Chương 3 - Định Luật Phép Lạ


Văn hào Leon Tolstoi có viết một chuyện lý thú nhan đề: "Ba người Ẩn Sỉ, The Three Hermits" như sau:

"Có ba người ẩn sĩ già sống trên một hòn đảo. Họ sống rất đơn giản và chỉ thốt lên lời cầu nguyện duy nhất này: "Chúa trời có Ba Ngôi, chúng con có Ba người, xin Ngài thương xót chúng con!" Những phép mầu thường xuất hiện trong khi họ thốt lên lời cầu nguyện đơn sơ đó. Vị giám mục địa phương nghe nói về ba người ẩn sĩ và lời cầu nguyện khó nghe ấy, mới quyết định tìm đến nơi để dạy cho họ biết cầu nguyện đúng theo nghi thức tôi giáo.

(Chuyện này dường như có một nguồn gốc lịch sử: Vị giám mục gặp ba người ẩn sĩ trên đường biển từ Archangel đến tu viện Slovetsky, ở cửa sông Dvian).

Ông bèn đi thuyền đến đảo, nói cho ba người ẩn sĩ biết rằng lời cầu nguyện của họ không đúng phép, và dạy họ nhiều bài cầu nguyện thông thường theo nghi lễ ở giáo đường. Kế đó, ông giám mục mới bước lên thuyền và rời khỏi bến. Nhưng độ một lúc, ông quay đầu lại thì thấy một ánh sáng rạng ngời nhấp nhô trên mặt nước và đến mỗi lúc càng gần. Khi ấy, ông bèn nhận ra ba người ẩn sĩ đang cùng nắm tay nhau lướt trên mặt biển gợn sóng và cố gắng đuổi theo kịp thuyền của ông.

Khi họ vừa đến nơi, họ kêu lên:

- Thưa giám mục, chúng tôi quên mất những bài kinh cầu nguyện mà ngài đã dạy chúng tôi, và đến xin ngài dạy lại cho nghe một lần nữa!

Vị giám mục lấy làm kinh dị, bèn lắc đầu đáp rất khiêm tốn:

- Hỡi các bạn, các bạn hãy tiếp tục sống với bài cầu nguyện cũ của các bạn trước kia!

Bằng cách nào ba người ẩn sĩ có thể đi trên mặt nước?

Bằng cách nào đấng Ki Tô đã phục sinh sau khi bị đóng đinh trên Thánh giá?

Bằng cách nào các vị đạo sư Ấn Độ đã làm được những điều huyền diệu, lạ thường?

Cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra sự giải đáo, tuy rằng với thế hệ nguyên tử, trước thông minh của loài người đã tiến bộ vượt bức, và danh từ "bất khả" càng ngàng càng bớt áp dụng trong ngôn ngữ của họ.

Thánh kinh Vệ Đà của Ấn Độ dạy rằng cõi thế giới vật chất hữu hình tác động theo định luật căn bản của Ảo Giác, thay Maya, tức là định luật tương đối, Nhị Nguyện. Thượng Đế hay Nguồn sống Duy Nhất, vốn Tuyệt Đối, độc nhất vô nhị, nhưng để biểu lộ ra thiên hình vạn trạng trong cơ sáng tạo vũ trụ càn khôn, ngài phải khoác lấy một bức màn hư ảo giả tạo. Bức màn ảo ảnh ảo giác có tính chất nhị nguyên tương đối đó, gọi là Maya. Nhiều phát minh khoa học vĩ đại của thời buổi hiện nay đã xác nhận lời tuyên bố giản dị trên đây của các bậc đạo sư Ấn Độ thời cổ.

Định luật tác động vận chuyển của Newton là một định luật của ảo giác (Maya): "Mỗi tác động đều luôn luôn gây nên một sức phản ứng tương đương và ngược chiều. Những tác động hỗ tương của bất cứ hai vật thể nào đều luôn luôn ngang sức và đối nghịch nhau". Như vậy, tác động và phản ứng đều ngang bằng sức mạnh với nhau luôn luôn. "không thể có một sức mạnh đơn phương và một chiều, mà luôn luôn phải có một cặp lưỡng nguyên, gồm hai đối tượng song đôi và mâu thuẫn".

