông Bắc của Phước Bình là ngọn núi Bà Rá, cao 723 thước, là một trung tâm truyền tin.

Đã từ lâu rồi, SàiGòn phải tiếp tế cho tỉnh bằng phi cơ cánh quạt hoặc bằng trực thăng. Mỗi tháng khoản 500 tấn gạo, đường, muối, xăng dầu và đạn dược.. Chánh phủ SàiGòn và những người có trách nhiệm quân sự ở đây chỉ bám theo một công thức và những con số thống kê: "còn nắm được tỉnh lỵ là tỉnh đó coi như chưa mất", và " cộng sản chiếm đóng 18% lãnh thổ Việt Nam và kiểm soát 10% dân số." Chúng ta hãy nhìn thử xem: Làm sao nắm biết được những con số nầy? vì sau 30 năm đánh nhau không có một kiểm kê nào gần đây hết ? với những người dân quê nay đi mai đến, và dân lánh nạn thì nay đến mai đi ?

Không còn nghi ngờ gì nữa, các trung đoàn Bắc Việt đang đổ về hướng Phước Bình. người ta nhận dạng được ngay qua vũ khí của họ, qua đồng phục màu "xanh ve" và nón cối của họ, và nhất là qua giọng nói của họ. Lính việt cộng thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam không bao giờ có đồng phục , thường mặc bà ba đen và đội nón vải với một khăn rằn choàng cổ.

Cả bộ tham mưu SàiGòn và của tỉnh đều hoàn toàn bị bất ngờ, khi Bắc Việt tấn công mạn Nam của tỉnh lỵ hồi 7 giờ sáng ngày 1 tháng giêng, với 40 xe tăng T.54. Binh sĩ trú phòng chận đứng được đợt tấn công đầu tiên nầy.

Chiến xa T.54 là một loại tăng nhẹ, dài khoản 7 thước, nặng 36 tấn, là một loại cơ giới mạnh có tốc độ đường trường lên đến 48 cây số/ giờ, bình thường có thể hoạt động trong vòng 500 kms, và 700 kms nếu có bình xăng phụ. T.54 được trang bị một đại bác 100 ly với 34 quả đạn trên xe. Liên Xô không viện trợ cho Bắc Việt loại chiến xa biến chế T.62 và T.10 , nặng 50 tấn có trang bị đại Bắc 210 ly. Nhưng họ có cho Bắc Việt xe lội nước PT 76, nặng 14 tấn. Phía Việt Nam Cộng Hòa thì có chiến xa M.48 mạnh hơn nhiều, nhưng chiến xa T.54 có thể đương đầu với M.48 không khó.Dĩ nhiên kháng chiến quân của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì không được Hà Nội giao cho một chiến xa nào hết.

Lực lượng bộ binh Bắc Việt bao vây cứ điểm núi Bà Rá và mở nhiều đợt xung phong mặc dầu cứ điểm nầy có được không quân yểm trợ. Phi công Miền Nam phải liều lĩnh xuống thấp có khi đến 1500 thước, họ ít khi bay dưới 3000 thước vì sợ cao xạ phòng không dày đặc của Bắc Việt. Ở đây không phải là vấn đề gan dạ, mà vì phi công nhận được lệnh nghiêm nhặt lắm : họ phải tiết kiệm máy bay. Hôm nay không có mây mù thường bao phủ tỉnh lỵ vào sáng sớm, tầm nhìn vừa rõ vừa xa. Bắc Việt đã bố trí gần núi Bà Rá những khẩu pháo 130 ly nên nhanh chóng 8 khẩu 105 ly và 4 khẩu 155ly của Miền Nam không còn xử dụng được nữa..

Ngày hôm sau, Tổng Tống Nguyễn văn Thiệu họp các tướng lãnh, có sư hiện diện của Phó Tổng Thống già nuaTrần văn Hương nặng về pháp lý hơn về chiến lược, và Thủ Tướng trầm lặng Trần thiện Khiêm. Người ta bàn cãi xem có cần phải tăng cường viện binh cho Phước Bình hay không ? Tăng cường bao nhiêu ? Với lực lượng nào ?v.v...

Trong 48 giờ giao tranh, lực lượng trú phòng của tỉnh bắn hạ tại chỗ 15 chiến xa Bắc Việt . Nhưng bô đội Miền Bắc cứ tiến tới. Chiến thuật của họ gây bất ngờ cho mọi người : các tiểu đội bộ binh đi liền sau các chiến xa. Chiến xa cứ tiến tới mặc cho bộ binh chết cứ chết, nhưng đôi khi các chiến xa cũng lui trở lại để đưa môt số bộ binh khác tiến lên theo. Họ đánh chiếm từng cứ điểm, từ nhà nầy qua nhà khác, từng chòi tranh nầy sang chòi tranh khác. Chiến xa được tăng cường các tấm chắn bằng sắt phía trước để chống đạn bộc phá vì loại đạn nầy sau khi xuyên phá qua lá chắn sẽ nổ ngay ở khoản trống nhỏ giữa lá chắn và vỏ chiến xa. Do đó hỏa tiễn M.72 của binh sĩ Miền Nam không còn hữu hiệu nữa được. Đôi khi vì bắn quá gần nên hỏa tiển không kịp xuyên phá, chỉ trúng lá chắn rồi nẩy vọt đi, nổ xa xa ở chổ khác. Hơn nữa chiến xa thường đóng kín các cửa nên binh sĩ Miền Nam khó mà tung lựu đạn vào chiến xa qua pháo tháp.

Các doanh trại, hầm trú ẩn và giao thông hào là mục tiêu của pháo binh Bắc Việt nên hầu hết đều bị sụp đổ thảm hại vì đạn pháo.

Phước Bình nằm trong lãnh thổ trách nhiệm của Vùng 3 Chiến Thuật, Bộ Tư Lệnh Vùng 3 đóng tại Biên Hòa, nơi đây có căn cứ không quân quan trọng, nằm về phía Bắc SàiGòn chừng 30 cây số. Tướng Dư quốc Đống Tư Lệnh Vùng 3, quyết định sẽ chiếm lại thị trấn Phước Bình, nên xin tăng cường lực lượng. Ông dự trù hành quân trực thăng vận đổ binh sĩ thuộc binh chủng Dù xuống phía Bắc thị trấn đồng thời tiếp tế đạn dược cho quân trú phòng. Nhưng ông Thiệu từ chối, tướng Đống xin từ chức, ông Thiệu không cho.

Có nhiều cuộc bàn cãi rất sôi nổi ở Biên Hòa và SàiGòn :

- Phải chăng Bắc Việt muốn đánh lạc hướng khi họ tấn công Phước Bình ?

- Hình như Bắc Việt đã sẵn sáng tiến đánh Biên Hòa , vì từ nơi đây các chiến đấu oanh tạc cơ sẽ bay đi yểm trợ các cuộc hành quân khắp vùng 3 Chiến Thuật.

- Cộng sản cũng có thể vừa đánh chiếm Phước Bình vừa đồng loạt tiến đánh cả 3 vùng chiến thuật khác .

Do đó ông Thiệu không muốn rút quân ở đâu cả. Tư Lệnh Vùng 3 đòi hỏi vài trung đoàn binh sĩ thuộc binh chủng nhảy dù. Người ta chỉ đồng ý cho ông 2 đại đội biệt kích dù, khoản 200 người tình nguyện và chuyên hành quân biệt kích, thuộc tiểu đoàn "81 biệt kích dù" đang đóng ở Biên Hòa.

Ngày 4/ tháng giêng, trên Phước Bình mây thấp và mây đen kịch. Trời mưa to: cuộc hành quân trực thăng vận không thực hiện được , Hai đợt cố gắng đổ quân đều bất thành. Chỉ có một lần Biên Hòa liên lạc vô tuyến được với Phước Bình nhưng nghe rất yếu.

Đến 8 giờ sáng ngày 5 tháng giêng, 120 biệt kích dù mới được đổ xuống phía Đông của thị trấn. Trực thăng có bị trúng đạn phòng không nhưng đã bay về được. Toán biệt kích bắt tay được với quân trú phòng, bố trí được một vài điểm tựa phần lớn nằm chung quanh dinh tỉnh trưởng. Vũ khí chống chiến xa M72 rất hữu hiệu đối với các T.54 nhưng toán biệt kích không mang theo được nhiều.

Đến 21 giờ thì có tin là gần phân nửa toán quân tăng cường bị loại khỏi vòng chiến. Người ta không thể tản thương được . Lực lượng bảo an người thượng chiến đấu rất tốt nhưng lòng trung thành của họ bị giao động. Biệt kích dù cho biết là tình hình tuyệt vọng lắm. Nhưng họ cũng cố tổ chức lại một tuyến phòng thủ chung quanh trung tâm hành chánh và dinh tỉnh.

