-
Chương 3 - Giấc mơ của một người tị nạn - Chu Sa Lan
Chương 3
HQ 11 hải hành cách bãi biển Sơn Trà non hải lý. Trung tá Đào đứng trên bong tàu. Ánh mắt sáng của anh nhìn vào bờ. Xa về bên trái là thành phố Đà Nẳng. Trời chập choạng tối. Mặt biển đang từ màu xanh bỗng đổi thành xanh thẳm rồi sang màu đen.
- Thưa trung tá...
Đào quay lại khi nghe giọng nói của Hà, người sĩ quan đương phiên của HQ 11 đang đứng sau lưng mình.
- Mọi việc đã sẵn sàng. Hạm trưởng đã cho tàu vào gần bờ đón khách...
Đào gật đầu.
- Mình phải đón bao nhiêu người anh biết không?
- Trình trung tá... Đại diện của vùng 1, vùng 2, không quân, dù, thủy quân lục chiến và biệt động quân tổng cộng bảy người...
Khẽ gật đầu Đào hỏi nhỏ.
- Tình trạng an ninh như thế nào?
- Thưa trung tá rất chặt chẻ... Hai chiếc HQ 06 và HQ 07 phụ trách việc tuần tiểu, ngoài ra còn có hai toán SEAL và tháo gở chất nổ đang dò tìm mìn và người nhái của địch từ hôm qua cho tới khi tan buổi họp...
Mỉm cười tỏ vẻ hài lòng vị sĩ quan phụ tá của phó đô đốc Cang nói với người sĩ quan đương phiên.
- Bãi biển Sơn Trà đẹp quá... Lúc còn trẻ tôi chỉ ước ao là có được ngôi nhà nơi bãi biển. Bãi biển nào cũng được. Với tôi bãi biển nào cũng đẹp. Đà Nẳng, Qui nhơn, Nha Trang, Tuy Hòa, Phan Thiết, Vũng Tàu hay Phú Quốc... Mỗi nơi có nét đẹp riêng của nó...
Hà im lặng nhìn thành phố Đà Nẳng sáng rực ánh đèn trong lúc giọng nói của Đào vang đều đều.
- Chiến tranh đã làm tan ước mơ nhỏ của tôi. Tuy nhiên tôi cũng không có điều gì phải phàn nàn bởi vì không chỉ mình tôi bị chiến tranh làm tan vỡ ước mơ...
Anh ngưng nói khi thấy bốn chiếc PCF rẽ sóng phăng phăng hướng về chiếc HQ 11 của mình.
- Họ tới rồi...
Hà lên tiếng. Đào bước ra đứng nơi lan can. Thang dây được thả xuống. Mọi người lục tục lên tàu. Vị đại diện hải quân bắt tay từng vị đại diện của các quân binh chủng. Bảy người im lặng bước xuống cầu thang. Ánh đèn điện vàng vọt. Hành lang chật hẹp. Không khí hăng hắc mùi dầu cặn. Căn phòng họp không lớn lắm nhưng yên tịnh và vắng lặng.
Đào lên tiếng.
- Anh em ngồi vào ghế có tên của mình. Chúng ta có cà phê, trà và bánh ngọt. Để khỏi mất thời giờ tôi xin mời trung tá Vinh, đại diện cho trung tướng Trưởng khai mạc buổi họp...
Mọi người im lặng ngồi vào ghế. Vinh lên tiếng liền như biết không có nhiều thời giờ.
- Anh em đều biết tình hình chiến sự càng ngày càng thêm bất lợi cho chúng ta. Người Mỹ đã phủi tay. Viện trợ của họ dành cho quân đội đã bị cắt giảm. Tới giờ phút này chúng ta phải tự lo lấy thân của mình. Súng đạn, lương thực và quân dụng của chúng ta rồi sẽ bị thiếu hụt. Riêng tinh thần của binh sĩ thời còn vững vàng nhưng...
Vị đại diện của vùng hỏa tuyến ngừng lại nhìn một vòng người trong phòng họp. Ai ai cũng thấy được nỗi lo âu và ưu tư của Vinh.
