Chương 3
Thứ ba, 28.06.2005 Hôm nay người không được khỏe lắm. Cơ thể tôi bỗng trở thành cái máy thử môi trường bất đắc dĩ. Ở đây được một ngày, tôi bị đau bụng, tiêu chảy, thỉnh thoảng vẫn bị lại. Ở được hai ngày, tôi bị ho, đến giờ này vẫn khạc ra đờm đen. Ở được bốn ngày, da mặt tôi từ từ sẫm lại, không phải là một thứ màu nâu đỏ lành mạnh của người tắm đi biển mà tái sạm như màu chì của bụi bặm và khói xe.
Cả nhà còn ngủ. Tôi ra đầu ngõ, vào quán AQ, uống cà phê sáng.
Đúng 8 giờ, quán mở cửa. Khách đã đến lai rai.
Một cô gái trạc 20, thân hình thon thả, mặt mày phờ phạc theo sau một người đàn ông mập mạp có lẽ là người Đài Loan hay một quan chức vừa bước vào. Đôi chân dài lều khều bước đi như thể không đỡ nổi bộ ngực hơi to hé ra khỏi cổ áo rộng.
Sát bờ rào, một người đàn ông tóc hoa râm, bộ mặt chữ điền to quá khổ càng to thêm vì gọng kính trắng che hết một phần tư khuôn mặt. Ông gọi một ly cà phê sữa rồi móc ra tờ báo. Mở trang đầu xem hình, giở trang 2 đọc lướt tin tức, giở trang 5 gặp mục chính trị, giở trang cuối gặp mục thời sự quốc tế, giở trang 12 gặp mục thể thao, bóng đá. Không giở nữa.
Đầu kia, hai người đàn bà có cái giọng Bắc Hà Tây to như sấm. Những tiếng xưng hô tớ/cậu chua chát trao qua trao lại như tiếng cãi lộn. Hình như một người là giám đốc, một người là thương gia.
Ông khách Tây ngồi trước mặt tôi, không biết ngườinước nào, sáng nào cũng xuất hiện ở đây, vào giờ này, chỉ đi một mình, ngồi uống cà phê, ghi chép giống như tôi.
Bụng tôi đã bằt đầu lâm râm trở lại. Uống nhanh ly cà phê, tôi tính tiền về.
Tụi nhỏ đã dậy rồi. Sau 4 ngày ở Việt Nam chúng đã quen dần giờ giấc, ngủ ngon hơn, đã khỏe lại và đùa giỡn như một bầy sư tử. Đáng mừng là cho tới bây giờ chưa có đứa nào bị đau bụng.
Như thường lệ, chúng tôi qua nhà bên ngoại.
Ngôi nhà cũ 70 năm muốn sụp lúc nào không biết. Ngôi nhà mái ngói âm dương, ba gian vuông vức như một đền thờ tăm tối, cổ kính còn sót lại giữa đám nhà lầu mới xây chung quanh đã giành hết ánh sáng mặt trời. Với một chiều cao khiêm tốn như nó, mặt trời chỉ xuất hiện giữa trưa.
Hẻm này có biệt danh là Xóm ve chai. Trước 75 đã thế, nổi tiếng về nghề mua bán ve chai. Đa số cư dân là dân lao động chân tay, trình độ văn hoá không cao lắm. Đầu hẻm không thấy treo tấm bảng "phố văn hoá" như những hẻm khác.
Sáng nay tôi ở nhà sinh hoạt với gia đình. Bà xã tôi đưa hai ông bà cụ đi khám bệnh.
Tụi nhỏ bây giờ đang nghỉ hè, không biết làm gì, cứ xem TV mãi. Không hiểu sao những phim người lớn, phim bạo lực, kiếm hiệp, chém giết nhau lại được chiếu ban ngày.
Hình minh hoạ khủng long dùng dạy học sinh ở Việt Nam (Ảnh: Dũng Vũ, 06.2005) Trẻ em mùa hè cũng đi học thêm nhưng mấy đứa cháu tôi thì không. Tôi hỏi đùa một đứa "con học xong lớp 4 rồi, con nhớ gì nhất". Nó đáp ngay "Có 5 điều bác Hồ dặn:
Một là yêu tổ quốc, yêu đồng bào.