Sáng hôm sau, ngày 5 tháng giêng, quân Bắc Việt lại tiếp tục tấn công với một số chiến xa và bộ binh khác, đánh nhau suốt cả ngày .

Ngày 6 tháng giêng chịu hết nổi, nhóm biệt kích dù và những binh sĩ trú phòng còn sống sót rút chạy ra khỏi tỉnh. Lợi dụng trời tối, họ rút đi từng toán nhỏ, không liên lạc vô tuyến, không được yểm trợ, có khi cũng không có vũ khí và đạn dược, họ tiến về phía bìa rừng và đi về hướng đồng ruộng.

Tổng kết của trận tấn công nầy quá xấu về mặt quân sự, mặc dầu trên phương diện chiến lược thị trấn nhỏ bé của cái tỉnh đèo heo hút gió nầy có mất đi cũng không có gì quan trọng lắm. Tính ra chỉ còn có 850 người sống sót về được, mất đi 5.400 người vừa sĩ quan vừa binh sĩ. Gần phân nửa quân số của một sư đoàn! Hai vận tải cơ C.130 bị hạ . SaiGon có cả thảy là 32 vận tải cơ loại nầy. Đây là một đòn hơi nặng, trên phương diện chánh trị : cộng sản đã chiếm được một tỉnh. Và đây là lần đầu tiên mà quân chánh phủ không tái chiếm lại được.

Cũng là lần đầu tiên mà trong một cuộc tấn công lớn như vậy quân đội Mỹ không can thiệp. Từ ngày ký Hiệp Định Paris, hai năm trước, các tư lệnh 4 Vùng Chiến Thuật đều có đến thăm Bộ Tư Lệnh Không Lực Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, đóng ở Nakhon Phanom, Thái Lan. Hệ thống liên lạc viễn thông từ đây được nối liền đến SàiGòn và các Vùng Chiến Thuật của Miền Nam Việt Nam. Người ta luôn luôn giải thích và chỉ dẫn thủ tục liên lạc cho các Tư lệnh Vùng, để họ có được sự yểm trợ chiến lược của không lực Hoa Kỳ dễ dàng. Các vị Tư lệnh nầy không có một phút nghi ngờ nào về quyền được oanh tạc cơ Hoa Kỳ yểm trợ. Nhưng vừa rồi tại sao oanh tạc cơ không đến ?

Tổng Thống Thiệu cho lệnh toàn quốc để tang 3 ngày, đóng cửa các hộp đêm, vũ trường, rạp hát, chiếu bóng . Cấm luôn các trận đá bóng , các buổi đua ngựa, dù đã có chương trình. Các biểu ngữ được treo khắp thủ đô đại ý : "Quân lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ đòi món nợ máu nầy" Nhiều cuộc biểu tình được tổ chức trước trụ sở của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Ngừng Bắn. Trong suốt cuộc chiến ở Phước Bình, nhân viên của Ủy Hội một lần nữa đã cho thấy sự bất lực lạ lùng của họ. Họ cũng không thương lượng được một thời gian ngưng tiếng súng để tản thương hay đưa dân chúng vô tội ra khỏi vùng khói lửa. Các thương gia, công chức , dân quê và 2 nữ tu sĩ và 400 cô nhi đã về được đến SàiGòn .

Người Mỹ ở SàiGòn đã cố gắng làm một bản tổng kết tuy có khổ tâm. Trong bản phúc trình của mình ông William Le Gro, người có trách nhiệm về tin tức tình báo ở cơ quan quân sự Hoa Kỳ, đã cho biết là tổn thất của Miền Nam làm cho người ta chóng mặt. Người tài xế của ông ta than rằng: "Đến Trời cũng phải khóc cho Phước Long"

Tại Hoa thạnh Đốn, ngày 7 tháng giêng, ông Kissinger có buổi họp với toán hành động đặc biệt của ông ta . Các chuyên viên trao đổi nhau nhiều câu hỏi về trường hợp Phước Long:

- "Đây có phải là một cuộc hành quân quan trọng không ?"

William Colby, trưởng cơ quan CIA cho là " Không."

- Làm thế nào để cứu vản tình hình của Vùng 3 Chiến Thuật đây ?

- Có nên gởi đến đó oanh tạc chiến đấu cơ và nhất là oanh tac cơ chiến lược B.52 không ?

- Trên lý thuyết Không Thể Được : Dư luận quần chúng Mỹ sẽ coi đó là một hành động tái can thiệp của Hoa Kỳ mà họ không muốn. Tuy nhiên trận tấn công của Bắc Việt là một vi phạm trắng trợn và quan trọng nhất đối với Hiệp Định Paris kể từ năm 1973.

Người Mỹ là những người duy nhất đã thi hành Hiệp Định Paris, trừ điều 6 là điều dự trù " Mỹ phải phá bỏ hết các căn cứ quân sự của họ trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa trong vòng 60 ngày" sau khi Hiệp Định được phê chuẩn. Đó chỉ là phương diện pháp lý còn thực tế thì giống như một trò xảo thuật: người Mỹ không có phá hủy các căn cứ quân sự của họ mà chỉ chuyển giao qua cho QLVNCH. Họ thi hành pháp luật một cách kỳ diệu ! Trái với những cam kết, thỉnh thoảng họ cũng cho phi cơ quan sát bay trên không phận lãnh thổ Bắc Việt. Không có gì để ngụy trang cho những vi phạm kiểu đó !

Các cộng sự viên của Tổng Thống Ford muốn quên Việt Nam. Trước ngày bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Ford không có lợi lộc gì khi ông muốn gắn hình ảnh của mình vào một hành động tái can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam . Người ta muốn có một Tổng Thống trong trắng. Sự kiện Việt Nam đã qua đi rồi mà Ngũ Giác Đài chỉ thấy có mất mát mà không thấy có lợi ích nào hết. Từ khi người binh sĩ Hoa Kỳ rút khỏi Miền Nam hay người tù binh Mỹ ở Miền Bắc được đưa trở về nước, đối diện với Việt Nam, Hoa thạnh Đốn bị trầm mình trong tội lỗi ôi thúi, mất hết cảm giác. Càng ít gợi lại bao nhiêu thì bài toán sẽ mờ nhạt bấy nhiêu. Cuộc chiến Việt Nam lẽ ra phải tàn lụi dần khi người ta không còn găng với nhau quá....



Nhóm hành động đặc biệt không đạt được một quyết định nào. Ông Kissinger hình như quá mệt mỏi. Ông ta đã nhắc đi nhắc lại sau khi ký Hiệp Định Paris: "Nếu chúng ta xét thấy rằng Bắc Việt đã thương thuyết với những ý đồ xấu thì chúng ta sẽ có phản ứng mạnh và ngay tức khắc"

Hạ thấp giọng, chậm rãi nhưng cứng rắn, ông Kissinger giải tán phiên họp đặc biệt với một câu đầy bản chất của một người Đức :

- "Chúng ta thuộc loại người nào đây ?

Các nhân viên dân chính và quân sự trong nhóm tự hỏi: Không biết ông Tổng Trưởng nghĩ gì thế? Chắc chắn là ông nghĩ đến sự khả tín của Hoa Kỳ !

Nhỏ thó nhưng người béo phục phịch, ông Kissinger, 52 tuổi, là một Tổng trưởng Ngoại Giao nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ, được mến chuộng nhưng cũng bị nhiều phê phán. Ông dính vào chuyện Việt Nam từ 10 năm nay. Từ sau ngày bầu cử của ông Nixon năm 1969, ông được giao nhiệm vụ chánh trị đối ngoại, kế đến là cố vấn an ninh và sau đó là Tổng Trưởng Ngoại Giao. Ông Kissinger là một giáo sư đại học có giá trị, một công chức hăng say, một chánh trị gia năng nổ trong hoạt động, ông có một nghệ thuật lả lướt trong chính ngành ngoại giao của mình, từ đó ông có cơ hội trở thành một nhà luân lý.

