Chương 27 - Buổi Sơ Giao


Với tư cách một triết gia có một đời sống giản dị ít nhu cầu, Kiềm Mâu đạo sư có thuê vài người gia nhân giúp việc nhà: một người lão bộc người xứ Trung Đông, trước đây đã từng phục dịch Kiềm Mâu khi còn ở tại Naples, một người đàn bà nét mặt rắn rỏi, người ở địa phương, do sự đề nghị của Phao Lồ, vài hai thanh niên tóc dài, nét mặt hung tợn, cũng người ở trong làng, và mới được tuyển chọn.

Trong nhiều ngày, Kiềm Mâu vẫn im lặng không chịu thảo luận với Linh Đông về những vấn đề mà y muốn biết. Người nói:

- Mọi việc đều sẵn sàng về phương diện ngoại cảnh, nhưng còn về bên trong thì chưa, linh hồn con phải tập quen với chốn này và thấm nhuần bầu không khí thiên nhiên ở chung quanh, vì cõi thiên nhiên là gốc của mọi nguồn cảm hứng.

Thế rồi Kiềm Mâu xoay câu chuyện qua những vấn đề thông thường, ít quan trọng hơn. Người thường hay dắt Linh Đông đi theo, trong những chuyến đi dạo chơi quanh vùng giữa những khung cảnh thiên nhiên rừng rú, và hé mở trước tâm hồn ngạc nhiên và thán phục của người thanh niên Anh những kho tàn quý báu của một khoa học có vẻ dồi dào phong phú bất tận. Lần lần, người nghệ sỹ trẻ được nâng cao tâm hồn và cảm thấy lòng lắng dịu nhờ hấp thụ những kiến thức của Thầy, và những ước muốn mãnh liệt của y cũng tiêu tan không còn nữa. Tâm hồn y càng ngày càng đắm chìm trong một cơn yên tĩnh thiêng liêng của sự suy tư thâm trầm. Y cảm thấy mình trở nên cao thượng hơn, và trong sự im lặng của các giác quan, y cảm thấy dường như nghe được tiếng nói của nội tâm.

Chính Kiềm Mâu đã tìm cách đưa người đệ tử trẻ tới trạng thái yên tĩnh nội tâm, và trong bước nhập môn đầu tiên đó, người đã hành động giống như mọi nhà đạo sư khác thuộc cỡ thấp kém hơn. Đó là bởi vì người mới nhập môn cần phải giữ cho tâm hồn vắng lặng hư không, để cho những khả năng suy gẫm và tưởng tượng có dịp hoạt động, trước khi tập khám phá và lãnh hội được những chân lý trừu tượng siêu hình.

Kiềm Mâu có cái phong độ khác hẳn Zanoni trên nhiều điểm, và nếu cái phong độ ấy không thu hút hấp dẫn bằng của Zanoni, thì trái lại nó gây cho Linh Đông một sự khuất phục và một ấn tượng rất sâu xa. Câu chuyện của Zanoni biểu lộ một sự lưu tâm sâu sắc và tổng quát đối với nhân loại, một tình cảm gần như hứng khởi đối với Nghệ Thuật và Mỹ Lệ. Những giai thoại được lưu truyền về cách sinh hoạt của Zanoni càng làm nổi bật sự huyền bí khi nói về những nét từ thiện và lòng quản đại của chàng. Zanoni có một cái gì gần gũi với nhân loại hơn, nó làm dịu bớt sự e dè sợ hãi mà chàng gây ra cho người khác.

Trái lại, Kiềm Mâu dường như hoàn toàn thản nhiên đối với thế gian bên ngoài. Nếu ông ta không làm ác, thì dường như người cũng không đặc biệt tìm cách làm điều thiện. Những việc làm của ông ta không làm xoa dịu một kẻ lầm than đau khổ nào, những lời nói của ông ta không an ủi một kẻ vô phước bất hạnh nào. Nơi ông, điều mà ta gọi là tình cảm dường như đã bị che khuất, lu mờ bởi lý trí. Ông ta suy nghĩ, hành động, và sống như một thực thể trừu tượng, yên lặng và đều đặn, chứ không như một nhân vật còn giữ lại những tình cảm và lòng ưu ái, yêu ghét của con người. Ngày nọ, nhân dịp Kiềm Mâu nói về những sự biến chuyển đổi thay lớn lao vĩ đại mà ông ta chứng kiến trên mặt quả địa cầu, với một giọng hoàn toàn thản nhiên không hề có một mảy may xúc động, Linh Đông bèn mạo muội bày tỏ sự ngạc nhiên của mình về điểm đó. Kiềm Mâu đáp một cách lạnh lùng.