Tất cả những sức mạnh thiên nhiên đều có tính chất nhịn nguyên tương đối, tức phản ảnh cái nguyên lý ảo giảc hay Maya. Thí dụ như điện lực là một hiện tượng xô đẩy và hấp dẫn, âm điện tử và dương điện tử là những đối cức lữơng nguyên của điện lực. Một nguyên tử vật chất cũng giống như quả địa cầu, là một từ thạch với hai đối cực âm và tác động của luật âm dương lưỡng cực nhị nguyên. Không một định luật vật lý, hóa học, hay khoa học nào mà không theo những nguyên tắc bất dịch bao hàm những sức mạnh mâu thuẫn hay đối tượng lưỡng cực nhị nguyên đó.

Như vậy, khoa vật lý học không thể đặt ra những định luật nào ngoài vòng hư ảo (Maya): đó chính là cái thực chất căn bản của cơ Sáng Tạo. Chính cõi thiên nhiên vốn là Hư Ảo, khoa học tự nhiên, cố hữu của nó. Trên lãnh vực riêng tự của nó, nó vốn vô cùng vô tận. Các nhà bác học tương lai không thể làm gì hơn là thăm dò hết khía cạnh này đến khía cạnh khác của cõi thiên nhiên thiên hình vạn trạng. Như thế, khoa học vẫn luôn luôn dò dẫm không ngừng, nhưng không thể nào đạt tới chỗ tuyệt đích, toàn mỹ. Thật vậy, khoa học có thể khám phá ra những định luật của một vũ trụ đã có sẵn và đang hoạt động, nhưng lại bất lực không thể tìm ra dấu vết của đấng Sáng Tạo và Chủ Tể của vũ trụ càn khôn. Người ta đã nhận xét những tác động vĩ đại của hấp dẫn lực và điện lực, nhưng hấp dẫn lực và điện lực là gì, thì không ai biết được.

Nhà bác học Marconi cũng đã thú nhận sự bất lực của khoa học trong việc tìm hiểu cái nguyên nhân cùng tột của vạn vật. Ông nói: "Khoa học hoàn toàn không thể giải đáp những bí quyết của Sự Sống. Đó là một điều tuyệt vọng đáng sợ nếu người ta không có đức tin. Sự bí mật của Đời sống con người và vạn vật là một bài toán khó khăn vĩ đại nhất mà người ta còn phải tìm ra sự giải đáp"

Vướt qua bức màn ảo giác (Maya) là cái công trình mà các bậc thánh nhân từ nghìn xưa đã từng đặt ra cho loài người. Thoát lên khỏi cảnh giới nhị nguyên tương đối và đạt tới cõi nhất nguyên của con người. Những ai còn bám lấy hư ảo của vũ trụ phải chấp nhận định luật tương đối nhị nguyên của nó: sinh tử, thịnh suy, thăng giáng, vui buồn, sướng khổ, thiện ác, thị phi, vinh nhục. Cái vòng lẩn quẩn đó sẽ trở nên vô vị, nhàm chán sau khi con người đã trải qua vài ngàn kiếp sinh tử luân hồi. Chừng đó, con người mới bắt đầu tìm kiếm những gì ở bên ngoài vòng trói buộc của Hư Ảo (Maya).

Dẹp tan bức màn Hư Ảo, tức là khám phá được bí quyết của đời sống. Chỉ co người nào thoát ra khỏi cớn ảo giác để tìm thấy chân tướng của vũ trụ, mới là người đã hợp nhất với Thượng Đế. Trái lại, tất cả những người khác đều hãy còn chấp mê hình thức sắc tướng. Bao giờ mà con người còn bị lệ thuộc những ảo giác của cõi giới nhị nguyên thì y hãy còn tôn thờ thần nữ Maya đa hình đa dạng, y không thể biết được Thượng đế hay Chân Lý tuyệt đối.