Trong những ngày đầu tháng giêng nầy, tinh thần của ông chú trọng đến danh dự của Hoa Kỳ. Với một tinh thần thực tiễn, thích điều khiển các nước khác hoặc vận dụng các chánh trị gia, ông là một bộ trưởng thường không giữ được hòa khí với nhóm quan lại của mình, thích giữ những bí mật cũng như vinh quang của riêng mình, có lối sống buông thả, muốn tới đâu thì tới. Ông có tầm nhìn chánh trị tổng quát. Ông tìm mọi cách để củng cố "cấu trúc hòa bình" mà ông xem là một thế quân bình mới của thế giới , xuyên qua sự kiểm soát vũ khí chiến lược. Không còn có sự căng thẳng giữa các siêu cường vì cuộc chiến tranh khốn khổ ở Việt Nam nữa. Ông Kissenger cũng đồng ý phần nào với nhận định của ông Galbraith và những người khác thường nói đùa là: "nếu người Mỹ chúng ta không vấp phải nhiều làm lỗi thì cái quốc gia nhỏ bé kia không bao giờ thoát ra khỏi nơi tối tăm mà họ rất xứng đáng phải nhận lấy. " Ông Kissinger phải tốn cả 8 năm dài mệt mỏi cho Việt Nam . Tổng Thống Ford giao hết cho ông Kissenger phần lớn các vấn đề ngoại giao. Khác hơn ông Nixon, ông Ford không có ý kiến gì trong vấn đề nầy. Ông bất lực trong việc tìm kiếm quan điểm để làm vui lòng tổng trưởng của mình. Với cá tánh chậm chạp nhưng là một người có nhiều sáng kiến, ông Nixon có tầm nhìn xa rộng khắp. Nhưng người kế vị Nixon không được như vậy nên ông Kissinger thường nói : "Thật tình mà nói thì tôi cảm thấy gần ông Ford hơn là ông Nixon" điều mà chúng ta phải hiểu là trên phương diện tri thức.

Thường gặp những đổi ý bất thần, có khi đến phải chán nản, ông Kissenger phải tốn ba năm rưỡi để thương thuyết với phái đoàn Hà Nội để đạt được một hiệp ước mà uy tín của Hoa Kỳ không bị mất . Những cuộc bàn cãi chính thức và những buổi "đi đêm" thảo luận riêng tư với Lê đức Thọ, cố vấn đặc biệt của phái đoàn cộng sản Bắc Việt tại Ba Lê, đã dẫn tới Hiệp Định Paris. Theo Kissinger thì Hiệp Định không được hoàn hảo lắm, nó chỉ giúp cho quân lực Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam đàng hoàng trong danh dự, mặc dầu có sự chỉ trích triền miên của cánh hữu tại Mỹ. Lâu lắm ông Thiệu không chịu ký vào Hiệp Định. Với một số cộng sự viên, Kissinger cho thấy hình như ông ta hâm mộ những người đại diện phía Bắc Việt hơn là những người của SàiGòn . Tại thủ đô Miền Nam Việt Nam người ta cho Kisinger cái tên là " nhà ngoại giao đi đêm" và "vua dấu diếm" vì người ta không muốn nói thẳng ông là một thằng hèn, đạo đức giả. Tới năm 1975 thì Kissinger xa cách Việt Nam trên cả mọi phương diện tâm lý cũng như thực tế. Ông chưa hề đặt chân đến Việt Nam từ sau tháng 10 năm 1972, nơi đó ông có một kỷ niệm không tốt gì lắm:

ông Kissinger muốn cho ông Thiệu chấp thuận bản dự thảo Hiệp Định của ông ta. Cuộc gặp gỡ thật nặng nề, ông Thiệu gọi Kissinger là "thằng chó đẻ". Kissinger nói trước khi rời SàiGòn :

- "người ta đã chửi tôi thậm tệ nên chắc tôi không bao giờ trở lại SàiGòn nữa."

Một trong những người đối thoại với ông, ông Hoàng đức Nhã, em họ ông Thiệu và là Tổng Trưởng Thông Tin, chọc tức ông Kissinger khi ông chỉ trích Hiệp Định từng điểm một.

Ông Thiệu và ông Nhã đều tin chắc là ông Kissinger hoàn toàn là một người vô liêm sỉ mới đặt bút ký Hiệp Định Paris 1973 với Bắc Việt : "Hoa Kỳ nhận tù binh của họ và an toàn rút quân đội Mỹ về nước, mà trong thâm tâm Hoa Kỳ vẫn biết rằng cộng sản Hà Nội không bao giờ buông bỏ ý định thống nhất Việt Nam bằng vũ lực.".

Ông Kissinger và cộng sự viên của ông đã có nhiều lý do để tin tưởng rằng Hiệp Định dù có yếu kém nhưng cũng có thể đứng vững được : đến một thời điểm nào đó thì việc Việt Nam Hóa quân lực SàiGòn sẽ cho thấy sự hữu hiệu của nó. Ông Nixon đã đặt hết sự tin tưởng vào đó, nhưng ông Kissinger thì không . Trên căn bản, binh sĩ Miền Nam chỉ có thể đương đầu hữu hiệu với những cuộc tấn công của Bắc Việt ở cường độ trung bình đến cấp trung đoàn. Nhưng ông Thiệu không thể chận đứng được một số lớn sư đoàn Bắc Việt. Dù vậy, chắc Hà Nội sẽ không phiêu lưu trong một cuộc tổng tấn công đâu. Bộ Chánh Trị còn sợ phản ứng của ông Nixon. Ông ta không bao giờ do dự để tung các phi cơ B. 52. Chính ông Nixon đã cho lệnh thả bom ngay vùng thủ đô Hà Nội vào tháng chạp 1972 để kéo Bắc Việt trở lại bàn hội nghị, và tựu trung thì sự khuyến cáo đó có hiệu quả. Hơn nữa, gạt ra ngoài các khó khăn nội bộ, chánh phủ Miền Nam vẫn có phần nào năng nổ tích cực nhất là trên bình diện kinh tế. Chánh phủ không được bình dân lắm nhưng dân chúng Miền Nam không bao giờ nổi dậy.

Cuối cùng, những người có trách nhiệm ở Miền Bắc đã đưa nhân dân mình vào một cuợc chiến quá lâu dài, bền bỉ khó tả, dựa vào sức mạnh của quân đội và công an hùng hậu để cai trị một xã hội bị vắt khô cạn đến hết máu. Họ hy vọng được Hoa Kỳ viện trợ khoản hơn 3 tỷ mỹ kim mà họ quan niệm là "bồi thường chiến tranh". Ở Paris, Bắc Việt nhấn mạnh điều khoản 21 của Hiệp Định, điều khoản dự trù một sự "hòa giải" và quy định Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc "hàn gắn vết thương chiến tranh" và "tái thiết Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau cuộc chiến", theo đúng truyền thống chánh trị của Hoa Kỳ . Danh từ "hàn gắn vết thương chiến tranh" là một cụm từ thuần túy của Bắc Việt đã đưa ra mà Hà Nội đã nhấn mạnh và được thấy khắp nơi trên các bản văn tuyên truyền của Hà Nội.

Ông Kissinger tin rằng lãnh đạo quốc gia nào cũng hành động đúng theo quyền lợi của nước họ. Đối diện với những người lãnh đạo Bắc Việt ông có đánh giá quá thấp sức mạnh về ý thức hệ của họ không ?

Cân nhắc lợi và hại, ông Kissinger đặt Hiệp Định Ba Lê vào khung cảnh của không khí hòa dịu bớt căng thẳng giữa Hoa Kỳ, Liên Xô, và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Ông cũng như mọi người đều nghĩ rằng Mạc tư Khoa và Bắc Kinh sẽ thúc đẩy Hà Nội đi đến một sự tự chế. Cả hai thủ đô cộng sản nầy hẳn phải có phương thức để thúc ép Bắc Việt: Họ đã tiếp tế cho Bắc Việt cả về quân sự lẫn kinh tế. Trong cái nhìn của Kissinger, tất cả đều đứng vững hết: ông nghĩ tới mối liên hệ giữa sự "thư giãn" quốc tế" giữa các cường quốc để dập tắt lần lần ngọn lửa chiến tranh ở Việt Nam.

Sáu tuần lể trước khi Phước Long bị tràn ngập, Tổng Thống Ford và ông Brejnev đã gặp nhau ở Vladivostock từ ngày 23 đến 24 tháng 11 năm 1974 . Họ đã quyết định tăng cường mối giao hảo giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.. Thật khó có thể và không hợp lý chút nào khi Bắc Việt làm hỏng những thỏa thuận của các siêu cường ! Đối với ông Kissinger vừa là tác giả vừa là người thực hành chánh sách liên kết, ông phải chỉ cho Liên Xô và Trung Quốc thấy là sự "thư giãn" phải được dùng như một áp lực đối với bài toán Việt Nam. Kissinger đã "mua" Liên Xô qua việc Hoa Kỳ cho Liên Xô được hưởng quy chế tối huệ quốc về thương mãi. Nhưng cách đây vài tháng vào mùa thu 1974, nghị sĩ Henry Jackson, có khả năng là ứng cử viên Tổng Thống, đã đưa ra một dự luật theo đó: "thư giãn phải liên kết với việc cho phép người Do Thái được rời khỏi Liên Xô". Một dự luật khác cũng hạn chế mức nợ cho Liên Xô vay. Tất cả những chuyện đó không thể khuyến khích Liên Xô trong hành động hợp lý được . Do đó năm 1975 Liên Xô thấy không có lợi lộc gì khi phải thắng các đồng chí Bắc Việt của họ lại.