- Đúng vậy. Đời Thầy là một cuộc đời quan sát, suy nghiệm, còn đời của Zanoni là một cuộc đời thưởng thức. Khi Thầy hái một cành hoa, nhánh cỏ, Thầy chỉ nghĩ đến sự công dụng về dược tánh của nó, còn Zanoni thì ngừng lại để ngắm nghía, chiêm ngưỡng cái đẹp của hoa.

- Và Thầy có tin rằng trong hai trường hợp đó thì cuộc đời của Thầy là cao siêu hơn chăng?

- Không: cuộc đời của Zanoni là lối sống trẻ, cuộc đời của Thầy là lối sống già. Chúng tôi đã luyện tập những khả năng khác nhau, mỗi người trong chúng tôi đều có những quyền năng khác hẳn của người kia. Những người học hỏi theo Zanoni phát triển lối sống đẹp, còn những người theo Thầy thì mở mang sự minh triết và kiến thức sâu rộng.

Linh Đông nói:

- Thật vậy, con có nghe rằng những người gần gũi với Zanoni một thời gian ở Naples về sau đã có một đời sống trong sạch và cao quý hơn trước. Nhưng một nhà hiền triết như Zanoni sao lại giao du với những người như vậy? Đó là điều mà con lấy làm lạ. Còn cái quyền năng lợi hại mà ông ta sử dụng tùy ý muốn, như trong cái chết của hoàng thân Vệ Công và bá tước Ô Diên, thật không phù hợp chút nào với trình độ tâm linh của một bậc siêu nhân.

Kiềm Mâu nói với một nụ cười lạnh như băng:

- Con nói rất đúng, và đó chính là sự sai lầm của những hiền giả mà muốn chen chân vào cuộc đời thế tục. Người ta không thể nào giúp đỡ một hạng người này mà không làm tổn hại cho một hạng người khác. Ta không thể nào che chở người tốt lành mà không sát phạt kẻ hung dữ, và nếu muốn sửa trị kẻ tội lỗi, người ta sẽ sống chung với họ để biết họ tội lỗi như thế nào. Paracelse cũng nói như thế: "Người ta cần biết điều ác cũng như điều thiện, vì có ai có thể biết điều thiện mà không biết điều ác?" Nhưng Thầy không dại dột như vậy. Thầy chỉ sống bằng kiến thức và hiểu biết, chứ không sống theo cuộc đời của thế gian!

Một lần khác, Linh Đông hỏi Kiềm Mâu về Môn Phái hay tổ chức Huyền Môn mà Zanoni đã có lần nói đến:

- Nếu con không lầm thì phải chăng Zanoni và Thầy đều là những môn đồ của phái Hồng Hoa?

Kiềm Mâu đáp:

- Môn phái Hồng Hoa bắt nguồn từ năm1378 sau khi những vị đạo sư Ả Rập tại Damas truyền dạy cho một người du khách Đức tên là Christian Rosenkreuz những bí quyết về khoa Huyền Môn làm nền tảng cho việc thành lập nên môn phái đó. Nhưng trước đó, cũng đã có những tổ chức Huyền Môn gồm có những người đi tìm Đạo bằng những phương pháp tương tự. Tuy nhiên, Thầy nhìn nhận rằng phái Hồng Hoa là môn phái xuất xứ từ một Tổ chức Huyền Môn lớn nhất và lâu đời nhất. Phái Hồng Hoa còn cao hơn cả phái Luyện Kim về mặt giáo lý và đạo đức tâm linh.

- Môn phái ấy hiện nay còn được bao nhiêu người?

- Chỉ còn có hai người, là Zanoni và Thầy.

- Chỉ còn có hai vị thôi sao? Nhưng môn phái ấy truyền dạy cho tất cả môn đồ cái bí quyết trường sinh bất tử kia mà!

- Vị tổ phụ của con đã học được cái bí quyết đó. Nhưng ông ta đã chọn lấy cái chết thay vì sống sót lại một mình sau cái chết của người duy nhất trên đời mà ông ta yêu. Trong môn phái Hồng Hoa, điều mà chúng ta coi như là cao quý nhất, chính là cái pháp môn đào luyện tinh thần, chứ không phải cái bí quyết giữ gìn xác thể không mà thôi. Pháp môn tu luyện tinh thần giúp cho người hành giả có thể thắng đoạt kẻ cường bạo, chế ngự kẻ đối phương, và buông một bức màn ảo ảnh để tàng hình trước mắt mọi người. Vài hạng pháp sư cho rằng bí thuật ấy có thể thực hiện bằng cách xử dụng một đạo linh phù hay một loại đá quý. Nhưng Thầy có thể dùng một thứ cỏ dại ở ngoài đồng nó còn có công hiệu chắc chắn hơn là một đạo bùa hay ngọc quý. Nói tóm lại, có khi những thứ sản vật nhỏ mọn tầm thường nhất trong thiên nhiên lại là những thứ mà người ta có thể khai thác được sự công dụng thần hiệu nhất.

