Chương 2


Vậy là tôi ở phòng mười khu FG lầu 2. Đã quá bảy ngày, vẫn chưa có cán bộ quản giáo nào hỏi han gì tôi cả. Mai bím, hầu như đã quen hết mọi người trong phòng. Nó nói với tôi: “Chí Hòa cách mạng khác hẳn Chí Hòa ngụy.” Theo nó, Chí Hòa ngụy, mỗi phòng đều có một vua tù ác ôn. Hai khu FG và BC hãi hùng nhất. Các vua tù mặc sức sai phái, bóc lột, đánh đập dân tù, thậm chí còn bắt dân tù làm các việc kinh tởm, không ai dám tưởng tượng. Chí Hòa cách mạng lật đổ chế độ vua tù tự phong, cán bộ quản giáo chỉ định một người lo việc cho mọi người. Đó là trưởng phòng. Giúp trưởng phòng có phó phòng, trật tự viên, thư ký. Phòng chia thành nhiều tổ, mỗi tổ có tổ trưởng, tổ phó. Cơm nước đã có tổ trực chia đủ, khỏi sợ cướp phần. Trưởng phòng hiền lành tử tế. Nhiệm vụ của ông ta là duy trì nội quy nhà tù và báo cáo với cán bộ những vụ ăn cắp, đánh lộn trong phòng. “Điểm khác này tao đếch khoái,” Mai bím nói, “là bị nhốt suốt ngày đêm. Xưa đâu vậy mày, điểm danh buổi sáng xong, cửa phòng mở toang hoang, tụi tao đi tứ tán, qua cả các khu khác buôn bán, kiếm ăn, tối mới về phòng.” Nó thở dài, hoài cổ: “Có vua tù mà có tự do. Mất vua tù lại mất luôn tự to. Mẹ, hồi trước muốn tắm xuống hồ tắm líp ba ga, đánh vô lây tíu tít. Giờ bày trò xách nước lên lầu, tuần tắm hai lần, sân banh thì cuốc cha nó lên trồng rau muống. Phòng thì nhốt như xe buýt dồn khứa. Mẹ, ngày tiêu chuẩn bốn ca nước, rửa đít, đít đéo sạch, lấy nước đâu rửa mặt, rửa chén đũa…” Cái giọng của Mai bím tuôn xối xả. Với nó chỉ khi nào họng súng dí vào ót, nó mới câm miệng. Nhưng mà nó đã nói đúng. Nhiều người thích nó và nhiều người ghét nó. Những người thích Mai bím khai thác nó triệt để về sự nghiệp ở tù và thân thế vỉa hè của nó ngày xưa. Mai bím còn cao hứng biểu diễn nghệ thuật móc túi của nó nữa. Người ta đã trả công nó bằng điếu thuốc rê, thuốc lào, cục đường, miếng thịt. Những người ghét Mai bím đuổi nó đi chỗ khác, khi nó lân la tới gạ gẫm kể chuyện Tế Bần, cướp giật đồng hồ. Tôi nằm ì chỗ của mình. Chán nằm lại ngồi, không đi đâu cũng không thích nói chuyện với ai. Chú nằm cạnh tôi, thấy tôi hay khóc lại tỏ vẻ không ưa Mai bím, đã hỏi tôi:
- Tên cháu là gì?
- Thưa chú cháu tên Vũ, Nguyễn Hữu Vũ.
- Cháu là bạn thằng kia à?
- Không.
- Cháu phạm tội gì?
- Cháu không biết.
Tôi kể lể gia đình tôi và sự việc khiến tôi bị bắt chung với đám nhãi vỉa hè. Chú ấy chép miệng:
- Chúng nó bắt bừa bãi, cháu bị oan.
Chú xích gần tôi:
- Cháu gọi chú là chú Tường, Võ Thế Tường, cháu Vũ nhé!
Lần đầu tiên có người gọi tên tôi bằng giọng thân mật, âu yếm. Tôi bỗng nhớ cha tôi. Và nước mắt tôi lại ứa ra. Chú Tường xoa đầu tôi:
- Đừng khóc, Vũ. Mỗi người vào tù đều có số cả.
- Bố cháu có số không?
- Có.
- Cả nước có số luôn?
