Chương 3


Thái thú Tô Định, vào dịp này, càng vơ vét cướp đoạt được nhiều, càng cảm thấy trong lòng không yên. Và Mê Linh lại cũng vẫn là nơi mà Tô Định băn khoăn nhất. Bởi tiếng đồn đại về hai chị em họ Trưng vẫn cứ từ đất Mê Linh bay đi khắp xứ. Sắc đẹp thì đã đành. Nhưng tính khí ngang tàng, tài thu phục lòng người và đức quảng giáo thì lại cũng chẳng kém gì bậc trượng phu. Mà khá lạ thay cho người xứ này! Trong khi ở Trung nguyên, phụ nữa đều phải và khuôn phép lễ giáo, phu xướng phụ tùy, thì ở đây, đàn bà con gái đâu đâu không. Sự giáo hóa của thiên triều xem chừng còn lâu mới uốn nắn được!

Mùa xuân năm Kiến Vũ thứ mười lăm, Khi Tô Định đến Mê Linh, thì bỗng được tin Trưng Trắc quả đã cùng Thi Sách ở Chu Diên kết nghĩa vợ chồng. Hôn lễ vẫn theo đúng lệ cũ của người Việt: Vợ chồng tuy đã thành thân nhưng người nào vẫn ở lại đất của người ấy. Một lần nữa. Tô Định lại bất giác giật mình và nổi cơn giận dữ thật sự. Bởi lẽ từ hàng chục năm nay, kể từ khi thái thú Tích Quảng trị nhậm đất Giao Chỉ, các thái thú đã thấy không thể để dân Việt sống khác mãi với tục lệ của người Hán được. Vậy nên, trước tiên là thể thức hôn nhân phải định lại. Phải có mối lái, sính lễ, cưới hỏi, ăn ở theo đúng điển lễ Trung Hoa. Kế tục Tịch Quang, bây giờ ở Giao Chỉ có Tô Định, và ở Cửu Chân thì thái thú Nhâm Diên, bạn đồng liêu với Định, đều ra sức giáo hóa dân Việt phải theo điển lễ hôn nhân Hán tộc. Vậy, họ Trưng, họ Thi là dòng dõi các lạc tướng mà vẫn ngang nhiên giữ lễ cũ, không chịu vào khuôn phép mới, thế thì thử hỏi dân man còn giáo hóa làm sao?

Lập tức, Tô Định lại theo gương Tích Quang, tìm trong đám người Hán ở Giao Chỉ, đặt một chức môi quan.

Đấy là người sẽ thay mặt triều đình, kiểm soát các cuộc hôn nhân của người Việt, buộc phải theo đúng điều lệ của nhà Hán!

Tin ấy đến tai hai chị em họ Trưng giữa lúc những người nữ chủ đất Mê Linh đang dạo một lượt các hộ chăn tằm trong làng. Tằm mùa xuân đang một nhân hai, hai nhân bốn, bốn nhân tám... Cuộc hôn nhân giữa Trưng Trắc và Thi Sách, mỗi người làm chủ một phương, kết liền thế lực hai miền đất lớn của người Việt đang nhân bội sức mạnh chống ách đô hộ hà khắc của ngoại bang. Bão táp sẽ từ đây bùng ra. Bọn đô hộ lại muốn dùng điển lễ hôn nhân của chúng để gò bó dân ta chăng? Trưng Trắc chỉ nắm chặt bàn tay em, cười nhạt. Và càng dội lên trong lòng nỗi nhớ yêu chồng.

Làm đúng theo những điều cùng Trưng Trắc bàn bạc. Thi Sách từ khi ở Mê Linh trở về, dốc sức ngày đêm biến Chu Diên thành chỗ dựa bền chắc của Mê Linh trong cuộc khởi nghĩa sắp tới.

Đất Chu Diên là nơi lắm ruộng nhiều vườn. Các làng chạ trong miền, theo lệnh của Thi Sách, đồng góp thóc lúa hoa màu trữ lại một nơi. Và rèn sắt đúc đồng, sửa soạn vũ khí. Những câu chuyện thầm thì, những cặp mắt nhìn kín đáo, và cả những cử chỉ cố gắn kìm hãm. Người người nô nức và âm thầm, bồn chồn chờ ngày khởi nghĩa lấy lại nước cũ.