Linh Đông nói:

- Nhưng nếu Thầy nắm được những bí quyết đó, tại sao Thầy lại không đem phổ biến ra ngoài? Phải chăng sự khác biệt giữa Huyền Môn và Khoa Học, là Khoa Học loan truyền cho thế gian biết những phương pháp thực nghiệm, cùng những sự phát minh và những khám phá của mình, còn giới Huyền Môn tự hào đạt được những kết quả nhiệm mầu, nhưng không chịu giải thích nguyên nhân của những điều họ sở đắc?

- Phải, nhưng con hãy suy nghĩ kỹ hơn nữa. Bây giờ ta hãy thí dụ rằng nếu như khoa Huyền Môn được truyền bá rộng rãi trên thế gian, không phân biệt kẻ chánh người tà, kẻ thiện người ác, thì chừng đó phải chăng khoa ấy sẽ trở thành một tai họa cho nhân loại? Nếu như kẻ bạo chúa, lăng loàn, dâm ác, những kẻ hung dữ, sa đọa nắm được những huyền năng thần bí trong tay họ, chừng đó họ có khác gì những loài ác quỷ tự do phóng túng nghênh ngang trên mặt địa cầu? Nếu đồng thời những quyền năng đó cũng được ban cho những người hiền lương, chân chính, thì chừng đó, xã hội loài người sẽ ra sao? Chánh và tà sẽ phải đương đầu nhau trong một trận chiến tranh khốc liệt một mất một còn, những người tốt lành sẽ luôn luôn ở thế thủ còn kẻ hung ác luôn luôn ở thế công.

Trong tình trạng tiến hóa hiện thời của nhân loại, điều ác hoạt động mạnh hơn và lấn lướt điều thiện, chừng đó điều ác sẽ thắng và chiếm ưu thế. Chính vì những lý do đó cho nên chúng ta không những chỉ truyền dạy khoa Huyền Môn cho những người thật tốt lành và xứng đáng để cho khỏi bị lạm dụng, mà còn đặt ra những cuộc thử thách khó khăn nguy hiểm để bảo đảm cho được tuyệt đối an toàn. Về việc này, cõi thiên nhiên cũng kiểm soát và giúp đỡ chúng ta, vì thiên nhiên đã có đặt sẵn những "người giữ cửa" khủng khiếp rùng rợn và những bức rào chướng ngại kiên cố không thể vượt qua giữa các cõi hữu hình và vô hình, tức giữa cõi phàm trần hạ giới và các cõi siêu nhiên.

Đó là đại khái một vài câu chuyện trong những cuộc đối thoại giữa hai thầy trò Kiềm Mâu, những cuộc nói chuyện ấy càng làm kích thích sự tò mò của Linh Đông.

Như thế, ngày tháng trôi qua, tâm hồn của Linh Đông lần lần đã quen với lối sống cô đơn trầm lặng, thiền định suy tư, và quên cả những điều phù du giả tạm cùng những mơ ước hão huyền vô vị của thế giới bên ngoài. Thế rồi một đêm nọ Linh Đông đang lúc ngắm nhìn cảnh vật bao la với muôn nghìn ngôi sao lấp lánh trên nền trời, y bỗng có một sự cảm hứng tâm linh đột ngột, y có cảm giác lạ lùng về một cái gì thiêng liêng vĩ đại huy hoàng ẩn dấu trong cái xác thể hữu hình hữu hoại này. Điều ấy làm khởi động nơi y những hoài bão to tát, dường như một ký ức mơ màng về một kiếp sống trong lành và thánh thiện trong cái thời dĩ vãng xa xăm. Một động lực bên trong mà y không cưỡng lại được, thúc đẩy y đi tìm vị đạo sư. Y muốn xin Thầy khai mở cho y cánh cửa nhập môn vào cõi Đạo, để cho y bước vào những cõi giới khác lạ ở bên ngoài cõi hạ giới phàm trần. Y cảm thấy sẵn sàng bước vào một cuộc sống thiêng liêng hơn cuộc sống hiện tại. Y bèn trở vào tòa lâu đài và đi qua dãy hành lang tăm tối dưới ánh sao khuya để bước đến phòng của Kiềm Mâu.