Trong năm 1974, cho tới ngày từ nhiệm của Nixon, không khí còn có vẻ thuận lợi.

Từ thủ đô cũng như từ các tòa đại sứ của họ, Liên Xô và Trung Quốc đã bắn tiếng cho biết là họ vẫn tiếp tục viện trợ kinh tế cho Bắc Việt, nhưng sẽ giảm bớt viện trợ quân sự.

Ông Kissinger biết rõ chỗ yếu chính của Hiệp Định Paris trên phương diện quân sự: Ông đã không cho Việt Nam Cộng Hòa biết là ông đã không ràng buộc Hà Nội phài rút hết bộ đội Bắc Việt ra khỏi lãnh thổ Miền Nam , một cách rõ ràng và minh bạch. Do đó quân đội Bắc Việt đã lợi dụng điểm mập mờ nầy để bám trụ nguyên tại chỗ. Hơn nữa Bắc Việt đã không bao giờ tôn trọng những điều khoản quy định về vũ khí và quân dụng hiện có của Hai Bên:

" mỗi cây súng cũ, mỗi khẩu pháo cũ, mỗi quân xa cũ, -tất cả- chỉ có thể được thay thế với thể thức "một đổi một". Tất cả những chuyện thay thế đó, phải tọa lạc ở những điểm chính xác , và phải được "Ưy Hội Quốc Tế" giám sát nghiêm chỉnh đúng luật lệ như Hiệp Định đã quy định" , một điều khoản không bao giờ được Bắc Việt thi hành.

Một kẽ hở nữa của Hiệp Định, lần nầy là chánh trị:

" trên bình diện "chế độ tương lai của Miền Nam " Hai Bên Việt Nam sẽ thương thảo với nhau".

Ông Kissinger thừa biết là điếu khoản nầy không bao giờ thực hiện được, cũng giống như việc hình thành một "Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải Quốc Gia". Hãy tưởng tượng xem bằng cách nào mà hai kẻ thù hung hăn ngồi lại được với nhau để cùng nhau cai trị một thôn ấp? đừng nói chi đến cả một nửa nước Việt Nam ? Biết vậy nhưng ông Kissinger vẫn còn tin rằng phải bằng mưu mẹo đó, mình mới thắng Bắc Việt được một điểm:

" cho tới mùa hè năm 1972, phái đoàn thương thuyết Bắc Việt vẫn muốn liên kết chuyện ngừng bắn với một dàn xếp chánh trị " (ai cũng muốn có một sự liên kết nào đó của riêng họ). Ông Kissinger vẫn còn tin rằng. Đây là một thắng lợi ngoại giao của mình, vì bù lại Hà Nội không còn đòi hỏi sự ra đi của ông Thiệu nữa, điều nầy cho phép được giữ lại một "cơ cấu chánh trị mạnh ở Miền Nam Việt Nam ".

Cũng như ông Thiệu và ông Nhã, người dân Miền Nam không bao giờ chấp nhận một Hiệp Định Paris mặc nhiên thừa nhận sự có mặt của bộ đội chánh quy Bắc Việt tại Miền Nam.

Trong tỉnh Phước Long có nhiều sự vận chuyển quy mô của các đơn vị chánh quy Bắc Việt cấp trung đoàn và cả cấp sư đoàn. Cho dù cuộc tấn công nầy là một cuộc tấn công hạn chế, thì trò chơi kiên nhẫn gom góp dữ kiện và phân tách tình hình của ông Kissinger cũng bắt đầu tan rã.

- Làm gì hơn bây giờ ?

- Xin thêm ngân khoản bổ túc cho Miền Nam Việt Nam ?

Quốc Hội và nhất là Hạ Viện Hoa Kỳ giờ đây đa số dân biểu thuộc đảng Dân Chủ, trong nhóm của nghị sĩ George Mc Govern, một người chủ trương hòa bình cực đoan. Năm 1974 Quốc Hội đã cắt giảm mức viện trợ quân sự cho Miền Nam Việt Nam từ 1 tỷ xuống còn 750,000 trong đó có cả phần 300 triệu dành trả lương cho nhân viên dân chính và quân sự thuộc Cơ Quan Quân Sự Hoa Kỳ ở SàiGòn rồi. Trong cuộc chiến tranh Kippour, Do Thái đã nhận được trên 2 tỷ viện trợ quân sự của Hoa Kỳ. Phần lớn những người dân biểu Hoa Kỳ thấy cần phòng vệ cho Do Thái hơn là Việt Nam. Nhìn kỹ lại, nếu tính luôn sự tăng giá dầu do cấm vận của các nước Á Rập, thì viện trợ cho SàiGòn coi như bị giảm một nửa.



Đối với ông Kissinger, thì mặt trận thứ hai của cuộc chiên Việt Nam nằm ở Hoa thạnh Đốn, ngay tại Quốc Hội và cũng là ngay trong chánh phủ Hoa Kỳ. Nhiều thành viên của chánh phủ xưa kia là diều hâu. Bây giờ thì hết rồi, họ cho biết như vậy, giống như Tổng Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger. Một khi đã ra khỏi chánh phủ rồi thì từ một Mc Namara, một Clarke Clifford, một George Bundy, cho tới những người đã triệt để theo Tổng Thống Johnson, bây giờ họ ước tính là phải ra khỏi vũng lầy Việt Nam . Những người nầy vẫn nghĩ rằng cái gọi là GRP (Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam) cũng chỉ là cánh tay của Hà Nội ở Miền Nam mà thôi, và cộng sản Việt Nam cũng độc tài như các đảng cộng sản khác . Những nghị sĩ nặng ký chống cộng thì có John Stennis hay Richard Russell . Những con diều hâu cũ bây giờ ngã theo đám bồ câu nổi tiếng trong Thượng Viện, George Mc Govern, Frank Church, Albert Gore, Wayne Morse, Edward Kennedy. Ngay như tại Nhà Trắng, ông Kissinger chỉ còn có thể tính đến những người đồng minh tự nhiên của ông. Một vài vị thân cận với ông Ford tin tưởng là bài toán Việt Nam tự nó sẽ tan biến thôi. Mệt mỏi, như bị bao vây, Kissinger không dứt than van:

- " Không biết chúng ta thuộc loại người gì ? "

Và cộng sự viên của ông nhận thấy ông đang cắn móng tay....



Sáng ngày 7 tháng giêng, Tướng Viên gọi điện thoại cho ông Thiệu. Tham mưu Trưởng Liên Quân báo cáo cho Tổng Thống. Những phi cơ thám sát trên không phận Phước Bình cho biết là mọi dấu hiệu kháng cự coi như đã chấm dứt.

Tại Dinh Độc Lập, ông Thiệu triệu tập một phiên họp đặc biệt. Có mặt Phó Tổng Thống, Thủ Tướng, hai Phó Thủ Tướng Trần văn Đôn và Nguyễn văn Hão, hai vị Chủ Tịch Thượng Viện và Hạ Viện, Chủ tịch Tối cao Pháp Viện, và tướng Đặng văn Quang, phụ tá Tổng Thống đặc trách về an ninh.

- " Địa thế và khó khăn về tiếp vận của chúng ta đã tiếp tay cho cộng sản. Quân lực của chúng ta khó lòng chiếm lại tỉnh Phước Long được " ông Thiệu nói.

Tướng Quang thường ít khi phát biểu trong các phiên họp, hôm nay tuyên bố:

- " Quận lỵ Phước Bình và tỉnh Phước Long rất khó phòng thủ nên không thể giữ được .Thị trấn An Lộc và tỉnh Kon tum cũng vậy. Thị trấn An Lộc nằm ở phía Tây và Tỉnh Kontum ở về hướng Đông Bắc. Cả hai đều rất quan trọng. Nhất là tỉnh Kontum"

Rối hơi sẳn giọng. tướng Quang nói tiếp:

- "Những nơi nầy rồi cũng sẽ bị mất, nếu cộng sản quyết định đánh chiếm."

Không thấy một phản ứng nào cả. Như không ai nghe thấy gì hết vậy : Hình như người ta thấy những việc đó không có gì đáng cho họ phải quan tâm .