Hai là học tập tốt, lao động tốt.
Ba là đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
Bốn là giữ gìn vệ sinh thật tốt.
Năm là khiêm tốn, thật thà, dũng cảm."
Về Việt Nam, tôi có mua một số CD phim hoạt hoạ nhi đồng của Walt Disney cho tụi nhỏ. Cả đám thích thú chọn cuốn Khủng long mở lên coi. Ngồi đọc sách mà cứ nghe tụi nhỏ nói mãi cụm từ "thằn lằn khủng long" làm tôi phải chỉnh lại, không phải thằn lằn mà là khủng long. Hỏi ra mới biết lũ trẻ được nhà trường dạy như vậy.
* Chiều nay, Cao Xuân Hạo mời tôi đi ăn tối với mấy người đồng nghiệp trong nhóm Ngôn ngữ học của ông. Ông đến đón tôi tại khách sạn. Anh tài xế chở chúng tôi đi đón thêm giáo sư Nguyễn Đức Dương ở đường Lý Tự Trọng (Gia Long cũ) rồi chạy thẳng đến một quán Huế. Trời sẩm tối, tôi không biết quán tên gì, ở đâu, chỉ biết trời đang mưa.
Giáo sư Bùi Mạnh Hùng đã đứng sẵn đón chúng tôi ngoài cổng quán. Cạnh anh, một cô tiếp viên xinh đẹp mặc áo dài cũng nở nụ cười chào đón chúng tôi. Quán khá đông và náo nhiệt. Chúng tôi không ngồi ngoài mà vào trong một phòng nhỏ yên lặng hơn cho dễ nói chuyện. Phòng chỉ có hai bàn. Một bàn đã có khách, bàn còn lại dành cho chúng tôi. Nói là yên lặng nhưng thực ra cũng không yên cho lắm. Cái bàn nhậu kế bên ồn quá.
Những người tôi mới gặp đều dễ thương. Nguyễn Đức Dương tặng tôi cuốn sách Tìm về linh hồn tiếng Việt của ông. Ông là người rất thân thiện, cười hoài. Anh Bùi Mạnh Hùng cũng rất hiếu khách. Ở Đức khó gặp được những người như thế. Đáng lý hôm nay còn có giáo sư Hoàng Xuân Tâm, nhưng tiếc là ông không đến được.
Bữa ăn nhẹ nhàng, toàn món Huế: bánh bèo, bánh nậm, bánh khoái, ... mỗi thứ một chút. Cao Xuân Hạo bảo ở đây chỉ có dân Bình Trị Thiên. Tôi cũng được tính vào, bởi ông biết mẹ tôi cũng là người Huế như ông.
Không có gì dễ chịu bằng gặp những con người trung thực. Cái tính chất này tạo cho tôi một sự tin tưởng họ là những người trí thức thực sự đáng kính bất kể tuổi tác. Chúng tôi vừa ăn nhè nhẹ vừa lai rai kể chuyện đời. Tôi được dịp biết thêm nhiều sự thật về xã hội Việt Nam. Chẳng biết nói thế nào nhưng tôi nghĩ, Việt Nam thiếu những cái đáng lẽ không nên thiếu, thừa những cái đáng lẽ không nên thừa.
Dọc đường về, Cao Xuân Hạo kể tôi nghe, ông và một bạn đồng nghiệp là giáo sư Hoàng Dũng đang thực hiện một cuốn từ điển thuật ngữ Ngôn ngữ học. Tôi cho đó là một phương tiện hết sức cần thiết cho công việc nghiên cứu. Song thuật ngữ cần sự thống nhất, cần có một hội đồng thuật ngữ, mọi người nên ngồi lại làm việc với nhau và biểu quyết theo tinh thần dân chủ. Cao Xuân Hạo nói Việt Nam không có hội đồng thuật ngữ; không ai chịu làm, ai cũng cho mình đúng.