- Đó gọi là vận mệnh của đất nước, hàng triệu đứa trẻ chết oan uổng và khổ sở như cháu, nhưng riêng cháu, Vũ ạ, cháu hãy tin chú đi, cháu sẽ nên người, sẽ có lại tất cả những gì cháu tưởng là đã mất.
- Cháu sẽ gặp lại bố cháu?
- Nhất định.
- Và mẹ và em cháu?
- Chứ sao.
Nếu thế, tôi không còn gì để lo lắng. Mẹ tôi, em tôi vẫn còn sống. Dễ mẹ tôi chịu đứng yên cho người ta ria đạn. Phải, dễ chi mẹ tôi và em tôi có thể chết thảm. Có nhiều viên đạn đã tránh người lương thiện.
- Thưa chú.
- Cháu muốn hỏi chú điều chi?
- Bên ngoài chú làm nghề gì?
- Chú viết báo, làm thơ.
- Tại sao họ bắt chú?
- Chú chống họ, chống tới cùng. Họ ghép chú tội phản động.
- Bao giờ họ mới thả chú?
- Chú là tù nhân không bị kết án, cháu ạ. Hai tháng hay hai mươi năm, chưa biết được.
- Còn cháu?
- Chừng nào họ cho cháu làm lý lịch, họ sẽ tha cháu.
- Chừng nào, chú Tường?
- Đợi đi, Vũ.
Sau lần chuyện trò đó, chú Tường chăm sóc tôi như thể tôi là cháu ruột chú ấy. Chú cho tôi cái bát nhựa, cái muỗng nhựa, tôi hết bị ăn bốc và đựng cơm bằng miếng ni-lông dày. Ở Chí Hòa, phạm nhân không được giữ bất cứ đồ đạc gì bằng kim khí. Tất cả bằng nhựa. Giấy bút cũng bị cấm chỉ, kể luôn giấy vệ sinh. Chai lọ thủy tinh phải nộp từ lúc xét tư trang cá nhân trước khi bước vào phòng. Có chú Tường gần gũi, tôi bớt sợ hãi. Và tôi dám tin rằng, ngày tôi được tha, tôi sẽ gặp cha mẹ và hai em. “Nhưng cháu phải thân mật với thằng Mai bím. Chú sợ, trước khi về, cháu và nó còn đi với nhau. Nó có thể hại cháu đấy. Ở tù Cộng sản không sợ cai tù mà sợ nhất những người bị tù như mình. Hễ chạm tới quyền lợi hay hễ nó ghét mình, nó sẽ đổ cức lên đầu mình, đặt đủ thứ chuyện xấu xa về mình rồi rỉ tai khắp nơi nó đến. Tốt nhất, cháu đừng làm mất lòng ai. Cứ luôn luôn khờ khạo, dốt nát là yên thân.” Chú Tường dạy tôi bài học vỡ lòng ở tù. Chú hút thuốc rê liên miên. Điếu thuốc chú quấn to như ngón tay cái, chú nhả khói y hệt ống khói tàu hỏa. Chú Tường rất khoái ngâm thơ. Bài thơ chú hay ngâm là bài “Nhớ rừng”. Giọng chú bi thương chả khác gì lời than của con hổ trong vườn bách thú. “Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi…” Chú Tường rống lên rồi im bặt. Tưởng chừng chú sắp vươn chân lên đạp đổ bức tường xi măng cốt sắt. Không, chú vẫn ngồi im, đôi mắt chớp mau.
Nghe chú dạy bảo, tôi đỡ khó chịu hơn với thằng Mai bím. Ít ra, Mai bím cũng dễ thương hơn những kẻ đã bắt tôi. Nó chẳng thèm hiểu thì đúng hơn. Mai bím thường bẻ đôi cục đường nó chĩa được cho tôi. Nó khuyên tôi nên hút thuốc lào. “Nằm ấp, phi thuốc lào bất thành tù,” nó nói thế. Nó hút thuốc lào khủng khiếp. Thường, nó chỉ sấy lại điếu thuốc mà người ta đã rít. Khi nào, nhất là sáng sớm, chĩa điếu thuốc nguyên, nó kéo một hơi dài, đẫy đà, vừa buông điếu đã lăn đùng trên sàn phòng, dẫy dụa rất buồn cười. “Phê sướng lắm, mắt lim rim, tim đập mạnh, mày ơi!” Nó dụ dỗ và quảng cáo thuốc lào: “Hút điếu thuốc lào nâng cao sĩ khí! Một điếu thuốc lào bằng bao thuốc lá.” Mai bím xứng đáng tước danh công dân vỉa hè hạng nhất. Nó và tôi hay đứng gần tường, qua chấn song sắt, mỗi thanh to bằng một cánh tay tôi, nhìn cái lò bát quái. Những lúc này, Mai lại có dịp múa may những điều hiểu biết của nó về khám Chí Hòa.