- Bắc Việt đã tăng cường quân đội vào Nam tới mức tối đa. Các sư đoàn Sao Vàng, 324, 324B với các trung đoàn biệt lập, được tăng cường bởi trung đoàn tên lửa, trung đoàn pháo, hai trung đoàn chiến xa hoạt động trong vùng Quảng Trị, Thừa Thiên. Đối đầu với lực lượng hùng hậu của địch ta có sư đoàn 1 bộ binh, được tăng cường bởi một sư đoàn Dù và sư đoàn TQLC và 1 liên đoàn biệt động quân. Hiện thời ta có thể giữ vững vùng Trị Thiên nhưng năm ba tháng nữa ta sẽ lâm vào tình trạng thiếu thốn vũ khí, đạn dược và quân dụng. Anh em có ý kiến như thế nào....?
Mọi người đều im lặng trước câu hỏi của Vinh. Cuối cùng trung tá Minh, đại diện cho quân khu 2 lên tiếng.
- Tình hình của tôi có lẽ cũng không sáng sủa hơn vùng 1 bao nhiêu. Mặc dù vũ khí, đạn dược còn đủ dùng một vài tháng nhưng miền cao nguyên đang chịu áp lực nặng nề. Việt Cộng đã điều động năm sư đoàn chính quy với đủ cả tăng và pháo để tính đánh chiếm Ban Mê Thuột và Pleiku...
Trung tá Bình, đại diện thủy quân lục chiến nhìn trung tá Lương của sư đoàn dù. Hai vị đại diện cho hai binh chủng nổi tiếng thiện chiến đều hiểu rằng tình hình càng lúc càng trở nên nghiêm trọng.
Nhấp ngụm cà phê Minh thong thả nói tiếp.
- Theo tin tức tình báo thời Việt Cộng sẽ bắt đầu cuộc tổng công kích quân khu 2 vào đầu tháng ba hay trễ lắm là trung tuần tháng ba...
- Liệu mình giữ được vùng 2 không anh?
Đào hỏi câu trên. Liếc nhanh Vinh rồi Bình trả lời một cách chậm chạp.
- Giữ thời được nhưng liệu giữ được bao lâu. Quân số của địch đông gấp ba lần ta, vũ khí và quân dụng dồi dào trong khi quân số và vũ khí của ta lại ít hơn và nếu có hao hụt cũng không được tăng viện nhanh chóng. Có thể nói là tình thế thuận lợi cho địch mà bất lợi cho ta...
- Vinh nghĩ sao?
Hiền, đại diện không quân hướng về Vinh khi hỏi câu hỏi trên. Vị đại diện của vùng 1 chiến thuật trầm ngâm như có vẻ đắn do và cân nhắc trước khi phát biểu ý kiến của mình. Cuối cùng Vinh nhìn một vòng người trong phòng họp.
- Tôi nói ra điều này anh em nghe xong rồi bỏ qua luôn đừng có nhắc lại với bất cứ ai.
Có người ở trong dinh Độc Lập tiết lộ với trung tướng tư lệnh của tôi là ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và vùng 2 cho Việt Cộng.
- Cái gì?
- Hả...
- Thật nguy hiểm...
Năm ba người ngồi trong phòng họp không nhịn được buột miệng. Vinh hắng giọng.
- Nếu ông Thiệu muốn bỏ thời chúng ta không thể nào cưỡng lại lệnh của ông ta. Là một quân nhân chúng ta phải tuân lệnh của thượng cấp. Vả lại nếu ông Thiệu và bộ tổng tham mưu muốn bỏ vùng 1 và 2 thời chúng ta cũng không giữ hai nơi đó được vì không có tiếp tế...
- Anh biết lý do gì mà ông Thiệu muốn triệt thoái khỏi vùng 1 và vùng 2?
Đào hỏi và Vinh thở một hơi dài.
- Tôi không biết rõ lý do nhưng tôi đoán ông ta muốn làm như vậy là để gây áp lực buộc Mỹ phải can thiệp vào. Hoặc ông Thiệu làm theo lệnh của Mỹ. Tuy nhiên ông ta quên mất một điều là nếu Mỹ muốn bán đứng Việt Nam Cộng Hoà cho cộng sản thời họ sẽ không can thiệp. Đòn thấu cáy của ông Thiệu là một con dao hai lưỡi.
- Chúng ta phải làm gì?
Hiền, đại diện cho tướng Minh buột miệng hỏi câu này. Vinh nhìn bạn với cái nhìn buồn rầu và ưu tư.