Hoá ra ngay những nhà khoa học Việt Nam cũng không muốn làm việc dân chủ. Thế thì đòi dân chủ để làm gì?
Thứ tư, 29.06.2005 Sáng uống cà phê ở AQ, ngồi ghi chép.
Mấy đứa nhỏ đã dậy rồi. Chúng tôi qua nhà bên ngoại.
Ngồi trò chuyện với mọi người đôi chút, tôi đi check mail.
Tôi thường ra khu chợ Vườn Chuối ở gần nhà. Ghé hai tiệm Internet đều hết chỗ. Tiệm thứ ba còn một chỗ. Bây giờ đang mùa nghỉ hè, quán nào cũng đông. Khách hàng chủ yếu là bọn học trò.
Tiệm Internet ở Việt Nam rất đơn giản. Chỉ cần một cái tầng trệt, rộng ba bốn thước, dài bảy tám thước hay mười thước, có quạt máy là xong. Có máy lạnh càng tốt. Máy tính xếp thành từng dãy. Giữa là lối đi. Mỗi máy là một không gian riêng biệt, hẹp, đủ chỗ cho một người. Hai máy cách nhau bằng một tấm chắn để người ngồi bên máy này đừng thấy người bên kia.
Trên mỗi màn hình máy trống đều hiện lời khuyến cáo: không truy cập những trang văn hoá đồi trụy, phản động.
Tôi đã đi thăm nhiều tiệm Internet ở Sài Gòn nhưng chưa thấy ai xem hình sex. Nghĩ cho cùng, cho dù có muốn, cũng không ai đủ can đảm ngồi xem lộ liễu giữa chốn đông người, mà nhất là người Việt. Lòng ham muốn này chỉ có thể xảy ra ở nhà hay một nơi kín đáo.
Không cho trẻ em tiếp cập những trang sex thiếu lành mạnh là điều tốt, tránh được tệ nạn bạo lực tình dục. Thế nhưng khó tránh chuyện chơi game và chat.
Hầu như mọi chỗ đều giống nhau, bọn trẻ đến quán Internet chỉ mê game và chat. Có quá nhiều thứ game mà phần lớn đều bạo lực: đâm chém, đấm đá, bắn giết đối thủ để kiếm điểm. Chơi mê chơi mệt. Không vừa ý là đập bàn, chửi thề. Có máy tụ hai tụ ba chơi cá độ. Không vừa ý là gây lộn.
Dân tán gẫu (chat) ôn hoà hơn. Mỗi máy là một không gian riêng biệt dành cho một người. Gõ lóc cóc, gửi đi rồi đợi trả lời. Ðược trả lời, lại gõ lóc cóc gửi đi. Nhiều cô được hồi âm, mắt nhíp cười sung sướng, rồi vội vã sửa sang mái tóc, bật máy chụp hình (Webcam) cho chàng bên kia chiêm ngưỡng dung nhan mới cập nhật của mình. Nhiều cậu lộ vẻ mặt u sầu như một kẻ thất tình không còn thiết sống. Đôi mắt dán chặt vào màn hình, có lúc giận dữ, trách móc, có lúc đờ đẫn, đầu lắc lư như thể đang năn nỉ người đối diện một điều gì quan trọng. Tất cả đều chìm đắm trong thế giới ảo riêng tư.
Còn có một cách chat không cần gõ mà là nói: Dùng Yahoo Messenger. Máy có ống nghe, microphone cho phép đàm thoại trực tiếp, có webcam giữ nhiệm vụ thu hình để hai bên nhìn thấy nhau như đang ngồi đối diện thật. Nhiều cô nói tiếng Nam đặc sệt cũng ráng sửa thành giọng Bắc cho dịu dàng, truyền cảm. Nhiều cậu người Bắc, người Thanh Hoá cũng cố nhái giọng Sài Gòn cho có vẻ thật thà. Đôi khi còn chêm thêm một câu thơ tình cho cuộc tán gẫu thêm phần lãng mạn.
10:05, tôi rời quán.
