Chương 20
Hơn một giờ sau, Hiền cùng bạn bè vẫ còn đi chơi ngoài bãi biển. Trời đã tối hẳn vì là một đêm hạ tuần, và mãi đến chín, mười giờ trăng mới mọc. Rặng đèn điện trên đường cao chiếu ánh xuống những đợt sóng thành những hình trạng rất lạ lùng... Có lúc trông giống một cái tầu bằng kim cương chạy ngang một quãng dài theo ven bờ rồi vụt biến vào trong đêm tối, chìm lắng xuống đáy biển... Có lúc trông giống như một đàn quái vật vẩy dát lân tinh. Chúng gầm thét đuổi nhau, nuốt nhau, biến đi hiện ra mãi mãi không cùng.
Hiền lặng lẽ ngắm cái hiện tượng biến cải trong giây lát mà tưởng như đứng trước một cảnh mộng ảo thần tiên. Bên tai nàng, Lưu thì thầm bài “Un Jour Loin de Toi”.
“Một ngày em xa anh là một ngày em buồn tênh...”
Với cái nghĩa lãng mạn của câu ca, bao nhiêu thi vị của cảnh sóng biển ban đêm càng tăng lên. Hiền ngây ngất mê man, sung sướng cất tiếng hát một bài ca Pháp. Giọng nàng cao và trong. Tiếng sóng trầm và đục như tiếng cây hồ lớn gẩy chen nhịp hát. Dứt lời ca, tiếng ngân còn như kéo dài qua những tiếng vỗ tay.
Cặp đèn ô- tô (xe hơi) từ trên đường cao chiếu ánh sáng xuống biển làm cho những lớp sóng vụt hiện rõ ra như lúc ban ngày, và trong một giây làm mất hết cái hình ảnh huyền diệu... Hiền cũng vụt tỉnh giấc mộng yêu đương, lắng tai nghe mấy người bạn bình phẩm về bản chất ngây thơ, đần độn của Vọi. Nàng chỉ mỉm cười...
Bây giờ có lẽ đã gần chín giờ vì đèn khách sạn đã tắt. Mọi người chia tay, ai về nhà nấy. Lưu bảo Hiền:
- Tôi xin đưa cô về.
- Cám ơn anh. Kể thì tôi đi một mình cũng chẳng ai bắt nạt nổi. Nhưng anh đã có lòng tốt muốn hộ vệ, tôi quả không dám từ chối.
Đi được một quãng, Lưu ngập ngừng nói:
- Thưa cô...
Hiền nghe chữ ‘cô’ đã hơi lạ tai vì lâu nay Lưu chỉ kêu nàng là ‘chị’. Nhưng lần này nàng chẳng hiểu sao không những nàng không muốn cự lại mà còn nhận ra rằng tiếng ‘cô’ dịu dàng êm ái hơn tiếng ‘chị’.
- Anh bảo gì?
- Thưa cô...
Lưu định tìm những lời âu yếm kín đáo để gợi tình yêu trong lòng cô thiếu nữ nhưng đột nhiên luống cuống, chẳng biết bắt đầu ra sao.
- Cô ở Sầm Sơn lâu ngày đã thấy chán chưa?
- Thưa anh, chán thì chưa chán. Nhưng cũng sắp phải về Hà- Nội thôi!
Lưu có vẻ hốt hoảng:
- Cô sắp về Hà- Nội?
- Vâng, tôi sắp về Hà- Nội. Nghĩa là mẹ tôi muốn về.
- Để cụ về. Cô ở ngoài này một mình cũng được chứ gì?
Biết rằng mình vừa nói một câu vô lý, Lưu bèn gượng cười nói tiếp luôn:
- Nhưng chắc cụ chẳng cho phép!
Hiền vẫn lặng thinh nhìn những đợt sóng trắng xóa xô nhau trên mặt biển tối đen.
- Cô về thì Sầm Sơn vắng ngắt buồn tênh.
Hiền bật cười hát:
“Một ngày em xa anh là một ngày em buồn tênh...”
Lưu đang hí hửng mừng thầm, đi sát vào người Hiền thì Hiền lại nói:
- Sao mà chữ ‘buồn tênh’ nghe nó ngớ ngẩn buồn tẻ thế? Nó cũng buồn tẻ như như ý nghĩ của anh. Vâng, sao vắng mặt em Sầm Sơn lại buồn tênh được?