- Hiền hỏi đúng. Chúng ta cần phải làm một cái gì để cứu vản tình thế nguy ngập của đất nước. Các anh em đều biết rằng nếu vùng 1 và 2 bị mất thời cộng quân sẽ nương đà chiến thắng tràn xuống tấn công vùng 3 và thế nào Sài Gòn cũng lọt vào tay giặc. Tôi muốn nói là Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta sẽ xụp đổ...
Mọi người đều im lặng. Dường như ai ai cũng đều liên tưởng tới một sự thực khủng khiếp và kinh hoàng. Đó là sự tan rã của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà kéo theo sự xụp đổ của đất nước. Điều này khiến cho mọi người hầu như tê liệt không còn biết nói gì hơn là im lặng.
Giọng nói của Vinh vang lên trong căn phòng nhỏ hẹp.
- Căn cứ vào tin ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và vùng 2 cũng như các tin tức tình báo khác, tư lệnh của tôi và một ít sĩ quan cao cấp của quân khu 1 đã thảo kế hoạch có thể lật ngược thế cờ đồng thời cứu Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta khỏi lọt vào tay cộng sản....
Mọi người hơi tươi nét mặt khi nghe vị đại diện của ông tướng vùng 1 nói câu trên. Ai ai cũng biết tướng Trưởng là vị tướng mưu lược trong quân lực.
- Nếu ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và 2 thời ta sẽ bỏ để tuân lệnh cấp chỉ huy của mình. Nếu thủ tướng Khiêm muốn ta triệt thoái khỏi quân khu 1 và 2 thời ta sẽ triệt thoái. Tuy nhiên ta sẽ lui binh theo đúng kế hoạch để bảo toàn lực lượng hầu có thể phản công một cách hữu hiệu và đúng lúc. Việt Cộng muốn chiếm vùng 1 và vùng 2 thời ta sẽ nhường cho chúng ở tạm một thời gian rồi sau đó sẽ lấy lại. Đó là cách mà Hưng Đạo Vương đã làm đối với quân Mông Cổ bảy tám trăm năm trước. Nếu kế hoạch của chúng ta thành công thời không những thu hồi lại miền nam mà còn buộc toàn thể quân đội Bắc Việt phải rút chạy về bắc...
Ngừng lại Vinh nhìn mọi người trong phòng xong giọng nói rắn rỏi và trầm tỉnh của anh vang lên.
- Ta sẽ bỏ Việt Nam Cộng Hoà rơi vào tay Việt Cộng đoạn bất thần tấn công thẳng vào Hà Nội...
Đào cảm thấy như có tiếng sét nổ làm lùng bùng lỗ tai của mình trong lúc Hiền trợn mắt nhìn Vinh. Anh thấy người bạn thân cũng nhìn mình mỉm cười.
- Tôi chịu kế hoạch của anh lắm...
Bình lên tiếng. Lương cũng gật gù.
- Ông Trưởng vẽ ra cách này tôi ưng lắm... Tụi nó tung hai chục sư đoàn bộ chiến vào miền nam rồi thành ra ngoài bắc đâu còn quân chính quy nào... Bỏ cho tụi nó nuốt miền nam rồi ta đột kích Hà Nội thời thế nào hai trăm ngàn bộ đội chính quy của chúng nó cũng phải chạy bộ về để cứu chủ. Đây là kế vây Ngụy để cứu Triệu...
Vinh hơi mỉm cười nhìn Bình.
- Nói thời dễ nhưng làm được không phải dễ đâu bởi vì lực lượng của quân đoàn 1 không đủ sức làm chuyện đó. Nó là sức của toàn quân lực ta từ bộ binh, biệt động, pháo binh, thiết giáp, tiếp liệu, nhảy dù và thủy quân lục chiến... Bởi vậy tôi mới mời các anh hội họp ngày hôm nay để nói cho anh em biết và xin anh em vì tổ quốc và dân tộc hy sinh một lần cuối cùng...
Trung tá Mạnh, đại diện cho biệt động quân cười vui vẻ.
- Anh Vinh khách sáo quá... Chuyện đánh cộng sản là bổn phận của người lính chúng ta... Binh chủng của tôi hân hạnh được đi đầu...
Vinh cười cười.
- Chắc anh phải nói chuyện với anh Bình và anh Lương về vấn đề ai vào Hà Nội trước. Bây giờ tôi xin nói sơ qua về cuộc hành quân...
Vinh bước tới đứng trước bản đồ Việt Nam.