Mấy tiếng đồng hồ sau tôi quay lại, nhận thư. Đám trẻ vẫn còn ở đó. Tất cả đều mệt mỏi, mặt lờ đờ, ngồi ngả nghiêng ngả ngửa. Trời đã trưa, đói bụng, có đứa ôm đĩa cơm, có đứa ôm tô mì, ngồi xếp chân trên nghế, vừa ăn vừa tán gẫu, vừa chơi tiếp trong gian phòng mịt mù khói thuốc. Không vừa ý là chửi thề.
Sài Gòn có rất nhiều quán Internet. Ngoài những quán Café Internet sang trọng ở trung tâm thành phố hoặc ở Đa Kao, phần lớn đều thuộc hạng bình dân, giá rẻ như bèo, chỉ 2000 đồng một giờ, ai cũng trả được. Nhưng ai vào đó làm gì ? Các cô buôn phấn bán hương vào trao đổi với khách hàng. Rất ít. Người vào đọc thư, viết thư. Rất ít. Người vào gọi điện thoại đi ngoại quốc cho rẻ tiền. Rất ít. Người vào lướt mạng (surf). Rất ít. Những trang báo Việt hải ngoại nguoi-viet, vietbao, talawas, tienve, ... đều bị chặn tường lửa. Các trang báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, ... trong nước không bị tường lửa, cũng chẳng thấy ai vào. Chẳng ai vào đó ngồi đọc báo. Muốn đọc, người ta ra ngoài mua tờ báo, đọc thoải mái hơn, nhiều tin tức hơn, rẻ tiền hơn. Vào các trang sex, porno thì lộ liễu quá. Cuối cùng vào Internet chủ yếu để chơi game và chat. Ðại đa số là thanh thiếu niên.
Thật đáng tiếc cho Việt Nam. Internet chứa một kho tàng tri thức miễn phí, đáng học hỏi nhưng tuổi trẻ Việt Nam không biết khai thác mà chỉ biết tán gẫu, tìm đến những trò chơi vô bổ.
Một game website ở Việt Nam (Ảnh: Dũng Vũ, 06.2005) Không biết ở Việt Nam thế nào chứ nơi tôi ở, cha mẹ kiểm soát con em rất kỹ về việc dùng máy tính. Ít ai để con mình chơi game. Mà giả sử có cho chơi, trò chơi cũng được chọn lọc kỹ lưỡng, tối kỵ những thứ bạo lực, khiêu dâm. Không thiếu những trò chơi lành mạnh giúp trẻ em suy nghĩ, tính toán, tập tính phản xạ nhanh. Trẻ em chỉ được chơi có giới hạn, mỗi ngày nửa tiếng hay một tiếng. Internet cũng là nơi học sinh thường tìm kiếm thông tin để làm bài tập ở nhà.
Ngành giáo dục Việt Nam nên tập cho giới trẻ thói quen tự tìm kiếm thông tin. Sinh viên học sinh Việt Nam khá yếu về kỹ năng này. Tự tìm kiếm thông tin không những giúp con người tự khai trí mà còn tăng cường tính tự chủ. Kiếm thông tin tiếng Việt không có, thì kiếm thông tin ngoại ngữ. Đó cũng là dịp để các em trau dồi ngoại ngữ ít nhất về hai mặt: đọc và dịch.
* Chiều, cô bạn Th. mời gia đình chúng tôi tới quán chơi. Trời cúp điện. Lũ trẻ thấy lạ, nhảy lên reo mừng. Hôm nay chúng được cô cho ăn món Spaghetti hạp khẩu. Chiều nay tôi còn được gặp một anh bạn văn nghệ ở Mỹ về. Cả đám trò chuyện thật vui.
Tối về lại lấy xe Honda chở vợ con đi vòng vòng chơi.
Thứ năm, 30.06.2005 Tôi muốn lợi dụng chuyến đi này để mua thật nhiều sách tiếng Việt vì bên Đức rất khó kiếm. Mấy bữa trước tôi đã mua được một số, phần lớn chuyên về văn hoá, văn học, còn về ngôn ngữ học không được bao nhiêu. Hôm nay ghé lại nhà sách Xuân Thu lần nữa, tình cờ mua được thêm một cuốn mới: Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt của Cao Xuân Hạo. Ông muốn tặng tôi cuốn này nhưng không còn ở nhà. Ông nhờ người liên lạc với nhà sách Phương Nam, tiếc là cũng không còn.