Ông Thiệu lại phải nói tiếp:

- " Chúng ta có thể phản kháng để thử tìm hậu thuẩn của dư luận quốc tế. Phản kháng ngay Liên Hiệp Quốc. Phản kháng với cả 13 thành viên đã ký tên vào Hiệp Định Paris. Chắc cũng không có kết quả gì đâu. Phần đông các nước đang bấn vì cuộc khủng khoảng năng lượng. Nhưng trước hết chánh phủ chúng ta cần phải có được một sự gia tăng viện trợ quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ."

Rồi hướng về 2 vị chủ tịch Thượng và Hạ viện, ông nói :

- " Chúng ta phải gởi một phái đoàn đến Hoa Kỳ để vận động với chánh phủ Hoa Kỳ làm áp lục Quốc Hội. Nhưng trước hết chúng ta phải chọn lựa vài nghị sĩ và dân biểu để chúng ta mời . Chúng ta vào bàn với Tòa Đại sứ Mỹ về danh tánh những người nầy."

Chủ tịch Hạ viện đồng ý:

- " Nhưng hình như các dân biểu Hoa Kỳ có nhiều vấn đề đối với cử tri của họ lắm. Chúng ta nên thăm dò dư luận dân chúng Mỹ trước, xuyên qua các tổ chức.

- " Tổ chức nào ?

- "Các nghiệp đoàn, Hội Cựu chiến binh, hay Hội Hồng thập Tự ....

Ông Thiệu tỏ ra chưa chịu:

- " Cần phải tiếp xúc với các nghị sĩ Mỹ, vấn đề cử tri đó thuộc về chánh trị nội bộ của họ. Làm cách nào để có tiếng nói của quần chúng ?

- Tôi thấy sao Chánh Phủ cô đơn quá, Thiệu vừa nói vừa nhìn sang Thủ Tướng dường như Tổng Thống không kiểm soát được chánh phủ vậy.

Ông Thiệu ngưng một giây, chờ ông Khiêm lên tiếng. Nhưng như thường lệ, Thủ Tướng vẫn giữ im lặng. Thiệu nói tiếp :

- " Trong quá khứ, gặp trường hợp khủng khoảng nặng thì các nhóm đối lập sẽ phải hợp tác với Chánh Phủ .

Không có một nhóm nào thực sự hăng say năng nổ hoạt động hết, trừ ra có đảng Dân Chủ do ông Thiệu thành lập. Tổng Thống muốn mở rộng căn bản chánh trị của Chánh Phủ nên ông đã ra một luật đảng phái khá tự do, đúng ra là cho các đảng phái chánh trị để cho phép họ ra hoạt động hết, trừ đảng cộng sản. Điều nầy gây cảm tưởng tốt ở Mỹ.

Sau đó ông Thiệu dặn dò vài điều cho hai vị chủ tịch Thượng và Hạ viện. Ở Miền Nam Việt Nam hành pháp lèo lái lập pháp.

Hai vị Phó Thủ Tướng hiện diện đề nghị ông Thiệu nên đi gặp các nhân vật có tầm vóc quốc gia để tìm hậu thuẩn. Ông Thiệu lắc đầu, nhưng không người nào gợi ý ra được tên ai hết vì có lẽ không mời mọc ai được hết.

Ông ta nhắc các dân biểu và nghị sĩ phải hoàn tất luật báo chí và nên cho ông xem qua.

Sau cùng phiên họp đưa ra vấn đề kinh tế, nhắc lại các điểm đã bàn cãi trong phiên họp nội các bốn ngày trước. Thủ tướng có nói là phải mua thời gian. Năm 1976 Miền Nam sẽ xuất cảng dầu hỏa.

Như thường lệ ông Khiêm không xen vào các vấn đề quân sự và những bài toán về chánh trị nội bộ, ít nhất trong công khai hay lúc có mặt các tổng bộ trưởng. Ông thích đi sâu vào các vấn đề kinh tế và xã hội . Hôm nay là ngoại lệ, theo ông thì dư luận quần chúng trên thế giới về vấn đề Việt Nam hình như bị "đông lạnh". Ông còn đi xa hơn khi quả quyết rằng Hoa Kỳ không còn can thiệp quân sự vào Việt Nam nữa, vì ông Ford cũng lạnh cẳng rồi.

Ông Thiệu lắng nghe, gần như không được thoải mái lắm vì ông không đồng ý với Thủ tướng Khiêm.

- " Chúng ta phải kéo dài sự sống còn trong thời kỳ gọi là khó khăn tạm thời nầy , ông Khiêm tiếp tục nói, chính vì chúng ta sẽ có lợi tức dầu hỏa trong năm 1976.

Ông so sánh tình hình của đất nước với tình thế của người chơi bài phé. Thấy được dầu lửa người ta sẽ tăng thêm tiền đánh cuộc. Trước mặt chúng ta, Hà Nội không theo kịp mình đâu. Muốn cho dầu hỏa chảy ra càng nhanh càng tốt thì các công ty đầu tư cũng phải được hưởng lợi nhuận nhanh. Phải khuyến khích họ, phải nhường cho họ một bách phân hợp lý nào đó của Chánh Phủ .

- " và lúc đó thì họ sẽ cố gắng thúc đẩy công tác khoan dầu nhanh hơn. Chúng ta không thể tự cho mình một sự xa hoa được hưởng lợi tối đa trong dài hạn .

Ông Khiêm nhắc lại là ông ta có nói với ông Hảo Phó Thủ Tướng đặc trách kinh tế để ông nầy hối thúc các công ty dầu hỏa. Ông Khiêm muốn thấy kết quả cụ thể trong vòng 6 tháng.

Có vẻ phấn khởi, ông nhấn mạnh:

- " Nếu chúng ta xuất cảng được nhiều dầu vào năm 1997 thì lúc bấy giờ tình thế chúng ta sẽ tốt hơn.

Phiên họp chạy theo tình hình kinh tế quên mất việc tỉnh Phước Long vừa bị Bắc Việt chiếm.


--------------------------------------------------------------------------------

Chiều hôm đó, hai bản phúc trình chi tiết của phiên họp nầy tới tay Tòa Đại sứ Mỹ. Một bản do Phụ Tá an ninh của ông Thiệu. Tướng Quang được yêu cầu báo cáo những gì đã xảy ra ở Phủ Tổng Thống. Thiệu vẫn biết như vậy. Và còn khuyến khích ông nầy làm như một nhân viên CIA tại đây nữa. Nhờ đó mà ông Thiệu điều động được một vài người Mỹ của Tòa Đại sứ trong lúc họ vẫn tưởng họ là "thầy" trong trò chơi nầy. Người Việt Nam bên nào cũng thế đã có một kinh nghiệm lâu đời về nghề gián điệp rồi, cả nhị trùng lẫn tam trùng ! Người Mỹ thì mới đây thôi.

Bản báo cáo thứ hai xuất phát từ một trong những thành viên của phiên họp vừa rồi.
Có rất nhiều sự "thoát tin" như vậy ở SàiGòn và Hoa thạnh Đốn, và có nhiều người "bán tin" như vậy chung quanh Tổng Thống, Thủ Tướng, và những người có trách nhiệm hành chánh và quân sự. CIA đã gài rất nhiều máy thu âm trong dinh Tổng Thống. Họ tin chắc rằng trong hàng thân cận của ông Thiệu phải có một người làm việc cho Hà Nội . Ai ? Quang, Hảo, hay một người nào khác ?

Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân đã được thông báo về những quyết định của phiên họp quan trọng vừa qua. Ông ta đã nhận được chỉ thị, và ông chuẩn bị để thuyết trình cho những người khách Mỹ quan trọng.

Ngày 9 tháng giêng, trong gian phòng thuyềt trình rộng lớn của Bộ Tổng Tham Mưu, tướng Viên tổng kết cho các sĩ quan của ông một bản phúc trình dài 11 trang. Ông thông báo kết luận : "một cuộc tấn công quân sự đại quy mô của Bắc Việt", một cuộc tấn công mà Tổng Thống đang chờ đợi."

Người ta nói tướng Viên "che dù" một tiếng lóng của giới quân sự Việt Nam . Ông không có sáng kiến mà cũng không có khả năng phân tách hay giải đoán tình hình mà lẽ ra ở cương vị của ông là phải có đầy đủ. Ông nhanh chóng chấp nhận là Bộ Tham Mưu của ông hoạt động trong vai trò của một cơ quan tư vấn, một nhiệm vụ mà bất cứ một đại tá quèn nào cũng đảm trách được . Phải chăng đó là cái giá phải trả để được ngồi mãi ở chức vụ nầy ? Ông thích ngồi thiền (yoga) hơn là đi thanh tra chớp nhoáng ngoài mặt trận, với một tướng đi tướng đứng khá đẹp lúc nào đầu cũng đội mũ đỏ của binh chủng nhảy dù. Ông không khúm núm nhưng chịu vâng lời. Tướng Quang cố vấn an ninh, là người soạn kế hoạch đại cương về chiến lược và chiến thuật cho ông Thiệu. Sau khi Tổng Thống chấp thuận thì ông Quang chuyển lịnh thi hành xuống cho Bộ Tổng Tham Mưu. Chính ông Quang đã cho lệnh trực thăng vận đổ 200 biệt kích dù xuống Phước Bình đang bị bao vây.