- Cuộc hành quân bắc tiến của chúng ta được chia ra làm ba giai đoạn là dụ cáo lìa rừng, bảo quân an tướng và giải phóng miền bắc. Tụi Bắc Việt là con cáo già khôn ngoan của núi rừng cho nên bấy lâu nay ta vất vả săn tìm mà cũng không diệt được. Bây giờ ta bỏ vùng 1 và 2 là ta dụ chúng về thành phố. Bỏ núi rừng để chiếm đóng lấy phố phường là chúng lấy cái sở đoản mà bỏ đi cái sở trường của mình...
Hai vị sĩ quan của sư đoàn dù và thủy quân lục chiến nhìn nhau. Là hai con mãnh hổ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa họ đã sớm nhận ra cái thế dụ cáo lìa rừng của Vinh.
Họ chưa nói gì Vinh hỏi Hiền.
- Máy bay C130 của mình có thể bay thẳng từ Bình Thủy tới Vinh không Hiền?
Hiền trả lời không do dự.
- Được nhưng sợ không đủ săng để trở về...
- Họ không cần phải trở về bởi vì đây là cuộc hành quân có đi mà không có trở về...
Vị đại diện quân khu 1 nhấn mạnh câu nói để cho mọi người hiểu rằng đây là cuộc hành quân quyết tử.
- Đúng ngày giờ ấn định sư đoàn 22 sẽ đổ bộ lên thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An.
Lực lượng xung kích này có nhiệm vụ đánh chiếm phi trường, tiêu diệt các ổ phòng không của địch để yểm trợ cho không quân chở sư đoàn dù xuống Vinh. Làm chủ được Vinh xong sư đoàn 22 bộ binh sẽ đóng chốt tử thủ tại đây nhằm mục đích cản đường các sư đoàn Bắc Việt rút về giải vây cho Hà Nội. Sau khi được tiếp tế nhiên liệu các phi cơ của không quân sẽ chở sư đoàn Dù nhảy xuống Sơn Tây trong lúc thành phần xung kích thứ hai là sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, sư đoàn 1, 2, 3, 5, 18, 22, 23 và 25 với thiết giáp và pháo binh sẽ đổ bộ lên Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định rồi từ đó chia thành các trục tiến quân về Hà Nội. Các anh chắc đã đọc quyển truyện Mơ Làm người Quang Trung rồi. Đây là lúc chúng ta trở thành một người lính của vua Quang Trung trong cuộc giải phóng Hà Nội và đồng bào miền bắc ra khỏi gông cùm của cộng sản...
Mọi người trong phòng họp im lặng lắng nghe Vinh trình bày cuộc hành quân giải phóng miền bắc. Họ mường tượng ra cảnh hùng tráng của trăm hoa đua nở trên đất bắc. Đó là cảnh những chiếc hoa dù của các chiến sĩ Biệt Cách Dù và Nhảy Dù nở đầy trên nền trời Hà Nội ầm vang tiếng reo hò của quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũng như lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay phất phới trên kỳ đài của cố đô Thăng Long.
- Muốn làm được những chuyện đó trước nhất ta phải thực hành giai đoạn đầu tiên là dụ cáo lìa rừng. Chúng ta phải bỏ vùng 1 và 2. Chúng ta phải triệt thoái binh lực hay nói cho đúng nghĩa hơn là chúng ta phải chạy. Chúng ta phải chạy nhưng chạy làm sao mà vẫn bảo toàn được lực lượng của ta đồng thời phải dàn cảnh để cho địch nghĩ rằng lực lượng của ta bị thiệt hại nặng nề, tan rã ra tới độ không thể tập trung lại để phản công...
Các ông sĩ quan cấp tá ngồi trong phòng đều thấy ngay cái khó của mình. Đã đành là họ phải chạy nhưng lại phải chạy đúng cách, có nghĩa là họ phải tập chạy. Không một ai trong bọn họ, nhất là các ông sĩ quan như dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân hay bộ binh lại nghĩ tới chuyện có ngày họ phải tập thua trận, phải tập rút lui đơn vị để địch nghĩ rằng mình thua và lực lượng bị tổn thất nặng.
- Tôi nghĩ mình phải hy sinh một vài đơn vị...
Minh lên tiếng và Vinh cũng phụ họa cho ý kiến đó.