Một nhà sách ở Sài Gòn (Ảnh: Dũng Vũ) Mỗi lần không kiếm được sách, tôi đều hỏi người bán hàng, loại sách này mua ở đâu, và lần này cũng vậy, lại được trả lời chung chung "Tiệm em cũng có bán nhưng mà hết rồi. Không biết mấy tiệm khác còn không". Cô bán hàng không muốn tôi hỏi nữa, giơ tay chỉ ra đằng sau, nói "Xin lỗi anh, cho em tính tiền cho khách". Phía sau tôi, khách đang đứng xếp hàng đợi tính tiền. Cảm thấy mình hơi bất lịch sự, tôi bèn xin lỗi rồi cầm túi sách lặng lẽ ra đi.
Ra khỏi tiệm, tôi đi kiếm xe ôm. Mấy người lái xe ôm đậu trên đường Đồng Khởi thấy người bước ra, liền giơ tay vẫy. Tôi đi đến một người đàn ông gầy gò, khoảng 55-60, đeo kính cận, ngồi trầm ngâm trên chiếc xe Honda 50 cc cũ kỹ. Tôi trình bày với anh điều tôi muốn. Anh gật đầu trả lời ngay "Vậy thì để tôi chở anh đến chỗ này xem được không nhé". Tôi gật đầu, nhưng ra điều kiện, trước hết tôi muốn nhờ anh chở tôi đi mua một cái máy đo huyết áp cho ông cụ. Không thành vấn đề. Anh vui vẻ chở tôi đến khu bán đồ y tế trên đường Trần Hưng Đạo. Mua xong, anh chở tôi đến khu bán sách cũ. Đáng lý tôi phải trả anh tiền xe, nhưng nghĩ lại, không biết mình có mua được gì không hay phải đi tiếp, nên tôi muốn giữ anh lại. Anh vui vẻ đồng ý.
Khu bán sách cũ nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự cũ) gần công trường Cộng Hoà cũ, nay gọi là Ngã sáu Lê Hồng Phong. Khu này có nhiều tiệm sách cũ nằm rải rác hai bên đường. Ở đây tôi mua được nhiều sách ngôn ngữ học. Hầu hết đều là sách cũ trước 75, kể cả những cuốn thời Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm, ... Sách cũ đắt gấp hai ba lần sách mới. Tuy vậy tôi vẫn thích và tin tưởng hơn bởi vì nghe nói có những cuốn đồng tác giả được in lại sau này, mặc dầu giá rẻ hơn nhưng nội dung được biên tập lại, hoặc bị kiểm duyệt không còn đúng như nguyên bản.
Đi hết các nhà sách cũ, tôi ghé nhà sách Minh Khai gần đó. Tiệm này chỉ bán sách mới. Tôi mua được thêm một số không tìm thấy ở các nhà sách lớn trong trung tâm phố. Phải nói rằng, phong cách phục vụ ở đây không chê vào đâu được. Nhân viên phục vụ rất niềm nở, tận tình. Người chủ (tôi đoán vậy) mặc áo vét, thắt cà vạt tiếp khách hết sức chân tình và lịch sự như một người có học.
Chuyến đi hôm nay kết thúc thành công. Tôi rất hài lòng và hấp tấp trở về anh lái xe ôm đang kiên nhẫn đợi bên ngoài. Trời giữa trưa nóng quá, nắng gay gắt đổ lên đầu. Vừa khát nước vừa đói bụng. Tôi hỏi anh tài xế một chỗ ăn trưa ở gần đây. Anh hỏi lại tôi, Việt kiều thường thích ăn phở, chắc tôi cũng thích. Tôi gật đầu. Anh đề nghị đến phở Lệ 2 trên đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ) không xa đây và cũng gần khách sạn tôi ở.