Ảo Giác (Maya) trong con người được biểu hiện dưới hình thức Vô Minh (Avidya). Ảo Giác hay Vô Minh không bao giờ tiêu diệt được bằng sự phân tích hay khẳng định của lý trí, mà chỉ bằng sự đạt tới trại thái tâm thức đại định gọi là Nirvikalpa samadhi. Các nhà tiên tri thời cổ, các bậc thánh nhân hiền triết của tất cả mọi thế hệ và mọi địa phương, đều đã từng phát ngôn từ trạng thái tâm thức siêu đẳng đó...

Nhà tiên tri Exekiel nói: "Sau đó, ngài đưa tôi đến cổng vào, cổng này hướng về phương đông, hãy biết rằng sự huy hoàng của Chúa Trời đến từ phương đông, và giọng nói của ngài như âm thanh của nhiều giòng nước, và trái đất chói rạng với sự huy hoàng của ngài".

Xuyên qua thiên nhãn ở giữa trán (phương đông), người đạo sị đưa tâm thức của mình vào trạng thái toàn thông, lắng nghe tiếng Diệu Âm (Aum), tức âm thanh huyền diệu của nhiều "giòng nước", những chấn động của ánh sáng hợp thành sự thật duy nhất của cơ Sáng Táo.

Trong số tỷ ức những bí mật của vũ trụ, thì hiện tượng huyền diệu nhất là ánh sáng. Không như những làn sóng âm thanh, mà sự di chuyển phải cần đến không khí hay một chất trung gian nào đó, những âm ba của ánh sáng di chuyển tự do xuyên qua những khoảng trống của không gian vô tận. Ánh sáng luôn luôn vẫn là một sức mạnh của thiên nhiên tế nhị nhất và tự do nhất không bị lệ thuốc vật chất.

Theo quan niệm của Einstein, tốc lực của ánh sáng (ba trăm ngàn cây số trong một giây đồng hồ) cai quản toàn thể Thuyết tương đối. Ông chứng minh bằng số học rằng đối với tâm trí hữu hạn của con người, tốc lực của ánh sáng là yếu tố cố định duy nhất của một vũ trụ luôn luôn biến dịch. Tất cả những quan niệm của con người về thời gian và không gian đều tùy thuộc nơi yếu tố cố định là tốc lực của ánh sáng. Thời gian và không gian vốn không phải là vô cùng, trường cửu như người ta vẫn tưởng từ trước đến nay, mà là những yếu tố tương đối và hữu hạn.

Với những phương trình của ông, Einstein đã loại bỏ ra khỏi vũ trụ tất cả mọi sự thật cố hữu, trừ ra sự thật cố hữu của ánh sáng. Trong thuyết Từ Trường Hợp Nhất (Unified Field Theory), nhà bác học này đã thể hiện trong một công thức toán học những định luật hấp dẫn và điện từ. Đúc kết cơ cấu của vũ trụ lại thành những trạng thái khác biệt của một định luật duy nhất, Einstein đã cùng đồng quan điểm với các bậc thánh nhân thờ cổ, các ngài đã từng tuyên bố rằng bản chất duy nhất của vũ trụ vốn là một ảo giác (Maya) đa hình đa dạng.

Từ Thuyết Tương Đối của Einstein, mới xuất hiện những khả năng thám hiểm hột nguyên tử bằng phương pháp toán học. Những nhà bác học lỗi lạc hiện nay đã mạnh dạn quả quyết rằng không những hột nguyên tử chỉ là tinh lực chứ không phải là vật chất, mà thực chất của nguyên tử lực cũng chỉ là trí lực hay tư tưởng mà thôi.

Sir James Jeans viết trong quyển "Vũ trụ huyền bí": "Trào lưu tư tưởng hiện đại đang hướng về một sự thật trừu tượng này, là bản chất của vũ trụ có vẻ giống như một tư tưởng lớn, thay vì là một guồng máy vĩ đại".