- Tôi cũng đồng ý như anh tuy nhiên cái khó là mình không biết chọn lựa đơn vị nào.
Tánh mạng của mỗi binh sĩ đều ngang nhau cũng như không đơn vị nào đáng phải bị hy sinh...
- Tôi nghĩ mình phải đặt quyền lợi của quốc gia và dân tộc lên trên hết. Nếu sự hy sinh của chín mười tiểu đoàn bộ binh hoặc địa phương quân hay nghĩa quân mà giải phóng nước Việt Nam ta khỏi tay cộng sản thời đó là việc đáng làm, nên làm...
Hiền nhìn mọi người sau khi nói câu trên. Đào cũng đồng ý với lời của Hiền. Cuối cùng Vinh nói với mọi người.
- Vần đề triệt thoái chiến thuật là một vấn đề phức tạp cho nên tôi sẽ bàn sau. Triệt thoái về vùng an toàn xong chúng ta còn phải tìm cách tán quân, ém quân, dấu quân thật kín để dùng trong cuộc hành quân bắc tiến sau này. Để thực hiện kế dụ cáo lìa rừng chúng ta cần phải bỏ quân khu 1 và 2. Theo đúng kế hoạch hành quân và cũng để không làm cho tụi công sản khỏi nghi ngờ tôi đề nghị mỗi sư đoàn nên hy sinh một ít quân số. Việc chọn lựa đơn vị làm mồi dụ địch tôi để cho các anh em lo liệu. Điều quan trọng là bảo toàn lấy lực lượng tinh nhuệ nhất của mình. Vả lại trong cuộc hành quân giải phóng miền bắc ta cũng không cần nhiều lắm. Đây là một cuộc hành quân bí mật lấy yếu tố bất ngờ làm căn bản cho nên ta cần các đơn vị xung kích, đánh nhanh đánh mạnh và quyết tử. Các đơn vị như dù, thủy quân lục chiến, biệt cách dù và biệt động quân sẽ được ném vào trận địa để thanh toán chiến trường một cách mau lẹ. Còn các đơn vị bộ binh sẽ làm nhiệm vụ trấn đóng hoặc ngăn đường tiếp viện của địch...
Vinh hướng về vị đại diện của hải quân.
- Mình có đủ tàu để chở chừng bốn chục ngàn quân với thiết giáp và pháo binh ra bắc không anh Đào?
Do dự giây lát Đào mới trả lời.
- Nếu khéo thu xếp thời cũng đủ chỗ...
Mọi người cảm thấy nhẹ nhỏm khi giải quyết được vấn đề nan giải. Vinh nói với hai vị đại diện của không và hải quân.
- Khi nào có lệnh di tản từ Sài Gòn tôi nhờ hai anh chở sư đoàn dù về Cần Thơ giao cho tướng Nam. Ông ta biết cách giấu kín sư đoàn dù cho tới khi có lệnh của tôi... Phần sư đoàn thủy quân lục chiến sẽ được tàu hải quân chở về Vũng Tàu...
Vinh hướng về Bình.
- Tôi tin là về tới Vũng Tàu thời các tiểu đoàn thủy quân lục chiến sẽ được tăng phái cho các đơn vị của vùng 3 để chận đường tiến quân của Việt Cộng tiến vào Sài Gòn.
Anh dặn các tiểu đoàn trưởng nên cẩn thận khi giao tranh với địch. Nếu đánh được thời đánh bằng không cứ rút lui để bảo toàn lực lượng. Thủy quân lục chiến sẽ là đơn vị xung kích đánh vào Hà Nội cho nên cần phải được bảo vệ tối đa...
- Tôi hiểu ý của anh...
Bình nói gọn. Vị đại diện quân khu 1 quay sang Minh.
- Sư đoàn 22 là một đơn vị tinh nhuệ do đó tôi sẽ dùng nó trong nhiệm vụ đánh chiếm Vinh và đóng chốt chặn quân chủ lực của địch từ miền nam về giải cứu Hà Nội...
- Tôi sẽ lo việc giữ gìn quân số của sư đoàn 22 cho anh...
Minh lên tiếng. Nhìn trung tá Mạnh, đại diện của biệt động quân Vinh hỏi.
- Tôi cần các tiểu đoàn biệt động quân để đánh vào mặt đông và đông bắc Hà Nội. Anh cung cấp cho tôi được không?
Mạnh cười nhẹ.