Đến nơi, tôi mời anh vào cùng ăn chung. Anh từ chối vì phải ngồi giữ xe. Tôi lại mời anh lần nữa, anh lại vui vẻ khước từ vì lý do đã ăn rồi. Thực sự tôi chẳng thấy anh ăn gì cả trong lúc tôi mua sách. Chắc chắn anh ngại nên không dám nhận lời. Bất chợt trời đổ mưa. Chúng tôi vội vàng ôm đống sách vào trong.
Tôi lại tiếp tục mời anh ăn cái gì. Anh lại từ chối. Anh đang khát và chỉ muốn uống nước. Tôi đề nghị làm chai bia lạnh. Anh cũng từ chối, chỉ xin ly trà đá. Tôi gọi đại hai chai bia ướp lạnh, cuối cùng anh cũng uống với tôi.
Nhờ trời mưa chúng tôi được một bữa ăn chung. Chúng tôi gọi hai tô phở.
Anh Th. có tật giống tôi là ăn rất chậm. Cách nói chuyện cho thấy anh là người có học. Từ tốn, nhỏ nhẹ. Ngoài ra anh còn hai đặc điểm: bàn tay phải cụt mất ngón trỏ, và chân trái đi hơi cà nhắc. Anh kể tôi nghe anh là thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà. Thời xưa anh là một giáo viên thuộc diện sĩ quan trừ bị, không cầm súng chiến đấu mà chỉ đi dạy học nơi vùng quê hẻo lánh. Anh bị thương ở chân sau một trận pháo kích, may mắn còn sống sót, trong khi nhiều học trò của anh bị chết. Từ đó anh đâm bất mãn chiến tranh. Một người lính bị thương đáng lý được giải ngũ, nhưng không, anh lại phải ra một chiến trường mà anh không muốn. Cuối cùng anh dùng súng bắn văng ngón tay trỏ và chấp nhận đi tù.
Ở tù hai năm thì đến ngày 30.04.75. Anh trở về nhà. Chẳng bao lâu anh lại bị đi tù cải tạo vì anh là lính "ngụy". Tổng cộng sáu năm.
Ngày xưa nhà anh cũng bị tiếp thu. Cả nhà bị đẩy đi vùng kinh tế mới, ly tán khắp nơi. Riêng vợ con anh, sống không nổi, lại trốn về Sài Gòn. May mắn sao vợ anh gặp được một ông cán bộ cao cấp già có lòng thương cho ở nhờ. Vợ ông chỉ cần làm việc phụ trong nhà; con cái được ông cho ăn học đàng hoàng. Người cán bộ tốt bụng còn dùng thế lực của mình giúp đỡ người vợ đi thăm chồng tận ngoài Bắc. Mấy năm sau không thấy vợ mình đi thăm nuôi, được thả ra, anh trở về tìm vợ con nơi nhà ông cán bộ. Cuối cùng mới biết, ông cán bộ già đã lo cho mấy mẹ con đi vượt biên, nhưng tàu bị chìm và chết hết. Còn ông, cũng sắp chết vì bị bệnh ung thư. Trước khi mất, ông cho anh một chiếc xe Honda để kiếm ăn. Anh vẫn giữ kỷ vật đó và nó chính là chiếc xe Honda anh đã chở tôi.
Tôi hỏi anh sao không đi Mỹ theo diện HO. Anh lắc đầu bảo, mỗi lần nghĩ tới chuyện "đi xa", anh lại bị ám ảnh đến "chuyến đi xa" của vợ con anh, nên không muốn. Đôi mắt anh bỗng ướt. Anh gỡ kiếng, lấy hai tay day day mắt. Anh nói, anh đã lớn tuổi, qua đó không biết làm gì, không có người thân nên thôi đành ở lại, dẫu sao Việt Nam bây giờ cũng đỡ hơn trước nhiều. Tôi hỏi, anh là thương binh, nhà nước có trợ cấp cho anh không. Anh cười bảo, mình là lính "ngụy", người ta không thù mình nữa, để cho mình sống là may lắm rồi.
Bookmarks