Lưu không để ý đến câu nói của Hiền. Chàng chỉ nhận thấy chữ ‘em’ lần đầu thốt ra từ miệng người mình yêu, nghe thấm thía đến tận tâm hồn khiến chàng yên lặng một lúc lâu, mơ màng sung sướng...
Bỗng Hiền trỏ tay bảo Lưu:
- Kìa anh trông, đẹp không?
Một đám mây đen viền vàng chói giải ngang trên làn nước, chiếu lên mặt biển một vết dài ánh sáng lăn tăn chạy thẳng từ chân trời.
Hai người dừng bước đứng chờ xem trăng lên. Nhưng Hiền vừa quay lại hỏi Lưu một câu thì một cảm giác là lạ làm cho nàng rùng mình ngoảnh lại trông... Trăng nửa vành đã ló trên đám mây cao hơn mặt biển đến một sải. Ánh sáng hình như chạy lan rộng mãi ra và vẽ một vạch vàng bóng từ đầu nọ đến đầu kia làn nước, ở nơi trời biển gặp nhau...
Hiền liếc mắt nhìn Lưu, cảm thấy Lưu đẹp trai lên bội phần và đang mỉm cười âu yếm nhìn mình.
Sự yên lặn làm cho nàng sợ hãi và vội tìm câu nói để khỏi nghĩ liên miên:
- Anh Lưu ạ, đã nhiều lần tôi chờ xem trăng lên, mà chưa lần nào tôi trông thấy trăng đang lúc mọc. Thấy ánh sáng tỏa ra rồi vụt một cái, chẳng biết từ đâu nhảy vọt lên, trăng đã cách mặt nước đến mấy thước.
Lưu cười, nịnh khéo một câu:
- Văn sĩ tả cảnh trăng mọc đúng lắm. Nhưng văn sĩ chỉ quên một điều là ban đêm ở chân trời thường có mây. Trăng phải vượt qua đám mây, vì thế lúc ta trông thấy thì đã lên cao. Chỉ có thế!
Hiền suy nghĩ giây lâu rồi mới nói:
- Có lẽ thế. Nhưng tôi đâu phải là văn sĩ đâu, anh đừng quờ quạng, dại dột. A anh Lưu, anh có biết vì sao tôi gọi anh Vọi là thi sĩ không?
Nghe Hiền nhắc đến tên Vọi, Lưu sa sầm nét mặt, lạnh lùng đáp:
- Thưa cô, không.
- Bữa nọ cũng cảnh sáng trăng, nhưng trăng tròng kia. Anh ấy bảo tôi rằng bàn chân đặt trên cát ướt như in xuống đấy những vết dát bạc sáng loáng.
Rồi nàng vừa bước vừa nói:
- Đây này, anh coi có đúng thế không? Thật là: ‘gót vàng lững thững’... lững thững gì nữa nhỉ?
Lưu đọc tiếp:
- Bên làn nước... trong.
Hiền cười:
- Trong thì cũng chẳng trong gì!
Thấy Hiền rẽ vào phố, Lưu hỏi:
- Cô về?
- Anh chóng quên nhỉ? Anh hứa đưa tôi về nhà kia mà!
- Nhưng đêm trăng đẹp lắm, về làm gì vội?
- Khuya lắm rồi, phải về chứ.
Hiền rảo bước. Từ nãy Lưu vẫn theo đuổi một ý nghĩ. Chàng muốn biết Hiền có năng đi chơi ngắm trăng với Vọi không, và nàng đi một mình hay đi với mẹ. Khi lên đến đường, chàng đánh bạo hỏi:
- Cụ với cô thích ngắm cảnh trăng lên lắm phải không?
- Cũng chẳng thích lắm.
- Đêm hôm nọ tôi gặp cô đi với anh Vọi.
- Thế à?
- Hình như có cả cụ nữa thì phải.
- Hình như thế.
Đến cổng, Hiền giơ tay bắt tay Lưu:
- Cám ơn anh. Thôi, anh về nhé.
Tiếng bà Hậu ở trong nhà vọng ra:
- Hiền đã về đấy à?
- Thưa mẹ, vâng.
- Sao con đi chơi khuya thế? Ai đưa con về đấy?
- Thưa mẹ, anh Vọi đấy mẹ ạ.
Lưu nghe Hiền nói dối mẹ thì khấp khởi mừng thầm. Vì chàng chắc chắn rằng trong hai người chỉ mình là đáng kể, đáng sợ. Chàng có biết đâu rằng vì bà Hậu ngờ vực chàng ranh quái nên Hiền phải nói dối để mẹ yên lòng mà thôi chứ chẳng có ý gì khác.
Bookmarks