- Dễ ợt... Gần một năm nay bộ chỉ huy của chúng tôi đã mở các khoá huấn luyện tại chổ và bổ xung quân số cho các tiểu đoàn nào thiếu hụt cho nên bây giờ mỗi tiểu đoàn BĐQ có quân số từ năm tới sáu trăm binh sĩ...
Nhìn đồng hồ thấy hơn một giờ sáng Vinh cười nói với mọi người.
- Thôi mình nghĩ giải lao giây lát...
Mọi người hút thuốc, uống cà phê hay trà vừa ăn bánh ngọt vừa trò chuyện thân mật. Trong lúc chuyện trò Vinh trao cho mỗi vị đại diện một cuốn sổ bìa đen đồng thời nói với vẻ nghiêm trọng.
- Đây là bộ mật mã mà quân khu 1 đã tạo ra. Các anh em nhớ giữ gìn cẩn thận đừng để lộ ra cho địch và bất cứ đơn vị nào ngoài chúng ta biết. Chúng ta sẽ dùng bộ mật mã này để liên lạc với nhau lúc di tản hoặc khi cần thiết...
Mân mê bộ mật mã trong tay Mạnh khều Vinh.
- Xin hỏi anh câu này. Trung tướng Trưởng có đặt tên cho cuộc hành quân bắc tiến chưa?
Vinh hớp ngụm cà phê.
- Đã đặt tên rồi... Sinh Nam Tử Bắc...
Hiền lẩm bẩm:
- Sinh Nam Tử Bắc...
Mọi người lục tục trở về chỗ ngồi của mình khi thấy Vinh bước tới đứng trước tấm bản đồ.
- Tuy chúng ta đã xếp đặt như vậy nhưng nhiều khi tình hình biến chuyển ra ngoài dự định của chúng ta. Điều khó khăn cho chúng ta là phải tuân lệnh thượng cấp mà vẫn duy trì được kế hoạch riêng tư của mình...
Lương hắng giọng.
- Anh nói ra khiến cho tôi có một câu hỏi. Ta có cần phải tuyệt đối tuân hành tất cả lệnh lạc từ Sài Gòn ban ra không?
Trầm ngâm trước câu hỏi này giây lát rồi Vinh mới trả lời.
- Theo tôi thời ta phải tuân hành các lệnh lạc từ Sài gòn đưa ra trong thời bình. Còn đây là thời chiến. Ông Thiệu hay ông Viên ngồi ở thủ đô đâu có rõ chiến trận bằng chúng ta cho nên đôi khi ta không nên tuyệt đối tuân hành các lệnh của họ. Nếu vùng 1 và vùng 2 bị cộng sản chiếm thời không cách gì chúng ta giữ được vùng 3 bởi vì các trục tiến quân đã được bỏ trống cho nên cộng quân tha hồ tập trung 20 sư đoàn chính quy để tấn kích vùng 3 và Sài Gòn. Nếu vùng 3 mất thời liệu tướng Nam có thể cầm cự được không mặc dù ông ta có trường giang hiểm trở. Dù cố giữ quân lực của ta cũng phải tan hàng vì không còn vũ khí và đạn dược. Mỹ nó bỏ thời nó sẽ không chịu tiếp tế vũ khí và đạn được cho ta đâu...
Vinh dừng lại. Giọng nói của anh nhuốm chút nghẹn ngào và buồn bực vì biết trước thế nước ngã nghiêng mà mình bất lực không thể cứu vãn được. Lát sau anh mới hỏi Lương.
- Giả sử như ông Thiệu ra lệnh cho anh phải đưa sư đoàn dù về Sài Gòn thời anh phải làm sao?
- Tôi phải tuân lệnh của ổng...
Vinh cười như đã biết câu trả lời của Lương.
- Anh làm như thế là đúng. Tôi biết anh là một quân nhân mẫu mực, tôn trọng kỷ luật và đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên trên hết. Tuy nhiên chúng ta cũng đừng nên lầm lẫn trung với nước là trung với vua hay với người lãnh đạo...
Mọi người nhìn nhau. Xuyên qua câu nói Vinh đã bày tỏ một điều là vị tướng cầm quân ngoài chiến trường đôi khi phải khéo léo và uyển chuyển cho đúng với tình thế. Đưa ra lệnh bỏ vùng 1 và 2 là ông Thiệu đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng có thể làm mất luôn cả vùng 3 và 4. Cho nên họ phải khéo léo tuân hành lệnh để không gây tổn thất cho đơn vị của mình nói riêng và quân lực nói chung.