Ngày 17 tháng giêng, ông Viên nhận được một bản phúc trình của tướng Trần văn Trung, Tổng cục trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị . Bản phúc trình được chuyển đến Thủ Tướng và Tổng Thống, và ngày hôm sau nó cũng đến tay Đại sứ Hoa Kỳ .

Bản phúc trình nghiên cứu về kế hoạch của cộng sản trong năm 1975:

" Chiến dịch nầy có thể sẽ chấm dứt vào tháng 6 dl. Nhằm tiến chiếm một số quận và tỉnh, nhất là thuộc các tỉnh Tây Ninh, Phước Long, Bình Long, Kiến Tường và Kiến Phong" Cộng sản sẽ cố cắt đứt Việt Nam Cộng Hòa theo một con đường kéo thẳng từ Kontum xuống miền duyên hải Quảng Nam. Trong những tháng sấp tới họ sẽ tìm cách phá cho nền kinh tế của Miền Nam yếu đi. Họ sẽ đồng loạt tấn công các cầu, các kho nhất là kho đạn và đặc biệt những cơ sở thuộc kỹ nghệ dầu hỏa. Họ cũng sẽ cẩn thận vì họ cũng muốn giữ cơ cấu hạ tầng để họ sẽ còn khai thác và xử dụng được một khi họ nắm được quyền hành ở đây. Họ sẽ tạo cơ hội để bắt Miền Nam phải nhận cả triệu dân di cư. Và lồng các nữ cán bộ đảng vào các trại di cư kể cả các trại di cư cũ, để tạo biến loạn. Cộng sản sẽ nuôi dưỡng các phong trào chống ông Thiệu để ông không thể ra ứng cử năm vào tháng 11 năm 1975. Họ sẽ hô hào : "Chiến tranh vẫn tiếp diễn khi nào ông Thiệu còn ở chánh quyền" . Những tổ chức của cộng sản như thanh niên phụ nữ và trí thức sẽ hợp tác với phong trào " đòi Hòa bình" ở Hoa Kỳ để ngăn cản Tổng Thống Ford không cho viện trợ quân sự cho Miền Nam . Trong chiến dịch nầy cộng sản hy vọng sẽ dùng những cựu tù binh Mỹ. Nếu kế hoạch và chương trình hành động nầy được thi hành thì vào khoản tháng 6/1975 Việt Nam Cộng Hòa bắt buộc sẽ phải ký một hiệp ước khác và sẽ phải chịu thành lập một chánh phủ liên hiệp. Chừng đó những toán tuyên truyền sẽ cố gắng xé nát tất cả các đơn vị của QLVNCH. Những đại biểu cộng sản trong chánh phủ liên hiệp sẽ tạo thêm nhiều khó khăn trong một hay hai năm, và cái Chánh Phủ đó sẽ bất lực , các thành viên cộng sản sẽ từ nhiệm, và một Chánh Phủ khác sẽ được thành lập: Chánh Phủ độc lập "Quốc Gia Dân Chủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam" một Chánh Phủ "cấp tiến, xã hội của giai cấp vô sản" . Và ba bốn năm sau, một "chánh phủ độc tài" thực hiện việc thống nhất hai miền Nam Bắc sẽ thay thế Chánh Phủ của giai cấp vô sản kia.

Chung quanh ông Thiệu, người ta tin là cộng sản sẽ tốn ít nhất 2 hay 3 năm nữa. Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa tuy là cô đơn nhưng sẽ đứng vững. Cần nhứt là tình hình kinh tế phải tốt đẹp hơn. Các tổng bộ trưởng phải gia tăng tuyên bố khích lệ thêm lên. Đặc trách về kinh tế ông Hảo cam kết sẽ gia tăng xuất cảng. Bị hối thúc, ông nói gổ và ngư hải sản có thể sẽ mang về 100 triệu mỹ kim hằng năm. Ông nói hơi quá: trong năm 1974 Miền Nam phải nhập cảng 929 triệu mỹ kim và chỉ xuất cảng được 76 triệu. Người ta đổ cho Chánh Phủ điều hành lãnh vực kinh tế không tốt, ngó lơ các cuộc mua bán ngoại tệ và chợ đen.

Hãy noi gương cá nhân ông Hảo: "hành động có đạo đức"

Ông cùng với Đô trưởng SàiGòn đi khắp các chợ, những nơi có chứa hàng lậu thuế, thuốc lá, rượu tây, hàng ngoại , máy thu phát âm thanh cực chính xác .... ông cố thuyết phục người bán là nên chấm dứt chuyện mua bán bất hợp pháp nầy đi, điều làm cho người ta vừa kinh ngạc vừa tức cười. Trong sự ngây thơ nầy ít nhất ông cũng đã tỏ ra thành thật. Cả người mua và người bán ai cũng cười. Báo chí nghiêm khắc chỉ trích ông Phó Thủ Tướng : tờ Điện Tín viết: những chuyến đi dạo chợ của ông Phó Thủ Tướng Hảo được chiếu trên vô tuyến truyền hình là hành động có tánh cách "cố tình khoa trương".

Người dân đứng đắn ai cũng biết là nếu có tham nhũng, hối lộ, để được giấy phép nhập cảng hậu hĩ hay giấy phép xây cất bừa bải, hoặc chuyện mua bán ngoại tệ v..v.. thì những thứ toan tính đó không ai dại gì đem ra ngay giữa chợ đâu.

Ở "chợ trời" nơi các món hàng đánh cắp, hàng lậu thuế... được bày bán lẫn lộn với mọi thứ lặt vặt với giá hạ, người ta mua đi bán lại đủ mọi loại hàng từ chiếc máy thu thanh cực nhỏ đến bàn máy đánh chữ, đồ trận, và đồ lót bằng vải kaki, từ đồ hộp, thức ăn khô của binh sĩ đến những máy khoan điện cầm tay xuất xứ từ California đến những đôi giày da cá sấu của Đài Loan. Trên quầy hàng đủ loại xà phòng còn nguyên xi trong hộp nằm lẫn với các mũ lưỡi trai. "Thượng vàng hạ cám" thứ gì cũng có, tốt xấu gì cũng có..... nhưng từ khi 500.000 lính Mỹ hồi hương rồi thì " chợ trời" mua bán hơi ế ẩm..

Về khách hàng thì ở chợ trời nầy, người ta nhận thấy đủ mọi tầng lớp người trong xã hội , giàu sang có, nghèo hèn có, dân quê từ các tỉnh Miền Tây lên có, từ các tỉnh miền Đông giáp giới Cam Bốt xuống có, công nhân và thợ thầy của hàng ngàn công ty ở SàiGòn có, quân nhân mặc quân phục có, sĩ quan và binh sĩ ngoại quốc thuộc Ủy Hội Quốc Tế có... Ngoài ra người ta còn nói nhiều về một số không ít "cao bồi", quần ống túm, từng cặp từng cặp lượn qua lượn lại đèo nhau trên các xe Honda, để thừa cơ hội đông người chôm món nầy chỉa món nọ... đôi khi làm phiền khách du lịch. Một số người ngoại quốc thường nhìn bề ngoài hào nhoáng, thơ mộng, khó thấy những gì ẩn kín của thành phố. Ở SàiGòn phải trên 100 tiệm thương mãi mới có một tiệm hút thuốc phiện, trên 1000 tiệm ăn hay chạp phô mới có một quán nhảy. Đô thành Saigon rộng lớn với Gia Định, Chợ Lớn và các quận ngoại thành, ngoại ô, có khoản từ 3 triệu 500 ngàn đến 4 triệu dân, trong đó có một số từ các tỉnh đổ về, đến, ở một thời gian, rồi đi... không cố định.

Du khách thường hay chơi ở trung tâm thành phố, chung quanh dinh Độc Lập, nhà bưu điện trung ương, nhà thờ chánh tòa, đường Tự Do con đường chính đi thẳng từ nhà thờ Đức Bà đến Sông SàiGòn là nơi có những nhà hàng nổi. Du khách đi dạo chơi chung quanh chợ SàiGòn và các khách sạn, như Continental mà người chủ Philippe Franchini kín đáo ở ngay tại đó, Caravelle tối tân có máy điều hòa và ngang đó là Graham Greene.... Du khách thường ăn ở các nhà hàng do người Pháp hay người Corse làm chủ, và giao dịch với 18 chi nhánh ngân hàng Việt Nam hoặc 14 ngân hàng ngoại quốc..