Như vậy, khoa học cận đại của thế kỷ 20 đã nói không khác với kinh Vệt Đà thời thượng cổ! Bắt nguồn từ lập luận khoa học, người ta hãy lãnh hội lấy cái chân lý này, là vũ trụ vật chất vốn không có thật, mà bản chất của nó vốn là Maysa, hay Ảo Giác. Dưới sự phân tích tỉ mỉ, tất cả những ảo tưởng về sự thật của vũ trụ đều tiêu tan.

Trong phương trình bất hủ E = MC2 của ông cho thấy sự tương được của trọng lượng và năng lượng, Einstein chứng minh rằng năng lực chứa đựng trong mọi phân tử vật chất vốn bằng trọng lượng của nó nhân với bình phương của tốc lực ánh sáng. Sự giải tỏa nguyên tử lực được thực hiện bằng sự hủy diệt những phân tử vật chất. Chính sự thực hiện này đã khai sinh ra một Thế hệ Nguyên Tử.

Tốc lực ánh sáng là một tiêu chuẩn số học cố định, không phải bởi vì có một giá trị tuyệt đối trong ba trăm ngàn cây số một giây đồng hồ, mà bởi vì không một vật thể nào, mà trọng lượng gia tăng vói tốc lực di chuyển của nó, có thể đạt tới tốc lực của ánh sáng. Nói cách khác: chỉ những vật thể nào có một trọng lượng vô hạn định mới có thể di chuyển với tốc lực của ánh sáng.

Quan niệm đó đưa chúng ta đến Định luật của Phép lạ.

Những bậc Chân Sư có thể hiện hình, hay tàng hình, cùng làm cho những đồ vật bỗng dưng xuất hiện hay giải thể, và có thể di chuyển trong không gian với tốc lực ánh sáng, đều đã thực hiện cái điều kiện căn bản đó, tức là: trọng lượng của các ngài vốn vô giới hạn.

Tâm thực của một người đạo sĩ thượng thặng luôn luôn đồng hóa một cách dễ dàng, không phải với một thể xác chật hẹp, trọng trược, mà với toàn diện cơ cấu của vũ trụ. Sức hấp dẫn tự nhiên vốn bất bất lực không thể bắt buộc một vị đạo sĩ biểu lộ đặc tính của trọng lượng, nó vốn là cái sức nặng làm cho mọi vật thể bị trì kéo xuống mặt đất. Người nào tự biết mình như một Chân Ngã thiêng liêng, không còn bị lệ thuộc những giới hạn gò bó của một xác thân trong thời gian và không gian. Cái ngục tù của thể xác đã bị tan rã trước tâm thức siêu đẳng của Chân Ngã, vốn tự biết rằng: Ta là Ngài.

Một vị đạo sĩ trong cơn đại định đã hỗn hợp tâm thứ mình với đấng Tạo Hóa, nhận thức được tinh hoa của vũ trụ vốn là ánh sáng. Đối với y, vốn không có sự khác biệt giữa những tia ánh sáng của chất nước và những quang tuyến của đất. Nhờ vượt thoát khỏi tâm thức vật chất, không còn bị lệ thuộc ba chiều đo của không gian và chiều đo thức tư của thời gian, một vị Chân Sư di chuyển cái thể chất ánh sáng của ngài một cách dễ dàng lên trên hay xuyên qua những tia ánh sáng của đất, nước, lửa và không khí.

Kinh thánh nói: "Bởi vậy, nếu mắt ngươi trụ vào một chỗ, toàn thân ngươi sẽ tràn đầy ánh sáng". (Mathieu 6 - 22). Câu ấy có nghĩa là: Sự tập trung tinh thần vào nhãn quang tâm linh giúp cho người đạo sĩ tiêu diệt tất cả những ảo giác về vật chất và trọng lượng của nó. Y nhìn thấy vũ trụ như Thượng Đế đã sáng tạo, tức là một khối ánh sáng tiên thiên, chưa phân hóa thành hình thể sắc tướng.