- Mày đếm coi Vũ, đúng tám cạnh chưa?
- Đúng.
- Bát giác mờ lỵ. Bái quái xêm xêm. Người ta biểu Nhật nó vẽ kiểu cho Tây xây cất đấy, mày ạ! Đó, đó, cái sa-tô-đô chính giữa sân giống hệt lưỡi kiếm của thằng hiệp sĩ mù cắm xuống, cái chuôi thì dựng đứng. Tụi nó rước thầy bên Tây Tạng sang ếm dân mình. Cứ phá mẹ cái sa-tô-đô và nhổ phăng lưỡi kiếm là dân mình hết cảnh tù tội. Đủ má, cách mạng đéo chịu phá nên tao với mày lại nằm tù. Kỳ ghê, hén?
- Chí Hòa có mấy khu?
- Bốn, AH, BC, ED, FG. Mỗi khu hai cạnh. Mày nhìn kỹ con đường hầm giữa khu ED đi tới sa-tô-đô, trông như con voi xếp hàng dọc. Ban đêm họ bật đèn, ớn thấy mẹ. Còn cái con đường từ lầu 2 ráp gianh AH – BC là sân khấu ngoài trời. Hồi trước, mỗi chúa nhật, Hùng Cường, Tùng Lâm, Phi Thoàn, Ngọc Giàu, Mai Lệ Huyền… vô biểu diễn, cả làng tù ra hành lang thưởng thức, vỗ tay rầm trời. Đủ má, giờ nó cấm cả ra hành lang.
- Bếp ở đâu?
- Bếp phía ngoài mình đâu thấy. Bếp kia chỉ nấu nước sôi đổ vô hồ cung cấp cho toàn khám. Còn nhiều chỗ, mà vô phúc thiếu âm đức bị điệu tới chỉ có nước hui nhị tì.
- Những chỗ nào?
- Phòng kỷ luật, tối om, thối, khai khú. Khu FG nổi tiếng phòng kỷ luật gớm nhất khám. Trên lầu 3 cơ, chứ góc cầu thang là đồ bỏ.
- Nghe nói có ma vú dài?
- Bố láo. Trước ngày giải phóng tao nằm ở phòng 2 khu BC, cách mạng vào mở cửa cho tao ra ngon lành. Mày tin chứ?
- Không.
- Thây kệ mày. Lạy tao tao mới ra. Ra nhằm hôm mít tinh, biểu tình đông nghịt, ông nạo được ba cái bím, kéo một hơn bốn đổng ba cửa sổ mười hai cột đèn, oắt-tơ-púp đánh bốc thi hơi…
Đó, những điều hiểu biết của Mai bím. Nó mà kể chuyện bán đồng hồ cho bộ đội miền Bắc vô tiệm uống cà phê thì khối người bị bắt ngay từ hôm 30 tháng 4 phải bò ra cười. Đôi khi, Mai bím đã bịa đặt thêm, nhưng nó vẫn ăn đường, uống sữa bột và hút thuốc đều đều. Chưa bao giờ tôi thấy Mai bím buồn bã. Một hôm, tự nhiên, nó gác chân lên đùi tôi, thủ thỉ:
- Này Vũ, tao khoái mày thật tình, mà tao hơi buồn là mày không khoái tao.
- Ai bảo mày thế?
- Tao biết, Vũ ạ! Tao còn biết mày không thuộc loại vỉa hè như tao.
- Rồi sao?
- Rồi tao vẫn khoái mày. Ba mày là sĩ quan ngụy hả?
- Ừ.
- Cứ khai nghề buôn bán cho tiện. Nó ghi vô phích sĩ quan ngụy là mày tàn đời. Đủ má, tao nghe tụi này thù sĩ quan mình thấu xương. Tao thương mày, dặn mày vậy đó.
- Cảm ơn Mai bím.
- Ông hiểu thân phận ông, ra đời sức mấy dám chơi với mày.
- Đừng nói thế, mày. Mà sao bữa nọ mày không trốn?
- Trốn đâu? Trốn lên trời mới thoát, dân vỉa hè trốn đêm nay, đêm mai bị tó lại. Ước gì… mà thôi.
Mai bím nín thinh, cậy răng nó, nó cũng không chịu nói. Tôi chẳng hiểu Mai bím ước gì. Nhưng từ hôm đó, tôi hết ý nghĩ khinh thường Mai bím. À, Mai bím hết ham múa may những điều mà nó cho là kinh nghiệm nhà tù với tôi. Nó có vẻ sợ sệt chú Tường, sợ sệt và kính trọng. Mai bím chưa hề chĩa chú Tường điếu thuốc nào. Nếu nó xin, chú Tường sẽ cho nó. Chú Tường thương tôi thì khỏi nói, song chú không mời tôi hút thuốc. “Ở tù phải tập nhiều thứ, Vũ ạ! Phải tập để không thèm khát thứ gì. Tập nhịn đói được càng tốt. Cháu nên ăn ít cho dạ dày quen làm việc ít,” chú dạy tôi thế, “lỡ mai cháu chưa về, cháu còn đi tới nhiều nhà tù trên đất nước Việt Nam, cháu đừng buồn, đừng tuyệt vọng. Không bao giờ có tuyệt vọng, cháu nhớ kỹ, Vũ nhé! Hãy can đảm đi tới cùng, đi không giống người phiêu lưu, mạo hiểm, mà đi như đi tìm ý nghĩa cuộc sống cao cả, bát ngát.” Như vậy, tôi còn bị đi tới nhiều nhà tù khác nữa. Chí Hòa chưa phải là nơi dừng chân đợi về của tù nhân bất đắc dĩ.
Hai tuần lễ đã trôi qua, người ta vẫn không thèm đoái hoài đến tôi. Ông trưởng phòng tử tế ghi tên tuổi, địa chỉ của tôi vào danh sách phòng nhưng cũng vô vọng. Bất ngờ, vào một buổi chiều, người cán bộ quản giáo ghé phòng, phát một tờ giấy lớn cho ông thư ký làm danh sách mới. Tôi mừng quýnh. Có danh sách nộp cán bộ quản giáo là được cán bộ chấp pháp hỏi cung. Và sẽ được trả tự do. Tôi nghĩ ngay đến con đường dẫn tôi về nhà. Tôi đi bộ hay đi xe xích lô? Đi bộ thì vừa đi vừa chạy. Đi xe xích lô thì phải nói rõ đến nhà xin tiền của mẹ mới trả. Mẹ tôi sẽ ôm tôi khóc nức nở. Tôi sẽ khóc nức nở. Các em tôi sẽ ôm chân tôi, khóc nức nở. Hạnh phúc, bấy giờ, sẽ là nước mắt. Chỉ là nước mắt. Tôi không dám nghĩ gì hơn. Ông thư ký gọi từng người tại chỗ ông khai lý lịch. Xong xuôi, ông chờ nộp cho cán bộ. Sáng hôm sau, cán bộ xuất hiện ngoài song sắt hỏi tội trạng từng người rồi tự ghi vô danh sách, vì chiều qua, cán bộ quên mục tội trạng.
- Phan Quán Khả.
- Tư sản.
- Nguyễn Văn Thiệu.
- Ăn cướp.
- Bùi Kiên Bản.
- Tư sản.
- Nguyễn Cao Kiều.
- Ăn cắp.
- Võ Thế Toàn.
- Phản động, chống Cộng sản.
- Lê Văn Mai.
- Móc túi.
- Nguyễn Ngọc Linh.
- Trộm xe đạp.
- Cao Văn Vinh.
- Giết người.
- Đỗ Tùng.
- In lậu sách, lưu manh.
- Nguyễn Hiệu.
- Sư giả vờ, bịp bợm.
Cả phòng lần lượt khai tội trạng khi cán bộ gọi tên. Đủ các thứ tội. Tư sản mại bản, phản động gặp gỡ sát nhân, trộm cướp, lưu manh.
- Nguyễn Hữu Vũ.
- Không rõ tội.
Cán bộ nhìn tôi trừng trừng khiến tôi sợ hãi. Anh ta gật gật cái đầu, dáng điệu vừa chế riễu vừa răn đe.
- Không rõ tội là vô tội, hả?
- Dạ.
- Bị bắt ở đâu?
- Ngoài đường.
- Tội cướp giật, hiểu chưa? Cách mạng chẳng lầm lẫn bao giờ. Cách mạng sáng rực như mặt trời, mặt trăng.
- Thưa cán bộ…
- Cách mạng sáng suốt không bắt lầm. Mày can tội cướp giật.
Anh ta không cho tôi phân trần hay hỏi tôi thêm điều gì. Chắc chắn, anh ta ghi tội cướp giật vào hồ sơ của tôi. Và tiếp tục gọi:
- Bùi Diễm.
- Lừa gạt.
- Dương Đức Dũng.
- Chống phá cách mạng.
Cán bộ qua phòng khác. Hy vọng của tôi tiêu tan. Tôi lủi thủi về chỗ, nằm khóc rưng rức. Chú Tường dỗ dành tôi: “Ngoan nào, Vũ. Đừng khóc. Cháu phải can đảm thì mới mong về gặp được bố mẹ và em.” Tôi khóc nhiều hơn. Nước mắt của tôi tưởng không tài nào hết. Cách mạng sáng suốt vô cùng. Cách mạng quy tôi cái tội cướp giật, tội mà, sống trọn đời mình tôi cũng không vi phạm. Chú Tường mới nói về số phận, về định mệnh. Định mệnh gì khắc nghiệt vậy? Chỉ chớp nhoáng, định mệnh dẫn thằng học trò ngoan ngỗn vào lao tù với tội cướp giật vu khống. Tôi khóc, tôi nghĩ miên man rồi tôi ngủ một giấc. Tỉnh dậy, tôi thấy chú Tường vẫn ngồi cạnh tôi. Chú không đốt thuốc rê mà khâu cái túi đựng phân bón hóa học. Dù bị cấm đoán, bị xét phòng liên tiếp, tù nhân vẫn có thể tạo được kim khâu vá bằng dây điện nhặt lén khi xuống sân tắm giặt, người ta lượm cả đá lên làm búa, lon sữa bò làm dao và ngói làm phấn học chữ Tàu… Chú Tường đã biết tôi thức.
- Vũ ạ!
- Cháu nghe chú đây, chú Tường ơi!
- Chú mơ hồ cảm giác là chú cháu mình sắp xa nhau. Hoặc chú đi, hoặc cháu đi.
- Ai ai cũng đều buồn, chú ạ!
- Rốt cuộc, vẫn phải xa nhau. Ở tù không có gì đáng hứa hẹn cả, mà chẳng ai dám hứa hẹn với ai. Chú đã may tặng cháu hai cái quần đùi, một bộ đồ cũ sửa lại và cái túi cho cháu đựng.
Chú xé tấm đắp mỏng của chú, cắt quần cho tôi bằng nắp hộp sữa bò mài sắc.
- Tù lớn, tù bé đều cần có hành lý. Chú còn vài đồng và ít viên át-pi-rin, ít viên trụ sinh mạnh, chú tặng cháu luôn, đề phòng đi xa cần dùng.
- Chú thương cháu quá.
- Không đâu, chú thương đời chú đấy. Rồi chú sẽ kể chuyện đời chú cho cháu nghe. Tối nay hoặc lát nữa chú kể. Ta phải làm nhanh vì nó kêu đi bất chợt.
Chú Tường vuốt nếp cái túi đã khâu xong, chú đưa lên ngắm nghía.
- Đẹp rồi. Kỷ niệm Chí Hòa của chú, giữ đem về khoe mẹ nhé, Vũ nhé!
Tôi lại khóc. Lần này, không phải vì sợ hãi, vì nhớ mẹ, nhớ em, vì thương cha mà vì lòng tốt của chú Tường. Chú lấy khăn thấm nước mắt giàn dụa trên khuôn mặt tôi.
- Nín đi, chú cháu mình còn nhiều việc cần làm hơn là khóc.
- Cháu xin lỗi chú.
- Tốt tốt. Những điều chú đã nói với cháu, sắp nói với cháu, cháu chưa hiểu nổi thì cố nhớ. Bố cháu là giáo sư, là sĩ quan. Cháu là đứa học trò ngoan, đứa con hiếu thảo. Phải thế không nào?
- Dạ.
- Hãy xứng đáng là con một người trí thức, con một sĩ quan, không thèm hiểu sĩ quan gì và số phận ông ta bây giờ ra sao. Hãy kiên nhẫn chịu đựng mọi nghịch cảnh, không than van, khóc lóc. Hạnh phúc sẽ tới và sẽ chỉ tới với ai dám chịu đựng. Hãy ngẩng đầu lên khi bị hành hạ tàn nhẫn. Hãy sống như cháu đang sống dù ngày mai cháu có sống chung với toàn lũ trộm cắp, lưu manh. Hãy giúp chúng nó lấy lạy danh dự và phẩm cách con người. Hãy cao thượng và đừng bao giờ phán xét. Cháu nhớ chứ?
- Dạ.
- Điều này cần thiết giúp cháu về với gia đình. Đừng bao giờ làm anh hùng trong nhà tù. Cố sống bình thường, tầm thường càng tốt.
- Dạ.
- Ở nhà tù nào gặp người tốt, cháu nhờ họ dạy bảo, trại giam nào có sách, cháu cố mượn đọc, họ cho đọc thì cháu tự học thêm.
- Dạ.
- Sống không để hưởng thụ, cháu ạ, mà để thẩm thấu hết nỗi đau khổ trong trời đất. Nếu sống chỉ để ăn ngon, mặc đẹp, làm nhiều tiền, thì ai cũng sống được. Nhưng sống như cháu đang sống, còn sống, trên thế giới chỉ có một mình cháu thôi. Vỹ nhân thường được tạo nên trong niềm thống khổ. Cháu sẽ làm lại quê hương này, tổ quốc này, khởi sự từ sân Hoa Lư một đêm mưa tầm tã. Cháu sẽ là anh hùng dân tộc. Chứ không phải những đứa trốn chạy khỏi nước Việt Nam.
Tôi cố nhớ những lời chú Tường dặn. Nhưng tôi không tin rằng tôi có thể làm được những gì chú Tường mong muốn. Dẫu sao, tôi cũng phải nhớ. Để mai này khi trở về - điều này khó khăn lắm - hoặc lang thang hết nhà tù nọ sang nhà tù kia, tôi sẽ vỡ dần ý nghĩa trong mộng ước mà chú Tường gửi gấm tôi. Quả thật, gặp chú Tường nơi tù ngục hay ngoài cuộc đời đều may mắn cả. Dễ chi gặp chú Tường. Tôi tự cho tôi là đứa bé có hạnh phúc. Chú vê hai điếu thuốc rê, đưa tôi một điếu.
- Cháu hút đi.
Tôi lắc đầu. Chú bảo giữ đưa tặng Mai bím.
- Cuối tháng nó sẽ cho viết thư. Chú sẽ đóng tiền mua giấy, phong bì, tem và bút. Rồi cháu viết về nhà, xem sao.
Chú mồi lửa, châm thuốc, nhả khói:
- Nếu cháu đi sớm, cuối tháng, chú sẽ biết cho mẹ cháu giúp cháu.
Tôi thẫn thờ:
- Chú không viết cho cô?
Chú Tường cười:
- Cô đâu cần bằng cháu. Cô biết chú ở đây rồi.
Tôi ôm chầm lấy chú Tường, xuýt làm văng điếu thuốc trên môi chú. Nỗi hy vọng của tôi, chú Tường kính mến, trên bước đường hoạn nạn, tôi đã có chú, đã có lá bùa đeo trước ngực để phấn đấu với mọi nghịch cảnh. Chú dập điếu thuốc, vuốt ve tóc tôi. Và chú kể tôi nghe cuộc đời thơ ấu, nghèo nàn, vất vưởng của chú. Tôi thấy nỗi đau khổ của tôi hôm nay chưa thấm thía gì với nỗi đau khổ của chú Tường những năm lên tám, lên mười. Giọng chú Tường đều đều, xa vắng. Chú có nhiều ẩn ức. Tiếc rằng tôi còn nhỏ, chẳng thể san sẻ những ẩn ức của chú. Tôi bỗng quên gia đình. Có nhớ cũng vô ích thôi. Tôi không còn sợ hãi ngày mai, cái ngày mai người ta sẽ đưa tôi đến những nhà tù nào nữa và sẽ chụp lên đời tôi những tội trạng gớm ghiếc nào nữa. Cám ơn chú Tường, chú đã giúp cháu biết chấp nhận nghịch cảnh và nghiến răng chịu đựng. Cháu hứa sẽ không khóc trong nhà tù.