Giới quốc tế sang trọng thì ở nnững khu đẹp hơn, ở quận 3 và quận 1, nơi đó đường sá sạch sẽ hơn với những hàng cây cao bóng mát hai bên đường, có những biệt thự tráng lệ kín cổng cao tường, với những hàng rào cây xanh ngắt, bông hoa cây kiểng. Đây cũng là khu gia cư của giới thượng lưu trí thức , công chức cao cấp, người Âu Châu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đường phố ở đây rất yên tĩnh như chìm trong giấc ngũ trưa vậy vì ít người qua lại. Trong cuộc chiến mà Bắc Việt gọi là "chống Mỹ cứu nước" hay là "cuộc kháng chiến thứ hai", hàng trăm hàng ngàn người Mỹ cư trú ở SaiGon. Ngoài các khách sạn hay trong doanh trại, họ còn thuê hay mua nhà ở những khu sang trọng và yên tĩnh nầy, một di sản kiến trúc rất đẹp của người Pháp đã để lại cho Việt Nam .

Người dân SàiGòn thì ở các nơi khác, như quận 5 quận 7 ồn ào đông đúc hơn, chen chúc nhau dài theo các con đường nhỏ hẹp hơn, có khi không được tráng nhựa, không được sạch sẽ lắm. Nhưng cũng không đến đỗi nghèo khổ như Calcuta hay Dacca đâu. Người dân SàiGòn nào mà không tìm được nhà 1, 2, hay 3 phòng ở nội thành, không có được nhà xây gạch thì họ sẽ ở những dãy nhà xây cất bằng vật liệu nhẹ, bằng cây, hay trên những nhà sàn hai bên bờ rạch, hoặc trên những nhà bè, nhà nổi, trên thuyền bè lưu động. Chỗ nào cũng ồn ào với tiếng động cơ máy móc của các xưởng thủ công nghệ, sản xuất ngay tại gia đình từ nồi niêu song chảo bằng nhôm đến mọi vật dụng bằng nhựa, một loại chất dẽo của thế giới thứ ba cũng còn được gọi là thế giới đang phát triển. Giới bình dân SàiGòn là thợ sửa chửa đủ loại, từ chiếc xe đạp đến mô tô, tủ lạnh.. họ hành nghề ngay trong căn nhà ọp ẹp trống trải của họ, dưới mái tôn nóng bức. Hai bên các con rạch nước đen ngòm lại còn có những căn nhà nhỏ như ổ chuột. Trẻ con trần truồng chơi đùa vui vẻ vô tư giữa các thùng cây, các bao lúa hay các vật liệu phế thải bẩn thỉu, vỏ đồ hộp, thùng giấy, ống cao su ...của gia đình thu nhặt được.

Ở cái thế giới hỗn độn nầy trẻ con được ăn uống no đủ, nhưng các cơ quan y tế không chiến thắng được bịnh thiếu sinh tố và bịnh sốt rét. Cuộc chiến tranh và sự có mặt của người Mỹ đã tạo ra được một sự phồn thịnh bề ngoài hay tạm thời thì đúng hơn (mà bộ máy tuyên truyền Bắc Việt sau 1975 gọi là "phồn vinh giả tạo"). Hậu quả của sự phồn thịnh nhất thời ở đây sẽ rơi vào lớp người không được ưu đãi nầy. Ngoài một số ít trại tỵ nạn, không có một người dân Miền Nam nào đói hết. Năm 1975 người ta đọc được trên báo chí các nước rằng Miền Nam Việt Nam vẫn còn là một nước nông nghiệp (đến 80 %) . Chưa đúng lắm, vì bị ảnh hưởng của chiến tranh, bị đồng lương hấp dẫn, nhiều nông dân chẳng những đã trở thành công nhân, mà còn đã biến thành thợ hồ, thợ máy, thợ tiện, thợ điện hay cả nhạc sĩ nữa . Các chuyên viên xã hội học của Hoa Kỳ đến Miền Nam Việt Nam không có thì giờ để thấy rõ được hiện tượng nầy , vì họ còn đang bận với kế hoạch bình định, và điều tra các tù binh việt cộng. Xã hội Miền Nam Việt Nam thay đổi, tiến lên lần lần với thế kỷ XX, có người nói là huy hoàng, có người cho là suy sụp. Chiến tranh làm cho gia đình ly tán, sanh ra đĩ điếm nhưng cũng tạo ra những công nhân giỏi và thợ khéo, những bác sĩ và dược sĩ lành nghề, nhiều chuyên viên cấp cao, nhưng cũng làm cho một số hàng chục ngàn thất nghiệp, phần lớn nhóm sau nầy vào quân đội để sống. Con số công nhân ở SàiGòn chắc chắn phải nhiều hơn ở Hà Nội.

Vì họ đoàn kết chặt chẽ với nhau nên trên 500.000 người Tàu sống ở Chợ Lớn ít có người thất nghiệp. Từ lâu rồi trên nguyên tắc Hoa Kiều bị cấm buôn bán cá, thịt, vải vóc, sắt thép, chạp phô và gạo. Họ cũng không có quyền có cửa hàng tạp hóa, buôn bán xăng dầu và chuyên chở công cộng. Nhưng ở Việt Nam luật lệ là một chuyện còn thi hành luật là một việc khác. Người Trung Hoa kiểm soát hết hệ thống các thương hội, trong đó tất cả những cơ quan an ninh mật vụ và trước hết là CIA, khó mà tuyển được người lắm. Trên thực tế người Trung Hoa như các thầu khoán, các người làm việc , đều núp kín dưới tên họ Việt Nam nên họ đều có ruộng , là chủ các hãng xưởng, sản xuất từ bột, dầu ăn, đồ hộp v.v.. đến cả nước mắm nữa, họ còn là chủ khách sạn, các tiêm ăn, nhà hàng sang trọng, các tiệm "lạc son" (bán đồ sắt đồ đồng ), và các tiệm bán thực phẩm. Những người bán dạo, các tiệm bán thức ăn thức uống đầy rẫy khắp mọi nơi khắp các thành phố. Họ còn có chân hay làm chủ một số lớn công ty xuất nhập cảng, các hãng buôn sĩ bán lẻ. Tất cả những dàn xếp tính toán trong việc mua bán đều chắc chắn và khả tín vì trong chuyện làm ăn lớn nhỏ có dính dấp đến tiền bạc, thì một lời nói của người Tàu dù không có giao kèo khế ước đều chắc như đinh đóng cột, đều là vàng. Họ liên lạc chặt chẽ với mọi ngân hàng, mọi công ty tín dụng ngoại quốc, từ Bangkok đến Singapore, Hong Kong, Đài Bắc. Không gì qua được người Tàu khi muốn chuyển tiền ra ngoại quốc, hay muốn đổi tiền Việt Nam ra mỹ kim, đồng quan thụy sỉ, hay đồng mark của Đức v.v.. mà không cần phải đi qua sở Hối Đoái.

Ở Chợ Lớn, người ta không thấy một biểu ngữ nào của chánh phủ. Bây giờ thì ở thủ đô đang có treo một biểu ngữ mới: "Phước Long sẽ được tái chiếm". Biểu ngữ mới toanh, được treo ở trước các công sở.

Còn rất ít người chú ý đến "Bốn Không" của ông Thiệu :

- "Không thương thuyết với địch" còn có ý nghĩa gì nữa sau bao nhiêu thời gian dài ở bàn hội nghị để đi đến Hiệp Định Paris 1973.

- " không công nhận cộng sản ở Miền Nam Việt Nam " : điểm chánh trị căn bản của Tổng Thống Thiệu.

- "Không có Chánh Phủ Liên Hiệp", khi một điều khoản của Hiệp Định đã có dự trù một Hội Đồng Hòa Giải Dân Tộc .

-"Không nhượng một tất đất cho cộng sản " , trở thành chua chát sau khi mất Phước Bình....và tỉnh Phước Long.

Cũng tương tự như ở Miền Bắc , ở Miền Nam các biểu ngữ được dán, treo hay vẽ lên tường. Như: "Đừng bán gạo cho cộng sản" hay "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm", hoặc " Hợp tác với cộng sản là tự mình uống một viên thuốc độc có bọc đường" v.v...

Ở SàiGòn nếu không có những hình thức tuyên truyền như vậy, không có các bản tin tức truyền thanh truyền hình, không có báo chí, tin đồn, chuyên nhãm nhí .. ở khắp các quận, không có binh sĩ mặc quân phục... thì người ta có thể không nhớ gì đến chiến tranh.

