Chương 22
Nhưng dù Quỳnh có giả bộ hay không thì chuyện của tôi và Quỳnh vẫn diễn tiến ngày càng thuận lợi, dù cái điều khó nói nhất vẫn chưa ai nói với ai. Nhưng tôi nghĩ, so với mối quan hệ gần gũi và sâu đậm trên thực tế thì cái điều kia không có gì quan trọng. Nó sẽ được nói ra vào thời điểm thích hợp và cần thiết nhất.
Đầu năm thứ ba, tôi mua một chiếc xe mới, vì vậy tôi không còn chở Quỳnh đi học nữa. Tuy nhiên điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến mối tình của tôi. Hằng ngày, tôi vẫn đạp xe chạy bên cạnh Quỳnh, đưa cô bé đến trường. Buổi trưa, chúng tôi lại chạy xe song song bên nhau trên đường về.
Lúc này Quỳnh đã là cô nữ sinh lớp mười hai, trông chẳng còn bé bỏng như lần đầu tôi gặp. Quỳnh trở nên đẹp hơn, quyến rũ hơn và cô bé bắt đầu ý thức được điều đó và tô điểm cho nó bằng những cử chỉ duyên dáng bất ngờ. Mặc dù quen nhau đã lâu , mỗi lần trông thấy Quỳnh lắc đầu hất mớ tóc qua vai một cách nghịch ngợm hoặc cắn ngón tay trên miệng để che giấu một sự bối rối nào đó, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi khó tả.
Trâm sau khi thi vào trường đại học y khoa không đậu, ở nhà phụ với mẹ trong việc buôn bán. Nó chẳng có vẻ gì buồn bã về chuyện nghỉ học. Nó bảo tôi :
- Hình như cái số tôi là số thất học. Lúc trước, khi ba tôi đi tù, tôi bỏ học mất mấy năm. Bây giờ, vừa ngấp nghé vô đại học, đã rớt bịch như mít rụng.
Tôi an ủi nó :
- Thi rớt thì sang năm thi lại, lo gì !
Trâm chép miệng :
- Năm nay học hành đàng hoàng còn thi không đậu, nói gì năm tới ! Có khi số tôi hạp với chuyện bán chác hơn học hành !
Tôi cười :
- Số gì lại số buôn bán !
Trâm hất mặt :
- Tôi nói thiệt đó ! Còn như anh là số học hành. Mà anh phải ráng học gấp đôi người khác kìa !
Nó làm tôi đâm ra thắc mắc :
- Tại sao tôi phải ráng gấp đôi người khác ?
Trâm nháy mắt, vẻ tinh quái :
- Chứ gì nữa ! Mẹ tôi chẳng bảo đợi anh ra trường rồi mới tính chuyện con Quỳnh là gì !
Tôi đớ người. Câu chuyện trao đổi giữa dì tôi và bác Tám gái tưởng là chuyện bí mật giữa hai người lớn với nhau, ai dè Trâm lại biết.
Trong khi tôi đang lúng túng đứng đực mặt ra đó thì Trâm cười hì hì :
- Làm gì mà anh ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mất hồn vậy ? Để tôi vô kêu mẹ tôi ra nói chuyện với anh !
Tôi hoảng hồn chưa kịp lên tiếng thì nó chạy tọt vô nhà.
Không biết nó nói thật hay nói chơi nhưng nghe vậy, tôi vội vàng co giò vọt mất. Quỷ thật !
Dạo này tôi nhận được thư mẹ tôi khá thường xuyên. Mẹ tôi tỏ ý lo lắng cho ba tôi vì tình hình chiến sự ở miền Trung ngày càng ác liệt.
Tôi đọc thư, thấy mẹ tôi lo tôi cũng lo. Nhưng vì chiến tranh thì ở xa, còn Sài Gòn quanh năm yên tĩnh, lại có Quỳnh bên cạnh nên tôi mải lo học và lo... yêu nên chẳng mấy chốc quên khuấy mất nỗi lo kia.
Tuy vậy, dù không để ý tôi vẫn nhận thấy chung qunah xảy ra một số hiện tượng khác thường. Như ở bên nhà bác Tám thỉnh thoảng lại xuất hiện những người lạ mặt. Họ đến và đi đều lặng lẽ.
Ngẫu nhiên gặp, tôi hỏi thì bác Tám gái bảo đó là những người bà con ở dưới quê lên chơi. Nghe vậy, tôi chẳng nghi ngờ gì mặc dù tôi thấy họ chẳng giống chút nào với chú Sáu và cậu Chí của Quỳnh, những người thường xuyên lên Sài Gòn.
Một hôm, tôi ra ngoài đầu hẻm mua thuốc lá thì bỗng có một người đàn ông đứng tuổi bước lại bắt chuyện với tôi. Tôi chẳng biết người này là ai nhưng thấy ông ta hỏi chuyện thân mật, tôi cũng trả lời tử tế.
Nói chuyện vòng vo một hồi, hỏi thăm hết người này đến người khác, ông ta bắt qua hỏi thăm gia đình Quỳnh. Ông ta khen bác Tám là người vui vẻ, giao du rộng, rồi hỏi tôi dạo này nhà bác Tám có khách khứa nhiều không. Thấy ông ta hỏi han lung tung, tôi đâm chột dạ, liền chối phắt :
- Bác Tám đi làm suốt ngày chẳng thấy trong nhà có khách bao giờ. Chỉ có mấy đứa nhỏ.
Tối đó, tôi kể lại với bác Tám trai. Bác vỗ vai tôi, khen :
- Cháu khá lắm ! Mai mốt có ai hỏi, cháu cứ trả lời như vậy !
Tới lúc đó, tối mới đoán ra người kia là cảnh sát chìm.
Quỳnh ngồi bên cạnh mỉm cười và nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh trìu mến.
Bác Tám khen, tôi khoái một, Quỳnh nhìn tôi như vậy, tôi khoái gấp trăm lần.
Tôi mong có ai tiếp tục tới dọ hỏi, tôi sẽ "khá lắm" thêm vài lần nữa để được Quỳnh nhìn tôi âu yếm. Nhưng lần này, tôi chờ hoài mà chẳng thấy ma nào xuất hiện.
Bookmarks