Tin đi tin về giữa Chu Diên và Mê Linh vẫn đều đặn và ngày càng tăng. Những con thuyền mũi cong, đuôi én, chèo lại vùn vụt, xuôi sông Đáy, ngược sông Cái đưa Trưng Trắc về Chu Diên gặp chồng, đưa Thi Sách lên Mê Linh gặp vợ. Vượt biển khởi, băng rừng núi, những cờ súy thân cận của lạc tướng các huyện xa mãi trong các quân Cửu Chân và Nhật Nam ở phía Nam, các huyện ngoài biển Đông của cõi Giao Chỉ, các huyện xa trên quận Hợp Phố ở mạn Bắc, tất cả cũng đều tìm về Mê Linh, và đón những cừ súy của Trưng Trắc, Trưng Nhị từ Mê Linh đưa đi, bàn định việc nghĩa.

Những con dân của nước Văn Lang xưa, cùng chung nỗi hoạn nạn, theo nếp cũ, chỉ chờ dịp gặp được người kiệt liệt đứng ra xướng xuất việc lớn, là lại tụ hội với nhau thành một mối, tự nhiên như ngày nào.

Một mùa xuân nữa đã đến, mùa xuân năm bốn mươi sau công nguyên.

Vào những ngày mùa xuân năm ấy, Trưng Trắc và Trưng Nhị bận tất bật. Dân Việt khắp nơi đã đủ bề cùng cực. Và lòng mong nước cũ, nhớ đời tự do xưa, càng nấu nung. Người người hướng cả về Mê Linh, chờ đợi chị em họ Trưng hành động.

Dân Mê Linh được lệnh của nữ chủ tướng, từ lâu cũng đã sẵn sàng.

Giữa lúc ấy, một con thuyền quẫy mình ngược sóng hối hả lao về Mê Linh. Tín dữ từ Chu Diên đưa tới: Chàng Thi Sách đã bị Tô Định đem quân từ Quân trị về bắt giết! Tên thái thú tham tàn này, từ ngày được biết Trưng Trắc đã cùng Thi Sách kết thân, thì mỗi lúc một bàng hoàng nhận thấy rõ thêm rằng đây không phải là một cuộc hôn nhân bình thường. Những dấu hiệu biến động của người Việt ở khắp nơi từ sau cuộc hôn nhân ấy, càng khiến Tô Định hoảng hốt, lúng túng tìm cách đối phó với Mê Linh, mà hắn thừa biết là nguồn cội của cơn giông bão đang ì ầm sôi sục. Chưa dám động tới những người con gái mà hắn còn kiêng dè, Tô Định vội vã thử tìm cách triệt vây cánh của Mê Linh. Đưa đại binh đột ngột kéo về Chu Diên, bắt giết Thi Sách, Tô Định nghĩ rằng đấy là hành động trấn áp phủ đầu đác sách nhất của hắn.

Trưng Trắc và Trưng Nhị ấy đang đứng bên tàu voi. Đôi voi trắng khổng lồ, đang độ sung sức, đứng không yên chỗ, hết cuộn vòi lại lắc mình. Chợt con voi lớn bỗng rùng người lùi lại, tung vòi rống lên một tiếng lớn: Nó vừa thấy người nữ chủ thất sắc, loạng choạng níu vòi lấy gốc cây buộc voi khi nghe đám cừ súy hốt hoảng rầm rập chạy tới đưa tin dữ từ Chu Diên...

Lặng đi hồi lâu, Trưng Trắc bỗng lắc người chồm dậy, sải những bước lớn, đi thật nhanh về ngôi nhà làng. Trưng Nhị níu vai chị, rảo chân bước theo. Đám cừ súy rùng rùng chạy gần ở phía sau.

Từ ngôi nhà làng mái cong vút, tiếng trống đồng đột ngột giật giọng gầm lên: Aàm ùng ầm, ầm ầm ầm...

Tiếng trống đồng dội lên vòm cây, đập vào sườn đồi, chạy theo suốt dọc đường trẩy quân. Đất đỏ gió tung, cuồn cuộn cuốn bụi bay cùng tiếng trống. Những giọng hòa reo chốc chốc lại rộ lên một đợt, dìm tiếng trống vào môït biển âm thanh ồn ào, náo động.

Dân Mê Linh, giáo lao, cung nỏ, rìu búa, khiên mộc cuồn cuộn tràn đi theo bóng voi ẩn hiện mờ mờ qua làn bụi ở phía trước. Tất cả đều ra đi. Chỉ để lại trong các làng những người già yếu và con trẻ.