Định luật phép lạ có thể thực hiện được bởi bất cứ người nào đã nhận thức rằng tinh hoa của vũ trụ là ánh sáng.

Một vị Chân Sư có thể sử dụng sự hiểu biết siêu đẳng của mình về hiện tượng ánh sáng để phóng phát ra trong khoảnh khắc trước mắt mọi người những nguyên tử ánh sáng vốn bàng bạc khắp nơi trong không gian. Cái hình thức của sự phóng phát ấy, dù đó là một cái cây, một thể xác con người, hay bất cứ một vật gì, được quyết định bởi ý muốn, mãnh lực ý chí và sức tưởng tượng của người đạo sĩ.

Ban đêm, con người bước vào trạng thái tâm thức mộng mơ và thoát ra khỏi những giới hạn chật hẹp của phàm ngã thường ngày vẫn trói buộc y trong vòng lẩn quẩn. Trong giấc ngủ y luôn luôn được chứng minh cho thấy cái trí lực toàn năng của mình. Trong giấc mơ, y lại xuất hiện những bạn bè thân thuộc đã chết từ lâu, những xứ lạ xa xôi không hề quen biết, cùng những cảnh tượng của những thời xa xưa hồi tuổi ấu thơ lại tái diễn trở lại.

Cái tâm thức tự do khoáng đạt vô chướng ngại đó mà tất cả mọi người đôi khi có kinh nghiệm trong giây lát, trong những giấc mộng của mình, vốn là cái tâm linh với đấng tạo hóa. Hoàn toàn vô dục, vô cầu, và sử dụng ý chí sáng tạo mà đấng Hóa Công đã ban cho họ, một vị đạo sĩ có quyền năng phối hợp lại những nguyên tử ánh sáng của vũ trụ để thỏa mãn mọi lời cầu nguyện thành thật của các tín đồ.

Chính vì mục đích đó mà con người và muôn loài vạn vật được sáng tạo: y phải vươn mình tiến lên để chinh phục Maya (Ảo Giác), vì y tự biết rằng mình có quyền năng ngự trị của vũ trụ.

"Và Chúa Trời phán rằng: Ta hãy tạo nên con người theo hình ảnh của Ta, cũng giống như ta vậy. Chúng nó hãy có quyền ngự trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời, loài gia súc thú cầm, và tất cả mọi chúng sinh bò bay máy cựa trên mặt đất". (Chương Sáng Thế I:26)

Năm 1915, ít lâu sau khi tôi bước vào dòng tu sĩ xuất gia, tôi có một linh ảnh lạ thường. Nhờ đó tôi được hiểu sự tương đối của tâm thức con người, và nhận thức rõ ràng sự đồng nhất của Ánh Sáng Trường Cửu đằng sau những đối tượng nhị nguyên hư ảo của Maya. Linh ảnh đó đến với tôi một buổi sớm mai trong khi tôi đang ngồi thiền trong gian phòng nhỏ trên gác nhà cha tôi ở đường Gurpar. Từ nhiều tháng qua, trận Đệ Nhất Thế Chiến đã diễn ra ác liệt bên trời Âu, tôi ngậm ngùi buồn bã mà nghĩ đến số đông người đã bỏ mình trên trận địa.

Khi tôi nhắm mắt định thần trong cơn nhập thiền, tâm thức tôi thình lình được chuyển qua thể xác của một viên đại úy hải quân chỉ huy một thiết giáp hạm. Tiếng đại bác nổ long trời trong những cuộc giao tranh giữa những giàn trọng pháp trên bờ biển và những khẩu đại bác trên tàu. Một trái phá cỡ lớn rơi nhằm kho thuốc đạn và làm bổ tung chiếc chiến hạm của tôi. Tôi nhảy xuống biển cùng với vài người thủy thủ còn sống sót sau tiếng nổ. Tim đập mạnh, tôi lội vào bờ một cách an toàn. Nhưng than ôi! Một viên đạn lạc từ đâu đến trúng vào ngực tôi. Tôi ngả xuống và nằm rên siết trên mặt đất. Toàn thân tôi bị tê liệt, tuy thế tôi vẫn ý thức được nó, cũng như người ta còn ý thức được vào một cái chân đã bị tê cứng. Tôi nghĩ: "Thế là mình ắp đi vào cõi chết đây". Vừa trút một hơi thở cuối cùng, tôi đã sắp sửa đắm chìm trong côn vô thức thì... ơ kìa, tôi lại thấy mình đang ngồi tĩnh tọa trong gian phòng nhỏ trên gác ở đường Gurpar.

Hai hàng lệ tuôn rơi, vì mừng rỡ quá đỗi, trong khi tôi còn lấy tay đập và véo trên da thịt mình. Quả thật, xác thân tôi vẫn còn nguyên vẹn và không bị đạn xuyên qua ngực. Tôi lắc lư thân mình, đảo qua đảo lại, rồi thở ra hít vào từng hơi dài để biết chắc rằng tôi còn sống. Trong khi tôi làm những động tác đó, một lần nữa tôi lại thấy tâm thức tôi chuyển sang cái xác chết của viên đại úy nằm sóng sượt trên bãi biển. Tâm trí tôi hoàn toàn hỗn loạn, không còn phân biệt thật hư, chân giả.

Tôi bèn thốt lên lời thỉnh cầu đấng Thiêng Liêng: "Hỡi Thượng Đế, con còn sống hay đã chết?"

Một vầng ánh sáng chói lòa bao trùm khắp chân trời. Một tràng âm thanh chấn động vang lên thành những lời nói êm dịu ngọt ngào: "Sự sống hay sự chết có can hệ gì đến ánh sáng? Theo hình ảnh Ánh Sáng của Ta, Ta đã tạo ra con. Những quan hệ tương đối của vấn đề sinh và tử thuộc về ảo giác của vũ trụ. Con hãy nhớ con là một chân linh trường tồn bất diệt. Thôi, hãy thức tỉnh lại, con hỡi!" Để thức tỉnh con người từng giai đoạn, Thượng Đế giúp cảm hứng cho các nhà khoa học khám phá vào đúng chỗ và đúng lúc những bí mật trong cơ Sáng Tạo của Ngài. Nhiều phát minh của khoa học cận đại giúp cho con người nhận thức được vụ trụ như sự biển hiện đa dạng của một quyền năng: đó là ánh sáng, được hướng dẫn bởi một Trí lực toàn thông. Những phát minh kỳ diệu như điện ảnh, máy truyền thanh, truyền hình, máy radar, tế bào điện tự, nguyên tử lực, tất cả đều căn cứ trên hiện tượng điện tử lực của ánh sáng.

Nghệ thuật điện ảnh có thể là một thí dụ điển hình cho mọi phép mầu. Với ảo thuật điện ảnh, người ta có thể làm tất cả mọi hiện tượng giả tạo. Trên màn ảnh, người ta có thể nhìn thấy những cảnh giả tạo độc đáo, chẳng hạn như thấy một Thể Vía mờ ảo trong suốt của một người từ từ xuất ra từ cái xác phàm của y. Người ấy có thể đi trên mặt nước, làm cho người chết sống lại, làm đảo lộn sự liên hệ tự nhiên của mọi diễn biến, bất chấp cả thời gian và không gian. Nhà chuyên môn có thể xếp đặt những hình ảnh cũng giống như những phép màu mà một vị đạo sĩ thực hiện với những tia ánh sáng trong không gian.

Nghệ thuật điện ảnh, với những hình ảnh sống động như thật có thể diễn tả những chân lý về cơ sáng tạo. Thượng Đế, ví như nhà sản xuất điện ảnh của vũ trụ, đã viết ra những truyện phim của Ngài, quy tựu những nhà dàn cảnh và diễn viên độc đáo để quay những cuốn phim vĩ đại của từng thế kỷ. Từ trong phòng tối của thời gian vô cùng, Ngài rọi áng sáng qua những cuốn phia của những thế hệ liên tục, và những hình bóng được chiếu rọi lên màn ảnh của không gian.

Cũng như những hình bóng chiếu trên màn ảnh có vẻ sống động như thật, nhưng tựu trung chỉ là một sự phối hợp của ánh sáng và bóng tối, thì mọi sự diễn biến trong vũ trụ cũng chỉ là những mà ảo giác và ảo ảnh. Những tinh cầu trong không gian, với vô số những hình thức sinh vật sống trên đó, không gì khác hơn là những hình ảnh trong một cuốn phim vĩ đại của vũ trụ. Tạm thời có thật đối với giác quan con người những mà kịch diễn biến vô thường được chiếu lên tấm "phông" ảnh tâm thức của nhân loại bởi ngọn đèn rọi sáng tạo trừng kỳ của đấng Hóa Công.

Với một xảo thuật vô cùng kỳ diệu. Thượng Đế tạo dựng nên một trò chơi siêu đẳng cho những đứa con của ngài, ngài dùng chúng làm diễn viên, lại vừa làm khán giả trong cái hí trường siêu nhiên vĩ đại đó.

Một ngày nọ, tôi bước vào một rạp chiếu bóng để xem một phim thời sự về chiến cuộc Âu Châu. Đệ Nhất Thế Chiến đang diễn ra bên trời Âu, cuốn phia trình bày thảo họa chiến tranh với một sự tả chân sống động làm cho tôi rời khỏi rạp hát với một tinh thần hoang mang xáo trộn. Tôi thốt lên lời cầu nguyện: "Hỡi Thượng Đế, tại sao Ngài lại dung túng để cho bao nhiêu những nỗi thống khổ đó xảy ra?"

Tôi lấy làm vô cùng ngạc nhiên mà được sự giải đáp tức thời dưới hình thức một linh ảnh của chiến trường Âu Châu. Những cảnh tượng sát phạt, chết chóc, rùng rợn bi thương vượt rất xa những gì được chiếu lên màn ảnh.

"Hãy nhìn xem!" Một giọng nói vô thinh dịu dàng vang lên trong tâm thực của tôi. "Con sẽ thấy rằng những cảnh tượng hiện đang diễn ra bên nước Pháp, không gì khác hơn là một cuốn phim chiếu bóng. Đó là một phim ảnh của vũ trụ, tuy thật mà cũng không thật như cuốn phim thời sự mà con vừa xem trong rạp hát: một màn ngắn trong vở kịch đó thôi!"

Tôi vẫn chưa nguôi cơn sầu muộn. Giọng nói vô thinh kia lại tiếp tục: Cơ Sáng Tạo vừa là ánh sáng vừa là bóng tối, nếu không vậy thi không thể nào có hình thể sắc tướng. Dưới tác động của Maya (Ảo Giác) thiện và ác phải luôn luôn ngự trị thế gian. Nếu cõi đời này chỉ là một niềm vui vô tận, thì có bao giờ loài người mong muốn một cõi giới khác? Nếu không có đau khổ, con người sẽ không bao giờ thức tỉnh mà biết rằng y đã quên mất con đường về nơi quê xưa chốn cũ. Khổ đau là một sự trợ duyên để nhắc nhở cho y đừng quên. Chỉ có sự minh triết, giác ngộ là con đường giải thoát. Cái chết chỉ là hư ảo, người sợ chết cũng giống như một diễn viên dốt nát hoảng sợ điếng hồn trên sân khấu, khi một tài tử đồng nghiệp bắn y bằng một phát súng giả. Những đứa con của Ta đều là con của ánh sáng, chúng nó sẽ không mãi ngủ mê trong vòng ảo giác".

Tuy tôi đã có đọc nhiều đoạn thánh kinh nói về Ảo Giác (Maya), nhưng những kinh sách đó chưa hề đem đến cho tôi sự hiểu biết sâu xa thâm trầm như những linh ảnh đã xuất hiện đến với tôi kèm với những lời an ủi của Giọng Nói Vô Thinh ấy. Những quan niệm cố hữu của con người về cuộc đời sẽ hoàn toàn thay đổi khi mà y nhận thức rằng toàn thể vũ trụ chỉ là một cuốn phim ảnh vĩ đại, và chỉ khi nào tâm thức con người vượt hẳn ra ngoài vũ trụ càn khôn, người ta mới nhìn thấy chân tướng của nó.

Sau khi tôi vừa viết xong chương này, tôi ngồi tĩnh tọa trên giường nằm cua tôi, dưới ánh sáng lu mờ của hai ngọn đèn che khuất. Ngước mắt nhìn lên, tôi thấy trên trần nhà xuất hiện vô số những điểm ánh sáng nhỏ màu hột cải, chớp sáng lung linh như chất quang tuyến. Vô số tia sáng giống như những giọt mưa hợp thành một khối tinh quang từ trên rơi tua tủa xuống thân mình tôi một cách âm thầm lặng lẽ.

Ngay khi đó, toàn thân tôi mất cả tính chất thô kệch, nặng nề của nó và biến thể thành một khói mỏng như sương. Tôi có cảm giác như bay bổng phất phơ trong không khí, và thân mình nhẹ bỗng của tôi lắc lư qua lại nhẹ nhàng mà không còn ngồi trên mặt giường. Tôi nhìn quanh phòng, bàn ghế và tường vách vẫn như cũ, như khối tinh quang ấy đã lan rộng và che khuất cả trần nhà. Tôi lấy làm vô cùng kinh ngạc.

Một giọng nói dường như thốt ra từ bên trong khối tinh quang: "Đây là cái động cơ phim ảnh của vũ trụ, phóng ánh đèn rọi của nó lên tấm phông vải trắng trên giường nằm của con, nó tạo nên hình ảnh của thể xác con. Hãy xem đó, thể xác con không gì khác hơn là ánh sáng mà thôi!"

Tôi nhìn hai cánh tay tôi và thử cử động tới lui vài cái, nhưng không thể cảm giác được sức nặng của chúng. Tôi cảm thấy một niềm phúc lạc tuyệt với khôn tả. Khối tinh quang của vũ trụ, kết tinh lại thành cái thể xác của tôi, tác động giống như sự phóng phát ánh đèn rọi từ phòng điện ảnh của một rạp chiếu bóng làm nổi bật những hình trên màn ảnh.

Tôi kinh nghiệm trong một thời gian rất lâu cái phim ảnh của thể xác tôi chiếu lên trong phòng chiếu bóng nhỏ dưới ánh đèn lu mờ, tức gian buồng ngủ của tôi. Tuy tôi đã từng có nhiều cơn linh ảnh, nhưng không có một linh ảnh nào lạ lùng như lần này. Trong khi cái ảo giác của một xác phàm nặng trọc đã hoàn toàn biến mất, và trong khi tôi càng nhận thức một cách sâu xa thâm trần rằng tinh hoa của tất cả mọi vật vốn là ánh sáng, tôi ngước mắt lên nhìn lên khối tinh quang gồm vô số những điểm chớp li ti sáng lòe trên trần nhà và thỉnh nguyện trong âm thầm:

"Hỡi ánh sáng Thiêng liêng của Thượng Đế, xin Ngài hãy thâu hồi cái hình ảnh thể xác kém hèn này trở về Ngài, cũng như Elijah xưa kia được thu hút lên trời trong một chiếc linh xa bằng lửa!" (II King 2 - 11)

Lời cầu nguyện của tôi hiển nhiên là có hiệu lực, khối tinh quang đã biến mất. Thể xác tôi trở lại trạng thái bình thường với sức nặng thô kệch của nó và rơi phịch trên giường. Những điểm sáng nhỏ li ti trên trần vụt tắt và biến mất. Dường như chưa đến lúc tôi phải từ giã cõi đời trần thế này.

Tôi bèn tự nhủ với một tinh thần triết lý: "Vả lại, nhà tiên tri Elijah có thể lấy làm bất mãn vì sự tự phụ của tôi!"