Đôi khi người ta nghe tiếng đại bác bắn ở xa xa, nhưng không còn có những vụ đặc công hay nổ mìn ở SàiGòn nữa, hàng rào kẽm gai đã rỉ sét , bao cát thì rách và lính gác trước quận hay doanh trại thì thờ ơ, thường ngồi nhiều hơn đứng. May mắn thay cho SàiGòn một thủ đô yên tĩnh lạ lùng trong cuộc chiến, SàiGòn có một vẻ đẹp duyên dáng, vui tươi, đầy nhựa sống.

Vào buổi sáng sớm tinh sương êm dịu, SàiGòn thức dậy như một đóa hoa vừa hé nở.. Giống như các đô thị lớn ở Á Châu, dân chúng từ ngoại ô đổ về trung tâm thành phố. Cảnh sát mặc đồng phục xám bắt đầu đi tuần rỏn.. giữa tiếng gáy rân trời của vô số bồ câu, Các bà bắt đầu nhóm lửa đốt lò. Mùi than, củi hòa lẫn với mùi nước lèo thơm ngát, mùi xăng, mùi nước mắm. Để đi làm việc, già trẻ gì các ông cũng mặc quần dài áo sơ mi đẹp, các bà thì đội nón lá, các cô thì mặc áo dài mượt mà.. Xe đạp và xe gắn máy chạy chật cả đường, Các quầy hàng bày đầy kẹo, thuốc lá, kính râm, nước hoa, kem đánh răng, ấm tích, bút máy, thau chậu, cả chim nữa..Tất cả hàng hóa bằng mũ nhựa màu sắc rực rở kiểu Á Đông làm cho người Phương Tây lóe mắt. Người ta mua bán, đổi chác, sửa chữa .. ở đây có mùi dầu bạc hà, chỗ kia mùi nước tiểu.. Chợ nào cũng đầy ngập hàng hóa, nhất là chợ trung ương. Dâu, cam, trái vải, bưởi, ớt, khoai, rau muống, hành, cà rốt không thiếu thứ gì cả, và nhiều nữa. Người mua trả giá không phải để cho vui mà thực sự để tìm giá hạ. Từ sáng tới chiều, lưu thông tấp nập, tất bật và vui nhộn. Người ta tôn trọng phụ nữ hơn là tín hiệu đèn lưu thông. Xe buýt và xe khách đầy người mặc dầu đã cũ. Xe đạp, xe gắn máy , mô tô, nổ rần trời chạy chen với tắc xi, những xe Renault 4 ngựa, cũ kỷ màu xanh mà đồng hồ tính tiền không bao giờ nhảy. Tài xế cứ vô số 2 rồi vọt... SàiGòn là thành phố của xe Honda, của xe Peugeot, của xe Renault. Khoản 8 giờ thì người ta thấy tài xế Việt Nam trên những xe Ford Pinto đen của Mỹ. Ai cũng biết rằng những người Mỹ ngồi cạnh tài xế Việt Nam là nhân viên của CIA. Xe Ford Pinto đen là loại xe ưa thích hay chánh thức của cơ quan nầy. Những người Tây Phương khác , nhất là người Pháp thì thường dùng xe La Dalat hay Méhari. Các xe ba bánh thì chuyên chở các thùng hàng mà họ ràng buộc cao ngất lên, nhưng thăng bằng như hát xiệc vậy. Người ta bị chận lại hoài, rồi người ta nhận kèn in ỏi, người ta vọt lên, càu nhàu lấy lệ. Một đứa trẻ, hai đứa bé, có khi ba.. được đèo phía sau xe, cười đùa tự nhiên. Ở trung tâm thành phố được ghi nhận là có nhiều người Ấn Độ, Có khoản từ 3000 đến 4000 dân Ấn ở SàiGòn. Họ đến đây từ Coromandel, từ Malabar, từ những chi nhánh thương mại của Pháp. Họ chuyên nghề mua bán ngoại tệ. Vì là dân cho vay chuyên nghiệp nên họ đổi tiền nặng lời kinh khủng. Dân Hindous thường có thông hành Pháp, và người ta thường mướn những người Hindous nầy, đôi khi cũng có vài người dân Sikh để gác đêm các cơ sở thương mại quan trọng như kho hàng hay các khách sạn lớn như Continental.

Có vài trẻ nhỏ khoảng 12 hay 13 tuổi đầu thường chạy quanh theo người ngoại quốc để gạ đổi tiền hay gạ tìm gái hay gạ bán ảnh khỏa thân.

Có những trẻ khác lớn hơn rủ rê đi tiệm hút. Những người sành điệu thì thường chọn khách sạn Hưng Đạo, Hưng Đạo 1 hay Hưng Đạo 2 , nơi đây có những cô gái mặc áo lót ra tiếp khách. Cuộc chiến thường vứt vào thành phố đủ hạng người , từ người quân nhân với bộ quân phục mà không có súng ống, tới những kẻ vô công rổi nghề, những người chạy áp phe. Các anh lính thường tản bộ tay nắm tay, giống như bộ đội ở Hà Nội . Sỹ quan thì có vẻ quan trọng hơn đi xe Jeep hay xe chỉ huy. Đến khoảng giữa trưa, hơi nóng phủ mặt đường , không khí dày đặc , nặng nề.. oi bức. Đâu đó có tiếng còi hụ của một xe cứu thương.

Ở tiệm cà phê Givral, "ba chàng ngự lâm pháo thủ" đang nhâm nhi ly cà phê đầu tiên trong ngày. Vượng và Cao Giao đang nghe Ẩn nói chuyện, có vẻ chăm chú và nể phục, đôi lúc kinh ngạc vì tầm nhìn quá rộng và quá chính xác của người bạn.

Quá trưa thì các rạp chiếu bóng đầy khách. Phim chiến tranh thì quá phổ thông, nhưng cách đây chừng ba bốn chục cây số người ta có thể nghe thấy tận mắt trận chiến thật sự, tại sao phải xem phim ? Có lẻ vì phim nó có hồi kết cuộc. Ở SàiGòn người ta sống bên lề cuộc chiến, nhưng không thể quên cuộc chiến được . Người nào cũng biết là cuộc chiến chưa chấm dứt và không một ai biết nó sẽ chấm dứt lúc nào và như thế nào .

Người ta ít đi xem những cuộc triển lãm do cơ quan văn hóa các Tòa Đại sứ tổ chức vì các cơ quan nầy cũng chiếu phim tài liệu hấp dẫn lắm. Như Học Viện Pháp sẽ chiếu "Bốn trăm phát" ngày 7 tháng giêng, "Jules và Jim" ngày 9, "Cesar và Rosalie" ngày 10. Trung tâm SàiGòn cũng như Hà Nội đều có lối kiến trúc của Pháp. Nhưng các sinh viên bây giờ không còn ai nói tiếng Pháp nữa. Trong những năm gần đây, tiếng Anh thông dụng hơn để bước vào các hệ thống hành chánh hay quân sự.

Những người dân tị nạn đến từ Phước Long từng nhóm nhỏ, đi bộ có, đi xe cũng có, vài nhóm quá giang xe quân đội. Họ không làm rối loạn thành phố.

Không như các thành phố lớn khác như Đà Nẵng hay Huế, SàiGòn gần như đứng ngoài cuộc chiến vốn thường xảy ra xa thủ đô, trên vùng Cao Nguyên, trong đồng ruộng hay tận các làng mạc xa... Ở những nơi đó cũng có đầy đủ vật dụng bằng mủ, bằng nhựa nhưng không có đèn nê ông vì không có điện. Trẻ con giữ trâu thường đi bắt cua cá trên các bờ đê ruộng hay trong các ao. Ở SàiGòn một tiếng súng thôi cũng làm cho người ta bu lại. Nhưng ở trong đồng ruộng, phải là một tiếng bom nổ hay một đạn pháo nổ bên cạnh mới làm cho các chú bé nầy ngẩng đầu lên nhìn. Bọn chúng đánh giá sự nguy hiểm bằng thính giác. Dân làng cũng vậy, họ tìm cách sống bên lề cuộc chiến, để làm việc, để tìm nguồn nước mà trồng trọt, để mà sống và được sống còn. Với những đàn heo đen và đàn gà chen chúc dưới gầm giường, dân làng dù sống trong những căn nhà tranh hay nhà gạch, họ vẫn có đủ những máy thâu thanh nhỏ để nghe được tin tức đủ loại và âm nhạc. Ngay năm 1975 cũng như những năm trước , 1965, 1955. hình ảnh của làng mạc trong Miền Nam là như thế, không giống như làng mạc ngoài Bắc Việt , Ở Miền Bắc có được mấy miếng tôn dợn sóng trên mái nhà là điều hiếm có.