Giọng nói chửng chạc của vị đại diện quân khu 1 vang lên trong căn phòng im lặng.
- Trong tình thế gay go này chúng ta nên ém quân, giấu quân hoặc thế bức lắm thời phân tán thành ra các đơn vị nhỏ hơn rồi sau mới tìm cách tập trung lại. Cách này tuy khó khăn nhưng lại ít gây tổn thất...
Vinh ngừng lời khi thấy trung úy Hà bước vào phòng họp một cách đột ngột. Đào lên tiếng trước nhất.
- Có chuyện gì quan trọng không trung úy?
Hà giơ tay chào Đào.
- Thưa trung tá... Cộng quân pháo kích Pleiku và Ban Mê Thuột dữ dội lắm...
Hơi nhỏm người khi nghe tin trên xong Minh hỏi vị trung úy hải quân.
- Còn thêm tin gì không?
Liếc nhanh Đào như để xin phép xong trung úy Hà đáp.
- Thưa trung tá... Qua cuộc điện đàm với bộ tư lệnh hải quân ở Sài Gòn chúng tôi chỉ biết có vậy thôi...
Minh nói với Vinh.
- Chắc tôi phải trở về Pleiku gấp... Các anh em cứ bàn soạn rồi có gì anh gọi điện thoại cho tôi biết...
Minh theo sau Hà rời phòng họp. Giọng nói của Vinh vang lên đều đều trong căn phòng họp.
- Tôi có linh cảm là ý định bỏ vùng 1 và 2 của ông Thiệu bị cộng sản biết cho nên họ mới bắt đầu mở cuộc tấn công toàn diện. Hoặc giả ông ta làm theo lệnh của người Mỹ và Mỹ báo cho tụi Bắc Việt biết. Thôi chuyện cũng phải tới lúc của nó. Vả lại điều đó cũng nằm trong kế hoạch của ta. Tình hình chính trị và quân sự biến chuyển một cách đột ngột nhanh hơn ước đoán và dự tính của tư lệnh của tư lệnh của tôi. Chắc Ban Mê Thuột sẽ mất...
Thở dài sau khi nói xong Vinh nhìn vị đại diện của biệt động quân.
- Cộng quân sẽ cắt các quốc lộ 14, 19 và 21 để chặn đường tiếp viện của quân ta đồng thời cường tập Ban Mê Thuột với lực lượng cở hai ba sư đoàn trở lên. Tôi đoán sư đoàn 23 sẽ không đủ sức giữ và phải tan hàng. Rồi Pleiku cũng sẽ thất thủ...
Vinh thở dài nhè nhẹ.
- Đây là giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất của chúng ta. Phải làm sao bảo toàn lực lượng mà không bị địch nghi ngờ cũng như ông Thiệu và bộ tổng tham mưu biết...
- Tôi nghĩ ông Thiệu sẽ rút sư đoàn dù về một chỗ nào đó. Rút về Sài Gòn ông ta sợ bị đảo chánh...
Hiền lên tiếng. Đào cũng phụ họa.
- Tôi cũng nghĩ như anh Hiền. Không bao giờ ông Thiệu dám để dù hoặc thủy quân lục chiến ở Sài Gòn...
- Bởi vậy nên tụi tôi phải ra vùng hỏa tuyến đóng đồn như nghĩa quân hay địa phương quân...
Bình nói câu trên với giọng bực tức. Lương phụ họa.
- Lính của dù ở đây lâu quá nên có người định đem vợ con ra đây luôn. Như vậy còn đánh đấm gì nữa...
Vinh cười an ủi.
- Chúng biết các đơn vị cơ động của hai anh không nên đóng đồn bót nhưng đây là lệnh của tổng tham mưu và của ông Thiệu thời tư lệnh của tôi cũng đành bó tay. Vả lại có hai anh ở gần chúng tôi ngủ ngon hơn...
Mọi người cười xòa vì câu nói của Vinh. Họ tiếp tục bàn luận tới gần 4 giờ sáng mới giải tán. Đào, Hiền và Vinh còn đứng trên bong tàu trò chuyện khá lâu mới chia tay.
Tags for this Thread
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks